Facebook đổi tên Meta giữa tai tiếng bỏ lương tâm chạy theo lợi nhuận

Nhà đồng sáng lập Facebook, Mark Zukerberg giới thiệu Meta và vũ trụ Metaverse ngày 28/10/2021. AP - Eric Risberg
 
Thu Hằng - RFI 

Từ ngày 28/10/2021, Meta trở thành tên chính thức của công ty Facebook Inc., sở hữu các mạng xã hội Facebook và Instagram, hai ứng dụng nhắn tin WhatsApp và Messenger cùng với các thương hiệu kính thực tế ảo Oculus. Giữa tâm bão đánh mất lương tâm chạy theo lợi nhuận và nằm trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ, việc Facebook đổi tên chỉ là hình thức « bình mới rượu cũ », vẫn giữ bản chất cũ, theo chỉ trích của những người phản đối mạng xã hội có 3,5 tỉ người sử dụng. 

Ý nghĩa của tên Meta 

Meta, theo tiếng Hy Lạp cổ, mang ý nghĩa « trên cao », để cho thấy rằng « luôn có nhiều điều hơn để xây dựng ». Theo nhà đồng sáng lập Mark Zuckerberg, tên gọi Facebook Inc. hiện nay chỉ « liên quan đến một sản phẩm mà không thể thể hiện hết những gì chúng tôi đang làm và sẽ làm trong tương lai ». Meta còn hướng đến tham vọng Metaverse (siêu vũ trụ), được thể hiện qua logo của Meta, mầu xanh dương, theo hình số « 8 » nằm ngang tượng trưng cho vô cực trong toán học.  

Để quảng bá cho Meta, nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg dành một tiếng rưỡi để giới thiệu dự án Metaverse, một thế giới ảo song song với thế giới thực, như trong phim viễn tưởng. Trong thế giới được Zuckerberg gọi là « tương lai của internet », nhân vật đại diện (avatar) của người sử dụng có thể tương tác, làm việc với nhau và giải trí nhờ vào công nghệ như kính thực tế ảo.  

Tỉ phú Mỹ khẳng định « màn hình không thể truyền tải được cảm xúc sâu sắc như sự hiện diện của một người » nhưng vũ trụ ảo sẽ đạt được mục tiêu đó và trong tương lai, các avatar sẽ trông giống người thật hơn. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg trấn an rằng người sử dụng sẽ « không trở thành tù nhân của một thế giới hay một một nền tảng tin học ». Từ giờ đến 10 năm nữa, vũ trụ ảo có thể có « 1 tỉ người sử dụng, vài trăm tỉ đô la thương mại trực tuyến và vài triệu việc làm cho các nhà sáng tạo và lập trình viên ». Tập đoàn thông báo đầu tư nhiều tỉ đô la trong những năm tới và tuyển khoảng 10.000 người ở châu Âu để thực hiện dự án.  

Vũ trụ ảo để « trốn » cáo buộc thực tế 

Thông báo đổi tên của Facebook diễn ra đúng lúc tập đoàn đang phải đối mặt với những cáo buộc mới vì cố tình phớt lờ những hậu quả cho con người, xã hội và chính trị để thu hút tối đa sự chú ý của người sử dụng. 

Vụ việc được Frances Haugen, một cựu nhân viên Facebook, đánh động sau khi từ chức vào tháng 05/2021 và mang theo vài chục nghìn trang thông tư, ghi chép nội bộ. Frances Haugen được tuyển vào Facebook để điều hành một nhóm phụ trách soạn thảo những biện pháp bảo vệ người sử dụng và hạn chế hậu quả của những thông tin sai lệch đăng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những khuyến cáo hay đề xuất của cô toàn bị bỏ ngoài tai. Từ những tài liệu được Frances Haugen cung cấp, báo Wall Street Journal đã dành một số đặc biệt tăng thêm trang để đăng vụ « Facebook files », cáo buộc mạng xã hội chỉ quan tâm thu tối đa lợi nhuận.  

Giới lãnh đạo Facebook bị cáo buộc cố tình bỏ ngoài tai cảnh báo của các nhà nghiên cứu trong công ty về những tác động tiêu cực của nền tảng và thuật toán quyết định tương tác giữa những người sử dụng. Tác động độc hại của mạng xã hội Instagram đến thiếu niên (như quá chú ý đến hình thể, phong cách sống gây chứng rối loạn ăn uống và tâm lý cho nhiều người sử dụng trẻ), được nêu trong một cuộc điều tra nội bộ tháng 03/2020, cũng bị các lãnh đạo tập đoàn bỏ qua. Facebook không hành động vì sợ làm giảm hoạt động của các mạng xã hội, trong khi đây là nguồn thu chính từ quảng cáo. 

Những tài liệu được đưa ra ngoài cũng cho thấy Facebook « thiên vị » người nổi tiếng (ca sĩ, nghệ sĩ, chính trị gia…) có hàng triệu người theo, nhờ một hệ thống miễn quy tắc kiểm duyệt. Những người nằm trong « danh sách trắng » này có thể chia sẻ những lời vu khống hay thông tin sai lệch. Ví dụ năm 2019, cầu thủ Neymar đã đăng trên tài khoản cá nhân nhiều bức ảnh khỏa thân của một phụ nữ đã cáo buộc bị cầu thủ cưỡng hiếp. Những bức ảnh này được đăng trong nhiều tuần, sau đó mới bị Facebook rút xuống. 

Sau Frances Haugen, một người đánh động thứ hai, xin ẩn danh, từng làm trong truy nhóm truy quét những thông tin độc hại được đăng trên Facebook, cũng cáo buộc ban giám đốc tập đoàn ưu tiên lợi nhuận hơn là hòa bình xã hội. Trong báo cáo, có tuyên thệ, gửi đến Văn phòng Thị trường Tài chính Hoa Kỳ (OFM) mà báo Washington Post tham khảo được, cựu nhân viên này cáo buộc là từ năm 2017, Facebook làm tất cả để làm chậm cuộc chiến chống thông tin sai lệch. Trước tiên là không để Donald Trump và các cố vấn của ông tức giận, đặc biệt là ông Steve Bannon. Facebook bị cáo buộc chỉ tìm cách làm tăng số người sử dụng, như vậy mới bảo đảm được sự thịnh vượng kinh tế của mạng xã hội. Thậm chí, người báo động này còn trích một câu của một cán bộ truyền thông Facebook : « Tất cả chuyện này chỉ là gió thoảng qua. Các nghị sĩ sẽ phẫn nộ một chút và sau đó là chìm xuống. Điều quan trọng là trong thời gian đó, chúng ta tiếp tục kiếm đẫy ».  

Mạng xã hội Facebook vượt khỏi tầm kiểm soát của công ty mẹ ?   

Ngoài ra, dường như Facebook không thực sự làm chủ được các mã tin học cho phép tự động kiểm tra bài đăng của 3,5 tỉ người sử dụng. Lý do là sự phức tạp của các hệ thống được Facebook phát triển mỗi năm có lẽ đã gây ra những hệ quả không kiểm soát được và không thể đoán được về những bài viết của người sử dụng trên khắp thế giới.  

Ví dụ, nhiều kĩ sư báo động về việc mạng xã hội không có khả năng giám sát những nội dung không được viết bằng tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Ả Rập. Khoảng 10% nội dung mang tính chính trị được người sử dụng Mỹ truy cập trong kỳ bầu cử gần đây đều là thông tin sai. Sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020, Facebook đã không ngăn được sự lan truyền của phong trào « Stop the steal » (Ngừng đánh cắp) kết quả bầu cử, do chính tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó khởi xướng. Tập đoàn đã cấm nhóm Stop the steal, xóa nhiều bài viết đưa tin sai lệch, nhưng người sử dụng và thuật toán vẫn tiếp tục tuyên truyền cho lập trường của phong trào này. 

Điều này cũng giải thích cho việc Facebook cũng bị lợi dụng vào mục đích xấu như các băng đảng ở Mêhicô chiêu dụ người mới, đào tạo hay tuyển sát thủ…, các mạng lưới mại dâm chào mời khách hay các nhóm tôn giáo cực đoan và chính trị kêu gọi tàn sát, như trường hợp ở Miến Điện… Ngay cả khi Facebook muốn truyền tải thông tin, như khuyến khích tiêm phòng, thì vẫn không đấu lại được những thông tin chống vac-xin hay những tin đồn gây nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của đại dịch, tràn ngập trên mạng xã hội. 

Trong tuần cuối tháng 10/2021, Facebook thừa nhận với các cổ đông là đang bị nhắm đến trong « nhiều cuộc điều tra » của chính phủ Mỹ. Tập đoàn của Mark Zuckerberg liên tục bị cáo buộc không bảo vệ dữ liệu cá nhân người sử dụng, trong đó phải kể đến vụ Cambridge Analytica năm 2018 tự ý thu thập dữ liệu của 87 triệu người sử dụng Facebook nhằm mục đích bầu cử. Sau đó, Facebook đã đạt được một thỏa thuận với Ủy Ban Thương Mại liên bang (FTC) và chịu nộp phạt khoản tiền kỷ lục 5 tỉ đô la.  

Chính FTC đang nghiên cứu những tài liệu mới được tiết lộ, theo đó doanh nghiệp tự thừa nhận những tác động tiêu cực trong các sản phẩm của mình. Điều này vi phạm thỏa thuận được ký trước đó giữa hai bên.  

Thế giới ảo của Facebook đã đầy rẫy khó khăn và sai lầm, liệu vũ trụ Metaverse có được hoàn hảo và siêu việt như kỳ vọng của Mark Zuckerberg ? 

(Tổng hợp từ AFP, RFI, Le Figaro)
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211101-facebook-inc-doi-...