Chuyện Bãi Tư Chính

“Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.
 

Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”.

Phải 13 ngày sau khi tàu Hải Dương địa chất 8 thực hiện thăm dò địa chấn tại Bãi Tư Chính - khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng và báo chí trong nước mới bắt đầu được mở miệng.

Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho thấy, Chính quyền Việt Nam đã khai thác hết các kênh đối thoại chính thức cũng như không chính thức để giải quyết sự việc, nhưng Trung Quốc vẫn không dừng lại hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Đó là lý do cho đến 19-7, Bộ Ngoại giao Việt Nam buộc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực.

Nhưng, dù ngoài khơi bão nổi, dù chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, dù những người lính nơi đầu sóng ngọn gió phải căng mình chiến đấu với ngoại bang, nhưng báo chí lại im lặng suốt hai tuần đằng đẵng.

Điều đó cho thấy, hai tuần qua, Chính quyền chọn cách âm thầm thực hiện đối thoại với Trung Quốc, đã tự tách ra khỏi dân, đã không dựa vào lòng dân, không dựa vào sức mạnh của Nhân dân khi đối diện với kẻ muốn xâm phạm chủ quyền của đất nước mình.

Trong bất cứ tranh chấp nào, dẫu lớn, dẫu nhỏ, dù chỉ dừng lại ở thăm dò, khiêu khích hay là trắng trợn xâm phạm, thì Chính quyền đều có nghĩa vụ phải thông tin cho người dân. Bởi vì, nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra, thì người dân phải nhận lãnh hậu quả. Bởi vì, nếu tài nguyên quốc gia bị cướp đoạt, trời biển bị xâm lấn, thì mất mát nào, hi sinh nào cũng là của Nhân dân.

Vì lẽ đó, Nhân dân có quyền được biết. Và nhân dân cũng phải có trách nhiệm với từng tấc đất biên cương, từng đầu sóng ngọn gió của đất nước mình.

Đất nước này là của Nhân dân. Biển đảo này cũng là của Nhân dân. Nhân dân cần biết chuyện gì xảy ra ngay khi ngoại bang gây hấn, chứ không phải sau hai tuần lễ mới được biết biển khơi đang có gió bão.

Chỉ có Nhân dân đồng lòng đoàn kết mới cho Chính quyền sức mạnh để đuổi được kẻ ngoại bang xâm lấn.

Chính quyền nào cũng vậy, nếu không dựa vào dân ắt sẽ chuốc lấy thất bại. Chế độ nào cũng vậy, nếu không dựa vào dân ắt sẽ có ngày suy tàn.

Suy cho cùng, Chính quyền được lập ra để thực hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, chứ không phải Nhân dân lẽo đẽo làm theo chỉ thị của thiểu số người.

Nếu Nhân dân phải thụ động theo ý chí của thiểu số nắm giữ quyền lực, thì đó là một triều đại phong kiến, chứ không phải Nhà nước pháp quyền.