Facebook chấp nhận kiểm duyệt nội dung chính trị ở Việt Nam sau khi bị bóp băng thông

Lê Quốc Quân

Ngày hôm qua, 21/4 Reuters dẫn lời của 2 nguồn tin đáng tin cậy ngay chính trong công ty Facebook cho biết: Sau khoảng 7 tuần bị đóng máy chủ ở Việt Nam, làm cho lượng truy cập bị suy giảm rất lớn, Facebook đã đồng ý kiểm duyệt mạnh những tin "chống nhà nước".

Hiện tượng kiểm duyệt các thông tin nhạy cảm đã được mở rộng phạm vi và nội hàm dưới sức ép của Chính quyền. Việc đóng máy chủ bắt đầu từ giữa tháng 2 và liên tục cho đến khi Facebook phải nhượng bộ. Bộ ngoại giao cũng như công ty Viettel và VNPT không trả lời lại các câu hỏi của Reuters khi hỏi về vụ việc trên.

Kể từ năm 2016, Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất của Facebook ở Châu Á với hơn 65 triệu tài khoản sử dụng. Hiện nay không có con số thống kê chính thức số tiền mà FB nhận được qua dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, nhưng được nhiều nguồn tin đưa ra là không dưới 5 ngàn tỷ cho năm 2019.

*****
Văn Khiêm - Luật Khoa 

Hai nguồn tin nội bộ của Facebook đã xác nhận với hãng tin Reuters hôm thứ Ba, rằng Facebook đã đồng ý kiểm duyệt những nội dung “chống chính quyền” tại Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền, sau khi các nhà mạng bóp băng thông truy cập vào trang mạng xã hội này.

Từ đầu năm 2020 cho đến nay, có những lúc người dùng tại Việt Nam không thể tải và sử dụng đươc trang Facebook. Điều này đã được hai nguồn tin nói trên mô tả là phương cách chính quyền Việt Nam dùng để gây áp lực đến Facebook. Họ cho biết các công ty cung cấp dịch vụ mạng tắt các máy chủ của họ ở Việt Nam, khiến trang Facebook không thể hiển thị ổn định trong vòng bảy tuần.

“Chúng tôi tin rằng họ hành động như vậy để gây áp lực lớn ép chúng tôi tuân thủ nhiều hơn các yêu cầu pháp lý gỡ bỏ những nội dung mà người dùng của chúng tôi ở Việt Nam thấy được”, một trong hai nguồn tin nói với Reuters.

Trả lời Reuters qua email, Facebook cũng xác nhận rằng, tuy rất bất đắc dĩ nhưng công ty đã chấp thuận tuân thủ với lời yêu cầu từ Việt Nam trong việc “ngăn chặn quyền truy cập của người dùng đến những nội dung bị cho là vi phạm pháp luật.”

“Sau khi chúng tôi cam kết hạn chế nhiều nội dung hơn, các máy chủ [ở Việt Nam] được các nhà mạng mở lại”.

“Xin nói rõ, điều này không có nghĩa là chúng tôi sẽ tuân thủ mọi yêu cầu mà chính quyền [Việt Nam] gửi tới. Nhưng chúng tôi có hạn chế nhiều nội dung hơn”, một nguồn tin nói.

“Chúng tôi tin rằng, tự do biểu đạt là nhân quyền căn bản, và nỗ lực bảo vệ quyền tự do quan trọng này trên thế giới… […] Tuy nhiên, chúng tôi tiến hành việc này để đảm bảo các dịch vụ của chúng tôi khả dụng với người dùng ở Việt Nam, vốn dựa vào các dịch vụ này mỗi ngày”, một tuyên bố của Facebook cho biết.

Bối cảnh:

– Trước đó, VNPT có ra thông báo giải thích việc tốc độ truy cập chậm là do đang bảo trì cáp quang dưới biển và xin lỗi vì người dùng không truy cập được vào Facebook một cách ổn định.

– Facebook hiện có 65 triệu người dùng ở Việt Nam.

– Theo công ty nghiên cứu Ants, doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam là khoảng 550 triệu USD trong năm 2018. Trong đó, 70% là của Facebook và Google.

– Theo Ân xá Quốc tế, Việt Nam đã bắt giữ nhiều người dân vì những thông tin mà họ đưa lên Facebook.

Phía Việt Nam nói gì?

– Reuters đã liên lạc với Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Viettel và VNPT về vấn đề này, nhưng không có cơ quan hay công ty nào phản hồi.

Chuyên gia nói gì?

– Người dùng Việt Nam hay sử dụng thuật ngữ “bóp băng thông” với hàm ý tốc độ truy cập chậm lại. Kỹ sư Dương Ngọc Thái của Google giải thích điều này trên blog cá nhân như sau:

“Tại sao Facebook lại đặt máy chủ ở Việt Nam? Tôi không rõ thiết kế của Facebook, nhưng để tối ưu tốc độ phục vụ người dùng các công ty sẽ muốn đặt máy chủ càng gần người dùng càng tốt. Cách tốt nhất là thuê chỗ ở trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Các máy chủ này thường sẽ không có chứa dữ liệu riêng tư của người dùng, mà chỉ chứa những nội dung mà ai cũng xem được. Khi các máy chủ này bị tắt đi, Facebook vẫn hoạt động được, nhưng tốc độ sẽ giảm xuống vì lúc này người dùng sẽ phải kết nối thẳng đến trung tâm dữ liệu của Facebook đặt ở Singapore, Đài Loan hay Hong Kong.”