Con thuyền và bánh lái

Luân Lê

Người dân bị thiệt hại vì lũ, cần cứu trợ từ lực lượng chuyên nghiệp và sự hỗ trợ cần thiết từ nhà nước, điều này là hiển nhiên. Nhưng những nhà hảo tâm và những sự trợ giúp từ dân chúng là điều quan trọng không kém chút gì, mà nếu nhà nước yếu kém trong vấn đề phòng chống lũ hoặc khắc phục hậu quả thì khối dân sự mới là nơi phát huy được tác dụng của các hành động cứu trợ.

Và vào lúc này, nhà nước phải đảm bảo các phương tiện cứu hộ túc trực, phục vụ miễn phí và nếu có tình trạng tăng giá từ người dân kinh doanh thuyền, cano vận chuyển cứu trợ thì nhà nước trợ giá hoặc yêu cầu một mức giá trần cần thiết để người kinh doanh vừa có thu nhập (vì rủi ro và hoạt động kinh tế cần được duy trì) mà người cần vận chuyển vẫn tiếp cận được với giá cả hợp lý và người cần cứu trợ vẫn có cơ hội được cứu trợ.

Trong bối cảnh bị thiệt hại nặng nề, xin thưa, cái ăn cái mặc chỉ là tạm thời và chiếm tỷ lệ cho cái cần cứu trợ chưa đến khoảng 10-20% lượng công việc phải thực hiện. Quan trọng nhất là công cuộc tái thiết sau lũ - người dân tiêu tan nhà cửa, tài sản, sinh kế làm ăn, những đứa trẻ phải đến trường. Đây mới là vấn đề lớn nhất gây tâm lý hoảng loạn, bất an và cũng là hậu quả lớn nhất mà người dân phải gánh chịu.

Tôi đã nghĩ tới một cách thức khác, đó là trồng cụm rừng (quy mô rất nhỏ theo cụm) tản lũ theo hình cánh cung đan xen nhau. Nó cũng là nơi không chỉ ngăn, giãn dòng lũ mà còn giúp người dân có thể có những bấu víu nhất định vào đó nếu cần. Đương nhiên nhà chống lũ cũng là một cách thức giúp dân hữu hiệu khi có lũ. Nhưng cần phải tận dụng những chiếc “thùng” nhựa làm bệ đỡ cho căn nhà nổi lên làm nguồn chứa nước ngọt để có thể sinh hoạt khi nước đã ngập cao (hiện tại chưa thấy sự tận dụng này ở nhà chống lũ). Nước ngọt là quan trọng. Và cũng cần có hộp chứa kỹ thuật đựng những vật dụng thiết yếu khác mà không bị nước vào. Cần những phương tiện di chuyển đường thuỷ để có thể di chuyển trong tình thế cấp bách và các vật dụng cần thiết báo hiệu cứu trợ...

Những người dân, hàng triệu người, sau lũ sẽ phải đối mặt với các khoản nợ, tài sản mất trắng, không còn gì để làm ăn, lúc này các chính sách về kinh tế mới thực sự là quan trọng hàng đầu. Hàng triệu người không thể ổn định ngay được cuộc sống trong một thời gian vài tháng đầu khi nước rút cạn. Vì vậy, vài trăm tỷ của chính quyền trung ương hay địa phương sẽ không thấm tháp gì. Đây là lúc điều hành/điều chỉnh chính sách vĩ mô để giúp người dân có khả năng khôi phục được kinh tế - nó chính là xương sống của việc tái thiết.

Việc tái thiết sau lũ mới là quan trọng hàng đầu. Và đó chính là công việc phần lớn của chính quyền. Một trong những yêu cầu là phải đặt ra các chính sách để phòng được lũ - giải quyết vấn đề thuỷ điện xây dựng tràn lan, chặt phá rừng, khoét núi vô tội vạ, và như đề xuất ở trên là trồng cụm rừng hình cánh cung đan xen trong khu dân cư để chặn và giãn lũ, dự phòng các phương tiện cứu trợ khẩn cấp, đào tạo các lực lượng cứu hộ chuyên biệt và chuyên nghiệp...

Nếu quản lý và điều hành vĩ mô yếu kém thì hậu quả của những trận lũ như hiện tại là không thể tránh khỏi và ngày càng khốc liệt hơn. Đó là lỗi và trách nhiệm của chính quyền trước nhân dân. Và đến nay, đã hơn một trăm người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản là không thể đo đếm được. Năm nào cũng có lũ mà năm nào lũ cũng gây hậu quả ngoài sức tưởng tượng thì phần nhiều là do lỗi quản lý mà ra.