Lê Thế Mẫu, biểu hiện khủng hoảng ý thức hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam

Jackhammer Nguyễn - Báo Tiếng Dân

Ngày 11-3-2022, trả lời phỏng vấn báo Viet Times của nhà nước Việt Nam, ông Lê Thế Mẫu, một đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói: “Ukraine sẽ còn lâu mới có thể ổn định được vì tư tưởng phát xít mới và quốc xã mới đã ăn sâu vào nhận thức của cả một thế hệ người Ukraine kể từ sau khi giành được độc lập từ Liên Xô năm 1991”.

Như vậy, ông Mẫu đã đưa ra một cáo buộc nghiêm trọng với Ukraine, một quốc gia có chủ quyền và có quan hệ ngoại giao thân thiện với Việt Nam. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng, đại tá Lê Thế Mẫu gần như trực tiếp nói, nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giao hảo với một quốc gia phát xít!

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua cơ quan tuyên giáo, kiểm soát toàn bộ các thông tin, bình luận, phân tích trên các cơ quan truyền thông, cho nên quan điểm trên cũng là quan điểm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước CSVN. Như vậy, có phải nước Việt Nam Cộng sản cáo buộc nước Ukraine, quốc gia có tòa đại sứ chính thức tại Hà Nội, là một quốc gia phát xít?

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các báo khác như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… đưa tin theo các cơ quan truyền thông lớn của phương Tây, mặc dù không dám nói rằng tổng thống Putin của nước Nga đã phát động một cuộc xâm lăng vô cớ.

Nếu chúng đang sống ở một quốc gia phương Tây, nơi quan điểm đa chiều được chấp nhận, thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi có những bình luận ủng hộ nhiệt tình như vậy của ông Lê Thế Mẫu, và cũng có những bình luận ủng hộ Ukraine trên các trang Facebook của các tờ báo lớn. Ở đây không bàn chuyện tin vịt, vì lịch sử đã cho thấy rằng cơ quan tuyên giáo của bất cứ chế độ cộng sản nào cũng sẵn sàng tung tin vịt để phục vụ mục đích tuyên truyền của họ, những thông tin mà ông Mẫu trích dẫn trong bài phát biểu của ông ta là một mớ hỗn tạp các loại tin vịt được báo sputnik của Nga xào nấu.

Chúng ta có thể giải thích thế nào về phát biểu của đại tá Mẫu?

Hãy xem đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, ông Đặng Hoàng Giang phát biểu như sau, tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, nhằm bỏ phiếu lên án cuộc xâm lăng của Nga:

Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm”.

Đây là một lời cáo buộc xâm lăng, dù không nêu ra tên quốc gia nào. Tuy nhiên, lá phiếu của Việt Nam lại là lá phiếu trắng. Điều mâu thuẫn này chúng ta có thể hiểu được bằng một thái độ duy lý và thực dụng, có nghĩa là Việt Nam không thích cuộc xâm lược, nhưng vì lệ thuộc Nga quá nhiều về kinh tế (khai thác dầu ngoài biển), và quốc phòng, nên phải hành động như vậy.

Nhưng phát biểu của ông Lê Thế Mẫu không hề mang tính duy lý và dung hòa ấy, mà nó là một thái độ hiếu chiến và ngu xuẫn, rất giống các nhóm cực hữu, hay cực tả ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Có một bộ phận khá đông dân chúng Việt Nam ủng hộ ông Putin và nước Nga xâm lược Ukraine hiện nay. Điều này có thể được giải thích bằng nhiều nguyên nhân khác nhau.

Dân chúng Việt Nam, nhất là bộ phận có gốc gác miền Bắc, hay có liên quan tới quân đội, rất ngưỡng mộ mồ ma Liên Xô cũ, đồng minh ý thức hệ của nước Việt Nam Cộng sản thời chiến tranh lạnh. Nay họ theo đó mà ngưỡng mộ nước Nga của nhà độc tài Putin.

Nguyên nhân thứ hai có thể là một ý thức phong kiến vẫn còn dai dẳng ở xã hội Việt Nam, người Việt vẫn còn tâm lý sùng bái những kẻ mạnh, to mồm. Họ đã từng ủng hộ nhiệt tình các tay cộng sản dân túy như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Bá Thanh, và vô cùng ngưỡng mộ Donald Trump, cựu tổng thống dân túy Mỹ. Họ ủng hộ strong man Putin thì không có gì lạ. Nếu một mai, Kim Jong Un của Bắc Hàn tấn công Nam Hàn mà họ cũng ủng hộ thì tôi cũng sẽ không ngạc nhiên.

Trở lại phát biểu của đại tá Lê Thế Mẫu. Ngoài việc kết án Ukraine là quốc gia phát xít, ông Mẫu còn tung hô nhiệt tình bài phát biểu dài sòng sọc đầy siêu thực của ông Putin trước khi ông ta phát lệnh tấn công Ukraine. Trong bài phát biểu này, ông Putin lên án Lenin, người cha tinh thần của các đảng cộng sản Đệ Tam Quốc Tế, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền. Chúng ta biết rất chắc rằng, ông Mẫu là đảng viên của đảng này.

Thế sao cơ quan tuyên giáo của Đảng không nói gì với ông Mẫu?

Việt Nam hiện nay có mô hình kinh tế xã hội giống hệt Trung Quốc và cũng giống với nước Nga. Trong suy nghĩ sâu thẳm của tầng lớp cai trị Việt Nam hiện nay, hai quốc gia đó vẫn … “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, dù rằng họ biết Bắc Kinh lúc nào cũng có tham vọng chiếm trọn lãnh thổ Việt Nam.

Ở một trực giác duy lý, những người cộng sản Việt Nam ý thức được họ cần phương Tây để chống lại người anh em ý thức hệ phương Bắc của họ, nhưng với nước Nga, có vẻ họ vẫn cho rằng quốc gia này đã trở thành một nước giàu có sau khi áp dụng kinh tế thị trường (thực chất là 1 loại tư bản hoang dã và tư bản bồ bịch nhũng lạm) … như họ. Họ không nghĩ rằng Nga có thể tung ra một cuộc xâm lăng, không nghĩ tới Nga bị phương Tây đoàn kết nhau chống trả, và càng không nghĩ tới chuyện quân đội Nga lại tệ hại đến nỗi không làm gì được một đất nước Ukraine yếu hơn Nga rất nhiều.

Họ cũng không biết rằng, nước Nga hiện nay thực chất là một loại quốc gia vừa yếu vừa tham giống như thời Sa hoàng cách đây cả trăm năm, một quốc gia đen tối dẫn dắt bởi bọn quý tộc nhũng lạm và sức mạnh thần quyền của nhà thờ Chính thống giáo.

Sự yếu kém của lĩnh vực nghiên cứu lịch sử và xã hội của người Việt trong nước hiện nay, do bởi giới hạn về không gian học thuật và tư duy, đã làm cho họ không biết rằng nước Nga hiện nay chỉ là một cái trạm bơm xăng, do một bọn du thủ du thực và các giáo sĩ cuồng tín kiểm soát.

Sự thay đổi khá đột ngột, trên bình diện quá lớn ấy đã làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam không biết đường nào mà đi.

Đó là một cuộc khủng hoảng phương hướng lớn thứ nhì, sau sự kiện Đông Âu sụp đổ năm 1989.