Vì sao EU vội vã và dễ dãi ký kết EVFTA và IPA?

Phạm Chí Dũng -VOA|

Cho đến nay, nhiều người vẫn không hiểu vì nguyên do đặc biệt nào mà một số quan chức của EU lại tỏ ra vồ vập Hiệp Định Thương Mại Tự Do Liên Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp Định Bảo Vệ Đầu Tư (IPA), luôn tìm cách thúc đẩy để hai hiệp định này được ký kết và phê chuẩn sớm nhưng lại không hề quan tâm đến khía cạnh mất cân bằng nghiêm trọng trong cán cân thương mại EU - Việt Nam, và đặc biệt là không quan tâm đến cải thiện nhân quyền là nội dung nằm trong hai hiệp định này.

Những dấu hỏi lớn
Khác với cách đánh giá của chính quyền Việt Nam và một số quan chức EU cho rằng có EVFTA và IPA sẽ làm gia tăng đáng kể lợi ích kinh tế cho EU, thực tế đã chứng minh ngược lại: trong quan hệ thương mại song phương và đa phương giữa EU và Việt Nam trong nhiều năm qua, hầu như năm nào EU cũng phải nhập siêu từ Việt Nam đến 20 - 25 tỷ USD, và giá trị nhập siêu này ngày càng tăng theo thời gian. Nếu xét trên phương diện lợi thế so sánh về kinh tế, rõ ràng giá trị nhập siêu quá lớn này cho thấy EU không phải là đối tác được hưởng lợi đáng kể, mà ngược lại EU phải chịu thiệt thòi đáng kể trong giao thương với Việt Nam. Có chăng, chỉ là một nhóm nhỏ trong các doanh nghiệp của EU làm ăn với Việt Nam được hưởng lợi và hưởng lợi đặc biệt.
Một dấu hỏi lớn bật ra: phải chăng nhiều dư luận từ trước tới nay là có cơ sở đáng tin cậy khi đề cập một số doanh nghiệp thuộc EU đã thông qua một số quan chức EU và người đứng đầu của Phái đoàn EU tại Việt Nam - ông Bruno Angelet (vừa hết nhiệm kỳ tại Việt Nam vào năm 2019) để vận động Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu, Hội đồng châu Âu và Quốc hội châu Âu cho ký kết và phê chuẩn EVFTA và IPA nhưng bỏ mặc tình trạng vi phạm nhân quyền cực kỳ nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam?
Và phải chăng luận điểm của một số quan chức EU cho rằng nếu không có EVFTA sẽ thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp châu Âu chỉ nên hiểu là về thực chất, đó chỉ là sự thiệt thòi cho một nhóm nhỏ, chứ không phải tất cả, doanh nghiệp thuộc EU?
EU bị Việt Nam coi thường và qua mặt
Dù chưa rõ Phái đoàn EU tại Việt Nam đã từng tham mưu cho EU ra sao về EVFTA, IPA và tình hình nhân quyền ở Việt Nam, nhưng không ít người đã cho rằng vào thời ông Bruno Angelet làm Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, cơ quan này có lẽ là một trong những cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài hoạt động mờ nhạt nhất về nhân quyền Việt Nam, hầu như không có tác động nào đến chính quyền Việt Nam về cải thiện nhân quyền, còn cá nhân ông Bruno là tâm điểm của nhiều dư luận về việc ông ta quá gần gũi với giới quan chức trong chính quyền Việt Nam, thường nói tốt cho chính quyền này trong khi né tránh các vụ đàn áp nhân quyền.
Tình trạng trên hẳn là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn đến hệ lụy là 8 cuộc đối thoại nhân quyền EU- Việt Nam trong những năm qua đã hầu như không có tác dụng gì. Có thể cho rằng đến 95% những khuyến nghị của EU về cải thiện nhân quyền đã bị chính quyền Việt Nam bỏ qua, sau khi hứa hẹn ngọt lịm. Một vài nội dung mà chính quyền Việt Nam thực hiện về nhân quyền chỉ là giới tính - một vấn đề vô thưởng vô phạt mà không làm ảnh hưởng gì tới chân đứng chính trị của chế độ độc đảng và độc tài ở Việt Nam.
Có một vài hoạt động mà có thể mang dấu ấn của EU như vận động chính quyền Việt Nam trả tự do cho hai tù nhân lương tâm là Luật sư Nguyễn Văn Đài và Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào năm 2018. Song chính quyền Việt Nam lại bắt bù, tức thả một người thì bắt lại và xử án tù từ 10 - 20 người bất đồng chính kiến khác. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019, khi chính thức áp dụng Luật An ninh mạng, cho tới nay chính quyền Việt Nam đã tống giam đến 18 người bất đồng chính kiến chỉ vì họ phải đối những chính sách bất công và của chính quyền và nạn tham nhũng của các quan chức chính quyền. Về thủ đoạn ‘bắt bù’ như thế, chính ông Tom Malinowsky - Trợ lý ngoại trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về dân chủ, lao động và nhân quyền, và là Trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt vào năm 2015, là người nắm rất rõ và đã từng phải phản ứng ra mặt đối với thủ đoạn ấy.
Cũng có những thông tin từ trong nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam về việc chính quyền này rất coi thường bản lĩnh của EU trong các cuộc đối thoại hàng năm EU - Việt Nam về nhân quyền. Rất thường là chính quyền Việt Nam chỉ cử một quan chức bậc trung (cấp vụ trưởng) và hoàn toàn không có thẩm quyền quyết định để gặp phái đoàn EU. Quan chức này đưa ra những hứa hẹn ngọt ngào mà có thể làm cho các thành viên đoàn EU hài lòng, nhưng sau đó Việt Nam không thực hiện, hoặc chỉ thực hiện rất ít những khuyến nghị về nhân quyền của phái đoàn EU. Còn trong cung cách đối xử với bất đồng chính kiến trong nước, rõ ràng chính quyền Việt Nam đã làm ngược lại những khuyến nghị của EU.
Sẽ ra sao nếu dễ dãi phê chuẩn EVFTA?
Vào lúc này và khi thời điểm Nghị viện châu Âu xem xét bỏ phiếu EVFTA đang đến gần, có thể sẽ diễn ra vào tháng 2 năm 2020, chính thể độc tài ở Việt Nam đang tìm cách thúc giục EU sớm phê chuẩn EVFTA, nhưng sẵn sàng qua mặt EU thêm một lần nữa bằng những hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ hoàn toàn đầu môi chót lưỡi.
Nhưng những bằng chứng không thể chối cãi về vi phạm nhân quyền, cộng với tình trạng đàn áp bất đồng chính kiến ngày càng leo thang của chính thể độc tài ở Việt Nam là một thực tế trần trụi và đau đớn mà nhiều nghị sĩ EU không nên bỏ qua khi cân nhắc bỏ phiếu có thông qua hay không Hiệp Định EVFTA và IPA. Một cái gật đầu dễ dãi của Nghị viện châu Âu đối với EVFTA và IPA sẽ phủ nhận toàn bộ bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam của chính cơ quan này, khiến uy tín lẫn hình ảnh của Nghị viện châu Âu bị giảm sút không ít trong đánh giá của cộng đồng quốc tế.
Vào tháng 2 năm 2019, Hội đồng châu Âu đã từng thông báo hoãn việc ký kết EVFTA và IPA. Ngay trước sự kiện này là một thư kiến nghị của 18 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam đề nghị EU hoãn ký kết hai hiệp định thương mại do chính quyền Việt Nam hầu như không có sự thay đổi nào theo hướng tiến bộ về nhân quyền. Nhưng chỉ sau đó vài tháng, khi chính quyền Việt Nam đưa Công ước 98 về lao động ra quốc hội nước này để phê chuẩn, dường như Hội đồng châu Âu đã hài lòng quá sớm, từ đó dẫn đến việc co quan này chấp thuận cho Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu ký kết EVFTA và IPA với Việt Nam vào tháng 6 năm 2019. Tuy nhiên thái độ quá dễ dãi và có phần vội vã của Hội đồng châu Âu đã có câu trả lời: từ đó đến nay, bức tranh đàn áp nhân quyền ở Việt Nam ngày càng xám xịt.
13 năm sau sự kiện “Việt Nam được Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) chấp thuận cho trở thành thành viên thứ 150,” kịch bản “vào trước, bắt sau” hầu như đang tái hiện ở Việt Nam. Vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã nhún mình giảm bớt đàn áp và bắt bớ giới nhân quyền và bất đồng chính kiến để tiếp đón Tổng Thống Mỹ George Bush tại Hà Nội, và sang năm 2007 Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), tức được giảm cấm vận kinh tế và được hưởng những điều kiện ưu đãi về vay tín dụng và viện trợ không hoàn lại của quốc tế. Nhưng chỉ một năm sau đó, từ năm 2008 trở đi, công an Việt Nam liên tiếp gia tăng tống giam người bất đồng như một kiểu “bắt bù”. Các nhà tù Việt Nam chật kín tù chính trị với con số bị bắt và bị xử tù lên đến nửa trăm người mỗi năm.
Còn lần này là EVFTA và IPA. Rất nhiều dấu hiệu trong thời gian gần đây cho thấy chính quyền Việt Nam đang chờ được Quốc hội châu Âu phê chuẩn EVFTA và IPA là sẽ ra tay, với cường độ cao hơn hẳn tình trạng ‘bắt hạn chế’ vào lúc này, để bắt bớ hàng loạt tiếng nói bất đồng chính kiến trong nước, đặc biệt là những người dám phản đối Việt Nam vào EVFTA do vi phạm nhân quyền, và tiếp tục xử án tù nặng nề các công dân yêu nước dám phản kháng Trung Quốc.
Tháng 11 năm 2019, một lần nữa nhiều tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam đã gửi Thư ngỏ cho Chủ tịch quốc hội châu Âu và các cơ quan thuộc quốc hội này, đề nghị Nghị viện châu Âu hoãn việc phê chuẩn EVFTA và IPA cho đến khi các yêu cầu về nhân quyền đề ra được chính quyền Việt Nam đáp ứng.