Việt Nam yếu thế trước Trung Quốc trong cuộc đấu về bản đồ Biển Đông?

VOA Tiếng Việt|

Trong 3 ngày qua, kể từ hôm 3/4, theo quan sát của VOA, đông đảo người Việt kêu gọi trên mạng xã hội hãy tẩy chay hãng quần áo Thụy Điển H&M vì có tin Bắc Kinh đã thành công trong việc buộc hãng này tuân thủ yêu cầu sửa “bản đồ có vấn đề” liên quan đến chủ quyền Trung Quốc.

Sự việc bắt đầu từ tối 1/4, theo tin của Vietnambiz.vn, khi trên mạng xã hội xuất hiện thông tin là H&M “’chiều lòng’ người tiêu dùng Trung Quốc, chấp nhận đổi bản đồ trên website của họ, thêm đường lưỡi bò trái phép”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VOA, trang web của H&M ở Trung Quốc không có bản đồ về hệ thống cửa hàng, chỉ có danh sách cửa hàng ở các tỉnh, thành trên đất nước láng giềng khổng lồ của Việt Nam.

Cho đến nay, chưa có thông tin hay hình ảnh cụ thể nào cho thấy H&M in hay sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” trong sản phẩm hay nhãn mác của họ.

Khi được VOA hỏi về phản ứng trước những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm H&M ở Việt Nam, hãng của Thụy Điển cho biết “không có bình luận”.

Trang web của H&M ở Trung Quốc không có bản đồ các cửa hàng. 5/4/2021

Giữa làn sóng kêu gọi tẩy chay, chỉ lác đác có vài tiếng nói như của phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh hay nhà báo Hoàng Tư Giang, hai Facebooker có đông người theo dõi, khuyên rằng mọi người ở Việt Nam nên bình tĩnh, tỉnh táo đối với những bài đăng không có nguồn khả tín.

Trong khi đó, VOA nhận thấy các trang web phục vụ thị trường Trung Quốc của một loạt các hãng thời trang lớn nổi danh toàn thế giới thực sự có sử dụng bản đồ thể hiện đường 9 đoạn, còn gọi là “đường lưỡi bò”, trên phần vẽ về Biển Đông.

Đó là các hãng Burberry, Chanel, Gucci, Louis Vuitton, YSL và một số hãng khác. Hầu hết những hãng này không có website riêng cho thị trường Việt Nam.

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền về Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở đó. Một số nước khác trong khu vực cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền về một phần biển, đảo ở Biển Đông.

Chính quyền Trung Quốc củng cố cho yêu sách chủ quyền của họ bằng cách phổ biến bản đồ có “đường lưỡi bò”. Đáp lại, chính quyền Việt Nam nhiều lần phản bác và phạt các cá nhân, tổ chức đưa vào hoặc sử dụng bản đồ này ở Việt Nam.

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên đại học chuyên ngành kinh tế ngoại thương, nói với VOA rằng mặc dù tồn tại thực tế là các hãng làm ăn ở Trung Quốc phải dùng bản đồ “đường lưỡi bò”, song không nên đặt nặng vấn đề là Việt Nam yếu thế trước Trung Quốc trong cuộc đấu về bản đồ:

“Kinh doanh thì các hãng tránh xa các tranh luận về chính trị. Quy tắc kinh doanh quốc tế là ở đâu thì tuân thủ luật pháp của nước đó, nên các hãng buộc phải làm vậy. Trừ khi họ tuyên bố trên website của họ là họ ủng hộ nước nào đấy, thì chúng ta mới thấy như thế là sốc”.

Những người tiêu dùng không thể đòi hỏi các hãng kinh doanh tham gia vào các vấn đề chính trị, bà Ánh nói thêm. Bà cũng lưu ý rằng Trung Quốc là công xưởng sản xuất cho cả thế giới, điều đó đặt người Việt vào thế khó nếu họ muốn tẩy chay bất cứ những gì dính líu đến Trung Quốc khi có mâu thuẫn về chủ quyền:

“Bây giờ chúng ta sẽ tẩy chay Gucci, H&M, tẩy chay Zara, Uniqlo. Xong rồi chúng ta sẽ chuyển sang dùng hàng Quảng Đông à? Tôi tin rằng hàng Quảng Đông trên đấy không in cái bản đồ nào đâu [cười]. Cách đấy không phải là cách hay, chưa kể làm thế có thể gây nên thất nghiệp cho rất nhiều lao động Việt Nam. Cho nên tôi có kêu gọi bạn bè nên cẩn trọng, suy nghĩ sâu xa hơn”.

Nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Nguyễn Lân Thắng, người cũng tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam, có chung cách nhìn:

“Họ là các hãng kinh doanh, hoạt động ở Trung Quốc phải theo luật Trung Quốc. Không chỉ các hãng thời trang phải làm như vậy mà kể cả các hãng ô tô lớn của Đức, Mỹ cũng phải dùng bản đồ của Trung Quốc. Chẳng nhẽ người Việt Nam chúng ta tẩy chay hết tất cả các hãng sản xuất tham gia vào thị trường Trung Quốc à? Tôi cho rằng điều đó rất là phi lý”.

Trung Quốc, với hơn 1,4 tỉ dân có GDP bình quân đầu người xấp xỉ 11.000 đô la năm 2020, là thị trường béo bở được các hãng sản xuất, kinh doanh nước ngoài ưu tiên.

Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho giới kinh doanh nước ngoài, song quy mô nền kinh tế Việt Nam vẫn quá nhỏ bé khi đặt cạnh Trung Quốc, nước có GDP đạt 14,7 nghìn tỉ đô la vào năm 2020, lớn gấp 37 lần GDP của Việt Nam.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói với VOA rằng việc người dân Việt Nam bày tỏ thái độ để ủng hộ chủ quyền, lãnh thổ là điều đáng quý nhưng cần làm đúng cách, không thể tràn lan hô hào, có thể gây thiệt hại cho các hãng sản xuất một cách không công bằng.

Vẫn ông Thắng lưu ý rằng tiếng nói của người dân không thể thay thế vai trò của nhà nước, mà ông cho rằng nhà nước chưa làm đủ:

“Phía nhà nước, phía chính phủ Việt Nam quá yếu trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia. Rõ ràng chính phủ sử dụng tiền thuế của người dân, đại diện cho người dân trong những vấn đề quốc gia, vấn đề quốc tế, thì trách nhiệm trong những chuyện này thuộc về chính phủ”.

Tuy nhiên, khác với ông Nguyễn Lân Thắng, nhận định về việc chính quyền Việt Nam nên ứng xử như thế nào trước việc các hãng kinh doanh sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng chừng nào các hãng chỉ sử dụng bản đồ đó ở Trung Quốc và không mang sang Việt Nam, chính quyền Việt Nam không có lý do gì để phản ứng với họ./.