VietJet – Vietnam Airlines: Hai mảng màu tối sáng

Anh Hoàng - Việt Tân

Vietnam Airlines là hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước với số phần trăm cổ phiếu nắm giữ là 86,19%. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn có một hệ thống các công ty con với đầy đủ các dịch vụ về ngành hàng không dân dụng từ Công ty Kỹ Thuật Máy Bay (VAECO) chuyên bảo dưỡng, bảo trì máy bay; đến Công ty Nhiên Liệu Hàng Không Việt Nam (Skypec); Công ty Dịch Vụ Mặt Đất Sân Bay Việt Nam (VIAGS); Công ty Suất Ăn Hàng Không (VACS); công ty hàng không giá rẻ JetStar Pacific Airlines.

Vì là doanh nghiệp nhà nước nên Vietnam Airlines còn được sự hậu thuẫn to lớn về những hợp đồng thương mại, kinh doanh mặt hàng miễn thuế. Nhưng, tất cả những gì mà Vietnam Airlines làm được vẫn thua một hãng hàng không giá rẻ tư nhân mới thành lập là VietJet Airlines.

VietJet Airlines là một công ty tư nhân được thành lập vào 2007 nhưng phải đến tháng Mười Hai, 2011, mới bắt đầu có chuyến bay thương mại đầu tiên. Nguồn thu chính của cả hai hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet là vận chuyển hành khách. Vào năm 2018, 81,16% doanh thu của Vietnam Airlines là từ vận chuyển hành khách, chỉ số này ở VietJet là 46,1%. Nhưng, VietJet lại có một nguồn thu quan trọng thứ hai chính là nghiệp vụ mua và bán lại máy bay cho các công ty cho thuê máy bay (Sales and lease back) chiếm 37% doanh thu trong năm 2018.

Đây là nghiệp vụ từ lâu được các hãng hàng không tận dụng để mở đội bay, sớm mang lại lợi nhuận, đồng thời giảm được gánh nặng tài chính. VietJet đang tận dụng khai thác triệt để từ nguồn thu này nhờ sự hậu thuẫn của các ngân hàng Vietcombank, TP Bank cùng các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài GECAS (Mỹ) đã ký kết hợp đồng tài trợ thuê mua tài chính; BNP Paribas (Pháp) và Jackson Square (Thuộc tập đoàn Misubishi UFJ – Nhật) và một số ngân hàng khác đã ký kết những thỏa thuận nguyên tắc về cung cấp tài chính máy bay với Vietjet. Nhờ đó VietJet đã có những hợp đồng mua máy bay khủng, ví dụ vào năm 2016, VietJet đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing B737 MAX 200. Hay tháng Hai, 2019 VietJet tiếp tục ký hợp đồng mua 100 chiếc Boeing B737 MAX 200.

Đây chính là sự khác biệt lớn giữa VietJet và Vietnam Airlines khi các doanh nghiệp tư nhân chủ động trong việc tiếp cận các nguồn vốn khác nhau để mở rộng kinh doanh và gia tăng lợi nhuận. Trong khi đó, Vietnam Airlines chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần thuộc sở hữu nhà nước. Người ta càng dễ dàng nhận ra sự quản lý yếu kém của Vietnam Airlines so với Vietjet thông qua con số doanh thu hàng năm và lợi nhuận sau thuế của hai công ty này.

Nhìn vào hai số liệu về doanh thu và lợi nhuận sau thuế thu nhập có thể thấy rằng dù Vietnam Airlines có doanh thu cao gần gấp đôi so với VietJet trong hai năm gần đây; nhưng lợi nhuận sau thuế thu nhập của VietJet lại cao hơn gấp đôi và gấp rưỡi ở hai năm 2018 và 2019. Điều này phản ánh năng lực quản lý yếu kém từ các cấp lãnh đạo của công ty cổ phần Vietnam Airlines đang thuộc sở hữu nhà nước này.

Rõ ràng, tư nhân hóa là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế lâu dài, khi đó tình trạng “cha chung không ai khóc” sẽ không còn tiếp diễn. Những người chủ thực sự sẽ phải có những chính sách rõ ràng và hành động quyết liệt để cứu lấy đứa con tinh thần của mình. Việt Nam cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh như VietJet, FPT, hay Thế Giới Di Động… vì các doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất nhiều cho sự tăng trưởng GDP Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2018, 42,08% GDP của cả nước đến từ doanh nghiệp tư nhân, 27,67% là từ doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 20,28% và còn lại đến từ thuế sản phẩm đặc biệt.

Tuy nhiên, mặc dù đảng và nhà nước đã ra những nghị quyết đẩy mạnh doanh nghiệp tư nhân cùng với những chính sách hỗ trợ về mặt luật pháp, thuế khóa nhưng cho đến nay chỉ là trên giấy, vô số các doanh nghiệp tư nhân đang bị bỏ rơi. Cụ thể, gói cứu trợ 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn giữa dịch Covid-19 nhưng cho đến nay chỉ có một doanh nghiệp duy nhất được phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay mà thôi!

Tóm lại, câu chuyện kinh doanh của VietJet và Vietnam Airlines đã phản ánh tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Việt Nam còn quá hạn chế với tư duy lý thuyết giáo điều, coi kinh tế quốc doanh là chính.

Ngày nào mà đảng Cộng Sản Việt Nam còn dùng tiền dân bao bọc kinh tế tập thể với lối mòn “bình mới rượu cũ” của chủ nghĩa Mác – Lenin, sẽ chẳng thay đổi được bộ mặt kinh tế của đất nước.

https://viettan.org/vietjet-vietnam-airlines-hai-mang-mau-…/