Trận Banh Dân Chủ

Nhìn cảnh hàng trăm ngàn người đa số còn trẻ “đi bão” một cách điên cuồng, bịnh hoạn, lố lăng sau khi đội tuyển Việt Nam thắng một trận chung kết trong một giải khu vực nhiều người không khỏi nản lòng, buồn bực, lớn tiếng chê bai, trách móc, khinh bỉ và ngay cả xỉ vả họ.

Giải AFF Suzuki Cup chỉ là một giải vùng Đông Nam Á, khác với giải vô địch Á Châu với các nước có đẳng cấp thế giới như Nam Hàn, Nhật Bản tham dự.

Đừng quên, gần 60 năm trước, Việt Nam Cộng Hòa đã là nước bóng đá mạnh tại Á Châu. Tại các SEA Games từ 1959 đến 1973, Việt Nam Cộng Hòa đoạt cả thảy 7 huy chương trong đó có huy chương vàng năm 1959. Trong vòng loại Thế Vận Hội Mexico 1968 Việt Nam Cộng Hòa đá bại Philippines với tỉ số lạnh lùng 10-0 hay từng đá bại Mã Lai với tỉ số khuất phục 6-1 tại Á Vận Hội Tokyo 1958.

Nếu không có cơn bão độc tài toàn trị CS đang quét ngang qua ánh sáng văn minh dân chủ đã giúp cho những hàng cây kinh tế, chậu hoa chính trị, dòng suối văn hóa, khóm trúc thể thao trong khu vườn Việt Nam trở nên xinh đẹp và tươi tốt biết bao nhiêu!

Mấy ngày nay, tràn ngập trên các trang mạng và diễn đàn là những câu thống trách “Phải chi họ cũng xuống đường khi Trung Cộng xâm chiếm Biển Đông!”, “Phải chi họ cũng xuống đường khi Formosa thải chất độc hủy diệt môi trường Việt Nam!”, “Phải chi họ cũng xuống đường khi luật an ninh mạng được thông qua!”, “Phải chi họ cũng xuống đường phản đối khi luật đặc khu được soạn thảo!” Rất nhiều “phải chi” liên quan đến tham nhũng, ung thư, nghèo nàn, lạc hậu khác.

Nhưng những người kêu than hay thống trách quên một điều những “phải chi” đó hoàn toàn không có trong đầu đám đông “đi bão” cuồng loạn và mê tín điên khùng kia. Trong đầu đám đông là những ham muốn, dục vọng, đam mê thấp hèn được đảng CS thuần hóa qua thói quen lập đi lập lại.

Thái Lan năm lần đoạt giải AFF Suzuki Cup này nhưng chắc không thể tìm ra một hình ảnh nào đáng khinh bỉ và ghê tởm như những cảnh lên đồng, trần truồng tại Việt Nam.

Thích coi đá banh là một điều riêng tư và tự nhiên nhưng khi thể hiện ra ngoài xã hội, các hành vi của một người không còn riêng tư nữa mà được quy định bởi xã hội. Chế độ CS tồn tại trong một xã hội băng hoại, tha hóa, mất nhân phẩm.

Cần đánh thức họ chăng? Không cần.

Trong lịch sử, cách mạng dân chủ chưa bao giờ được phát động từ những đám đông tương tự như đám đông “đi bão” tại Việt Nam.

Nếu đám đông kia không “đi bão” vì thắng một trận banh họ cũng vùi đầu vào quán nhậu, cờ bạc, rượu chè, hút xách chứ chắn chắn không đứng lên để chống Formosa hay luật an ninh mạng.

Những người xỉ vả họ, nếu không khéo, lại cũng rơi vào chiếc bẫy do đảng CS bày ra. Bộ máy tuyên truyền CS hướng mọi khen chê vào chung một quỹ đạo tư tưởng để dễ bề kiểm soát và điều chỉnh.

Đừng quên, giới cầm quyền CS cũng khuyến khích phê bình các hiện tượng xã hội miễn là không đụng tới bản chất. Tuy nhiên, phê bình hiện tượng mà không phân tích tới bản chất của nó chẳng khác gì giúp cho chế độ cách sửa sai để rồi cai trị tiếp.

Năm 1978, Đặng Tiểu Bình khi vừa lên nắm quyền đã cho phát động một chiến dịch chưa từng có gọi là “Bức tường dân chủ”. Nhiều giới khác nhau tại Trung Cộng đã đến để thể hiện nguyện vọng, phê bình, than trách trên bức tường. Nhà vận động dân chủ Wei Jingsheng vào ngày 5 tháng 12 năm 1978 đã dán lên bức tường lời kêu gọi “Hiện đại hóa thứ năm” tức dân chủ hóa Trung Quốc. Sau khi nghe đủ, Đặng ra lịnh dẹp bỏ “bức tường dân chủ”, điều chỉnh các chính sách một cách thích nghi và cai trị tới ngày nay.

Ai sẽ khơi mào cách mạng dân chủ?

Lịch sử lần nữa cho thấy, cách mạng dân chủ thường được khơi mào từ một số ít những người ý thức và nhận ra được hướng đi của dân tộc và thời đại.

Hôm đó là ngày 3 tháng 6, 1988. Một nhóm 35 người dân Lithuania họp nhau để bàn chuyện giành độc lập Lithuania khỏi khối CS Liên Sô. Họ gồm nhiều thành phần khác nhau như ca sĩ nhạc Rock Algirdas Kauspedas, diễn viên sân khấu Regimantas Adomaitis v.v.. Họ thành lập phong trào có tên là Sajudis (phong trào cải cách) và bầu Vytautas Landsbergis, một giáo sư âm nhạc không CS, làm lãnh đạo. Từ con số 35 người đó, chỉ trong vòng hai năm, phong trào đã thu thút sự tham gia của hàng trăm ngàn người và cuộc vận động độc lập cho Lithuania đã dẫn tới thành công. Lithuania tuyên bố độc lập khỏi Liên Sô ngày 3 tháng 11, 1990.


Cách mạng dân chủ Mông Cổ 1990

Hôm đó là ngày 10 tháng 12 năm 1989, một nhóm thanh niên Mông Cổ chỉ vỏn vẹn 13 người tổ chức một cuộc tuyệt thực đòi thực thi dân chủ. Ngày nay lịch sử Mông Cổ gọi họ một cách kính trọng là “13 nhà dân chủ Mông Cổ đầu tiên” nhưng dĩ nhiên trong năm 1989, bộ máy tuyên truyền CS Mông Cổ gọi họ là “mười ba tên phản động”. Nhờ 13 người đó mà Mông Cổ, một quốc gia hiếm hoi được nghe nhắc đến hai chữ tự do hay dân chủ đã trở thành một nước dân chủ.

Việt Nam cũng thế. Cách mạng dân chủ không khơi mào từ đám đông “đi bão” mà từ những người yêu nước dấn thân.

Họ là Lê Đình Lượng (20 năm tù), Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù), Đào Quang Thực (14 năm tù), Hoàng Đức Bình (14 năm tù), Nguyễn Trung Trực (12 năm tù), Lưu Văn Vịnh (15 năm tù), Nguyễn Quốc Hoàn (13 năm tù), Trần Thị Nga (9 năm tù), Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (9 năm tù), Nguyễn Trung Tôn (12 năm tù), Trương Minh Đức (12 năm tù), Nguyễn Bắc Truyển (9 năm tù), Phạm Văn Trội (7 năm tù), Trần Anh Kim (14 năm tù) và trên 200 người khác với những bản án nặng nề tương tự.

Đừng lãng quên mà hãy bằng mọi cách tập trung yểm trợ những người yêu nước dấn thân. Bởi vì, giống như tại Nga, Tiệp, Lithuania, Mông Cổ v.v..trước đây, chính những “cầu thủ” nêu trên một ngày không xa sẽ là những người ghi bàn thắng cuối cùng và quyết định trong trận banh dân chủ tại Việt Nam.

Trần Trung Đạo