Nền giáo dục Việt Nam sẽ được khai phóng?

Vào ngày 12 tháng Sáu vừa qua, hệ thống giáo dục Việt Nam lại được đưa ra bàn thảo để tìm hướng đi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, mức độ cạnh trạnh kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới càng ngày càng quyết liệt hơn.

Đáng chú ý với lời phát biểu của ông Trần Hồng Quân – Chủ Tịch Hiệp Hội các Trường Đại Học, Cao Đẳng Việt Nam rằng “Nguồn lực con người, trí tuệ của người Việt Nam lẽ ra phải là điểm mạnh và lợi thế nhất trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa khai thác hiệu quả nguồn lực này để phát triển đất nước.”

Ông Quân nói đúng. Việt Nam hiện có dân số vàng tức là trẻ và ở tuổi lao động với tỷ lệ rất cao. Người trẻ Việt Nam ham học, bên cạnh đó chúng ta có một cộng đồng đa năng với tầng lớp trẻ rất giỏi ở hải ngoại. Lợi thế này không có quốc gia nào ở Đông Nam Á sánh bằng. Nhưng vấn đề là tại sao lợi thế này không khai thác để đưa Việt Nam vực dậy.

Ông Quân chỉ ra giải pháp “Muốn khai thác và phát huy tốt nguồn nhân lực đó, chúng ta phải có một nền giáo dục mở hiện đại, có một hệ thống mạng lưới được sắp xếp khoa học, phát huy truyền thống và trí tuệ Việt Nam, với tư duy đổi mới không ngừng.”

Hội thảo nhắc đến Nghị Quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục phải tự chủ và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nó chỉ là nghị quyết nghe rất hay mà trong suốt 5 năm vừa rồi vẫn chưa thực hiện được.

Do đâu và bởi ai mà nền giáo dục Việt Nam vẫn loay quanh như gà què ăn quẩn cối xay? Vì trong thực tế Đảng Cộng Sản không dám để cho giáo dục được phép tự chủ mà phải thực hiện cơ chế xin-cho theo ý của họ. Việc nhập vào dòng chảy giáo dục quốc tế sẽ đưa lại nhiều ảnh hưởng to lớn, vô hình chung sự ảnh hưởng của quốc tế có thể làm sói mòn quyền cai trị độc tài của cộng sản.

Thật vậy, những tác hại vô cùng nghiêm trọng đối với các thế hệ sinh viên học sinh Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua là họ bị ngăn cản trí tuệ, ham học hỏi và sự sáng tạo chỉ bởi vì thói tư duy xơ cứng của lãnh đạo cộng sản lấy chủ nghĩa Mác Lê, “tư tưởng Hồ Chí Minh” làm kim chỉ nam.

Đáng lẽ ra Việt Nam cần phải dẹp bỏ nó từ lâu, nhưng khốn thay, đến nay thì nó vẫn chình ình trên ghế nhà trường. Như vậy thì giáo dục có tự chủ được không? Nguồn lực con người, trí tuệ của người Việt Nam có khai phóng được không?

Mặt khác, lãnh đạo Đảng Cộng Sản rất lo lắng cái họ gọi là “diễn biến hòa bình” nếu để cho nền giáo dục hoạt động mở và tự chủ. Vì khi đó, mọi giáo điều, triết lý hay tư tưởng lỗi thời thuộc ý thức hệ cộng sản sẽ bị loại trừ. Khi nền giáo dục có được tự do ra biển lớn thì những cặn bã, rác rưởi hoặc sẽ bị nhấn chìm xuống đáy đại dương hoặc sẽ bị trôi dạt vào bờ.

Một nền giáo dục tự chủ, khai phóng, nhân văn đồng nghĩa với mặt bằng dân trí càng ngày càng được nâng lên, sự hiểu biết của người dân về mọi mặt trong đời sống xã hội càng sâu rộng, nhận thức về quyền chính trị ngày một minh nhiên hơn. Như vậy thì sự phản kháng của người dân sẽ bung lên mạnh mẽ trước bất công, trước sự kém cỏi, bạc nhược và tàn ác của nhà cầm quyền. Từ đó dẫn đến nguy cơ diệt vong của Dảng Cộng Sản là điều không tránh khỏi.

Do đó mọi phát biểu liên quan đến cải cách giáo dục, hội nhập sâu rộng đều chỉ là sáo ngữ vì đảng không thực sự tin tưởng vào việc khai dân trí. Điều đó giống như là đảng tự sát vậy. Khi người dân không còn sợ đảng và giỏi hơn đảng thì chính là tự cởi trói cho chính mình và sợi dây đó sẽ trói đảng. Đó là điều đang đặt Đảng Cộng Sản Việt Nam rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không có sự đổi thay toàn diện, triệt để thì giáo dục Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu. Một nền giáo dục đi lạc đường hàng mấy chục năm qua lẽ nào vẫn chưa tỉnh ngộ. Theo Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng nhận định “Tôi phải đi đến kết luận ngay ngày hôm nay là thay đổi quá chậm, nền giáo dục của Việt Nam vẫn còn ngụp lặn trong cái tụt hậu.”

Để kết thúc bài viết này, tôi đồng tình với suy nghĩ của Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng đã chia sẻ như sau: “Cái tư duy giáo dục của ta, triết lý giáo dục của ta sai lạc. Ta không coi chuyện giáo dục là tạo những thực thể, những con người tự do. Tự do thì mới có sáng tạo, mà sáng tạo thì mới làm khoa học kỹ thuật, làm công nghiệp, ngay cả làm quản trị kinh doanh, phải có những con người có đầu óc độc lập. Cách đào tạo của mình đi lạc đường, mình tạo ra những con vẹt, những lò xo, tạo những con người làm việc máy móc thì không thể thích ứng cho nền kinh tế phát triển.”

Paulus Lê Sơn