10 sự kiện thế giới đáng chú ý trong năm 2020

Việt Tân

Cứ vào đầu tháng Mười Hai hàng năm, các nhân sự biên tập của Trang Web Việt Tân, Facebook Việt Tân, Youtube Việt Tân gặp gỡ nhau để bình chọn những tin tức Việt Nam và Thế Giới được cho là nổi bật nhất trong năm. Mỗi nhân sự được chọn từ 5 đến 10 tin tức mà mình cho là đáng chú ý nhất dựa trên ba tiêu chí: 1) Đặc thù nhất trong năm; 2) Có tác dụng hay ảnh hưởng lên xã hội; 3) Có những tác động lâu dài lên đời sống hay sự tiến bộ của nhân loại. 
Các đề nghị đã được tổng hợp lại và tuyển chọn. Sau đây là 10 sự kiện Thế Giới của năm 2020 có tầm ảnh hưởng và tính chất đặc thù nhất theo đánh giá của chúng tôi. Xin được giới thiệu đến quý độc giả.
 ***

  1. Đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu


Cuối tháng Mười Một, 2019, một loại virus Corona chủng mới gây chết người xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Mặc dù giới chức y tế tại địa phương đã cảnh báo nhưng chính quyền trung ương bưng bít thông tin và không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Lúc đó, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng đánh giá thấp tầm nguy hiểm và không xem đó là đại dịch. Cho đến ngày 9 tháng Giêng, 2020, khi đại dịch bùng nổ khắp 80 thành phố lớn ở Hoa Lục và bắt đầu lây lan sang một vài quốc gia Á Châu thì WTO mới vội vã xác nhận đây là một dịch bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn SARS-CoV-2 tác động toàn cầu. Đúng một tháng sau vào ngày 11 tháng Hai, WHO đặt tên đại dịch này là COVID-19.

Từ tháng Ba, 2020 đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu. Chính phủ của các quốc gia trên thế giới đã tiến hành đồng loạt các biện pháp đối phó nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân và ngăn chặn sự lây nhiễm như: Hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện tập họp đông người, đóng cửa trường học, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khuyến khích người dân ở nhà, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường; đồng thời thay đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc sang trực tuyến. Việc cấm đi lại đã khiến cho các ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn bị thiệt hại nặng nề, chính phủ của từng nước đã phải ra tay hỗ trợ tài chánh cho người dân cũng như trợ giúp các xí nghiệp cầm cự qua cơn đại dịch.

Tính cho đến nay, số người lây nhiễm trên toàn thế giới là trên 80 triệu, con số tử vong lên đến gần 2 triệu người. Có ba quốc gia bị thiệt hại về nhân mạng nặng nề nhất là Hoa Kỳ gần 20 triệu người lây nhiễm và gần 350 ngàn người tử vong), Ấn Độ trên 10 triệu người lây nhiễm và gần 150 ngàn người tử vong, Brazil gần 7,5 triệu người lây nhiễm và gần 200 ngàn người tử vong. Những tác hại to lớn của đại dịch COVID-19 đã khiến cho hầu hết các quốc gia trên thế giới công kích chính quyền Bắc Kinh đã cố tình bưng bít khi dịch bùng phát ở Vũ Hán và không minh bạch về những triệu chứng nguy hiểm của virus corona, đồng thời tố cáo WHO đã đồng lõa với chính quyền Trung Quốc chậm trễ trong việc đối phó với đại dịch.

Trong hội nghị trực tuyến của WHO với sự tham dự của 194 quốc gia thành viên vào ngày 19 tháng Năm, 2020, đa số đã thông qua Nghị Quyết thành lập một nhóm độc lập điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Tuy Nghị Quyết không đề cập đến Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã tìm mọi cách ngăn chặn nhóm điều tra mà WHO thành lập đến thu thập dữ kiện hoặc phỏng vấn những giới chức y tế tại Vũ Hán và một số thành phố.  Mãi cho đến trung tuần tháng Mười Một vừa qua, trước sức ép của quốc tế, Trung Quốc mới chấp nhận một phái đoàn điều tra trong đó không có những nhà khoa học Hoa Kỳ và một nước Âu Châu.

  1. Hong Kong đang bị nhuộm đỏ


Bắt nguồn từ sự kiện chính quyền Hong Kong muốn thông qua Luật Dẫn Độ do Bắc Kinh dàn dựng, các cuộc biểu tình chống đối của người dân Hong Kong đủ mọi thành phần bùng nổ kéo dài liên tục nhiều tháng. Kế tiếp là thắng lợi vang dội của phe dân chủ Hong Kong trong cuộc bầu cử cấp quận cuối tháng Mười Một, 2019. Những chuyển biến này đã làm cho lãnh đạo Bắc Kinh hoảng sợ vì nhận ra xu hướng đòi độc lập của Hong Kong đã lên cao độ, ảnh hưởng rất lớn lên uy tín và quyền lực lãnh đạo của Tập Cận Bình. Bắc Kinh cũng như lo sợ phe dân chủ tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hội Đồng Lập Pháp Hong Kong vào tháng Chín, 2020, và sẽ trở thành lực đối đầu với chính quyền Bắc Kinh nhằm đòi tách rời khỏi sự kiểm soát của Hoa Lục.

Trong nỗi hoảng loạn đó, Tập Cận Bình cho ban hành Đạo Luật An Ninh Quốc Gia phiên bản Hong Kong nhằm đàn áp phe dân chủ trong việc vô hiệu hóa nỗ lực dân chủ của người dân Hong Kong trong nhiều thập niên qua. Không cần một thời hạn chuẩn bị, bộ luật được công bố và có hiệu lực ngay tức khắc từ giữa đêm 30 tháng Sáu 2020. Đạo luật quy kết những đòi hỏi và hoạt động ôn hòa của người dân Hong Kong vào những tội danh như hoạt động lật đổ, khủng bố, cấu kết với thế lực nước ngoài, đòi ly khai, v.v… Người vi phạm những quy định này có thể bị tuyên án tù cao nhất tới chung thân. Việc ban hành Luật An Ninh Quốc Gia của Bắc Kinh cũng cho người ta thấy là nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” tại Hong Kong coi như cáo chung sau 23 năm Anh trao trả cho Trung Cộng từ năm 1997, chứ không chờ đến năm 2047 như đã cam kết.

Tất cả các quốc gia trên thế giới như Anh, các nước trong khối Liên Âu, Nhật Bản, Úc Châu đều chống lại Luật An Ninh Quốc Gia của Bắc Kinh. Đặc biệt, chính quyền Hoa Kỳ quyết định ngưng quy chế ưu đãi cho Hong Kong và đưa ra luật chế tài đối với các viên chức Trung Quốc và Hong Kong. Lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ cũng thông qua Đạo Luật Bảo Vệ Dân Chủ và Nhân Quyền Hong Kong (Hong Kong Human Rights and Democracy Act). Hàng triệu người dân Hong Kong xuống đường phản đối đạo luật tiêu diệt nền tự do dân chủ của Hong Kong nhưng những cuộc biểu tình bị lực lượng an ninh được điều từ Hoa Lục đến đàn áp thô bạo. Nhiều nhà hoạt động Hong Kong tuyên bố giải tán nhóm, tổ chức của mình để không trở thành đích nhắm của Luật An Ninh.

  1. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chưa từng có tiền lệ


Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 được ghi nhận là cuộc bầu cử đầy kịch tính trong bối cảnh nước Mỹ bị nhấn chìm trong ba cuộc khủng hoảng đan chéo nhau: Đại dịch COVID-19, biểu tình chống kỳ thị sắc tộc và suy thoái kinh tế. Nhưng cuộc bầu cử đã có số người đi bầu cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Hơn 158 triệu 200 ngàn người đã bỏ phiếu. Liên danh cựu Phó Tổng Thống Joe Biden và nữ Thượng Nghị Sĩ Kamala Harris nhận được 81 triệu 283 ngàn phiếu. Liên danh đương kim Tổng Thống Donald Trump và Phó Tổng Thống Mike Pence nhận được 74 triệu 223 ngàn phiếu. Trong cuộc bỏ phiếu của Đại Cử Tri Đoàn thuộc 50 tiểu bang và khu vực Washington D.C vào ngày 14 tháng 12, liên danh Biden – Kamala được 306 phiếu Đại Cử Tri, liên danh Trump – Pence được 232 phiếu Đại Cử Tri.  Theo hiến định, ông Joe Biden là tổng thống đắc cử và bà Kamala Harris là phó tổng thống đắc cử của nhiệm kỳ 2021-2025.

Tuy nhiên, phía Tổng Thống Donald Trump ngay từ rạng sáng mồng 4 tháng Mười Một, lúc cuộc kiểm phiếu vẫn còn đang diễn ra tại các tiểu bang, đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử có sự gian lận ở diện rộng. Nhóm luật sư phụ trách pháp lý của Tổng Thống Donald Trump đã nộp hơn 60 đơn kiện lên các tòa án tiểu bang, liên bang và cả Tối Cao Pháp Viện để yêu cầu hủy kết quả bầu cử tại một số tiểu bang chiến địa. Tuy nhiên tất cả đã bị Tòa bác bỏ vì không có những bằng cứ gian lận nào được đệ nạp một cách cụ thể, nhưng các diễn biến kiện tụng này đã tạo chia rẽ trầm trọng trong xã hội và làm dao động nền dân chủ Hoa Kỳ. Điều đáng chú ý là sự phức tạp của cuộc bầu cử đã bị tác động nặng nề thêm bởi nạn tin giả và thuyết âm mưu dày đặc trên mạng xã hội, không những gây hoang mang, chia rẽ trong xã hội Hoa Kỳ mà còn tạo ra tình trạng xung đột gay gắt giữa những người ủng hộ Trump hoặc chống Trump tại nhiều nơi trên thế giới.

Theo Hiến Pháp Mỹ, ngày mồng 6 tháng Giêng, 2021, tân lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ khóa 117 nhóm họp dưới sự chủ tọa của đương kim Phó Tổng Thống Mike Pence sẽ chính thức đếm lại phiếu Đại Cử Tri của hai liên danh và bên liên danh nào đạt quá 270 phiếu Đại Cử Tri sẽ chính thức là tổng thống và phó tổng thống thứ 46 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Lễ nhậm chức và chính thức chuyển giao quyền lực diễn ra vào ngày 20 tháng Giêng, 2021. Hiện nay, quá trình chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho Tổng Thống đắc cử Biden vẫn diễn ra theo đúng trình tự và thời hạn, mặc dù phía Tổng Thống Donald Trump vẫn cho đây là cuộc bầu cử gian lận và tuyên bố sẵn sàng thách thức kết quả kiểm phiếu Đại Cử Tri tại Quốc Hội vào ngày 6 tháng Giêng. Trong khi đó, Tổng Thống đắc cử Biden đã công bố danh tánh một số bộ trưởng trong nội các mới. Giới bình luận chính trị Hoa Kỳ đánh giá cao sự đa dạng cũng như khả năng và kinh nghiệm của những người được đề cử. Những người này cần phải được Thượng Viện phê chuẩn trước khi được tân tổng thống chính thức bổ nhiệm và tuyên thệ nhậm chức.

  1. Cuộc chạy đua chế tạo vaccine COVID-19


Trận chiến phòng và chống đại dịch COVID-19 không chỉ là ngăn ngừa việc lây nhiễm, cứu cũng như giảm số người tử vong mà còn là cuộc chiến đấu tìm ra những loại vaccine để chấm dứt dịch bệnh trong lâu dài. Cuộc chiến này đã đuợc đội ngũ các nhà khoa học của hơn 45 quốc gia trên toàn thế giới bắt tay vào việc nghiên cứu bất kể ngày đêm, từ cuối tháng Hai, 2020. Đến tháng Mười, một số viện nghiên cứu từ các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Anh, Đức, Brazil, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã công bố một số kết quả. Lúc đó có khoảng 10 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng: 1/ Moderna (Hoa Kỳ); 2/ CanSino với Viện Công Nghệ Sinh Học Bắc Kinh (Trung Quốc); 3/ AstraZeneca và Đại Học Oxford (Anh Quốc); 4/ Viện Nghiên Cứu Gamaleya (Nga); 5/ Sinopharm và Viện Sản Phẩm Sinh Học Bắc Kinh (Trung Quốc); 6/ Janssen (Hoa Kỳ); 7/ Sinovac và Viện Butantan (Brazil); 8/ Sinopharm và Viện Sản Phẩm Sinh Học Vũ Hán (Trung Quốc); 9/ Novavax (Hoa Kỳ); 10/ Viện Pfizer (Hoa Kỳ) và BioNtech (Đức).
Mục đích của vaccine thường là đưa virus vào hệ thống miễn dịch một cách vô hại để giúp hệ thống miễn dịch nhận ra kẻ xâm lược và “lâm chiến” chống địch bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, có nhiều cách để làm điều này và các nhà nghiên cứu đang sử dụng cách tiếp cận khác nhau. Hiện nay, hai loại vaccine của Pfizer & BioNtech và Moderna đã được Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) của Hoa Kỳ chứng nhận và bắt đầu cho tiêm chủng ngừa đại chúng tại Hoa Kỳ cũng như tại Anh, Canada và các nước trong khối Liên Âu kể từ đầu tháng Mười Hai, 2020. Có thế nói, trong cuộc chạy đua tìm vaccine COVID-19, Hoa Kỳ là nơi đã đi tiên phong trong việc thí nghiệm, sản xuất và bắt đầu tiêm chủng ngừa ở diện rộng trong khi các quốc gia khác như Trung Quốc, Nga vẫn còn trong giai đoạn “thử nghiệm” tiêm chủng.

Vaccine của Pfizer & BioNTech do hai vợ chồng khoa học gia người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ là Tiến Sĩ Ugur Sahin và Ozlem Tureci đã dành ra nhiều năm trước đây nghiên cứu về công nghệ mRNA, chuỗi gien được đưa vào cơ thể giúp tự vệ chống lại virus corona và các mối đe dọa khác. Trong khi đó, vaccine của Moderna đến từ sự đóng góp rất lớn của một nhóm khoa học gia tại Viện Nghiên Cứu về Vaccine thuộc National Institutes of Health (NIH), đứng đầu bởi Bác Sĩ Berney Graham và Tiến Sĩ Kizzmekia Corbett. Moderna cũng dựa trên công nghệ mRNA (messenger Rubonucleic Acid) để nghiên cứu và dùng Trí Tuệ Nhân Tạo với các máy vi tính chạy rất nhanh trước khi được bào chế và thử nghiệm. Cả hai loại vaccine đều sử dụng cùng một cách tiếp cận là tiêm một phần mã di truyền của virus để tạo ra phản ứng miễn dịch. Dữ liệu sơ bộ cho chúng ta thấy rất giống nhau về độ an toàn và hiệu năng phòng bệnh lên tới 95%. Vaccine của Moderna dễ bảo quản và chuyển tải hơn vì cần giữ ở nhiệt độ âm -20°C (-4°F) trong 30 ngày, trong khi vaccine  của Pfizer & BioNTech phải bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh -70°C (-94°F) và chỉ giữ được 5 ngày. Vaccine thứ 3 của AstraZeneca/Oxford, chưa được FDA của Mỹ chấp thuận hiện đang được sản xuất tại Ấn Độ và chờ được chính phủ Ấn và Anh chuẩn thuận.

  1. Cuộc chiến công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc


Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được Tổng Thống Donald Trump phát động vào tháng Ba, 2018 để ngăn chặn những hành vi thương mại không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ từ Bắc Kinh. Kể từ đó hai phía đã tung ra các biện pháp áp thuế lẫn nhau không chỉ tạo ra tình trạng căng thẳng giữa hai nước mà còn có nguy cơ đe dọa sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sau 18 tháng xung đột không đi vào đâu, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tạm ngưng cuộc chiến qua việc ký kết bản Thỏa Thuận số 1 vào ngày 15 tháng Giêng, 2020 tại Tòa Bạch Ốc. Qua thỏa thuận này, Bắc Kinh chịu mua thêm 200 tỷ Mỹ Kim sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa dịch vụ và những cung ứng về năng lượng trong hai năm 2020-2021. Ngược lại phía Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ thuế quan đánh vào điện thoại di động, đồ chơi và máy laptop, cũng như bỏ một nửa thuế quan 7,5% đánh vào 120 tỷ Mỹ Kim những mặt hàng như truyền hình, dụng cụ nghe bluetooth và giày dép nhập vào thị trường Mỹ. Hai phía dự trù sẽ tiếp tục đàm phán trong giai đoạn 2.

Nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến cho mọi thứ bị đảo lộn. Trung Quốc không những không thực hiện lời hứa mua 50 tỷ Mỹ Kim hàng nông phẩm của Mỹ, mà còn có những hành động bá quyền trên Biển Đông và nhất là công khai cạnh tranh sức mạnh mềm của Hoa Kỳ trên nhiều lãnh vực, đặc biệt là công nghệ cao. Với chiến lược thao túng công nghệ thế giới, Tập Cận Bình đã đưa ra chiến lược Made in China 2025 với chủ trương thu tóm 10 lãnh vực công nghệ cao vào năm 2025 cùng với việc nuôi dưỡng các công ty như Huawei, Alibaba, Tencent, Xiaomi, Baidu, ByteDance, ZTE để cạnh tranh với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dù Trung Quốc cố gắng nổi lên mạnh mẽ như một cường quốc công nghệ nhưng không dễ gì có thể soán được ngôi vị của Hoa Kỳ vì Trung Quốc phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong những công nghệ quan trọng nhất như bán dẫn, hệ điều hành, chip… dù đã tự chủ trong các lãnh vực liên quan đến tiêu dùng và mạng xã hội.

Tổng Thống Donald Trump coi việc ngăn chặn tham vọng công nghệ cao của Trung Quốc là mối bận tâm chính. Vì vậy ông đã ban hành hàng loạt các lệnh hành pháp nhằm trừng phạt các công ty công nghệ cao của Trung Quốc như ZTE, Huawei, WeChat (Tencent), TikTok (ByteDance). Mục tiêu của Hoa Kỳ là giới hạn một cách nghiêm ngặt hơn việc tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ Hoa Kỳ và cắt đứt chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghệ cao vào Trung Quốc, đặc biệt từ Đài Loan, nơi mà một số công ty Hoa Kỳ như Intel, NVIDIA, AMD đặt nhà máy sản xuất. Theo Bloomberg, Trung Quốc phụ thuộc vào công nghệ Hoa Kỳ nhiều nhất ở ngành bán dẫn, với các sản phẩm như chip máy tính, điện thoại và chip chuyển mạch cũng như hệ điều hành Windows của Microsoft. Đây đều là những thành phần không thể thiếu trong các thiết bị thông minh, và các hãng Trung Quốc gần như chưa có giải pháp thay thế hợp lý.

  1. Giới trẻ Thái Lan thách đố Hoàng Gia Thái


Nói đến tình hình chính trị tại Thái Lan trong gần hai thập niên vừa qua, hình ảnh gây ấn tượng nhất là những cuộc biểu tình rầm rộ giữa hai phe áo Vàng (ủng hộ Hoàng Gia và phe quân đội) và phe áo Đỏ (lực lượng quần chúng ủng hộ phe dân sự mà cụ thể là thế lực chính trị của cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra). Nhưng từ khi Tướng Prayut Chan-o-cha làm cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền dân sự của nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra và lên nắm quyền từ năm 2014 cho đến nay, tình hình chính trị tại Thái Lan đã thay đổi. Đó là sự xuất hiện một phong trào trẻ tham gia vận động chính trị dân chủ với sự ra đời của đảng Hướng Đến Tương Lai (Future Forward Party) vào năm 2018. Đảng này đã cùng với đảng Pheu Thai thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Năm, 2019; nhưng phe quân đội và Tướng Prayut đã có những vận động ngầm ở hậu trường để Tướng Prayut tiếp tục được bầu làm thủ tướng.

Nhằm ngăn chặn làn sóng đấu tranh của giới trẻ, Thủ Tướng Prayut đã để cho tòa án hôm 21 tháng Hai, 2020 ra phán quyết giải tán đảng Hướng Đến Tương Lai và cấm 15 người trong ban lãnh đạo không được hoạt động chính trị trong 10 năm, với lý cớ là đã vi phạm luật đảng phái khi nhận khoảng 6 triệu Mỹ Kim từ tỷ phủ Thanathorn Juangroongruangkit, người sáng lập ra đảng này. Biến cố này đã khiến cho giới trẻ Thái Lan phẫn nộ và làm bùng nổ các cuộc biểu tình chống chính phủ khắp thủ đô Bangkok. Tuy nhiên đến tháng Ba, do đại dịch COVID-19 bùng nổ với lệnh cách ly xã hội, nên mọi cuộc biểu tình bị khựng lại. Mãi cho đến tối Chủ Nhật, ngày 16 tháng Tám, hơn 10 ngàn sinh viên Thái Lan và quần chúng đã tràn ngập đại lộ Ratchadamnoen và Quảng Trường Dân Chủ, thủ đô Bangkok, khởi động lại những cuộc biểu tình đòi Thủ Tướng Prayut thực thi ba yêu sách: Giải tán quốc hội, sửa đổi hiến pháp, chấm dứt sách nhiễu những ai chống chính phủ.

Nhưng đến tháng Mười, các cuộc biểu tình tăng cường yêu sách, đòi Thủ Tướng Prayut từ chức và đặc biệt yêu cầu cải cách Hoàng Gia. Sinh viên Thái Lan đã đưa ra 10 đòi hỏi, trong đó có một số yêu sách quan trọng như: Bãi bỏ Điều 6 của Hiến Pháp năm 2017 không cho phép bất cứ ai kết tội chống lại nhà Vua; Bãi bỏ Điều 112 của Bộ Luật Hình Sự cũng như cho phép người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận về chế độ quân chủ và ân xá cho tất cả những người bị truy tố vì chỉ trích chế độ quân chủ; Chấm dứt việc thực hiện đặc quyền của Hoàng Gia đối với việc bày tỏ chính kiến ​​trước công chúng. Đây là những đòi hỏi được coi là “phạm thượng” vì bị luật pháp Thái nghiêm cấm; nhưng giới trẻ Thái đã vượt qua ngưỡng cửa sợ hãi, đứng lên kêu gọi một cuộc thay đổi căn bản, nhằm xây dựng một nền tảng chính trị dân chủ cho Thái Lan mà cụ thể là “Nhà vua không được phê chuẩn bất kỳ cuộc đảo chính của quân đội nào nữa.” Các cuộc biểu tình của giới trẻ Thái Lan vẫn còn đang tiếp diễn.

  1. Cuộc chiến công hàm về Biển Đông


Lợi dụng vào lúc Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực bận tâm giải quyết những tác hại của đại dịch COVID-19, Trung Quốc một mặt gia tăng khống chế Hong Kong qua Luật An Ninh Quốc Gia, uy hiếp Đài Loan và nhất là đưa nhóm tàu Liêu Ninh cùng với hai khu trục hạm trang bị hỏa tiễn lớp 52D, hai khinh hạm trang bị hỏa tiễn lớp 54A, một tàu tiếp liệu lớp 901 đến Biển Đông và mở các cuộc tập trận bắn đạn thật. Để đối phó, Hoa Kỳ đã đưa cùng lúc ba hàng không mẫu hạm sử dụng năng lượng hạt nhân đến Biển Đông. Các tàu USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt hoạt động ở vùng Tây Thái Bình Dương, còn USS Nimitz hoạt động ở vùng Đông Thái Bình Dương kể từ giữa tháng Sáu, 2020 trở đi. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã hợp tác với lực lượng hải quân của Nhật Bản, Úc Châu và Ấn Độ liên tục tổ chức các cuộc tập trận trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đặc biệt, lực lượng Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tổ chức tập trận chung trên biển Hoa Nam để bảo vệ quần đảo Đài Loan, và đảo Senkaku của Nhật Bản mà Trung Quốc nhiều lần muốn chiếm đóng.

Bên cạnh những căng thẳng do các cuộc tập trận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gây ra, tình hình biển Đông năm 2020 có một dấu ấn mới, đó là cuộc chiến pháp lý liên quan đến hàng loạt các công hàm của một số quốc gia lên tiếng phản đối chủ trương “Quyền Lịch Sử” của Trung Quốc về đường chín đoạn trên Biển Đông. Trong vòng 10 tháng, từ tháng Mười Hai, 2019 đến tháng Chín, 2020 đã có tất cả 16 Công Hàm, 2 Công Thư Ngoại Giao và một Tuyên Bố (thông qua Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc) đã được công bố. Brunei gửi một Tuyên Bố, Malysia gửi 2 Công Hàm, Phi Luật Tân gửi 2 Công Hàm, Việt Nam gửi 3 Công Hàm, Indonesia gửi 2 Công Hàm, Trung Quốc gửi 5 Công Hàm, 1 Công Thư Ngoại Giao, Úc Châu gửi 1 Công Hàm, Anh – Pháp – Đức cùng gửi 1 Công Hàm và Hoa Kỳ gửi 1 Công Thư Ngoại Giao. Đặc biệt là Thông Cáo Báo Chí của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 13 tháng Bảy, 2020 lên án các hảnh vi phi pháp và bắt nạt của Trung Quốc đối với các nước trong vùng, đã mở đầu một loạt những tuyên bố mạnh mẽ sau đó của các quốc gia đồng minh rẳng các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông là “không có căn cứ pháp lý.”

Điểm nhấn chính của các công hàm là đòi Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Liên Hiệp Quốc vào năm 2016 về việc Phi Luật Tân kiện Trung Quốc. Các nước cho rằng phán quyết của Tòa là chung thẩm. Từ những nỗ lực này đã khuyến khích các quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Phi Luật Tân mạnh dạn hơn trong các tuyên bố về chủ quyền cũng như sẵn sàng tham gia và hợp tác với Bộ Tứ (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ) trong việc giải thích và áp dụng Luật Biển trong toàn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ngoài ra, sau khi lên tiếng chung trong một Công Hàm phản đối Trung Quốc, ba quốc gia Đức, Pháp và Anh lần đầu tiên đưa ra chính sách về Biển Đông khẳng định rẳng Trung Quốc không có “cơ sở pháp lý nào” để tuyên bồ chủ quyền trên vùng biển này. Anh Quốc chính thức đưa hàng không mẫu hạm HSM Queen Elizabeth đến Biển Đông và hợp tác với Nhật tuần tra cả biển Hoa Nam. Trong khi đó Pháp dự trù đưa hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle hợp tác với lực lượng Ấn Độ để tuần tra Ần Độ Dương và Biển Đông vào năm 2021. Những diễn biến nói trên đã thúc đẩy Trung Quốc hứa soạn thảo nhanh chóng Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông với khối ASEAN mà Bắc Kinh đã cố tình trì hoãn từ năm 2003 cho đến nay.

  1. Những tác hại của biến đổi khí hậu


Biến đổi khí hậu là một thảm họa toàn cầu được giới chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm qua, nhưng riêng trong năm 2020 thế giới đã hứng chịu thiên tai nhiều hơn bao giờ hết.

Trước hết là nạn Khô Hạn – Cháy Rừng ở diện rộng, khiến cho hàng chục triệu hecta ở nhiều nơi bị tàn phá mà mọi cố gắng của con người để ngăn ngừa hầu như vô vọng, chỉ nỗ lực dập lửa và giới hạn tác hại. Độ hâm nóng toàn cầu cũng khiến cho nhiều nơi trên quả đất bị hạn hán trong thời gian dài với những cơn cháy bộc phát rất nhanh. Những cơn gió nóng mang mồi lửa qua những địa phương kế cận tạo nên tình trạng cháy nhiều nơi cùng lúc khiến mọi nỗ lực của con người chỉ như muối bỏ biển. Trong năm 2020, có ba nơi đã xảy ra nạn cháy rừng khủng khiếp nhất hành tinh là rừng Amazon với gần 7000 đám cháy. Tại Úc Châu đã thiêu rụi 12 triệu 600 ngàn hecta đất rừng, khiến môi trường sống của hàng tỷ thú rừng nơi đây bị hủy diệt, chưa kể đến thiệt hại vật chất và nhân mạng con người. Tại Hoa Kỳ, nhiều trận cháy đã liên tục bùng phát ở các tiểu bang California, Oregon và Washington với mức độ gấp trăm lần so với những năm trước. Ước tính các đám cháy đã tiêu hủy gần 2 triệu hecta khu rừng miền Tây nước Mỹ, gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hơn 20 tỷ Mỹ Kim.

Kế đến là nạn Mưa Bão – Lũ Lụt cũng đã tàn phá, hủy hoại môi trường, tài sản và mạng sống con người không nhỏ ở nhiều quốc gia. Trung Quốc là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 70 triệu người từ 28 tỉnh và thành phố bị ảnh hưởng bởi những trận mưa và lũ lụt liên tục từ tháng Năm kéo dài đến tháng Chín, 2020, làm 271 người chết, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 29 tỷ Mỹ Kim. Tổng cộng 751 con sông ở Trung Quốc đã vượt qua mức cảnh báo và một số con sông lớn bao gồm sông Dương Tử, Hoàng Hà và Thái Hồ đã phải hứng chịu lũ lụt. Lần đầu tiên ba lưu vực sông lớn này trải qua một trận lũ lụt ở cấp độ khu vực hoặc trên mức trung bình kể từ năm 1998. Riêng đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới đã phải gánh đến 5 đợt lũ lớn. Đỉnh điểm là vào ngày 20 tháng Tám, lưu lượng dòng chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp lên đến 75.000 mét khối/giây. Đập Tam Hiệp đã phải mở 11 cửa xả lũ với lưu lượng xả 49.400 mét khối/giây.

Tại Viêt Nam, chỉ riêng từ giữa tháng Chín đến giữa tháng Mười Một, 2020, bão, lũ đã xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Chỉ trong hai tháng có đến 8 cơn bão liên tục đổ xuống với cường độ dữ dội, gây ngập lụt, sạt lở kinh hoàng, khiến cho 342 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế lên tới 1,31 tỷ Mỹ Kim. Nhưng những thiệt hại phấn lớn là do tác hại của nạn phá rừng để làm thủy điện. Trong các năm qua, đã có hơn 50.000 hecta rừng bị tàn phá để nhường chỗ cho 824 nhà máy thủy điện. Trung bình để xây một thủy điện mất hết 59 hecta rừng. Đặc biệt là vụ sạt lở ngọn núi nằm cạnh Thủy Điện Rào Trăng 3 ở Huế vào ngày 12 tháng Mười đã san phẳng nhà điều hành, khiến 17 công nhân bị vùi lấp mà cho đến nay vẫn chưa tìm ra thi thể các nạn nhân. Ngoài những vấn nạn lũ lụt và cháy rừng, năm 2020 còn là một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận với nhiệt độ trung bình toàn cầu chạm mốc tăng 1,2°C. Có khoảng 10 triệu người mất nơi cư trú trong năm nay, phần lớn do các thảm họa khí tượng thủy văn.

  1. Căng thẳng Úc – Trung: “Châu chấu đá xe”


Quan hệ giữa Úc Châu và Trung Quốc bắt đầu xấu đi vào khoảng tháng Tư, 2020 khi bà Ngoại Trưởng Úc Châu Marise Payne tỏ ý nghi ngờ về sự minh bạch của Bắc Kinh trong đại dịch COVID-19, đồng thời yêu cầu điều tra quốc tế về nguồn gốc và cách lây lan của đại dịch này. Ngay lập tức, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đáp trả bằng cách tấn công bà Ngoại Trưởng Payne rằng “lời kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19 là nguy hiểm mang tính thao túng chính trị.” Đồng thời Đại Sứ Trung Quốc tại Canberra Cheng Jingye lên giọng kiểu “ngoại giao chiến lang” hăm dọa rằng người tiêu thụ tại Trung Quốc sẽ tẩy chay các sản phẩm của Úc Châu như rượu vang, thịt bò và các dịch vụ du lịch. Chỉ vài tuần sau, 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của Úc gồm Kilcoy Pastoral, JBS’s Beef City, Dinmore Plants và Northern Cooperative Meat đã bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc do các vấn đề liên quan đến nhãn mác và kiểm dịch. Căng thẳng Úc – Trung bắt đầu bùng nổ mạnh từ đó.

Trong quan hệ giữa Úc Châu và Trung Quốc, phải nói là Úc ở về phía yếu hơn, khi dân số chỉ có 25 triệu trong lúc Trung Quốc là 1,4 tỷ người. Khoảng 32% tổng số hàng xuất cảng của Úc Châu là sang thị trường Trung Quốc, trị giá khoảng 123 tỷ Mỹ Kim (2019) gồm có quặng sắt, quặng kền, gỗ, len, tôm hùm, bông, lúa mạch, dược phẩm,… Ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Úc Châu chỉ chiếm một con số khiêm nhượng là 4% trong tổng số hàng nhập cảng của Úc. Chính vì lệ thuộc vào hàng xuất sang thị trường Trung Quốc nên từ nhiều năm qua, chính quyền Canberra giữ thái độ hòa hoãn và tránh né những lên tiếng hay hành động gây khó chịu đối với Bắc Kinh.

Bước ngoặt đánh dấu sự xuống dốc trong quan hệ hai nước bắt đầu vào năm 2017 khi chính phủ Úc ra lệnh cấm việc hiến tặng mang tính chính trị, vì có những chỉ dấu Trung Quốc bỏ tiền mua chuộc và tạo ảnh hưởng lên các chính trị gia Úc. Nhất là Úc vào năm 2018 là nước đầu tiên cấm sử dụng công nghệ 5G của công ty Huawei cũng như ngăn chặn 10 vụ đầu tư của Trung Quốc trong lãnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và hạ tầng cơ sở.

Nhưng sự kiện nước Úc sát cánh củng với Nhật Bản hình thành Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng Mười Hai, 2018 và tích cực tham gia vào Bộ Tứ (gồm Hoa Kỳ, Úc Châu, Nhật Bản, Ấn Độ) để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đã làm cho Bắc Kinh cảnh giác. Khi Úc lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh áp đặt Luật An Ninh Quốc Gia lên Hong Kong, cũng như gửi công hàm lên Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc phản đối chủ trương đường 9 đoạn và bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã khiến cho Bắc Kinh giận dữ. Đầu tháng Mười Một, Bắc Kinh đơn phương tăng 200% thuế lên các loại rượu vang nhập từ Úc và hăm dọa sẽ ngăn chặn việc nhập khẩu đường, tôm hùm, than đá và quặng đồng. Hiện nay chính phủ Úc đang khiếu nại lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) về việc Trung Quốc áp thuế lên lúa mạch của nước này. Căng thẳng Úc – Trung tiếp tục kéo dài sang năm 2021.

  1. Hiệp Định Thương Mại RCEP lớn nhất thế giới ra đời


Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực – Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP) đã được ký kết qua trực tuyến hôm 15 tháng Mười Một giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, New Zealand và Trung Quốc. Đây là một thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới vào đầu Thể Kỷ 21 giữa các nước trong khu vực Á Châu – Thái Bình Dương, với thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm tới 30% GDP toàn cầu. Đáng lý ra Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất (chiếm 40% GDP toàn cầu) và có chất lượng nhất tiêu biểu cho nền thương mại của Thế Kỷ 21, nhưng vì Hoa Kỳ đã rút ra vào đầu năm 2017, nên khi RCEP ra đời, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, thì đây là một thắng lợi quan trọng của Trung Quốc trên mặt trận địa chính trị trong khu vực năng động nhất của thế giới hiện nay.

RCEP khởi đầu là ý tưởng của Khối ASEAN, đã được đưa ra thảo luận đầu tiên trong Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN năm 2011 tại Bali, Indonesia. Sau một năm chuẩn bị và vận động thêm sự tham dự của Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Châu, New Zealand và Ấn Độ, RCEP đã chính thức quyết định trong hội nghị thượng đỉnh họp tại Campuchia vào năm 2012. Tuy do ASEAN khởi xướng nhưng Trung Quốc là quốc gia đứng bên trong sắp xếp và điều hướng các cuộc đàm phán, bởi Bắc Kinh muốn dùng RCEP như  một thế trận đối trọng lại Hiệp Định TPP mà Hoa Kỳ cũng đang xúc tiến đàm phán với 11 quốc gia khác vào lúc đó. Sau khi Hoa Kỳ rút lui khỏi TPP vào tháng Giêng, 2017, Ấn Độ đã tuyên bố rút ra khỏi RCEP vào tháng Mười Một, 2019 vì không muốn nằm trong quỹ đạo khống chế của Bắc Kinh, nhưng lấy lý do là các ngành công nghiệp chế biến chưa sẵn sàng.

Trong khi TPP được coi là một hiệp định thương mại thế hệ mới có “chất lượng vượt trội” bao gồm điều khoản bảo vệ quyền của người lao động, bảo vệ các tiêu chuẩn về môi trường, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, bảo hộ chặt chẽ sở hữu trí tuệ, thì RCEP chỉ mang tính chất là một hiệp định thương mại bình thường với mục tiêu xóa bỏ 90% thuế quan nhập khẩu giữa các nước thành viên ký kết trong 20 năm tiếp theo, và thành lập được một quy tắc chung cho thương mại điện tử, trao đổi hàng hóa, và sở hữu trí tuệ.

Với RCEP vừa ký kết, Việt Nam tuy có lợi là trên nguyên tắc có thể mua được nguyên vật liệu từ các nước thành viên rẻ hơn, xuất khẩu nông sản và thủy sản nhiều hơn… nhưng chắc chắn không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa Trung Quốc khi Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt khó trụ nổi với sự cạnh tranh ác liệt từ các nước thành viên khác. Rốt cuộc Trung Quốc là kẻ hưởng lợi nhiều nhất về sự ra đời của RCEP cả trên hai mặt chính trị và thương mại./.