Việt Nam: Hãy hủy bán án khắc nghiệt đối với ông Lê Đình Lượng

Nhà Hoat Động Dân Chủ Đối Đầu Với Bản Án Tù 20 Năm

(Bangkok, 17/10/2018) – Ngày hôm nay tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã lên tiếng: “Việt Nam cần đảo ngược bản án đã tuyên đối với ông Lê Đình Lượng, một nhà hoạt động lâu năm bảo vệ môi trường và đòi hỏi dân chủ, và trả tự do ngay cho ông Lê Đình Lượng.”
Phiên xử phúc thẩm dự trù diễn ra vào ngày 18/10/2018 tại Nghệ An.

Ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc HRW nói “Bản án 20 năm tù của ông Lê Đình Lượng là một trong những bản án nặng nề nhất trong chiến dịch trấn áp những nhà hoạt động dân chủ của nhà nước. Đây là một cơ hội để toà án điều chỉnh sự sai trái này, và làm rõ sự khác biệt giữa việc chỉ trích chính phủ và đe dọa an ninh quốc gia, và bảo vệ quyền tự do phát biểu của người dân.”

Ông Lê Đình Lượng, 53 tuổi, đã bị bắt vào Tháng 7/2017 và bị cáo buộc tội danh “hoạt động âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Toà Án Nhân Dân tỉnh Nghệ An trước đây dự trù phiên xử vào ngày 30/7/2018 nhưng đã hoãn lại vào giờ chót. Mặc dầu là một phiên toà công khai, chỉ có vợ của ông Lê Đình Lượng và người em trai của ông được phép hiện diện trong phòng xử. Các nhà ngoại giao muốn tham dự cũng đã bị cấm vào.

Vào ngày 16/8, Toà Án Nhân Dân đã tuyên án 20 năm tù cho ông Lượng, một bản án tù đặc biệt dài, cộng với 5 năm quản chế với nhiều giới hạn khắc nghiệt về di chuyển. Trong một động thái bất thường, Toà đã tuyên án dài hơn thời gian mà công tố Nghệ An đề nghị là 17 năm.

Ông Lê Đình Lượng đã tham gia nhiều hoạt động mà nhà cầm quyền Việt Nam cho là không thể chấp nhận được, bao gồm việc phản đối liên quan đến tôn giáo và môi trường. Ông Lượng đã tham gia nhiều cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, kể cả việc phản đối công ty thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty Đài Loan, xả thải ra biển làm ô nhiễm bãi biển miền Trung Việt Nam, gây ra cái chết hàng loạt của hải sản và tàn phá môi trường.

Truyền thông của công an và quân đội liên tục lên án ông Lê Đình Lượng là một kẻ “phản động nguy hiểm” có liên hệ với Việt Tân, một đảng chính trị có trụ sở tại Hoa Kỳ. Vụ xử của ông Lượng đã nêu lên nhiều quan ngại về vấn đề xử án công bằng.

Vào Tháng 8/2017, công an đã bác bỏ yêu cầu để luật sư Hà Huy Sơn bào chữa cho ông Lượng. Công an đã nói rằng một người bị nghi ngờ vi phạm an ninh quốc gia không được có luật sư trước khi việc điều tra đã kết thúc theo Điều 58 (vào thời điểm đó, mà bây giờ trở thành Điều 74) Bộ Luật Hình Sự. Ông Lượng đã không được phép có luật sư bào chữa mãi cho tới đầu Tháng 7. Vào ngày 17/7, con dâu của ông Lượng, cô Nguyễn Thị Xoan, đã cho phóng viên của tổ chức Defend the Defenders biết là gia đình đã không được cung cấp tin tức gì về ông Lượng kể từ ngày ông bị bắt.

Quyền tự do phát biểu và quyền được có luật sự bào chữa hiện hữu trong Hiến Pháp Việt Nam, trong Truyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, và Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký kết. Toà Phúc Thẩm phải trả tự do tức khắc cho ông Lượng và những nhà hoạt động khác đã bị giam cầm sai trái và cho phép họ phát biểu quan điểm một cách ôn hoà.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Cộng Đồng Châu Âu, và nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) đã kêu gọi chính phủ Việt Nam phải bảo đảm ông Lượng và những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền khác được xét xử công bằng như được công nhận trong luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế.

“Một bản án 20 năm tù vì biểu tỏ quan điểm ôn hoà là quá đáng”, ông Robertson nói. “Phát biểu ủng hộ hay chống đối quan điểm của chính phủ đúng ra phải được coi là chuyện bình thường. Trường hợp này cho thấy quan niệm thật sự của Việt Nam về thế nào là pháp quyền.”