Đến thăm ông Albrecht

Ts. Ernst Albrecht là cựu Thống đốc bang Niedersachsen (Ministerpräsident von Niedersachsen) từ 1976 tới 1990, thủ phủ Hannover. Trong thời gian cầm quyền, Ông đã có việc làm nhân đạo để đời với người tị nạn VN tại Đức.

Trong giai đoạn cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, thảm cảnh thuyền nhân tị nạn Việt Nam (Boat-People), vượt biển chín phần chết một phần sống, đã làm dư luận thế giới xúc động. Người Việt quyết tâm bỏ nước ra đi trên những chiếc ghe bé nhỏ, theo ước lượng của Cao ủy Tị nạn LHQ, hàng chục ngàn người đã bỏ xác trên biển trước giông bão, hải tặc, đói khát… Ông Albrecht và gia đình Ông không những chỉ xúc động mà chính Ông đã quyết định hành động. Tuyên bố của Thống đốc Albrecht, bang Niedersachsen nhận đầu tiên 1.000 người tị nạn VN đến Đức vào cuối năm 1978, trước hết một phần từ con tầu tị nạn Hải Hồng và sau đó từ các ghe khác, được đa số dân chúng Đức nhiệt tình ủng hộ, là khởi đầu cho các nước Tây Âu nhận thuyền nhân tị nạn VN. Con tầu nhân đạo Cap Anamur, do Ts. Rupert Neudeck khởi xướng sau đó, bắt đầu hoạt động từ mùa hè 1979.


Ngày thứ sáu 5.4.2013 đã có cuộc hội ngộ của 4 người Việt với ông Albrecht ở tư gia của Ông tại Burgdorf, ngoại ô Hannover. Bốn người VN đến thăm Ông, đại diện cho 2 thế hệ người Việt tại Đức: Hai người đã tuổi trên 60, thuộc thế hệ 1 ở Đức, từng sinh hoạt trong các lãnh vực Nhân quyền, Văn hóa, Xã hội tại Đức, hai người thuộc thế hệ 2, sinh ra và lớn lên tại Đức, nói, hiểu và đọc được tiếng Việt, ra trường và có cuộc sống tự lập. Thế hệ 2 đến thăm ông Albrecht, như người „cháu“ đi xa về thăm Ông Bà (nội/ngoại).

Ông Albrecht sinh năm 1930, năm nay 83 tuổi. Từ vài năm nay Ông bị Alzheimer, (tại VN coi như bình thường, cho rằng vì tuổi già có lúc nhớ, lúc quên, lúc lẫn…)

Tiếp „khách VN“ đến thăm, Ông rất vui và cười rất tươi bắt tay từng người. Ông Neudeck (người sáng lập con tầu Cap Anamur*) cho biết cứ nhắc đến „người VN“ là ông Albrecht bao giờ cũng „sáng“ ra, vì quyết định nhận 1.000 người Việt đầu tiên vào nước Đức năm 1978 là  „Lebenswerk“ nhân đạo để đời của Ông. Từ nhiều năm nay, trong các sinh hoạt lớn của người Việt, về thuyền nhân VN, nếu sức khỏe cho phép, Ông đều có mặt bắt tay thăm hỏi từng người.

Cuộc hội ngộ hôm nay Ông rất vui, bà quản gia chăm sóc Ông đã sửa soạn cà phê, trà, bánh ngọt thịnh soạn mời „khách“. Ông hỏi thăm từng người từ đâu đến: Stuttgart, Ingolstadt và Hannover. Ông chân tình mời „khách“, cho biết nhà rộng rãi có phòng trống, có thể ở chơi và ngủ lại tại nhà Ông. Người con gái lớn của Ông là bà Ursula Von der Leyen ở chung nhà (đương kim Bộ trưởng Lao động liên bang trong nội các của bà Thủ tướng Merkel, hiện cùng với gia đình đang đi nghỉ dịp Lễ Phục sinh).

Điều thích thú ngạc nhiên, trong lúc nói chuyện, Ông rút ví ra, nhân dịp đến thăm „đầu năm“, Ông „lì xì“ cho 2 cháu gái và 2 khách „không còn trẻ“ mỗi người tờ 5,-Euro. Câu chuyện „chính trị“ duy nhất Ông trao đổi với „4 khách VN“ là việc Hòa giải và Liên minh Âu châu, chính sách nầy nước Đức theo đuổi từ ban đầu, làm giảm cuộc xung đột giữa các nước, mang lại hòa bình lâu dài cho Âu châu.

Trong phòng khách có một CD-Radio nhỏ, Ông vặn nhạc để mọi người nghe cho ấm cúng trong lúc thưởng thức cà phê-bánh ngọt. Ông cho biết vườn sau nhà rộng, có nuôi gà, có mấy con dê và ngựa. Hôm nay trời đẹp khô ráo, Ông hỏi có thích đi cùng với Ông ra thăm chuồng gà, cho các con thú ăn và đi dạo trong vườn ? Mọi người hoan nghênh đồng ý. Ông chuẩn bị sẵn bánh mì Toast và nước uống cho các con thú. Ông tuy gầy nhưng người còn rất tráng kiện, đi thoăn thoắt. Ông kể chuyện việc chăm sóc vườn, các con thú và hàng ngày đi dạo cho khỏe.

Phòng khách có cây dương cầm, Ông hỏi có ai biết chơi nhạc, „cháu gái thế hệ 2“, Christine Lê, sau ít do dự, đã dạo vài khúc nhạc. Ông rất thích thú, vỗ tay tán thưởng, luôn cười rất tươi.
 
Thời gian đến thăm qua mau, cũng 90 phút nói chuyện và đi dạo với Ông. Làm kỷ niệm, Ông tặng mỗi người một quyển sách của Ông „Erinnerungen, Erkenntnisse, Entscheidungen“ („Những hồi tưởng, những nhận thức, những quyết định“) với chữ ký của chính tác giả. Trước lúc ra về, thì người em ruột của Ông, George Alexander Albrecht, vừa đến trước cửa, từ Weimar lái xe đến thăm anh. Được biết người em nầy còn là một nhạc trưởng nổi tiếng tại Đức.

Chia tay chúng tôi chúc sức khỏe Ông. Tiễn khách ra cửa Ông bịn rịn siết chặt tay từng người. Chúng tôi bồi hồi, cảm xúc trước chân tình của Ông, „ân nhân“ của hàng ngàn người VN ở Đức và thầm nghĩ sẽ trở lại thăm Ông ngày không xa.

T.C. ghi (10.4.2013)


* Từ mùa hè 1979 con tầu nhân đạo Cap Anamur (do Ts. Rupert Neudeck khởi xướng) bắt đầu hoạt động tại vùng biển Đông, đến 1987 đã cứu hơn 11.000 thuyền nhân VN, đa số về Đức định cư. Từ năm 1985, khi chuyện „thuyền nhân VN“ bớt đi tính thời sự, sau các chuyến vớt người trên biển, người Việt vào Đức ngày gặp khó khăn. Ông Neudeck lúc đó có lần vận động „cầu cứu“ ông Albrecht. Với quyền hành Thống đốc bang Niedersachsen lúc đó, Ông cho ông Neudeck biết, nếu gặp khó khăn thì cứ mang thuyền nhân VN đến bang của Ông rồi giải quyết sau.
Cách hành xử nhân đạo „không bàn giấy“ (unbürokratisch) của ông Albrecht lại càng làm cho người Đức yêu chuộng nhân đạo và người VN thêm quý Ông.