Sự kỳ diệu của nhạc phẩm Silent Night bất hủ

Tương truyền vào năm 1816, cây đàn Organ của một nhà thờ nhỏ hẻo lánh bên nước Áo bị hỏng hóc gần sát đêm lễ vọng Giáng Sinh. Vị linh mục quản xứ lúng túng chữa cháy bằng cách yêu cầu một thầy giáo dạy nhạc phổ nhạc cấp tốc bài thơ Silent Night mà ông đã viết cách đó hai năm, để hát với cây đàn Guitar. Bản nhạc ra đời sát ngày lễ không kịp tập dợt, song khi cất lên với cây đàn guitar làm cả nhà thờ yên lặng lắng nghe một cách ngạc nhiên, say mê đúng với cái tựa Silent Night của nó.
 
Sức cuốn hút mãnh liệt của Silent Night nhanh chóng lan khắp khu vực phụ cận, khắp nước Áo và... Khắp cả thế giới, là nhạc phẩm Giáng Sinh được yêu thích nhất trong mọi thời đại. Ngày nay Silent Night được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, là nhạc phẩm luôn đứng đầu danh sách các nhạc phẩm Giáng Sinh ưa thích nhất, song đó chưa phải là tất cả sự kỳ diệu của Silent Night.
 
Bởi Silent Night còn là nhạc phẩm Giáng Sinh yêu thích nhất của các chiến binh, vì đúng một thế kỷ sau khi ra đời, trong cuộc đại chiến thế giới thứ nhất 1914-1918, các binh sĩ xuyên bờ Đại Tây Dương rất thích nghe và rất thích hát Silent Night.
Kể rằng vào ngày lễ Giáng Sinh, binh sĩ một trong hai bên chiến tuyến hát vang bài Silent Night từ trong chiến hào, hát khí thế, hát say mê...
 
Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với Trời, se chữ đồng...
 
Bỗng binh sĩ bên chiến tuyến đối địch cũng hát Silent Night hòa theo, hát tưng bừng, hát khí thế, và... Những người lính hai bên chiến tuyến đối địch rời bỏ chiến hào đến với nhau, cùng hát bài Silent Night, cùng tạm ngưng chiến để san sẻ mừng lễ Noel với nhau, hết ngày lễ hai bên trở về chiến hào của mình tiếp tục cuộc chiến.
 
Trong Thế Chiến II, Liên Xô tập hợp các tù binh Đức chào cờ như lệ thường. Nhưng cuộc chào cờ thông thường hôm ấy trùng ngày lễ Giáng Sinh. Thay vì thụ động chào cờ Liên Xô như lâu nay, Các tù binh Đức bỗng hát say mê, hát khí thế, hát nghiêm trang khác thường, hát không ai có thể cản được làm các sĩ quan Hồng Quân quản tù ngạc nhiên, sững sờ, hỏi các phiên dịch bọn Đức hát gì mà say mê khác lạ. Các phiên dịch bối rối trả lời lụi, rằng chúng (tù binh Đức) hát bài quốc tế ca. Sự thật thì các tù binh Đức đang hát say mê bản Silent Night mừng ngày lễ Giáng Sinh.
 
Chỉ tiếc cho nhân dân Romania không có duyên với Silent Night. Bởi vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1989, nhân dân và quân đội Romania vùng lên giật sập chế độ vô thần hà khắc của lãnh tụ Nicola Ceausescu, vợ chồng Ceausescu bị xử tử sau đó.
Chính quyền mới của Romania không tìm đâu ra đĩa nhạc Silent Night để phát trên sóng phát thanh cho toàn dân Romania mừng lễ Giáng Sinh sau 44 năm bị nhà cầm quyền Ceausescu nghiêm cấm. Lục tung cả kho lưu trữ văn hóa phẩm "đồi trụy" của chế độ cũ vẫn không tìm thấy Silent Night. May mắn tìm được đĩa nhạc Ringo Bell trong đống rác ấy, chính quyền mới cho phát sóng ngay lập tức, vì hôm đó là ngày lễ Giáng Sinh. Toàn thể nhân dân Romania hân hoan reo mừng, vì lần đầu tiên sau hơn 40 năm nghe được nhạc phẩm Ringo Bell từ Đài Phát thanh quốc gia. Chỉ tiếc là đĩa nhạc bị vứt như đống rác gần nửa thế kỷ nên chất lượng âm thanh bị biến dạng, nghe như cuốn băng nhão, song đối với người dân Romania lúc ấy thì bản nhạc Ringo Bell nhão nhòe nhão nhoẹt ấy lại là bản nhạc hay nhất, đầy sức sống nhất đối với họ.
 
Ngày nay, khó có thể tưởng tượng được cái ngày Silent Night bị giảm hoặc không còn được nghe, được hát trong dịp lễ Giáng Sinh. Bởi dường như Silent Night đã trở thành gia vị không thể thiếu trong lễ Giáng Sinh./.