Thanh trừng Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển

Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân|

Ngày đầu tháng Mười, tin tức về cuộc thanh trừng nhằm vào các tướng lãnh chóp bu trong Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam đã gây nhiều chú ý trong dư luận vì vai trò của đơn vị này trong việc tuần tra, bảo vệ biển đảo.

Trước đây, lực lượng cảnh sát biển chỉ là một đơn vị nhỏ trực thuộc hải quân. Đến năm 2008 Cục Cảnh Sát Biển thành lập với quy chế riêng, trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Nhưng do vai trò cần thiết mở rộng của lực lượng tuần tra biển, từ năm 2013 Cục Cảnh Sát Biển được tổ chức lại dưới tên gọi Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển, có ngân sách riêng, con dấu riêng và được coi là một bộ phận độc lập như quân chủng Hải Quân, nằm dưới quyền Bộ Quốc Phòng. Cảnh Sát Biển có 9 nhiệm vụ được quy định, tóm lược như sau:

1 – Tuần tra, kiểm soát tất cả người và phương tiện hoạt động trên các vùng biển Việt Nam;

2 – Xử lý vi phạm hành chánh trên vùng biển Việt Nam;

3 – Bắt giữ, điều tra các hành vi phạm tội trên vùng biển Việt Nam và vịnh Thái Lan;

4 – Bảo vệ môi trường biển;

5 – Bảo vệ tài nguyên sống của biển;

6 – Bảo vệ vận tải biển;

7 – Hỗ trợ hàng hải;

8 – Tìm kiếm cứu nạn;

9 – Hợp tác quốc tế với các quốc gia để bảo vệ an ninh vùng biển.

Nhìn chung đây là những mục tiêu vô cùng quan trọng của quốc phòng, bao quát được nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ bờ biển dài hàng ngàn cây số của đất nước, nhất là trong tình trạng Biển Đông luôn bị xâm phạm bởi một kẻ thù mà tham vọng bành trướng đất đai đã quá rõ ràng.

Trong một thời gian dài kể từ ngày được thành lập năm 2013 với đầy đủ ban bệ, Cảnh Sát Biển đã thi hành nhiệm vụ như thế nào để đến nỗi chịu cảnh tan hoang như ngày nay? Người ta có thể tìm hiểu sự kiện tham ô lớn của lực lượng này, chỉ cần nhìn qua nhân vật điển hình Bùi Trung Dũng (thiếu tướng, phó tư lệnh Cảnh Sát Biển).

Với quyền hạn rộng rãi trong tay, thủ đoạn tham nhũng có thể gói gọn trong hành vi của Bùi Trung Dũng được sự a tòng của các tướng lãnh đầu sỏ Cảnh Sát Biển. Đó là “vi phạm quy định pháp luật trong phê duyệt một số kế hoạch mua xăng dầu dẫn đến gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.  Nói trắng ra là thay vì thực hiện tuần tra biển theo nhiệm vụ, những cán bộ cao cấp này đã ký khống lệnh tuần tra, phê duyệt kế hoạch lấy xăng dầu bán lấy tiền chia nhau. Nhưng đó cũng chỉ là cách kiếm tiền đơn giản nhất bên cạnh những con đường làm ăn bất chánh.

Ngày 1 tháng Mười, ông Nguyễn Phú Trọng và Ban Bí Thư trong một cuộc họp đã cách hết mọi chức vụ trong đảng đối với 7 tướng lãnh cầm đầu trong Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển và khai trừ đảng 2 tướng tư lệnh Vùng 3 và Vùng 4 Cảnh Sát Biển về nhiều hành vi liên quan đến tham nhũng như khai gian để biển thủ ngân sách.

Đây là vụ án làm chấn động quân đội nói riêng và dư luận trong nước nói chung vì tầm mức của nó không thua gì vụ ông Trọng ra tay phá sập các tổng cục trong Bộ Công An năm 2018. Câu hỏi đặt ra là ông Trọng khi đưa ra chiến dịch đốt lò chống tham nhũng từ năm 2016, những tưởng nhờ đưa hàng trăm cán bộ cao cấp vào lò thì tham nhũng sẽ bị tiêu diệt vì lẽ ông tin rằng sẽ không còn ai dám hó hé nữa. Nhưng rõ ràng là ngược lại, những vụ án tham nhũng vẫn xảy ra mà còn xảy ra táo bạo hơn.

Gần đây nhất, năm 2020 cựu Tư Lệnh Hải Quân Nguyễn Văn Hiến bị đưa ra trước vành móng ngựa lãnh án tù vì bán rẻ quyền sử dụng 3 lô đất vàng ở Quận 1 thuộc hải quân quản lý. Nay “tham nhũng biển” nhiều năm liền nằm ngay trong Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển, một lực lượng có nhiều ưu đãi của chế độ để làm nhiệm vụ quan trọng là canh giữ biển.

Người ta thấy gì qua các vụ tham nhũng lớn trong quân đội?

1/ Không chỉ trong quân đội mà trong cả bộ máy cai trị, tham nhũng là bản chất ăn sâu trong nội tạng của chế độ độc tài. Sự toàn trị khiến tham nhũng được dễ dàng bao che, bưng bít do đó không thể nào tiêu diệt được. Chính sự bưng bít trong hệ thống đảng ủy để sẵn sàng ăn chia và hưởng thụ trên hành vi tham nhũng được nguỵ trang khéo léo. Người ta cũng dễ thấy tham nhũng hầu hết diễn ra ngay trong trung ương đảng và chính phủ, tức từ những cán bộ nắm quyền lực cao. Bởi những người này chỉ cầm quyền trong một hai nhiệm kỳ, nên họ phải tranh thủ kiếm lợi trong thời gian còn quyền lực trong tay trước khi giao ghế cho người khác. Vì lẽ sau khi về hưu rồi coi như không còn gì để xơ múi. Do đó trong chế độ cộng sản, tham nhũng không là hiện tượng mà là bản chất.

2/ Các vụ đốt lò chống tham nhũng của ông Trọng trong thực tế chỉ là cách dùng thuốc đỏ để chữa bệnh ung thư. Nên cho dù hàng tháng Ban Chỉ Đạo Chống Tham Nhũng Trung Ương họp và công bố một số biện pháp kỷ luật như khai trừ ông đảng viên này, cách chức bà đảng viên kia, tưởng rằng tham nhũng sẽ lo sợ. Nhưng trong thực tế từ năm 2018 đến nay ai cũng thấy đó chỉ là những màn trình diễn chiếu lệ và người ta có thể kết luận một cách chua chát “tham nhũng càng chống càng vững,” bởi vì nó được đảng chống lưng!

3/ Vụ tham ô ở Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển diễn ra nhiều năm liền ngay trong một lực lượng bảo vệ đất nước nay mới được khám phá và giải quyết kể ra là quá muộn. Điều này không chỉ nói lên sự tệ hại của hai chữ quốc phòng, mà còn nói lên sự a tòng cùng nhau của hầu hết cán bộ đảng viên trong mục đích làm giàu bất chánh trên lưng người lính. Nó cũng biểu hiện một điều hiển nhiên là đảng CSVN nói chung và ông Trọng nói riêng sẽ không bao giờ thấy có chuyện zero tham nhũng trong bộ máy đảng và chính phủ.

Bởi vì phải thừa nhận rằng, chính cơ cấu tổ chức của đảng CSVN toàn trị đã khuyến khích những vụ bòn rút tài nguyên quốc gia để vun bồi tài sản cán bộ.

Phạm Nhật Bình