GDP tăng trưởng kỷ lục nhưng nền kinh tế chỉ còn cái… vỏ

Ảnh: Internet  

Tân Phong - Việt Tân

Lại là Ruchir Sharma

Hôm 27 tháng Chín, 2022, một bài báo đăng trên Financial Times của tác giả Ruchir Sharma có tiêu đề “The Seven economic wonders in a worried world,” nhận định Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia nổi bật, bên cạnh Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia, Nhật Bản, trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đang suy thoái và lạm phát cao.

Tác giả bài báo dành nhiều lời có cánh để khen ngợi sự điều hành hiệu quả của chính phủ Việt Nam “… không quá bất ngờ khi Việt Nam nằm trong danh sách 7 nước có hoạt động kinh tế hiệu quả và coi đây là minh chứng điển hình cho thấy các chính sách của Chính phủ đang phát huy hiệu quả. Nhờ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất xuất khẩu và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đang tăng trưởng xấp xỉ 7%. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.”

Ruchir Sharma, là chủ tịch quỹ Rockefeller International, đồng thời là cựu chiến lược gia tại Công ty Quản Lý Quỹ Đầu Tư Morgan Stanley. Đúng 2 năm trước, ngày 13 tháng Mười, 2020, vị chiến lược gia này đã có bài viết tương tự với một tựa đề và những lời tán dương không kém phần “hot” “Is Vietnam the next Asian Miracle?” đăng trên tờ New York Times.

Khỏi phải nói, bài báo đã khiến giới chức CSVN khi đó lên cơn hứng khởi phê pha, giống như dùng fetamine quá liều. Ông Nguyễn Phú Trọng đã phấn khởi tới mức có một câu phát ngôn bất hủ “Mây đen che phủ thế giới nhưng mặt trời tỏa sáng ở Việt Nam.”

Tuy vậy, sau đó vài tháng, khi cơn dịch bệnh Covid-19 làm sụp đổ hệ thống y tế yếu kém của Việt Nam, các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài và xét nghiệm diện rộng để kiếm tìm F0, F1… khiến nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ, gần như sụp đổ. Nền kinh tế gần như đóng băng trong năm 2020, 2021 nhưng chi tiêu cho các hoạt động phòng dịch và đầu tư hạ tầng với rất nhiều sai phạm tham nhũng nghiêm trọng… có lẽ vẫn góp phần “tăng trưởng” GDP với con số 2,91% và 2,58%. Những kết quả này thấp hơn nhiều so với tất cả các dự báo lạc quan trước đó của các “chuyên gia quốc tế” lẫn giới chức cao cấp CSVN.

Hai năm trước, để phản bác lại những nhận định phiến diện về nền kinh tế Việt Nam của Ruchir Sharma, người viết đã có một tiểu luận ngắn [1] phân tích các yếu tố nội tại, bản chất của nền kinh tế tư bản thân hữu có cái tên “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” Việt Nam khiến quốc gia này không thể nào cất cánh và trở thành “kỳ tích Châu Á” như các quốc gia Đông Á khác.

Thực tế là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa bao giờ đạt được mức tăng trưởng của các quốc gia Đông Á, chưa kể chất lượng tăng trưởng là câu chuyện hoàn toàn khác. Ngoài các lý do mang tính chất thể chế thì yếu điểm cố hữu cản trở sự phát triển lớn nhất là bộ máy quan liêu cồng kềnh, cực kỳ nhũng lạm; Chất lượng giáo dục đào tạo rất thấp dẫn đến thiếu hụt lao động chất lượng cao ở mọi ngành nghề.

Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở xã hội yếu kém ở các tỉnh thành phía Nam đóng vai trò động lực của nền kinh tế nhưng không được đầu tư đúng mức khiến cho các địa phương này đã rơi vào tình trạng tụt hậu. Điều này, có thể thấy rõ nhất trong đợt dịch bệnh bùng phát trong 2 năm vừa qua. Các hạ tầng xã hội các tỉnh phía Nam quá yếu kém và thiếu thốn đã không thể cáng đáng nổi áp lực khi dịch bệnh bùng phát và sụp đổ nhanh chóng. Một thảm họa môi sinh xã hội [2] đã được báo trước.

Trừ phi có sự thay đổi thực sự về thể chế chính trị, cải thiện được hiệu năng của hệ thống dịch vụ công, chất lượng đội ngũ lao động được nâng cao, hạ tầng dân sinh xã hội được cải thiện, giảm thiểu được nạn tham nhũng tràn lan… khi đó hãy nói đến một sự thay đổi tích cực có tính bền vững.

Sau 2 năm, Ruchir Sharma tiếp tục với một bài viết có nội dung tương tự, khen ngợi nền kinh tế Việt Nam là “kỳ quan thế giới” và các chính sách điều hành vĩ mô của nhà nước CS hiệu quả, giúp cho “…tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh, tình hình lạm phát vừa phải hoặc thị trường chứng khoán ổn định so với các nước khác.”

Cần xem xét lại những nhận định của ông Ruchir Sharma có đúng thực tế hay không và lần này những lời khen có cánh liệu có giống như 2 năm trước đây? Bởi vì những gì thuộc về bản chất và đặc tính của nền kinh tế cần một quá trình thay đổi tương đối dài với một nỗ lực to lớn của nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Những vấn đề của Việt Nam không tự nhiên biến mất, dễ dàng như việc hô khẩu hiệu hay viết vài bài báo PR. “Rác giấu dưới thảm thì sẽ vẫn bốc mùi,” câu nói này luôn đúng.

Phía sau những con số tăng trưởng

Con số tăng trưởng 13,67% trong quí 3 năm 2022 là một con số ấn tượng. Nhưng cần nhắc lại rằng, đây là con số so sánh với mức tăng trưởng – 6,17% của cùng kỳ năm ngoái. Nếu nhìn vào con số tăng trưởng GDP trung bình khoảng 8% cho năm 2022 thì vẫn có thể coi là một con số khích lệ. Tuy vậy, đằng sau những con số tăng trưởng này bản chất là gì, thì có nhiều vấn đề cần xem xét.

Trước hết, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ các hiệp định thương mại (FTA) song phương, đa phương. Việt Nam tham gia vào rất nhiều các sân chơi FTA và hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan trong khi đóng vai trò là nước trung chuyển, tạm nhập tái xuất, đóng mác “Made in Vietnam” để lấy C/O hàng hóa. Thực chất đây là gian lận thương mại để kiếm ít tiền gia công, chênh lệch thuế suất.

Có vô số các ví dụ về sự gian lận này. Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm đến Việt Nam để mở công ty chân rết nhằm chuyển hàng hóa sang Việt Nam lấy C/O (xuất xứ hàng hóa) để né thuế suất cao. Người ta có thể thấy mức tăng trưởng theo cấp số lần ở các ngành luyện thép, kim loại màu ở Việt Nam trong thời gian đó. Chủ yếu các nhà máy chỉ làm công đoạn cuối cùng là cán, dập mác và xuất sang thị trường Mỹ.

Mới đây nhất, việc gỗ bạch dương của Nga được xuất bán sang Trung Quốc, rồi chở sang Việt Nam để lấy C/O trước khi xuất khẩu sang Mỹ hòng né lệnh cấm vận, đã bị cơ quan điều tra môi trường EIA – một nhóm giám sát phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh phát giác. [3]

Luôn lợi dụng các ưu đãi thương mại, luôn tìm kiếm cơ hội để lách luật, gian lận là cách mà các doanh nghiệp Việt Nam làm và được sự thông đồng của cả hệ thống chính trị. Cách làm này là cách có được những báo cáo kinh tế vĩ mô đẹp, nhanh chóng. Người ta có thể thấy mức tăng trưởng chóng mặt tỷ số Tổng giá trị xuất nhập khẩu/GDP, hiện đã gấp hơn 2 lần và không ngừng tăng lên. Tất nhiên, mặt trái của nó thì không ít và về lâu dài thì “chơi dao sẽ có ngày đứt tay.”

Hà Nội luôn tự hào mỗi khi đón thêm được “đại bàng” là các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, Google… vào đầu tư vì những đại công ty này có thể làm gia tăng đáng kể con số tăng trưởng GDP.

Ví dụ như 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam những năm 2014-2018, trung bình chiếm khoảng 15-20% GDP của Việt Nam. Đương nhiên, các viên chức CSVN sẽ lấy đó làm “thành tựu kinh tế xã hội vượt bậc,” nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của đảng.

Tuy nhiên, “lợi thế quốc gia” là lao động giá rẻ và các tiêu chuẩn môi trường dễ dãi không còn là chiếc đũa thần. Thực tế, mặc dù tăng trưởng đầu tư vốn FDI được nói là ở mức 8% nhưng vẫn thấp hơn so với thời điểm dịch bệnh. Tức là vẫn ở đà giảm chứ không tăng. Không những giảm về lượng mà chất lượng và trình độ công nghệ vẫn rất hạn chế. Hoàn toàn không có công nghệ lõi, công nghệ tiên tiến được đầu tư vào Việt Nam trong suốt 3 thập niên “mở cửa.” Tất cả chỉ là gia công lắp ráp đơn giản.

Các viên chức cộng sản với tầm nhìn không vượt qua nổi cái bụng bự của họ, chỉ cần những bảng thành tích tăng trưởng GDP trong nhiệm kỳ của mình “đẹp.” Còn chất lượng tăng trưởng và hậu quả của việc tăng trưởng bằng mọi giá như thế nào thì là việc của… nhiệm kỳ sau. Những vị thủ tướng CSVN đều ưa thích sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, tăng chi tiêu công, đầu tư vào hạ tầng… vốn dĩ đã là căn bệnh nghiện khó chữa.

Đầu tư công bao gồm rất nhiều tượng đài nghìn tỷ, tuyến đường sắt tỷ đô, chương trình thay sách giáo khoa hàng trăm triệu Mỹ Kim… là những biểu tượng tham nhũng, ăn cắp trắng trợn của hệ thống quan liêu nhũng lạm. Rồi tất cả sẽ được chia đều tính đủ, để tăng thuế, bào mòn túi tiền người dân thông qua hàng trăm thứ thuế phí đánh vào hàng hóa, nhiên liệu thiếu yếu.

Hệ thống doanh nghiệp nhà nước chiếm dụng hầu hết nguồn lực đất đai, tài nguyên và vốn xã hội nhưng để lại những khoản nợ khủng mà không thể giải quyết được. Cần phải biết, 90% nợ nước ngoài thuộc về khối doanh nghiệp nhà nước là các tập đoàn, tổng công ty 91. Khối doanh nghiệp Nhà nước chiếm dụng hầu hết tài nguyên đất đai, vốn và độc quyền trong một số lĩnh vực trọng yếu nhưng luôn luôn là các “lỗ đen không đáy.”

Những tập đoàn này sử dụng nguồn vốn ưu đãi, vay nợ chính phủ, vay nợ nước ngoài, phát hành nợ thông qua trái phiếu, cổ phiếu… nhưng luôn làm ăn thua lỗ. NỢ của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương 65 tỷ USD. Có những tập đoàn, như tổng công ty Vạn Xuân có số nợ lớn gấp… 18 lần vốn chủ sở hữu.

Tiền của dân thì có thể quỵt được dưới sự bảo kê của công an và quân đội, nhưng tiền nợ vay nước ngoài thì khó. Và khi nợ đến hạn, ngân sách không được mở ra để tiếp tục đào khoét thì các tập đoàn quốc gia Việt Nam đem tài sản quốc gia đi cấn trừ nợ cho “bạn vàng 4 Tốt?”

Ngày 1/9/2022 vừa qua, Vietnam Airlines theo thông cáo báo chí là đã ký kết “thỏa thuận hợp tác toàn diện” với China Airlines. Công luận không hề được biết về nội dung của cái “thỏa thuận hợp tác toàn diện” này. Phải chăng đây là một bước “bàn giao bầu trời” cho anh bạn “4 Tốt” trước khi bàn giao biển đảo?

Tiếp theo đó, những tổng công ty, tập đoàn nhà nước thua lỗ đã vay tiền Trung Quốc, hợp tác với Trung Quốc từ thủy điện, nhiệt điện, đường sắt, cao tốc, sân bay… sẽ lần lượt được “hợp tác toàn diện” và được điều hành bởi các công ty Trung Quốc?

Nợ của một số tập đoàn vốn nhà nước. Hơn 90% nợ của các tập đoàn là nợ nước ngoài và rất nhiều các tổng công ty, tập đoàn có số nợ vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Ảnh: Cafef

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Chiếu bạc tàn cuộc chơi

“7 kỳ quan kinh tế gồm những quốc gia có chung những đặc điểm như: Tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh, tình hình lạm phát vừa phải hoặc thị trường chứng khoán ổn định so với các nước khác,” ông Ruchir Sharma lưu ý.

Khi ông Ruchir Sharma đăng bài báo “7 kỳ quan kinh tế trong một thế giới lo lắng” lên thời báo Financial Times thì VNindex đã rơi mất gần 1/3 giá trị vốn hóa. Ngày 7 tháng Mười, 2022, VNindex đang rơi về ngưỡng 1000 điểm và không có một dấu hiệu gì hồi sinh. Chẳng có gì bảo đảm rằng cơn ác mộng của 10 năm trước lại không quay trở lại.

Có thể nói không hề ngoa rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sau hơn 20 năm hình thành và phát triển không hề được cải thiện nhiều về tính minh bạch và các hành lang pháp lý cực kỳ lỏng lẻo. Những câu chuyện về FLC, Tân Hoàng Minh… là phổ biến. Nơi đây, một công ty có vốn chủ sở hữu chỉ khoảng hơn 1 tỷ đồng có thể phù phép thành hàng ngàn tỷ rồi được niêm yết, được phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu, huy động hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu mà không có một sự kiểm soát nào từ phía cơ quan chức năng.

Điều đó khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam từ lâu đã biến thành một chiếu bạc khổng lồ. Nạn nhân cuối cùng là hàng triệu người dân với lòng tham và sự ngờ ngệch thiếu hiểu biết đã trở thành mồi ngon cho đám doanh nghiệp bất lương và viên chức lưu manh tha hồ trục lợi.

Sau 15 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn loay hoay ở mức 1100 điểm nhưng mức vốn hóa của HoSE hiện đã gấp 15 lần từ mức 300.000 tỷ tháng Hai, 2007 lên tới hơn 4,5 triệu tỷ tương đương hơn 200 tỷ Mỹ Kim, và gần 80% GDP.

Tuy vậy, có một nghịch lý là qui mô vốn hóa tăng nhưng tăng trưởng trung bình của giá cổ phiếu/cổ phần thì không thay đổi là bao. Tức là các công ty “in giấy lấy tiền” thì gom được một khoản vốn khổng lồ nhưng nhà đầu tư thì không. Một điều tồi tệ là có khoảng 30 tỷ USD trái phiếu và cổ phiếu thực sự là giấy lộn (giấy Nợ 3 Không) đã được phát hành và thời gian đáo hạn là cuối năm 2023. Khi các công ty này tuyên bố phá sản sau khi đã tẩu tán hết số tiền lừa đảo được từ thị trường chứng khoán, ai phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ này? Một cuộc khủng hoảng và sụp đổ đã được hẹn giờ.

Như vậy, nếu như có một cái nhìn sâu hơn về nền kinh tế Việt Nam, chúng ta có thể thấy được giá trị bài viết của vị chuyên gia Ruchir Sharma cũng giống như một bài viết đặt hàng PR cho chế độ CSVN mà thôi. Những con số tăng trưởng GDP giờ đây hoàn toàn vô nghĩa với một nền kinh tế rỗng chỉ còn lại cái vỏ “Made in Việt Nam.”

Tân Phong

Chú thích:

[1] Liệu Việt Nam có thể trở thành ‘kỳ tích Châu Á’?, Tân Phong, Việt Tân, 1/11/2020

[2] Miền Nam Việt Nam trước thảm họa môi sinh và xã hội, Tân Phong, Việt Tân, 21/11/2019

[3] Gỗ của Nga lách lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua Việt Nam, Việt Tân, 3/10/2022 (https://viettan.org/go-cua-nga-lach-lenh-trung-phat-cua-my-thong-qua-viet-nam/)