Cả đảng lên đồng về “chuyển đổi số”

Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân|

Một trong những “định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030” trong văn kiện của đại hội XIII vừa chấm dứt cuối tháng Gie6ng, 2021, đảng CSVN nhấn mạnh: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ…” Đó là một đề tài hấp dẫn của các lãnh đạo đảng CSVN trong giai đoạn được chính họ mô tả là đã đạt được những thành tích rực rỡ nhất trong thời gian dịch bệnh diễn ra.

Vì thế chưa bao giờ có cảnh vui nhộn đến thế khi đảng và nhà nước, cùng với báo chí lề đảng suốt ngày ra rả về “chuyển đổi số.” Nói nôm na cho dễ hiểu, chuyển đổi số là điện toán hóa (trong tiếng Anh là digital) mọi lãnh vực trong đời sống xã hội bao gồm từ kinh tế đến chính trị. Đó là mục tiêu mà lãnh đạo đảng CSVN đưa ra để đất nước tiến lên nền công nghiệp 4.0.

Người ta còn nhớ hơn 20 năm trước đây, dưới thời Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, đảng CSVN đưa ra chiến lược công nghiệp hoá – được coi như 3.0, mà mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phải trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng cuối cùng mục tiêu ấy đã nửa đường đứt gánh, vì chạm phải bức tường lạc hậu của nền kinh tế vừa ngoi lên từ thời kỳ bao cấp với kỹ thuật sản xuất thô sơ, nhân lực nghèo nàn, năng suất thấp, trình độ quản lý yếu kém.

Năm 2020 dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư, đảng CSVN đưa ra chiến lược công nghệ cao 4.0 và tính toán đến năm 2045, Việt Nam nhất định trở thành nước công nghiệp tiên tiến và người dân sống với thu nhập trung bình cao. Và lúc đó Việt Nam sẽ là quốc gia phát triển trong Top 20 của thế giới, nghĩa là có thể sánh vai với các nước tiên tiến nhất. Quả thực đây là một giấc mơ rất lớn, thể hiện “khát vọng hùng cường” của các nhà lãnh đạo cộng sản. Nhưng đó mới chỉ là ý chí và là một khẩu hiệu tuyên truyền kêu rất to: “Chuyển đổi số sẽ hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước của nhiều thế hệ!”

Để tiến lên nền công nghệ cao 4.0 hay đạt được giấc mơ chuyển đổi số trên nền tảng khoa học và công nghiệp tiên tiến, mọi quốc gia đều phải đáp ứng 3 nhu cầu cách mạng mang tính sinh tử, thiếu 1 trong 3 nhu cầu này, tiến lên công nghiệp 4.0 chỉ là giấc mơ hão huyền. Đó là:

Thứ nhất, phải cải tổ hệ thống giáo dục theo hướng thực dụng và hiệu quả, chú trọng vào nghiên cứu và sáng tạo. Tính từ năm 1975 là năm đảng CSVN cầm quyền trên cả nước, mặc dù được thừa hưởng một triết lý giáo dục tương đối hiệu quả ở Miền Nam, đảng CSVN vẫn duy trì và phát triển giáo dục trên nền tảng chủ thuyết Mác-xít, lấy sự kềm kẹp tư tưởng làm chính. Do đó trải qua nhiều thập niên, nền giáo dục quốc gia trở nên xơ cứng với căn bệnh thành tích khó chữa. Thiếu tính sáng tạo, trí thức được đào tạo chỉ cam phận làm thuê kiếm sống, không vượt qua nổi những gì từ sách vở nhà trường.

Thứ hai, phải tổ chức xã hội theo hình thức mở, theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh sáng tạo. Đồng thời phải có sự tác động và khuyến khích sự tham gia đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân qua sự hình thành của xã hội dân sự. Tại Việt Nam, đảng CSVN chủ trương một xã hội khép kín trong mục đích duy trì thể chế độc tài lâu dài nên chỉ nhìn thấy mọi hoạt động xã hội dân sự là môi trường thù địch. Một xã hội nằm trong vòng kềm tỏa của bắt bớ, tù đày dứt khoát không tạo được một động lực nào cho sự tiến bộ.

Thứ ba, phải có một hệ thống luật pháp công bằng, nghiêm minh nhằm tôn trọng sự cạnh tranh công bằng, đồng thời bảo vệ các giá trị đóng góp của mọi thành phần dân tộc vào sự thăng tiến chung. Nhìn vào nền luật pháp xã hội chủ nghĩa hiện nay, đảng CSVN đặt sự bất công lên sự công bằng, vinh danh luật pháp mờ ám hơn luật pháp nghiêm minh, cưỡng ép nhiều hơn thuyết phục. Những điều đó dẫn tới sự bất an trong xã hội và sự rối loạn của thứ luật pháp nắm độc quyền công lý trong tay, đất nước tụt hậu là tất yếu.

Ba nhu cầu cách mạng nói trên được coi là sinh tử vì đó là những yếu tố thiết yếu nhất để giúp nâng cao tiềm lực tham gia và đóng góp của công dân. Chỉ có trong một xã hội được tổ chức thông thoáng từ nhân dân tới chính quyền và ngược lại, người dân mới coi sự đóng góp là nghĩa vụ thiêng liêng xây dựng quốc gia giàu mạnh. Khi xã hội không còn có sự kềm kẹp, cưỡng bách phải đi theo nhu cầu chính trị của kẻ cầm quyền, đó là động lực để đất nước tiến lên.

Xã hội chủ nghĩa mà đảng CSVN có tham vọng muốn dẫn dắt dân tộc tiến lên, là một hình thức xã hội được vẽ vời trong trí tưởng tượng của các nhà lập thuyết cộng sản, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sản xuất của thế kỷ 19. Do đó trong thế kỷ 21, nó đã trở thành một sản phẩm lạc hậu chỉ còn giá trị nghiên cứu trong thư viện.

Đảng CSVN đưa ra mục tiêu chuyển đổi số là phải thành lập cho được 100 ngàn công ty công nghệ cao vào năm 2025, trong khi hiện nay đã đạt con số 40 ngàn công ty loại này. Nhưng câu hỏi đặt ra là cho dù có đạt được chỉ tiêu 100 ngàn hay 150 ngàn công ty đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ là những doanh nghiệp công nghệ thứ cấp, máy móc lạc hậu mang tính chất kinh tế thương mại mà thôi. Trong thực tế, khi nền kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi tình trạng gia công để kiếm ăn thì có thêm 100 doanh nghiệp nữa, lấy đâu làm nội lực phát triển công nghệ cao hay chỉ dựa vào các công ty vốn nước ngoài (FDI) để nuôi sống ảo tưởng phát triển.

Cái mà người dân Việt Nam cần hiện nay là tư duy tự do: Tự do học hỏi khoa học kỹ thuật tân tiến của thế giới, tự do sáng tạo để làm chủ được khoa học và tự do sống trong một xã hội công bằng, không còn bị o ép bởi chủ thuyết lạc hậu Mác-Lê.

Vì thế, trước khi nói tới nhu cầu phát triển công nghiệp để bắt kịp thế giới, tư duy của người Việt Nam cần phải được khai phóng để không còn bị bất cứ ràng buộc và kềm chế nào của chế độ. Và điều kế tiếp là người dân phải có quyền tư hữu –  nhất là tư hữu căn bản về đất đai và công cụ sản xuất để có thể làm chủ chính mình. Trong trường hợp đó, sự đóng góp vào công nghệ cao hay chuyển đổi số mới có cơ hội thành chóng như mong muốn.

Bài học của lãnh đạo Hàn Quốc nhiều thập niên trước đây vẫn còn giá trị cho các nước nhỏ mơ ước xây dựng một nền công nghiệp trong tầm tay. Người Hàn đã tận tuỵ học hỏi và vận dụng khoa học kỹ thuật Nhật Bản, Hoa Kỳ và Tây phương nói chung để phát triển công nghiệp trong nước, xây dựng nội lực làm nền tảng, trước khi sử dụng doanh nghiệp FDI làm đòn bẩy đưa đất nước tiến xa hơn.

Nếu không học được những bài học thực tế đó, sự kêu gào chuyển đổi số nếu có thực hiện cũng chỉ tạo đươc những cái bánh vẽ nhằm mục đích tuyên truyền mà thôi.

Phạm Nhật Bình