Quyền lực trên họng súng

bà Aung San Suu Kyi

Luân Lê 

 
Việc dễ nhất có thể làm là đẩy trách nhiệm một vấn đề nào đó cho những người mà họ thấy có liên quan tới hoặc có thể tác động được về mặt chính trị và dư luận. Ngay cả ông Diệm cũng bị ám sát và bị lật đổ bởi quân đội với lý do đàn áp Phật giáo, bởi chính ông với cương vị Tổng thống mới hiểu miền Nam đang ở trong tình thế nào với tinh thần dân tộc quốc gia lớn lao hơn cả các chi phối chính trị từ bên ngoài.
 
Tại sao quốc tế không lên án và cáo buộc quân đội Myanmar mà lại đẩy bà Aung San vào một vị thế bị suy yếu và làm cho sự khủng hoảng lún sâu hơn bởi tự nó đã trao cho quân đội nước này sức mạnh đáng kể hơn để đảo chính? Họ đã chọn nhầm đối tượng để tấn công, hoặc họ muốn gây sức ép để bà Aung phải làm gì đó theo mong muốn của họ, trong khi ngoài cấm vận ra thì họ không có biện pháp gì đối với hành động tàn sát người Rohingya suốt nhiều năm từ trước đó.
Bà Aung cũng không có thực quyền, một chính quyền quân sự vẫn nắm hầu hết sức mạnh vũ trang và kinh tế lẫn các tiềm lực khác. Bà Aung chỉ đóng vai một cố vấn quốc gia, nhưng bà lại phải ra trước Toà án quốc tế để trả lời cho trách nhiệm lớn nhất các vấn đề mà do kẻ khác đã thực hiện. Đó đã là một điều bất bình thường của sự kiện chính trị này.
 
Cũng như chính phủ Trần Trọng Kim, không có quân đội, cũng muốn độc lập từ chối sự hậu thuẫn (bảo hộ) của Nhật, bị Việt Minh biểu tình rồi cướp chính quyền vào tay mình để thiết lập chế độ cộng sản chủ nghĩa của họ cho tới ngày nay. Nhưng những cải cách giáo dục và luật pháp dưới thời chính phủ của ông Kim có những điều mà ngày nay vẫn còn phải học hỏi về tinh thần tiến bộ của nó, dù trong tình cảnh thiếu thốn mọi thứ và chiến tranh vẫn đang xảy ra giữa thế cuộc rối ren và nó chưa được triển khai trên thực tế vì không có cơ hội.
 
Nền dân chủ ấy đang bị dồn vào đường cùng bởi cả hai phía đều thấy bà Aung không bị điều khiển theo ý muốn chính trị của họ. Sự khủng hoảng sắc dân Hồi giáo thiểu số Rohingya chỉ là một vấn đề sớm hay muộn mà các bên sẽ đều đẩy về phía bà Aung, người không có thực quyền và được xem là biểu tượng. Không có sự lý tưởng nào hơn là đánh vào nhân vật chính trị này vì bà ta có đủ mọi điểm yếu mà kẻ nào cũng có thể tấn công.