Sự thật nào về ‘Úc ra luật an ninh mạng, đòi quyền truy vấn cơ sở dữ liệu Facebook, Google’?

Nhiều báo trong nước đưa tin về việc, Úc vừa thông qua một đạo luật cho phép cơ quan chức năng có thể truy cập vào các tin nhắn bị mã hoá của người dùng, điều mà từ trước đến nay Google, Facebook hay Apple vẫn luôn phản đối. Cũng theo các báo nhà nước, Đạo luật này vừa được cơ quan lập pháp Úc thông qua vào ngày thứ 5 vừa qua. Theo các nhà lập pháp, quy định này là điều thiết yếu để duy trì an ninh quốc gia và là một công cụ quan trọng của chính quyền trong cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố.

Điều này vô tình dẫn đến một sự hiểu lầm sơ đẳng là việc thông qua dự luật An ninh mạng Việt Nam cũng nằm trong tiến trình quốc tế và nó hoàn toàn là một công cụ như các nước phương Tây. Hoặc không có sự khác nhau giữa Luật an ninh mạng Úc và Luật an ninh mạng Việt Nam.

Trên một số trang như Cùng Troll Phản Động dùng tin này để châm biếm những người phản đối Luật An ninh mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy.

Cái mà Úc vừa thông qua là Luật chống mã hóa (chứ không phải Luật an ninh mạng như một số tiêu đề báo đã đưa) nhằm vào các phương tiện nhắn tin OTP như Whatsapp, Telegram, Signal,… Những công cụ mà chính quyền Úc cho rằng, chính nó đã hỗ trợ gián tiếp cho các hoạt động khủng bố nước này. Gần nhất là trong tháng 11/2018, 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương trong một cuộc tấn công khủng bố tại khu phố trung tâm thuộc thành phố Melbourne (Úc).

Việc ra Luật Mã hóa (encryption laws) là nhằm tập hợp các công cụ dự liệu thực thi cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố xảy ra gần đây trên nước Úc. Chứ không nhằm vào mục đích ngăn chặn quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của người dân. Chính vì thế, dự luật này được sự ủng hộ của cả 2 đảng lớn ở Úc là Công Đảng Úc và Liên minh Tự do.

Ngoài ra, việc thi hành luật chống mã hóa này giả sử tiến hành trong thực tế, thì nó chịu sự chi phối của nền tư pháp độc lập của Úc, nhằm hạn chế sự lạm quyền dựa trên luật của chính quyền. Đồng nghĩa, luật sẽ không nhằm xâm phạm một phần tự do của công dân để đảm bảo an ninh của một đảng, mà hoàn toàn dựa trên an ninh quốc gia. Bởi an ninh quốc gia của Úc được hiểu là an ninh bao trùm nước Úc nhằm bảo vệ người dân.

Còn an ninh Việt Nam thì sao? Khái niệm an ninh của Việt Nam lại chính là an ninh của Đảng cầm quyền (duy nhất – được ghi nhận tại Điều 4 Hiến pháp và Điều 4 Luật An ninh mạng), trong đó, đề ra nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng Việt Nam là ‘đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam’. Nói một cách khác, Luật an ninh Việt Nam có thể tìm kiếm những người phản đối lại chính sách, chủ trương hoặc thực thi một quyền dân sự – chính trị (mà Nhà nước Việt Nam gắn đó là ‘chống lại chính quyền nhân dân), trong khi đó – luật của Úc lại nhằm tìm kiếm các phần tử khủng bố đe dọa mạng sống của người dân.

Một quốc gia, người dân có thể chấp nhận sự cắt bớt sự tự do của mình để đảm bảo an ninh cho chính bản thân và cộng đồng khi mà đó là an ninh bao trùm thay vì an ninh có chọn lọc. Và nó không ngăn cản các quyền dân sự, chính trị được Hiến pháp bảo vệ.

Cuối cùng, là cách diễn giải luật mơ hồ khiến cho bản thân Luật An ninh mạng Việt Nam làm gián đoạn quyền tự do ngôn luận của người dân. Cụ thể với quy định ‘Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội’, nhưng nếu thông tin đó lại có thật thì sao? Ngoài ra, ‘thông tin sai sự thật’ có thể là nguồn thông tin được bảo mật bởi Luật bảo vệ bí mật nhà nước (Điều 5 – với các lĩnh vực kinh tế). Lúc này, Luật An ninh mạng không những không bảo vệ an ninh quốc gia, mà chỉ bảo vệ cho các chủ trương – chính sách giáo điều, đi ngược lại với tinh thần giám sát cơ sở của người dân.

Do vậy, không thể nhập nhằng giữa luật an ninh các nước với Việt Nam, vì cho dù cùng mang tên, mục đích bảo vệ thì nội dung nó lại không đảm bảo tương xứng với cụm từ ‘an ninh’ mà nó đặt ra (khi nó chú trọng bảo vệ quyền lực độc tôn cai trị là chính yếu).

Quay trở lại với Luật Mã hóa, luật này cũng bị phản đối mạnh mẽ, bởi nhiều người cho rằng, nó sẽ bổ trợ cho các cơ quan thực thi pháp luật tìm kiếm thông tin không chính đáng, làm suy yếu an ninh mạng bởi sự thiếu sót và hấp tấp trong quá trình soạn thảo; giảm tiêu chuẩn an toàn trong lưu trữ dữ liệu, thương mại điện tử lẫn quyền dân sự của người dân. Thậm chí, Gregory của Đại học RMIT cho Bloomberg biết, hiệu lực của luật có thể sẽ lan rộng ra ngoài các hoạt động khủng bố hoặc tội phạm và vào các cuộc điều tra khu vực tư nhân.

Điều quan trọng là hiện Google, Facebook đã tham gia vào nhóm phản đối lại dự luật mã hóa của Úc mang tên ‘Liên minh Môi trường internet an toàn và bảo mật’, trong nhóm này có cả Tổ chức Ân xá quốc tế, Liên minh Truyền thông số, Tổ chức Theo dõi Quyền kỹ thuật số, Amazon,… Chính vì vậy, mặc dù đã thông qua nhưng hiện dự luật này vẫn được Ủy ban hỗn hợp Tình báo và An ninh Quốc Hội xem xét trước khi có hiệu lực trong vòng 2 tháng sắp tới.

Ánh Liên

Nguồn: Việt Nam Thời Báo