Một cách nhìn về những cái chết

“…Giới cầm quyền CSVN sẽ rất cám ơn nếu chúng ta ngồi đây để nguyền rủa nhau, đổ thừa nhau thay vì tìm ra cội rễ của căn bịnh để chữa trị, để vượt qua, để cảm thông và tha thứ cho nhau…”

Chính Luận Trần Trung Đạo|

Đầu tuần này là sinh nhật con trai tôi. Buổi sáng, gởi cho cậu một tin nhắn “mừng sinh nhật con, ba mong con luôn thành công và hạnh phúc.” Để phone xuống và tôi chợt nghĩ đến các cháu cùng thế hệ với con trai mình vừa bị nạn ở Anh.
 

Ba mẹ của con trai có duyên với nhau trong hành trình trên thế giới này. Cậu may mắn vì ba mẹ cậu gặp nhau ở Boston. Nếu không, có thể đã gặp nhau Sài Gòn, Duy Xuyên, Hội An hay một vùng đèo núi Quế Sơn heo hút nào đó. Cậu vẫn được sinh ra và lớn lên nhưng chắc chắn không được như bây giờ.

Những ngày con mới sinh ra tôi có làm một bài thơ trong đó có đoạn nói về bình sữa:

Nửa đêm thức dậy nghe con khóc
Cầm chai sữa trên tay mà thấy đau lòng
Phía bên kia trái địa cầu xa lắc non sông
Chắc các em nửa đêm vẫn thức
Nhưng chẳng em nào buồn than khóc
Vì chẳng thể nào có sữa như con
Trẻ nhỏ Việt Nam lớn lên bằng cháo lợn thay cơm
Bằng những câu chuyện viễn vông
Không thể nào tin được
Em bé học trò nghe thầy giảng trong giờ sinh vật
Hai củ khoai lang bổ hơn quả trứng gà
Ba bó rau muống tốt bằng một lạng thịt heo
Những câu chuyện rất buồn cười
Nghe riết cũng quen tai
Nghe riết nên tưởng là chuyện thật…..
(Trần Trung Đạo)

Có thể tôi nhớ sai hai bó hay ba bó rau muống, một lạng thịt heo hay một ký thịt heo nhưng câu chuyện tôi kể trên là sự thật mà phần lớn người dân miền Nam sau 1975 đều biết chứ không phải thơ và thực tế chửi nhau như trong “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên:

Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn...

Đó chỉ nói về đời sống vật chất, còn đời sống tinh thần trong xã hội CS con cái không thuộc về cha mẹ. Như người viết đã bàn trong loạt bài về tẩy não, đảng CS kiểm soát toàn bộ đời sống tinh thần của mỗi người cũng như cả đất nước bằng một chính sách tuyên truyền tàn độc, tinh vi và hệ thống.

Đảng chẳng những không phủ nhận mà còn hãnh diện đã thành công trong sách lược “trồng người”.

Câu nói nổi tiếng của Lenin “Cho tôi bốn năm để dạy trẻ con và hạt giống tôi gieo sẽ không bao giờ bị nhổ bật rễ.” (Give me four years to teach the children and the seed I have sown will never be uprooted. Source: AZ Quotes)

Vì thế, khi nhìn về thế hệ sinh ra và lớn lên bằng những “kế hoạch nhỏ”, “năm điều bác hồ dạy”, bằng thơ Tố Hữu, thơ Trần Đăng Khoa và sinh hoạt trong hàng ngũ của “đội thiếu niên tiền phong”, “đoàn Thanh Niên CS”, chúng ta nên nhìn bằng một ánh mắt cảm thông, bao dung hơn là hằn học.

Các em còn nhỏ. Các em không sở hữu một suy nghĩ độc lập nào cả và các em không có gì để so sánh. Những câu “hoan hô”, “đả đảo” viết lên tâm hồn trong trắng khi mới ra đời của các em là nét chữ của đoàn, của đảng. Ngoài trừ một số ít có truyền thống tôn giáo hay đảng phái chống ý thức hệ CS ngay từ trong gia đình, phần lớn tuổi trẻ Việt Nam bị tẩy não, người bị ít kẻ bị nhiều nhưng khó ai tránh khỏi.

Thay vì ngồi ở một nơi khang trang ấm cúng ở nước ngoài để trách móc những nạn nhân chết ngạt trong ‘container’ hãy hình dung nếu không thoát được mà phải lớn lên trong xã hội CS liệu mình có rao giảng đạo đức học hay chính trị học như hôm nay?

Thay vì chê trách các cháu chết là đáng vì đã “nhập cư bất hợp pháp”, hãy hình dung nếu vẫn còn ở Việt Nam và cơ hội đến liệu mình có khác gì các em kia đi tìm một con đường sống cho bản thân và gia đình?

Mọi thái độ từ chối một quốc gia dù dưới bất cứ hình thức nào cũng là thái độ chính trị và có khi người bày tỏ thái độ cũng không nhận ra.

Những người dân Ai Cập khi đi biểu tình chống chế độ độc tài Hosni Mubarak không lận theo các tác phẩm của Alexis de Tocqueville hay ‎John Stuart Mill mà là những ổ bánh mì kẹp quanh mũ. Báo chí gọi họ là những Người Đội Mũ Bánh Mì (Bread Helmet Man). Tóm lại, dân chủ ngày nay là dân chủ có thể cầm được trong tay, ăn no vô bụng, thở tràn vào buồng phổi.

Hôm 28 tháng 10, TT Anh Boris Johnson đã đến thăm văn phòng Hội đồng Quận Thurrock, thị trấn Grays, Essex và đã viết trong sổ phân ưu: “Cả nước, và thực sự cả thế giới đang xúc động bởi bi kịch này và sự thảm khốc của số mệnh mà những người vô tội đã phải chịu đựng chỉ vì hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn ở quốc gia này….”

Thủ tướng Anh kết án những kẻ chủ mưu và hứa sẽ làm tất cả để đưa những kẻ đã gây tội ác ra trước ánh sáng công lý.

Theo Eurostat trong tổng kết “Asylum and first time asylum applicants by citizenship, age and sex Annual aggregated data” cho tới năm 2017 đã có hơn 5 triệu người “nhập cư bất hợp pháp” vào Châu Âu từ khắp các quốc gia và sau đó được công nhận quy chế di dân. Ngoài ra còn nhiều triệu người khác chưa được công nhận và đang sống rải rác khắp Châu Âu. Khác với 5 triệu người may mắn kia, 39 người, đa số là từ Việt Nam, không may mắn và phải chết ngạt trong ‘container’.

Giới cầm quyền CSVN sẽ rất cám ơn nếu chúng ta ngồi đây để nguyền rủa nhau, đổ thừa nhau thay vì tìm ra cội rễ của căn bịnh để chữa trị, để vượt qua, để cảm thông và tha thứ cho nhau.

Mỗi người có một hoàn cảnh và một chọn lựa thích hợp với hoàn cảnh riêng của mình. Nếu Việt Nam là một Mã Lai, một Singapore, một Nam Hàn thì không ai phải tìm mọi cách bỏ nước ra đi.

Cả thế giới đều biết giọt nước mắt của người dân Bắc Hàn nhỏ xuống trong hai đám tang của cha con họ Kim là giả dối nhưng một người có lòng trắc ẩn không cười mỉa mai hay khinh bỉ họ. Người có lòng trắc ẩn hiểu rằng bên trong giọt nước mắt giả dối kia là tiếng than trầm thống cho số phận của con người bị đày đọa dưới chế độ phi nhân.

Và đừng quên, chọn lựa ra đi dù với lý do gì cũng đều nói lên thực tế bi đát, bế tắc của xã hội Việt Nam và là một cách tố cáo chế độ CS độc tài, lạc hậu đang cần được thay đổi gấp.

Trần Trung Đạo