Thoát Trung là con đường Nhà nước và Nhân dân phải cùng làm

Hà Sĩ Phu

Thoát Trung là chống lại con đường Bắc thuộc mới đang hiện ra ngày càng khốc liệt. Sự nghiệp chống xâm lược của một quốc gia đương nhiên phải do Nhà nước của quốc gia ấy đảm đương và tổ chức. Nhưng việc chống xâm lăng Trung Cộng đối với Nhà nước Cộng sản Việt Nam là việc rất khó thực hiện vì hai lý do:

– Do nhu cầu bảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn của một đảng Cộng sản nên ĐCSVN không muốn Thoát Trung. Việc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam lại mâu thuẫn với việc bảo vệ quyền lực độc tôn của đảng, mà lời TBT Nguyễn Văn Linh chính là một minh chứng khi ông đặt ĐCS của ông lên trên Tổ quốc: “Tôi cũng biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất Đảng”. Lời đúc kết ấy, tuyên ngôn ấy “mãi mãi là một vết cắt lịch sử rất sâu vào da thịt Việt Nam”.

– Nhưng đã có những văn bản ràng buộc khiến ĐCSVN không thể Thoát Trung. Điển hình nhất là Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng dưới sự chỉ đạo tối cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công hàm ấy tán thành công hàm của Thủ tướng Trung quốc Chu Ân Lai xác định hải phận của Trung quốc, có bản đồ kèm theo, xác định Tây Sa và Nam sa (tức Hoàng Sa và Trường sa) là của Trung quốc, tức không phải của Việt Nam. Đó là căn cứ pháp lý mà Trung Quốc đã đưa vào hồ sơ pháp lý trình Liên hiệp quốc. Muốn bác bỏ giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng chỉ có cách duy nhất là lên án công hàm ấy chống lại chủ quyền của nhân dân Việt Nam, cũng tức là lên án chế độ Cộng sản mà Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đại diện. Đó không chỉ là một văn bản pháp lý bán nước mà còn nặng nề hơn. Bán tức là xác định quyền sở hữu trước đây của mình nhưng nay bán cho nước khác, nhưng công hàm Phạm Văn Đồng công nhận Hoàng Sa Trường Sa là của Trung quốc, không phải của Việt Nam, đó là sự chối bỏ chủ quyền, nay biết nói sao trước pháp luật quốc tế? Không chối bỏ cái công hàm tự diệt ấy thì làm sao mà kiện?

Ấy mới là việc ở hải phận và biển đảo, còn sự xâm lăng nội địa và toàn diện tất nhiên còn có những ràng buộc khác cũng không kém phần rắc rối.

Vì hai lý do như trên, muốn Thoát Trung tận gốc, để muôn đời thanh thản, chẳng có cách gì khác hơn là phải thoát ly khỏi thể chế cũ, cái thể chế đã bất đắc dĩ phải cho kẻ thù truyền kiếp mượn đường “môi răng” để tiến hành xâm lược ngọt như tằm ăn dâu.

ĐCS đương nhiên không muốn Thoát Cộng, không thể tự Thoát Cộng. (Chính HCM trước đây đã nói tự Đảng khó sửa lỗi của mình nên cần có sự hỗ trợ của Nhân dân). Nhân dân sẽ hỗ trợ đảng bằng những áp lực. Hai áp lực thông thường nhất là những kiến nghị, yêu sách và các cuộc biểu tình đông đảo, ôn hòa, giúp Đảng biết lắng nghe mà sửa lỗi. Đảng giúp dân thực hiện các hoạt động ấy cũng là cách tự giúp mình thoát hiểm, trở về thành một đảng trong xã hội dân chủ đa nguyên, và mãi mãi sung sướng vì độc lập khỏi kẻ thù truyền kiếp phương Bắc.

Dù dân không nêu khẩu hiệu Thoát Cộng nhưng cuối cùng vẫn phải động vào cái gốc ấy, cái chốt ấy, cái khóa ấy, mới giải quyết được mọi vấn đề.

Trong điều kiện Nhà nước còn có khó khăn, nhiều con đường tại các làng xã, xóm thôn đã theo sáng kiến “Nhà nước và Nhân dân cùng làmnên thôn xóm khang trang, thanh thoát. Sáng kiến ấy rất hay, tôi nghĩ con đường Thoát Trung rất lớn lao này Nhà nước và Nhân dân cũng nên hip đồng, cùng làm như làm những con đường nơi thôn dã vy.

 ***

 Những trở ngại trên con đường Thoát Trung:

Trở ngại từ trong ĐCS. Những yêu cầu của Trí thức và dân chúng có lẽ chỉ tập trung vào nhu cầu đối ngoại, như yêu cầu Nhà nước kiện Trung quốc ra Liên hiệp quốc chẳng hạn, nhưng muốn đáp ứng những yêu cầu ấy đương nhiên phải có những thay đổi sâu sắc từ bên trong đảng, từ bên trong thể chế, dần dà cũng là thay đổi từ gốc. Như trên đã nói, sự tự thay đổi này là rất quan trọng nhưng cũng thật là khó khăn. Đòi hỏi một hệ thống quyền lực tự mình giảm thiểu vì lợi ích sống còn của Dân tộc vẫn là chuyện không bao giờ dễ dàng.

Trở ngại về phía Nhân dân: Hơn nửa thế kỷ sống trong chiến tranh, trong bất an mà kết quả lại không như ý nên số đông người dân chán nản trước việc chung, từ cái gốc nồng nàn yêu nước nay dẫn đến vô cảm thờ ơ, mặc kệ việc đời, khi chưa thấy có ngọn cờ nào đủ sức gây lại cảm hứng ngày xưa, mà cứ ló ra ngọn cờ là đương nhiên bị diệt.

Trở ngại từ phía giặc Bành trướng. Trung quốc muốn Việt Nam cứ là Cộng sản nhược tiểu thân Tàu để tiếp tục “tàm thực” cho đến tận cùng. Nếu Trung quốc thấy phía VN có thay đổi, không nghe lời nữa tất nhiên họ phải có đối sách. Nếu họ dùng bạo lực chiến tranh thì cuộc xâm lược sẽ mau chóng hoàn toàn thất bại. Nếu VN thực sự muốn đi với thế giới văn minh để chống Bắc thuộc thì mọi sức mạnh bên trong và bên ngoài lập tức sẽ hình thành và hiệp lực thành sức mạnh vô địch không gì cản nổi.

Điều lo ngại nhất là Tàu sẽ chơi nước cờ thâm hiểm: Trước đây Tàu dùng chư hầu nhưng không tạo được cho chư hầu một bộ mặt đẹp đẽ, thế là hạ sách. Nay nếu bên trong họ đẩy nhanh sự lấn át cho thành sự đã rồi, nhưng đồng thời bên ngoài cho phép chư hầu ca bài ái quốc oai hùng bằng miệng để dân bị lừa mà mừng rỡ, mà hy vọng thì đó là điều nguy hiểm không thể coi thường.

Với nỗi niềm của một con dân nước Việt, biết mình chỉ là một công dân “tiểu tốt vô danh”, nhưng lòng chẳng thể yên, nên tôi cứ nghĩ xa thôi lại nghĩ gần mà trút hết nỗi lòng như vậy, mong được lượng thứ nếu còn những điều gì tác giả nghĩ chưa được thỏa đáng.

 *