Gặp Lại Lão Già Trên Đồi Cúc...

Và 13 năm sau…

Gặp Lại Lão Già Trên Đồi Cúc...

.... Đồi Cúc hôm nay thật tĩnh mịch, nhưng tâm Lão không yên tịnh chút nào. Lão đã trở về căn nhà nhỏ ven đồi từ mấy hôm nay, Lão bồn chồn đi ra đi vào như ngóng đợi ai. Mỗi sáng, Lão ra khỏi nhà đi vòng đồi Cúc và lên ngồi trên đỉnh tháp khắc tên 72 liệt sĩ người bản xứ và dõi mắt xa xăm.

Hôm nay, Lão cũng ngồi đợi ở đỉnh đồi. Bất giác Lão thở dài, đã hơn 13 năm... từ ngày họ đến dọn cỏ chung quanh ngôi nhà như cái miếu cổ của Lão, họ để chiếc lẵng hoa Cúc vàng ngay lối đi làm tươi nơi Lão ở, họ thắp hương trầm thơm làm ấm tâm hồn Lão, và hẹn sẽ đem Lão về quê.... Lão đã được sống trong tình dân tộc, Lão nhớ Lão đã đầm đìa nước mắt, Lão không còn oan ức khi nhìn giòng Châu Giang, Lão đã xuất hiện giữa phố phường của người bản xứ...

Nhưng mỗi năm cứ đến Tiết Thanh Minh, Lão lại nhớ những ngườì khách lạ phương Nam. Lão nhớ hình bóng hai chiếc áo nâu. Lão nhớ mái tóc điểm sương gục trên cổng nhà Lão. Từ ngày ấy đến nay, mỗi tiết Thanh Minh, Lão đều ngóng đợi....

Nhưng năm nay, nỗi nhớ bỗng lạ kỳ, quặn thắt. Bỗng có tiếng trò chuyện của đồng hương vẳng lên trong gió...hình như cũng một già một trẻ như năm xưa, tim Lão đập thình thịch, phải họ đấy chăng? họ đến thăm Lão nữa đấy chăng? Đường xá gập ghềnh quá....Đi làm gì cho khổ thân, nhớ đến Lão, tưởng đến Lão là được rồi, nhưng chỉ thoáng một giây, Lão lại nghĩ: Ta cũng cần được gặp nhau! Lão vội đứng lên nheo mắt nhìn cho rõ, đúng là một già, một trẻ, như năm xưa, đúng là họ Lão nhận ra người đàn ông đứng tuổi năm xưa, cũng dáng đi ấy nhưng chậm chạp lắm rồi, cũng khuôn mặt ấy nhưng da đã mồi, mái tóc đã trắng như cước, và đôi mắt, đôi mắt năm xưa, tuy Lão không nhìn được rõ, nhưng dường như vẫn còn vệt sáng thân quen lắm... Còn người đi bên cạnh không phải là ngườì thanh niên năm xưa, mà là một thiếu phụ ... Lão chạy xuống đồi để đón khách lên, Lão dừng lại giữa đồi thở hổn hển, nhưng đột nhiên chung quanh vắng lặng không một bóng người, chính Lão vừa nhìn thấy họ từ tháp kỷ niệm kia mà...

Lão đi thật nhanh chung quanh đồi Cúc. chẳng một bóng người lai vãng. Lão chạy vội về nhà, biết đâu chừng họ đi lối tắt chăng? vẫn không có ai, không có bước chân nào dẫm trên cỏ...chẳng lẽ Lão mơ ư ? Chú mục nhìn về hướng có tiếng nói vọng tới ... Lão lại nhìn thấy họ, nhưng họ đang còn ở xa lắm, mãi dưới gầm trời phương Nam, Ôi, vì lòng thành với tổ tiên, mà mẩu đối thoại của họ đã vọng tới Lão ...

Có tiếng người lớn tuổi kể rằng:

“Chị biết không? Năm chúng tôi đi tìm mộ của Người, hồn tôi như được dẫn dắt.... hôm ấy, trời đã chiều, tôi không còn hy vọng tìm được ngôi mộ. Chung quanh bốn bề yên lặng. Tôi được cho biết vị trí của ngôi mộ, nhưng bốn góc của đồi Cúc đã không có dấu vết gì. Tôi chợt thấy một người đàn ông đang ngồi đọc báo dưới chân đài kỷ niệm, tôi đi đến hỏi và tìm được đường lên đài, tôi đi vòng ra phía sau đài, thì thấy có lối đi xuống, cỏ mọc che khuất cả lối đi, tôi bước xuống và đi một mạch đến một u đất, cỏ phủ đầy, tôi tìm được tấm mộ bia .... ....
Nước mắt tôi tràn ra làm xót đôi mắt mới mổ.”

Qua tiếng gió, Lão nhận ra giọng người quen, Lão cố nghe nhưng chỉ có tiếng nấc. Tay áo của Lão cũng ướt nước mắt! không hiểu sao Lão lại ngóng trông những người năm xưa đến như vậy....Lão lại nghe:

“Chị biết không, tôi lặng người trước ngôi mộ, hồn Tiền Nhân như đang đứng cạnh tôi, truyền sang tôi từng luồng điện thần bí, như xác nhận cùng tôi, như trút sang tôi những chịu đựng, những ẩn tình vì phải gửi xương nơi đất khách quê người. Chúng tôi dọn dẹp cỏ chung quanh ngôi mộ, đặt lẵng hoa Cúc Vàng trên mộ Người và thắp hương khấn nguyện cùng Người.

Chị ơi, chuyện xảy ra đã 13 năm, nhưng sao tôi cảm thấy như mới hôm qua. Chị còn nhớ không? Sau khi đi thăm mộ của Người, tôi đã kể cho chị nghe nhân ngày Ghi ơn Quốc Tổ, Chào mừng Quốc Khánh năm ấy, chúng ta ghi nhớ công ơn tiền nhân, đi tìm mộ tiền nhân ở xứ người, chúng ta đã phủ cờ Tổ Quốc lên mộ chí sĩ Trần Đông Phong ở Nhật, đã viếng mộ phần của vua Duy Tân ở khu rừng già của nước Cộng Hòa Trung Phi.

Gặp lại chị lần này, lại cũng là thời gian Quốc Khánh, được chị cho biết Giải Văn Học Nghệ Thuật năm nay được trao cho tác phẩm ''Vá Cờ'', khiến tôi nhớ lá cờ Tổ Quốc đã phủ trên mộ Người, biết đến bao giờ tôi mới được đến thăm Người lần nữa.

Tôi đã hứa chúng ta sẽ đưa Người về quê, nhưng 13 năm qua, mình chưa thực hiện được lời hứa đó, chắc Người vẫn mòn mỏi đợi chờ.
Tôi thì đã quá già, chẳng còn được bao nhiêu ngày nữa, chắc chẳng bao giờ tôi được diễm phúc đưa Người về quê ....”

Lần này Lão nghe được tiếng nức nở của nhiều người, Lão đi nhanh lên đài kỷ niệm, để nhìn bao quát được cả đồi Cúc, họ phải ở quanh đây, họ đến đông lắm, tim Lão đập nhanh, khiến Lão như nghẹt thở, nhưng vẫn không một bóng người, trời đã chạng vạng, khí lạnh tỏa nhanh khiến Lão rùng mình nhớ lại giòng nước Châu Giang, Lão lại nhớ đến không gian của 13 năm trước, cũng vào giờ này Lão gặp họ. Nghĩ thế, Lão lại cố tìm, Lão muốn gọi thật to để họ biết là Lão đã đợi chờ họ từ cả tuần nay...
Tự nhiên một luồng hơi ấm chạy dọc sống lưng Lão, Lão nhận ra được sự nối kết huyền diệu giữa Lão, và người chiến sĩ chết sau khi dựng lại Cờ Vàng ở Thành Nội,Huế, cùng tâm linh của những người yêu nước.
Lão trông ngóng, sốt ruột mấy hôm nay cũng vì sự liên hệ huyết thống này. Lão nghe tiếng thì thầm đứt quãng của thiếu phụ:

“....Bác ơi! thời gian cho dẫu có là mười năm, trăm năm hay nghìn năm, phút giây gặp được hồn người tráng sĩ đã là sự vĩnh hằng, bác hãy bình an sống với hạnh phúc ấy. Cháu tin bác chẳng thể quên, làm sao quên được những ngày đấu tranh, nhọc nhắn tâm trí và thể xác, làm sao quên được những đồng đội thân yêu đã hy sinh dưới ngọn Cờ Vàng?. Chúng ta hãy cứ sống hết những ngày sắp đến bằng tấm lòng trung trinh với đất nước, bình tĩnh chấp nhận định mệnh, quy luật của đất trời như người xưa chấp nhận cái chết oan nghiệt lúc tuổi thanh xuân, nhưng anh linh khí tiết có bao giờ tử biệt đâu bác?....

Gặp lại Bác sau 13 năm xa cách, nghe Bác kể lại chuyện xưa, cháu như được cùng bác đến Hoàng Hoa Cương thăm lại mộ người tráng sĩ. Bác ạ, thiên nhiên sẽ không còn là cách trở, khi hồn ta hoài tưởng đến Tiền nhân, cháu nhìn thấy ngôi mộ ở ven đất hẻo lánh, cỏ đã mọc cao, và hình như không gian nơi ấy giao động khác thường....”

......Lão đã thoát khỏi vòng sinh tử tầm thường của loài người, nhưng tâm hồn Lão vẫn mãi sống chết với non nước Việt. Do thế mà khi đám con cháu nhớ đến quê hương, đã khiến Lão như thấy chúng đến thăm viếng Lãọ. Người bạn tóc điểm sương 13 năm trước, thổn thức hoài vọng về Lá Cờ Tổ Quốc đã đặt trước nhà Lão năm xưa, cũng khiến Lão cảm thấy bạn sẽ ghé thăm lần nữa. Cả tuần qua, Lão và ngườì bạn tóc điểm sương cùng toàn dân Việt hướng về Tổ quốc trong tiết Thanh Minh, đặc biệt họ vinh danh Lá Cờ Vàng dân tộc, hồn Lão, và tâm linh con cháu đã quyện vào nhau trong khí thiêng của đất trời.
Lão tự nhủ, sẽ chẳng đợi con cháu đem Lão về quê, mà sẽ cùng chúng trở về quê cũ. Bốn bề vắng lặng, Lão biết chắc sẽ không có người đến thăm, nhưng Lão vẫn ngồi bất động, dõi mắt về trời Nam, dưới lớp sương núi đêm dày đặc. Chung quanh Cúc Vàng rực rỡ khắp đồị...

Tháng ba năm 2000.

Nguyễn Thị Xuân Lộc

*****

Lão Già Trên Đồi Cúc
của Nguyễn Từ Hanh

Phạm Hồng Thái là một thanh niên cách mạng được cụ Phan Bội Châu gửi sang Quảng Châu du học.

Năm 1924, Việt Nam Quang Phục Hội giao cho ông công tác ám sát Tòan Quyền Đông Dương là Merlin, trong dịp Merlin đi Nhật để ký kết một thỏa ước và vận dộng Nhật trục xuất tất cả các nhà cách mạng Việt Nam.

Phạm Hồng Thái nhận nhiệm vụ, và theo sát Merlin từ Hương Cảng, sang đến Hoành Tân và Đông Kinh, nhưng không tìm được cơ hội thuận tiện. Trên đường trở về Đông Dương, phái đoàn Toàn Quyền Merlin ghé lại Quảng Châu, và dự tiệc tại khách sạn Victoria ở Sa Điện vào đêm 19 tháng 6 năm 1924. Phạm Hồng Thái cải trang thành một phóng viên và vào được trong khách sạn. Giữa buổi tiệc, ông đã ném một trái bom khiến 4 thực dân Pháp chết tại chỗ, và điều không may là Merlin chỉ bị thương nhẹ. Ngay sau khi ném bom, Phạm Hồng Thái đã chạy thoát ra khỏi khách sạn. Nhưng bị lính rượt đuổi bắt, ông chạy đến Châu Giang thì cùng đường, nên đã gieo mình xuống sông tuẫn tiết để không bị sa vào tay giặc. Lúc ấy Phạm Hồng Thái chưa đầy ba mươi tuổi.....

Thực dân đã để xác của Phạm Hồng Thái phơi nắng mấy ngày rồi mới cho đem chôn.

Một năm sau, vì khâm phục và ngưỡng mộ sự bỏ mình vì Tổ Quốc vô cùng bi tráng của người thanh niên đất Việt Phạm Hồng Thái, viên tỉnh trưởng tỉnh Quảng Châu đã cho di mộ Phạm Hồng Thái về đồi Hoàng hoa Cương nơi an nghỉ của 72 liệt sĩ Trung Hoa....

Vào đầu năm 1987, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã cử cán bộ tới viếng thăm phần mộ Liệt Sĩ Phạm Hồng Thái tại Hoàng Hoa Cương thuộc tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc và phủ một lá Quốc Kỳ lên mộ của Người.
Ở thời điểm 1987, mang một lá cờ vàng ba sọc đỏ vào trong lãnh thổ Trung Cộng không phải là chuyện đơn giản.
Cảm kích trước lòng thành và hành động can trường này, nhà văn Nguyễn Từ Hanh đã sáng tác truyện ngắn "Lão Già Trên Đồi Cúc" đăng trên Nguyệt San Kháng Chiến thời đó.

Trích đoạn: Lão Già Trên Đồi Cúc

..... Lão nhắm hướng vườn hoa ven sông băng mình lao tới. Bước chân khập khễnh của Lão để lại trên thảm cỏ từng vệt máu đen bầm, lấp lánh trong sương đêm. Khí giới trong tay Lão đã dùng hết rồi. Nghe như bị đấm nơi lưng ngã chúi về phía trước. Lão biết mình lại thêm một vết thương nặng, trổ ra trước ngực, máu chảy lạnh xuống đến bụng. Con đường càng ngày càng hẹp, mà Vệ binh túă ra từ khắp nơi xì xồ gọi nhau, đạn bay như những vệt sao xẹt quanh Lão. Bờ sông bên kia xa quá....

Lão biết mình sẽ không gặp lại Minh Chủ và các bạn nghĩa sĩ. nhưng Lão không muốn để kẻ thù bắt sống.... Đại Trượng phu chỉ có hai con đường: Trả nợ núi sông hay hy sinh vì nợ núi sông. Đấy là những ý nghĩ sau cùng của lão, trước khi giòng nước lạnh đen ngòm như một con Giao Long khổng lồ, cuốn Lão đi, đưa Lão đến một vùng đất mới. ....

Căn nhà của Lão nằm trên ven đất hoang sơ, quanh năm chỉ thấy cỏ cây và chim chóc, nên có cái vẻ tiêu điều của một ngôi miếu cổ. Sống giữa những người bản xứ, cùng cảnh ngộ mà không cùng ngôn ngữ, Lão không vui và thấy mình cằn cỗi dần....

Từ khi được đưa về đây, Lão sống như người mất hồn. Lão ra vào ngẩn ngơ, đêm đêm trở về dòng sông cũ mà phẫn hận vì việc làm chưa vẹn toàn ... đến chạng vạng sáng mới tìm về căn nhà trên đồi Cúc....

Lão được đưa về đây trong một ngày đông lạnh lẽo. Từ đó đến nay, chuyện núi sông của Lão vẫn chưa thành. Con cháu Lão vẫn lao đao với những mối nợ chưa trả, những lời thề chưa giải. Quanh đây, không thiếu gì ngườì đến sau đã cho Lão biết tin ở quê nhà.

Quân tự cố hương lai.... Hàng năm vào dịp tháng Ba, khi dân bản xứ tấp nập tế lễ Thanh Minh, những người dân trong đó chỉ thấy một lão già còm cõi quỳ lạy phương Nam, nước mắt đầm đìa thấm trên ngực. Ở nơi chốn hoang vu đó, hình ảnh Lão Già Miền Nam đã in hằn trên cây cỏ, đổ dài trên những triền dốc xơ xác. Trên đồi Cúc Vàng người ta không còn thấy Cúc nở nữa.

.... Cho đến một mùa Xuân vào năm Mão....Lão nghe tiếng người ồn ào ngòai ngõ. Lân bang báo tin có một số người đồng hương của Lão đang hỏi đường vào thăm nhà... Người đi đầu, đến trước cổng đã kín đáo lùi vài bước vái lậy ... Người cao tuổi nhất có lẽ đã quá lục tuần, nghĩa là chào đời từ khi Lão được đưa về đây, lặng lẽ vuốt mái tóc hoa râm... sau đó mới mở một cái làn lớn, kính cẩn đem ra một lẵng hoa ... Một thanh niên áo nâu đứng sau đã trịnh trọng đưa cho người lớn tuổi mấy lá cờ. Lão đoán ra tất cả qua nét mặt thành khẩn của đám con cháu: Đây là Quốc kỳ của dân tộc. Lão bước xuống gần đám người đang quỳ lạy để nhìn ra cho rõ hơn những vệt đỏ tươi thêu song song trên nền vàng của Quốc kỳ.

.... Trong tiếng gió vi vu, Lão nghe rất rõ tâm tư của đám con cháu: ''Bỏ nước ra đi, sống nơi phồn hoa đô hội xứ người mà vẫn một lòng hướng về Quốc Tổ, một chí lo đại nghĩa. Dấn thân nơi hiểm nguy, mười phần chết chín để ngăn chận kẻ thù và làm xoay chuyển lòng người ... Từ sáu mươi năm nay, Người nằm trơ trọi nơi đất khách... .Công cuộc đấu tranh của chúng con ngày hôm nay là một tiếp nối hào hùng của những thế hệ đi trước để nước Việt Nam được Độc Lập, để người Việt Nam được Tự Do và để Quê Hương Việt Nam được trở thành quê hương Thanh Bình và Tình người... Xin nguyện sẽ đưa Người về cùng các bậc Anh hùng Anh thư khác của dân tộc trên đất nước Việt nam mình....''

Lão vốn ghét đám con cháu hay tỉ tê than khóc. Vậy mà buổi sáng mùa Xuân đó Lão đã thấy áo mình đẫm nước mắt. Nhưng lần này Lão mới cảm nhận được cái nồng ấm của những giọt lệ mừng vui....