Về việc Trung Quốc đặt tên lửa gần Việt Nam

Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân|

Ngày 3 tháng Hai, 2021, trang Đại Ký Sự Biển Đông đã đăng bản tin: “Ảnh vệ tinh phân tích cho thấy một căn cứ tên lửa đất đối không (Surface to Air Missile – SAM) đang được hoàn tất cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km, cách một công trình được cho là một sân bay trực thăng quân sự đang được xây dựng khoảng 40 km.” Được biết hai vị trí quân sự này nằm tại huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Một ngày sau trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại Giao, khi được hỏi phản ứng của nhà cầm quyền Hà Nội về nguồn tin này, phát ngôn viên Thu Hằng đã trả lời: “Chúng tôi sẽ xác minh thông tin của phóng viên hỏi.” Lối trả lời theo kiểu con vẹt câu giờ như thế đúng là chuyện tiếu lâm. Bởi vì theo các nguồn tin “tình báo” và hình ảnh vệ tinh mà trang ĐKSBĐ có được, các căn cứ này được xây dựng từ tháng Sáu, 2019, cách đây gần 2 năm. Tức là những chuyện quan trọng như thế này Bộ Ngoại Giao không thể không biết; hơn nữa tổ chức loan đi bản tin đầu tiên này do một nhân vật thuộc Bộ Ngoại Giao đứng đầu.

Thế nhưng phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao lại không biết và nói cần phải xác minh… về một chuyện diễn ra ở sát nách mình. Nhà cầm quyền CSVN rõ ràng có một hệ thống biên phòng và Bộ Quốc Phòng không thể không có hệ thống thu lượm tin tức tình báo để bảo vệ đất nước. Họ không thể nói không biết gì, hoặc nói khác đi, biết nhưng muốn dấu vì sợ sứt mẻ cái gọi là “tình hữu nghị.”

Điều này cũng dễ hiểu, vì đối với đảng CSVN những gì dính líu tới Trung Quốc thì chỉ đạo của đảng phải im lặng hoặc làm ngơ vẫn là vàng. Chính phủ chỉ mở miệng khi người dân hay giới hoạt động có phản ứng mạnh mẽ, dồn chế độ vào thế chẳng đặng đừng, nghĩa là phải lên tiếng cho có mà thôi.

Ngay cả mới đây khi Luật Hải Cảnh của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1 tháng Hai, cho phép tàu Trung Quốc sử dụng vũ khí bảo vệ chủ quyền trên biển thì người phát ngôn Bộ Ngoại Giao cũng chỉ phản ứng chiếu lệ bằng thứ ngôn ngữ vô hồn “đề nghị các nước tuân thủ luật pháp, điều ước quốc tế trong khi ban hành luật biển.” Đó cũng là phản ứng đáng hổ thẹn của chính phủ Việt Nam mà người ta có thể biết trước mỗi khi chủ quyền của đất nước bị Trung Quốc xâm phạm qua những hành động ngang ngược trên Biển Đông.

So với Indonesia, quốc gia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng trước sự đe doạ trắng trợn của Trung Quốc, chỉ huy Cơ quan An Ninh Hàng Hải Indonesia Phó Đô Đốc Kurnia đã cảnh báo trước Quốc Hội Indonesia:  “Trước tình hình Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông và xem xét phản ứng của các nước lớn có lợi ích trong khu vực về luật hải cảnh mới, nguy cơ xung đột có thể xảy ra.”

Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là tại sao Trung Quốc lại đặt hoả tiễn phòng không sát nách Việt Nam? Có 3 điều đáng nói chung quanh sự kiện này:

Thứ nhất, hành động của Trung Quốc bố trí hoả tiễn sát biên giới Việt Nam chỉ cách 20 km không gì ngoài ý nghĩa “răn đe” lãnh đạo đảng CSVN. Trò răn đe là một trong 3 thủ thuật của bá quyền Trung Quốc đối với Việt Nam: dụ dỗ – mua chuộc và răn đe. Trước đây năm 1999, sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ ngoại giao, Giang Trạch Dân đề ra phương châm 16 chữ vàng “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện” để dụ Cộng Sản Việt Nam. Sau hơn 20 năm Trung Quốc đã hoàn toàn lộ mặt là kẻ bá quyền lừa đảo chính trị nên chiêu này đã hết thời. Trong khi đó Hoa Kỳ cũng đã mở rộng cửa thị trường cho Việt Nam giao thương buôn bán. Vậy Trung Quốc ngày nay chỉ còn chiêu sau cùng là công khai răn đe nước láng giềng yếu hơn mình.

Thứ hai, Trung Quốc đi theo con đường cũ từ ngàn năm trước là chuẩn bị chiến tranh. Với luật hải cảnh mới cho phép dùng vũ khí bắn vào người và tàu nước ngoài, mà nhiều phần là của Việt Nam và Philippines, thì thế nào cũng có đụng độ trên Biển Đông. Nếu xung đột bùng nổ dù lớn hay nhỏ cũng tạo ra tình trạng chiến tranh trên Biển Đông. Lúc ấy lực lượng trên biển của Trung Quốc có thể bị hạm đội Mỹ khống chế, viện dẫn luật bảo vệ đồng minh Philippines. Trung Quốc sẽ dùng những dàn hoả tiễn ở Quảng Tây để hăm he, kềm chế nếu Việt Nam dựa vào Mỹ để phản công lại.

Thứ ba, trong thế đối đầu với Mỹ hiện nay Trung Quốc đánh giá tình hình sẽ rất nghiêm trọng dưới thời Tổng Thống Biden. Hai vùng biển Hoa Nam và Biển Đông thế nào cũng xảy ra đụng độ giữa các hải đội tàu chiến của Hoa Kỳ và Trung Quốc để tranh giành ảnh hưởng. Đó là xu thế tất yếu, vì chiến tranh không có định lý như toán học, nhưng an ninh thế giới đôi khi phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế vượt mức và sự tìm kiếm thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. Trên bản đồ Biển Đông, Việt Nam là một mắc xích dính liền trong chiến lược bao vây Trung Quốc từ vùng Đông Bắc Á xuống phía Nam. Do đó, răn đe Việt Nam bằng vũ lực là biệp pháp hữu hiệu nhất khiến Hà Nội không dám ngả theo Mỹ gây bất lợi cho Trung Quốc.

Nói tóm lại giàn hoả tiễn SAM của Trung Quốc đặt cách Việt Nam 20 km mà Bộ Ngoại Giao Hà Nội hoàn toàn không biết và tránh né bằng cách trả lời là “sẽ kiểm chứng” khi bị hỏi, cho thấy là có sự che giấu giữa bộ máy tình báo và ngoại giao về những liên hệ phức tạp với phương Bắc trong hàng ngũ lãnh đạo CSVN.

Phạm Nhật Bình