Thực Chất Cuộc Chiến Giữa Tập Cận Bình và Chu Vĩnh Khang

Trên danh nghĩa tận diệt tham nhũng, Tập Cận Bình đã và đang truy bức rất nhiều cán bộ cao cấp và trung cấp trong hơn một năm vừa qua. Có người bị đi tù, có người bị cách chức chờ điều tra, có người nhảy lầu tự tử, có người bị tịch thu tài sản.

Trong số những cán bộ cao cấp bị họ Tập chiếu cố là phe nhóm của ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ bộ chính trị, đặc trách về guồng máy an ninh – tư pháp. Theo nhiều nguồn tin, Chu Vĩnh Khang hiện đang bị câu lưu và những người thân cận cũng bị điều tra và có người đã bị câu lưu như họ Chu lên đến non 100 người.

Báo chí Trung Quốc đã mô tả đây là vụ điều tra tham nhũng và lợi dụng chức quyền. Báo chí phương Tây bị rơi vào cái bẫy của họ Tập nên các bản tin cũng chỉ xoay quanh vấn đề tham nhũng.

Thực tế tham nhũng chỉ là chiêu bài. Bên trong màn kịch chống tham nhũng chính là trận chiến giữa các phe Thái Tử Đảng. Cụ thể hơn là phe Bạc Hy Lai và Tập Cận Bình.

Bạc Hy Lai là cựu Bí Thư Trùng Khánh, cựu ủy viên Bộ chính trị từng có tham vọng cạnh tranh với Tập Cận Bình để ra làm Tổng Bí Thư và Chủ tịch nước sau khi Hồ Cẩm Đào mãn nhiệm kỳ. Bạc Hy Lai là con trai của Bạc Nhất Ba, một trong tám công thần của đảng Cộng sản Trung Quốc, cầm chịch quyền lực Trung Quốc dưới thời mở cửa năm 1978.

Trong khi đó, Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân, cựu phó Thủ tướng cùng thời với Đặng Tiểu Bình. Tuy thuộc thế hệ Thái Tử Đảng như Bạc Hy Lai, nhưng cái gốc của họ Tập không bằng Bạc Hy Lai nên vì thế mà họ Bạc coi thường Tập Cận Bình.

Họ Bạc đã liên kết với Chu Vĩnh Khang và nhiều cán bộ cao cấp khác, kể cả việc vận động Giang Trạch Dân ủng hộ, để tiến cử Bạc Hy Lai vào trách vụ Tổng Bí Thư thay vì là Tập Cận Bình.

Để thu hút sự chú ý của dư luận, Bạc Hy Lai phát động phong trào nhạc đỏ, phục hoạt chủ nghĩa Mao và cực lực phê phán tình trạng tồi tệ của xã hội do những chính sách phát triển kinh tế nửa vời của Ôn Gia Bảo - Hồ Cẩm Đào.

Sự cao ngạo của Bạc Hy Lai cùng với sự hậu thuẫn của bộ máy an ninh do Chu Vĩnh Khang điều khiển đã làm cho Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và Tập Cận Bình lo ngại. Nếu Bạc Hy Lai thắng thế thì phe họ Hồ và họ Tập sẽ bị “thanh trừng”.

Điều bất hạnh cho Bạc Hy Lai là người thân cận nhất của mình là Vương Lập Quân, nguyên giám đốc công an Trùng Khánh lại đi tố cáo bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai, là đã ra lệnh cho thuộc hạ đầu độc một doanh nhân người Anh là Neil Heywood.

Vụ án này đã làm cho gia đình Bạc Hy Lai tan nát. Bà Cốc Khai Lai thì bị tử hình nhưng hoãn thi hành, trong khi bản thân Bạc Hy Lai bị tù chung thân và tịch thu toàn bộ tài sản.

Tập Cận Bỉnh đã đẩy gia đình Bạc Hy Lai vào tù nhưng không an tâm vì trước đó, khi biểu quyết cách chức ủy viên Bộ chính trị của họ Bạc chỉ có một mình Chu Vĩnh Khang bỏ phiếu chống. Điều này cho thấy là Chu Vĩnh Khang đã ra mặt ủng hộ Bạc Hy Lai chống lại Tập Cận Bình.

Mặc dù Chu Vĩnh Khang đã về hưu, không còn nắm bất cứ trách vụ gì kể từ sau năm 2013; nhưng nếu để họ Chu thong dong bên ngoài, liên lạc và điều hướng đàn em trong bộ máy công an thì phe nhóm Bạc Hy Lai sẽ có thể được phục hoạt, đe dọa đến sự tồn vong của Tập Cận Bình.

Đó là lý do thầm kín nhất khiến cho Tập Cận Bình phải phát động chiến dịch chống tham những để qua đó công khai triệt hạ uy tín của Chu Vĩnh Khang hầu củng cố quyền lực.

Nói tóm lại, trận chiến giữa Tập Cận Bình và Chu Vĩnh Khang là cuộc chiến tranh giành quyền lực của hai phe thái tử đảng: Bạc Hy Lai và Tập Cận Bỉnh.