Nhận định của Ông Lý Thái Hùng về những biến động ở Ai Cập

Cuộc đảo chánh không tiếng súng của quân đội Ai Cập đã diễn ra vào tối ngày mồng 3 tháng 7 năm 2013, khi tướng Abdel Fattah al-Sisi, lãnh đạo tối cao cùa Quân đội Ai Cập đã tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia rằng theo ý nguyện của nhân dân, quân đội truất quyền tổng thống của ông Mohamed Morsi và trao quyền lại cho ông Adly Mansour, Chánh án Tòa Án Hiến Pháp tối cao để tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Tuy là cuộc đảo chánh không tiếng súng, nhưng biến cố này đã làm cho dư luận thế giới và cả dư luận Việt Nam lo ngại rằng cuộc cách mạng Hoa Lài xảy ra hai năm truớc đây để lật đổ chế độ độc tài Mubarak có thể sẽ bị bế tắc, khi mà quân đội phải ra tay đối với chính quyền dân chủ của Tổng thống Mohamed Morsi vừa mới được dân chúng bầu lên khoảng 1 năm qua. Để tìm hiểu những diễn biến của tình hình chính trị Ai Cập xin mời quý thính gia theo dõi phần nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình phát thanh hôm nay.

 

Thanh Thảo : Kính chào ông Lý Thái Hùng.
Trước hết để giúp cho thính giả hiểu rõ bối cảnh chính trị tại Ai Cập như thế nào trong một năm qua, vì sao dẫn đến hệ quả là quân đội phải ra tay hạ bệ một tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập sau khi chế độ độc tài Mubarak sụp đổ vào tháng 2 năm 2011, xin ông chia sẻ một số nguyên nhân đưa đến những diễn biến như hiện nay ?

 

Ô. Lý Thái Hùng : Như chúng ta biết là sau những biến động chính trị đưa đến sự sụp đổ chế độc tài của tổng thống Bel Ali Mubarak tại Tunisia vào ngày 14 tháng 1 năm 2011, thì cuộc biến động này đã làm bùng lên một niềm phấn chấn mới trong thành phần trí thức và giới công nhân Ai Cập và một số nưoóc Trung Đông. Lực lượng chống đối tại Ai Cập đã chọn dịp kỷ niệm 1 năm ngày một sinh viên bị chính quyến Mubarak bắn chết trong cuộc đình công của công nhân năm 2010 làm khởi điểm tụ họp đấu tranh, đó là ngày 25 tháng 1 năm 2011. Tuy bị đàn áp nhưng làn sóng biểu tình ngày một gia tăng sau đó, trước sự làm ngơ của quân đội, cuối cùng Tổng thống Mubarak đã phải từ chức vào ngày 11 tháng 2 năm 2011 trao quyền điều hành đất nước lại cho Hội đồng quân lực cao cấp.

 

Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng quân lực cao cấp, Ai cập được điều hành bởi một chính quyền dân sự lâm thời với 2 nhiệm vụ: 1/Soạn thảo hiến pháp; 2/Ổn định tình hình sau khi chế độ độc tài Mubarak sụp đổ.

 

Ngày 24 tháng 12 năm 2011, Ai Cập đã thông qua hiến pháp mới sau 2 đợt trưng cầu dân ý và dựa trên hiến pháp này, Ai Cập đã tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 16 tháng 6 năm 2012. Trong cuộc bầu cử này ông Mohamed Morsi, lãnh đạo đảng Công lý và Phát Triển là một đảng chính trị của Tổ Chức Huynh Đệ hồi giáo đã đánh bại cựu thủ tướng Ahmed Shafiq, với số phiếu khá khít khao. Điều này cho thấy mức ảnh hưởng của lực lượng cầm quyền của Tổ Chức Huynh Đệ Hồi Giáo so với các nhóm đối lập không chênh lệch bao nhiêu. Hơn nữa, một số người lại sợ khối Hồi Giáo khống chế quyền lực đối với lực lượng đối lập nên đã không ủng hộ chính quyền của ông Morsi, Liên Đoàn Á Rập không ủng hộ nhóm Hồi giáo và không có thái độ thiện cảm với chính quyền này. Có thể nói, ngay từ những ngày đầu ông Morsi lên nắm chính quyền đã có sự rạn nứt trong quần chúng.

 

Ngoài ra, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tuy ra đời từ rất sớm, nhưng hoạt động của tổ chức này chỉ thu hẹp trong các lãnh vực xã hội, tôn giáo và chưa bao giờ tham gia chính trường nên khá lúng túng trong việc điều hành quốc gia.

 

Có hai vấn đề mà Tổng thống Morsi và Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo đã hành xử không khéo, tạo sự xung đột lớn với lực lượng đối lập và phe quân đội.

• Thứ nhất là sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Morsi đã hủy bỏ Tuyên bố Hiến pháp bổ sung do Hội đồng Quân sự ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2012. Việc làm này của Tổng thống Morsi đã vô hình chung loại bỏ quyền lực của phe quân đội vốn là lực lượng xương sống, đã duy trì sự ổn định của Ai Cập sau khi chính quyền Mubarak sụp đổ.

 

• Thứ hai là vào ngày 30 tháng 3 năm 2013, Tổng thống Morsi đã sửa một phần nội dung Hiến pháp để cho phép Tổng thống nắm quyền lập pháp trong khi Hạ viện chưa được bầu lại. Đây là quyết định cho thấy là Tổng thống Morsi và Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo muốn tóm thu quyền lực vào tay mình khiến cho lực lượng đối kháng thấy là Ai Cập có thể bị đưa về lại thời kỳ độc tài của Mubarak.

 

Thêm vào đó, tình hình kinh tế bi đát trong suốt một năm qua chứng minh khả năng vượt qua khủng hoảng kinh tế của chính quyền Morsi rất hạn chế, đã thổi bùng lên cơn giận dữ của chính những người đã từng bỏ phiếu cho ông Morsi.

 

Trước khi xảy ra vụ lật đổ ông Mubarak, kinh tế Ai Cập đạt tốc độ tăng trưởng 7%/năm; nhưng trong hai năm 2011 và 2012 mức tăng trưởng chỉ còn 2,2% và theo dự báo, đến tháng 6-2013 tốc độ tăng trưởng cũng chỉ đạt 2,7%.

 

Hậu quả là người dân Ai Cập lại xuống đường biểu tình với số lượng người tham gia ngày càng đông. Khác với những gì xảy ra cách đây hai năm, những cuộc biểu tình chống Tổng thống Morsi diễn ra khá ôn hòa vì người dân còn mong chờ sự thay đổi của Tổng thống Morsi.

 

Nhưg thay vì tìm cách đối thoại với lực lượng đối lập và quân đội để tìm cách giải quyết các khó khăn và bất đồng, Tổng thống Mohamed Morsi và tổ chức Huynnh Đệ Hồi Giáo lại tìm cách kiểm soát mọi quyền lực, đàn áp đối lập. Các tổ chức đối lập đã lập ra phong trào có tên là Tamarod có nghĩa là “nổi dậy”, tuyên bố là đã vận động được 22 triệu chữ ký, chiếm 1/3 dân số và đã kêu gọi một cuộc biểu tình lớn vào ngày 30 tháng 6, nhân kỷ niệm 1 năm ông Morsi nhậm chức tổng thống. Sau cuộc biểu tình này, phong trào Tamarod đã ra tối hậu thư cho Tổng thống Mohamed Morsi là trong vòng hai ngày ông phải từ chức hoặc phải đối mặt với chiến dịch phản đối dân sự, tức là cho đến 5 giờ chiều ngày 2 tháng 7 năm 2013.

 

Tối hậu thư vừa đưa ra thì bên quân đội lên tiếng tiếp theo rằng Tổng thống Morsi có 48 tiếng đồng hồ để trả lời cho phe đối lập, nếu không thì quân đội sẽ đảo chánh. Tổng thống Morsi đã từ chối và cho rằng ông là người được dân chúng bầu lên một cách hợp pháp, không cần thiết phải nghe theo mệnh lệnh của quân đội. Tuyên bố này của ông Morsi coi như sẵn sàng đối đầu và cuối cùng quân đội đã ra tay, truất phế khỏi chức tổng thống và giam lỏng ông Morsi.

Thanh Thảo : Sự kiện quân đội đảo chánh lật đổ tổng thống Morsi tuy không có đổ máu nhưng theo ông thì có hợp hiến hay không và tại sao quân đội không cầm quyền mà lại trao cho Chánh án Adly Mansour lên làm tổng thống lâm thời ?

 

Ô. Lý Thái Hùng : Tôi thiết nghĩ cuộc biểu tình ngày 30 tháng 6 và việc tổng thống Morsi không chấp nhận đối thoại với phe đối lập để giải quyết tình hình khủng hoảng chính trị kéo dài từ cả một năm qua, khiến cho phe quân đội không thể đứng yên mà nhìn tình hình bất ổn ngày càng gia tăng.

Hơn thế nữa, xứ Ai Cập đã có truyền thống quân đội nắm chính quyền trong nhiều thập niên dài và sẵn sàng can thiệp khi tình hình chính trị có những dao động nghiêm trọng như tình hình bất phân thắng bại hiện nay giữa phe Huynh Đệ Hồi Giáo với phe đối lập. Vì thế mà Bộ trưởng quốc phòng Abdel Fattah Al Sisi đại diện cho hội đổng tướng lãnh, tuyên bố việc truất phế Tổng thống Morsi hôm tối mồng 3 tháng 7 giờ Ai Cập.

 

Sự truất phế này đương nhiên là vi hiến vì đã giải nhiệm một tổng thống do dân bầu lên theo hiến định. Phe quân đội cũng biết là việc làm của họ là vi hiến nên họ đã không dám nắm quyền như các cuộc chính biến trưóc đây, vì thế mà Tướng Al Sisi đã chỉ định Thẩm phán Adly Mansour, chủ tịch Hội đồng Hiến pháp tối cao lên thay thế trong trách vụ tổng thống lâm thời và ông này đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 5 tháng 7 năm 2013 và sẽ giữ trách vụ này cho đến khi tiến hành cuộc bầu cử tổng thống mới.

 

Tuy các nước trong và ngoài khu vực Trung Đông cũng như các cường quốc Hoa Kỳ, Pháp, Anh đều không lên tiếng phản đối hành động lật đổ tống thống Morsi của phe quân đội Ai Cập, nhưng đa số đều mong muốn tiến trình chuyển giao chính quyền sang dân sự càng nhanh càng tốt.

 

Chính vì thế, nếu tiến trình này kéo dài thì tình hình Ai Cập khó có thể trở lại bình thường và quân đội Ai Cập sẽ chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, trước hết là của các nước phương Tây. Một trong những áp lực này là từ Hoa Kỳ, khi tổng thống Obama nói rằng ông sẽ duyệt lại vụ viện trợ 1,3 tỷ mỹ kim quân sự cho Ai Cập trong năm 2013.

Thanh Thảo : Theo tin tức thì tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo đang kêu gọi những người ủng hộ họ tham gia biểu tình đòi quân đội phục hồi lại chức vụ Tổng thống của ông Mohamed Morsi. Như vậy người dân Ai Cập chia làm hai phe: Phe chống và phe ủng hộ ông Morsi, hay nói cách khác là chia làm 2 phe ủng hộ và chống lại cuộc đảo chánh của quân đội. Theo ông thì tình hình Ai Cập sẽ đi về đâu?

 

Ô. Lý Thái Hùng : Đúng như chị nói là sau gần 4 ngày ở trong tình huống bất ngờ bị mất quyền lực, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo vào ngày 5 tháng 7 vừa qua, đã lên tiếng kêu gọi người dân xuống đường biểu tình chống lại việc quân đội truất phế Tổng thống Morsi và yêu cầu trả lại vị trí Tổng thống cho ông Morsi. Cuộc biểu tình không chỉ diễn ra ở thủ đô Cairo mà khắp toàn quốc. Chúng ta biết là tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo là một tổ chức Hồi giáo lớn, không chỉ nằm ở Ai Cập mà còn lan rộng trên nhiều quốc gia ở Trung Đông.

 

Huynh đệ Hồi giáo là phong trào Hồi giáo đầu tiên được thành lập năm 1928 tại Ismailia, bên bờ kênh Suez. Sáng lập viên là Hassan el Banna, một giảng viên Hồi giáo chủ trương kêu gọi quay về cội nguồn. Ông tin rằng tổ chức cuộc sống xã hội cần phải dựa trên những nguyên tắc của Kinh Coran và truyền thống Hồi giáo. Tổ chức huynh đệ hồi giáo chống lại khuynnh hướng bạo lực của các nhóm Hồi Giáo khác.

 

Chính thái độ ôn hòa này đã giúp cho tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tạo dựng được uy tín và được lòng dân. Trong quá khứ, về mặt chính thức, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bị cấm hoạt động, nhưng chính quyền Ai Cập lại có những châm chước, nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo của tổ chức này.

 

Từ năm 2011, trước những thay đổi do cuộc cách mạng Hoa Lài mang lại, hầu như tất cả các tổ chức chính trị Hồi giáo đều tuyên bố tiến hành các hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và các định chế hiện có, theo mô hình đảng Công lý và Phát triển thành lập và cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

 

Với một lực lượng được tổ chức chặt chẽ như vậy, chắc chắn sẽ gây rất nhiều tác động lên tình hình chính trị tại Ai Cập trong thời gian tới. Điều mà nhiều người lo ngại là sự hình thành 2 phe ủng hộ và chống cuộc đảo chánh của quân đội đối vối Tổng thống Morsi sẽ tạo ra một sự phân hóa trầm trọng trong nội tình của người dân Ai Cập.

 

Hiện nay, vì nhu cầu giữ ổn định tình hình, phe quân đội đã bắt giữ hơn 300 cán bộ cao cấp của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo. Đây chính là điều tạo thêm sự hận thù giữa tổ chức Hồi Giáo với quân đội. Vì thế tôi thiết nghĩ là viễn cảnh của tình hình Ai Cập có thể xảy ra ba kịch bản như sau:

 

• Kịch bản thứ nhất là quân đội nhanh chóng tổ chức đối thoại với phe đối lập và tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo để đi đến những đồng thuận trong việc tổ chức lại một cuộc Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt, để bầu ra một Tổng thống mới và nhiều phần sẽ là một tổng thống không thuộc phe Huynh Đệ Hồi Giáo trong lần này.

 

• Kịch bản thứ hai là quân đội tiếp tục đứng sau Tổng thống lâm thời Adly Mansour để chi phối các quyết định chính trị quan trọng cho đến khi khống chế được tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo thì mới tiến hành bầu cử.

 

• Kịch bản thứ ba là nếu không hòa giải được phe đối lập và tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, và tình hình bất ổn lan rộng thì quân đội có thể sẽ lên nắm quyền như nhiều chính thể quân đội trước đây tại Ai Cập.

 

Nếu kịch bản thứ nhất xảy ra là điều tốt nhất và đúng như mọi người mong đợi. Nhưng để có kịch bản này, phe quân đội và các lực lượng đối lập phải nỗ lực vượt qua những bất đồng hiện nay để sớm mang lại sự ổn định cho Ai Cập trước khi nền kinh tế có thể bị phá sản.

 

Thanh Thảo : Cuộc cách mạng Hoa Lài xảy ra vào đầu năm 2011 đã tạo một sự phấn chấn rất lớn trong dư luận; nhưng sự sụp đổ của chính quyền dân sự Mohamed Morsi vừa qua, khiến người ta thấy rằng cuộc cách mạng dân chủ bằng đấu tranh bất bạo động đã không hoàn hảo tại Ai Cập. Đâu là những điều chúng ta cần tránh cho cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam?

 

Ô. Lý Thái Hùng : Sự xuất hiện của phong trào nổi dậy Tamarod để chống lại sự độc quyền của Tổng thống Morsi và tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo với cuộc biểu tình ngày 30 tháng 6 vừa qua, một lần nữa cho thấy là sức mạnh của quần chúng khi đã hội tụ được, chắc chắn sẽ đưa đến những đổi thay mới.

 

Tình hình Ai Cập đang trải qua một giai đoạn mới nhưng bản chất của nó chẳng khác gì cách nay hai năm vì khát vọng dân chủ của người dân khi lật đổ chính quyền gia đình trị Mubarak vào năm 2011 vẫn còn nguyên. Lý do là Tổng Thống Morsi và tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, ngày càng tỏ ra chuyên quyền, coi rẻ ý nguyện của người dân, đàn áp các đảng phái chính trị khác, và trừng phạt các tiếng nói chỉ trích chính quyền. Nói một cách khác là chính phủ Morsi của Huynh Đệ Hồi Giáo lại từng bước trở về con đường độc tài của Tổng Thống Mubarak, người mà dân chúng đã lật đổ vào đầu năm 2011 bằng phương thức đấu tranh bất bạo động.

 

Nhìn qua lăng kính đấu tranh bất bạo động để phân tích về tình hình Ai Cập hiện nay, chúng ta có thể rút ra một số điểm như sau:

 

• Thứ nhất tiến trình dân chủ ở mỗi quốc gia có những diễn trình khác nhau. Những diễn trình này phải đi qua một số giai đoạn để phát huy nếp sinh hoạt chính trị dân chủ. Chính quyền của mỗi giai đoạn sẽ từng bước cải tổ, đáp ứng các đòi hỏi của người dân cho đến khi nào có một chính quyền dân chủ thật sự. Nhìn như vậy, ta thấy là diễn trình dân chủ tại Ai Cập mới đi vào giai đoạn đầu.

 

• Thứ hai là sau khi chấm dứt độc tài không có nghĩa là sẽ có ngay sinh hoạt chính trị dân chủ. Lý do là trong những lực lượng tham gia chống lại độc tài cũng có những con người mang tham vọng khống chế những lực lượng khác khi họ ở thế thượng phong. Do đó sau khi thoát khỏi chế độ độc tài, người dân phải luôn luôn cảnh giác đối với các toan tính độc tài mới, dù đó là thế lực phát sinh từ chính hàng ngũ những người đã từng tranh đấu cùng với dân chúng. Trường hợp Tổ Chức Huynh Đệ Hồi Giáo là lực lượng chiếm ưu thế tại Ai Cập hiện nay và đã rơi vào tham vọng độc quyền như Tổng thống Morsi đã hành xử.

 

• Thứ ba là khi chúng ta nắm vững phương thức đấu tranh bất bạo động thì dù có thế lực nào toan tính tái lập lại thể chế độc tài thì cũng sẽ bị người dân bẻ gãy ngay. Vì người dân đã nhuần nhuyển về cách thức đấu tranh bất bạo động, sẽ nhanh chóng đối phó với các thế lực độc tài mới. Sự kiện phong trào nổi dậy Tamarod của Ai Cập thu hút 22 triệu người ký tên chống chính quyền Morsi là một bẳng chứng cho thấy phe đối lập Ai Cập đã nắm vững kỹ thuật vận động số đông để tạo áp lực bằng kỹ thuật bất tuân dân sự.

 

Nói tóm lại, ba điểm mà tôi phân tích nói trên cũng có thể coi như là 3 bài học mà phong trào dân chủ tại Việt Nam cần rút tỉa trong công cuộc đấu tranh chấm dứt ách độc tài Cộng sản để xây dựng một thể chế chính trị dân chủ thật sự trên đất nước Việt Nam trong tương lai.


Thanh Thảo : Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng và xin cảm ơn sự lắng nghe của quý vị thính giả.

 

Nguồn: http://radiochantroimoi.com/