Nguyên nhân ì ạch của một bộ máy

Đỗ Ngà

Cứ mỗi 5 năm ĐCS có một kỳ đại hội chia chác quyền lực, nó được gọi là đại hội đảng. Ngoài mục đích chia chác quyền lực thì trong đó họ còn lập ra kế hoạch điều hành đất nước trong 5 năm, họ gọi nó là “kế hoạch 5 năm”. Đây là cách làm vô cùng máy móc mà hiện nay ĐCS Việt Nam vẫn làm, cách làm này dựa trên những gì mà Lenin đã áp dụng trước đây hàng trăm năm. Cái kế hoạch 5 năm này được ghi vào nghị quyết đảng và sau đó chính phủ và các chính quyền địa phương cứ theo đó mà làm. Thực tế, công việc điều hành của chính phủ và điều hành chính quyền địa phương thường gặp nhiều vấn đề phát sinh mới mà trung ương đảng không thể tiên liệu được. Tuy nhiên, nếu bộ trưởng nào hay chủ tịch tỉnh nào dám làm khác để ứng phó tình huống thì người đó sẽ rất dễ bị rơi vào bẫy. Đó là bẫy gì? Bẫy “Nguyên tắc tập trung dân chủ”.

Vậy cái gọi là “Nguyên tắc tập trung dân chủ” là gì? Theo CS giải thích thì đó “tự do trong thảo luận nhưng thống nhất trong hành động”. Để có cái gọi là “tập trung dân chủ” thì quá trình thực hiện phải trải qua 3 bước:

Bước thứ nhất là đưa vấn đề ra trung ương đảng bàn bạc;

Bước thứ nhì là chốt vấn đề và ghi thành nghị quyết đảng;

Bước thứ ba là áp nghị quyết đảng vào chính phủ hoặc chính quyền địa phương triển khai. Nếu ai làm sai nghị quyết thì người đó “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”

Nguyên tắc tập trung dân chủ nghe có vẻ “dân chủ” nhưng thực chất nó rất phi dân chủ. Nó phi dân chủ ngay trong bước thứ nhất. Khi bàn bạc ở trung ương đảng thì ý kiến người thấp cổ bé họng sẽ bị phớt lờ, vì thế nội dung nghị quyết cuối cùng cũng là “ý của lãnh đạo” mà thôi. Chính vì vậy mà để hiểu đúng về “tập trung dân chủ” thì phải hiểu là “Lãnh đạo mượn quyết định tập thể để triển khai ý đồ riêng” mà thôi. Trên trang Merriam-Webster, người ta đã định nghĩa “tập trung dân chủ” như sau: “Tập trung dân chủ là một nguyên tắc của tổ chức đảng cộng sản, trong đó các thành viên tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách và bầu cử ở tất cả các cấp nhưng phải tuân theo các quyết định của cấp trên”, hết.

“Kế hoạch 5 năm”, “Nghị quyết đảng” và “Nguyên tắc tập trung dân chủ” là một bộ ba đã biến mọi địa phương, mọi ban ngành của chính phủ đều bị chết kẹt trong bộ khung 3 chân trụ quái ác đó. Cho nên dù cho ngành nào, dù cho địa phương nào có muốn cải cách đến mấy thì họ vẫn không thoát khỏi cái khung trì trệ này. Rất nhiều lãnh đạo đầu ngành không dám quyết bất kỳ một vấn đề nào vì sợ lưỡi đao “Nguyên tắc tập trung dân chủ” bập vào cổ thì xem như sự nghiệp chính trị tiêu tan. Thực tế, cái gọi là “Nguyên tắc tập trung dân chủ” ấy đã biến rất nhiều đối tượng thành củi nằm trong lò của ông Nguyễn Phú Trọng. Hiện nay, các ban ngành và các địa phương đều không dám làm gì đột phá, hầu hết là họ né trách nhiệm.

Cách chống dịch cực đoan của ĐCS đang gặp nhiều bất cập. Những yếu điểm ấy bắt đầu xuất hiện và nếu dịch bùng phát mạnh hơn rất có thể nó sẽ làm cho xã hội hoảng loạn, dân hoang mang một cách không đáng có, và đặc biệt nó làm cho nhà nước hao phí sức lực và tiền bạc vào những công việc vô ích. Tuy nhiên, những người chỉ đạo công tác chống dịch từ trung ương đến địa phương đều không dám thay đổi. Bởi đơn giản, họ sợ thay đổi mà thất bại thì họ sẽ bị cái gọi là “Nguyên tắc tập trung dân chủ” trảm đi sự nghiệp của họ.

Thể chế chính trị lỗi thời thì nó không thể chứa được nhưng cơ chế hợp thời được. Cách vận hành bộ máy nhà nước CS luôn luôn như vậy, nó cứ luẩn quẩn quanh những sai lầm cũ mà không hề có bất kỳ sự đột phá táo bạo nào cả. Mọi con người, dù giỏi đến đâu mà bị đặt vào cái guồng máy này cũng phải quay theo nó. Nếu không theo, sẽ bị nó loại bỏ./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.merriam-webster.com/…/democratic%20centralism