Ý thức chủ quyền: Sự sai sót lẻ lẻ tình cờ hay sự cố ý có hệ thống ?

Trên báo Pháp Luật online số ra ngày 31.3.2013 có bài viết với nhan đề: „Ý thức chủ quyền có vấn đề „ của tác giả Phạm Chu Sa đã đưa ra nhiều sự kiện được phía nhà nước CSVN cho là những sai sót lẻ tẻ trong việc in ấn một số sách tham khảo của học sinh in bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoặc sách tập đánh vần cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1 có in cờ Trung Quốc trước cổng trường!...

Mới đây, các phóng viên văn hóa lại phát hiện hàng loạt sách dạy tiếng Anh hướng dẫn du lịch xuất bản từ năm 2005 đến nay, như: “360 độ tiếng Anh dành cho hướng dẫn viên du lịch”,“Thực hành đàm thoại tiếng Anh ngành du lịch”,“Đàm thoại tiếng Anh thực dụng cho ngành du lịch”; “Giao tiếp tiếng Anh trong dịch vụ văn hóa bảo tàng”… Mặc dù đây là những sách dạy tiếng Anh về du lịch nhưng hầu hết chỉ toàn giới thiệu đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Trung Quốc!

Câu hỏi đặt ra là tại sao sách dạy đánh vần cho học sinh lớp 1, sách dạy tiếng Anh về du lịch lại phải nhập từ Trung Quốc? Tại sao tại Hội chợ Du lịch quốc tế tại Đức vừa qua, gian hàng Việt Nam lại giới thiệu danh thắng Lạc Sơn Đại Phật của Trung Quốc? Rồi các sự kiện một resort ở Đà Nẵng ghi biển Đông là “South China Sea”…

Không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, du lịch mà sự việc còn lấn sang nhiều lĩnh vực khác, như mới đây nhất, hệ thống siêu thị Big C bán nho Việt Nam nhưng gắn cờ Trung Quốc! Nên nhớ, trước đó ít lâu, hệ thống Big C cũng đã từng bán áo phông in hình bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những câu hỏi tại sao đã xâu chuỗi nhiều sự kiện khiến dư luận cho rằng đây không chỉ là sự sai sót lẻ lẻ tình cờ, mà là sự cố ý có hệ thống.