Ăn cướp đến bao giờ?

Công đoàn Độc lập và nỗi ám ảnh của thể chế

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, sau khi Australia phê chuẩn hiệp định. Như vậy là 6 quốc gia: Úc, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã phê chuẩn hiệp định này. Các quốc gia khác là Việt Nam, Brunei, Chile, Malaysia và Peru đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng.

Đây là hiệp định tự do thương mại quan trọng mà Việt Nam kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, CPTTP có những yêu cầu bắt buộc về những vấn đề quyền lao động và công đoàn độc lập – điều mà chính quyền Việt Nam hết sức né tránh, coi đây là một “thách thức chính trị” đối với thể chế và hệ thống công đoàn quốc doanh vốn từ lâu là cánh tay nối dài của Đảng.

Với 90 năm lịch sử hình thành hệ thống công đoàn ở Việt Nam, những người cộng sản có một “bề dày kinh nghiệm xương máu” trong vấn đề kiểm soát sức mạnh tiềm ẩn trong đội ngũ lao động đông đảo đứng thứ 3 ở Đông Nam Á. Tổ chức “nhân danh” đại diện cho giới lao động và bảo vệ lợi quyền cho đại đa số lao động này thực chất đã hoàn toàn bị tha hóa, rời bỏ chức năng là người đại diện và bảo vệ lợi quyền chính đáng cho giới cần lao.

Trong một bài báo của tờ laodong.vn – tờ báo mạng chính thức của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – ngày 26/7/2013, tác giả Tống Văn Công, đã đưa ra một con số từ thống kê của chính tổ chức này khi cho biết kể từ năm 1995 đến 2013 đã có hơn 5.000 cuộc đình công nhưng không do công đoàn lãnh đạo. Trong đó, có những cuộc đình công với số lượng công nhân tham gia lên tới hơn 10.000 người.

Nguyên nhân chủ yếu là vấn đề tiền công, điều kiện lao động, đối xử bất công, chế độ nghỉ phép và bảo hiểm không đảm bảo. Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm, cũng cho thấy một loạt bài báo về tình trạng đình công tự phát ngày một nghiêm trọng. Theo như “thống kê chính thức”, năm 2017, toàn quốc có 314 cuộc đình công và ở một số địa phương số lượng đình công tăng gấp 4 lần so với năm trước, như ở Bình Phước, Bến Tre – những tỉnh nông nghiệp nghèo của Tây Nam Bộ, nơi mà mức lương người lao động rất thấp và chế độ bảo hiểm, nghỉ phép, an toàn lao động tồi tệ.

Liên đoàn lao động Việt Nam trở thành một thứ trung gian ký sinh, hoàn toàn vô dụng nhưng vẫn tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách và sử dụng một nguồn quĩ lớn trích từ đồng lương còm cõi của người lao động. Con số đình công thực tế lớn hơn nhiều lần thống kê do Liên đoàn lao động Việt Nam công bố, cho thấy một thực trạng mâu thuẫn ngày một gay gắt giữa đại đa số giai cấp cần lao với giới chủ. Trong khi đó, vai trò Liên đoàn lao động Việt Nam với một bộ máy quan liêu cồng kềnh có tác dụng duy nhất là khấu trừ 3% tổng quĩ lương của các doanh nghiệp, tổ chức và người lao động vốn đã bị chính sách thuế, phí tàn bạo tầng tầng lớp lớp của chế độ bào mòn đến tận xương tủy.

Bản cáo chung cho Công đoàn quốc doanh

Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh hôm 5/11 dẫn lời ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: “Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình.”

Trước đó, tại kỳ họp quốc hội đầu tháng 11, vị đại diện cho Tổng liên đoàn lao động này cũng bày tỏ những ý kiến của ông ta với những đề nghị tập trung vào việc luật hóa các khái niệm “người đại diện” và các qui định “linh hoạt” cho phù hợp với các yêu cầu theo cam kết với các hiệp định đã ký kết nhưng ngăn chặn việc hình thành các Công đoàn vàngỞ đó giới chủ tự thành lập và thao túng, biến công đoàn ấy là tay chân của mình”… “Đặc biệt, không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ người lao động mà vì những động cơ chính trị, chống phá nước ta và cũng không để những tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng, phá hoại Công đoàn Việt Nam và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.”

Với những phát biểu của đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có thể thấy lo ngại rất lớn từ nguy cơ bị chia xẻ nguồn tài chính và số lượng đoàn viên khi xuất hiện tổ chức công đoàn cạnh tranh. Ông Hiểu cũng ngay lập tức đã đề nghị các biện pháp ngăn chặn và đã sớm đưa ra những luận điệu vu khống trắng trợn mà nhà cầm quyền CSVN có thể dễ dàng qui kết, chụp mũ các tổ chức công đoàn độc lập không chịu sự chi phối của Đảng CSVN.

Những lo ngại về các tổ chức “Công đoàn Đỏ” do chính đảng Cộng Sản thành lập ra để làm “chim mồi” là hoàn toàn có cơ sở. Hơn ai hết, người cộng sản rất giỏi trong việc trá ngụy, lừa dối. Sẽ có nhiều chiêu trò đóng kịch PR công tác “đại diện và bảo vệ lợi quyền người lao động” được những tổ chức công đoàn của đảng tạo dựng. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gần đây cũng chỉ đạo cán bộ công đoàn các cấp phải sử dụng mạng xã hội để “đi sâu sát, nắm bắt tâm tư tình cảm công nhân, đặc biệt ở các khu công nghiệp” và chủ động mở các diễn đàn trên mạng xã hội để chứng tỏ tính “đại diện và bảo vệ lợi quyền người lao động” trên không gian mạng.

Việc thay đổi trong phương thức tuyên truyền, tiếp cận với người lao động của các tổ chức công đoàn quốc doanh này không thay đổi bản chất là “cánh tay nối dài” của đảng và mục đích kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ chính lực lượng đã đem lại sức mạnh quyết định trong những cuộc lật đổ chính quyền trong quá khứ của người cộng sản.

Để phân biệt được “Công Đoàn Đỏ”, “Công Đoàn Vàng” hay Công đoàn thực sự của người lao động thì cần có sự hiểu biết và mọi thông tin phải được tìm hiểu rất tường tận trong một quá trình. Nhưng việc mà mọi doanh nghiệp và công nhân viên có thể làm được ngay là việc phản đối qui định “ăn cướp” mà hệ thống công đoàn quốc doanh đã áp đặt bao lâu nay là khấu trừ 2% quĩ lương của doanh nghiệp và 1% lương của các đoàn viên công đoàn.

Doanh nghiệp, tổ chức hay người lao động có thể tự mình lựa chọn một tổ chức đại diện mà họ tin tưởng trong việc bảo vệ lợi quyền chính đáng cho giới cần lao chứ không phải một thứ tổ chức trung gian ký sinh như Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức cơ sở của nó. Dù việc hình thành và phát triển những tổ chức công đoàn độc lập thực sự đại diện cho tiếng nói của người lao động sẽ vô cùng khó khăn trong môi trường chính trị vô nhân tính và độc tài cao độ như Việt Nam nhưng điều đó không có nghĩa những hạt giống Tự do, Nhân quyền không thể nảy mầm và vươn lên thành những cây đại thụ.

Lịch sử là một dòng chảy không thể dừng lại và những thứ rác rưởi sinh ra từ một thể chế tồi bại như CSVN, cuối cùng sẽ bị cuốn trôi.

5/12/2018

Tân Phong