Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục có thể làm được gì?

Đỗ Ngà|

Thời Xuân Thu bên nước Tàu, ông Quản Trọng – một nhà cải cách tài ba của nước Tề bên Tàu có câu nói nổi tiếng: “Kế một năm, chi bằng trồng lúa. Kế 10 năm, chi bằng trồng cây. Kế trọn đời, chi bằng trồng người”.

Sau gần 3000 năm, ông Hồ Chí Minh đã dạy ngành giáo dục CS rằng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Ông Hồ Chí Minh nói ra câu đó mà ông không thông báo ông trích dẫn lại lời nói của ai nên được mặc định là của chính ông Hồ. Việc làm này chính là hành động đạo văn. Dùng hành động đạo văn để dạy dỗ nền giáo dục thì nền giáo dục đó đi về đâu?

Kết quả thì đã rõ, hiện nay nạn đạo văn rất phổ biến trong nền giáo dục Việt Nam. Ông Bùi Văn Cường bí thư tỉnh Đắk Lắk bị tố đạo văn, ông cựu bộ trưởng bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ cũng bị tố đạo văn v.v… Nền giáo dục thối nát đến nỗi chính quan chức cũng phải dốc hết hầu bao để đưa con cái đi tị nạn khỏi nền giáo dục này.

***

Hôm nay trên báo nhà nước và trang facebook của ông tân bộ trưởng bộ giáo dục Nguyễn Kim Sơn có bài viết “Ngành và Nghề của chúng ta”, đáng chú ý là đoạn cuối ông Sơn có viết như sau “Chúng ta cùng chung tay ngay bây giờ, từ lúc này. Trồng người vì trăm năm, chúng ta ươm tạo những trái ngọt mai sau, nhưng ngày hôm nay, cả chúng ta và xã hội đã phải nhìn thấy những cây và lá xanh tươi”.

Vâng! Vẫn là “trồng người”. Không biết ông Nguyễn Kim Sơn có thấy rằng, bài dạy “trồng người” của Hồ Chí Minh đã đẩy nền giáo dục Việt Nam đến sự mục nát như hôm nay không?

Có nguồn tin cho rằng, ông Nguyễn Kim Sơn cho con đi du học Mỹ. Không biết lời đồn này có đúng hay không, tuy nhiên nếu đúng thì cũng không có gì ngạc nhiên cả. Bởi vì hầu hết quan chức CS đều làm như thế thì ông Sơn cũng đâu dại gì “trồng người” cho con cái mình bằng mảnh đất giáo dục độc hại ở xứ CHXHCNVN này?

Thật ra mảnh đất Việt Nam đã bị nhiễm độc toàn diện bởi thể chế chính trị độc tài CS gây ra. Bộ Giáo dục có lấy bao nhiêu thế hệ trồng vào đó thì cũng cho ra cây độc trái đắng là nhiều, chứ không thể có được kết quả “hoa thơm trái ngọt” được.

Nền giáo dục Việt Nam chỉ có thể xóa đi và làm lại chứ còn dựa trên bộ máy cũ kỹ này thì nát vẫn hoàn nát. Ông Nguyễn Kim Sơn hãy chuẩn bị tinh thần để hứng chịu búa rìu dư luận là việc làm thiết thực nhất, còn tham vọng “ươm tạo những trái ngọt mai sau” thì quên đi ông à. Ông không có khả năng làm nổi./.