Mặt trái của mô hình kinh tế Đức

Trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, kinh tế Đức được coi là một tấm gương sáng để noi theo. « Phép lạ » kinh tế của Đức làm mê hoặc các đối tác châu Âu của Berlin. Vào lúc cả châu Âu đang lao đao vì tác động của khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Hy Lạp, nước Đức của thủ tướng Merkel vẫn tăng trưởng ở số dương –dù không cao lắm, và là một trong những quốc gia châu Âu có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Uy tín của Berlin lớn đến nỗi các nhà tài trợ quốc tế đều sẵn sàng cho Đức vay tín dụng với lãi suất thấp.

Một người vô gia cư tại Đức bới thùng rác trên quảng trường Alexanderplatz tại Berlin.
REUTERS/Thomas Peter/files

Từ năm 2011 tới nay, trong hầu hết các cuộc tuyển cử tại châu Âu, từ Pháp đến Ý, từ Tây Ban Nha đến Bồ Đào Nha, các chính quyền mãn nhiệm đều bị cử tri trừng phạt vì không đủ sức vực dậy kinh tế trong cơn khủng hoảng. Riêng tại Đức, thì sau hai nhiệm kỳ thủ tướng, bà Angela Merkel lại được người dân tin tưởng để tiếp tục điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ ba. Những thành tựu kinh tế gần đây của Đức củng cố vị thế của bà thủ tướng Đức đầu tiên, cả trên sân khấu quốc tế lẫn trên bàn cờ chính trị của nước Đức.

Không ai có thể phủ nhận những thành tựu kinh tế của chính quyền Merkel khi mà vào năm 2012, thâm hụt ngân sách của Pháp tương đương với 4,8 % GDP thì tại Đức chính phủ lại thu nhiều hơn chi : thặng dư ngân sách của chính quyền liên bang tương đương với 0,2 % tổng sản phẩm nội địa của quốc gia này.

Nhìn đến một chỉ số khác là tỷ lệ nợ công so với GDP : nợ công của Pháp đã lên đến 90,8 %, của Đức là 83 %, tức là thấp hơn nhiều so với trung bình trong khối euro (90,2%).

                             Bà Angela Merkel Thủ Tướng CHLB Đức

Trong lúc Pháp bối rối vì các dự báo cho thấy tỷ lệ tăng trưởng gần như ở số không, thì kinh tế Đức sẽ tăng khoảng từ 0,5 đến 0,7 % trong năm 2013. Trên thị trượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong khu vực đồng tiền chung châu Âu là 11,7 %. Tại Đức, chỉ có 6,8 % người trong tuổi lao động không có việc làm. Chỉ nội một điểm này cũng đủ biến nước Đức của thủ tướng Merkel thành « thiên đường » trong mắt người lao động, đặc biệt là tại những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 27 % như Hy Lạp hay Tây Ban Nha.                                            

Phép màu kinh tế của Đức do đâu mà có ? Đâu là những bí quyết thành công của Berlin và đâu là những giới hạn của mô hình kinh tế Đức ?

Lợi thế của nước Đức

Trong quá trình thống nhất đất nước, các chính phủ Đức liên tiếp đã phải mạnh dạn tiến hành cải tổ trong suốt gần 20 năm, đặc biệt là kể từ năm 2000 thủ tướng Gerhard Schroeder đã cải tổ sâu rộng thị trường lao động của Đức, xét lại toàn bộ chính sách lương bổng và hệ thống bảo hiểm xã hội.

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, nhà báo Marc Vignaud đặc trách về các hồ sơ kinh tế của tạp chí Le Point nêu lên một vài điểm son trong mô hình kinh tế của Đức, và không quên nhắc đến công lao cựu thủ tướng Schroeder :

Ông Gerhard Schröder cựu Thủ Tướng CHLB Đức

" Mô hình phát triển kinh tế của Đức có nhiều nét tiêu biểu. Trước hết vào khoảng năm 2000, kinh tế Đức đã tìm cho mình một vị trí riêng biệt trên bàn cơ thương mại quốc tế. Nhờ vậy mà ngành xuất khẩu của Đức đi lên. Bên cạnh đó còn phải kể đến công lao thủ tướng Schroeder. Ông là người đã cởi trói cho thị trường lao động của Đức. Chính sách tự do hóa thị trường lao động đó đã cho phép những người không cần có tay nghề cao vẫn có thể dễ dàng tìm việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, cho dù họ không được trả lương cao.

Vào năm 2005, Đức có 4,9 triệu người thất nghiệp. Đến cuối năm 2012, số đó giảm xuống còn 2,3 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức hiện vào khoảng 6 % trong khi chỉ số đó tại Pháp vẫn là gần 11 %."

Bên cạnh chủ trương mạnh dạn cải tổ của Berlin, phải nêu lên ba yếu tố khác để giải thích về phép màu kinh tế của Đức trong hơn một chục năm qua.

Thứ nhất, trong 15 năm trở lại đây, dân số Đức không hề tăng mà còn có khuynh hướng giảm sút- giảm đi 400 ngàn trong thời gian từ 2000 đến 2010. Đức lại không hề bị tác động của hiện tượng bong bóng địa ốc. Hai yếu tố đó cộng lại, khiến các nguồn tiết kiệm của Đức chủ yếu được dùng để đầu tư vào sản xuất, vào các doanh nghiệp thay vì đầu tư vào giáo dục hay nhà ở.

Nét tiêu biểu thứ nhì là về cơ cấu thì từ đầu những năm 2000, nền công nghiệp của Đức đã chọn cho mình một hướng đi riêng, chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế đang trỗi dậy (xe hơi, xe tải, máy cày, máy móc sản xuất …). Vì vậy Đức vẫn là nhà xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới.

Lợi thế thứ ba là ngành ngân hàng Đức tương đối được coi là « mở rộng », các chi phí ngân hàng cũng như lãi suất tín dụng trung bình thấp hơn so với ở những nơi khác trong khối euro. Đó là động cơ khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn đầu tư.

Bên cạnh ba lợi thế cơ bản đó, kinh tế Đức trong thập niên vừa qua đã gặp nhiều may mắn. Vào năm 2004 khi mà Liên Hiệp Châu Âu mở rộng cửa đến các nước Đông Âu cũ thì Đức đã lợi dụng thời cơ mua lại nhiều cơ sở công nghiệp của các nước cộng sản cũ với giá rẻ, qua đó củng cố thêm mạng lưới công nghiệp quốc gia. Thế rồi cơ may thứ nhì lại mở ra khi vào năm 2009 khi mà thế giới đang chao đảo dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và của khu vực đồng euro, thì Đức được coi là một thành trì kiên cố, là một trong những địa điểm đầu tư an toàn nhất hành tinh. Tư bản của thế giới đang được ký gửi ở các ngân hàng nam Âu, đổ về nước Đức. Lãi suất ngân hàng của Đức nhờ vậy được đẩy xuống mức thấp chưa từng thấy. Điều này khiến các doanh nghiệp của Đức dễ dàng đi vay để đầu tư và nâng cao năng suất.

Hàng « made in Germany » vốn đã tốt lại càng có khả năng cạnh tranh cao. Đó cũng là lý do vì sao cho dù đồng euro có tăng giá so với đô la, ngành xuất khẩu của Đức vẫn không bị khuynh đảo.

Thách thức của thành công

Nhưng mô hình kinh tế Đức bắt đầu bị đặt trước nhiều thử thách. Đành rằng chủ trương cởi trói thị trường lao động, do cựu thủ tướng Schroeder khởi xướng hơn một chục năm trước đây đã giúp cho các doanh nghiệp không bị bó buộc về khối lượng giờ làm việc hay về mức lương cố định. Giới chủ không bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, đồng thời họ được quyền dễ dàng tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên tùy theo tình hình thời cuộc.

Đây là một lợi thế không nhỏ khi biết rằng 80 % các doanh nghiệp Đức là những cơ sở tư nhân cỡ vừa và nhỏ. Chính nhờ vậy mà tỷ lệ thất nghiệp của Đức luôn được coi là thấp vào bậc nhất tại châu Âu. Nhưng cái giả phải trả của phép màu kinh tế đó là tại nền kinh tế số 1 châu Âu này, lại có tới 20 % dân số Đức trong cảnh bị coi là « bấp bênh ». Hơn 6 triệu người lao động đi làm với đồng lương chỉ bằng 75 % so với mức lương tối thiểu của Pháp.

Tại Đức hiện không có mức lương tối thiểu. Từ năm 2000 đến 2010, lương trung bình tại Đức chỉ tăng 1 %. Nhưng khi nhìn đến thu nhập thực sự của người lao động Đức, tức là sau khi họ phải đóng thuế thì lương của những tầng lớp có thu nhập thấp nhất, chẳng những đã không tăng mà lại còn bị giảm đi từ 16 đến 22 % trong cùng thời kỳ. Cuộc chạy đua để nâng cao năng suất và lợi nhuận của các doanh nghiệp đã khiến xã hội Đức trở nên bất công hơn.

Về điểm này, tổng biên tập tạp chí kinh tế Alternatives économiques , Guillaume Duval một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Đức, phân tích thêm về mặt trái của chính sách cởi trói thị trường lao động của cựu thủ tướng Schroeder, đồng thời ông điều chỉnh lại một vài thông tin sai lạc về cái được gọi là thành tựu của Đức trong công cuộc đẩy lui thất nghiệp :


« Trên thực tế, khi ông Schroeder lên cầm quyền, Đức có tỷ lệ nghèo khó và bất công xã hội thấp hơn so với Pháp. Ngày nay hai chỉ số đó ở Đức tương đương với tình hình ở Pháp. Cựu thủ tướng Schroeder được giới chủ hoan nghênh, nhưng chính sách của ông cũng đẩy không ít người lao động vào hoàn cảnh bấp bênh. Một phần lớn giới làm công ăn lương không được hưởng các điều khoản an sinh xã hội. Hiện có khoảng 6 triệu người lao động ở Đức đi làm với đồng lương chưa đầy 6 euro/giờ.
Dư luận Đức chán ngán với chính sách lương bổng tồi tệ đó và họ bắt đầu đòi chính phủ phải quy định để bảo đảm cho người dân một mức thu nhập tương đối đủ sống và có thể chấp nhận được. Ngoài ra dưới nhiệm kỳ của ông Schroeder, nợ công của Đức cũng đã tăng vọt. Tuy nhiên sở dĩ kinh tế Đức đứng vững trong gần 10 năm qua, và đặc biệt là kể từ sau khủng hoảng tài chính thế giới và của khu vực đồng tiền chung châu Âu, điều đó có được là nhờ : dân số của Đức không ngừng sụt giảm. Khối lượng người gia nhập thị trường lao động giảm đi, đương nhiên là tỷ lệ thất nghiệp phải được giảm xuống. Đó không có gì là phép lạ cả.
 
Ngoài ra, chính sách khuyến khích phụ nữ sinh con là một điều tốt cho tương lai, nhưng trong ngắn hạn chính sách đó đòi hỏi nhà nước phải đầu tư vào trường học, nhà trẻ, phải tạo điều kiện cho phụ nữ có con mà vẫn có thể đi làm … tất cả những biện pháp đó đè nặng lên ngân sách của nhà nước.

Trong khi Pháp phải chi ra những khoản tốn kém đó, thì Đức không phải làm như vậy. Đó cũng chính là lý do vì sao Đức trả lương giáo sư hơn nhiều so với Pháp nhưng ngân sách của Đức dành cho ngành giáo dục lại thấp hơn đến 1,5 % GDP so với của Pháp.

Ngoài ra, do dân số giảm, nhu cầu địa ốc không tăng, từ 15 năm qua, giá nhà đất ở Đức vẫn giậm chân tại chỗ. Đây là một lợi thế không nhỏ. Khi biết rằng, năm 2009, trung bình giá nhà mới xây ở Đức chỉ bằng 1/3 so với ở Pháp. Điều đó có nghĩa là, nhờ không phải chi ra quá nhiều để có được một mái nhà, người Đức dễ dàng chấp nhận đi làm với đồng lương thấp hơn. Đây là một lợi thế rất lớn đối với ngánh ản xuất, xuất khẩu của Đức ».

Câu hỏi đặt ra đối với chính quyền Đức là phải lựa chọn giữa hai giải pháp, hoặc là để nạn thất nghiệp tăng hoặc là phải chấp nhận hy sinh, đi làm dù với đồng lương ít ỏi. Đó là một sự chọn lựa về mô hình kinh tế và xã hội. Không thể trả lời mô hình của Pháp hay của Đức tốt hơn.

Ngoài ra Đức như tổng biên tập nguyệt san kinh tế Alternatives Economiques, Guillaume Duval vừa nói, Đức còn là một quốc gia nơi mà phụ nữ chỉ có một chỗ đứng rất khiêm tốn trên thị trường lao động. Điều đó là một trong những yếu tố giải thích vì sao tỷ lệ thất nghiệp ở Đức thấp.

Chỉ mới chưng 10 năm gần đây phụ nữ bắt đầu đi làm nhiều hơn. Nhưng vấn đề đặt ra là lương họ thấp, công việc lại bấp bênh, và phần lớn những người chấp nhận đi làm không có tay nghề cao. Đức là nơi khác biệt về lương bổng giữa phái nam và nữ được coi là cao nhất tại châu Âu. Khác biệt về khối lượng giờ là việc cũng vậy. Trung bình một phụ nữ Đức làm việc ít hơn một phụ nữ Pháp đến 3 giờ mỗi ngày. Khác biệt đó rất lớn và nó kèm theo nhiều tác động về phương diện kinh tế, xã hội, gia đình …

Ngoài ra, tại Đức có những người đi làm nhưng lương tháng lại chưa đầy 450 euro. Số này hầu như không đóng góp vào các quỹ an sinh xã hội và họ cũng không được hưởng trợ cấp y tế, xã hội hay hưu trí. Có khoảng 7 triệu rưỡi người lao động ở Đức trong tình cảnh này.

Khắc phục những thiếu sót về phương diện xã hội, sẽ là trọng tâm của các cuộc thương lượng sắp mở ra vào ngày 04/10/2013 giữa đảng bảo thủ Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Angela Merkel với đảng Dân chủ Xã hội cấp tiến để thành lập chính phủ liên minh.

Tổng biên tập nguyệt san Alternatives Economiques, Guillaume Duval điểm ra một số những ưu tiên của chính phủ Merkel trong nhiệm kỳ sắp tới:

« Bà Merkel đã cam kết bảo đảm cho người lao động một mức lương tối thiểu. Chính phủ cũng sẽ có một chính sách ưu đãi hơn dành cho các gia đình, chẳng hạn như xây thêm trường học và nhà trẻ, để tạo điều kiện cho các bà mẹ đi làm, khuyến khích phụ nữ có con. Ngoài ra thì Berlin cũng sẽ đầu tư vào hạ tầng cơ sở vì trong nhiều năm qua, Đức đã giảm chi tiêu công cộng đáng kể. Hạ tầng cơ sở bị xuống cấp. Nói tóm lại trong nhiệm kỳ tới, thủ tướng Merkel sẽ nới lỏng các khoản chi tiêu, và qua đó, kích thích tiêu thụ và đầu tư tại Đức. Một cách gián tiếp thì chính sách này của Berlin sẽ ảnh tạo nên một đà mới cho các đối tác châu Âu. Chắc chắn là không có chuyện Đức giúp đỡ các đối tác yếu kém trong khu vực đồng euro ».

Theo thẩm định của Viện nghiên cứu kinh tế Đức, quốc gia này cần đầu tư thêm ít nhất là 7 tỷ euro trong những năm tới để tu chỉnh hệ thống cầu đường. Chính sách tiết kiệm chi tiêu công cộng của Berlin trong những năm qua khiến 20 % hệ thống xa lộ của Đức bị xuống cấp và có tới 40 % các tuyến đường giao thông cần được tu bổ.

Nguồn: RFI