2014

Putin và bài học cho Việt Nam

Không có nước Nga, chỉ có người Nga Chúng ta không bình luận đến vấn đề đúng sai. Điều đó thuộc vào góc nhìn của từng người. Nhưng thông điệp đá tảng mà Putin gửi đến cho tất cả rất rõ ràng, không dấu giếm, và không hai nghĩa: Biên giới nước Nga mở rộng đến nơi nào có người Nga sinh sống. Lời nói và hành động của Putin đã làm cho NATO phải thay đổi. Chẳng thế mà NATO đã phải vội vã nhóm họp để có những biện pháp thích nghi cần thiết. Riêng tổng thống Obama còn phải vội vã bay đến Estonia để trấn an các đồng minh Estonia, Latvia và Lituanie, là các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây có nhiều người Nga sinh sống. Bài học cho Việt Nam Yêu hay ghét Putin, bênh vực hay phê phán Putin, đó không phải là chủ đề và đó không phải là quan trọng. Điều quan trọng là từ thông điệp và hành động của Putin, nhất thiết phải rút ra những bài học cho Việt Nam. Có thể cô đọng ở mấy điểm chính sau đây. 1. Dân tộc là tối thượng Putin nói rằng: “Không có nước Nga, chỉ có người Nga”. Còn Obama thì tuyên bố: “ Chúng ta là khác biệt”. Phát biểu của hai người đứng đầu hai cường quốc thế giới đương thời đã nói lên tất cả. Nhưng Mao Trạch Đông còn vượt xa cả Putin lẫn Obama về dân tộc chủ nghĩa. Từ tháng 10 – 1959 tại hội nghị Quân ủy Trung ương, Mao Trạch Đông đã nói: “Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta”. Nước Mỹ chỉ mới hơn hai trăm năm. Nước Nga chưa đủ mười thế kỷ. Còn dân tộc chủ nghĩa của đế chế Trung Hoa thì đã tồn tại chí ít cũng hơn bốn ngàn năm. Không có tình đồng chí đồng giai cấp đồng minh nào bằng tình máu mủ. Tình máu mủ đồng bào là sản phẩm của tạo hóa. Bởi vậy dân tộc là tối thượng. 2. Không để tồn tại các phố xá người Hoa Nước Nga chỉ có một Crưm, một Donbas. Vì người Nga sống ở Crưm mà Putin đã lấy gọn Crưm về Nga. Vì người Nga sống ở Donbas mà Putin đã tách Donbas thành nước Nga mới. Chúng ta không đề cập đến lý do, không bàn đến đúng sai. Chúng ta chỉ nói đến sự kiện thực tế tồn tại. Nhưng China Town thì hằng hà sa số. “Nạn Hoa kiều” đã là một trong những cớ để Đặng Tiểu Bình mang 60 vạn quân tiến đánh Việt Nam ngày 17-2-1979. Điều đáng sợ nhất là chính quyền Việt Nam hiện nay đang tạo nên cơ hội thuận lợi chưa bao giờ có cho sự phát triển các phố xá người Hoa tại Việt Nam. Dân tộc Nga và Ucraina có quan hệ cả ngàn năm chung sống, nhưng ở Ucraina người Nga chỉ sinh sống chủ yếu ở phía Đông Ucraina, còn phía Tây là người Ucraina. Còn ở Việt Nam hiện nay, người Hoa đã có mặt từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, khắp cả hang cùng ngõ hẻm. Một “Nạn Hoa kiều” có thể tạo dựng ra bất cứ lúc nào. Lúc đó không như Crưm, không như Donbas ở Ucraina, khắp mọi nơi trên đất Việt Nam đều là Crưm, đều là Donbas. Cũng không cần đến “Nạn Hoa kiều”, khi Trung Quốc dấy binh thì khắp mọi nơi trên đất Việt Nam đều có nội ứng người Hoa. Một số người cầm quyền ở trung ương và địa phương ngây thơ tin rằng, khi hết hạn hợp đồng là đưa được lao động Trung Quốc về nước. Họ không biết rằng người Trung Quốc đã kịp lấy vợ khi vừa đặt chân đến đất Việt Nam. Họ cũng không ngờ rằng nhà cầm quyền Trung Quốc bí mật cho tiền những kẻ bất lương tội phạm ra nước ngoài sinh sống, một kiểu lưu đày trá hình trong thời đại tích hợp toàn cầu. Hãy chặn đứng ngay việc đưa người Hoa sang Việt Nam buôn bán làm việc. Đừng mang họa về cho dân tộc. 3. Các cường quốc sẽ tránh đối đầu Ngày 29-8-2014 trong cuộc gặp mặt với thanh niên ở hồ Seliger Putin nói: “ Nước Nga sẽ không can dự vào các đụng độ lớn… Và ơn Chúa, chắc cũng không có ai có ý định phát động một cuộc xung đột lớn với Nga. Nga là cường quốc hạt nhân hàng đầu. Đây là sự thật”. Việc Mỹ và NATO không ủng hộ mạnh Ucraina trong vấn đề Đông Ucraina cũng chính là tránh đối đầu trực diện với Nga. Và có thể nhận thấy ngay rằng NATO sẽ không mặn mà với việc kết nạp Ucraina là thành viên NATO. Nga sẽ làm mọi biện pháp có thể để ngăn chặn điều này. Và như thế sẽ dẫn đến sự đối đầu trực diện giữa Nga và NATO. Kết quả là Ucraina sẽ hoàn toàn bị chia rẽ. NATO chỉ có thể giúp đỡ Ucraina bằng tiền bạc, vũ khí, phương tiện kỹ thuật, và chuyên gia huấn luyện; nhưng sẽ không có quân đội NATO đến Ucraina để tham chiến chống lại Nga. Thảm họa hạt nhân và sức mạnh của vũ khí hủy diệt là lý do căn bản buộc các cường quốc phải né tránh đối đầu. Các cường quốc cũng sẽ không vì các quốc gia khác mà đi đến đối đầu. Không chỉ không phát động xung đột, ngay cả khi bị ràng buộc bởi một cam kết liên minh quân sự, các cường quốc cũng phải tìm cách không cho leo thang, giảm dần căng thẳng để thoát ra khỏi hoàn cảnh đụng độ. Khi xẩy ra chiến tranh, các nước nhỏ sẽ phải tự chiến đấu bằng chính con người của nước mình. Bởi vậy ngoài liên minh ra, nhất thiết phải xây dựng được một Việt Nam giàu mạnh tự cường. 4. Việt Nam phải đối mặt với đế quốc Đại Hán còn đáng sợ nhiều lần hơn các đế chế khác Sự phản ứng của nước Nga cũng là điều tự nhiên. NATO đã tiến sát đến sườn nước Nga. Không chỉ thế, phương Tây bắt đầu chọc vào da thịt người Nga khi động đến Ucraina, một trong ba bộ tộc Slavo gần gũi nhất: Nga, Bạch Nga và Ucraina. Nước Nga quẫy mạnh vì bị đâm vào sườn. Còn đế chế Đại Hán từ mấy ngàn năm luôn mang gươm đi xâm chiếm nước khác mà không cần bất cứ lý do nào. Số phận đã buộc Việt Nam phải sống cạnh một đế chế ngang ngược đáng sợ nhất trong lịch sự phát triển nhân loại. 5. Hãy hành động cương quyết vì quyền lợi dân tộc Thống kê xã hội cho thấy Putin đang có uy tín cao trong nhân dân Nga. Tại sao vậy? Đơn giản là Putin đang làm sống lại một đế chế Nga. Điều mà nhiều người Nga rất mong mỏi. Nhiều người Hoa cũng sẽ rất phấn khích khi lãnh đạo Trung Quốc tiến hành một chính sách bá quyền. Nếu lãnh đạo Trung Quốc làm cho đế chế Đại Hán bành trướng lớn mạnh, thì họ sẽ được nhiều người Hoa ủng hộ, bất chấp các biện pháp mà giới lãnh đạo Trung Quốc tiến hành. Bởi vậy, bất cứ lúc nào khi liên quan đến dân tộc thì phải suy nghĩ kỹ nhưng lại phải hành động kịp thời và rất cương quyết, không do dự, không nhu nhược, không đớn hèn. Sức mạnh dân tộc sẽ truyền vào người ra quyết định, hợp thành một sức mạnh nối dài vô địch. Putin thì rất cương quyết rất tiến công. Còn lãnh đạo Việt Nam thì ngược lại. Vai trò lãnh tụ rất quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia. Chừng nào Việt Nam chưa có phương thức dân chủ thực sự để chọn ra được những người lãnh đạo xứng đáng thì chừng đó số phận dân tộc còn long đong. Bài học từ Putin dễ thấy nhưng lại khó học. V.T.D. Nguồn: boxitvn.blogspot.de
......

Đặng Tiểu Bình Chỉ Huy Trận Chiến Hoàng Sa 1974

Ký giả Bill Hayton vừa cho xuất bản một quyển sách rất hay liên quan đến Biển Đông: The South China Sea: The Struggle for Power in Asia. Trong Chương 3 đề cập về “Danger and Mischief từ 1946 -1995”, tác giả đã dựa theo tài liệu quân sự của Hoa Kỳ thập niên 70 được giải mật, và một tài liệu được soạn thảo bởi Hải quân Trung cộng vào năm 1987 – trong đó, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai là người - vào năm 1973 - đã đưa ra quyết định đánh chiếm Hoàng Sa, sau cuộc gặp lịch sử giữa Mao và Nixon năm 1972. Người được giao trách nhiệm thực hiện quyết định này là Đặng Tiểu Bình do sự đề bạt của Chu Ân Lai. Đặng Tiểu Bình lúc đó đang bị thất sủng sau cuộc cách mạng văn hóa vào năm 1966, và phải sống lưu đày cùng với vợ tại Giang Tây từ năm 1969 đến 1973. Chu Ân Lai đã cho đưa họ Đặng về Bắc Kinh vào ngày 20/3/1973 để tiến hành quyết định đánh Hoàng Sa của hai thủ lãnh Mao, Chu. Kế hoạch đánh chiếm bắt đầu được chuẩn bị và luyện tập từ tháng 9/1973. Theo tin tức tình báo Hoa Kỳ vào lúc đó, cảng Beihei đã được Trung Cộng cho kiểm soát gắt gao và từ giữa tháng 12/1973, hàng trăm lính Trung Cộng được đưa xuống 6 tàu đánh cá, hàng ngày rời khỏi cảng Beihei và trở lại cảng lúc trời tối, liên tục trong vòng 10 ngày. Kế hoạch đưa người ra chiếm Hoàng sa hoàn tất vào đầu tháng 1 năm 1974. Những nghiên cứu của ký giả Bill Hayton nói trên đã cho chúng ta thấy là việc đánh chiếm Hoàng sa của Trung Cộng là bước khởi đầu, nằm trong chiến lược khống chế biển Đông đã được vạch ra từ những lãnh đạo cao cấp nhất của Bắc Kinh là Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Vì thế mà sau khi đưa hàng trăm lính ra chiếm các đảo của Việt Nam Cộng Hòa, ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại giao Trung Cộng ra tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc và tố cáo Việt Nam Cộng Hòa chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đương nhiên Việt Nam Cộng Hòa đã ra tuyên bố khẳng định Hoàng sa, Trường sa là lãnh thổ của Việt Nam và bác bỏ mọi cáo cuộc phi lý của Trung Cộng. Lo ngại Trung Cộng có thể đưa quân chiếm đóng, Bộ tư lệnh hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã quyết định thiết lập một phi trường trên đảo Hoàng sa có khả năng chuyên chở vận tải cơ hạng nặng C-7 Caribou để chuyển quân nhanh ra các đảo thuộc nhóm Nguyệt Thiềm. Nhưng đã quá trễ. Ngày 16/1/1974 khi phái đoàn Hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra thăm các đảo ở Hoàng sa để nghiên cứu thiết lập phi trường thì đã phát hiện lính Trung Cộng nằm đầy trên các đảo. Trận hải chiến Hoàng Sa bùng nổ và kết thúc vào ngày 19/1/1974. Lý Thái Hùng 8/9/2014
......

Trường Sa của chúng ta sẽ bị uy hiếp

Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dươg 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, nhân dân ta phẫn nộ đấu tranh quyết liệt, báo chí dư luận thế giới phê phán như tát nước vào mặt Trung Quốc, tiếc rằng lãnh đạo Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội kiện Trung Quốc. Rát mặt quá, giới cầm quyền Trung Quốc tạm rút giàn khoan đi nơi khác để tình hình lắng dịu xuống. Nhưng âm mưu của Trung Quốc đối với Biển Đông không thay đổi, họ vẫn dựa vào cái “lưỡi bò” phi lý, phi pháp của họ để tuyên bố chủ quyền biển, đảo của họ trong đó và họ vẫn từng bước lặng lẽ tiếp tục hành động... Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh Trung Quốc là kẻ cướp đất, cướp biển, Việt Nam là nạn nhân, Trung Quốc là kẻ mạnh, đặc phái viên của TBT Nguyễn Phú Trọng đi cầu hòa là ở thế yếu. Thông thường thì trong đàm phán, kẻ mạnh thường áp đặt điều kiện cho kẻ yếu. Ví dụ như trong đàm phán về lập lại quan hệ bình thường ở Thành Đô, do Việt Nam ở thế yếu nên sau khi đoàn về, phía lãnh đạo ta không còn đả động gì đến cuộc xâm lược của Trung Quốc vào các tỉnh biên giới của ta năm 1979, đến cuộc đánh chiếm điểm 1509 trong huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Không truy tặng liệt sĩ cho bộ đội chiến đấu hy sinh năm ấy và 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh năm 1988 ở Gacma. Không ai chăm sóc mồ mả và hương khói cho các liệt sĩ, sau đó là Bộ Trưởng Ngoại giao đầy tài năng Nguyễn Cơ Thạch đã sớm biết rõ dã tâm của Trung Quốc, mất chức. Đối với “đặc phái viên” Lê Hồng Anh, phía Trung Quốc có nêu điều kiện gì không thì không biết. Trong hội đàm với Lưu Vân Sơn, đặc phái viên Lê Hồng Anh cầm giấy đọc, nội dung những gì thì không được biết. Sau đó Lưu Vân Sơn phát biểu, khi hội kiến TBT Tập Cận Bình thì Tập Cận Bình cũng phát biểu. Qua báo chí công khai của cả ở Việt Nam và Trung Quốc, tổng hợp lại phát biểu của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc cơ bản không có gì mới, chủ yếu vẫn là những câu phỉnh phờ, mê hoặc, “ăn người’ lâu nay họ từng nói, nào là: Trung Quốc rất tôn trọng Việt Nam, là hai nước láng giềng không tránh khỏi “va chạm” (!), vấn đề chính là xử lý như thế nào..., mâu thuẫn ở Nam Hải (Biển Đông) song phương đàm phán tìm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được, hợp tác cùng khai thác, cùng là Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng có mục đích xây dựng Chủ nghĩa xã hội, cần thường xuyên giao lưu trao đổi ý kiến, lấy đại cục quan hệ Trung - Việt làm trọng, giữ gìn truyền thống hữu nghị giữa hai nước, kiên trì phương châm 16 chữ và 4 tốt, hai bên quan tâm định hướng dư luận nhân dân hai nước... Thử phân tích xem những nhà lãnh đạo Trung Quốc nói như trên có thật không và có ý gì? -Trung Quốc rất tôn trọng Việt Nam: Có thật vậy không? Vài năm trước báo chí Trung Quốc không ngớt thóa mạ và đe dọa Việt Nam, nào là Việt Nam là lang sói, là quân ăn cháo đá bát, phải dạy cho Việt Nam bài học thứ hai, gần đây trong chuyến đi Việt Nam của Dương Khiết Trì, báo Trung Quốc còn đăng câu: “Hãy đưa đứa con hoang đãng trở về” (ám chỉ Việt Nam). Lần này họ nói với Việt Nam như thế để buộc chặt Việt Nam vào cỗ xe của họ. Đừng gần gũi quá với họ. - Hai nước láng giềng có “va chạm” nhau là điều không tránh khỏi, quan trọng là xử lý thế nào... Trung Quốc lấn, cướp của Việt Nam chứ đâu phải là va chạm, họ muốn ta không đấu tranh, không làm ồn ào, các mâu thuẫn họ gây ra ở Biển Đông, họ muốn ta đàm phán “song phương” để dễ bắt nạt, đồng thời chia rẽ ta với các nước Đông Nam Á. - Hợp tác cùng khai thác: Trước đây Đặng Tiểu Bình đã từng nêu “Chủ quyền về ta” (Trung Quốc), gác tranh chấp cùng khai thác”. Nay họ tạm giấu đi mấy chữ “chủ quyền về ta” để dỗ ta cho khai thác trong phạm vi thuộc chủ quyền của ta. - Gìn giữ truyền thống hữu nghị giữa hai nước: Làm gì có truyền thống hữu nghị mà giữ gìn? Ai cũng biết từ các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến thời Đặng Tiểu Bình đều đem quân xâm chiếm nước ta, giết hại nhân dân ta, Đặng còn cướp Hoàng Sa của ta, lấn thác, lấn đất biên giới, lấn Vịnh Bắc Bộ của ta. Ngay trong hai cuộc kháng chiến, Trung Quốc có giúp ta nhưng cũng có lợi ích của họ đồng thời cũng nhằm thu phục ta vào vòng tay của họ. Khi ta thắng lợi, họ lại phản bội ta. Giữa Trung Quốc và Việt Nam chỉ có xâm lược và chống xâm lược mới là truyền thống. - Hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đều có chung mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm: Từ khi Đặng Tiểu Bình phát biểu: “Mèo trắng mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo tốt” thì thực tế Trung Quốc đã từ bỏ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, rẽ theo con đường khác rồi, nên ba thập niên qua, họ đã tiến những bước khổng lồ. Họ vẫn nêu “xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc nhưng họ đương thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình để trở thành một thứ Đế chế hùng cường. Còn Việt Nam thì đang xây dựng chủ nghĩa xã hội trên mây. Họ cứ nói bừa cùng chung mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội để buộc ta với họ, không ngả về Mỹ. - Kiên trì phương châm “16 chữ, 4 tốt”, định hướng dư luận nhân dân: Từ khi nêu ra chiêu ấy, chỉ có lãnh đạo Việt Nam thực hiện, Trung Quốc có thực hiện đâu? Toàn làm ngược lại, còn yêu cầu Việt Nam tuyên truyền cho thứ “hữu nghị giả dối” ấy, ngăn chặn tuyên truyền và biểu tình chống Trung Quốc. Đoạn trình bày trên đây cho thấy giới cầm quyền Trung Quốc có tài lừa phỉnh, có tài đổi trắng thay đen, đem 60 vạn quân xâm lược nước ta, lại nói là “phản kích tự vệ”, đánh cướp đảo của Việt Nam lại nói là “thu hồi”, đưa hàng trăm tàu có cả tàu chiến, đâm hỏng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, đâm chìm tàu cá của ngư dân ta lại nói là “tàu Việt Nam khiêu khích”. Giới cầm quyền Trung Quốc, chuyên nói một đàng làm một nẻo, mồm nói “hữu nghị”, nhưng đương chuẩn bị căn cứ để “đánh chiếm đảo”, cụ thể là: Gần đây máy bay do thám của nước ngoài cho biết trên bãi đá Gacma không người ở trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đánh chiếm của chúng ta năm 1988, Trung Quốc đương đổ cát đá để xây dựng Gacma và các bãi đá xung quanh thành các đảo nhân tạo nhằm khẳng định chủ quyền của họ đồng thời sẽ xây dựng thành căn cứ chiến đấu có đường cho máy bay cất, hạ cánh. Sự kiện nguy hiểm này lẽ nào lãnh đạo và Bộ Quốc phòng Việt Nam lại không biết. Bộ máy truyền thông không đả động, lãnh đạo vẫn im lặng. Nếu giới cầm quyền nước ta không sớm tố cáo, đấu tranh, lại bưng bít thông tin, không để cho nhân dân đấu tranh... để đến khi căn cứ quân sự của Trung Quốc hoàn thành sẽ trở thành sự uy hiếp nặng nề đối với quần đảo Trường Sa của chúng ta. Không hành động, không chuẩn bị là có tội với Tổ quốc./.   N. T. V.
......

Đừng có trịch thượng “tuyên truyền” kiều bào phải hướng về quê hương

Đọc bài “Để kiều bào không phải ‘tròn mắt’” tôi phải nói là rất ngạc nhiên trước những quan điểm và tầm nhìn của các quan chức cao cấp trong Nhà nước. Họ vẫn nghĩ rằng bà con người Việt ở nước ngoài (sẽ gọi tắt là “Việt kiều”) là thiếu thông tin, và từ đó, giải pháp là tăng cường … tuyên truyền. Trong thực tế, tôi nghĩ ngược lại: Việt kiều ở ngoài không hề thiếu thông tin về VN. Có nhiều lần tôi đi dự các buổi tiếp kiến các quan chức cao cấp (thường là cấp bộ trưởng, phó chủ tịch nước) sang đây công tác (hay du lịch?) mà thấy nản lắm. Buổi tiếp kiến thường diễn ra theo công thức vị đại sứ hay lãnh sự địa phương giới thiệu, rồi sau đó vị quan chức viếng thăm nói chuyện. Họ thường bắt đầu bằng những câu sáo ngữ về vai trò của Việt kiều, rồi đọc vanh vách tình hình kinh tế và xuất khẩu. Đó là những thông tin mang tính hành chính mà thật ra đại đa số khán giả chẳng ai quan tâm. Vả lại, ai cũng biết thông tin về thống kê bên nhà rất khó tin vì nó là sản phẩm của giả tạo và bệnh thành tích. Trong thực tế, Việt kiều biết nhiều tin bên nhà hơn là người ở trong nước, vì ở ngoài này người ta đọc được báo “lề dân” và báo nước ngoài. Vì thế những gì các vị ấy nói rất ư là thừa và làm mất thì giờ của khách đến nghe. Nhiều người chỉ đến nghe một vài lần rồi thôi, vì những vị từ VN sang chỉ có một bài nói!   Họ (các vị viếng thăm) không bao giờ nói về những tin “tiêu cực” như tham nhũng. Họ càng không dám đề cập đến những vấn đề tế nhị như Biển Đông. Đến phiên vấn đáp họ tỏ ra rất quan tâm và nghiêm trọng, chắc vì sợ có những câu hỏi “nhạy cảm”. Tôi nhớ có lần một bạn hỏi về Biển Đông với một thông tin cụ thể, vị cựu phó chủ tịch nước lúng túng và nói “Tôi chưa nắm được thông tin đó”. Và, cái câu đó tôi nghe rất thường xuyên khi họ không muốn trả lời hay không dám trả lời. Các vị quan chức cao cấp bên nhà nên hiểu một điều căn bản: ở các nước tiên tiến người ta không thích “tuyên truyền” – propaganda. Tuyên truyền được xem là một sản phẩm của cộng sản. Có thể nó chẳng có gì ghê gớm lắm, nhưng khi nói đến chữ này mấy người phương Tây đều thấy ghê tởm. Do đó, khi các vị nói “tăng cường tuyên truyền, vận động kiều bào hướng về quê hương, xây dựng đất nước” tôi thấy vừa là một sự thừa thải vừa là xúc phạm. Chúng tôi ở nước ngoài không ai mà không nghĩ đến việc giúp quê hương, đừng có ai trịch thượng “tuyên truyền” chúng tôi phải hướng về quê hương. Quí vị cứ nói về kiều bào một cách thắm thiết nhưng trong thực tế có vài kiều báo lại bị cấm về quê hương! Tôi nghĩ trước hết các vị quan chức cao cấp trước khi ra nước ngoài và nếu có ý định nói chuyện với kiều bào, quí vị nên học cái đã. Học cái “văn hoá” của kiều bào là nên nói chuyện đi thẳng vào vấn đề, nên nói thật chứ không phải sáo ngữ tuyên truyền, nên học cách trả lời câu hỏi một cách thành thật. Các vị phải tìm hiểu xem ngoài này người ta biết gì, và cách tìm hiểu tốt nhất là đọc nhiều báo hay những trang web “lề dân” với một cái tâm thanh thản và bình tĩnh chứ đừng nghĩ người ta phản động.   Nguồn: FB Nguyen Tuan
......

Vì sao phá ngục lại là biểu tượng của cách mạng?

Đáp lại những ý kiến không thuận về án tù giam cho Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh, hệ thống thông tin nhà nước hẳn sẽ cho rằng một vụ án hình sự đã bị các thế lực thù địch chính trị hóa, dù thực tế, các cấp chỉ đạo họ thừa biết mức độ chính trị của vụ việc.   Hình phá ngục Bastille   Tôi đã tự hỏi: đưa Bùi Thị Minh Hằng vào án là một cơ hội ngẫu nhiên hay đã được toan tính từ đầu, mà mồi nhử là sự vụ với Nguyễn Bắc Truyển trước đó? Phải chăng, theo quan niệm “cảnh giác cách mạng”, một Nguyễn Bắc Truyển nay có gia đình vợ sống ở vùng có tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (và cả các họ đạo Cao Đài) là đã quá đủ, hiện diện thêm một Bùi Thị Minh Hằng vừa dấn thân và hiệp nghĩa, vừa xông pha, ứng biến và lợi khẩu…, là sẽ quá thừa những bất ổn tiềm tàng? Bởi, cho dù chính quyền không hề sợ Bùi Thị Minh Hằng (hay bất kỳ người hoặc nhóm người nào) thì họ vẫn sợ cái cảm hứng (nằm xuống để đất nước này) đứng lên mà Bùi Thị Minh Hằng có thể sẽ trực tiếp truyền sang người dân nơi này. Dù việc “xây dựng” án ra sao và mức án như thế nào, thì giới quan tâm thời cuộc cũng đã quá hiểu sự “bình thường” của công lý ở xứ sở này, nhưng hòn đá mà phiên tòa đó quăng thêm vào, trên con đường đi tới đã lởm chởm gạch đá của Việt Nam, là điều khó tránh khỏi trong suy nghĩ. Không thể không lo âu trước việc chặn giữ, bắt bớ, hành hung những người muốn đến phiên tòa “công khai” ấy. Theo dõi thông tin trong ngày xử, cảm giác như có sự ruồng bố khắp Bắc, Trung, Nam với nhiều thứ “nghiệp vụ”, cốt để những người bị xử không nhận được sự hậu thuẫn tinh thần và hỗ trợ chứng lý tốt nhất có thể. Cho dù ai ủng hộ sự cản trở này, chỉ cần một ít lương tri, cũng biết rằng những việc đó xâm phạm quyền tự do đi lại và tự do cư trú. Nhưng điều đáng ngẫm là, sâu hơn thế, sự xâm phạm hiển nhiên này, và mọi thứ chà đạp khác lên quyền con người, từ lâu đã được khoác chiếc áo chính nghĩa, với biện minh rằng vì sự nghiệp cách mạng, có thể dùng đến mọi biện pháp cách mạng. Và theo lẽ ấy, không một “biện pháp nghiệp vụ” nào mà lại không là biện pháp cách mạng. Nó đã trở thành lý lẽ tự nhiên đến mức hồn nhiên, đánh dân cũng vì công việc chung. Những năm gần đây, việc truy đuổi, hành hung, dẫn đến cái chết hoặc gây thương tích cho dân cứ nở rộ lên. Có ai trong chính quyền đã tự hỏi tình trạng đó phần nào là hiện tượng “đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt” khi công an, an ninh và các loại công cụ sống của họ ở các địa phương đã quá quen với việc truy bức, đánh đập những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động khác, mà không bị xem là phi pháp và xử lý theo pháp luật? Với tinh thần chính nghĩa bất chấp tất cả đó, từ những “nghiệp vụ” nhỏ đến sự xâm hại lớn chẳng là bao xa, và cũng chẳng dễ dàng thức tỉnh. Hầu như những kẻ sống bằng quyền lực chuyên chế, đến ngày tàn của chế độ hay khi đứng trước sự phán xét, vẫn tin vào cái chính nghĩa bất chấp của mình. Chẳng hạn, các biện pháp tàn bạo của Khmer Đỏ thực chất cũng chỉ là “cưỡng chế” các quyền con người căn bản: quyền thân thể và sinh mạng, quyền cư trú và đi lại, quyền ngôn luận, quyền hôn nhân…, nhằm tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Thế mà, trong khi cả loài người đều thấy rõ sự sai trái đó, thì bản thân họ lại không. Tại những phiên tòa xử các lãnh tụ Khmer Đỏ, kẻ thì dứt khoát rằng chẳng gây tội gì với nhân dân Campuchea mà là do Việt Nam, kẻ thì nói chỉ do cấp dưới làm. Quay lại phiên tòa Đồng Tháp, sự bất chấp dường như đã ở một nấc mới khi đã triệt tiêu thành công mọi cố gắng đến gần nơi xử. Đó là nối tiếp thành công của việc triệt tiêu lần tổng biểu tình thứ hai chống giàn khoan 981, và hẳn sẽ được nhân rộng “mô hình” cho những sự vụ tương tự lần sau. Cái nguy cơ tiềm tàng của thành công kiểu này là người dân mất hết cơ hội biểu thị thực tế sự phản đối của mình một cách hòa bình. Thay vào đó, khả năng biểu thị phi hòa bình sẽ tăng lên một khi những bất bình xã hội cứ tiếp tục tích tục và dồn nén. Cơ hội chuyển đổi hòa bình thì vẫn luôn có, nhưng phiên tòa này đem lại một nỗi lo, là khả năng đối đầu và hỗn loạn cũng đã tăng lên, tương ứng với sự nâng cấp của ý chí triệt hạ những tiếng nói và hành động tự do.   Cái ý chí đấy lắm khi khiến người ta phải tức cười. Như ở bản án này, không kể việc phải quàng cho được án từ chuyện đi xe hàng ba, tình tiết chỉ đúng một cái đánh vào tay, không chút trầy xướt, mà bị cáo không thừa nhận, cũng bị quy tội hành hung công an, khiến tôi phải phì cười mà nghĩ: lực lượng bạo lực sao ngày càng “mong manh, dễ vỡ” đến thế. Tôi liên tưởng ngay đến đến chuyện vì âu lo người thi hành công vụ bị tổn thương sức khỏe và tinh thần từ hai cái tát (trong đó một cái vào mũ bảo hiểm) nên người ta quyết giam sáu tháng (ban đầu là chín tháng) một nữ sinh có bệnh về thần kinh, bất chấp tương lai học hành của cô bé. Cũng vì sự tổn thương của những nam nhi có quyền hành mà trong vụ khác, một cô gái phải ngồi tù hai năm (ban đầu là ba năm) bởi cắn hai vết. Cùng lúc, tôi cũng nhớ đến vụ một câu nói năm năm tù, đến những vụ án mà với vài con vịt, nhiều người phải ở tù nhiều năm. Tôi cũng sực nhớ đến một vụ đã lâu (thời Việt Nam chỉ có báo giấy, chưa có internet), ở một tỉnh miền Trung, dân nghèo vì trộm cáp của đường dây cao thế mà chịu án tử vì (bị cho là) xâm phạm an ninh quốc gia… Bất giác, tôi “khai sáng” cho mình một điều mà từ lâu đã tự đặt sang một bên, không lý giải. Đó là việc phá ngục Bastille mở đầu cho Đại Cách mạng Pháp 1789. Lần đầu tiên biết chi tiết này hồi trung học, tôi đã thắc mắc: vì sao giải thoát tội phạm lại là biểu tượng của cách mạng? Giờ, từ hiện thực tôi hiểu được lịch sử. Thì ra, trong trong nhà tù chuyên chế, không chỉ có những kẻ “đúng người đúng tội”, mà còn là nơi giam cầm chính những sản phẩm-nạn nhân của một xã hội đã băng hoại mọi giá trị, nơi thi hành những bản án oan ức từ sự lượng tội tắc trách hay lượng hình độc đoán, nơi nối tiếp tận cùng sự bất công đối với những người dân bị tước đoạt điền sản bằng quyền lực, nơi hoàn tất những vụ án ngụy tạo với những ai chỉ muốn thực thi quyền con người vốn có và chống lại sự bạo ngược của cường quyền… 02-05/09/2014 Nguồn: procontra.asia
......

Tranh luận cần thiết và hữu ích

Hy vọng cuộc tranh luận trong Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là hữu ích Thưa các anh. Bước đầu, chúng ta đã có thể thở phào, khi được nghe cả 2 anh Phạm Chí Dũng và Ngô Nhật Đăng phát biểu trên RFA, nói chung là đúng mực và xây dựng. Nhưng bây giờ phải ngồi lại với nhau, thẳng thắn bàn những việc căn bản. Nội quy tuy đã có như trong quá trình hình thành cần kịp thời tu chỉnh. Tôi xin phép được góp mấy ý kiến, mong được cả 2 trang Web và Facebook đều chấp nhận đăng. Kính thư Hsp   Vừa qua, một số bài tranh cãi nảy lửa giữa mấy thành viên chủ chốt trong Hội nhà báo Độc lập (ngay lúc sơ sinh mới tròn 2 tháng tuổi) không khỏi làm cho nhiều người lo lắng trước nguy cơ tan vỡ, nói ví von thì “khiến cho kẻ thù khoái trí người thân đau lòng”. Phạm Chí Dũng - Ngô Nhật Đăng Nhưng cuộc giãi bày tâm tư trong một bài phỏng vấn của chính hai “đối thủ” trẻ đang “so găng” (nói vui thế cho thân mật), nhà báo kiêm chủ bút Phạm Chí Dũng và blogger Ngô Nhật Đăng, đã khiến cho những người trong cuộc tạm thời có thể thở phào, cơn giông bão tạm qua để cùng ngồi lại với nhau bàn lại những chuyện căn bản. Mong sao sự “thở phào” này không trở thành vô duyên. Cuộc tranh cãi trong một hội có tên là “hội nhà báo độc lập” thì tất nhiên xoay quanh quan niệm làm báo và viết báo. Cái đích hướng tới thì quá lớn: phải dân chủ hóa đất nước để hồi sinh một dân tộc đã quá mệt mỏi, chán chường, nhân tâm ly tán, đang lao vào sống gấp hoặc sống cam chịu, để tìm lại sức chiến đấu cho một cuộc vừa chống nội xâm vừa chống ngoại xâm, đáp ứng nhu cầu xây dựng xã hội và bảo vệ đất nước trước họa ngoại xâm đã đến bên thềm! Nhiệm vụ đã khó tày trời lại phải tiến hành trong điều kiện chưa được tự do và hầu như tay trắng! Thật là một bài toán đố hóc búa, trong tình hình như vậy thì giữa những người tiên phong nếu không tranh cãi kịch liệt mới là chuyện lạ. Tôi mừng vì đã có tranh cãi, mà tranh cãi quyết liệt, và hy vọng sẽ được tiến triển theo chiều hữu ích. Thật vậy, có hai luồng suy nghĩ: - nên tìm sức mạnh ở tính có tổ chức, có chỉ đạo nhất quán, có điều lệ bài bản tương đối, có một đầu mối chỉ huy (coi là phương án 1), - hay bước đầu cứ tạm lỏng lẻo, mạnh dạn khơi dậy tính năng động đa dạng rồi từ thực tế sẽ phát hiện, sàng lọc và hun đúc ra cái tối ưu (coi là phương án 2)? Phương án nào có độ an toàn và hiệu quả cao, có độ phiêu lưu (rủi ro) thấp nhất? Thực ra xã hội loài người vốn đã phải đối mặt với hai con đường này quá nhiều rồi. Phương án 1 sẽ là tuyệt vời nếu có một minh quân, một thủ lĩnh tuyệt vời muôn năm, và phương pháp là cho thủ lĩnh đó càng độc quyền càng tốt, càng nhanh đến đích. Nhưng nếu có rủi ro thì rủi ro sẽ cực lớn khó lòng cứu vãn, kiểu được ăn cả ngã về không!. Chủ nghĩa CS đã đi đúng con đường đó và kết quả là đảng CS đã “ăn cả” còn nhân dân thì đã “về không”, vì biết bao người “chân chính” đã đinh ninh là tìm được Minh… quân rồi nên quyết lao theo, không tiếc cả mạng sống! Vẻ bề ngoài thì đó là bản lĩnh, là kiên quyết nhưng thực chất đó là tư duy ngại khó nên muốn liều đi thẳng một phen cho đơn giản. Phương án thứ hai thì “cứ phải có nhiều để chọn lọc”! Tất nhiên đã nhiều thì tốt xấu cùng xuất hiện, xen kẽ nhau, nên phải thi đua, phải cạnh tranh, phải cọ xát. Các thủ lĩnh ham quyền thường không ưa sự thi đua “mất thì giờ” này, nhưng nhân dân thì được lợi. Nêu ra hai đường lối ấy chẳng qua là điển hình hóa rành mạch cho dễ hiểu thôi. Trường hợp cụ thể của Hội nhà báo độc lập chúng ta không phải điển hình như vậy đâu, có mặt thế này, có mặt thế khác, nên phải dung hòa. Để khỏi mất thì giờ, xin cho phép tôi, với tư cách một hội viên, thử nêu mấy giải pháp dung hòa như sau: 1/ Vẫn có tính tổ chức của một hội nghề nghiệp nhưng tạm thời chỉ nên lỏng lẻo. Đừng “bắt” Hội trưởng Phạm Chí Dũng phải chịu trách nhiệm quá nặng nề, cái gì cũng đổ lên đầu Chủ tịch hội thì TS Dũng không chịu nổi đâu. Nói chữ nghĩa thì đó là sự phân quyền, đồng thời phân trách nhiệm, sẽ nói rõ trong những phần sau. 2/ Là Hội nhà báo tất nhiên phải ra báo, nhưng ngoài ra còn những hoạt động khác. Cần có một tờ báo của hội (đang là Việt Nam thời báo), nhưng ông Phạm Chí Dũng không làm trưởng Ban biên tập, để có thì giờ lo công việc chung. Ban Biên tập cũng không nên quá thuần nhất. 3/ Ngoài tờ báo chính thức của Hội, các cá nhân hội viên hoặc các nhóm hội viên cùng ý tưởng có thể ra các Blog hay Facekook khác nhau (nghĩa là có thể nhiều chứ không phải chỉ một Facebook của ông Ngô Nhật Đăng hiện nay). Báo của nhóm nào thì nhóm ấy phải chịu trách nhiệm mọi mặt về tờ báo của mình. Ban Chấp hành Hội chỉ có trách nhiệm liên đới. 4/ Vì có trách nhiệm liên đới nên khi một nhóm nào định ra báo cần thảo luận trước với BCH, trên manchette phải có 2 dòng, một dòng “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” và dòng dưới là tên cụ thể của nhóm, của phân hội ra báo đó. Các báo của nhóm (hay phân hội) được quyền tự biên tập, không cần BCH hội phải duyệt. Nhưng sự tự do ấy cần theo tinh thần hợp tác, nhìn nhau mà làm, khi có vấn đề quan trọng thì cần phối hợp, và điều này không cản trở quyền tự do tư tưởng và tinh thần tự do báo chí của hội viên. 5/ Tổ chức nào, càng sơ khai càng phải coi trọng tính “nội bộ”. Những ý kiến trao đổi cá nhân hoặc trao đổi nội bộ, muốn đăng công khai phải được sự đồng ý của cá nhân đó hoặc tập thể đó. Vi phạm nét văn hóa trao đổi này sẽ phá vỡ sự đoàn kết, phá vỡ sự tin cậy để đàm thoại, và dẫn đến sự phân ly không thể khác. 6/ Vì nhu cầu ra báo nên ngoài sự phân chia thành 3 chi hội Bắc-Trung-Nam có thể thành lập các nhóm hay các phân hội theo sự tương đồng về ý tưởng, về sở trường, sở thích. Các nhóm hãy đặt một tên cho nhóm mình để dễ xưng danh, dễ gọi. Một mặt về phía hội viên cần chia nhỏ để dễ gặp nhau, dễ sinh hoạt, nhưng một mặt không để tình trạng BCH hội bị đơn độc như thời gian vừa qua. Ở Hà nội và nhất là Sài gòn cần bổ sung thêm người vào BCH, đại diện được nhiều thế mạnh khác nhau, để cùng hỗ trợ nhau. Thực tế vừa qua Chủ tịch Hội phải gánh quá nhiều việc trong khi lại đơn độc, thiếu sự hỗ trợ của một tập thể các ủy viên. Mấy ý chắc còn vội vàng, xin mạnh dạn góp vào công việc của Hội, và xin chúc thành công. Đà Lạt 7/9/2014H.S.P
......

Việt Nam: 20 cựu sĩ quan đòi Nhà nước minh bạch quan hệ với Trung Quốc

Ngày 02/09/2014, 20 cựu sĩ quan tướng lãnh quân đội và công an Việt Nam đã gửi một bản Kiến nghị đến các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng chính phủ không huy động quân đội và công an vào « bất cứ việc gì có hại cho Nhân dân », làm rõ các khuất tất trong quan hệ với Trung Quốc, « khôi phục danh dự và quyền lợi đã bị lãng quên của các liệt sĩ và thương binh » trong các xung đột vũ trang với Trung Quốc.   Hội kiến giữa các lãnh đạo Việt Nam (từ phải qua, các ông Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh) và Trung Quốc (từ trái qua, Lý Bằng, Giang Trạch Dân). Cuộc hội kiến trong ảnh được cho là diễn ra tại thành phố Thành Đô, Trung Quốc, năm 1990. (DR)   RFI đặt câu hỏi với cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang (Hà Nội), một trong những người ký tên vào bản kiến nghị này.   Kiến nghị đầu tiên của các thành viên lực lượng vũ trang RFI : Thưa ông, trong Kiến nghị này các cựu sĩ quan Việt Nam muốn chuyển tới chính quyền thông điệp gì ? Ông Nguyễn Đăng Quang : Theo trí nhớ của tôi, đây là Kiến nghị đầu tiên của một số sĩ quan Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân gửi đến lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp đối với hai lực lượng này. Trước đây, nhiều sĩ quan quân đội và công an có tham gia ký vào nhiều Kiến nghị, nhưng những Kiến nghị đó thuộc nhiều thể loại khác nhau. Còn đây là Kiến nghị riêng của các sĩ quan thuộc các lực lượng vũ trang, tức của quân đội và công an, đề cập đến các vấn đề cụ thể. Đây là Kiến nghị đầu tiên của chúng tôi, 20 sĩ quan tham gia ký, không ký chung với các vị ngoài lực lượng vũ trang. RFI : Thưa Đại tá, vì sao lại cần đến một Kiến nghị riêng của các thành viên lực lượng vũ trang như vậy, trong khi những vấn đề được nói đến ở đây, về nguyên tắc, liên quan đến mọi công dân Việt Nam ? Ông Nguyễn Đăng Quang : Ngồi trao đổi với nhau, chúng tôi thấy cần phải có một Kiến nghị đi theo một chuyên đề, theo từng lĩnh vực. Chúng tôi trong lực lượng vũ trang thì có thể nắm vững hơn, hiểu biết sâu sắc hơn, những mục đích, nhiệm vụ chúng tôi được giao phó. Kiến nghị đầu tiên của chúng tôi (trong bản Kiến nghị này) là chúng tôi muốn lực lượng vũ trang nói chung phải làm tròn nhiệm vụ mà Hiến pháp và pháp luật quy định. Quân đội được giao phó nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chống xâm lăng, thì chỉ được sử dụng quân đội vào mục đích đó mà Hiến pháp quy định, chứ không thể sử dụng vào các mục đích ngoài nhiệm vụ đó. Ví dụ như, không được huy động quân đội vào các vụ việc mang tính đối kháng với Nhân dân, chẳng hạn như vấn đề giải tỏa đất đai, hay ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa của người dân. Còn đối với công an, có nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật là bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội… Thì lực lượng công an được huy động vào những việc như thế. Nhưng trong vấn đề này, có những việc như giải tỏa đất đai chẳng hạn, lực lượng công an được sử dụng vào việc này, nhưng phải phân biệt cho thật rạch ròi, tức là công an được phái đến để bảo đảm trật tự cho việc thu hồi đất đai, chứ chiến sĩ công an không phải là người trực tiếp để vào làm những động tác hay hành động thu hồi, giải tỏa. RFI : Trong ý thứ hai của Kiến nghị có nhận xét chính quyền « cố tình phớt lờ » cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979 và một số cuộc chiến khác tại các vùng biển đảo. Thực tế trong ít năm gần đây, có hiện tượng chính quyền một số địa phương quan tâm đến việc thăm hỏi, quà cáp, hay đãi ngộ đối với một số gia đình tử sĩ và cựu chiến binh. Vậy ông nghĩ như thế nào về điều này ?   Ông Nguyễn Đăng Quang : Chúng tôi cũng ghi nhận trong hai, ba năm gần đây, Nhà nước ở trung ương, cũng như chính quyền ở một số địa phương có những việc làm cụ thể để ghi nhận công lao và thành tích của những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, cũng như các thương binh, gia đình liệt sĩ có công trong cuộc chiến tranh này. Chúng tôi ghi nhận điều đó, nhưng chúng tôi thấy điều đó chưa đủ. Cuộc chiến tranh 1979 cho đến bây giờ vẫn chưa được Nhà nước tổng kết như là các cuộc chiến tranh khác. Và Nhà nước chưa có chính sách công khai, đầy đủ với những người đã ngã xuống, gia đình những người có con em hy sinh hoặc bị thương tật trong cuộc chiến tranh này. Cho nên đây là một việc mà Nhà nước cần công khai làm rõ. Nhà nước Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận chiến tranh với Trung Quốc như các cuộc chiến khác Thứ nhất phải tổng kết đầy đủ, thứ hai, đối với học sinh phổ thông phải nói rõ đây là cuộc chiến tranh chống xâm lăng bảo vệ biên giới, bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc. Trước kia, kể từ năm 1979 đến 1989, trong 10 năm sau chiến tranh, Nhà nước tổ chức rất đàng hoàng các cuộc mít tinh kỷ niệm cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc, để Nhân dân được biết. Nhưng từ năm 1990, tức sau Hội nghị Thành Đô, thì cuộc chiến tranh này đã bị lãng quên, thậm chí hoạt động kỷ niệm của người dân bình thường để tưởng nhớ đến cuộc chiến tranh này, thì cũng không được hoan nghênh, hoặc là bị ngăn cản, bị trấn áp, hạn chế. Về mặt chính thức, theo chúng tôi, Nhà nước phải có đối xử với cuộc chiến tranh này giống như hai cuộc chiến chống Pháp, Mỹ trước đây. RFI : Xin Đại tá cho biết ông suy nghĩ như thế nào về những điều tồn nghi, hay còn nằm trong vùng tối của lịch sử liên quan đến cuộc chiến tranh biên giới kéo dài ở phía Bắc, hay xung đột tại quần đảo Trường Sa năm 1988 (các binh sĩ Việt Nam gần như không vũ khí được đưa ra đối mặt với đối phương với vũ trang hùng hậu) ? Ông Nguyễn Đăng Quang : Đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 nổ ra dồn dập hơn 1 tháng. Quân đội Trung Quốc rút đi rồi thì không phải là kết thúc. Có những trận chiến tại điểm cao 1509 (tỉnh Hà Giang trước đây), mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn, thì diễn ra tới cả năm 1984. Những cuộc chiến sau tháng 2/1979, thì nên gặp hỏi Thiếu tướng Lê Duy Mật, lúc đó ông là Tư lệnh phó, kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận Hà Giang, là người trong cuộc hiểu rõ nhất. Trung Quốc đã xâm lược, chiếm lĩnh được một diện tích tương đối lớn, hàng mấy trăm km² đất của Việt Nam. Hiện nay, nhiều sĩ quan quân đội nói với tôi là có hàng ngàn chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh còn nằm trên đất Trung Quốc hiện nay, mà mình chưa đưa về được. Hàng ngàn thi hài bên kia biên giới và những người tay không "bảo vệ" đảo Còn cuộc chiến trên biển đảo tại đảo Gạc Ma năm 1988. Tại đảo chìm này lúc đó có một đại đội công binh thực hiện việc xây dựng, chỉ được trang bị các vũ khí nhẹ. Trước một lực lượng rất hùng hậu của hải quân Trung Quốc, cấp trên ra lệnh không được nổ súng, sợ « mắc mưu địch ». Với hỏa lực như thế, mình không đủ sức chống chọi, gần 100 người hy sinh. Và sau đó, Việt Nam mất đảo Gạc Ma về tay Trung Quốc. Bây giờ Trung Quốc đổ đất đá để đảo này nổi lên để biến nơi này thành một căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa. RFI : Có thể nói là lãnh đạo Việt Nam lúc đó đã không có chiến lược để bảo vệ đảo này ? Ông Nguyễn Đăng Quang : Nói như thế cũng có thể đúng. RFI : Liên quan đến vấn đề Hội nghị Thành Đô, trong khi chờ đợi câu trả lời rõ ràng từ phía các lãnh đạo Việt Nam, xin ông cho biết quan niệm của ông : Liệu có những bằng chứng nào cho thấy một thỏa thuận như vậy là có thật ? Ông Nguyễn Đăng Quang : Hội nghị Thành Đô diễn ra cách đây 24 năm rồi. Nhưng nội dung của thỏa thuận Hội nghị Thành Đô mà hai bên ký kết cho đến nay vẫn nằm trong vòng bí mật, tức là cả hai bên chưa bên nào công khai hóa. Nhưng qua thực tiễn, xã hội có thể thấy rõ, từ năm 1990, sau khi có thỏa thuận Thành Đô, thì Nhà nước, chính quyền không nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nữa. Đấy là điều rõ ràng nhất. Còn cái tin của Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc, và có người nói cả Tân Hoa Xã cũng nói rằng trong Hội nghị Thành Đô này, Việt Nam mong muốn trở thành một khu tự trị của chính quyền trung ương Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Tây Tạng, Nội Mông hay Quảng Tây của Trung Quốc… "Thỏa thuận Thành Đô" : Âm mưu chia rẽ của truyền thông Trung Quốc ? Về chuyện này, cá nhân tôi, tôi không tin là có thật. Tôi không tin là lãnh đạo Việt Nam thời đó đã làm một việc như thế này. Họ bịa ra thông tin này, để phân hóa, chia rẽ nội bộ Việt Nam. Như trong Kiến nghị nói : « Chúng tôi không biết thật giả thế nào, yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ ». Tôi cho rằng đây là một việc làm rất cần thiết, vì qua việc này, mình có thể phủ nhận thông tin mà phía Trung Quốc, cụ thể là tờ Hoàn Cầu thời báo tung lên. Cho nên, tôi hy vọng rằng lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ nên lấy dịp này để chính thức phủ nhận thông tin của Hoàn Cầu thời báo và Tân Hoa Xã. RFI : Trong công luận, về thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô, mọi người thường nghe nói đến Hồi ký của Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, hay quan điểm của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch về « một thời kỳ Bắc thuộc mới », các cựu sĩ quan nghĩ như thế nào về nhận định của các lãnh đạo ngoại giao Việt Nam thời đó, thưa Đại tá ?   Ông Nguyễn Đăng Quang : Câu đánh giá, nhận xét của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch về kết quả hội nghị Thành Đô, tức là câu « Thế là một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu », mà người ta cho rằng đây là câu nói của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, thì thực ra cho đến nay, cá nhân tôi cũng như nhiều người khác thấy rằng chưa thấy có đủ cơ sở để chứng minh. Ngoại trưởng nói với ai, cụ thể như thế nào, chưa có tài liệu nào xác nhận điều này cả. Nhưng nếu Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch có nhận định như thế, thì tôi tin trong Hồi ký của ông, chắc chắn sẽ đề cập đến vấn đề này, khẳng định vấn đề này. Còn Hồi ký của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đến khi nào sẽ công bố, tôi cũng không biết được có công bố hay không, và nếu có thì khi nào. Điều đó thuộc về gia đình quyết định. RFI : Kiến nghị này, thưa ông, đã nhận được phản hồi gì chưa ? Ông Nguyễn Đăng Quang : Kiến nghị này được gửi đi từ ngày 02/09. Bản thân tôi cũng như các vị khác ký Kiến nghị này nhận được rất nhiều điện thoại, thư từ email hoặc tin nhắn, của nhiều người trong công an và quân đội, bạn bè trên toàn quốc, và cả ở nước ngoài, tỏ sự hưởng ứng, ủng hộ, đồng tình với Kiến nghị rất cao. Nhiều người còn đề nghị cho họ tham gia việc ký tên. Nhưng chúng tôi trả lời là Kiến nghị đã được gửi bằng đường chuyển phát nhanh cho Chủ tịch Nước và Thủ tướng chính phủ rồi. Bây giờ chúng tôi không chủ trương lấy chữ ký nữa. Còn việc hưởng ứng đồng tình với Kiến nghị, thì các vị cứ thể hiện trên phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó chúng tôi rất hoan nghênh. Đối với nơi nhận, tức Chủ tịch nước và Thủ tướng, thì chúng tôi chưa nhận được hồi âm. Trong một hai tuần nữa, hy vọng sẽ có hồi âm.   Ảo tưởng chung ý thức hệ Về đất nước, chúng tôi có nhiều trăn trở lắm. Hiện nay, nhiều người có xu hướng (nghĩ rằng) các quốc gia có cùng ý thức hệ với nhau, thì không có khả năng xẩy ra chiến tranh, nhưng thực tế lịch sử có nhiều việc phủ nhận suy nghĩ này. Chiến tranh biên giới Trung – Xô năm 1969 rất lớn. Rồi chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, rồi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Trung Quốc cũng mượn tay Khmer Đỏ gây hấn với Việt Nam, và có ý đồ sử dụng lực lượng này làm suy yếu Việt Nam, gây nên đại diệt chủng. Những ai còn hy vọng là cùng một ý thức hệ, sẽ nhân nhượng nhau, hòa hoãn với nhau không để xảy ra chiến tranh, thì tôi cho đó là ảo tưởng. RFI : Xin chân thành cảm ơn Đại tá Nguyễn Đăng Quang. Ông Nguyễn Đăng Quang (Hà Nội) Bấm vào nghe - http://www.viet.rfi.fr/aef_player_popup/rfi_player# Nguồn: viet.rfi.fr
......

Tâm địa đại Hán - ngàn năm không đổi.

Trong tình hình hiện nay, khi giới lãnh đạo đảng CSVN đang lập lại các tiểu Thành Đô - khẩn khoản cầu hòa sau những hành động xâm lấn của Bắc Kinh vào chủ quyền Việt Nam, thì việc ôn lại những dữ kiện lịch sử như bài khảo cứu sau đây của Gs. Nguyễn Huệ Chi là điều rất cần thiết. Xin trân trọng giới thiệu một lần nữa đến quí độc giả. BBT Thủ đoạn tiêu diệt tận gốc văn hóa Việt Nam của Minh Thành Tổ trong cuộc chiến tranh xâm lược 1406-1407   Nguyên đây là một phần trong thiên khảo luận dài có tên “Cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược Minh và văn học yêu nước thế kỷ XV cùng những bước nối tiếp về sau” viết năm 1980, in trong công trình Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của GS Nguyễn Huệ Chi (NXB Giáo dục, 2013) đã được phê bình, giới thiệu trên nhiều trang mạng và báo chí trong nước thời gian gần đây. Diễn Đàn trân trọng cảm ơn GS Nguyễn Huệ Chi đã cho phép trích đăng bài viết đó để giúp bạn đọc nhìn sâu vào một khía cạnh đặc biệt thâm hiểm của Hoàng đế Minh Thành Tổ – kẻ thiết kế toàn bộ kế hoạch đánh chiếm Việt Nam ở đầu thế kỷ XV: âm mưu đồng hóa người Việt bằng một chủ trương rất bài bản và “cao tay”... là lệnh cho quân lính xóa sạch tại chỗ văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc Việt tại những nơi chúng tràn đến như nước lũ. Hầu hết cứ liệu để cập trong bài được rút từ một cuốn sử Trung Quốc – cuốn Việt kiệu thư 越 嶠 書 của sử thần Lý Văn Phượng 李 文鳳, soạn năm 1540. Bauxite Việt Nam --------------------------   Vào năm cuối cùng của thế kỷ XIV, lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam diễn ra một bước ngoặt: Hồ Quý Ly lật đổ ngai vàng của nhà Trần mà thành lập một triều đại mới – triều đại nhà Hồ. 32 năm trước đó, năm 1368, lịch sử chế độ phong kiến Trung Hoa cũng đã từng diễn ra một bước ngoặt: nền thống trị của đế quốc Nguyên – Mông bị phong trào nông dân Trung Quốc đánh đổ; Chu Nguyên Chương nhảy lên ngai vàng với bộ lễ phục của một triều đại mới – triều đại đế quốc Minh. Trước sau 30 năm, trên hai đất nước láng giềng, các ông chủ mới đã lần lượt thế chân các ông chủ cũ. Nhưng tình hình đó tuyệt không làm thay đổi một chút nào mối quan hệ vốn có. Trái lại, nó chỉ càng làm nặng nề thêm những gì trong quá khứ vốn đã quá nặng nề. Những vị Hoàng đế nhà Minh – mới nắm được “ngôi trời” – cảm thấy mình còn dư sức, con mắt thèm khát nhìn ngay xuống mảnh đất giàu có phương Nam với lòng tự tin rằng, mình có thể làm được cái việc “chinh phục” Đại Việt mà những đế chế trước mình đã phải bó tay. Về phía các vua nhà Hồ, cố nhiên họ hiểu rất rõ dã tâm đó của “thiên triều”. Ngay khi vừa lên ngôi, họ đã tích cực chuẩn bị lực lượng quân sự để đối phó. Thế rồi, vào ngày 19 tháng 11 năm 1406, chiến cuộc đã nổ ra, gay gắt, chớp nhoáng. Nhà Hồ thất sách về chính trị và sai lầm chiến thuật về quân sự nên chưa đầy một năm sau đành lâm vào thất bại. Vua Minh lập tức cho đổi trở lại tên Đại Việt thành quận Giao Chỉ, quàng vội ách đô hộ lên khắp nước ta. Nhưng nhân dân Đại Việt vốn đã có truyền thống hàng nghìn năm cảnh giác với kẻ thù phương Bắc, đâu dễ dàng cam chịu ngồi yên. Và khi mà Minh Thành Tổ tưởng mọi việc đã xong, ra lệnh cho quân lính sửa soạn rút lui, thì cũng chính là lúc một phong trào kháng chiến cứu nước của nhân dân bắt đầu trỗi dậy. Rồi từ đó, hết phong trào này đến phong trào khác, cuộc chiến đấu vì độc lập của xã tắc đã kéo dài hơn 20 năm cho kỳ đến thắng lợi. *   Điều cần nói ngay là bộ mặt lịch sử của thế kỷ XV đã hiện ra với tất cả vẻ khốc liệt và dữ dội. Không phải bản thân chiến cuộc 1406 với tầm mức gay gắt của nó quyết định sự dữ dội này. Mấy thế kỷ trước, đám chúa trùm phong kiến Tống, Nguyên chẳng cũng đã mở những cuộc tấn công quy mô xuống Đại Việt, và về so sánh lực lượng, lần tấn công nào của họ mà lại không có cái thế tưởng như áp đảo kinh hồn? Nhưng vấn đề đặt ra trong cuộc xâm lăng lần này là nó nhằm thực hiện một mưu đồ còn hiểm sâu hơn cái việc cướp nước, giết dân thông thường, của một tên “Đại Hán” mà sự tàn bạo, xảo quyệt và man rợ trong thời đại của y có thể đứng vào loại nhất nhì thế giới. Ở tên Đại Hán đó có sự tích lũy tất cả những kinh nghiệm tàn ác của cha ông y trong quá khứ, kết hợp với những mánh khóe ranh ma mới mẻ nhất mà thời đại mới mang lại cho y. Chính vì vậy, nguy cơ của cuộc xâm lăng lần này đã đặt người dân Đại Việt trước một yêu cầu thức tỉnh toàn diện để có thể đứng vững, hơn thế nữa, để lớn vượt lên. Cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền và xây dựng đất nước của các thế hệ cha ông ta trong vòng hơn 20 năm (1406 - 1427) rõ ràng là một cuộc vật lộn oanh liệt mà kết quả đã tạo ra một bước đổi thay lịch sử phi thuờng. Nắm cho được bộ mặt lịch sử của thế kỷ XV chính là nắm cho được hai điển hình đối lập tuyệt đối trong bước đổi thay lịch sử phi thường đó: kẻ thù là kẻ thù mới với những thủ đoạn xưa kia chưa từng thấy, nhưng về mặt mưu đồ và bản chất hiểm ác vẫn chính là hiện thân của những tên xâm lược cũ; và dân tộc ta tuy gắn bó với quá khứ sâu nặng nhưng lại là một dân tộc đang thăng hoa khỏi tầm vóc quá khứ, biểu hiện một sức mạnh hồi sinh.   Ngón đòn cổ điển nhất của các vị Hoàng đế phương Bắc trước hết là những âm mưu gây hấn đối với Việt Nam. Về phương diện này, nhà Minh đã tỏ ra không kém cạnh chút nào so với các triều đại cha anh của họ. Vì thế, cũng giống như tình hình của rất nhiều cuộc “Nam chinh” trong quá khứ, chiến cuộc 1406 thật ra đã được “thiên triều” chuẩn bị chu đáo trước đấy lâu lắm rồi. Vấn đề là về hình thức, phải tìm ra một cái cớ thích hợp để mà “sinh sự”, và về thực chất, phải làm sao dò thật trúng thực lực của Đại Việt để lượng sức mình. Hai mặt này thường vẫn gắn chặt với nhau, tác động lẫn nhau trong quá trình chuẩn bị âm thầm của họ. Năm 1377, chỉ mới chín năm sau ngày giành được địa vị “con trời”, ông vua Minh đầu tiên đã nóng nảy muốn vin cớ vua Trần Duệ Tông nước ta tử trận trong cuộc thân chinh phương Nam (1377) mà cất quân sang hỏi... “tội” (!). Nhung “hỏi tội” một vị vua vì “chống nạn cứu dân” mà không may bị chết? Trước lời lẽ cứng rắn của Trần Đình Thâm, sứ giả nước ta, vua Minh đuối lý, không những phải cử người sang dự lễ viếng, mà còn đành phải gác lại bao nhiêu mưu kế những toan đem thi thố phen này(1). Dĩ nhiên, gác lại không có nghĩa là xếp bỏ hẳn, mà chỉ là buộc lòng nén lại những dự định bên trong ngày một sục sôi. Tháng 9 năm 1384, nhân cho quân lính tiến xuống đánh Vân Nam, vua Minh thảo công văn đòi nước ta cấp lương cho đạo quân “tiễu phạt” của y. Ta nhân nhượng. Rồi các năm 1385, 1386, vua Minh vẫn đưa ra những yêu sách vô lý, phiền hà. Nào bắt nộp hoạn quan, nào muốn tìm giống cây xứ nóng, thậm chí đòi cả voi để “thiên triều” mang đi đánh trận. Năm 1395, Minh còn trắng trợn sai bọn Nhâm Hanh Thái sang xin ta giúp 5 vạn quân, 50 con voi và 50 vạn hộc lương với dụng ý chộp bắt sứ giả của ta để kiếm chuyện. Nhưng Nhâm Hanh Thái lại mật báo cho ta biết trước, vì thế ta đã kịp thời đề phòng, chỉ cho chở một ít lương lên biên giới rồi rút về ngay chứ không cấp lính và voi. Một vài ví dụ như trên cũng đủ thấy tên lãnh chúa phong kiến phương Bắc mới phất lên này nóng lòng dòm ngó Đại Việt đến đâu. Nhưng mặt khác, một thực tế cũng dễ thấy là mặc dù rất tham lam, các ngài ngự “Đại Minh” vẫn phải kéo dài việc chuẩn bị xâm lược suốt 30 năm, từ đời vua cha đến đời vua cháu(2). Vì sao có cái mâu thuẫn hết sức lạ đời đó? Chắc hẳn trong khi rút kinh nghiệm quá khứ, bài học thảm bại chưa xa xôi gì của những kẻ “đi trước” đã không khỏi làm cho các ngài đâm ra e ngại, trùng trình: “Nước An Nam tuy ở góc biển nhưng xưa kia đã là quận huyện của Trung Quốc. Từ đời Ngũ quý về sau sức ta không còn chế ngự nổi họ. Qua Tống đến Nguyên, tuy muốn mưu đồ nhưng không thành, chỉ để tiếng chê cười cho hậu thế”(3). Đấy là lời thú nhận của Minh Thành Tổ trong sắc chỉ y gửi viên Tổng binh Chu Năng – viên tướng đầu tiên cầm quân sang đánh Đại Việt theo lệnh của y – đề ngày 1 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406). Cũng ở sắc chỉ đó còn nêu một lời nhận xét của Minh Thành Tổ về nguyên nhân thất bại của Tống và Nguyên: “Tống cũng như Nguyên đều cho quân sang đánh An Nam, nhưng tướng thì kiêu, binh thì lười, lại còn tham tài hiếu sắc, vì thế mà không thành”(4). Sự thật thì tuy làm ra vẻ cười ngạo tổ tiên mình, ông Hoàng đế khét tiếng về tham vọng và tàn bạo này cũng chẳng can đảm hơn bao nhiêu trên vấn đề xâm lược Việt Nam. Năm 1403, bốn năm sau khi Hồ Quý Ly đã cướp ngôi nhà Trần, tình hình mâu thuẫn và bế tắc trong tập đoàn phong kiến Trần – Hồ không những không giải quyết được mà còn thêm gay gắt, cái cớ gây hấn đã có thể kiếm ra rất dễ, điều kiện gây hấn cũng đã hết sức thuận lợi; lại cũng là năm Minh Thành Tổ vừa dùng mọi thủ đoạn đoạt được ngôi từ trong tay cháu ruột của mình; ấy thế mà đối với nước ta, ông ta vẫn sợ và gờm, chỉ mới dám cho bọn hoạn quan người Việt trở về làm do thám một lần cuối, và chuẩn bị nội ứng, ước hẹn ngoài đánh vào thì trong cắm cờ vàng làm hiệu. Thế rồi, phải ba năm sau nữa, khi mọi yêu cầu tìm hiểu đã được đáp ứng đầy đủ, cảm thấy không còn một trở ngại nào đáng kể trên con đường tiến xuống kinh đô Đại Việt, Minh Thành Tổ bấy giờ mới thật quyết tâm khởi thế công. Một mặt, ông ta vờ làm to chuyện lên rằng đến lúc này không ai còn chịu đựng nổi những việc Hồ Quý Ly truất ngôi các vị vua Trần và giết hại đám con cháu nhà Trần (vốn là việc đã xảy ra sáu, bảy năm về trước!): “Bề tôi [cũ của họ Trần] là [Lê] Quý Ly và Lê [Hán] Thương từ lâu nuôi lòng lang sói, rốt cuộc làm việc cắn càn, ra tay thí nghịch quốc vương, tàn sát người trong dòng họ Trần, cả những bề tôi của họ Trần cũng trong vòng thảm khốc, bị hãm vào chỗ chết. Bọn chúng gieo đau khổ cho sinh dân, đến gà chó cũng không yên sống, tiếng hờn oán dấy lên đầy đường”(5). Mặt khác, với ngón bịp sở trường từ tổ tiên mình truyền lại, ông ta lại cũng ra điều ta đây bất nhẫn, không định gây việc can qua làm gì, chỉ vì Hồ Quý Ly quá lắm nên phải động binh; song động binh mà vẫn rất nhân từ, muốn thu xếp ổn thoả bằng cách cho cha con họ Hồ “đem trăm vạn lạng vàng và một trăm con voi ra chuộc tội. Nếu không đủ thì cho phép đem châu ngọc bảo bối thế vào cho đủ. Có thế đại quân mới không tiến sang”(6). Kỳ thực, có đúng thế hay không? Trong đạo sắc bí mật gồm 10 điều căn dặn riêng viên Tổng binh Chu Năng – gửi mấy ngày trước ngày ban bố tờ chiếu công khai trên đây – Minh Thành Tổ đã thổ lộ “can tràng” của ông ta: “Nay sai Chu Khuyến, Trương Anh đem công văn của Bộ Lễ sang An Nam đòi nộp voi và vàng. Làm kế ấy để cho chí chiến đấu của chúng buông lỏng chứ không phải là thực bụng. Khi bọn Chu Khuyến ra đi, trẫm từng gặp mặt phủ dụ, bảo chúng đến nuớc họ chỉ ở lại 5 ngày, nếu 5 ngày chưa xong thì cho phép được bao nhiêu hãy cứ nộp truớc, sau sẽ sai người mang tiếp sang nộp cho đủ. Ngươi chờ cho bọn Chu Khuyến đi rồi thì đại quân phải tức khắc xuất phát theo sau. Nếu gặp kẻ đuợc phái sang nộp voi và vàng thì cứ bắt giữ lại để tra hỏi tin tức, nhưng đừng hở cho họ biết kẻ sai đi đã bị bắt... Nay bọn Chu Khuyến vào nước đó, mọi việc ngươi nhất thiết chớ hở ra cho ai biết”(7). Gớm ghê thay miệng lưỡi từ bi và lòng dạ thực của đấng “thiên tử”! Duy có điều là ngay cả vào lúc đó rồi mà ngài vẫn còn e dè gửi tiếp những sắc chỉ căn dặn: nào là “nước An Nam giàu mạnh đã lâu”(8), nào là “quân lính của họ tất có phòng bị trước”, nào là “cha con họ Lê – tức họ Hồ – lắm mưu mẹo giảo quyệt”, tuyệt nhiên không thể sơ hở hoặc xem thường. Trong nhiều đạo sắc, Minh Thành Tổ đều tỏ ý lo lắng khi quân mình vượt sông Phú Lương là chỗ hiểm yếu bậc nhất, sẽ thua mưu kế của Hồ Quý Ly. Y viết rõ trong một sắc chỉ đề ngày 14 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1407) nói về đạo binh của Trương Phụ: “Cứ đóng quân mãi trên sông giằng co với giặc chính là rơi vào mưu kế của giặc Lê [Quý Ly] nhằm giữ chân quân ta thật lâu, đợi cho dịch lệ phát sinh; vì thế phá được mưu này thì phải thần tốc không được trì hoãn”(9). Rõ ràng, vừa khát thèm lại vừa e sợ, vừa hung hăng lại vừa lo ngại, vừa ráo riết sửa soạn lại vừa trù trừ cho đến tận phút cuối cùng, cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Minh ở thế kỷ XV quả đã không còn là ngón đòn mới mẻ gì đối với nhân dân Việt Nam. Bước ra quân ban đầu của “thiên triều” phải mang tính chất hai mặt: nhanh mà chậm, nóng mà lạnh, đánh thực mà cũng là đánh dứ, cũng chính là vì vậy.   *Tuy nhiên, đấy chỉ là cái dè dặt của buổi ban đầu. Khi đã dấn sâu vào đất nước ta, thấy rõ chỗ thất thế của nhà Hồ, bọn giặc xâm lược liền lộ hết vuốt nanh và hành vi táo tợn. Một chiến lược tập kích ồ ạt nhằm phá vỡ phòng tuyến chính để tiến thẳng đến Thăng Long, và từ Thăng Long đánh toả xuống phía Nam, được thi hành. Một chế độ thống trị ngoại bang được dựng lên chớp nhoáng ở khắp mọi miền, thành thị cũng như nông thôn mà chúng vừa đặt chân đến. Và một chính sách chém giết thẳng tay cũng được đem ra ban phát lập tức cho dân chúng. “Trương Phụ đi đến đâu là giết hại, hoặc chất thây người thành núi, hoặc rút ruột người quấn vào cây, hoặc rán thịt người lấy mỡ, hoặc làm nhục hình bào lạc để mua vui. Thậm chí có kẻ mổ bụng người chửa, moi thai, cắt lấy tai của mẹ và con để tính làm hai mạng người”(10). Có thể nói, nói đến đặc điểm thứ hai trong chân dung của tên xâm lược mới ở thế kỷ XV là nói đến hình ảnh các viên quan cai trị nhà binh với tất cả những thủ đoạn giết người – trị người – dùng người gắn bó với nhau một cách tinh vi và nham hiểm. Sau nhiều lần cố gắng phản công ở Hàm Tử, Lỗi Giang, Điển Canh, Kỳ La,... nhưng đều thất bại, vào tháng 6 năm 1407, nhà Hồ cùng quẫn và bị bắt ở núi Thiên Cầm. Cả nước rơi vào tay giặc, và trở thành một lò sát sinh, một công trường lao dịch khổ sai, một nơi để giặc Minh thoả sức tìm tòi thức ngon của quý. Ngay trong những ngày đang trên đường tiến sang nước ta, bọn tướng tá viễn chinh đã nhận được sắc chỉ của vua Minh căn dặn hễ đến đâu là phải tịch thu hết giấy tờ, sổ sách kê khai nhân khẩu và ruộng đất đến đấy; phải lập ngay chế độ thuế khóa trên những vùng vừa chiếm đóng; và chú ý khai thác các mỏ bạc, mỏ vàng. Kể cả những mỏ nằm trên biên giới Việt – Chiêm, chưa rõ thuộc phần đất bên nào, cũng được lệnh cứ cướp lấy chứ không cần tra xét hư thực(11). Hai cơ quan Kim trường cục và Châu trường cục được thành lập, nhằm xua dân miền biển và miền núi vào mọi công việc đãi vàng, mò vàng, mò ngọc. Chưa hết. Còn chế độ lao dịch ở đồng quê, ở thành thị... Đâu đâu cũng cái cảnh “bị người Minh sai khiến mà mất cả gia thuộc”(12), “bị bắt hết làm nô tỳ và chuyển bán đi mà tan tác bốn phương” (13). Đẩy nhân dân Đại Việt đến chân tường, giặc Minh phải đâu đã thoả. Chúng còn tìm cách thâu tóm vào tay mình hoặc nếu không thì triệt cho hết trong đám người còn sống sót những ai thật sự có tài năng. Hễ nghe ở đâu trong các châu quận nước ta có thầy hay, thợ giỏi, bọn quan cai trị đều cho lập danh sách đem “tiến” về Yên Kinh. Các loại người bị tiến nhiều nhất là thầy thuốc, thợ thủ công, ca nữ tuyệt sắc, thầy bói và thầy địa lý;... Mỗi năm Minh hoàng lại gửi sang một lệnh. Mỗi năm, hàng nghìn người dân Việt lại lìa bỏ gia đình xứ sở, ra đi, để rồi không bao giờ trở về. Nhưng cho dù có tìm mọi mưu kế bắt và giết người dần mòn để bổ sung cho những cuộc tàn sát hàng loạt thì vẫn không thể nào là kế sách cai trị vẹn toàn. Giặc Minh biết vậy nên cũng lại ra sức thi hành một chính sách “mặt trái” rất khôn khéo: chính sách mỵ dân. Trong một đạo sắc, vua Minh khẩn khoản dặn đám tướng tá: hễ người dân Việt nào chống lại thì diệt kỳ sạch, nhưng ai đã đầu hàng thì phải tha ra, không giết bừa(14). Tưởng chừng đại Hoàng đế ngài nhân từ có một. Có ngờ đâu, tha, theo ý ngài, là bắt đem “cung hình” (thiến) nhất là đối với lớp người Việt trẻ(15), sau đó cung cấp cho cái chế độ quan liêu đồ sộ của Minh hoàng vốn đang rất thiếu nô bộc và thái giám hầu hạ!   Đặc biệt, trong chính sách dùng người, nhà Minh đã tỏ rõ khả năng vượt hơn những kẻ xâm lược xưa kia một bước rất dài. Trừ những chức quan cao cấp ra, chúng đặt người Việt vào mọi địa vị quan chức từ quận, huyện trở xuống. Và một chính sách lục dụng đám trí thức, quan lại cũ của Đại Việt được ban bố trong rất nhiều đạo sắc từ 1406 đến mãi những năm sau khi khởi nghĩa Lam Sơn đã nổi dậy, có thể nói là nhiều nhất trong số sắc chỉ của các vua Minh về vấn đề Việt Nam. Đây quả là một đường lối mà nhà Minh kiên nhẫn theo đuổi đến cùng. Có trường hợp những người có tên tuổi, hoặc có ảnh hưởng trong dân chúng như Nguyễn Cảnh Chân, Đặng Tất, Phạm Thế Căng, Trần Nhật Chiêu, Trần Thúc Dao,... chính vua Minh trực tiếp chỉ thị phải dụ dỗ cho bằng được(16). Có trường hợp khác như Bùi Bá Kỳ, bọn quan lại dưới quyền sơ ý để đến nỗi ông ta từ chỗ chạy sang Minh cầu cứu đến chỗ mất hết lòng tin tưởng, vua Minh cũng trực tiếp xuống chỉ rút kinh nghiệm về việc “dùng người” và than thở không thôi(17). Sự chu đáo trong chính sách “chiêu hồi” này còn biểu hiện ở cung cách chiêu hồi: tất cả đều được lập thành danh sách, mời về Yên Kinh khoản đãi và để cho bọn quan lại cao cấp nhà Minh chủ yếu là Hoàng đế “bồi dưỡng về lập trường quan điểm”, rồi sau đấy lại được trả trở về Giao Chỉ, phân bổ đi nhận các chức quan(18).   Nhưng thủ đoạn mỵ dân mà nhà Minh lưu tâm hàng đầu – và từ đây cũng sẽ đẻ ra nhiều nhiệm vụ phức tạp cho cuộc đấu tranh chính trị chống xâm lược – chính là một phương sách hai mặt: vừa triệt để thống nhất về bản chất với những tên xâm lược trong quá khứ, lại vừa làm ra vẻ giữa mình và quá khứ có một bước ly khai. Ngay trong đạo sắc 10 điều của Minh Thành Tổ đề ngày 8 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 4 (21.8.1406) gửi viên tướng viễn chinh Chu Năng trên đường y cất quân sang Đại Việt, đã dẫn một phần ở trên, có một điều thứ tư rất đáng chú ý: “Hỏi xem cột đồng trụ hiện dựng ở đâu, phải đập cho nát và ném ra ngoài đường, để cho nguời trong nước đều trông thấy”(19). Chắc ai cũng phải lấy làm lạ: một bằng chứng “chinh phục” tiếng tăm của Mã Phục Ba thời Hán, cũng là một dấu vết của sự sỉ nhục mà người Việt nhiều đời đã phải ném đá chồng lên cho mất tích, ấy thế mà vua Minh lại bắt phá đi? Ông ta hớ hênh dại dột, hay ngông cuồng, hay thật bụng nhân đức? Đâu có phải vậy! Thực tình Minh Thành Tổ coi đây là một việc hệ trọng, và trong những sắc chỉ ban bố một năm sau đó, ông ta còn nhắc lại điều này(20). Dám hy sinh đến cả “sự nghiệp” vênh vang của “tiền nhân”, phải chăng tên đầu sỏ xâm lược ở thế kỷ XV muốn nhờ đấy đánh đổi lấy một bộ mặt mới, chí ít cũng giúp y che giấu phần nào cái bản chất “một đồng một cốt” giữa y với Mã Viện, để y có thể thừa cơ tung hoành? Có lẽ! Nhưng chắc chắn còn những lý do thâm trầm hơn. Kinh nghiệm xương máu đã cho tên trùm Đại Hán thấy, đụng đầu vào xứ sở Đại Việt quả là điều gay. Một cột đồng trụ những tưởng nhục mạ được dân Nam và trói chặt họ vào một cái mốc “chiến bại”, thì rốt cuộc cũng có nghĩa gì đâu khi mà, vượt lên trên tất cả những thứ cột mốc hình thức kia, một quy luật lịch sử lạnh lùng – mà ngay nhiều tên xâm lược cũng phải đành lòng thừa nhận – cứ tự nó phát huy tác dụng: “... dù có cướp được nước họ thì rồi cũng không thể giữ được”(21). Có nghĩa là chỗ khó khăn nhất, mà quả là khó, là làm sao biến được dân tộc Việt thành người Trung Quốc, để vĩnh viễn họ không còn tìm cách nổi dậy, và đất nước họ vĩnh viễn là quận huyện của “thiên triều”? Thủ đoạn đập phá cột đồng trụ của Minh Thành Tổ chính là một cách lý giải mới đối với bài tính nát óc này. Y quyết tâm phủ nhận những ràng buộc vô hiệu bề ngoài mà tìm kiếm những ràng buộc lợi hại hơn hẳn. Đó là những trói buộc nghiệt ngã trên lĩnh vực tư tưởng, những quy định có tính chất chuyên chế, độc đoán về sinh hoạt tinh thần. Lần đầu tiên, trong lịch sử xâm lược Đại Việt của bọn chúa tể phong kiến Trung Quốc, tên xâm lược nhà Minh áp đặt một cách gay gắt vấn đề hệ tư tưởng đối với xã hội Việt Nam. Trong bản bố cáo đề ngày 8 tháng Tư năm 1407, sau khi chiếm xong nước ta, Minh Thành Tổ dành hẳn một đoạn khá văn hoa để nhấn mạnh rằng, một trong những tội trạng của Hồ Quý Ly khiến “ngài” không thể không “chinh thảo”, là họ Hồ đã tự coi “đạo của mình hơn cả Tam vương, đức cao hơn Ngũ đế, cho Vũ, Thang, Văn Vương, Vũ Vương không đủ để noi theo, Chu Công Khổng Tử không đáng làm thầy mình, giễu Mạnh Tử là nhà nho ăn cắp, nhạo Chu [Đôn Di], Trình [Hiệu, Trình Di], Truơng [Tải], Chu [Hy] là phường trộm cướp”(22), v.v. Cơn giận của “ngài” kể cũng dễ hiểu, bởi một nước tự xưng là “thần tử” của Hoa hạ làm sao có thể dám coi thường cái đạo mà các Đại Hoàng đế Trung Quốc tôn thờ? Nhưng còn một lẽ sâu xa nữa là có đưa đạo Nho lên làm “đạo thống” thì mới dễ dàng phát huy ảnh hưởng của “thiên triều” tới các cõi xa, nói như họ Khổng là “làm cho xa thư về một mối”. Và khi đã “gắn bó với nhau về ý thức hệ” thì há miệng mắc quai, cúi mọp đầu không dám phản kháng là điều dễ hiểu. Dù sao, vấn đề không chỉ giản đơn có vậy. Minh Thành Tổ muốn lấy đạo Nho để thống trị nhân dân Đại Việt, nhưng rồi y lại còn muốn đi xa hơn. Cuồng vọng bá chủ sôi sục khiến y cảm thấy như thế vẫn chưa thoả lòng. Tốt nhất là làm sao cho nước “man di” kia không còn có gì gọi là long mạch tư tưởng, tinh thần. Y muốn xóa sạch ở cái dân tộc nhỏ bé phương Nam đầy sức tự cường mà trong lòng nhiều thế hệ những tên giặc Bắc vẫn rất khiếp sợ, toàn bộ ý thức về quá khứ lịch sử của chính họ. Mà xóa sạch được quá khứ của một dân tộc chính là cách cắt đứt nguồn tiếp sức quan trọng của dân tộc đó, đặt họ vào chỗ mù mịt tối tăm, phá tan đi cái nền tảng làm cho họ tồn tại và sinh thành. Muốn vậy phải làm thế nào? Không có cách nào hữu hiệu hơn là tàn phá không thương tiếc tất cả những gì là sản phẩm trí tuệ của dân tộc này, nó là biểu trưng cho văn minh, văn hóa. Trong sắc chỉ 10 điều của Minh Thành Tổ gửi Tổng binh Chu Năng đã nói ở trên, bên cạnh những điều căn dặn tỉ mỉ về cách chế ngự “hoả khí” lợi hại của cha con họ Hồ, về việc tịch thu sổ sách kê khai nhân khẩu và ruộng đất, hoặc đập phá cột đồng trụ,... còn một điều đặc biệt hơn mọi điều kia: “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại [sách] ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn”(23).   Thử lần tìm cái động cơ chính ẩn trong đạo sắc văn này. Tên vua Minh nói: tất cả những gì thuộc nền văn hóa chính quốc Trung Hoa, kể cả sách kinh của Phật và Lão, đều được giữ lại đầy đủ. Trái lại, bao nhiêu trước tác thuần túy Việt Nam thì đều phải phá hủy. Vậy ra, sự lựa chọn của y chẳng phải là đạo Nho hay một hệ tư tưởng chính thống nào cả. Đối với người Giao Chỉ cũng như các dân tộc bị y xâm lược, y chỉ cần một sự lựa chọn đơn giản, mà lại thực dụng hơn nhiều: hãy bắt họ từ bỏ tất cả những gì sinh ra trong đầu óc của chính dân tộc họ kể cả trong quá trình tiếp nhận những gì là vốn liếng tinh thần của “nước mẹ Đại Minh”. Ý hẳn Hoàng đế nhà Minh muốn bắt các dân tộc thôi đừng có tự mình tư tưởng nữa. Mà không tư tưởng, thì có nghĩa là... không tồn tại. Thế rồi, từ trong thâm cung tại Yên Kinh, Hoàng đế nhà Minh ngày đêm lo theo dõi, đôn đốc việc thi hành lệnh chỉ đã ban ra. Đến nỗi khi thấy có một bộ phận quân lính không chịu làm theo đúng lệnh, nghĩa là không đốt ngay sách vở cướp được của nước ta mà còn giữ lại, y lập tức gửi một tờ lệnh thứ hai nhắc lại đúng những điều đã chỉ thị từ trước, lại giải thích rõ vì sao cần đốt ngay tại chỗ chứ không nên giữ lại: “Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng phàm An Nam có tất thảy những sách vở văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ, như loại “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết, và tất thảy các bia mà xứ ấy dựng lên thì một mảnh một chữ hễ trông thấy là phá hủy lập tức, chớ để sót lại. Nay nghe nói những sách vở do quân lính bắt được, không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Quân lính phần đông không biết chữ, nếu đâu đâu cũng đều làm vậy thì khi đài tải sẽ mất mát nhiều. Từ nay các ngươi phải làm đúng như lời sắc trước, truyền cho quân lính hễ thấy sách vở văn tự ở bất kỳ nơi nào là phải đốt ngay, không được lưu lại”(24).   Dĩ nhiên, ngay những tên đã trù mưu định kế ăn cướp nước ta cũng cảm thấy một chủ trương tàn bạo như thế thực muôn phần nguy hiểm. Nó sẽ dẫn đến làm nổ bùng lòng căm phẫn ngút trời của cả một dân tộc, và sức mạnh có tính dây chuyền của sự bùng nổ đó chắc sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Cũng vì thế, đi kèm với những điều lệnh, Minh Thành Tổ còn bắt quân lính phải giữ thật kín chủ trương của mình. Sau gần một năm đốt phá, biết rằng yêu cầu của việc phá hoại về căn bản đã xong, ngày 19 tháng Năm năm Vĩnh Lạc thứ 5 (25 - 6 - 1407), y lại gửi một sắc chỉ xuống phương Nam ra lệnh cho các tướng lĩnh của y phải cấp tốc thu hồi những đạo dụ y đã ban ra từ trước: “Nay An Nam đã bình định xong; [...] trừ các loại chế dụ ra còn thì tất cả các đạo sắc viết tay và các ký sự thư thiếp, đã từng phát đi từ trước, cùng với sổ ghi chép mà Thành quốc công đã lĩnh, hoặc các thứ [sổ sách] trù nghị mọi việc, đều phải đem toàn số kiểm kê, đối chiếu, niêm phong cẩn mật, gửi trả lại, không cho lưu lại một chữ. Nếu có một chữ bỏ lại, rơi vào tay bọn kia(25) thì rất bất tiện”(26).   Tưởng cũng khó có thể chê trách gì về sự cao tay của Minh Thành Tổ trong việc xếp đặt đâu ra đấy từng bước “tiến”, “thoái”, “thắt”, “cởi” cho mọi hành động tàn phá kinh khủng nhất của mình. Nếu nghệ thuật diệt chủng của y thâm thúy đến mức đẩy đối tượng bị tiêu diệt vào một tình trạng trống rỗng, hư vô, không còn quá khứ cũng không còn tương lai, nghĩa là cứ dần dần “tự diệt”, thì nghệ thuật xóa dấu vết của y cũng tinh vi đến mức y vừa ăn cướp lại vừa có thể hùng hổ la làng rằng bị cướp đe dọa. Âu đây chính là những dáng nét hiện đại nhất của tên xâm lược Đại Hán ở thế kỷ XV vốn sẵn có trong mình cái bản chất xâm lược dã man của nhiều thế hệ cha ông đã thấm vào máu thịt; là cái được nhân lên, biến hóa sinh động hơn những thủ đoạn cướp đất giết dân hôm qua hôm kia còn rất quen thuộc mà nay đã bị xem là quá cổ lỗ và thật thà. N.H.C. --------------- Chú thích: Những chú thích dưới đây, so với bản in lần đầu của bài này (ngày 14.9.2013), đã được chỉnh sửa theo chỉ dẫn của tác giả, thống nhất theo bản Việt kiệu thư của viện Viễn Đông bác cổ thời Pháp, nay là Thư viện Viện Khoa học xã hội (xem chú thích số 1., bài Sách Việt kiệu thư trong con mắt giới sử học đương đại). Diễn Đàn. (1) Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Cao Huy Giu dịch, NXB Khoa học xã hội, in lần thứ hai, H., 1971; tr. 189. (2) Thật ra, khi cháu Minh Thái Tổ lên nối ngôi thì chú y, tức Chu Đệ 朱棣 liền cướp lấy mà lập ra triều đại thứ ba của nhà Minh (1402 - 1424), tức Minh Thành Tổ. (3) Lý Văn Phượng 李 文 鳳, Việt kiệu thư 越 嶠 書 (1540). Đây là một tài liệu quý, ghi chép khá đủ theo trật tự thời gian những đạo sắc chỉ của Minh Thành Tổ gửi đều đặn (thường là vài ngày một đạo) đến các tướng chỉ huy trong cuộc xâm lăng Đại Việt 1406-1407. Trước đây chúng tôi chỉ tham khảo duy nhất cuốn sách này của Thư viện Viện Khoa học xã hội vốn là sách của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp cũ, ký hiệu: 1731, (nay thay đổi ký hiệu là: VH. 000276 - HV. 000281), nhưng năm 2001, sang làm việc ở Thư viện Yenching Harvard, tìm thêm được văn bản do Tề Lỗ thư xã xuất bản, Nam Kinh, 1996. Tuy vậy, trong bài này, vẫn xin ghi chú số quyển và trang và theo bản của Thư viện Viện Khoa học xã hội để cho thống nhất. VH. 000276, Q. 2, tờ 19a: 今 安 南 雖 在 海 陬 。自 昔 為 中 國 郡 縣 。五 季 以 來 力 不 能制 。歷 宋 及 元 雖 欲 圖 之 而 功 無 所 成 。貽 笑 後 世 (Kim An Nam tuy tại hải tưu, tự tích vi Trung Quốc quận huyện. Ngũ quý dĩ lai lực bất năng chế. Lịch Tống cập Nguyên tuy dục đồ chi nhi công vô sở thành, di tiếu hậu thế). (4) Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 20a (Điều ghi chú thứ 9 trong 18 điều khoản kèm theo tờ sắc này): 宋 元 皆 發 兵 征 討 安 南。將 驕 兵 懦。貪 財 好 色。以 此 不 能 成 (Tống Nguyên giai phát binh chinh thảo An Nam, tướng kiêu binh nọa, tham tài hiếu sắc, dĩ thử bất năng thành). (5) “Chiếu bá cáo thiên hạ về việc bình định An Nam”, đề ngày 1 tháng Ba năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407). Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 27b. Nguyên văn: 其 臣 季 孷 黎 蒼 久 畜 虎 狼 之 心 。竟為 吞 噬 之 。舉 弒 其 國 王。 戕 其 本 宗。覃 被 陪 臣 重 罹 慘 酷 。掊 剋 殺 戮 。毒 病 生 民 。雞 犬弗 寧 。怨 聲 載 路 (Kỳ thần [Lê ] Quý Ly, Lê [Hán] Thương cửu súc hổ lang chi tâm, cánh vi thôn phệ chi, cử thí kỳ quốc vương, thương kỳ bản tông, đàm bị bồi thần trọng duy thảm khốc, bồi khắc sát lục, độc bệnh sinh dân, kê khuyển phất ninh, oán thanh tái lộ). (6) Sắc chỉ đề ngày 29 tháng Bảy năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406). Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 18a. Nguyên văn: 今 廣 西 奏 。安 南 遣 人 來 貢 謝 罪 。原 胡 奄 。 父 子 罪 本 難 容 。 今 既 改過 自 新 。只 著 他 辨 黃 金 五 萬 。象 一 百 隻 。 以 贖 其 罪 。 金 象 不 足 。許 以 珠 玉 寶 貝 代 之。以 足 其 數 即 止 。大 軍 不 進 (Kim Quảng Tây tấu: An Nam khiển nhân lai cống tạ tội. Nguyên Hồ yêm, phụ tử tội bản nan dung. Kim ký cải quá tự tân, chỉ trước tha biện hoàng kim ngũ vạn, tượng nhất bách chích, dĩ thục kỳ tội. Kim tượng bất túc, hứa dĩ châu ngọc bảo bối đại chi, dĩ túc kỳ số tức chỉ, đại quân bất tiến). (7) Điều thứ 10 trong 10 điều căn dặn trong đạo sắc chỉ bí mật, xếp sát ngay sau đạo sắt đề ngày 4 tháng Bảy nhuận năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406). Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 17b: 今 遣朱 勸 張 瑛 齎 禮 部 咨 文 往 安 南 索 其 金 象。此 計蓋 欲 弛 其 鬥志。非 真 實 意 也 。 朱 勸 等 臨行 朕 曾 面 諭 之 。今 到彼 只 住 五 日 。若 五 日 內 措 辨不 足 。 許 隨 多 少 先 將 來 。 後 卻 差 人納 足 。爾 待 朱 勸 等 人 去 。大 軍隨 後亦 進 。 若 遇 差 出 納 金 象 之 人 就 執 之 。訖 問 聲 息 。須 勿 令彼 知 差 來 被 執 。今 朱 勸 等 到 處 。爾 事 機 切 不 可 令 人 知 之 (Kim khiển Chu Khuyến, Trương Anh tu Lễ bộ tu văn vãng An Nam sách kỳ kim tượng. Thử kế cái dục thỉ kỳ đấu chí, phi chân thực ý dã. Chu Khuyến đẳng lâm hành, trẫm tằng diện dụ chi, kim đáo bỉ chỉ trú ngũ nhật. Nhược ngũ nhật nội thố biện bất túc, hứa tùy đa thiểu tiên tương lai, hậu khước sai nhân nạp túc. Nhĩ đãi Chu Khuyến đẳng nhân khứ, đại quân tùy hậu diệc tiến. Nhuợc ngộ sai xuất nạp kim tượng chi nhân tựu chấp chi, cật vấn thanh tức. Tu vật linh bỉ tri sai lai bị chấp. Kim Chu Khuyến đẳng đáo xứ, nhĩ sự cơ thiết bất khả linh nhân tri chi). (8) Sắc chỉ ngày 1 tháng Tám năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406). Việt kiệu thư, Q. 2, Sđd tờ 20a: 安南 自 我 朝 以 來 [。。 。] 數 十 年 不 曾 用 兵 。其 國 中 富 庶 (An Nam tự ngã triều dĩ lai, [...] sổ thập niên bất tằng dụng binh, kỳ quốc trung phú thứ). (9) Sắc chỉ đề ngày 14 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1407), Việt kiệu thư, Sđd; Q.2, tờ 24a. Nguyên văn: 頓 兵 江 上 與 賊 相 持 。黎 賊 之 計 正 欲 持 久 以 待 瘴 癘 之 發 。破 之 貴 在 神 速。不 宜 遲 緩 (Đốn binh giang thượng dữ tặc tương trì, Lê tặc chi kế chính dục trì cửu dĩ đãi chướng lệ phát. Phá chi quý tại thần tốc, bất nghi trì hoãn). (10) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Cao Huy Giu dịch, 1971, Sđd; tr. 262. (11) Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2, tờ 22a đề rõ, ngày 6 tháng Chín năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Minh Thành Tổ ban hành một điều khoản như sau: 安 南 金 場 。銀 場 遙 聞 原 是 占 城 之 地 而界 相 爭 已 久 。亦 未 可 信 。平 定 之 後 。只 以 見 得 地 界 為 準 。縱 然 占 城 有 請 亦 不 可 擬 還(An Nam kim trường, ngân trường dao văn nguyên thị Chiêm Thành chi địa, nhi giới tương tranh dĩ cửu, diệc vị khả tín. Bình định chi hậu, chỉ dĩ kiến đắc địa giới vi chuẩn. Túng nhiên Chiêm Thành hữu thỉnh, diệc bất khả nghĩ hoàn). Nghĩa là: Từ xa trẫm nghe nói mỏ vàng mỏ bạc nguyên là phần đất Chiêm Thành, địa giới hai bên tranh chấp đã lâu, cũng chưa rõ thế nào. Sau khi bình định xong, cứ lấy địa giới mà mình trông thấy làm chuẩn, nếu Chiêm Thành có cầu xin cũng không trả. (12), (13) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Cao Huy Giu dịch, 1971, Sđd; tr. 250, 262. (14) Sắc chỉ đề ngày 4 tháng Mười một năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 23b. Nguyên văn: 大 軍 入 安 南 。但 有 助 黎 寇 來 拒 敵 者 殺 之 。 若 有 能 棄 甲卻 戈 降 者。一 人 不 可 妄 殺 (Đại quân nhập An Nam, đãn hữu trợ Lê khấu lai cự địch giả, sát chi. Nhược hữu năng khí giáp khước qua hàng giả, nhất nhân bất khả võng sát). (15) Sắc chỉ đề ngày 16 tháng Chín năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 22b. Nguyên văn: 其 有 年 少 而 罪 當 死 者 。宜 處 以 宮 刑 。亦 可 以 保 全 其 命 。他 日 又 得 以克 使 令 (Kỳ hữu niên thiếu nhi tội đáng tử giả, nghi xử dĩ cung hình, diệc khả dĩ bảo toàn kỳ mệnh, tha nhật hựu đắc dĩ khắc sử lệnh). (16) Sắc chỉ đề ngày 29 tháng Chín năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Việt kiệu thư, Q. 2, Sđd; tờ 37b. (17) Sắc chỉ đề ngày 20 tháng Ba năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 29b. Nguyên văn: 敕 傳 奏 言 裴 伯 耆 事 為 將 之 。道 在 於 用 人 。一 裴 伯 耆 不 能 用 何 以 能成 事 功 俠 。朕 有 南 鄙 又 憂 。古 人 用 人 之 法 具 右 方 冊 。爾 宜 審 觀 故 敕 (Sắc truyền tấu ngôn Bùi Bá Kỳ sự vi tương chi. Đạo tại ư dụng nhân, nhất Bùi Bá Kỳ bất năng dụng, hà dĩ năng thành sự công hiệp? Trẫm hữu Nam bỉ hựu ưu. Cổ nhân dụng nhân chi pháp cụ hữu phương sách, nhĩ nghi thẩm quan cố sắc). (18) Sắc chỉ đề ngày 22 tháng Giêng năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Việt kiệu thư, Q. 2, Sđd; tờ 25b - 26a. Nguyên văn: 凡 安 南 官 吏 來 歸 降 者 。即 陸 續 遣 之 來 朝 。聽 朕 面 諭 。給 與 印信 俾 還 管 事 。如 或 事 世 未 可 又 在 。隨 宜 處 置 。不 可 執 一 (Phàm An Nam quan lại lai quy hàng giả, tức lục tục khiển chi lai triều, thính trẫm diện dụ, cấp dữ ấn tín, tỷ hoàn quản sự. Nhu hoặc sự thế vị khả hựu tại, tùy nghi xử trí, bất khả chấp nhất). (19) Điều thứ tư trong Sắc chỉ bí mật, đề ngày 4 tháng Bảy nhuận năm Vĩnh Lạc thứ 4 (21.8.1406), Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 17a. Nguyên văn: 訪 問 古 時 銅 柱 所 在 亦 便 碎 之。委 之 於 道 以 示 國 人 (Phỏng vấn cổ thời đồng trụ sở tại, diệc tiện toái chi, uỷ chi ư đạo dĩ thị quốc nhân). (20) Điều ghi thêm thứ hai trong Sắc chỉ đề ngày 9 tháng Giêng năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407),Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 25b. (21) Trích thư bọc sáp của tướng Minh Vương Thông gửi về nước năm 1427. Một viên quan cai trị khác của nhà Minh là Giải Tấn cũng từng tâu lên vua Minh những lời tương tự. Xem Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Cao Huy Giu dịch, NXB Khoa học xã hội, in lần thứ hai, H., 1972; tr. 47. (22) “Chiếu bá cáo thiên hạ về việc bình định An Nam”, đề ngày 1 tháng Ba năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 27b. Nguyên văn: 自 以 為 道 優 於 三 王 。 德 高 於 五 帝。以 禹 湯 文 武 不 足 法 。周 公 孔 子 為 不 足 師 。毀 孟 子 為 盜 儒 。謗 周 程 張 朱 為 剽 竊 。欺聖 欺 天 。無 倫 無 理 (... tự dĩ vi đạo ưu ư Tam vương, đức cao ư Ngũ đế, dĩ Vũ Thang Văn Vũ bất túc pháp, Chu Công Khổng Tử vi bất túc sư, hủy Mạnh Tử vi đạo Nho, báng Chu Trình Trương Chu vi phiếu thiết. Khi thánh khi thiên, vô luân vô lý). (23) Sắc chỉ bí mật, ban bố 10 điều cho quân lính tuân theo, xếp thứ tự ngay sau đạo sắc đề ngày 4 tháng Bảy nhuận năm Vĩnh Lạc thứ 4 (21.8.1406). Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 16a - 17b. Nguyên văn: 兵 入 。除 釋 道 經 板 經 文 不 燬 。外 一 切 書 板 文 字 以 至 俚 俗 童 蒙 所 習。如 上 大 人 丘 乙 已 之 類 。片 紙 隻 字 悉 皆 燬 之 。其 境 內 中 國 所 立 碑 刻 則 存 之 。 但 是 安南 所 立 者 悉 壞 之 。 一 字 不 存 (Binh nhập, trừ Thích, Đạo kinh bản kinh văn bất hủy. Ngoại nhất thiết thư bản văn tự dĩ chí lý tục đồng mông sở tập, như “Thượng đại nhân Khưu ất dĩ” chi loại, phiến chỉ chích tự tất giai hủy chi. Kỳ cảnh nội Trung Quốc sở lập bi khắc tắc tồn chi. Đãn thị An Nam sở lập giả tất hoại chi, nhất tự bất tồn). (24) Điều khoản bổ sung vào sắc chỉ đề ngày 21 tháng Năm năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Việt kiệu thư, Q. 2, tờ 33a. Nguyên văn: 屢 嘗 諭 爾 凡 安 南 所 有 一 切 書 板 文 字 。 以 至 俚 俗 童蒙 所 習 。 如 上 大 人 丘 乙 已 之 類 。片 紙 隻字及 彼 處 自 立 碑 刻 。見 者 即 便 毀 壞勿存 。今 聞軍 中 所 得 文 字 不 即 令 軍 人 焚 毀 。必 檢 視 然 後 焚 之 。 且 軍 人 多 不 識 字 。 若 一 一 令 其如 此 。必 致 傳 遞 遺 失 者 多 。爾 今 宜 一 如 前 敕 。號 令 軍 中 但 遇 彼 處 所 有 一 應 文 字 即 便焚 毀 。 毋 得 存 留 (Lũ thường dụ nhĩ, phàm An Nam sở hữu nhất thiết thư bản văn tự, dĩ chí lý tục đồng mông sở tập, như “Thượng đại nhân Khưu ất dĩ” chi loại, phiến chỉ chích tự cập bỉ xứ tự lập bi khắc, kiến giả tức tiện hủy hoại vật tồn. Kim văn quân trung sở đắc văn tự bất tức lệnh quân nhân phần hủy, tất kiểm thị nhiên hậu phần chi. Thả quân nhân đa bất thức tự, nhược nhất nhất lệnh kỳ như thử, tất trí truyền đệ di thất giả đa. Nhĩ kim nghi nhất như tiền sắc, hiệu lệnh quân trung đãn ngộ bỉ xứ sở hữu nhất ứng văn tự tức tiện phần hủy, vô đắc tồn lưu). (25) Chỉ người Việt. (26) Sắc chỉ đề ngày19 tháng Năm năm Vĩnh Lạc thứ 5 (25.6.1407), Việt kiệu thư, Sđd, Q. 2; tờ 32a. Nguyên văn: 今 安 南 已 平 [。 。 。] 除 制 諭 外 應 發 去手 敕及 記 事 小 帖 成 國 公 領 帶去 小 冊 子。及 條 畫 事 件 。盡 數 檢 對 。 密 封 繳 來 。 不 許 存 留 一 字 。 漏 落 在 彼 不 便 (Kim An Nam dĩ bình [...] Trừ chế dụ ngoại ứng phát khứ thủ sắc, cập ký sự tiểu thiếp Thành Quốc công lĩnh đới khứ tiểu sách tử, cập điều hoạch sự kiện, tận số kiểm đối, mật phong kiểu lai. Bất hứa tồn lưu nhất tự, lậu lạc tại bỉ bất tiện). Nguồn: boxitvn.net
......

Thế Dũng - Từ Hộ Chiếu Buồn đến Đau Thương Hành

Năm nay, có khá nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, từ trong nước sang nghỉ hè và làm việc ở châu Âu. Có lẽ, nhiệt độ từ nơi xứ nóng, theo chân các nhà văn sang Đức chăng? Nên mới đầu tháng sáu, trời đã chuyển sang nắng ấm. Trên lối đi ngát một màu xanh cây lá. Bầu trời cao và xanh thẳm, thả xuống những cơn gió lành mát dịu, nhưng dường như vẫn chưa trút bỏ được, những ngột ngạt, chua xót, đắng cay… trong lòng người thi nhân, lữ khách. Có thể nói, đã lâu lắm rồi, châu Âu mới có một mùa hè đẹp đến như vậy. Hình nhà thơ Thế Dũng   *Vẫn còn đó một bức tường vô hình. Trong lúc rong chơi, bù khú, có bác hỏi tôi, về tình hình văn học cũng như những nhà văn Việt, điển hình ở Đức. Qủa thật, tuy xa quê, xa Tổ Quốc đã rất lâu, nhưng khi nghe các bác nhắc lại, những từ tiêu biểu với điển hình, làm tôi vẫn phải giật mình, sởn sởn trong người, cứ tưởng mình trở về cái thời mậu dịch, hợp tác xã, đang bóp nặn ra những nhân vật điển hình tiên tiến. Thành thật mà nói, câu này, rất khó trả lời thẳng và trọn vẹn với các bác, vì người Việt ở Đức, hoàn toàn khác với cộng đồng người Việt ở Mỹ, Anh Nga Pháp, hay Séc, Ba Lan. Bởi, nguyên do lịch sử và địa lý, nên nước Đức có hai cộng đồng người Việt với ý thức hệ khác nhau rõ ràng, sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Người Việt sống ở phía Tây Đức chủ yếu là những thuyền nhân, từ miền Nam trốn chạy CS. Và vùng phía đông nước Đức, là nơi cư ngụ phần đông của những công nhân lao động, những cựu du học sinh ra đi từ miền Bắc, lúc nào cũng thấy màu đỏ vẫn còn rực cháy trong lòng. Dù đã một phần tư thế kỷ trôi qua, nhưng chính kiến cũng như nhận thức tư tưởng của hai cộng đồng người Việt, cùng sống trên một nước Đức tự do dân chủ vẫn không thể hòa đồng. Những ngăn cách ấy, dường như ngày càng cô lại, rắn chắc hơn cả bức tường ô nhục chia cắt Đông Tây trước đây. Vì vậy, những sinh hoạt văn chương và xu hướng sáng tác, hoàn toàn khác nhau. Thực trạng là thế, nhưng trong hố sâu ngăn cách đó, vẫn chợt có những bước chân tạo ra con đường, nối lại khoảng cách ấy. Vâng! Nhà thơ Thế Dũng, là một trong những bước chân tự do, can đảm đó, ông đang cần mẫn, mở ra con đường từ Đông sang Tây, không chỉ bằng văn học. Phần đông độc giả trong và ngoài nước, biết đến Thế Dũng là một nhà thơ, chứ có lẽ, không nhiều người biết ông còn là tác giả đã viết khá nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh, sân khấu và phê bình. Ba cuốn tiểu thuyết, Tình Cuội, Hộ Chiếu Buồn, Một Nửa Lá Số, được viết ngay khi ông tới Đức, giữa lúc bức tường Berlin sụp đổ. Trong bối cảnh đó, cùng với sự mẫn cảm của nhà thơ, tư tưởng của Thế Dũng đã chuyển biến một cách dứt khoát rõ ràng. Nếu như Hộ Chiếu Buồn miêu tả diễn biến tâm lý của một trí thức, bằng mọi cách, vùng vẫy, đào thoát ra khỏi cái bí bức, hèn mọn, với tư duy “toàn xã hội nuôi gà công nghiệp“, thì đến tác phẩm Đau Thương Hành, Thế Dũng đã hoàn toàn cởi được cái vòng kim cô đó: “Độc đảng không gánh hết Tổ Quốc/ Dân chủ tự sinh thành đa nguyên“ (ĐTH) Nhân nói đến tiểu thuyết Hộ Chiếu Buồn của Thế Dũng, làm tôi sực nhớ đến giai thoại ồn ào trước đây, trong giới văn chương. Số là, thời đó có lẽ, Thế Dũng còn yêu mến Hội Nhà Văn VN chăng? Nên ông đã gửi cuốn này, đến dự thi. Và nghe nói, Hộ Chiếu Buồn đã vào đến chung khảo, chung kết gì đó, của cuộc thi tiểu thuyết năm 2001-2004. Sau đó, Hộ Chiếu Buồn được vào sâu hơn nữa và nằm trong danh sách 14 tác phẩm được lãnh giải, và giấy mời cũng đã gửi đến Thế Dũng. Vào một ngày đẹp giời, bất chợt, Thế Dũng nhận được điện thoại của một ông bạn họa sĩ, khuyên: Có giấy mời lãnh giải cũng chưa chắc đâu, ông nên phong bao cho ban giám khảo, chắc ăn. Thế Dũng cười, dứt khoát không tin như vậy. Ngày đến lãnh giải, quả thực, Hộ Chiếu Buồn của Thế Dũng, đã bị gạch tên trong danh sách, được thay bằng tiểu thuyết Cán Cờ Tre, đã bị loại từ vòng ngoài, của đồng chí Trịnh Đình Khôi, chuyên viên ban văn hóa tư tưởng trung ương. Chủ tịch hội nhà văn Hữu Thỉnh, ghé tai thì thào: Thế Dũng thông cảm, ra lãnh giải chung khảo vậy. Cuốn Hộ Chiếu Buồn ngay sau đó, được nữ nhà văn người Đức, dịch sang tiếng Đức với cái tựa Der Traum Von Orly (Giấc Mộng Orly) do nhà xuất bản Horlemann phát hành. Giấc Mộng Orly được độc giả Đức đón nhận. Từ đây tên tuổi Thế Dũng gần gũi với độc giả người Đức hơn. Nhà xuất bản Horleman đã tổ chức ra mắt cuốn sách này, khá nhiều nơi trên nước Đức. Tôi đã được đọc bài phỏng vấn Thế Dũng của Radio Hamburg, cảm thấy khá sâu sắc và thú vị.   Nghe kể câu chuyện này, có bác nhà văn già gật gù, đế tiếp: Kể cả việc muốn vào hội nhà văn, nếu không đủ đạn bắn vỡ ổ khóa, cũng chỉ có nước đứng ngoài cửa. Luật bất thành văn: Vào, dấm dúi cửa sau - Ra, đàng hoàng cửa trước. Nhất là mấy ông viết văn ở Đức, Việt kiều Việt kiếc rủng rỉnh, lại phải bắn đạn to hơn, dày hơn, mới có thể chui lọt. Thế mới biết, đằng sau cái tưởng là cao sang ấy, lù lù một đống bốc mùi đến như vậy. Chả trách, đọc mấy cuốn sách được giải của các bác, chắng khác gì phải uống bát nước ốc luộc.  Thật vậy, đã mang tên Hộ Chiếu Buồn, thì Thế Dũng làm sao có thể cưỡng được số phận buồn của nó. Có lẽ, sau vụ này Thế Dũng tởn các bác hội nhà văn VN đến già?      Nhà thơ Thế Dũng, người Hải Dương, sinh năm 1954 tại Tuyên Quang, nơi cha mẹ ông tham gia kháng chiến. Ông xuất thân từ người lính chiến, vào những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh. Sau cuộc chiến, Thế Dũng trở thành sinh viên văn khoa, đại học sư phạm Hà Nội. Và từ đó, ông cứ tưởng sẽ được thỏa trí tang bồng với những ước mơ, dự định về thơ văn của mình. Thế nhưng, cuộc sống Thế Dũng có khá nhiều biến cố, thăng trầm và đã trải qua nhiều công việc, nghề nghiệp khác nhau. Những lúc đắng cay ấy, tưởng như ông đã gục ngã, nhưng may mắn thay, lại chính thơ văn đã nâng đỡ ông đứng dậy và bước tiếp... Hiện ông là hội viên, Hội văn bút CHLB Đức. Khi tìm tòi, nghiên cứu về Thế Dũng, tôi chợt nhận ra một điều, văn xuôi, tiểu thuyết là vỏ, là thân xác hình hài, thơ mới chính là tư tưởng, hồn cốt trong cái hình hài đó của ông. Chính hai yếu tố này, đã song hành, tạo nên một Thế Dũng, thật vạm vỡ, vững chãi của ngày hôm nay. Thật vậy, ba cuốn tiểu thuyết trên và những tác phẩn văn xuôi khác, đều xoay quanh chính cuộc đời thật của ông, trong cái xã hội lươn lẹo, dối trá đương thời. Tuy cái vỏ đó khá chật chội, luôn bứt rứt, nhưng nếu không có biến cố bức tường Berlin sụp đổ và được tận mắt chứng kiến, thì có lẽ, ông chưa thể bứt nó ra, để hồn thơ ấy, bật lên với những tiếng kêu cùng nhân dân, Tổ Quốc, đau đớn đến ngút trời như vậy. Đêm giao thừa đầu tiên trên nước Đức, cũng là mùa xuân đầu tiên nước Đức thống nhất, Thế Dũng thấy mình như trẻ lại. Nhưng nỗi vui mừng đó chợt dừng lại, bởi đất dưới chân mình đâu phải đất quê hương. Dù pháo vẫn nổ, chai đã cạn, nhưng  dường như, ông lại càng thấm sự cô đơn, khi ngoảnh lại, nơi quê nhà, còn bao người bị giam hãm nơi lao tù? Thế Dũng đã dồn nỗi đau, sự cay đắng ấy vào trong thơ, ông đứng ngay ở cổng thành Brandenburg để viết. Và mầm tự do đã bắt đầu nở hoa trong Thế Dũng từ đây: “…Nước Đức đêm nay - vừa khóc vừa cười! Đêm trừ tịch đầu tiên tôi được thấy Đông với Tây cởi mở nỗi lòng mình? Chân phiêu lãng chợt buồn trên xứ lạ! Dưới chân mình đâu phải đất khai sinh! Xin nhớ mãi một giao thừa du ngoạn Tôi rong chơi như trẻ nhỏ la đà... Tây Berlin chợt cười tôi cay đắng. Thèm nghe nhạc pháo hồng trên cổng ngõ nhà ta!“                   (Viết ở cổng thành Brandenburg) Không chỉ bức tường Berlin mở, mà cánh cửa tâm hồn Thế Dũng cũng được mở toang ra. Và ngay sau đó (năm 1992) ông viết bài Ta Mở Cho Nhau Cửa Tới Vô Cùng, gửi nhà văn Ngô Nguyên Dũng. Đây là bài thơ hay, tiêu biểu nhất về sự chuyển biến nhận thức, và là nhịp cầu nối Đông Tây trong tư tưởng của Thế Dũng. Nhà thơ muốn liệm, giã từ quá khứ chăng? Nhưng nấm mồ dĩ vãng kia, vẫn còn chôn chặt nơi tâm hồn. Vâng! Qúa khứ của những ngày, cứ hân hoan làm thằng lính được đi đầu. Và ai sẽ là người mở cửa, dọn đi những nấm mồ đó? Khi nhà thơ thảng thốt kêu lên. Nhưng có lẽ, thời gian cũng khó có thể xóa đi những ngày đen tối, khờ dại ấy:   “…Dăm ngôi mộ trong hồn… Hoa héo úa Âm ti cười văng vẳng tiếng đa đoan Mây như khói tóc ai chiều thu xõa Liệm làm sao?- Dĩ vãng chửa tro tàn!   Ngày tháng mở giùm tôi từng ô cửa Hốc tâm linh toang hoác một hang buồn Tôi chưa chín nên tôi còn hăm hở… Hộc từng cơn! Thơ vỡ ngực ngậm hờn…“ (TMCCNTVC)   Thế Dũng đã chỉ ra, cái chủ nghĩa ngoại lai, là một thứ dịch bệnh. Sự phỉnh lừa đó, đã cướp đi bao sinh linh vô tội, dẫn đến tận cùng tội ác: Xẻ nát, chia cắt mấy đời đau. Và ai là người đã thốt lên: Đốt cả dãy Trường Sơn- Để cháy nát hồn dân tộc, và khắc sâu thêm oan nghiệt, lòng hận thù bằng những cuộc chiến tranh:   “ Đời thuở ấy, quê hương nhiều giặc giã Một nhà ta chia “ta-địch”.  Khóc u…oa Đốt cả dãy Trường Sơn mà được thế? Những chiến hào xẻ nát triệu đời hoa Đời thuở ấy thịt xương sao lãng mạn Cứ hân hoan làm thằng lính đi đầu Chỉ vì cuộc dối lừa nhau ý hệ Một bầu trời chia cắt mấy đời đau…” (TMCCNTVC) Thật ra, tôi thích đọc Thế Dũng không hẳn vì tài năng, nghệ thuật viết, mà tư tưởng, con đường của ông đi, đang hành cùng nỗi đau của đất nước và thân phận con người, đó mới là yếu tố chính, làm cho tôi rung động. Đau Thương Hành, được Thế Dũng viết vào năm 2013. Đây là một bài thơ đã đạt đến đỉnh cao của nhận thức, tư tưởng cũng như tài năng, nghệ thuật viết của ông. Đọc bài thơ này, ta thấy được, Thế Dũng đã hoàn toàn bốc được ngôi mộ quá khứ, ra khỏi tâm hồn mình. Hành thuộc thơ cổ, dường như có xuất xứ từ Trung Quốc, thường viết theo thể thất ngôn, ngũ ngôn, hoặc dài ngắn tùy thuộc tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Nó là thể thơ khó nhằn, khó viết. Nhìn chung, các nhà thơ Việt, rất ít sử dụng thể loại này. Đã đọc khá nhiều thơ thể hành, nhưng quả thực, còn đọng lại trong tôi không nhiều. Bởi, tuy là thể thơ mang tính tự do, phóng khoáng, nhưng để đạt đến cái đỉnh bi tráng, thực sự lay động lòng người, không phải nhà thơ nào cũng làm được. Với tôi, kể từ khi có thơ mới đến nay: Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính, Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên, Biên Cương Hành của Phạm Ngọc Lư và Đau Thương Hành gần đây của Thế Dũng là những bài thơ hay, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất, khi đọc thể loại này. Đau Thương Hành được chia thành sáu đoản khúc, là tiếng nấc sinh ly sau chiến tranh, dưới một xã hội độc tài, man rợ. Sự bắt bớ, tù đày, sự ra đi và trốn chạy, đó không phải cái đau của nhà thơ hay một cá nhân, một bộ phận mà của cả một dân tộc. Từ cái nhìn khách quan đó, Thế Dũng đã can đảm vạch ra, nguyên do của cái bi thương ấy: “ Độc đảng/ Độc tài/ Độc hành đau“ (ĐTH) *Những cuộc trốn chạy, chia ly đẫm máu và nước mắt Là một người lính trực tiếp cầm súng nơi chiến trường miền Nam, trong những năm tháng ác liệt nhất, giữa cái chết và sự sống, và trên hai mươi năm khắc khoải trên xứ người, nên Thế Dũng hiểu hơn ai hết, cái giá của sự biệt ly. Khi người ta cố quàng hoa lên cái chết cho những người lính phía Bắc, thì tác giả lại chỉ ra cái chết đau thương của những người lính phía Nam thua trận, ở nơi tù đày phương Bắc. Và sau chiến tranh, cứ ngỡ, đất nước sẽ thanh bình, nhưng không chỉ riêng Thế Dũng, mà cả một thế hệ đã lầm: Có nơi nào bình yên? Khi hàng ngàn, hàng vạn chiếc thuyền lá tre kia, cố nhoài đi tìm lại sự sống, trong bão tố, mông mênh của biển cả. Thật vậy! Đánh đổi một nửa lá số, một nửa cuộc đời, ông mới cay đắng nhận ra, sự sinh ly còn đáng sợ hơn cả cái chết:   “Tống biệt chưa ghê bằng tử biệt Tử biệt chưa kinh bằng sinh ly Sinh ly? –  Giời ạ! – Thật thảm thiết … Nước nát – Nhà tan-Đành biệt ly? Biệt ly! –  Mười chết, một sống sót Sinh Nam Tử Bắc huyết lệ nhòa Vạn xác trẻ già vùi đáy biển Sinh Bắc Tử Nam máu thành hoa?...“ (Đau Thương Hành- Đoản khúc 1) Cuộc chiến đã lùi xa gần bốn mươi năm, nhưng sự bức tử, hiếp chế ngày càng đè nặng lên những sinh linh, cùng chung một giống nòi. Độc tài, độc đảng là tự mê tự trói, dẫn đến cái đau cho toàn dân tộc. Sẽ chẳng có sinh khí, linh hồn nào còn tồn tại, nếu những người cầm quyền vẫn còn chìm trong những cơn hoang tưởng, và mộng mị. Vâng! Sự thật đau thương đó, Thế Dũng không chỉ bóc trần ra, mà ông còn lý giải, vạch ra lối thoát cho những kẻ u mê cầm quyền:       “…Cả hồn lẫn xác đều bị hiếp Mà vẫn say sưa uống ngẩn ngơ Tâm thần phân liệt dưỡng ma quỷ Dương Khí suy tàn hoại Thiên Cơ Ngót bốn mươi năm liền một dải Hà cớ chi còn bức tử nhau? Sợ bị thủ tiêu thà tự tử Độc đảng! Độc tài! Độc hành đau ! Tống biệt đôi khi giống tự sát Tử biệt-Sinh ly dù tai ương Em thành người mới ta cũng khác Không  biết đau thì không biết thương! Tự mê tự trói cơ chế ác Bao nhiêu thủ lĩnh đành ra đê Sao không  đa đảng, đa phương sách Để tinh hoa dân tộc tự tìm về ?...”  (ĐTH- Đoản khúc 1) Thật vậy, chẳng có giọt nước mắt và lời ru nào, xóa hết nỗi đau và sự phân ly, chia cắt, mà chỉ có đa phương, đa đảng trong tình yêu con người, thì hoa dân tộc mới có thể nở trên những vết thương đang mưng mủ ấy. *Sự u muội, ươn hèn-trong canh bạc chư hầu Nhìn lại mấy ngàn năm lịch sử, chưa bao giờ có triều đại nào, chế độ nào run sợ trước giặc Tàu như hiện nay. Để mặc cho kẻ thù, cắt cáp, cướp tầu, là nhẫn nhục, ươn hèn, u muội hay là sự cắt biển dâng rừng? Một loạt câu hỏi mà người thi sĩ buộc phải đi tìm, trong cơn say đau đớn. Vâng! Nỗi đau không muốn đó, sao cứ đánh vào hồn kẻ tha hương, làm người thi sĩ, quặn lên tiếng cười, tưởng mình như vừa lạc mất hồn Ngựa Gióng hoang:   “…Cạn  cốc tha hương bên miệng vực Tưởng đã buông hồn Ngựa Gióng hoang? Đau đớn cười vang như sấm giật Càng  say…  Càng cay câu lai căng Không muốn mà đớn đau cứ đánh Là người sao cứ nghiện đớn đau ? Cam phận chịu trận hóa lỳ lợm ? Mặc Trung Hoa cắt cáp, cướp tầu?...” (ĐTH-Đoản khúc 2) Một ngàn năm nô lệ đã qua, không chỉ đè nặng lên người thi sĩ, mà nó còn là vết thương nhức nhối nhất trong lòng người dân Việt. Lịch sử có lẽ nào, lại quay lại cái đau thương của ngàn năm cũ, chỉ vì quyền lực, độc quyền mà bán rẻ linh hồn. Mười sáu chữ vàng, chỉ là thứ bùa ngải, để ru người vào cõi u mê. Và câu hỏi ấy, đã được Thế Dũng tìm ra lời giải đáp:   “ …Đau và sợ đã làm ta bất  lực Thua cháy tim trong canh bạc chư hầu ! Mượn hơi rượu cười khan  tình hối lộ Mấy chữ vàng đánh úp đảo Gạc Ma? Ngàn năm cũ bóng đè chưa hết uất…“ (ĐTH-Đoản khúc 3) Người thi nhân, dám hóa thân làm câu hát, để cất lên trong cái màn đêm u tối: “Ta đập vỡ ta thành câu hát“. Đây là câu thơ đầy hình tượng, khí phách, hay và tôi thích nhất trong bài này. Đọc nó, ta không chỉ gặp lại, cái chất hào sảng của Thế Dũng trước đây, mà còn thấy được hồn của dân tộc đang vặn mình trở lại. Thật vậy, trong một xã hội, nếu vắng đi tiếng nói thức tỉnh, phản biện của những thi nhân, thì có khác chi xã hội đó đã bị câm bị điếc. Vậy thì, không thể không cảm ơn Thế Dũng, người đã dũng cảm, đang làm biến đi những u muội, cho biển được phục sinh: “…Ta đập vỡ ta thành câu hát Biến khúc đau buồn…Biển khát phục sinh Việt Nam tôi đâu? Mẹ không kịp nấc ? Nước mắt Cha hóa bùn đỏ nghẹn lời? Kẻ du ca không thích hát vong quốc Không bao giờ Nước hết biển người ơi!...“ (ĐTH- Đoản khúc 2) *Hoa đã nở- trong địa ngục “Chúng tôi nằm xuống, để đất nước này đứng lên”. Vâng! Đó là câu nói bất hủ của người tù bất khuất Bùi Hằng. Viết đến đây, chợt thấy hiện về trong tôi và dường như, nó đã xuyên suốt tác phẩm Đau Thương Hành của Thế Dũng. Trong lao tù ấy, là con đường cụt, nhưng không hẳn là con đường chết, con đường cuối cùng, khi người thi nhân đã nhận ra: “Đôi khi ở cuối con đường cụt/ Vụt hiện huy hoàng một lối ra”. Thật vậy, nếu không có những đau thương, tù tội chắc hẳn không thể thức tỉnh những giấc mơ ươn hèn đang ngủ gục, làm sống lại lương tri con người. Và từ đó cháy lên, hồi quang lại linh khí ngàn năm. Đoạn thơ trích dưới đây, Thế Dũng đã cho chúng ta thấy rõ điều đó:  “…Bao nhiêu Nguyên Khí bị bỏ ngục Mê được làm Người…quên đau thương ! Tuổi trẻ  tọa kháng chấp  vùi dập Chí Đức, Bùi Hằng**** đuổi u mê ---------------------------------------- Đau thương hành khúc hóa biệt khúc Biệt  khúc nấc hoài  thành tráng ca Đôi khi ở cuối con đường cụt Vụt hiện huy hoàng một lối ra Dân chủ -Tự do đòi bằng được Dẫu tù dẫu ngục chẳng hề chi ! Có lúc đớn đau thành linh khí Mặc  tình  sống mái cuộc Thiên Di!” (ĐTH-Đoản khúc 4)   Có những cuộc ra đi, chia cắt của hàng triệu con người và còn có cả những cuộc chia cắt ngay trong lòng người, trên mảnh đất quê hương, nơi mình đang sống. Đó là sự chia cắt với tự do, tống biệt với chính linh hồn mình, là cái mất mát đau đớn nhất. Thế Dũng đã dùng hình tượng thật, ngọn đuốc sống của bà mẹ Việt Nam, người mẹ của nhà báo Tạ Phong Tần, làm bật lên cái dã man, tàn bạo của chế độ, trong nỗi oan trái ngút trời của người dân lương thiện. Ngọn đuốc ấy, sáng rực trong đêm trường tăm tối và mở ra một lối đi, một con đường mới:   “….Sinh ly là sống mà như chết Nào đã Tự do được mấy kỳ? Tống biệt chính mình !- Đau đớn lắm… Đất nước đứng lên cùng quan tài ? Phong Tần**** giã biệt tang oan khúc Cánh buồm đỏ thắm tự thiêu ai ? Ngót bốn mươi năm liền một dải Linh Khí bây giờ đã hồi quang Ngó lên trông xuống muôn dặm biển…”  (ĐTH-Đoản khúc 5) Với Thế Dũng, để giữ hồn dân tộc cũng như chủ quyền đất nước, chỉ có một con đường khai sáng duy nhất là đa nguyên, đa đảng. Vâng! Một con đường phải trả bằng ngục tù và bằng xương máu của chính mình: “…Đa nguyên tự do sinh đa đảng Sinh lực đa phương giữ chủ quyền ! Cùng vác thương đau gánh vận nước? Sao cứ chân mây, cứ cuối trời? Đau thương không vỡ…Không thành sẹo Mặc những bầy sâu… mầm xanh ơi!...”  (ĐTH-Đoản khúc 5) Khi người ta cố kêu réo, tìm ra Quốc Hoa, để che đậy bộ mặt thật của chế độ, thì Thế Dũng vạch ra sự lưu manh, giả dối đó: “Còn hoa xấu hổ còn Tử Sinh”. Với ông để đến tự do, dân chủ chỉ có con đường duy nhất, đứng dậy đấu tranh, phá bỏ độc tài. Đó là  Đường Con Người. Con đường ấy, tuy thương đau, nhưng: Có những nỗi đau đã trở thành ánh sáng:   “Dã ngoại Nhân quyền giữa ngực tôi ? Không chỉ chiều nay là dữ dội ! Đã mấy trăm chiều chợt lớn khôn… Đau thương nhiều lúc thành đuốc sống… Cho ta biết ta còn là Người! ---------------------------- Đau thương có lúc biết xấu hổ Để ta nhận ra Đường Con Người! Quốc Hoa ?- Giời ạ! – Tang thương quá Còn hoa xấu hổ còn Tử Sinh Đau thương hành khúc thành ánh sáng Để ngàn Chí U thành Chí Minh !”     (ĐTH-Đoản khúc 6) Nếu chúng ta đã đọc những bài hành của các thi sĩ trước đây, cảm xúc được gói gọn trong phạm vi cá nhân, hay vùng miền nào đó, thì đến Đau Thương Hành, đã mở ra những vấn đề rộng lớn của quốc gia, dân tộc. Và nó còn đi đến tận cùng nỗi đau, nỗi thống khổ của con người. Đỗ Trường Nguồn:  DienDanCTM
......

Quyền được biết

Mọi chế độ độc tài và không chính danh đều tồn tại dựa trên sự dối trá và bạo lực.  Điều đó cũng không khác, trong trường hợp của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Đảng và nhà nước cộng sản vừa tổ chức kỷ niệm 69 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2 tháng Chín, 1945-2 tháng Chín, 2014). Cũng là 69 năm đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo ở miền Bắc và 39 năm trên toàn đất nước, sau ngày 30 tháng Tư, 1975. Đạo diễn Song Chi Nhìn lại quãng thời gian dài đó, người dân Việt Nam toàn bị đảng cộng sản lừa dối. Đảng viết lại lịch sử, đổi trắng thay đen, đánh tráo các khái niệm. Đảng vẽ ra những cái bánh Tự Do, Độc Lập, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội tươi đẹp để mỵ dân. Đảng sử dụng học thuyết Marxism-Leninism mà thế giới đã vứt vào sọt rác từ lâu, cộng với tư tưởng Hồ Chí Minh do đảng cố nặn ra, để trói buộc từ tư tưởng cho tới tâm hồn của nhân dân. Người dân còn bị đảng cộng sản bịt mắt, bịt tai, bịt miệng không cho nhìn/nghe/nói lên những sự thật.   Theo thời gian, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, sự giao lưu hội nhập với thế giới bên ngoài, nhiều người Việt Nam thuộc các thế hệ khác nhau đã dần dần tìm biết được nhiều điều. Sự thật về nhân vật lãnh tụ Hồ Chí Minh, về tính chính danh và công lao giành lại độc lập cho đất nước, dân tộc, công lao đánh Pháp đuổi Mỹ của đảng cộng sản, nhất là sự thật về cuộc chiến tranh chống “đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước”. Sự thật về mối quan hệ bất xứng giữa hai đảng, hai nhà nước Việt-Trung trong suốt mấy chục năm qua, khi từ tài nguyên của đất nước cho tới một phần lãnh thổ lãnh hải thiêng liêng bị mất hoặc được dâng, cúng cho “người bạn láng giềng phương Bắc”. Sự thật về thực trạng xã hội mọi mặt của đất nước cũng như vị trí của Việt Nam hiện tại đang đứng ở đâu trên thế giới… Mọi thứ dần dần được phơi bày.   Sự thật chính là điều mà mọi chế độ độc tài toàn trị trên thế giới đều sợ hãi.   Nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng và nhà nước cộng sản, vẫn chỉ mới có một phần sự thật của lịch sử bị rò rỉ. Rất nhiều thông tin, sự kiện liên quan đến vận mệnh đất nước, dân tộc, đã và đang xảy ra, vẫn còn trong vòng bí mật. Trong đó có những thông tin, sự kiện vô cùng nghiêm trọng, ví dụ như những Hiệp định được ký kết bí mật giữa hai đảng, hai nhà nước cộng sản Việt-Trung bao lâu nay, đặc biệt là Hội nghị Thành Đô 1990 mà người dân chỉ có thể đồn đoán.   Từ trước đến nay, đảng và nhà nước cộng sản luôn luôn hành xử như thể đất nước này là của riêng của đảng, đảng muốn làm gì thì làm, nhân dân không được quyền hỏi, không được quyền biết. Đã đến lúc người dân phải đòi lại cho mình cái quyền chính đáng là quyền được biết. Thời gian qua rất nhiều lần các nhân sĩ, trí thức, các cá nhân, tổ chức dân sự khác nhau đã thực hiện quyền được biết đó thông qua việc gửi các loại kiến nghị đòi hỏi nhà cầm quyền phải có câu trả lời, hoặc phải hành động. Tất nhiên, nhà cầm quyền không bao giờ hồi đáp cũng như hoàn toàn không muốn đối thoại. Và những ngày gần đây lại nổi lên hai sự việc. Một là phong trào “Chúng tôi muốn biết” do Mạng lưới Blogger Việt Nam phát động. Hình ảnh những con người khác nhau, phần lớn là những khuôn mặt quen thuộc của các cựu tù nhân lương tâm, nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động nhân quyền, các thanh niên, sinh viên, blogger…cầm những tấm biều ngữ với dòng chữ “Tôi muốn biết-I want to know”, “Được biết là quyền công dân-It’s our right to know” v.v… Chỉ giản dị thế thôi, nhưng phong trào thật sự có ý nghĩa. Bởi, đất nước này là của hơn 90 triệu con dân Việt Nam. Mọi chủ trương, chính sách, hành động của đảng và nhà nước, nhân dân phải được biết, nhân dân có quyền tham gia bàn bạc, phủ quyết hoặc chấp nhận. Nếu đảng và nhà nước nào đi ngược lại điều đơn giản này thì phải bị loại trừ. Sự kiện thứ hai là kiến nghị của một số cựu sĩ quan Lực lượng vũ trang nhân dân gửi Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ CHXHCN Việt Nam, trong rất nhiều đòi hỏi đối với nhà cầm quyền, cũng lại có “quyền được biết”:   Là người chủ và người bảo vệ đất nước, Nhân dân và lực lượng vũ trang phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của Quốc gia. Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ ràng với Nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của Quốc gia. Về Hội nghị Thành Đô, có tin nói rằng Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã công bố nội dung thỏa thuận giữa hai bên, trong đó trích dẫn: “Việt Nam mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc”. Chúng tôi không biết thật giả thế nào, yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô năm 1990... Một điều chắc chắn rằng kiến nghị này cũng sẽ rơi tõm vào cái hố đen mịt mùng của sự im lặng, từ phía nhà cầm quyền. Như từ trước đến giờ vẫn thế. Nhưng, khi nhà cầm quyền càng tiếp tục đánh bài lờ, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Thứ nhất, ngay trong những người còn cố biện minh, còn cố tin vào đảng và nhà nước cộng sản, cũng sẽ cảm thấy sự hồ nghi và đánh giá của nhân dân dành cho cái đảng này, nhà nước này là đúng. Nghĩa là một đảng cầm quyền không chính danh, độc tài và bán nước. Nếu sự mất mát lòng tin ấy không chỉ trong nhân dân, giới trí thức, bất đồng chính kiến mà từ các cựu sĩ quan gửi thư kiến nghị, lan rộng ra cả trong quân đội, công an, đảng viên, từ người lính đến tướng tá, thì số phận của đảng cộng sản thực sự rủi ro. Quân đội mà nổi dậy đòi đảo chính, làm cách mạng thì nhà cầm quyền tiêu tùng. Thứ hai, sự im lặng đánh bài lờ của đảng chỉ khiến cho các loại tin vỉa hè, tin ngoài luồng hay tin đồn khác nhau, càng có đất sống, sinh sôi nảy nở ở đất nước này. Đã là tin vỉa hè, tin đồn thì khó mà ngăn ngừa hay dập tắt được. Một xã hội mà tin đồn luôn luôn nhanh nhạy, phong phú hơn, mạnh hơn tin chính thức, chứng tỏ xã hội đó không có sự công khai, minh bạch đồng thời cũng chứng tỏ sự bất lực của nhà cầm quyền. Những thông tin chưa được xác thực sẽ tàn phá lòng tin còn sót lại, nếu có, của người dân đối với nhà cầm quyền nhanh hơn bao giờ hết. Và cuối cùng, trong những sự kiện có liên quan đến hai quốc gia, khi nhà cầm quyền Việt Nam không tìm mọi cách giải thích, thông tin chính thức cho người dân thì chỉ làm lợi cho Trung Cộng. Bắc Kinh thừa biết Hà Nội khiếp sợ sự thật, luôn tìm cách che chắn sự thật trước nhân dân, cho nên cứ lâu lâu họ lại tung ra tin này tin khác. Từ những thông tin úp mở về nhân thân của ông Hồ Chí Minh cho đến các thỏa thuận, ký kết bí mât giữa hai đảng, càng làm cho nhà nước Việt Nam bị “mất điểm” trong mắt nhân dân và thế giới. Về phía người dân Việt Nam, từ “tôi muốn biết”, sẽ chỉ là một khoảng cách ngắn đi đến chỗ “tôi muốn thay đổi”, và “chúng tôi muốn sống tốt đẹp hơn”. “We want to change. Can we change? Yes, we can”. Như thông điệp ứng cử của Tổng thống Barack Obama trước đây. Nguồn: facebook.song-chi
......

Buổi tọa đàm về UPR tại Sài Gòn

Buổi Tọa Đàm về UPR (Kiểm điểm định kỳ toàn cầu) diễn ra tại số 38 Kỳ Đồng   (05.8.2014) – Sài Gòn – Để ‘phổ biến kết quả Kiểm điểm định kỳ toàn cầu 2014 (Universal Periodic Review – UPR) của Việt Nam’, và để áp dụng cơ chế nhân quyền này nhằm ‘chuyển tiếng nói [đối lập] ra diễn đàn quốc tế’, liên minh 3 tổ chức xã hội dân sự bao gồm Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Phong trào Con đường Việt Nam, Văn phòng Công Lý-Hòa Bình đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề: “UPR Việt Nam: Tiến trình – Tiềm năng và Thực tiễn”. Buổi tọa đàm diễn ra hôm nay, thứ Sáu, 5/9 tại số 38 Kỳ Đồng quận 3 Sài Gòn (DCCT), với sự tham gia của các đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ, Canada, Thụy Sỹ, các tổ chức Xã hội Dân sự (XHDS) và các chức sắc tôn giáo. Sự kiện diễn ra chỉ hơn hai tháng sau khi Việt Nam hoàn thành kỳ Kiểm điểm định kỳ Phổ quát (UPR) nhân quyền lần 2 tại Geneva hôm 20/6/2014. Diễn giả của buổi tọa đàm bao gồm những nhân vật đã tham dự các kỳ UPR Việt Nam như tiến sĩ Nguyễn Quang A, thân phụ ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Phạm Lê Vương Các và ông Bùi Tuấn Lâm. Kiểm điểm Định kỳ Toàn cầu (The Universal Periodic Review – UPR) là một tiến trình độc nhất trong đó các thành tích nhân quyền của tất cả 193 thành viên Liên Hợp Quốc sẽ được kiểm điểm định kỳ. Cơ hội chuyển tiếng nói nhân quyền ra quốc tế Trong kỳ UPR 2014 vừa qua, Việt Nam chấp nhận 182 trong tổng số 227 kiến nghị của 106 nước. Tuy nhiên ông Phạm Lê Vương Các, một blogger cho biết, “trong thời gian vừa qua, chúng tôi ghi nhận nỗ lực rất ít của nhà nước trong việc phổ biến kết quả [UPR] này” vì thế qua buổi tọa đàm “chúng tôi hy vọng rằng công chúng sẽ biết đến UPR nhiều hơn”. Ông Các nhấn mạnh: “theo tôi đánh giá, cái cơ chế để mình có thể chuyển tiếng nói nhân quyền từ trong nước ra đối với quốc tế, không gì khác hơn ngoài việc tham gia vào tiến trình UPR này.” Ông Các giải thích thêm: “ở trong nước, giữa nhà nước và các tổ chức XHDS có một khoảng cách chênh lệch rất lớn, tuy nhiên khi tham gia diễn đàn quốc tế [UPR] thì chúng ta [các XHDS] bình đẳng với nhà nước”, đây cũng “là cơ hội để các nhóm XHDS phát biểu trước Hội đồng nhân quyền LHQ.” Tiến sĩ Nguyễn Quang A thuộc tổ chức Diễn Đàn XHDS cũng đồng thuận với ý kiến trên và cho rằng: “sự hiện diện của các tổ chức XHDS” tại các diễn đàn quốc tế là điều quan trọng. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong 4 người thuyết trình tại buổi tọa đàm Ông nói: “ở trong nước, các tổ chức XHDS chưa được đăng ký bị chính quyền coi là tổ chức thù địch và phản động. Sự hiện diện của họ tại LHQ, EU, các bộ ngoại giao … chứng tỏ họ là một đối tác được quốc tế công nhận, tôn trọng” vì “quy định của quốc tế là một tổ chức có được đăng ký hay không là không quan trọng, miễn là nó hoạt động như thế nào… và trách nhiệm của nhà nước là phải để họ được đăng ký”   “Các tổ chức XHDS hiện nay chưa có cơ hội đối thoại với chính quyền nên phải thông qua sự hiện diện như thế để đối thoại một cách gián tiếp,” ông nói tiếp: “chúng tôi kỳ vọng sẽ dần dần, [các XHDS] có thể đối thoại trực tiếp” vì các tổ chức ”XHDS rất cần cho chính hoạt động của chính quyền và xã hội.” ‘Một thông điệp gửi tới chính phủ’ Buổi tọa đàm về UPR cũng có sự tham gia của các đại diện đại sứ quán nước ngoài. Ông Andrej Motyl, Đại sứ Thụy sĩ, chia sẻ, ông đến để ‘học hỏi và tìm hiểu’ những gì đang xảy ra. Ông còn cho biết, sự hiện diện của ông như là ‘một thông điệp’ gửi tới chính phủ Việt Nam về sự ủng hộ của Ông đại sứ đối với hoạt động của các tổ chức XHDS. Quá trình UPR còn cần đến các XHDS chứ không chỉ của nhà cầm quyền Việt Nam. Tuy không đưa ra phát ngôn chính thức nào, nhưng Charles Sellers thuộc Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng cho biết, ông đến “để học hỏi và quan sát.” Ông khẳng định, Hoa Kỳ muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam và mong muốn Việt Nam thi hành đầy đủ các hiệp ước về quyền con người, trả tự do vô điều kiện các tù nhân chính trị. Bên cạnh việc thừa nhận tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế, tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng lưu ý không nên kỳ vọng quá nhiều. Ông nhận định thêm, tuy Việt Nam Việt Nam chấp nhận 182 trong tổng số 227 kiến nghị của các nước trong kỳ UPR vừa qua, nhưng các kiến nghị bị bác bỏ đều là ‘những khuyến nghị hết sức cốt lõi về nhân quyền’ về ‘đa nguyên, quá trình dân chủ, tự do biểu đạt.’ Các tổ chức XHDS cần tìm ra những điểm tích cực mà Việt Nam đã chấp nhận để đối thoại, ông kết luận. Đức Thiện, VRNs Nguồn: VRNs
......

Báo TQ: Hà Nội đang chơi trò…liều giữa Mỹ và Trung Quốc

UV BCT Lê Hồng Anh vừa thăm Bắc Kinh, về Hà Nội, chưa làm xong báo cáo gửi BCT, thì Trung Quốc đã xỏ xiên bằng một bài báo trên Hoàn Cầu Thời báo (HCTB – Global Times) – phát ngôn của Nhân dân Nhật báo bằng tiếng Anh – với cái tít “Việt Nam đang chơi trò liều giữa Trung Quốc và Mỹ”. Chưa dừng ở đó, HCTB còn đăng cái ảnh giễu một anh nông dân đội nón cầm ô, chân đi dép thái, mặc áo nâu sồng gì đó, mồ hôi túa ra và đang…leo dây. Trông na ná ông khách vừa ở Trung Nam Hải. Nhìn mà tức điên. Tranh châm biếm của Hoàn Cầu Thời báo. Xem bài này thấy cái tone của Ngoại giao thuyền thúng. Dịch lược như sau – by Cua Times :)   Vào giữa tháng 8, tướng Mỹ Martin Dempsey thăm VN, như một biểu tượng về quốc phòng và an ninh Mỹ – Việt. Nhiều người cho rằng, đây là bước “đại nhảy vọt” của hai quốc gia về quốc phòng. Sau chuyến đi của Dempsey, ông Lê Hồng Anh, đặc phái viên cao cấp của TBT Trọng đến Bắc Kinh nhằm khai thông bế tắc sau vụ giàn khoan. Hai chuyến đi phát ra hai thông điệp. Dempsey sang Hà Nội để hợp tác an ninh và quốc phòng, với hy vọng VN mua được vũ khí Mỹ để tự tin đối trọng với Trung Quốc. Nhưng chuyến đi của ông Lê Hồng Anh lại gửi một tín hiệu khác: Hà Nội muốn sự ổn định và hàn gắn với Bắc Kinh, dù đã bị sứt mẻ trong mấy tháng qua. Hai thông điệp này xem ra đầy mâu thuẫn. Quan hệ Mỹ Việt tốt hơn sẽ làm Bắc Kinh nghi ngờ về sự thật lòng của Hà Nội. Ông Lê Hồng Anh tới Bắc Kinh cũng chỉ cho Mỹ biết là Hà Nội không quá thiết tha gì với Mỹ đâu. Theo một nghĩa nào đó, trò ngoại giao leo dây này làm cho cả Mỹ và Trung Quốc đều thất vọng. Có vẻ Việt Nam đang áp dụng chiến thuật “tự mâu thuẫn mình”  trong bảo vệ quyền lợi quốc gia. Một mặt, Hà Nội muốn Washington chống lưng, nhưng lại không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Washington. Những gì xảy ra tại Iraq, Afghanistan, Ukraine, những động thái yếu đuối và nhu nhược của Washington chứng tỏ rủi ro cao nếu có quốc gia nào tìm cách chọn Mỹ làm đồng minh để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Hơn thế, những gì xảy ra trong lịch sử Mỹ-Việt thì không thể một sớm một chiều để quan hệ có thể đơm hoa kết trái. Vì thế, cho dù hợp tác quân sự và an ninh có tốt hơn thì hai bên còn dò xét nhau chán mới có thể tin được. Mặt khác, Việt Nam không thể đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông với cái giá làm đóng băng quan hệ láng giềng. Người ta có thể chọn bạn mà không thể chọn láng giềng. Nước nhỏ và trung bình không thể đối đầu với các nước lớn nếu không còn lựa chọn nào khác. Việt Nam đối đầu với Trung Quốc là chiến lược không khôn ngoan. Việt Nam nên uyển chuyển hơn khi quan hệ Việt Trung trở nên canh chẳng ngọt, cơm chẳng lành. Hai nước cần nhìn vào thực tế để thỏa hiệp trong những thời điểm nhất định. Kịch bản lý tưởng đối với Việt Nam là Hà Nội được Washington ủng hộ về chính trị, an ninh quốc gia, và ngoại giao, khi căng thẳng với Trung Quốc. Và có thể dùng lợi thế đó, dù rất hạn chế, để làm nhặng xị trên biển Đông. Nhưng kịch bản lý tưởng này chỉ có thể có được khi giữ thế cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong cuộc chơi này, không chỉ Việt Nam đang cầm cái. Hà Nội đang leo dây bằng cách lợi dụng cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Trung Quốc đã rất kiềm chế, nhưng tình hình có thể mất kiểm soát nếu Việt Nam tiếp tục khiêu khích. Chơi trò leo dây giữa Mỹ và Trung Quốc xem ra nguy hiểm cho Việt Nam. Hà Nội cần dừng kiểu xoay trục và giữ một thái độ nhất quán về biển Đông. Hà Nội cần chiến lược bài bản và khôn ngoan chứ không phải thói khôn vặt và cơ hội. Tiếng Anh gốc ở đây – Nhờ ai đó dịch chuẩn hơn :)http://www.globaltimes.cn/content/879564.shtml Theo Global Times Nguồn: hieuminh.org
......

Chính quyền VN 'cố đấm ăn xôi' với yêu cầu 'viết đơn xin tha tù'

Ngày 28/8 vừa qua, Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, bị chính quyền Việt Nam bỏ tù về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vào tháng 4 năm 2012, đã gọi điện về gia đình và báo là người của Bộ Công an đã yêu cầu ông “viết đơn xin tha tù" để được “đặc xá” nhân Quốc khánh 2/9 nhưng ông đã không chấp nhận. Tôi không ngạc nhiên về yêu cầu này của công an Việt Nam vì nó đã xảy ra với bản thân tôi, người cũng bị chính quyền Việt Nam bỏ tù theo “tội danh” này một năm trước đó, vào tháng 4 năm 2011. Cuối tháng 8 năm ngoái, 2013, cũng khoảng ngày 28, hai sĩ quan Tổng cục An ninh - Bộ Công an Việt Nam đã đến gặp tôi tại trại giam số 5 – Bộ Công an (Yên Định, Thanh Hóa) và nói: “Anh Vũ viết đơn xin định cư ở Mỹ thì anh sẽ được Chủ tịch nước đặc xá nhân Quốc khánh 2/9”. Ngay lập tức tôi thẳng thừng: “Không bao giờ tôi viết đơn xin định cư ở Mỹ hay bất cứ nước nào khác để ra khỏi nhà tù! Ngược lại, Nhà nước phải trả tự do cho tôi ngay tức khắc và vô điều kiện vì việc tôi đấu tranh chống chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam để Việt Nam có Dân chủ và Nhân quyền là hoàn toàn chính nghĩa, tôi chỉ có công với Nước, với Dân chứ không có tội!”. Hơn 3 tháng sau, ngày 10 tháng 12, cảnh sát trại giam đưa tôi ra khỏi buồng giam với lý do Đại sứ quán Mỹ muốn gặp tôi. Trước sự có mặt của hơn chục công an, bà Jenifer Neidhart de Ortiz, đại diện Đại sứ quán Mỹ, qua phiên dịch là anh Mạnh, nói với tôi: “Chính phủ Mỹ rất vui mừng và hân hạnh mời Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ sang Mỹ để làm việc cho Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam cũng như cho quan hệ tương lai giữa Mỹ và Việt Nam. Chính phủ Mỹ cũng bảo đảm cho gia đình của Tiến sĩ cùng sang Mỹ với Tiến sĩ”. Tôi đáp: “Tôi cảm ơn thiện chí này của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên đây là việc hệ trọng liên quan đến cả gia đình tôi nên tôi cần trao đổi việc này với gia đình tôi. Tôi sẽ sớm thông báo Đại sứ quán Mỹ về quyết định của tôi”. Đến tháng 1 năm nay, 2014, bà Neidhart de Ortiz một lần nữa vào trại giam để nhận câu trả lời chính thức của tôi. Tại buổi gặp, vẫn trước mặt hơn chục công an của cả Bộ ông an lẫn trại giam, tôi nói với vị đại diện Đại sứ quán Mỹ: “Sau khi đã trao đổi với gia đình tôi, tôi quyết định chấp nhận lời mời của Chính phủ Mỹ để sang Mỹ làm việc cho Dân chủ và Nhân quyền của Việt Nam. Tuy nhiên một lần nữa để Chính phủ Mỹ không ngộ nhận về tôi - Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, ngay lúc này trong nhà tù của chính quyền cộng sản Việt Nam tôi khẳng định cho dù sang Mỹ thì trái tim và khối óc của tôi luôn thuộc về Tổ quốc và nhân dân Việt Nam và tôi sẽ đấu tranh đến cùng chống lại chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam (I will fight the dictatorship of the Communist party of Viêt Nam until the end)”.   Bà Neidhart de Ortiz cảm ơn tôi về việc tôi đã nhận lời mời của Chính phủ Mỹ. Ngay lúc đó Đại tá, phó giám thị trại giam Lê Duy Sáu đứng lên nói: “Anh Vũ phải viết đơn xin tha tù thì mới đi Mỹ được”. Bà Neidhart de Ortiz phản ứng: “Trong các buổi làm việc với Đại sứ quán Mỹ về việc trả tự do cho Tiến sĩ Vũ để Tiến sĩ Vũ đi Mỹ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam không hề nói đến việc Tiến sĩ Vũ phải viết đơn xin tha tù. Đây là việc phát sinh”. Cai ngục này lúng búng: “Đây chỉ là thủ tục để anh Vũ đi Mỹ thôi”. Tôi nghiêm giọng: “Không bao giờ có chuyện tôi viết đơn xin tha tù vì tôi không có tội! Ngược lại, tôi sẽ gửi cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang văn bản yêu cầu trả tự do cho tôi ngay lập tức và vô điều kiện vì Nhà nước bỏ tù tôi trái pháp luật. Tôi cũng sẽ gửi cho Đại sứ quán Mỹ một bản sao văn bản này”. Và đó là điều mà tôi đã làm ngay sau cuộc gặp với vị đại diện Đại sứ quán Mỹ. Cũng cần nói thêm rằng cuối buổi gặp với tôi, bà Neidhart de Ortiz đề nghị công an cho bà một bản sao ghi cuộc gặp mà công an thực hiện bằng camera nhưng đề nghị này của bà đã không được đáp ứng. Đầu tháng 4 vừa rồi, công an đưa tôi tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam. Xét thấy đây là thủ tục cần thiết để xuất cảnh nên tôi đã điền họ, tên và ký vào tờ khai này. Và đến 6 giờ chiều ngày 6 tháng 4 thì công an đưa tôi từ trại giam thẳng ra phi trường Nội Bài (Hà Nội) để bay sang Mỹ bất chấp yêu cầu trước đó của tôi là qua nhà tôi tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội để tôi thắp nén hương trước bàn thờ tổ tiên và ôm hôn tạm biệt người thân cũng như qua Nghĩa trang quốc gia Mai Dịch để thắp nén hương cho thân phụ tôi là Nhà thơ Huy Cận và bác ruột đồng thời là cha nuôi của tôi là Nhà thơ Xuân Diệu. Chỉ ngay khi máy bay hãng Korean Air nơi vợ tôi là Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và bà Neidhart de Ortiz, đại diện Đại sứ quán Mỹ, đợi sẵn chuẩn bị cất cánh, người của Bộ Công an mới dúi cho tôi “Quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù” cho người bị kết án là Cù Huy Hà Vũ do Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ký cùng ngày với lý do “người bị kết án bị bệnh nặng”! Trước khi bước lên máy bay, tôi giơ tay hình chữ “V” hô to với tất cả mọi người có mặt, từ hành khách cho đến công an, an ninh và nhân viên phi trường: “Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ chiến thắng!” Có thể nhận định gì từ yêu cầu “viết đơn xin tha tù” mà công an Việt Nam đã đặt ra với tôi, với Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và với những tù nhân khác nữa? Không nghi ngờ gì nữa, việc công an Việt Nam yêu cầu tù nhân “viết đơn xin tha tù” hoàn toàn mang động cơ chính trị. Thực vậy, nếu chỉ cần viết một lá đơn như thế mà được ra tù thì nhắm mắt cũng có thể nói 100% những tù nhân thừa nhận bản thân phạm tội sẽ làm ngay tắp lự đồng nghĩa việc bỏ tù họ là thừa, nếu không muốn nói là ngớ ngẩn. Do đó yêu cầu này của công an Việt Nam chỉ có thể nhắm đến tù nhân luôn khẳng định bản thân vô tội và được công luận trong và ngoài nước hối thúc trả tự do. Vậy tại sao lại có tù nhân như vậy?   Trước hết cần nhắc lại rằng Điều 69 Hiến pháp Việt Nam 1992, Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng như Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên bảo đảm cho công dân quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Nói cách khác, việc thực hiện các quyền này một cách ôn hòa, bất bạo động là hoàn toàn hợp pháp và vì vậy không thể là tội phạm. Thế nhưng với bản chất độc tài cộng sản, chính quyền Việt Nam quyết xóa sổ các quyền con người này trên thực tế bằng cách đặt ra Điều 88 – “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Điều 258 – “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, Điều 79 – “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” trong Bộ Luật hình sự để đàn áp, bỏ tù những công dân thực hiện các quyền chính đáng này. Tóm lại, ba điều luật hình sự này là trắng trợn vi Hiến và vi phạm công pháp quốc tế mà Việt Nam đã cam kết tuân thủ. Điều đáng chú ý là để né tránh sự phản đối quyết liệt ba điều luật hình sự phản nhân quyền đồng nhất với trái pháp luật nói trên từ công luận, đặc biệt từ các nước dân chủ phương Tây, nhất là trong bối cảnh chính quyền Việt Nam đang ra sức ve vãn các nước này để có được lợi ích kinh tế lớn như TPP nhằm cứu vãn nền kinh tế quốc gia bên bờ sụp đổ vì tham nhũng, chính quyền Việt Nam bèn tạo dựng cho người đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam hành vi phạm tội phi chính trị để bỏ tù họ cho bằng được. Đó là điều đã xảy ra với Lê Quốc Quân, bị bỏ tù theo Điều 161 – “Tội trốn thuế”, Trần Khải Thanh Thủy, bị bỏ tù theo Điều 104 – “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, hay mới đây nhất, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh, bị bỏ tù theo Điều 245 – “Tội gây rối trật tự công cộng”… Như trên phân tích, những người thực hiện các quyền tự do, dân chủ không phải là tội phạm dưới bất kỳ hình thức nào và do đó việc bỏ tù họ là hoàn toàn trái pháp luật. Điều này giải thích vì sao chính quyền Việt Nam tìm mọi cách buộc họ nhận tội, kể cả dưới dạng “viết đơn xin tha tù” cốt hợp pháp hóa hành vi đàn áp nhân quyền của chính quyền này. Thực vậy, “viết đơn xin tha tù” là thừa nhận bản thân phạm tội và xin được khoan hồng. Do đó tù nhân bị tù do đấu tranh bất bạo động chống độc tài cộng sản, vì Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam, thường được gọi là tù nhân chính trị - tù nhân lương tâm, mà “viết đơn xin tha tù” thì chẳng những hợp pháp hóa hành vi bỏ tù họ trái pháp luật của chính quyền Việt Nam mà còn phủ nhận tính chính nghĩa cuộc đấu tranh này, điều mà những kẻ đưa ra yêu cầu mong ngóng nhất. Ngay dù không “viết đơn xin tha tù” mà tù nhân chính trị - tù nhân lương tâm “viết đơn xin định cư ở Mỹ hay nước khác” thì cũng là hủy hoại cuộc đấu tranh chính nghĩa nói trên vì làm thế chẳng khác nào thừa nhận cuộc đấu tranh này rốt cuộc sẽ không đi đến đâu. Vì thế những tù nhân chính trị - tù nhân lương tâm có niềm tin sắt đá vào tất thắng của cuộc đấu tranh nhằm thiết lập Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam đều thà ở tù đồng nhất với chấp nhận cái chết có thể đến bất cứ lúc nào chứ nhất định không chịu “viết đơn xin tha tù”, “viết đơn xin định cư ở nước ngoài” như nhà cầm quyền cộng sản thúc ép. Tóm lại, việc chính quyền Việt Nam ép tù nhân chính trị - tù nhân lương tâm “viết đơn xin tha tù” hay “viết đơn xin định cư ở nước ngoài” khi buộc phải trả tự do cho họ do áp lực trong nước và ngoài nước, đặc biệt từ Mỹ và các nước dân chủ phương Tây khác, rõ ràng là hành vi vớt vát điều không thể có của kẻ yếu bởi không có chính nghĩa, hay “cố đấm ăn xôi” như lời cổ nhân nước Việt. Điều này có nghĩa cách tốt nhất đối với chính quyền cộng sản Việt Nam để không phải “cố đấm ăn xôi” và hơn thế nữa, để sớm thiết lập chế độ Dân chủ - Đa đảng nhằm bảo đảm Nhân quyền đầy đủ như toàn dân Việt Nam và cộng đồng văn minh quốc tế đang quyết liệt đòi hỏi, là xóa bỏ không chậm trễ các điều luật hình sự phản nhân quyền cũng như trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị - tù nhân lương tâm ngay lập tức và vô điều kiện. Nguồn: voatiengviet.com
......

Nhất quyết không trả cho Ceasar

Đầu tháng, tôi thường để ý xem tháng đó những sự kiện gì cần lưu ý để chuẩn bị trước. Những sự kiện này cũng thay đổi theo thời gian và tuổi tác của tôi. Khi còn đi học, Tháng 9 có ngày Khai trường vào đúng ngày Mùng 5 là cần lưu ý nhất. Trước ngày đó, chúng tôi không hề bước chân vào trường trong suốt mấy tháng hè. Đúng bong ngày Khai giảng, cả trường tề tựu làm lễ ở sân như khi chào cờ, sau đó về lớp của mình để nghe Thầy Cô Chủ nhiệm mới dặn dò, bầu Ban Cán sự lớp, chép Thời Khóa biểu mới. Cứ thể chúng tôi nhẹ nhàng bước chân vào năm học mới. Thế hệ 7x đời đầu chúng tôi chỉ được nghe nói đến bài “Tôi Đi học” của Nhà Văn Thanh Tịnh chứ không được học vì bài này không có trong Sách Giáo khoa. Tuy vậy, thời chúng tôi, mọi thứ vẫn còn trong trẻo như bài hát “Đi học” cho dù mầm mống cái xấu đã bắt đầu lác đác xuất hiện qua việc học thêm và hệ lụy của nó là ai không học thêm thì không được ưu ái như  các bạn “nhà có điều kiện” khác. Tôi nhớ năm lớp 9, Cô Chủ nhiệm cũng là Cô giáo dạy Văn có gọi tôi và một bạn khác đến và bảo: “Điểm của hai em đủ để được tuyển thẳng lên Lớp 10 (không phải thi), nhưng còn thiếu 0.25 điểm Môn Văn của cô nữa mới được. Hai đứa cho cô ăn chè đi rồi cô nâng điểm cho!” Nhà tôi khi đó lo ăn còn không đủ, có ai ngó ngàng được đến chuyện học của tôi. Tôi học sao cũng được, miễn đừng ở lại lớp là được! Cần phải nói thêm là tôi chưa từng là học trò cưng của Thầy Cô dạy Văn hồi còn học Phổ thông. Thú thật, cho tới giờ, tôi cũng chẳng biết tôi đã học được gì về Văn dưới mái trường Xã nghĩa! Quay trở lại với vấn đề lớn của tôi. Tôi băn khoăn rất nhiều về lời Cô nói nhưng chẳng biết phải làm gì. Sau cùng, tôi đành xin Má tôi một cái bánh Trung thu lớn để biếu Cô (đang mùa Trung thu, gia đình tôi làm bánh bán). Bà Mẹ buôn thúng bán bưng của tôi chẳng hiểu “tuyển thẳng” là gì, nhưng cũng cho tôi một cái bánh. Bây giờ, nghe đến bánh Trung thu thấy bình thường, chứ ngày ấy, bột, đường, đậu, thịt, v.v rất đắt đỏ, cái bánh ấy không hề nhỏ đối với gia đình tôi. Tôi rủ nhỏ bạn đồng cảnh ngộ đến nhà Cô. Khi gặp nhỏ bạn ở điểm hẹn, tôi thấy cô nàng đi tay không, chẳng quà cáp gì cả. Nhỏ bạn tỉnh bơ trả lời tôi: “Bả thích ăn chè thì tao cho bả ăn chè”. Nói là làm. Nó kêu tôi dừng lại ở một quán chè rồi mua 10 bịch chè, bỏ vô một cái bao đưa tới cho “bả”. Khi gặp Cô, chúng tôi trao cho Cô “lễ vật” của mình. Cô cầm bịch chè bự chảng của nhỏ bạn rồi hỏi: “Cái gì vậy em?”. Nó lại tỉnh rụi: “Bữa hổm Cô nói muốn ăn chè?” Cô tôi tặc lưỡi bảo: “Hai cái đứa này, Cô nói chơi mà làm gì kỳ vậy!” Đã 30 năm rồi, câu chuyện ăn chè này vẫn còn ám ảnh tôi, nhà Cô chỉ có 3 người, tôi cứ thắc mắc Cô đã làm gì với 10 bịch chè đá ấy! Phải chi ngày ấy Cô đừng nói chơi cho tâm hồn non trẻ của hai đứa tôi vẫn còn lành lặn! Thôi thì tôi cũng vẫn còn may, nhờ cái bánh ấy mà tôi được vào lớp học tốt và cuộc đời tôi cũng đi theo một ngã rẽ khác. Cái giá cũng không đến nỗi mắc! Giờ thì tôi thấy các bậc phụ huynh vất vả về sự học của con cái hơn Cha Mẹ chúng tôi ngày trước. Bây giờ chưa hết Tháng 8 mà cách đây hai tháng tôi đã thấy mọi người xung quanh nháo nhác chạy trường cho con. Vợ chồng cậu em họ tôi, làm việc cho Xí nghiệp May mà cũng phải bấm bụng chi 25 Triệu để bé gái con nó được học ở trường của Phường bên cạnh vì trường của phường nhà gần ngay ổ xì ke. Cậu nhân viên trong văn phòng tôi thì hí hởn vì chỉ phải trả 15 Triệu để con học ở một trường tiện đường cho Bà nội đón đưa. Cô bạn làm ở văn phòng kế bên kể rằng cô phải o bế cả tay bảo vệ để hắn xi nhan cho cô ấy khi nào Thầy Hiệu Trưởng về để cô tới chạy trường! Cách đây một năm, mọi người đã rất bàng hoàng chứng kiến trên tivi hình ảnh phụ huynh sếp hàng chờ phát đơn từ tờ mờ sáng và họ đã xô xập cả cửa trường để giành lấy một lá đơn cho con. Chẳng biết họ mong con mình học được gì ở ngôi trường bị chính họ hè nhau đẩy xập cổng! Sự đảo điên và dối trá của Giáo dục Việt nam còn được thể hiện qua cả cái ngày Khai giảng. Những năm gần đây, các em bắt đầu học từ giữa Tháng 8, nhưng ngày Khai giảng vẫn là ngày 5/9. Chẳng biết tâm trạng của các em trong ngày đó ra sao nữa. Lẩn thẩn, tôi lần mò trên mạng thì thấy giải thích tính ưu việt của việc học sớm: học sinh không phải thi vào mùa Noel, được nghỉ Tết dài ngày, v.v… còn khai giảng 5/9 là làm cho đúng với lời dặn của ông cụ! Tôi thì chỉ thấy khôi hài cho cái sự máy móc làm theo lời bác dặn ấy! Đã trót càm ràm thì tôi phải nói cho nốt cả sự xuống cấp về đạo đức của một ngành cao cả khác cũng có những người Thầy, nhưng các Thầy không dạy học mà chuyên chữa trị cho bệnh nhân. Tháng trước, có quy định cấm không cho Thầy thuốc nhận phong bì! Tôi cũng như mọi người, chỉ cười ruồi vào cái quy định ấy. Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi, viết khơi khơi quy định mà chẳng quyết tâm thực hiện nó thì các cửa hàng Văn phòng phẩm vẫn còn kiếm bộn tiền nhờ bán phong bì cho bệnh nhân. 25 năm trước, tôi nuôi chị gái phải làm phẫu thuật ở bệnh viện. Khi hai hộ lý đẩy xe đưa chị từ Phòng hồi sức lên phòng bệnh, tôi làm đúng lời mọi người dặn, nhét vội tiền bồi dưỡng vào túi áo một cô hộ lý. Tôi dại quá, khiêng chị tôi lên giường là trách nhiệm của hai người, vậy mà tôi chỉ nhét tiền vào túi của một người vì nghĩ họ sẽ chia nhau. Người kia không thấy tôi đưa tiền cho mình, liền hất thật mạnh chị tôi lên giường! Giờ thì tôi hiểu tại sao áo của Y, Bác sỹ và cả Hộ lý trong bệnh viện lại có nhiều túi như vậy và cái nào cũng to ơi là to. Cách đây 14 năm, một người chị của tôi được chẩn đoán ung thư giai đoạn 3. Là người trong ngành Y, chị cứ tự loay hoay đi khám bệnh ở Bệnh viện Ung bướu, nhưng chờ hoài, chẳng thấy được sắp lịch mổ dù bệnh chị đã nặng. Chị hỏi thăm một người bà con làm trong bệnh viện này, họ tình thật hỏi chị đã “ghé nhà” Bác sỹ chưa. Ngay tối đó, tôi chở chị đến nhà Bác sỹ vẫn khám cho chị và đưa cho ông phong bì chứa 2 Triệu đồng (Năm 2001: 1 US$ = 15.000đ; Năm 2014: 1 US$ = 21.150đ). Hai ngày sau, chị lên bàn mổ. Số tiền chị bỏ ra còn rẻ chán so với số tiền của những bệnh nhân ở xa đến, vì không biết “ghé nhà” mà phải ăn dầm nằm dề ở hành lang bệnh viện hàng tháng trời chờ lịch mổ trong khi bệnh tình cứ diễn biến xấu đi hàng ngày. Sự thể đến nước này, theo tôi là do sự quản lý yếu kém của nhà nước. Cứ như trước năm 1975, nhà nước ở Miền Nam có hệ thống trường học và bệnh viện công/tư phục vụ cho những đối tượng khác nhau. Nhà nước lo quản lý các trường học và bệnh công cho tốt, còn hệ thống của tư nhân có chuẩn riêng của họ và thước đánh giá chính là sự chọn lựa của người sử dụng dịch vụ. Riêng tôi, tôi đánh giá rất cao hệ thống giáo dục và y tế do các tôn giáo đảm trách, đặc biệt là Công giáo. Trong khu vực do VNCH quản lý từ Miền Trung đổ vào khắp Miền Nam, rất dễ nhận thấy các trường học và bệnh viện do Công giáo lập nên. Thông thường bên cạnh hoặc sau lưng một Nhà thờ Công giáo thế nào cũng có một bệnh viện hoặc một trường học. Bên giáo dục, hệ thống trường học của Dòng tu La san được đánh giá rất cao. Các vị tu sĩ của dòng này đi tu với tôn chỉ phục vụ giáo dục. Họ là những nhà Giáo dục chuyên sâu và rât tận tâm. Còn có Dòng tu Don Bosco, chuyên chú trọng đào tạo nghề cho các thanh thiếu niên. Tôi có một người chú học từ trường này ra, ông có thể tự dựng một căn nhà cho mình. Các Dòng tu nữ lại chuyên về giảng dạy ở cấp Mẫu giáo, các Viện Mồ côi. Tóm lại, các vị tu sỹ nam nữ này đã đảm trách công việc giáo dục của mình một cách xuất sắc vì họ làm việc vô vụ lợi và với lòng nhiệt huyết xuất phát từ trong tim. Về Y tế, bệnh viện do Công giáo xây dựng thì nhiều lắm. Trong số các bệnh viện đó, tôi ấn tượng nhất là những Khu chữa trị cách biệt cho bệnh nhân phong hủi mà hầu như chỉ có những tu sỹ với tinh thần hy sinh cho tha nhân triệt để mới dám dấn thân đến với những bệnh nhân bất hạnh này. Bây giờ vẫn còn những bệnh viện mang tên của Dòng tu cũ như Bệnh viện Saint Paul ở Hà nội và Sài gòn. Nhưng tất cả chỉ còn lại cái tên mà thôi. Sau năm 1975, tất cả những cơ sở này của Công giáo đều bị quốc hữu hóa, những bức tượng Thánh trong các bệnh viện cũng bị hạ xuống. Gần 40 năm qua, họ đã làm gì với những cơ sở này thì ai cũng biết. Từ những nơi trước đây được gọi là Nhà thương thì bây giờ vào đây, bệnh nhân nghèo chỉ muốn chết đi vì tủi thân mà thôi. Giờ thì tôi có thể quay trở lại với cái tít của entry này. Chúa Giêsu đã phán “Những gì của Ceasar hãy trả lại Ceasar. Những gì của Thiên Chúa hãy trả lại Thiên Chúa “. Tôi thấy không cần thiết phải kể lại điển tích của câu chuyện này. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến những người cố tình cầm những cái không phải thuộc về mình và làm hỏng nó đi, khi bị đòi trả lại cho chủ nhân của món đồ thì họ nhất định không chịu trả, dù trong thâm tâm họ cũng biết họ là những người chủ tồi! Cũng may là vạn sự đều tuân theo quy luật “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Những ngày này, tôi đã thấy vài tín hiệu le lói báo hiệu điều tốt lành. Ờ Sài gòn và vài ba tỉnh thành khác, có những trường Mẫu giáo do các Dì phước mở ra được phụ huynh đặt chỗ cho con từ lúc mẹ mới mang thai. Họ tin tưởng giao con cho các Dì vì các bé học ở đây sẽ rất lễ phép và phụ huynh không phải lo phong bì cho các Dì. Các cậu thiếu niên không ngoan cũng được Cha Mẹ đưa đến gửi các Linh mục Don Bosco. Lại nữa, những ngày này, nhiều người (kể cả cán bộ CS) đã cho con tham gia sinh hoạt Hướng đạo (Scout) ở các công viên vào sáng Chủ nhật vì  họ biết tổ chức này tốt hơn Đoàn/Đội trong việc giúp con em họ trở nên tự trọng và tự lập. Dù có người không chịu trả thì “của Ceasar” cũng sẽ tự tìm về với Ceasar mà thôi! Nguồn: uyenvysaigon70.wordpress.com
......

Một góc khuyết trong lịch sử Việt Nam

Tôi không biết bạn nghĩ gì khi nghe câu phát biểu này của ông Vũ Ngọc Hoàng, một quan chức cấp cao của ban tuyên giáo Trung Ương. Còn tôi thì thấy lỗ tai điếc ù, chân tay rụng rời và tim thì hoá đá. Dù thực tế đã nghe nói nhiều, đã thấy hiển nhiên, nhưng đây lại là lời phát biểu của một ông quan lớn. Những người chỉ quen nổ về những thành tựu vĩ đại qua những con số vĩ đại và được thực hiện bởi những con người “VĨ ĐẠI”: ... đi xin việc làm osin ... “Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin…” Thú thật, tối không am hiểu nhiều về lịch sử. Nhưng khi đọc tác phẩm đồ sộ Tri thức tinh hoa Việt Nam đương đại của Hàm Châu thì tôi thấy rằng lịch sử nước ta đang thiếu một thứ, một thứ vô cùng quan trọng, đó là một thế hệ DÁM DẤN THÂN CHO SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI VÀ CÁCH TÂN ĐẤT NƯỚC. Một sự nghiệp có thể dẫn tới sự vinh quang đi kèm với bi kịch cá nhân. Lịch sử đang thiếu một lớp người như vậy. Đất nước đang thiếu một thế hệ như vậy.   Qua sự kiện HD981 tôi đã rất hy vọng rằng đất nước sẽ có một cú CHUYỂN MÌNH vĩ đại, tôi đã hy vọng như thế và rất kỳ vọng như thế. Nhưng có lẽ tất cả đã sụp đổ. Phe thân Tàu lại tiếp tục thân Tàu. “Quả bom” 981 đã tiễn hơn 4000 dân Tàu về nước nhưng giờ họ lại sang với số lượng gấp ba. Một con số khiến cho tất thảy những người con yêu nước đều hoang mang và kinh hãi. Suốt bốn tháng qua chủ đề thoát tàu nóng sốt trên mọi phương tiện, mọi ngõ ngách của đời sống người Việt. Với 90 triệu con tim, hàng trăm ngàn bài viết, vô số những kế sách, kiến nghị, hội thảo, hội đàm… Nhưng bây giờ tất cả thành vô nghĩa. Chuyến thăm của Lê Hồng Anh sang Trung quốc giống như một nhát dao ngoáy sâu vào từng khúc ruột và cắt đứt cuống tim của hàng triệu con người, là một sự PHẢN BỘI đắng gắt của Đảng với nhân dân. Hy vọng cái gì nữa, kỳ vọng cái gì nữa. Rồi cũng thế thôi, chúng ta lại phải chứng kiến một thời kỳ mà trở lại sự bi kịch và bế tắc như ban đầu, tiếp nối một thời kỳ nô lệ cho quân Tàu và dân Tàu. HD981, sự kiện ấy đã nói lên tất cả, nó phơi bày sự yếu kém của chúng ta, nó cũng phơi ra sự hủ bại của xã hội. Chúng ta đang thiếu những nhà lãnh đạo kiệt xuất. Đang thiếu một thế hệ dám dấn thân mình vì nước vì dân. Chúng ta đang thiếu, lịch sử cũng đang thiếu. Chúng ta có quá nhiều anh hùng vang danh trong thời chiến, nhưng chưa có một vị anh hùng thực thụ trong thời bình. Chúng ta có những chiến thắng vang dội năm châu và những vị tướng lừng danh thế giới. Nhưng không có những nhà kinh doanh giỏi, những nhà khoa học giỏi, những nhà văn hóa, nghệ thuật giỏi, có ảnh hưởng với thế giới. Để đổi mới, để vươn lên, cải tổ mình trong cảnh đổ nát. Chẳng còn cách nào khác là chúng ta phải dấn thân, phải có một “Giấc mơ Việt Nam” thái bình, thịnh vượng và con đường để đến giấc mơ đó. Một giấc mơ đủ lớn, đủ thực và đủ đẹp để tất cả mọi người Việt Nam tự hào dấn thân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nếu dân tộc ta không có khát khao mãnh liệt về một xã hội tốt đẹp hơn cho chính thế hệ mình và các thế hệ con cháu trong tương lai thì chúng ta chỉ mãi ở trong vòng xoáy đói nghèo và lạc hậu, tự vấp chân nhau rồi dẫm đạp lên nhau. Chúng ta cần hiểu rằng, thay đổi đến từ chính bản thân chúng ta. Ta là người nắm giữ vận mệnh cuộc đời ta, vận mệnh của đất nước. Khi xã hội đã như vậy, nhà nước đã như vậy thì trách nhiệm của ta càng khó khăn hơn, càng nặng nề hơn gấp bội. Nhưng ta không được nhụt chí mà lùi bước vì khi xã hội càng tệ hại thì ta lại càng phải dấn thân. Phải học tinh thần Samurai của Người nhật, khát vọng Starup của người Irael và nghệ thuật “ăn mày” chất xám của người Hàn. Phải có khát vọng, chỉ khát vọng mới giúp ta có sức mạnh để đạp phăng mọi thử thách trên con đường nhiều gập nghềnh và giăng dắc những gian truân. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải đọc nó, đọc Tri thức tinh hoa Việt Nam đương đại để hiểu được con đường của cha anh, trí tuệ của cha ông. Để thấy rằng, đất nước chúng ta đang thiếu, lịch sử chúng ta đang thiếu một trang sách mang tên VĂN MINH VÀ HIỆN ĐẠI. Với tất cả sự kính trọng đối với cha ông, tôi cho rằng, để thay đổi định mệnh của đất nước, dân tộc thì nhiều khi phải dám nghĩ và làm khác cha ông. Và chúng ta đang chờ đợi một thế hệ như vậy. Những con người dám quên mình để dấn thân, để cách tân, đổi mới, đưa đất sang một trang mới hào hùng mang tên “giàu mạnh và thịnh vượng”. Hôm nay ngày quốc khánh, tôi ngồi lặng nghe về quá khứ hào hùng và anh dũng của cha anh trong thời kỳ chiến tranh đổ máu. Nhưng sao tôi không nghe thấy một trang sử hào hùng của thời đổi mới, một trang sử TINH HOA thời hiện đại. Góc khuyết ấy kéo dài đến bao giờ sẽ tiếp tục ì trệ đến bao lâu? Nó là câu hỏi cho tất cả chúng ta, cho bạn, cho tôi và cho cả thế hệ mai sau. Một góc khuyết của lịch sử Việt Nam. Nguyễn Văn Thương   Nguồn: triethocduongpho.com Văn phong và nội dung của bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.  
......

Nhiều tướng tá lên tiếng về vai trò quân đội, công an

KIẾN NGHỊ của một số cựu sĩ quan Lực lượng vũ trang nhân dân gửi Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ CHXHCN Việt Nam Hình Trung Tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham Mưu Ngày 2 tháng 9 năm 2014 Kính gửi : - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng   Chúng tôi là những người lính trọn đời “Trung với Nước, Hiếu với Dân”, luôn trăn trở với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân. Đứng trước tình hình nghiêm trọng, đe dọa an ninh, chủ quyền và sự phát triển của Quốc gia, chúng tôi vô cùng lo lắng và thấy cần phải kiến nghị với Lãnh đạo Nhà nước một số điểm như sau. 1. Lực lượng vũ trang mang tên Nhân dân phải luôn luôn vì Nhân dân, nên không được huy động Quân đội và Công an vào bất cứ việc gì có hại cho Nhân dân. Sức mạnh của Lực lượng vũ trang chỉ có được khi dựa vào Nhân dân, nên không được đánh mất tín nhiệm đối với Nhân dân. Vì vậy, để bảo vệ uy tín của Quân đội là lực lượng có nhiệm vụ hiến định “quốc phòng”, tức là bảo vệ Tổ quốc trước ngoại xâm, cần chấm dứt ngay việc huy động Quân đội vào những sự vụ mang tính đối kháng với Nhân dân, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa… Để khôi phục uy tín của Công an, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ hiến định “bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”, tuyệt đối không lạm dụng lực lượng Công an vào việc đàn áp những người dân vô tội, chỉ yêu cầu giải quyết quyền lợi hợp pháp của mình. 2. Các chiến sĩ Lực lượng vũ trang chỉ có thể yên tâm rèn luyện và sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc khi tin tưởng rằng cống hiến của họ luôn được Nhà nước ghi nhận thỏa đáng và gia đình của họ sẽ được Nhà nước chăm sóc chu đáo. Việc cố tình phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và mấy trận chiến bảo vệ biển đảo không chỉ phủ nhận lịch sử, xúc phạm đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần và quyết tâm chiến đấu của Lực lượng vũ trang. Đó là sai lầm không được phép tái phạm. Để khắc phục hậu quả, phải nhanh chóng giải quyết những cách cư xử không đúng đối với với thương binh và gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, phải sớm khôi phục danh dự và quyền lợi đã bị lãng quên của các liệt sĩ và thương binh đã hy sinh xương máu trong chiến tranh biên giới phía bắc và ngoài biển đảo, gấp rút tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ dọc biên giới phía Bắc đã bị bỏ bê hơn hai chục năm qua.   3. Lực lượng vũ trang cần được xác định rõ ràng và chính xác đối thủ, không thể mơ hồ biến thù thành bạn hoặc coi bạn là thù. Đối tượng tác chiến của Quân đội phải là những thế lực có thể đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong hiện tại và tương lai, chứ không thể là những đối thủ đã thuộc về quá khứ. Đối tượng khống chế của Công an phải là những kẻ tội phạm và các hành vi vi phạm hiến pháp, pháp luật, dù ở trong hay ngoài bộ máy cầm quyền, chứ không thể là những người dân vô tội. Lịch sử đã chỉ ra rằng Nhân dân ta phải thường xuyên đề cao cảnh giác trước nguy cơ ngoại xâm từ nước láng giềng phương Bắc. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của của chúng ta, tuy nay đã tạm rút đi, nhưng vẫn cho thấy họ không hề từ bỏ quyết tâm bá chiếm Biển Đông. Lịch sử cũng cho thấy, sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nước cựu thù đã hợp tác với nhau rất hiệu quả và bền vững, ví dụ như mối quan hệ giữa CHLB Đức và ba nước Mỹ, Anh, Pháp, giữa Nhật Bản và Mỹ, giữa Việt Nam và hai nước Pháp, Nhật Bản. Do đó, không thể vì những quan niệm bảo thủ, giáo điều mà đánh mất các cơ hội hợp tác với các cường quốc tiên tiến văn minh, nhằm phát triển kinh tế, công nghệ, nâng cao sức mạnh quốc phòng và tăng cường sự ủng hộ quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.   4. Là người chủ và người bảo vệ đất nước, Nhân dân và lực lượng vũ trang phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của Quốc gia. Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ ràng với Nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của Quốc gia. Về Hội nghị Thành Đô, có tin nói rằng Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã công bố nội dung thỏa thuận giữa hai bên, trong đó trích dẫn: “Việt Nam mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc”. Chúng tôi không biết thật giả thế nào, yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô năm 1990. Chuyến đi thăm Trung Quốc gần đây của đặc phái viên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận với phía Trung Quốc về ba nguyên tắc chỉ đạo phát triển quan hệ Việt-Trung mà nội dung chỉ nhắc lại những câu sáo ngữ, không nói gì tới thực trạng và các biện pháp chấm dứt các hành động ngang ngược của thế lực bành trướng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta trong mưu đồ bá chiếm Biển Đông. Chưa biết bên trong còn có những thỏa thuận cụ thể gì, nhưng toàn dân và toàn quân yêu cầu lãnh đạo Đảng và Nhà nước có đối sách đúng đắn trước mưu đồ và hành vi xâm lược của thế lực bành trướng Trong Quốc, không thể chấp nhận thái độ thể hiện sự thần phục họ, và càng đòi hỏi phải công khai, minh bạch thực trạng quan hệ giữa hai bên. Trên đây là mấy đòi hỏi cấp bách, nhằm khôi phục uy tín của Quân đội và Công an trong Nhân dân, đồng thời tăng cường sức chiến đấu của Lực lượng vũ trang, để có thể đáp ứng được những thách thức to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. DANH SÁCH NGƯỜI KÝ   1. Lê Hữu Đức, Trung tướng – nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham Mưu. 2. Trần Minh Đức, Thiếu tướng – nguyên Phó Tư lệnh về hậu cần Mặt trận Trị Thiên – Huế. 3. Huỳnh Đắc Hương, Thiếu tướng – nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. 4. Lê Duy Mật, Thiếu tướng – nguyên Tư lệnh Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2. 5. Bùi Văn Quỳ, Thiếu tướng – nguyên Phó Tư lệnh về chính trị bộ đội Tăng–Thiết giáp. 6. Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng – nguyên Chính ủy Quân khu 4. 7. Bùi Văn Bồng, Đại tá – nguyên Trưởng Đại diện báo Quân đội Nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 8. Phạm Quế Dương, Đại tá – nguyên Tổng Biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự. 9. Nguyễn Gia Định, Nghệ sĩ ưu tú Điện ảnh quân đội. 10. Lê Hồng Hà – nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an, ủy viên Đảng đoàn Bộ Công an. 11. Phạm Hiện, Đại tá – nguyên Chánh Văn phòng B 68 đoàn chuyên gia giúp Campuchia. 12. Xuân Phương, Đại tá – nguyên chuyên viên Cục Nghiên cứu Tổng cục Chính trị. 13. Nguyễn Đăng Quang, Đại tá – nguyên cán bộ thuộc Bộ Công an. 14. Đào Xuân Sâm, Cựu chiến binh Hà Nội – nguyên chủ nhiệm khoa Quản lý kinh tế Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. 15. Tạ Cao Sơn, Đại tá – nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2. 16. Đoàn Sự, Đại tá– nguyên Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Tổng cục Chính trị. 17. Lê Văn Trọng, Đại tá – nguyên Trưởng Ban lịch sử Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham Mưu. 18. Nguyễn Thế Trường, Đại tá – nguyên Tổng Biên tập báo Quân giải phóng Trung Trung bộ. 19. Nguyễn Văn Tuyến, Đại tá cán bộ tiền khởi nghĩa – nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự. 20. Nguyễn Huy Văn (tức Kim Sơn), Đại tá lão thành cách mạng – nguyên Phó Trưởng phòng Sở chỉ huy Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham Mưu.
......

Tại sao các nhà hoạt động bị cấm xuất cảnh?

Cựu tù nhân lương tâm Đỗ thị Minh Hạnh bị chặn tại sân bay Nội Bài, bị tịch thu hộ chiếu và an ninh làm việc, không cho xuất cảnh sang Áo để thăm mẹ đang bị bệnh nặng. Đây là trường hợp mới nhất công dân bị cấm xuất cảnh tại Việt Nam. Vì sao an ninh lại hành xử  một cách tùy tiện như thế? Người chứng kiến Cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Đức là người đưa Đỗ thị Minh Hạnh ra sân bay vào sáng ngày 3 tháng 9 đề sang Áo theo thị thực nhập cảnh được đại sứ quán nước này cấp, vào lúc 11 giờ 30 trưa kể lại sự việc : Sáng nay vào lúc 7:45 phút, Đỗ thị Minh Hạnh theo hộ chiếu để đi Áo thăm bà mẹ là bà Trần thị Ngọc Minh bị ba lần mổ ở bên đó ( bà Minh cũng rất mong mỏi được gặp mặt con sau khi ra tù). Ba tuần nay Minh Hạnh đã xin dược visa của Áo, đồng thời cũng đã gặp các đại sứ quán như Na Uy, Đức, Áo, Hoa Kỳ ở Hà Nội vì trước đây họ cũng quan tâm đến tình hình của Minh Hạnh. Trương Minh Đức Đến sân bay, hàng hóa gửi sang cho mẹ đều được kiểm tra hết rồi; khi Minh Hạnh vào cổng số 2 là cổng hải quan thì họ bắt giữ Minh Hạnh. Họ thu hộ chiếu và giữ Minh Hạnh tại An ninh Sân bay- phòng Xuất nhập cảnh ở Hải quan Sân bay Nội Bài. Lúc đầu Hạnh còn điện thoại ra được, nhưng sau đó nghe nói họ chuyển Hạnh sang một phòng khác trong sân bay đó để họ thẩm vấn. Từ đó chúng tôi không liên lạc được với Minh Hạnh và đến giờ phút này cũng chưa biết được tin tức của Minh Hạnh ra sao. Đây là việc làm ngăn chặn những người đấu tranh như Minh Hạnh là người hoạt động công đoàn vừa ra khỏi nhà tù mà không bị quản chế. Đây cũng là quyền đi lại của công dân, đi theo visa hợp pháp chứ không phải đi trốn tránh gì hết. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam họ luôn ngăn chặn điều này để làm khó khăn cho những người đấu tranh trong nước, và đây cũng không phải là lần đầu tiên.   Nhận định về lý do Tính đến lúc này có chừng 40 công dân Việt Nam là những nhà hoạt động xã hội bị cấm xuất cảnh. Trong số này có blogger Nguyễn Lân Thắng, anh cho biết nguyên nhân an ninh không cho những người như anh đi ra nước ngoài dù đã được nước sở tại cấp thị thực nhập cảnh: Tôi nghĩ rằng việc cấm chị Minh Hạnh xuất cảnh, tịch thu visa cũng là tình hình chung của tất cả những người hoạt động xã hội ở Việt Nam. Việc này rất phổ biến đối với kể cả những người ‘danh tiếng’ như Hạnh cũng như những người trẻ chưa có tiếng tăm gì. Đầy là chính sách chung của an ninh đối với tất cả mọi người. Tôi nghĩ rằng việc chặn bắt, tịch thu hộ chiếu tất cả những việc đó nhằm mục đích trấn áp tất cả những hoạt động mà chính quyền họ không ưngblogger Nguyễn Lân Thắng Cách hành xử tùy tiện Theo anh Nguyễn Lân Thắng thì hành xử của chính quyền Việt Nam rất khó hiểu và mang tình tùy tiện: Thực ra chính sách, quan điểm của an ninh Việt Nam cũng như của các bộ phận khác trong chính quyền Việt Nam không phải là thống nhất. Điều này phụ thuộc vào vùng miền, phụ thuộc vào thời điểm, phụ thuộc vào chính bản thân nhóm nào ra quyết định. Cho nên đó là một sự phản ứng không đồng bộ, đôi khi thế này, đôi khi thế kia. Họ thay đổi bất thường và điều đó khó có thể biết tại làm sao?   Thiếu nhân đạo Còn theo nhà báo Trương Minh Đức thì bản thân cô Đỗ thị Minh Hạnh hiện đang phải chữa bệnh phụ khoa, nhưng vì tình cảm đối với người mẹ cũng đang trải qua phẫu thuật chữa những chứng bệnh nặng nên phải cố xin Áo cấp vi sa để sang thăm và chăm sóc mẹ. Nước Áo cũng vì nhân đạo mà cấp visa cho cô, trong khi đó thì phía Việt Nam lại ngăn không cho cô lên đường: Tôi cũng vừa biết Minh Hạnh sau khi ra tù cũng mang nhiều chứng bệnh, trong thời gian biết  mẹ bệnh thì bên này Minh Hạnh cũng bệnh chứ không phải khỏe. Cô bị bệnh phụ khoa phụ nữ. Khi xin visa, đợt trước 2 tuần, Minh Hạnh ra điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Hà Nội. Sau đó Minh Hạnh trở vào Sài Gòn để gặp gỡ một số anh em ở phía Bắc vào để tham dự phiên tòa chị Bùi thị Minh Hằng và hai người bạn ở Đồng Tháp. Phiên tòa xong thì Minh Hạnh ra lại Hà Nội vào ngày 27 và chờ cho đến ngày 3 để lên máy bay đi thăm mẹ. Đợt hai này Minh Hạnh cũng phải đến Bện viện Đa Khoa Hà Nội để chữa bệnh.   Đây là việc làm mà tôi thấy đối với một cô gái nhỏ bé như thế rất là tội nghiệp. Đến lúc này chính quyền Việt Nam vẫn ngăn cản việc này, tôi thấy là việc làm không có nhân đạo chút nào hết.nhà báo Trương Minh Đức   Khó khăn trong đòi hỏi quyền Blogger Nguyễn Lân Thắng khẳng định dù bị tước quyền xuất cảnh nhưng những người như anh tiếp tục lên tiếng đòi hỏi quyền được đi lại của công dân dù rằng công việc này ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều  khó khăn: Hiện tại cũng có nổ lực của nhiều nhóm xã hội dân sự khác nhau, để tuyên truyền về quyền con người, rồi những vấn đề tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do thông tin; thế nhưng điều quan trọng là thay đổi nhận thức trong xã hội còn rất chậm chạp. Bởi vì sự lạc hậu của Việt Nam về những vấn đề quyền con người.. Điều đó không thể một sớm một chiều mà có thể tác động được. Và những nhóm nhân quyền, những nhóm hoạt động cho quyền con người đó chỉ thực sự thành công khi mà có thể lay chuyển đám đông lớn trong xã hội ủng hộ họ. Cho đến bây giờ có thể có rất ít những người ngấm ngầm ủng hộ nhưng cũng vì ‘cơm áo, gạo tiền’, cũng vì những cái vướng víu nên chưa thể ra mặt để ủng hộ những hoạt động đó. Hiện tại ở Việt Nam, trong đấu tranh tồn tại hằng chục các hội, nhóm khác nhau. Việc lập hội, lập nhóm, sự tuyên bố rất dễ dàng; nhưng thực chất là những hội ‘hữu danh, vô thực’ chứ không có nhiều hội có khả năng hoạt động để có thể tổ chức, để có thể làm những hành động phản kháng nào đó. Cái khó nhất ở Việt Nam là văn hóa tổ chức, văn hóa hợp tác, làm việc nhóm rất thiếu. Cho nên sự lên tiếng và hành động của các hội nhóm còn rất hạn chế.   Trong thời gian vừa qua một số người sau khi ra nước ngoài về đã bị an ninh chặn lại làm việc ở sân bay, rồi tịch thu hộ chiếu của họ. Một số người khác như trường hợp cựu tù nhân lương tâm Đỗ thị Minh Hạnh trong ngày 3 tháng 9, chưa ra nước ngoài bao giờ nhưng khi đến sân bay thì bị an ninh chặn lại không cho xuất cảnh. Ngoài 40 người từng gặp trở ngại với phía an ninh trong việc xuất nhập cảnh, tin cho biết danh sách những người bị cấm xuất cảnh như thế tại Việt Nam hiện nay lên đến cả vài ngàn người. Nguồn: rfa.org
......

VÌ SAO MẶT TRẬN TỔ QUỐC KHÔNG THẾ CÓ TIẾNG NÓI ĐỘC LẬP ?

Bù nhìn rơm còn tác dụng đuổi chim, giữ cho ruộng lúa chín. Còn MTTQ VN, quả là hình nộm để Đảng khoác lên đó chiếc áo dân chủ ma mị. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam – một văn bản như Luật Đảng: “Đảng viên có nhiệm vụ phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”. (Điều 2) Cũng theo Luật Đảng, nhân sự trong bộ máy nhà nước, tất cả đều phải là đảng viên. Những nhân sự chủ chốt như bí thư các tỉnh, thành phố, bộ, ngành đều phải được Bộ Chính trị - cơ quan cao nhất của Đảng chuẩn y. Các tổ chức tiếng là “xã hội nhân sự”, như Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) cũng không ngoại lệ, tất cả đều phải là đảng viên. Mà đảng viên thì có nhiệm vụ phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng. Một tiếng nói trái tai Đảng là không thể. Độc lập trong vòng kim cô của Đảng Vừa qua đã diễn ra Hội nghị Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN lần thứ 15 khóa VII, thảo luận các báo cáo và công tác nhân sự Đại hội Mặt trận lần thứ 8. Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận vừa qua còn mờ nhạt. Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Lê Truyền góp ý: Cần làm rõ tính độc lập của Mặt trận trong điều kiện Đảng vừa lãnh đạo, vừa là thành viên của Mặt trận. “Tính độc lập không phải là Mặt trận thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, mà độc lập để nói được tiếng nói của các tầng lớp nhân dân", ông Truyền nói. Quan điểm của ông Lê Truyền cho thấy sự mâu thuẫn: đã gọi là “độc lập” sao lại phải lệ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng? Tiếng nói của các tầng lớp nhân dân hiện nay, có thể như lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, là không còn tin Đảng. Như vậy, đây có thể coi là “thoát ly sự lãnh đạo của Đảng”? Bù nhìn rơm còn giữ được ruộng lúa Hiến pháp 2013, tại Điều 9 quy định “MTTQ VN là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. “MTTQ VN là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, quyền được trao cho MTTQ VN là “tham gia xây dựng Đảng”, mà lại tự ti cho rằng mặt trận không được thoát ly sự lãnh đạo của Đảng – như lời của ông Lê Truyền, thì quả thật khó lòng kỳ vọng vào điều gì ở MTTQ VN. Bù nhìn rơm còn tác dụng đuổi chim, giữ cho ruộng lúa chín. Còn MTTQ VN, quả là hình nộm để Đảng khoác lên đó chiếc áo dân chủ ma mị. Nước đẩy thuyền thì cũng lật thuyền Ông Lê Truyền cũng không sai. Ở văn bản có tên “Quy định 172-QĐ/TW quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng Trung ương do Bộ Chính trị ban hành”, do ông Lê Hồng Anh ký ngày 7-3-2013, tiếp tục trao cho đảng viên “quyền bắt buộc” là lãnh đạo, chỉ đạo những định hướng chính trong các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng mà cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể có trách nhiệm trong soạn thảo; những nội dung quan trọng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. (Trích Điều 2.2) Đã nói đến “tiếng nói độc lập” thì không thể chấp nhận một cơ chế giám sát hay hạn chế nào riêng biệt, vì những hành vi quá đà tự thân nó không còn là “tiếng nói độc lập” và đã được các bộ luật hành chánh, dân sự và hình sự điều chỉnh.   Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, kể rằng năm 2011, khi ông cùng cộng sự thành lập hãng truyền thông tại Hoa Kỳ. Sau khi hoàn thành mọi thủ tục và đã ra mắt, ông đề nghị những cộng sự viên của mình là công dân Hòa Kỳ đến cơ quan quản lý báo chí tiểu bang và liên bang để đăng ký và xin phép cấp mã số báo chí để làm thẻ cho các nhà báo. Các cơ quan chức năng xứ Mỹ bảo rằng quý vị hãy về tự cấp thẻ lấy và tự chịu trách nhiệm về uy tín của tấm thẻ của mình. Ngay các hãng lớn như CNN hay AP cũng làm thế đó. Nói thật, mất lòng. Trung ngôn thì nghịch nhỉ. Dẫu vậy, mất lòng và nghịch nhỉ cùng lắm chỉ tạo sự khó chịu. Ở đây, nếu “tiếng nói độc lập” không theo ý “lãnh đạo của Đảng” thì chuyện tù tội như từng xảy ra với các anh, chị Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày), Tạ Phong Tần, Lê Công Định, Trương Duy Nhất…, có lẽ sẽ còn xảy đến dài dài khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang công nhiên vi hiến. “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Trích Điều 4.3, Hiến pháp 2013).   Minh Tâm Nguồn: Trí Nhân Media
......

Hãy vứt đi "Đảng anh em". Hãy nghĩ về dân tộc

Đặc phái viên của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đi thăm Trung Quốc trong hai ngày 26-27/8/2014 mang về thỏa thuận “Nhận thức chung nguyên tắc ba điểm về phát triển quan hệ Trung - Việt” cho thấy lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không thoát khỏi cạm bẫy của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.   Bỏ lỡ cơ hội Vụ dàn khoan HD 981 là cơ hội tốt nhất cho lãnh đạo Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo nhà cầm quyền Trung Quốc. Nhưng bảo bối “Nguyên tắc ba điểm” mà Đặc phái viên Tổng bí thư mang về cho thấy mọi sự đã an bài. Tất cả không chỉ y nguyên như cũ, mà sẽ tiếp tục xấu hơn cho Việt Nam. Có thể tóm tắt năm bất lợi lớn mà Việt Nam phải đối mặt do “Nguyên tắc ba điểm” đưa lại như sau. 1. Dưới chiêu bài lấy “đại cục” làm trọng, Trung Quốc đã cản trở lãnh đạo Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa án quốc tế, để dễ bề chèn ép Việt Nam trong đàm phán song phương. 2. Trung Quốc tiếp tục xây căn cứ quân sự ở Hoàng Sa Trường Sa. Trung Quốc tiếp tục đưa tàu cá ra khắp Biển Đông. Trung Quốc sẽ khai thác tài nguyên trên vùng biển Việt Nam nơi nào và khi nào mà Trung Quốc thích. 3. Trung Quốc tiếp tục thắng thầu và hàng Trung Quốc tiếp tục tràn ngập thị trường Việt Nam. 4. Người Trung Quốc tiếp tục tràn sang làm việc và sinh sống ở Việt Nam. 5. Trung Quốc cản trở Việt Nam xích gần với Mỹ và các đối tác khác.   Tại sao lại là “hai Đảng”? Không ai trong giới lãnh đạo Việt Nam không ghét nhà cầm quyền Trung Quốc. Nhưng tại sao một số người lại cố bám vào Trung Quốc? Tại sao phải đồng ý với “Nguyên tắc ba điểm”? Câu trả lời rõ như ban ngày: Vì sợ mất sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sợ mất ghế của chính mình. Thật ra họ đã nhầm. Mất sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là do nhân dân Việt Nam quyết định chứ không phải từ lãnh đạo Trung Quốc. Có chăng trong thời điểm hiện nay, với chính sách lãnh đạo hiện hành, giới cầm quyền Trung Quốc có thể tham gia làm vững chắc ghế cho một ai đó.   Sự phản bội lý tưởng Nhìn lại ngày “Tuyên ngôn độc lập” 2-9-1945, hàng triệu người Việt Nam không thể không chạnh lòng chua xót. Con đường Dân tộc lựa chọn sáu mươi chín năm trước hiện đang bị bẻ chệch lái về một hướng hoàn toàn khác biệt. Tưởng thoát ra khỏi chiến tranh rồi thống nhất đất nước thì có điều kiện để “Sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, nhưng không ngờ số phận nghiệt ngã đã đưa Đất nước rẽ sang một đường gấp khúc. Một đường gấp khúc đầy gian nan làm cho Đất nước mỗi ngày một tụt xa với bạn bè quốc tế. Đường gấp khúc đi ngược lại mục đích của cả Dân tộc đã dấn thân, của hàng triệu người đã đổ xương máu. Chậm còn hơn không bao giờ. Những người cầm quyền trong Đảng Cộng sản Việt Nam phải đặt quyền lợi Dân tộc lên trên quyền lợi đảng cầm quyền. Chỉ có mở rộng cánh cửa Dân chủ mới phá được xiềng xích cản bước tiến của Dân tộc. Phải bảo vệ Dân tộc chứ không phải bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng. Chừng nào còn nói đến “hai Đảng” thì chừng đó còn lấy mục đích cầm quyền của Đảng là cao nhất. Chừng đó còn phụ thuộc vào nhà cầm quyền Trung Quốc. Chừng đó còn hy sinh quyền lợi Dân tộc để bảo tồn sự cầm quyền của Đảng. Sự hy sinh quyền lợi Dân tộc này không chỉ giới hạn trong nội bộ quốc gia, mà còn cả sự lệ thuộc ngoại bang ê chề nhục nhã. Hàng chục vạn đảng viên và hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh, không ngờ rằng lý tưởng mà họ lựa chọn đã bị phản bội. Họ dấn thân vì sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi ách thống trị thực dân phong kiến, họ hy sinh vì Độc lập Tự do của Dân tộc, chứ nhất định không phải vì sự cầm quyền của Đảng Cộng sản, cũng như không mảy may vì đảng cầm quyền. Ngay cả những nhà lãnh đạo tiên phong của Đảng dấn thân không màng tính mạng, không sợ tù đày, là vì sự nghiệp giải phóng Dân tộc, chứ không phải vì vai trò lãnh đạo của Đảng. Thế mà hiện nay, một số người cầm quyền trong Đảng lại lấy nhiệm vụ bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là mục tiêu tối thượng, bất chấp bước tiến của Dân tộc, thậm chí cam chịu sự o ép của kẻ thù truyền kiếp. Đảng Cộng sản Trung Quốc không bao giờ là anh em với Đảng Cộng sản Việt Nam cả. Đừng để nhà cầm quyền Trung Quốc lợi dụng “Đảng anh em” để sai khiến và làm tổn hại đến quyền lợi Dân tộc. Chừng nào còn “Tăng cường giao lưu giữa hai Đảng” thì chừng đó còn lệ thuộc nhà cầm quyền Trung Quốc. Hãy vứt đi “Đảng anh em”. Hãy nghĩ về Dân tộc. V. T. D. Nguồn: boxitvn.blogspot.fr  
......

Quá tồi, quá tệ

Phiên tòa xử 3 chiến sĩ dân chủ chống bành trướng Trung Quốc ở Đồng Tháp đã kết thúc chiều 26/8 với những bản án quá nặng nề, so với tội danh «cản trở giao thông». Cô Bùi Thị Minh Hằng bị tuyên án 3 năm tù giam, anh Nguyễn Văn Minh 2 năm rưỡi, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh 2 năm. Dư luận trong nước và quốc tế cùng chung một thái độ cực kỳ phẫn nộ trước sự xét xử quá đáng, đến mức không ai nghĩ đến của tòa án Đồng Tháp. Theo sự thú nhận của địa phương, đây là quyết định của Bộ Chính trị đảng CS, tòa án Đồng Tháp chỉ đóng kịch theo sự chỉ đạo từ Hà Nội. Không ít người theo dõi tình hình đã phán đoán rằng lãnh đạo sẽ buộc phải tỏ ra nới tay đôi chút so với trước đây, sau khi họ buộc phải cam kết tôn trọng nhân quyền trước Liên Hiệp Quốc, hứa hẹn với các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, Liên Âu «sẽ giương cao lá cờ dân chủ», «sẽ thực thi dân chủ và pháp quyền là 2 thành quả song sinh của thời đại». Từ lời nói đến việc làm của họ có cả một hàng rào sắt thép. Ðiều bất ngờ là Bộ Chính trị lần này đã lật lọng quá sớm, đã có thái độ tráo trở và tự phản bội một cách ngang ngược, tàn nhẫn chưa từng có. Phiên tòa ô nhục, bản án bất nhân, chính quyền tội ác, hành động côn đồ, chính trị lưu manh, nhà nước tiểu nhân…là những lời nhận định, phê phán, lên án…lập tức nổi lên khắp nơi, từ các blogger tự do, từ những tấm lòng yêu nước, thương dân, bảo vệ lẽ phải, công lý, phẫn uất trước bạo quyền. Sau cơn phẫn nộ chính đáng, dư luận toàn xã hội cần trao đổi ý kiến để hiểu rõ vì sao lãnh đạo lại chỉ đạo cho phiên tòa Đồng Tháp giải quyết vụ án như đã diễn ra, để có phương án đấu tranh tiếp thích hợp và có hiệu quả. Từ gần 25 năm nay, sau cuộc họp bí mật ở Thành Đô tháng 9/1990, Bắc Kinh luôn coi Bộ Chính trị CS ở Hà Nội là đàn em, là phiên thuộc, là chư hầu tự nguyện. Ai nấy đều biết từ đầu tháng 5/2014, khi Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn HD-981 vào vùng biển nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ngỏ lời xin sang Bắc Kinh để gặp lãnh đạo cao nhất của phía TQ, nhưng họ đã ngạo mạn từ chối. Sau khi rút dàn khoan về, họ cử Dương Khiết Trì, nguyên là bộ trưởng ngoại giao, nay là ủy viên Quốc vụ viện đặc trách đối ngoại (một chức vụ cao hơn ngoại trưởng), sang Hà Nội với một sứ mạng được Tân hoa xã và Nhân dân nhật báo Bắc Kinh mô tả là «để khuyên đứa con hư hỏng bỏ nhà quay về». Bị sỉ nhục như vậy, nhưng Bộ Chính trị Hà Nội vẫn im thin thít. Phía Trung Quốc cao ngạo lấn tới là lẽ tất nhiên. Nay họ bỗng nhiên triệu tập đại diện Bộ Chính trị sang Bắc Kinh gấp. Thế là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cử ông Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng, mang danh nghĩa Phái viên đặc biệt của Tổng Bí thư, sang ngay Bắc Kinh trong 2 ngày 26 và 27 tháng 8 năm 2014. Theo những tin tức được công bố và theo lời người phát ngôn của 2 bên Lê Hải Bình và Hồng Lỗi sau 3 cuộc gặp tại Bắc Kinh, không có gì mới trong quan hệ giữa 2 bên được thỏa thuận, chỉ toàn nhắc tới những thỏa thuận cũ. Điều mới chăng là cả 2 bên không ai nhắc đến «16 chữ vàng» và mối «quan hệ bốn tốt» đã trở nên mỉa mai chua chát. Và điều rõ nhất là phía VN đã tỏ ra lép vế, nhũn như con chi chi. Ông Lê Hồng Anh đã không hề nhắc đến việc phía TQ ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển VN, giết hại bắt bớ, khủng bố ngư dân ta, không hề yêu cầu chấm dứt những hành động tương tự trong tương lai. Đã vậy phía VN còn tỏ ra nhún nhường quá đáng khi cam kết sẽ đền bù (!) những tổn thất mà các công ty TQ đã gánh chịu khi có những vụ bạo loạn nổ ra. Ông cũng hứa hẹn sẽ kết nghiêm trị (!) những “kẻ tội phạm” và cử các đoàn đại biểu của Hội Hữu nghị Việt-Trung đến thăm hỏi ủy lạo những gia đình TQ là nạn nhân trong các cuộc bạo loạn đã xảy ra. Có thể phỏng đoán không sai rằng gần đây Bắc Kinh rất khó chịu thấy Bộ Chính trị Hà Nội cử đặc phái viên đi Washington, rồi ngay sau đó một loạt cán bộ cấp cao, nhiều thượng nghị sỹ có thế lực, cho đến cả Đại tướng chủ tịch Ủy ban tham mưu liên quân Hoa Kỳ sang Hà Nội. Họ lo sợ, bực mình, thấy cần ra oai để ngăn chặn một sự «trở mặt» của VN, «xoay trục» hướng sang phương Tây, đi tìm những mối liên kết, liên minh mới. Và thế là cô Bùi Thị Minh Hằng bị kết án 3 năm tù, anh Nguyễn Văn Minh bị 2 năm tù rưỡi, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh bị 2 năm tù. Đây là những bản án làm quà của Bộ Chính trị đàn em dâng lên đúng lúc cho Thiên triều, để biểu thị thật rõ tấm lòng trung thành vô hạn của kẻ phiên thuộc. Đó cũng là lời trần tình, phân bua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của đa số Bộ Chính trị quyết một lòng gắn bó keo sơn với phương Bắc. Gần đây, trong một buổi gặp mặt cử tri Sài Gòn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiết lộ rằng «ta khỏi lo gì về kinh tế khó khăn, nợ công chồng chất, các đồng chí Trung Quốc vừa mới hứa khi cần sẽ cho ta một khoản cho vay ưu đãi ODA lên đến 20 tỷ đô la, và còn có thể giúp một gói đầu tư cực lớn FDI lên đến 100 tỷ đô la ». Đây là theo lời kể của Phó Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu của Hải quân VN, hiện về hưu sống tại Sài Gòn và có mặt trong buổi gặp đó (xin đọc bài “Người dân VN sẽ ra sao khi Nhà nước vỡ nợ?” trên báo Thông Luận ngày 25/8/2014). Dưới ánh sáng của những diễn biến thời sự nóng hổi, câu hỏi liệu cuộc họp trưởng đoàn của Khối kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP 12 nước sẽ diễn ra ở Hà Nội từ 1 đên 10/9 này có thể chấp nhận VN tham gia khối này như dự kiến hay không, sẽ được giải đáp. Và câu hỏi liệu việc nâng cấp trong quan hệ toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ có sẽ thành hiện thực trước mắt với việc Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương cho VN hay không, cũng sẽ được giải đáp. Có thật chăng trong Bộ Chính trị có một nhóm đã lựa chọn dứt tình với kẻ bành trướng để đi với nhân dân, với dân tộc, để kết bạn với các nước dân chủ ở châu Á như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản, với Liên Âu và Hoa Kỳ, trong khi vẫn giữ quan hệ láng giềng bình thường, bình đẳng với Trung Quốc? Nhân dân đang nóng lòng chờ xem thực hư ra sao. Hay là họ chỉ diễn tuồng thôi. Tất cả đều thuộc bản chất giáo điều, bản chất tư lợi, chỉ ở mức độ khác nhau. Chẳng có nhóm nào có thể gọi là cấp tiến, là đổi mới, là cải cách trong Bộ Chính trị cổ lỗ, bảo thủ, kiên định học thuyết Mác -Lênin, kiên định chủ nghĩa xã hội ảo tưởng và chủ nghĩa CS viễn vông. Thái độ đàn áp, hãm hại những người yêu nước, thương dân, tàn ác với phụ nữ tay không gan góc là thái độ quá ư tồi tệ. Thái độ quỵ lụy hàng phục kẻ nuôi dã tâm bành trướng gặm nhấm đất nước cũng là thái độ quá ư tồi tệ của kẻ đương quyền. Vụ án Đồng Tháp và chuyến đi của ông Lê Hồng Anh diễn ra cùng một ngày phơi bày nỗi nhục nhã của kẻ đương quyền đang cai trị nước ta, sẽ kích thích suy nghĩ của mọi công dân yêu nước, kể cả những đảng viên có trí tuệ, có công tâm, để chung sức tìm lối ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội trầm trọng đã kéo dài quá lâu của đất nước. Bùi Tín  
......

Chúng Tôi Muốn Biết

Tự do ngôn luận liên quan chặt chẽ tự do tiếp cận thông tin. Mỗi người dân đều có quyền tiếp cận những thông tin từ nhà nước như chính sách quốc gia, hoạt động của chính khách nhà nước và/hoặc đảng cầm quyền trên mọi lĩnh vực: giáo dục, môi trường, y tế, an sinh xã hội... đến chủ quyền quốc gia. Đó là một trong những quyền hết sức cơ bản của người dân. Cung cấp thông tin chính xác, minh bạch và có trách nhiệm là bổn phận của nhà nước. Ngược lại, quyền tiếp cận thông tin từ nhà nước giúp người dân có thể tiếp thu, đánh giá, lên tiếng phê bình hay ủng hộ. Đây là yếu tố nền tảng của dân chủ. Động thái phớt lờ quyền cơ bản đó chỉ có ở những thể chế phản dân chủ, độc tài. Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi: người dân có quyền được biết những thỏa thuận, những ký kết có liên quan đến chủ quyền quốc gia hay không? Tháng 5/2014 vừa qua, khi Trung Cộng đem giàn khoan HD-981 xâm lấn vùng biển Việt Nam, lần đầu tiên Công hàm 1958 liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký đã được đề cập công khai trên truyền thông nhà nước. Và rất nhiều người Việt Nam sửng sốt, kinh ngạc về cái công hàm vô cùng tai hại này. Dù biện bạch thế nào, Công hàm 1958 được ký với nội dung tán thành Công bố của chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về chủ quyền và lãnh hải (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) khiến người dân quan tâm, lo lắng đến vận mệnh đất nước phải đặt câu hỏi: Tại sao những thỏa thuận ký kết liên quan đến chủ quyền Tổ quốc Việt Nam lại bị ém nhẹm suốt hơn nửa thế kỷ? Và những thông tin này nhà nước Việt Nam chỉ bất đắc dĩ công bố khi Trung Cộng trưng ra như bằng chứng về cái gọi là quyền “sở hữu” của Trung Quốc đối với Hoàng Sa & Trường Sa. Quyền được thông tin là cơ sở để người dân thực hiện quyền làm chủ đất nước. Trong trường hợp này, mỗi chủ nhân của nước Việt Nam phải nắm bắt thông tin, mới có thể chung sức hữu hiệu bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính họ, cũng là của cả dân tộc Việt Nam. Trên thực tế, mối quan hệ giữa chóp bu lợi ích nhóm trong hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc luôn che lấp những thông tin liên quan đến chủ quyền, nhân quyền, các vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa ở Việt Nam. Hậu quả của “vùng tối” này là gì? Nhân dân Việt Nam thường bị động trước các động thái gây hấn, lúng túng trước các thông tin do Trung Cộng đưa ra. Trong khi đó, nhà nước Việt Nam lại chủ trương đàn áp những ai muốn bạch hóa cái “hố đen” đó, khi người dân lên tiếng đòi hỏi hoặc tìm mọi cách để biết sự thật những gì đã và đang diễn ra. Một trong những ký kết có liên quan đến vận mệnh quốc gia Việt Nam là “mật” ước Thành Đô 9-1990. Cho đến nay, gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến hội nghị này được nhà nước Việt Nam chính thức công bố. Mọi người lo ngại trước viễn cảnh Việt Nam sắp biến thành xứ sở phiên thuộc của Trung Quốc qua những thông tin rò rỉ. Đã có những cá nhân, tập thể yêu cầu nhà nước Việt Nam công bố thông tin này. Đáp lại, đang là động thái “mũ ni che tai”, phớt lờ trịch thượng, vô trách nhiệm. Vận nước đang nguy nan, đòi hỏi người dân phải được biết và có quyền được biết những thỏa thuận ký kết trên lưng người dân, 24 năm trước, giữa các yếu nhân hai đảng và nhà nước, gây phương hại nền độc lập của Việt Nam từ đó đến nay và tương lai. Chúng tôi có quyền được biết, và chúng tôi muốn biết những gì đã và đang diễn ra. Các bạn - những người dân Việt Nam nặng lòng yêu nước, với trách nhiệm trước cha ông và hậu thế, hãy cùng chúng tôi cương quyết tranh đấu và kiên trì đòi hỏi trên cơ sở quyền được biết này. Hãy bắt đầu từ nội dung Hiệp ước Thành Đô 9-1990. Chúng Tôi Muốn Biết   Theo Mạng Lưới Blogger Việt Nam
......

Tuyên bố về quyền con người

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Những lời nói bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ đã được Chủ Tịch Hồ Chí Minh trích dẫn đưa vào bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945. Lời nói bất hủ có ý nghĩa là: Mọi người Việt Nam sinh ra đều có quyền bình đẳng, ai cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do dân chủ. Đó là những quyền bất khả xâm phạm và là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được. Thế mà gần 70 năm đã qua, kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập được công bố tại quảng trường Ba Đình. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ được hưởng những quyền tự do dân chủ. Đảng CS cầm quyền đã tạo ra sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử trong xã hội. Đảng CS đã hạn chế và tước đoạt hầu hết các quyền con người về chính trị của Nhân dân: Về quyền chính trị: Người dân bị tước đoạt quyền làm báo chí tư nhân, bị tước đoạt quyền lập hội, lập đảng, bị tước đoạt quyền biểu tình. Bất kỳ người dân nào sử dụng quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa để chỉ trích những sai lầm, khuyết điểm, yếu kém của đảng CS, chính phủ thì đều bị sách nhiễu, cầm tù; Những công dân sử dụng quyền lập hội, lập đảng hoặc tham gia các tổ chức chính trị đảng phái cũng bị sách nhiễu, cầm tù. Về giáo dục: Đảng CS áp đặt hệ thống giáo dục lạc hậu, ngu dân, thay đổi thường xuyên, gây tốn kém cho nhân dân và ngân sách quốc gia. Nền giáo dục của VN thua kém rất xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Về kinh tế: Đảng CS thực thi chính sách kinh tế sai lầm, yếu kém trong quản lý và điều hành nên hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, phá sản. Doanh nghiệp trong nước bị thua thiệt ngay tại thị trường nội địa. Biết bao nhiêu tài sản, tài nguyên quốc gia bị thất thoát, bị chiếm đoạt trái phép. Về thuế má: Đảng CS đặt ra hàng trăm thứ thuế, phí, lệ phí, khiến người dân Việt Nam phải gồng mình đóng thuế, phí. Nhiều sản phẩm tiêu dùng có mức thuế cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực, khiến cho người dân khó có điều kiện hưởng thụ. Hàng hóa tiêu dùng: Đảng CS vô trách nhiệm và yếu kém trong kiểm tra, giám sát nên để hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm độc hại được nhập khẩu hay sản xuất trong nước đang hàng ngày hàng giờ làm hại sức khỏe, tính mạng của nhân dân, làm suy nhược nòi giống. Bởi thế, Nhân dân Việt Nam cần phải dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi lại những quyền làm người đang bị tước đoạt. Chúng tôi tin rằng người dân Việt Nam ở ngoài nước và cộng đồng quốc tế sẽ hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh đòi lại quyền con người này. Chúng tôi tuyên bố rằng không một thế lực nào có quyền tước đoạt các quyền con người của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam phải được hưởng mọi giá trị cao quí nhất của quyền con người. Nguyễn Văn Đài
......

Muôn năm? Vinh quang? Vĩ đại?

Cứ làm một bài toán đơn giản: cùng hạ một cái cây, có được cùng một lượng gỗ, Việt Nam đi xuất khẩu bán thô thu được 10đ; các nước phát triển đem ra cưa xẻ, tẩm sấy, đóng thành bàn ghế tủ giường, xuất khẩu bán được 10.000đ. Như vậy là cùng hao tổn một lượng tài nguyên tương đương nhau, cùng xuất khẩu một khối lượng gỗ tương đương nhau, nhưng số tiền thu được rất khác nhau, do có được đầu tư công nghệ, tức đầu tư chất xám, trí thông minh, óc sáng tạo, tài khéo léo.., hay không... Ngoài ra, mạt cưa, gỗ vụn thì Việt Nam phung phí đem chụm lò, các nước phát triển tận dụng làm ván okan, ván ghép; gỗ cao su và các loại gỗ tạp khác thì Việt Nam chê nhiều khói, ít than không thèm đem chụm lò, các nước phát triển xử lý làm ván ghép, ván ép... v.v ... Ơ, mà tại sao họ phát triển !? Tại vì họ biết sử dụng chất xám, trí thông minh, óc sáng tạo, tài khéo léo..., biến những thứ tưởng chừng như vô ích, vô dụng thành hữu ích, hữu dụng! "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" là vậy! Cho nên, chất xám quyết định sự phát triển, rồi sự phát triển tác động lại chất xám, chứ sự phát triển không quyết định chất xám! Không có tư duy triết học, lẫn lộn giữa vật chất và ý thức, hiện tượng và bản chất, nguyên nhân và kết quả, thì đói nghèo ngu dốt là hậu quả tất yếu!!! Người Việt có câu: MỘT NGƯỜI BIẾT LO BẰNG MỘT KHO NGƯỜI BIẾT LÀM! Tuy vậy, suốt mấy ngàn năm qua người Việt có rất ít người "biết lo", thậm chí những người "biết lo" có khi còn bị cho là "dài lưng tốn vải", "chỉ biết nói mà không biết làm", có thời còn bị liệt vô thành phần "trí thức tiểu tư sản" cần phải "đào tận gốc trốc tận rễ"... Người Việt chỉ thích "tay làm hàm nhai" theo kiểu "lao động (tay chân) là vinh quang", chỉ biết "trên đồng cạn dưới đồng sâu", "con trâu đi trước cái cày đi sau", "bán mặt cho đất bán lưng cho trời"..., không hề có một phát kiến phát minh gì to tát, cả về vật chất lẫn tinh thần! Việt Nam cứ đem toàn bộ tài nguyên và sản vật, từ than đá, dầu mỏ, quặng mỏ, gỗ..., đến cá, lúa, cà-phê, trái cây... đi bán thô với giá rẻ mạt, thậm chí lỗ, thì bao nhiêu "rừng vàng biển bạc" cho đủ!? Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, mà nông dân vẫn nghèo! Tự hào là tự hào cái gì!? Khoan nói đâu xa, Thái Lan chỉ cần mua lúa gạo của Việt Nam về chà xát, đánh bóng, gắn thương hiệu, là đã nâng giá trị xuất khẩu lên để hưởng lợi rồi... Còn nói xa, xa đến mức không thể đuổi kịp, người Nhật giáo dục rằng đất nước của họ chỉ là những hòn đảo nằm trên vành đai núi lửa và động đất, sóng thần, bão lũ, khí hậu khắc nghiệt, đất đai hạn hẹp, tài nguyên khan hiếm, phải nỗ lực thì mới có thể xây dựng được cuộc sống ấm no, đất nước giàu mạnh... Nước Nhật vẫn phải nhập khẩu lương thực, nhưng ngũ cốc do họ trồng thì được dành để nghiên cứu phát triển các chế phẩm sinh học, mang lại lợi nhuận cao gấp hàng triệu lần; nước Nhật vẫn phải nhập khẩu khoáng sản, nhưng họ dùng để chế tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, mang lại lợi nhuận cao gấp hàng ngàn lần... So sánh về giá trị xuất khẩu mà chỉ biết tính "khối lượng", từ việc bán thô, bán rẻ, bán lỗ; mà không tính đến "chất lượng", có được nhờ chất xám, trí thông minh, óc sáng tạo, tài khéo léo..., đem lại lợi nhuận cao nhất có thể cho nhân dân và đất nước... là vô cùng ấu trĩ!!! Cái kiểu giáo dục rằng Việt Nam "rừng vàng biển bạc" có giống với kiểu dạy dỗ con cái rằng "nhà mình giàu lắm, con chẳng cần phải học hành lao động cực khổ gì cả, chỉ cần nằm ngửa mà ăn" không!? Nước, nhà không mạt mới lạ!   "Vinh quang", "vĩ đại", "thần thánh" ... cái gì!? Hãy sớm mà thức tỉnh đi, để còn nỗ lực theo kịp đà phát triển văn minh của nhân loại!! Nguồn: Facebook Canh Le
......

Ngày độc lập nào?

Từ lâu tôi luôn tự hỏi phải chăng ngày 2 tháng 9 năm 1945 thật sự là ngày độc lập của nước Việt Nam mới sau gần một thế kỷ làm thuộc địa của Pháp? Trước khi trả lời câu hỏi nghiêm túc này, cần lần giở lại các trang sử hiện đại của nước nhà, để ghi nhận một số sự kiện quan trọng sau đây: Cảnh ngày 2-9-1945 tại Sài Gòn Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, cùng những nước Á châu khác đang bị Nhật chiếm đóng, Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngay sau đó, vào ngày 11/3/1945, vua Bảo Đại ký đạo dụ "Tuyên cáo Việt Nam độc lập", tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 cùng các hiệp ước nhận bảo hộ và từ bỏ chủ quyền khác, khôi phục nền độc lập của đất nước, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Đây là thời điểm đáng lưu ý. Ngày 7/4/1945, vua Bảo Đại chuẩn y thành phần nội các mới, trong đó học giả Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập. Tháng 6/1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam. Đến khi Nhật đầu hàng phe Đồng minh, Thủ tướng Trần Trọng Kim vào ngày 16/8/1945 khẳng định bảo vệ nền độc lập vừa giành được. Sau đó, vào ngày 18/8/1945, vua Bảo Đại tái xác nhận nền độc lập của Việt Nam đã công bố vào ngày 11/3/1945. Cần lưu ý, tuy là một chính quyền thực tế và chính danh từ tháng 3/1945, nhưng Đế quốc Việt Nam không đủ lực lượng quân sự để kiểm soát tình hình. Đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn về chính trị. Nhiều tổ chức và đảng phái hình thành trước đó đã tranh thủ thế đứng chính trị riêng trước vận hội mới của Việt Nam, trong đó Việt Minh dường như là lực lượng được tổ chức hoàn bị nhất, khả dĩ tranh giành quyền lực vượt trội. Từ ngày 19/8/1945 tại các địa phương trên cả nước, Việt Minh tiến hành đảo chính cướp chính quyền, buộc nhà nước Đế quốc Việt Nam chuyển giao quyền lực, một sự kiện mà sau đó được gọi là “Cách mạng tháng Tám”. Trước tình thế đó, vua Bảo Đại quyết định thoái vị và giải tán chính phủ Trần Trọng Kim. Dù tồn tại không bao lâu và phải dung hòa ảnh hưởng của các thế lực quốc tế cùng chủ thuyết Đại Đông Á của Nhật, nội các Trần Trọng Kim đã cố gắng đặt nền móng xây dựng một thể chế chính trị độc lập và mang đến niềm hy vọng về nền tự chủ đầu tiên cho Việt Nam sau ngần ấy năm lệ thuộc Pháp. Ngày 2/9/1945, chớp thời cơ về một khoảng trống quyền lực và sự yếu kém của các đảng phái chính trị khác tại Việt Nam khi ấy, đại diện Việt Minh là ông Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trong một buổi lễ long trọng tại Hà Nội, và sau đó tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sơ lược lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động như trên để thấy rằng nhiều điều bấy lâu nay bộ máy tuyên truyền và giới sử nô mặc định là đương nhiên đúng rất cần xem xét lại một cách công tâm, chẳng hạn nội các Trần Trọng Kim có thật là “bù nhìn” không, và ngày 2/9/1945 phải chăng là ngày độc lập trên phương diện thực tế và pháp lý? Như đã nói trên, sau khi bị quân đội Nhật đảo chính tại Đông Dương, nước Pháp trên thực tế đã đánh mất quyền kiểm soát về chính trị và quân sự ở các nước này, dù họ chưa bao giờ muốn từ bỏ thuộc địa béo bở như thế. Với tư cách là một đại diện chính danh và hợp pháp của một chính quyền đã và đang cai trị đất nước liên tục từ năm 1802, vua Bảo Đại ngay lập tức tuyên cáo Việt Nam độc lập. Ông đã thủ giữ vai trò đại diện đương nhiên của quốc dân và quốc gia trong sự chuyển tiếp từ thể chế chính trị cũ sang thể chế mới, mà không một nhân vật chính trị nào đương thời hội đủ tư cách thay thế được. Do đó, xét về phương diện thực tế và pháp lý, Việt Nam đã thực sự độc lập từ ngày 11/3/1945. Vậy không lý gì đến ngày 2/9/1945 người ta lại cần tuyên bố độc lập một lần nữa, mà người tuyên bố đơn thuần chỉ là thủ lĩnh của một phong trào chính trị, dù là mạnh nhất trong số nhiều tổ chức và đảng phái khác nhau cùng tồn tại khi ấy, và người đó cũng chưa bao giờ được quốc dân lựa chọn hoặc công nhận, dù mặc nhiên hay bằng một thủ tục hợp pháp, là đại diện chính danh của quốc gia tính đến thời điểm ấy. Cần lưu ý, trước thời điểm 2/9/1945 danh tính Hồ Chí Minh chưa từng được biết đến rộng rãi như một nhân vật chính trị có uy tín, còn Nguyễn Ái Quốc chỉ nổi danh như một trong các nhà cách mạng đương thời tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam mà thôi. Hai tên ấy của một con người vốn luôn thích bí ẩn, dù về sau rất nổi tiếng, vẫn chưa đủ mang đến cho ông tư cách chính danh và hợp pháp vào lúc đó để có thể đứng ra đại diện tuyên bố độc lập cho quốc gia. Tất nhiên, chân lý thuộc về kẻ mạnh, nên khi thắng cuộc người ta có thể diễn giải mọi sự kiện lịch sử theo ý riêng của mình, rằng ngày 2/9/1945, chứ không phải ngày 11/3/1945, trở thành ngày độc lập của nước Việt Nam mới. Tuy nhiên, với cách đọc sử không lệ thuộc vào ý thức hệ, từ lâu tôi đã bác bỏ lối tường thuật và nhận định lịch sử theo hướng bóp méo vì mục đích chính trị như vậy. Cho nên, nếu gọi đó là ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn có thể đồng ý, nhưng nếu áp đặt đấy là ngày độc lập thì dứt khoát không đúng, bởi với tôi chỉ có thể là ngày 11/3/1945 khi vua Bảo Đại tuyên cáo Việt Nam độc lập mà thôi.   nguồn: facebook.LSLeCongDinh
......

Ông Nguyễn Bá Thanh Đi Mỹ.

Tin ông Nguyễn Bá Thanh bị ung thư máu và được đưa đi Mỹ chữa trị, đã được người con trai xác nhận và báo Thanh niên Online loan tải nhằm trả lời những thắc mắc của độc giả. Ông Nguyễn Bá Thanh Tuy chuyện ông Thanh bị bệnh và đưa đi chữa ở Mỹ là “chuyện riêng của gia đình” như ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai ông Thanh nói với báo Thanh niên; nhưng nếu sống trong một “xã hội mở”, những tin tức liên quan đến ông Thanh không thể úp úp mở mở như hiện nay. Ban bí thư hay ít ra là Ban nội chính trung ương phải thông báo chính thức về trường hợp của ông Thanh vì ông Thanh là “người của công chúng”. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Sự kiện ông Nguyễn Bá Thanh bị ung thư và phải đưa đi Mỹ chữa trị mới là vấn đề lớn khi cuộc đua quyền lực giữa các phe nhóm đang ở hồi quyết liệt mà đích nhắm là đại hội đảng lần thứ 12 vào năm 2016. Ngay sau khi lên nhân chức Trưởng ban nội chính và phó trưởng ban phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Bá Thanh đã sang Bắc Kinh vào ngày 16/12/2013 để học hỏi kinh nghiệm “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình đang tìm cách vây bắt phe nhóm Bạc Hy Lai - Chu Vĩnh Khang. Nói cách khác, cả hai ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Bá Thanh đã áp dụng rất bài bản chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình trong việc truy tìm và tận diệt tham ô nhũng lạm trong bộ máy chính quyền, nhất là ở các tập đoàn kinh tế mà ông Nguyễn Tấn Dũng bỏ công gầy dựng từ năm 2006 đến năm 2010. Tuy không ồn ào trên bề nổi; nhưng ông Nguyễn Bá Thanh đã phá tung nhiều mắc xích liên hệ đến các vụ tham ô nổi tiếng như vụ Dương Chí Dũng, Bầu Kiên. Vụ giàn khoan HD 981 có làm cho kế hoạch “đả hổ” của ông Nguyễn Bá Thanh bị lu mờ ít nhiều trong cộng luận; nhưng bên trong phe nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng có sự rúng động. Bây giờ, tin ông Nguyễn Bá Thanh bị bệnh sẽ khiến cho liên minh Nguyễn Phú Trọng - Nguyễn Bá Thanh mất động lực. Nó không chỉ làm gãy đổ con đường tiến thân của ông Nguyễn Bá Thanh vào đại hội 12 mà còn đe dọa đến sự tồn vong của phe nhóm bám Trung. Lý Thái Hùng  
......

Hướng dẫn về việc làm sạch máy sau mỗi lần truy cập

1) Hiện nay, các cơ quan công lực có nhiều hình thức và phương tiện khác nhau để truy lùng các hành động phạm pháp và dẫn tới việc xác định được lý lịch của thành phần phạm pháp. Qua những phương tiện kỹ thuật như gài nhu liệu gián điệp vào máy thành phần tình nghi để thu thập thêm dữ kiện truy tố, tịch thu máy vi tính để điều tra (Digital Forensic), trao đổi dữ kiện qua một mạng lưới công lực toàn cầu, như Interpol. qua những phương tiện truy tìm các dấu (log) hoạt động trên mạng các thành phần phạm pháp (điện thư, truy cập vào các trang mạng và sắp xếp theo một lịch trình theo thời gian (timeline), đối chiếu với các dấu hoạt động ghi lại được trên máy vi tính của đương sự. CAM tại Việt Nam cũng xử dụng cùng những cách thức và phương tiện nêu trên để truy lùng, xác định và bắt giữ các thành phần dân chủ mà họ cho là nguy hiểm.   2) Các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông (Telecom Provider) và dịch vụ mạng (Internet Services Provider), đều bị bắt buộc phải lưu giữ các dấu (log) chứa các chi tiết truy cập  trong một khoảng thời gian nhằm có thể cung cấp cho các cơ quan công lực trong trường hợp có điều tra về một hành vi phạm pháp (quấy nhiễu tình dục trẻ em, tình nghi có hành vi dính líu đến khủng bố, hoạt động liên hệ đến các nhóm tin tặc, hoạt động lừa đảo trên mạng, rửa tiền....). Tại các quốc gia CS độc tài như Việt Nam, các công ty viễn thông và cung cấp dịch vụ Internet đều do chế độ kiểm soát, do đó, chắc chắn mọi truy cập đều được ghi lại để truy lùng các hoạt động chống đối. 3) Do đó, khi tình nghi một hành động phạm pháp, qua điạ chỉ IP và nickname (FB, webmail, ...) truy tìm được; cơ quan công lực sẽ truy tìm ra được khu vực địa dư và  thu thập mọi chi tiết khi thành phần này truy cập vào các mạng xã hội, webmail và nối lại với nhau từ nhiều nguồn để xác định đối tượng. Do đó, việc xác định được đối tượng đã truy cập vào các trang mạng có tường thuật sự kiện không phải là một điều khó khăn. Tại Việt Nam, dựa trên nhiều dữ kiện thu thập trên, CAM sẽ xác định được đối tượng đang truy lùng ở đâu. 4) Các dấu (log) ghi lại bởi các Telecom Provider, Internet Services Provider sẽ được đối chiếu với các dấu tìm ra trên máy vi tính (Windows, Mac hay Unix). Các dấu trên hệ điều hành Windows có rất nhiều như Prefetcher Directory (chứa danh sách rất cả những chương trình đã khởi động), shellbags (chứa các ngăn đã được mở theo thời gian), MUICache (chứa danh sách các ứng dụng được khởi động trong Registry), Events Windows (quản trị các sự kiện xảy ra trên máy), Internet Temporary Files (chứa các trang mạng được truy cập),...   5) Khi xóa bởi CCCleaner nên xử dụng cách xoá an toàn cũng như dùng tất cả các lựa chọn (options) trên CCleaner như xóa Prefetch, MUICache, Registry, ShellBags, Internet temporary files, ... và xóa luôn các phần đĩa không xử dụng lúc đó. Vì nếu không dùng đúng options, khi xóa bằng CCleaner các dấu sẽ không bị xóa hết. Khi xóa đúng mức, những dấu này không thể phục hồi lại được dù có xử dụng các nhu liệu chuyên về Restore Files. Ngay cả cơ quan NSA Hoa Kỳ với tay nghề rất cao và kỹ thuật truy tìm rất tinh vi cũng chưa có khả năng giải mã, phục hồi lại dễ dàng các dấu xóa một cách an toàn (secured delete). Tuy nhiên chắc chắn trên máy vi tính vẫn còn các hồ sơ đang xử dụng, cũng như các dấu chưa xóa từ lần xử dụng CCleaner sau cùng.   6) Tóm lại, để giảm thiểu rủi ro (risks mitigation) tránh sự truy lùng của CAM a) Cần xử dụng CCleaner sau mỗi lần truy cập vào mạng, với những lựa chọn thích hợp (options secured deletion, xóa MuiCache, Prefetch, Registry, Shellbags, ...)), v à ít nhất mỗi tuần quét (scan) các phần đĩa không xử dụng (unused space). b) xử dụng mạng TOR, các proxy để ẩn danh anonymous, VPN để che dấu những nơi truy cập vào, khi CAM truy tìm dấu tại các công ty dịch vụ Internet tại Việt Nam c) Xử dụng các nhu liệu mã hóa để mã hóa các hồ sơ tế nhị, kín d) Giữ máy cẩn mật. Các hồ sơ kín nên lưu giữ mã hóa trên thẻ nhớ và cất dấu nơi khác. e) Xử dụng các webmail có tuyến liên lạc mã hóa như gmail bên ngoài Việt Nam. f) Sau mỗi lần CA trả lại máy, cần làm lại đĩa cứng (format), truy quét toàn diện và ngay cả thiết kế lại hoàn toàn hệ thống điều hành để tránh bị gài mã độc loại gián điệp. Nếu cần, xin liên lạc với No Firewall / để được hướng dẫn chi tiết - https://www.nofirewall.net .
......

Sài Gòn: 59 Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa được khám chữa bệnh

Trong khuôn khổ chương trình Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB VNCH), hôm nay (26/8/2014) Văn phòng Công lý & Hòa bình (CL& HB) thuộc Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn (DCCT SG), tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho TPB VNCH. Chương trình khám chữa bệnh được sự tham gia của hơn 20 Bác sỹ và các thiện nguyện viên từ nhiều nhóm và hội đoàn khác nhau như nhóm Enter, nhóm Thánh ca tiếng Anh, nhóm Jesu yêu bạn và các chức sắc tôn giáo thuộc Hội đồng Liên tôn như Phật giáo, Cao Đài, Tin lành, Phật Giáo Hoà Hảo,… Từ sáng sớm, 59/63 anh TPB đã tập hợp đông đủ và được ban tổ chức bố trí xe chở đi xét nghiệm máu tại 2 trung tâm xét nghiệm uy tín của Saigon, khám cận lâm sàng, sau đó về lại VP CL& HB để được các nhân viên văn phòng CL& HB tham vấn về nhu cầu trang bị xe lăn, chân giả, bảo hiểm y tế … hầu có kế hoạch giúp đỡ.     Sau giờ cơm trưa thân tình, các anh TPB VNCH được các y bác sỹ tiến hành khám sức khỏe tổng quát và tư vấn về tình hình sức khỏe cũng như bệnh tình…cụ thể 6 phòng khám đã được bố trí: mắt, răng, tai mũi họng, Nội, Ngoại tổng quát, Ngoại chỉnh hình.   Chú Trần Văn Na là TPB VNCH thuộc Địa phương quân vùng IV, trong cuộc chiến chú bị gãy chân phải, mang thương tật 60%, hôm nay chú Na cảm thấy rất hạnh phúc khi được các bác sỹ khám sức khỏe, chú Na bày tỏ lòng biết ơn các linh mục DCCT VN đã tổ chức chương trình, qua chương trình này mà anh em TPB VNCH có những giây phút được bác sỹ chăm sóc sức khỏe rất tận tình, chú Na cho biết đội ngũ Y Bác sỹ khám tổng quát hết, bác sỹ tư vấn rất ân cần, hồ sơ bệnh lý được lưu lại để tiếp tục theo dõi điều trị. Nhóm của chú Na có 8 người và đã được khám chữa bệnh trong đợt này. Tuy nhiên chú cho biết thêm là còn rất nhiều người bạn của chú đều là TPB VNCH mang thương tích và nhiều bệnh nặng hơn rất nhiều và chú mong muốn những người bạn ấy sớm được khám chữa bệnh trong lần tới. Trong vai trò là một thiện nguyện viên phục vụ công tác ghi danh thu thập hồ sơ bệnh lý bạn Ánh cho biết, hôm nay trên danh sách có 63 chú TPB đến khám chữa bệnh. Bạn Ánh rất vinh dự và hạnh phúc khi may mắn có được cơ hội giúp đỡ các chú TPB VNCH, bạn cho biết hầu hết các chú TPB VNCH có hoàn cảnh rất thương tâm như gia đình khó khăn, tật nguyền đi lại khó khăn…, và bạn rất muốn được giúp đỡ các chú nhiều hơn nữa. Trong vai trò là người Điều dưỡng chị Mai cảm thấy khâu tổ chức rất chu đáo, tổ Khám bệnh rất tự hào trong việc làm ngày hôm nay. Chị Mai thấy các ông TPB VNCH rất vui, dường như các ông TPB VNCH rất vinh dự khi được đến đây để khám chữa bệnh, họ vui mừng kể lại quá trình họ bị thương rồi mang thương tật, chiến tích, trúng đạn ngày tháng năm nào… , rồi cuộc sống của họ phải trải qua từ đó tới nay đã hơn 40 năm.   Các chức sắc tôn giáo HĐLT VN chụp hình với cha Giám Tỉnh và cha Phó Giám Tỉnh DCCT VN trong chương trình “Cám ơn Anh, người Thương binh VNCH” (hình PeLy) Cuối buổi khám chữa bệnh cho TPB VNCH, toàn thể hơn 20 Y Bác Sỹ, các hội nhóm thiện nguyện cùng ngồi lại với ban tổ chức chương trình để cùng nhau thảo luận chung về tình hình, cũng như đề ra kế hoạch tiếp tục khám chữa bệnh cho TPB VNCH trong những lần tới. 1. Cảm nhận của các hội nhóm sau buổi khám chữa bệnh - Nhóm Enter, anh Cao cho biết nhóm trẻ Enter đây là lần đầu tiên được tham gia chương trình trong vai trò là những người dẫn dắt khiêng bế các chú TPB VNCH vào các vị trị khám chữa bệnh, nhóm Enter rất tự hào và xúc động trước những hoàn cảnh của TPB VNCH. - Nhóm Ca đoàn tiếng Anh, anh Trung bày tỏ lòng cảm ơn ban tổ chức, đã cho nhóm cơ hội được phục vụ trong việc khám chữa bệnh cho TPB VNCH ngày hôm nay, cám ơn các Y Bác sỹ, cám ơn sự đón nhận chút công sức của anh em Ca đoàn, nhóm Ca đoàn mong muốn góp chút công sức để báo đáp lại công lao của các anh TPB VNCH. - Nhóm nhân viên văn phòng Công lý & Hòa bình, anh Tùng bày tỏ lòng biết ơn sự cộng tác của các nhóm và đặc biệt sự hưởng ứng cộng tác của đội ngũ Y Bác sỹ đến khám chữa bệnh cho TPB VNCH. Những năm qua văn phòng CL& HB, đứng đầu là cha Giuse Đinh Hữu Thoại, cha Antôn Lê Ngọc Thanh, được sự trợ giúp của Cha Giám tỉnh Vinhsơn Phạm Trung Thành, Cha Phó Giám tỉnh kiêm Chính xứ Giáo xứ ĐMHCG đã khởi xướng chương trình Tri ân TPB VNCH. Các TPB VNCH hầu như bị bỏ rơi trong suốt 40 năm qua, nên việc chúng ta tổ chức khám chữa bệnh cho các anh là một việc làm rất thiết thực. Chúng ta chẳng những khám chữa bệnh thôi mà còn cảm thông với những nỗi đau và mất mát cả về thể xác lẫn tâm hồn các anh ấy. Hiện nay Văn phòng CL& HB đã có danh sách hơn 700 anh TPB VNCH nên mong lắm tất cả đều được khám chữa bệnh trong những lần tới. 2. Các Bác sỹ chia sẻ cảm nhận sau buổi khám chữa bệnh   - Răng Hàm Mặt: Hầu hết các Thương binh đều có sự cố về răng, bởi lẽ tuổi tác khá cao với lại lâu nay ít đước quan tâm chăm sóc nên răng của họ rất yếu cần được điều trị và chăm sóc.   - Nội Tim Mạch: Các Thương binh huyết áp cao nhiều quá, hầu như không có ai huyết áp thấp. Chúng ta cần có hướng để giúp họ có được bảo hiểm y tế để họ được hỗ trợ điều trị từ các bệnh viện, vì việc điều trị bệnh huyết áp đòi hỏi phải lâu dài. Điều chúng ta lo lắng là hầu hết các Thương binh đều không biết hay ít quan tâm đến bệnh này. - Ngoại: Phần lớn các Thương binh đều bị vết thương ở chân và tay, những vết mổ đều đã ổn. Tất nhiên có một số người chưa được dùng chân giả mà họ dùng tay để di chuyển trên 2 cái ghế nhỏ, bây giờ vết thương ở chân đã ổn nên chúng ta cần tìm cách trang bị cho họ cái chân giả hay những đôi nạng, vì khi họ không được trang bị những công cụ hỗ trợ đi lại này thì dễ mà phát sinh thêm những bệnh liên quan khác. Chúng ta cần phân nhóm để có cách điều trị riêng cho mỗi nhóm. - Da Liễu: Bệnh Da không có nhiều, chỉ có một vài trường hợp mà hầu hết là các bệnh mãn tính nên chúng ta nên tập trung giúp họ để họ được điều trị. - Mắt: Đa số các Thương binh đều lớn tuổi nên hầu hết đều có vấn đề về mắt, một số cần phải được mổ cườm, một số bị cận thị, lão thị, loạn thị… chúng ta cần giúp họ điều trị các bệnh về mắt. - Tai Mũi Họng: Có một số trường hợp bị Xoang cần phải được mổ nội soi, ngoài ra có trường hợp bị viêm Amidan nặng có nguy cơ bị ung thư. - Lao – Phổi: hầu hết của các Thương binh khám bệnh lý này không có bệnh gì đáng kể về phổi. Qua khám cho một số trường hợp xét thấy hầu hết họ bị stress nặng. Họ cho biết từ năm 1975 tới giờ họ chẳng bao giờ được khám chữa bệnh trong lúc “ông nhà nước” thì cứ nói hoài là giúp chương trình này chương trình nọ cho người nghèo…, nhưng họ đã chờ đợi sốt mấy chục năm qua mà chưa được gì nên những tháng năm qua phải lê lết đi bán vé số, rồi trong quá trình ấy họ còn bị xã hội phân biệt đối xử, bị cướp giật mất vé số… 3. Kết luận chương trình Cha Giám tỉnh Vinh Sơn Phạm Trung Thành bày bỏ lòng biết ơn sự hưởng ứng của các Y, Bác sỹ, cám ơn tất các anh chị em đã có mặt phục vụ trong sự kiện này. Đây là lần đầu tiên tổ chức khám chữa bệnh cho TPB VNCH, nên những TPB được mời đến khám chữa bệnh hôm nay thuộc “lớp thượng lưu” trong danh sách hơn 700 TPB VNCH mà chúng tôi đang có. Hầu hết các bệnh nhân đến đây hôm nay thuộc vùng Sài Gòn. Nếu được các Bác sỹ hưởng ứng trong những lần sau thì chúng ta sẽ di chuyễn dần sẽ tiếp cận với các anh TPB có những hoàn cảnh và bệnh tình bi đát hơn. Cảm giác chung của các anh TPB hôm nay, họ rất xúc động, xúc động vì cách tiếp đón của chúng ta, xúc động về cái cách mà chúng ta giúp các anh và đặc biệt là chỉ cần một vài câu hỏi của Bác sỹ mà nó mang ý nghĩa tinh thần cao cả vô cùng. Chỉ cần cử chỉ cầm tay đo huyết áp thôi mà họ đã cảm thấy sung sướng vô cùng, bời vì cả một đời của người TPB trong suốt hơn 40 năm qua có bao giờ được một Bác sỹ ân cần hỏi thăm đâu, có bao giờ được trân trọng đâu. Hôm nay đến đây họ được trân trọng, được ngồi phòng máy lạnh, được nhìn, được gặp gỡ nhau, với sự ân cần của chúng ta họ đã rất phấn khởi, nhiều người đã phát khóc lên. Thay mặt cho nhà Dòng, tôi xin cám ơn các Bác sỹ, và nhân đây xin kính mời các Bác sỹ tiếp tục đồng hành với chúng tôi trong những lần sau. Với con số trên 700 người mà cứ mỗi lần chỉ khoảng 60 người thì chúng ta còn phải tổ chức hàng chục lần nữa. Trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu ung thư, hay bệnh nhân phải điều trị răng, cắt kính… là chuyện phải làm. Với tư cách là người chịu trách nhiệm cho chương trình này cha Vinh Sơn xin xác nhận là sẽ đi đến cùng của vấn đề. Tuy nhiên cần phải có sự tham vấn về chuyên môn như vấn đề mua bảo hiểm y tế cho TPB, ban tổ chức sẵn sàng mua nhưng mua sao cho có lợi cho việc khám chữa bệnh cho TPB thì cần sự tư vấn chuyên sâu thêm. Mình cần nâng đỡ, an ủy tận tâm các anh, vì hầu hết họ đã trên 60 tuổi rồi, và hơn 40 năm qua sống trong tủi nhục. Vấn đề bệnh tình cao và nặng nhất của TPB thì ngày hôm nay chúng ta chưa chạm tới, đợt này chúng ta chỉ mang tính tập dần. Qua lời cám ơn cha Giám tỉnh kêu gọi các Y Bác sỹ cùng hưởng ứng để tháng sau chúng ta lại tiếp tục chương trình, còn vấn đề chân giả, tay giả hay xe lăn cho TPB ban tổ chức sẵn sàng cung cấp. Ngay sáng nay tại văn phòng Công lý & Hòa bình đã tiến hành cho các TPB chọn lựa mẫu xe. Còn về kinh phí mua bảo hiểm hay trang bị giả, tay giả hay xe lăn cho TPB tôi cho rằng DCCT VN không có nhưng luôn luôn có Chúa quan phòng nên rốt cuộc rồi cũng thu xếp được. Lần nào làm cũng thiếu hụt nhưng sau ít hôm rồi cũng có Chúa mời gọi người khác đem đến bù đắp cho.   Cha Giám tỉnh Vinh sơn Phạm Trung Thành hội ý với một số Bác sỹ   Các mẫu xe lăn, xe lắc được đưa ra để TPB VNCH chọn lựa Anthony Le VRNs Nguồn: chuacuuthe.com
......

UNHR lên tiếng về bản án buộc tội ba nhà đấu tranh cho nhân quyền ở VN

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VĂN PHÒNG CAO ỦY NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC QUAN NGẠI VỀ BẢN ÁN BUỘC TỘI BA NHÀ ĐẤU TRANH CHO NHÂN QUYẾN Ở VIỆT NAM   BANGKOK (29 Tháng 8, 2014) - Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc khu vực Đông Nam Á (OHCHR) rất quan ngại về việc một toà án tại Việt Nam đã tuyên án bỏ tù ba nhà hoạt động cho nhân quyền vì những hoạt động bất bạo động của họ trong việc bảo vệ quyền con người. Ngày 26 tháng Tám năm 2014, Toà Án Nhân Dân Tỉnh Đồng Tháp đã tuyên án bà Bùi Thị Minh Hằng, Cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, và ông Nguyễn Văn Minh từ hai năm đến ba năm tù giam về tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 của Bộ luật Hình sự. Những vụ bắt giam và các bản án nặng nề đối với các nhà hoạt động bảo vệ quyền con người, những blogger và các nhà báo là một điều đi ngược lại những gì chính phủ Việt Nam đã cam kết với quốc tế về việc họ sẽ đảm bảo quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội trong Công uớc Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. OHCHR trong quá khứ đã từng lên tiếng quan ngại trong rất nhiều trường hợp với chính phủ Việt Nam về khuynh hướng hành xử đáng lo ngại này. Tháng Hai năm 2014, Đặc phái viên về tình trạng người bảo vệ quyền con người cũng đã bày tỏ những quan ngại tương tự, khi diễn tả về “một mô hình uy hiếp, đe doạ, và bịt miệng nhắm vào những nhà dân chủ đấu tranh bất bạo động và những người bảo vệ quyền con ngưòi khi họ thực thi quyền bày tỏ chính kiến và diễn đạt cũng như quyền lập hội ở Việt Nam.” Ngày 11 tháng Hai năm 2014, ba nhà bảo vệ quyền con người đã bị bắt sau khi họ tổ chức một nhóm đi thăm viếng một luật sư nhân quyền và một cựu tù nhân chính trị,ông Nguyễn Bắc Truyển sau khi được báo là ông Truyển đã bị công an tạm giữ và đánh đập tại nhà tù Chí Hòa. Nhóm người này đã bị bắt. Sau hai ngày, 18 người trong số họ đã được thả ra trong khi ba nhà bảo vệ quyền con người nói trên đã bị giam giữ cho đến khi họ bị tuyên án hôm thứ Ba vừa qua. Theo những thông tin nhận được, phiên tòa không hề được xử công khai và thân nhân của các bị cáo cũng như những nhà hoạt động khác, tuy đã cố gắng đến, nhưng không được tham dự phiên xử vì đã bị công an ngăn cản. Một số họ đã bị cấm cố trái phép tại nhà trong khi một số khác đã bị chặn bắt bởi công an trên đường họ đến tòa án. Theo tin đã đưa, có một lực lượng công an đông đảo đã có mặt nhằm cản trở lối vào của tòa án. Bà Bùi Thị Minh Hằng đã chú trọng những hoạt động bảo vệ quyền con người của bà vào việc giúp đỡ những người nông dân, đặc biệt là những nông dân trở thành dân oan trong những vụ án tranh chấp đất đai với chính quyền. Cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh là những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vận động cho quyền tự do tôn giáo.   OHCHR yêu cầu chính phủ Việt Nam, với danh nghĩa một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền, xem xét lại hình thức áp dụng Bô luật Hình sự nhằm nhắm vào những nhà hoạt động nhân quyền cũng như phải tuyệt đối tôn trọng các quyền tự do biểu đạt, bày tỏ chính kiến cũng như tự do hội họp trên đất nước của họ. KẾT THÚC   OHCHR website: http://www.ohchr.org/ OHCHR Regional Office for South-East Asia website:http://bangkok.ohchr.org/ Bản dịch của luật sư Vi K. Tran, thành viên Con Đường Việt Nam. nguồn: FB Con Đường Việt Nam
......

Hiểu sai về phi chính trị hoá quân đội

Một cách hiểu sai về "phi chính trị hóa quân đội"! Trên Tạp chí Cộng sản số 862 (8-2014) có một bài viết của tác giả Ngô Xuân Lịch về chủ đề Chống "phi chính trị hóa" quân đội. Tôi đọc xong hai lượt mà vẫn chưa bị thuyết phục với những lý giải ông đưa ra về chủ đề đó! Tôi mang bài viết này cùng trao đổi với nhóm bạn thân vốn cùng là sỹ quan quân đội, và nay là đồng đội Cựu chiến binh đang cùng sinh hoạt trong Hội CCB của phường. Chúng tôi gồm 7 anh em, đã từng làm Chíinh trị viên trong quân đội thời chống Mỹ, từ cấp đại đội đến cấp tiểu đoàn, sau khi về nghỉ hưu gặp nhau trong Hội CCB và kết thân từ đấy. Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình đất nước nên thường xuyên bàn thảo về các vấn đề nóng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Lần này theo đề nghị của tôi, và nhận thấy vấn đề khá hấp dẫn về cả mặt lý luận và thực tiễn nên tất cả nhóm vào cuộc ngay. Sau đây là tóm tắt những nội dung trao đổi của chúng tôi: - Tác giả coi "luận điệu" "phi chính trị hóa quân đội" là một thủ đoạn, một âm mưu trong chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, nhằm làm suy yếu quân đội, chống phá chế độ. Do đó tác giả kêu gọi phải kiên quyết đấu tranh chống lại luận điệu phản động đó, làm thất bại âm mưu nguy hiểm đó. Tác giả đã nhắc lại ý kiến này của "bọn thù địch" như sau: "Quân đội sinh ra là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ, không phải là để bảo vệ bất cứ một đảng phái hay một thể chế chính trị nào?" - Nhưng rất nhiều bạn đọc nghe xong ý kiến đòi hỏi đó thì lại thấy "bọn thù địch" nói quá đúng, không thể gọi đó là luận điệu "phi chính trị hóa quân đội" được, càng không được coi đó là luận điệu phản động, chống đối. Bởi vì "chính trị" thường được hiểu là những vấn đề xoay quanh chuyện giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước. Quân đội là một công cụ của quyền lực nhà nước được sử dụng vào mục đích đó, với chức năng đặc thù là chống lại sự xâm lăng của kẻ thù từ bên ngoài để bảo vệ đất nước (phân biệt với chức năng đặc thù của Công an là bảo vệ an ninh trong nước). Nói như vậy là thực sự đề cao tính chính trị của quân đội, tính chính trị đích thực. Ai cũng thấy "bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ" là rất chính trị rồi, một tính chính trị cao hơn hẳn "bảo vệ một đảng phái, một thể chế chính trị", chứ đâu có phải là "phi chính trị", là "trung lập"? Bởi một đảng phái, một thể chế chính trị có thể bị thay thế, có thể bị mất đi, nếu nó phản tiến bộ, một đảng phái chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong nhân dân, thể chế chính trị chỉ là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử ngắn, còn Nhân dân, Tổ quốc, Lãnh thổ là Tất cả, là mãi mãi trường tồn và thiêng liêng! Quyền lực nhà nước, trong đó có quân đội, sinh ra chính là để bảo vệ cái vĩ mô trường tồn và thiêng liêng đó: Nhân dân, Tổ quốc, Lãnh thổ! Ở đây tác giả cố tình hiểu và bắt người đọc phải hiểu "tính chính trị" của Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ là bảo vệ ĐCSVN cầm quyền và cái thể chế chính trị tương ứng là CNXH (chưa có thật)! Đó là một nhận thức sai lầm, một cách nhìn thiển cận, một thái độ hẹp hòi, chỉ xuất phát từ lợi ích riêng của Đảng, chống lại lợi ích chung của đất nước, ngược với xu hướng phổ quát của thế giới văn minh. Và bởi thế "bọn thù địch" mới chống lại đòi hỏi đó, và họ đòi hỏi phải "phi chính trị hóa" quân đội, tức là trở lại đúng cái "luận điệu phản động" mà họ đã nêu, như tác giả trích ở trên. Rất tiếc là nhận thức sai lầm này của giới cầm quyền đã tồn tại khá lâu, đã tác quái, lũng đoạn trên nhiều phương diện của đời sống chính trị- xã hội, gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển tiến bộ của đất nước và sự trưởng thành của quân đội nói riêng. Nếu hiểu "tính chính trị" sai lệch như thế thì rõ ràng ở Việt Nam ta phải "phi chính trị hóa" rất nhiều lĩnh vực, trong đó có quân đội. - Trong bài viết, tác giả đã tập trung phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của sự sai trái của cái "luận điệu" "phi chính trị hóa quân đội". Cơ sở lý luận mà tác giả viện dẫn là lý luận Mác-Lênin về vai trò của quân đội, trong đó có đoạn ... Trong xã hội có giai cấp, bất kỳ quốc gia nào, dù thời chiến hay thời bình, đều tổ chức ra quân đội để bảo vệ chế độ chính trị và lợi ích của giai cấp cầm quyền... Cái "nguyên lý" ấy không thể đúng ở Việt Nam hiện nay nữa rồi, bởi vì cả thể chế chính trị và giai cấp cầm quyền đều đã tha hóa, biến chất, không còn tốt đẹp và cần thiết cho sự phát triển của đất nước nữa mà phải bảo vệ! Tác giả tự cho là mình hiểu rất sâu sắc "nguyên lý" đó, thế mà lại không nhìn ra cái chế độ chính trị hiện nay, đi cùng với giai cấp cầm quyền hiện nay là gì, là ai? Đâu có phải là một thể chế dân chủ đích thực, dân chủ gấp ngàn lần dân chủ tư sản, đâu có phải là giai cấp công nhân tiền phong như trong cương lĩnh chính trị của Đảng! Chả nhẽ quân đội hiện nay lại cam tâm bảo vệ cái chế độ độc tài toàn trị đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, thậm chí phản quốc! Chả nhẽ quân đội ngày nay lại cứ nhắm mắt bảo vệ lợi ích của các bọn nhà giàu bất chính, của một bầy "sâu mọt" quan chức tha hóa, tham lam đang đẩy công nhân, nông dân xuống đáy cùng của xã hội để ngày càng bị bị áp bức, bóc lột thậm tệ, - mà trong đó chủ yếu là những người ruột thịt của chính cán bộ, chiến sĩ của quân đội? ... Giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay đâu còn là giai cấp lãnh đạo, đâu còn có lý luận chính trị tiên tiến và độc lập để lãnh đạo đất nước, mà chỉ còn là một cái "áo khoác ngoài" bị mượn khéo để lừa bịp về cái tính chính trị "Của dân, do dân, vì dân" của thể chế mang tên CHXHCN và về bản chất giai cấp công nhân cùng với tính nhân dân của quân đội mang tên Nhân Dân! Hơn nữa, quân đội Việt Nam hiện nay, xét về mọi phương diện thì thực chất là của dân, do dân, chứ không phải là của Đảng, như họ vẫn tự nhận! - Bản lĩnh chính trị của quân đội không thể là sự trung thành mù quáng với Đảng cầm quyền, nay đã biến chất, với cái chủ thuyết CNXH mơ hồ, không có thật, với cái thể chế toàn trị phản tiến bộ. Giáo dục cho quân đội như vậy và áp đặt quân đội phải làm như vậy là một sự lừa dối thô bạo, bất chấp đạo lý, bất chấp thực tiễn, bất chấp sự thật lịch sử! Đó cũng là một biểu hiện rất coi thường bản lĩnh thật của quân đội, coi thường trình độ quân trí! Chính cái "luận điệu" của "bọn thù địch" đã nói rất rõ và đúng cái bản lĩnh chính trị cần có của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bọn "thù địch" đó không phải là phản động đâu, họ không chống lại QĐND của họ đâu, mà chính họ là Nhân dân, hậu phương đáng tin cậy của quân đội, họ đang cổ vũ quân đội của họ hướng về cái mục đích chiến đấu đích thực và cao cả đấy! - Về cơ sở thực tiễn, tác giả lại lấy ngay bài học về sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu để minh họa cho cái sự sai lầm của "luận điệu" "phi chính trị hóa quân đội". Đọc đến chỗ này thì những ai đã từng sống ở thời điểm đó, đã từng đọc những thông tin "hai chiều", và có cái đầu tỉnh táo một chút thôi, cũng đều thấy rõ đây mới là một thứ luận điệu xuyên tạc lịch sử với ý đồ không trong sáng! Hoặc là do trình độ tư duy của tác giả quá hạn chế, nên đã lẫn lộn đúng – sai, thật – giả! Sự thật lịch sử không phải là như vậy, cả thế giới này ai mà chả biết, chính một tác giả có uy tín của Tạp chí Cộng sản đã có bài viết rất chân thực nói về sự kiện này (PGS Hà Mỹ Hương - TCCS số 829, tháng 11/2011). Sự thật ấy chứng tỏ khi quân đội và nhân dân đã mất lòng tin ở Đảng cầm quyền thì quân đội cùng với nhân dân quay lưng lại với Đảng, không thể bảo vệ Đảng một cách mù quáng nữa. Chúng ta còn nhớ, vào thời điểm ấy ở Liên Xô, khi ĐCS Liên Xô đã mất chính quyền, chính quyền mới đã ra sắc lệnh cấm ĐCS hoạt động và tịch thu tài sản của Đảng,... thì quần chúng nhân dân vẫn dửng dưng, không có một động thái gì để bảo vệ Đảng, kể cả khi có cả một đám đông khổng lồ nhân dân tập trung ở Quảng trường lớn cạnh trụ sở Ban Chấp hành TW ĐCS Liên Xô! Còn Quân đội Liên Xô thì "án binh bất động", như là "trung lập", để không trở thành lực lượng đối đầu với nhân dân. Sự thật ấy (cả ở các nước Đông Âu) không chứng tỏ quân đội do bị "phi chính trị hóa" nên đã mất sức chiến đấu, mà là một chứng minh hùng hồn về bản lĩnh thật của họ, họ đã rất tỉnh táo và sáng suốt trước sự tha hóa của Đảng Cộng sản (thực chất là của giới lãnh đạo Đảng). Đó là một bài học lịch sử rất đáng suy ngẫm của quân đội ta, trước hết là với các tướng lĩnh chỉ huy quân đội! - Còn có một thực tiễn nữa rất đáng liên hệ mà sao tác giả lại quên? Đó là những câu chuyện về một bộ phận QĐNDVN, đã từ bỏ chức năng chính của mình, để tham gia đàn áp nhân dân trong các vụ cưỡng chế thu hồi đất đai của dân ở Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội,... và nhiều nơi khác nữa! Đây mới chính là những hành động mất bản lĩnh chính trị, phi chính trị, và thậm chí có thể gọi là phản động, của một số đơn vị quân đội dưới sự chỉ huy ngu dốt của cán bộ chỉ huy, do bị sức ép từ phía Đảng! Trong những câu chuyện này thì chính quân đội đã chống lại lợi ích chính đáng của nhân dân để bảo vệ lợi ích đen tối của một bộ phận sâu mọt trong Đảng, quân đội đã phản bội lại nhân dân, từng sinh ra và nuôi dưỡng mình! Với hành động mù quáng ấy thì làm sao mà chứng tỏ cho được cái bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân của quân đội Việt Nam hiện nay, như tác giả đã nhấn mạnh lại trong bài viết? Cả hai sự thật lịch sử nêu trên, từ thực tiễn trong nước và quốc tế, đã phản bác thẳng thừng lập luận ngụy biện của tác giả, đã chứng minh rằng cái "nguyên lý" cũ rích được ông nêu ra làm căn cứ ấy không còn giá trị! - Liên quan đến chủ đề này, chúng ta cũng cần lý giải cho rõ cái sự đúng - sai về chuyện thay đổi khẩu hiệu mà ngày xưa Hồ Chủ tịch đã từng nêu ra để răn dạy quân đội là "Trung với Nước, hiếu với Dân,....", nay bị đổi lại là "Trung với Đảng, hiếu với Dân,..."? Người ta giải thích cho dân và cho cán bộ, chiến sĩ quân đội bằng thuật ngụy biện, đánh tráo khái niệm, nói lấy được,... theo cùng một lô gích của tư duy như đã nêu ở trên về tính chính trị của quân đội! Họ đưa ra nội hàm mù mờ về khái niệm Đảng, Trung với Đảng, để rồi người nghe không thể hình dung nổi: Đảng là ai mà quân đội phải trung thành? Trung thành với Đảng là trung thành với những cái gì của Đảng? Lâu nay hình như giới cầm quyền đã cố tạo ra một hình tượng cao đẹp, thậm chí là thiêng liêng, vĩnh hằng, nhưng rất mơ hồ về Đảng. Nhưng bây giờ thì buộc người nghe phải hiểu theo thực tế đang hiện hữu: Đảng chính là những ông bà chóp bu ở các cấp đang nắm giữ mọi quyền lực, Trung với Đảng là phải bảo vệ mọi đường lối, chính sách của các ông bà ấy đẻ ra, kể cả những chính sách sai lầm, phải bảo vệ mọi lợi ích của các ông bà ấy, mà quan trọng nhất là quyền lực độc tôn cai trị đất nước, rồi đến tài sản khủng của bọn họ, rồi cả đến sinh mạng của bọn họ và con cháu họ nữa chứ! Người nghe cũng buộc phải hiểu: Đảng là ở trên Nhân Dân và Đất Nước, Đảng quan trọng hơn Nhân Dân và Đất Nước, mất Nước thì đành chịu chứ không thể mất Đảng. Nhận thức bị áp đặt đó hoàn toàn sai, rất xa lạ với bản chất đích thực của quân đội, khác hẳn với nhận thức đúng đắn lâu nay về Đảng và quân đội của toàn xã hội, và không đúng với lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với Quân đội ta, như đã phân tích nhiều ở phần trên. Chả thế mà cả quân đội và công an từ khi còn non trẻ đã rất tự giác tiếp nhận và thực hiện những điều răn dạy thiêng liêng "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh", "Đoàn Vệ quốc chúng ta từ nhân dân mà ra,...". Ngày trước Hồ Chủ tịch cũng không nói quân đội trước hết là phải Trung với Đảng, dù Hồ Chủ tịch lúc ấy là người đứng đầu Đảng, vì hiểu rất sâu sắc Đảng cũng từ dân mà ra, Đảng chỉ là một bộ phận rất nhỏ của dân tộc, mục đích phục vụ của Đảng là vì dân vì nước, lợi ích của đất nước là trên hết, Đảng không có lợi ích riêng nào khác với lợi ích dân tộc. Trung với nước chính là phẩm chất cao nhất của quân đội, Trung với nước cũng chính là trung với Đảng rồi (nếu Đảng còn tốt đẹp)! Vậy thì việc sửa đổi này là quá sai, mang ý đồ xấu! - Khi chúng ta phải bàn lại về bản chất quân đội, về tính chính trị đích thực của quân đội thì không thể không nêu lại yêu cầu phải giữ cho quân đội ta, Quân đội nhân dân Việt Nam, luôn trong sạch và tỉnh táo chính trị. Không trong sạch thì không thể phát triển hùng mạnh được, không tỉnh táo thì sẽ chệch hướng, sẽ mất hẳn tính nhân dân và tính dân tộc. Trong quá trình xây dựng và phát triển lâu nay, do luôn bị chi phối bởi cái tư duy "chống phi chính trị hóa" sai lầm, nên quân đội đã như là một cái "bóng" rất "nét" của Đảng. Mệnh lệnh của Đảng là phải chấp hành nghiêm và ngay lập tức, không phải và không được bàn cãi đúng – sai! Đảng làm cái gì, có cái gì thì quân đội cũng bắt chước làm theo! Vì vậy mới có câu hỏi đặt ra: Đảng hư hỏng thì quân đội có hư hỏng theo không, trong Đảng mất dân chủ thì trong quân đội có vậy không, Đảng độc quyền thì quân đội có chuyên quyền, phát xít không, trong Đảng có chuyện đảng viên bóc lột người dân lao động để làm giàu bất chính thì trong quân đội có chuyện cán bộ bóc lột sức lao động của chiến sĩ theo kiểu "nước sông, công lính" để vụ lợi không, Đảng tham nhũng tùm lum thì trong quân đội có tham nhũng không, trong Đảng có chuyện "con ông cháu cha" thì trong quân đội có chuyện "4C" không...? Tai mắt mhân dân khẳng định là CÓ, và có nhiều, chỉ có điều là không ai dám phanh phui ra. Chẳng hạn, riêng chuyện tham nhũng và lãng phí trong quân đội, thì ngoài việc tự kiểm tra, thanh tra rất hình thức, thì đố các cơ quan chức năng của Chính phủ, của dân (Quốc hội) dám xông vào đấy mà soi xét, mà lục vấn (nếu chóp bu Đảng không cho phép)! Quân đội cũng được Đảng ban phát cho nhiều đặc quyền, đặc lợi (chỉ với cán bộ thôi), từ lương bổng cho đến các chính sách ưu đãi thân nhân, cấp nhà cấp đất,... từ chuyện được nhận các công trình ngon lành,... đến việc phong cấp hàm quá nhanh quá thoáng quá nhiều, việc xét tặng danh hiệu nhà nước, phong học hàm khoa học quá dễ,...! Không biết đã đến mức "chiều quá sinh hư", như ngày xưa đã từng có nạn kiêu binh chưa? Chả thế mà ai trong quân đội (và công an nữa, nhưng chỉ là cán bộ thôi) cũng rất tự nguyện theo Đảng đến cùng, hết lòng bảo vệ Đảng, "Đảng còn là mình còn"! Nhân dân rất mong Quân đội nhân dân của họ phải luôn trong sạch, dù bên trên nó là Đảng có vướng vào cái sự hư hỏng, đen bẩn. Trong thâm tâm người dân vẫn tin Quân đội hơn tin Đảng! - Khi đọc các giải pháp chống lại luận điệu "phi chính trị hóa quân đội" mà tác giả đưa ra, chúng ta đều thấy hầu hết đó là các công việc cũ mà quân đội đang làm. Chỉ có một điểm mới là phải kết hợp với việc chống "luận điệu phi chính trị hóa" quân đội, và giọng điệu "lên gân" với "bọn thù địch"! Chúng ta chỉ xin góp vào 5 ý kiến sau: * Phải thay đổi ngay cái lý luận xuất phát về "tính chính trị" của QĐND Việt Nam, bỏ hẳn cách hiểu quân đội chỉ cần trung thành với ĐCS và thể chế chính trị XHCN. * Phải thay đổi cách giáo dục tư tưởng, chính trị trong quân đội, bỏ hẳn cách giáo dục áp đặt, nhồi sọ rất chi là phản động, vì không tôn trọng tính Người, không phát huy được sự tự giáo dục. * Cải tiến chế độ công tác chính trị trong quân đội theo hướng phát huy dân chủ nội bộ, phát huy tính chủ động của cán bộ chỉ huy, bất kể là cán bộ quân sự hay chính trị. Nên chăng có thể bỏ dần chế độ cán bộ chính trị, bắt đầu từ chính trị viên ở cấp đại đội, không cần phân biệt cán bộ chính trị với cán bộ quân sự, vì trong thực tiễn cán bộ chỉ huy nào cũng đều làm tốt được công tác chính trị cả. * Phải đặt thành vấn đề lớn là chống tham nhũng trong quân đội. Bởi quân đội đang quản lý một nguồn lực rất lớn của đất nước, hàng năm đang sử dụng một khoản kinh phí rất nhiều, và trong quân đội chưa có dân chủ thực sự, vẫn tồn tại thói độc quyền, vẫn có "vùng cấm" mà cấp dưới và người ngoài quân đội không được phép biết! * Phải cho quân đội được quyền đối thoại lại với lãnh đạo cấp trên (Đảng, Nhà nước) khi được giao nhiệm vụ khác với chức năng truyền thống. Quân đội có quyền từ chối nhiệm vụ sai lầm và chịu trách nhiệm với cấp cao hơn và với nhân dân về sự từ chối đúng đắn đó. - Tóm lại, có thể nói: Nội dung cốt lõi của bài viết là cố tình xuyên tạc nội hàm khái niệm, là đánh tráo khái niệm xung quanh vấn đề bản chất, và tính chính trị đích thực của QĐNDVN. Cái mẹo ấy hướng vào mục tiêu là gán cho những nhận thức đúng, những đòi hỏi đúng cái tội "luận điệu" "phi chính trị hóa quân đội", và gán cho chủ sở hữu của chúng là bọn phản động, bọn thù địch, chống phá chế độ,..Mục đích của bài viết là cố bảo vệ sự an toàn và tính chính danh cho những việc làm trái khoáy xuất phát từ nhận thức sai trái đó, hòng biến QĐNDVN trở thành chỉ là công cụ của các nhóm lợi ích trong Đảng, có thể chống lại nhân dân, có thể quên mất Tổ quốc, và trở thành phi chính trị thực sự! - Cùng với kiểu phản công tương tự, giới chức cầm quyền của Đảng cũng đang rêu rao về sự nguy hiểm của khuynh hướng"diễn biến hòa bình" và "xã hội dân sự". Họ cũng đánh tráo các khái niệm để vu cáo lực lượng đấu tranh đòi dân chủ hóa đời sống xã hội, đòi thay đổi thể chế một cách ôn hòa, ... cũng là bọn phản động, chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chế độ,... Vì vậy chúng ta phải tỉnh táo, tìm mọi cách để chống lại các thủ đoạn áp đặt tư tưởng, bóp méo nhận thức, như các bài viết kiểu trên. - Chúng ta nêu lại những nội dung trao đổi này cốt để nhiều người được biết đến một thủ đoạn tuyên truyền xảo quyệt lâu nay là đánh tráo khái niệm, áp đặt nhận thức của giới cầm quyền đối với nhân dân, mang ý đồ xấu. Vấn đề "phi chính trị hóa quân đội" và "diễn biến hòa bình" chỉ là một ví dụ gần đây. Rất mong nhiều người cùng tham gia trao đổi, vì đây là hình thức phản biện xã hội rất phổ biến và cần thiết của một xã hội dân sự mà Việt Nam đang hướng tới! Tháng 8 năm 2014 M.A. *Từ ngữ và văn phong trong bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Nguồn: boxitvn.blogspot.com
......

Âm mưu triệt hạ Chùa Liên Trì

HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VIỆT NAM TUYÊN BỐ VỀ VIỆC NHÀ CẦM QUYỀN CỘNG SẢN VIỆT NAM TRIỆT HẠ CHÙA LIÊN TRÌ Kính gởi: - Chức sắc và tín đồ các Tôn giáo tại Việt Nam. - Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước. Đồng kính gởi: - Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo. - Các Chính phủ dân chủ năm châu, các Tổ chức nhân quyền quốc tế, các Cơ quan báo chí hoàn vũ. Ngày 18-08-2014, nhà cầm quyền phường An Khánh, quận 2, thành phố Sài Gòn đã gởi đến Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện trưởng kiêm Tổng ủy viên Từ thiện Xã hội thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, một “Thư mời” mang tính triệu tập cùng bản “Phụ lục đính kèm” (không có nơi phát hành, không ghi người hữu trách, không dẫn căn cứ pháp luật) về kế hoạch giải tỏa, san bằng Chùa Liên Trì (thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm) mà Hòa thượng đang là Viện chủ. Theo “Phụ lục đính kèm” với lời lẽ đe doạ sẽ “thực hiện biện pháp hành chính để thu hồi…” thì lệnh cưỡng chế, giải tỏa Chùa Liên Trì sẽ được tiến hành từ ngày 08 tháng 9 sắp tới. Trả lời thái độ cường quyền này, Hoà thượng Thích Không Tánh đã có thư phúc đáp đề ngày 21-08-2014 với hai đề nghị và hai tuyên bố. Đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ủy ban Nhân dân thành phố “ngưng cho công an canh gác, cô lập, sách nhiễu, áp chế Chùa Liên Trì”, cũng như phải “tôn trọng Tự do Tôn giáo, Tín ngưỡng, Nhân quyền mà đình chỉ việc giải toả Chùa Liên Trì nhằm lấy đất đầu tư kinh doanh…”. Tuyên bố không nhận số tiền 5.418.076.120 đồng của UBND Quận 2 nhằm “giải toả triệt tiêu Chùa Liên Trì” cũng như sẽ “tổ chức tuyệt thực và cầu nguyện cho Tự do Tôn giáo, Tín ngưỡng, Nhân quyền Việt Nam…” Trước sự kiện này, trong tinh thần hiệp thông tôn giáo và ý thức bảo vệ lẽ phải, Hội đồng Liên tôn Việt Nam tuyên bố như sau: 1- Khu đô thị mới Thủ Thiêm (rộng 930ha, trong đó tọa lạc Chùa Liên Trì) từ mấy chục năm qua được giới đầu tư kinh doanh bất động sản xem là “vùng đất vàng”. Cũng bởi tính chất gợi lòng tham ấy, công cuộc giải tỏa 15 ngàn hộ dân và cơ sở tôn giáo trong khu vực này – với lối thu hồi kiểu ăn cướp và cách bồi thường kiểu giết dần mòn- đã kéo dài quá lâu, làm phát sinh rất nhiều cuộc khiếu kiện (11 ngàn đơn đã nộp), gây ra rất nhiều vụ cưỡng chiếm bạo hành và còn dẫn đến nhiều nhiều án tù đày lẫn nhiều cái chết thương tâm của dân oan mất đất tuyệt vọng. Công luận từ lâu đã cho dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm là vụ án cướp đất tàn bạo nhất tại VN dưới chế độ cộng sản, được phối hợp thực hiện bởi những cái gọi là “ủy ban nhân dân”, “tòa án”, công an, côn đồ và đảng ủy. 2- Là một trong ba cơ sở tôn giáo còn sót lại nơi vùng đất sờ đâu cũng thấy tiền này (trong đó có nhà thờ Công giáo Thủ Thiêm và dòng Mến Thánh Giá, cả hai đã quyết không di dời dù bị cưỡng bức, riêng cơ sở của Hội thánh Tin lành Mennonite thì từ lâu đã bị xóa sổ), Chùa Liên Trì đang là nạn nhân mới nhất của mưu đồ tối đa hóa lợi nhuận cho các nhóm lợi ích lẫn mưu đồ tối thiểu hóa hoạt động “chống phá” của một tu sĩ Phật giáo như Hòa thượng Thích Không Tánh (vốn đã 3 lần bị tù bởi chế độ với tổng án 16 năm trời). Thật vậy, từ lâu, trong tư thế Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng đã biến Chùa Liên Trì làm cơ sở thực hiện Đại Bi Tâm của Phật tử, thường xuyên tổ chức các buổi cứu tế cho người nghèo khổ, già yếu, tật bệnh và nhất là anh em Thương binh Việt Nam Cộng Hòa, một thành phần bất hạnh mà cho đến tận hôm nay, chế độ và nhà cầm quyền CS vẫn tiếp tục căm thù, áp bức, kỳ thị, đẩy ra ngoài lề xã hội. Kể từ đầu năm nay, Chùa Liên Trì lại nhiều lần mở rộng cửa từ bi để trở thành nơi sinh hoạt hàng tháng cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập, đối tượng của một trong 14 điều cam kết mở rộng của nhà cầm quyền Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào tháng 10 năm ngoái. Thế nhưng, vài cuộc sinh hoạt dân sự gần nhất đã phải đối mặt với hàng rào nhân viên an ninh vây bọc và những đống đá choán đổ gần hết con đường độc đạo dẫn vào chùa mà xe hơi không thể qua được. Đúng là ngôi chùa và vị viện chủ của nó đã trở thành cái gai trong mắt một nhà cầm quyền độc tài chưa bao giờ chấp nhận các tổ chức dân sự độc lập, và một nhà cầm quyền vô thần đấu tranh mãi mãi không đội trời chung với các tổ chức tôn giáo độc lập. 3- Vì đã hiện diện tại Thủ Thiêm hơn nửa thế kỷ nay, tỏa ánh đạo vàng từ bi hỉ xả cho nhân dân bản địa, Chùa Liên Trì do đó vẫn có quyền tồn tại và phải được tồn tại nơi khu đô thị mới này, vốn theo kế hoạch là một khu cư dân chứ không phải khu quân sự hay khu công nghiệp. Mà dân thì nơi nào cũng cần cơ sở tôn giáo, nên không cần và không thể giải tỏa chùa (cũng như mọi cơ sở của các giáo hội). Nếu làm như thế là cản trở và chà đạp trắng trợn nhu cầu tôn giáo của nhân dân! Thế nhưng, dù hai năm trước đây, ngày 17-9-2012, Hòa thượng Thích Không Tánh đã viết thư gửi Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam yêu cầu không giải tỏa chùa Liên Trì, nay họ vẫn nhất định xóa sổ cứ điểm tâm linh đó và xem ra lần này quyết thực hiện cho kỳ được. Phải chăng để có thể ung dung làm điều tội lỗi, thậm chí tội ác, mà không sợ sự quấy rầy của tôn giáo (như tại các khu đô thị cư dân bên Tàu cộng và Hàn cộng)? Phải chăng để có thể tiếp tục phá hủy truyền thống đạo đức văn hóa dân tộc như họ đã và đang làm hơn nửa thế kỷ nay? 4- Cùng với Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quốc nội lẫn hải ngoại, cùng với bao nhiêu tiếng nói của cá nhân và tập thể trong nước lẫn ngoài nước, người Việt lẫn người ngoại quốc, Hội đồng Liên tôn cực lực phản đối kế hoạch phá hủy Chùa Liên Trì, cướp bóc đất Liên Trì của nhà cầm quyền Cộng sản, cũng như hoàn toàn ủng hộ các đề nghị và tuyên bố của Hòa thượng Viện chủ. Nhà cầm quyền độc tài và vô thần đừng tưởng muốn làm gì -dù trái đạo lý, nghịch lòng dân, vô pháp luật- trên đất nước này thì làm. Hãy dừng bàn tay tội ác, đừng dại chuốc lấy quả báo khủng khiếp cho mình, đừng gây thêm khổ đau vô vàn cho Dân tộc này nữa! 5- Chúng tôi cũng kính mong các chính phủ dân chủ, các tổ chức nhân quyền, các cơ quan báo chí, các cộng đồng người Việt khắp nơi, đặc biệt ngài Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự tôn giáo hay tín ngưỡng, hãy lên tiếng phản đối, tìm cách ngăn chặn việc làm phi tôn giáo, phi nhân quyền của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Sự tồn vong của Chùa Liên Trì cũng là sự tồn vong của tôn giáo, sự tồn vong của những giá trị tâm linh, sức mạnh tinh thần vốn rất cần thiết cho một Việt Nam đang từng ngày bị băng hoại bởi chủ nghĩa và chế độ duy vật vô thần, độc tài toàn trị. Làm tại Việt Nam ngày 30 tháng 8 năm 2014 Hội đồng Liên tôn Việt Nam: - Cụ Lê Quang Liêm, Hội trưởng PGHH (đt: 0199.243.2593).- Hòa thượng Thích Không Tánh, Phật Giáo (đt: 0165.6789.881)- Thượng tọa Thích Viên Hỷ, Phật Giáo (đt: 0937.777.312).- Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Công Giáo (đt: 0984.236.371)- Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại, Công Giáo (đt: 0935.569.205)- Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Công Giáo (đt: 0993.598.820)- Chánh trị sự Hứa Phi, Cao Đài (đt: 0163.3273.240)- Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân, Cao Đài (đt: 0988.971.117)- Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng, Cao Đài (đt: 0988.477.719)- Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, Tin Lành (đt: 0949.275.827)- Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, Tin Lành (đt: 0906.342.908)- Mục sư Lê Quang Du, Tin Lành (đt: 0121.2002.001)- Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Tin Lành (đt: 0162.838.7716)- Mục sư Đinh Thanh Trường, Tin Lành (đt: 01202352348)- Mục sư Đinh Uy, Tin Lành (đt: 01635847464)- Ông Phan Tấn Hòa, PGHH (đt: 0162.630.1082)- Ông Tống Văn Chính, PGHH (đt: 0163.574.5430)- Ông Lê Văn Sóc, PGHH (đt: 096.419.9039)   Nguồn: fvpoc.org
......

ĐẶC SẢN CÔNG LÝ CỦA CHXHCNVN

1. Theo tin DCCT (nguồn: http://www.chuacuuthe.com/2014/08/cong-an-danh-chet-nguoi-dan-bi-18-than...): Ông Y Két Bdap trú buôn Kmar, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuini đã bị hai công an viên trên đánh chết ngày 28.11.2013 vì bị tình nghi ăn trộm bò. Trong đồn, ông Y Két bị trói vào cửa sổ và công an dùng gậy cao su tra tấn, buộc ông nhận tội, cho đến chết. 2 công an dùng nhục hình chỉ bị xử 18 tháng tù. 2. Vụ án Đồng Tháp mà dân cư mạng mỉa mai là "2 xe đi hàng 3" xử bà Bùi Thị Minh Hằng 3 năm tù về tội gây rối giao thông. Vụ án vô lý đến nỗi Đại sứ quán Đức tại Hà Nội vốn rất hiền lành và nhân bản đã phải ra một thông báo phản đối. Xin trích lời ông đặc sứ Christoph Strässer:   "Tôi lo ngại về hình phạt tù giam nhiều năm đối với ba nhà hoạt động nhân quyền vì tội "gây rối trật tự công cộng". Như vậy ba nhà hoạt động này bị giam trong tù nhiều năm chỉ vì cản trở giao thông trong một thời gian ngắn. Điều đó hoàn toàn không tương xứng và kỳ lạ. Rất tiếc là nó cho thấy rằng, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn rất khó khăn: Những người khác chính kiến vẫn tiếp tục bị trấn áp, đe dọa hoặc bắt giam. Tôi yêu cầu các cơ quan chức trách Việt Nam đình chỉ án phạt tù và thả ngay ba người này. Việt Nam là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc và đã ký kết nhiều công ước Liên hiệp quốc về nhân quyền. Việt Nam phải coi đó là thước đo." Nguồn: http://www.hanoi.diplo.de/Vertretung/hanoi/vi/05-Aussenpolitik_20u_20D-V...
......

Những phiên tòa nối tiếp phiên tòa

Vào ngày 10 tháng Chín, 2008, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày đã bị Tòa án Nhân dân TP.HCM kết án 30 tháng tù vì tội “trốn thuế”. Nhưng những người hiểu chuyện đều biết, Điếu Cày bị tù vì đã dám lên tiếng trước những bất công oan trái của xã hội, quan trọng hơn, dám chống Tàu! Cùng với các sinh viên, văn nghệ sĩ và bạn bè trong nhóm “Câu lạc bộ Nhà báo Tự Do” Điếu Cày đã dám viết lên những chữ “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”, dám biểu tình kỷ niệm 34 năm ngày mất Hoàng Sa 19 tháng 1,1974-19 tháng 1, 2008, ngay trước cửa Nhà hát Thành phố, khi mà trận hải chiến Hoàng Sa còn là điều “nhạy cảm” không được công khai nhắc đến, đối với nhà cầm quyền lúc bấy giờ. Đến tháng 10, 2010, lẽ ra Điếu Cày phải được trả tự do nhưng bản án của ông lại bị gia hạn để “điều tra thêm”. Và rồi tháng 4, 2012 ông bị tòa án xét xử thêm về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, cùng với nhà báo Tạ Phong Tần tức blogger Công lý và Sự thật, và luật gia Phan Thanh Hải tức blogger Anh Ba Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Hải bị kết án 12 năm tù, bà Tạ Phong Tần 10 năm còn ông Phan Thanh Hải nhẹ nhất với 3 năm tù.   Sáu năm sau, ngày 26 tháng Tám, 2014, một phiên tòa bỏ túi khác diễn ra tại Tòa án Nhân dân thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, xử ba nhà tranh đấu Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh. Kết quả bà Bùi Thị Minh Hằng 3 năm tù giam, anh Nguyễn Văn Minh 2 năm rưỡi và cô Nguyễn thị Thúy Quỳnh 2 năm, về tội “gây rối trật tự công cộng khiến ách tắc giao thông nghiêm trọng”. Và giữa hai phiên tòa này là những phiên tòa ô nhục khác, trong những vụ án có tính chất chính trị hay đàn áp tôn giáo, với lần lượt nhiều người theo nhau đi vào nhà tù nhỏ. Từ giới luật sư, kỹ sư, doanh nhân, nhà báo, blogger cho tới dân thường, các thanh niên Công giáo, Tin Lành, phật tử của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, người dân tộc thiểu số… Người bị kết án nặng 16 năm như kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, 12 năm như blogger Điếu Cày, người nhẹ cũng hai, ba năm.   Nhưng có những lý do khiến bài viết này phải nhắc đến bản án của blogger Điếu Cày, người đầu tiên bị tù vì những gì đã viết và đăng tải trên mạng, và vụ vừa mới xảy ra của nhà hoạt động nhân quyền Bùi Thị Minh Hằng. Thứ nhất, vì một số điểm chung giữa họ. Cả hai, ông Nguyễn Văn Hải hay bà Bùi Thị Minh Hằng đều là những người dân bình thường, sinh ra và lớn lên trong môi trường của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trước đó đang có một cuộc sống kinh tế khá thoải mái, sung túc do tự kinh doanh.   Cả hai, do vậy, không có gốc gác con em “ngụy quân ngụy quyền” để có thể có mối thù riêng với chính quyền, cũng chẳng nhờ kiến thức sách vở hàn lâm mà hiểu ra những chủ trương, chính sách sai lầm của nhà cầm quyền. Chính từ thực tế cuộc sống, những oan ức của người dân, những bất công phi lý trong xã hội khiến họ cũng như rất nhiều người Việt Nam khác nhìn ra sự thật. Và từ lòng yêu nước thôi thúc họ phải xuống đường, cùng với những người khác, cảnh báo mối họa xâm lược từ Trung Cộng. Với blogger Điếu Cày, nỗi đau còn từ những ngày lặn lội lên tận thác Bản Giốc, tận mắt chứng kiến và ghi lại qua những tấm ảnh, một phần “thân thể của đất nước” nay đã thuộc về nước khác. Trong nỗi đau có cả cảm giác bị phản bội của một người từng cầm súng bảo vệ cái chế độ này. Tội lớn nhất của họ, không chỉ là tội “tuyên truyền chống nhà nước”, mà trong mắt của một nhà cầm quyền luôn khiếp sợ Tàu, đó là tội chống Tàu! Cả hai phiên tòa, dù cách nhau 6 năm, nhưng những gì diễn ra trong, ngoài, trước và sau phiên tòa thì chẳng có gì thay đổi. Vẫn những sự đàn áp, khủng bố của đám công an chìm nổi các loại được lệnh phải ngăn chặn bằng mọi giá những người đến dự các phiên tòa được gọi là “công khai”, cho tới toàn bộ diễn biến khôi hài, bất chấp pháp luật của phiên tòa và bản án được tuyên. Có khác chăng, và cũng là tín hiệu đáng mừng, số lượng người hiểu chuyện và tìm cách vượt vòng vây đến với phiên tòa của bà Bùi Thị Minh Hằng bây giờ nhiều hơn trước kia.   Ngày càng nhiều người vượt qua nỗi sợ hãi, ngày càng nhiều người dám lên tiếng, dấn thân. Đồng thời, những bản án như vậy chỉ khiến cho bản thân người bị kết án trở nên trưởng thành hơn về nhận thức chính trị, có lòng tin mạnh mẽ hơn vào việc làm của mình, của bạn bè. Nhìn vào sự vững vàng của blogger Điếu Cày trong suốt thời gian bị cầm tù khắc nghiệt vừa qua hay khuôn mặt, thái độ bình thản của Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh, người ta cảm nhận được điều đó.   Không những thế, bạn bè, gia đình, người thân của họ cũng từ chỗ có thể chưa hiểu việc làm của họ, nhưng khi chứng kiến quá trình bắt giữ, xét xử, kết án bất chấp luật pháp, quá trình giam giữ phi nhân trong tù, sẽ hiểu ra và ủng hộ. Như chị Dương Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu Cày và con trai, hay Trần Bùi Trung, con trai của Bùi Thị Kim Hằng. Như ông Trần Văn Huỳnh phụ thân anh Trần Huỳnh Duy Thức, bà Trần Thị Ngọc Minh mẹ của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, bà Nguyễn Thị Kim Liên mẹ của Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy hay bà Nguyễn Thị Nhung mẹ của Nguyễn Phương Uyên… Và rất nhiều sự hy sinh khác phía sau của những người mẹ, cha, vợ, con…của những tù nhân chính trị, kể làm sao cho hết từ cái thời Nhân Văn Giai Phẩm, vụ án xét lại những năm 60-70 của thế kỷ XX, qua thời hàng ngàn hàng vạn quân dân cán chính của chế độ miền Nam phải đi “học tập cải tạo” dài ngày cho tới những vụ án có tính chất chính trị sau này. Chính nhà cầm quyền, bằng vào sự thiển cận hẹp hòi và những chính sách sai lầm, hà khắc đã tự đẩy người dân về phía đối nghịch, ngày càng nhiều. Một tín hiệu vui khác, giữa những ngày mà dư âm của phiên tòa xử Bùi Thị Minh Hằng và hai người bạn vẫn đang làm mọi người phẫn nộ thì thông tin về việc blogger Điếu Cày có khả năng được thả ra, vốn đã loan truyền trước đó, lại nổi lên. Rất có thể trong những ngày sắp tới, một vài tù nhân lương tâm nổi tiếng sẽ được thả, như 5, 6 trường hợp tù chính trị gần đây, để nhà cầm quyền đổi lại những điều mà họ đang rất cần như được gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (viết tắt TPP) hay được Mỹ bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương…Mà cũng có thể sẽ chỉ là mừng hụt. Nhưng cho dù blogger Điếu Cày và vài tù nhân lương tâm khác có được thả ra, thì cũng vẫn có những người khác đang hoặc chuẩn bị bước vào tù thay thế họ, như nhóm Bùi Thị Minh Hằng mới đây chẳng hạn. Quyền được lên tiếng cùng với những cái quyền tối thiểu nhất của một con người, một công dân vẫn tiếp tục là điều xa xỉ, ở Việt Nam. Sinh mạng, sự an toàn của mỗi tù nhân chính trị tiếp tục trông chờ vào dư luận bên ngoài, sức ép từ quốc tế và những cân nhắc có tính đổi chác không hề biết xấu hổ của nhà cầm quyền, trong khi những người khác tiếp tục là những “tù nhân dự bị”. Bởi vì trước mắt, chẳng có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy nhà nước này thật sự muốn thay đổi, dù chỉ một lần, thử đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên quyền lợi của đảng. Có lẽ đã từng có những hy vọng nhen nhóm nào đó trong người dân khi mới đây, Trung Cộng ngang nhiên đưa giàn khoan khủng xâm phạm lãnh hải Việt Nam, làm thổi bùng lên cơn phẫn nộ của cả nước và khiến nhà cầm quyền có những dịch chuyển mơ hồ về phía Hoa Kỳ và các nước dân chủ tiến bộ trên thế giới. Nhưng nếu có, hẳn cũng tắt ngúm trước thực tế Hà Nội tiếp tục kết án những người yêu nước, cử “đặc phái viên” sang Tàu tạ tội, cam kết khôi phục mối quan hệ giữa hai bên và thỏa thuận cho phép Trung Cộng khai thác vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cùng với những diễn biến khác nữa, chỉ chứng minh rằng điều duy nhất mà nhà nước cộng sản Việt Nam mong muốn, là tiếp tục đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng các nước dân chủ để hưởng lợi từ hai bên, đồng thời kéo dài sự tồn tại của chế độ bất chấp mọi quy luật của thời đại và ý nguyện của người dân. Nguồn: FB Song Chi
......

Bàn về các Thái Tử Đảng

Gần 20 năm trước, trong phần kết luận của tiểu luận “Chia Tay Ý Thức hệ”, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã nhận định rằng: “Càng suy nghĩ về nội dung cũng như về hiện tình của Ý thức hệ Mácxít, tôi càng thấy rõ đây là một Ý THỨC HỆ PHONG KIẾN TRÁ HÌNH của triều đại phong kiến cuối cùng, đang kìm hãm sự tiến bộ xã hội, và được dùng làm BÌNH PHONG cho những yếu tố tiêu cực ẩn nấp.” Nếu qua nhận định vừa kể, ông Hà Sĩ Phu chỉ hiện thực hoá ý thức hệ Mác Xít thành một ý niệm khác gần gũi và dễ hiểu hơn nhưng vẫn mang tích cách trừu tượng, thì đảng Cộng Sản Việt Nam đã cụ thể hoá sự trừu tượng đó trong việc họ công khai xây dựng triều đại Cộng Sản thành một triều đại phong kiến theo nghĩa đen, qua các “quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” (hội nghị trung ương 7, tháng 5/2013) nhằm đưa con cháu của những người từng có nhiều quyền hành hoặc đương quyền vào những vị trí lãnh đạo cao cấp, chuẩn bị cho đường tiến thân lên vị trí cao hơn ở kỳ họp đảng sắp đến. Kết luận của hội nghị trung ương IX của đảng vào tháng 5 vừa qua còn tái khẳng định đó là “chủ trương lớn của đảng”. Tuy nhiên, đối với dân chúng thì đó chỉ là cách để củng cố triều đại phong kiến kiểu cộng sản.   Điểm cũng cần nói tới là, đây không chỉ là “chủ trương lớn” của riêng đảng CSVN, mà là hiện tượng chung của bốn nước cộng sản còn rơi rớt lại trên quả đất này (Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Cuba – không kể nước Lào nhỏ bé). Cả 4 nước đều có những cách làm tương tự như vậy để chuẩn bị và củng cố vai trò lãnh đạo cho thành phần con cháu lãnh đạo đảng đương thời, gọi là "thái tử đảng" (ký giả phương Tây có chữ riêng cho họ: princelings). Danh sách các “thái tử đảng” Việt Nam đã lên đến mấy chục người (mà người ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng internet) mới đây lại vừa được bổ xung thêm ông Nguyễn Bá Cảnh, con của ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng ban Nội Chính Trung Ương; hầu kịp thời chạy đua và hợp thức hoá họ lên hàng ngũ cán bộ cấp trung ương trong kỳ đại hội đảng sắp tới. Nhân dịp này báo chí lề đảng tha hồ trổ tài nịnh hót mấy thái tử đảng là con cháu của những lãnh tụ chóp bu hiện nay, như là những nhà lãnh đạo tương lai “tuổi trẻ tài cao, học hành đến nơi đến chốn”, v.v.... Thậm chí có báo còn đăng hình ảnh để chứng minh các thái tử đó không những “tuổi trẻ tài cao” mà còn “đẹp trai như tài tử Holywood” (quên mất sự thường tình ’xấu đẹp tuỳ người đối diện’ của các mục tìm bạn bốn phương). Sự khen ngợi đến độ lố bịch này đã khiến dây thần kinh xấu hổ của lãnh đạo đảng được hồi phục lại trong giây lát để dẹp bài báo đó xuống, nhưng sự mỉa mai và bất phục vẫn được lan truyền với tốc độ của ánh sáng trên mạng. Tuy cùng là “thái tử đảng” nhưng mấy năm trước “thái tử” Nông Quốc Tuấn (con của nguyên tổng bí thư Nông Đức Mạnh) chỉ được báo chí lề đảng tâng bốc bâng quơ. Một phần vì báo chí biết rằng ông Nông Đức Mạnh sắp về vườn; phần khác vì quả thực ông Tuấn (đã hơn 40 tuổi) không thuộc hàng trẻ tuổi nữa, lại không học hành đến nơi đến chốn mà bắt đầu bằng việc đi xuất khẩu lao động ở Đức; không những thế ông Tuấn còn bị chỉ trích là bất tài, thiếu năng lực. Một điểm chung là các “thái tử đảng đẹp trai như tài tử” này đều được đi du học ở những nước “tư bản thối nát”, chẳng một ai đi học ở các nước “xã hội chủ nghĩa anh em tiến bộ” như Trung Cộng, Bắc Hàn, Cu Ba. Đây là điều khiến nhiều người thắc mắc, khi mà đảng CSVN phát động phong trào đấu tranh chống các “thế lực thù địch” (được đảng xác định là xuất phát từ các nước tư bản) và chống “tự diễn biến”; nhưng con cái của lãnh đạo đảng lại đi học ở những nước tư bản, thừa hưởng sự giáo dục của những nước ấy thì họ chống thế lực thù địch và chống tự diễn biến như thế nào? Thực ra thì còn nhiều thắc mắc khác liên hệ đến thái tử đảng, chẳng hạn như cương lĩnh đảng vẫn ghi rõ “đảng là đại diện của giai cấp công nhân và nhân dân lao động” nhưng thành phần lãnh đạo đảng hiện nay ai là người thuộc hai giai cấp vừa kể? Làm sao để các thái tử đảng đang sống xa hoa trên hàng núi của cải biến thành những công nhân và nhân dân lao động bần cùng, hầu trở thành giai cấp lãnh đạo đúng như cương lĩnh? Tuy thắc mắc như vậy nhưng đến nay người ta cũng hiểu rằng những lãnh đạo chóp bu của đảng vẫn “mở máy” nói về tư bản, về xã hội chủ nghĩa, nhưng thực sự có lẽ họ cũng chẳng tin vào những điều họ nói. Chẳng hạn như ông Nguyễn Phú Trọng vẫn cho rằng, tình trạng tham nhũng trong đảng bất trị hiện nay là do “tác động tiêu cực” của mặt trái nền kinh tế thị trường, mà ông ta không hề tự hỏi tại sao hàng trăm quốc gia tư bản theo nền kinh tế thị trường mấy chục năm qua, thậm chí cả thế kỷ qua, vẫn trị được “mặt trái” của nền kinh tế đó một cách hữu hiệu. Như đã đề cập ở trên, từ 20 năm trước ông Hà sĩ Phu đã nhìn ra cái chế độ hiện nay chỉ là một triều đại phong kiến trá hình, được dùng làm bình phong cho các yếu tố tiêu cực ẩn nấp (ngày nay danh từ thời thượng cụ thể hóa sự tiêu cực đó là các ’nhóm lợi ích’). Cho đến nay càng ngày người ta càng thấy rõ, chỉ duy trì được chế độ phong kiến trá hình này để làm bình phong thì đảng mới duy trì và củng cố được quyền lực, chứ công khai minh bạch thì đảng sẽ.... vắn số. Quyền lực mới là vấn đề quan trọng đối với đảng. Vì vậy, việc “cơ cấu” các thái tử đảng (và cán bộ trung, cao cấp theo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược) tuy đậm nét phong kiến, nhưng là điều cần thiết, không chỉ để củng cố, mà còn duy trì quyền lực đó lâu dài. Hồi tháng 3 vừa qua có đợt luân chuyển 44 cán bộ, trong đó có đến 22 người được “cơ cấu” vào Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN khóa XII (tức cơ quan cao nhất của đảng CSVN) và vào những chức vụ quan trọng khác, chính là cách thực hiện việc kế thừa quyền lực vừa kể. Ở đây cũng cần mở một dấu ngoặc để nói về sự kế thừa quyền lực ở cấp bộ thấp hơn. Đầu tháng 8 vừa qua, có vụ 40 người đã nộp “phí chống trượt”, nhưng không chen chân nổi với đám 5 C (con cháu các cụ cả) trong kỳ thi vào cao học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Thanh Hóa. Tương tự, tháng 10 năm ngoái, lần đầu tiên Cục Quản lý Thị Trường tổ chức thi tuyển thì 10 người trúng tuyển (trong số 300 người dự thi) đều thuộc dạng 5C. Những sự kiện vừa kể cho thấy việc “kế thừa quyền lực” được thực hiện xuyên suốt từ trên xuống dưới. Nếu ở cấp trung ương có các thái tử đảng, thì ở địa phương với những chức vụ cò con thì có những người thuộc dạng 5C. Trở lại chuyện các thái tử đảng, một nhu cầu trọng yếu khác nữa khiến lãnh đạo hiện nay phải cài cắm cho được con mình vào những vị trí then chốt là để bịt chặt những chuyện thâm cung bí sử, những hồ sơ cũ, những vụ tham nhũng, hãm hại người khác động trời của chính họ không lọt ra ngoài. Nhu cầu này lại càng cần thiết một khi họ đã "hạ cánh"? (Như chuyện bà Võ Thị Thắng [2] vừa qua đời, nhưng cho đến chết vẫn chưa biết tại sao ? và những ai trong bộ chính trị đã rắp tâm hãm hại mình?). Đó là chưa kể đến những hồ sơ liên quan đến sự bán chác đất đai, biển đảo với người “vừa là đồng chí vừa là anh em” đang được dư luận râm ran bàn tán hiện nay. Đã có một dạo dư luận, kể cả một số “học giả nước ngoài”, hy vọng rằng, với kiến thức và kinh nghiệm các thái tử đảng thu thập được khi du học ở các nước tư bản, thế hệ lãnh đạo mới này sẽ làm đất nước “thay da đổi thịt” theo con đường tiến bộ. Hy vọng này có thể đúng đối với những quốc gia bình thường (theo nghĩa không có một chế độ độc tài theo dạng nào đó quyết bám giữ quyền lực), nhưng với một chế độ phong kiến trá hình như ở Việt Nam thì như đã phân tích ở trên: “quyền lực là tất cả”, cho nên áp dụng một điều bình thường vào một chế độ bất thường là điều bất khả. Thí dụ tương tự rõ nhất là trường hợp lãnh tụ Kim Chính Ân của Bắc Hàn. Ông Kim Chính Ân du học ở Thuỵ Sĩ nhưng chẳng áp dụng một điều nào học hỏi được khi ông ta nắm quyền lực trong triều đại phong kiến trá hình ở Bắc Hàn. Thực tế từ hơn hai thập niên qua cũng cho thấy đảng đã mở những chiến dịch mời gọi trí thức Việt Nam ở nước ngoài về giúp xây dựng đất nước, nhưng một số nhỏ nhoi những trí thức làm theo lời mời gọi đó đều đã thất vọng bỏ đi sau khi va chạm thực tế. Thực tế đó là quyền lực của đảng từ trung ương đến mọi ngóc ngách địa phương. Một trường hợp tương tự là “12/13 quán quân Olympia không về nước” mới được báo chí đăng tải gần đây. Gameshow “Đường lên đỉnh Olympia” quy tụ những học sinh giỏi nhất nước, đã phát sóng từ 14 năm qua. Khi đoạt giải sẽ được đi du học ở Úc. 12 trong số 13 người của chương trình này đã ở lại Úc hoặc những nước tiến bộ khác để phục vụ hoặc tiếp tục con đường học vấn mà không quay về Việt Nam, hầu họ có thể sống “cho ra con người”, và đặc biệt là không phải va chạm với quyền lực của các thái tử đảng khi họ muốn thực thi sở học để phục vụ đất nước. Quyền lực đó của đảng to lớn như thế nào thì chỉ cần nhớ lại sự phân cấp trên – dưới: “cương lĩnh đảng cao hơn hiến pháp” được chính ông Nguyễn Phú Trọng nói ra là biết. Khi loan tin về các thái tử đảng, báo chí không quên nhắc nhở rằng, họ là những người được đào tạo bài bản ở các trường đại học (trong đó có những trường nổi tiếng) ở các nước tây phương tiên tiến, hầu nhắc nhở độc giả tự hiểu rằng “dù vậy họ vẫn trở về nước phục vụ quê hương”, chứ không như hai thành phần trí thức nêu trên. Sự trái ngược này khiến nảy sinh ra một câu hỏi khác: “Nếu không phải là con cái những lãnh đạo chóp bu thì liệu rằng các thái tử đảng đó có trở về nước hay không? Và động cơ nào thúc đẩy họ về nước?” Câu trả lời thực ra không khó. Những sinh viên du học khác, sau khi học hành vất vả kiếm được mảnh bằng về nước nhưng nếu không nằm trong những thứ tự ưu tiên cao để xin được việc: “Nhất hậu duệ - Nhì quan hệ - Ba tiền tệ - Bốn trí tuệ - Còn lại là mặc kệ”, mà chỉ có trí tuệ thôi thì có nhiều triển vọng sẽ thất nghiệp đứng đường như hơn một trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay. Còn các thái tử đảng dù có học hành đến nơi đến chốn hay không (khó ai biết được) thì cũng đã có đầy đủ 3 ưu tiên cao nhất kể trên mà có khi chẳng cần đến trí tuệ, và đều được “cơ cấu” vào những vị trí béo bở để chuẩn bị cho việc kế thừa quyền lực từ thế hệ trước, hầu duy trì triều đại phong kiến trá hình hiện nay cùng với quyền lực của đảng. Một câu trả lời của nhà thơ Nguyễn Duy được thuật lại trong một bài viết đăng trên trang blog Quê Choa gần đây (3) có lẽ là gợi ý cho câu trả lời xác đáng nhất và thú vị nhất cho câu hỏi động cơ nào thúc đẩy các thái tử đảng trở về nước. “Nhà văn Nguyễn Quang Lập hỏi nhà thơ Nguyễn Duy, người đi Mỹ nhiều lần, có lần ở cả 6 tháng và không phải là cưỡi ngựa xem hoa: ’Ông hãy nói cho tôi biết chỉ một câu về nước Mỹ’. Nguyễn Duy cũng trả lời không cần suy nghĩ: ’Đó là đầy đủ tất cả những điều mà Mác mơ ước’“. Ước mơ của Mác là thiên đường cộng sản, trong đó người ta “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Chưa vội nói đến thiên đường cộng sản, trong trường hợp Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng đã băn khoăn là không biết sang thế kỷ sau nước mình có thể tiến được lên xã hội chủ nghĩa chưa, để mấy...ngàn (hay tỷ) năm sau đó mới tiến lên được xã hội cộng sản. Chuyện tiến lên tiến xuống các cung bậc những loại xã hội do Mác định đặt ra là chuyện của dân. Còn lãnh đạo đảng và gia đình họ thì đã tiến lên và vượt qua khỏi thiên đường cộng sản rồi. Vì dù có năng lực hay không thì họ cũng đã và đang thụ hưởng thừa mứa những nhu cầu. Các thái tử đảng nằm trong thành phần ít oi này. Bởi vậy chẳng dại gì mà họ không trở về nước để thụ hưởng. Không những thụ hưởng thừa mứa, mà họ còn nắm trong tay đầy quyền lực, chẳng khác gì các vua chúa, thái tử của những triều đại phong kiến ngày xưa. Ông Nguyễn Văn An nói thành phần lãnh đạo đảng là “vua tập thể” chẳng có gì là quá đáng. Bởi vậy cũng nên sửa lại một câu nói của bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho phù hợp với triều đại phong kiến cộng sản hiện nay; “Chế độ ta phong kiến gấp trăm lần các nước khác và vua chúa khác. Chúng chỉ có MỘT hoàng tộc [ngay cả Bắc Hàn cũng chỉ có một hoàng tộc], trong khi chế độ ta có vua tập thể nên có rất nhiều hoàng tộc”. Mà tất cả những thành viên trong các hoàng tộc đó họ “ăn của dân không từ một thứ gì”. - - -   Chú thích: (1) Một vài “thái tử đảng” tiêu biểu: Nguyễn Minh Triết (Phó Bí thư tỉnh đoàn Bình Định), Nguyễn Thanh Nghị (Phó Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, uỷ viên dự khuyết trung ương đảng). Cả hai đều là con của đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lê Trương Hải Hiếu (Phó Chủ tịch quận 1, quận sầm uất, giàu có nhất Sài Gòn) là con của Bí thư thành phố Sài Gòn Lê Thanh Hải. Nguyễn Bá Cảnh (được chỉ định làm Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ Đà Nẵng), là con của Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. (2) “VÕ THỊ THẮNG: có một nụ cười khác”, Đào Hiếu, http://daohieu.wordpress.com/2014/08/23/vo-thi-thang-co-mot-nu-cuoi-khac-2/ (3) http://quechoablog.wordpress.com/2011/10/17/n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BB%B9... Nguồn: viettan.org
......

14 tổ chức NGO quốc tế lại lên tiếng cho Ls. Lê Quốc Quân

Kính gởi:Ông Trương Tấn Sang Chủ tịch CHXHCN Việt Nam 02 Hùng Vương, Quận Ba Đình Hà Nội Việt Nam Ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng CHXHCN Việt Nam 01 Hoàng Hoa Thám street, Quận Ba Đình Hà Nội Việt Nam Ngày 26 tháng 8 năm 2014 Về việc bắt giam tùy tiện Ls. Lê Quốc Quân Kính thưa quí Ông, Các tổ chức ký tên trong thư này yêu cầu quí ông trả tự do cho ông Lê Quốc Quân, một luật sư nhân quyền và blogger được nhiều nể trọng. Ông Lê Quốc Quân bị bắt vào ngày 27 tháng 12 năm 2012 vì bị cáo buộc về tội trốn thuế. Sau khi bị bắt, ông bị biệt giam và không được phép gặp luật sư trong hai tháng. Lời yêu cầu của gia đình đi thăm bị liên tiếp từ chối. Ông Quân lần đầu tiên gặp người nhà trong phiên xử ngày 2 tháng 10 năm 2013, khi ông bị kết tội trốn thuế lợi tức công ty và kết án 30 tháng tù giam và nộp phạt 1.2 tỷ đồng (khoảng USD 59,000). Vào năm 2013, Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã lên án việc ông Lê Quốc Quân bị giam cầm là vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử bình đẳng. Ủy Ban cho rằng ông Lê Quốc Quân trở thành mục tiêu tấn công vì việc hoạt động và viết blog, và kêu gọi thả ông ngay lập tức hoặc bản ản phải được xem xét lại bởi một tòa án độc lập. Ủy Ban còn đề nghị Việt Nam phải bồi thường thiệt hại cho ông Lê Quốc Quân vì việc bắt giữ tùy tiện này. Nhà cầm quyền Việt Nam đã không phản hồi về phán quyết này. Vào ngày 18 tháng 2 năm 2014, Tòa phúc thẩm tại Hà Nội vẫn giữ nguyên bản án đối với ông Lê Quốc Quân. Phán quyết của Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã không được lưu tâm đến. Với ngày Quốc Khánh Việt Nam ngày 2 tháng 9 năm 2014 sắp tới đây, chúng tôi một lần nữa kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy tuân theo phán quyết của Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc và thả ông Lê Quốc Quân ngay lập tức và vô điều kiện. Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm của ông. Một bản sao của lá thư này đã được gởi đến Tổng thống Hoa Kỳ và đại diện Liên Hiệp Châu Âu tại Hà Nội. Trân trọng,   Amnesty International USA Lawyers’ Rights Watch Canada (LRWC) Article 19 Media Defence – Southeast Asia (MDSEA) Center for International Law (Centerlaw), Philippines Media Legal Defence Initiative (MLDI) Electronic Frontier Foundation National Endowment for Democracy (NED) English PEN Reporters Without Borders Front Line Defenders Réseau Avocats Sans Frontières / ASF Network Lawyers for Lawyers (L4L) World Movement for Democracy (BBT-WebVT chuyển ngữ) Nguồn: viettan.org
......

Tinh thần Bùi Thị Minh Hằng - Kỳ 1: Đào thoát

Phiên sơ thẩm xử Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (từ giờ xin viết tắt là BTMH, NVM và NTTQ) đã kết thúc với bản án rất nặng. Đây là vụ án được quan tâm đặc biệt. Sự quan tâm đó đến cả từ hai phía: phía thực hiện kịch bản mang ba người bỏ tù cho bằng được và phía bảo vệ họ.   Chưa bao giờ, một vụ án được nhiều người quan tâm đến thế. Ước tính khoảng 200 người gồm bạn hữu, dân oan từ khắp 3 miền đã đổ về Cao Lãnh. Họ đi bằng đủ các phương tiện, bằng đủ mọi cách để đến với BTMH, NVM và NTTQ bằng được, bất chấp hiểm nguy, vất vả. Về phía nhà cầm quyền, họ đã huy động một lực lượng cảnh sát, mật vụ khổng lồ với phương tiện đầy đủ để ngăn chặn, bố ráp, bắt bớ sao cho không một người nào ủng hộ Bùi Thị Minh Hằng bén mảng được đến khu vực tòa án. Một số người còn bị đánh đập dã man.   Xin mở đầu ghi chép này bằng câu chuyện của tôi. Kỳ 1: Đào thoát Sau 9 ngày công an tỉnh Đồng Tháp bắt BTMH, NVM và NTTQ, không thấy thả ra, tôi đã xác định bằng giá nào cũng phải có mặt tại Đồng Tháp để tham gia phiên tòa. Tôi đã nói với nhiều bạn bè ở Hà Nội, Sài Gòn về ý định này. Càng gần đến ngày xử, tôi càng nhận được những thông tin có thêm nhiều người ở Hà Nội sẽ đi Cao Lãnh với cùng mục đích. Thoạt đầu, tôi nghĩ chỉ một nhóm 5 người vào được Cao Lãnh là tốt lắm rồi. Ấy thế mà con số cuối cùng đã lên tới 20. Tất cả những người đến được Cao Lãnh đều không thể ra khỏi nhà một cách công khai. Có người phải ẩn náu tạm đâu đó mấy hôm, chờ ngày ra sân bay. Có người phải tìm mọi cách thoát khỏi nhà bằng con đường bí mật, mạo hiểm. Nhà của mình, muốn đi làm việc chính đáng mà không thể ra một cách công khai. Kẻ chính phải trốn, phải chui lủi trước sự lùng sục, bố ráp của bọn tà.  Không biết ngoài đất nước này, còn nơi đâu như thế nữa không. Tuy nhiên, chúng tôi trốn không phải vì sợ bị bắt mà mối lo duy nhất là không đến được với những người bạn của mình bị đưa ra xét xử một cách vô luật. Đang háo hức chờ ngày đi Cao Lãnh thì ngày 12/8 tôi đột nhiên bị bệnh, đã tưởng phải bỏ cuộc. Rất may bệnh của tôi, nhờ được sơ cứu và cấp cứu kịp thời nên tôi chỉ phải nằm viện 1 tuần. Còn tôi, sau khi qua giai đoạn cấp cứu, ngày nào tôi cũng gạ gẫm bác sĩ xin ra viện. Có lần đến nhà vệ sinh, gặp bác sĩ, tôi cố đi ra vẻ hùng dũng như người khỏe mạnh bình thường thì suýt bị ngã, may mà thằng con đi theo trông chừng đỡ kịp. Rất nhiều bạn bè khuyên tôi mới bệnh dậy cần phải ở nhà dưỡng bệnh, đề phòng bệnh tái phát. Nhưng chẳng có thể ai khuyên được tôi. Tôi bảo, nếu không đi, ở nhà có khi còn bệnh thêm. Biết khuyên tôi không được, bạn bè tôi góp tiền lo cho vợ tôi cùng đi để chăm sóc tôi. Tôi cảm động lắm nhưng ai lại làm thế. Vợ tôi biết tính chồng, không dám khuyên ngăn gì. Cô ấy hiểu, khuyên gì chứ khuyên đừng đến với Bùi Thị Minh Hằng thì thế nào cũng dẫn đến cãi nhau.   Kế hoạch của tôi là ngày 24/8 sẽ bay vào Sài Gòn, nghỉ lại đó rồi ngày 25 sẽ đi Cao Lãnh để 26 đến tòa án. Sáng ngày 23 tình hình còn yên tĩnh. Nhưng khi đang ăn cơm trưa, một cháu gõ cửa vào báo có 7,8 người đang canh tôi. Việc tôi bị canh mỗi khi có sự kiện, điều đó chẳng có gì lạ. Thường là họ canh cứ canh, còn tôi đi cứ đi. Họ có thể đi theo, có thể theo dõi xem tôi đi lúc nào, bằng phương tiện gì. Chưa bao giờ tôi bị chặn, ép xe đuổi về hoặc bị "mời" đi uống nước. Tôi xác định sáng 24 sẽ vẫn ra sân bay như bình thường.   Nhưng đến chiều, vợ tôi phát hiện ra có cả xe cảnh sát cũng đỗ cùng với đám người canh cửa. Mỗi khi nhà tôi có ai mở cửa ra ngoài, tất cả đám đều nhốn nháo bật dậy, đứa thì leo lên xe máy sẵn sàng, đứa thì chạy về phía ô tô đang đỗ.   Từ sự xuất hiện của ô tô cảnh sát, tôi hiểu, chắc chắn lần này, tôi không thể ngang nhiên đi trước mặt họ như những lần trước. Họ sẽ cưỡng bức tôi lên xe mang về đồn câu lưu cho đến khi tôi muốn đi Đồng Tháp cũng không kịp nữa thì mới thả ra. Việc bắt bớ với tôi đã thành quen. Nhưng lần này bị bắt, tôi sẽ không thể tham gia vào một sự kiện lớn như thế này.   Thời gian nặng nề trôi. Đến tối, tôi vẫn chưa biết nên như thế nào. Vợ tôi hỏi: - Bây giờ làm sao hở anh? Sáng mai thì không được rồi. Tất nhiên đến nước này thì phải tính đến chuyện "dạt vòm". Nhưng ra khỏi nhà bằng cách nào bây giờ? Tôi tính đủ mọi phương án: Cải trang ư? Lúc này, bất cứ người nào ra khỏi nhà, họ cũng đều phải xác định bằng được người đó là ai. Phương án này nhanh chóng cho qua. Phía trước nhà tôi là đường quốc lộ, phía sau là một cánh đồng, đi qua cánh đồng này khoảng 300 mét thì tới con đường làng. Nhưng đây là cánh đồng hoang, cây dại mọc um tùm, không có bờ, cũng chẳng có lối mòn, nơi chỗ cao chỗ thấp mấp mô, chỗ đất cứng, có chỗ lún sụt, trời lại tối om, rắn rết chẳng biết thế nào. Phía sau nhà tôi là một hàng rào lưới B40 sát một con mương nhỏ, nhưng người vừa ở bệnh viện ra như tôi sao đủ sức vượt qua. Đến kẻ trộm cũng chẳng dám đột nhập vào nhà tôi theo hướng ấy. Phương án này cũng được bỏ qua. Chán nản, tôi bảo vợ:   - Hay là kiếm cho anh cái quan tài, anh chui vào đấy rồi gọi mấy đứa con về khiêng đi, giả như đến gửi ở nhà tang lễ Phùng Hưng. Anh vừa đột quỵ, giờ chết ai chẳng tin. Vợ tôi bảo: - Quan tài chúng cũng khám, nó tha gì. Tôi lên sân thượng, nhìn về phía đám đang canh tôi. Nào mật vụ, nào xe máy, nào ô tô lúc nào cũng sẵn sàng. Đầu óc tôi căng lên. Chợt phát hiện ra cái thang đám thợ xây hồi làm nhà xong rồi vứt luôn ở đấy, tôi phác nhanh một kế hoạch. Tôi bảo vợ: - Gọi thằng Phan (cháu vợ tôi) rủ thêm một thằng bạn nó về đây. Bảo nó đi xe nào có cốp to ấy. Vợ tôi không hiểu tôi định làm gì nhưng cũng không dám hỏi lại, liền rút điện thoại ra bấm số. Tôi cũng mở máy tính, nhắn tin cho thằng Khải dặn đón tôi ở đầu đường Hoàng Quốc Việt.   30 phút sau thì tụi thằng Phan có mặt. Tôi chia đồ đạc của tôi làm ba phần. Tư trang nhẹ nhưng cồng kềnh, chia làm 2, còn 1 phần là laptop, ipas. Cứ một phần tư trang nhét vào 1 cái cốp xe. Hai cốp xe nhét 2 nửa tư trang. Một thằng nhét laptop, một thằng nhét ipas vào bụng. Tôi dặn:   - Chúng mày đi ngược hướng rồi tìm đường khác vòng lại đầu kia. Đi song song và thong thả thôi, vừa đi vừa nói chuyện, coi như dạo chơi. Khi nào chắc chắn không có đứa nào theo thì đến chỗ ấy đợi tao. Đợi lâu đấy. Xong nhét cho mỗi đứa mẩu giấy, có ghi số sim rác của tôi:   - Không được liên lạc với bất cứ ai khác ngoài tao, nghe chưa.   30 phút sau, chúng nó nhắn tin đã đến vi trí. Tôi nhắn lại: - Dồn đồ đạc vào cho thằng Phan giữ, còn thằng kia đi chỗ khác, xa ra, đợi. Tôi tạm biệt vợ. Lúc ấy là 9 giờ tối ngày 23/8. Tôi người không, cầm theo cái thang bắt đầu di chuyển trên các trần nhà hàng xóm. Nhà nào liền nhau thì bước nhẹ nhàng, nhà nào cách hơi xa, tôi dùng thang bắc cầu. Có nhà cao thấp không bằng nhau thì dùng thang tụt dần xuống hoặc leo lên. Nhà nào cách nhau xa quá thì thả thang tụt xuống đất rồi lại bắc thang trèo tiếp. Có nhà chỗ thấp nhất cao hơn cái thang, tôi phải bám tay vào mép trần rồi dùng chân khèo lên. Bỗng có tiếng chó sủa inh ỏi. Tim tôi đập thình thịch. Họ mà ra túm được tôi với cái thang trong tay, nghĩ là trộm thì tôi ăn no đòn, hả hê rồi thì giao cho công an. Nhưng lại nghĩ, khi họ nhận ra tôi sẽ chẳng ai tin rằng người như tôi lại đi ăn trộm, nhưng đem giao cho công an vẫn là cái chắc vì họ cho rằng tôi đang hoạt động khủng bố theo lệnh từ nước ngoài. Đám đang canh tôi tha hồ nhàn và chỉ đám ấy mới biết tôi chẳng phải đi ăn trộm hay khủng bố. Tôi bình tĩnh cầm hòn đá ném ngược hướng tôi di chuyển. Tiếng chó sủa im bặt. Chắc cu cẩu chạy đến hít hít, ngửi ngửi xem có phải là khúc xương không. Đến đoạn khuất tầm mắt tụi canh tôi rồi, tôi nới vứt thang lại, lợi dụng bóng tối của các tán cây, bờ tường mò đến điểm hẹn. Tôi ngồi phắt lên sau xe, bảo thằng Phan: - Chạy lẹ, nhưng phải đảm bảo an toàn. Tao mà gãy chân, hỏng việc thì tao bỏ luôn cô mày. - Đi đâu chú - Cứ đi, không phải hỏi. Tao bảo rẽ là rẽ. Tôi lấy điện thoại của thằng Phan gọi cho thằng bạn nó: - Quay về nhà chơi với cô. Đợi thằng Phan, 1 tiếng rưỡi nữa nó sẽ về. Tôi nhắm hướng, chỉ cho nó đi theo đường mà tôi chưa đi bao giờ. Tôi không dám đi đường quen vì vẫn sợ chúng nó đuổi theo. Cuối cùng thì cũng đến đầu Hoàng Quốc Việt. Thằng Khải đã đón sẵn tôi ở đấy. Tôi  giúi vào tay thằng Phan tờ 100 k bảo: - Thôi mày về đi, giờ thì đi thong thả thôi nhé. Nói xong tôi nhảy phốc sang xe thằng Khải. Thằng Khải không đưa tôi về nhà mà ngoặt vào một ngõ nhỏ, rồi vào một ngách, lại một tiểu ngách... Cứ thế, lúc rẽ phải, lúc rẽ trái. Những con hẻm hẹp, tưởng xe này đi thì xe kia phải chờ. Ngoằn nghèo hồi lâu, nó dừng trước một ngôi nhà. Nó mở cửa, bật điện lên. Tôi theo nó vào nhà, thấy toát lên mùi hôi hôi, ngai ngái của căn nhà lâu không có người ở. Nó bảo: - Nhà cháu bị theo dõi rồi, chú không ở đó được. Đây cũng là nhà của cháu nhưng cháu chỉ để đấy, thỉnh thoảng mới cho người ở nhờ.   Nó chỉ cho tôi nơi tắm rửa, vệ sinh rồi chỉ vào cái nệm đặt ở góc nền nhà: - Chú nằm đấy nhé. Thôi cháu về đây. Vừa lúc, thằng Tú chui từ nhà vệ sinh ra. Chẳng hiểu thằng Khải tha nó nhét vào đây từ khi nào. Trông thấy tôi, nó cười rinh rích. Thằng Khải về rồi, tôi mới cắm 3G vào laptop đọc tin, thấy quân ta bị canh giữ khắp nơi, mỗi đứa bị một kiểu. Lúc này, tôi đã thấm mệt nhưng khi đặt mình xuống lại không sao ngủ được. Tôi đang tính cách ngày mai ra sân bay như thế nào, có bị đuổi theo lôi lại không. Vẩn vơ mãi lại nghĩ thằng Khải mà chơi xỏ tôi, mai nó không đến thì tôi cũng chịu vì chẳng biết ra bằng lối nào. 29/8/2014 NGUYỄN TƯỜNG THỤY Nguồn:  rfavietnam.com  
......

Regierungsbeauftragter Strässer besorgt über harte Haftstrafen in Vietnam

Zur Verurteilung von drei Menschenrechtsaktivisten in Vietnam zu mehrjährigen Haftstrafen erklärte der Beauftragte der Bundesregierung für Menschenrechtspolitik und humanitäre Hilfe, Christoph Strässer, heute (27.08.): „Ich bin besorgt über die mehrjährigen Haftstrafen gegen drei Menschenrechtsaktivisten wegen 'Störung der öffentlichen Ordnung'. Die drei Aktivisten sitzen nun faktisch wegen der kurzzeitigen Behinderung des Straßenverkehrs auf Jahre im Gefängnis. Das ist vollkommen unverhältnismäßig und grotesk; es zeigt leider, dass die Menschenrechtslage in Vietnam sehr problematisch bleibt: Andersdenkende werden weiterhin unterdrückt, eingeschüchtert oder weggesperrt. Ich fordere die vietnamesischen Behörden auf, die Haftstrafen auszusetzen und die drei Personen umgehend freizulassen. Vietnam ist Mitglied des UN-Menschenrechtsrats und hat zahlreiche UN-Menschenrechtskonventionen unterzeichnet. Daran muss es sich messen lassen.“   Hintergrund: Am 26.08.2014 wurden die Aktivisten Bui Thi Minh Hang, Nguyen Thi Thuy Quynh und Nguyen Van Minh zu drei  Jahren, zwei Jahren und zweieinhalb Jahren Freiheitsstrafe wegen „Störung der öffentlichen Ordnung“ verurteilt. Besucher wurden von dem – an sich öffentlichen – Strafprozess ebenso ausgeschlossen wie internationale Beobachter. Die EU und ihre Mitgliedstaaten gehen von mehreren Dutzend politischen Gefangenen in Vietnam aus – die meisten sind wegen Ausübung ihrer Meinungs- und Versammlungsfreiheit inhaftiert. Nichtregierungsorganisationen stellen Vietnam hinsichtlich der Beachtung der bürgerlichen und politischen Rechte ein schlechtes Zeugnis aus.   http://www.hanoi.diplo.de/Vertretung/hanoi/de/05-Aussenpolitik_20u_20D-V...
......

Đức đòi trả tự do cho B.Hằng, T.Quỳnh, V.Minh

Đại Sứ Quán Đức tại Hà Nội lên tiếng đòi trả tự do ngay 3 người tại phiên toà Đồng Tháp. Về việc ba nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam bị kết án nhiều năm tù ông Christoph Strässer, phái viên về chính sách nhân quyền và viện trợ nhân đạo của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức ngày hôm nay (27.08) đã tuyên bố như sau: „Tôi lo ngại về hình phạt tù giam nhiều năm đối với ba nhà hoạt động nhân quyền vì tội "gây rối trật tự công cộng". Như vậy ba nhà hoạt động này bị giam trong tù nhiều năm chỉ vì cản trở giao thông trong một thời gian ngắn. Điều đó hoàn toàn không tương xứng và kỳ lạ. Rất tiếc là nó cho thấy rằng, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn rất khó khăn: Những người khác chính kiến vẫn tiếp tục bị trấn áp, đe dọa hoặc bắt giam. Tôi yêu cầu các cơ quan chức trách Việt Nam đình chỉ án phạt tù và thả ngay ba người này. Việt Nam là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc và đã ký kết nhiều công ước Liên hiệp quốc về nhân quyền. Việt Nam phải coi đó là thước đo."   *Thông tin chi tiết:* Ngày 26.08.2014 ba nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh đã bị xử tù giam 3 năm, 2 năm và 2 năm rưỡi vì tội "gây rối trật tự công cộng". Những người đến dự và quan sát viên quốc tế đã không được vào phiên tòa - tuy đây thực ra là một phiên tòa xét xử hình sự công khai. Liên minh châu Âu và các nước thành viên cho rằng có hàng chục tù nhân chính trị tại Việt Nam - đa số bị tù vì thực thi quyền tự do chính kiến và hội họp của họ. Các tổ chức phi chính phủ đánh giá Việt Nam thấp trong việc tôn trọng các quyền công dân và chính trị. Nguồn: hanoi.diplo.de *** Regierungsbeauftragter Strässer besorgt über harte Haftstrafen in Vietnam Zur Verurteilung von drei Menschenrechtsaktivisten in Vietnam zu mehrjährigen Haftstrafen erklärte der Beauftragte der Bundesregierung für Menschenrechtspolitik und humanitäre Hilfe, Christoph Strässer, heute (27.08.): „Ich bin besorgt über die mehrjährigen Haftstrafen gegen drei Menschenrechtsaktivisten wegen 'Störung der öffentlichen Ordnung'. Die drei Aktivisten sitzen nun faktisch wegen der kurzzeitigen Behinderung des Straßenverkehrs auf Jahre im Gefängnis. Das ist vollkommen unverhältnismäßig und grotesk; es zeigt leider, dass die Menschenrechtslage in Vietnam sehr problematisch bleibt: Andersdenkende werden weiterhin unterdrückt, eingeschüchtert oder weggesperrt. Ich fordere die vietnamesischen Behörden auf, die Haftstrafen auszusetzen und die drei Personen umgehend freizulassen. Vietnam ist Mitglied des UN-Menschenrechtsrats und hat zahlreiche UN-Menschenrechtskonventionen unterzeichnet. Daran muss es sich messen lassen.“ Hintergrund: Am 26.08.2014 wurden die Aktivisten Bui Thi Minh Hang, Nguyen Thi Thuy Quynh und Nguyen Van Minh zu drei  Jahren, zwei Jahren und zweieinhalb Jahren Freiheitsstrafe wegen „Störung der öffentlichen Ordnung“ verurteilt. Besucher wurden von dem – an sich öffentlichen – Strafprozess ebenso ausgeschlossen wie internationale Beobachter. Die EU und ihre Mitgliedstaaten gehen von mehreren Dutzend politischen Gefangenen in Vietnam aus – die meisten sind wegen Ausübung ihrer Meinungs- und Versammlungsfreiheit inhaftiert. Nichtregierungsorganisationen stellen Vietnam hinsichtlich der Beachtung der bürgerlichen und politischen Rechte ein schlechtes Zeugnis aus.
......

CSVN vi phạm quyền tự do đi lại

Tuyên bố liên hội Nhà báo độc lập VN - Cựu tù nhân lương tâm VN về việc nhà cầm quyền vi phạm quyền tự do đi lại của công dân Một lần nữa trong rất nhiều lần, nhà cầm quyền Việt Nam lại vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại của công dân, liên quan đến phiên tòa được xem là “công khai” ở Đồng Tháp xét xử Bùi Thị Minh Hằng và hai đồng sự của bà vào ngày 26/8/2014. Một lần nữa trong nhiều lần, thế giới và cộng đồng quốc tế, các chính phủ quan tâm đến dân chủ và nhân quyền cần biết và hiểu một cách sâu sắc về sự thật của tuyên xưng “Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người” thực chất là thế nào, ngay cả sau khi nhà nước này có được một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc và đang đón chờ những dấu chỉ hy vọng từ TPP và vũ khí sát thương.    Một lần nữa, hàng loạt nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo độc lập thực thi quyền hiến định nhưng lại bị chính quyền và cơ quan an ninh xâm phạm nghiêm trọng khi tổ chức ngăn chặn, sách nhiễu, đánh đập nhằm không cho tham dự phiên tòa xử Bùi Thị Minh Hằng. Nhiều người bị khống chế đã trở nên quá quen thuộc như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Thượng tọa Thích Thiện Minh, cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải, nhà báo Trương Minh Đức, nhà báo Phan Thanh Hải, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà báo Phạm Chí Dũng… Nhà văn và cũng cựu đại tá quân đội Phạm Đình Trọng, người đã hơn bảy chục tuổi, cũng trở thành điển hình bị bắt cóc, ngăn chặn thô bạo và vô pháp khi ông ra khỏi nhà. Chỉ trong trong tháng 8/2014, nhà báo Phạm Chí Dũng - chủ tịch Hội Nhà báo độc lập VN - đã bị tống gửi đến 6 giấy triệu tập của Cơ quan an ninh điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh, liên quan đến chuyến làm việc ở Việt Nam của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo và phiên tòa xử Bùi Thị Minh Hằng. Chưa kể nhiều trường hợp các blogger và người cảm tình đến tham dự phiên tòa tại Đồng Tháp đã bị công an bắt giữ với nhiều cớ buộc hoặc không cần nguyên cớ nào. Sơ bộ, có đến hàng trăm người bị bắt giữ, đẩy đuổi trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng bên ngoài phiên tòa xử Bùi Thị Minh Hằng. ***Một lần nữa trong nhiều lần, các tổ chức nhân quyền trên thế giới như Ân xá quốc tế, Quan sát nhân quyền quốc tế và cả Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phải lên tiếng, lên án hành động ngăn cản phi pháp của nhà cầm quyền Việt Nam - hành vi mà không thể khác hơn là trái ngược với Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự và với chính hiến pháp của nhà nước Việt Nam. Nhận định nghiêm trọng hơn cho thấy hiện tại và trong tương lai, nhà cầm quyền Việt Nam đang và sẽ có xu hướng tổ chức ngăn chặn, đối xử thô bạo tàn nhẫn và không cần dựa theo luật pháp đối với Xã hội dân sự, giới dân chủ và bất đồng chính kiến, trong đó có các nhà báo độc lập và cựu tù nhân lương tâm, vào bất cứ khi nào xảy ra những sự kiện mang dấu ấn về nhân quyền, chính trị, pháp luật mà nhà cầm quyền lo sợ sẽ đe dọa đến chân đứng của chế độ. Chúng tôi - các thành viên của Hội Nhà báo độc lập VN và Hội Cựu tù nhân lương tâm VN - thấy cần phải thông báo khẩn cấp về ý đồ, hành động và xu hướng của nhà cầm quyền VN về đối xử vi phạm quyền tự do đi lại và một số quyền tự do cơ bản khác của công dân cho các chính phủ và cộng đồng quốc tế biết để có hành động thích đáng.  Chúng tôi cũng khẩn thiết đề nghị Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ xem xét một cách cẩn trọng và có điều kiện chính sách dành cho Nhà nước Việt Nam về TPP, vũ khí sát thương, hợp tác quân sự, viện trợ không hoàn lại và cả vấn đề “đối tác chiến lược toàn diện” trong tương lai, cũng như các cuộc tiếp xúc cao cấp với giới lãnh đạo ở Việt Nam như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị…, nếu Việt Nam không có được độ thành tâm tối thiểu để thực thi các yêu cầu cơ bản về nhân quyền và dân chủ cho công dân của họ.  Tuyên bố này không phải là duy nhất và cũng không thể là cuối cùng về những gì mà Nhà nước Việt Nam chỉ nói mà không làm, hoặc làm và nói là hai chuyện trái nghịch.  Ngày 28 tháng 8 năm 2014    Thay mặt Hội Nhà báo độc lập VN và Hội Cựu tù nhân lương tâm VN  Bác sĩ Nguyễn Đan Quế Linh mục Phan Văn Lợi Hòa thượng Thích Không Tánh Nhà báo Phạm Bá Hải Luật sư Nguyễn Văn Đài Nhà báo Phạm Chí Dũng Linh mục Lê Ngọc Thanh Nhà báo Bùi Minh Quốc Nhà báo Nguyễn Tường Thụy ***Joint statement of IJAVN and FVPoC on the Vietnam government’ violation on the right to the freedom of movement   Once again the Vietnam government seriously violate the right to freedom of movement of citizens relating to the trial, considered as "public", of Bui Thi Minh Hang and her two colleagues on Aug 26, 2014 in Dong Thap province. Once again the international community, governments interested in democracy and human rights need to know and understand deeply about the truth of the commitment that "State of Vietnam always concerns and guarantees the human rights", even after the state has been a member of the Human Rights Council and waiting for signs of hope from TPP and lethal weapons. Once again tens of human rights defenders and independent journalists were harassed, beaten in order to prevent them from attending the trial of Bui Thi Minh Hang, such as Dr. Nguyen Dan Que, Ven.Thich Thien Minh, former PoC Pham Ba Hai, journalist Truong Minh Duc, journalist Phan Thanh Hai, journalist Huynh Ngoc Chenh, journalist Nguyen Tuong Thuy, journalist Pham Chi Dung, etc. Writer and former army colonel Pham Dinh Trong (over 70 years) was also subjected to a typical abduction: manhandled and illegal prevention as soon as he left his house. Only in August 2014, journalist Pham Chi Dung - Chairman of IJAVN - has received six summonses from the HCMC interrogative department on the occasion of the Vietnam visit of the UN Rapporteur on religious freedom and of the trial of Bui Thi Minh Hang. Besides lots of bloggers and people sympathetic to attend the trial were detained without any pretext by Dong Thap police, there are hundreds of participators were detained, dragged and pushed away in the tense air outside the court. ***  Once again the human rights organizations, such as Amnesty International, International Federation for Human Rights, and United States Embassy to Vietnam had to raise their concerns on the illegal actions of the Vietnamese government that are contrary to the International Covenant on Civil and Political Rights and the constitution of the state. Based on the recent incidents it indicates that the Vietnam government tends to prevent, manhandle roughly and illegally to the civil society organizations, pro-democracy activists and dissidents, including independent journalists and former prisoner of conscience in any human rights, political or judicial event which may loose the government power. We - the members of IJAVN and FVPoV realize that it is necessary to urgently inform about intention, action of the authorities abuse human rights, the right to freedom of movement and some other basic rights of citizens so that the international community can take appropriate measure. We also urge the Congress and the government of the United States carefully and conditionally consider favorable policies for Vietnam as in TPP, lethal weapons, army cooperation, ODA, as well as meetings with senior leaders, as General Secretary Nguyen Phu Trong, President Truong Tan Sang, Prime Minister Nguyen Tan Dung, Hanoi party secretary Pham Quang Nghi, etc. if Vietnam does not have the lowest level to implement the basic requirements of human rights and democracy to their citizens. This statement is not the first and also not the last about what the Vietnam government either worded but did not take action or taken action and worded are contrary.   Dated Aug 28, 2014 Co-signed by Independent Journalists Accociation of Vietnam’s and Former Vietnamese Priosoners of Consciecnce’s representavies:  Doctor Nguyen Dan Que  Father Phan Van Loi Venerable Thich Khong Tanh Journalist Pham Ba Hai Lawyer Nguyen Van Dai  Journalist Pham Chi Dung  Father Le Ngoc Thanh  Journalist Bui Minh Quoc Journalist Nguyen Tuong Thuy Nguồn: ijavn.org
......

Về Vụ “Đặc Xá” Blogger Điếu Cày

Theo anh Nguyễn Trí Dũng cho biết hôm 28/8, Blogger Điếu Cày đã gọi điện báo cho anh rằng công an đã yêu cầu Blogger Điếu Cày làm giấy “xin tha tù” nhưng Blogger Điếu Cày không đồng ý mà lại viết đơn “yêu cầu giải quyết ra tù”. Mặc dù lời nhắn của Blogger Điếu Cày rất ngắn; nhưng chứa đựng hai nội dung quan trọng. Thứ nhất, Hoa Kỳ đã áp lực CSVN phải thả Blogger Điếu Cày, người đứng đầu trong danh sách những tù nhân lương tâm mà Bộ ngoại giao Hoa Kỳ luôn luôn đưa ra trong các buổi đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ hàng năm. Thứ hai, Blogger Điếu Cày đã biểu hiện sự kiên cường của anh trước bạo quyền và nhất là không bao giờ bị khuất phục trước những cưỡng bức phi lý và phi nhân của bộ máy công an trong suốt thời gian anh bị chế độ trả thù vì lòng yêu nước - từ năm 2009 cho đến nay. Việc Cộng sản Việt Nam phải thả Blogger Điếu Cày trong thời gian tới không chỉ là một thắng lợi của phong trào dân chủ mà còn cho thấy là ý chí đấu tranh của Blogger Điếu Cày đã làm cho quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, phải khâm phục và xiển dương. Sự kiện Blogger Điếu Cày gọi điện thoại cho anh Nguyễn Trí Dũng xảy ra vào lúc cộng đồng Việt Nam và dư luận thế giới đang phẫn nộ về bản án dã man tại Đồng Tháp hôm 26/8, khiến một số người cho rằng công an đã dàn dựng vụ thả anh Điếu Cày để làm giảm bớt cường độ chống đối của dư luận. Cộng sản Việt Nam không ba đầu sáu tay như vậy. Đây chỉ là sự trùng hợp tình cờ; nhưng sự kiện này cho thấy là Cộng sản Việt Nam rất gian manh trong những thủ đoạn tạo hỏa mù trong dư luận khi đưa chị Bùi Minh Hằng, chị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh ra xét xử vào lúc này. Chúng ta cần biến sự phẫn nộ của phiên tòa Đồng Tháp hôm 26/8 thành một chuỗi những tranh đấu để buộc CSVN phải trả tự do cho chị Bùi Hằng, chị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới.   LTHhttps://www.facebook.com/lythaihung52
......

Bùi Hằng thanh thản hát khi bước vào và bước ra

Nhớ lại mấy điều đặc biệt ở phiên Tòa:   1. Nhân chứng 1 bên yêu cầu triệu tập 17 người: Tòa cho có mặt 03. Bên kia nhân chứng 32 người (trong đó 1/3 là công an huyện, xã). 2. HĐXX (03) và VKS (02) vẫn chưa chắc ăn bất ngờ cho thêm 01 LS là Chủ tịch Đoàn LS Đồng Tháp làm người bảo vệ cho 01 CA huyện là người bị anh Minh đánh đúng 1 cái vào tay (a Minh nói ko đánh ai) không có có 1 tý xây xước. Vị LS làm chức năng KSV buộc tội bị cáo chứ ko làm chức năng bảo vệ cho thân chủ (vì người CA huyện đó ko có gì cần pải bảo vệ). 3. Có 02 bản tường trình đánh máy của 02 nhân chứng là CA giống hệt nhau từng chữ, chấm, phẩy, chỉ khác ký tên.   4. Bên ngoài thì ở các ngã tư hoặc thảm cỏ vỉa hè tập chung nhưng nhóm khoảng 4-5 người cách nhau độ vài trăm mét. Khi có các LS đi qua thì họ cử 01 người giả đi tập thể dục ở đằng sau, bên cạnh để xem chúng tôi nói chuyện gì. Họ là phụ nữ khoảng trên 50 tuổi, đeo khẩu trang, đi bộ đội muc BH, chỗ tập trung nhóm của họ có nước đóng chai, giống nhau như là được phát để trực làm nhiệm vụ. Nếu nghe được gì họ sẽ đt báo cho lực lượng khác đại ý là chúng nó đang đi hướng về hướng nào, nó nói cái gì ấy, bọn này như là LS... Đặc trưng này lần đầu tôi gặp ở ngoài phiên tòa. ... 5. Bà Hằng khi bước vào phiên toà và khi ra khỏi phiên toà đều hát rất thanh thản. Trong phiên toà bà Hằng rất bình tĩnh và mạch lạc, sau khi bị tuyên án bà Hằng tươi cười và bình thản khi tay bị còng, bước ra xe tù, có người áp giải xung quanh. * * * Tôi xin chia sẻ bài bào chữa tại phiên tòa ngày 26/08/2014 tại Đồng Tháp để mong được trao đổi và học hỏi.   BÀI BÀO CHỮACho bà Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh tại phiên tòa HSST ngày 26/08/2014 tại TAND tỉnh Đồng Tháp Về “Tội gây rối trật tự công cộng” theo điểm c khoản 2 điều 245 - BLHS Kính thưa HĐXX,   Tôi là Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội xin trình bày quan điểm bào chữa cho bà Bùi Thị Minh Hằng và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh bị cáo buộc về “Tội gây rối trật tự công cộng” theo điểm c khoản 2 điều 245 – BLHS, như sau: Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: ... c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; I. Tóm tắt vụ án:   - Khoảng 08 giờ ngày 11/02/2014, xảy ra sự việc. - 11 giờ 45 Công an xã Mỹ An Hưng B lập biên bản bắt người phạm tội quả tang bà Hằng, bà Quỳnh và một số người khác. - 19 giờ ngày 11/02/2014, CA huyện Lấp Vò ra QĐ 15/QĐ-TGN tạm giữ bà Hằng theo thủ tục hành chính 24 giờ (19 g 11/02/2014 – 19 g 12/02/2014); bà Quỳnh cũng vậy. - Ngày 12/02/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lấp Vò ra Lệnh số 26/LBKC-CQĐT bắt khẩn cấp đối với bà Hằng và bà Quỳnh cũng vậy. - Ngày 21/02/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lấp Vò ra QĐ 20 Lệnh tạm giam bà Hằng 02 tháng 21 ngày (21/02 – hết 12/05/2014) và bà Quỳnh cũng vậy.   II. Tố tụng hình sự:   1. Số lượng người dân theo: - KLĐT là 700 người dân (trang 04), - Cáo trạng là 500 người dân (trang 03), - BL 724 ghi lời khai của Công an viên Lê Văn Huy Tin Anh cho rằng khoảng 600 người dân. - BL 728 ghi lời khai của CA huyện Lấp Vò, Nguyễn Thành Lai: khoảng 600 người dân,… Đây là một căn cứ không khách quan, nên không thể coi là chứng cứ theo như quy định của khoản 1 điều 64 “Chứng cứ” – BL TTHS. 2. Cáo trạng (trang 04) cho rằng bà Hằng, bà Quỳnh chửi người dân địa phương là “đồ ngu dân” là không đúng vì nếu có thì cụm từ này không ám chỉ người dân. 3. Lực lượng tuần tra giao thông đường bộ tuyến đường liên huyện thông thường không cần thiết phải mang theo đến 04 máy camera ghi hình, ghi âm nếu không có một mục đích được xắp đặt trước. Việc này cho thấy có dấu hiệu Công an huyện Lấp Vò có đã chuẩn bị trước để tìm kiếm chứng cứ nhằm ghép tội cho bà Hằng, bà Quỳnh, ông Minh và những người cùng đi. 4. Biên bản bắt người phạm tội quả tang hồi 11: 45 ngày 11/02/2014 của Công an xã Mỹ An Hưng B đối với bà Hằng, bà Quỳnh và những người cùng đi được lập tại ấp An Quới là sai với quy định của khoản 1 điều 82 – BL TTHS: “Điều 82. Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã 1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.” 5. Quyết định số 15/QĐ-TGN ngày 11/02/2014, tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với bà Hằng (bà Quỳnh cũng vậy) 24 giờ từ 19 giờ ngày 11/02/2014 đến 19 giờ ngày 12/02/2014 là sai với quy định tại khoản 1 điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012: “Điều 122. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính 1. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.” Vì sự việc xảy ra đến 12 giờ 30 ngày 11/02/2014 trở giao thông đã được giải tỏa. 6. Bà Hằng, bà Quỳnh vừa bị bắt theo trường hợp phạm tội quả tang (theo điều 82 – BL TTHS) lại vừa bị bắt theo Lệnh bắt khẩn cấp (theo điều 81-BL TTHS) là vô lý nó thể hiện quyết tâm bắt người bằng được của cơ quan công an Đồng Tháp. III. Yếu tố cấu thành tội phạm:   1. Mặt khách quan của tội phạm: Cáo trạng cho rằng ách tắc giao thông đến 12 giờ 30, khoảng 2 giờ 30 phút. Kết luận này chỉ dựa vào lời khai của những người làm chứng, nhưng những người làm chứng không có căn cứ nào để chứng minh là ắch tắc giao thông từ khoảng 10 giờ đến 12 giờ 30. 1.1. Cơ quan điều tra chỉ dựa vào các lời khai của những người làm chứng, nhưng những người làm chứng hôm đó không có máy ghi hình, kèm đồng hồ đo thời gian để chứng minh mà chỉ khai theo cảm tính. Người làm chứng không có bằng chứng khách quan nào để xác định giờ nào bắt đầu ắch tắc giao thông hoặc giờ nào thì giải tỏa. Theo khoản 2 điều 67 “Lời khai của người làm chứng” – BL TTHS: “Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.” Do vậy, các lời khai đó không được coi là chứng cứ. 1.2. Lực lượng tuần tra hôm đó không lập biên bản về việc ắch tắc giao thông nên không có căn cứ xác định ắch tắc giao thông 2 giờ 30 phút.   2. Mặt chủ quan của tội phạm: “Tội gây rối trật tự công cộng” theo điểm c khoản điều 245 – BLHS phải là lỗi cố ý. 2.1. Nếu xảy ra việc vi phạm giao thông: đi xe mô tô dàn hàng ba thì bà Hằng, bà Quỳnh cũng không phải là người có liên quan. 2.2. Cáo trạng cho rằng đã có khoảng 500 người dân kéo đến xem và người đi đường không đi được phải dừng phương tiện giao thông làm cho người tham gia giao thông trên đường không thể qua lại được trên huyện lộ DH67B thuộc huyện Lấp Vò. Hay nói cách khác đây là do hiếu kỳ của người dân địa phương chứ không phải lỗi của bà Hằng, bà Quỳnh. Sáng ngày 11/02/2014, bà Hằng, bà Quỳnh và mọi người cùng đi đến Lấp Vò đã xuất phát từ Tp.HCM ngày 10/02.2014 để về thăm người quen ở Lấp Vò nên vô lý họ mới cố ý gây ra cản trở giao thông để để phá hỏng chuyến đi của mình. 2.3. Cáo trạng không chứng minh được hành vi của bà Hằng, bà Quỳnh: “có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;” theo quy định khoản 2 điều 63 “Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự” – BL TTHS “Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh: 2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;” 2.4 Nếu ngày 11/02/2014, có gây ra cản trở giao thông thì đối với bà Hằng, bà Quỳnh không phải là lỗi cố ý nên về mặt chủ quan của tội phạm không cấu thành tội theo điều 245 – BLHS. Mặt khác lực lượng tuần tra có nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông thuộc phạm vi địa bàn tuần tra, kiểm soát theo khoản 2 điều 4 Thông tư 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an, quy định:   “Điều 4. Nhiệm vụ Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có các nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân và nhiệm vụ cụ thể sau đây: 2. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc phạm vi địa bàn tuần tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.” 2.5. Nếu sáng ngày 11/02/2014, lực lượng tuần tra giao thông xác định được nhiệm vụ chính là bảo đảm an toàn giao thông trên huyện lộ DH67B, không xử phạt trường hợp đi xe mô tô dàn hàng 3 thì đã không xảy ra ách tắc giao thông.   IV. Kiến nghị:   Kính thưa HĐXX, Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và thẩm vấn tại phiên tòa hôm nay, mọi chứng cứ để cáo buộc bà Hằng, bà Quỳnh chỉ duy nhất dựa vào lời khai của các nhân chứng do Cơ quan điều tra xắp đặt. Lỗi gây ra ách tắc giao thong ngày 11/02/2014, nếu có không phải lỗi cố ý của bà Hằng, bà Quỳnh mà là lỗi của lực lượng Công an tuần tra giao thông. Thế giới ngày nay là một thế giới phẳng, sự việc xảy ra ở nơi thì cả thế giới đều biết đến. Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của Việt Nam chịu sự ảnh hưởng rất lớn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nếu phiên tòa hôm nay không khách quan, không có công lý sẽ không thuyết phục được người dân và làm mất đi đáng kể sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vụ án này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong nước và quốc tế. Về nhân thân bà Hằng, bố đẻ là người có công với chế độ, bản án ngày hôm nay nếu là một án oan thì sẽ là một báo oán, vì vậy tôi mong HĐXX xem xét. Về nhân thân bà Quỳnh, chưa có tiền án, tiền sự; gia đình có công với chế độ. Với các luận cứ tôi đã trình bày ở trên: 1- Căn cứ khoản 1 điều 227 – BL TTHS tôi đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bà Bùi Thị Minh Hằng và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh vì các bị cáo không có tội. 2- Đề nghị Tòa trả lại các đồ vật tạm giữ cho bà Bùi Thị Minh Hằng và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh. 3- Đề nghị Tòa ra quyết định khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích và cướp giật tài sản” mà bị hại chính là bà Hằng, bà Quỳnh và những người cùng đi. Tôi xin chân thành cám ơn các sự lắng nghe của các quý vị,   Tp. Cao Lãnh, ngày 26/08/2014 Người bào chữa Luật sư Hà Huy SơnTheo FB Hà Huy Sơn
......

Thảm đỏ cho một giàn khoan Tàu trên đất liền Việt Nam?

Theo tin từ mạng vietnam.net thứ Hai vừa rồi: hơn 10.000 lao động nước ngoài trong đó 90% là người Tàu vừa được tuyển dụng bởi công ty Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, chỉ chưa quá hai tháng sau những sự cố đẫm máu mà khu công nghiệp này là sân khấu.   André Menras  Hồ Cương Quyết   Bắc Kinh trở lại, đầu ngẩng cao, nanh sắc nhọn Trong một hoàn cảnh hợp tác lành mạnh giữa hai nước láng giềng và khuôn khổ trao đổi hai bên cùng có lợi, thì cái tin này lẽ ra có thể gây nên niềm lạc quan và thậm chí cả hy vọng của cư dân địa phương và của các nhà quan sát nước ngoài. Nhưng sự xâm nhập bạo liệt của giàn khoan Tàu cùng với đội tàu chiến hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau những vụ gây hấn với Viking 2, Bình Minh 2, gây hấn với dân chài miền Trung Việt Nam đang tiếp tục xảy ra, thì sự trở lại của đoàn ngũ « lao động » Tàu – mà việc ra đi trước đây đã được tuyên truyền mạnh mẽ - mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Bắc Kinh trở lại, đầu ngẩng cao và nanh vuốt thật sắc nhọn. Nó đánh dấu lãnh thổ của mình ngay trong lòng Việt Nam!   Bình cũ rượu cũ: "Nĩ hảo ma? Huānyíng! " [Chào bạn, khoẻ không ? Xin hoan nghênh !] Những mối nghi ngờ cất lên từ một số công dân VN vậy là được xác nhận : cuộc mặc cả đã rõ ràng được tiến hành. Trong giai đoạn giàn khoan HKSY981, sự im lặng kéo dài của người trách nhiêm lớn nhất của « đảng lãnh đạo » trong những ngày đầu của vụ xâm nhập này có một ý nghĩa. Sự im lặng tiếp theo sau vụ rút lui đột ngột của giàn khoan và việc thả cũng đột ngột 13 dân chài VN bị giam giữ ở Hải Nam cũng có một ý nghĩa. Chúng rất giống với những tín hiệu của sự nhượng bộ từ phía VN sẽ tiếp theo sau, tức là những sự bỏ mặc chủ quyền thực tế mới. Những tuyên bố chắc nịch và xứng đáng từ chối một « tình hữu nghị viển vông » đổi lấy việc bỏ mặc chủ quyền, những tuyên bố chính trị bắt buộc tạo nên sức động viên trong và ngoài nước, nhanh chóng nhường chỗ trong miệng cũng nhà hùng biện có giọng phẫn nộ ấy, cho lời kêu gọi cảnh sát đàn áp các « phần tử tay sai của thế lực phản động nưóc ngoài » bla-bla-bla... Bình cũ rượu cũ. Không còn chuyện thử kiện Tàu ra toà án quốc tế. "Nĩ hảo ma? Huānyíng! ". Hoan nghênh… các đồng đô la Tàu. Cuộc gây hấn mới mà dự án công nghiệp Hà Tĩnh gây nên chứng tỏ, nếu như vẫn còn cần phải chứng tỏ, rằng các nhà lãnh đạo ĐCSVN không thể hiện sự khác biệt chủ yếu với nhau về sự phụ thuộc vào chính quyền Tàu. Tất cả họ đều là cái rờ mọoc chính trị của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, buộc chặt vào đấy bởi những cuộc mặc cả cũ và rất mới, những cuộc mặc cả trong bóng tối cũng như không thể thú nhận. Những lời lẽ loanh quanh giả xã hội chủ nghĩa giả hữu nghị không còn che đậy được thực tế của mối quan hệ chủ-tớ. Và với các nhà dân chủ đáng thương, chỉ còn bước chuyển qua dùng sức mạnh hay đàn áp để buộc phải chấp nhận cái đường lối chính trị tàn hại và đáng xấu hổ của họ: sự hợp tác trái tự nhiên.   "Thóat Trung" [tiếng Việt trong nguyên bản] hay "Cúi Trung" [nguyên bản]: một vực thẳm   Trách nhiệm Trong khi ngày càng đông đảo các công dân VN nói về "Thoát Trung" [nguyên bản], thì những người tự xưng là đại diện về chính trị của họ không ngừng đưa họ lún sâu vào một sự phụ thuộc mà quốc gia sẽ ngày càng khó rút ra. Như thế, cái hố Tàu trở thành một vực sâu giữa nhóm lãnh đạo ấy và ý chí của nhân dân. Nó ngăn cản VN phát triển lành mạnh. Nó làm VN đông cứng và cô lập với phần còn lại của thế giới. Và trách nhiệm gây ra tình huống này không thể nào rõ ràng hơn. Trong hệ thống hiện tại của đảng duy nhất được thiêng hoá bởi điều 4 Hiến pháp, mọi phe cánh, mọi nhóm lợi ích hiện diện trong lòng Bộ Chính trị phải chịu trách nhiệm về sự phụ thuộc Tàu mang tính tàn phá đất nước. Trách nhiệm tập thể nhưng nhất là trách nhiệm cá nhân. Mỗi nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cá nhân. Không một ai trong lòng quyền lực trung ương có thể giữ im lặng trước sự phản bội các khát vọng của nhân dân hay đổ lỗi cho các chính quyền vùng miền, mà không đánh mất danh dự công dân của mình.   Về phía mình, các chính quyền vùng miền, vốn đã nổi danh một cách đáng buồn vì sự hối thúc tàn bạo tịch thu đất đai của cải của nông dân, không thể viện dẫn quyền tự do kinh doanh cho những doanh nhân Tàu rõ ràng đang phục vụ cho chiến lược của Bắc Kinh. Họ sẽ không thể còn buộc tội quản lý yếu kém cho các ban tổ chức của các khu kinh tế địa phương khi xảy ra các sự cố sẽ không thể không xảy ra giữa bọn chiếm đóng không được mong muốn và một quần chúng địa phương bực tức vì sự chung sống bị áp đặt ấy ; từ thực tế sống, quần chúng cảm nhận điều này như một sự khiêu khích thường trực đối với tình tự dân tộc và với những lợi ích tức thời của mình. Tóm lại, trong lòng các cấp của Đảng từ trên xuống dưới, không ai còn có thể chơi trò đà điểu trước cái điều mà nhiều công dân và một số chiến sĩ dũng cảm đã tố cáo từ lâu: hiểm hoạ chết người của sự Tàu hoá đang đe doạ quốc gia. Sự xâm nhập của giàn khoan đã đem đến cơ hội tái cân bằng nền kinh tế bằng cách dần dần lấy lại thế làm chủ. Cơ hội đã bị ĐCSVN dứt khoát khước từ. Tiến tới những « Ukraine » kiểu Tàu ?   Mượn cái cớ giả dối là phát triển, đảng này, ngày càng « lạ » đối với quốc gia và dân tộc mình, liên tục mở cửa nhập khẩu một lượng lao động Tàu thường không có chuyên môn, số cư dân bùng nổ trong xã hội VN, một xã hội đang làm mồi cho cuộc khủng hoảng toàn cầu trong đó nạn thất nghiệp đánh vào hằng trăm ngàn người trẻ buộc phải đi bán sức lao động ở nước ngoài… Trong một đất nước mà hằng nghìn hecta phần lớn nằm ở những vùng chiến lược đã được đem cho thuê nhiều thập niên, tức là trên thực tế bị nhượng cho bọn bành trướng Bắc Kinh đeo mặt nạ, các nhà lãnh đạo VN đang cầm quyền lại còn khuyến khích cho làn sóng mạnh thêm… Bao nhiêu giàn khoan Tàu trên đất liền đã từ nhiều năm nay lặng lẽ khoan vào di sản cha ông của VN để hút lên tài nguyên ? Và thế đó, sau khi đã bán đổ bán tháo những tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và kỹ nghệ của quốc gia, các nhà lãnh đạo nước này sắp sửa bật đèn xanh để hy sinh thêm nữa những nguồn nhân lực… và thậm chí còn hơn thế nữa. Hằng nghìn gia đình Tàu mới sắp được định cư. Những gia đình khác sắp được lập nên tại chỗ. Họ sắp làm việc trong các khu kinh tế mà người VN bình thường sẽ bị trục ra ngoài và các chính quyền địa phương sẽ chỉ có thể vào sau khi đã lễ phép chìa chân ra cho họ khám. Họ sẽ sống theo kiểu Tàu trong những con phố, khu phố, quận huyện tự quản mà chính quyền VN thực sự chỉ là những kẻ làm công dễ bảo… Đôi khi, do được Bắc Kinh ngầm khuyến khích bằng tài chính, những cộng đồng Tàu này sẽ sống trong các điều kiện ưu việt hơn hằng ngàn gia đình VN quằn quại bởi nạn thất nghiệp và đồng lương chết đói… Họ sẽ áp đặt ở đó luật lệ kinh tế và do đó áp đặt những chọn lựa chính trị của mình. Những kẻ chiếm đóng mới ấy sắp chủ động gieo trên đất VN một dòng giống Tàu, dòng giống này có thể một ngày nào đó – tại sao không hình dung trước nhỉ ? – sẽ đòi quyền lãnh thổ. Xứ Ukraine kiểu Tàu. Tàu hoá bằng huyết thống. Trong trường hợp có những sự ngập ngừng ở cấp địa phương hay kháng cự ở cấp toàn quốc trước mỗi chấn động mới của nền chính trị Đại Hán [nguyên văn], các nhà lãnh đạo VN không thể không tính đến sức mạnh gây bất ổn của những cái túi thuốc nổ bằng người ở trên đất liền mà mồi lửa có thể được châm từ Bắc Kinh và được tiếp sức tại chỗ bằng những tên mật vụ địa phương người Tàu hay người Việt đánh thuê. Và lúc đó không phải là vài cuộc biểu tình « nhấn nút », « đuợc phép » của Hà Nội để gỡ mặt mũi như vào thời điểm giàn khoan HYSY981, sẽ đưa đến sự thay đổi. Vũng Áng xác nhận : con vịt VN sẽ bị quay kiểu Tàu ! Việc trở lại của người lao động Tàu ở Vũng Áng là một thông điệp rõ ràng xác nhận sự đồng loã quả tang: Bắc kinh và Hà Nội thoả thuận về điều cốt yếu : « hiện đại hoá » và « phát triển » của VN sẽ được nấu bằng nước xốt Tàu, vì lợi ích « Đại cục » [nguyên văn], mà nhịp điệu được xác định bởi các nhà lãnh đạo Tàu và được hợp thức hoá bởi các nhà lãnh đạo ĐCSVN sau lưng nhân dân mình. Cái ĐCSVN ngày hôm nay, không thể nhận ra nếu so sánh với cái đảng hôm qua, gánh mọi trách nhiệm lịch sử và sớm muộn sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử…   Ghi chú của tác giả dành cho các cư dân VN gốc Tàu và những người lao động Tàu chân chính :   Xin các công dân VN gốc Tàu giản dị không phật lòng vì vài dòng phẫn nộ trên. Chúng không hề nhắm tới họ. Xin những người lao động Tàu bị bóc lột bởi một chế độ độc tài không coi những lời này như kêu gọi chủ nghĩa chủng tộc. Tác giả ở đây chỉ chỉ thẳng một thực tế : các nhà lãnh đạo của hai đảng CS Tàu và VN này không động tâm khi sử dụng quyền lực toàn trị của họ cho những mục đích lợi lộc riêng tư đi ngược lại các lợi ích nhân dân hay quốc gia… Trong khi che giấu những trách nhiệm khủng khiếp của mình, họ sử dụng những người này nhằm cố tình làm trầm trọng thêm sự đói nghèo, thất vọng, sỉ nhục của những người khác. Họ không chuẩn bị tình bạn mà lòng thù hận. Họ không chuẩn bị hoà bình mà những tấn bi kịch mới cho cả hai cộng đồng.   A.M. Tác giả gửi BVN bản tiếng Pháp Bản dịch của BVN ******* Tapis rouge pour une nouvelle plateforme chinoise sur les terres continentales du Vietnam ? André Menras – Hồ Cương Quyết L'information est donnée par vietnam.net ce lundi: plus de 10000 travailleurs étrangers dont 90% de Chinois vont être embauchés par la société Formosa à Vũng Áng province de Hà Tĩnh, moins de deux mois après les incidents sanglants dont cette zone industrielle a été le théâtre. Pékin revient la tête haute et les crocs acérés Dans un contexte de saine coopération entre deux pays voisins et dans le cadre d'échanges mutuellement profitables, cette nouvelle aurait pu susciter l'optimisme et même l'espoir des populations locales et des observateurs étrangers. Mais après l' intrusion violente de la plateforme de forage chinoise avec l'armada de navires qui l'ont accompagnée dans la zone économique exclusive du Vietnam, après les agressions contre le Viking 2, le Binh Minh 2, celles des pêcheurs du centre Vietnam qui continuent, le retour en force de ce contingent de "travailleurs" chinois, dont le départ avait été fortement médiatisé, revêt une toute autre signification. Pékin revient la tête haute et les crocs bien aiguisés. Il marque son territoire au cœur même du Vietnam ! Vieille jarre et vieux vin: "Nĩ hảo ma? Huānyíng! " Les soupçons émis par grand nombre de citoyens vietnamiens sont ainsi confirmés: le marchandage a bien eu lieu. Lors de l'épisode de la plateforme de forage HKSY981, le long silence du plus grand responsable du "parti dirigeant" dans les premiers jours de cette intrusion avait un sens. Celui qui a suivi le retrait subit de la plateforme et la libération tout aussi subite des 13 pêcheurs vietnamiens détenus à Hai Nan avait aussi un sens. Ils étaient vraisemblablement les signes annonciateurs des concessions vietnamiennes qui allaient suivre, c'est à dire de nouveaux abandons de souveraineté réelle. Les déclarations de refus ferme et digne d'une " amitié illusoire" en échange d'abandons souverains, déclarations politiciennes obligées étant donné la force de la mobilisation dans le pays et à l'étranger, ont vite laissé place dans la bouche du même orateur aux accents indignés à des invites policières pour réprimer les" agents-des-forces-réactionnaires-de-l'étranger-bla-bla-bla...). Vieille jarre et vieux vin . Plus question d'intenter un procès à la Chine devant la cour internationale. "Nĩ hảo ma? Huānyíng! ". Bienvenue... aux dollars chinois. La nouvelle agression que constitue le projet industriel de Ha Tinh prouve si c'était encore nécessaire que les dirigeants du PCV ne présentent pas entre eux de différences essentielles concernant la dépendance à la Chine. Ils sont tous politiquement à la remorque des dirigeants de Pékin auxquels ils sont puissamment liés par des tractations anciennes et d'autres très récentes, toutes aussi obscures qu'inavouables . La vieille phraséologie pseudo socialiste et pseudo fraternelle ne cache plus la réalité de ces relations de type suzerain-vassaux. Et il ne reste plus à ces piteux démocrates que le passage en force ou la répression pour faire accepter leur désastreuse et honteuse politique de collaboration contre nature. "Thóat Trung", "Cúi Trung", se dégager de la Chine ou s'y soumettre : un abîme. Responsabilités Alors que les citoyens du Vietnam sont de plus en plus nombreux à parler de "Thoát Trung", sortir de la Chine, ceux qui se proclament être leurs représentants politiques ne cessent de les enfoncer dans une dépendance dont la nation aura de plus en plus de mal à s'extirper. Ainsi, le fossé chinois devient un abîme entre ce groupe de leaders et la volonté populaire. Il empêche le Vietnam de se développer sainement. Il le fige et l'isole du reste du monde. Et la responsabilité de cette situation est on ne peut plus claire. Dans le système actuel du Parti unique sacralisé par l'article 4 de la Constitution, toutes les factions, tous les groupes d'intérêt présents au sein du bureau politique doivent porter la responsabilité de cette dépendance chinoise désastreuse pour le pays. Responsabilité collective mais surtout individuelle. Chaque dirigeant est individuellement responsable. Personne au sein du pouvoir central ne peut, sans perdre son honneur citoyen, ni garder le silence devant cette trahison des aspirations populaires ni en rejeter la faute sur les autorités régionales. De leur côté, les autorités politiques régionales, déjà tristement célèbres par leur empressement violent à réquisitionner les terres et les biens paysans, ne peuvent invoquer le droit à la libre entreprise pour des hommes d'affaires chinois clairement au service de la stratégie de Pékin. Elles ne pourront pas non plus incriminer de mauvaise gestion les comités d'organisation des zones économiques locales lors des incidents qui ne manqueront pas de se produire entre des occupants indésirables et une population locale excédée par cette cohabitation imposée, vécue comme une provocation permanente à son sentiment national et à ses intérêts immédiats . En bref, au sein des instances du Parti, du plus haut au plus bas, personne ne peut plus jouer l'autruche devant ce que nombre de citoyens et certains militants courageux ont déjà dénoncé depuis longtemps: le danger mortel de sinisation qui menace la nation. L'intrusion de la plateforme de forage avait donné l'occasion de rééquilibrer l'économie en en reprenant graduellement la maîtrise. L'occasion est délibérément rejetée par le PCV. Vers des "Ukraine" à la chinoise? Sous prétexte fallacieux de développement, ce parti, de plus en plus " étrange" pour sa nation et son peuple, ouvre continuellement la porte à l'importation d'une main d'œuvre chinoise souvent non qualifiée, population explosive dans la société vietnamienne en proie à une crise globale où le chômage frappe des centaines de milliers de jeunes obligés d'aller vendre leur force de travail à l'étranger... Dans un pays où des milliers d'hectares situés pour la plupart dans des zones stratégiques, ont déjà été loués pour des décennies, c'est-à-dire en réalité cédés aux expansionnistes de Pékin masqués ou non, les dirigeants vietnamiens au pouvoir encouragent encore l'intensification du flot... Combien de plateformes terrestres chinoises ont, depuis des années et en toute tranquillité foré le patrimoine vietnamien pour en ponctionner les richesses? Et voilà qu'après avoir bradé des pans entiers des ressources naturelles, énergétiques et industrielles nationales, les dirigeants de ce pays vont donner le feu vert pour sacrifier plus encore les ressources humaines... et même au-delà. Des milliers de nouvelles familles chinoises vont s'installer. D'autres vont se créer sur place. Elles vont travailler dans des zones d'où les Vietnamiens ordinaires seront exclus et où les autorités locales n'auront accès qu'après avoir poliment montré patte blanche. Elles vont vivre à la chinoise dans des rues, des quartiers, des districts chinois autogérés où les autorités vietnamiennes seront en fait de dociles salariés à leur service... Souvent, parce qu'encouragées financièrement en sous-main par Pékin, ces communautés chinoises vivront dans de biens meilleures conditions que les milliers de familles vietnamiennes touchées de plein fouet par le chômage et les salaires de misère. Elles vont y imposer leur loi économique et donc leurs options politiques. Ces nouveaux occupants vont ainsi fixer en maîtres sur la terre vietnamienne une descendance chinoise qui pourra un jour -pourquoi ne pas l'envisager ?- exiger le droit du sol. Ukraine à la chinoise. Sinisation par le sang. En cas de réticences populaires locales ou de résistance nationale marquée à chaque nouvelle secousse de la politique Đại Hán, les dirigeants vietnamiens ne peuvent pas ignorer le pouvoir déstabilisateur de ces poches continentales d'explosifs humains dont la mèche peut être allumée à partir de Pékin et relayées sur place par les services d'agents locaux, chinois ou vietnamiens mercenaires. Et ce ne sont pas les quelques manifestations "presse- bouton", "autorisées" à ce moment-là par Ha Noi pour sauver la face comme au moment de l'intrusion de HYSY981 qui donneront le change. Vũng Ánh confirme: le canard vietnamien sera laqué ! La nouvelle du retour en force de travailleurs chinois à V ũng Ánh est un message clair qui confirme une complicité flagrante : Pékin et Ha Noi sont d'accord sur l'essentiel: "la modernisation" , le "développement" du Vietnam se feront à la sauce chinoise, au profit d'une " Đại cục", (situation générale), chinoise dont le rythme est défini par les dirigeants chinois et validé, bon gré mal gré, par ceux du PC vietnamien dans le dos de leur propre peuple. Ce parti communiste vietnamien d'aujourd'hui, méconnaissable par rapport à celui d'hier, en porte toute la responsabilité historique et devra tôt ou tard l'assumer... Note de l'auteur à l'intention des résidents vietnamiens d'origine chinoise et des vrais travailleurs chinois. Que le simple citoyen vietnamien d'origine chinoise ne prenne pas ombre de ces quelques lignes d'indignation. Elles ne sont aucunement dirigées contre lui. Que les travailleurs chinois exploités par un régime de dictature ne considèrent pas ces propos comme des incitations au racisme. L'auteur ne fait ici que pointer du doigt une triste réalité: les dirigeants des deux partis communistes chinois et vietnamien utilisent sans état d'âme leur pouvoir sans partage à des fins de profit privé à l'encontre des les intérêts populaires ou nationaux... Tout en masquant leurs terribles responsabilités, ils utilisent les uns pour aggraver délibérément la misère, le désespoir, l'humiliation des autres. Ils ne préparent pas l'amitié mais la haine. Ils ne préparent pas la paix mais de nouvelles tragédies pour les deux communautés. Nguồn: boxitvn.blogspot.de
......

“Tự do cho Điếu Cày”: Hy vọng “đặc xá” lớn dần

Đã đến công đoạn “xin tha tù” Ảnh Blogger Điếu Cày (VNTB) - Sáng hôm 28/8/2014, tức chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến Quốc khánh Việt Nam 2/9, trang Facebook của Nguyễn Trí Dũng, con trai của người khởi xướng “Câu lạc bộ nhà báo tự do” Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, loan tin: “Cách đây 5 phút, cha tôi là ông Nguyễn Văn Hải đã gọi điện về nhà và báo cho gia đình biết Bộ công an đã vào phòng giam để yêu cầu viết đơn "xin tha tù" nhưng bất thành. Cha tôi nhận định bản thân ông không có tội và bị bắt giam một cách tùy tiện không bản án. Vậy nên đơn duy nhất ông viết là đơn "yêu cầu giải quyết ra tù". Ông gửi lời cám ơn đến các tổ chức và các nhân vật đấu tranh và ủng hộ dân chủ trong và ngoài nước và nhắc lại những điều khoản trong Hiến Pháp cũng như luật pháp quốc tế mà nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm khi đàn áp bắt bớ những người đấu tranh dân chủ, nhân quyền và truyền thông độc lập. Xin cô bác anh chị hãy lưu tâm rằng người tù có thể vẫn không được thả, nhưng họ vẫn giàn xếp tin tức để tự chúng ta tung ra để hòng giảm sự tập trung vào những người tù mới bị bắt giam vô cớ tương tự như phiên tòa xử 3 nhà bất đồng ở Cao Lãnh- Đồng Tháp vừa qua. Vậy nên khi hợp sức loan tin xin đưa kèm dòng status bên trên hướng về phiên tòa ở Đồng Tháp. Xin cám ơn!”.   Cử chỉ tương đồng Một cử chỉ tương đồng khá “thú vị” của cơ quan công an Việt Nam là vào khoảng từ đầu đến giữa tháng 6/2014, họ cũng yêu cầu Đỗ Thị Minh Hạnh - một trong những người khởi xướng phong trào công đoàn độc lập mà sau đó trở thành tù nhân bất đắc dĩ - phải ký một số giấy tờ mang tính “khoan hồng” và “xin tha tù”. Nhưng “Cánh chim báo bão” Minh Hạnh đã khước từ thẳng thừng. Cuối tháng 6/2014, Đỗ Thị Minh Hạnh nghiễm nhiên được tự do trước thời hạn án tù mà không kèm theo bất cứ điều kiện ràng buộc nào. Không những thế, vài tháng sau cựu tù nhân lương tâm này đã chính thức “khai trương” tổ chức Lao động Việt ngay tại đất nước mà hình thức công đoàn tự do vẫn bị coi là “bất hợp pháp”.   Cần nhắc lại, vào ngày 6/8/2014, trùng với thời điểm Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain và đồng viện dân chủ Sheldon Whitehouse đến Hà Nội, gia đình của Điếu Cày bất ngờ nhận giấy mời của Chi cục thi hành án dân sự quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu thay mặt cho ông Hải đóng tiền án phí sơ thẩm và phúc thẩm hình sự để “đủ điều kiện xem xét giảm án đặc xá”. Dù chỉ là động tác hết sức “vi mô”, nhưng động thái giấy mời “đóng tiền án phí” mới diễn ra đã khiến rộ lên dự đoán về khả năng Điếu Cày có thể được trả tự do trong không bao lâu nữa. Thậm chí ngay trong tháng Tám này. “Khỏe re như con bò kéo xe” Xét về “nhân thân” và “quá trình công tác”, Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải chính là một trong những tù nhân lương tâm kỳ cựu và có tiếng nhất ở Việt Nam, bị bắt và bị xử án đến hàng chục năm tù giam chỉ vì đấu tranh phản kháng Trung Quốc. Điếu Cày cũng là người luôn nằm trong danh sách ưu tiên mà Chính phủ Mỹ thường trao cho phía Việt Nam để đòi hỏi trả tự do. Tại cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) đối với Nhà nước Việt Nam ở Geneva, Thụy Sỹ vào tháng 2/2014, đoàn Mỹ đã đặt thẳng yêu sách là Việt Nam phải phóng thích vô điều kiện các tù nhân lương tâm, trong đó có Điếu Cày. Nếu có thể so sánh, cần nhắc lại là ngay trước và sau chuyến công du Hà Nội của nữ Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách chính trị Wendy Sherman của Hoa Kỳ đến Hà Nội vào đầu tháng 3/2014, Nhà nước Việt Nam đã phóng thích một loạt 5 tù nhân lương tâm, kể cả một người bị coi là “rất cứng đầu” như ông Cù Huy Hà Vũ. Trường hợp “người tù xuyên thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu, với 37 năm trong bốn bức tường đen đúa và bít bùng, cho biết từ trước tết 2014, ông cũng đã nhận yêu cầu từ cơ quan công an để ký giấy “xin khoan hồng”, nhưng ông đã hồn nhiên trả lời là ông có tội gì hết. Ngay sau khi ra tù, ông Cầu lập tức làm các trang mạng phấn chấn với bài hát tự sáng tác “Khỏe re như con bò kéo xe”và hình ảnh ôm guitar rất điệu nghệ của ông.   “người tù xuyên thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu nay đã tự do Một lần nữa, hãy quay trở lại cuộc họp báo, mà cách nào đó có thể ví với hình ảnh “bò kéo xe”, của Thượng nghị sĩ John McCain vào đầu tháng 8/2014 tại Hà Nội: “Những gì Mỹ có thể làm được tùy thuộc vào tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền. Mỹ đánh giá cao các tiến bộ của Việt Nam trong các tiến bộ này trong đó có tham gia ký kết công ước quốc tế chống tra tấn cũng như lĩnh vực tôn giáo. Phía Việt Nam công nhận những việc này nhiều hơn nữa, sẽ tốt cho ổn định, thịnh vượng và thành công của Việt Nam”. Nhưng tất nhiên phải là “những tiến bộ có thể chứng minh được” theo cách nói của người Mỹ. Tín hiệu tự do cho Điếu Cày cũng bởi thế đang có chiều hướng vươn tỏa vào chính những ngày này. Phạm Chí Dũng
......

Con Đường VN và bản án Đồng Tháp

PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM Tuyên bố về phiên tòa xử các công dân Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thuý Quỳnh và Nguyễn Văn Minh Bất chấp dư luận trong ngoài nước và lời kêu gọi của các chính phủ, tổ chức quốc tế về quyền con người, sau sáu tháng bị bắt giữ, “tạm giam" trái quy định, ngày 26 tháng 8 năm 2014 chính quyền Việt Nam đã tiến hành phiên xử các công dân Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thuý Quỳnh và Nguyễn Văn Minh với tội danh “gây rối trật tự công cộng". Kết quả: ba công dân nói trên đã bị áp đặt bản án tổng cộng là 7.5 năm. Nghiêm trọng hơn, dù được thông báo là một “phiên xử công khai" nhưng ngay từ nhiều ngày trước đó chính quyền và an ninh các cấp, các nơi đã công khai đe dọa, khủng bố và ngăn chặn công chúng quan tâm đến theo dõi phiên toà. Chỉ trong 24 giờ trước khi phiên toà được mở ra tại Toà án Nhân Dân Đồng Tháp, hơn 60 công dân Việt Nam, trong số đó có 6 thành viên Con Đường Việt Nam và một số nhân chứng quan trọng của vụ án đã bị bắt giữ, cô lập, sách nhiễu không thể vào theo dõi hay tham dự phiên toà. Rõ ràng: 1. Việc bắt giữ và xét xử ba công dân nói trên là một thủ đoạn chính trị nhằm đàn áp nhà hoạt động Bùi thị Minh Hằng cùng các cộng sự, đồng thời khủng bố tinh thần của những nhà hoạt động xã hội dân sự khác đang bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hoà tại Việt Nam. 2. Đối với ba công dân nói trên, tất cả các quy trình từ bắt giữ đến xét xử đều là sự nguỵ tạo, dàn dựng thô thiển, vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp lý về thời hạn tạm giam điều tra (điều 119 luật tố tụng hình sự), quyền được thăm gặp thân nhân trong thời gian tạm giam, quyền được xét xử công khai, minh bạch đúng pháp luật. 3. Đối với công chúng và dư luận quan tâm, chính quyền Việt Nam đã vi phạm trắng trợn đến quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của người dân, chà đạp lên chính pháp luật Việt Nam (Khoản 1, điều 123 luật hình sự về “bắt, giữ, giam người trái pháp luật") và các quyền con người căn bản qua việc đánh đập và bắt giữ trái phép những người muốn tham dự phiên toà. Phong trào Con Đường Việt Nam cực lực phản đối quy trình bắt giam, xét xử, bản án bất công áp đặt của chính quyền Việt Nam đối với ba công dân Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thuý Quỳnh, Nguyễn Văn Minh và hành động ngăn chặn, bắt giữ phi pháp các công dân chung quanh phiên toà. Chúng tôi cho rằng việc nguỵ tạo tội danh, bắt giữ, xét xử thô thiển cùng các hành vi đàn áp ngăn cản công chúng quan tâm đến phiên toà là một thông điệp trái chiều mà chính phủ Việt Nam đã gửi đến dư luận thế giới trong vai trò là thành viên hội đồng nhân quyền LHQ và đặc biệt nguy hiểm khi đất nước đang cần sự ủng hộ của quốc tế trong hoàn cảnh kinh tế sa sút và chủ quyền lãnh thổ ngày càng bị xâm lấn, đe doạ hơn từ Trung Quốc như hiện nay. Chúng tôi yêu cầu: 1. Chính quyền phải làm gương trên hết trong việc tôn trọng pháp luật để gìn giữ kỷ cương, đặc biệt trong một xã hội đang có rất nhiều biểu hiện tiêu cực, thiếu ý thức tôn trọng luật pháp như hiện nay. Cụ thể: phải lập tức huỷ bỏ bản án và trả tự do không điều kiện cho ba công dân trên. 2. Chính quyền Việt Nam phải chấm dứt các hành vi sách nhiễu, vi phạm quyền con người của các công dân, bao gồm quyền tự do đi lại, quyền được thông tin, quyền được xét sử minh bạch công bằng, tôn trọng các thoả ước quốc tế về hạn định giam giữ, thủ tục tố tụng… để nhanh chóng hoà nhập cùng thế giới tiến bộ trong việc bảo vệ các giá trị phổ quát của quyền con người. 3. Con Đường Việt Nam cùng các tổ chức dân sự khác kêu gọi Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tiếp tục tạo sức ép để chính quyền Việt Nam phải nghiêm chỉnh tuân thủ và thi hành các nghĩa vụ quốc tế của mình, chấm dứt việc truy bức, bỏ tù công dân mình vì biểu hiện ái quốc trước xâm lược Trung Quốc hoặc vì bày tỏ khao khát dân chủ, tự do, công bằng xã hội. Ngày 27 tháng 8 năm 2014 TM. Con Đường Việt Nam Lê Quốc Tuấn Phát Ngôn Viên Phong trào Con đường Việt Namhttps://conduongvietnam.orghttps://facebook.com/quyenconnguoi
......

Món quà Bùi Minh Hằng cho Bắc Kinh

NHỮNG GÌ CHO PHÉP MÌNH KẾT LUẬN SAU VỤ XỬ MINH HĂNG VÀ “ĐỒNG CHÍ” CỦA CHỊ ĐÃ GÂY RỐI TRẬT TỰ …TRUNG CỘNG? Sở dĩ mình dùng cái tít dài dòng này chính là để nhấn mạnh: 1- Thực chất cuộc xử án “gây rối trật tự công cộng” này: CHÍNH LÀ XỬ ÁN MỘT TRONG NHỮNG NGƯỜI CHỐNG TÀU XÂM LƯỢC CAN TRƯỜNG NHẤT, NỔI TIẾNG NHẤT VÀ ĐƯỢC CẢ THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC CHÚ Ý THEO DÕI NHẤT, 2- Kết luận của cái gọi là “Tòa án” của đảng họ không thể nặng như vụ “trốn thuế của Điếu Cầy hoặc vụ “2 bao cao-su đã xử dụng” ngụy tạo với Cù Huy Hà Vũ mà nó phải đôi co mãi trong những tên “chóp bu” sẽ phải đánh mấy roi thì vừa lòng cả Thiên Triều lẫn dân VN, sau khi có vụ giàn khoan HD 981 đã đoàn kết hàng triệu người trên tinh thần “đoàn kết một lòng khi Tổ Quốc đứng trước nạn ngoại xâm”. 3- Và QUAN TRỌNG NHẤT LÀ MỌI Ý NGHĨ, SUY ĐOÁN, PHÂN TÍCH MÒ, LÀ SẼ CÓ SỰ “THAY ĐỔI”, “CỞI MỞ’, “‘NHẸ TAY” “THOÁNG HƠN”, thậm chí “TỐT HƠN” TRONG VỤ XỬ ÁN NÀY…ĐỀU HOÀN TOÀN …PHÁ SẢN! 4- Mình muốn nhắc lại một lần nữa: KHÔNG TRÔNG MONG GÌ Ở SỰ THAY ĐỔI CỦA NHỮNG NGƯỜI CÔNG SẢN NHẤT LÀ CỘNG SẢN VIỆT NAM KHI HỌ, NHŨNG CÁI TÊN “CHA VƠ CHÚ VẾU” Ở ĐÂU ĐÓ BỖNG DƯNG TRỞ THÀNH VUA, NHỜ SỰ ĐỠ ĐẦU TOÀN DIỆN CỦA THIÊN TRIỀU!   5- Nếu thực sự có vài tên muốn “thoát Trung” bắt tay Mỹ (mà mình tuyệt đối không bao giờ tin với bản chất của chúng hiện nay) thì lập tức sẽ bị vô hiệu hóa và “cho de” ngay lập tức chứ chẳng cần chờ Hội Nghị Trung Ương số này, số khác…(“dân chủ tập trung” ngay trong đảng họ đã cho phép một vài người, đôi khi một tên “vua không ngai” cho “biến trong không khí” nhiều nhân vật “to” ra trò nhưng có ý kiến khác “vua cha”, “vua chú” vẫn còn đó như những tấm gương tầy liếp)! Do đó, trông mong vào một vài lời nói “tiến bộ vu vơ”,một chuyến đi “thăm đột xuất” của một, hai nhân vật quan trọng nào đó của cả hai bên (Vụ PQ Nghị và J.M.Cain) mà tin rằng “sẽ có thay đổi”, sẽ thôi “đu dây” phải bỏ Tầu theo Mỹ vì những mục đich, PPT và “vũ khí sát thương” gì gì đó…thì quả là… non choẹt “về nhãn quan chính trị” và vô tình đã dẫn dắt bao người vào những điều “lạc quan tếu”!....Không biết bao facebooker, blogger, trước, và ngay ngày 26/8 xử vụ MH đã tung lên mạng những “Chị Hằng sẽ được thả tại chỗ”, “Đại diện Sứ Quán Mỹ đã có mặt bí mật tại Đồng Tháp” thậm chí tổ chức “đi đón Minh Hằng và các bạn của cô”(!) rồi.. “nên Liên hoan tại Sài gòn hay Vũng Tầu..”(?!) “Người không bán nước” đã mặc cả áo dài khăn đóng, để đi đón Minh Hằng cũng xúng sa xúng xính xuất hiên trên mạng ngay bến xe Cao Lãnh!...rất chi là… phấn khởi …. tươi cười …để rồi gần như bị màng lưới dày đặc côn an và chó săn cắn người thuê, cho…. nhập kho gần hết! So với vụ xử Phương Uyên, cũng không được vào chứng kiến tại chỗ phiên xử, cũng bị canh gác các đường đẫn đến Tòa Án, nhưng lực lượng anh em ta, đã lập tức chuyển ngay sang diễu hành trên đương phố, hô to những khẩu hiệu “Tự do cho Uyên-Kha”, “Đả đảo Tầu xâm lược!”, tay giăng cao những băng-đơ-rôn đã chuẩn bị sẵn cho một cuộc đấu tranh đòi công lý, đòi quyền con người, đả đảo bọn xâm lược! Tất nhiên không phải do họ mà tòa phải thả tại chỗ bé Uyên, nhưng hành động của họ đã làm xúc động cả triệu triệu con tim người trong nước và thế giới, ngay cả dân Long An hôm ấy cũng được mở mắt và đã góp phần không nhỏ cho một hành động chưa từng có tại các thứ tòa án cộng việt! (ảnh 1) …Còn lần này….vụ vu cáo để xử MH và “đồng chí” xảy ra trong bối cảnh chính trị hoàn toàn khác (họ không muốn xử ngay những ngày giàn khoan HD981 đang còn nghênh ngang, ngạo nghễ, xấc xược trên lãnh hải của ta ) mà phải xử-trả- thù chị như một tuyên ngôn cứng rắn về thái độ của họ là CHỐNG TRUNG QUỐC THIÊN TRIỀU LÀ CHỐNG CHÚNG TAO LÀ PHẢN ĐỘNG LÀ….VÀO TÙ MỌT GÔNG! Và chúng đã ra lệnh từ trên cao tít,huy động một lực lượng côn an chưa từng có trên khắp đất nước, xử dụng lượng ngân khố khổng lồ để ngăn chặn từ từng nhà,từ trước nhiều ngày những ai chúng cho là sẽ có thể có mặt tại Đồng Tháp để thẳng tay “hốt hết”. Khi họ vừa ló mặt đến địa điểm Đồng Tháp là chúng đã cho “nhập kho”, rồi tống lên ô-tô chở thẳng về Saigon sau khi cướp sạch các phương tiên thông tin máy ảnh, smart phone! Ngoài mấy tấm ảnh ít có giá trị tố cáo, không ai kịp có một hành động nào xứng đáng với công lao chui nhủi, tránh né, bài binh bố trận để vượt qua cả hàng trăm, hàng ngàn cây số để đến được với vụ xử án ô nhục chưa từng có trên thế gian! Để rồi cuối cùng,trước bản kết tội khốn nạn của chúng nó,chỉ còn biết …lên mạng mà… “tố cáo” những hành động hèn mạt của chúng (mà chúng cho là chiến thắng vẻ vang là cái chắc) hoặc… ”chửi bậy” cho đỡ cơn bực bội!? Nhân đây, mình cũng xin bắt chước học nghề bình luận và phán đoán tí chút về vụ án “gây mất trật tự, hai xe đi hàng ba” vừa qua: 1- Vụ này trước tiên phải gọi “đích danh bà lang Trọc” của nó là; vụ án chống nước bạn 4 Tốt Trung Quốc, chỗ dựa vững chắc của cái gọi là “Đảng Cộng Sản VN”! 2- Nó được tiến hành ngày 26/8/2014,sau khi một tên dữ và xấu tướng nhất trong bộ xậu 5 vua tập thể có uy quyền nhất trong triều đình Hà-Nội vừa hoàn thành “dâng sớ khấu đầu tạ tội với Thiên Triều về những “lộn xộn vừa qua” ở Việt Nam hai ngày truớc: Từ 24 đến 25/8! Nghĩa là nó đã phản ảnh sự quy thuận Thiên Triều một lần nữa bằng hành động cụ thể đã hứa “ổn định lâu dài” với ông anh! Xem qua vài đường bị “lộ bem” nè. (ảnh 2) Ông Lê Hồng Anh tuyên bố với báo chi là chuyến đi 2 ngày từ 24 đến 25/8 là nhằm “trao đổi về các biện pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài”. Ông Anh nói thêm “việc hai Đảng, hai nước tăng cường hợp tác, duy trì quan hệ phát triển lành mạnh, ổn định là hết sức cần thiết nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay và tình hình Biển Đông có những diễn biến căng thẳng, phức tạp”… (Chẳng biết khi hội đàm bí mật có thêm cái ý “căng thẳng do bọn Đế Quốc Mỹ lăm le đưa hạm đội 7 vô Cam Ranh và thằng Remsey đã vô tận Đà Nẵng theo mong muốn của “nhóm bảo thủ” không?) Còn phía Trung Cộng chúng chỉ cho một thằng Hồng Lỗi nói với giọng trịch thượng: "Trung Quốc ghi nhận công tác và thái độ của phía Việt Nam,hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phù hợp". Còn một số nhà phân tích thời sự có tiếng trên thế giới thì đánh giá khách quan như sau Đặc phái viên Lê Hồng Anh có thể là quyết định của một bộ phận ban lãnh đạo Việt Nam, những người vẫn tin rằng cần giữ hòa hiếu với Trung Quốc cho dù nước này ngày càng có nhiều hoạt động độc đoán trên Biển Đông. (BBC 27/8/2014) Cho nên xử MH 3 năm tù,theo mình còn là…nhẹ!....Và sự thảo luận cân nhắc tính toán so kè bớt một thêm hai rất có thể do kéo dài từ Hà Nội đến Bắc Kinh. Hà Nội—Đồng Tháp và trong các nhóm lợi ích với nhau (chẳng có mâu thuẫn gì về chính trị mà chỉ có thể về kinh tế hơn thua mà thôi! ). Đó là lý do vì sao phiên xử phải kéo dài một cách bất thường và phải đợi cả đến tối 26/8,đúng 18g50, Tòa Án Đồng Tháp mới có thể đọc lên cái lệnh cuối cùng của “Trên”: Y án 3 năm, 2, 5, 2 năm tù giam cho các bị can! Hạ màn mọi trò diễn!! Để kết luận mấy điều tập tành phán đoán,phân tích tình hình,” Chính trị nhiễu nhương” hiện nay mình xin phép được đưa ra những kết luận có người cho là bảo thủ của mình như sau: 1- KHÔNG BAO GIỜ NÊN TIN VÀO SỰ THAY ĐỔI GÌ CỦA CÁI BỌN SỐNG NHỜ TẦU KHỰA VÀ HÃY TIN VÀO CHÚNG SẼ CHẾT CÙNG TẦU KHỰA! 2- Để giữ chặt cái triết lý “liên kết nô lệ đến cùng” để tồn tại này, chúng sẽ không nương tay với bất cứ ai chống lại chúng dù chỉ trong tư tưởng! 1- Vì quyền lợi của con cháu muôn đời của chúng, không bao giờ chúng “bắt tay”. Với những cái gì là văn minh tiến bộ của loài người và loài người cũng đã quá quen với những lời nói và việc làm của chúng luôn là mâu thuẫn, giả dối, lừa bịp nên ai chứ mấy ông Mỹ thực dụng thì thừa sức “bắt bài” chúng không mấy khó khăn! Đừng hòng bịt mắt họ mả vẫn vào được TPP,được mua vũ khí sát thương để rồi bắn vào dân Việt Nam của mình là chính! Còn chuyện “Làm gì đây” trong tình hình hện nay thì…quả là mình đã “quá đát” để nói và hành động cùng lớp trẻ hôm nay…Chỉ mong các bạn hãy vững vàng,tự tôi luyện trong các cuộc thử lửa với cái “Xấu” đang lộng hành, chuẩn bị đội ngũ,phát động được càng nhiều càng tốt tinh thần chống quân xâm lược và…. chờ thời cơ….để có thể biến một cuộc biểu tình hoan hô chủ nghĩa cộng sản thành một cuộc biểu tình đòi hạ bệ một kẻ tưởng như muôn năm bất khả xâm phạm Ceaucescu bắt vợ chồng hắn từ khán đài diễn thuyết ba hoa ngày 21/12/1989, phải chạy trốn bằng trực thăng rồi bị xử tử ở một nơi hẻo lánh Târgoviste ngày 25/12/1989!(*) Thời cơ đó sẽ đến và phải đến, đến nhanh hay chậm là do hàng ngũ chúng ta ngảy càng đông, ngày càng có nhiều các đảng viên cộng sản bỏ đảng như bên Tầu,và ngày mà bọn Tầu khựa vứt bỏ công khai cái vỏ cộng sản, đó là ngày một Timisoara Việt sẽ ra đời, chẳng cấn súng nổ, máu chảy đầu rơi, chẳng cần nhóm, Hội nào lãnh đạo, toàn dân ta sẽ đủ điều kiện để làm cuộc ĐẬP BỎ chứ không phải là “LÀM CHO TỐT LÊN”, ”SỬA CHỮA” ĐIỂM TÔ CHO CÁI THỂ CHẾ UNG THƯ GIAI ĐOẠN CUỐI NÀY! Qua lần kết án Minh Hằng, Nguyễn văn Minh và Thúy Quỳnh lần này, một lần nữa mình xin phép được kết luận dứt khoát như trên ….Ai không đồng ý, xin cứ phản biện tự nhiên, miễn là coi mình như yếu kém, lẩm cẩm về quan điểm chính trị chứ không phải là … ”phản động với lực lượng phản động”! (*) Các bạn hãy gõ một chữ Ceaucescu vào Google để click vao hàng trăm tài liệu giúp ta suy ngẫm về “thời cơ” của một cuộc cách mạng. Nguồn: FB Tô Hải
......

Mỹ lên án Việt Nam kết án 3 nhà hoạt động nhân quyền

Ngày  26/08/2014, sau khi tòa án sơ thẩm Việt Nam tại Đồng Tháp kết án tù giam ba nhà tranh đấu Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh, Đại sứ quán Hoa Kỳ ra tuyên bố bày tỏ « mối quan ngại sâu sắc ». Các tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International và Human Rights Watch đồng loạt lên án Việt Nam sử dụng tội danh gây rối trật tự công cộng để đàn áp những người « thể hiện ôn hòa quan điểm chính trị », « thực thi quyền tự do hội họp » và « bày tỏ tình đoàn kết với những người có nguy cơ bị bách hại ». Hôm qua, trong một phiên xử mà luật sư cho biết đã được tiến hành chỉ nhằm để buộc tội các bị cáo, tòa án sơ thẩm tỉnh Đồng Tháp đã kết án bà Bùi Thị Minh Hằng ba năm tù, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh 2 năm và anh Nguyễn Văn Minh 2 năm rưỡi tù giam. Hồi đầu tháng 2/2014, bà « Bùi Hằng», 50 tuổi, cùng cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, 28 tuổi và anh Nguyễn Văn Minh, 34 tuổi, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, bị công an tỉnh Đồng Tháp bắt giữ khi đến thăm ông Nguyễn Bắc Truyển, một cựu tù nhân chính trị cư trú tại tỉnh này, đang trong tình trạng bị công an đe dọa trấn áp. Sự cố nói trên bị nhiều nhà hoạt động nhân quyền lên án như một vụ án dàn dựng nhằm bỏ tù nhà tranh đấu nổi tiếng Bùi Thị Minh Hằng, thường được gọi là « Bùi Hằng ». Bà Bùi Hằng được công chúng biết đến sau nhiều lần tham dự các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông. Theo luật sư, sức khỏe của các bị cáo, đặc biệt là bà Bùi Hằng rất kém. Bà Bùi Hằng cùng cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, 28 tuổi và anh Nguyễn Văn Minh, đã trải qua nhiều cuộc tuyệt thực trong thời gian 6 tháng bị giam giữ để phản đối hành xử bất công của chính quyền. Trong tuyên bố hôm qua, Đại diện Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định việc tư pháp Việt Nam « sử dụng các điều luật về trật tự công công để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ, vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là điều đáng báo động ». Mỹ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do « vô điều kiện ba cá nhân này, cũng như các tù nhân lương tâm khác và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ ». Phó Giám đốc Châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, Phil Robertson, tuyên bố các cáo buộc của tư pháp Việt Nam chống lại các bị cáo là « sai trái » và « vô nhân đạo ». Đại diện HRW khẳng định « Bùi Thị Minh Hằng và các đồng bạn bị kết án tù, chỉ vì đơn giản là thực hiện quyền hội họp và dám bày tỏ tiếng nói đoàn kết với những người có nguy cơ bị bách hại ». Ông Rupert Abbott, phó Giám đốc Châu Á Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), lên án Việt Nam một lần nữa lại dùng biện pháp đàn áp nhắm vào những người tranh đấu ôn hòa. Nhân vụ án ba nhà tranh đấu vừa bị tòa án Đồng Tháp kết án, Amnesty International nhấn mạnh đến việc, mặc dù từ tháng 4 đến tháng 7, bốn nhà tranh đấu Việt Nam được chính quyền trả tự do, nhưng còn rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền hiện vẫn đang bị giam giữ, chỉ vì bày tỏ chính kiến tại một quốc gia vừa được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi năm ngoái. Nhiều nhân chứng tại chỗ tố cáo các lực lượng an ninh, đặc biệt tại tỉnh Đồng Tháp, đã bắt bớ hàng chục người tới thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Bùi Thị Minh Hằng, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh, nhiều người trong số họ bị đánh đập dã man. Trả lời AFP, từ Đồng Tháp ông Nguyễn Lân Thắng cho biết « khoảng 60 đến 70 người bị câu lưu ». Hiện tại theo một nguồn tin chúng tôi được biết, hầu như tất cả những người bị bắt hôm qua đã được trả tự do. Riêng bà Nguyễn Ngọc Lụa đang ở trong tình trạng sức khỏe rất đáng ngại, sau khi bị công an đánh phải đi cấp cứu. Vụ xét xử ba nhà hoạt động nhân quyền hôm qua với những án tù nặng, đặc biệt là bà Bùi Hằng – một biểu tượng của tinh thần phản kháng chống hiểm họa bành trướng Phương Bắc - xảy ra đúng vào thời điểm ông Lê Hồng Anh, đặc phái viên của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đang trong chuyến công du Trung Quốc nhằm « khôi phục và thúc đẩy quan hệ » giữa Hà Nội và Bắc Kinh, sau sự cố Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây nhiều phẫn nộ trong nước và quốc tế. Trọng Thành - RFI ***** Những hình ảnh đáng nhớ về Người Yêu Nước Bùi Minh Hằng RadioCTM Radio Chân Trời Mới Tin Nhanh Số 12 — Phiên xử Bùi Minh Hằng - Nguyễn Văn Minh - Nguyễn Thị Thúy Quỳnh         Ông Phạm Minh Hoàng, một cựu tù nhân lương tâm, nhận định về chính sách của giới lãnh đạo đảng CSVN qua cách đối phó của họ với những người Việt yêu nước như các anh chị Bùi Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh: https://soundcloud.com/radio-ctm-1/thay-giao-pham-minh-hoang-ve-phien-xu...   Và nhiều bạn hữu nguyện tiếp nối các nỗ lực của chị Bùi Minh Hằng trong trách nhiệm bảo vệ đất nước, đùm bọc những gia đình tù nhân chính trị, và tranh đấu cho các quyền con người. RadioCTM sẽ tiếp tục tường trình các diễn tiến chung quanh vụ xử án các anh chị Bùi Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh, và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh tại các trang mạng, blog, và Facebook của đài. Mời quí độc giả, thính giả theo dõi.   Hoàng Trường, Tuyết Đan, Thanh Lan, Thùy An, Trần Quang Thành kính chào tạm biệt
......

Vụ Phạm Chí Dũng đậm nét đa nguyên báo chí

Vụ “Phạm Chí Dũng”: Hoan hô tính đa nguyên trong báo chí độc lập   (VNTB) - Chúng tôi vui mừng, vì chưa đầy hai tháng thành lập, mà tinh thần đa nguyên trong Hội nhà báo độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) đã phát huy tác dụng, hứa hẹn một nền báo chí tự do sẽ mau đến cho công chúng Việt Nam. Đa nguyên về quan điểm Những lý thuyết gia và những nhà cai trị các quốc gia theo học thuyết Cộng sản thường đề cao việc thống nhất quan điểm, theo một quan điểm duy nhất. Tuy nhiên, lịch sử Việt Nam và thế giới cho thấy việc thống nhất quan điểm, tạo ra một quan điểm duy nhất là một giải pháp kém hiệu quả nhất cho phát triển. Hầu như nó chỉ đáp ứng được cho mục tiêu của một nhóm nhỏ, mà chưa bao giờ đủ sức giải quyết các vấn đề chung của cả cộng đồng. Minh chứng rõ nhất tại Việt Nam là dùng chiến tranh để thống nhất đất nước, bỏ qua một bên Hiệp định tái lập hòa bình đã được ký kết ở Paris năm 1973. Còn trên thế giới là cuộc tấn công vào Iraq với lý do ngụy tạo của liên quân Mỹ-Anh. Do đó, việc đa nguyên trong quan điểm báo chí về tình hình chính trị xã hội Việt Nam nên là bước đi tiên phong cho cả cỗ xe Việt Nam đã khởi động rồi mà chưa biết lái theo hướng nào cho tốt. Việc nhà báo Phạm Chí Dũng đưa ra những nhận định của ông về diễn biến của Việt Nam sau chuyến thăm Hoa Kỳ của ông bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trên BBC: "Chỉ trong khoảng ba tuần lễ, dường như những người trong “Phe bảo thủ” đã vượt lên một nhịp so với “Phe lợi ích”, khi trước đó thế giằng co là tương quan nổi trội tưởng như còn kéo dài đến tận Đại hội Đảng 12" là quan điểm bình luận của ông. Quan điểm này có nhiều người chia sẻ, đón nhận, nhưng cũng có không ít người chê bai. Ở đây có ít nhất ba luồng quan điểm xuất hiện: Quan điểm của nhà báo Phạm Chí Dũng, quan điểm của những người ủng hộ, và quan điểm của những người không đồng tình. Người đọc cũng cần phải cẩn thận khi chúng tôi không nhập chung quan điểm của ông Dũng và những người ủng hộ ông là một, vì trong thực tế, không ai ủng hộ ai 100% về mặt tư tưởng cả. Người ta chỉ ủng hộ những quan điểm phù hợp hoặc đang chi phối tích cực cho họ, hoặc ít là quan điểm đó được hiểu theo ý họ, nên họ theo. Ngược lại cũng hiếm có trường hợp không đồng tình hay chống đối một quan điểm 100%. Nguyên tắc Âm trong Dương và Dương trong Âm giúp hiểu rõ về vấn đề này. Những bài viết kế tiếp đăng cùng trên BBC của ông Nguyễn An Dân hay trên Tin tức hàng ngày của nhà báo Nguyễn Quang trình bày quan điểm khác với nhận định của nhà báo Phạm Chí Dũng về kết quả chuyến đi Mỹ của ông Phạm Quang Nghị là điều bình thường. Không ai đủ thông tin để khẳng định một trong các quan điểm này đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn. Do đó đa nguyên quan điểm cần được khuyến khích hơn nữa, để không chỉ dừng lại hai quan điểm như thể đối đầu nhau, mà còn có thể có thêm nhiều quan điểm xuất phát từ các lối tiếp cận khác hầu tiếp tục cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác và minh bạch hơn, đồng thời giúp người dân có thêm nhiều cơ hội suy tư và chọn lựa khi cần. Tự do đa nguyên, nhưng không được tấn công cá nhân Xét về mặt tư tưởng, không ai dễ dàng chịu ai, nhưng không phải vì thế mà biến phản biện thành lên án cá nhân. Nhà báo Nguyễn Quang viết trên Tin tức hàng ngày: "Nếu như điều bình luận trên đây [bình luận của ông Dũng - NV] là của một quần chúng bình dân thì người ta có thể bỏ qua cái giả thiết cho rằng chuyến đi của John McCain và Sheldon Whitehouse đến Việt nam vừa rồi là do dựa vào lời mời của Phạm Quang Nghị. Song đây là bình luận của ông Phạm Chí Dũng - Chủ tịch Hội NBĐL, một nhà bình luận chính trị được đánh giá là sắc sảo hàng đầu thì đó là điều khó có thể tha thứ". Chúng tôi ủng hộ nhà báo Nguyễn Quang phản biện hay trình bày ý kiến đối nghịch với tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhưng chúng tôi không đồng ý ông Quang xem thường "quần chúng bình dân" [cách dùng từ của ông Quang - NV]. Ông Quang viết "Nếu như điều bình luận trên đây là của một quần chúng bình dân thì người ta có thể bỏ qua" nghĩa là gì? Ông xem thường "quần chúng bình dân" không đủ tri thức để hiểu vấn đề ông đang bàn sao? Trong cộng đồng "quần chúng bình dân" đó có cha mẹ, thầy cô của các nhà báo. Nhiều người trong họ là ân nhân về trí thức, về tâm linh và cả về vật chất của nhà báo. Chưa chắc nhà báo có khả năng hơn "quần chúng bình dân" đó. Nhà báo không được "hút máu người" rồi bảo "máu người tanh". Điểm thứ hai chúng tôi cũng không đồng ý với nhà báo Nguyễn Quang là đang phản biện về nhận định đúng sai của nhà báo Phạm Chí Dũng lại lôi thân thế, địa vị xã hội vào để hạ thấp uy tín cá nhân ông Dũng. Ông Quang viết: "Đây là bình luận của ông Phạm Chí Dũng - Chủ tịch Hội NBĐL, một nhà bình luận chính trị được đánh giá là sắc sảo hàng đầu thì đó là điều khó có thể tha thứ". Tại sao đang tranh luận về chuyện ông Nghị lại không tiếp tục đưa ra những bằng chứng để làm sáng tỏ quan điểm của ông Dũng là quan điểm thiểu số, không phù hợp với công chúng lại lôi cái này vào? Đây là cách cãi nhau của người không đủ lý, nên phải dùng yếu tố bên ngoài đưa thêm vào hỗ trợ. Cần lưu ý tư tưởng con người không bao giờ được đánh giá bởi địa vị xã hội của người đó. Một ông vua không luôn luôn có tư tưởng tuyệt vời, mặc dù nơi vị này tiềm năng đó rất lớn. Tráng sĩ Phạm Ngũ Lão đang ngồi giỏ tre, nhưng ai có thể cấm ngài có những thao thức lớn lao về đất nước. Cách thức kéo nhân thân ra để đánh ngã đối thủ còn thấy ở ông Nguyễn An Dân viết trên BBC tiếng Việt: "Điều này vừa sai vừa ủng hộ bảo thủ, cả hai điều đều phản lại tính chất “độc lập” của một nhà báo độc lập, lại là Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập". Xin các nhà báo hãy tranh luận cách trong sáng, đừng mang một tiêu chuẩn do mình định ra rằng "độc lập" phải thế này, "Chủ tịch HNBĐL" phải thế kia để đánh giá người khác về quan điểm. Hãy chứng minh quan điểm của nhà báo Phạm Chí Dũng sai, nếu quý vị có nhiều thông tin và trực nghiệm tốt hơn, chứ đừng bao giờ nhắm vào con người đang muốn dấn thân cho công cuộc chung. Điều này sẽ giúp báo chí Việt Nam thoát thai khỏi báo chí xã hội chủ nghĩa và hy vọng công chúng Việt Nam sớm có tự do báo chí. Đừng nhà báo nào lại tự buộc mình trở thành cho công cụ cho ai hay cho nhóm nào, vì sứ mạng của nhà báo là cung cấp cho công chúng của mình tin tức quan trọng, chính xác, đầy đủ và khách quan nhất.   Nguồn: Việt Nam Thời Báo
......

’là mây cao là tiếng hát’

"Riêng tặng chị Bùi Minh Hằng trước phiên xử 26.8.2014" Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát Sáng mai khua thức nhiều nhớ thương (Bài ngợi ca tình yêu – Thanh Tâm Tuyền) Thi sĩ Bắc Phong đã có lần mơ thấy ánh mắt bà Trưng Nhị nhìn ông đằm thắm, để rồi trong giấc mơ của cuộc hạnh ngộ đó ông từ một viên lính quản tượng bỗng được “cất nhắc” để trở thành quan chép sử cho hai Bà. Tôi không lãng mạn và mơ mộng như Bắc Phong nhưng tôi cảm được những rung động của thi sĩ, vì thực lòng cũng như ông tôi thấy người phụ nữ VN đẹp lạ lùng. Nếu bạn được nghe Đỗ Thị Minh Hạnh hát trong những buổi trò chuyện với anh Phùng Mai thuộc Quỹ Tù Nhân Lương Tâm hay cô Trà Mi của đài VOA bạn sẽ thấy như tôi. Họ là tứ thơ của Thanh Tâm Tuyền, họ dịu dàng tươi mát như lá biếc như mây cao như tiếng hát, nhưng suốt trong chặng đường gian khó của tổ quốc, đối với quân xâm lược họ là những địch thủ đáng gờm. Đôi lúc họ xuất hiện dữ dội như hình ảnh nữ tướng Bùi Thị Xuân, mình mặc áo chẽn đỏ, cỡi voi trận xông pha trong lửa khói của đồn Ngọc Hồi, có lúc lại đằm thắm vững chãi như bà Linh Từ Trần Thị Dung vợ Thái sư Trần Thủ Độ. Điểm đáng nói ở những người phụ nữ này là họ có mặt khi đất nước cần, rồi thầm lặng đi vào đời thường. Khiến ta cứ ngỡ như họ hiện diện ở mọi thời khắc khó khăn nhất rồi biến mất. Thật ra họ vẫn luôn có mặt, miên viễn nối tiếp nhau từ đời này qua đời khác.   Xin cùng đọc câu chuyện về phu nhân của danh tướng Nguyễn Chích, vị tướng được xem là một khai quốc công thần của nhà Lê. Dưới thời nhà Minh đô hộ nước ta, danh tướng Nguyễn Chích phụng mạng Lê Lợi chiêu mộ thêm nghĩa quân ở Nông Cống – Thanh Hoá. Một buổi sáng đẹp trời có một tráng sĩ mặt đẹp như trăng rằm đến xin đầu quân. Trông dáng dấp anh ta nhỏ nhắn Nguyễn Chích có ý muốn đưa anh ta vào đội tuần cảnh, nhưng thấy người tráng sĩ tỏ thái độ không bằng lòng ông liền cho mở cuộc thi võ nghệ để phân tài cao thấp. Trong cuộc thi này, nhiều tướng giỏi của Lam Sơn đã bị người tráng sĩ này hạ gục. Tướng quân Nguyễn Chích rất hài lòng bèn phong cho anh ta làm phó tướng. Sau này viên phó tướng ấy đánh ngã luôn trái tim của danh tướng Nguyễn Chích, anh ta chính là một thiếu nữ giả trai để về đầu quân dưới trướng của Lam Sơn. Sau này hai người kết hôn với nhau, bà là người giúp chồng chiêu mộ quân sĩ, tích trữ lương thảo, rèn luyện nghĩa quân. Gặp lúc quân Minh vây hãm Lê Lợi ở Lam Sơn, cũng chính bà đã chỉ huy một đội quân góp phần giải vây cho chủ tướng. Khi đất nước ca khúc khải hoàn, có lẽ bà lui về giữ tròn vai trò hiền phụ trong gia đình, không thấy sử sách nhắc đến tên của bà sau này nữa. Khi đất nước suy vong người phụ nữ Việt Nam ngày nay đã không còn coi trách nhiệm cứu nước là bổn phận riêng của nam giới nữa. Thiên chức của một người vợ, người mẹ, đã khiến các chị cảm được sâu xa nhất về nỗi nhục của dân tộc và về những tai hoạ trước mắt. Số phụ nữ tham gia đấu tranh ở giai đoạn này đã lên đến con số đáng kể, cả những người trực tiếp hoặc gián tiếp. Sống sát cạnh những oan trái, khổ đau hàng ngày đã khiến các chị phải lên tiếng, không nhất thiết vì bản thân mình mà vì những uất ức, những bất công mà nhiều người chung quanh đang phải gánh chịu. Những phụ nữ này đến từ mọi ngõ ngách của cuộc đời, từ tiến sĩ kinh tế Phạm Chi Lan, đến nhà văn Võ Thị Hảo, luật sư Lê Thị Công Nhân, nghệ sĩ ưu tú Kim Chi, công nhân Trần thị Thuý Nga, cựu đại úy công an Tạ Phong Tần, …   Họ góp mặt trong hầu hết mọi lãnh vực, từ đấu tranh cho tự do tôn giáo như chị Mai Thị Dung, chị Trần thị Hồng vợ Mục sư Nguyễn Công Chính, đến đấu tranh cho dân oan như chị Trần thị Thuý, bà Lê thị Ngọc Đa, chị Hồ thị Bích Khương. Đặc biệt trong cuộc đấu tranh cho tiền đồ đất nước, chống lại bước chân xâm lược của Trung Quốc. Tên của họ có thể ghép thành một bản trường ca đẹp nhất nối tiếp bản trường ca của lịch sử dân tộc. Những Trần thị Hài, Bùi thị Minh Hằng, Phương Bích, Đặng Ngọc Minh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Lê thị Phương Anh, Nguyễn Phương Uyên, Phạm Thanh Nghiên… Những phụ nữ này xuống đường bất kể thái độ hung hãn trấn áp của công an, bất kể họ có thể bị ném vào các trại tù, trại "phục hồi nhân phẩm". Và khi ở trại giam, dù bị đánh đập, bị hành hạ nhưng dũng cảm lạ lùng, ba chữ HS.TS.VN lại ngạo nghễ xuất hiện, lại vẫn lấp lánh trong nắng, trên những nón lá của những người nữ tù nhân này. Và không chỉ ở VN, không chỉ ở những cuộc biểu tình rầm rộ nhiều người biết đến. Ở Tháp đôi Kuala Lumpur tại Mã Lai, một phụ nữ Việt nhỏ bé đã đứng một mình ở nhà ga với một biểu ngữ trên tay. Biểu ngữ có hình ảnh một giàn khoan bị gạch chéo cùng hàng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Chị đứng đó giữa một đất nước xa lạ, trước những ánh mắt tò mò, và đặc biệt giữa một cộng đồng đông đảo người Hoa sinh sống tại đây. Tại nhà ga, một người đàn ông lạ, tỏ vẻ kính phục đã đến hỏi chị rằng chị có thấy ngượng nghịu và sợ hãi không khi đứng một mình như vậy? Người phụ nữ có tên Liberty đó đã chia sẻ với ông rằng chính những gì đang xảy ra cho tổ quốc của chị đã giúp chị vượt qua mọi nỗi sợ hãi và ngượng ngùng. Ôi! Những Liberty và Lê Thị Tuyết Mai, họ chỉ là những người phụ nữ bình thường, vô danh không ai biết đến, nhưng họ tiêu biểu cho người phụ nữ ngàn đời của đất nước tôi. Một người biểu tình đơn độc ở Tháp đôi Kuala Lumpur, một người tự thiêu trước cổng trụ sở quan quyền. Cả hai đã nói những lời mạnh mẽ, tha thiết nhất với tổ quốc của mình. Ai đó, có thể ái ngại nhìn họ như những người đàn bà bé nhỏ và cô đơn, thực ra họ không hề cô đơn. Khi chọn đồng hành với vận mệnh của đất nước, họ nhìn thấy bên cạnh mình có rất nhiều người, dù không hiện diện, cả những người đã khuất. Điều đó giải thích tại sao những nữ tù nhân lương tâm hiện nay dù yếu đuối về thể chất lại có thể trở thành những quặng thép trong các trại tù. Dù cho công an dùng đủ loại thủ thuật để đàn áp, đặc biệt là trò ép tù đánh tù, nhưng sau cùng, sự dũng cảm của các chị đã làm cho cả trại giam phải tâm phục. Và sau đó, khi vừa bước ra khỏi trại giam, đa số còn mang đầy tật bệnh trong người, nhưng họ lại tiếp tục nhập dòng đấu tranh. Đặc biệt là đấu tranh cho những nữ tù chính trị còn trong trại giam. Con đường giải nạn cho cả dân tộc còn dài. Trên con đường đó, có rất nhiều người phụ nữ đã bước qua tù ngục trong quá khứ, đang trả giá tù ngục hiện nay và còn chấp nhận tù ngục trong tương lai. Những lời ngợi khen, những mỹ từ như “liệt nữ” “anh thư” bỗng trở thành nhỏ bé trước tâm hồn dung dị của những người phụ nữ Việt Nam này. Tôi tự hỏi vào những ngày trước khi tự thiêu bà Lê Thị Tuyết Mai đã nghĩ gì? Có lẽ bà không hề nghĩ đến mình, đến cái gia đình nhỏ bé của bà, và chắc chắn bà không hề nghĩ đến những lời ngợi khen hay ca tụng về hành động của bà. Điều duy nhất mà bà nghĩ đến chỉ có thể là niềm ước mong cả dân tộc đang khiếp nhược của bà sẽ cùng nhau vượt qua nỗi sợ hãi, cùng nhau đoàn kết đứng lên thì mới mong bảo vệ được tổ quốc, mới mong có ngày đóng hẳn những đau thương cho cả dân tộc. Chỉ chừng ấy thôi đã khiến người phụ nữ bình thường đó sẵn sàng khép lại cuộc đời mình bằng một lời tâm sự được viết bằng tay trên một tấm biểu ngữ : “Đốt ánh sáng soi đường cho những người yêu nước”. Trong cuộc chiến sống còn để bảo vệ sự trường tồn của dân tộc, người phụ nữ luôn luôn hiện diện. Họ góp mặt trọn vẹn, bằng tất cả nét tươi đẹp và đức tính hiếm quý của người phụ nữ Việt. Tôi tự hỏi trong mười năm Lam Sơn gian khổ nếu Tướng Quân Nguyễn Chích không gặp được phu nhân của ông, nếu Phó Tướng Trần Quang Diệu không tình cờ được cô thiếu nữ Bùi Thị Xuân đánh cọp cứu thoát, nếu người anh hùng Hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám không bất ngờ gặp được cô Nhu nơi bìa rừng nọ, thì có lẽ chúng ta, chứ không ai khác sẽ rưng rưng nuối tiếc như thi sĩ Phạm Thiên Thư – “leo lên cành bưởi tiếc người rưng rưng.”   ---oOo--- Nguồn: viettan.org
......

Hội Cựu Tù nhân Lương tâm gửi thư đến Chủ tịch Cộng đồng Âu châu Barroso

Thư ngỏ của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm gửi Ngài Chủ tịch Cộng đồng Âu châu Barroso (nhân chuyến thăm VN ngày 25-26/8/2014) Mối quan hệ thương mại Châu Âu-Việt Nam sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thê thảm của hàng trăm tù nhân lương tâm hiện đang bị giam cầm trong các nhà tù khắp VN nếu EU không có biện pháp chế tài và đòi hỏi chính quyền VN phải cải thiện nhân quyền một cách cụ thể. Chúng tôi mong đợi tiếng nói của ngài cũng như của các vị đại diện EU. José Mauel Barroso CTNLT | 24/8/2014 Kính gửi Ngài José Mauel Barroso, Chủ tịch EC. Chúng tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt đến ngài nhân chuyến viếng thăm chính thức VN hai ngày tại Hà Nội và Sài Gòn. Được biết, ngài sẽ thảo luận với TT. Nguyễn Tấn Dũng về Hiệp ước thương mại tự do (FTA), hợp tác phát triển trong số các vấn đề khác. Ngài cũng diện kiến TBT Nguyễn Phú Trọng và CTN Trương Tấn Sang trong cùng ngày. Liên quan đến FTA giữa EU và VN, ngày 17/4/2014 Nghị viện Âu châu đã thông qua Nghị quyết 2013/2989(RSP) trong đó nhấn mạnh nhân quyền, dân chủ và an ninh là những giá trị cốt lõi trong quan hệ song phương. Nghị quyết cũng đã đưa ra các quyền tự do cơ bản cần phải được tôn trọng tại VN là tự do bày tỏ quan điểm, tự do báo chí và tự do tôn giáo. Tại thời điểm ngài sang VN, đã có rất nhiều người bất đồng chính kiến, các cựu tù nhân lương tâm, blogger bị tịch thu hộ chiếu, cấm xuất cảnh, thậm chí bị tước đoạt cả quyền tự do đi lại ngay trong nước mình. Mấy hôm nay, an ninh công an canh giữ ngay trước nhà của hầu hết những người bất đồng chính kiến. Chúng tôi bị cấm đi tham dự phiên tòa xét xử Bùi Thị Minh Hằng và hai người bạn ngày 26/8 tại tỉnh Đồng Tháp. Bà Hằng là một phụ nữ kiên cường đấu tranh cho nhân quyền dân chủ tại VN. Một vụ bắt giữ và xét xử bởi động cơ chính trị: bịt miệng người bất đồng chính kiến. Âu châu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Thương mại giữa VN và EU đạt 21 tỷ Euro trong năm 2013. Hàng nghìn công ty, tập đoàn của 28 nước thành viên Âu châu đã hoạt động kinh doanh sản xuất tại VN, tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm, giúp nâng cao mức sống người lao động.  Thế nhưng ngày 15/9/2014 một Nghị định cấm những người đã từng bị cầm tù vì “an ninh quốc gia” làm việc cho các tổ chức nước ngoài, như tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ, phi lợi nhuận, thông tấn báo chí, cơ quan ngoại giao…sẽ có hiệu lực. Đây là một sự kỳ thị trong luật tuyển dụng lao động nhằm tiếp tục vây hãm sinh kế của những người bất đồng chính kiến từng bị giam cầm. Ngày 28/3/2014 ông Konstantin Von Mentzingen, chuyên viên phụ trách quan hệ EU với ĐNÁ của UB đối ngoại Châu Âu đã gặp hai thành viên Hội CTNLT là Phạm Bá Hải và Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn. Qua cuộc gặp trao đổi này, chúng tôi đã nhấn mạnh đến quyền tự do lập hội và tụ họp ôn hòa và cũng đã yêu cầu Cộng đồng Âu châu bảo trợ cho các cuộc gặp gỡ XHDS hằng tháng này. Tuy nhiên trong hai tháng qua, chính quyền đã dùng nhiều hình thức để cấm đoán và cản trở các thành viên các tổ chức XHDS độc lập đi họp mặt. Kính thưa ngài Barroso, Trước tình trạng, một mặt nhà nước VN ve vãn các nước phương tây, luôn tỏ ra mình là một nhà nước tôn trọng các quyền căn bản bằng cách che đậy các vụ việc đàn áp nhân quyền; mặt khác họ không ngừng dùng các công cụ pháp luật và bộ máy công an, an ninh trấn áp những người đòi tự do dân chủ nhân quyền, chúng tôi mong muốn ngài lưu tâm hiện trạng này và đồng thời đặt nhân quyền vào trong tiến trình đàm phán FTA như một điều kiện thiết yếu. Hãy đừng để lặp lại bầu không khí đàn áp nhân quyền vào giai đoạn 2008 – 2012 sau khi Nhà nước Việt Nam được thỏa mãn việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mối quan hệ thương mại Châu Âu-Việt Nam sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thê thảm của hàng trăm tù nhân lương tâm hiện đang bị giam cầm trong các nhà tù khắp VN nếu EU không có biện pháp chế tài và đòi hỏi chính quyền VN phải cải thiện nhân quyền một cách cụ thể. Chúng tôi mong đợi tiếng nói của ngài cũng như của các vị đại diện EU. Ngày 24/8/2014. Thường trực BĐH Hội CTNLTVN:   Đồng chủ tịch: Bs.Nguyễn Đan Quế, Lm.Phan Văn Lợi Chủ tịch Hội đồng cố vấn: HT.Thích Không Tánh Điều phối viên: Ths.Phạm Bá Hải, Ls.Nguyễn Văn Đài Phát ngôn viên: Ts. Phạm Chí Dũng Nguồn: fvpoc.org
......

Trái đắng của sự lệ thuộc

Vụ nhà thầu Trung Quốc bỏ ngang dự án thủy điện đang thi công ở Kontum hồi cuối tháng 7 đã làm nóng lại cảnh báo về mối nguy lệ thuộc Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Thủy điện Sông Bung 4 ở huyện Nam Giang, Quảng Nam đang được nhà thầu của Trung Quốc thi công.Courtesy photo   Phần nổi của tảng băng chìm   TS Phạm Sỹ Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) được báo Lao Động điện tử trích lời nói rằng, sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mối nguy từ việc doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu phần lớn các dự án ‘chìa khóa trao tay’ tổng thầu EPC tại những công trình trọng điểm mới là điều đáng lo ngại. Trả lời Nam Nguyên, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam từ Hà Nội phân tích thể thức đấu thầu hiện hành. Theo lời ông, hiện vẫn là thể thức hai phong bì, một phong bì là kỹ thuật, sau khi thông qua phong bì dự thầu về kỹ thuật thì xem đến phong bì về tài chính xem mức giá nào đó thì chọn. Về nguyên tắc là có thể không chọn giá thấp nhất, nhưng khuynh hướng hiện nay nói chung vẫn là chọn giá thấp nhất. Để nhà thầu Trung Quốc hay ai khác trúng thầu là tùy thuộc cách tổ chức chọn thầu. TS Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh: “Nhưng ở đây tự nhiên không hiểu cách chọn thế nào đó mà các dự án ngành năng lượng các nhà thầu Trung Quốc đều trúng thầu. Tại sao lại như vậy, là vì các chủ dự án cứ muốn chọn những nhà thầu đưa ra giá rẻ nhất còn bên nhà thầu Trung Quốc thì họ bỏ thầu để trúng cái đã. Còn sau đó khi ký kết hợp đồng họ sẽ thương lượng chứng minh thế nọ thế kia để bổ sung giá cao hơn. Nhưng Luật Đấu thầu bây giờ thì lại cấm giá hợp đồng không được cao hơn giá đấu thầu. Thế nhưng những dự án trước đây là như vậy. Chẳng hạn dự án đường sắt trên cao thì họ cũng như thế và bây giờ họ cũng đòi thêm, không được thì họ cũng bỏ dở nửa chừng họ đi về. Tôi chưa rõ là các chủ dự án của chúng ta sẽ xử lý vấn đề như thế nào. Nhưng tôi nghĩ chắc là phải xử lý đúng theo luật pháp về hợp đồng kinh tế.” Thông tin ghi nhận trong số 24 dự án nhà máy xi măng thì Trung Quốc làm tổng thầu EPC 23 dự án. Nắm tổng thầu Trung Quốc dành hết thầu phụ cho người của họ; đem luôn lao động phổ thông từ Hoa lục sang. Hiện nay trong 20 dự án nhiệt điện, Trung Quốc trúng tổng thầu EPC 15 dự án tỷ lệ nội địa hoá 0%. Phần lớn các dự án của Tập đoàn Than và khoáng sản phía Trung Quốc đều trúng tổng thầu, kể cả hai dự án bauxite Tây nguyên đầy tranh cãi. Các chuyên gia đã cảnh báo an ninh năng lượng của Việt Nam nằm trong tay Trung Quốc. Giả sử nhà thầu Trung Quốc vòi vĩnh không được bỏ ngang thì gây thiệt hại rất lớn. Với thiết bị máy móc và công nghệ Trung Quốc thì các nhà thầu khác khó lòng vào làm thay được. Báo điện tử Đất Việt ngày 21/8/2014 trích lời bà Bùi Thị An, đại biểu quốc hội đơn vị Hà Nội cảnh báo tình trạng nhà thầu Trung Quốc ngừng thi công đòi thêm tiền ngày càng phổ biến. Bà An nêu ví dụ dự án nhiệt điện Nông Sơn Quảng Nam năm 2008, nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá rẻ thi công ì ạch đến năm 2012 thì bỏ hẳn trong khi công trình mới xây dựng được một nửa khối lượng. Chưa hết, gần đây nhất chủ đầu tư dự án thủy điện Vĩnh sơn-Sông Hinh cũng đã phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc nửa chừng vì họ ngừng thi công đòi tăng giá. Theo lời Đại biểu Bùi Thị An, cần phải truy trách nhiệm đến cùng người đứng đầu các công trình, cũng như những người đã duyệt thầu. Tất cả mọi thứ cần phải được công khai minh bạch.   Một công trình xây dựng tại KCN Vũng Áng do nhà thầu Trung Quốc thi công. Courtesy photo. Người TQ trúng thầu ở mọi nơi Về câu chuyện Việt Nam đã có quá nhiều kinh nghiệm về công nghệ Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc, nhưng tại sao người Trung Quốc lại trúng thầu ở mọi nơi mọi chỗ. TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam nhận định:   “Rõ ràng việc lựa chọn bên trúng thầu không đúng và thực tế đã chỉ ra. Còn tại sao tình trạng tiếp tục thì cũng chưa ai nói rõ lý do. Nhưng chúng ta đều biết người Trung Quốc trong kinh tế rất coi trọng các mối quan hệ họ gọi là ‘Guan Xi” và ở Việt Nam cái ‘Guan Xi’ này đã phát huy tác dụng và do đó họ trúng thầu nhiều dự án. Trước khi thầu thì họ đã mời các bên có liên quan sang nước họ tham quan để chứng tỏ năng lực của họ. Trong quá trình tham quan thì họ đã ‘thế nào đó’ và rõ ràng cái đó tác động kết quả lựa chọn thầu.” Đề cao Luật Đấu thầu 2013 và hy vọng nó sẽ sớm có tác dụng giúp cải thiện tình trạng khuất tất trong vấn đề đấu thầu. Tuy nhiên TS Phạm Sĩ Liêm có thêm đề xuất ông nói: “Những dự án này phần lớn đều là dự án của nhà nước mà những dự án người Trung Quốc tham gia phần lớn lại là những dự án vay tiền của Trung Quốc mà vay tiền của Trung Quốc, vay vốn ODA thì người ta yêu cầu phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc, tư vấn Trung Quốc, các nước khác thì cũng tương tự thôi. Các chủ đầu tư dự án nói chúng tôi phải chọn nhà thầu Trung Quốc vì chúng tôi vay tiền vốn ODA của Trung Quốc, phải theo điều kiện đặt ra. Nhưng theo tôi, chúng ta lúc cần cũng phải biết nói không với vốn ODA. Chứ không có nghĩa cứ vốn ODA là phải chấp nhận.” Về mặt chính thức Trung Quốc không phải là nước cung cấp viện trợ phát triển (ODA) lớn cho Việt Nam. Trong số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, Trung Quốc xếp thứ 14 với gần 900 dự án FDI tổng vốn đăng ký 4,68 tỷ USD. Tuy vậy theo trang mạng Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VEF, dòng vốn Trung Quốc chảy vào Việt Nam rất lớn và chưa được thống kê đầy đủ. Thực tế Trung Quốc cung cấp vốn vay ưu đãi lãi suất thấp cho hầu hết các dự án ngành công nghiệp, năng lượng của nhà nước Việt Nam, thông qua đầu mối Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Rõ ràng bất kỳ sự lệ thuộc nào cũng kèm theo trái đắng, kể cả lệ thuộc vốn vay của Trung Quốc. Nguồn: rfa.org/vietnamese
......

Pages