Nhìn và Ngắm

Thao Ngoc

Dù được rút kinh nghiệm, dù được dự báo, cảnh báo sớm và dù được tăng cường nhiều biện pháp chống lũ, tránh lũ, nhưng xem ra, con người không thể chống được thiên tai, bão lũ.

Liên tiếp trong những năm gần đây, trận lũ này vừa dứt, hậu quả khắc phục chưa xong, trận lũ sau lại đến, hậu quả, lại vẫn thảm cảnh tang thương. Đợt mưa mấy ngày qua gây ra trận lũ hơn cả kinh hoàng, tàn phá cả một vùng rộng lớn.

Theo thông tin truyền thông nhà nước, đã có hơn 50.000 hecta rừng bị tàn phá để nhường chỗ cho 824 nhà máy thủy điện. Trung bình để xây một thủy điện mất hết 59 hecta rừng.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân chính của lũ quét, sạt lở đất. Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.
 
Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 không phải là sự cố đầu tiên đối với thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam. Trước đây một loạt thủy điện nhỏ bị sự cố nghiêm trọng như Đak Men 3 tỉnh Kontum, Đak Rông 3 tỉnh Quảng Trị, Đạm Bol tỉnh Lâm Đồng, Hố Hô ở hai tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình, cho thấy cơ chế phân cấp giám sát quản lý an toàn công trình bộc lộ nhiều bất cập.
 
Thủy điện nhỏ là giao cho địa phương, nên mạnh tỉnh nào tỉnh đó thẩm tra, thiết kế, giao đất, phần lớn là do tư nhân làm.
 
Mục tiêu chính của các thủy điện nhỏ này là: Phá rừng để bán gỗ và khai thác khoáng sản, như vàng và các kim loại quý. Khu vực thủy điện Rào Trăng 3 là vùng có vàng và nhiều kim loại quý. Nguồn lợi từ phá rừng bán gỗ và khai thác vàng vô cùng to lớn. Bán điện chỉ là mục đích thứ ba.
 
Để thi công công trình thủy điện, ngoài việc phá rừng, người ta đã xẻ núi, cắt xẻ taluy cao, dốc để mở đường và làm công trình. Việc làm đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở và làm công trình phụ trợ, đã làm mất cân bằng sườn dốc, phá vỡ kết cấu bền vững đã tồn tại hàng triệu năm nay.
 
Trong khi, một quả núi phải mất hàng triệu năm mới hình thành thế cân bằng, thì sự can thiệp của con người sẽ làm mất đi xu thế này. Theo lý thuyết, việc xây dựng các hồ thủy điện chắc chắn gây ra các kích thích cho những khu vực xung quanh, kết hợp với nguyên nhân nội sinh ở dưới lòng đất có thể tạo ra những tương tác gây ra sạt lở. Do đó khi gặp mưa lớn sẽ gây ra sạt lở đất đá.
 
Việc xẻ núi phá rừng càng nhiều thì nguy cơ sạt lở càng lớn.Theo thống kê, trong thời gian qua, huyện Phong Điền xảy ra 40/42 điểm trượt taluy.
 
Chỉ với 3 thủy điện là Alin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 tại huyện Phong Điền, đã phá đến 200 ha rừng.
 
Nếu nói rằng vì thiếu điện mà phải làm các thủy điện nhỏ là hết sức vô lý.
 
Chỉ cần tăng cường sản xuất điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà, và điện gió thì còn hơn làm thủy điện phá hoại môi trường. Hiện Ninh Thuận đã có 18 dự án vận hành với tổng công suất 1.180 MW gồm 15 dự án điên mặt trời (1.063 MW); 3 dự án điện gió (117 MW) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Tuy nhiên, trong số 18 dự án trên có 10 dự án (359 MW), đang phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất (tương ứng 215 MW) để ổn định hệ thống truyền tải, do lưới điện tại Ninh Thuận quá tải. Chỉ cần cơ quan chức năng đầu tư đường dẫn tải điện đủ lớn để đưa điện tại đây hòa vào lưới điện quốc gia là sử dụng tối đa nguồn điện hiện có. Thế nhưng người ta lại chỉ thích làm thủy điện là vì những lợi ích nói trên.
 
Câu hỏi đặt ra về tác hại của thủy điện thì ai cũng biết, vậy tại sao nó lại được cấp phép dễ dàng, nhanh chóng và tràn lan như vậy?
 
Ngoài việc gây sạt lở do thi công làm thủy điện gây ra, việc các đập thủy điện xả lũ gây nên những trận lụt kinh hoàng, gây tổn thất vô cùng to lớn cho nhân dân. Đã có 13 luật sư kiến nghị phá bỏ ngay những thủy điện gây hại cho nhân dân. Họ cho rằng các đập thủy điện đem lại lợi ích không bõ cho cái thiệt hại gây ra. Mạng người là vô giá, không thể để mạng dân cứ chết vơi mỗi năm một ít như thế được, không thể để cơ nghiệp của dân tích cóp bao năm tiêu tán dần vì lũ.
 
Nhưng kiến nghị thì cứ kiến nghị. Thủy điện tư nhân vẫn tiếp tục làm.

Đoàn của tướng Man vào Sông Trăng 3 làm gì?

Theo Đại tá Quang, một trong những người may mắn sống sót (cùng Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thanh Bình) kể lại:“14h ngày 12-10, đoàn công tác gồm 26 người cả lái xe lên đường hướng thẳng Rào Trăng 3. Đến 16h tới chỗ đập tràn sâu trên đường 71, ô tô không qua được, đoàn bỏ lại ô tô, 21 người trong đoàn công tác quyết tâm băng bộ vào tận Thủy điện Rào Trăng 3 cách khoảng 13km.

Đoàn cứ đi mãi vào rừng sâu, đêm tối mưa to gió lớn không đi tiếp được nữa thì phát hiện ra có một ngôi nhà của Trạm quản lý, bảo vệ rừng số 67 nhưng cửa đóng then cài, chẳng có một ai ở đó.

Nhà khóa, chúng tôi bàn nhau thôi phá khóa ra, sau này tính toán bồi thường cho người ta sau, bây giờ lấy chỗ cho anh em nghỉ ngơi để sáng hôm sau đi tiếp. Vào nhà, một số anh em tìm được gạo, nước mắm, cũng nấu được nồi cơm, làm mỗi người bát cơm chan tí nước mắm ăn vậy thôi.”

Vậy đoàn của tướng Man đi như vậy để làm gì? Nếu gặp nơi sạt lở vùi lấp công nhân thì họ lấy phương tiện gì để cứu nạn, hay chỉ dùng tay không để đào bới hàng trăm ngàn tấn đất đá?

Nên biết rằng: Nơi xây các đập thủy điện này là rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vì vậy để được cấp phép xây dựng thủy điện tại đây phải thuộc “không phải dạng vừa đâu”.

Vì vậy dư luận nghi ngờ và đặt câu hỏi: Tại sao đoàn cán bộ này lại hấp tấp đi vào vùng rừng núi đang lũ và sạt lở như vậy? Phải chăng vì các vị vì có cổ phần trong đó nên nóng lòng?

Nếu là mục đích cứu hộ thì lẽ ra, đoàn chỉ huy này phải dừng chân ở trạm chỉ huy tiền phương, và cử tổ trinh sát đi vào vùng sạt lở để khảo sát, báo cáo tình hình, để sở chỉ huy tiến hành lập phương án cứu hộ với những phương tiện cần thiết. Nhưng ở đây họ đi tay không, không mang theo phương tiện cứu hộ và đồ ăn thức uống. Đi để chết.

Những ai phá rừng?

Căn nhà 80m3 gỗ của Chi cục trưởng kiểm lâm Quảng Trị Khổng Trung toàn gỗ quý. Căn nhà kết cấu ba gian hai chái, rộng hơn 100 m2, trị giá khoảng 2 tỷ đồng tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) là niềm tự hào của một cán bộ kiểm lâm.
 
Một chủ tịch huyện tại Đắk Lắk rất có quyết tâm chống lâm tặc. Đến nhiệm kỳ cuối cùng, ông bắt đầu cho xây một dinh thự gỗ sát nách Hạt Kiểm lâm. Những cây cột tròn cực lớn, toàn gỗ căm xe, cà chít được ồ ạt chở về.
 
Những tấm ván nguyên khối gỗ hương, gỗ cẩm cũng được tập kết. Những bộ bàn ghế lớn đến mức phải vài chục người khiêng cũng được xe tải loại lớn đưa về nhà ông.
 
Vụ phá rừng ở Quảng Nam năm 2016: Bốn cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang, người đứng đầu Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung vừa bị kỷ luật sau vụ phá rừng quy mô lớn ở Quảng Nam.
 
Vụ phá rừng tại Yên Bái: Nhà báo Phạm Trung Tuyến đã có một tuần trải nghiệm quý giá tại đây, tận mắt thấy những cây gỗ quý, to bốn năm người ôm đều đã được khắc tên các ông lớn cả rồi, đừng nói lâm tặc mà oan uổng cho họ.
 
Năm 2016, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh đóng cửa rừng cũng là lúc cơ bản rừng đã phá xong.
 
Có người đã chua chat nói rằng: Sau 4.000 năm, con cháu của Thủy Tinh là Thủy điện đã đánh bại con cháu của Sơn Tinh, biến họ thành Sơn Trạch, (nghĩa là Sạch Trơn).
 
Chính những kẻ chủ trương phá rừng, xẻ núi để làm thủy điện bằng bất cứ mọi giá nhằm thu về những món lợi khổng lồ, đã gây nên sự cố đau lòng này phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và trước nhân dân. Có thể nói đây là tội ác “trời không dung, đất không tha”, cần phải lên án và nghiêm trị.
 
Câu nói "Nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá" là phương ngôn đúc kết qua cả ngàn năm, cảnh báo những hậu quả to lớn nhất của tình trạng phá rừng, phá núi, phá vỡ quy luật dòng chảy của sông ngòi đến nay vẫn nguyên giá trị. Nó cũng như một lời nguyền cho hậu thế từ bao đời nay.
 
Nước mắt những kẻ phá rừng có thể chẳng kịp rưng rưng, nhưng người dân vùng lũ vẫn chưa thôi cạn dòng nước mắt...thì nước mắt lại lã chã tuôn rơi...

Thao Ngoc
 
#lũlụtmiềntrung #nạnphárừng #quanchứcchếđộcsvn