Phát triển giá trị văn hóa để làm gì?

Trưởng Ban Tuyên Giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu trong lễ khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng XIII tổ chức hôm 24/11/2021 tại Hà Nội. Ảnh: Dân Trí

Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân|

Khi nói đến văn hóa là nói đến con người và không thể tách rời khỏi con người. Nhưng văn hóa của những người cộng sản thì khác với văn hóa thông thường, nó gắn liền với chủ trương đường lối của đảng độc tài.

Vào ngày 24 tháng Mười Một vừa qua, đảng CSVN đã khua chiêng gióng trống rầm rộ để quảng cáo cho cái gọi là Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc nhằm tìm ra những giải pháp thực hiện nghị quyết của đại hội đảng lần thứ XIII. Đại hội XIII đã đưa ra 12 định hướng phát triển, bao gồm trong 10 giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… Xem ra toàn là những lời lẽ dao to búa lớn nhưng sáo rỗng mà người dân đã từng nghe trong những đại hội tương tự.

Chỉ cần nhìn vào chủ trương này, người ta thấy ngay là đảng đã chia vấn đề văn hóa ra làm hai theo cách của họ: Văn hóa phục vụ nghị quyết đảng và văn hóa phản động vì không làm theo nghị quyết. Không thấy đại hội đề cập đến loại hình văn hóa nào nhắm đến xây dựng con người trong xã hội chao đảo hiện nay.

Trong hội nghị văn hóa này, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nói như con vẹt: “sau 35 năm đổi mới, việc xây dựng văn hóa trong chính trị từng bước được nâng cao, gắn liền với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cách nhìn của ông Nguyễn Trọng Nghĩa hoàn toàn khác xa những gì mà nhân loại hiểu biết về văn hóa qua định nghĩa của tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc): Văn hóa là tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và cảm xúc của xã hội hoặc của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa không chỉ bao gồm văn học và nghệ thuật mà còn cả phong cách sống, phương thức chung sống, giao tiếp giữa con người và các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin (UNESCO, 2001).

Theo như định nghĩa trên, văn hóa được hiểu một cách thông thường trước hết và nổi bật hơn hết là phong cách sống và phương thức sống của con người trong xã hội, nhằm truyền đạt các giá trị truyền thống.

Nói cách khác, văn hóa là biểu lộ sự ứng xử tự nhiên của con người trong một đất nước, kết quả của giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không bị uốn nắn phải đi theo mô hình nào. Hơn 70 năm qua, cái gọi là mô hình văn hóa xã hội chủ nghĩa đã cho thấy sự thất bại của nó trong việc xây dựng con người mới chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ cộng sản cầm quyền, đảng CSVN tìm đủ mọi cách định hướng văn hóa theo chủ trương của đảng. Tức là họ đã đồng hóa đảng với dân tộc, đồng hóa xã hội chủ nghĩa với những truyền thống cao đẹp của dân tộc, đồng thời khoác lên chiếc áo xã hội chủ nghĩa những giá trị văn hóa không hề có.

Từ đó, khi phát biểu chỉ đạo trong hội nghị nói trên, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng “văn hóa còn, dân tộc còn,” tức ám chỉ “xã hội chủ nghĩa mất là đất nước mất.” Đây đúng là một sự ẩn dụ rất khiên cưỡng. Lịch sử thế giới cuối thế kỷ 20 có biết bao đất nước xã hội chủ nghĩa bị đào thải nhưng các quốc gia ấy vẫn tồn tại và tiến lên một nền văn hóa phẩm chất cao hơn.

Mới đây, Ban Tuyên Giáo Trung Ương tung ra cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội…” của ông Trọng hết lời ca tụng xã hội chủ nghĩa. Nay lại bày trò khua chiêng đánh trống tổ chức hội nghị văn hóa để định hướng đất nước phải làm theo nghị quyết của đảng. Rõ ràng là càng ngày đảng CSVN càng coi chỉ có đảng của họ là trên hết và xem thường tất cả các giá trị truyền thống của dân tộc. Đó là sự mê muội của một đảng cầm quyền, tự cho mình có sứ mệnh độc tôn do lịch sử giao phó.

Nhưng khi một chế độ lún sâu vào sự u mê như vậy, trước sau gì chế độ đó cũng thoái hóa và tan vỡ. Vì nó hoàn toàn đi ngược lại khát vọng của dân tộc: Tự do-Dân chủ-Sáng tạo-Công bằng.

Phạm Nhật Bình
https://viettan.org/phat-trien-gia-tri-van-hoa-de-lam-gi/