Giới trẻ Việt ở Đức và Uwe

Uwe Siemon-Netto nguyên là ký giả chiến trường đã từng trực tiếp tham gia cuộc chiến quốc-cộng vừa qua tại nước ta. Khác với một số không ít những phóng viên, bỉnh bút thiên tả và phản chiến, Uwe Siemon-Netto dứt khoát đứng về phía chính nghĩa quốc gia và triệt để bênh vực quân dân Việt Nam Cộng Hoà. Tác phẩm Đức, A reporter's love for a wounded people cùng với bản dịch sang Việt ngữ Đức, tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương đã được phát hành năm 2013. Khi tái bản, ấn bản Anh ngữ mang một tựa đề còn gây cảm xúc hơn : Triumph of the Absurd. Đức, A reporter's love for the abandoned people of Vietnam. Ấn bản Đức ngữ Đức, der Deutsche. Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten (Đức, ông Đức. Nước Việt Nam của tôi. Tại sao kẻ dối trá đã chiến thắng) vừa ra mắt giới thưởng ngoạn tại Hội chợ Sách Quốc tế Leipzig vào tháng ba này. Nhân dịp tác giả có mặt tại Đức quốc, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức giới thiệu tác giả với Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Vùng Ruhrgebiet và tiếp tay cùng nhóm bạn trẻ nam nữ thuộc thế hệ thứ hai tổ chức buổi tiếp xúc giữa tác giả và đồng hương Việt Nam vào ngày thứ bảy 22 tháng 3 tại Witten, một thi trấn nằm gần thành phố Dortmund, vùng đại công kỹ nghệ truyền thống của nước Đức. Vì đối tượng chủ yếu là thành phần trẻ sinh ra và lớn lên trên quê hương của Goethe, của Schiller nên ngôn ngữ sử dụng trong phần hội luận là Đức ngữ, chỉ khi rất cần thiết mới có thông dịch hai chiều tại chỗ. *   Chúng tôi hẹn đón Uwe Siemon-Netto đến từ Berlin tại nhà ga chính Dortmund. Tất cả có ba người cư trú tại Dortmund và cá nhân tôi đến từ Bonn. Thấy có đến bốn người đón mình, Siemon-Netto đùa giỡn bảo : “Thế này thì cả Sàigòn kéo đến ga Dortmund rồi còn gì?“. Tại Hội trường, buổi sinh hoạt bắt đầu qua nghi lễ chào quốc kỳ và cử quốc ca Đức, bài Deutschlandlied rồi chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ và đồng hát quốc ca Tiếng gọi Công dân.   Tiếp theo lời chào mừng của vị Hội trưởng Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Vùng Ruhrgebiet, Dược sĩ Nguyễn Trần Xuân Phong, điều hợp viên trẻ tuổi Vũ Duy Minh Khoa mời tôi phụ trách phần giới thiệu tác giả và tác phẩm. Tôi nhấn mạnh tinh thần nhân bản của Siemon-Netto, vốn xuất thân là một tín đồ Thiên chúa giáo từng tốt nghiệp Thần học. Tôi trình bày đặc điểm của từng ấn bản : 1) Anh ngữ, bản in thứ nhất và bản in thứ hai, 2) Việt ngữ với hai dịch giả Lý Văn Quý và Nguyễn Hiền và 3) Đức ngữ, ra mắt giới độc giả trước tiên tại Đức. Nhân dịp này, dịch giả Nguyễn Hiền được giới thiệu cùng công chúng khán thính giả. So với ấn bản Anh ngữ và Việt ngữ phát hành năm ngoái, bản Đức ngữ ấn loát mỹ thuật hơn, có nhiều hình ảnh hơn và cũng mang một số thay đổi về nội dung, có đoạn mới được thêm vào và cũng có đoạn bị xoá bỏ bớt. Phân tích ấn bản Đức ngữ, tôi lần lượt trình bày qua chiếu lên màn ảnh một số trích đoạn nguyên văn kèm theo lời bình luận cá nhân. Tôi đề cập đến các câu chuyện thời sự quá khứ mà Siemon-Netto đã trung thực tường thuật, tôi nêu lên vài dật sự liên quan tới các nhân vật đầu não Việt cộng, tôi nhấn mạnh thái độ thiên vị bất công của một số giáo sư đại học và chính trị gia Đức xuất hiện trong tác phẩm. Ký thác tâm tình yêu thương dân tộc Việt Nam nạn nhân khốn khổ của bàn cờ chính trị quốc tế, Siemon-Netto dõng dạc nói lên tiếng nói công chính của lương tri con người khi tường thuật cuộc chiến quốc-cộng vừa qua mà kẻ tự xưng “giải phóng“ đã tận dụng chiến thuật khủng bố, đe dọa, lừa đảo, bịp bợm để gây chết chóc thương tật cho triệu triệu đồng hương, để xua đuổi hàng loạt đồng bào ra biển cả nộp mạng cho giông bão và hải tặc; để giam cầm đày ải vô số quân dân cán chính Miền Nam v.v..song hành cùng một chiến dịch tuyên truyền rộng lớn xuyên tạc chính nghĩa quốc gia. Nhưng nổi bật hơn cả là chủ đích chí công vô tư của tác phẩm, nó muốn đạp đổ, đánh tan dư luận quen thuộc của giới truyền thông phương Tây, vốn có xu hướng thiên vị, phản chiến, thân cộng. Để kết luận, tôi kêu gọi giới trẻ hiện đang theo học hoặc đã tốt nghiệp từ môi trường Trung học Đức hãy cố gắng phát hiện những bằng chứng lệch lạc – nếu thấy có – trong sách giáo khoa sử học dành cho học sinh Trung học Đức liên quan đến cuộc chiến vừa qua của dân tộc chúng ta. Trong trường hợp phát hiện được những trang sách mang nội dung đáng tiếc vừa kể thì giới trẻ có bổn phận phải liên lạc cùng những giới chức hữu quyền và hữu trách Đức như Bộ Đào tạo và Nghiên cứu Liên bang, như Hội đồng các Bộ trưởng Văn hoá Giáo dục cấp Tiểu bang nhằm yêu cầu đính chính. Đến lượt mình, Uwe Siemon-Netto trình bày mục đích và động cơ thai nghén cưu mang cuốn sách Đức, der Deutsche. Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten. Tác giả say mê nói về những cảm nghĩ cá nhân đối trước vận mệnh thảm khốc của một dân tộc bị bỏ rơi một cách quá tàn nhẫn, quá phũ phàng. Hướng về cử tọa hiện diện và dùng các đại danh từ thân mật Ihr, Euch để xưng hô, Siemon-Netto mang tâm tư dàn trải với tập thể khán thính giả về mối thâm tình sẵn sàng thông cảm những đau thương mất mát mà những người đang chú ý nghe mình từng là nạn nhân oan nghiệt. Thỉnh thoảng tác giả lại lật ra đọc lớn vài đoạn trích dẫn. Hội trường đông nghẹt chăm chú theo dõi bài thuyết trình ứng khẩu. Xen kẽ vào phần giới thiệu và bình sách là bản nhạc Anh là ai, chuyển ngữ tiếng Đức, do nhạc sĩ Ve Sầu đến từ München vừa đệm đàn ghi-ta vửa cất cao tiếng hát. Tiếp đến là giai đoạn nghỉ giải lao. Trong giai đoạn này, khối sách hai mươi bản do Nhà Xuất bản Brunnen Verlag Basel trực tiếp gửi đến Ban Tổ chức được bày bán. Phải nói là đã xảy ra tình trạng gần như tranh giành. Bà con xúm nhau đòi mua sách và chỉ trong chớp mắt, hai mươi quyển sách đã có ngay chủ nhân. Thế là ấn bản Việt ngữ do dịch giả Nguyễn Hiền mang từ Hoà Lan sang liền được đưa ra. Lại một màn hưởng ứng chiếu cố tận tình và trong khoảnh khắc, bốn mươi cuốn sách được tiêu thụ. Lợi dụng thời gian giải lao, độc giả chủ nhân mới của tác phẩm tranh nhau xin chữ ký của tác giả. Đồng thời, nhóm phóng viên truyền thanh báo chí Ruhrnachrichten cũng tiến hành phỏng vấn Uwe Siemon-Netto. Sau khi nghỉ giải lao, Hội trường chứng kiến phần hỏi đáp giữa khán thính giả và Uwe Siemon-Netto. Những người nêu câu hỏi thuộc cả giới đứng tuổi lẫn giới trẻ tuổi. Tất cả đều là nam giới, chỉ duy nhất có một độc giả thuộc nữ giới rất trẻ, mang dáng dấp học sinh Trung học hơn là sinh viên Đại học. Cháu nêu câu hỏi hết sức thực tế : hiện ở vùng địa phương cháu sinh sống, Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên Bang Đức đang tiến hành tổ chức những cơ cấu cấp địa phương thống thuộc; vậy trước âm mưu tiếm danh và xâm nhập này, Uwe Siemon-Netto với kinh nghiệm hành nghề truyền thông chống cộng, có thể giúp được gì hay không? Chú thích : tổ chức mệnh danh Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên Bang Đức là một cơ cấu thân cộng được sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao Việt cộng. Vị ký giả người Đức hoan nghênh vị độc giả nữ giới duy nhất và chia sẻ mối quan ngại của cháu, đồng thời hứa sẽ vận động môi trường báo chí xuất bản và truyền thanh truyền hình Đức ngữ tiếp tay cùng các tổ chức chống cộng của phe người Việt quốc gia để bảo vệ thế đứng và xác nhận căn cước của cộng đồng tỵ nạn lưu vong Việt Nam. Anh Huỳnh Quốc Bảo từng thuyết trình cho bạn bè cùng học Trung học về thái độ loan tin thiếu trung thực của môi trường truyền thông truyền hình Đức lúc anh mới mười sáu tuổi. Nay anh đã tốt nghiệp Đại học Y khoa. Chống hai nạng để di chuyển, anh Bảo hỏi Uwe là những người Đức gọi là thuộc thế hệ 68 ngày trước kéo nhau biểu tình hô “Ho, Ho, Ho“ khắp nước Đức nay nghĩ sao khi đối diện với tập thể người Việt lưu vong tỵ nạn đang được tổ quốc của họ cưu mang. Siemon-Netto khen ngợi câu hỏi hay và đúng; ông trả lời rằng đa số những thành phần đó nay đã nhận ra rằng mình sai lầm và biểu lộ thái độ ân hận, thậm chí sám hối, lắm trường hợp rất thành thực. Bác sĩ Hà Ngọc Minh là người đầu tiên nêu câu hỏi. Ông yêu cầu Siemon-Netto cho biết đã phát hiện ra sự kiện “die Falschen siegten, phe lừa đảo đã chiến thắng“ vào lúc nào? Câu trả lời đến ngay lập tức, không do dự, không dè dặt, không ngập ngừng, không ngần ngại : “Vom Anfang, ngay từ đầu“. Vì trong một cuộc chiến mà bên này đánh không phải để thắng trong khi bên kia đánh chỉ để mà thắng thì thế tất nhiên bọn lừa đảo, lũ ma giáo sớm hay muộn cũng chiếm được thượng phong. Câu hỏi kế tiếp : tại sao mãi hôm nay, gần bốn thập niên sau khi cuộc chiến chấm dứt, tác phẩm về cuộc chiến mới ra mắt giới thưởng ngoạn? Trả lời : đã liều mình xông ra mặt trận đốî diện với tử thần để viết nhiều phóng sự trung thực về cuộc chiến, đã gian truân tranh đấu thậm chí có khi đến mất việc làm để những thiên phóng sự liên hệ được đăng tải; nhưng cần một đoạn lùi thời gian để bình tĩnh khách quan đánh giá hiện thực lịch sử cùng với một thời điểm thích nghi trong cuộc đời bản thân để chấp bút tác phẩm. Một vị sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà cựu Tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân xin phát biểu ý kiến. Vì ông sử dụng Đức ngữ không thực thông thạo nên tôi phụ giúp ông trong vai trò thông dịch trực tiếp. Vị sĩ quan muốn biết tại sao Hiệp định Paris với sự cam kết của Liên Hiệp Quốc cùng cả chục quốc gia khác trong số có các đại cường mà khi Việt cộng trắng trợn ngang nhiên vi phạm Hiệp định, cộng đồng quốc tế không làm gì được sất. Trả lời : đối với một chế độ vô pháp vô thiên độc tài toàn trị như chế độ Việt cộng thì nền văn minh nhân loại trở thành bất lực chẳng thể nào chi phối hay chế tài. Hỏi tiếp : tại sao lũ lừa đảo lại có thể chiến thắng? Trả lời : bởi vì chúng sử dụng khủng bố, khủng bố và khủng bố. Ngay từ khi mới thành lập, cái gọi là Mặt trận Giải phóng Miền Nam trong khi tiến hành du kích chiến đã chủ trương tuyên truyền láo khoét và bạo lực khủng bố khiến dân chúng khiếp sợ để hòng khuất phục. Qua giai đoạn kế tiếp, cường độ khủng bố gia tăng theo cùng chiến thuật vận động chiến với những trận đánh cấp sư đoàn như trận Ia Drang (tác giả điểm những trang sách tường thuật tại chỗ trận đánh khốc liệt này) trong khi ở hậu phương của phe quốc gia thì đặc công đặt bom sát nhân hàng loạt kể cả phụ nử nhi đồng như vụ nổ bom nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, chỉ cách khách sạn Continental nơi tác giả cư trú có chừng vài trăm mét. Nhiều người khác còn tham gia nêu câu hỏi nhưng tôi không ghi thêm vì sợ bài viết quá dài. * Vào những lúc tạm ngưng thảo luận, tôi tìm cách thăm dò giới trẻ về tác động của buổi hội thảo. Các cháu cho biết có cảm tưởng như đây là một buổi tranh cãi ở học đường về một đề tài thiết thực. Có cháu ngỏ ý tiếc vì chỉ các bạn trẻ vùng Ruhrgebiet là được dịp tham gia; giá như chúng ta tổ chức ở những nơi khác nữa thì thật là đáng mừng. Nhìn chung, các cháu cho biết trong các trường Trung học Đức, cuộc chiến quốc-cộng tại Việt Nam nếu có được đề cập đến thì không phải là bị trình bày sai lạc xuyên tạc mà nói cho đúng, cuộc chiến đó chỉ được trình bày rất ngắn gọn sơ sài. Học đường Đức còn phải chú tâm giáo dục giới trẻ về tội ác của chế độ quốc xã mà người Đức luôn luôn nhắc nhở thanh thiếu niên là không bao giờ được quên, cùng lúc với tội ác của đảng cộng sản Đông Đức cũ. Các cháu cũng tâm sự là qua sự giáo dục của gia đình cha mẹ, các cháu biết bất bình khi xem những đoạn phim ảnh hay thiên phóng sự liên quan đến quê hương được trình bày thiếu chân thực khách quan, dẫu rằng nhiều khi chỉ do vô tình, không cố ý. Những người trẻ cả nam lẫn nữ tuổi từ hai mươi đến ba mươi đã tự nguyện đứng ra phụ trách tổ chức buổi gặp mặt với Uwe Siemon-Netto vào ngày thứ bảy 22.03 mặc dầu ngày thứ hai 24.03 các cháu có bài làm bài thi ở trường ở lớp. Các cháu sẵn sàng nhận trách nhiệm. Mặt khác, sự hiện diện đông đảo, sự tập trung nhiều lớp, sự tham gia nhiệt tình của thanh thiếu niên đồng hương – số lượng các cháu có mặt trong buổi hội thảo nếu không lớn hơn thì ít nhất cũng suýt soát số lượng người lớn tuổi – phủ nhận lập luận phản động và phản phúc theo đó giới trẻ có xu hướng dị ứng với cờ vàng (!?) , cho nên phụ huynh cũng nên tùy theo thực tế mà hành động(!?). Chung qui tất cả cũng chỉ là từ một tấc lòng, tấc lòng muốn làm một chút gì cho dân tộc, cho quê hương, dẫu rằng tuổi tác chỉ mới bằng Trần Quốc Toản. Cao niên và niên thiếu mật thiết cộng tác để truyền đạt thông tin tới người Đức. Trước hết là tới khán thính giả Nhật nhĩ man hiện diện tại buổi hội thảo, có cả người thuộc Đảng Xanh Die Grüne. Thứ nữa là nhắm vào công chúng Đức. Cuộc phỏng vấn của cơ quan thông tin báo chí phát thanh truyền hình Ruhrnachrichten có đối tượng là quần chúng Đức vùng Ruhr rộng lớn và đông dân. Hội chợ sách Quốc tế Leipzig đã dành cho Siemon-Netto đến ba lần bình sách. Để tạo thêm cơ hội tiếp xúc cho tác giả, Liên Hội đứng ra giới thiệu Siemon-Netto với cơ quan Gedenkbibliothek für die Opfer des Stalinismus (Thư viện Tưởng niệm các Nạn nhân Chế độ Stalinít) có trụ sở ở Berlin và buổi gặp mặt đã diễn ra hôm thứ năm 20.03 lúc 19 giờ với kết quả mỹ mãn. Phía Việt Nam có năm nam nữ hiện diện mà một vị nữ lưu là người gốc Nùng rất xinh đẹp, theo như lời kể lại của Uwe Siemon-Netto. Ngày kế tiếp buổi hội luận tại Witten, chủ nhật 23.03.2014, cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam qua tổ chức Danke Deutschland (Cám ơn nước Đức) cũng triệu tập một buổi sinh hoạt đấu tranh chính trị giữa Siemon-Netto và tập thể đồng hương cư trú tại thủ đô Cộng hoà Liên bang Đức. Chống cộng mang rất nhiều hình thức dị biệt. Siemon-Netto đến Witten thăm hỏi, trò chuyện tâm tình cùng người Việt Nam nhất là những người Việt Nam mới lớn lên hay đã nên thân người là một dạng thức đấu tranh cho công bình công chính của lịch sử. Cung cách đấu tranh đó là khắc tinh của bộ máy tuyên truyền dối trá lừa lọc của những kẻ đã chiến thắng về quân sự nhưng đang thất bại về nhân tâm.
......

Tổ chức ACAT mở chiến dịch viết thư thăm Tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy

Kêu gọi hành động khẩn số 22 Chiến dịch sẽ kết thúc ngày 22 Tháng Tư 2014 Bệnh nặng trong tù không được chữa trị. Là một người lên tiếng bảo vệ quyền sở hữu ruộng đất, bà Trần thị Thúy đã bị giam giữ trái phép từ năm 2010 và thường xuyên bị làm việc khổ sai. Tuy bệnh nặng, bà không được chăm sóc sức khỏe và bị giam cầm trong hoàn cảnh rất thảm thương. Từ lúc bị bắt, tổ chức ACAT đã nhiều lần can thiệp cho bà. Hiện đang bị giam tại trại tù K5 huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai (Nam Việt Nam), bà phải làm những việc nặng nhọc, như mỗi ngày phải phơi khoảng 50 kí-lô cá. Sau nhiều lần bất tỉnh, một cuộc khám nghiệm vào mùa thu 2013 cho thấy bà bị đau cột sống và bị sạn thận. Tuy nhiên ban điều hành trại làm áp lực chỉ cho chữa trị nếu bà nhận tội. Biết mình không làm điều gì sai luật, bà Thúy đã cương quyết từ chối không ký vào bảng cáo trạng này. Trưởng trại giam hiện đang mua chuộc bà với hình thức nếu nhận tội thì được giảm án. Mẹ bà Thúy cũng bị nhiều áp lực từ những giới chức cao cấp trong ngành công an. Bà Thúy là người đã tích cực bảo vệ những nông dân bị cưỡng chiếm ruộng đất trái phép. Bị bắt vào tháng 8/2010 cùng với sáu người khác cùng nhóm tại Bến Tre, bà bị kết án 8 năm tù giam theo điều 79 luật hình sự vì tội mưu toan lật đổ chính quyền, trong một phiên toà xử kín và gấp rút vào tháng 5/2011. Tháng 9/2011, Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc đã liên tiếng tố cáo việc giam giữ bà Thúy và sáu người bạn là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Cách thực hiện 1. Ký tên vào lá thư. 2. Gửi càng sớm càng tốt theo địa chỉ ghi trong thư (cước phí tem ở Pháp 0.98€). 3. Gửi bản sao lá thư cho tòa đại sứ theo địa chỉ trong phần cuối lá thư. Bối cảnh   Độc tài toàn trị và pháp luật rừng rú.Nhà nước CSVN thẳng tay đàn áp những người không cùng quan điểm. Luật pháp xem việc bày tỏ những quan điểm không đúng đường lối nhà nước, nhất là những việc liên quan đến nhân quyền và dân chủ là trái phép. Rất nhiều người lên tiếng cho dân chủ, rất nhiều nhà báo, nhà văn nổi tiếng, luật sư, rất nhiều người đấu tranh cho nhân quyền, nhiều công đoàn hay nhiều nhà tu hành đã bị bắt trong những năm gần đây. Ngoài ra, còn những nông dân, những tiểu thương thường bị cưỡng chiếm trái phép. Thường nghe nói tới là những dân oan, là những người dân nghèo bị bắt phải bán đất bán nhà, để đổi lấy những bồi thường ít ỏi, thậm chí chẳng có gì hết.   Sự hành hạ đối với tù nhân.Công an thường xuyên đối xử tàn bạo, dã man, thậm chí man rợ khi bắt bớ, giam giữ và tra khảo. Điều kiện sinh sống trong các trại giam thật thảm thương. Vệ sinh thiếu thốn và chật chội. Tù nhân không được cung cấp nước, thiếu thốn thức ăn và thuốc men. Thường là họ phải làm việc nặng nhọc, bị đánh đập, bị đối xử tàn nhẫn, bị biệt giam hàng tuần, thậm chí hàng tháng trong những xà lim chật hẹp tối tăm và nóng bức. Tìm hiểu thêm: xem chương Việt Nam trên trang mạng Một Thế Giới Tra Tấn (pháp ngữ)Mẫu thư gửi Trại Giam Xuân Lộc: Trung Tá Phùng Văn Can Trưởng trại K5, Trại giam Xuân Lộc Tỉnh Đồng Nai VIETNAM Thưa ông, Sau khi nhận được tin tức từ tổ chức ACAT tại Pháp, tôi muốn bầy tỏ sự quan ngại về cách đối xử của trại với bà Trần thị Thúy 42 tuổi, hiện đang bị giam tại trại K5, Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Kỳ khám sức khỏe vào mùa thu 2013 cho thấy bà đang bị đau cột sống và bị sạn thận. Tuy nhiên, ban quản trại đã làm áp lực bắt bà phải nhận tội thì mới được cho chữa trị. Việc không chữa trị một bệnh nhân là điều vi phạm hiến pháp Việt Nam và Thỏa ước Liên Hiệp Quốc về việc chống hành xử. Thoả ước này đã được Việt Nam cam kết vào tháng 11/2013. Tuy trong tình trạng sức khỏe đáng lo ngại, bà Thúy vẫn bị buộc làm những việc nặng nhọc. Cũng xin nhắc lại vào tháng 11/2013, nhóm đặc nhiệm của Liên Hiệp Quốc về những cuộc giam cầm tùy tiện đã khuyến cáo trường hợp của bà Thúy là vi phạm luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh nêu trên, tôi kêu gọi ông : ·                     bảo đảm trong một trường hợp tính mạng và tinh thần của bà Trần thị Thúy. ·                     dàn xếp cho bà Trần thị Thúy được khám nghiệm và theo dõi sức khỏe, trong thời gian ngắn nhất, bởi một bác sĩ độc lập. Sau đó cung cấp đầy đủ thuốc men cho bà. ·                     đưa ra những biện pháp cụ thể và cấp bách để ngưng tất cả những việc đàn áp, tra tấn, đối xử tàn bạo với những tù nhân trong trại giam tại Xuân Lộc. Trân trọng, Copie à adresser à l’Ambassade du Vietnam : 62 Rue Boileau, 75016 Paris- vnparis.fr@gmail.com 01 45 24 39 48 Nguồn: ACAT -  http://www.acatfrance.fr/
......

Người trẻ gốc Việt chỉ huy đào tạo lực lượng đặc nhiệm và người nhái Hải quân Mỹ

Một cậu bé được bố mẹ đưa sang Mỹ tị nạn năm 1975 nay trở thành Chỉ huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Người Nhái và Trục Vớt thuộc Hải Quân Hoa Kỳ, vị trí điều hành các hoạt động đặc nhiệm và huấn luyện lặn tinh nhuệ nhất trên thế giới mà ít người có thể vươn tới được.  Đó là câu chuyện thành công của Trung Tá Hải quân Cao Hùng, sĩ quan chỉ huy trường đào tạo trên 1200 lính hải quân, thủy quân lục chiến, và phi công hằng năm với đội ngũ 235 giảng viên là những chuyên gia tài giỏi của nước Mỹ.   Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh niên VOA hôm nay, Trung tá Cao Hùng, một trong những sĩ quan Mỹ gốc Việt mang lại niềm hãnh diện cho người Việt nói chung và cho cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại nói riêng, sẽ kể cho chúng ta nghe anh đã biến ‘giấc mơ Mỹ’ của mình trở thành hiện thực như thế nào. Bấm vào để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn với Trung tá Cao Hùng http://realaudio.rferl.org/voa/VIET/2014/03/23/b368bbdc-3165-483d-9ffa-8...   Trung tá Cao Hùng: Gia đình tôi rời Việt Nam 14 tiếng trước khi mất Sài Gòn. Ba mẹ tôi tới đảo Guam. Ba tôi nhận được việc ở Phi Châu, nên gia đình tôi dời sang Phi Châu 7 năm. Sau đó, mẹ tôi đem tôi cùng 4 người chị về lại Mỹ để học tiếng Mỹ vì bên Phi Châu chúng tôi đi học trường Pháp.   Trà Mi: Lúc đó anh mấy tuổi và những khó khăn ban đầu thế nào anh còn nhớ không? Trung tá Cao Hùng: Về lại Mỹ năm 1982 lúc đó tôi 11 tuổi. Khó khăn chỉ là phải học tiếng Anh thôi. Tôi vào hải quân vì tôi thương nước Mỹ này lắm. Tôi tốt nghiệp Naval Academy (Học viện Hải quân). Từ Naval Academy họ chỉ chọn 6 người đi hoạt động đặc biệt. Tôi là một trong 6 người được chọn vào ngành nghề này. Trà Mi: Trên đường binh nghiệp, anh đã đến nhiều nơi, nếm trải nhiều gian nan thử thách, có kỷ niệm nào anh khắc cốt ghi tâm? Trung tá Cao Hùng: Khó khăn tôi gặp cũng giống như mọi người khác. Chỉ biết là trong 6 người tốt nghiệp Học viện Hải quân, chỉ mình tôi thành sĩ quan chỉ huy. Vì nghề này thật là khó, nên họ chỉ chọn những người giỏi nhất. Trà Mi: Là sĩ quan chỉ huy trong hải quân Mỹ gốc Việt, anh thấy điều đó có mang lại thử thách nhiều hơn cho mình so với một người bản xứ? Trung tá Cao Hùng: Không chị. Tổng thống Ronald Reagan từng nói nếu mình ở Pháp, Anh, hay Đức cho dù 20 năm họ cũng không cho rằng mình thành Tây, Anh, hay Đức; nhưng ai qua Mỹ này cũng thành người Mỹ được. Cho nên, tôi nghĩ mình chỉ cần làm việc hết sức. Ở Mỹ này mọi người đều ngang bằng nhau. Trà Mi: Thành công nào cũng phải trả giá bằng nước mắt, mồ hôi, và sự phấn đấu không ngừng. Nói về những cái giá mà anh phải trả để có được hôm nay, anh nhớ nhất điều gì? Trung tá Cao Hùng: Nhớ nhất là những lần đi đánh giặc. Tôi đi đánh giặc 5 lần rồi, đi Iraq, 3 lần đi Afghanistan..v.v.. Kỷ niệm đáng nhớ chẳng hạn như khi ở Iraq, mỗi ba ngày lại bị họ bắn những hỏa tiễn. Tôi cũng nhớ những lần mìn nổ vì tôi phải đi tìm và rà phá mìn. Trà Mi: Vì sao anh không chọn binh chủng khác mà là hải quân? Trung tá Cao Hùng:  Vì một người chị của tôi đã vào Học viện Hải quân rồi nên tôi thấy thích Naval Academy hơn.   Trà Mi: Những yếu tố nào giúp anh tới thành công hôm nay? Trung tá Cao Hùng: Đó là mấy người làm việc chung với tôi. Họ là những người giúp tôi được chọn làm sĩ quan chỉ huy vì làm công việc này không bao giờ có thể làm làm một mình cả. Công việc này mình cần những người làm việc chung với nhau, hỗ trợ mình. Trà Mi: Là một chỉ huy điều hành trung tâm hàng trăm chuyên gia, mỗi năm đào tạo hàng ngàn lính tinh nhuệ cho nước Mỹ, anh có cảm giác thế nào trong cương vị một người Mỹ gốc Việt? Trung tá Cao Hùng: Vì ba mẹ tôi dạy tôi phải luôn cố gắng. Cái ơn là từ ba mẹ và nguồn gốc của mình, nhưng ơn cũng là vì xứ Mỹ đã cho mình cơ hội. Trà Mi: Anh có khi nào về Việt Nam chưa? Trung tá Cao Hùng: Chưa, nhưng tôi sắp về Việt Nam để dạy người nhái Việt Nam. Trường tôi đang bắt đầu xem xét khả năng sang Việt Nam huấn luyện người nhái Việt Nam. Tôi rời Việt Nam từ khi 4 tuổi nên cũng muốn về coi Việt Nam ra sao. Trà Mi: Tham gia hải quân Hoa Kỳ có thể hiểu là cách anh đóng góp lại cho quê hương đã nuôi dưỡng mình. Nếu anh có cơ hội, có một điều nào đó anh có thể đóng góp cho quê cha đất tổ của mình, anh nghĩ anh sẽ làm gì? Trung tá Cao Hùng: Người trẻ Việt Nam có thể nhìn con đường tôi đã đi để học hỏi. Đó là cách đóng góp của tôi. Trà Mi: Anh có thể chia sẻ với giới trẻ Việt Nam về ‘giấc mơ Mỹ’ và cách để đạt được thành công ‘giấc mơ Mỹ’ đó? Trung tá Cao Hùng: Đời sống Mỹ cho  mình nhiều cơ hội. Cho nên, mình chỉ cần cố gắng làm việc, nỗ lực hết mình thôi. Có mơ ước hãy đi theo mơ ước đến cùng. Trà Mi: Anh nghĩ thế nào về vai trò của cộng đồng người Việt ở Mỹ, sự đóng góp của họ cho nước Mỹ, và mối quan tâm của họ kêu gọi dân chủ cho Việt Nam? Trung tá Cao Hùng: Chẳng hạn nếu người dân Iraq không muốn dân chủ thì mình đâu có đem tới cho họ được. Tôi nghĩ nếu người dân ở Việt Nam muốn dân chủ thì mình phải giúp họ. Giúp bằng cách cho họ thấy rằng nếu mỗi người có tự do thì họ có thể làm được nhiều việc. Trà Mi: Ngày nay người ta đánh giá rất cao tinh thần lãnh đạo của người trẻ. Anh thấy tinh thần lãnh đạo có ý nghĩa thế nào đối với tuổi trẻ nói chung và với người trẻ gốc Việt tại Mỹ nói riêng? Trung tá Cao Hùng: Đâu cũng cần tinh thần lãnh đạo. Mình không những cần tinh thần lãnh đạo mà cần phải dạy tuổi trẻ đi theo, học tập làm lãnh đạo. Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Nguồn: voatiengviet.com
......

TƯỞNG NIỆM NGÀY ĐỨC THẦY THỌ NẠN

Hàng năm ngày 25 tháng 2 Âm lịch tưởng niệm ĐỨC HUỲNH PHÚ SỔ GIÁO CHỦ PHẬT GIÁO HÒA HẢO   Miền Trung không ảnh hưởng Phật giáo Hòa Hảo. Đạo Hòa Hảo phát triển ở 15 tỉnh miền Tây: Châu Ðốc, An Giang, Sa Ðéc, Kiến Phong, Vĩnh Long, Phong Dinh, Chương Thiện, Kiên Giang, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên, Ðịnh Tường, Long An, Kiến Hòa, Kiến Tường, và Sài Gòn-Gia Ðịnh. Các tỉnh như Châu Ðốc, An Giang, Kiến Phong, Sa Ðéc, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lên đến 90 % dân số; ở các tỉnh khác tỷ số này thay đổi từ 10 đến 60 %. Miền Tây đất đai phì nhiêu, ruộng đồng rộng mênh mông như Đồng Tháp Mười „cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi“,   Mùa nắng đất khô cỏ cháy Mùa mưa nước ngập lan tràn Cò trắng nghìn năm bay chẳng dứt Chân trời bốn mặt rộng thênh thang…                 Nguyễn Bính  1949   Đồng Tháp Mười là vùng đất của Đồng bằng sông Cữu Long diện tích 697.000 hecta, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Nhờ  sông Cữu Long mang phù sa về bồi đắp ruộng vườn phì nhiêu „làm chơi ăn thiệt“ nên đời sống người dân sung túc, tính tình cỡi mở hồn nhiên, chất phát thật thà, giọng nói cũng ngọt ngào dễ mến (khác với giọng Quảng Nam khô khan, rắn rỏi,). Họ xây nhà theo mô hình „trước là nhà, sau là vườn cây ăn trái“. Trong khi đất miền Trung khô cằn sỏi đá, chiến tranh tàn phá cao độ hơn miền Nam. Giữa tháng 3 năm 1975 tôi đi công tác có dịp tham dự đại lễ ngày Đức Thầy thọ nạn, do tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức tại Đốc Vàng Hạ xã Tân Phú nơi Đức Thầy bị nạn 25/2 âm lịch 1946, thuộc quận Thanh Bình, tỉnh Kiến Phong. Nơi nầy còn có địa danh Đốc Vàng Thượng với dinh ông Đốc Vàng ở ấp Nam xã Tân Thạnh, lúc sanh tiền ông lập được nhiều công lao chống giặc ngoại xâm, sau khi qua đời vua Minh Mạng truy tặng tước vị và được người dân xã Tân Thạnh lập đền thờ. Hồi tưởng lại chuyến đi Cao Lãnh Kiến Phong, tỉnh Kiến Phong nằm phiá bắc Tiền Giang các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên và Sa Đéc. Kiến Phong bắc giáp với Campuchia, đông và đông bắc giáp hai tỉnh Định Tường và Kiến Tường, nam giáp tỉnh Vĩnh Long tây và tây nam giáp hai tỉnh Châu Đốc và An Giang, xe từ Sa Đéc phải đi qua chuyến phà từ Tân Mỹ (thuộc quận Lấp Vò Sa Đéc nơi sinh trưởng của Phật Thầy Tây An). Quận Thanh Bình nằm trên quốc lộ 30, cách Cao Lãnh khoảng 25km về hướng tây bắc. Địa giới của huyện Thanh Bình ở phía bắc giáp huyện Tam Nông, phía nam và phiá tây giáp sông Tiền Giang, phía đông giáp Cao Lãnh.Cánh đồng ruộng mênh mông máy cày tạo nên những luống cày thẳng tắp, đất khô phơi màu bùn xam xám, những con kinh nước lên xuống trong ngày, nước xuống để trơ những cành cây không lá rong rêu, người ta gọi là chà, là nơi cá tôm sinh sống, lúc nước xuống cạn họ dỡ chà dài khoảng 10 m, bùn non nước sền sệt người ta tìm bắt vô số cá, tôm đủ loại cả giạ, họ bán hoặc phơi khô làm mắm tích trữ cho mùa nước lên. Những con rắn bông súng, rắn nước cũng bị bắt, cá lóc (cá tràu) to bằng bắp chuối nướng trui bằng rơm là món khoái khẩu của dân nhậu, cá nướng thơm ngon chấm với nước mắm me dốt, khề khà với rượu Đế, dân miền Nam miệt vườn quanh năm thưởng thức thơ rượu, hát hò… Chúng tôi đến chợ Thanh Bình buổi trưa nước ròng, trên kinh vắng bóng ghe đò, hai bên bờ kinh từng đoàn xe honda chạy về hướng Đốc Vàng Hạ. Thiếu tá Lộc quận trưởng cho biết tình hình an ninh ở đây khả quan vì giáo dân là những người rất chống cộng. Đại lễ Đức Thầy thọ nạn tưởng nhớ ngày Giáo chủ bị Việt Minh sát hại, ngày lễ hàng năm có nhiều Chính khách, Dân biểu về tham dự... Nắng chiều trải rộng trên kinh tràn ngập những cánh hoa lộc bình (Eichhornia crassipies) màu tím trang điểm thêm nét đẹp của thiên nhiên mây nước, ghe đò chạy vô ra náo nhiệt lo cho ngày lễ Hội, chúng tôi quá giang ghe vào Đốc Vàng Hạ, hai bên kinh nhà cửa khang trang lợp ngói đỏ, xây cao hơn mặt đất 1 vài mét, sàn nhà bằng gỗ, dưới những gốc cây cau có lu đựng nước mưa, nhà giàu xây những bể chứa nước mưa to lớn, phương tiện chính duy chuyển ở đây là ghe xuồng nên nhà nào cũng có ghe gắn máy đuôi tôm. Gần đến điạ điểm tổ chức là khoảng đồng trống có đồn Nghiã quân, lô cốt bằng đất chung quanh rào sơ sài hai lớp mỏng kẽm gai concertina, là đồn nhưng gọi trạm thì đúng hơn, quân số một tiểu đội chưa đủ 12 người. Anh trung đội trưởng vui tính luôn phì phà điếu thuốc trên môi, anh rất lạc quan vì tình hình nhiều năm ở đây bình an, CS chỉ hoạt động mạnh ở các vùng Kiến Tường Mộc Hoá, Sầm Giang, Cai Lậy…Trung đội anh phụ trách hai đồn nhỏ trong và ngoài giữ an ninh chống kinh tài VC về thâu thuế.   Sân khấu đài tưởng niệm dựng trên vùng đất rộng bao la bằng phẳng mượt mà cỏ xanh, chung quanh là nhà dân sầm uất. Người về càng đông hàng quán ì xèo bán thức ăn, nhạc vàng, cải lương vọng cổ vang trong gió chiều từ những dàn nhạc âm thanh lớn, Stero Radio cassette của các quán nhậu đặc sản của Đồng Tháp Mười về đêm đèn Manchon sáng chói. Chúng tôi được chính quyền địa phương giới thiệu về địa lý và di tích lịch sử của Đốc Vàng, tôi hân hạnh gặp cụ Phan Văn Mười (Mười Tỷ) cận vệ Đức Thầy là người có duyên may thoát chết trong vụ án Đốc Vàng. Sau biến cố Đốc Vàng, cụ tiếp tục con đường hành đạo theo giáo lý của Đức Thầy kể lại biến cố lịch sử. „Đức Thầy ngồi bàn giữa, nói chuyện với Bửu Vinh, còn 4 cận vệ cầm súng đứng 2 bên gần cửa. 10 phút sau có 8 người từ bên ngoài đi vào, chia làm 4 cặp, tràn tới đâm 3 cận vệ chết tại chỗ, ông nhảy xuống bờ kinh thoát nạn, ngôi nhà ngói bị tắc đèn chìm vào bóng đêm âm u, Đức Thầy vắng mặt từ đó… „  Tín đồ Hòa Hảo tin Đức thầy còn sống ngài sẽ trở lại trong vinh quan, nhưng theo các tài liệu của Việt Minh thì Đức thầy bị sát hại thủ tiêu mất xác. (do Đào Công Tâm và Bửu Vinh thi hành). Việt Minh chủ trương tiêu diệt tín đồ PGHH cố Thi Sĩ Việt Châu Nguyễn Xuân Thiếp (anh em chú bác với nhà văn Nguyễn Hiến Lê), ngày 08.9.1945 thừa lệnh Đức Thầy thi sĩ Việt Châu đi Cần Thơ hòa giải việc tín đồ PGHH bị bắt giữ sau cuộc biểu tình, bị VMCS tráo trở bắt tử hình tại Cần Thơ ngày 07.10.1945 (02.9 Ất Dậu) chung với hai ông Trần Ngọc Hoành và Huỳnh Thạnh Mậu em phần xác Đức Thầy. Các lực lượng vũ trang của Dân Xã đã đồng loạt tấn công vào lực lượng vũ trang và các cơ sở của Việt Minh tại các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ với danh nghĩa để trả thù cho Giáo chủ. a/ Nhóm Trần Văn Soái, tức Năm Lửa, mang danh nghĩa Quân đội Hòa Hảo, hoạt động tại Cần Thơ, Vĩnh Long, đặt bản doanh tại Cái Vồn. b/ Nhóm Lâm Thành Nguyên, tức Hai Ngoán, hoạt động tại 2 tỉnh  Long Xuyên và Châu Đốc, bản doanh đặt tại Cái Dầu. c/ Nhóm Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt, mang danh nghĩa Nghĩa quân Cách mạng, kiểm soát vùng  rạch Giá, Long Xuyên, đóng bản doanh tại Thốt Nốt.   d/ Nhóm Nguyễn Giác Ngộ tức Ba Gà Mổ, mang danh nghĩa Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, đóng tại một vài khu vực trong tỉnh Long Xuyên, đặt bản doanh tại Chợ Mới.   Đến Đốc Vàng tình cờ tôi gặp ông Tưởng khi nghe ông nói giọng Quảng Nam, ông định cư ở Mộc Hóa nhưng con gái lấy chồng về Đốc Vàng, ông đến thăm cháu ngoại và dự đại lễ. Năm 1957 thời TT Ngô Đình Diệm ông đi theo chương trình di dân, đến các khu trù mật, dinh điền được chính phủ trợ cấp để khai phá lập nghiệp. Chú An con rể ông là lính sư đoàn 9 bị thương được giải ngũ nhưng còn khỏe, nhà có máy cày đầy đủ tiện nghi, phản bằng gỗ mít dày bóng loáng, bộ ghế salon gỗ trên bàn kính có lộng hình con cháu... Con gái ông nói giọng Nam, đời sống gia đình thuộc hạn trung lưu, con rể lịch thiệp hiếu khách vồn vã mời chúng tôi ở lại ăn tối và ngủ đêm có mền mùng không sợ muỗi cắn. Buổi tiệc làm nhanh gồm các món: lươn um với bắp chuối, cá nướng rơm, canh chua cá lóc, cá trê kho tộ, tôm chua, bia 33 nước đá lạnh…Ông Tưởng nhắc lại những ngày ngoài quê nghèo, làm mướn cuối ngày được chủ trả mấy lon gạo (lon sữa bò dùng để đo luờng), cơm độn khoai sắn quanh năm mưa nắng làm gì có thịt cá hả hê như ngày nay, ông luôn nhớ kỷ niệm tình hàng xóm nơi chôn nhau cắt rún Quãng Nam. Con cháu ông sinh trưởng miền Nam đời sống sung túc không khổ như đời cha, phải đổ mồ hôi để đổi lấy miếng cơm. Đồng hương gặp nhau ở xứ người là một niềm vui „ôn cố tri tân“ dù thế hệ tuổi tác tôi với ông cách xa nhau, nhưng bổng dưng có một sự thắm thiết chân tình. Tôi ở lại với gia đình con cháu ông như gia đình mình, chuyện xưa được gợi lại như một kỷ niệm đẹp trôi theo giòng đời…càng về khuyua thanh vắng vòm trời cao có những ánh sao đêm, mọi người ngủ say, tôi giật mình lo sợ nghe tiếng súng, lựu đạn nổ ở hai đồn nghiã quân kéo dài khoảng 20 phút, chú An từng kinh nghiệm tác chiến cho biết tiếng súng AK và đạn B40 là của VC, nên bình tĩnh trong nhà không nên đốt đèn, chờ sáng để biết tình hình, thời gian chờ đợi, lo sợ trôi qua rất chậm. Trời vừa hừng sáng chú An ra bờ kinh nhìn về phiá đồn nghiã quân lô cốt không còn mái tôn, bộ đội VC đội mũ cối ở trong đồn, những nghiã quân sống sót bỏ đồn nương theo bờ kinh chạy thoát hiểm, hai nghiã quân hy sinh xác còn trong lô cốt đất, cả hai đồn nghiã quân bị chiếm. Đại đội chủ lực quân VC về đánh phá ngày đại lễ. Mặt trời lên cao ghe đò chờ nước lên để di tản, chúng tôi phải băn ngang cánh đồng vì hai đầu nơi tổ chức đều bị VC chiếm và đóng chốt. Đoàn người như đàn cò trắng trên cánh đồng khô tìm lối thoát thân, VC bắn theo, tiếng đạn kêu vèo vèo đầu đạn cắm xuống những luống cày khô bụi bay ngay trước mặt, may mắn không ai bị thương. Đây là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng tôi chạy toát mồ hôi dưới làn đạn giết người của VC, ông Tưởng chửi luôn miệng „Tiên sư giặc Hồ không để cho dân chúng sống bình an…“. Ngày đại lễ cuối cùng của Phật Giáo Hòa Hảo miền Nam không thể thực hiện. Sau 1975 Phật Giáo Hòa Hảo không được phép nhắc tới ngày Đức Thầy thọ nạn vì đó là điều bị nhà cầm quyền cộng sản cấm kỵ  Phật Giáo Hòa Hảo trải qua những biến đổi của lịch sử, từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Việt Minh và thời Đệ Nhất Cộng Hòa, cũng lắm thăng trầm và chua xót. Trước năm 1975 các Tôn giáo tại miền Nam đều có quyền tự do hoạt động, có các sở văn hóa, truyền giáo, từ thiện… Viện Đại Học Hòa Hảo thành lập năm 1970, tại Long Xuyên chương trình học nhằm đào tạo cho giới trẻ sinh trưởng tại miền Nam có cơ hội tiến thân không cần phải đi học xa ở Sài Gòn và cạnh tranh với các Viện Đại học Vạn Hạnh (Phật giáo 1964), Viện Đại học Chính Trị Kinh Doanh Đà lạt (Công giáo1957) Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh (1971) …   Đại học Hòa Hảo gồm có các phân khoa -Thương mại Ngân hàng -Khoa học Quản trị -Giao dịch và Ban giao Quốc tế -Nông nghiệp -Văn khoa và Sư phạm -Trung tâm sinh ngữ -Đông y. Tóm lược lịch sử Đạo Hòa Hảo.   Thánh Ðịa Phật Giáo Hòa Hảo tại làng Hòa Hảo tức là sinh quán của Ðức Huỳnh Giáo Chủ, Đức Thầy sinh 15.01.1920 (25.11 Kỷ Mùi) tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc, (nay huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Ngài là người sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo, làng nầy có nếp sống thanh bình an lạc. Thuở nhỏ ông thông minh, học hết bằng sơ học yếu lược Pháp-Việt nhưng thường bị đau ốm nên đành bỏ dở việc học. Lên núi Sam còn có tên là Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn cao 284 m có chu vi 5.200m, là một núi nằm trong vùng Bảy Núi, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay là phường Núi Sam, Châu Đốc. Tu theo Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương được khai sáng năm 1849 bởi ông Đoàn Minh Huyên (1807-1856), quê ở Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, tổng An Thạnh Thượng, Lấp Vò Sa Đéc. Ông Đòan Minh Huyên đến tu tại chùa Tây An hay Tây An cổ tự được tín đồ tôn kính gọi là Phật Thầy Tây An. Chùa Tây An tọa lạc trên nền cao, thoáng rộng, trong khuôn viên có diện tích 15.000m m2. Phía sau có núi Sam như bức bình phong nổi bật lên với màu xanh, mặt chính với ba ngôi cổ lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa. Nơi nầy ông Huỳnh Phú Sổ được trị lành bệnh và luyện chí tu hành. Năm 1937 Huỳnh Phú Sổ về làng, chữa bệnh cho dân, viết kinh, giảng sấm, được dân gian gọi là Phật Thầy. Từ đó đạo Phật Giáo Hòa Hảo được khai sáng tại làng Hòa Hảo. Tín đồ PGHH không buộc phải cạo đầu vào chùa, bỏ mọi việc ngoài thế gian, họ ở tại gia đình sống như mọi người công dân khác với nếp sống bình dị trong nông nghiệp, tu hành theo giáo lý Tứ Ân Hiếu Nghiã:   a/ Ân Tổ Quốc Cha Mẹ b/ Ân Đất Nước c/ Ân Tam Bảo ( Phật Pháp Tăng) d/ Ân Đồng Bào Nhân Loại   Tín đồ PGHH là cư sĩ tu tại gia sửa thân tâm, đóng góp vào việc phát triển nền kinh tế nông nghiệp trù phú miền Nam. Trên bàn thờ, không có tượng Phật, chuông mõ. Chỉ có tấm Trần bằng vải màu dà, tượng trưng cho sự hòa hợp nhân loại, và cho màu sắc nhà thiền. Ðó là bàn thờ Chư Phật. Dưới bàn thờ Phật là bàn thờ Cữu Huyền Thất Tổ thờ ông bà cha mẹ đã khuất. Trước nhà có bàn thờ lộ thiên (gọi là bàn Thông Thiên) để người tín đồ cảm thông với Trời Ðất, bốn phương trời, mười phương Phật.  Họ chỉ dùng nước lạnh, bông hoa, và nhang để cúng Phật. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng mùi hương thơm tẩy ô uế.   Mỗi ngày người tín đồ PGHH làm lễ cúng Phật, ít nhất hai lần, sáng và tối. Trong các ngày rằm, mồng một, ngày vía Chư Phật, họ đến chùa hay hội quán hành lễ, nghe kinh giảng, thuyết pháp. Lúc đãnh lễ họ không dùng mõ chuông, mà chỉ lâm râm tâm niệm. Khi nào bận việc thì đến giờ hành lễ họ quay mặt về hướng Tây mà cúng Phật, và khuyến khích nhau ngồi đâu, ở đâu cũng tụng niệm trong tâm. Ngoài ra trong các Xã, Ấp có những độc giảng đường trang bị máy phóng thanh, để mỗi ngày trong những giờ nhất định, có những giảng viên đến đọc kinh giảng hay thuyết pháp cho người chung quanh. Ðộc Giảng Ðường Phật Giáo Hòa Hảo là những ngôi chùa thâu hẹp để truyền đạo, không phải để cư trú nên nhỏ hơn chùa, bởi bản chất Phật Giáo Hòa Hảo là cư sĩ tại gia. Hệ thống sinh hoạt của Phật Giáo Hòa Hảo trước 1975 gồm có: 1/ Các Ban Trị Sự Tỉnh: An Giang, Sa Đéc, Kiến Phong, Kiên Giang, Vĩnh Long, Phong Dinh, Chương Thiện, An Xuyên, Ba Xuyên, Biên Hòa, Gia Định, Vĩnh Bình, Kiến Hòa, Kiến Tường, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định và Long An Định Tường. 2/ Các Ban Trị Sự Thị Xã: Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho, rạch Giá, Vũng Tàu, Đà Lạt. 3/  Các Ban Trị Sự trực thuộc Trung Ương: Thánh Điạ Hòa Hảo xã Thiện Từ, 82 Ban Trị Sự cấp quận, 476 Ban Trị Sự cấp xã, 3100 Ban Trị Sư cấp ấp 4/ Cơ Sở Tự Viện: 231 chuà và Tự viện; 468 Độc giảng đường; 452 Hội quán; 2876 Văn phòng.   5/ Nhân sự: 36.500 Trị sự viên các cấp; 2.679 Tu sĩ và nhân viên tại các tự viện; 10.000 nhân viên và khóa sinh ngành phổ thông Giáo Lý.…Sinh hoạt chính trị tại miền Nam còn có chính đảng: Đảng Dân Chủ Xã Hội Việt Nam còn được gọi là Đảng Dân Xã hay Dân Xã Đảng Hòa Hảo là một đảng chính trị lớn hoạt động ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1946-1975 rất mạnh, có Dân biểu, Thượng nghị sĩ đại diện cho PGHH, Người miền Trung đến làm việc tại các tỉnh miền Tây “nhập gia tuỳ tục“ phải tế nhị trong vấn đề giao tế với đại diện tín đồ PGHH đàn ông lớn tuổi họ còn bới tóc.   Sau 30.4.1975 Dân Xã đảng và các đảng phái khác dưới thời VNCH bị cấm hoạt động. Một số thành viên của Dân Xã đảng sau năm 1975 tập hợp tái hoạt động tại hải ngoại đấu tranh, hổ trợ cho Phật Giáo Hòa Hảo trong nước bị nhà cầm quyền CS đàn áp, đánh đập bắt giam cấm hành đạo. Hàng năm ở hải ngoại tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo làm kỷ niệm ngày Đức Thầy thọ nạn. Nhìn lại 39 năm qua CSVN luôn đàn áp tôn giáo, không riêng gì PGHH bị nạn, cả nước biến thành nhà tù của chế độ CS vô thần. Các Quốc gia còn theo chủ nghiã Cộng sản trong đó có Việt Nam cần phải sớm từ bỏ chế độ CS để người dân được sống hoà bình, tự do dân chủ…   Nguyễn Quý Đại Diễn ngâm kinh  http://bit.ly/1g1sjr3 Sấm truyền  http://bit.ly/1ddNkzD www hoamunich.wordepress.com Tài liệu, hình ảnh tham khảo trên Internet
......

Bản Lên Tiếng: Về việc bà Bùi Minh Hằng bị giam giữ

VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG   Bản Lên Tiếng Về việc bà Bùi Minh Hằng bị giam giữ   Suốt từ ngày 11/2/2014, bà Bùi Minh Hằng đã bị công an tỉnh Đồng Tháp bắt giam cùng với ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh với lý do "cản trở giao thông". Vào ngày nêu trên, 3 vị này cùng với một số đạo hữu Phật Giáo Hòa Hảo đến ủng hộ tinh thần Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển đang bị công an Đồng Tháp bạo hành. Trên đường đi, công an và côn đồ bất ngờ dùng gậy gộc xông vào đánh đập cả đoàn và bắt giam một số người mà họ đã cố kiếm cớ giam giữ từ lâu. Vì vậy, đây là hành vi có chủ ý theo lệnh từ trung ương. Việc giam giữ hoàn toàn phi lý và phi pháp này không chỉ là hành vi chà đạp nhân quyền trầm trọng mà còn chà đạp cả chính bộ mặt pháp quyền giả tạo của chế độ. Đây mới là thực tế tình trạng nhân quyền tại Việt Nam chứ không phải những lời dối trá của Ngoại trưởng và phái đoàn CSVN khi trả lời các chất vấn và phê phán của thế giới. Bà Bùi Minh Hằng là một nhà hoạt động xã hội trong nhiều năm qua để đòi công lý cho chính mình và nhiều bà con dân oan khác. Bà cũng là người thường xuyên đến tận nơi chia sẻ các khổ nạn và hỗ trợ gia đình các tù nhân lương tâm từ Bắc chí Nam. Bà còn là một blogger tích cực lên tiếng về các vấn nạn đang bao trùm xã hội Việt Nam. Nhưng trên hết, bà Bùi Minh Hằng là một người yêu nước thiết tha. Bà có mặt trong hầu hết các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược bất kể các trò bạo hành của công an Hà Nội và Sài Gòn. Để đối phó với tấm lòng yêu nước đó, giới lãnh đạo CSVN đã quyết định bắt giam bà 6 tháng trời tại "trại phục hồi nhân phẩm" Thanh Hà năm 2012, và chỉ thị cho công an địa phương giở nhiều trò hèn kém quanh nơi bà cư trú tại Vũng Tàu. Nhưng tất cả những thủ đoạn đó vẫn không bịt miệng được Nhà yêu nước Bùi Minh Hằng. Trước sự kiện này, anh chị em đảng viên Đảng Việt Tân nguyện hết lòng: ·                     Chung vai cùng các nỗ lực vận động chính giới và công luận quốc tế đặt vấn đề nhân quyền nói chung và trường hợp của bà Bùi Minh Hằng nói riêng với giới lãnh đạo CSVN trong các cuộc hội đàm và diễn đàn quốc tế trong những ngày trước mặt. ·                     Nối tiếp các nỗ lực và ước nguyện của các nhà dân chủ đáng kính phục đang bị bạo quyền giam giữ. Ngày 9 tháng 3 năm 2014 Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-0845 - www.viettan.org, vnctcmd.blogspot.com Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài - Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ - Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước  
......

Hội Thảo Yểm Trợ Dân Chủ Quốc Nội Tại Nürnberg Đức.

Ngày 22.02.2014 tại trung tâm Süd Pünkt của thành phố Nürnberg ,  Hội Người Việt Tỵ Nạn CS Nürnberg đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề „ nhu cầu yểm trợ đồng bào đấu tranh dân chủ quốc nội“. 15 giờ nghi thức khai mạc lễ chào quốc kỳ,  tham dự viên tự giới thiệu về mình để  biết nhau vì có một số vị đến từ xa: München có Anh Chị  Nguyễn Ngọc Trinh, Anh Chị Nguyễn Văn Nghệ , Anh Lý Văn Xuân đại diện Đảng Việt Tân München, nhóm đến  từ Áo có Anh Trần Ngọc Thành, Anh Nguyễn Phong và Anh Bé Ba, ngoài ra còn có anh Ngô Chí Dũng đến từ Berlin. Trước hết Anh Trinh giới thiệu về ý nghĩa và bối cảnh thành hình lá cờ vàng Quốc kỳ Việt Nam qua nhiều triều đại  và kêu gọi mọi người nên đứng dưới cờ vàng tự do đấu tranh. Anh Trần Ngọc Thành cho biết vừa rồi nhóm của anh  có dịp sang Thái Lan đã vào thăm anh  Đặng Chí Hùng một người đấu tranh dân chủ  quốc nội bị CSVN truy bắt nên đã bỏ chạy sang  Thái Lan lánh nạn và đang bị cầm tù, anh cho biết qua sự vận động của cộng đồng hải ngoại anh Hùng đã được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tỵ nạn và chính quyền Canada hứa cho định cư, nhưng anh Hùng vẫn tiếp tục bị giam giữ. Lo ngại lớn nhất hiện nay là sợ Thái Lan cho dẫn độ anh Hùng về Việt Nam theo yêu cầu của CSVN, anh đề nghị mọi nơi vận động làm áp lực để Thái Lan trả tự do cho anh Hùng và nếu chưa đi định cư được Canada thì cũng tìm cách  sang một nước khác tạm trú như Philippin an toàn hơn để chờ đi. Kế tiếp là  phần thảo luận qua Internet và điện thoại viễn liên, sau khi chiếu đoạn phim ngắn của đài TV SBTN phỏng vấn Người Buôn Gió (NBG) tại Weimar,  anh Ngô Chí Dũng là người thường liên lạc với người đấu tranh trong nước, anh đã điện thoại mời NBG đang theo học  nghiên cứu 2 năm tại Weimar Đông Đức  trao đổi với hội thảo, NBG  cho biết những ngày còn ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt viết báo, bị ngăn chặn không cho xuất cảnh tham dự các cuộc hội thảo do lời mời từ nước ngoài,  ở tại đây anh mới được hưởng không khí tự do thật sự mặc dù có đôi lúc giật mình anh cứ ngỡ là đang bị công an CSVN  rình rập,  dù Anh đang được sống tự do nhưng anh vẫn buồn vì Tí Hớn con anh còn nhỏ hàng ngày anh thường lo cơm nước cho cháu giờ phải xa nhau, mỗi lần điện thoại về cháu đều hỏi bao giờ bố về, anh chỉ trả lời là bố sẽ về. Tiếp theo anh Dũng mời LS Nguyễn Văn Đài từ Việt Nam phát biểu, LS Đài cho biết lực lượng đấu tranh dân chủ quốc nội đang phát triển tốt, Hội Anh Em Dân Chủ do nhóm của  LS Đài được thành lập cách đây hơn năm chỉ có vai ba chục anh em, nhưng đến nay đã lên cả mấy trăm và trong những ngày tới con số nầy sẽ tăng lên  nhiều  trải rộng cả nước. Sự khó khăn là nhân sự nào xuất hiện công khai đấu tranh là liền bị CSVN trù dập khủng bố gây khó khăn nhất là cô lập kinh tế bằng nhiều cách, ngay chính bản thân của LS Đài sau 4 năm tù giam về còn bị 4 năm quản chế, hiện nay còn khoảng một năm quản chế. Văn phòng LS Đài thì bị đóng cửa không làm ăn gì được, không thể đi ra khỏi phường , nếu vi phạm nhà cầm quyền phạt tiền rất nặng nhằm đánh vào kinh tế. LS Đài cho biết anh em trong nước có thể tự đứng lên đấu tranh, kêu gọi đồng bào hải ngoại  giúp đở phương tiện sinh hoạt và tiếp tay vận động chính quyền các quốc gia đang định cư áp lực buộc CSVN phải chùng bước vi phạm nhân quyền. Sau phần LS Đài, anh Dũng liên lạc mời  hai vị Dân Oan cư ngụ tại Vũng Tàu, Đồng Tháp trình bày về sự khổ sở,  bị cướp đất bao nhiêu năm không cửa không nhà, mọi khiếu nại đều bị nhà cầm quyền CSVN làm ngơ không giải quyết.                          Ông Võ Văn Bửu chồng bà Mai Thị Dung một tù nhân lương tâm Phật Giáo Hòa Hảo tường thuật vừa rồi đi Đồng Tháp thăm ông Nguyễn Bắc Truyển đã bị công an côn đồ vô cớ hành hùng đáp đập dã man. Qua phần trao đổi hầu tìm giải pháp để giúp đở yểm trợ đồng bào quốc nội, anh Trinh nhận định bao nhiêu năm nay ở Mỹ, Canada, Úc đã có một số phong trào yểm trợ quốc nội. Còn ở Đức nói riêng và Âu Châu nói chung thì gần như không có gì hết, vì vậy anh muốn thành hình ngay  một Ủy ban yểm trợ dù ít chỉ một vài người anh vẫn làm,  Anh cho biết đã mời rất nhiều người ở khắp mọi nơi nhưng không  ai hưởng ứng đến tham dự từ chối với nhiều lý do. Anh Phong đặt câu hỏi với  anh Trinh mời với tư cách cá nhân hay hội đoàn thì anh cho biết là anh mời với tư cách Hội NVTN Nürnberg trong khi anh Trinh ở München, có thể vì lẫn lộn giữa cá nhân và hội đoàn nên đã thiếu vắng người tham dự. Các Ý kiến khác thì không nên lập ngay một Ủy Ban thiếu tính chính danh mà phải tiến hành từng bước vì Nürnberg cũng chỉ là một địa danh nhỏ của nước Đức, nếu có cũng chỉ là lập  nhóm hội của Nürnberg, dự kiến Hội sẽ tổ chức tiếp một đêm văn nghệ vào tháng tư cũng ngay trong địa điểm Süd Punkt.                                                                                                                          Qua sự góp ý đề nghị  của anh Nghệ, giải quyết tạm thời hai người tình nguyện là Anh Nguyễn Ngọc Trinh và Anh Bùi Văn Tân Hội Trưởng HNVTNCS Nürnberg đứng ra thay mặt hội để liên lạc vận động tiếp thành lập  Ủy ban yểm trợ đấu tranh quốc nội. Chen kẻ phần hội thảo là một số bài hát đấu tranh với cả sĩ Bích Huyền, ca nhạc sĩ Ve Sầu - Ngọc Mai, anh Quang  và tất cả đồng ca. Anh Tân đã thay mặt hội cám ơn mọi người đến tham dự và đã giúp đở mọi mặt  cho buổi hội thảo. 21 giờ chương trình chấm dứt sau phần ẫm thực vô cùng phong phú do gia đình anh chị hội viên và thân hữu khoảng đải, mọi người ra về đều hân hoan hy vọng lần họp mặt tới sẽ đông hơn và đem lại kết quả  tốt đẹp hơn. Tham dự viên LVX  
......

Nhóm Thiện Chí VRNs sinh hoạt và cầu nguyện cho Ls. Lê Quốc Quân tại Hamburg

VRNs (17.02.2014) – Hamburg, Đức Quốc – Gần một trăm nguời đã tham dự buổi sinh họat Nhóm Thiện Chí VRNs và cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân. Xế chiều ngày 15.02.14 tại trường Jenfelder Schule cộng đồng Công Giáo tại Hamburg đã có một buổi sinh hoạt đầm ấm và nhiều ý nghĩa. Ban tổ chức đã giới thiệu linh mục JB Hồ Quang Lâm, CSsR và những quan khách đến từ xa như ông GB Phùng Khải Tuấn, Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức và  ông Giuse Đinh Kim Tân, tư vấn cho Liên Đoàn. Ngoài ra còn có ông Lê Văn Hồng, Trưởng Cộng Đoàn Công Giáo tại Hamburg và ông Nguyễn Hữu Huấn đại diện Ủy ban Cap Anamur cũng được chị MC Vũ Thị Khiếu. Sau phần giới thiệu quan khách, chương trình bắt đầu với một bài hát “Tình Ngài Gọi Con” của Linh mục nhạc sĩ  Xuân Đường thuộc DCCT VN. Những mảnh đời bất hạnh tại VN đã hiện lên rõ nét theo những nốt nhạc lời ca của cha Xuân Đường. Cha JB Lâm đã cám ơn sự hiện diện những người yêu mến DCCT, đến để hiểu rõ thêm về những việc làm cấp bách hiện nay của Nhà Dòng, đặc biệt là phương tiện Truyền Thông qua trang web Dòng Chúa Cứu Thế do Lm Antôn Lê Ngọc Thanh, CSsR trách nhiệm. Ngoài ra, cha Lâm cũng chia xẻ những mục vụ khác của DCCT như truyền giáo tại Tây Nguyên, và chương trình “Bảo vệ sự sống”. Cuốn DVD “Lời Ghi Vách Đá” được chiếu lên màn ảnh lớn cho mọi người tìm hiểu lịch sử từ lúc thành lập DCCT tại VN, những hoạt động của nhà Dòng về loan báo Tin Mừng và lên tiếng cho những bất công tại xã hội VN, những  người nghèo bị xã hội bỏ rơi. Tất cả những họat vụ đó đuợc VRNs loan truyền. Cha Lâm cũng không quên nhắc đến hoạt động rất tích cực của Văn Phòng Công Lý và Hoà Bình do cha Giuse Đinh Hữu Thoại trách nhiệm, đang giúp những người dân oan bị nhà cầm quyền tịch thu đất trái phép làm đơn khiếu kiện hầu đòi lại gia sản của mình. Trong phần nghỉ giải lao mọi người đã có cơ hội chiếu cố đến một số sản phẩm nhằm gây quỹ cho Truyền Thông Chúa Cứu Thế được gửi từ VN và  Mỹ. Cha Lâm đã lên tiếng mời gọi những người có tấm lòng ủng hộ những công việc của nhà Dòng tham gia vào trong nhóm Thiện Chí VRNs để hỗ trợ trực tiếp truyền thông Chúa Cứu Thế. Trong phần hỏi đáp, một số ý kiến đóng góp đã được nêu lên trực tiếp với cha Lâm. Một vài anh chị nhận lời tình nguyện vào trong nhóm Thiện Chí. Cha Lâm sẽ liên lạc với qúy anh chị này trong những ngày sắp tới và sẽ giới thiệu đến cha Lê Ngọc Thanh. Nhóm Thiện Chí VRNs là nhóm giáo dân và không giáo dân thiện nguyện giúp các họat động của VRNs về truyền tin, hổ trợ kỹ thuật và pháp luật,… Hiện Nhóm Thiện Chí đã có mặt tại nhiều bang của Hoa Kỳ, và kỳ này mở rộng sang Âu Châu. Bài hát “Đừng Sợ” do cha Xuân Đường sáng tác và trình bày rất chuyên nghiệp trong một video clip được mọi người đặc biệt chú ý thưởng thức.  CD của Cha được nhiều người ủng hộ. Được  biết, cha Xuân Đường sẽ đến Hamburg vào cuối năm 2014 và Cha sẽ trình bày Lời Chúa qua Âm Nhạc. Kết thúc buổi chia xẻ tâm tình là phần cầu nguyện cho LS.Lê Quốc Quân qua phần dẫn giải của cha Lâm. Bài “lời kinh Mẹ ơi đoái thương xem nước VN” vang lên như xin Mẹ hãy ban ơn lành xuống cho người luật sư yêu nước  trong phiên xử ngày 18.02.14. Hình ảnh gia đình hạnh phúc của anh đã được chiếu lớn trên màn ảnh. Và bài nhạc “Kinh Hoà Bình” cất lên trang trọng để kết thúc buổi gặp gỡ. Mọi người hiện diện nắm tay nhau hiệp thông cầu nguyện thật sốt sắng. Nhiều giọt nước mắt lăn tròn hòa lẫn vào lời dâng xin cho nước Việt Nam mau chóng thanh bình. Mọi người đã dùng cơm tối với nhau bằngnhững món ăn do nhiều bàn tay đóng góp. Nhiều người chia tay về trong quyến luyến và cho biết rằng họ vui vì được tham dự một buổi gặp gỡ thật ý nghĩa. Email được trao đổi cho nhau để những ngày sắp tới sẽ có được những việc làm cụ thể giúp Dòng Chúa Cứu Thế. Một số người tham dự cho biết, họ đến để ủng hộ vì những công việc của nhà Dòng rất cần thiết cho việc đòi Công Lý và Hoà Bình cho Việt Nam. Xin chân thành cám ơn Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức đã ưu ái tặng một phong thư lì xì cho VRNs. Xin cám ơn qúy Bác, qúy Anh Chị đã đến ủng hộ khích lệ tinh thần cho Nhóm Thiện Chí VRNs tại Hamburg.  
......

Đức quốc: Hội người Việt Mönchengladbach mừng xuân Giáp Ngọ

Tết đến mai vàng nở khắp ngõ Xuân về đào thắm rộ muôn phương. Ngày hội tết của cộng đồng người VTNCS. hôm nay đã nở ra tưng bừng và náo nhiệt tại đây và vùng phụ cận cùng với tiếng pháo múa lân và ly rượu mừng cũng như không thiếu cây mai cành đào đã khai mạc vào lúc 18giờ tại hội trường rộng lớn và khang trang. Tất cả những quan khách Đức Việt đứng lên trang nghiêm chào Quốc kỳ tự do và Quốc ca Việt- Đức cũng như phút mặc niệm nhớ đến các tiền nhân đã hy sinh vì chính nghĩa tự do, những anh hùng tử sỹ cho chính nghĩa để bảo vệ quê hương tổ quốc. Tiếp đến là ba vị niệm hương cung kính bàn thờ tổ quốc anh linh ban cho đất Việt sớm được tự do dân chủ thanh bình. Tiếp theo là ba vị đại diện liên tôn gồm: - Lm. Nguyễn Chí Thiện dòng phanxicô. - Mục Sư Huỳnh Văn Công, - Cư Sỹ Lê công Tắc PGHH. Tiến lên cầu nguyện và cho đất nước trong năm mới Giáp Ngọ được mau có công bình và bác ái trên quê hương Viêt Nam. Linh mục Nguyễn Chí Thiện đại diện chào mừng qúy quan khách bằng Đức ngữ và Cư Sỹ Lê Công Tắc Việt ngữ. Ông hội trưởng Nguyễn Văn Rị và cô Kim ngân chào mừng qúy vị quan khách Đức-Việt về đây mừng tết đông đảo, cám ơn qúy hội viện và qúy đồng hương và đặc biệt cám ơn chính phủ Đức đã nhân ái cứu vớt đồng bào Việt Nam trên biển đông và đưa về nước Đức này hơn 11.300 (mười một ngàn ba trăm) người được con tàu Cap-anamur mà người đứng đầu trực tiếp là ông tiến sỹ Neudeck, rất tiếc hôm nay ông không thể đến tham dự được những đã gởi thơ chúc mừng. - Ông Phiplip Rösler cựu chủ tịch đảng Tự Do FPD. gởi thơ chúc mừng. - Bà Hannelore thống đốc tiểu bang NRW. gởi thơ chúc mừng. - Ông Jäger bộ trưởng nội vụ tiểu bang NRW. gởi thơ chúc mừng. - Bà bộ trưởng xã hội tiểu bang NRW. gởi thơ chúc mừng. Những quan khách Đức có mặt hiện diện hôm nay thì có những vị sau đây: - Ông DR. Günther Krings thứ trưởng bộ nội vụ đảng CDU. Thiên Chúa Giáo - Ông Clau Schäfer thị trưởng thành phố Mönchengladbach. - Bà Gülistan Yükel nghị sỹ quốc hội liên bang SPD. - Ông Hans Willi Körfger nghị sỹ tiểu bang NRW. - Ông Norbert Post nghị sỹ tiểu bang NRW. - Lm. quản xứ Johannes van de Vorst - Lm. quản xứ Schicks - Thêm khá nhiều quan khách Đức. - Lm. Nguyễn Chí Thiện - Mục sư Huỳnh Văn Công - Cư sỹ Lê Công Tắc PGHH. - Ông Bs. Trần Văn Tích chủ tịch Cộng đồng người Vtncs. liên bang Đức. - Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh phó ngoại vụ. Cùng rất nhiều đại diện các đoàn thể cộng đồng, cũng như những quan khách Đức Việt mà tôi không thể nhớ hết nổi. Ông Dr. Günther Krings thứ trưởng bộ nội vụ đảng CDU. Thiên Chúa Giáo phát biểu chào mừng cộng đồng VNtncs. đầy ấn tượng và khen ngợi sự yêu qúy tự do dân chủ của cộng đồng Việt Nam ty nạn cs. Tôi biết nhiều người sẽ không trở về VN. khi chưa có tự do thực sự. Cũng như sự học hành thành tài của các trẻ em Việt Nam. v. v... - Bà Gülistan Yükel nghị sỹ quốc hội liên bang SPD. cũng khen ngợi sự hội nhập tốt nhất của nhóm người Việt tncs. ở Đức Quốc. Vì bà chuyên lo về vấn đề văn hóa hội nhập nên hiểu khá rõ về vấn đề này. Bà cũng chúc mừng tất cả những người Việt Nam một năm mới gặt hái thành công và may mắn. Còn khá nhiều phát biểu của chính giới Đức nữa nhưng tôi xin được sơ lược một chút để còn qua mục mới. Bs. Trần Văn Tích cũng tường thuật sơ môt chút về ngày nhân quyền thế giới tại trụ sở liên hiêp quốc Geneve hồm vừa rồi và nêu lên những bước đường đấu tranh cho dân chủ nhân quyền mới. Hội cũng kêu gọi sự đóng góp cho những nạn nhân Philippin của cơn bão Hải Yến và cho quê hương Việt Nam. Vui xuân nhưng không quyên bổn phận. Sau phân chào mừng là màn hai chú lân bái tổ và nhảy múa cùng những tiếng pháo rộn ràng hân hoan khắp cả. Các em được các chính giới mừng tuổi đầu năm lấy hên bằng những bao qùa may mắn. lúc này tôi thấy các em ở đâu mà qúa đông như vậy! chắc có lẽ những lúc trước chạy chơi ở các phòng kế bên và bên ngoài thì phải. Phần văn nghệ năm nay cũng vô cùng phong phú với 2 xướng ngôn viên Thu Sương va 2 Thanh Long. Thu Sương thật là đa tài, không những xướng ngôn lưu loát mà còn hát rất hay. Những màn vũ của các em lớp Việt ngữ cũng vô cùng là dễ thương kèm theo những lời chúc tết của một em bé tí tẹo Việt lai, và cuối lời chúc bé không quên nhắc là nhớ mừng tuổi cho các em...thật là dễ thương qúa khi thấy em bé tóc vàng nói sõi tiêng Việt và đại diện các bé để chúc tết đến các ông bà cô chú. Sự đóng góp của võ đường Vovinam Trần Hưng Đạo Bỉ Quốc cũng rất đẹp mắt và gây ấn tượng thật nhiều với quan khách và mọi người. Có một điều tôi thấy là Việt Võ Đạo nhưng mà đa số võ sinh là người tây theo học thầy Việt, đây cũng là một điểm thú vị và hãnh diện của dòng giống lạc hồng chúng ta. Đúng là: Đem chuông đi đánh xứ người Tiếng vang văng vẳng cho đời học theo Một sự chú ý đặc biệt của tôi và mọi người là ban Văn Vũ Điểm Sáng đến từ Darmstadt, năm chị em trong một gia đình sinh trưởng bên đây nói tiếng Việt rất hay và rõ ràng chững chạc với những màn vũ gây bất ngờ đẹp mắt đầy ấn tượng. Và trình diễn nhạc phẩm Một chút qùa cho quê hương của (Viêt Dzũng) khá hay rồi màn múa cờ của một người anh em trai trong gia đình với bàn nhạc Đáp lời sông núi của (Trúc Hồ) tuyệt vời. Đây phài nói là gia đình văn võ song toàn đúng nghĩa. Vì khi nghe Thu Sương phỏng vấn tôi mới biết các em đều học võ từ nhỏ cả. Bởi thế khi xem các em trình diễn màn vũ có những động tác nhanh nhẹ hơn bình thường. Những câu trả lời của các em mang đâm tình yêu quê hương và đất nước, mang tinh thần tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền của con người. (Cám ơn các em nhiều) Nhộn nhịp nhất chắc phải nhắc tời nhóm Fitness Rush Zumba sở tại Mönchengladbach làm cho gần cả hội trường già trẻ lớn bé đều lắc lư con tàu hơn 20 phút. Đặc biệt là các bạn trẻ và các cháu thiếu nhi. Cũng không thể không nhắc đến ban nhạc Tình Si đến từ Hòa Lan và bao nhiêu ca sỹ như Thy Hà, Huy Tài, Kiều Oanh, Hạt Sương Khuya, Kim Thy, Thụy Vy. với biết bao nhiêu nhạc phẩm mừng xuân xen kẽ tranh đấu cho công bình và dân chủ tự do v.v... Một điểm hẹn không thể không nói tới đó là khu hàng ăn. Nơi đây luôn tấp nập và nhộn nhịp tưng bừng đôi lúc bền ngoài này đầy ắp hơn cả bên trong hội trường chính. Thế mới biết khi vui xuân thì tâm hồn ăn uống cũng dâng cao nên những gian hàng ăn uống được chiếu cố tận tình. Uớc mong những hội người Việt Tncs. chúng ta luôn giữ gìn được những bản sắc dân tộc và những truyền thống tốt đẹp, để luôn giữ được tiếng tốt và đem lại sự hãnh diện cho cộng đồng Việt Nam chúng ta. Các chính khách đang được giới thiệu về những hình ảnh đàn áp nhân quyền ở Việt Nam. Và những con thuyền được tàu Đức cứu vớt. Đây là một ngày hội tết thành công tốt về mặt ngoại giao với chính quyền Đức vì hội hằng năm đã mời được khá nhiều những chính giới Đức đến tham dự để họ thấy tận mắt những gì chúng ta đang làm và có tiếng nói tốt cho cộng đồng chúng ta. Chương trình Văn nghệ chấm dứt vào khoảng 24 giờ đêm và mọi người còn thu dọn cho đến hôm sau. (Những đóng góp cho qũy bão lụt sẽ được công bố khi tổng kết). Thanh Sơn 09.02.2014 Tường thuật và ghi hình ***** Báo „Stadt Spiegel“ 12.Februar 2014 Người viết và chụp hình: Isabell Wyes                                           „Cảm ơn Mönchengladbach“ Khoảng 1000 người Việt mừng Tết Nguyên Đán vào ngày thứ bảy vừa qua tại hội trường Neuwerker Krahnendonkhalle. Cách đây hơn 30 năm họ đã từ bỏ chế độ độc tài ở quê hương họ và nhân buổi lễ này họ đã nói: „Cám ơn“ đến nước Đức, nơi mà họ không phải sống trong sợ hãi nữa. Mönchengladbach- Neuwerk: Ông Nguyễn Văn Rị, chủ tịch Hội người Việt tại Mönchengladbach và là người đứng đầu ban tổ chức buổi mừng Xuân Giáp Ngọ này. Ông đã rời Việt Nam vào năm 1981. Với vợ và cùng 4 con ông đã được tàu „Cap Anamur“ cứu vớt và hiện đang sinh sống tại Mönchengladbach-Rheydt. Từ đó tới giờ ông luôn giúp đỡ những người trong những vùng chiến tranh, bất ổn, và vì thế năm ngoái ông đã được lãnh nhận huy chương danh dự cùa tiểu bang Nordrhein-Westfalen: „Landesverdienstorden“.(Dấn thân cho tha nhân). Một trong các con cùng vượt biên với ông là cô Kim Nguyễn, người đã giúp ông rất nhiều trong buổi tổ chức này, đặc biệt là phần dịch bài diễn văn tiếng Việt ra tiếng Đức. Kim Nguyễn, 32 tuổi, giải thích cho tôi rằng: „Theo phong tục vào ngày Tết phải có múa lân. Các cháu được người lớn lì xì phong bì đỏ với chút tiền trong đó và thường người ta ăn bánh tét. Bánh được làm bằng nếp, đậu xanh và thịt heo. Các phụ nữ mặc áo truyền thống được gọi là áo dài“. Trong bài chào mừng quan khách ông Nguyễn Văn Rị đã cám ơn nước Đức, cám ơn thành phố Mönchengladbach và cám ơn tiến sĩ Rupert Neudeck. Nhờ ông Neudeck mà nhiều ngàn người Việt đã bắt đầu một cuộc sống mới không sợ bị truy nã vì lý do chính trị nữa. Tiến sĩ Rupert Neudeck  đã cùng vợ và vài người bạn ra khơi với  chiếc tàu Cap Anamur vào đầu năm 1980 và đã cứu được hơn 10.000 người Việt từ những chiếc ghe cũ kỹ và chứa quá tải. Từ đó đã sinh ra Hội „Cap Anamur – Hội các bác sĩ cấp cứu Đức“. Hội này hiện vẫn còn giúp đỡ nhân đạo ở nhiều nơi trên thế giới. Khoảng 1000 người Việt, phần đông là người Việt tỵ nạn và con cái của họ, từ khắp nơi đã về Mönchengladbach vào ngày thứ bảy, mùng 8 tháng hai, năm 2014 để mừng Tết Nguyên Đán., Cô Mai Linh, 19 tuổi, trong đội vũ, hiện đang học đại học về Kỹ Thuật và Kinh tế quản trị ở München nói rằng: „Tết đối với chúng tôi là ngày lễ lớn nhất trong năm. Mặc dù ở München tôi cũng đã cố gắng về đây để dự Tết“. (München cách Mönchengladbach khoảng 600 cây số*) (*lời giải thích của người dịch). Cùng với bạn gái là cô Tố Quỳnh, 17 tuổi, Mai Linh đã tiếp nối truyền thống của cha mẹ. Hồi còn nhỏ hai cô học tiếng Việt, vào đội vũ và bây giờ chính hai cô dạy lại cho các em các điệu vũ và các bài hát. Hai cô  nói rằng: „Bố mẹ chúng tôi thường kể cho chúng tôi nghe về hồi xưa nên chúng tôi cảm thấy rất gần gũi với Việt Nam“. Vào ngày mùng 1 tháng hai năm con rắn chấm dứt để bắt đầu năm con ngựa, vì người Việt mừng năm mới theo âm lịch. Ông Günter Krings, dân biểu Quốc Hội Đức và là Thứ trưởng  Bộ Nội Vụ Liên Bang, cũng đã có mặt trong ngày mừng Xuân Giáp Ngọ ở Mönchengladbach. Trong bài diễn văn ông đã khen ngợi Hội Người Việt tỵ nạn là: „một Hội xuất sắc vì ba lý do: thứ nhất hội đã làm phong phú đời sống văn hóa của chúng ta, thứ hai họ đi theo tiếng gọi của Tự do và thứ ba họ hội nhập rất thành công và họ là tấm gương của tiến trình hội nhập tốt đẹp“. Nguồn tin: Stadt Spiegel, 12.Februar 2014 – Nr. 7 www.stadt-spiegel-moenchengladbach.de Ngọc Hòa lược dịch http://e-paper.stadt-spiegel-moenchengladbach.de/book/read/id/00012E6AE3... ***** RP Online thứ hai, ngày 10, tháng hai, năm 2014                             Người Việt mừng Xuân Giáp Ngọ (naf) Chia tay chú rắn và chào đón chú ngựa: vào ngày thứ bảy vừa qua khoảng 1000 người Việt từ khắp nước Đức, Bỉ và Hòa Lan đã tề tựu về hội trường Neuwerker Kranendonkhalle ở Mönchengladbach để ăn mừng năm mới. Năm con rắn đã chấm dứt để nhường chỗ cho năm con ngựa. Cô Mai Linh cho biết: „ngày Tết rất quan trọng đối với người Việt chúng tôi. Đó là ngày gặp gỡ để cùng vui Xuân.“ Cô sinh viên 19 tuổi Mai Linh hiện không sống ở Mönchengladbach-Niederrhein nữa, song ở München, nhưng cũng đã về đây để dự Tết. Với chiếc áo dài in hoa dịu dàng cô đã cùng đội vũ của Hội người Viêt tỵ nạn múa những màn vũ quạt tuyệt vời. Ngoài ra còn có những bài hát Xuân, múa lân, bánh đặc biệt của ngày Tết được gọi là bánh tét - một loại bánh được làm bằng nếp, đậu xanh và thịt heo – và dĩ nhiên là có bài chào mừng quan khách.   Chủ tịch cộng đồng người Việt tại Mönchengladbach, ông Nguyễn Văn Rị đã chào mừng quan khách bằng Việt ngữ, con gái ông ta, cô Kim Nguyễn bằng Đức ngữ: „Đúng với truyền thống chúng tôi mừng năm mới theo âm lịch. Trong dịp này chúng tôi tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, nhớ đến tổ tiên và mừng tuổi các cháu“. Ngoài ra đây cũng là dịp để nhớ đến vị đại ân nhân là tiến sĩ Rupert Neudeck, người mà đầu thập niên 1980 với chiếc tàu Cap Anamur đã cứu vớt hơn chục ngàn người Việt. Trong số đó rất đông đã bắt đầu cuộc sống mới ở Mönchengladbach. Ông Rị và cô Kim, cũng là thuyền nhân, đã thay mặt cộng đồng người Việt lên tiếng: „Cám ơn nước Đức. Cám ơn Mönchengladbach. Cám ơn tiến sĩ Rupert Neudeck“. Cô Mai Linh và bạn gái cô ta, cô Tố Quỳnh, 17 tuổi, lúc đó chưa sinh ra, nhưng cũng rất xúc động: „bố mẹ chúng tôi thường kể cho chúng tôi về chuyện này“.   Trong khách danh dự tại hội trường Krahnendonkhalle có hai dân biểu quốc hội là bà Gülistan Yüksel (SPD) và ông Günter Krings (CDU). Họ đã hết lời khen ngợi cộng đồng người Việt tỵ nạn tại đây. Ông Krings nói rằng: „Quý vị đã đi theo tiếng gọi của Tự Do và can đảm lên đường. Và quý vị đã hội nhập rất, rất thành công vào xã hội chúng tôi.“ Nguồn tin: RP Online, Montag, 10.Februar 2014 Stadtgespräch Mönchengladbach RP-Poto: Delef Ilgner Ngọc Hòa lược dịch
......

Ông Lý Thái Hùng, về kết quả và ảnh hưởng của UPR 2014

Buổi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát gọi tắt là UPR về tình trạng nhân quyền Việt Nam năm 2014 đã diễn ra vào chiều ngày 5 tháng 2 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ. Phái đoàn của CSVN do Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu với 23 người gồm đại diện bộ công an, bộ tư pháp, bộ truyền thông thông tin, ban tôn giáo, ban dân tộc… thay phiên trả lời những chất vấn của đại diện các quốc gia về tình hình đàn áp và những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. So với lần kiểm định định kỳ phổ quát cách nay 5 năm vào năm 2009, lần này, phái đoàn CSVN không những bị chất vấn, phê phán mạnh mẽ từ các quốc gia mà còn bị lên án trực tiếp từ các tổ chức quốc tế, đoàn thể, đảng phái và các cá nhân của người Việt Nam đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Âu Châu.. khiến cho không khí quanh buổi kiểm điểm định kỳ của CSVN rất căng thẳng. Để tìm hiểu về phản ứng chung quanh buổi kiểm điểm định kỳ về tình hình nhân quyền Việt Nam hôm mồng 5 tháng 2 vừa qua, Thanh Thảo xin mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân. Nghe bình luậnhttp://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2014/02/20140209-ctm-...     Thanh Thảo: Trước hết xin ông có thể tóm lược những nội dung báo cáo của phái đoàn CSVN và những phản ứng chung của dư luận đối với buổi kiểm định định kỳ UPR vào tháng 5 năm 2009 cách đây 5 năm để chúng ta dễ so sánh với buổi kiểm định UPR lần này thưa ông? Lý Thái Hùng: UPR là cơ chế được Hội đồng Nhân quyền LHQ thành lập năm 2007 nhằm đánh giá một cách toàn diện về tình hình thực hiện các cam kết tôn trọng nhân quyền của tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. CSVN đã tham gia điều trần trước UPR lần đầu tiên vào ngày 8 tháng 5 năm 2009 với một phái đoàn khá hùng hậu gồm 29 người đại diện của Bộ ngoại giao, Bộ lao động thương binh, Bộ thông tin truyền thông, Bộ tư pháp, Bộ nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ công an, Hội luật sư, Hội nhà báo, Ban đối nội và đại diện thường trú của CSVN tại Văn phòng Liên hiệp quốc ở Genève.   Vào năm 2009, phần báo cáo dài 30 phút của CSVN tập trung bốn điểm chính : 1/Hệ thống luật pháp và những luật lệ liên quan đến quyền con người; 2/Chính sách phát triển kinh tế nhằm nâng cao mức sống và bảo đảm chất lượng đời sống của người dân; 3/Các kế hoạch an sinh xã hội liên quan đến những chương trình xóa đói, giảm nghèo, cải cách y tế, giáo dục; 3/Bảo đảm quyền của thành phần thiếu số trong xã hội. Nói chung bản báo cáo mang nặng tính tuyên truyền. Vì thế, sau phần báo cáo, CSVN đã nhận tất cả 131 khuyến nghị từ các quốc gia thành viên yêu cầu phải có những thay đổi như bỏ án tử hình, bảo đảm người bị giam giữ được tiếp cận với Luật sư mà không bị ngăn cản, công bố có bao nhiêu trại giam của công an và quân đội, thiết lập một cơ quan nhân  quyền quốc gia theo nguyên tắc của Hiệp ước Paris, thiết lập một cơ quan giám sát nhân quyền độc lập cố định, nhanh chóng thông qua các luật về quyền tiếp cận thông tin của người dân, cho phép truyền thông đóng vai trò giám sát trong xã hội…   Trong 131 khuyến nghị nói trên, CSVN chấp thuận 46 khuyến nghị mang tính chung chung, và từ chối 45 khuyến nghị liên quan đến việc nâng cao quyền của người dân trong các lãnh vực báo chí, tôn giáo, chính trị. Điều này cho thấy là CSVN coi thường các khuyến nghị nên đã bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ trong suốt 5 năm vừa qua và chính vì những lên án này mà Hà Nội đã phải dành hẵn một chương đề cập về Quyền Con Người trong bản hiến pháp mới, thông qua vào cuối năm 2013. Thanh Thảo: Như vậy buổi kiểm định UPR lần này, CSVN đã chuẩn bị ra sao và phản ứng chung của dư luận quốc tế có những gì đáng chú ý thưa ông?   Lý Thái Hùng: Trong đợt báo cáo UPR lần này, CSVN đã chuẩn bị kỹ hơn với sự tham dự của 18 cơ quan của các Bộ, ngành trực thuộc chính phủ và quốc hội soạn bản báo cáo và nộp cho ban thư ký Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 10 năm 2013.  Tại buổi kiểm định, CSVN đã cử một lực lượng nhân sự khá hùng hậu do Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu sang Genève để trả lời những câu hỏi chất vấn trong buổi kiểm định.   Tuy nhiên nội dung bản báo cáo cho UPR lần này vẫn không có gì mới lạ. CSVN vẫn tiếp tục đưa ra những con số thống kê hoàn toàn không kiểm chứng như khoe rằng tỷ lệ người nghèo dưới ngưỡng chuẩn quốc gia đã giảm từ 58,1% xuống 14,8% năm 2007 và 7,8% năm 2013. Ngoài ra, phái đoàn CSVN chứng minh việc tôn trọng quyền con người bằng cách cho rằng đã dành trọn chương II quy định việc bảo vệ quyền con người trong bản hiếp pháp mới, cũng như ban hành một loạt luật mới nhằm thể chế hóa quyền con người như Luật khám chữa bệnh, Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật, Luật phòng chống mua bán người… Vì thế mà ngay sau khi nghe phần báo cáo 30 phút của Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã có đến 68 phái đoàn trong số 106 hiện diện ghi danh chất vấn và đưa ra những khuyến nghị rất cụ thể đối với tình hình nhân quyền Việt Nam so với lần UPR năm 2009. Ngoài những phái đoàn Trung Quốc, Cuba khen ngợi bản báo cáo của CSVN, đại diện các phái đoàn Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Pháp, Úc, Anh, Thụy Sĩ … tức các quốc gia Tây Phương nói chung, các quốc gia cựu cộng sản Đông Âu, và các quốc gia như Nhật Bản, Mexico, Ba Tây, Miến Điện đều cho rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam không những không được cải thiện so với 5 năm trước mà ngày càng trở nên tồi tệ khi số người bị bắt giữ phi lý, phi pháp gia tăng. Phái đoàn Thụy Điển đã tố cáo có đến 58 Bloggers bị bắt bỏ tù từ năm 2009 đến nay và Việt Nam đã hạn chế các quyền tự do ngôn luận. Phái đoàn Hoa Kỳ đòi CSVN phải trả tự do tức khắc cho 4 tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và Trần Huỳnh Duy Thức cũng như bỏ các đạo luật mơ hồ về an ninh quốc gia để làm lý cớ bắt giữ những công dân yêu nước. Nói chung, nội dung bản báo cáo tập trung vào những khoe khoang khỏa lấp thực trạng vi phạm nhân quyền như nói thông qua đạo luật này, ban hành chính sách kia nhằm thể chế hóa quyền con người nhưng trong thực tế thì không thi hành hoặc áp dụng ngược lại. Đa số các phái đoàn và đại diện những tổ chức phi chính phủ đều bày tỏ sự bất mãn phiên điều trần của CSVN. Thanh Thảo: Theo ông thì những hứa hẹn thay đổi của phái đoàn CSVN trong lần kiểm định cách nay 5 năm có gì thay đổi đối với buổi kiểm định này không thưa ông? Lý Thái Hùng: Trong lần Kiểm định UPR năm 2009, CSVN nhận tất cả là 131 khuyến nghị nhưng chỉ chấp nhận 46 khuyến nghị còn từ chối không thi hành hay cải tổ đối với 45 khuyến nghị. 45 khuyến nghị này tập trung vào những vấn đề như: Thiếp lập một cơ quan nhân quyền quốc gia theo các nguyên tắc Paris, Tăng sự độc lập của truyền thông với nhà nước, bao gồm việc cho phép truyền thông tư nhân, sửa đổi luật xuất bản để tuân thủ theo ICCPR, cho phép truyền thông đóng vai trò giám sát trong xã hội, Mời vả hỗ trợ chuyến thăm của báo cáo viên đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng, Tiến hành các biện pháp cần thiết để chấm dứt những hạn chế đối với quyền tự do phát biểu và tụ họp ôn hòa, Cho phép báo và tạp chí độc lập và do tư nhân quản lý, Xây dựng đối thoại chính sách giữa chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự độc lập, Xóa bỏ những quy định không rõ ràng về an ninh quốc gia như các điều 84, 88, 258 đã được sử dụng để kết tội cho những người có tiếng nói bất đồng với chính phủ hay chính sách của chính phủ…   Vì thế mà bản báo cáo UPR năm 2014, CSVN đã không những không đá động gì đến các khuyến nghị từ 2009, mà còn cho rằng những nội dung khuyến nghị về tôn trọng nhân quyền chỉ nhằm hỗ trợ những thế lực bên ngoài chống phá lại đảng và nhà nước CSVN. Khi CSVN tiếp tục coi những khuyến nghị của quốc tế nhằm nâng cao quyền con người đúng theo nhu cầu của một xã hội văn minh tiến bộ của nhân loại là chống lại họ, cho thấy là não trạng của Hà Nội rất dị ứng với hai chữ “nhân quyền”. Thanh Thảo: Trước khi buổi kiểm định diễn ra buổi chiều ngày 5 tháng 2 tại trụ sở Geneve của Liên Hiệp Quốc đã có 3 buổi hội thảo về tình hình nhân quyền VN. Ông đánh giá ra sao về nỗ lực của các buổi hội thảo này và có tác dụng gì không? Lý Thái Hùng: Phải nói là dư luận Việt Nam lẫn quốc tế rất chú ý đến lần kiểm định UPR năm 2014 vì một lý do khá hiển nhiên là CSVN vừa được bầu vào làm thành viên mới của Hội đồng nhân quyển Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 năm 2013. Trong sự quan tâm đó, những tổ chức NGO quốc tế và những đoàn thể, đảng phái, các cá nhân ở trong và ngoài Việt Nam đã tổ chức hay tham gia vào ba cuộc hội thảo trong trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève để tạo thêm sức ép lên phái đoàn CSVN. Hội thảo thứ nhất diễn ra vào ngày 30 tháng 1 do các tổ chức dân sự độc lập Việt Nam như Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị-Tôn giáo Việt Nam và VOICE tổ chức, thu hút nhiều phái đoàn quốc tế tham dự. Đặc biệt là các tổ chức dân sự độc lập này đã thực hiện một tài liệu đúc kết lại toàn bộ những vi phạm quyền con người của nhà cầm quyền CSVN hầu giúp cho các phái đoàn nắm vững tình hình Việt Nam và không nghe một chiều từ phía Hà Nội. Hội thảo thứ hai diễn ra vào ngày 4 tháng 2, một ngày trước khi buổi Kiểm định định kỳ của CSVN diễn ra vào chiều ngày 5 tháng 2. Hội thảo này mang chủ đề “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc” với sự tham dự của các NGO quốc tế  như UN Watch, Article 19, PEN International, RFA và các tổ chức Việt Nam như đảng Việt Tân, Vietnam Progress, Vietnam Human Right PAC. Tại buổi hội thảo này có 3 nhân chứng Việt Nam là Luật sư Hà Huy Sơn, Ký giả Trần Quang Thành cựu phóng viên đài Truyền hình Việt Nam và Tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Tuy nhiên Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã bị công an CSVN ngăn chận không cho xuất cảnh để sang Thụy Sĩ tham dự Hội thảo. Hội thảo thứ ba cũng diễn ra vào ngày 4 tháng 2 do Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền với sự hậu thuẫn của Ân Xá Quốc tế và Human Rights Watch tổ chức cuộc Hội luận “Những tiếng nói của Xã hội dân sự bị cấm đoán”.   Ba hội thảo nói trên đã đưa ra được những nét đặc thù giúp cho dư luận quốc tế, đặc biệt là đại diện một số quốc gia tham dự UPR hiểu rõ khát vọng nhân quyền của người Việt Nam đang tranh đấu ngay tại Việt Nam, cũng như nắm được các điểm chính cần truy cứu trách nhiệm của CSVN trong vai trò là thành viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Nhờ  vào nội dung đề xướng của ba Hội thảo nói trên và những cuộc vận động hành lang đối với một số đại diện các quốc gia trước thềm UPR, khiến cho các lên tiếng của một số quốc gia trong phần chất vấn và khuyến nghị phái đoàn CSVN rất mạnh mẽ như yêu cầu Hà Nội bỏ đều 79, 88, 258 của Luật hình sự hay trả tự do tức thời cho Tiến sĩ Cù huy Hà Vũ, Luật sư Lê Quốc Quân,  blogger Điều Cày, doanh gia Trần Huỳnh Duy Thức. Ngoài ra, một vài phái đoàn còn khuyến cáo là CSVN phải tuân thủ những phán quyết của Ủy Ban LHQ Chống Bắt Giữ Tùy Tiện và trả tự do cho tất cả những người được nêu tên trong các phán quyết đó, bao gồm các vị trong vụ án Bến Tre, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, và các Thanh Niên Yêu Nước tại Vinh. Nói chung, tác dụng quan trọng của các cuộc hội thảo là đánh thức dư luận về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam và không nên tin vào các báo cáo của CSVN. Thanh Thảo: Trong số những người Việt Nam được tổ chức UN Watch mời tham dự Hội thảo trước thềm UPR là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã bị chận không cho xuất cảnh đến Genève. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên đối với người VN chúng ta, nhưng theo ông phản ứng này của Hà Nội có là kém khôn ngoan trước cuộc kiểm định nhân quyền của LHQ hay không? Lý Thái Hùng: Trong thời gian qua, CSVN đã theo dõi và rất ngại những phát biểu sâu sắc và thuyết phục của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng về mọi mặt của tình hình Việt Nam. Do đó, việc không cho Tiến sĩ Phạm Chí Dũng rời Việt Nam sang Genève dự Hội thảo theo lời mời của UN Watch không đơn thuần là một quyết định hành chánh của bộ máy công an an ninh, mà là quyết định tối hậu của Bộ chính trị.   Lý do đơn giản là lãnh đạo CSVN lo ngại các phát biểu của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ngay tại Genève sẽ làm cho nội dung báo cáo về cái gọi là nâng cao quyền con người của phái đoàn CSVN hôm mồng 5 tháng 2, trở thành lố bịch, dẫn đến sự bất tín của thế giới về vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc của CSVN trong 3 năm tới. Thanh Thảo: Có người cho rằng những chất vấn hay những vận động các áp lực của quốc tế trước thềm UPR lần này tuy có tạo một số ảnh hưởng nhất định nhưng vốn là quốc gia độc  tài, CSVN sẽ không đáp ứng các đòi hỏi của quốc tế một cách rốt ráo. Ông nghĩ sao về sự hiệu quả của UPR? Lý Thái Hùng: UPR là một cơ chế mang tính chất kiểm tra, đối thoại, công khai và không mang tính chế tài, đối đầu giữa các thành viên của Liên Hiệp Quốc về tình hình thực thi nhân quyền chung tại các nước. Khi cơ chế mang tính chất khuyến cáo, người ta khó có thể chờ đợi UPR hay Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ.   Tuy nhiên, UPR là diễn đàn mà những quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, cứ 4 năm một lần phải làm báo cáo về tình hình nhân quyền và lắng nghe ý kiến, khuyến cáo từ các quốc gia khác để có những biện pháp cải sửa thích ứng. Đây là cơ hội rất lớn để các đoàn thể vận động, tạo áp lực thay đổi lên chế độ nếu họ muốn được tôn trọng trên đường hội nhập. Do đó chúng ta nên coi UPR là diễn đàn tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, các NGO thế giới để sau đó tiếp tục duy trì thường xuyên các áp lực buộc Hà Nội phải nghiêm chỉnh thi hành những khuyến nghị mà họ chấp nhận thi hành hay cải sửa.   Những lên án đồng loạt từ nhiều quốc gia và NGO thế giới lần này đã gởi một thông điệp mạnh mẽ  đến lãnh đạo CSVN, đồng thời nói lên sự hỗ trợ mạnh mẽ của thế giới đối với phong trào dân chủ Việt Nam. Đây cũng là một khích lệ tinh thần lớn lao đối với đồng bào và các nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, giúp họ vượt qua những khó khăn, trù dập, đe dọa của chế độ. Nhưng điều đáng nói là qua cuộc vận động UPR năm 2014, tinh thần kết hợp đấu tranh giữa người Việt trong nước và hải ngoại đã được thực hiện tuyệt vời để đưa tiếng nói nhân quyền Việt Nam lên tầm mức quốc tế cao nhất so với trước đây. Thanh Thảo: Xin cảm ơn phần trả lời của ông Lý Thái Hùng. http://radiochantroimoi.com/thoi-su-vn/ong-ly-thai-hung-ve-ket-qua-va-an...
......

Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát (UPR) 2014

Nhiều phái đoàn người Việt đang tụ về thành phố Genève cho ngày UPR.   Nhiều phái đoàn người Việt từ khắp nơi, Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, các nước Đông Âu, và Việt Nam đang tề tựu tại Genève để tham gia các nỗ lực vạch trần sự thật về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vào ngày 4/2/2014, tức 1 ngày trước phiên trả lời chất vấn của đại diện nhà nước CHXHCNVN trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi đã thấy có sự hiện diện của bà Trần Thị Ngọc Minh - mẹ của tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh; nhà báo Trần Quang Thành đến từ Đông Âu; nhạc sĩ Trúc Hồ đến từ Hoa Kỳ; phái đoàn của Đảng Việt Tân đến từ một số nước; và nhiều phái đoàn đại diện các cộng đồng người Việt đến từ một số quốc gia tại Âu Châu. Sau đây, kính mời quí độc giả theo dõi lời phát biểu của ông Lê Hữu Đào, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt tại Liège, Vương Quốc Bỉ, về mục đích của đại khối đồng bào tham dự lần này: https://soundcloud.com/radio-ctm-2/ong-le-huu-dao Buổi hội thảo về nhân quyền Việt Nam đã bắt đầu Trước hết là phần trình bày của chính giới và các tổ chức phi chính phủ (NGO) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam:   Người đang trình bày là bà Anne-Marie von Arx, một dân biểu Thụy Sĩ  đã theo dõi tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Bà từng đến tận nơi quan sát vào năm 2012. Bên cạnh bà là chị Hồng Thuận.   Người đang ngồi tại bàn diễn giả là bà Nani Jansen thuộc tổ chức bảo vệ pháp lý cho các cơ quan truyền thông độc lập Media Legal Defence Initiative, ông Gisle Kvanvig thuộc Trung Tâm Nhân Quyền Na Uy -Norwegian Center for Human Rights, ông Benjamin Ismail thuộc tổ chức Ký Giả Không Biên Giới - Reporters Sans Frontières, và vị đại diện văn phòng Luật sư Đỗ Phủ Nhà báo Phạm Chí Dũng bị phá đường dây vào Internet Phần trình bày của các nhân chứng Việt Nam bắt đầu Phòng họp đã đầy và vì lý do an ninh bên trong trụ sở Liên Hiệp Quốc nên hơn 70 đồng bào đành đứng bên ngoài và ủng hộ tinh thần. Quang cảnh bên trong phòng hội thảo:     Đến phần tường trình của các nhân chứng từ Việt Nam, Luật sư Hà Huy Sơn và Nhà báo Trần Quang Thành đang trình bày, với sự điều hợp của chị Ngọc Hiếu Sau đây là tiểu sử của 3 nhân chứng từ Việt Nam mà chúng tôi ghi nhận được từ ban tổ chức. Nhà báo Phạm Chí Dũng: Ông Phạm Chí Dũng tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế. Ông đồng thời cũng là một nhà báo và nhà nghiên cứu với nhiều bài viết đăng trên những cơ quan truyền thông lớn như đài BBC, đài Tiếng nói Hoa Kỳ, đài Á Châu Tự do và đài Quốc Tế Pháp. Ông Dũng bắt đầu sự nghiệp văn học năm 1986 và được biết đến với những bài viết và bình luận chính trị sâu sắc. Nổi bật với quá trình điều tra và truy cứu về tệ nạn tham nhũng và vấn nạn thiếu tự do báo chí, ông đã bị quản chế năm tháng vào tháng 7 năm 2012 với tội danh cấu kết với “ các thế lực thù địch”. Là một đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản trong 20 năm, ông đã được dư luận đặc biệt chú ý kể từ khi ông công khai tuyên bố rời bỏ Đảng hồi tháng 12 năm 2013. Trong tuyên bố ông kêu gọi lập hệ thống chính trị đa đảng.     Luật sư Hà Huy Sơn: Luật sư Hà Huy Sơn tốt nghiệp Đại học Kinh Tế Quốc Dân và từng làm việc cho nhiều công ty lớn tại Việt Nam với nhiều trách vụ khác nhau. Ông tốt nghiệp ngành luật năm 1998. Từ năm 2010 ông là Giám đốc văn phòng luật sư Hà Sơn thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội. Ông đã từng là luật sư bào chữa cho nhiều nhà tranh đấu nhân quyền như: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Mục sư Nguyễn Công Chính, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân và Phương Uyên v.v.. Ông đã nhiều lần phát biểu công khai phản đối bản án bất công của nhà cầm quyền VN đối với các nhà dân chủ. Ông là thành viên Ủy Ban Luật Gia Quốc Tế (ICJ) và là một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam.   Nhà báo Trần Quang Thành Nhà báo Trần Quang Thành sinh năm 1941. Từ năm 1960 – 1972 ông là phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam. Từ năm 1973 – 1982 ông là phóng viên thời sự chính trị của Đài Truyền Hình Việt Nam. Trách vụ cuối cùng trước khi ông bị buộc thôi việc là chuyên viên Viện Nghiên Cứu Phát Thanh và Truyền Hình Việt Nam. Vì lên tiếng chống tham nhũng trong điều kiện Việt Nam chưa có tự do báo chí mà ông đã bị cho “ngồi chơi xơi nước” rồi bị kẻ lạ  tạt axít vào mặt, tai nạn xảy ra ngày 4-7-1991. Ông mang thương tật suốt đời, bị mù mắt trái, thương tật 81% sau 15 lần phẫu thuật để tạo hình mặt mũi. Cuốc sống của ông tại Việt Nam bị nhiều đe dọa và nhờ sự can thiệp của chính quyền nuớc Cộng Hòa Slovakia, ông đã định cư tại Slovakia từ tháng 8 năm 2008.   Sau đây là tiểu sử của 3 nhân chứng từ Việt Nam mà chúng tôi ghi nhận được từ ban tổ chức. Nhà báo Phạm Chí Dũng: Ông Phạm Chí Dũng tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế. Ông đồng thời cũng là một nhà báo và nhà nghiên cứu với nhiều bài viết đăng trên những cơ quan truyền thông lớn như đài BBC, đài Tiếng nói Hoa Kỳ, đài Á Châu Tự do và đài Quốc Tế Pháp. Ông Dũng bắt đầu sự nghiệp văn học năm 1986 và được biết đến với những bài viết và bình luận chính trị sâu sắc. Nổi bật với quá trình điều tra và truy cứu về tệ nạn tham nhũng và vấn nạn thiếu tự do báo chí, ông đã bị quản chế năm tháng vào tháng 7 năm 2012 với tội danh cấu kết với “ các thế lực thù địch”. Là một đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản trong 20 năm, ông đã được dư luận đặc biệt chú ý kể từ khi ông công khai tuyên bố rời bỏ Đảng hồi tháng 12 năm 2013. Trong tuyên bố ông kêu gọi lập hệ thống chính trị đa đảng.   Luật sư Hà Huy Sơn: Luật sư Hà Huy Sơn tốt nghiệp Đại học Kinh Tế Quốc Dân và từng làm việc cho nhiều công ty lớn tại Việt Nam với nhiều trách vụ khác nhau. Ông tốt nghiệp ngành luật năm 1998. Từ năm 2010 ông là Giám đốc văn phòng luật sư Hà Sơn thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội. Ông đã từng là luật sư bào chữa cho nhiều nhà tranh đấu nhân quyền như: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Mục sư Nguyễn Công Chính, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân và Phương Uyên v.v.. Ông đã nhiều lần phát biểu công khai phản đối bản án bất công của nhà cầm quyền VN đối với các nhà dân chủ. Ông là thành viên Ủy Ban Luật Gia Quốc Tế (ICJ) và là một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam. Nhà báo Trần Quang Thành Nhà báo Trần Quang Thành sinh năm 1941. Từ năm 1960 – 1972 ông là phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam. Từ năm 1973 – 1982 ông là phóng viên thời sự chính trị của Đài Truyền Hình Việt Nam. Trách vụ cuối cùng trước khi ông bị buộc thôi việc là chuyên viên Viện Nghiên Cứu Phát Thanh và Truyền Hình Việt Nam. Vì lên tiếng chống tham nhũng trong điều kiện Việt Nam chưa có tự do báo chí mà ông đã bị cho “ngồi chơi xơi nước” rồi bị kẻ lạ  tạt axít vào mặt, tai nạn xảy ra ngày 4-7-1991. Ông mang thương tật suốt đời, bị mù mắt trái, thương tật 81% sau 15 lần phẫu thuật để tạo hình mặt mũi. Cuốc sống của ông tại Việt Nam bị nhiều đe dọa và nhờ sự can thiệp của chính quyền nuớc Cộng Hòa Slovakia, ông đã định cư tại Slovakia từ tháng 8 năm 2008. Đến phần các biện pháp đề nghị Một số quan khách đặc biệt Sau phần trình bày hiện trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam qua các cặp mắt quan sát quốc tế và qua các nhân chứng người Việt, cuộc hội thảo đã tiến sang phần đưa ra các biện pháp đề nghị để cải sửa tình trạng hiện nay:   Từ trái sang phải: bà Judy Taing thuộc tổ chức nhân quyền Article 19, ông Leon Saltiel thuộc tổ chức United Nations Watch, ông Hoàng Tứ Duy thuộc Đảng Việt Tân, bà Ann Harrison thuộc hội Văn Bút Quốc Tế (PEN International), và bà Libby Liu - Tổng Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia).   Chúng tôi cũng ghi nhận một số quan khách đặc biệt trong thành phần cử tọa: Bà Hélène Sackstein, đại diện tổ chức Ký Giả Không Biên Giới tại Liên Hiệp Quốc   Ông Đặng Xương Hùng, cựu viên chức ngoại giao Việt Nam. Ông vừa công khai hóa quyết định rời bỏ đảng CSVN vào đầu năm 2014.   Ông Rolin Wavre  thuộc Đảng Radical Geneva, ông Thierry Oppikofer  - Chủ tịch Cosunam, ông Michel Rossetti - cựu thị trưởng Genève.   Buổi hội thảo về nhân quyền Việt Nam trước UPR đã hoàn tất Sau phần trình bày của 3 ban diễn giả bao gồm (1) Tình trạng nhân quyền Việt Nam kể từ UPR 2009, (2) Các nhân chứng từ Việt Nam, (3) Các biện pháp đề nghị, buổi Hội Thảo đã kết thúc với bài phát biểu của ông Thierry Oppikofer  - Chủ tịch Ủy Ban Thụy Sĩ - Việt Nam (COSUNAM).   Sau đó, các diễn giả và cử toạ cùng tham dự một buổi tiếp tân để trao đổi thêm về buổi trả lời chất vấn UPR ngày mai của đại diện nhà nước Việt Nam và các bước vận động kế tiếp.   Đài Radio Chân Trời Mới sẽ tiếp tục tường trình các nội dung phát biểu tại buổi hội thảo hôm nay và các sinh hoạt UPR kế tiếp trong những bài vở sắp đến. Hoàng Long, Thanh Lan, Trần Sơn kính chào tạm biệt từ Genève Nguồn: http://radiochantroimoi.com  
......

Cựu lãnh sự VN ở Geneva xin tị nạn

Cựu lãnh sự Việt Nam tại Geneva xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ trong lúc sắp diễn ra phiên kiểm điểm nhân quyền định kỳ tại LHQ của Việt Nam, diễn ra ở Geneva.   Ông Đặng Xương Hùng, lãnh sự Việt Nam ở Geneva từ 2008 đến 2012, đã lên kênh truyền hình địa phương Leman Bleu hôm Chủ nhật, cho biết ông xin tị nạn tháng 10 năm ngoái. Tin tức được truyền thông Thụy Sĩ loan đi hôm 3/2, trong lúc sắp diễn ra phiên kiểm điểm nhân quyền định kỳ tại LHQ của Việt Nam.   Ông Hùng nói ông làm tại Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm 1983, và gọi Việt Nam đang ở trong tình trạng “khủng hoảng” cả về kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế. Trước đó, trên các mạng xã hội của người Việt, ông Hùng đã công bố thư ngỏ cho biết ông ra khỏi Đảng Cộng sản tháng 10 năm ngoái. “Tôi từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam và chức vụ Vụ phó Bộ Ngoại giao, xin tị nạn chính trị tại Thụy sĩ để bắt đầu cuộc đấu tranh đòi dân chủ và tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam.”     "Tôi từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam và chức vụ Vụ phó Bộ Ngoại giao, xin tị nạn chính trị tại Thụy sĩ để bắt đầu cuộc đấu tranh đòi dân chủ và tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam" Đặng Xương Hùng “Đất nước và dân tộc Việt Nam chúng tôi đang sống mạnh mẽ, nhưng chế độ đương thời thì đã lâm bệnh nặng. Căn bệnh có tên là đảng cộng sản Việt Nam,” ông cáo buộc. Lá thư của ông viết: “Một nước Việt Nam không cộng sản, thực thi dân chủ và tôn trọng nhân quyền là lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế.” Trong một bài viết khác về việc kiểm điểm nhân quyền tại Geneva, ông Hùng kêu gọi nhắm đến “đội ngũ cán bộ cấp trung”. “Trước mắt, hướng đấu tranh vào đội ngũ cán bộ cấp trung đang thực thi nhiệm vụ. Họ là những người có trình độ hiểu biết, được tiếp cận với thế giới bên ngoài, có cơ hội so sánh, phân tích thật- hư. Đây là tầng lớp, nếu họ thay đổi thái độ sẽ làm xoay chuyển chiều hướng tình hình tại Việt Nam.”   Ông viết “cần tập trung vào phân tích cho họ thấy những hành động của họ chỉ có lợi trước mắt là Hà nội có thể tránh được những phê phán của cộng đồng quốc tế.” “Nó kéo dài thời gian chờ đợi của cả một dân tộc đang mong muốn được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc,” ông viết. Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese/vietnam
......

Phản đối việc công an thành phố Hồ Chí Minh ngăn cản Ts. Phạm Chí Dũng xuất cảnh

Tuyên bố của Diễn đàn Xã hội Dân sự Phản đối việc công an thành phố HCM ngăn cản Ts. Phạm Chí Dũng xuất cảnh Ngày 1-2-2014 Ts. Phạm Chí Dũng ra sân bay Tân Sơn Nhất để lên đường đi dự Hội thảo về nhân quyền và dân chủ, bên cạnh cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền Việt Nam tại Geneve theo lời mời của tổ chức UN-Watch đã bị công an thành phố Hồ Chí Minh ngăn cản không cho xuất cảnh. Hành động này của công an thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nghiêm trọng Điều 23 của Hiến pháp vừa có hiệu lực từ 1-1-2014 mà theo đó “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”; đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại của công dân được ghi nhận tại điều 12 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982; đã bôi nhọ danh dự của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế vì nó cho thấy Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam một thành viên vừa mới được bầu của Hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp quốc đã trắng trợn vi phạm nhân quyền, vi phạm công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, vi phạm hiến pháp của chính mình. http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/02/02/tuyen-bo-cua-dien-dan-... Biên bản số 166/BB-A72-TSN ngày 1-2-2014 đã viện đến đề nghị của Công an thành phố Hồ Chí Minh không cho Ts. Phạm Chí Dũng xuất cảnh dựa vào Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17-7-2007 của Chính phủ.   Điều 21 của Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định: “Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: 1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm. 2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự. 3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế. 4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó. 5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan. 6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. 7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ”. Theo Điều 21 rõ ràng các điểm từ 1 đến 5 và điểm 7 không áp dụng được trong trường hợp này và  chỉ có thể viện vào “lý do bảo vệ an ninh quốc gia” một nửa của điểm 6 mà thôi. Điểm 3 của Điều 12 của Công ước về quyền dân sự và chính trị nêu rõ các quyền này sẽ “không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận.” Điều 12 của Hiến pháp quy định “Nước cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam … tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…” Như thế, những sự hạn chế quyền tự do đi lại phải do luật định mà Nghị định 136/2007/NĐ-CP không phải là luật và không thể viện dẫn đến Nghị định này để cản trở Ts. Phạm Chí Dũng hay bất cứ công dân khác nào xuất cảnh. Ngay cả giả như có thể áp dụng Nghị định 136/2007/NĐ-CP thì hành động ngăn cản này cũng đã vi phạm thủ tục của chính Nghị định đó.  Khoản 1 của Điều 22 Nghị định trên quy định thẩm quyền quyết định chưa cho công dân xuất cảnh như sau: chỉ có Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, tòa án hay cơ quan thi hành án có thể quyết định chưa cho xuất cảnh theo các khoản 1,2 và 3 của Điều 21; Bộ trưởng và chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định chưa cho xuất cảnh theo khoản 4 Điều 21; Bộ trưởng Bộ Y tế theo khoản 5; Bộ trưởng Bộ Công an theo khoản 6; và Thủ trưởng cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 7 của Điều 21 nêu trên.  “Đề nghị của công an thành phố Hồ Chí Minh” như được viện dẫn trong biên bản 166/BB-A72-TSN (đã nêu trên) không phải là quyết định của công an thành phố Hồ Chí Minh (trong trường hợp này công an thành phố Hồ Chí Minh cũng chẳng có thẩm quyền ấy mà chỉ Bộ trưởng Bộ công an mới có thẩm quyền), thế nhưng  người ký quyết định chưa cho xuất cảnh trong biên bản trên lại là thượng tá Phạm quốc Hùng, phó trưởng Đồn công an của khẩu Tân sơn Nhất. Như thế quyết định nêu trong biên bản 166/BB-A72-TSN là một quyết định hành chính hoàn toàn trái pháp luật.   Vì những lý do trên Diễn đàn Xã hội Dân sự cực lực lên án công an thành phố Hồ Chí Minh đã phạm pháp trong việc cản trở Ts. Phạm Chí Dũng xuất cảnh và yêu cầu: Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ công an nghiêm trị những kẻ đã có hành vi phạm pháp đối với Ts Phạm Chí Dũng cũng như đã ngăn chặn xuất cảnh một cách trái pháp luật đối với một số người khác. Ts. Phạm Chí Dũng hoàn toàn có quyền kiện công an thành phố Hồ Chí Minh đã phạm pháp trong trường hợp này và trong trường hợp đó chúng tôi yêu cầu tòa án xử nghiêm minh. Ts. Phạm Chí Dũng hoàn toàn có quyền kiện Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra trước Hội đồng Nhân quyền (HRC) của Liên Hiệp Quốc về sự vi phạm này, tương tự như các vụ Peltonen kiện nhà nước Phần Lan (mã số 4922/92) hay vụ Celepli kiện nhà nước Thụy Điển (mã số 456/91) vv… và trong trường hợp này chúng tôi yêu cầu HRC xét xử nghiêm minh.   Trong mọi trường hợp, Diễn đàn Xã hội Dân sự bày tỏ sự đoàn kết với Ts. Phạm Chí Dũng và kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ Ts. Phạm Chí Dũng và mạnh mẽ lên án sự phạm pháp của công an thành phố Hồ Chí Minh, lên tiếng yêu cầu Chính phủ Việt Nam nghiêm trị những kẻ phạm pháp, tôn trọng công ước quốc tế, tôn trọng hiến pháp và có những biện pháp thích đáng để không xảy ra những vụ  phạm pháp tương tự với mọi công dân Việt Nam. Ngày 2-2-2014 Diễn đàn Xã hội Dân sự Nguồn: diendanxahoidansu.wordpress.com
......

THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Công Bố Diễn Giả Từ Quốc Nội Tại Hội Thảo UPR 4/2

THÔNG CÁO BÁO CHÍ Ngày 2 tháng 2 năm 2014 Công Bố Diễn Giả Từ Quốc Nội Tại Hội Thảo UPR 4/2Ts. Phạm Chí Dũng, một trong những diễn giả bị ngăn cản xuất cảnh   GENÈVE – Ban Tổ Chức Hội Thảo UPR: “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc” sẽ diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 4/2, xin đặc biệt công bố thành phần diễn giả từ Quốc Nội: • Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập và nhà nghiên cứu về xã hội dân sự. • Nhà báo Trần Quang Thành, cựu phóng viên Đài Truyền Hình Việt Nam và Tiếng Nói Việt Nam. • Luật sư Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa cho nhiều nhà hoạt động nhân quyền. Ban Tổ Chức xin chào đón nhà báo Trần Quang Thành và Ls. Hà Huy Sơn đến Genève. Tuy nhiên, Ts. Phạm Chí Dũng trong khi đang chuẩn bị lên đường sang Genève vào tối ngày 1/2, đã bị ngăn cản xuất cảnh và thu hồi hộ chiếu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sự ngăn chặn này là một hành động vi phạm trầm trọng quyền tự do đi lại của Ts. Phạm Chí Dũng. “Chúng tôi rất lo ngại về việc nhà cầm quyền Hà Nội tìm cách dập tắt tiếng nói của Ts. Phạm Chí Dũng. Hà Nội đã vi phạm một trong những nguyên tắc của quá trình UPR, đó là bảo đảm sự tham gia của tất cả thành phần quan tâm, bao gồm các nhà hoạt động phi chính phủ. Chúng tôi kêu gọi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và Cao Ủy Navi Pillay phản đối sự vi phạm này và lên tiếng bảo vệ các tiếng nói can đảm Việt Nam,” Ông Hillel Neuer, Giám đốc của UN Watch phản ứng mạnh mẽ. UN Watch là một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Thụy Sĩ và đã gởi lời mời Ts. Dũng đến Genève. Ts. Phạm Chí Dũng sẽ vẫn tham dự buổi hội thảo qua Skype để trình bày về vai trò xã hội dân sự tại Việt Nam. Trong các cuộc gặp gỡ với những quốc gia thành viên như Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển, Đức, Na Uy, Thụy Sĩ, Ireland cũng như EU và năm cơ chế báo cáo đặc biệt của Liên Hiệp Quốc vào ngày 3/2, chúng tôi sẽ vận động quốc tế can thiệp mạnh hơn vào quyền đi lại của người dân Việt Nam, không để nhà cầm quyền Hà Nội biến đất nước Việt Nam trở thành một nhà tù lớn cho các nhà hoạt động. Chi tiết: Hội thảo UPR: Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ Thời gian: Thứ ba, ngày 4 tháng 2 lúc 12:30 đến 14:30 Địa điểm: Palais Des Nations, Phòng XXV, Liên Hiệp Quốc, Genève Mọi chi tiết hoặc thu xếp phỏng vấn, xin liên lạc: • Leon Saltiel, Deputy Director, UN Watch: leon@unwatch.org, +4122 7341472 • Trinh Nguyen, Communications Director, Viet Tan: trinhnguyen@viettan.org, +1.202.596.7951 Trân trọng, ARTICLE 19 COSUNAM Human Rights for Vietnam PAC Lawyers for Lawyers Media Legal Defence Initiative PEN International UN Watch Đảng Việt Tân
......

Thư Chúc Tết của Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ Tịch Đảng Việt Tân

Thư Đầu Năm Giáp Ngọ 2014 Kính Gửi Đồng Bào Việt Nam   Kính thưa đồng bào, Trước thềm Xuân Giáp Ngọ 2014, chúng ta ai cũng đều mong sang năm mới tình hình đất nước sẽ tốt đẹp hơn, đời sống của mọi người được dễ dàng và sung túc. Tuy nhiên, điều này có xảy ra hay không tùy thuộc vào khả năng lẫn thiện chí của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trước những mong ước của người dân. Đỗ Hoàng Điềm   Nhìn lại năm 2013 vừa qua, nhà cầm quyền đã gặp thêm nhiều khó khăn tác động lên khả năng kiểm soát tình hình của họ. Ngày hôm nay chế độ độc tài Cộng sản đang phải đối diện bốn vấn đề chính. Đầu tiên là tình trạng tranh giành quyền lực và quyền lợi trong nội bộ lãnh đạo đảng Cộng sản đã bùng nổ công khai trước mắt mọi người. Thật ra việc đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản không phải là điều gì mới, nhưng thay vì được che đậy như trước đây thì nay mọi việc được phơi bày lộ liễu trước công luận. Tất cả những gì xấu xa nhất của giới lãnh đạo nay được đem ra ánh sáng, lột trần trước mắt của người dân.   Cuộc chiến giữa một bên là phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng, một bên là bè cánh Trương Tấn Sang đã đến mức khó lòng hàn gắn. Đây không phải là sự tranh chấp vì khác biệt chính sách hay phương thức giải quyết những vấn đề của đất nước, mà tất cả chỉ để giành lấy cơ hội mặc sức làm giàu cho bản thân và con cháu của họ. Từ nay cho tới Đại hội lần thứ 12 của đảng Cộng sản vào năm 2016, sự tranh chấp giữa hai phe chắc chắn sẽ gia tăng khốc liệt. Điều này sẽ tiếp tục soi mòn uy tín của lãnh đạo, gia tăng sự chán ngán của hàng ngũ đảng viên Cộng sản, và mở cửa để dư luận quần chúng tấn công thẳng vào những tệ trạng của chế độ.   Thứ hai là nền kinh tế vẫn tiếp tục gặp khó khăn, nhất là hệ thống ngân hàng với số nợ xấu đang gia tăng do sự tuột dốc của thị trường bất động sản đã làm nguồn vốn cho vay càng ngày càng khan hiếm. Hậu quả tất yếu là nhiều doanh nghiệp bị phá sản hay đóng cửa, những nơi còn cầm cự được phải giảm công suất đưa đến tình trạng thất nghiệp ngày càng nhiều. Nguyên do của những khó khăn kinh tế hiện nay chính là tình trạng tham nhũng đã lên tới mức tột cùng, ăn sâu tới mọi tầng lớp trong chính quyền, từ trung ương tới địa phương. Nợ xấu ngân hàng cũng đến từ bao che, thông đồng cho phe nhóm giựt tiền công quỹ. Nợ công từ quốc tế gia tăng vùn vụt một phần vì các vụ thất thoát tai tiếng như Vinashin và Vinalines. Vụ án Dương Chí Dũng chỉ là một thí dụ của biết bao nhiêu trường hợp tương tự vẫn còn bị ếm nhẹm. Và khi những món tiền vay mượn quốc tế đã trở thành tài sản riêng của giới lãnh đạo thì chính từng người dân Việt Nam sẽ phải trả nợ thay cho những người đang đứng đầu nhà nước và đảng Cộng sản. Nếu dựa vào số nợ công hiện nay vào khoảng 130 tỷ đô la Mỹ, trung bình mỗi một người Việt Nam, bất luận người già hay trẻ sơ sinh, ngay giờ phút này đều đang mang trên vai món nợ là 1.500 đô la chưa kể tiền lời. Ai cũng thấy rõ thủ phạm tham nhũng lớn nhất chính là guồng máy nhà nước và đảng Cộng sản. Nhưng chế độ không thể giải quyết được tham nhũng vì đấy cũng chính là bản chất của họ, và vì vậy họ bị giới hạn trong khả năng giải quyết tình trạng khó khăn kinh tế hiện nay. Thứ ba, do sự thối nát của lãnh đạo và guồng máy cầm quyền, nhiều trí thức yêu nước, cựu cán bộ Cộng sản cao cấp, và một số đảng viên Cộng sản đã lên tiếng đòi hỏi chế độ phải thay đổi. Đặc biệt qua việc sửa đổi Hiến pháp trong năm 2013, rất nhiều người đã đòi phải bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, chấm dứt tình trạng độc quyền của đảng Cộng sản. Có thể nói trong hơn nửa thế kỷ cầm quyền, đây là lần đầu tiên rất nhiều người, kể cả chính đảng viên Cộng sản, đã công khai tấn công thẳng vào nền tảng quyền lực của chế độ độc tài. Phong trào này đã tạo sức ép lên chính nội bộ đảng Cộng sản và tác động lên tinh thần của thành phần đảng viên. Thay vì thức thời và đáp ứng nguyện vọng của người dân, chế độ co rút lại với những phản ứng cực kỳ bảo thủ để rồi thông qua bản hiến pháp y hệt như cũ. Thái độ này đã làm nhiều người chính trong hàng ngũ Cộng sản thất vọng và phản ứng. Điển hình là luật gia Lê Hiếu Đằng tuyên bố bỏ đảng Cộng sản, đồng thời kêu gọi lập đảng khác để chống lại tình trạng độc tài độc đảng như hiện nay. Dù ông đã ra đi vì bạo bệnh, nhưng việc làm của ông Lê Hiếu Đằng là một hành động can đảm, góp phần tạo áp lực phải thay đổi lên nội bộ của chế độ. Sau cùng, mặc dù chế độ đã thẳng tay đàn áp từ nhiều năm qua, bắt bớ rất nhiều người nhưng những tiếng nói tranh đấu cho công lý, nhân quyền và dân chủ vẫn ngày càng gia tăng. Hiện nay hàng ngũ những người đấu tranh đang rất đa dạng; từ những người dân oan chống tham nhũng đến những người blogger thực thi quyền tự do ngôn luận; từ những người trí thức đẩy mạnh việc xây dựng xã hội dân sự đến những người yêu nước kiên trì kêu gọi chống Trung Quốc xâm lăng. Những nỗ lực đấu tranh này đã chứng tỏ khả năng tồn tại trước sự trù dập của chế độ, có sức lôi cuốn nhiều giới, và đang từng bước giúp mọi người vượt qua sự sợ hãi trước guồng máy công an. Chính những hoạt động đấu tranh đó đang góp phần rất lớn làm suy yếu khả năng kiểm soát xã hội của chế độ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiến trình dân chủ tiếp tục đi tới.   Kính thưa đồng bào,   Sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền, chế độ độc tài Cộng sản đã để lộ nguyên hình của một chế độ nhũng lạm, tha hóa và tàn ác. Những người lãnh đạo chế độ hiện nguyên hình là những con người gian tham và nham hiểm. Nhưng cũng chính vì vậy mà chế độ ngày hôm nay đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn và nhất là áp lực phải thay đổi hoặc phải ra đi. Một viễn cảnh đang hé mở cho toàn dân, đó là chế độ độc tài Cộng sản sẽ không thể tiếp tục tồn tại mãi mãi như hiện nay.   Tiến trình thay đổi đòi hỏi sự đóng góp của tất cả những ai mong mỏi một xã hội trong sáng, một đất nước vững mạnh, và một đời sống có tự do và ấm no. Đây là lúc những đảng viên Cộng Sản còn quan tâm đến tương lai đất nước, hãy đứng về phía dân tộc để cùng nhau đem lại những thay đổi tốt đẹp trong ôn hòa.   Với quyết tâm đó, trước thềm Xuân Giáp Ngọ, thay mặt toàn thể anh chị em đảng viên Việt Tân, tôi xin kính gửi đến đồng bào lời cầu chúc an lành, thịnh vượng và nhiều thành công. Chúng ta hãy cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam có nhiều nghị lực để can đảm vượt qua mọi thách đố và giữ vững niềm tin vào một tương lai tươi sáng cho tổ quốc. Trân trọng kính chào đồng bào. Đỗ Hoàng Điềm Chủ Tịch Đảng Việt Tân Nguồn: viettan.org
......

Phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam tiếp xúc với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và chính giới Âu châu

Ngay trước khi rời New York đi Brussels vào chiều ngày 27 tháng 1 năm 2014, các bạn đại diện cho phái đoàn dân sự độc lập VOICE, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam đã có tiếp xúc với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) tại trụ sở chính của tổ chức này tại New York. Tiếp đón phái đoàn là là ông Phelim Kine, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch. Phạm Đoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn và Ls Trịnh Hội tại văn phòng HRW   Các bạn Trịnh Hội, Nguyễn Anh Tuấn và Phạm Đoan Trang đã giới thiệu các báo cáo mới nhất về các sinh hoạt xã hội dân sự, các nỗ lực tranh đấu cho nhân quyền của các blogger và những người hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là cuộc vận động 0258. Ông Phelim Kine cũng cho biết chiến dịch này cũng đã được đề cập trong bản Báo Cáo Nhân Quyền Thế Giới 2014 của HRW và ông xem đó là một trong những bước tiến triển mới của phong trào quyền dân sự ở Việt Nam. Trong dịp này, ông Kine đã gợi ý sắp xếp cuộc gặp giữa phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam và đại diện của Theo dõi Nhân quyền tại Geneva trong những ngày phái đoàn làm việc tại đó. Để gia tăng phối hợp các bạn blogger đã đề nghị một số phương hướng hợp tác sâu sắc hơn trong tương lai, cụ thể là Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, VOICE cùng với HRW thiết lập một cơ chế thông tin về nhân quyền hiệu quả hơn. Những đề nghị này đã được người đại diện của HRW tán dương và đồng ý. Các bạn Việt Nam đã cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của HRW cho phái đoàn nói riêng và phong trào dân sự ở Việt Nam nói chung, đặc biệt là nỗ lực thông tin, lên tiếng và tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. * Vào lúc 3 giờ chiều, ngày 28 tháng 1 năm 2014, chỉ vài giờ sau đến Brussels, nơi được xem là thủ đô của Cộng đồng chung Âu châu (EU), các đại diện của phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam đã tiếp xúc và làm việc với bà Annemie Neyts-Uyttebroeck, Nghị viên châu Âu và bà Therese Murdock thuộc Liên minh Dân chủ và Tự do châu Âu (Alliance of Liberals and Democrats for Europe). Cuộc gặp gỡ được diễn ra tại Nghị viện châu Âu, Brussels, Bỉ.   Với bà Annemie Neyts, Nghị viên châu Âu, thành viên Liên minh Dân chủ Tự do Châu Âu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cơ quan Ngoại thương Bà Annemie Neyts cho biết EU và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác (Partnership and Cooperation Agreement) vào năm 2012 và nay đang trong tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Bà Annemie Neyts, trong vị trí là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cơ quan Ngoại thương, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán này. Bà Annemie Neyts hỏi thăm về mục đích và các hoạt động của phái đoàn, hứa sẽ sắp xếp một cuộc gặp giữa phái đoàn và đại diện Nghị viện tại Geneva nhân dịp UPR. Đoàn đại diện của Việt Nam đã trình bày các hoạt động trước, trong và sau UPR và tham vấn bà Annemie Neyts về những cách thức hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức xã hội về các cơ chế nhân quyền quốc tế, trong đó có cả các cơ chế của Liên minh châu Âu. Sau khi kết thúc buổi làm việc với bà Annemie Neyts, phái đoàn đã làm việc với bà Therese Murdock, đại diện Liên minh Dân chủ Tự do châu Âu.   Với bà Therese Murdock, đại diện Liên minh Dân chủ Tự do châu Âu và ông Philipp Woschitz, Advocacy Officer - Front Line Defenders - EU Office   Bên cạnh việc trao đổi về các hoạt động của phái đoàn trong suốt thời gian vừa qua, đôi bên đã thảo luận về các khả năng hợp tác, trong đó nhấn mạnh tới việc tổ chức những khóa đào tạo về quyền con người và xã hội dân sự - vốn là những lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam - cho các bạn trẻ, đặc biệt là các thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam và những người hoạt động về Nhân quyền. Bà Murdock cùng với các đại diện Việt Nam đã đồng ý về tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức xã hội về nhân quyền và vai trò của xã hội dân sự trong sự phát triển của Việt Nam. Cuộc tiếp xúc, vận động kế tiếp tại Brussels là với tổ chức nhân quyền quốc tế Front Line Defenders, The Human Rights Working Group (COHOM), Human Rights and Democracy Network và European Instrument for Democracy and Human Rights (EIDHR) thuộc  European Commission.   Mạng Lưới Blogger Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật những hoạt động của phái đoàn dân sự độc lập Việt Nam trong chuyến công tác UPR Việt Nam này. Nguồn: MLBVN
......

Công bố thành phần diễn giả của Hội Thảo UPR ngày 4/2 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc

GENÈVE - Ban tổ chức “Hội Thảo UPR: Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc” xin giới thiệu thành phần diễn giả và điều hợp viên của buổi hội thảo: *Bà Anne-Marie von Arx, Dân biểu Thụy Sĩ đã từng viếng thăm Việt Nam năm 2012 *Bà Sarah Clarke, Đại Diện Đặc Trách Vận Động & Chính Sách Quốc Tế, PEN International (Hội Văn Bút Quốc Tế) * LS Đỗ Phủ, Đại Diện Ban Điều Hành, Human Rights For Vietnam PAC * Ông Hoàng Tứ Duy, Phát Ngôn Nhân, Đảng Việt Tân * Ông Benjamin Ismail, Giám Đốc Đặc Trách Á Châu, Reporters Without Borders (Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới) * Bà Nani Jansen, Cố Vấn Pháp Lý, Media Legal Defence Initiative (Tổ Chức Sáng Kiến Bảo Vệ Pháp Lý Truyền Thông) * Ông Gisle Kvanvig, Giám Đốc Đặc Trách Việt Nam, Norwegian Centre for Human Rights (Trung Tâm Nhân Quyền Na Uy) * Bà Libby Liu, Tổng Giám Đốc, Đài Á Châu Tự Do * BS Nguyễn Thể Bình, Chủ Tịch, Vietnam Progress * Ông Thierry Oppikofer, Chủ tịch, COSUNAM (Ủy Ban Thụy Sĩ - Việt Nam) * Ông Leon Saltiel, Phó Giám Đốc, UN Watch (Tổ Chức Giám Sát Liên Hiệp Quốc) * Bà Judy Taing, Đại Diện Đặc Trách Á Châu, ARTICLE 19 (Tổ Chức Bảo Vệ Tự Do Ngôn Luận) Danh sách diễn giả đến từ Quốc Nội sẽ được công bố 1 ngày trước buổi hội thảo.   Cứ mỗi 4 năm, Hội Đồng Nhân Quyền duyệt qua tình hình nhân quyền tại một số quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc trong phiên họp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR). Năm nay, phiên họp UPR sẽ nghe báo cáo và thẩm định về tình hình nhân quyền của 14 quốc gia, trong đó có nhà cầm quyền Việt Nam. Riêng Việt Nam sẽ báo cáo vào buổi chiều ngày 5 tháng 2.   Để tạo sự quan tâm và rọi đèn vào tình trạng đàn áp nhân quyền ngày càng trầm trọng tại Việt Nam, các tổ chức nhân quyền quốc tế và Việt Nam bao gồm ARTICLE 19, COSUNAM, Human Rights for Vietnam PAC, Media Legal Defence Initiative, PEN International và Đảng Việt Tân cùng phối hợp tổ chức buổi hội thảo nhân quyền tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Chi tiết: Hội thảo UPR: Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ Thời gian: Thứ ba, ngày 4 tháng 2 lúc 12:30 đến 14:30 Địa điểm: Palais Des Nations, Phòng XXV, Liên Hiệp Quốc, Genève Để chuẩn bị thủ tục vào trụ sở Liên Hiệp Quốc và tham dự hội thảo, xin quý vị ghi danh trước tại đây: http://bit.ly/upr-2014 -- Ban Tổ Chức -- ARTICLE 19 (Tổ Chức Bảo Vệ Tự Do Ngôn Luận)COSUNAM (Ủy Ban Thụy Sĩ - Việt Nam)Human Rights For Vietnam PACMedia Legal Defence Initiative (Tổ Chức Sáng Kiến Bảo Vệ Pháp Lý Truyền Thông)PEN International (Hội Văn Bút Quốc Tế)UN Watch (Tổ Chức Giám Sát Liên Hiệp Quốc)Đảng Việt Tân
......

Hội thảo UPR ngày 4/2 tại Genève

K/g quý truyền thông và blog, Xin kính gửi đến quý truyền thông và blog thông cáo về hội thảo UPR ngày 4/2 tại Genève và các nỗ lực vận động quốc tế nhân dịp điều trần UPR. Quý vị có thể download avatar của hội thảo tại đây:http://bit.ly/upr-2014 Kính xin quý vị cùng giúp phổ biến rộng rãi để nhiều người cùng tham dự. Trân trọng, BTC Hội thảo UPR ngày 4/2 tại Genève *******************************Hẹn nhau ngày 4/2 thại Genève Chương trình vận động UPR và hội thảo “Trách Nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc”. Để tạo áp lực tối đa buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải tôn trọng trách nhiệm trong cương vị thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đợt kiểm định (UPR) lần này chứng kiến các cuộc vận động từ nhiều nhóm và tổ chức đấu tranh, một điều đáng mừng cho phong trào dân chủ Việt Nam. Đặc biệt là quốc tế và giới đấu tranh người Việt đang thật sự sánh vai nhau để vận động nhân quyền cho người dân Việt Nam. Trong tinh thần đó, các tổ chức quốc tế như ARTICLE 19, Media Defence Legal Initiative, PEN International, UN Watch và Việt Nam như COSUNAM, Human Rights for Vietnam PAC và Đảng Việt Tân phối hợp thực hiện một chương trình vận động bao gồm: ●      Ngày 28/1- 3/2: Tiếp xúc với những giới chức có thẩm quyền tại Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên để đề nghị một tiến trình khảo sát nhân quyền một cách hiệu quả hơn tại Việt Nam. ●      Ngày 4/2, từ 12:30 đến 14:30 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc: Hội thảo “Trách Nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc”, với diễn giả là những nhà dân chủ, thân nhân của tù nhân lương tâm tại Việt Nam, và thành viên các tổ chức quốc tế. Danh sách diễn giả sẽ được công bố sau. Kết quả của cuộc hội thảo là một bản thông cáo chung xác định tiếng nói nhân quyền cho Việt Nam. Hội Thảo một ngày trước buổi điều trần UPR của Việt Nam sẽ góp phần tạo sự quan tâm của dư luận thế giới hầu ngăn chận sự bạo hành của nhà cầm quyền Hà Nội khi phong trào dân chủ Việt Nam ngày một lớn mạnh trong những năm trước mặt. Tiếp theo hội thảo vào buổi tối cùng ngày sẽ có buổi văn nghệ tưởng nhớ cố nhạc sĩ Việt Dzũng nhân dịp đồng hương tụ tập về Genève. Buổi văn nghệ được tổ chức bởi Đài Truyền Hình SBTN với sự có mặt của nhạc sĩ Trúc Hồ, Nam Lộc cùng một số nghệ sĩ trung tâm Asia. ●      Ngày 5/2: Phái đoàn tham dự buổi điều trần UPR. Những nỗ lực nói trên rất cần sự quan tâm và đóng góp của tất cả mọi người. Đây là thời điểm mà người Việt Nam sẽ cùng với Cộng đồng Quốc tế có cơ hội đối đầu trực diện với phái đoàn Hà Nội ngay tại Genève để đối chất về Quyền Con Người. Để tạo cơ hội cho nhiều người cùng vào trụ sở Liên Hiệp Quốc để tham dự buổi hội thảo và dự thính buổi điều trần của Việt Nam, chúng tôi kính mời quý vị ghi danh trước với Ban Tổ Chức để làm thủ tục cần thiết, theo đường dẫn bit.ly/upr-2014. Hãy rủ nhau đến Genève để tham dự cuộc vận động này. Ban Tổ Chức kính mời, ARTICLE 19 UN Watch PEN International Media Legal Defence Initiative COSUNAM (Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam) Human Rights For Vietnam PAC - Vietnam Progress Đảng Việt Tân
......

Tuyên bố của Đảng Việt Tân trong Ngày 40 Năm Tổ Quốc Mất Hoàng Sa

VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG Email: lienlac@viettan.org - Web: www.viettan.org - Blog: vnctcmd.blogspot.com                              ****                  Tuyên Bố Ngày 40 Năm Tổ Quốc Mất Hoàng Sa                                                                           Ngày 19 tháng 1 năm 1974, tức đúng 40 năm trước đây, 74 người con của dân tộc Việt Nam đã hy sinh trên Biển Đông để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước sự xâm lăng của Trung Quốc. Toàn thể đảng viên Đảng Việt Tân thành kính nghiêng mình trước anh linh 74 Anh Hùng Dân Tộc thuộc Hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình vì Tổ Quốc. Chúng tôi, một lần nữa, kính gởi lời cảm tạ từ đáy lòng và niềm cảm thông sâu xa đến 74 gia đình đã dâng hiến người thân của mình cho đất nước. Nhưng sau những hy sinh cao cả đó, đất nước Việt Nam, trong 40 năm qua, lại rơi ngày càng sâu vào vòng xâm lăng tiệm tiến của Bắc Kinh. Chủ quyền biển đảo, tài nguyên dưới lòng biển, và cả ngành đánh cá bao đời của Việt Nam trên Biển Đông đều bị ngang nhiên cướp đoạt. Tệ hại hơn nữa, nay Bắc Kinh đã chiếm hẳn nhiều vùng biên giới bao gồm cả các cao điểm quân sự, nhiều khu rừng đầu nguồn, nhiều khu vực giữa lòng đất nước Việt Nam kể cả những vùng quân sự chiến lược như "Nóc nhà Đông Đương". Đó là chưa kể những lan lấn của Bắc Kinh trong lãnh vực kinh tế và văn hóa.   Với lòng tưởng nhớ các anh hùng dân tộc trong ngày linh thiêng này và trong tinh thần trách nhiệm của các con dân nước Việt trước tình trạng hiểm nghèo của chủ quyền đất nước, Đảng Việt Tân long trọng khẳng định quan điểm và lập trường sau đây:     - Những người dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ đất nước là những Anh Hùng Dân Tộc và phải được trân trọng đưa vào sử sách ngàn đời. Những vị anh hùng này phải được đặt vượt trên mọi quan điểm chính trị và vượt trên mọi nhu cầu của các chế độ cầm quyền. Những hành vi xúc phạm đến mộ phần, tẩy xóa tên tuổi các anh hùng dân tộc ra khỏi sử sách là những việc làm vô đạo đức, vô văn hóa, và đáng bị lên án.     - Không bao giờ xem việc mất lãnh thổ, lãnh hải của cha ông là chuyện đã rồi. Khi chưa có điều kiện lấy lại thì mọi nỗ lực ghi khắc chủ quyền vào sử sách Việt Nam và hồ sơ quốc tế phải được thực hiện tối đa bởi các thế hệ hiện tại và tô đậm liên tục bởi các thế hệ tương lai. Và ngay khi có cơ hội, dân tộc Việt Nam sẽ tùy theo điều kiện của đất nước đề ra phương cách hữu hiệu nhất để lấy lại các phần lãnh thổ, lãnh hải đã mất. Không bao giờ, vì bất kỳ lý do gì, thừa nhận một phần nào của lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam thuộc về ngoại bang. Sự thừa nhận đó là hành động phản quốc.       - Bảo vệ đất nước là trách nhiệm chung và đòi hỏi nỗ lực của toàn dân mà các chính phủ chỉ là điểm hội tụ. Không một chính phủ nào, kể cả chế độ hiện nay, có thẩm quyền     (1) Cấm cản người dân bày tỏ lòng yêu nước như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược hiện nay.     (2) Giam cầm những người dân báo động họa ngoại xâm và kêu gọi bảo vệ tổ quốc như các nhà yêu nước Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê Quốc Quân,...     (3) Giấu giếm những văn kiện, bản đồ biên giới đã ký kết với ngoại bang như các bản đồ biên giới Việt - Trung đã ký kết từ năm 1999,...       - Lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam thuộc về cả dân tộc. Không một cá nhân, đảng phái, chủ nghĩa nào có quyền dâng nhượng hay trao đổi bất kỳ phần chủ quyền nào của đất nước với ngoại bang. Mọi ký kết dâng nhượng đều vô giá trị và những kẻ ký kết sẽ có ngày phải ra trước tòa án của dân tộc. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, bản Công Hàm Phạm Văn Đồng 1958 — công nhận chủ quyền lãnh hải Trung Quốc bao gồm cả Hoàng Sa Trường Sa và Biển Đông — cần phải được phủ nhận công khai trước thế giới. Đây là văn kiện mà Bắc Kinh đang dùng làm nền tảng biện minh cho hành vi xâm lược của họ tại Biển Đông.   Theo bước 74 Anh Hùng Dân Tộc tại Hoàng Sa, toàn thể đảng viên Đảng Việt Tân nguyện tranh đấu, xây dựng một thể chế mới mà trong đó các chính phủ có trách nhiệm đề cao lòng yêu nước của toàn dân, quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, và tìm mọi phương cách phù hợp để lấy lại những phần lãnh thổ, lãnh hải đã mất. Ngày 19 tháng 1 năm 2014 Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-0845 Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài - Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ - Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước
......

Người Việt tại Đức biểu tình chống bá quyền Trung Cộng 40 năm xâm chiếm Hoàng Sa

Hàng năm, cộng đồng người việt khắp nơi thường tổ chức tưởng niệm 74 anh hùng tử sĩ đã hy sinh cho tổ quốc. Nhưng đặc biệt trong các năm gần đây đồng bào tại quốc nội cũng đã tổ chức các buổi tưởng niệm này. Để cùng hoà nhịp với đồng bào tại quốc nội, nhân kỷ niệm 40 năm (1974-2014) ngày bá quyền Trung cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, khiến 74 chiền sĩ hải quân VNCH đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ tổ quốc này, Ủy Ban Điều Hợp Công tác đấu tranh của cộng đồng Người Việt kết hợp cùng Tổ Chức Sinh Hoat NVTN tại CHLB Đức và cộng đồng NVTNCS tại Berlin đã tổ chức một buổi biểu tình trước Sứ quán CS Trung quốc tại thủ đô Berlin, Đức quốc từ 13 giờ đến 15 giờ, ngày 18.1.2014 để lên án hành vi xâm lược đó. Đồng bào từ các nơi xa cũng đã quy tụ về Berlin như Frankfurt, Hamburg , Bremen,… Chương trình bắt đầu từ 13.00 giờ đến 15.00 giờ qua các phần như: - Chào cờ và mặc niệm - Lời khai mạc của BTC; - Nghi thức dâng hương tưởng niệm 74 anh hùng tử sĩ Hoàng Sa 1974; - Phát biểu của các đại diện hội đoàn, đoàn thể bằng cả 3 thứ tiếng Việt, Đức, Hoa với nội dung phủ nhận huyện Tam sa của Trung cộng đơn phương tuyên bố; lên án hành động bá quyền ở Biển đông; vạch trần âm mưu thôn tính, đồng hoá VN;  Đòi hỏi Trung quốc phải tôn trọng chủ quyền, độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của VN và hãy cút khỏi VN; - Chuyển kháng thư vào hôp thư của ĐSQ Trung cộng; - Lời cảm tạ của BTC kết thúc chương trình. Berlin, ngày 18.01.2014 Phóng sự bằng hình:   YouTube - http://www.youtube.com/watch?v=WPnnj8yaT2g&list=UUHJhICzyHt5KDz7Q6z0O5iQ... Tưởng niệm 74 Anh hùng tử sĩ QLVNCH trong trận chiến chống quân Tàu xâm lược Hoàng Sa 19.1.1974 Biểu tình trước sứ quán Trung Cộng Chuyễn Kháng thư Photo: Luu ********************************************************** München, ngày 18.01.2014 Biểu tình phản đối trước Lãnh sự quán Trung cộng tại München München ngày 18.01. 2014  Cộng Đồng Người Việt Tự Do München- Bayern tổ chức biểu tìnhđể tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa, đánh dấu 40 năm một phần biển đảo của Quê Mẹ Việt Nam bị Trung Cộng xâm chiếm vào ngày 19. 4.1974, những Hải quân VNCH vị quốc vong thân trong cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa chống lại quân xâm lăng Trung  Cộng. Từ 13 giờ đến 15 biểu tình trước Sứ quán Trung Cộng (China Konsulat Romanstr. 107)chốngnhà cầm quyền Trung Cộng và tập đoàn CSVN bán nước hại dân. Để  nêu  cao  tinh  thần Hoàng Sa, lên án những tội ác và hành động hống hách, ngan tàn của Trung Cộng ở Biển Đông, đồng thời hổ trợ tinh thần yêu nước đấu tranh của toàn dân quốc nội. Dù thời tiết cuối tuần khá lạnh  nhưng người Việt tại München và đại diện các Hội đoàn từ phương xa như Odenwald, Nürnberg, Regensburg…về tham dự biểu tình đông đủ dưới rừng cờ vàng và biểu ngữ xanh trắng, vàng đỏ bằng tiếng Đức và tiếng Tàu nội dung lên án hành động bá quyền của Trung  Cộng. Lá cờ Vàng có hình bản đồ Việt Nam màu xanh rộng lớn dựng cao hơn 4 m, phiá dưới là bàn được đốt nến theo biểu tượng hình bản đồ VN. Ngoài ra còn trưng bày nhiều hình ảnh về thành tích của Hải quân VNCH đã chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa cách đây 40 năm. (1974-2014). -13:00 Nghi thức chào cờ, phút mặc niệm các chiến sĩ vị quốc vong thân tại Hoàng Sa năm 1974. Chủ tịch Cộng đồng Lê quang Thành đọc diễn văn bằng tiếng Đức lý do cuả cuộc biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Cộng (Einnerung an den Seekrieg…) Để có hào khí đấu tranh đoàn biểu tình luôn hô khẩu hiệu đảo Trung Cộng, Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và hát những ca khúc đấu tranh như: Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ , Đáp Lời Sông Núi, Việt Nam Việt Nam, Hãy lên tiếng…. - Đọc bản tuyên dương chiến công của 74 chiến sĩ Hải quân VNCH đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa. (Bản Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH ngày 19.01.1974) - Tường thuật  về  trận hải chiến Trường Sa. - Phát biểu của các hội đoàn, tham dự viên đọc bài thơ „Quyết đòi lại đảo Hoàng Sa“ của thi sĩ Ngô Minh Hằng. Qua những biểu ngữ nhiều người Đức đọc biết được lý do tại sao chúng ta biểu tình, họ thông cảm và đồng tình với việc làm của người Việt Nam dù xa quê hương nhưng không quên cội nguồn dân tộc. 15:00 kết thúc chương trình biểu tình với phần chào cờ và lời cám ơn của Ban tổ chức, mọi người chia tay ra về hẹn còn gặp lại nhau những lần tới với quyết tâm  chống giặc Tàu: „Trường Sa là máu của ta. Hoàng Sa là thịt của ta. Đất nước ta là xương là máu ông cha để lại. Quân bành trướng đừng mong xâm lấn….“ Biểu tình ở Hà Nội ngày 19.1.2014  http://bit.ly/1dIqVtj Quế Sơn (tham dự viên)         YouTube - https://www.youtube.com/watch?v=UX8X39rc-fs
......

Tiếp tân quốc tế đầu năm 2014 của Đảng Việt Tân tại Paris

Nhân dịp đầu năm 2014, Đảng bộ Việt Tân Pháp đã tổ chức một buổi tiếp tân dành cho những người bạn ngoại quốc, vào ngày thứ Năm 16/01/2014 tại Paris quận 15. Tại buổi này có sự hiện diện của ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân. Ông Điềm đang có mặt công tác tại Âu Châu nhằm vận động chính giới Âu Châu áp lực lên nhà cầm quyền VN phải chấm dứt các vi phạm nhân quyền vốn đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt sau khi họ đã vào ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.   Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân - Hình lưu niệm cùng với Amnesty  International de France   Đáp lời mời tham dự buổi tiếp tân có nhiều tổ chức NGO, hội đoàn quốc tế có trụ sở tại Paris như: - Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế) với sự hiện diện của Bà Geneviève Garrigos - Chủ tịch phân bộ Pháp (AIF), ông Guy Castérran - phụ trách các vấn đề liên quan đến VN, cùng Bà Sylvie Le Lan - phụ trách các trường hợp tử hình;   - Reporter Sans Frontière (Phóng Viên không biên giới) với sự hiện diện của ông Benjamin Ismaël - Phó giám đốc đặc trách Á Châu) và một số thành viên; - Ông Emmanuel Ravanas thuộc Luật sư đoàn Paris, cố vấn pháp luật cho Nhà dân chủ bác sĩ Nguyễn Đan Quế;   - Bà Nathalie Muller thuộc tổ chức Avocat Sans Frontière (Luật sư không biên giới); - Ông Joseph Thouvenel - Tổng thư ký công đoàn CFTC. Đây là một trong những nghiệp đoàn lớn trên toàn nước Pháp);   - Ông bà Pierre Martial - Chủ tịch Tổ chức France - Aung San Suu Kyi); - Ông bà Vien Thach thuộc Hiệp hội các quốc gia Á châu tranh đấu cho Nhân quyền; - Ông Michel Waldschmidt thuộc Hội toán học Pháp và toán học Quốc tế); - Đại diện của Dân biểu Jacques Bompard; - Cựu Trung Tướng Pháp Guy Simon - Các thành viên của Hội Pháp Việt tương trợ; cùng nhiều chính khách, luật sư, ký giả.   Trong phần ngỏ lời chào mừng quan khách, ông Đỗ Hoàng Điềm đã đặc biệt gửi lời tri ân đến các tổ chức NGO, hội đoàn, cá nhân, trong suốt nhiều năm qua, đã lên tiếng, bênh vực, hỗ trợ cho phong trào tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại VN. Theo ông, nếu không có sự lên tiếng hỗ trợ này "chắc chắn tình hình nhân quyền tại Việt Nam còn tồi tệ hơn hiện nay gấp nhiều lần". Ông cũng bày tỏ niềm hy vọng và kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ bằng nhiều phương thức để gia tăng áp lực lên nhà cầm quyền VN cũng như đẩy mạnh các nỗ lực xây dựng xã hội dân sự hơn nữa tại VN. Với sự hỗ trợ quí báu đó, ông tin rằng: "Chắc chắn trong một tương lai rất gần, đất nước và dân tộc VN sẽ xoá bỏ được độc tài, đem lại sự Tự do Dân chủ cho đất nước VN". Buổi tiếp tân Tân niên 2014 kết thúc sau phần tiệc trà và trao đổi thân mật giữa quan khách cùng với các đảng viên Việt Tân, với nhiều lạc quan cho một năm hoạt động mới. Nhân Định - Paris Nguồn: diendanctm.blogspot.com  
......

Nhóm vận động từ Việt Nam tới Hoa Kỳ

Một nhóm người gồm thân nhân các nhà đấu tranh dân chủ và các blogger nổi tiếng từ Việt Nam đã đến Hoa Kỳ để vận động dư luận về quyền con người. Theo họ, đây là chuyến đi diễn ra trong dịp Việt Nam đang có chân trong hội đồng nhân quyền ở Liên Hiệp Quốc. Nhà báo Đoan Trang (áo vàng) và một số đại diện khác sẽ đi thăm châu Âu sau khi tới Hoa Kỳ Qua sự sắp xếp của luật sư Trịnh Hội và các thành viên trong tổ chức thiện nguyện VOICE, họ đã đưa được cha của ông Trần Huỳnh Duy Thức, mẹ của luật sư Lê Quốc Quân, và mẹ của anh Đinh Nguyên Kha đến Hoa Kỳ. Dự kiến cả nhóm sẽ ra điều trần tại Ủy ban nhân quyền, Quốc hội Hoa Kỳ ngày 16/1 này.   Trong nhóm đi vận động và đến được Hoa Kỳ hôm nay, còn có cả ký giả Đoan Trang và sinh viên Nguyễn Anh Tuấn, người nổi tiếng trong vụ “yêu cầu công an khởi tố chính mình” vì có cùng quan điểm như luật sư Cù Huy Hà Vũ. Tất cả đều phải đi “lách” qua những con đường xuất cảnh tuy hợp pháp nhưng rất khó khăn vì cấm đoán của nhà chức trách ở Việt Nam.   Ban đầu họ âm thầm đến một trong những nước có chính sách miễn thị thực với Việt Nam trong khối Đông Nam Á, rồi từ đó họ xin visa vào Hoa Kỳ và Âu Châu theo sự tư vấn và giúp đỡ của tổ chức VOICE.   Mẹ đi theo con "Cha của Trần Huỳnh Duy Thức không còn cảm thấy đơn độc để tranh đấu cho con trai của riêng mình mà phải tiếp tục con đường tranh đấu " Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha còn cho biết cá nhân bà hiện nay cũng đã trở thành một con người tranh đấu sau khi con trai bị bắt.   “Từ một bà mẹ quê, vì cứu con mà tôi đã trở thành blogger và biết dùng cả Facebook”, bà chia sẻ với mọi người trong một cuộc họp báo tại trụ sở báo Người Việt hôm 14/1/2014 ở Quận Cam, California. Bà Kim Liên cũng nói lên lời mạnh mẽ rằng, bà nhận biết bây giờ đấu tranh cho dân chủ tự do ở Việt Nam là một sứ mệnh không chỉ giải cứu con trai bà mà còn cứu rất nhiều người có cùng cảnh ngộ. Trong chuyến đi này, bà đã làm bạn với mẹ của luật sư Lê Quốc Quân và thân phụ của Trần Huỳnh Duy Thức.   Ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ của nhà tranh đấu Trần Huỳnh Duy Thức cũng nói rằng ông không còn cảm thấy đơn độc để tranh đấu cho con trai của riêng mình mà phải tiếp tục con đường tranh đấu một xã hội dân chủ và công bằng cho Viêt Nam. Nói tiếng Anh tốt, ông Trần Văn Huỳnh sẽ điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ và tiếp tục lên đường sang Geneve để vận động với dư luận Âu Châu.   Họp báo về các vấn đề nhân quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ hồi tháng 07/2013 Trải nghiệm và hướng đi mới Đến với Quận Cam, nơi có cộng đồng người Việt đông nhất ở hải ngoại, chuyến sang Mỹ bất ngờ này đã trở thành một trải nghiệm đặc biệt cho mọi người. Ký giả Đoan Trang cũng đến Hoa Kỳ trong sự trải nghiệm đó và còn tạo nên sự bất ngờ về mặt thời điểm. Vốn là người từng gióng lên tiếng nói về tranh chấp Biển Đông từ năm 2001 và chịu nhiều phiền nhiễu trong trong nghề nghiệp làm báo ở Việt Nam, cô đã trả lời về chủ đề Biển Đông với các giới quan tâm ở Quận Cam trong dịp tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa. Được biết, Đoan Trang dự kiến sẽ nêu ra các ví dụ về việc nhà báo bị sách nhiễu ra sao và cách báo chí ở Việt Nam bị cấm đoán như thế nào.   Sự xuất hiện của những nhân vật có dấu ấn xã hội, mang tính chứng nhân bị đàn áp ở Việt Nam xuất hiện các diễn đàn quốc tế cũng tạo nên tiếng nói mới cho phong trào tranh đấu cho tự do nhân quyền cho Việt Nam vừ bước sang một giai đoạn thiết thực theo mô hình hoạt động của các nhóm NGO thuộc các tổ chức phi chính phủ. Trước đây các phái đoàn điều trần vận động quốc hội Hoa Kỳ phần đông đều do các nhân vật trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đảm trách. Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese/
......

Hội Thảo và Vận Động Nhân Quyền Cho VN nhân kỳ họp UPR của LHQ

Theo thời biểu dự kiến thì phiên họp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) lần thứ 18 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra sắp tới đây, từ ngày 27-1-2014 kéo dài đến ngày 7-2-2014 , để duyệt qua tình hình nhân quyền tại mỗi quốc gia  thành viên.   Phiên họp định kỳ này diễn ra mỗi 4 năm một lần, và theo lịch trình làm việc năm nay Việt Nam sẽ được giám định vào ngày 05/2.   Trong dịp Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc có phiên họp UPR lần này, sẽ có nhiều sinh hoạt vận động nhân quyền cho Việt Nam trong cùng thời gian diễn ra UPR. Thông báo của các tổ chức Nhân quyền VN cho biết, một phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc kể từ ngày 12/1/2014, cùng lúc một số tổ chức Nhân Quyền Quốc Tế và Việt Nam sẽ tổ chức một buổi hội thảo, với chủ đề "Hội thảo UPR: Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ", vào ngày 4 Tháng 2-2014 tại tòa nhà Liên Hiệp Quốc - Palais des Nations, Geneva. - Hội thảo UPR: Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ   Trong thư mời đồng bào cùng tham dự buổi Hội thảo UPR "Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ", do các tổ chức nhân quyền quốc tế và VN gồm ARTICLE 19, COSUNAM, Media Legal Defence Initiative, PEN International, UN Watch, Vietnam Human Rights PAC - Vietnam Progress, và Đảng Việt Tân, với nội dung cho biết: Cứ mỗi 4 năm, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc duyệt qua tình hình nhân quyền tại mỗi quốc gia thành viên trong phiên họp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) . Năm nay, Việt Nam sẽ được giám định vào ngày 05/2. Trong buổi hội thảo này, một số tổ chức Nhân Quyền Quốc Tế và Việt Nam sẽ rọi đèn vào những trường hợp vi phạm trầm trọng tại Việt Nam ngày nay như: - Sự bạo hành của lực lượng công an đối với người dân - Việc trù dập các blogger và đe dọa quyền tự do Internet - Việc bắt giữ vô cớ hàng trăm tù nhân chính trị - Việc giới hạn các quyền dân sự và các quyền căn bản   Buổi hội thảo này được tổ chức nhằm đưa ra những khuyến cáo cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và vận động Cộng Đồng Quốc Tế quan tâm đến việc thiết lập một tiến trình khảo sát nhân quyền một cách hữu hiệu tại Việt Nam. Ngày nay Việt Nam đã trở thành một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Hà Nội phải tuân thủ những nguyên tắc phổ quát về những quyền căn bản. Buổi hội thảo này sẽ được trực tiếp phổ biến qua mạng Internet. Để tham dự hội thảo, xin quý vị vui lòng ghi danh trước để làm thủ tục vào Liên Hiệp Quốc qua đường dẫn: bit.ly/upr-2014.   - Phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam lên đường   Trong khi đó, theo Thông cáo báo chí của phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam hôm 12-1-2014, do các tổ chức đấu tranh nhân quyền và truyền thông VN như Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, VOICE ký gửi, cho biết như sau: Nhận lời mời của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền (OHCHR) và một số tổ chức quốc tế khác, một phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc kể từ ngày 12/1/2014. Thành phần phái đoàn gồm đại diện các tổ chức VOICE, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, và thân nhân một số tù nhân chính trị.   Phái đoàn sẽ tiếp xúc và làm việc với OHCHR cùng với các cơ quan Liên Hiệp Quốc khác liên quan đến cuộc điều trần về báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) của Việt Nam vào ngày 5/2/2014 tại Geneva, Thụy Sĩ, vốn chỉ được tổ chức bốn năm một lần. Bên cạnh đó, phái đoàn cũng sẽ làm việc với đại diện Quốc hội, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Nghị viện Châu Âu, Quốc Hội Úc, các tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Frontline Defenders, International Service for Human Rights (ISHR) và các tổ chức phi chính phủ khác kể cả cộng đồng người Việt Nam tại các nước. Phái đoàn cũng sẽ đồng thời tham dự các sự kiện bên lề phiên điều trần UPR cùng với sự tham dự của các phái đoàn ngoại giao, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và giới truyền thông.   Được hỗ trợ bởi OHCHR và các tổ chức quốc tế trên, phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam tập hợp các nhà hoạt động trong và ngoài nước nhằm cung cấp các thông tin chính xác và đầy đủ cho các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài. Chiến dịch vận động này được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực đối với chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền với tư cách là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.   Để có thêm thông tin chi tiết về chiến dịch vận động này, xin vui lòng liên hệ cô Ann Pham qua số điện thoại +1.714.325.8276 hoặc địa chỉ thư điện tử: vietnamupr@gmail.com. * Press Release by the Advocacy Delegation for Human Rights in Vietnam 12/1/2014 – Invited by the UN Office of the High Commissioner for Human Rights (OHCHR) and other INGOs, a delegation advocating for human rights in Vietnam will visit the United States, Europe, and Australia starting from 12 January 2014. The delegation consists of representatives from VOICE, Vietnamese Bloggers Network, Dan Lam Bao, the Vietnam Path Movement, Hoa Hao Buddhist Church, No-U Vietnam, the Association of Political and Religious Prisoners, and relatives of current political prisoners in Vietnam.   The delegation will meet with OHCHR and other UN bodies related to the upcoming Universal Periodic Review (UPR) of Vietnam which will take place on February 5, 2014 in Geneva, Switzerland, a process that occurs every four (4) years. In addition, the delegation will meet with representatives of the US Congress and Department of State, the European Union Parliament, the Australian Parliament, Amnesty International, Frontline Defenders, International Service for Human Rights (ISHR), and other INGOs as well as the overseas Vietnamese communities. Furthermore, the delegation will participate in side events related to the UPR with representatives from the Permanent Missions in Geneva, international human rights organizations and the media. With assistance from OHCHR and the international organizations mentioned above, this delegation consisting of Vietnamese activists from in and outside of the country, aims to provide full and accurate information on the current human rights situation in Vietnam. It is hoped that our advocacy will inspire further changes resulting in the Vietnamese Government to respect and protect human rights as a new member state of the Human Rights Council.   For more information regarding the delegation and its activities, please contact our representative, Ms Ann Pham at +1.714.325.8276 or vietnamupr@gmail.com. SIGNED: Network of Vietnamese Bloggers Dan Lam Bao Vietnam Path Movement Hoa Hao Buddhist Church No-U Vietnam Association of Political and Religious Prisoners of Vietnam VOICE    
......

Mời tham gia sinh hoạt chính trị ở Genève

c/o BS Trần Văn Tích, E-Mail: tranvantich@hotmail.de, vantich@t-online.de Website : http://www.lienhoinvtn.de                      Thư kính mời tham gia sinh hoạt chính trị ở Genève Kính gửi Đồng bào Tỵ nạn tại Liên Âu, Kính gửi các Hội Đoàn, Đảng Phái, Tổ Chức Chống cộng tại Liên Âu, Kính thưa quí vị,   Ngày 12.11.2013 Việt Cộng trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trụ sở ở Genève, Thụy sĩ. Thủ tục điều hành của Tổ chức này có những sinh hoạt luân chuyển gọi là Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập, Universal Periodic Review. Năm nay, Việt cộng sẽ tham dự Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập vào ngày thứ tư 05.02.2014. Tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có trách nhiệm và bổn phận thực hiện quyền người dân trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hoá, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng. Tham gia tiến trình Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập, Việt cộng phải tường trình cùng Đại Hội đồng các cải thiện về nhân quyền và dân quyền theo qui ước quốc tế. Trong thực tế, tình trạng dân quyền và nhân quyền tại quốc nội chẳng những không được cải thiện mà còn tồi tệ hơn; do đó, sẽ có những câu chất vấn do phái đoàn các quốc gia hội viên nêu ra và Việt cộng phải trả lời. Nhằm thiết thực yểm trợ đồng bào quốc nội đang dũng cảm kiên trì đấu tranh đòi quyền làm người và quyền làm dân, Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn sẽ tổ chức biểu dương lực lượng trước tiền đình trụ sở Liên Hiệp Quốc cùng lúc với việc tham gia theo dõi chất vấn trong Phiên họp Đại Hội đồng vào ngày thứ tư 05.02.2014, từ 14 đến 18 giờ tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, Palais des Nations Unies Place des Nations, Genève, Thuỵ sĩ Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức phối hợp cùng một số Tổ chức và Đoàn thể Chống cộng – trong số có phái đoàn đến từ Hoa Kỳ – xin thành khẩn và tha thiết mời gọi Đồng bào Tỵ nạn tham gia đông đảo hai hình thức đấu tranh vừa trình bày. Mọi chi tiết về tổ chức xin trực tiếp liên lạc với TS Nguyễn Ngọc Hùng, điện thư hungnguyen00@googlemail.com, điện thoại di động 015780276220. Trân trọng kính chào, Đức quốc, ngày 12.01.2014, BS Trần Văn Tích
......

40 năm Hải Chiến Hoàng Sa & 74 Anh Hùng Giữ Nước.

  Danh sách tử sĩ quân đội VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974        Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa ra chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1.1974                                                                                                                                                                                                                         Cố Thiếu tá Hải Quân Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10, hy sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Files photos Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ 10 1/ HQ trung tá Ngụy Văn Thà, HT/ HQ 10 2/ HQ thiếu-tá Nguyễn Thành Trí, HP/ HQ 10 3/ HQ đại-úy Vũ Văn Bang 4/ HQ đại-úy HH/TT Huỳnh Duy Thạch 5/ HQ trung-úy CK Vũ Ðình Huân 6/ HQ tr/úy Phạm Văn Ðồng 7/ HQ tr/úy Ngô Chí Thành 8/ Th/sĩ nhất TP Châu quản nội trưởng 9/ Th/sĩ nhất CK Phan Tấn Liêng 10/ Th/sĩ nhất ÐK Võ Thế Kiệt 11/ Th/sĩ vận-chuyển Hoàng Ngọc Lễ (nhiều tuổi nhất) 12/ Tr/sĩ nhất VT Phan Tiến Chung 13/ Tr/sĩ QK Nguyễn Văn Tuân 14/ Tr/sĩ GL Vương Thương 15/ Tr/sĩ TP Nam 16/ Tr/sĩ TP Ðức 17/ Tr/sĩ TP Huỳnh Kim Sang 18/ Tr/sĩ TX Lê Anh Dũng 19/ Tr/sĩ ÐK Lai Viết Luận 20/ Tr/sĩ Vận chuyển Ngô Tấn Sơn 21/ Tr/sĩ GL Ngô Văn Ơn 22/ Tr/sĩ TP Nguyễn Thành Trọng 23/ Tr/sĩ TP Nguyễn Vĩnh Xuân 24/ Tr/sĩ CK Phạm Văn Quý 25/ Tr/sĩ CK Nguyễn Tấn Sĩ 26/ Tr/sĩ CK Trần Văn Ba 27/ Tr/sĩ ÐT Nguyễn Quang Xuân 28/ Tr/sĩ BT Trần Văn Ðàm 29/ HS1/Vận-chuyển Lê Văn Tây 30/ HS1/vận-chuyển Lương Thanh Thú 31/ HS1/TP Nguyễn Quang Mến 32/ HS1/vận chuyển Ngô Sáu 33/ HS1/CK Ðinh Hoàng Mai 34/ HS1/CK Trần Văn Mộng 35/ HS1/DV Trần Văn Ðịnh 36/ HS vận-chuyển Trương Hồng Ðào 37/ HS vận-chuyển Huỳnh Công Trứ 38/ HS/GL Nguyễn Xuân Cường 39/ HS/GL Nguyễn Văn Hoàng (nhỏ tuổi nhất) 40/ HS/TP Phan Văn Hùng 41/ HS/TP Nguyễn Văn Thân 42/ TT/DT Thanh 43/ TT/TP Thi Văn Sinh 44/ Th/sĩ DT Thọ 45/ HS/TP Nguyễn Văn Lợi 46/ HS/CK Trần Văn Bảy   Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tham gia bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. File photo. 47/ HQ trung-úy Nguyễn Phúc Xá 48/ HS1 vận chuyển Nguyễn Thành Danh 49/ Biệt hài Nguyễn Văn Vượng   Tuần dương hạm  Trần Bình Trọng HQ 5, do  Đại Tá Hà Văn Ngạc chỉ huy chiến dịch đổ bộ đảo Quang Hòa 50/ HQ trung-úy Nguyễn Văn Ðồng 51/ Th/sĩ ÐT Nguyễn Phú Hào 52/ TS1/TP Nguyễn Ðình Quang Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 53/ TS/ÐK Xuân 54/ HS/QK Nguyễn Văn Duyên Lực Lượng Người Nhái 55/Trung-úy NN Lê Văn Ðơn 56/HS/NN Ðỗ Văn Long 57/TS/NN Ðinh Hữu Từ 58/TT/NN Nguyễn Văn Tiến Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ 10 59/ HS/CK Nguyễn Văn Ðông 60/ HS/PT Trần Văn Thêm 61/ HS/CK Phạm Văn Ba 62/ HS/ÐK Nguyễn Ngọc Hòa 63/ HS/ÐK Trần Văn Cường 64/ HS/PT Nguyễn Văn Phương 65/ HS/PT Phan Văn Thép 66/ TT1/TP Nguyễn Văn Nghĩa 67/ TT1/TP Nguyễn Văn Ðức 68/ TT1/TP Lý Phùng Quy 69/ TT1/VT Phạm Văn Thu 70/ TT1/PT Nguyễn Hữu Phương 71/ TT1/TX Phạm Văn Lèo 72/ TT1/CK Dương Văn Lợi 73/ TT1/CK Châu Túy Tuấn 74/ TT1/DT Ðinh Văn Thục
......

Công nhân Việt ở Đài Loan biểu tình phản đối nghị định mới

Các công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam ở Đài Loan mới đây đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc để phản đối một nghị định gây tranh cãi mới được ban hành, theo đó công nhân bỏ trốn ở nước ngoài bị phạt tới 100 triệu đồng. VOA Việt Ngữ đã liên lạc với Linh mục Nguyễn Văn Hùng, người tổ chức cuộc biểu tình này, và được ông cho biết như sau: Các công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam ở Đài Loan mới đây đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc. Chúng tôi phản đối chính sách bóc lột lao động Việt Nam của chính phủ Việt Nam thông qua nghị định 95 của chính phủ. Trong nghị định đó, chính phủ Việt Nam quy định phạt từ 80 triệu cho tới 100 triệu đồng đối với những người Việt Nam qua Đài Loan rồi bỏ trốn khỏi nơi làm việc của mình, hoặc hết hợp đồng rồi mà vẫn ở lại Đài Loan sau khi hợp đồng chấm dứt. Theo cách nhìn và kinh nghiệm làm việc của chúng tôi là các tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan thì chính phủ Việt Nam đã không có quan tâm đến lý do người công nhân bỏ trốn, mà chính phủ Việt Nam từ cái căn tính của họ, đó là sự chuyên chế, thành thử ra không hỏi han, không tìm hiểu và họ đưa ra một cái quy định như vậy. VOA: Là người làm việc với các lao động Việt Nam trong một thời gian dài, theo ông, lý do vì sao mà các lao động người Việt lại hay bỏ trốn khỏi nơi làm việc đến vậy? Linh mục Nguyễn Văn Hùng: Những người công nhân lao động trước khi rời Việt Nam, họ phải trả một số tiền rất lớn cho công ty môi giới Việt Nam, cao hơn số tiền 4.500 Mỹ kim mà chính phủ Việt Nam đã quy định. Thực ra, nếu thuần túy chỉ trả 4.500 Mỹ kim để trả cho hợp đồng đi sang Đài Loan làm việc, ra nước ngoài làm việc, thì số tiền đó vẫn quá lớn đối với một công nhân lao động. Khi qua bên này, công ăn việc làm không thuận lợi hoặc người công nhân bị bóc lột rồi tiền lương không giống như sự quảng cáo của các công ty môi giới Việt Nam. Các công nhân họ không còn một sự chọn lựa nào khác, nên thành thử họ phải trốn ra bên ngoài để họ kiếm tiền để gửi về Việt Nam để trả nợ. Sau đó khi về Việt Nam, chính phủ Việt Nam lại không giúp đỡ họ mà lại bắt họ phải đóng một số tiền từ 4.500 Mỹ kim tới 5.500 Mỹ kim. Giống như người rớt xuống giếng, thay vì cứu họ thì lại đứng cầm đá ném xuống cho người ta chết luôn. VOA: Thưa ông, nghị định mới về xử phạt các công nhân xuất khẩu lao động được ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ngày càng tăng khi ra nước ngoài làm việc. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả mà nghị định này mang lại? Linh mục Nguyễn Văn Hùng:  Nó là một biện pháp mà không có sự thương lượng, không có sự thương thảo với những cơ quan đoàn thể giúp cho người công nhân lao động ở tại các nước sở tại mà họ chỉ ngồi ở Việt Nam và họ nghĩ rằng làm cách này thì người ta sẽ sợ và người ta sẽ không làm như thế nữa. Nhưng trên thực tế, những người công nhân lao động vì miếng cơm manh áo rồi vì nợ nần, nên dù sợ thật nhưng người ta không còn chọn lựa nào khác hơn rồi người ta sẽ tiếp tục làm như thế. Việc đó ở Đài Loan, lúc đầu tôi  nghĩ sẽ có một số sự thay đổi nhỏ thôi, nhưng mà sau đó những người trốn ra ngoài ở Đài Loan họ sẽ không còn muốn về nữa, họ sẽ ở lại đây cho tới khi nào họ bị bắt thôi. Nó sẽ biến thành một tệ trạng mới ở Đài Loan, tức là các công nhân lao động sẽ trở thành đối tượng để cho các tổ chức phi pháp người ta lợi dụng. Hoặc những người công nhân lao động trón ra ngoài không dám về vì khoản tiền phạt lớn như thế nên số người lao động Việt Nam sẽ trốn nhiều hơn nữa vì tiền môi giới ở Việt Nam nó không thay đổi. Gần đây, công nhân lao động cho tôi biết là công ty môi giới Việt Nam đã giở đến cái trò là khi mà họ kêu người công nhân lao động trả tiền môi giới, họ kêu cả công an vô đứng đó chứng kiến là nói rằng chỉ trả 4.500 Mỹ kim thôi rồi họ quay phim. Nhưng mà thực tế họ thu của người ta là 7.000 tới 7.500 đôla trước ở một nơi khác. Như vậy, người công nhân lao động vẫn như thế. Cho nên việc dùng phương pháp này để mà làm cho người công nhân lao động họ sợ, không bỏ trốn thì tôi nghĩ hiệu lực của nó không có. Mà ngược lại, nó chỉ gây thêm sự đau khổ và mất mát cho người lao động mà thôi. VOA: Thưa ông, trong nghị định mới, chính phủ Việt Nam cũng quy định sẽ phạt từ 100 tới 120 triệu đồng đối với cả các công ty môi giới không chấp hành quy định. Ông có nghĩ rằng Việt Nam cũng công bằng trong vấn đề này không? Linh mục Nguyễn Văn Hùng:  Với kinh nghiệm làm việc của tôi trong lĩnh vực này trong hơn 20 năm thì tôi thách thức chính phủ Việt Nam đưa ra con số của các công ty môi giới mà họ đã vi phạm trong thời gian trước và sau khi nghị định này được đưa ra. Tôi nghĩ họ sẽ không đưa ra được con số và tên của một số công ty môi giới. Lý do là công ty môi giới chính là các công ty con của các công ty quốc doanh của nhà nước Việt Nam. Với hệ thống tham nhũng và hối lộ ở Việt Nam đến ngày hôm nay thì làm sao mà họ có thể theo dõi rồi phạt theo như nghị định của họ đưa ra. Cho nên là nạn nhân vẫn là những người nghèo khổ Việt Nam, những người vì muốn kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình thành thử là họ phải đi ra nước ngoài lao động mà vẫn bị bóc lột ở Việt Nam. Họ vẫn sẽ tiếp tục là nạn nhân của chính sách này.    VOA: Tin cho hay, hôm 9/12, một đại diện không rõ danh tính của Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã nhận đơn kiến nghị của công nhân Việt ở Đài Loan, nhưng cho báo chí địa phương biết rằng ông không được phép bình luận.
......

Phỏng vấn Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ về Giáo chỉ ban hành ngày 9.12.2013

Ỷ Lan : Kính bạch Đức Tăng Thống, dư luận hải ngoại đang xôn xao về Giáo chỉ của Đức Tăng Thống chấm dứt nhiệm vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo của Hòa thượng Thích Viên Định, và chức Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo của Hòa thượng Thích Viên Lý. Kính xin Đức Tăng Thống hoan hỉ cho biết lý do về cuộc chỉnh lý này trong nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ : Lý do thì cũng nhiều lắm. Nhưng tôi xin nói tóm tắt việc này chính là vì khi tôi giải nhiệm ông Thích Chánh Lạc là Chủ tịch Văn phòng II, thì hai vị này vốn là bênh vực ông Chánh Lạc. Thành ra mới đưa những phản ứng đi ngược lại đường lối của Giáo hội. Trước hết, là họ lập ra một Phòng Thông Tin riêng, mà ông không dùng đến Phòng Thông Tin của Giáo hội. Rồi thì bằng đường lối này đường lối khác chuyển thư từ nhờ người quen này người quen khác. Cái đó là đã đi ngược lại cái nguyên tắc của Giáo hội. Họ lại còn [lỗi] thứ hai nữa, là bênh vực Chánh Lạc, mà Chánh Lạc là một người mà tôi đã quyết định là một người phạm giới, phạm trọng giới, mà đã loại ra khỏi chức vụ và luôn cả ra khỏi Giáo hội luôn. Ấy thế nhưng mà thầy Viên Định và Viên Lý vẫn tỏ ra bênh vực Chánh Lạc, thì tôi không biết vì lý do gì những người ấy liên hệ với nhau như thế nào. Nhưng mà cái đó trái với quyết định của Viện Tăng Thống, thành ra tôi không thể chấp nhận sự đòi hỏi cho thầy Chánh Lạc trở về chức vụ cũ. Chính vì thế, cho đến hôm nay họ vẫn tiếp tục vận động đấy, nhưng mà vì tôi không thể nào chấp nhận cái quyết định, ý muốn của họ, cho nên tôi ra Giáo chỉ chấm dứt nhiệm vụ của cả ông Viện trưởng lẫn ông Chủ tịch Văn Phòng II để chỉnh đốn lại Viện Hóa Đạo và Văn phòng II đi vào khuôn khổ, đi vào kỷ luật. Vì thế mà tôi có quyết định mạnh. Tôi được biết là Giác Đức, Chánh Lạc và Viên Lý vận động để truất phế tôi. Thế nhưng mà việc truất phế tôi, tôi không quan tâm bằng cái kỷ luật của Giáo hội. Thành ra tôi phải làm cho rõ thế nào là phải thế nào là trái để cho Phật tử nhận định để Giáo hội còn tồn tại, và còn phải hoạt động lâu dài sau này. Nhờ như thế mà tôi có thể sắp đặt lại các nhân sự của Văn phòng II cũng như Văn phòng I để cho nó có thứ tự trước khi tôi có thể vĩnh viễn ra đi. Thành ra tôi phải lo việc đó. Cho nên mới có quyết định chấm dứt nhiệm vụ cả Hòa thượng Viện trưởng và cả Chủ tịch Văn phòng II ở nước ngoài. Qua Phòng Thông Tin, hôm nay tôi nhờ Phòng Thông Tin thông tin những ý kiến của tôi cho mọi người biết, là việc tôi làm đây là vì tương lai của Giáo hội, không có một thành kiến gì đối với các vị đó. Vì tương lai, vì sự tồn vong của Giáo hội cho nên tôi phải quyết định. Mà nói cho đúng, bây giờ tôi không quyết định thì sau này rất khó khăn. Không ai có thể quyết định nổi. Do đó, tôi phải dứt khoát làm việc này. Nếu được dư luận ngoài đó, chư Tăng và Phật tử nói chung, mà hoan hỉ, mà đón nhận cái quyết định một cách hoan hỉ đó thì tôi cũng mừng. Và mong rằng tất cả từ nay trở đi, sẽ có một cái ban mới thay thế, dĩ nhiên ban cũ không còn phải có ban mới thay thế, thì toàn thể chư Tăng và Phật tử ngoài đó một lòng ủng hộ các vị trong tương lai mà làm việc cho Giáo hội ở Văn phòng II. Chắc phải chỉnh đốn lại, làm sao để chư Phật tử, dĩ nhiên không phải tất cả đâu, cũng có một thiểu số người ta vẫn còn bênh vực những vị cũ. Nhưng mà một thiểu số không thành vấn đề, nhưng nếu đa số ủng hộ cái quyết định của tôi, thì cũng một lòng tiếp tục ủng hộ cái Văn phòng II sẽ có những nhân sự mới sắp đặt sau này để tiếp tục công việc của Giáo hội, cả trong cả ngoài nhất trí với nhau đi một đường để mong cho một ngày nào đó đất nước được tự do, hòa bình thật sự thì Giáo hội vẫn còn, còn sự hiện diện của Giáo hội. Chứ không thể để giữa chừng mà bị người trong phá ra hay ngoài phá vào làm cho nó tan nát. Như vậy mấy hôm nay tôi nghe dư luận thì tôi cũng mừng. Trước mắt là mừng tạm được, tạm ổn. Ở trong nhà nhân sự mới chưa làm gì nhưng tôi thấy cũng tạm ổn, là bởi vì rồi sẽ dần dần và sẽ đi vào nề nếp dần dần, chứ không thể ngay lúc đầu hoàn thành ngay được. Vậy thì ở ngoài đấy nhất là trách nhiệm của Phòng Thông Tin cũng quan trọng, làm thế nào tạo cho cái dư luận Phật tử, quần chúng Phật tử nói chung cũng hoan hỉ và tin tưởng ở sự lãnh đạo của Giáo hội trong nước, và hết lòng ủng hộ những quyết định sau này sắp có đây. Về những cái ban mới Văn phòng II cũng như Văn phòng I sẽ chuẩn bị một ban mới thi hành những chương trình Gíao hội đề ra từ trước đến nay để mong Phòng Thông Tin cố gắng phổ biến các ý kiến của tôi hôm nay để cho toàn thể Tăng Ni Phật tử ngoài đó biết. Tất nhiên trong đó cũng có, bao giờ cũng thế, thời nào cũng thế, cũng có một thiểu số người ta không đồng ý. Nhưng mà cái thiểu số không đồng ý mình cũng tôn trọng. Nhưng mà chỉ biết rằng là một ngày nào đó sẽ thấy cái kết quả đổi mới nó sẽ khác, nó tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, họ sẽ ủng hộ thôi. Ỷ Lan : Kính xin Đức Tăng Thống cho biết quá trình đưa tới quyết định tối hậu này. ĐTT Thích Quảng Độ : Cái hôm mà tôi quyết định phải giải quyết vấn đề này, một hôm thầy Viên Định tức Viện trưởng Viện Hóa Đạo, ông làm một bản văn đàng hoàng ông ấy ký rồi, ông đưa lên ông yêu cầu tôi ký bên cạnh ông. Nội dung thế này, nội dung là muốn khôi phục lại chức vụ cho Chánh Lạc, tức là tuy rằng là đuổi ông chức Chủ tịch Văn Phòng II, nhưng ông vẫn còn là thành viên của Hội đồng Gíao phẩm Trung ương và Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Nhưng mà thầy ấy không hiểu luật Phật, mà trong ấy có 4 điều nặng nhất gọi là Tứ trọng, bốn điều nặng nhất của một Tỳ kheo. Đó là Sát, Đạo, Dâm, Vọng, tức là giết hại, ăn trộm, dâm dục và vọng ngữ, nói dối. Chánh Lạc bị hai cái trong cái này rồi : Vọng ngữ và Dâm dục. Tôi đang có cái bản án đang quyết định loại trừ ông vì hai tội đó là tội nặng trong luật Phật, luật của Tỳ kheo đấy. Mình xuất gia là phải giữ trọn vẹn. Thế nhưng mà thầy Viên Định còn tỏ ra bênh ông. Đây là tôi xử theo luật hành chánh chứ chưa xử theo luật Phật (PTTPGQT nhấn mạnh). Nếu xử theo luật Phật phải triệu tập 20 vị Tỳ kheo thanh tịnh tuổi hạ đầy đủ từ 10 đến 20 tuổi hạ để xử vụ này. Đây tôi xử về mặt hành chánh mà thôi, tức chỉ loại ông ra khỏi ban chấp hành của Giáo hội, Văn phòng II mà thôi. Tôi chưa nói đến kỷ luật Phật. Theo luật Phật thì phải đuổi về tại gia, lột áo, không cho làm tỳ kheo nữa. Hai cái đó khác. Thành ra tôi xử theo luật hành chánh thôi, thì không cho dự công việc Giáo hội nữa. Nó rõ ràng như vậy, nhưng mà thầy Viên Định còn bênh, đã nhiều lần nói miệng nhưng tôi không nghe. Một hôm ông làm sẵn một văn kiện Chánh Lạc mất chức Văn phòng II nhưng vẫn còn hai chức vụ : Thành viên của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương và Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Trong hai chức này, chức thành viên của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương là quan trọng nhất. Một người đã phạm Vọng ngữ và Dâm dục mà ngồi sao được trên Hội đồng Tối cao ? Nếu về hành chánh, về chính trị, thì đó là Thượng Hội đồng, Thượng Nghị viện đấy. Mà bây giờ phạm tội bị đuổi mà còn bênh vực cho trở lại Thượng Hội đồng đó thì có vô lý không ? Viện trưởng mà làm cái việc như thế à ? Đó là lỗi thứ nhất. Lỗi thứ hai là ông ký rồi ông lại yêu cầu tôi ký bên cạnh ông, coi ông Tăng Thống ra cái gì ? Có tài ba bao nhiêu chăng nữa cũng vô ích, thứ tài ấy là vô hạnh. Nhưng bây giờ đây ông còn làm nhiều việc nữa, nhân chuyện này tôi cất chức luôn, cả Viện trưởng, bên kia là Chủ tịch Văn phòng II tôi cũng cất chức luôn. Nó dựa là nó dựa vào danh tiếng của tôi để nó làm. Cái Website của Gíao hội thì cái đó nên làm. Thế nhưng mà không cho tôi biết, cứ tự ý làm rồi tuyên bố đã được sự đồng ý của Đức Tăng Thống. Nói láo. Tôi tán thành cái đó làm của Giáo hội cũng được rồi, thế nhưng mà không nói gì với tôi, mà nó [dám] nói có thưa rồi, đã được phê chuẩn rồi. Phê chuẩn phải có văn thư đàng hoàng chứ đâu phải phê chuẩn bằng miệng ? Họ không hỏi gì, có biết gì đâu, làm xong rồi ông Viên Hỷ mới đưa vào cái máy của tôi khoe đã có cái Website như thế, tôi mới biết thôi. Rồi những cái tin tức mới đây của Viện Hóa Đạo không gửi qua Phòng Thông Tin mà gửi cho ông em Viên Định ở ngoài đó, Trung Nhữ (đúng là Nhữ Văn Trung, PTTPGQT chú), anh ta lại gửi cho một cơ quan truyền thông Thiên Chúa là bất lợi cho Giáo hội, rất bất lợi cho Giáo hội. Mà trong khi đó đã có Phòng Thông Tin hẳn hoi thì không gửi. Thế là họ muốn gạt Phòng Thông Tin rõ ràng, muốn đóng cửa Phòng Thông Tin để họ độc quyền muốn làm gì thì làm. [Phòng Thông tin] đó không phải tôi lập ra mà Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống lập ra. Như vậy nó phản bội cả Đức Đệ Tứ Tăng Thống. Ai làm ra cái Giáo hội này để cho bây giớ nó lên nó làm Viện trưởng ? Thành ra đã quên gốc gác mà chỉ biết trước mắt cái quyền lợi của cá nhân và phe phái. Ỷ Lan : Bạch Đức Tăng Thống, Giáo hội có những dự án gì cho tương lai và đất nước không ? ĐTT Thích Quảng Độ : Có dự án chứ. Nó lớn, mà còn tùy, luật Phật gọi là nhân duyên. Cái gì có nhân cũng phải có duyên. Hạt lúa là nhân nhưng phải có đất, nước, gió, thì mới phát triển được. Giáo hội bây giờ có cái lợi là có đại diện ở nước ngoài. Trước đây chỉ có trong nước thôi, nay có Văn phòng II thành ra cái đó rất lợi cho Giáo hội. Ngoài ấy đa số là người Việt tị nạn, số khá đông. Thành ra cũng có tổ chức của Giáo hội để hướng dẫn họ về mặt tinh thần. Ỷ Lan : Theo Đức Tăng Thống thì nhà cầm quyền đã có sự thay đổi nào hay vẫn tìm cách dập tắt tiếng nói và ngăn cấm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thông nhất ? ĐTT Thích Quảng Độ : Dĩ nhiên rồi, họ chưa có cách nào đấy thôi. Mà họ chỉ nói bề ngoài thế thôi, chứ bên trong vẫn độc tài, vẫn làm cách nào để họ bảo vệ quyền lợi riêng của Đảng. Bây giờ còn hay mất, mình có tiếng nói hay mất, thì tự mình, do Giáo hội, tự thân Giáo hội chứ không do bên ngoài nữa đâu ! Thành tôi thấy việc vừa rồi là tôi biết. Tự mình hủy hoại mình. Nhất là cái Văn phòng II với Viện trưởng thầy Viên Định vừa rồi cũng là một cái kinh nghiệm đau đớn đấy. Cứ (2 chữ nghe không rõ, PTT chú) cái ông Chánh Lạc ở ngoài nước ai không biết rồi. Cái vụ Chánh Lạc ai cũng biết rồi, ai cũng chê bai. Ấy thế mà ông Viện trưởng Viện Hóa Đạo lại bênh vực, nâng đỡ. Cứ muốn đưa vào chứ không muốn đuổi ông đi. Cứ giữ một ông Viện trưởng như vậy thì cũng vô ích. Tưởng là Viện trưởng ông lo việc chung của Giáo hội, bây giờ bo bo lo cho một người, mà cái người đã bị Giáo hội gạt ra, phạm giới, đủ thứ. Tôi không hiểu… mà cái thầy Viện trưởng này tương đối cũng có học chứ không phải là không. Tôi không thể hiểu cái tình nghĩa giữa Chánh Lạc và Viên Định là nặng nề đến như thế nào mà đến nỗi ông có thể hy sinh cả một cái danh dự của Giáo hội để cố giữ Chánh Lạc lại. Cái đó là tôi rất buồn. Ý kiến tôi tóm tắt có thế thôi. Nhờ Phòng Thông Tin phổ biến làm thế nào cho Tăng Ni Phật tử ngoài ấy một lòng, tiếp tục ủng hộ đường lối của Giáo hội từ trước đến nay, cũng như đã ủng hộ từ trước đến nay vậy. Còn Giáo hội thì không có cái tâm địa gì bảo là thù ghét ai, mà ai làm việc đúng luật pháp, kỷ cương, mà được việc thì Giáo hội tán thán. Còn những người đã đi ngược lại luật pháp của Đức Phật và quyền lợi của Giáo hội, sự vững mạnh của Giáo hội, thì những người đó không thể chấp nhận được. Phải để cho người khác thay thế, tiếp tục con đường, chủ trương, đường lối của Giáo hội trong nước. Ỷ Lan : Xin cám ơn Đức Tăng Thống đã dành cuộc phỏng vấn cho Đài Phật giáo Việt Nam. Nguồn: http://www.queme.net/vie/news_detail.php?numb=2192 ** Tâm Thư của Hòa thượng Thích Trí Lãng, Quyền Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo về hiện tình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hải ngoại -  http://www.queme.net/vie/index_detail.php?numb=2191 ** Giáo chỉ của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ chấm dứt chức vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo của HT Thích Viên Định và Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo của HT Thích Viên Lý - http://www.queme.net/vie/index_detail.php?numb=2186  
......

Hòa Lan: Sinh Hoạt Hội Thảo - Tiếp Xúc Bộ Ngoại Giao

Hội Thảo Về Tình Trạng Vi Phạm Nhân Quyền Tại Việt Nam 10.12.2013 Nhân kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền, Ban Chấp Hành Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà-Lan đã tổ chức một buổi hội thảo về “Tình Trạng Vi Phạm Nhân Quyền tại Việt Nam” vào trưa ngày 8-12-2013 tại hội trường Zalen Centrum ’t Veerhuis, thành phố Nieuwegein. Ngoài sự tham dự của các hội đoàn và đồng hương đến từ Hoà-Lan và Bỉ, còn có sự hiện diện của một số khách người Hoà-Lan. Ông Nguyễn Đắc Trung Chủ Tịch Cộng Đồng Hòa Lan   Buổi thảo luận bắt đầu lúc 14g00 với nghi thức chào quốc kỳ Hoà-Lan và Việt Nam, tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc và đồng bào bỏ mình trên đường tìm Tự Do . Tiếp theo đó xướng ngôn viên Thu Vân đã mời ông Nguyễn Ðắc Trung, chủ tịch Cộng Ðồng phát biểu. Sau khi chào mừng quan khách, ông chủ tịch Cộng Ðồng đã giới thiệu cùng cử toạ Nữ Ký Giả Martje Duin và blogger Người Buôn Gió đến từ Ðức Quốc.                                                                                                                       Nữ Ký Giả Martje Duin  Nữ Ký Giả Martje Duin người đã thực hiện chuyến viếng thăm một số bloggers  tại Việt Nam vào tháng 2&3 năm nay. Sau khi trở về Hoà-Lan bà đã thực hiện chương trình phát thanh trên Radio 1 và viết bài trên báo Volkskrant, một trong những tờ báo lớn nhất tại Hoà-Lan để nói về sự vi phạm tự do thông tin và sự đàn áp các bloggers tại Việt Nam.                                                                                                                                              Óng Bùi Thanh Hiếu, tức blogger Người Buôn Gió (đến từ Ðức) là một nhà báo tự do, viết bài trên các trang mạng và được nhiều người biết đến qua những bài viết châm biếm và chỉ trích sự tham nhũng và lạm dụng quyền lực của các viên chức trong chính quyền. Óng đã bị nhà cầm quyền cộng sản trù dập dưới nhiều hình thức như bắt bớ, xét nhà, từng bị cấm xuất ngoại khi được chính quyền Ðức mời qua để làm việc trong một lãnh vực văn chương. Trong năm nay chính quyền Ðức, một lần nữa đã mời ông qua để thực hiện một công việc liên quan đến văn chương. Dưới các áp lực quốc tế, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã buộc lòng để ông xuất ngoại. Vào ngày 15-9-2013 ông cũng đã đến Tolhuis tại thành phố Amsterdam để thuyết trình về sự kiểm duyệt thông tin tại Việt Nam trong ngày hội văn chương do cơ quan văn bút quốc tế tổ chức (PEN international) Sau đó ông chủ tịch Cộng Ðồng cũng đã tóm lược về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian qua.   Tiếp theo, xướng ngôn viên Thu Vân đã mời nữ ký giả Maartje Duin lên phát biểu. Bà đã kể lại những kinh nghiệm khi đến Việt Nam, dự trù kéo dài 1 tháng, nhưng chỉ sau 2 tuần bà đã rời khỏi Việt Nam vì bị công an chìm theo dõi gắt gao. Tại Việt Nam bà đã có dịp gặp blogger Người Buôn Gió, Nguyễn Lân Thắng, Linh Mục Phan Văn Lợi, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn và thăm viếng làng Văn Giang, nơi mà nông dân đã bị công an đàn áp dã man trong vụ cưỡng chế ruộng đất của họ. Blogger Người Buôn Gió cũng trình bày về tình trạng của những người đấu tranh trong nước, mặc dầu bị đàn áp nhưng vẫn kiên cường nói lên tiếng nói cho công lý.  Kế tiếp mọi người cùng thảo luận về đề tài nhân quyền và trao đổi thêm với các diễn giả. Phần 2 của chương trình là sự trao đổi trực tiếp với Blogger Nguyễn Lân Thắng và Giáo Sư Phạm Minh Hoàng tại Việt Nam qua hệ thống viễn liên (Skype).  Giáo Sư Phạm Minh Hoàng sau 17 tháng bị giam cầm vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và hiện vẫn còn trong thời gian quản chế, nhưng vẫn giữ vững lập trường của ông. Ông Nguyễn Lân Thắng là người đã thâu phim được cảnh đàn áp tại làng Văn Giang và đưa các hình ảnh này trên You Tube và có trên 1 triệu người vào xem. Vào giữa tháng 7, ông cùng một số bloggers khác đã khởi xướng Tuyên Bố 258, yêu cầu nhà cầm quyền Hà-Nội thực thi các cam kết tôn trọng nhân quyền. Trong phần trao đổi, các bloggers tại Việt Nam cho biết họ vẫn luôn tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng của dân tộc. Buổi Hội Thảo chấm dứt lúc 17g30 cùng ngày. **** Phái Ðoàn Cộng Ðồng tại Hoà-Lan trình Thỉnh Nguyện Thư đến Chính Phủ Hoà-Lan     Vào lúc 15g00 ngày 9-12-2013 một phái đoàn đại diện Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà-Lan và đại diện đảng Việt Tân đã đến Bộ Ngoại Giao Hoà-Lan để trao thỉnh Nguyện Thư cho chính phủ Hoà-Lan, kêu gọi chính phủ Hoà-Lan quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Ðại diện Cộng Ðồng gồm có các ông Nguyễn Ðắc Trung (chủ tịch), ông Nguyễn Hữu Phước (phó chủ tịch Ngoại Vụ) và đảng Việt Tân với sự đại diện của ông Ðinh Ngọc Hiển và bà Nguyễn Thị Thu Vân. Phái đoàn đã được ông Jan Waltmans, Chánh Sở Ðông Á và bà Desirée Ooft, chuyên viên về chính sách tại Ðông Á đón tiếp.   Trong phần thảo luận kéo dài khoảng 1 giờ, phái đoàn Việt Nam đã trình bày tổng quát về những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam liên quan đến tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu và thông tin, sự đàn áp các người đấu tranh ôn hoà cho Tự Do với những bản án thật nặng nề. Một số trường hợp điển hình được nêu lên như trường hợp Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Mục Sư Nguyễn Công Chính, cô Ðỗ Thị Minh Hạnh, Luật Sư Lê Quốc Quân,... Kèm theo thỉnh nguyện thư là danh sách 75 tù nhân lương tâm cần đặc biệt quan tâm do Ân Xá Quốc Tế phổ biến năm 2013.   Ông Nguyễn Ðắc Trung trao Thỉnh Nguyện Thư cho Ông Jan Waltmans   Phái đoàn Việt Nam đề nghị các viên chức thuộc toà đại sứ  Hoà-Lan tại Việt Nam tiếp xúc với các tù nhân lương tâm và các nhà đấu tranh dân chủ để có thể hiểu được thực trạng tại Việt Nam, cũng như bày tỏ sự quan tâm đối với họ. Các vị đại diện chính quyền Hoà-Lan cho biết chính phủ Hoà-Lan luôn quan tâm đến lãnh vực nhân quyền. Trong các trao đổi song phương với Việt Nam hoặc qua các trao đổi giữa Liên Hiệp Ấu Châu với Việt Nam, đề tài nhân quyền đều được nêu lên. Các vị đại diện chính phủ Hoà-Lan đã ghi nhận những ý kiến của phái đoàn Việt Nam.  
......

Sinh hoạt của Cộng đồng NVTNCS tại CHLB Đức nhân ngày QTNQ 2013

Cơn bão đầu Đông mang theo cái lạnh buốt da từ bắc cực thổi qua Âu châu từ mấy ngày qua đã không làm sờn lòng nhiều người Việt tị nạn yêu nước từ các tiểu bang xa như Bayern, Nordrhein Westfalen, Rheinlandfalz , Hessen, Hamburg,…đáp lời kêu gọi của Liên Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản taị CHLB Đức (LHNVTNCS) kéo về thủ đô Berlin vào ngày 7.12.2013 để tham dự cuộc biểu tình cho nhân quyền Việt Nam và đêm không ngủ hướng về quê hương Việt Nam nhân kỷ niệm 65 năm ra đời của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền. 14g30, trước sứ quán CSVN nằm trên đường Elsen thuộc quận Treptow thủ đô Berlin cuộc biểu tình cho nhân quyền Việt Nam được bắt đầu bằng nghi thức chào cờ và mặc niệm do ông Trần Văn Các điểu khiển.  Sau đó, Bác sĩ Trần Văn Tích, Chủ tịch LHNVTNCS tại CHLB Đức, đại diện BTC đã ngỏ lời chào mừng đồng bào tham dự và nói lên ý nghĩa và mục đích của cuộc biểu tình trong tinh thần hướng về quốc nội để hỗ trợ đồng bào trong công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Tiếp theo BS. Trần Văn Tích, Cụ Nguyễn Đình Tâm, đại diện Cộng đồng NVTNCS tại Berlin, tuy năm nay đã 91 tuổi, nhưng hầu như luôn đi đầu trong các sinh hoạt của người Việt tị nạn CS tại Berlin và luôn có mặt trong các cuộc biểu tình, sinh hoạt của người Việt tại CHLB Đức đã ca ngợi tinh thần đồng bào không ngại thời tiết giá rét mùa đồng đã về Berlin cùng đấu tranh cho nhân quyền của dân tộc VN. Để cho người Đức địa phương biết về hiện trạng vi phạm nhân quyền tại VN cũng như những sự lên tiếng bênh vực nhân quyền VN của một số trí thức Đức trong thời gian qua, một mặt, ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh, Phó chủ tịch LHNVTNCS, bằng Đức ngữ đã trình bày cặn kẽ qua loa phóng thanh cho người Đức chung quanh khu vực biểu tình biết rõ; mặt khác một số người trong đoàn biểu tình cũng đã chia nhau ra các ngã đường để phát những tờ truyền đơn đến cho những người Đức qua lại gần đó. Những vị đại diện của các tổ chức, hội đoàn như Hội Phụ Nữ Văn Hóa VN tại CHLB Đức, Tổ Chức Sinh Hoạt của NVTN tại CHLB Đức, Đảng Việt Tân tại Đức, Cộng đồng NVTN tại München, các hội đoàn NVTNCS tại Köln, Mönchengladbach, Mainz am Rhein,… Cũng đã phát biểu trước đoàn biểu tình với những nội dung lên án nhà cầm quyền CSVN, dù đã trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ cũng như đã ký kết Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn tiếp tục giam giữ những người bất đồng chính kiến, ngăn cấm tù nhân lương tâm được trị bệnh dù bệnh tình của họ rất tồi tệ như tù nhân Mai Thị Dung, Đỗ Thị Minh Hạnh; vẫn tiếp tục để cho CA tra tấn người dân đến chết, mà trường hợp mới nhất là vào ngày 27.11.2013 tại Dak Lak. Thậm chí không cho thân nhân tù nhân lương tâm đem tro cốt về quê an táng khi họ qua đời trong trại giam, mà trường hợp mới nhất là tù nhân chính trị Bùi Đăng Thủy, cựu sĩ quan không quân VNCH, đã qua đời hôm 24.11.2013 tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai. Đoàn biểu tình còn đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do lập tức cho các tù nhân lương tâm, các nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ ; và thách thức chế độ CSVN chứng tỏ mình thật sự xứng đáng là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ chứ không phải là thành viên của Hội đồng Chà đạp nhân quyền. Hướng tới ngày QTNQ (10.12.2013) đặc biệt năm nay đoàn biểu tình kêu gọi đồng bào khắp nơi cùng góp tay với đồng bào trong nước để đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa VN bằng cách: - Hỗ trợ đồng bào trong nước để họ hành xử các "quyền đương nhiên" của con người mà Tuyên Ngôn QTNQ đã minh định. Khuyến khích đồng bào tìm đọc và quảng bá rộng rãi đến người khác khắp cả nước bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền,  Công Ước về các quyền Dân Sự và Chính Trị, Công Ước Chống Tra Tấn của LHQ. Đây là việc làm được Hội Đồng Nhân quyền LHQ cổ vũ, mà Việt Nam đã trở thành thành viên thì nhà cầm quyền CSVN không có lý do gì để ngăn cấm. - Quảng bá các tin tức đấu tranh, tin tức về hiện tình đất nước và cả những tin tức „thâm cung bí sử“ của CSVN để phá vỡ bưng bít thông tin. Tác động lên tinh thần và ý thức của các đảng viên cộng sản, hầu phong trào bỏ đảng càng ngày càng lan rộng. - Vận động chính giới và các cơ quan truyền thông quốc tế lên án các đàn áp của CSVN ở trong nước để giúp cho phong trào phản kháng lớn mạnh, và tạo áp suất đổi thay lên chế độ. - Hỗ trợ phương tiện và tài chánh cho bà con dân oan và các nhà dân chủ để họ thoát khỏi sự cô lập và bao vây kinh tế của bạo quyền hầu có điều kiện tiếp tục dấn thân cho công cuộc đấu tranh… Xem kẽ những phát biểu là những bài hát đấu tranh đã làm tăng thêm khí thế cuộc biểu tình. 17 giờ, mặt trời cũng bắt đầu đi ngủ, cái lạnh chiều mùa đông Âu châu cũng từ từ gia tăng và trời cũng bắt đầu lất phất những bông tuyết trắng. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ đứng dưới trời đông giá rét; đoàn biểu tình đã thực hiện một cuộc diễu hành ngắn trước khi chấm dứt  buổi biểu tình trước sứ quán CSVN tại Berlin. Sau đó mọi người di chuyển về hội trường nhà thờ St. Aloyslus nằm trên đường Schwyzer thuộc quận Wedding đề dùng bữa cơm chiều do Cộng đồng NVTNCS tại Berlin ủng hộ hầu sau đó tiếp tục sinh hoạt phần hai:  Đêm sinh hoạt và văn nghệ "Hướng Về Quê Hương" Phần 2 của ngày sinh hoạt nhân ngày QTNQ bắt đầu đúng 20 giờ với nghi thức chào cờ Đức - Việt và mặc niệm. Ban tổ chức giới thiệu thành phần quan khách sau khi sơ lược tiết mục. BTC đã mang phần cầu nguyện cho nhân quyền và bình an cho đất nước và dân tộc vào chương trình. Cụ Nguyễn Đình Tâm cùng hai ông Trần Văn Các và Phạm Công Hoàng đảm nhận cầu nguyện theo nghi thức Phật Giáo. Tiếng chuông, mõ hòa vào tiếng kinh cầu khiến cả hội trường để lòng lắng xuống theo. Linh mục Antôn Đỗ Ngọc Hà đã dâng buổi cầu nguyện với bài "Kinh hòa bình" sau khi mỗi tham dự viên thắp lên một ngọn nến và mang đặt trên chiếc bàn dài trước sân khấu, tạo nên một hình ảnh thật sinh động, ấm cúng và sâu lắng. Anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh đã tỏ ra rất chuyên nghiệp trong vai trò xướng ngôn viên song ngữ. Anh cám ơn ông Hội Trưởng Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức Trần Văn Tích trong vai trò tổ chức hai buổi sinh hoạt. Anh không quên nhắc nhở rằng ông Nguyễn Văn Rị là người gốc Việt duy nhất đã nhận 3 huân chương cao quý cho những nỗ lực to lớn và bền bĩ trong lãnh vực xã hội: Verdienstkreuz của tiểu bang Nordrhein-Westfalen và một của cố Đức Giáo Hoàng Gioan Paulo Đệ Nhị và đặc biệt cám ơn linh mục Anton Đỗ Ngọc Hà đã rất nhiệt tình trong việc vận động việc mượn phòng ốc và tổ chức sinh hoạt. BTC đã cho chiếu lá thư của bà Maria Böhmer, đặc sứ của chính phủ Đức về tị nạn và hội nhập lên màn ảnh vì bà không tới tham dự được để mở đầu phần trình bày của những quan khách Đức. Trong thư bà ca ngợi nỗ lực và sự thành công của lớp trẻ người Việt trong học đường và xã hội nhờ được cha mẹ quan tâm đúng mức. Bà Anita Grossler, thành viên ban chấp hành Hiệp Hội Nạn Nhân Chế Độ Bạo Lực Cộng Sản (UOKG) tại Bá Linh, với sự tháp tùng của phu quân, đã giới thiệu sơ về OUKG và bày tỏ sự đồng cảm với người Việt vì từng cùng chung số phận và sẵn sàng giúp người Việt trong phần việc của bà. Bà đã làm cả hội trường xúc động vì 5 năm tù đày khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản Đông Đức vào thập niên 50 của thế kỷ trước. An ninh Đức đã cướp đứa con từ tay bà khi bà bị bắt khi vừa tròn 20. Sau này gặp lại đứa con đã trưởng thành và trở thành một "người cộng sản" cuồng tín, hai mẹ con bà đã không hiểu được nhau và đành chấp nhận sự thật đó. Con bà đã bị chế độ tròng lên đầu cái vòng kim cô từ thuở lọt lòng và không thoát ra được nữa. Trong chương trình, BTC cũng đã không quên đến những nạn nhân của cơn bão Hải Yến lịch sử ở Philippines và lạc quyên tại chỗ được số tiền lên đến 900 Euro và 300 USD. Vị khách cuối cùng không xa lạ với giới blogger vì ông chính là một blogger năng nổ: Tiến sĩ Josef Bordat. Ông được người Việt biết đến với lòng tri ân khi ông đơn phương lập một kiến nghị thư để thu thập chữ ký trên mạng để vận động chính phủ can thiệp cho nhân quyền tại Việt Nam. Trong phần hỏi đáp cuối chương trình dành cho cử tọa, ông cho biết, nhiều nơi trên thế giới vẫn thiếu nhân quyền, nhưng do một cơ duyên đưa tới, khi ông nghe sự đàn áp hung bạo và rộng khắp đối với giới blogger Việt, đặc biệt là trường hợp 17 thanh niên Công Giáo, vì ông cũng giống như họ là giáo dân CG, trên truyền thông Đức, ông đã quyết định đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Trong lúc cử tọa đang đặt câu hỏi cho các quan khách Đức thì anh Ngô Trí Dũng đã nối mạng được với luật sư Nguyễn Văn Đài để Ls. Đài có thể trực tiếp trò chuyện cùng TS Bordat và bà Grossler. LS. Đài kể về buổi gặp gỡ với đại diện các tòa đại sứ Đức, Thụy Điển và các blogger Việt Nam khác tại Hà Nội dù bị công an liên tục sách nhiễu, cản trở, có lúc bắt chủ một tiệm ăn phải đóng cửa nhằm ngăn cản cuộc gặp gỡ thành hình. LS Đài đã lên tiếng mong mỏi được sự hỗ trợ từ người Đức yêu chuộng tự do và mong sẽ trở lại viếng nước Đức khi Việt Nam hết cộng sản. Trong buổi văn nghệ không kém phần đặc sắc với những bài như "Tiễn em rời K 18", "VN tôi đâu?", "Anh là ai" ... sau khi quan khách Đức ra về, luật sư Lê Thị Công Nhân cũng được nối mạng để trình bày về suy tư của mình trong ngày quốc tế nhân quyền năm nay. Buổi sinh hoạt chấm dứt sau nửa đêm. Rất nhiều người còn ở lại để hàn huyên, chia sẻ với nhau về những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước. Tuy xa quê hương đã rất lâu nhưng con tim Việt Nam trong mọi người vẫn đập cùng nhịp với người đấu tranh cho nhân quyền trong nước. Cộng Đồng NVTNCS tại Berlin đã rất chu đáo trong khâu ẩm thực với những món ăn nóng mặn, chay rất ngon miệng cùng bánh mì sáng, cà phê, trà và nước uống. Bs. Trần Văn Tích, bà Grossler, Tiến sĩ Bordat, Linh mục Antôn Đỗ Ngọc Hà                                                Tiến Sĩ Bordat                                                            Bà Anita Grossler Được biết cùng ngày 7.12.2013, từ 13 giờ đến 14giơ 30 tại thành phố Frankfurt am Mainz, Hội Người Việt Tị Nạn CS tại Frankfurt cũng đã tổ chức một cuộc tuần hành cho nhân quyền VN từ Hauptbahnhof (nhà ga chính) đến khu phố chính Hauptwache. Sau đó là buổi Mít tinh từ 15 giờ đến 18 giờ tại Hauptwache để tố cáo trước dư luận thế giới về những hành vi vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN.
......

Phong Trào Con Đường Việt Nam đến Mỹ vận động cho tù nhân lương tâm

Đại diện Phong Trào Con Đường Việt Nam đến Hoa Kỳ trong một chuyến đi nhằm mục đích vận động trả tự do cho một số tù nhân lương tâm hiện đang bị các bản án bất công tại Việt Nam. Đại diện Phong Trào trong chuyến đi là ông Trần Văn Huỳnh, một thành viên đồng thời cũng là thân phụ kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, người đang bị cầm tù tại Việt Nam. Cùng có mặt trong chuyến đi vận động nhân quyền này còn có bà Nguyễn Thị Kim Liên, thân mẫu của tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha, tuy bà không là thành viên của Phong Trào. “Tôi hy vọng dùng chuyến đi này để tiếp xúc, vận động với những cơ quan, tổ chức quan tâm tới nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là cho các tù nhân lương tâm, trong đó có con trai tôi.” Ông Trần Văn Huỳnh nói với báo Người Việt ở phi trường quốc tế Los Angeles buổi sáng ngày Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013.   Ông Trần Văn Huỳnh (bên trái, thân phụ kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức) và bà Nguyễn Thị Kim Liên (thân mẫu tù nhân lương tâm Đinh Nhật Uy) tại phi trường Los Angeles buổi sáng ngày Thứ Năm, 5 tháng 12, khi vừa đặt chân đến Hoa Kỳ. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)   “Suốt chuyến bay dài từ Tokyo tới Los Angeles, tôi hoàn toàn không ngủ nổi dù là chuyến bay đêm.” Bà Nguyễn Thị Kim Liên nói về sự nôn nao của chuyến đi. Theo bản thông cáo báo chí của Phong Trào, ông Trần Văn Huỳnh đi “vận động tự do cho các tù nhân lương tâm Việt Nam và kêu gọi cải thiện việc thực thi quyền con người tại Việt Nam.” Con trai của ông Huỳnh, tức ông Trần Huỳnh Duy Thức, đã cùng một số bạn đồng chí hướng chính thức công khai hóa Phong Trào Con Đường Việt Nam từ Tháng Sáu, 2012 giữa lúc một vài người trong số họ đang chịu đựng tù đày trong nhà tù CSVN. Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị nhà cầm quyền CSVN kết án 16 năm tù trong một phiên xử ngày 20 tháng 1, 2010 – phiên xử bị dư luận thế giới đả kích là chỉ có mục đích trừng phạt những ai muốn sử dụng quyền tự do ngôn luận để trình bày chính kiến và quan điểm cá nhân trước các vấn đề mà Việt Nam  phải đối diện. Cùng bị vu cáo cho tội danh “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân,” hai ông Lê Công Định và Lê Thăng Long bị kêu án 5 năm tù, ông Nguyễn Tiến Trung bị áp đặt bản án 7 năm tù ở phiên sơ thẩm. Sau đó hai ông Long và Định được giảm án và hiện đã được trả tự do. Ông Trần Văn Huỳnh nhiều lần gửi đơn kêu oan cho con trai đến các cấp lãnh đạo cao nhất của chế độ, đưa ra các phân tích và dẫn chứng để chứng minh rằng ông Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án oan sai hoàn toàn. Ông Trần Huỳnh Duy Thức từng viết một số blogs phân tích và bình luận về các vấn đề thời sự kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam từ những nỗi ưu tư của một công dân có trách nhiệm. Đó là những góp ý thẳng thắn với mong ước xã hội thay đổi để quê hương đất nước phát triển bền vững. Như vậy, không thể vu cho ông tội “hoạt động lật đổ” cho dù những ý kiến đó không đồng quan điểm với chủ trương của nhà cầm quyền. Vẫn theo thông cáo báo chí liên quan đến chuyến đi này, ông Trần Văn Huỳnh sẽ gặp gỡ các giới chức Hoa Kỳ, từ Thượng và Hạ viện cho tới Bộ Ngoại Giao, các viên chức Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ngày 6 tháng 12, 2013, ông sẽ có buổi gặp gỡ một số cơ quan truyền thông tiếng Việt tại nhật báo Người Việt, sau đó sẽ tham dự buổi hòa nhạc do đài truyền hình SBTN tổ chức và sẽ tham dự đợt kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 tại Washington DC. Trong mục tiêu của chuyến đi, ngoài sự vận động cải thiện nhân quyền tại Việt Nam nói chung, ông đặc biệt nhấn mạnh đến trường hợp của các tù nhân lương tâm, như Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, nhạc sĩ Việt Khang (Võ Minh Trí), Đỗ Thị Minh Hạnh, Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Đinh Đăng Định, Đinh Nguyên Kha. Trong một bức thư phổ biến trên trang web của Phong Trào Con Đường Việt Nam khi công khai xuất hiện vận động dân chủ hóa Việt Nam giữa năm 2012, ông Lê Thăng Long cho biết danh xưng, chủ trương và đường hướng hoạt động của tổ chức đã được ông và các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức thảo luận với nhau từ nhiều năm trước khi họ bị bắt giam và kết án tù. “Bên cạnh các hoạt động mang tính đối ngoại, Phong Trào Con Đường Việt Nam vẫn tiếp tục các hoạt động trong nước để quảng bá quyền con người tới mọi người, thực hiện sứ mạng của mình là "làm cho Quyền Con Người được tôn trọng, bảo vệ trên hết và bình đẳng tại Việt Nam, giúp người dân có thể tự tin sử dụng đầy đủ mọi quyền pháp định của bản thân để làm chủ đất nước và cuộc sống của mình." bản thông cáo báo chí đề ngày 5 tháng 12, 2013 của Phong Trào xác định. (N.P) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?art...   Hôm nay, gia đình của một số nhà đấu tranh dân chủ trong nước đã có mặt tại Hoa Kỳ để gặp gỡ và tiếp xúc với một số tổ chức và cá nhân người Việt cũng như quốc tế quan tâm về vấn đề nhân quyền để hầu vận động cho sự tự do của con mình. Điểm dừng chân đầu tiên của gia đình các nhà tranh đấu là Đài Truyền Hình SBTN. Nhạc sĩ Trúc Hồ và Ls Đổ Phủ đã tiếp đón các gia đình trong sự vui mừng vả cảm động. Trong hình là cuộc trò chuyện thân tình giữa Nhạc sĩ Trúc Hồ và Luật sư Đổ Phủ cùng với ông Trần Văn Huỳnh, bố của anh Trần Huỳnh Duy Thức, và cô Kim Liên, mẹ của anh Đinh Nhật Uy và Đinh Nguyên Kha. Được biết, anh Trần Huỳnh Duy Thực hiện đang phải chịu 16 năm trong lao tù CS, và anh Đinh Nguyên Kha là 4 năm tù, trong khi Đinh Nhật Uy vừa được thả ra sau khi bị nhà cầm quyền CSVN kết án theo điều 258, tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước".   Hồng Thuận: thật hân hạnh khi được gặp và bắt tay Bác Trần Văn Huỳnh, bố của một nhà tranh đấu mà mình vô cùng ngưỡng mộ Nguồn: SBTN Facebook  
......

Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn gặp gỡ bà Vera Lengsfeld – Stasi-Tochter / Dissidentin / Politikerin

Bad Sobernheim, 19.11.2013 - Đáp lời mời của hội Konrad-Adenauer-Stiftung ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh, phó chủ tịch Liên Hội (www.lienhoinvtn.de), đến tham dự buổi thuyết trình và giới thiệu tác phẩm „Ich wollte frei sein. – Die Mauer, die Stasi, die Revolution“ của bà Vera Lengsfeld.   Vera Lengsfeld sinh năm 1952 tại Thüringen. Là con gái của một sĩ quan mật vụ (Stasi-Offizier) bà đã được giáo dục trong tinh thần của chế độ Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất Đức (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands, SED-Regime). Mặc dầu vậy, bà đã sớm có những hồ nghi về thể chế này.  Khi mới bước vào tuổi trưởng thành bà Vera Lengsfeld đi đến quyết định hoạt động trong phong trào đòi hỏi dân quyền. Bà đã bị cấm hành nghề, bị tù đày và bị trục xuất. Khi bức tường Berlin sụp đổ ngày 09.11.1989 bà Lengsfeld trở về quê quán và bắt đầu sự nghiệp chính trị gia và là nhà đấu tranh cho tự do và dân chủ. Càng đau khổ hơn khi bà được biết, chính chồng bà (ông Knud Wollenberger) đã làm mật vụ Stasi theo dõi bà nhiều năm. Trong phần thuyết trình bà Vera Lengsfeld nhận định rằng, sau khi chế độ độc tài cộng sản Đông Đức sụp đổ một thời gian người ta thường xuyên loan truyền những huyền thoại để đánh bóng và giảm bớt đi phần gian ác và thâm độc của thể chế này, thí dụ như: Đảng và nhà nước SED lo cho người dân từ lúc sinh ra đến khi chết. Trong thực chất đây là „độc tài chăm sóc“ („betreute Diktatur“), vì họ kiểm soát nghiêm ngặt dân chúng bằng nhiều cơ chế mang mầu sắc đáp ứng nhu cầu của người dân từ lúc chào đời, vào vườn trẻ, nhập học, học nghề đến khi hành nghề… Nhưng để luồn lách và sống còn  cũng như có cơ hội quy tụ và tâp trung xuống đường …, những thành phần đối lập đã có sáng kiến dùng chính những ngày lễ lớn của chế độ, khi có buổi mít-tinh và diễn hành, để gặp nhau trên đường phố và phổ biến trên những bích chương và biểu ngữ hiến pháp của nhà nước Đông Đức như § 27: „ Mỗi người dân Cộng Hòa Dân Chủ Đức có quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận“ hoặc là: „Tự do luôn luôn có nghĩa là tự do của những người bất đồng chính kiến“ (Rosa Luxemburg). Ngoài ra, các phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ còn quy tụ tại và chung quanh nhà thờ Nikolai (Nikolaikirche) để cầu nguyện và yểm trợ tinh thần cho nhau. Càng ngày càng đông người, từ vài trăm đến vài ngàn, từ vài chục ngàn đến mấy trăm ngàn và sau cùng là cả triệu người. Trong vòng hai tháng „bức tường ô nhục“ đã bị sức mạnh biểu tình của quần chúng đẩy sập.   Đến phần thảo luận sôi nổi bà Vera Lengsfeld đã cho các thính giả biết thêm những dữ kiện về một số tay trùm cộng tác với Stasi, điển hình như luật sư Gregor Gisy, mà sau này y đã thành công len lỏi vào được Quốc Hội Liên Bang dưới dạng đảng Die Linke để tiếp tục thi hành những thủ đoạn mị dân, tuyên truyền xuyên tạc và bóp méo lịch sử đàn áp dã man của thể chế SED. Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh đã trình bầy với bà Vera Lengsfeld và cử tọa những ưu tư của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn tại Đức như sau: Là người tỵ nạn Công Sản Việt Nam chúng tôi hạnh phúc được Cộng Hòa Liên Bang Đức thâu nhận. Chúng tôi vui mừng được chứng kiến cuộc cách mạng không đổ máu tại Đông Đức, nhưng chúng tôi vẫn còn băn khoăn và trăn trở, vì, mặc dầu đang được sống trong một quốc gia pháp quyền, môt số đồng hương  trong cộng đồng người Việt tại Đức vẫn bị thao túng bởi Cộng Sản Việt Nam một cách tinh vi bằng những hạ tầng cơ sở và cơ chế theo dõi rập theo khuông mẫu Stasi, kiểm soát, tạo áp lực, gây sợ hãi và hoang mang hoặc hăm dọa người thân còn tại Việt Nam. Bà Vera Lengsfeld cho biết chế độ SED đã cư xử tồi tệ với người Việt Nam lao động hợp tác. Chế độ cấm họ giao du với người bản xứ. Nếu họ có mối tương giao và mang thai thì họ phải phá thai hoặc phải bị trục xuất về nước. Sau khi „bức tường ô nhục“ sụp đổ người Việt lao động hợp tác bị Đảng Cộng Sản Việt Nam bỏ rơi, tòa đại sứ cũng không màng đến và xã hội Đông Đức trong giai đoạn chuyển tiếp cũng không có đủ khả năng tạo điều kiện tích cực để con người tiến thân. Bà Vera Lengsfeld cho rằng, đây là một trang sử đầy bất công, đầy đau thương và ít ai màng để ý đến… Để thật sự có một thể chế tự do, dân chủ và nhân quyền lâu dài mọi người dân cần ý thức giá trị chân chính của sự tự do là lãnh trách nhiệm của mình để xây dựng một xã hội công bằng. Ghi chú: Sách của Vera Lengsfeld (http://www.vera-lengsfeld.de/home.php): „Virus der Heuchler. Innenansicht aus Stasi-Akten“ (1992) „Von nun an ging’s bergauf. Mein Weg zur Freiheit“ (2002) „Ich wollte frei sein. Die Mauer, die Stasi, die Revolution “ (2011)http://www.herbig.net/gesamtverzeichnis/sachbuch/einzelansicht/product/f...       Minh-Hoài tường thuật  
......

Chính giới Đức chúc mừng ông Nguyễn Văn Rị được trao tặng Huân chương

Dr. Günter Krings Dân biểu Quốc Hội Liên Bang Đức Quốc Phó chủ tịch khối CDU/CSU thuộc Quốc hội Liên Bang Đức quốc Chủ tịch Đảng CDU tại Mönchengladbach   Nguyễn Văn Rị Dahlener Str. 687 41236 Mönchengladbach                            Berlin, ngày 07 tháng 11 năm 2013 Kính thưa Ông Nguyễn Văn Rị, Tôi xin chân thành cám ơn ông đã gửi bức thư đầy cảm mến nhân dịp tôi được tái đắc cử vào Quốc Hội Liên Bang Đức vào ngày 22.09.2013 vừa qua. Tôi rất vui về những lời chúc mừng mà ông đã thay mặt Hội Người Việt Tỵ Nạn ở Mönchengladbach gửi đến tôi. Hôm nay là dịp đặc biệt để tôi gửi đến ông những lời chúc mừng và cảm tạ, vì hôm nay ở thủ phủ Düsseldorf ông nhận Huân Chương Công trạng "Dấn thân cho tha nhân" của tiểu bang Nordrhein-Westfalen do chính nữ thủ tướng tiểu bang trao tặng. Đáng tiếc tôi không tới tham dự được vì tôi đang trong quá trình thương lượng ở Berlin để đi đến chính phủ liên hiệp liên bang. Tôi hy vọng ông thông cảm cho tôi. Từ thủ đô Berlin tôi xin chia xẻ niềm vui và lòng cảm phục trước những việc làm thiện nguyện đa diện và một đời sống rất đặc biệt của ông.  Ông vượt biên năm 1981 trong hoàn cảnh bi thảm. Ông và gia đình, với bé gái sơ sinh, đã lênh đênh nhiều ngày trên biển cả trên một chiếc thuyền trước khi được tàu Cap Anamur cứu vớt. Ông đã bất chấp mọi hiểm nguy để quyết định chọn tự do thay cho sự kềm kẹp của chế độ Cộng Sản Việt Nam. Tôi rất cảm phục sự can đảm này. Vào năm 1982 ông tới Mönchengladbach và học nghề kim khí để sinh sống. Song song ông đã giúp đỡ để các đồng hương cũng cùng hội nhập vào xã hội Đức. Với những nỗ lực này ông đã góp phần rất quan trọng vào việc là khoảng 1.500 người Việt đã tìm thấy ở Mönchengladbach như là quê hương thứ hai. Là chủ tịch của Hội Người Việt tỵ nạn tại Mönchengladbach ông đã và đang hy sinh rất nhiều công sức. Nhưng không chỉ ngừng ở đây, Ông còn là thành viên của ban chấp hành Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Trong trách nhiệm này chắc ông đã nhiều lần đặt câu hỏi làm cách nào để đạt được kết quả tốt đẹp trong tiến trình dân chủ hóa ở quê hương của ông. Điểm đặc biệt tôi thấy là ông không chỉ lo cho người Việt Tỵ Nạn, mà hoạt động của ông còn đi khá xa hơn nữa trên toàn thế giới để xoa dịu nỗi đau khổ của đồng loại. Một ví dụ điển hình là mới đây Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn đã quyên góp được 5000,- € để giúp cho các nạn nhân bão lụt ở miền Nam và miền Đông nước Đức. Tất cả những việc làm thiện nguyện trên cho thấy ông xứng đáng nhận Huân Chương này. Tôi xin gửi đến ông những lởi chúc tốt đẹp nhất cho những việc làm thiện nguyện trong tương lai. Tôi xin cám ơn ông đã gửi thư mời tham dự Tết Nguyên Đán ở Mönchengladbach vào ngày 08.02.2014 tại Neuwerker Mehrzweckhalle. Tôi xin ghi nhận và sẽ thông báo vào những ngảy đầu năm 2014 cho ông biết chắc chắn tôi có đến được hay không. Bởi những kinh nghiệm tốt đẹp trong quá khứ (tôi nhớ đến buổi tổ chức với Dr. Rupert Neudeck) nên ngay bây giờ tôi đã cảm thấy vui được tham dự Hội Xuân sang năm. Kính chào thân ái, Dr. Günter Krings Ngọc Hòa lược dịch ***** Dr. Günter Krings Mitglied des Deutschen Bundestages Stellv. Vorsitzender der CDU/CSU-Bundestagsfraktion Kreisvorsitzender der CDU Mönchengladbach Büro Mönchengladbach Franz-Meyers-Haus Regentenstrasse 11 41061 Mönchengladbach Büro Berlin Jakob-Kaiser-Haus Platz der Republik 1 11011 Berlin HerrnNguyen Van Ri Dahlener Str. 687 41236 Mönchengladbach                                                                                                                      Berlin, 07.11.2013 Verleihung des Verdienstordens des Landes Nordrhein-Westfalen Sehr geehrter Herr Nguyen, für Ihr freundliches Schreiben anlässlich meiner erneuten Wahl in den Deutschen Bundestag am 22.September 2013 danke ich Ihnen recht herzlich. Über die Gratulation, die Sie mir im Namen des Vereins der vietnamesischen Flüchtlinge in Mönchengladbach ausgesprochen haben, freue ich mich sehr.   Mir ist es heute aber ein besonderes Anliegen, Ihnen meine Glückwünsche und meinen ganz herzlichen Dank zukommen zu lassen. Denn Sie werden heute in Düsseldorf von der Ministerpräsidentin mit dem Verdienstorden des Landes Nordrhein-Westfalen ausgezeichnet. Zu meinem großen Bedauern kann ich an der Verleihung und dem anschließenden Empfang nicht teilnehmen, da ich durch die Koalitionsverhandlungen in Berlin gebunden bin.. Daher bitte ich für mein Fernbleiben um Ihr Verständnlis. Doch auch aus der Hauptstadt möchte ich meine Freude und Hochachtung über diese Ehrung zum Ausdruck bringen, mit der Ihr vielfältiges Engagement und Ihr außergewöhnlicher Lebensweg eine angemessene Würdigung erfährt. Sie haben 1981 Ihre Heimat Vietnam unter dramatischen Umständen verlassen. Mehrere Tage haben Sie mit Ihrer Familie, insbesondere mit Ihrer neugeborenen Tochter, in einem Boot auf dem Meer verbracht, bevor Sie von der Cap Anamur aufgenommen wurden. Sie haben sich für die Freiheit und gegen kommunistische Unterdrückung entschieden. Dabei sind Sie hohe Risiken eingegangen. Dieser Mut nötigt mir unverändert großen Respekt ab. 1982 sind Sie dann nach Mönchengladbach gekommen und haben mit der Umschulung zum Schlosser den Grundstein für eine neue Existenz gelegt. In der Folge lag Ihnen das Schicksal Ihrer vietnamesischen Landsleute am Herzen. Von Anfang an haben Sie sich für die Integration der Flüchtlinge in die deutsche Gesellschaft eingesetzt. Mit Ihrem Engagement haben Sie ganz entscheidend dazu beigetragen, dass etwa 1.500 Vietnamesen in unserer Stadt eine zweite Heimat finden konnten. Als Vorsitzender des Vereins der vietnamesischen Flüchtlinge in Mönchengladbach haben Sie sich um diese Gemeinschaft verdient gemacht. Aber Ihr Wirken beschränkt sich längst nicht nur auf den Niederrhein. Als Schatzmeister nehmen Sie eine tragende Rolle im Bundesverband der vietnamesischen Flüchtlinge in Deutschland ein. In dieser Funktion stellen Sie sich nicht zuletzt der bedeutenden Frage, in welcher Weise eine demokratische Entwicklung in Ihrem Heimatland wirkungsvoll befördert werden kann.   Besonders beachtenswert erscheint mir, dass sich Ihr Blick nicht auf die vietnamesischen Flüchtlinge beschränkt. Ihr Einsatz geht vielmehr weit darüber hinaus. So haben Sie eine Fülle von Projekten in der ganzen Welt unterstützt, mit denen die Not von Menschen konkret gelindert werden konnte. Aus der jüngsten Vergangenheit möchte ich exemplarisch auf die Intiative des Bundesverbandes der vietnamesischen Flüchtlinge in diesem Sommer hinweisen, bei der über 5.000,-€ für Flutopfer in Süd- und Ostdeutschland gesammelt wurden. Alle diese Aspekte unterstreichen, warum Sie diese Auszeichnung für besondere Verdienste um das Land Nordrhein-Westfalen und seine Bevölkerung verliehen bekommen.   Meine besten Wünsche begleiten Sie und Ihre ehrenamtlichen Tätigkeiten natürlich auch in der Zukunft. So danke ich Ihnen herzlich für die freundliche Einladung zum Neujahrsfest der Mönchengladbacher Vietnamesen am 08. Februar 2014 in der Neuwerker Mehrzweckhalle. Diesen Termin werde ich mir vormerken und Ihnen Anfang des neuen Jahres eine definitive Rückmeldung geben. Nach den angenehmen Erfahrungen in der Vergangenheit, ich denke nur an die Veranstaltung mit Rupert Neudeck, freue ich mich aber bereits jetzt auf diesen Abend. Mit freundlichen Grüßen Dr. Günter Krings ************ Dr. Philipp Rösler chúc mừng ông Nguyễn Văn Rị được chính quyền Đức Nordrhein-Westfalen trao tặng Huân chương Dr. Philipp Rösler Phó Thủ Tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức Bộ Trưởng bộ Kinh Tế Chủ Tịch Đảng Tự Do Dân Chủ (FDP) Nguyễn Văn Rị Dahlener Str. 687 41239 Mönchengladbach                                                                                      Berlin, ngày 02 tháng 11 năm 2013 Kính thưa Ông Nguyễn Văn Rị, Thay mặt Đảng Tự Do Dân Chủ và cá nhân tôi xin nồng nhiệt chúc mừng ông nhận được Huân Chương công trạng „Dấn thân cho tha nhân“ của tiểu bang Nordrhein-Westfalen. Trao tặng Huân Chương này là nói lên sự công nhận những nỗ lực đặc biệt của ông trong tiểu bang Nordrhein-Westfalen. Ông là gương sáng cho nhiều người, vì ông đã giúp đỡ và dấn thân vô vụ lợi cho đồng loại. Ông bảo vệ những giá trị cao đẹp như: nhân bản, công bình, đoàn kết, khoan dung và lòng can đảm dám đứng ra gánh vác việc những công việc cho lợi ích chung. Là thành viên trong ban điều hành Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức ông đã lo lắng đặc biệt cho những nhu cầu của người Việt ở Đức nói chung và ở tiểu bang Nordrhein-Wstfalen nói riêng. Qua rất nhiều những đóng góp ông đã giúp cho xã hội chúng ta phát triển tốt đẹp và đất nước tràn đầy ý nghĩa sống. Một lần nữa tôi xin được nói lên đây lời cảm tạ chân thành nhất và tôi xin kính chúc riêng ông mọi điều tốt đẹp và may mắn. Kính chào thân ái, Dr. Philipp Rösler Ngọc Hòa chuyển ngữ ******Staatsministerin Prof. Dr. Maria Böhmer MdB chúc mừng Ông Nguyễn Văn Rị được ân thưởng Huân chương „Dấn thân cho con người“ (Verdienstorden des Landes Nordrhein-Westfalen).   Kính thưa Ông Nguyễn Văn Rị,   Tôi xin được nồng nhiệt chúc mừng ông nhận giải „Dấn thân cho con người“ của tiểu bang Nordrhein-Westfalen vào ngày 07 tháng 11 năm 2013. Cách đây hơn 30 năm, là một thuyền nhân ông đã từ Việt Nam đến Đức Quốc và đã tìm thấy ở Mönchengladbach một quê hương. Ông là gương sáng cho rất nhiều người; những người này đã đến Đức trong những trường hợp tương tự như ông, thường thì họ đã gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm hơn, để được sống trong tự do và an toàn. Đường đời của ông chứng minh rằng: Với quyết tâm, đam mê và chăm chỉ thì sẽ thành công trên đất nước chúng ta. Kinh nghiệm này ông đã truyền đạt lại cho các con. Tất cả 7 người con đã có được một viễn ảnh tốt đẹp hơn cả sự hy vọng của ông. Đó thật là một niềm hãnh diện. Sự dấn thân không mệt mỏi và bất vụ lợi của ông để cùng đồng hương hội nhập vào nước Đức và những công tác thiện nguyện cho giáo hội công giáo là những thí dụ điển hình cho nhiều người khác.  Hôm nay tôi  xin đuợc chân thành cám ơn ông về những việc làm này. Cá nhân tôi xin kính chúc ông cùng gia quyến mọi sự tốt đẹp và hy vọng rằng ông vẫn luôn thành công trong những công việc thiện nguyện. Kính chào thân ái, Prof. Dr. Maria Böhmer Ngọc - Hòa chuyển ngữ *** **** Stellvertretende Ministerpräsidentin Sylvia Löhrmann verleiht den Verdienstorden des Landes Nordrhein-Westfalen an Nguyen Van-Ri    http://www.ttdq.de/node/937#overlay=node/937/edit
......

Một lá cờ mới cho nước Việt Nam khi đổi mới cả hệ thống chính trị.

Chúng tôi nhận được bài sau đây từ một độc giả gởi đến. Dù đồng ý với các đề nghị trong bài hay không chúng tôi vẫn nghĩ đây là một trong những việc cần suy nghĩ từ bây giờ để chuẩn bị cho giai đoạn hậu độc tài. Xin giới thiệu đến quí bạn đọc khắp nơi trong tinh thần này. (BBT) Đã đến lúc nghĩ đến việc này. Nhiều người đã nghĩ đến. Chúng tôi một nhóm thanh niên du sinh gốc Việt đang học ở Hoa Kỳ, Canada và Pháp cũng xin góp một ý kiến. Tên gọi chính thức nước ta nên là Nước Cộng hòa Việt Nam, như tên gọi Nước Cộng hòa Pháp và nhiều nước Cộng hòa khác có lẽ là thích hợp. Chúng tôi phác họa lá Quốc Kỳ Việt Nam, lá cờ Nước Cộng hòa Việt Nam  có  3 giải ngang,  trên màu xanh dương,  giữa màu vàng,  dưới cũng  màu xanh dương. Màu vàng ở giữa lớn bằng 2 giải xanh dương trên và giải dưới cộng lại. Màu xanh dương trên tiêu biểu cho không phận, màu xanh dương dưới tiêu biểu cho vùng biển, đều màu xanh nhẹ an bình trong lành. Màu vàng ở giữa tiêu biểu cho đất nước,  mang màu vàng truyền thống của dân tộc, với ý nghĩa tiềm năng đất đai giàu có phì nhiêu, nhân lực quý, cả cộng đồng đoàn kết phấn đấu cho phát triển trong hòa bình Ngàn Năm Bền Vững. Ở giữa là một đóa hoa sen trắng, vẽ cách điệu, tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc cao quý, luôn coi trọng giá trị tinh thần Minh Triết trong sáng, thăng hoa. Đóa hoa sen nên vẽ cách điệu giản đơn, dễ vẽ. Cờ nước Cộng hòa Canada cũng có chiếc lá phong giản đơn, đẹp, gọn, đặc sắc. Chúng tôi gưỉ đến các báo mạng ý kiến này nhờ phổ biến rộng và mong sẽ tiếp nhận được những ý kiến phản hồi của đồng bào thân yêu, nhất  là các bạn trẻ trong cả nước.  (kèm theo hình vẽ phác họa của lá cờ). Chúng tôi nghĩ cả 2 lá cờ, cờ đỏ sao vàng cũng như cờ vàng có sọc ngang đỏ, từng được dùng trên hai miền đất nước ta, cả 2 đều từng được quốc tế công nhận, đều cần được lưu giữ trân trọng, vì đều có những người Việt yêu nước chiến đấu hy sinh dưới những lá cờ ấy. Tên gọi mới, lá cờ mới sẽ có thể đi cùng việc đổi tên Thủ đô Hà Nội là Thăng Long, xin tùy đồng bào cả nước quyết định trong một cuộc Trưng cầu dân ý. Ngày 1/11/2013. Nhóm du sinh Việt Nam « Học Để Xây Nước Việt »
......

Phỏng vấn TS Nguyễn Quốc Quân – Không có nỗi sợ nào nhỏ hơn nỗi sợ nào

Phạm Thị Hoài: Thưa ông Nguyễn Quốc Quân, những chuyển động gần đây nhất tại Việt Nam cho thấy nhu cầu hình thành các tổ chức chính trị và xã hội dân sự ngoài vòng kiểm soát của Đảng Cộng sản đã được công khai phát biểu. Ông đánh giá thế nào về khả năng và lộ trình hiện thực hóa nhu cầu ấy?   Nhà văn Phạm Thị Hoài   Nguyễn Quốc Quân: Nói đến “lộ trình hiện thực hoá” này, tôi cho rằng đoàn lữ hành đã đi được đoạn đường quan trọng đầu tiên. Đó là việc lực lượng dân chủ đã có nhận diện khá giống nhau về 1) thực trạng, 2) nguyên nhân chính, 3) nhu cầu, và 4) phương cách giải quyết. Tóm tắt là, thực trạng: đời sống đầy bất công, tụt hậu trong hầu hết mọi lãnh vực, tham nhũng và các “lỗi hệ thống” không thể tự chữa, mất tự do và nhân phẩm…; nguyên nhân chính: thể chế độc tài toàn trị; nhu cầu: tháo gỡ độc tài, xây dựng xã hội dân sự và tiến tới thể chế dân chủ tự do; phương cách giải quyết: áp dụng đấu tranh bất bạo động để nong xích và xây lực. Trong diễn trình này, sự tiến triển đang tăng tốc rất nhanh. Nhanh hơn dự kiến của cá nhân tôi. Chỉ vài năm trước thôi, khái niệm xã hội dân sự còn khá xa lạ; phương thức đấu tranh bất bạo động (ĐTBBĐ) còn gặp khá nhiều ngờ vực về mức khả thi của nó; v.v… Nhưng sự lớn mạnh của cộng đồng mạng tại Việt Nam, những biến chuyển tại Bắc Phi và phản ứng của thế giới tiếp sau đó, tôi nghĩ đã góp phần thuyết phục rất nhiều. Ngày nay, hầu như chẳng còn ai đề nghị cách giải quyết nào khác ngoài con đường đấu tranh bất bạo động và phát triển xã hội dân sự để tiến dần đến tự do và đưa đất nước đi lên. Về mặt thực tiễn, bà con chúng ta cũng đang áp dụng rất sáng tạo các chiến thuật ĐTBBĐ, từ chụp hình và quảng bá nhanh các hình ảnh công an đàn áp, chụp hình các cá nhân có hành động côn đồ, đến các hành động bất tuân dân sự ôn hòa như biểu tình ngồi, nằm giữa đường, mang hàng trăm các tấm giấy lớn mà công an không giật xé hết được, cùng nhảy lên xe buýt để bị bắt như các đồng đội khác, thoải mái đi học phương xa và trước khi về chụp tấm ảnh “Free Us Now” chuẩn bị gửi lên mạng nếu bị bắt thật, v.v… Đây chính là các nỗ lực nong xích, nong rộng vòng xích kềm kẹp của nhà cầm quyền, để tiến dần đến việc đòi hỏi các quyền căn bản của con người mà cả thế giới công nhận và Hà Nội đã ký kết, và ở cuối giai đoạn đó mới có thể xuất hiện các tổ chức xã hội và chính trị độc lập. Chắc chắn những người cầm quyền độc tài không tự nhiên cho phép hình thành các tổ chức này. Chúng ta phải tranh đấu mới tiến tới lằn mức đó được. Phạm Thị Hoài: Trước đây và hiện nay cũng đã có một số đảng và tổ chức chính trị đối lập hoặc độc lập ra đời ở Việt Nam. Số phận và tình trạng của những tổ chức ấy hiện nay như thế nào, chắc chắn ông có theo dõi?   Nguyễn Quốc Quân: Vâng, chúng tôi có theo dõi rất kỹ. Các nhân sự chủ chốt bị trù dập rất nặng nề! Và chính Đảng Việt Tân cũng là một trong những tổ chức chính trị bị tấn công rất nặng nề và liên tục đó. Nhưng qua những cảnh trấn áp đó tôi càng biết ơn những người đã hy sinh, đã dám chấp nhận cái giá phải trả ở vai trò những người đi đầu đối diện với bạo quyền. Tôi muốn nói đến những vị khởi đi từ trong lòng chế độ, sớm nhìn thấy đại hoạ của đất nước như các ông Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính…, kéo dài đến các vị muốn tìm lại nhân phẩm cho dân tộc như linh mục Nguyễn Văn Lý, Vi Đức Hồi, Điếu Cày, và nhiều anh chị em trẻ của ngày hôm nay. Tôi cũng nhớ các nỗ lực từ bên ngoài, đã về để nối kết và tiếp sức với người dân trong nước như các ông Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh, v.v… Dĩ nhiên tôi vô cùng kính phục các vị ấy, với lòng biết ơn vô hạn trước những tấm lòng sẵn sàng làm những viên gạch lót đường, sẵn sàng hy sinh nong rộng vòng xích kiềm toả của chế độ độc tài. Nhờ đó, các nỗ lực tiếp sau mới có thể mạnh bước trên con đường rộng hơn, tuy vẫn không kém phần gay go. Vì vậy, sau những hy sinh đó, tôi nghĩ rằng chúng ta càng phải tiến tới để những hy sinh của những con người cao quí đó không bị uổng phí. Dĩ nhiên, cách làm của chúng ta càng lúc càng phải hiệu quả hơn. Chúng ta đang có nhiều bài học kinh nghiệm quí báu từ các dân tộc khác vừa mới đi qua tình cảnh y như dân tộc chúng ta. Với đủ khiêm tốn, chúng ta có thể học nhiều ở họ để tiết kiệm xương máu và thời gian cho dân tộc mình. Tôi rất vui mừng được thấy các hoạt động của ông Lê Hiếu Đằng, nhóm Tuyên bố 258, Diễn đàn Xã hội Dân sự, … Phạm Thị Hoài: Còn bản thân Việt Tân? Tổ chức của ông thực sự có được ảnh hưởng tới mức nào ở Việt Nam? Nguyễn Quốc Quân: Về mức ảnh hưởng của Việt Tân ở Việt Nam thực sự đến đâu thì chắc để tùy sự nhận định của chị cũng như bà con mình. Riêng tôi thì chỉ muốn bộc bạch một suy nghĩ như thế này. Khoa học đã phát hiện sự vỗ cánh của một con bướm nhỏ bé đã có thể góp phần tạo nên một cơn lốc! Nhà khí tượng học Edward Lorenz đã gọi đó là “Hiệu ứng cánh bướm”. Tôi rất tin tưởng khi mỗi người, mỗi nhóm, mỗi tổ chức, miệt mài vỗ đôi cánh của mình bằng lòng nhiệt thành và khả năng đang có, thì TẤT CẢ đều có giá trị và ảnh hưởng tương tác lên nhau. Bằng tấm lòng nhiệt thành ấy, Việt Tân đã và đang tiếp tục vỗ đôi cánh của mình để hoà nhịp với bà con trong và ngoài nước. Phạm Thị Hoài: Một mặt, cái tên Việt Tân khiến không ít người e ngại, không chỉ vì cáo buộc “khủng bố” từ phía chính quyền. Mặt khác, chính việc có tương đối nhiều nhà hoạt động dân chủ trong nước bị bắt và kết án vì được cho là đảng viên Việt Tân lại có vẻ như một sự quảng cáo ngoài ý muốn của chính quyền cho tổ chức của ông. Sự thực nằm ở đâu? Nguyễn Quốc Quân: Hiển nhiên nhà cầm quyền Việt Nam không ngồi yên nhìn bệ quyền lực độc tài của họ tan rã dần. Nhưng nếu tấn công lực lượng dân chủ, họ sẽ mắc phải cái vấn nạn tiến thoái lưỡng nan, như mọi chế độ độc tài khác. Tạm lấy Việt Tân làm thí dụ: Nếu không nhắc tới Việt Tân, họ khó có thể báo động nội bộ để đề phòng và đối phó với phương thức gia tăng sức lực toàn dân để toàn dân cùng đứng lên tháo gỡ độc tài mà chúng tôi cổ xúy trong mấy thập niên qua, tức loại đấu tranh toàn dân – toàn diện. Các chế độ độc tài coi thường ĐTBBĐ cứ lần lượt ra đi. Giới lãnh đạo Việt Nam biết rõ điều này. Còn nếu nhắc tới Việt Tân để báo động nội bộ, hù dọa bà con nhằm cô lập và làm cho các hoạt động của Việt Tân khó khăn hơn, thì cùng lúc họ cũng đang thú nhận là rất lo âu về mức độ hữu hiệu của phương pháp đấu tranh này. Chính nhà cầm quyền làm người dân thêm ước muốn tìm hiểu về cái bí quyết có thể biến những người dân tay không đứng đối diện ngang hàng với những kẻ đeo đầy vũ khí. Tóm lại, theo tôi, Việt Tân tạo ảnh hưởng cỡ nào không quan trọng. Sự kiện phương thức ĐTBBĐ được chấp nhận để tháo gỡ độc tài và đưa đất nước chúng ta đi lên ngang tầm với nhân loại mới là điều quan trọng. Và đó thực sự là tâm nguyện của tất cả anh chị em Việt Tân. Phạm Thị Hoài: Song Việt Tân cũng bị dị nghị rằng vô trách nhiệm và phô trương thanh thế khi tổ chức một số hoạt động dẫn đến những án tù nặng cho người tham gia. Nguyễn Quốc Quân: Thưa chị, đây là một hiểu lầm đáng buồn vì nó tạo khoảng cách giữa những người cùng chí hướng với nhau, mà đó cũng là điều chế độ độc tài rất mong muốn. Theo nhận thức bình thường của chúng ta, đặc biệt của những người đang sống trong các thể chế dân chủ, thì mục tiêu lớn nhất của mọi đảng phái chính trị là nắm quyền. Và để đạt được điều đó thì người dân phải biết đến đảng mình, tức là phải tìm mọi cách để phô trương thanh thế. Đảng phái nào càng khao khát cầm quyền sẽ càng dễ chấp nhận những thủ thuật hèn kém, quỉ quyệt, hay dùng chính đảng viên để trả giá hi sinh, v.v… Tôi có thể hãnh diện để nói rất thành thật rằng Đảng Việt Tân có quan niệm khác hẳn. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, mục tiêu tối hậu của Việt Tân là CANH TÂN ĐẤT NƯỚC. Điều này đã được ghi rõ trong cương lĩnh và được duy trì trong hành động suốt hơn 30 năm qua. Đối với chúng tôi, đứng trong hay ngoài chính quyền không là mục tiêu mà cũng chẳng là vấn đề. Có khác chăng là cách thức làm việc vì phương tiện để canh tân đất nước ở hai vị trí đó có khác nhau mà thôi. Một truyền thống khác nữa của Việt Tân là LÃNH ĐẠO LUÔN ĐI ĐẦU. Các chiến hữu lãnh đạo của chúng tôi ở cấp nào thì luôn là những người lãnh nhận những công việc nhiều rủi ro nhất ở cấp đó. Cá nhân tôi cũng nằm trong nguyên tắc này. Chính người trưởng nhóm của tôi cũng đã đi trước tôi một bước ở những công tác rủi ro. Trong vô số những công việc suốt 3 thập niên qua, dù anh chị em chúng tôi cố gắng đến đâu đi nữa vẫn có những lần bị trắc trở. Có vụ việc công luận biết, nhưng cũng có những vụ việc bà con không biết. Và dĩ nhiên, đối với các việc làm thành công, nếu giữ kín được thì chúng tôi phải giữ kín. Lý do rất đơn giản là để có thể tiếp tục thực hiện. Do đó, trong một vài vụ bị trắc trở, tôi biết một số anh chị em đã tự đấm ngực trách mình, mà còn phải nghe những dị nghị rằng “vô trách nhiệm hay phô trương thanh thế” thì thực sự là họ đau lòng lắm! Phạm Thị Hoài: Các khóa huấn luyện đấu tranh bất bạo động do Việt Tân tổ chức thường bị chính quyền tính sổ nặng nề, vì sao không đơn giản tổ chức các khóa này trên mạng? Nguyễn Quốc Quân: Về các khóa học trên mạng, phải nói rằng đây là cách làm dễ nhất, ít tốn kém tiền bạc và thời giờ nhất. Cách học này chính là những bước đầu tiên mà chúng tôi thực hiện. Nhưng nó chỉ có thể đạt tới một số kết quả giới hạn nào đó thôi. Trong một số trường hợp, chúng tôi bắt buộc phải bổ sung thêm các cách huấn luyện khác. Kinh nghiệm của các dân tộc khác, và trong thời gian gần đây chúng ta thấy một số tổ chức khác của người Việt cũng đi đến cùng một kết luận như vậy về nhu cầu huấn luyện trực diện với nhau. Và việc này chúng tôi đã thực hiện trong nhiều năm qua với nhiều cá nhân và nhiều nhóm khác nhau. Và sau hết, cũng cần nhấn mạnh đây là các quyền của con người – quyền tìm kiếm kiến thức và thông tin – mà nhà cầm quyền Hà Nội đã ký kết với thế giới. Tôi nghĩ rằng khi có những trắc trở ngoài ý muốn, chúng ta càng phải vạch trần hành động vi phạm nhân quyền của Hà Nội trước thế giới và càng tranh đấu cho các nạn nhân, thay vì trách ngược. Tương tự như khi có vụ cướp giật, chúng ta cần giúp chặn bắt kẻ cướp chứ không thể đứng trách là các nạn nhân đã giữ đồ đạc của mình quá hớ hênh. Phạm Thị Hoài: Bắt bớ và tù đày là những điều hiển nhiên trong hoạt động chính trị đối lập hoặc độc lập trong một thể chế như Việt Nam. Ông cũng từng bị ngồi tù hai lần, mỗi lần nhiều tháng, tại Việt Nam. Song cũng có lời nhận định rằng là một công dân Hoa Kỳ, ông có thể ít nhiều “yên tâm” bước vào tù vì có thể tin chắc rằng cánh cửa tù sẽ mở ra một ngày không xa, trong khi các nhà hoạt động sống trong nước không thể có được “bảo hiểm” này. Phần lớn các đảng viên Việt Tân sống ở hải ngoại về nước hoạt động cũng thường chỉ phải trải qua một thời gian giam giữ tương đối ngắn, trước khi bị trục xuất. Làm thế nào để thuyết phục những người trong nước, khi vạch xuất phát của họ được kẻ sẵn bằng một mầu hoàn toàn khác? Nguyễn Quốc Quân: Hiện nay đảng viên Việt Tân có người ở ngoài nước, có người ở trong nước và chúng tôi đều biết sự khác biệt này. Đó là lý do tôi vô cùng trân quí các chiến hữu quốc nội của tôi và luôn thấy là các đóng góp của tôi, kể cả thời gian ở tù, không đáng là gì so với những anh chị em trong nước đang đối diện với phiền toái và hiểm nguy hàng ngày. Chúng ta biết rõ rằng công an và an ninh cộng sản Việt Nam là bậc thầy của những hành động ám sát, khủng bố, thủ tiêu, giết chóc… nên phải hiểu rằng họ sẽ không từ hành động bạo lực nào để bảo vệ chế độ của họ. Năm 2007 khi họ bắt nguội tôi ở Tây Ninh sát biên giới Cam Bốt, trong phòng điều tra họ doạ: “Anh đừng có nói linh tinh, chúng tôi thả anh qua biên giới cho người khác đập đầu chết bây giờ”. Tôi thoáng rùng mình khi nhớ đến Lê Trí Tuệ, nhưng kịp trấn tĩnh lại vì nhớ rằng họ chưa kịp khai thác gì mình. Cho nên sau này khi công tác tại Việt Nam tôi cố giảm thiểu cơ hội bị những “tai nạn có sắp xếp” trong bóng tối. Tôi tin rằng các anh em dân chủ có “quốc tịch nước ngoài” cũng nhận thức rõ cái giới hạn của lợi thế đó. Khi nhập dòng đấu tranh, dù trong hay ngoài nước, mỗi người đều tìm cách tận dụng cái lợi thế của riêng mình. Nhưng một khi đã vào cuộc thì không có nỗi sợ nào nhỏ hơn nỗi sợ nào đâu. Vấn đề là nỗ lực vượt qua nỗi sợ của mình thôi. Đặc biệt khi nhìn đồng đội phải gánh quá nặng và quá gian nan, mỗi người dễ gác nỗi sợ của mình qua bên hơn, để giữ bình tĩnh và có những quyết định sáng suốt hơn. Một điều đáng mừng trong thời gian qua là càng ngày tù đày càng chỉ là nỗi lo thôi chứ ít còn là nỗi sợ. Có vị xem vào tù là “giấc ngủ trưa” và đã hành xử đúng như vậy. Thái độ khi bước ra khỏi tù không thua gì, và còn có phần mạnh hơn, ngày bước vào tù. Tinh thần ấy lan toả đến lực lượng dân chủ nói chung và đến rất nhiều các bạn trẻ gần đây như Phương Uyên, Nguyên Kha, Quốc Uy, Châu Văn Thi, Bùi Tuấn Lâm, Trần Hoài Bảo, … Chính các bạn ấy đủ trưởng thành và đảm lược để tự chủ quyết định sau khi đã cân nhắc lợi hại cho chính mình. Với tinh thần cùng đến với nhau, họ tự xác định vạch mức xuất phát cũng như mức đến – Không cần ai thuyết phục. Và đó mới là tia hy vọng cho đất nước chúng ta. Chúng ta vẫn thường nói lịch sử Việt Nam luôn xuất hiện những hào kiệt trong những lúc đen tối nhất. Nay các hào kiệt đang đứng, đang đi, đang sống ngay giữa chúng ta đó. Những người có bề ngoài bình thường nhưng với trái tim và khí phách bên trong rất phi thường. Phạm Thị Hoài: Tuy nhiên có những trách cứ rằng việc Việt Tân công khai ủng hộ một số nhà hoạt động dân chủ trong nước là gây hiểu lầm bất lợi cho họ, và chính họ cũng luôn nhấn mạnh rằng mình là những cá nhân độc lập không ở trong một đảng phái, tổ chức chính trị nào. Nguyễn Quốc Quân: Việc chị nêu là có, nhưng còn hai vế nữa mà có lẽ công luận chưa biết tới. Đó là chúng tôi cũng nhận được một số trách cứ với đại ý: có vẻ như Việt Tân chỉ quan tâm đến người của mình mà ít lên tiếng hay vận động cho những người của các tổ chức khác hay những người hoạt động độc lập trong lực lượng dân chủ. Có lời trách còn đi xa hơn nữa về “trách nhiệm phải lên tiếng” của Việt Tân. Sau hết, chúng tôi cũng nhận được sự dặn dò trước của một số nhà hoạt động là cứ vận động cho họ, bất kể các tuyên bố công khai của các vị ấy. Vì vậy, trong mỗi lần Việt Tân công khai lên tiếng ủng hộ ai, đặc biệt là các vị đang bị xách nhiễu, giam cầm, chúng tôi phải đắn đo nhiều, dựa trên ba yếu tố: 1) ước nguyện của nhà hoạt động ấy nếu chúng tôi có sự dặn dò từ trước; 2) ước nguyện của gia đình nhà hoạt động ấy nếu họ đang ở trong tù; 3) nhu cầu vận động ngay lúc đó có đòi hỏi phải lên tiếng ủng hộ công khai không. Nhưng quan trọng hơn nữa, theo tôi nghĩ, chúng ta cần tránh rơi vào cái bẫy mà chế độ độc tài toàn trị rất muốn. Đó là tạo khoảng cách tối đa giữa các lực lượng đối kháng để muôn năm trường trị. Cứ mỗi lần họ bảo “vì có hội ABC ủng hộ nên họ đánh” thì các nhà hoạt động lại tránh ABC ra; rồi thì sau một thời gian tránh mãi, chúng ta sẽ chỉ còn những cá nhân rời rạc, không kết hợp với nhau được để đủ sức gỡ bỏ xiềng xích độc tài. Chúng ta cũng thấy rõ là Việt Tân chỉ bị dùng làm cái cớ cho mục tiêu trên mà thôi. Trong nhiều vụ việc gần đây, dù không dính dáng gì đến Việt Tân, các nhà hoạt động vẫn bị bắt đó thôi. Sau hết, trong ĐTBBĐ, chúng ta cần bắt đầu hành xử các quyền đương nhiên của mình dù những người cầm quyền có chấp nhận hay không. Và lại còn phải nhấn mạnh những quyền ấy hơn nữa khi nhà cầm quyền ra những đòn phép để người dân tự rút quyền của mình lại. Họ càng ra các đòn phép về mặt nào thì chúng ta càng biết các hoạt động của chúng ta về mặt đó đang “đánh đúng chỗ” và đang làm họ lo âu. Phạm Thị Hoài: Dị nghị, bất hòa, chia rẽ, hữu danh vô thực…, có lẽ còn phải thêm vào danh sách nhược điểm này nhiều đặc tính tiêu cực khác của các đảng phái và tổ chức chính trị Việt Nam ở hải ngoại. Ông đã có gần 30 năm hoạt động chính trị ở hải ngoại. Nếu không phải là những lời lạc quan chung chung, ông có thể thực sự nói gì về năng lực và tương lai của những đảng phái này? Nguyễn Quốc Quân: Thưa chị, Việt Tân có nguyên tắc cho mọi thành viên là chỉ góp phần xây dựng sự đoàn kết chung trong lực lượng dân chủ, chứ không làm sứt mẻ sự đoàn kết đó, đặc biệt là không phê bình các tổ chức khác. Do đó, tôi xin phép không vi phạm nguyên tắc này. Tôi chỉ xin trình bày một suy nghĩ là mọi tổ chức, kể cả Việt Tân, nói cho cùng đều chỉ là phương tiện để các thành viên đạt đến một mục tiêu chung nào đó. Nếu phương tiện nào không còn đáp ứng mục tiêu của các thành viên nữa thì tiến trình chọn lọc tự nhiên sẽ xảy ra thôi. Và các tổ chức mới, đáp ứng đúng nhu cầu hơn, sẽ xuất hiện. Do đó, việc đồng bào chúng ta muốn đứng lên giải quyết chuyện đất nước mới quan trọng. Khi đã có mục tiêu chung, ước muốn chung đó ở mức nóng bỏng lên rồi, thì chính đồng bào chúng ta sẽ chọn phương tiện nào hữu hiệu nhất cho riêng mình để tiến tới. Bà con mình đang mỗi ngày một đông chọn lựa bước tới cái Đúng, cái Tốt, cái Thiện thay vì chọn chùn chân khi thấy cái Sai, cái Xấu, cái Ác… Chúng tôi cũng tin rằng sẽ tới lúc tất cả các đảng phái đều thấy nhu cầu liên minh phối hợp với nhau thực sự, trong tinh thần đối tác bình đẳng chia nhau gánh vác những đòi hỏi vô cùng to lớn của công cuộc đấu tranh cho dân chủ và canh tân đất nước. Phạm Thị Hoài: Những người trực tiếp điều hành một tổ chức chính trị không thể chỉ làm công việc này vào Chủ nhật. Họ buộc phải là những người hoạt động chuyên nghiệp, toàn thời gian. Ban lãnh đạo Việt Tân và bản thân ông có là những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp như vậy không? Nguyễn Quốc Quân: Đúng như chị nhận định là những người trực tiếp điều hành một tổ chức chính trị cần hoạt động chuyên nghiệp và toàn thời gian. Do điều kiện eo hẹp về tài chính và một số giới hạn khác trong cuộc sống, việc hoạt động toàn thời của một đảng viên không những là một quyết định gay go của chính mình mà còn cần đến sự hỗ trợ tinh thần và hi sinh của những người thân trong gia đình nữa. Việt Tân có bao nhiêu người như vậy? Xin thưa là chưa đủ để đáp ứng hết các nhu cầu. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng tôi muốn được chia sẻ ở đây. Nếu nói yếu tố “chuyên nghiệp” như là sự chuyên tâm học hỏi kinh nghiệm về trách vụ được giao, và nói yếu tố “toàn thời” như là số lượng 40 giờ một tuần dành cho công việc ấy; thì ở trong cũng như ngoài nước, Đảng Việt Tân may mắn có một tập thể không ít các anh chị em, cùng chung một lý tưởng và quyết tâm như thế. Họ vắt ra những mẩu thời gian và phương tiện xen kẽ với công việc kiếm sống, góp nhặt thì giờ quí giá của gia đình, giảm bớt những sinh hoạt giải trí khác để góp sức với đồng đội trong tổ chức. Và đặc biệt, những con người toàn tâm toàn ý cho việc chung như vậy không chỉ có trong các tổ chức chính trị. Nếu nhìn kỹ hơn ta sẽ bắt gặp ở một số vị hoạt động trong cơ chế cộng đồng, trong các trường dạy Việt ngữ, trong môi trường truyền thông, văn hoá, xã hội… hoàn toàn thiện nguyện. Động lực duy nhất khiến chúng ta cứ tiếp tục hoài như vậy là nhu cầu được làm điều Đúng, điều Đẹp, điều Ưa Thích. Tôi tin tưởng ở tính hướng thiện của con người là nhờ quí vị ấy. Và vì thế tôi có quyền lạc quan về giai đoạn canh tân Việt Nam sau này. Phạm Thị Hoài: Một tổ chức chính trị đương nhiên là cần kinh phí hoạt động, cần rất nhiều. Kinh nghiệm của ông trong lãnh vực này như thế nào? Nguyễn Quốc Quân: Nhận xét của chị rất chính xác, mọi loại hoạt động đều phải có chi phí, từ tiền in ấn, điện thoại, máy móc, đến những vé xe đò, xe lửa, máy bay, đến việc giúp đỡ gia đình các nhà tranh đấu đang bị giam cầm, v.v… thậm chí cả đến tiền hối lộ để vượt qua một số rào cản. Chính vì thế, công an và an ninh Việt Nam luôn tìm mọi cách để khống chế và bao vây kinh tế gia đình các nhà bất đồng chính kiến trong nước và xuyên tạc các nỗ lực kinh tài chân chính của các tổ chức chính trị. Việt Tân, cũng như các tổ chức chính trị khác, phải tự mình lo các chi phí cần thiết tối thiểu để có thể chủ động trong các sinh hoạt căn bản và trường kỳ. Để đáp ứng nhu cầu ấy, ngoài các cơ sở kinh doanh và đầu tư độc lập của tổ chức, các đảng viên Việt Tân tùy theo hoàn cảnh riêng đã và đang cống hiến trí tuệ, thì giờ, công sức, cũng như tài chính để góp chi phí trong sinh hoạt địa phương và quốc nội. Chúng ta lại còn có khối người Việt nặng lòng với quê hương đang sống trên khắp thế giới. Sự tự lập này rất cần thiết để giữ được độc lập trong những quyết định tốt nhất cho đất nước. Ngoài ra, chúng ta còn có nhiều tổ chức nhân quyền đang rất quan tâm đến tình trạng chà đạp nhân quyền tại Việt Nam và sẵn lòng giúp chúng ta một số phương tiện. Tôi tin là khi dân tộc Việt Nam sẵn sàng cho một cuộc đổi thay bằng một cuộc tranh đấu ôn hòa trên đường phố như tại Ai Cập, hay tại các cuộc cách mạng màu, thế giới sẽ nhập cuộc cùng với chúng ta. Xu hướng của nhân loại đã rất rõ. Phạm Thị Hoài: Về lâu dài, mỗi chính đảng hay tổ chức chính trị muốn tham gia vào tiến trình chuyển hóa xã hội buộc phải có đội ngũ chuyên gia của mình về các lĩnh vực thiết yếu trong xã hội. Ông có thể khoe chút ít về đội ngũ ấy của Việt Tân không? Nguyễn Quốc Quân: Điều làm tôi tạm yên lòng là anh chị em Việt Tân có mặt trong đủ loại ngành nghề, đủ loại tầm mức, và đủ mọi lứa tuổi; nhất là lứa tuổi từ 20 đến 40, trội cả về chất lẫn lượng. Nhưng chúng tôi cũng biết rất rõ là dù với lực lượng gấp nhiều lần hiện nay, Việt Tân vẫn không bao giờ nghĩ một mình Việt Tân có thể chuyển hóa cả xã hội. Rộng hơn nữa, không một giai cấp nào hay ngay cả một mình chính phủ (dân chủ trong tương lai) có thể giải quyết vấn đề của đất nước sau bao năm bị tàn phá tan hoang trong mọi lãnh vực. Để băng bó lại đất nước về mọi mặt và đưa đất nước đi lên, TOÀN THỂ DÂN TỘC trong nước và trên khắp thế giới phải góp phần. Việt Tân dù lúc đó nằm trong hay ngoài chính quyền sẽ chọn lãnh vực mà chúng tôi có thể đóng góp hữu hiệu nhất. Chọn lựa này vừa dựa trên nhu cầu đất nước vừa dựa trên sức lực thực tế của Việt Tân vào lúc đó. Cám ơn chị cho cơ hội khoe nhưng xin khất cho đến ngày đất nước mình cất cánh đã. Và lúc đó có lẽ chúng ta chỉ có một niềm tự hào chung là đội ngũ chuyên gia Việt Nam hùng hậu cả trong lẫn ngoài nước đã đổ hết tài năng ra để đưa đất nước bắt kịp với thế giới trong thời gian kỷ lục. Phạm Thị Hoài: So với các đảng phái và tổ chức chính trị ở hải ngoại, sự hiện diện của Việt Tân trên truyền thông hiện đại là tương đối mạnh. Song, xin lỗi ông, xếp hạng truy cập website chính thức của Việt Tân cũng như Đài Chân trời Mới cho thấy tầm ảnh hưởng của những cơ quan ngôn luận này khá khiêm tốn. Các trang mạng xã hội của Việt Tân cũng vậy. Tôi có cảm giác rằng thay vì thực sự dùng Internet như một vũ khí, các nhà hoạt động chính trị chỉ nói về cái vũ khí ấy. Nguyễn Quốc Quân: Chà, câu này nghe thì cũng rát thật đấy nhé, nhưng đó cũng lại là điều khá đặc thù mà tôi vẫn quí nơi chị Hoài. Phần đáp lại dễ nhất của tôi là tự nhận Việt Tân còn yếu về mặt này. Anh chị em đã cố gắng nhiều nhưng chắc chắn là còn phải học hỏi nhiều hơn nữa các cách để vượt qua những khó khăn sau đây: Như chị biết, tất cả các trang liên hệ đến Việt Tân đều bị chặn ở trong nước. Đại khối bà con chúng ta trong nước phải vượt qua nhiều khó khăn về tiền bạc, thời giờ, kiếm người hướng dẫn, v.v… mới tiếp cận được với môi trường Internet. Nay lại còn phải học thêm cách vượt tường lửa, giấu IP, v.v… Bên cạnh đó là những hù dọa tâm lý của công an. Để đối phó với một nhà cầm quyền mà tổ chức Phóng viên Không Biên giới và nhiều tổ chức nhân quyền khác liệt vào loại “Kẻ thù của Internet”, chúng tôi đã cố gắng cập nhật liên tục các cách vượt rào tại trang NoFireWall.blogspot.com và dùng một số phương tiện Internet khác để chuyển tải đến các tụ điểm không minh danh Việt Tân hầu có thể với tay đến đồng bào mà ít bị ngăn chặn hơn. Dĩ nhiên tôi không liệt kê ra đây. Và sau hết, bên cạnh các phương tiện “high-tech” đang nổi trội, chúng tôi cũng không xem thường một số cách khác mà mình gọi nôm na là “low-tech”. Phạm Thị Hoài: Ông có cho rằng trong tình thế hiện tại, không thể nhấc Đảng Cộng sản ra khỏi một giải pháp chính trị cho Việt Nam? Nguyễn Quốc Quân: Tôi cho rằng mọi chế độ độc tài khi còn nắm quyền, dù là trong những tháng chót, đều cố tạo cho người dân có ấn tượng như thế. Tôi nghĩ là nhấc được, nếu dân tộc chúng ta muốn. Điều đã khá rõ là ai cũng thấy thể chế độc tài dìm đất nước chúng ta trong lạc hậu. Các lớp sơn bề ngoài nay không còn che mắt được mấy ai nữa. Dứt khoát độc tài phải bị tháo gỡ. Nếu Đảng CSVN không chấp nhận điều đó thì họ phải bị loại bỏ khỏi bất cứ giải pháp chính trị nào cho đất nước. Còn nếu họ chấp nhận nằm trong pháp luật của một thể chế dân chủ và để tùy người dân chọn lựa bộ phận lãnh đạo, thì họ có thể tồn tại được chứ, như các đảng cộng sản tại Âu châu thôi. Nhưng quan trọng là Đảng CSVN phải ngưng các hành động bạo hành càng ngày càng tệ hại đối với người dân. Mức độ nhẫn nại và chịu đựng của dân tộc có giới hạn. Nếu họ cứ tiếp tục xem dân là kẻ thù như hiện nay thì sẽ đến lúc dân tộc dứt khoát coi họ là kẻ thù. Điều này đã thấy tại nhiều chế độ độc tài, gần đây nhất là Libya và Syria. Phạm Thị Hoài: Ông có một tấm gương nào không? Nguyễn Quốc Quân: Có đôi lúc, thoáng nghĩ tấm gương của mình là Mẹ Theresa, Đức Phật Thích Ca, hay Nguyễn Thái Học… Nhưng rõ là không phải, tôi vẫn cảm thấy rung động và hạnh phúc hơn rất nhiều khi được gần gũi trực tiếp hoặc gián tiếp với những tấm gương đời thường xung quanh, đặc biệt là những anh chị em đang dấn thân trong nước vì tương lai của dân tộc mình. Những hành động phi thường của họ đã làm cuộc đời đẹp và có ý nghĩa hơn. Với tôi, việc phi thường ở đây là việc vượt thắng giới hạn của chính mình để thực hiện một việc công ích, mà tầm vóc công việc có thể cũng rất bình thường. Và những tấm gương này không xa lạ gì lắm đâu, tôi không chỉ nhớ tên mà còn có thể hình dung từng khuôn mặt và một số giọng nói nữa. Tôi thường xuyên lấy họ làm động lực và đích nhắm để cố gắng phấn đấu những lúc mệt mỏi. Phạm Thị Hoài: Cảm ơn ông Nguyễn Quốc Quân đã trả lời phỏng vấn. © 2013 pro&contra Nguồn: http://www.procontra.asia/
......

Vĩnh Biệt Tiến Sỹ Walter Wallmann: Ân Nhân Của Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Cuối Thập Niên 1970

"Menschen, die wir lieben, bleiben fuer immer, denn Sie hinterlassen Ihre Spuren in unseren Herzen." Phóng dịch: Những người chúng ta yêu mến, khi ra đi luôn để lại những dấu ấn trong trái tim mỗi người! * * * Những biến cố, khủng hoảng trên Chính trường, những thăng trầm của Quốc Gia Dân Tộc, những Nội Lực, Hoài Bảo mà suốt cuộc đời đã tận tụy dâng hiến cho Quê Hương, đã hủy hoại khối óc của Tiến Sỹ Walter Wallmann qua căn bịnh trầm kha Parkinson. Sau những năm tháng dài chịu đựng những đớn đau trăn trở trên chiếc xe lăn, Tiến sỹ Luật khoa Walter Wallmann đã giã từ gia đình, bạn bè thân hữu và đồng chí Đảng Liên Hiệp Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) vĩnh viễn ra đi ngày 21.09.2013, tại Viện Dưỡng Lão Bornheim Frankfurt/Main, hưởng thọ 81 tuổi. Tang Lễ đã được Hội đồng Quản trị Thành phố Frankfurt/Main và gia đình tổ chức đơn giản, trang nghiêm và công khai (oeffentlich) tại Nghĩa trang chính của Thành phố lúc 11 giờ sáng, thứ Bảy 05.10.2013. Thể theo đề nghị của Ông Boris Rhein, Tổng trưởng Nội Vụ Tiểu Bang Hessen, Thủ phủ Tiểu Bang và nhiều công sở khắp nơi trên nước Đức đã treo Cờ Rũ trong ngày này để tưởng nhớ đến Ông. Nước Đức đã mất đi một Công dân ưu tú, một Nhà Dân Chủ nhìn xa hiểu rộng và một người Đức đầy lòng nhân ái... Ông ra đi đã để lại dương trần người vợ thủy chung, người bạn đời đã chia xẽ với Ông những vui buồn, thăng trầm từ lúc hai Ông Bà còn là Sinh Viên Luật Khoa dưới mái trưòng đại học, Bà Magarete Wallmann còn là người cố vấn tối cao của Ông mọi hành xử trong gia đình và ngoài xã hội... Người con trai độc nhất của Ông cũng cùng tên Tiến Sỹ Luật khoa Walter Wallmann, President của Rechnungshof Hessen, dâu và ba cháu nội. Tiến sỹ Walter Wallmann sinh ngày 24.09.1932 tại thành phố Uelzen Đức Quốc, tốt nghiệp và trình luận án Tiến Sĩ Luật khoa Đại học Marburg, đã từng giữ những chức vụ: - Chánh án Tòa Án Kassel, Fulda - Tỉnh bộ trưởng Đảng CDU Frankfurt/Main - Tỉnh trưởng Tỉnh Frankfurt/Main (Oberbuergermeister von Frankfurt/Main) - Bộ trưởng Liên Bang đầu tiên của Nước Đức về Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên và An toàn Hạt Nhân (Bundesminister fuer Umwelt, Naturschutz und Reaktorsicherheit) - Thống Đốc Tiểu Bang Hessen (Hessischer Ministerpraesident) - Công Dân Danh Dự của Thành phố Frankfurt am Main, và rất nhiều chức vụ quan trọng khác... Ngoài Nhiệt tình và Trí tuệ mà Tiến sỹ Wallmann đã cống hiến cho Tổ Quốc Ông, Nước Cộng Hòa Liên Bang Đức, Ông còn là một vị Đại Ân Nhân với tấm lòng Nhân Ái của Người Việt Nam Tỵ Nạn cs tại Tiểu bang Hessen. Vào khoảng 1978 khi làn sóng người dân Miền Nam Việt Nam liều chết rời nơi chôn nhau cắt rốn, lìa bỏ Quê Hương Việt Nam, vượt biển, vượt biên ra đi lánh nạn CS, mỗi ngày một gia tăng, hàng trăm ngàn người đã đau đớn nằm xuống trong tủi hờn, tuyệt vọng trên biển cả mênh mông, hoặc trong núi rừng sâu thẵm. Biến cố thương tâm, Hành trình tìm Tự Do đầy kinh hoàng, hiễm nguy này đã làm rúng động lương tâm nhân loạị. Dr. Walter Wallmann (* 24. September 1932; † 21. September 2013). Tiến sỹ Wallmann vào thời đó là Tỉnh trưởng Tỉnh Frankfurt/Main đã bộc lộ với báo chí: "Khi tôi ngồi trước máy truyền hình xem đoạn phim thời sự về lòng cam đảm của những Thuyền nhân Việt Nam, lòng tôi xót xa vô cùng, tôi nghĩ rằng tôi phải làm một việc gì để chia xẻ với những người đáng thương này". Sau đó Tiến Sỹ Wallmann đã viết thư lên Chính phủ Liên Bang, Chính quyền Tiểu Bang Hessen, ráo riết vận động với bạn bè thân hữu, đảng CDU và kêu gọi quần chúng Đức mở tấm lòng nhân đạo, và có kế hoạch cứu giúp số phận những Thuyền nhân Việt Nam, những người đang sống sau hàng rào kẽm gai trong các trại tỵ nạn Đông Nam Á với nỗi lo lắng tột cùng về một tương lai mù mịt. Tấm lòng Từ bi, Bác ái của Tiến Sỹ Wallmann đã thuyết phục được Chính phủ và Dân chúng Đức. Báo chí thời đó cho biết một ngân sách đặc biệt được chính quyền Tiểu bang Hessen dành cho người Tỵ nạn với tên "VN Boatpeople". Liền sau đó Ông biệt phái một vị đại diện của Văn phòng Tỉnh trưởng Frankfurt/M bay qua tận trại Tỵ Nạn Hồng Kông để an ủi thăm hỏi và lên danh sách cứu vớt nhân đạo những Thuyền nhân Việt Nam, đặc biệt những gia đình đông con.. Trung tuần tháng Hai năm 1979 những Đóa Hoa Nhân Ái đã nở rộ trên vùng trời Frankfurt/Main, dân chúng Đức xúc động trong niềm hân hoan chào đón 200 người Việt tỵ nạn (boat people) đầu tiên đến được Bến Bờ Tự Do. Tuy không cùng chung huyết thống, nhưng họ đã tận tình chia xẻ với những người xa lạ, gầy còm, ốm yếu xanh xao đến từ một đất nước xa xôi bằng một tấm lòng Yêu Thương trong Tình Nhân Loại. Từ nhân duyên khởi đầu của Tiến Sỹ Wallmann, vị Tỉnh trưởng giàu lòng nhân ái này, mà Người Việt Tỵ Nạn cuối thập niên 70 ngày nay đã có được một đời sống hạnh phúc, an lành, là những công dân gương mẫu trên Quê Hương mới sau khi trải qua mọi hoàn cảnh gian nan, hiểm nguy, mất mát: Vượt biển, Vượt biên, Đoàn Tụ Gia đình, v.v... và Tiểu Bang Hessen được đề cao là một Tiểu bang nhân đạo nhất đã dành mọi sự dễ dãi cứu giúp cho Người Việt Nam Tỵ Nạn. Sáng ngày 05.10.2013 bầu trời Frankfurt âm u, những cơn gió thổi qua làn mưa bay bay trong cái lạnh se sắt của một ngày chớm vào Đông. Trước khi ra đi nhà tôi nhắc rằng: "Nếu thật tình thương và nhớ ơn Dr. Wallmann nên tạm gác những việc đời để cầu nguyện cho Ông được siêu thoát!". Trên đoạn đường dài trong cơn mưa gió đến Frankfurt am Main chúng tôi yên lặng cầu nguyện và đọc bài Kinh Vãng Sanh Quyết Định Chơn Ngôn... Khi tôi đến Nghĩa trang Frankfurt/Main khoảng 10 giờ, cứ ngỡ là chưa có ai, nhưng trước cửa nghĩa trang những đoàn xe Cảnh Sát đã đậu kín, lực lượng đông đảo Nhân Viên Công Lực đang làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ khu Nghĩa trang rộng lớn, tôi lo sợ không biết mình có được vào trong Nhà Quàn hay không? Tôi nhìn quanh hy vọng tìm được một người đồng hương, nhưng không gặp, có lẽ hãy còn sớm nên chưa ai đến. Tôi hỏi thăm, một viên cảnh sát chỉ dẫn tôi vào. Trong căn phòng rộng lớn Quan tài của Tiến Sỹ Wallmann đã được trang trọng đặt ngay chính giữa tự bao giờ. Trước quan tài là một bàn nhỏ phủ một khăn nhung màu xanh đậm bên trên gắn 7 Huy chương cao qúy mà Chính phủ Đức đã ân thưởng cho Ông, hai bên Quan tài có 6 Cảnh Sát Viên với đồng phục xanh đậm, mũ trắng đứng gác trong tư thế nghiêm trang bất động, ngồi hai bên cạnh để chờ phiên thay ca gác là 6 viên cảnh sát, chiếc mũ trằng được đặt trên đùi, lưng thẳng hướng về phía trước. Trước mặt Quan tài là hai vòng hoa của vợ và con cháu Ông với dòng chữ tiếc thương trên giải khăn màu vàng nhạt, bên cạnh cái gíá đặt hình Tiến Sỹ Wallmann là vòng hoa với giải cờ Đức của Nữ Thủ Tướng Dr. Angela Merkel gởi đến phúng điếu, đàng sau là những vòng hoa của những Chính phủ tiểu bang, mỗi vòng hoa kèm theo huy hiệu, và vòng hoa của Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn do gia dình Ông Bà Thái Gia Tuấn, một thuyền nhân trại tỵ nạn Hồng Kông năm xưa, thay mặt đồng hương gởi đến phúng điếu với giòng chữ Thương Tiếc và Tri Ân. Qua ánh nến lung linh trong căn phòng tĩnh lặng di ảnh của Người Qúa Cố với nét mặt hiền hòa đã làm lòng tôi se thắt, chạnh lòng nhớ về qúa khứ, cứ tường chừng như nghe đâu đây tiếng thét kinh hoàng hiện trên khuôn mặt đau đớn của người thiếu phụ Việt Nam nhỏ bé khi bị bọn hải tặc Thái Lan hãm hiếp và hùng hổ bắt mang đi, hính ảnh người chồng bị đánh ngất đầy máu me vì muốn cứu vợ, nhưng vẫn cố gắng dùng xác thân mình để che chở con con thơ, tôi thấy như trên những hoang đảo cô đơn, trong hoàn cảnh đói khát khốn cùng, khi người phải ăn thịt người qua dòng nước mắt để được tồn sinh, tôi thấy nụ cười rạng rở trên khuôn mặt gầy còm xanh xao vì kiệt sức của đồng bào tôi khi được vớt lên boong tàu, đến - Miền Đất Hứa-, tôi thấy niềm vui, niềm tự hào của con cháu những thế hệ tiếp nối trong ngày lễ ra trường, đã làm hãnh diện Dân Tộc Việt Nam, thấy những cụ gìa Việt Nam khi tuổi về chiều, sống trên Quê người được chăm sóc bảo trợ trong tình nhân ái. Trong niềm xúc động lẫn tri ân, không ngần ngại tôi đã qùy xuống lạy Linh cửu Tiến Sỹ Wallmann, mà tưởng chửng như mình đang đảnh lễ một Vị Bồ Tát đã ra đi, sau khi hoàn thành tâm nguyện thị hiện ở cõi Đời này để cứu khổ chúng sinh... Những khách mời đến dự Tang lễ dần dần ngồi vào ghế, đã được ban tổ chức đặt sẵn tờ chương trình và một thiệp màu trắng có in huy hiệu của thành phố Frankfurt và tên khách mời. Tôi không phải là khách được mời, đang phân vân, không biết mình ngồi đâu, đứng đâu, định trở ra đứng ngoài sân, đúng lúc đó một nhân viên thành phố chỉ một chiếc nghế duy nhất còn trống, không có bảng tên, ở hàng đầu phía bên hông tay mặt của Quan tài mời tôi ngồi. Tôi ngồi xuống mà lòng ngạc nhiên trong niềm xúc động khi nghĩ rằng: có phải chăng Tiến Sỹ Wallmann đã sắp đặt và cho phép tôi ngồi đây để tiễn đưa Ông ra đi lần cuối?. Khoảng 10 giờ 50 có tiềng còi vang vào Nhà quàn yên tĩnh, sau đó gia đình Tiến Sỹ Wallmann gồm vợ con trai dâu cùng ba cháu nội và các nhân vật cao cấp của chính phủ lặng lẽ bước vào và cúi đầu kính cẩn tưởng niệm trước Linh quan của Người Quá Cố. Ngồi hàng đầu tôi có dịp nhận ra nhiều quan khách là nhân vật nổi tiếng của Nước Đức về mọi lãnh vực mà bấy lâu nay tôi chỉ thấy trên TV hoặc đọc trên báo chí. Đúng 11 giờ tiếng đàn Organ (Orgel) trổi lên tấu khúc Prludium in c-Moll BWV 546 của Nhạc sỹ Đức tài danh Johann Sebastian Bach mà lúc sinh tiền Tiến sỹ Wallmann ưa thích. Prưpstin Gabriele Scherle thay mặt gia đình cám ơn Quan khách và kể vắn tắt về cơn bịnh và sự ra đi của Tiến Sỹ Wallmann. Tỉnh trưởng Frankfurt/Main Ông Peter Feldmann, Thống Đốc tiểu bang Hessen Volker Bouffier và cựu Tỉnh trưởng Tiến Sỹ Petra Roth thay phiên nhau lên đọc điếu văn, họ nhắc đến những kỷ niệm một thời gắn bó chính trị qua những thăng trầm của Đất Nước, ca ngợi công đức của Tiến Sỹ Wallmann cả cuộc đời đã cống hiến cho Dân tộc Đức những điều phúc lợi, quang vinh. Đặc biệt Bà Tiến Sỹ Petra Roth, Cựu Tỉnh trưởng Frankfurt/Main vinh danh Tiến Sỹ Wallmann đã có công lao lớn trong việc xây dựng Viện Bảo Tàng, tái thiết khu nhà Ga Frankfurt/Main, Hý Viện Alter Oper, ngoài ra công lao lớn nhất là Ông Bà Wallmann đã góp phần xóa bỏ những biến cố lịch sử đen tối ngày xưa và đã nối nhịp cầu ngoại giao giữa hai Dân tộc Đức và Do Thái, giúp đở và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập của những sắc dân Thổ Nhĩ kỳ, Ý, Tây Ban Nha... và đã nỗ lực vận động trong viêc thâu nhận nhân đạo những Thuyền nhân Việt Nam và những Người Việt Tỵ Nạn sau này… Bà kể thêm rằng Tiến Sỹ Wallmann đã tình nguyện làm cha đở đầu cho một em bé trai Việt Nam được sanh ra trong những ngày đầu tiên trên Quê hương mới, ông đã đặt tên cháu là Frank ….. Quan khách đã lắng lòng nghe với niềm cảm phục lẫn ngậm ngùi... Sau lời phúng điếu của các Chính khách, tang lễ được cử hành trang nghiêm qua nghi thức Tôn giáo. Cuối cùng toàn thể khách tham dự cùng hòa ca bài Thánh ca "Nun danket all Gott". Bài hát chấm dứt, quan tài của Tiến Sỹ Wallmann được từ từ đưa ra khỏi phòng đến nơi an nghỉ cuối cùng, theo sau quan tài chỉ có thành viên trong gia đình và vài vị đại diện chính phủ Đức. Trong phòng căn phòng tĩnh lặng vang lên tiếng khàn khàn trong xúc động của một cụ gìa: "Tschues Walter", tiếng thì thầm cầu nguyện, có những bàn tay đưa lên từ biệt... Tôi xúc động cúi đầu chào và hướng về di ảnh của Ông nói lời cảm tạ: "Danke schoen, Dr. Wallmann!". Ngoài trời mưa vẫn rơi, những cơn gió lạnh se thắt thổi về như buồn rầu từ biệt nhà chính khách nhân hậu. Khoảng hơn 30 phút nghi thức an táng ở mộ phần đã hoàn mãn, đoàn người trở vào, gia đình Tiến Sỹ Wallmann ân cần bắt tay từng người cảm tạ. Con trai Ông thay mặt gia đình cám ơn Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn đã gởi vòng hoa phúng điếu. Tôi theo đoàn người ra về trong cơn mưa mà bùi ngùi với cõi lòng nặng trĩu. Vĩnh biệt Tiến Sỹ Wallmann, người công dân ưu tú của Dân Tộc Đức! Vĩnh biệt Tiến Sỹ Wallmann, Vị Bồ Tát với tấm lòng nhân ái, từ bi. * © Nguyên Ngọc Phạm Thị Bích Thủy (Ffm, Oktober 2013)
......

Hamburg: Lễ tưởng niệm thuyền nhân chết trên đường vượt biên

Buổi tưởng niệm thuyền nhân chết trên đường vượt biên đã trở thành một sinh hoạt truyền thống tại Hamburg - Đức Quốc từ năm 2006, năm nay lại được Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản Tại Hamburg tổ chức vào ngày Thứ Bảy 12/10/2013 trong nghĩa trang Öjendorf.   Dù trời mưa gần như suốt buổi, lúc nặng lúc nhẹ như số người đến tham dự cũng lên tới khoảng 100 người, kể cả chừng 10 người Đức. Nghi lễ bắt đầu bằng chào cờ, rồi diễn văn song ngữ của đại diện Hội nhắc nhở người Việt Hamburg phải nên làm gì tích cực hơn. Sau đó là nghi thức cầu nguyện theo Phật Giáo do Ni sư chùa Bảo Quang chủ lễ và Công Giáo do Cộng Đoàn CG Hamburg đảm trách. Năm chậu bông cúc vàng do cơ sở Đảng Việt Tân tặng buổi lễ đã được đặt trước tượng đài. Buổi lễ đơn sơ kéo dài chừng 40 phút. Như thông lệ hàng năm, người tham dự được mời vào phòng khánh tiết của nghĩa trang để dùng buổi ăn trưa do nhiều đồng hương mang đến tặng và dùng chung. Sau đó, Ban Tổ Chức đã cho chiếu 3 đoạn video để bà con xem:   1 - Dân Hà Nội chửi công an còn hơn tát nước giữa phố trong ngày xử luật sư Lê Quốc Quân mà công an không dám phản ứng lại (ĐCSVN đi chết đi!). 2 - Phóng viên Thùy An phỏng vấn anh Khúc Thừa Sơn vừa về từ Philippines sau khi cùng 8 thanh niên khác tham gia các buổi học thảo về xã hội dân sự do tổ chức Nhịp Cầu Châu Á (Asean Bridge), và 3 - Clip anh Nguyễn Lân Thắng nói về truyền thông xã hội. Bà con im lặng lắng nghe đến giây phút cuối. Buổi sinh hoạt diễn ra tốt đẹp.        
......

Đức quốc: Thánh lễ hiệp thông cầu nguyện cho LS Lê Quốc Quân tại Neustadt-Hambach

Để tiếp tục hiệp thông cầu nguyện cho LS Lê Quốc Quân cũng như người nữ tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh-Hạnh và những thanh niên công giáo đang ở trong lao tù của Đảng Cộng Sản Việt Nam độc tài và tàn ác, một thánh lễ đã được cử hành vào lúc 9 giờ sáng ngày thứ Bảy, 28.9.2013 tại nhà dòng Trái Tim Đức Chúa Giêsu (www.kloster-neustadt.de) ở thành phố Neustadt an der Weinstraße, nơi có biểu tượng quan trọng của lịch sử nước Đức là lâu đài Hambach (das Hambacher Schloß), được mệnh danh "cái nôi của nền dân chủ Đức Quốc" (die Wiege der deutschen Demokratie. de.wikipedia.org/wiki/Hambacher_Fest‎). Tại nơi này vào tháng 5. 1832, cách đây hơn 180 năm đã có khoảng 30.000 người cùng tề tựu về biểu tình đòi hỏi những quyền tự do dân chủ căn bản Trong thánh lễ này các linh mục và thầy tu đã hiệp thông với toàn thể tu sĩ tại các chi nhánh nhà dòng "Linh-mục Trái Tim Đức Chúa Giêsu" trên khắp thế giới như Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi cùng cầu nguyện cho những người đang bị Đảng Cộng Sản Việt Nam bách hại. Thánh lễ diễn ra một  cách trang trọng và thánh thiện gồm 3 linh mục và một thầy tu đồng tế.   Vào đầu lễ linh mục Dieter đã nhắc nhở các tín đồ về tình trạng các tôn giáo vẫn tiếp tục bị đàn áp một cách tinh vi cũng như trắng trợn bởi nhà cầm quyền. Trong phần dâng lời cầu nguyện của giáo dân, linh mục August đã nêu đích danh LS. Lê Quốc Quân và xin Thiên Chúa mau giải thoát cho ông cũng như xin trợ giúp cho gia quyến ông được bình an. Trước khi kết lễ linh mục Georg nhắc nhở mọi tín hữu tiếp tục cầu nguyện và nhớ đến những người đang bị giam giữ vì lý do lương tâm tại Việt Nam. Sau cùng bài ca bế mạc kính Đức Mẹ "Maria, breit den Mantel aus..." được xướng lên, xin Ngài bảo vệ và che chở tất cả các con dân nước Việt Nam mau thoát khỏi ách độc tài cộng sản.   Tiếp đến vào buổi chiều ngày Chủ Nhật, 29.9.2013, các tín hữu thuộc hai giáo xứ người Đức St. Pius và St. Jakobus của thành phố Neustadt-Hambach đã cùng linh mục tuyên úy Gerd dâng thánh lễ cầu xin Thiên Chúa ban ơn và bảo vệ cho LS Lê Quốc Quân cũng như người nữ tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh-Hạnh và những thanh niên công giáo đang ở trong lao tù của CSVN Trong bài thánh thư vị tiên tri Amos đã lên tiếng cảnh cáo và lên án nặng nề các thành phần cầm quyền bóc lột người dân cũng như sống trên xương máu đồng bào. Kế đến, trong bài Phúc Âm theo thánh Lukas Đức Chúa Giêsu nhắc nhở  các tầng lớp có quyền lực trong xã hội sẽ phải lãnh hậu quả thích đáng nếu sống bất công, không màng đến những người kém may mắn. Đến phần lời nguyện giáo dân, bầu không khí trang nghiêm một cách đặc biệt,  linh mục Gerd đã xin Thiên Chúa ban nhiều ơn phúc ngõ hầu LS Lê Quốc Quân được mau giải thoát. (Minh Hoài tường thuật)      
......

Pages