Sụp đổ

Tân Phong - Việt Tân|

17 triệu người thất nghiệp tới cuối năm 2020

Kết quả khảo sát của Ban Nghiên Cứu Kinh Tế Tư Nhân vừa qua cho thấy một thực trạng cực kỳ đáng báo động ở khối kinh tế tư nhân cũng như vấn nạn thất nghiệp gia tăng nhanh chóng:

“2% số doanh nghiệp được hỏi đã giải thể. 20 % số doanh nghiệp được hỏi đã dừng hoạt động. 76% số doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng không cân đối được thu – chi (trong đó 54% doanh nghiệp cho biết dòng tiền vào chỉ đáp ứng được 50% chi phí). Chỉ có 2% số doanh nghiệp nói rằng tạm thời chưa bị tác động.

81% số doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất là đứt đơn hàng, không có hợp đồng mới. 72% số doanh nghiệp cho biết khó khăn thứ hai là phải lo các khoản chi phí liên quan đến người lao động như trả lương và đóng bảo hiểm nộp phí công đoàn… 42-45% doanh nghiệp cho biết khó khăn là lo chi phí cho nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào, chi phí thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng… Theo khảo sát, ở đợt dịch lần đầu, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là đứt gãy chuỗi cung, thì bây giờ vấn đề căng thẳng nhất là dòng tiền, doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí không có doanh thu, không có khả năng thanh toán…

Khối kinh tế tư nhân tuy chỉ đóng góp chưa tới 10% GDP trong nền kinh tế chính thức và theo cách so sánh của bà Phạm Chi Lan thì “doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 98% số doanh nghiệp cả nước, thực sự không còn gì, họ chỉ ăn được mẩu vụn của thị trường, chứ không phải chiếc bánh thị trường chia thành miếng.” Trong một môi trường kinh doanh không lành mạnh và phải đối mặt với quá nhiều rủi ro, điều đáng lo ngại là lực lượng này đang ngày một teo tóp đi cả về vốn, năng lực công nghệ. Tuy vậy, nó vẫn có vai trò cực kỳ quan trọng trong vấn đề đảm bảo an sinh xã hội và tạo công ăn việc làm.

Nửa số người thất nghiệp ở Việt Nam là thanh niên

Theo thống kê của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam (GSO), trong số 54 triệu lao động hiện tại có tới hơn 18 triệu lao động làm việc trong thị trường lao động phi chính thức, chiếm tới gần 34% lực lượng lao động. Số lao động này chủ yếu làm việc cho doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ, hoặc lao động tự do.

Con số khảo sát 98% doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ không cân đối được thu chi, giảm qui mô sản xuất, sa thải lao động, cho tới đóng cửa, tạm dừng kinh doanh và giải thể… đồng nghĩa sẽ có một lực lượng lao động khổng lồ dư thừa và bị cắt giảm. Chỉ riêng số lao động ở khối kinh tế tư nhân thất nghiệp, ước đoán đã tới hơn 12 triệu người. Chưa kể, số lao động thất nghiệp ở khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước, sẽ rơi vào khoảng 4-5 triệu người.

Một kịch bản tồi tệ là tới cuối năm 2020, Việt Nam phải giải quyết bài toán an sinh xã hội khẩn cấp cho một lực lượng thất nghiệp lên tới 17 triệu người. Đây hoàn toàn không phải là con số phóng đại và vấn đề thất nghiệp sẽ trở nên trầm trọng và kéo dài nhiều năm.

Với năng lực của hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) và ngân hàng hiện nay, CSVN liệu có khả năng chống chịu được cơn sốc này? Trong khi đó, được biết hơn 80% nguồn vốn của BHXH tương đương 30 tỷ USD đã cho chính phủ vay để “chi thường xuyên” và bù đắp thâm hụt ngân sách thông qua các hình thức mua trái phiếu chính phủ. Dù báo cáo với Quốc Hội rằng quĩ BHXH đang thu lãi lớn nhờ đầu tư vào trái phiếu, cho các ngân hàng thương mại vay lại, mua chứng chỉ tiền gửi… nhưng thực tế ra sao thì sẽ được sớm được biết rõ trong 12 tháng tới đây.

Thu hút đầu tư FDI sụt giảm mạnh, thấp nhất trong 4 năm

Trái ngược với những tuyên bố đao to búa lớn, các chỉ đạo “dọn ổ đón đại bàng,” nguồn vốn FDI đã liên tục suy giảm liên tục 4 năm qua. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam chỉ thu hút được 19,4 tỷ USD vốn FDI, bằng 86,3% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, đáng chú ý là số lượng dự án đăng ký giảm tới 25,3% so với cùng kỳ. Nguồn vốn đối với các dự án đăng ký mới ghi nhận mức tăng thêm 6,6% nhưng điều này có được là do dự án khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu có số vốn đăng ký 4 tỷ USD, tương đương 41% vốn đăng ký mới.

Như vậy, ngoài dự án năng lượng hay bất động sản (BĐS), các dự án FDI khác trong các lĩnh vực gia công, lắp ráp… càng về sau càng có số vốn ít hơn và không hề có công nghệ tiên tiến. Những dự án FDI thâm dụng lao động là một câu chuyện buồn chưa có hồi kết cho nền kinh tế Việt Nam. Các dự án FDI trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục chỉ có mức đầu tư khoảng 1,1 triệu USD/dự án. Đó quả thực là những con số quá ít ỏi và không thể hy vọng gì cho Việt Nam có thể tiếp cận được các công nghệ ở mức đẳng cấp thế giới.

Khối doanh nghiệp vốn FDI là trụ cột quan trọng nhất trong nền kinh tế chính thức của Việt Nam, chiếm tới hơn 23,5% tổng đầu tư toàn xã hội, chiếm tỷ trọng tuyệt đối gần 80% xuất khẩu quốc gia và đóng góp khoảng 20% thu ngân sách.

Thật không ngoa khi nói rằng nền kinh tế Việt Nam với con số tăng trưởng 7,02%, là một “nền kinh tế rỗng.” Không làm chủ được các công nghệ cơ bản – những thành tựu của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, doanh nghiệp Việt có rất ít khả năng chen chân vào chuỗi cung ứng và trở thành một phần của hệ sinh thái doanh nghiệp trong khu vực chứ đừng nói có thể “đi tắt, ăn cắp, đón đầu” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sự sụp đổ của thị trường bất động sản 

Theo thống kê của Hiệp Hội Bất Động Sản thành Hồ (HoREA) cho biết, 8 tháng đầu năm 2020, thành phố chỉ thu được 4.453 tỷ đồng tiền quyền sử dụng đất, giảm đến 52% so với cùng kỳ 2019. Năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp, đầu tàu kinh tế phía Nam nơi thị trường BĐS luôn sôi sục, đã lao dốc không phanh.

Nhưng vậy là không phải đợi tới khi có dịch cúm Tàu, BĐS thành Hồ đã suy giảm vì nhiều yếu tố nội tại như yếu tố pháp lý không đảm bảo, nguồn cung hạn chế vì rào cản cơ chế, cơ cấu hàng hóa và giá cả quá chênh lệch với nhu cầu thực… Giao dịch căn hộ nửa đầu 2020 chỉ đạt hơn 6.800 căn hộ, giảm 55% so với cùng kỳ và là mức giao dịch thấp nhất trong 5 năm qua. Dòng sản phẩm biệt thự/nhà phố dù nguồn cung không nhiều nhưng sức mua cũng giảm 34%. Phân khúc đất nền nhu cầu đầu cơ gần như không còn, giảm tới 67% so với cùng kỳ.

Với lợi thế du lịch và hạ tầng tốt, trong hơn một thập kỷ qua Đà Nẵng đóng vai trò đầu tàu kinh tế ở khu vực miền Trung Nam Bộ. Tuy vậy, kể từ cuối 2018, thành phố đã chứng kiến cơn thoái trào của làn sóng đầu tư, đầu cơ bất động sản. Quả bóng BĐS ở Đà Nẵng thực ra chính thức đã nổ từ 2019 với vụ vỡ trận “hoành tráng” Cocobay. Đến khi cơn dịch bệnh cúm Tàu càn quét tới thì thị trường BĐS Đà Nẵng đã tê liệt hoàn toàn. Giờ đây, rất dễ dàng nhận thấy các nhà đầu tư đang mắc cạn cố gắng bán tháo hàng loạt tài sản ở Đà Nẵng với mức giá thấp hơn nhiều so với trước đây ít lâu.

Thị trường BĐS Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ so với tình hình chung của toàn ngành. Năm 2019, thu ngân sách từ quyền sử dụng đất cũng giảm tới gần một nửa so với 2018. Tình hình này càng tệ hơn trong năm 2020. Cơ cấu hàng hóa và giá cả ngày một bất hợp lý khiến cho tồn kho tăng cao. Tuy vậy, mặt bằng giá BDS ở khu vực phía Bắc có khuynh hướng tăng chứ không giảm, những “cá mập” trong ngành “quyết” không giảm giá dù lượng giao dịch rất thấp.

Thị trường suy giảm khốc liệt khiến cho hơn 923 doanh nghiệp BĐS đã rời khỏi thị trường từ đầu năm tới nay. Con số này cao hơn 136% so với cùng kỳ và là con số cao nhất so với các ngành nghề khác.

Trên thực tế, BĐS là thị trường chiếm dụng nguồn vốn đầu tư xã hội lớn nhất. Ở Việt Nam, người người buôn đất, nhà nhà buôn đất và sự chênh lệch giữa thu nhập người dân với giá đất có thể nói ở mức hoang đường. Xuất phát từ suy nghĩ đã được đóng đinh là “người đẻ, chứ đất không đẻ,” “tiết kiệm cả đời không bằng lời một mảnh đất”…

Niềm tin đến mức mù quáng vào thị trường đã tạo ra một hiệu ứng “trăm sông đổ bể,” mọi nguồn lực từ cá nhân, khối hộ gia đình, kiều bào, tiền đầu tư của doanh nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm xã hội… ước tính hơn 70% nguồn vốn đầu tư xã hội đều đổ vào BĐS, khiến cho quả bóng nhà đất phình to mãi không ngừng. Điều kỳ lạ nhất khiến cho thị trường này đến nay chưa bị nổ tung, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, là người dân Việt Nam có một niềm tin mãnh liệt vào giá trị đất dù nó có phi lý tới mức độ nào.

BĐS cũng là mỏ vàng của giới chức CSVN và doanh nghiệp thân hữu tha hồ xẻ thịt, vẽ dự án, cướp đất để nhanh chóng trở thành tỷ phú dollar. Trong một xã hội mà quyền tư hữu không được công nhận, luật pháp trở thành công cụ hợp thức hóa việc cướp bóc của giới cầm quyền, thì đất đai cũng là ngọn nguồn của mọi xáo trộn, tai ương của xã hội.

Hơn 80% khiếu kiện liên quan tới quyền sở hữu đất đai triền miên không dứt, mâu thuẫn xã hội ngày càng khốc liệt và đã có nhiều cuộc đối đầu thảm khốc giữa nhà cầm quyền và người dân. Xã hội Việt Nam kể từ 1945 đến này chỉ quay cuồng, chìm nổi theo những cuộc cướp bóc từ cải cách ruộng đất, công tư hợp doanh, tới những cuộc đàn áp dã man như ở Văn Giang, Đồng Tâm, Cồn Sẻ,…

Và sự sụp đổ cuối cùng

Một làn sóng các ngân hàng thương mại ồ ạt thanh lý tài sản từ xe hơi cho đến đất nền, khách sạn, trung tâm thương mại với giá trị từ vài trăm triệu cho đến hàng ngàn tỷ đồng đã diễn ra. Khi trước đây nhà nhà vay tiền mua đất, thì bây giờ các ngân hàng thi nhau phát mãi thu hồi nợ. Nền kinh tế vừa suy kiệt bởi dịch bệnh và quả bong bóng BDS to lớn đột ngột nổ tung. Đó sẽ là thảm họa thực sự.

Cho tới thời điểm hiện tại, có thể khẳng định những “gói hỗ trợ” hoàn toàn chỉ là những trò hề, những vở diễn nhằm giải quyết yếu tố “tâm lý” cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời là “kết quả” để báo cáo trong các hội nghị về “thành tích” của nhà cầm quyền.

Với con số thất nghiệp có thể lên tới 17 triệu người, số DNNVV phá sản có thể lên tới 85% và nguồn BHXH bị “rỗng ruột” từ lâu… không quá khó để hình dung ra một viễn cảnh tồi tệ trong tương lai gần. Sự sụp đổ của kinh tế sẽ khởi đầu cho một thời kỳ hỗn loạn, dân sinh khốn cùng.

Đó cũng là lúc, người Việt Nam sẽ thấy rõ hết bộ mặt “do dân và vì dân” của thể chế CSVN khi những đàn sói đói không còn những con cừu béo để chia nhau sẽ lao vào đám cùng đinh để cắn xé. Đó cũng là thời khắc người Việt Nam phải lựa chọn sinh tử, quyết định tương lai và vận mệnh của mình. Sự sụp đổ này cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ thể chế vô nhân, đê mạt CSVN./.