Thấu hiểu ý dân là thế

Một băng ghi âm về buổi nói chuyện kín trong dịp Tết âm lịch 2013 đang làm xôn xao dư luận. Kín vì người nghe được chọn lọc, không ghi âm.
Ngay sau buổi nói chuyện ban tuyên huấn trung ương đảng CS có ý muốn thu hồi gấp 2  băng 4 mặt được sao chép, nhưng lại e sẽ chỉ  quảng cáo thêm cho buổi nói chuyện.

 

Đó là buổi nói chuyện vào ngày 19/2/2013 tại Câu lạc bộ Thăng Long Hà Nội của chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là Câu lạc bộ riêng của cán bộ cao cấp về hưu và tại chức của đảng CS, Mặt trận Tổ quốc trung ương.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thăng Long hiện là ông Vũ Oanh, một thời là ủy viên bộ chính trị, nay là Chủ tịch Hội khuyến học và Chủ tịch Hội người cao tuổi.

Dư luận sau đó dịu đi vì người ghi âm là ông Đoàn Sự trong ban phụ trách Câu lạc bộ Thăng Long, ông cho rằng bài nói hay, bổ ích, nên phổ biến rộng. Và rồi báo Đại đoàn kết của Mặt trận ngày 6/9 cũng đưa tin như sau về buổi gặp này.

Ông Tư Sang đã nói những gì tại Câu lạc bộ Thăng Long?  ngay lời mở đầu ông hứa nói thật mọi điều, không quanh co rào đón, một buổi tâm tình cởi mở đầu năm.

Thật ra phần lớn ý kiến của ông là nói theo tập thể bộ chính trị, như viện dẫn « nguy cơ diễn biến hòa bình do đế quốc và bọn phản động ở nước ngoài tác động, tấn công vào chế độ XHCN ưu việt ». Ông than vãn về sự suy thóai trong đảng ngày càng phức tạp và nguy khốn, việc phê bình và tự phê bình không hiệu quả, chống tham nhũng lừng khừng, lối sống đồi trụy theo chủ nghĩa cá nhân ích kỷ hưởng lạc lan rộng, tệ nể nang phổ biến.

Trên đà cởi mở tấm lòng, ông tâm sự : « những chuyện bê bối kéo dài, đến trẻ con cũng biết »; « Họ nói thẳng với chúng ta : ăn vừa thôi, các ông bà ơi ! Còn để lại cho dân với chứ ! ». Họ còn bảo chúng tôi « không làm được thì xuống đi để người khác làm, để chúng tôi lên làm ».

Trên đà bi quan, cảm thấy bế tắc, ông thổ lộ : Thấy rõ khuyết điểm, sai lầm, chúng tôi đề nghị kỷ luật một số đồng chí thì không được ban chấp hành trung ương đồng tình, vậy làm sao mà sửa được sai lầm. Kỷ luật không nghiêm, đó là một bức xúc với dân. Kinh tế tụt lớn, GDP sẽ chỉ đạt thấp,  năm nay xuống 5,2%, rồi nợ xấu tích tụ lớn, cơ cấu lại Vinashin, Vinalines chưa biết ra sao cả. Vẫn chỉ những lời than.

Rồi lại vài phút chân thật, ông tâm sự : chủ nghĩa cá nhân hoành hành, tham nhũng, tiêu cực tràn lan, suy thoái trong đảng, trong xã hội nặng nề thêm. Dân ta biết hết. « Anh xe ôm, bà hàng nước bên vỉa hè biết hết, họ kể ra đủ thứ ». Ông như muốn nhắn nhủ với các đồng chí cao cấp trong đảng của ông là chớ có chủ quan, không che giấu nổi con mắt nhân dân đâu, phải cẩn thận. Nhân dân ta tinh khôn lắm đó, chớ coi thường.

Số đông người nghe chờ đợi ở ông những giải pháp hữu hiệu cho tình hình ngiêm trọng, cho đà suy thoái, cho lòng dân không yên, thì ông không hé ra một điều gì. Mọi người như bị hẫng. Sau những phút thật lòng về thực trạng bi đát, ngổn ngang, ở người lãnh đạo chỉ có những tiếng thở vắn than dài.

Thế rồi trong đà tùy hứng, ông buột mồm, hé ra ước mong riêng thầm kín : chủ tịch nước kiêm luôn chức tổng bí thư đảng, là tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang, quân đội và an ninh -  như ở nước láng giềng Trung Quốc -, để có đủ sức đối phó với mọi tình huống phát sinh từ trong nước hay từ nước ngoài.

Thế rồi…  hết. Ông chào, chúc Tết mọi người.

Thật ra buổi nói chuyện nội bộ của ông Tư Sang từ hơn nửa năm trước chẳng có gì bí mật, cũng chẳng có gì là mới mẻ. Cánh tuyên huấn giáo điều chỉ lo sợ hão rằng phải chăng ông Tư đã đi quá xa tách mình ra với tập thể bộ chính trị. Không phải vậy. Ông chỉ nói lên tình thế chính trị nghiêm trọng của đảng và chế độ, cả xã hội đều cảm thấy rõ ràng trong cuộc sống hàng ngày, không thể che giấu ai. Ai cũng hiểu đảng hiện hoàn toàn tê liệt và bất lực, không có biện pháp nào để khắc phục. Ông chỉ buột mồm than thở, chứ ông vẫn như chưa nghe thấu tiếng dân.

Bộ chính trị hiện nay giữa cơn bế tắc chỉ có một thái độ chung là ôm chặt những giáo điều đã phá sản để « kiên định », -  từ kiên định chủ nghĩa Mác Lenin đã hết sức sống, kiên định chủ nghĩa xã hội ảo tưởng mơ hồ, đến kiên định Điều 4 hiến pháp do đảng CS tự phong, chưa bao giờ được nhân dân thừa nhận dưới bất kỳ hình thức nào.

Cho đến nay, sau chuyến đi Bắc Kinh rồi chuyến đi Washington, ông Tư Sang vẫn là một chính khách không rõ nét, thiếu phương hướng và quả đoán. Có nhà bình luận cho rằng ông và vài ủy viên bộ chính trị nữa đã có định hướng mới, « xoay trục sang phương Tây », và rồi đây sẽ có một chuỗi sự kiện đáng hoan ngênh theo định hướng mới, chứng minh cho sự xoay trục thức thời ấy.

Được như vậy có gì đáng mừng hơn; nhưng e đó vẫn chỉ là mong muốn chủ quan của một số người lạc quan quá sớm, lấy mong muốn làm hiện thực.

Nên nhớ, trong chuyến đi Bắc Kinh của chủ tịch nước, ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và tướng Nguyễn Chí Vịnh – 2 nhân vật trung kiên của Trung Nam Hải  -  đã đóng vai trò tiền trạm cho một loạt hơn một chục văn kiện, hiệp định gắn bó về chiến lược toàn diện giữa 2 đảng, 2 nhà nước XHCN, để buộc ông chủ tịch nước phải chui vào tròng của họ, ký không sửa một dấu phẩy. Rồi trong chuyến đi Washington, khi ông Sang hội đàm với tổng thống Hoa Kỳ trong phòng bầu dục của Nhà Trắng, lại có mặt tướng Nguyễn Chí Vịnh và thêm tướng công an – tình báo Tô Lâm cũng là người của thế lực Trung Nam Hải. Tai mắt của Bắc Kinh bám sát đến tận đây thì ông Tư Sang có thể cựa quậy nói ra điều gì mới và khác ?

Điều trên đây giải thích vì sao cuộc Đặc Xá nhân ngày Quốc khánh 2/9 đã không có một tù nhân chính trị nào được tự do trong số 15 ngàn người được trở về với gia đình, mặc dù điều ấy hoàn toàn nằm trong tầm tay của chủ tịch nước.

Cuộc « xoay trục » nếu có sao mà nặng nề vất vả đến thế.  Chuỗi sự kiện mong đợi đã bị cắt đứt ở khâu nào vậy. Hãy cố chờ xem.

Suốt trong buổi nói chuyện hơn 2 giờ, ông Tư chỉ có vài phút sự thật, thổ lộ là đã nghe thấy tiếng chê bai của người dân, của anh lái xe taxi, của bà hàng nước bên vỉa hè. « Các người ăn bẩn quá đáng rồi, phải nghĩ đến người dân nữa chứ », và «  không làm nổi thì xuống đi, để người khác làm thay ».

Khả năng lắng nghe dân, thấu hiểu nguyện vọng của dân để hình thành đường lối chính sách cai trị của cả Bộ chính trị vẫn cực kỳ yếu ớt.

Kiến nghị về dự thảo hiến pháp mới do 72 trí thức đề xuất, rồi Kiến nghị tiếp theo bác bỏ dứt khoát bản dự thảo được quốc hội thông qua mang 14.785 chữ ký, đó là đích thị tiếng dân đấy, lòng dân đấy, trí tuệ và tâm huyết cô đọng của dân. Nó là tích tụ tiếng nói, khát vọng của hàng vạn anh lái xe taxi, hàng vạn bà hàng nước, của hàng triệu lao động, công nhân, nông dân, tiểu thương tiểu chủ, các chủ doanh nghiệp bị phá sản hàng loạt đó, của hàng triệu tín đồ các tôn giáo khao khát tư do đó. Chính đó mới là điều ông Tư Sang cần nghe cho thủng, hiểu cho kỹ vì đó là kết tinh của sự thật, của tư duy trong sáng, của túi khôn dân tôc, của Minh Triết Việt Nam, là biện pháp cơ bản để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, cũng là con đường thoát Trung, thoát cái bẫy của bành trướng, thoát khỏi giặc nội xâm tham nhũng dai dẳng, mở ra chân trời sáng rộng cho đất nước.

Tập thể công dân có tâm và có tầm ấy đang thu hút thêm những tinh hoa có tư duy trẻ trung của thời đại, thành kho dự trữ nhân tài cứu nước và quản lý đất nước mới mẻ, để rồi đây thay cho lớp quan liêu tham nhũng, nghèo nàn tư duy, mụ mẫm vô cảm vì tham lam, phá của hiện nay. Hãy lắng nghe và nghiền ngẫm chính kiến lập luận của họ.

Hiểu rõ lòng dân, nghe rõ tiếng dân, cảm nhận năng khiếu mẫn cảm chính trị của dân lành ưa điều thiện, chuộng công bằng xã hội, ông Tư Sang hoặc bất cứ ai trong bộ chính trị còn có tư duy độc lập, yêu nước thật lòng, thương dân thật lòng hãy nắm lấy cơ hội này, dựa hẳn vào khối trí thức dân tộc đang phấn đấu cho một cuộc cách mạng có hệ thống, một chuyển đổi lịch sử từ độc đảng toàn trị sang đa đảng – pháp quyền, dân chủ và tự do, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước.

Đó là chiếc đũa thần kỳ có thật, đó là điểm tựa tạo thế chiến lược để sức mạnh dân tộc bật mạnh đúng hướng thời đại. Đó mới là gần dân, trọng dân, hiểu dân và cùng nhân dân hành động để cứu nước, cứu dân và cứu mình, viết tiếp lịch sử oai hùng của cha ông và mở đường sáng cho các thế hệ tiếp theo.

Nguồn: VOA