Nhục!

Tòa án của chế độ ngày 16/5/2013 đã đưa hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha ra xử. Trong phiên tòa một ngày, tại Long An. Sau khi giam giữ hai bị cáo hơn nửa năm. Thuật ngữ dùng cho các cuộc xử, cả bình thường cả bất bình thường, gọi đó là kiểu “làm gọn”, có khi chỉ cần “một cái rụp”… là xong. Kiểu “xử gọn” như vậy có đáng gọi là một việc làm đàng hoàng không? Và ai làm một việc không đàng hoàng có phải là nhục không?

Mà về tội gì? Theo tờ Tuổi trẻ, tức phải là tờ báo của tuổi hai bị cáo, thì là “về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam”.

Tin viết là “theo hồ sơ”, nhưng tờ báo không cho biết “theo hồ sơ” là do được “tiếp cận hồ sơ”, theo đúng tác phong, chức năng nghề báo. Hay được nghe đọc lúc xử. Hay là không đọc, cũng không nghe, mà chỉ quen tay viết vậy… Vì toàn bộ bản tin về vụ án chỉ vỏn vẹn được gói gọn không quá 250 chữ, nằm lọt giữa trang 2. Cho một bản án tổng cộng 14 năm tù, cộng 2, và 6 năm quản chế. Tin về một bản án nặng nề, với một tội danh không nhẹ là “chống phá Nhà nước”, lại được đem nhét giữa trang 2. Thua cả môt tin xe đụng… Báo chí cho tuổi trẻ muốn cho tuổi trẻ thấy gì? Và nhất là tờ báo tự cảm thấy gì? Mà về một bản án được mọi người ViệtNam trong ngoài nước quan tâm, lại đi loan tin theo kiểu phải vạch mãi để tìm mới lòi ra để đọc?
 

Về phiên tòa, thân phụ Phương Uyên cho biết ông và các thân nhân khác không được cho vào dự khán, chỉ có bà mẹ Phương Uyên được vào. Lại bị bao vây che chắn bởi một đám thân nhân lạ hoắc, không ai khác hơn là công an mật thám trá hình. Có người đến ngóng tin bên ngoài tòa án đã bị công an thường phục hốt về đồn. Xử án, ở đâu cũng vậy, thông thường là để làm gương, chớ không phải để trả thù. Để làm gương nên có khi còn chọn một pháp đình thật rộng, khi pháp đình quen thuộc không đủ chỗ cho mọi người. Còn ở đây là để làm gì? Mà lại lén lén, lút lút… như đem giấu?

Về cái cách chế độ nầy đã bắt Phương Uyên cũng vậy, cũng thật đáng xấu hổ. Bắt như bắt cóc. Bắt đi mất tích rồi chối quanh hơn cả chục ngày mới chịu thừa nhận. Để đưa ra một lô chứng cứ tội phạm và lời thú tội có là công an cũng không thể tin là đứng đắn. Không thể nghĩ một chế độ tự nhận là Nhà nước pháp quyền mà lại đi hành xử pháp quyền như… vậy.

 

Còn lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nữa? Trước một loạt đối xử không đàng hoàng đối với một thành viên Ban chấp hành Đoàn thuộc cấp mà vẫn ngậm miệng nín khe là làm sao? Để làm gì và đang làm gì? Hay là đang sợ đoàn viên, đang sợ thanh niên cả nước theo gương Phương Uyên và Nguyên Kha, không thể tiếp tục nhẫn nhục và chịu nhục trước họa mất nước?

 

Nhắc lại chuyện này, từ khâu bắt người cho tới khi xử, cho tới nay, trong ngoài nước, ai cũng thấy không thể chịu nổi những việc làm đáng xấu hổ của không ít người của chế độ.

 

Tôi cũng không thể chịu nổi, nhất là trước những hành động quá ác đối với tuổi trẻ, nên đã cùng với hơn 150 người khác đứng tên trong kiến nghị gởi Chủ tịch Nước đề ngày 30/10/2012 yêu cầu can thiệp trả tự do cho Phương Uyên.

Cho tới nay, ông Chủ tịch Nước vẫn cứ nín khe.
Nhưng tôi và các bạn tôi đã được tưởng thưởng.

Hãy nghe chàng trai 24 tuổi Đinh Nguyên Kha nói: “Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội”.

 

Hãy nghe Nguyễn Phương Uyên 21 tuổi nói: “Việc tôi làm thì tôi chịu. Xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn”.

Cám ơn Phương Uyên. Cám ơn Nguyên Kha. Cám ơn những cô gái, những chàng trai yêu nước ViệtNam. /.

19/5/2013

H.N.N.