Có thật là man khai lý lịch?

bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo)

Trúc Giang  - (VNTB)

 Man khai lý lịch cũng giống như con voi chui tọt lỗ kim thôi mà. Chẳng gì mà ầm ĩ
 

Báo chí đưa tin, Tỉnh ủy Đắc Lắc sau khi xác minh đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, đã có kết luận, người mang tên Trần Thị Ái Sa giữ chức vụ trưởng phòng quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Lắc, có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo. 
 
Trần Thị Ngọc Ái Sa là tên chị gái của bà Thảo, lớn hơn bà Thảo 3 tuổi. Đương sự trong vụ việc cũng nhanh chóng xác nhận việc đã ‘man khai lý lịch’.
 
Có thật là cây kim trong bọc?
 
Bà Thảo với cái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa - tên chị gái bà Thảo, đang làm hộ lý ở Lâm Đồng, đã qua trót lọt các cửa ải của từng nấc thang công tác. Cái tên Ái Sa cùng bà vào cơ quan thuộc Tỉnh ủy Đắc Lắc, để tốt nghiệp đại học (10 năm trước), kết nạp Đảng, rồi được bổ nhiệm ngay làm phó phòng (6 năm trước), làm trưởng phòng (3 năm trở lại đây). 
 
Thủ tục kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại), theo quy trình như sau: Người vào Đảng phải có đơn tự nguyện xin vào Đảng; Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ; Được hai đảng viên chính thức giới thiệu.
 
Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu. Các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
 
Quy trình lý thuyết về thẩm tra lý lịch của người vào Đảng, gồm các bước như sau: thẩm tra về lý lịch cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).
 
Trách nhiệm của chi bộ và cấp uỷ cơ sở nơi có người vào Đảng là kiểm tra, đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch của người vào Đảng (chi uỷ chưa nhận xét và cấp uỷ cơ sở chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch). Sau đó gửi công văn đề nghị thẩm tra và lý lịch người xin vào Đảng đến cấp uỷ cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra; trường hợp cần thiết thì chi bộ cử đảng viên đi thẩm tra. Đảng viên đi thẩm tra có trách nhiệm báo cáo cấp uỷ những nội dung được giao bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước Đảng về nội dung đó.
 
Tổng hợp kết quả thẩm tra, ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch của người vào Đảng.
 
Về trách nhiệm của cấp uỷ cơ sở và cơ quan nơi được yêu cầu xác nhận lý lịch, như sau: Chỉ đạo chi uỷ hoặc bí thư chi bộ (nơi chưa có chi uỷ) và cơ quan trực thuộc có liên quan xác nhận vào lý lịch người xin vào Đảng.
 
Cấp uỷ cơ sở nơi đến thẩm tra sẽ thẩm định, ghi nội dung cần thiết về lý lịch của người xin vào Đảng do cấp uỷ nơi có người xin vào Đảng yêu cầu đã đúng, hay chưa đúng hoặc chưa đủ với nội dung người xin vào Đảng đã khai trong lý lịch; tập thể cấp uỷ hoặc ban thường vụ cấp uỷ thống nhất nội dung ghi vào mục “Nhận xét của cấp uỷ, tổ chức đảng...” ở phần cuối bản “Lý lịch của người xin vào Đảng”.
 
Người thay mặt cấp uỷ xác nhận, ký tên, ghi rõ chức vụ đóng dấu vào lý lịch và gửi cho cấp uỷ cơ sở có yêu cầu.
 
Tập thể lãnh đạo ban tổ chức cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng nơi được yêu cầu thẩm tra lý lịch thống nhất về nội dung trước khi xác nhận vào lý lịch của người xin vào Đảng.
 
Rõ ràng với hàng đống thủ tục hành chính như trên, thì man khai lý lịch như bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/ Trần Thị Ngọc Thảo là chuyện con voi chui tọt lỗ kim.
 
Khai man lý lịch đảng viên: đâu phải bây giờ mới có
 
Nếu lược lại các vụ cũng ‘man khai’ tương tự trong hàng ngũ đảng viên, dường như không hề ít.
 
Xin trích nhật ký phóng viên của người viết về vài vụ ‘man khai lý lịch’.
 
Thực hiện chủ trương rà soát “những người có công với cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để Nhà nước tặng huân chương, huy chương, bằng khen”, ông Đoàn Quốc Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Ninh huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam lợi dụng thời cơ này để kiếm cái Huân chương Kháng chiến lận lưng... 
 
Ông Dũng giao phó toàn bộ công việc lập hồ sơ khen thưởng cho Nguyễn Xuân Hiệp, cán bộ chuyên trách thi đua - khen thưởng thuộc Phòng Nội vụ huyện Nông Sơn thực hiện.
 
Ông Hiệp tự lập hồ sơ kê khai xét khen thưởng cho ông Dũng, cho bản thân và sẳn tiện làm luôn cho mấy chục người trong xã rồi đưa cho ông Dũng ký. Sẵn có chuyên môn, nghiêp vụ, ông Hiệp ‘phù phép’ những bộ hồ sơ đúng quy định và ông Dũng cũng không đắn đo, mạnh tay ký cả những hồ sơ do thuộc cấp lập ra.
 
Ông Đoàn Quốc Dũng sinh năm 1956, nhưng sau đó đã khai năm sinh thành năm 1932 cốt hợp lý hóa việc có tham gia kháng chiến chống Mỹ, mặc dù mẹ ruột ông ta sinh năm 1935. Nhờ đó ông Dũng được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba. 
 
Ông Đoàn Quốc Dũng cũng để cho vợ của ông là bà Trần Thị Cảnh, già đi 19 tuổi, từ sinh năm 1960 thành sinh năm 1941 để nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Mẹ của ông Đoàn Quốc Dũng cũng được làm bộ hồ sơ để được nhận huân chương. 
 
Dĩ nhiên về sau này với sự kiên trì tố cáo của các đảng viên địa phương, vụ ‘man khai lý lịch – gian dối thành tích’ của phe nhóm ông Đoàn Quốc Dũng cũng được lôi ra pháp luật với tất thảy gần 50 đảng viên khai man đủ thứ nhằm để được bổng lộc là công thần của chế độ.
 
Tuy nhiên không có tin tức việc xử lý cụ thể vụ án ở trên ra sao.
 
Một vài cái tên khác cũng thuộc chuyện ‘man khai’ đình đám không kém. Ở tỉnh ủy Hậu Giang có ông Lê Khả Đoàn - Phó chánh thanh tra tỉnh, khi được cấp lại giấy khai sinh vào ngày 9-9-2011, được ghi trong giấy khai sinh ngày tháng năm sinh là 28-5-1958, giảm đi 3 tuổi so giấy khai sinh trước đó.
 
Ông Đoàn tiếp tục điều chỉnh hộ khẩu, giấy CMND, bằng tốt nghiệp đại học... khác với nội dung đã khai trong lý lịch đảng viên, nhưng bỏ qua việc làm đơn gửi đến cấp ủy cơ sở để đề nghị cấp ủy cấp trên trực tiếp giải quyết, vì trong kê khai lý lịch hồ sơ đảng viên, ông Đoàn đã sử dụng các giấy tờ sinh ngày 30-6-1955, nay lại xin điều chỉnh giảm đi gần 3 tuổi trong thời điểm gần đến tuổi nghỉ hưu.
 
Ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có vụ ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Phó bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã khai điều chỉnh ngày tháng năm sinh từ 7-2-1954 sang ngày 7-2-1955. 
 
Cũng như ông Lê Khả Đoàn, ông Hoàng điều chỉnh năm sinh đúng thời điểm ông 59 tuổi, sắp về hưu theo chế độ. Khi Thành ủy Hà Nội thắc mắc thì ông Hoàng cho biết, đã khai tăng tuổi để đi bộ đội khi ông mới 17 tuổi. Kể từ đó, lý lịch quân nhân của ông sinh năm 1954 cho đến nay. 
 
Thành ủy Hà Nội đồng ý giải thích của ông Nguyễn Mạnh Hoàng, với lý do: động cơ khai tuổi giả ở đây xuất phát từ lòng yêu nước (!?).
 
Xem ra con khủng long thời tiền sử cũng có thể chui tọt lỗ kim!.
 
Ai đã khoét rộng lỗ kim để cho con voi chui qua?
 
Có một phép thử để biết ‘lỗ kim’ to hay nhỏ trong vụ Trần Thị Ngọc Ái Sa/ Trần Thị Ngọc Thảo ở cơ quan Tỉnh ủy Đắc Lắc là do những ai đã cố tình khoét. 
 
Trước tiên, trong khi chờ đợi các thủ tục từ cơ quan Đảng, phía Sở Tài chính tỉnh Đắc Lắc phát hành công văn gửi Phòng Kế toán Tỉnh ủy Đắc Lắc, yêu cầu bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/ Trần Thị Ngọc Thảo phải trả lại toàn bộ tiền lương do ngân sách tỉnh đã trả từ khi bắt đầu vào làm đến khi nghỉ việc. 
 
Lý do là tiền lương này không phải trả theo tên của người này, mà là tên của người khác trong bằng tốt nghiệp và giấy tờ khác. Bởi từ khi sử dụng bằng tốt nghiệp của người khác để làm việc, mọi hợp đồng giữa hai bên đã trở thành vô giá trị. 
 
Nói thêm cho rõ, trong lý lịch của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/ Trần Thị Ngọc Thảo có khoảng trống hai năm 2003, 2004 không ghi là làm việc ở đâu. Năm 2005 đến 2007, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/ Trần Thị Ngọc Thảo là kế toán tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắc Lắc. 
 
Từ 2007 – 2009, bà là Kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy Đắc Lắc. Từ 2009 – 2013, bà là kế toán tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Lắc. Từ 2013 – 2016, bà là phó Trưởng phòng Hành chính – Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy. 
 
Từ 2016 đến tháng đầu tháng 10-2016 khi bà xin nghỉ việc, bà là Trưởng phòng Hành chính – Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Lắc.
 
Lưu ý chức danh ‘kế toán trưởng’ ở cơ quan sử dụng ngân sách được xét bổ nhiệm theo quy trình rất chặt chẽ, vì đây là chức danh có quyền uy bậc nhất về tài chính ở cơ quan như Tỉnh ủy Đắc Lắc. 
 
Luật Kế toán, Điều 54. Tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng: 1. Kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây: a) Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này [*]; b) Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên; c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng; d) Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên, và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.
 
Rất có thể tuy chưa có bằng cấp tú tài, song bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/ Trần Thị Ngọc Thảo thực sự thông minh, giỏi dang trong các bước học hành kể từ khi vào làm việc tại Tỉnh ủy Đắc Lắc, với sự 'nâng đỡ trong sáng' của Chi bộ Đảng nơi đây. 
 
Trong trường hợp kiên quyết đòi lại tiền lương với những chức danh cộm cán như kể trên, và giả dụ không có mạnh thường quân nào giúp bà hoàn trả khoản tiền dự báo rất lớn đó - vì còn bao gồm cả các khoản học phí tại chức, nhiều khả năng bà Trần Thị Ngọc Ái Sa/ Trần Thị Ngọc Thảo sẽ tung ra các bằng chứng về áp phe đổi chác gì đó trong vụ việc tuyển dụng lao động này; nhất là theo đơn thư tố cáo, khoản trống nghề nghiệp trong lý lịch, chính là thời gian đương sự làm nghề gội đầu ngoài tiệm, rồi bất ngờ ngày đẹp trời nọ, bà được nhận vào làm việc ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắc Lắc...
 
Ai cũng biết là cái sảy vốn luôn ‘phải’ nảy cái ung ở mùa cơ cấu nhân sự Đảng.
 
Chú thích:
 
[*] Điều 51. Tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán.
1. Người làm kế toán phải có các tiêu chuẩn sau đây: a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; b) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.
2. Người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.