Suy nghĩ từ hai chiếc quan tài của hai vị tu hành

Quan tài của Tổng Giám Mục Tutu. Ảnh trên mạng Mạc Văn Trang Ngắm nhìn chiếc quan tài của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (CHXHCNVN) và chiếc quan tài của Tổng Giám Mục Desmond Tutu (CH Nam Phi) ai là người có não đều phải suy nghĩ: Hai vị đều Đạo cao, Đức trọng, giữ vị trí cao trong Giáo hội. Nhưng sao Lễ tang và 2 chiếc quan tài lại khác nhau đến thế? Do đâu? 1. Theo NLĐO- “Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cả đời sống cuộc sống giản dị, tụng kinh viết sách, tu tập. Đại lão Hoà thượng không chỉ là một vị cao tăng đức trí vẹn toàn mà còn là một nông dân thực sự. Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh là Bùi Văn Quý, sinh ngày 12-4-1917, tại thôn Phùng Thiện (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) và xuất gia năm 1923 tại chùa Quán (Yên Khánh, Ninh Bình). Khi 8 tuổi, thụ Sa di giới, 20 tuổi thụ Đại giới Tỷ kheo và Bồ tát giới tại Đại giới Đàn chùa Bút tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh năm 1937.   Quan tài của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Ảnh: VNExpress   " Ai cũng biết Đức tổng giám mục Desmond TuTu người đấu tranh xóa bỏ độc tài , phân biệt chủng tộc tại Nam Phi , khi chết được đặt trong hòm ván thường ... Người đời đánh giá Ngài là bậc CHÂN TU Đại lão hòa thương  Thích Phổ Tuệ bậc chân tu , chức sắc cao trong GHPGVN có di thư chôn cất như người bình thường , nhưng người sống lại làm khác đi với áo quan , lễ an táng hoành tráng cho thấy nhận thức của người sống kém , vô hình chung làm sai lạc đi TÍN LÝ NHÀ PHẬT tạo cho dân hiểu sai về bậc chân tu được kính trọng"   Từ tháng 12-2007 đến nay, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ giữ ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là vị pháp chủ thứ 3 của Giáo hội. Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ cả đời sống cuộc sống giản dị, tụng kinh viết sách, tu tập. Đối với người dân trong vùng, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ. Trong suốt cuộc đời, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, Đại lão Hòa thượng luôn cùng môn đệ cần cù cày cấy đến tận năm 80 tuổi. Khi tuổi sao sức yếu, không còn ra đồng trồng lúa được nữa, hàng ngày Đại lão Hòa thượng vẫn làm vườn, dọn dẹp trong chùa. Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cả đời sống cuộc sống giản dị như vậy, sao khi Ngài viên tịch, lại có chiếc quan tài khủng như vua chúa, là sao? 2. Tổng Giám Mục Desmond Tutu là nhân vật lẫy lừng và tên tuổi vang danh toàn cầu. Ngài Desmond Tutu qua đời ngày 26 Tháng Mười Hai 2021 ở tuổi 90. Ngài là người đấu tranh không mệt mỏi chống chế độ phân biệt chủng tộc, chống chia rẽ các sắc tộc, chống tội ác đàn áp, đòi dân chủ, bình đẳng cho các tầng lớp bị áp bức. Ngài là biểu tượng của tinh thần đấu tranh phi bạo lực và tấm gương về đạo đức của người dân Nam Phi. Desmond Tutu đã được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1984, Giải Albert Schweitzer cho chủ nghĩa nhân đạo năm 1986, Giải Pacem in Terris năm 1987, Giải Hòa bình Sydney năm 1999, Giải Hòa bình Gandhi năm 2005,[1] và Huân chương Tự do Tổng thống năm 2009. Lễ tang của Đức Tổng Giám Mục Tutu diễn ra vào ngày 01.01.2022 trong một nhà thờ tại Cape Town, nơi được trang hoàng với bức hình của Ngài và chỉ với một vòng hoa cẩm chướng từ gia đình, như Ngài mong muốn. Quan tài của Ngài chỉ là một chiếc quan tài bằng gỗ rẻ tiền với những đoạn dây thừng đơn sơ (để nhấc lên, di chuyển). Một câu hỏi: Vì sao Đại Lão hòa thượng lại bị rơi vào “hội chứng” của một thứ văn hoá kệch cỡm xa lạ với tinh tuý văn hoá Phật giáo dân tộc và những giá trị Chân, Thiện, Mỹ phổ quát của nhân loại.
......

Văn hoá làng xã của tội phạm có tổ chức người Việt ở Cộng Hoà Séc

Các nghi lễ thờ cúng được tổ chức trong lễ hội Cổ Loa tại đền thờ An Dương Vương, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, Việt Nam, 31/01/2009 AP - Chitose Suzuki Chi Phương  - RFI Cộng Hoà Séc là một trong những “miền đất hứa” của người Việt Nam đi tìm cơ hội phát triển ở nước ngoài. Nhờ mối quan hệ mật thiết giữa hai quốc gia, cộng đồng người Việt hình thành và lớn mạnh theo thời gian, kéo theo các hình thức phạm tội gia tăng. Đặc điểm gây khó dễ cho chính quyền đó là tính làng xã và tính cộng đồng trong các hoạt động tội phạm có tổ chức. Đó là các hội đồng hương được thành lập để tương trợ, nhưng cũng bao che nhau phạm tội. Từ lâu, tính cộng đồng và tính làng xã đã ăn sâu bám rễ vào tâm thức của người dân Việt Nam ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những thành ngữ quen thuộc như “sớm lửa, tối đèn có nhau”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau những khi cần thiết. Làng xã của người Việt xưa thường có kết cấu chặt chẽ, nghiêm ngặt thông qua các Hương ước, Hội đồng kỳ mục hay còn gọi là Hội đồng hương chính. Người dân trong cùng một làng chia sẻ những giá trị chung, gắn kết với nhau qua khu vực như ngõ, xóm; qua các hoạt động văn hoá tín ngưỡng tôn giáo, hay các mục đích kinh tế như hội cấy, hội cày, hội buôn hay phường thủ công…vv. Các hội này hoà quyện vào nhau, chồng xếp lên nhau, tạo thành những sợi dây chằng chịt, ràng buộc những người dân trong làng với nhau. “Phép vua thua lệ làng” hay “chiêng làng nào, làng đấy đánh”, đời sống làng xã Bắc Bộ cũng thể hiện tính tự trị cao và sự tự cung tự cấp, tự túc, khép kín, ít khi tiếp xúc với bên ngoài, hoạt động như một “nước riêng biệt”.    Đến nay, một số giá trị trên vẫn được lưu giữ, thậm chí ngay cả đối với những người Việt tại hải ngoại. Hương ước đã không còn tồn tại, nhưng “Hội đồng hương” vẫn được duy trì ở nhiều nơi, và ngày nay, được hiểu là nơi hội tụ những người đến từ cùng một vùng miền, chia sẻ tương trợ lẫn nhau ở nơi “đất khách quê người”. Cộng Hoà Séc được xem là một trong những “miền đất hứa” trong mắt của nhiều người Việt. Khoảng 65000 người Việt hiện đang sinh sống và làm việc hợp pháp, là cộng đồng người Việt lớn thứ ba châu Âu, sau Pháp và Đức. Vào năm 2013, người Việt được công nhận là một dân tộc thiểu số ở quốc gia 10 triệu dân này.  Các giá trị về tính cộng đồng được thể hiện rõ rệt trong việc hỗ trợ cùng nhau buôn bán, lập nghiệp. Tuy nhiên, như nhận định Lương Thanh Hải, nhà nghiên cứu về tội phạm học xuyên quốc gia, tại đại học RMIT ở Úc và Viện nghiên cứu về Tội phạm và An ninh Châu Á, “nếu như tính cộng đồng và các hội nhóm đồng hương mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển chung, thì chính đằng sau những hội nhóm này lại ẩn giấu một mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia”. Trong những năm gần đây, các hoạt động tội phạm liên quan đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài thường xuyên được ghi nhận, thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia và cảnh sát quốc tế. Ông Hải cho biết thêm, dưới góc độ tội phạm học, cộng đồng hội đồng hương “là những mối liên kết lỏng lẻo, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng” trong mạng lưới tội phạm người Việt xuyên quốc gia, như buôn người, vận chuyển các chất cấm, rửa tiền, buôn bán vũ khí, thuốc phiện, làm giả giấy tờ khai báo hải quan. Tại Cộng Hoà Séc, cộng đồng di dân người Việt đã xuất hiện ở đây từ những năm 1940 và vẫn tiếp tục gia tăng, theo cách hợp pháp hay bất hợp pháp, kéo theo là hình thức phạm tội mới khác nhau. Đây là một trong những lý do mà Miroslav Minoza, và Filip Kraus đã đồng nghiên cứu về nhóm tội phạm người Việt tại Cộng Hoà Séc từ năm 2016-2019. Họ đã cho xuất bản cuốn sách “Vietnamese organized crimes in Czech Republic”, tạm dịch là “Tội phạm có tổ chức người Việt ở Cộng Hoà Séc”.  RFI Tiếng Việt đã có dịp trao đổi với hai tác giả của nghiên cứu này. Ông Miroslav Minoza hiện đang là nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế ở Praha. Ông đã làm việc trong vòng 25 năm về loại tội phạm có tổ chức từ châu Á, và bắt đầu nghiên cứu sâu về tình hình tội phạm người Việt từ năm 2007. Còn đồng tác giả, ông Filip Kraus, cựu cảnh sát chuyên điều tra về tội phạm có tổ chức người Việt và cộng đồng Việt kiều tại CH Séc và châu Âu, hiện là giảng viên khoa Nghiên cứu châu Á tại học Palacky. Cuốn sách của hai nhà nghiên cứu được xem là bản tổng hợp chi tiết nhất về nguồn gốc, sự phát triển và cách thức hoạt động của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam tại quốc gia châu Âu này. Và điều đáng chú ý đó là tính cộng đồng làng xã thể hiện trong các nhóm tội phạm có tổ chức. Khi nói đến tính cộng đồng, cuốn sách đề cập đề cập đến “sự đồng nhất trong các kỳ vọng xã hội”, đặc trưng hoá bởi động lực mạnh mẽ để đạt được lợi ích kinh tế, “ý thức tự giác mạnh mẽ”, tâm lý coi thường, nếu không muốn nói là bị coi thường, bởi thế giới bên ngoài, và nhấn mạnh mối quan hệ gia đình và xã hội. Người Việt Nam truyền thống coi mình không phải là một cá thể độc lập, mà là một thành phần không thể tách rời trong một hệ thống các mối quan hệ : như một thành viên của gia đình, làng xóm. Trong các tổ chức tội phạm, thì họ là một thành viên không thể tách rời của băng nhóm.    RFI Tiếng Việt xin cảm ơn ông Mirólav Nozina và ông Filip Kraus đã cùng dành thời gian trao đổi về nghiên cứu của các ông liên quan đến tội phạm có tổ chức người Việt Nam tại CH Séc. Trước tiên, tại sao lại chọn chủ đề nghiên cứu này, nhất là nhóm tội phạm người Việt Nam, thưa ông Miroslav Nozina ?  Kể từ sau năm 1990, sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, trong  vòng 2 năm, nhóm tội phạm có tổ chức từ khắp nơi trên thế giới xuất hiện tại Cộng Hòa Séc. Nó phát triển rất nhanh, và tội phạm có tổ chức người Việt cũng nằm trong số đó, bởi vì một cộng đồng người Việt rất mạnh đã hình thành tại CH Séc vào thời điểm đó. Cho đến nay, cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng lớn thứ 3 sinh sống trên lãnh thổ CH Séc, sau người Ukraina và người Slovakia. Chúng tôi thấy cần thiết để khám phá ra những gì đang diễn ra trong cộng đồng này và phát hiện ra những loại tội phạm tồn tại trong cộng đồng này. Nó hoạt động như thế nào, và cơ chế của các tội phạm chính trong cộng đồng người Việt. Vì vậy, đó là lý do chính. Tất nhiên phải mất một thời gian để đi vào cộng đồng, kết nối với lực lượng an ninh. Nguồn gốc của dự án (viết sách) bắt đầu khá muộn vào đầu thiên niên kỷ. Ban đầu, chúng tôi tập trung vào góc độ nhân loại học của vấn đề. Không chỉ với tư cách là nhà tội phạm học, mà còn là nhà nhân loại học. Để hiểu sự tương tác giữa các thành viên trong cộng đồng và các nhóm tội phạm hoạt động bên trong cộng đồng.  RFI Tiếng Việt : Vậy điều gì riêng biệt ở nhóm tội phạm gốc Việt Nam, có điểm gì khác biệt với các nhóm tội phạm có tổ chức đến từ các quốc gia khác ? Thưa ông Miroslav Nozina.  Miroslav Nozina :  Tại Cộng Hòa Séc, nhóm tội phạm đến từ những môi trường văn hóa khác nhau. Với những người đến từ châu Á, tất nhiên là khác với những người đến từ Slovakia hoặc Nam Mỹ. Và bạn phải hiểu rằng văn hóa và tội phạm có liên hệ với nhau. Hành vi trong tội phạm chịu ảnh hưởng của môi trường văn hóa. Vì vậy, điều quan trọng là phải nghiên cứu những điểm đó.  RFI Tiếng Việt : Thưa ông Filip Kraus có muốn bổ sung thêm gì hay không ? Filip Kraus :    Tôi muốn nói rằng tội phạm Việt Nam ít bạo lực hơn so với các nước khác.Tuy nhiên, họ còn chuyên nghiệp hơn nhiều, theo cách mà họ thay đổi và biến đổi nhanh chóng. Điều này thể hiện rõ trong  hành vi và hình thức phạm tội.   RFI Tiếng Việt : Trong cuốn sách của mình, hai ông đã dành một chương để nói về tính làng xã của các nhóm tội phạm. Vậy đặc tính này được thể hiện như thế nào trong các nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam ? Và tại sao đặc điểm này lại được quan tâm nhiều như vậy ?  Miroslav Nozina :  Tính làng xã không phải là đặc điểm duy nhất của người Việt, mà nó có mặt ở nhiều cộng đồng văn hoá trên thế giới. Nhưng chúng tôi muốn mô tả một hiện tượng mà những người muốn kết nối với nhau trong một môi trường xa lạ, như ở một nơi “đất khách”. Đối với họ, các mối quan hệ xã hội quan trọng hơn các mối quan hệ với chính quyền chẳng hạn. Điều này có nghĩa là những người này tin tưởng những người đến từ cùng một đất nước hơn bất cứ ai.   Filip Kraus:    Trong trường hợp về tội phạm buôn người, di dân bất hợp pháp, theo tôi tâm lý làng xã thường sao chép rất nhiều mô hình Trung Quốc. Họ có một người đứng đầu đường dây, lãnh đạo tổ chức, ở những nước phương Tây và trong Liên Âu, điều hành toàn bộ đường dây. Những người ở Việt Nam, "lôi kéo" những người muốn di cư từ chính vùng miền của họ, rồi sau đó tổ chức di cư theo con đường rất phức tạp qua Nga và châu Âu. Quá trình này được thực hiện một phần bởi người địa phương tại những nước trung chuyển, một phần khác bởi những người trong băng đảng của chính họ. Miroslav Nozina :  Tôi cũng muốn nói thêm rằng đường dây tội phạm này giống như đường dây bán hàng.  Nội bộ đường dây này được phân khúc và chia ra theo những người đến từ cùng một đất nước. Tâm lý cộng đồng, làng xã đóng vai vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và giao việc trong đường dây này. Và những đường dây buôn người này thì kết nối chặt chẽ với nhau.  RFI Tiếng Việt : Tại Cộng Hòa Séc, ngoài tính "làng xã" thì còn có đặc điểm gì đáng chú ý trong các hoạt động tội phạm có tổ chức của người Việt Nam ? Miroslav Nozina :  Có rất nhiều mối liên hệ giữa các các tổ chức tội phạm và cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Theo tôi điều đặc biệt ở cộng đồng người Việt đó là các hoạt động phạm pháp thường xen lẫn hoặc ẩn giấu đằng sau các hoạt động hợp pháp. Có lúc hoạt động của họ hoàn toàn hợp pháp, có lúc lại chuyển sang bất hợp pháp. Đó là trường hợp của các nhà đầu tư hợp pháp của cộng đồng này, nhưng đôi khi, những người này lại cũng chính là người tham gia vào buôn bán ma tuý, trồng cần sa, và đầu tư vào dịch vụ kinh doanh bất hợp pháp. Nếu như trước kia những hoạt động tội phạm có tổ chức của người Việt ở Cộng Hoà Séc là tổ chức di cư bất hợp pháp, thì ngày nay, những gì chúng ta đang phải đối mặt là tội phạm trong cộng đồng, giống như các hình thức tội phạm mới : tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, v.v. Đây là vấn đề chính của chúng tôi.  RFI Tiếng Việt : Như nói ở trên, cộng đồng người Việt không ngừng gia tăng qua các đợt di cư hợp pháp (xuất khẩu lao động) và bất hợp pháp, kéo theo sự xuất hiện của các hình thức tội phạm mới, vậy theo ông, ngày nay, liệu tính cộng đồng làng xã, đặc trưng hóa bởi các hội đồng hương có còn duy trì ? Miroslav Nozina :  Trong cộng đồng người Việt, hiện nay chúng tôi đang phải đối mặt với thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba của người Việt di cư. Thế hệ thứ hai hay thứ ba này, gồm những người sinh ra tại CH Séc hoặc đến đây từ nhỏ. Trong lĩnh vực tội phạm,  tính cộng đồng không có nhiều thay đổi. Họ xây dựng các mối quan hệ mới, niềm tin mới, thông qua những mối quan hệ mà họ đã tạo ra ở CH Séc. Xu hướng này có thể nhìn thấy rõ ràng. Tính cộng đồng và tính làng xã xuất phát từ một khu vực ở Việt Nam, khi du nhập đến CH Séc, tạo thành một mối liên hệ mới. Filip Kraus:    Tôi thì lại cho rằng hiện nay, mối quan hệ “đồng hương” trong cộng đồng người Việt đang dần mất đi tầm quan trọng của nó. Ở CH Séc, điều này là do các sự gia tăng và tiếp nối của các gia đình di dân. Tại đây, môi trường của cộng đồng người Việt rất đặc biệt. Các gia đình những người di cư từ một vùng quen biết lẫn nhau, thông qua các hiệp hội đồng hương từ một vùng của Việt Nam. Khi gia đình được mở rộng ra, mạng lưới gia đình dần lớn hơn mạng lưới người đồng hương. Vì vậy ảnh hưởng của tội phạm có tổ chức theo hội đồng hương giảm dần.   RFI Tiếng Việt : Để kết thúc buổi trò chuyện hôm nay, theo ông, liệu hiện tượng tội phạm người Việt có tổ chức có ảnh hưởng gì đối với việc di cư hợp pháp của người Việt hiện nay không ?  Filip Kraus:    Chắc chắn là có ảnh hưởng. Tại CH Séc, vào năm 2016, chúng tôi mở lại đối thoại với Việt Nam về tuyển dụng lao động Việt Nam. Nhưng đột nhiên, cựu bộ trưởng Ngoại Giao đề cập đến việc tội phạm có tổ chức người Việt và vì thế CH Séc có thể sẽ không mở lại cánh cửa cho lao động người Việt. Dĩ nhiên, điều này là vô lý và giống như một hình thức phân biệt chủng tộc. nhưng qua ví dụ này, ta thấy sự hiện diện của tội phạm người Việt, dù cho họ có ít bạo lực hơn tội phạm người Nga hay vùng đông nam châu Âu, các chính trị gia sử dụng nó để hạn chế việc di cư của người Việt.    Miroslav Nozina :  Thêm vào đó, CH Séc có nhu cầu cao trong việc tuyển dụng lao động. Mặt khác, chính phủ Việt Nam cũng mong muốn điều này, vì đó là một phần của các kế hoạch phát triển 5 năm của chính phủ. Thế nên, nhìn chung thì cả hai đều có lợi. Nhưng 2 năm trước, kế hoạch này đã bị hoãn lại, do tỷ lệ tội phạm liên quan đến việc di dân bất hợp pháp. Điều này đã hạn chế khả năng xuất khẩu lao động của Việt Nam, cũng như nhu cầu du học của học sinh Việt Nam đến CH Séc.  RFI Tiếng Việt xin cảm ơn ông Miroslav Nozina, chuyên gia nghiên cứu về tội phạm châu Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Praha và ông Filip Kraus, giảng viên tại đại học. https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20220105-v%C4%83n-ho%C3%A1-l%C3%A0ng-x%C3%A3-c%E1%BB%A7a-t%E1%BB%99i-ph%E1%BA%A1m-c%C3%B3-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-%E1%BB%9F-c%E1%BB%99ng-ho%C3%A0-s%C3%A9c  
......

Nhật Bản phát triển vaccine bảo vệ trọn đời

Trần Thái Hưng   Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Y tế Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đang phát triển một loại vắc-xin ngừa COVID-19 được cho là có thể cung cấp khả năng bảo vệ trọn đời, chỉ cần tiêm một mũi duy nhất, bảo quản được ở nhiệt độ phòng, dễ dàng vận chuyển đến những nơi xa xôi trên thế giới. Đây được xem là một bước ngoặt giúp thay đổi cục diện trong bối cảnh đại dịch đang bước sang năm thứ 3.   Theo nhiều nhà nghiên cứu, tiêm vắc-xin COVID-19 giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nhưng không hiệu quả trong ngăn chặn sự lây lan của virus. Khi các hãng dược phẩm gấp rút phát triển những liều vắc-xin bổ sung riêng cho từng biến thể ở thời điểm đại dịch bước sang năm thứ 3, cộng thêm việc hiệu quả của vắc-xin sụt giảm theo thời gian, thì việc một loại vắc-xin duy nhất có thể cung cấp bảo vệ trọn đời có thể được coi là một thông tin đáng chú ý.   Loại vắc-xin mới đang được phát triển bởi nhà nghiên cứu Michinori Kohara và nhóm cộng sự của ông, dựa trên loại vắc-xin từng được sử dụng trước đó là vắc-xin phòng bệnh đậu mùa.   Nhóm nghiên cứu sử dụng một dòng virus không gây bệnh nhưng thay thế một số thành phần protein của nó bằng một số thành phần từ protein gai (protein đột biến) của virus corona gây ra COVID-19.   Mặc dù việc tái kết hợp protein gai với một cơ chế khác là một chiến lược phổ biến được sử dụng trong quá trình tạo ra vắc-xin ngày nay, nhưng ông Kohara tin rằng vắc-xin của mình không chỉ cung cấp các kháng thể trung hòa mạnh, chỉ với một liều duy nhất, mà còn tạo ra khả năng miễn dịch tế bào mạnh mẽ, cung cấp sự bảo vệ trong dài hạn.   Các cuộc thử nghiệm tiến hành trên chuột chỉ ra rằng những con chuột đã tiêm chủng duy trì lượng kháng thể cao trong hơn 20 tháng, tương đương thời gian sống trung bình của chúng. Khi tiêm 2 liều, cách nhau 3 tuần, các kháng thể trung hòa trong cơ thể chuột thí nghiệm tăng gấp 10 lần.   Các thí nghiệm tương tự được thực hiện trên khỉ cho thấy vắc-xin đã bảo vệ chúng khỏi bị nhiễm virus vì mức độ virus trong cơ thể khỉ đã tiêm chủng vẫn thấp hơn giới hạn có thể phát hiện, dù ở thời điểm 7 ngày sau khi chúng nhiễm COVID-19.   Nhà nghiên cứu Kohara cho hay rằng loại vắc-xin COVID-19 bảo vệ “trọn đời” sẽ mang lại một lợi thế là gây ra ít tác dụng phụ hơn so với các loại vắc-xin khác đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Ông cho biết rằng chủng virus gây bệnh được sử dụng trong quá trình chế tạo vắc-xin này không có khả năng tái tạo ở động vật có vú và sẽ gây ra ít phản ứng phụ hơn.   Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thử nghiệm loại vắc-xin nêu trên chống lại 4 biến thể COVID-19 “đáng lo ngại” (theo phân loại của WHO – Tổ chức Y tế Thế giới) và nhận thấy rằng chúng phát huy tác dụng bảo vệ.   Ông Kohara nói với các phương tiện truyền thông rằng ông hy vọng loại vắc-xin mới này cũng có thể chống lại biến thể Omicron. Điều đặc biệt là vắc-xin trên có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng, dễ dàng vận chuyển và sử dụng ở các nước đang phát triển có khí hậu nhiệt đới.   Viện Khoa học Y tế Thủ đô Tokyo đã ký hợp đồng với nhà sản xuất thuốc trong nước tên là Nobelpharma để đưa vắc-xin nêu trên qua các thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn đầu tiên và giai đoạn thứ 2 của cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người dự kiến chỉ bắt đầu vào năm 2023 trên 150 – 200 tình nguyện viên (bảo gồm cả người đã tiêm chủng đầy đủ và người đã nhiễm bệnh trước đó), tiếp đến là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng nếu không có những kết quả gây lo ngại về hiệu quả và độ an toàn. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, theo dự kiến, vắc-xin COVID-19 bảo vệ “trọn đời” có thể được bán trên thị trường sớm nhất vào năm 2024.   Theo Japan Times,  
......

Thư giãn Chủ nhật, Chuyện cười Liên Xô

Ảnh; Đấu tranh nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô (Bolshevik) vào thập niên 1920 Mạc Van Trang Mình hay kể chuyện tiếu lâm Liên xô, nhưng chuyện này là nghiêm túc 100%. Cơ mà tuỳ, các bạn đọc mà thấy buồn cười quá thì cho nó vào dạng tiếu lâm cũng được. Cũng như nhiều người đã cho các tác phẩm của Marx vào hạng mục Viễn tưởng, không có thật thôi.   Lược sử các Lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô   Ngay sau khi Lenin qua đời (1924). Hóa ra người thứ hai trong đảng, đồng chí Trotsky, là một kẻ phản bội. Kamenev, Zinoviev, Bukharin và Stalin lật đổ Trotsky và trục xuất khỏi Liên Xô (1927).   Nhưng sau vài năm, hóa ra Kamenev, Zinoviev và Bukharin cũng là kẻ thù và là loài sâu bọ. Sau đó đồng chí dũng cảm Heinrich Yagoda bắt họ (1936).   Chưa đầy 1 năm sau, Yagoda bị Yezhov bắt giữ vì làm điệp viên cho kẻ thù (1937). Nhưng sau một năm nữa, hóa ra Yezhov không phải là đồng chí, mà là một kẻ phản bội tầm thường và là tay sai của kẻ thù. Và Yezhov bị Beria bắt (1938).   Sau cái chết của Stalin, mọi người đều nhận ra rằng Beria cũng là một kẻ phản bội. Sau đó Zhukov bắt Beria (1953).   Nhưng ngay sau đó Khrushchev biết được Zhukov là kẻ có âm mưu. Và ông đã đày Zhukov đến Ural, tước mọi quyền hành cho đến chết.   Và một thời gian sau, người ta tiết lộ rằng Stalin là kẻ thù, kẻ phá hoạt và kẻ phản bội (1956). Và cùng với ông ta là hầu hết Bộ Chính trị đương thời. Sau đó, Stalin được đưa ra khỏi lăng, Bộ Chính trị và Shepilov, những người cùng hội cùng thuyền với họ, đã bị giải tán bởi các đảng viên trung thực do Khrushchev lãnh đạo (1957).   Nhiều năm trôi qua và các lãnh đạo trẻ hơn phát hiện: hóa ra Khrushchev là một người bốc đồng, bất hảo, phiêu lưu và cũng là kẻ thù của đảng và nhân dân Xô Viết. Sau đó Brezhnev tống Khrushchev về hưu và sống ẩn dật (1964). Sau cái chết của Brezhnev, mới thấy hóa ra ông là kẻ gây hại và là nguyên nhân của sự trì trệ (1964-82).   Sau đó, có hai người nữa mà không ai đủ rảnh để nhớ ra (1982-85). Nhưng rồi một Gorbachev trẻ trung, năng động lên nắm quyền. Và hóa ra toàn bộ đảng là đảng của những kẻ tàn phá và kẻ thù. Gorbachev bắt tay vào sửa chữa mọi thứ ngay lập tức. Cái mà người ta gọi là Cải tổ, Đổi mới, Perestroyka… đó   Thế rồi, cải không kịp, Liên Xô sụp đổ (1991). Và Gorbachev thành ra kẻ tội đồ, là kẻ thù và kẻ phản bội lại tất cả những kẻ phản bội trước đó. ... Rồi Elxin lãnh đạo nước Nga khi về hưu cũng bị quy là kẻ phản bội này nọ. Giờ đến lượt Putin thì chưa thôi chức cũng đã rõ là ai rồi.    Stanislav Sadalsky   (St một người bạn gửi cho)  
......

Tesla, thiên tài bất tử

Nikola Tesla [Nikola Tesla (10/7/1856 - 7/1/1943) là một nhà phát minh, kỹ sư điện và kỹ sư cơ khí người Mỹ gốc Serbia. Ông theo chủ nghĩa vị lai và được xem là một trong những nhà khoa học sáng tạo và điên rồ nhất trong lịch sử. Tất cả các thiết kế của ông - khoảng 300 trong số đó được cấp bằng sáng chế - đều hướng tới tương lai và đó là lý do mọi người gọi ông là "nhà phát minh ra thế kỷ 20".] Có nhiều người đã cho rằng trong toàn bộ lịch sử nhân loại chỉ có đúng 2 thiên tài vĩ đại, 2 cá nhân kiệt xuất với những tầm nhìn vượt quá xa thời của họ, 2 người duy nhất được đưa ra thuyết âm mưu là người ngoài hành tinh, một là Leonardo da Vinci, và người thứ hai, lại là một người hùng vô danh với những phát minh, những ý tưởng mà chúng ta đang được sử dụng hôm nay (kể cả mạng Internet mà bạn đang dùng), người thứ 2 là Nikola Tesla. Leonardo da Vinci Nếu Leonardo da Vinci là thiên tài toàn năng, được biết đến với những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, những công trình chép tay về máy bay, về giải phẫu sinh lý người ở … thế kỷ 16, thì Nikola Tesla lại bị coi là nhà bác học điên, một kẻ lập dị với những ý tưởng bị coi là điên rồ thời đó. Người đàn ông sinh năm 1856 này đã từng nói về những tên lửa, những ngư lôi, thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến, máy bay phản lực, tàu có đệm không khí từ những năm cuối thế kỷ 19. Vì vượt thời đại quá xa, còn công nghệ thì không theo kịp, ông bị coi là nhà bác học điên. Cùng thời với ông, trong khi Edison nổi tiếng và được hâm mộ cho đến tận về sau này, thì Tesla lại bị kì thị và coi là kẻ lập dị “Tôi có thể dỡ tung trái đất, nhưng tôi không bao giờ làm việc đó. Mục đích của tôi là tìm ra những ý tưởng mới và để cho những nghiên cứu mới.” Vào thời đó, chỉ có những chính phủ là tin vào những ý tưởng điên rồ đó. Đấy là lý do có nhiều thuyết âm mưu về việc Tesla có liên quan đến cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, và những ý tưởng của ông là khởi phát cho vũ khí mà Đức Quốc Xã sử dụng trong cuộc chiến tranh này. Nhưng ông cũng đến Nga, đến Mỹ. Giống như một sứ giả đi xếp đặt cho sự cân bằng của các cường quốc. Telsa không phục vụ các quốc gia riêng rẽ, ông là người của nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người xếp Tesla cạnh Da Vinci trong nhóm 2 thiên tài dị biệt theo kiểu tương lai học. Họ từng kể rằng ông từng khuyên 1 người bạn đừng đi chuyến du lịch TITANIC. Tiên đoán chiến tranh thế giới thứ nhất sẽ diễn ra trong vòng 4 năm và kết thúc vào tháng 12. Thế giới không hòa bình được lâu và thế giới sẽ đến cuộc chiến tranh mới sau đó 20 năm. Số lượng khổng lồ các ý tưởng mà Tesla viết nên và phác thảo ra vượt quá suy nghĩ đương thời. Giống như thể ông lấy chúng từ trong giấc mơ, và khi tỉnh giấc ông dùng hiện thực chép lại. Từ năm 19 tuổi đến tận khi qua đời, mỗi ngày Tesla chỉ ngủ đúng 2 tiếng đồng hồ. Ông không thể rời khỏi bàn làm việc, và khi ngủ thiếp thì lại mơ thấy chúng. Ông làm việc điên cuồng và không ngừng nghỉ chỉ để giải đáp cho câu hỏi “Chúng ta là ai? Từ đâu đến? Để làm gì? Chúng ta có những khả năng gì?” Cuộc đời của ông cho đến lúc nhắm mắt là sống với các ý tưởng tràn ra như thác đổ. Hơn 300 phát minh, đa phần là đi trước thời đại nhưng tên tuổi của ông mới chỉ được cả thế giới ghi nhận trong vòng 20 năm trở lại đây. Câu hỏi: Tại sao hồi nhỏ chúng ta chỉ biết mỗi về Thomas Edison, cha đẻ của dòng điện, mà không biết về Nikola Tesla, cha đẻ của điện xoay chiều, của sóng vô tuyến? Nhiều câu chuyện về sự ngược đãi của Edison giành cho Tesla, những mưu mô hay cả nhiều người tin rằng rất nhiều phát minh mà Edison đóng dấu bản quyền vốn là của Tesla. Cũng có một vài bài báo minh oan cho mối quan hệ này. Tùy các bạn, nhưng có một điều mà ta phải sử dụng tính logic để giải quyết vấn đề. Bạn lên cỗ máy thời gian và quay ngược lại hình ảnh thời thơ ấu, bên những bóng đèn vàng, và chiếc tivi đen trắng. Lúc đó, bạn có biết sẽ đến một ngày có Internet hay không? Câu trả lời rằng không. Ngày đó, chúng ta đọc các câu chuyện về những danh nhân, về nỗ lực của nhà phát minh Edison. Nhưng nếu có một người nói với ta rằng có một lão bác học điên cùng thời với Edison luôn nói về truyền dẫn không dây, và dự báo về tương lai thế giới sẽ có một ngày ta ở London và được nghe, được thấy một linh mục ở New York giảng đạo, thì chắc chắn chúng ta không tin. Vâng, xin thưa cái nhà bác học điên ấy là Tesla, và cái ông miêu tả là Internet, livestream hôm nay đấy. Kể cả Edison cũng không theo kịp Tesla. Ngày đó, trong cơn bi phẫn, Telsa đã thốt lên: “Thế giới thiển cận và lầm lạc đã cười nhạo các ý tưởng của tôi. Biết bao nhiêu người gọi tôi là kẻ hay tưởng tượng. Nhưng hãy để cho thời gian trả lời tất cả. Thế giới non dại và tàn nhẫn này, một ngày rồi sẽ sử dụng các thí nghiệm của tôi.” Khi Internet ra đời, công nghệ vô tuyến phát triển, công nghệ không dây đang đi đến thời đại 5G. Loài người khi đó mới sửng sốt phát hiện ra rằng cách đó 100 năm đã có một con người nói về những điều này, và kẻ đó bị coi là người điên. Trong hối hận, họ đi đòi công bằng cho ông, hòng đưa tên tuổi Tesla trở lại với công chúng, bên cạnh và vượt qua luôn Edison. Vào ngày 1/7/2003, tại thung lũng Silicon huyền thoại có hai người đàn ông tên là Eberhard và Tarpenning cùng một người bạn thứ 3 là hàng xóm Ian Wright đã thành lập một công ty. Họ thống nhất đặt cho nó cái tên là Tesla Motors. Họ chọn cái tên đó là để mục đích vinh danh nhà khoa học bị lãng quên vừa tìm lại được chỗ đứng trong lịch sử: Nikola Tesla. Và cũng như Tesla, những gì họ có trong tay chỉ là những ý tưởng, bản phác thảo. Cho đến một ngày định mệnh của tháng 4/2004, có một triệu phú trẻ gốc Nam Phi với tầm nhìn cũng điên không kém Tesla đã quyết định đầu tư vào Tesla Motors 6,35 triệu đô la trong lần rót vốn đầu tiên. Người đàn ông đó đã nắm lấy con thuyền non trẻ này. Với vị trí CEO, anh đổ mồ hôi, công sức, và rót cả tài sản bản thân hòng đưa con thuyền ấy vượt qua giông tố, từng bước từng bước đi qua chướng ngại công nghệ đến chướng ngại con người, chính phủ. Cuối cùng cũng đến hồi chiến thắng. Cùng với Tesla, ông trở thành người giàu nhất thế giới. Tên gã đàn ông đó là Elon Musk. 78 năm từ sau ngày Nikola Tesla mất trong tủi nhục, sự xa lánh, và sự nghèo đói, những hậu bối thần tượng ông giờ đã đòi lại cho ông sự công bằng, tự tôn, lòng thành kính. Từ đêm dài lãng quên, giờ đây họ đã biến cái tên Tesla thành bất tử. Khôi Nguyen (sưu tầm)
......

Omicron kháng vaccine thế nào?

Xe xét nghiệm COVID-19 lưu động giữa lúc biến thể omicron lây lan, tại Manhattan, New York, ngày 8/12/2021. Reuters - VOA Các cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm công bố tuần này cho thấy biến thể Omicron sẽ làm mai một công năng của vaccine Pfizer/BioNTech trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID sau hai mũi tiêm dù dữ liệu sơ khởi chứng tỏ mũi tiêm thứ ba có thể khôi phục sự bảo vệ này. Vẫn còn chờ dữ liệu để xem vaccine COVID bảo vệ tới mức nào trong thực tế trước biến thể Omicron đột biến cao. Omicron gây bệnh nặng hơn, hay nhẹ hơn? Dù một số dữ liệu sơ khởi cho thấy phiên bản mới của virus corona gây bệnh nhẹ hơn những biến thể trước, nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng, ông John Moore, giáo sư về vi sinh học và miễn dịch học tại trường y Weill Cornell, nói. Để đánh giá sự trầm trọng của biến thể, các nhà khoa học sẽ theo dõi xem có bao nhiêu người đã chích ngừa vẫn bị nhiễm Omicron, và xem họ có phải nhập viện hay phải vào phòng hồi sức tích cực hay không. Cần dữ liệu trên thực tiễn đối với những người chưa tiêm chủng, những người đã tiêm hai mũi và những người đã tiêm ba mũi vaccine. Có lẽ phải cần các bằng chứng này từ nhiều nước vì kinh nghiệm với biến thể có thể thay đổi tại những khu vực khác nhau, theo ông Shane Crotty, một nhà virus học tại Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego. Các nhà hoa học hy vọng có đáp án cho những câu hỏi này trong vài tuần tới. Omicron có thay thế Delta? Delta sát thương và lây nhiễm cao vẫn đang là biến thể chiếm ngự, chiếm 99,8% các ca nhiễm toàn cầu, tính đến ngày 7/12, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Muốn ‘soán ngôi’ Delta, Omicron phải thay đổi tỷ lệ đó để trở thành chủ đạo. “Nếu chúng ta thình lình bắt đầu thấy 10% ca nhiễm mới là Omicron, và tuần sau tăng lên thành 20%, điều đó nghĩa là chúng ta đang trong một đợt ‘soán ngôi’ như hồi Delta lấn áp Alpha, ông Moore nói. Ngược lại, Omicron có thể giống như Beta, chứng tỏ khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine nhưng không bao giờ trở thành mối đe dọa toàn cầu. “Sẽ thú vị khi thấy…hai biến thể này đối đầu với nhau như thế nào và chúng cạnh tranh giành nạn nhân ra sao” trong một nước tiêm chủng cao, bác sĩ Amesh Adalja, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói. Các vaccine khác thì sao? Các cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về các vaccine của Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson cũng đang được tiến hành. Những cuộc nghiên cứu này phân tích ảnh hưởng của biến thể Omicron trên các mẫu máu của những người từng bị nhiễm COVID và những người đã tiêm chủng. Nhiều nhà khoa học dự kiến ba loại vaccine này cũng sẽ cho thấy giảm sút trong khả năng trung lập hóa Omicron so với những biến thể trước đây. Vacine của Moderna dùng kỹ thuật tương tự như Pfizer/BioNTech, nhưng cho thấy bảo vệ lâu dài hơn chống lây nhiễm đối với các biến thể trước, và người ta tin rằng lợi thế này nhờ vào liều lượng cao và khoảng cách lâu hơn giữa hai liều tiêm. Moderna có thể ít bị giảm kháng thể trung lập hoá virus so với Pfizer, ông Adalja nói. Hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc nói đang tiến hành những cuộc nghiên cứu để xem vaccine dùng virus bất hoạt của họ có thể chống lại Omicron hay không, hay họ cần phải phát triển vaccine mới. Có thể phải mất ba tuần nữa mới biết được vaccine Sputnik của Nga chống Omicron hữu hiệu như thế nào, ông Kirill Dmotriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga, nói với CNBC.  
......

Covid: Hố ngăn cách giàu – nghèo sâu thêm đe dọa tương lai nhân loại

Covid làm trầm trọng thêm hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Ảnh minh họa : Xếp hàng chờ xét nghiệm tại New York, đầu tháng 12/2021. REUTERS - JEENAH MOON Trọng Thành  - RFI Ba đảng chính trị Đức thỏa thuận lập được chính phủ sớm hơn dự kiến. Chính phủ « Đèn Ba Màu » của nước Đức có ý nghĩa gì với Pháp, với Liên Hiệp Châu Âu? Đây là chủ đề lớn của nhiều báo Pháp hôm nay, 08/12/2021. Hố sâu ngăn cách giàu – nghèo ngày càng nghiêm trọng hơn đe dọa tương lai nhân loại là chủ đề chính của Le Monde, nhân kết quả điều tra chưa từng tại hơn 100 quốc gia, công bố hôm qua. Le Monde nhấn mạnh : Chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh là con đường mà nhân loại buộc phải tiến hành trong những thập niên tới, « thách thức lớn nhất » là bảo đảm được « công bằng xã hội » trong tiến trình gian nan này. Nhật báo cánh trung Pháp với tựa đề « Bất bình đẳng hủy hoại hành tinh như thế nào » giới thiệu kết quả điều tra « chưa từng có » của World Inequality Lab (WIL), tổng kết tình trạng « bất bình đẳng về thu nhập và tài sản » từ hai thế kỷ nay, để định vị xem xã hội đương đại của chúng ta đang ở đâu về chuyện này. Các đại gia kiếm thêm hàng nghìn tỉ đô la nhờ Covid Với Covid, các đại gia đã giàu càng giàu hơn, dân đã nghèo càng nghèo hơn. Bài xã luận Le Monde, nhan đề « Để xã hội được bình đẳng hơn, giải pháp phải là chính trị », giải thích : hố sâu ngăn cách giàu nghèo không phải là chuyện mới, tuy nhiên tình hình trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều với đại dịch Covid-19. Trong đại dịch, nhóm những người giàu nhất càng giàu hơn nữa, tình trạng của nhóm những người nghèo khổ bấp bênh nhất lại càng trở nên tệ hại hơn nữa. Năm 2020 trong đại dịch, các tỉ phú đã kiếm thêm được hơn 3.000 tỉ đô la, nhờ giá bất động sản và cổ phiếu gia tăng. Hơn 10% dân số giàu nhất thế giới sở hữu hơn ba phần tư tài sản của nhân loại, trong lúc 50% dân cư thế giới, gồm những người nghèo nhất, sở hữu 2%. Le Monde nhấn mạnh là đại dịch Covid là nhân tố làm hố sâu ngăn cách giàu - nghèo thêm rộng ra, khác hẳn với nhiều cuộc đại khủng hoảng, khiến khoảng cách giảm bớt, như hai cuộc đại chiến thế giới, hay khủng hoảng kinh tế 1929. Tại các nước phát triển, chính quyền rót những khoản tiền trợ cấp khổng lồ để bảo vệ doanh nghiệp, duy trì thu nhập, tránh nghèo đói bùng phát, nhưng bên hưởng lợi, phần lớn là các đại gia, điều này khiến khoảng cách giàu nghèo tăng mạnh hơn. Ba điều khẩn cấp: Tăng thuế, đẩy mạnh giáo dục-y tế và chia sẻ « trách nhiệm môi trường » Theo Le Monde, có « ba sự thật hiển nhiên » mà chính quyền các nước phải đối mặt. Thứ nhất là không thể tránh khỏi việc tăng thuế nhắm vào các tài sản lớn, được hưởng lợi nhờ đại dịch, để bù lấp hố ngăn cách giàu – nghèo. Việc cộng đồng quốc tế thỏa thuận đánh thuế tối thiểu 15% các công ty đa quốc gia chỉ là bước đầu. Thứ hai là cần phải có chính sách thu hẹp bất bình đẳng thông qua đầu tư cho giáo dục, y tế, lĩnh vực vốn được nhiều nơi coi là gánh nặng ngân sách. Về điểm này, việc Hoa Kỳ bắt đầu hướng sang học tập mô hình châu Âu, nơi « dịch vụ công » được coi là « phát triển nhất thế giới » là một dấu hiệu tích cực. Điều hiển nhiên thứ ba thứ ba là phải bảo đảm gánh nặng đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phải công bằng. Những gia đình có tài sản lớn nhất phải đóng góp nhiều hơn. Le Monde nhắc lại bài học của phong trào phản kháng « Áo Vàng » tại Pháp, khi gánh nặng « chuyển đổi sinh thái » bị chính quyền đặt chủ yếu lên vai những người nghèo nhất. Nhật báo cánh trung Pháp khép lại với lời cảnh báo : « cuộc khủng hoảng hiện nay bắt buộc chúng ta phải tính đến ba sự thật hiển nhiên nay, trước khi quá muộn ». Du lịch không gian gây tổn hại khủng khiếp cho khí hậu Nhật báo thiên tả Libération có nhiều bài viết về chủ đề « bất bình đẳng ». Về bất bình đẳng trong trách nhiệm với môi trường, Libération có bài tố cáo các chuyến bay du lịch lên không gian là thủ phạm gây ô nhiễm trầm trọng. Minh chứng rõ ràng cho tình trạng bất bình đẳng khủng khiếp giữa những người giàu nhất với xã hội. Tỉ phú Nhật Yusaku Maezawa có chuyến bay lên trạm không gian quốc tế hôm nay. Ngày mai, đến lượt tỉ phú Mỹ Jeff Bezos có chuyến bay lên không gian với 6 người khác. Mỗi chuyến bay như thế xả ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tấn CO2, trong lúc để thực thi hiệp định Khí hậu Paris, giữa Trái đất không tăng quá 1,5°C, mỗi người không được phép phát thải quá 2 tấn CO2/năm. Libération cho biết tình hình sẽ càng trở tồi tệ hơn trong những năm tới, khi dịch vụ du lịch không gian phát triển mạnh. Libération điểm mặt các thủ phạm chính của những « hành động điên rồ » này (« xét về mặt xã hội và sinh thái ») : Space X, Blue hay Virgine Galactic. Libération nhấn mạnh là 10% người giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm về một nửa số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Dân nước nghèo ít tiêm chủng: Nguy cơ biến thể mới « kháng mọi vac-xin » Trang nhất Libération hôm nay cũng dành cho chủ đề bất bình đẳng với tựa lớn « Hãy cấp thật nhanh vac-xin cho các nước nghèo nhất ». Libération nhấn mạnh là, đúng một năm sau mũi tiêm chủng Covid đầu tiên tại châu Âu, cho đến nay mới chỉ có 8% dân các nước nghèo nhất nhận được liều đầu tiên. Tỉ lệ này ở các nước phát triển là 65%. Bài xã luận của Libération « Ích kỷ » lưu ý là không phải ngẫu nhiên mà biến thể Omicron mới đang gây lo lắng xuất hiện tại Nam Phi, nơi tỉ lệ tiêm chủng mới là khoảng 25%. Tờ báo nhắc lại là xác suất cao cho việc virus lưu truyền mạnh, dẫn đến các biến thể mới, là nơi dân cư ít được tiêm chủng. Libération cảnh báo, « sự ích kỷ » của một số nước giàu và tập đoàn dược phẩm có thể dẫn đến hệ quả là trong tương lai xuất hiện một biến thể « kháng được tất cả các vac-xin ».   Các nước nghèo không có đủ vac-xin vì rào cản bằng sáng chế. Libération có bài phỏng vấn chủ tịch tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới, bà Carine Rolland với tựa đề « Chúng ta có thể sẽ phải trả giá đắt cho các sai lầm của chúng ta trong nhiều năm ». Chủ tịch Y Sĩ Không Biên Giới kêu gọi dỡ bỏ ngay lập tức quy định bảo vệ bằng sáng chế với vac-xin Covid-19, để thế giới có thể thoát được cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. Bà Carine Rolland cũng chỉ rõ vì sao bế tắc. Ví dụ cụ thể là, công ty BioNtech (Đức) sở hữu vac-xin Pfizer chống lại việc dỡ bỏ bằng sáng chế, bởi họ sẽ thu được nhiều lời lãi nhất do việc bán được vac-xin cho các nước giàu với giá cao, hơn là bán vac-xin với giá thấp cho các nước nghèo. Chính phủ liên minh Đức : Những thách thức đầu tiên Nước Đức có chính mới là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay. « Những thách thức với tân thủ tướng Olaf Scholz » là tít trang nhất của Le Figaro. « Thách thức đầu tiên » với tân thủ tướng Đức Xã hội – Dân chủ là phải dung hòa được các cương lĩnh về kinh tế gần như đối lập nhau của hai đảng khác trong liên minh « chưa từng có », đảng Xanh và đảng Tự do – Dân chủ. Đảng Xanh muốn đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, theo hướng chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, đảng Tự do – Dân chủ muốn trở lại với chính sách kinh tế khắc khổ trước đại dịch. « Olaf Scholz, vị thủ tướng tạo niềm tin »  Báo Le Monde tỏ ra rất tin tưởng vào ê-kíp mới lãnh đạo nước Đức, với bài « Olaf Scholz, vị thủ tướng tạo niềm tin ». Le Monde thuật lại cuộc phỏng vấn đầu 2020, với hai cố vấn của ông Olaf Scholz, lúc đó là bộ trưởng Tài Chính trong chính phủ liên hiệp của bà Merkel. Hai cố vấn của Olaf Scholz dự báo cấp trên của họ là người nhiều khả năng nhất trở thành thủ tướng Đức. Vào thời điểm đó, đảng Xã hội – Dân chủ chỉ đạt 15% ủng hộ của cử tri, trong lúc đảng CDU-CSU được 40%, đảng Xanh gần 20%. Vào thời điểm đó, một trong hai cộng sự của Olaf Scholz nhấn mạnh « người Đức sẽ chọn sự ổn định và liên tục » trong bối cảnh đầy bất trắc hiện nay. Và « người có khả năng nhất để làm được điều này là Olaf Scholz ». Le Monde cũng có bài phân tích về « Những cân bằng tinh tế của chính phủ liên minh ‘‘Đèn Ba Màu’’ ». Đặc biệt đáng chú ý là thế đối đầu giữa hai nhân vật hàng đầu của chính phủ, sau thủ tướng. Bộ trưởng Tài Chính Linner, đảng Tự Do – Dân Chủ, và bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Habeck, đảng Xanh. Khát vọng Đức hướng đến Liên Bang Châu Âu đồng điệu với Pháp Chính phủ mới của nước Đức có ý nghĩa thế nào với Pháp và Liên Âu là câu hỏi mà Le Figaro và La Croix cùng đặt ra. Xã luận Le Figaro nhan đề « Châu Âu của nước Đức » nhấn mặt đến phương diện xây dựng châu Âu. Thứ nhất là tân chính phủ Đức sẽ giúp cho chính quyền Macron « thúc đẩy việc xây dựng châu Âu ». « Khát vọng châu Âu » của tân thủ tướng Olaf Scholz có thể cộng hưởng với khát vọng châu Âu của tổng thống Pháp, được đưa ra năm 2017, nhưng đã không được các đồng minh châu Âu hưởng ứng. Mong muốn của Pháp tăng cường khả năng quốc phòng của châu Âu có thể nhận được hậu thuẫn của Đức. Chính trị gia đảng Xanh Annalena Baerbock, tân ngoại trưởng Đức, ủng hộ chính sách tăng cường thống nhất chính sách đối ngoại của châu Âu, từ bỏ quy tắc đồng thuận 100% giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh là : một nước Đức ủng hộ mạnh mẽ cho việc nâng cao sự thống nhất của châu Âu, cũng sẽ khiến châu Âu « mang đậm chất Đức ». Le Figaro cũng cho biết rõ là tân chính phủ ba đảng của Đức cho biết muốn nhanh chóng khởi động đối thoại với Pháp về các cải cách liên quan đến châu Âu. Quyết tâm hành động vì châu Âu của tân thủ tướng mạnh hơn nhiều so với người tiền nhiệm, Angela Merkel, có thể thúc đẩy « Liên Hiệp Châu Âu hướng đến một Nhà nước Liên Bang ». Mục tiêu này được ghi rõ trong thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp ba đảng nước Đức. « Một Liên Âu có chủ quyền » đặc biệt là chủ trương của đảng Xanh. Khác biệt lớn Đức - Pháp đòi hỏi tinh thần thỏa hiệp Chủ đề lớn của báo Công Giáo La Croix hôm nay cũng là chính phủ liên minh ba đảng của Đức, nhưng với một góc nhìn rất khác. Tựa lớn của La Croix là : « Thỏa thuận của Đức làm Paris chao đảo », nhấn mạnh đến những điểm khác biệt lớn trong chương trình hành động của chính phủ Đức, về nhập cư hay năng lượng tái tạo. Xã luận nhật báo Công Giáo, với nhan đề « Sau sức mạnh bình thản » (giai đoạn 16 năm cầm quyền của bà Merkel), nhấn mạnh đến việc nước Đức sắp bước vào giai đoạn của « các cải cách táo bạo ». Về mặt hình thức, tân thủ tướng Đức thể hiện là người tiếp nối « phong cách » của thủ tướng tiền nhiệm, nhưng theo La Croix, về thực chất, các cải cách của nước Đức trong thời gian tới sẽ tác động rất mạnh đến các nước láng giềng, trước hết là Pháp. Về mặt chính trị châu Âu, khác hẳn bà Merkel, tân chính phủ Đức sẽ thúc đẩy những cải cách triệt để đối với các định chế châu Âu theo hướng mô hình Liên Bang. Về mặt môi trường, chủ trương của chính phủ Đức là 80% điện năng sẽ xuất xứ từ năng lượng tái tạo trước 2030. Lập trường này là khác hẳn với các chính trị hàng đầu của Pháp. Bầu cử Pháp sẽ diễn ra trong ít tháng nữa, chắc chắn hai bên sẽ có nhiều thảo luận sôi nổi. Cho dù thế nào, La Croix kết luận, để tránh cho Liên Âu bị tê liệt, Pháp và Đức phải tìm được thỏa hiệp. https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20211208-covid-ho-ngan-cach-giau-ngheo-sau-them-de-doa-tuong-lai-nhan-loai
......

Phận bạc của những tay nhà giàu Trung Quốc

Nhân viên bảo vệ trước cửa nhà một đại gia Trung Quốc tại Thượng Hải. AP Thanh Hà - RFI Tiền bạc, danh vọng và kể cả uy tín lẫy lừng trên thế giới không còn là những lá bùa hộ mạng cho những người giàu có tại Trung Quốc. Phải chăng đó là nét đặc thù của nền kinh tế thị trường theo mô hình xã hội chủ nghĩa của Bắc Kinh ? Trung Quốc là nơi quy tụ nhiều nhà tỷ phú nhất thế giới nhưng nhiều người trong số đó gặp tai ương. Nhà báo người Anh Gideon Rachman trên tờ Financial Times ngày 29/11/2021 trong bài viết mang tựa đề Tại sao giới tinh hoa ở Trung Quốc đang trên con đường đầy chông gai ? nhắc lại một thống kê khá xưa được báo China Daily cung cấp, ở thời điểm năm 2011, « 15 tỷ phú bị sát hại, 17 người tự vẫn, 7 chết vì tai nạn 14 trong số đó bị tử hình và 19 người chết vì bệnh tật ». Đó là chuyện của một chục năm trước. Tháng 3/2021 trang mạng Hồ Nhuận Hurun.net công bố danh sách các nhà tỷ phú Trung Quốc trong năm 2020. Vào thời điểm mà cả thế giới lao đao vì một con virus nhỏ thì Trung Quốc có thêm 253 doanh nhân tham gia câu lạc bộ khép kín của các đại gia bạc tỷ. Tính cả tại Hoa lục lẫn Hồng Kông, Trung Quốc dẫn đầu thế giới, với 992 người trong danh sách này. Về số lượng, Trung Quốc có đông tỷ phú hơn so với cả Mỹ (696 người) và Ấn Độ (177 người) cộng lại. Vẫn theo số liệu của trang mạng Trung Quốc này, điều thú vị là lần đầu tiên, không một ông vua địa ốc nào có tên trong số 10 tài sản lớn nhất tại Hoa lục. Thí dụ như trong trường hợp của sáng lập viên tập đoàn Evergrande, Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) : đang từ là người giàu có nhất tại Trung Quốc năm 2017, trong bảng xếp hạng 2020, ông này bị đẩy xuống hạng thứ 70 do khủng hoảng vì nợ nần.  Còn bản thân tỷ phú Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ báo Apple Daily, tài sản đã bị phong tỏa và đang phải ngồi tù vì luật an ninh quốc gia Bắc Kinh áp đặt tại đặc khu hành chính này. Hiếm nơi nào trên thế giới mà những nhà tài phiệt, những cái tên tuổi trong làng giải trí, hay của giới truyền thông, thể thao, dù có là niềm tự hào của đất nước, cũng chịu nhiều tai ương như trên quê hương của Mao Trạch Đông. Nhà báo trên tờ Financial Times kể lại trường hợp cụ thể của một đồng nghiệp Trung Quốc rất nổi tiếng trên đài truyền hình tại Hoa lục, là phóng viên trẻ Nhuệ Thành Cương (Rui Chenggang) mà ông đã gặp hồi năm 2014 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos. Nhưng chỉ một sớm một chiều, ngôi sao trên màn ảnh nhỏ đó không bao giờ còn được xuất hiện trước công chúng. Giờ đây đến lượt nữ vận động viên quần vợt Bành Súy mất tích rồi xuất hiện trở lại nhưng « tương lai chẳng có gì là chắc chắn » cho dù  thế giới đã lên tiếng đòi Bắc Kinh trả lời « Bành Súy đang ở đâu ? ». Không một ai được an toàn Tác giả bài báo, Gideon Rachman ghi nhận : tại Trung Quốc « những người giàu có, nổi tiếng và quyền lực đều dễ sa cơ, dễ bị thất sủng dễ mất tích hay gặp phải những gì còn tệ hơn thế nữa ». Tháng 9/2021 một người « tay trắng dựng lên cơ đồ », trở thành tỷ phú bất động sản, là ông Thẩm Đống (Desmond Shum) đã cho ra mắt một cuốn sách mang tên Red Roulette trong đó ông kể lại thăng trầm của chính mình. Cùng với vợ là bà Đoàn Vĩ Hồng (Whitney Duan) họ từng dễ dàng chi ra 100.000 đô la tiền rượu trong một bữa ăn ở Paris. Họ phát đạt nhờ có được những chiếc ô dù rất tốt. Điểm tựa thứ nhất của bà là một người thế lực trong giới « áp-phe ». Thế nhưng, gió đã xoay chiều khi nhân vật đó « mất tích rồi bị tử hình ». Nhưng tại Trung Quốc, để thành công bắt buộc phải có một điểm tựa về chính trị. Vị ân nhân đó của cặp vợ chồng tỷ phú Thẩm Đống-Đoàn Vĩ Hồng là ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) người có lúc được coi là có triển vọng kế vị ông Tập Cận Bình. Nhưng rồi họ Tôn bị khai trừ khỏi Đảng, năm 2018 lãnh án chung thân vì tội tham nhũng. Một mối quan hệ nguy hiểm khác của bà Đoàn Vĩ Hồng chính là phu nhân cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Bản thân cựu lãnh đạo Trung Quốc này cũng đang trong tầm ngắm của chế độ từ khi ông ra mắt hồi ký về mẹ ông. Cuốn sách đó bị coi như một lời chỉ trích gián tiếp nhắm vào Tập Cận Bình và ấn phẩm này đã nhanh chóng biến mất khỏi các hiệu sách, cũng như trên các cổng vào tìm kiếm thông tin trên mạng. Quyền sinh sát trong tay Đảng Báo tài chính Anh, Financial Times đương nhiên chú ý nhiều đến trường hợp của nhà tỷ phú Mã Vân (Jack Ma). Dù đã trở thành ông vua trong ngành mua bán trên mạng, là doanh nhân nước ngoài đầu tiên bắt tay tỷ phú Mỹ Donald Trump khi ông vừa đắc cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, là một ngôi sao trên các diễn đàn kinh tế uy tín của thế giới, số phận ông chủ Alibaba vẫn trong tay Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chỉ một lời chỉ trích cung cách quản lý của Nhà nước hồi tháng 10/2020 cũng đủ để họ Mã trở thành « một cái bóng ». Cũng tác giả bài báo, Gideon Rachman, cho rằng, lẽ ra Bắc Kinh phải hãnh diện vì ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) người Trung Quốc đầu tiên lãnh đạo cơ quan Cảnh Sát Quốc Tế, Interpol nhưng rồi trong một chuyến về nước năm 2018 ông này đã « biệt vô âm tín » trước khi bị buộc tôi tham nhũng và lãnh án hơn 13 năm tù. Tóm lại tại Trung Quốc « không một ai được an toàn » dù có là những ngôi sao đầy triển vọng trên chính trường, dù là biểu tượng của sự thành công tại một quốc gia đã vươn lên đến đỉnh cao trong một số lĩnh vực như thể thao như trường hợp của vận động viên Bành Súy, hay nghệ thuật như giải thưởng dương cầm Chopin, nhạc sĩ Lý Vân Địch (Yindi Li) … Cũng nhà báo Rachman lưu ý độc giả về mô hình kinh tế khá đặc biệt của Trung Quốc : nơi mà « các hoạt động kinh doanh phải dựa vào những mối liên hệ (với các quan chức trong guồng máy lãnh đạo) » vì vậy mà mọi người đều nằm trong « vùng xám » như trường hợp của cặp vợ chồng tỷ phú địa ốc Thẩm Đống. Các doanh nhân Trung Quốc thành đạt cũng nhờ có sự nâng đỡ của Đảng, nhưng tất cả đều có thể tan vỡ cũng chính vì hệ thống từng giúp họ ngồi trên những núi bạc.  Tỷ phú Trung Quốc đoản mệnh ? Mở lại với báo cáo chính thức của China Daily năm 2011 : tờ báo này tổng kết 72 tỷ phú Trung Quốc đều gặp tai ương, không bị tù đầy, tử hình thì cũng gặp tai nạn. Đó là không kể trường hợp cố lãnh đạo tập đoàn HNA. Báo Libération (tháng 3/2019) đã có bài điều tra về cái chết đáng ngờ của ông Vương Kiện (Wang Jian), 56 tuổi, chủ tịch HNA hoạt động trong ngành tài chính, khách sạn, hàng không … Họ Vương đã chết trong một « tai nạn » tại vùng Lubéron, miền nam nước Pháp. Cảnh sát điều tra nói đến một « cái chết ngu xuẩn » khi nhà tỷ phú Trung Quốc này « ngã từ trên một bức tường cao 8 mét » trong lúc ông cầm ống kính để chụp hình. Nhưng tại Hoa Kỳ, một tỷ phú Trung Quốc khác, là ông Quách Văn Quý (Guo Wengui) quả quyết đây là một vụ « ám sát chính trị » bởi Vương Kiện « biết quá nhiều về liên hệ mờ ám giữa tập đoàn do ông điều hành với chính quyền Bắc Kinh- đặc biệt là về vai trò của Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ». Điều tra của báo Libération khi đó nhắc lại : HNA trên danh nghĩa là một tập đoàn tư nhân, là biểu tượng thành công của tư bản đỏ Trung Quốc, trị giá « hàng trăm tỷ đô la » nhưng bản thân tập đoàn này lại « nợ nần chồng chất ». Tổng nợ của công ty ước tính khoảng 90 tỷ đô la tương đương với « 250 % doanh thu của tập đoàn ». Trước cái chết đáng ngờ của lãnh đạo HNA ở miền nam nước Pháp thì tại Macao, một nhà tài phiệt Trung Quốc khác đã chết vì « ngã từ chung cư » và tai nạn xảy ra trước ngày Macao khánh thành cây cầu nối liền sòng bạc lớn nhất châu Á này với Hoa Lục. Về phần tỷ phú Mã Vân, ông chủ Alibaba có lẽ linh cảm hậu vận không hay của những đại gia Trung Quốc nên đã sớm thông báo về  hưu non, vậy mà vẫn không tránh khỏi búa rìu của Bắc Kinh. Người ta không còn thấy Jack Ma xuất hiện trên các diễn đàn kinh tế thế giới bên cạnh những Bill Gates hay Jeff Bezos, Elon Musk... Alibaba và những chi nhánh của nhà phân phối trên mạng này liên tục « lãnh đòn » trong nỗ lực của chính quyền Trung Quốc đưa « công nghệ kỹ thuật số vào khuôn phép ». Trông người lại nghĩ đến ta : những nhà tỷ phú mới nổi lên tại Trung Quốc như Trương Nhất Minh (Zhang Yiming) sáng lập viên Bytedance, rút được kinh nghiêm gì từ những người đi trước hay không ? Mới 38 tuổi, không hiểu rằng tài sản 53 tỷ đô la của anh có độ bền tới mức độ nào ?   https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211203-ph%E1%BA%ADn-b%E1%BA%A1c-c%E1%BB%A7a-nh%E1%BB%AFng-tay-nh%C3%A0-gi%C3%A0u-trung-qu%E1%BB%91c?fbclid=IwAR26Pic3wxXEjUvH62lTE6uyCZxtcMly0hrH0S7K6fy8RrYWWG86KtcaqJU&ref=fb_i  
......

Tiêm liều 3 : Các loại vac-xin có thích ứng được với các biến thể ?

Tại một điểm tiêm chủng ngừa Covid-19 ở thành phố Saint Jean de Luz, phía tây nam Pháp, ngày 29/11/2021 © AP Photo/Bob Edme Anh Vũ  - RFI| Tại Pháp, chiến dịch tiêm vac-xin ngừa Covid-19 liều thứ 3 đã được mở rộng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Không ít người có những thắc mắc về liều tiêm chủng nhắc lại này. Thành phần và hoạt tính trong vac-xin liều 3 có được thay đổi không ? Đây là câu hỏi chính đáng khi biến thể virus Delta lây lan hơn virus corona ban đầu đang tràn lan ở châu Âu.  Trong lúc đó, các loại vac-xin hiện có đều được bào chế trên cơ sở virus gốc. Các nhà bào chế có làm gì để vac-xin của họ thích ứng với biến chủng Delta? Trước hết cần nhắc lại là tiêm vac-xin tức là tiêm vào cơ thể một mảnh virus để cơ thể sản sinh ra miễn dịch tự vệ với virus đó. Trong trường hợp cụ thể đối với Covid-19, các loại vac-xin ngừa virus Sars-CoV2 cho phép hệ miễn dịch nhận biết các protéine có tác dụng như « chìa khóa » để virus xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Proteine này có tên gọi tiếng Anh là « spikes » nằm trên bề mặt virus. Nhưng protéine này không cố định, tùy theo các biến thể khác nhau, nó có thể thay đổi để tồn tại bằng cách đột biến gien. Proteine này càng đột biến thì các chìa khóa vào tế bào cũng thay đổi so với phiên bản ban đầu làm cho hệ miễn dịch đã có được từ tiêm chủng hay tự nhiên không còn nhận biết được và kháng thể tạo ra trước sẽ kém hiệu quả. Điều này gần giống với những gì diễn ra với biến thể Delta, nhưng ở mức độ hạn chế. Virus corona đã có hơn chục đột biến ở protéine Spike so với virus gốc. Nhưng những thay đổi đó không đủ vô hiệu hóa vac-xin. Chuyên gia nhiễm trùng học Pháp  Odile Launay giải thích : « Hiện tượng giảm công hiệu vac-xin được ghi nhận với biến thể Delta không lớn. Điều này còn là do thời gian từ mũi tiêm đầu tiên ». Ông Jean-Daniel Lelièvre giáo sư miễn dịch học, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm bệnh viện Henri-Mondor, Créteil, Pháp thì khẳng định, « việc tiêm liều vac-xin thứ 3 có công hiệu tốt chống các thể nặng. Trên cơ sở những yếu tố đó mà các nhà bào chế không triển khai vac-xin mới thích ứng với biến thể Delta.  Khi biến thể không khác nhiều với virus gốc, thì không cần thiết phải làm lại toàn bộ sơ đồ vac-xin bằng loại mới ». Hãng Moderna cách đây vài tháng đã bào chế một loại vac-xin thích ứng với biến thể Bêta, xuất hiện ở Nam Phi tháng 5/2020. « Họ đã chứng minh rằng tỷ lệ kháng thể có được sau tiêm liều thứ 3 với vac-xin cũ và vac-xin chống Bêta là như nhau », theo giáo sư Jean-Daniel Lelièvre. Biến thế Beta này hầu như không còn tìm thấy trên thế giới từ tháng 9/2021, theo các dữ liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Hiện tại chưa có cập nhật các loại vac-xin Tất cả các hãng bào chế Moderna, Pfizer/BioNTech, Janssen hay AstraZeneca đều chưa đưa ra thị trường phiên bản cập nhật vac-xin. Ngay cả liều lượng cũng không bị thay đổi, chỉ có Moderna cho giảm một nửa lượng ARN thông tin cho liều thứ 3. Vac-xin của Moderna ngay từ đầu đã có liều lượng cao hơn Pfizer. « Mũi tiêm nhắc lại của Moderna chứa 50 micrograme ARN thông tin, trong khi của Pfizer có 30 micrograme », giáo sư miễn dịch học Stéphane Paul, thành viên Ủy ban vac-xin Covid 19 của Pháp cho biết cụ thể. Chuyên gia này cho rằng không cần phải đưa nhiều hoạt chất vào liều tiêm nhắc để đánh thức các tế bào miễn dịch sản xuất kháng thể. Tuy nhiên các nhà khoa học đều không tin vac-xin chống biến thể Delta là thừa. Nếu có liều nhắc lại riêng cho biến thể Delta thì vẫn tốt hơn. Theo giáo sư Stéphane Paul, « nhưng trên thực tế việc này cần có thời gian. Cách tính toán là thế này : Nên chăng đợi thêm 6 tháng để tiêm liều nhắc lại hiệu quả hơn hay  tiêm nhanh và sớm hơn với vac-xin gốc ? » Dù sao cũng không loại trừ trong tương lai sẽ có một công thức vac-xin mới. Biến thể Omicron vừa được phát hiện lại càng khẳng định hướng này. Dù hiện tại, người ta không biết liệu vac-xin hiện nay có còn công hiệu chống lại biến thể mới này hay không ? Các kết quả phân tích phải đợi trong hai tuần nữa. « Với các loại vac-xin công nghệ ARN thông tin, không khó lắm để triển khai một loại vac-xin mới. Nhưng đi kèm với việc đó là phải triển khai quy trình sản xuất riêng. Chỉ khi nào vac-xin thực sự mất nhiều công hiệu thì mới tính đến chuyện thay đổi ». Theo các chuyên gia, trong trường hợp phải bào chế vac-xin mới các hãng dược cũng có thể sẽ không phải làm lại tất cả các xét nghiệm lâm sàng từ A đến Z. Nhưng họ sẽ phải tiến hành các nghiên cứu so sánh sinh học, thí dụ như giữa 1000 người đã tiêm nhắc lại với vac-xin cũ và 1000 người người khác được tiêm vac-xin mới. Dự tính cập nhật vac-xin với Omicron Rất năng động, các phòng thí nghiệm Pfizer, Johnson&Johnson và cả Moderna ngay hôm thứ Hai tuần này (29/11) cho biết họ đã bắt đầu nghiên cứu về một phiên bản mới vac-xin chống Covid nhằm riêng vào biến thể Omicron, trong trường hợp các loại vac-xin hiện có không đủ hiệu quả chống biến thể mới. Ngày 30/11, Cơ quan quản lý thuốc châu Âu đã có phản hồi, bảo đảm rằng các loại vac-xin được thích ứng chống lại biện thể mới Omicron có thể sẽ được cấp phép trong vòng 3 đến 4 tháng nếu vac-xin đó là cần thiết. Người ta vẫn còn chưa biết các đặc tính của biến thể này, nhưng dù gì độ nhạy cảm của biến thể mới này với vac-xin sẽ không phải hoàn toàn không lo lắng, theo đa số các chuyên gia. Hầu hết đều khẳng định sự cần thiết phải nhanh chóng tiến hành tiêm liều thứ 3. Mặt khác, mũi  nhắc lại sẽ càng có hiệu quả hơn khi phải tiêm loại khác với hai mũi ban đầu. «  Nhiều người ban đầu tiêm vac-xin AstraZeneca, sau đó tiêm nhắc lại bằng Pfizer hay Moderna, cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh hơn, biết đâu lại kháng tốt hơn với các biến thể », giáo sư Stéphane Paul nhấn mạnh. Không loại trừ trong tương lai, các hãng dược sẽ quan tâm đến một loại vac-xin đa dụng để có thể chống lại cùng lúc nhiều biến thế. « Việc làm này cần triển khai các quy trình lâm sàng riêng, khó quản lý trong giai đoạn đại dịch như hiện nay », giáo sư Paul khẳng định. Ông cho rằng, nếu tiêm nhắc lại định kỳ là cần thiết cho mọi người hay một bộ phận dân cư thì có lẽ người ta sẽ đi theo hướng đó. (Theo Le Figaro)  
......

Chặt Cây

Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm  bị tàn phá  gây tiếc nuối trong lòng dân Sài Gòn Do Duy Ngoc   Chỉ cần một cây cổ thụ cả trăm năm trốc gốc, người ta chặt hết cây của một con đường. Có lẽ trên thế giới, kể cả các nước lạc hậu, người ta cũng không bao giờ xử sự như thế. Đó là quan niệm không quản được thì diệt. Một lối tư duy kỳ lạ và hiếm thấy.    Đấy là trường hợp hàng cây lâu năm ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đang bị xử lý gây tiếc nuối trong lòng dân Sài Gòn. Nhất là những người có nhiều kỷ niệm với hàng cây trên con đường này. Đó là một trong mấy con đường đẹp của Sài Gòn còn sót lại sau những chiến dịch triệt hạ những cổ thụ của thành phố. Một con đường Tôn Đức Thắng(Cường Để) đẹp như tranh mất hàng trăm năm mới có được đã từng bị chặt hạ, san phẳng. Và giờ đến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Con đường đã từng đi vào văn học, nghệ thuật với tà áo dài Trưng Vương, với khung trời nhiều kỷ niệm của những chàng học sinh trường Võ Trường Toản một thời.   Con đường chỉ dài một cây số với hai hàng cây cao vút giờ còn những cây chặt cụt đầu ngậm ngùi với khoảng trời xanh. Chỉ vì một cây bị bật gốc, người ta hạ luôn một con đường. Và từ nay khung trời kỷ niệm đó chỉ còn những gốc cây nham nhở và rồi năm tháng sẽ xoá nhoà đi. Cùng đợt này, nhiều cây lớn trong thành phố cũng sẽ bị đốn cụt như hàng cây ở đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Công xã Paris (quận 1); Võ Thị Sáu, Pasteur, Nguyễn Thiện Thuật (quận 3); Mai Văn Thưởng (quận 6); Trường Sơn (quận 10); Hồng Bàng, Nguyễn Kim (quận 5).   Đến một lúc nào đó, thành phố sẽ chỉ là những khối bê tông sừng sững, khô cứng, lạnh lùng, sẽ không còn bóng cây xanh. Hồn của những con phố cũng không còn nữa, ký ức cũng bị đánh cắp và vẻ đẹp của thành phố này cũng chẳng còn. Phải mất gần cả thế kỷ, thành phố mới có được những hàng cây. Nhưng chỉ cần một nhát cưa, người ta sẽ xoá sạch. Vẫn biết cây cối trăm năm sẽ bị mối mọt, côn trùng tấn công làm gãy đổ. Nhưng nhiệm vụ của những tổ chức liên quan là chăm sóc, là nuôi dưỡng cho nó tồn tại chứ không phải là chặt đầu nó khi có sự cố xảy ra. Quản lý như thế thì cần gì có chuyên môn nhỉ? Ở nước ngoài có những con đường với những cây cổ thụ mấy trăm năm, khoa học kỹ thuật bây giờ dư sức để bảo dưỡng và chăm sóc chúng tồn tại. Sao lại phải chặt đi? Nhìn những gốc cây bị đốn hạ, lõi cây còn quá đẹp chưa bị hư hỏng chút nào, nếu nuôi dưỡng đúng cách chúng sẽ vẫn tồn tại cả thế kỷ nữa.   Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Công viên cây xanh TP HCM, cho biết hiện trong tổng 14 cây xanh, đơn vị đã chặt và di dời 11, còn 3 cây trên đường Trần Hưng Đạo, Mai Xuân Thưởng và Nguyễn Kim sắp xử lý. "Các cây sau khi đốn hạ được cắt thành từng lóng, sau đó kiểm đếm và đưa về bãi gỗ ở huyện Hóc Môn, chờ làm các thủ tục thẩm định để đấu giá"   Thử hỏi số tiền thu được khi bán cây được bao nhiêu mà phải đánh đổi những mảng xanh nhiều kỷ niệm của một thành phố? Đấu giá thu về mấy tiền mà phá nát hồn của những con đường? Chỉ biết buồn và tiếc nuối cho những hàng cây và những con đường rợp bóng từ đây không còn thấy nữa. 18.11.2021 DODUYNGOC
......

Biến chủng Omicron - những gì chưa biết?

Vu Hong Nguyen    Trong ngày vừa qua có lẽ mọi người trên thế giới đang rất lo lắng với tin tức về biến chủng mới của virus SARS-CoV-2! Các thông tin hầu như có vẻ rất bi quan, hàng loạt các quốc gia đã tạm thời đóng cửa với các nước Châu Phi. Vậy chúng ta cần biết rõ các thông tin này như thế nào, những gì các nhà khoa học đã biết, những gì chưa chắc chắn và cần làm những gì để hiểu rõ hơn về biến chủng này?!   Bài nói trên Youtube hôm nay mình sẽ phân tích những thông tin liên quan để tìm ra hướng trả lời những câu hỏi trên.   Timeline của bài nói (khoảng 13 phút):   (1:18) Virus SARS-CoV-2 biến chủng như thế nào? (4:30) Những điều đã biết về chủng Omicron (6:30) Những điều chưa biết về chủng Omicron (8:05) Làm gì để tìm ra những câu trả lời cho những điều chưa biết?   Bảo trọng nhe bà con.   TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím Tài liệu tham khảo: https://www.who.int/.../26-11-2021-classification-of... (Classification of Omicron (B.1.1.529): SARS-CoV-2 Variant of Concern) https://www.nature.com/articles/s41392-021-00644-x (Fast-spreading SARS-CoV-2 variants: challenges to and new design strategies of COVID-19 vaccines) https://theconversation.com/whats-the-difference-between... (What’s the difference between mutations, variants and strains? A guide to COVID terminology) https://www.mdpi.com/2076-0817/9/5/331/htm (The Human Coronavirus Disease COVID-19: Its Origin, Characteristics, and Insights into Potential Drugs and Its Mechanisms)   #drvunguyen #COVID19 #Omicron  
......

Biến thể cúm tàu mới ở châu Phi: "Biến thể tồi tệ nhất" cho đến nay?

Phan Ba   Các nhà nghiên cứu phát hiện một biến thể đáng lo ngại ở miền Nam châu Phi. Một biến thể cúm tàu mới với nhiều đột biến đang hoành hành ở đó. Nó không chỉ dễ lây lan hơn mà còn có thể chống lại sự bảo vệ qua chích ngừa.   Các chuyên gia lo ngại rằng biến thể B.1.1529 không chỉ rất dễ lây lan do số lượng đột biến lớn bất thường mà còn có thể đột phá lá chắn bảo vệ của vắc-xin một cách dễ dàng hơn. Viện về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi NICD thông báo hôm qua, thứ Năm, rằng 22 trường hợp đầu tiên của biến thể mới B.1.1529 đã được phát hiện ở Nam Phi. Dự kiến sẽ có thêm nhiều trường hợp trong tiến trình phân tích bộ gen đang được thực hiện. "Mặc dù tình hình dữ liệu vẫn còn hạn chế, các chuyên gia của chúng tôi đang làm việc thêm giờ với tất cả các hệ thống giám sát để tìm hiểu về biến thể mới này và những tác động có thể có liên quan đến nó."   Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla cho biết biến thể mới khẳng định rằng "sự thực là kẻ thù vô hình này rất khó lường". Ông kêu gọi người dân Nam Phi đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và đặc biệt là đi chích ngừa.   "Biến thể tồi tệ nhất" cho đến nay?   Sau đó, Israel xếp các quốc gia Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini vào diện "các quốc gia đỏ". Văn phòng Phủ Thủ tướng Naftali Bennett cho biết người nước ngoài không còn được phép nhập cảnh vào Israel từ các quốc gia này. Khi người Israel trở về nước từ những quốc gia này, họ phải cách ly trong khách sạn tới 14 ngày, nhưng có thể được ra ngoài nếu xét nghiệm âm tính hai lần sau một tuần.   Nhật Bản, Ấn Độ và Anh quốc cũng đang áp dụng các biện pháp tương tự. Có dấu hiệu cho thấy B.1.1529 thậm chí còn dễ lây lan hơn biến thể Delta và các loại vắc xin hiện có kém hiệu quả hơn.   Hãng thông tấn PA dẫn lời một chuyên gia từ Vương quốc Anh đánh giá rằng B.1.1529 là "biến thể tồi tệ nhất" được tìm thấy cho đến nay. Cho đến nay chỉ có các trường hợp được xác nhận ở Nam Phi, Botswana và Hồng Kông. Mới đây, theo thông tin chính thức, một người ở Israel được xác định là đã bị nhiễm biến thể mới này. Bộ Y tế cho biết người bị nhiễm bệnh này đã trở về Israel từ Malawi. Hai người khác là trường hợp nghi ngờ vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm.   Ủy ban EU cũng muốn hạn chế việc đi lại từ miền nam châu Phi đến EU ở mức tối thiểu. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen thông báo trên Twitter rằng chính quyền Brussels sẽ đề xuất với các quốc gia EU rằng họ cần nên đình chỉ giao thông hàng không qua những biện pháp khẩn cấp đã được dự kiến.   Phan Ba
......

Thế hệ 5G và những ứng dụng thần kỳ trong đời sống

Trúc Giang MN 1*. Mở bài  5G (5 gờ) là chữ viết tắt của 5th Generation, là thế hệ thứ năm của mạng di động, tiếp theo sau 3G và 4G. Căn cứ vào 3G và 4G, các nhà khoa học đã nâng cấp, cải tiến, tạo ra những đặc tính kỹ thuật vượt trội, về tốc độ cao, về tín hiệu (Signal) lớn cho phép chứa nhiều dữ liệu (data) hơn. Để tín hiệu lớn nầy được phóng đi nhanh, các nhà khoa học tạo ra đường đi lớn, gọi là băng thông rộng (Bandwidth). Băng thông rộng để tín hiệu đi nhanh, với tốc độ cao, nên thời gian đi thấp, gọi là độ trễ (Latency) nhỏ.   5G là công nghệ (Technology) cao, tạo ra công nghiệp (Industry) thần kỳ. Dựa vào đặc tính quan trọng, là nối kết, công nghiệp nầy sản xuất ra những dụng cụ, gọi là thiết bị, thông minh.    Hệ 5G cho phép tạo ra những thiết bị (Device, equipment) thông minh phục vụ đời sống con người trong nhiều lãnh vực như: y tế, kinh tế, quản lý, quân sự, giao thông vận tải, thực phẩm… Những thiết bị thông minh như điện thoại thông minh, điện nhà thông minh, nhà thông minh và thành phố thông minh, các robot thông minh… Hệ 5G làm căn bản để phát triển hệ 6G, mà các đại gia nhà mạng di động đang ra sức tranh đua nhau để chiếm vị trí hàng đầu, đưa vào thương mại để hốt bạc. 2*. Những đặc điểm của hệ 5G Bảng so sánh tốc độ của các hệ 3G, 4G và 5G 1). Tín hiệu lớn cho phép truyền tải dữ liệu khổng lồ. 2). Băng thông lớn cho phép tín hiệu được phóng đi rất nhanh. Về tốc độ. So sánh việc tải một bộ phim dài 2 tiếng đồng hồ xuống máy tính: Hệ 3G mất 26 giờ. Hệ 4G mất 6 phút. Hệ 5G chỉ mất 3.6 giây. 3). Độ phủ sóng to, Tín hiệu ở 1 Km2 trên không gian, có khả năng kết nối với một triệu thiết bị dưới đất. 4). Khả năng kết nối của 5G rất hữu hiệu, dẫn đến tự động hóa, tự hành trong những thiết bị phục vụ đời sống con người. 3*. Điện thoại thông minh hoạt động như thế nào? 3.1. Hoạt động của điện thoại thông minh Smartphone là thiết bị di động, kết hợp điện thoại di động với computer di động. Một điện thoại có hai bộ phận, phần cứng (Hard drive) và phần mềm (Software). Phần cứng là một circuit board gồm những mạch in dẫn điện li ti nối liền chân của những con chip với nhau, và với những linh kiện điện tử như điện trở (Resistor), tụ điện (Capacitor) để cho điện thoại vận hành được. Phần mềm, còn gọi là nhu liệu (Software) được chứa trong những con chip, còn được gọi là IC (IC=Integrated Circuit). Những con chip nầy điều hành hệ di động bằng cách kết nối với internet, có những chức năng thực hiện những phương tiện như: âm nhạc, video, máy ảnh, máy quay phim, chơi game. Do đó, smartphone dần dần sẽ thay thế những dụng cụ giải trí như máy nghe nhạc cầm tay MP3, máy chụp hình, máy ghi âm, máy quay phim cầm tay. 3.2. Bảng xếp hạng của các điện thoại thông minh Những điện thoại thông minh hiện đang thịnh hành trên thế giới như của những hãng Samsung, Huawei (Trung Quốc), Apple, Xiaomi (Trung Quốc), Sony. Theo thống kê của Counterpoint Research, thì vào quý 3 của năm 2018, 5 hãng sản xuất điện thoại trên thị trường thế giới, được xếp hạng theo thứ tự như sau: Samsung 19%, Huawei 14%, Apple 12%, Oppo (Trung Quốc) 9% và Xiaomi (Trung Quốc) 9%. 3.3. Những biện pháp giữ an toàn của chủ điện thoại thông minh 1). Công nghệ cảm biến vân tay. Dùng chỉ tay để xác định chủ máy. 2). Nhận diện khuôn mặt Máy iPhoneX của Apple. Năm 2017, Apple cho ra mắt điện thoại đầu tiên có bộ cảm biến đo gương mặt để xác định chủ máy. 3). Bảo mật bằng quét tĩnh mạch ở bàn tay. (Hand ID). Tháng 2 năm 2019, LG (Lucky Goldstar) (Hàn Quốc) cho ra mắt LG G8 ThinQ, quét tĩnh mạch bàn tay để xác định chủ máy. Ngay cả anh em sinh đôi cũng có tĩnh mạch bàn tay khác nhau. 4). Nói thêm về chữ “i” trong iPhone Chiếc iPhone của Apple đầu tiên ra mắt năm 2007. Chữ “i” được hiểu là Internet, Sau đó, “i” được hiểu là Individual (Tính cá nhân), Instruct (Hướng dẫn), Inform (Truyền thông tin) và Inspire (Truyền cảm hứng). 4*. Hàn Quốc sản xuất robot 5G khử trùng, để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 Ngày 19-4-2021, nhà mạng viễn thông lớn nhất Hàn Quốc, SK Telecom Co, cho biết đã sản xuất robot thế hệ 5G nhằm mục đích khử trùng. Con robot nầy tự di chuyển chung quanh bịnh viện, được trang bị bằng tia cực tím để diệt vi trùng và vi khuẩn, nhằm mục đích chống lây lan dịch COVID-19. Đó là robot 5G đầu tiên thế giới, hoạt động tại bịnh viện Yongin Severance. Con robot nầy tự di chuyển chung quanh bịnh viện, để theo dõi nhiệt độ của mỗi người và phát hiện họ có đeo khẩu trang hay không. 5*. Quán cà phê robot áp dụng mạng 5G đầu tiên trên thế giới Ngày 25-12-2018, hãng viễn thông KT (Hàn Quốc) cho biết đã áp dụng mạng viễn thông 5G cho quán cà phê robot tên “B;eat” không có con người phục vụ, quán được đặt tại trụ sở công ty bảo hiểm nhân thọ Samsung ở quận Seocho, thủ đô Seoul. “B;eat” hoàn toàn do người máy phục vụ.    Các robot barista tại quán cà phê, lịch sự và nhanh nhẹn tiến về phía khách hàng nói: “Đây là trà hạnh nhân của quý khách, mờithưởng thức. Sẽ ngon hơn nếu quý khách khuấy nó”, robot nhẹ nhàng nói, khi một khách hàng với tay lấy đồ uống của cô trên một cái khay được đặt sẵn trên thân robot. Với một đơn đặt hàng gồm 6 món đồ uống phức tạp, robot chỉ pha chế mất 7 phút. Robot còn có khả năng nhận ra tiếng nói để biết khách hàng quen thuộc hay mới đến. Khả năng nhận dạng để biết khách hàng ở lớp tuổi nào. Nhà sản xuất và viện khoa học đã phát triển robot barista có mục tiêu cung cấp ít nhất 30 hệ thống robot quán cà phê như vậy trong năm 2020. 6*. Nhật Bản sử dụng mạng 5G cho robot phẩu thuật bịnh nhân từ xa. Theo bản tin tiếng Nhật, ngày 17-4-2021, nhóm nghiên cứu của Đại học Kobe (Nhật) đã bắt đầu thử nghiệm phẩu thuật từ xa, thông qua robot Hinotori, do Nhật chế tạo. Trước kia robot Hinotori đã thành công trong ca phẩu thuật cho bịnh nhân ung thư, nhưng các bác sĩ phải có mặt tại phòng mổ để theo dõi. Tuy nhiên, trong thử nghiệm lần nầy, các nhà khoa học Nhật Bản đã thành công trong việc thử nghiệm bằng cách sử dụng công nghệ 5G của công ty truyền thông NTT Docomo, để tiến hành cắt bỏ một mẫu giả trong thành bụng của một bịnh nhân giả. Nhóm nghiên cứu cho biết, không có độ trễ trong các thao tác của robot. Tức là, mặc dù bác sĩ ở khoảng cách xa nhưng vẫn nhìn thấy tức khắc những thao tác của robot. Xem như bác sĩ đang có mặt tại ca mổ. Đó là ứng dụng tốc độ cao của công nghệ 5G được xem như không có độ trễ. Thử nghiệm nầy nhằm mục đích để các bác sĩ chuyên khoa tài giỏi, nhiều kinh nghiệm, giúp các bác sĩ mới ra trường ở các vùng xa thủ đô Tokyo. 7*. Ứng dụng 5G trong y tế Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại nhà và theo dõi tình trạng sức khỏe từ xa. Một hệ thống thiết bị (equipment) y tế nối kết qua internet (Internet of Medical Things) tiếp xúc với bộ cảm biến (Sensor) được đặt trên cơ thể bịnh nhân, về đo huyết áp, nhịp tim và những tình trạng sức khỏe khác. Việc theo dõi sức khỏe từ xa được tự động kiểm soát suốt 24/7. Những con số thu được, sẽ lập thành một hồ sơ bịnh án. Khi phát hiện những dấu hiệu không tốt, thì được báo ngay với thiết bị tự động của bác sĩ. Và việc chữa trị được thực hiện ngay tức khắc. Trường hợp cấp cứu.Biện pháp cấp cứu thông thường hiện nay có thể gặp những bất tiện về thời gian xe cứu thương đến nhà bịnh nhân. Sự chậm trễ có thể tạo ra những tai biến ngoài ý muốn, hoặc tử vong trên đường đi. Với những tiến bộ vượt bực của thế hệ 5G, xe cứu thương sẵn sàng chạy đến địa chỉ đã được cho vào bộ nhớ. Các bác sĩ đã có sẵn bịnh án trong tay, nên rất thuận tiện cho việc chữa trị. 8*. Dùng hệ 5G để thiết lập thiết bị “điện thông minh” trong nhà Thiết bị điện thông minh trong nhà là sự kết hợp với những bộ cảm biến về tiếng động (Sound sensor), cảm biến về ánh sáng (Light sensor) là một hệ thống kỹ thuật tự động hóa, kết nối với những dụng cụ chạy bằng điện trong nhà, để tự động giải quyết rồi thông báo cho chủ nhà qua điện thoại. Điểm đặc biệt của hệ thống điện tinh khôn trong nhà, là không cần bàn tay trực tiếp điều khiển của con người, như bấm vào remote control hay điện thoại, máy tính… Thiết bị “Điện thông minh” trong nhà còn thông báo về kẻ trộm xâm nhập vào nhà, về khói và gas… Ví dụ như khi kẻ trộm vào nhà, đèn trong nhà bật sáng lên, các tấm màng tự động vén lên, hệ thống báo động vang lên…Và chủ nhà được thông báo, mặc dù đang ở xa. Tóm lại, điện thông minh trong nhà đem lại sự an toàn và tiện nghi cho con người. 9*. Áp dụng hệ 5G trong “Nhà thông minh” Nhà thông minh, (Smart home, Intellihome) có mục đích bảo đảm an toàn và an ninh cho gia đình của chủ nhà. Hệ thống nầy hoạt động 24/24, được lắp đặt các thiết bị điện và điển tử, tự động hóa, giao tiếp với chủ nhà ở bất cứ nơi nào có mạng di động. 10*. Áp dụng hệ 5G trong việc xây dựng thành phố thông minh   Thành phố thông minh hay đô thị thông minh (Smart city) là một khu đô thị được dùng những phương pháp điện tử, và những bộ cảm biến (Sensor) khác nhau để thu thập dữ liệu (Data) trong việc quản lý tài sản và tài nguyên của thành phố. Đó là việc kiểm tra, giám sát mức độ ô nhiễm trong không khí, đo lường chất lượng không khí, nhằm kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo cho người dân. Nhất trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Như những người dân trong thành thị có nguy cơ nhiễm bệnh, hệ thống sẽ giám sát cũng như thông báo cho cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn kiệp thời. Dùng cảm biến theo dõi tình hình rò rỉ nước sạch. Hệ thống chiếu sáng công cộng. Kiểm soát giao thông, đỗ xe trên đường, liên lạc với xe tự hành, phát hiện tình trạng đường sá… Tóm lại áp dụng hệ 5G, giúp việc quản lý thành phố một cách có hiệu quả hơn.   11*. Quân đội Mỹ đã chế tạo thành công áo choàng tàng hình cho binh sĩ qua hệ 5G. Bộ quần áo tàng hình của quân đội Mỹ * Máy bay không người lái Quân đội Mỹ hiện đang phát triển một bộ quần áo tàng hình cho binh sĩ. Các loại vải tàng hình đã được thử nghiệm các nguyên mẫu đầu tiên trong vòng 18 tháng Bộ quân phục tàng hình này có thể làm việc trong mọi địa hình, từ sa mạc đến rừng rậm, và ở mọi nhiệt độ. Quân đội Mỹ cho biết: "Một hệ thống ngụy trang giống như tắc kè hoa, sẽ liên tục cập nhật những màu sắc và hoa văn, theo thời gian thực, giúp che giấu sự hiện điện của những binh sĩ trên chiến trường". Tắc kè với khả năng thay đổi màu sắc theo môi trường để ngụy trang, thì bộ quần áo tàng hình này sẽ hoạt động với nguyên lý tương tự của tắc kè. Về quân sự, Không Quân Mỹ đã sản xuất nhiều loại máy bay không người lái, làm nhiều nhiệm vụ khác nhau như trinh sát, tấn công, tiếp nhiên liệu trên không. 12*. Áp dụng hệ 5G để sản xuất xe không người lái. Xe tự lái Uber đã vận chuyển 50.000 lon bia trên quảng đường 193Km Xe không người lái tự động chạy trên đường phố, thả chủ chiếc xe xuống chỗ làm, rồi tự động chạy ra bãi đậu xe, và nằm chờ”. Đó là dự án mà công ty Google đã thực hiện. Một cách tổng quát, xe không người lái được trực tiếp điều khiển bằng smartphone, mà smartphone được nối kết với internet, như việc hướng dẫn đường đi bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System) do hệ thống vệ tinh cung cấp. Riêng “bản thân” chiếc xe phải có một bộ nhu liệu (software) nối kết tần số với smartphone. Chiếc xe được trang bị bằng những máy radar, những bộ cảm biến (sensor), những máy camera và những dụng cụ điện tử khác vô cùng phức tạp.   Tất cả những thông tin về giao thông, thời tiết, và về tình trạng xe, được đưa vào smartphone trước khi người chủ bước lên xe. Trên xe, người chủ dùng màn hình cảm ứng chọn điểm đến và xe tự động chạy đến nơi an toàn.   Nói chung, chiếc xe không cần người tài xế ngồi sau tay lái, nhưng cần người có trình độ làm việc với software, và biết sử dụng smartphone để điều khiển chiếc xe theo ý muốn. Ở Mỹ, chương trình huấn luyện người điều khiển chiếc xe tốn 3,000USD.   Trường hợp chiếc xe chỉ chạy một mạch từ nơi khởi hành đến điểm đến, không ngừng dọc đường, thì không cần phải có người ngồi trên xe. Đó là vào năm 2016, Công ty Otto, hãng phát triển xe tự lái thuộc Uber đã vận chuyển thành công 50.000 lon bia Budweisers bằng xe tự lái trên quãng đường dài 193 km. Những bộ cảm biến về ánh sáng, âm thanh, những radar, camera…sẽ giúp cho xe dừng lại khi đèn vàng, đèn đỏ. Tự động bật đèn pha khi qua đường hầm hoặc trời tối. Xe giữ đúng làn xe của mình, giữ khoảng cách an toàn với xe trước. Tốc độ xe cũng tự điều chỉnh tùy theo khung cảnh trên đường phố… 1). Ưu điểm vượt trội của xe không người lái   Hạn chế tắc nghẻn giao thông. Ít va chạm. Giảm bớt sự tham gia của con người. (Người chủ có thể ngủ, xem phim, đọc sách…)   Gia tăng số người lái xe, như người già, người khuyết tật.   Không còn lo lắng tìm chỗ đậu xe. Khả năng tìm bãi đậu xe và tự động đi vào chỗ đậu.   Khi nhậu say ngà ngà chủ xe có thể về nhà một cách an toàn mà không sợ bị cảnh sát bắt làm “chim bay, cò bay” giữa công lộ. Nếu quên mất chỗ đậu xe hồi sáng thì chiếc xe sẽ tìm đến ông chủ, khi nghe lịnh gọi. 2). Những trở ngại phức tạp Trong thành phố, xe gặp phải những trở ngại phức tạp bao gồm những người đi bộ băng ẩu qua đường, những người đi xe đạp, một tài xế vượt ẩu trước ngã tư có 4 bảng stop, và những góc khuất tầm nhìn… là những thách thức lớn cho máy điện toán trong xe.  Thành phố đầy xe ma. Tin tặc có thể kiểm soát xe không người lái để tấn công khủng bố. 13*. Ứng dụng 5G để quản lý tổ ong Loài ong mật rất nhạy bén với nhiệt độ, độ ẩm trong không khí, và tiếng động. Nếu những điều kiện nầy không phù hợp với cuộc sống thì loài ong bỏ “nhà”, bay sang tổ ong khác. Mật ong có giá trị kinh tế khá cao vì thế những người nuôi ong phải tìm ra phương pháp tốt nhất để quản lý tổ ong.    Công ty công nghệ NimbeLink hợp tác với The Bee Corp đã phát triển ra một thiết bị 5G để quản lý và bảo vệ ong, theo đó những dữ liệu cần thiết như nhiệt độ, độ ẩm, chuyển động…liên quan đến đời sống của ba loại ong trong tổ, là ong chúa, ong đực và ông thợ.   Loại ong mật sống từng đàn, có đàn trên 25,000 con. Tổ chức, phân công rõ ràng. Ong chúa lớn nhất, ong cái có nhiệm vụ đẻ trứng, nhưng không làm ra mật. Ong chúa sống từ 3 đến 5 năm. Ong đực chỉ có nhiệm vụ duy nhất là giao phối với ong chúa, sống từ 1 đến 2 tháng. Ong thợ đông nhất. Làm đủ mọi việc, từ việc bay đi lấy mật hoa, nuôi ấu trùng, bảo vệ và xây dựng tổ. Sống từ 2 đến 6 tháng.   14*. Áp dụng hệ 5G để sản xuất thịt nhân tạo   Thịt nhân tạo đã được cơ quan NASA (National Aeronautics and Space Administration-Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ) sản xuất đầu tiên, để phục vụ bữa ăn của các phi hành gia và những người làm việc lâu ngày trong không gian.   Các nhà khoa học lấy tế bào của bò, heo, gà nuôi trong ống nghiệm. Cho dung dịch protein phù hợp với mỗi loại tế bào, và đồng thời dùng thiết bị năng lượng để tế bào hoạt động và nhân đôi để tăng trưởng. Và sản xuất ra thịt thật sự.   Quá trình sản xuất thịt nhân tạo rất nhiều tốn kém, mặc dù không cung cấp thức ăn để nuôi heo, bò từ nhỏ đến ngày mổ thịt.  Một số nhà nghiên cứu cho rằng, với 10 tế bào của con heo, họ có thể tạo ra 50.000 tấn thịt nhân tạo trong hai tháng. 15*. Đồng hồ thông minh Tính đến quý III năm 2013, hệ điều hành Android là phổ biến nhất, chiếm 81.9% trong tổng số 211.6 triệu điện thoại được sử dụng trên thế giới. Năm ngoái, đứa con gái nhận được quà sinh nhật, là cái đồng hồ thông minh của hãng Apple. Giá 350USD. Đồng hồ chỉ giờ, phút, giây. Ngày, tháng, năm. Nhiệt độ bên ngoài nhà. Chỉ nhịp tim (Heart rate). Số bước đi trong ngày được tính bằng mile, tiêu chuẩn là 10,000 bước. Đặc biệt là nghe, và nói như một điện thoại di động, khi cho số cell phone vào đó. 16*. Cuộc chạy đua giành vị trí hàng đầu thế giới về 5G Hiện nay, các quốc gia đang nổ lực tham gia cuộc chiến tàn khốc để giành vị trí hàng đầu về 5G trên thế giới. 1). Hoa Kỳ đứng hàng đầu. Theo báo cáo từ trang Business Insider, thì Mỹ là quốc gia chiếm vị trí hàng đầu thế giới, do những đại công ty lớn nhất như AT&T, Sprint, Verizon Wireless (Mỹ)… Các công ty tư nhân nầy có những chiến lược riêng, cạnh tranh nhau ráo riết để thúc đẩy sự đổi mới và chiếm khách hàng trên thế giới. 2). Hàn Quốc thứ hai. Vị trí thứ hai thế giới là Hàn Quốc. Với những đại công ty như Samsung KT, LG (Lucky Goldstar), LG Uplus. Hàn Quốc hiện có trên một triệu người đang sử dụng 5G thương mại. 3). Trung Quốc hạng thứ ba Thứ ba là Trung Quốc với những công ty như ZTE (Zhongxing Telecommunication Equipment), China Mobile, China Telecom, Huawei. 17*. Thế hệ mạng di động 6G Mặc dủ thế hệ 5G chưa được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, nhưng các nhà mạng hàng đầu thế giới như Samsung (Hàn Quốc), Huawei (Trung Quốc) và Nokia (Phần Lan), Ericsson (Thụy Điển) đã triển khai những phương tiện thử nghiệm về mạng 6G. Hệ 6G đang ở trong thời kỳ thử nghiệm, dự đoán là sẽ đưa vào sử dụng thương mại vào năm 2028 hoặc 2030. Đặc điểm của 6G là tốc độ cao, nhanh 50 lần hơn 5G. Độ trễ nhỏ, chỉ bằng 1/10 của 5G. Tín hiệu rất lớn, chứa nhiều data hơn 5G. Và băng thông cũng rất lớn để tín hiệu nhẹ nhàng phóng qua, tạo độ trễ rất nhỏ. Điểm khác biệt giữa 5G và 6G là, trạm gốc phát tuyến của 5G đặt trên mặt đất, trái lại, trạm gốc phát tuyến của 6G là một hệ thống vệ tinh ở quỹ đạo thấp, có thể phủ sóng toàn cầu. Trung Quốc đã phóng thành công một vệ tinh thử nghiệm vào không gian, và theo kế hoạch, sẽ phóng 10,000 vệ tinh phục vụ cho 6G. Về mạng lưới vệ tinh, thì Mỹ đang dẫn đầu với 1.300 vệ tinh quỹ đạo thấp của hệ thống Starlink, thuộc SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Starlink đã phóng thêm 120 vệ tinh mỗi tháng. Mỹ sẽ phóng 12,000 vệ tinh quỹ đạo thấp nhằm mục đích phủ sóng toàn thế giới. 17.1. Huawei của Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu 6G Ngày 16-9-2021, hãng tin Nikkei (Nhật) đưa tin, ông Nhậm Chính Phi, Giám đốc Huawei, cho biết, công ty của ông đã đầu tư vào 20 công ty trong nước, để sản xuất chíp bán dẫn hiện đại. Huawei cũng tiếp tục thuê nhân tài hàng đầu thế giới, đặc biệt là ở Châu Âu và Mỹ, với mức lương cao nhất, để Huawei dẫn đầu công nghệ 6G.  Nhà mạng Trung Quốc nầy sẽ chú trọng mở rộng thị trường công nghệ 6G vào những quốc gia đang phát triển (Nghèo) ở Châu Phi và Trung Đông, bằng cách cho thuê tài chánh nhẹ lãi, để thực hiện công nghệ 6G nầy. 17.2. Hàn Quốc với 6G Hàn Quốc muốn trở thành quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ thương mại 6G. Samsung và LG Electronics (LG=Lucky Goldstar) đã thiết lập trung tâm nghiên cứu, Seoul đã có dự án phát triển trị giá 976 tỷ won (800 triệu USD) 17.3. Hoa Kỳ thành lập Liên Minh 6G Liên Minh 6G gồm những thành viên nổi bật, những gã khổng lồ trong lãnh vực truyền thông như: AT&T, Sprint, Verizon Wireless, Microsoft, Qualcomm, Apple, Google, Nokia (Phần Lan), mục đích chiếm vị trí hàng đầu trong cuộc tranh đua với Huawei. Liên minh nầy không cho Huawei và ZTE của Trung Quốc tham gia. Chính phủ Mỹ hợp tác với Nhật để phát triển 6G. Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật, Yoshhide Suga đã ký một quỹ đầu tư 4.5 tỷ USD để phát triển công nghệ 6G. Với nguồn vốn khổng lồ của các thành viên trong Liên Minh 6G,  Hoa Kỳ quyết ăn thua đủ với Trung Quốc. 18*. Kết luận Thế hệ mạng di động 5G là một cuộc cách mạng trong công nghệ và công nghiệp thế giới. So với thế hệ 4G, 5G đã có những bước tiến nổi bật. Tín hiệu lớn mang rất nhiều dữ liệu, lại có thêm một băng thông rộng rãi, là phương tiện để có tốc độ cao, mà độ trễ nhỏ. Đặc tính kỹ thuật cao độ của 5G được ứng dụng để sản xuất, tạo ra những thiết bị và công trình thần kỳ, giúp cho đời sống của con người trong những ngành nghề như sau: kinh tế, y tế, giáo dục, quân sự, giao thông vận tải, sản xuất…Những nhà mạng di động nổi bật thế giới như Samsung của Hàn Quốc, Huawei của Trung Quốc, riêng Hoa Kỳ đã có những đại gia mạng di động như AT&T, Google, Apple, Qualcomm, Sony, Microsoft, Sony…   Trong khi những ứng dụng của hệ 5G chưa được thực hiện rộng rãi trên toàn thế giới, thì các nhà khoa học về mạng di động đã triển khai nghiên cứu thế hệ 6G. Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ chiếm vị trí hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ý đồ đó chưa chắc gì đã đạt được. Mặc dù Trung Quốc đã chai mặt, ăn cắp kỹ thuật màn hình gập (có thể xếp lại được), và ý đồ dùng tiền bạc mua chuộc các nhà khoa học hàng đầu thế giới thuộc Châu Âu và Mỹ.   Vì Liên Minh 6G của Hoa Kỳ rất mạnh, nhiều vốn như 8 đại gia tư nhân ở Mỹ, cộng thêm Nokia của Phần Lan và Nhật Bản.   Hoa Kỳ cũng sẽ chiếm hạng nhất trong cuộc chay đua với Trung Quốc./.   Trúc Giang MN  
......

Trung Quốc khoác áo tư nhân để thâu tóm lãnh vực bán dẫn châu Âu

Thụy My - RFI| Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 350 tỉ đô la chip bán dẫn, cao hơn cả dầu lửa. Đây là mặt hàng chiến lược cần thiết cho điện thoại thông minh, máy tính, xe hơi và cả hỏa tiễn đạn đạo. Nhà nước Trung Quốc đều can dự trong mỗi thương vụ mua các đơn vị nghiên cứu, sản xuất chất bán dẫn nhưng giấu mặt sau các quỹ tư nhân. Nhiều nước châu Âu không biết được vì thông tin nằm rải rác và bằng tiếng Hoa. Chỉ số chứng khoán CAC 40 của Pháp phá kỷ lục, khí hậu, vấn đề chẩn đoán vô sinh, đó là các chủ đề lớn trên báo chí Paris hôm nay. Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde giải thích "Trung Quốc tìm cách kiểm soát các công ty bán dẫn châu Âu như thế nào". Đang lẹt đẹt phía sau, Bắc Kinh âm thầm ẩn mình sau các công ty bình phong để thâu tóm công nghệ này, kể cả tại Pháp. Mua được các công ty bán dẫn, Bắc Kinh cho xây nhà máy tại Hoa lục Hôm 13/05, quỹ đầu tư Trung Quốc Wise Road Capital đề nghị mua lại công ty Pháp Unity Semiconductor (SC) SAS. Quỹ này có vẻ vô hại: được thành lập năm 2017 để đầu tư vào các công ty công nghệ nhất là bán dẫn, trên trang web cho biết là « tư nhân », khẳng định có « quyết định độc lập ». Thế nhưng theo cơ quan tình báo kinh tế Datenna, nhiều cổ đông có liên hệ chặt chẽ với Nhà nước Trung Quốc, và thực tế là công cụ của Bắc Kinh để nâng cao sức mạnh công nghệ. UnitySC tuy ít được biết đến nhưng có tương lai rất sáng sủa. Nhờ trung tâm nghiên cứu ở « thung lũng Silicon mini » Grenoble, công nghệ của công ty rất cần thiết khi những con chip bán dẫn ngày càng được thu nhỏ. Theo South China Morning Post, nhiều trung tâm nghiên cứu, đơn vị sản xuất đã bị rơi vào tay Wise Road Capital và được chuyển giao cho Trung Quốc. Chỉ một tháng sau khi bị mua lại, United Test and Assembly Center (UTAC) của Singapore thông báo xây nhà máy tại Sơn Đông, công ty Đức Huba Control cũng cùng chung số phận, được đưa về Tứ Xuyên. Công ty liên doanh với Áo AMS thì xây nhà máy tại An Huy. Với công nghệ số, chip điện tử là mặt hàng không thể thiếu trong kỹ nghệ thế giới, có mặt trong điện thoại thông minh, máy tính, xe hơi và cả hỏa tiễn đạn đạo. Một chiếc xe hơi cần từ 1.000 đến 1.400 con chip. Việc sản xuất tập trung vào một số ít nước, và Trung Quốc vốn chỉ làm được 15% số chip tiêu thụ, đang lệ thuộc vào Nhật Bản, Đài Loan. Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 350 tỉ đô la chip bán dẫn, cao hơn cả dầu lửa. Dù chỉ 1% chip bán dẫn được sử dụng trong quân sự, Hoa Kỳ vẫn thận trọng hạn chế xuất sang Trung Quốc. Lập 1.800 quỹ đầu tư để đứng đầu thế giới trong 10 công nghệ Với kế hoạch Made in China 2025 tung ra năm 2015, Bắc Kinh tự ra hạn định 10 năm để đứng đầu thế giới trong mười công nghệ chủ chốt, và lập ra trên 1.800 quỹ đầu tư công về kỹ nghệ, sở hữu 390 tỉ euro, theo Viện Mercator. Tổng giám đốc Datenna nhấn mạnh, riêng về lãnh vực bán dẫn, Nhà nước Trung Quốc đều can dự trong mỗi thương vụ nhưng giấu mặt sau các quỹ tư nhân. Nhiều nước châu Âu không biết được vì thông tin nằm rải rác và bằng tiếng Hoa. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Hoa Kỳ đã bác việc Wise Road Capital, thông qua hai chi nhánh ở quần đảo Caiman và bang Delaware, mua lại nhà sản xuất bán dẫn Magnachip của Hàn Quốc niêm yết tại Wall Street. Anh chặn việc bán Newport Wafer Fab cho chi nhánh ở Hà Lan của một công ty điện tử Trung Quốc. Tại Pháp, cả bộ Kinh Tế lẫn UnitySC đều từ chối bình luận về khả năng Trung Quốc mua lại. Từ ngày 01/04/2020, việc nước ngoài mua các công ty bán dẫn phải được cơ quan chức năng xét duyệt, vì lý do an ninh quốc gia. Mùa xuân 2019, Liên Hiệp Châu Âu đã loan báo cơ chế thanh lọc, các quốc gia thành viên phải thông tin về mọi đầu tư ngoại quốc trong công nghệ nhạy cảm. Nhưng Viện Thẩm kế châu Âu vẫn gặp khó khăn trong việc có được dữ liệu hoàn chỉnh cập nhật, và như vậy vẫn chưa có được cái nhìn chung về các hoạt động thâu tóm của Bắc Kinh. Phái đoàn nghị sĩ châu Âu đến Đài Loan Trong khi đó cũng theo Le Monde, một phái đoàn châu Âu lên đường thăm Đài Loan, đất nước đang thống trị về chip bán dẫn. Chuyến đi này tiếp theo « chuyến công du » vô tiền khoáng hậu tại Liên Hiệp Châu Âu của ngoại trưởng đảo quốc. Phái đoàn thuộc Ủy ban đặc biệt của Nghị Viện Châu Âu về bóp méo thông tin và can thiệp của nước ngoài vào các tiến trình dân chủ (INGE) xuất phát từ hôm qua 02/11 để thăm Đài Bắc ba ngày. Được nghị sĩ Pháp Raphaël Glucksmann dẫn đầu, nhóm bảy nghị sĩ sẽ gặp nhiều bộ trưởng và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Ông Glucksmann nằm trong số mười nghị sĩ châu Âu bị Bắc Kinh « trừng phạt » vì ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ. Hôm 28/10, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua với đa số phiếu một văn bản đòi hỏi tăng cường quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) với Đài Loan. Chủ yếu là nghiên cứu một thỏa thuận đầu tư song phương trước cuối năm – một dự án chưa bao giờ được cụ thể hóa. Nghị Viện cũng bày tỏ « hết sức quan ngại » về thái độ « hiếu chiến » của Bắc Kinh đối với Đài Bắc, kêu gọi « bảo vệ nền dân chủ Đài Loan ». Một số dự án khác đang được xem xét, trong đó có một phái đoàn quy mô hơn của Ủy ban Đối ngoại Nghị Viện. Lần đầu một ngoại trưởng Đài Loan thăm châu Âu, Bắc Kinh tức tối Vốn tương đối dè dặt, EU từ hai tuần qua đã cao giọng hơn về vấn đề Đài Loan. Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu Margrethe Vestager tố cáo áp lực và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại eo biển, có thể ảnh hưởng đến « an ninh và thịnh vượng » của châu Âu. EU lo ngại việc cung ứng chất bán dẫn của công ty Đài Loan TSMC, « thiết yếu cho việc phát triển kỹ nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số của Liên hiệp ». Bà Vestager kêu gọi « đối thoại », « chấm dứt các hành động đơn phương gây căng thẳng ». Mới đây ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) đã thăm Cộng hòa Sec và Slovakia, tham gia (qua video) một hội nghị của các nghị sĩ chống Trung Quốc tại Roma bên lề thượng đỉnh G20. Bắc Kinh giận dữ tố cáo Thượng Viện Sec « khiêu khích ». Ông Ngô Chiêu Tiếp cũng thăm Bruxelles cuối tuần rồi, nhưng các định chế châu Âu ít đề cập và báo chí Hoa lục tránh nói đến. Đây là lần đầu tiên một ngoại trưởng Đài Loan thăm các nước châu Âu, một sự kiện vô cùng nhạy cảm. Ông Ngô cũng thăm Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 11 tháng Chín, nhưng chính quyền Biden không có tuyên bố chính thức nào, và ngoại trưởng Đài Loan được tiếp ở Maryland chứ không phải Washington. Đài Bắc cũng đã gởi một phái đoàn do bộ trưởng Kinh Tế kiêm nhiệm phụ trách TSMC, ông Cung Minh Hâm (Kung Ming Hsin) dẫn đầu, thăm Cộng hòa Sec, Slovakia, Litva. Ông nói với trang Politico là cả ba nước đều mong được phát triển chất bán dẫn. Các tập đoàn internet Mỹ lần lượt rời Hoa lục Vẫn về công nghệ, Le Figaro và Les Echos đều chú ý đến việc các tập đoàn internet của Mỹ như Fortnite, Yahoo !, Linkedln… lần lượt rời khỏi thị trường khổng lồ Trung Quốc. Đầu tháng 11, Fortnite tuyên bố bỏ cuộc, và Epic Games, nhà sản xuất trò chơi video có 350 triệu người sử dụng trên thế giới, cũng loan báo rút khỏi Hoa lục. Hôm qua đến lượt công cụ tìm kiếm Yahoo ! cho biết không còn cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc sau hai thập niên hiện diện, nêu lý do môi trường pháp lý và các quy định « ngày càng khó khăn ». Một tháng trước, mạng LinkedIn quyết định « một đi không trở lại ». Các loan báo này trùng hợp với việc các quy định mới của Bắc Kinh bắt đầu có hiệu lực từ đầu tuần này, đòi hỏi các công ty ngoại quốc phải báo cáo với các cơ quan giám sát của Trung Quốc. Đặc biệt các thông tin cá nhân lưu trữ tại Hoa lục không thể được chuyển giao cho các nước có « tiêu chí thấp hơn » Trung Quốc, trước hết là Hoa Kỳ. Các tập đoàn kỹ thuật số muốn ở lại Hoa lục phải chặn các nội dung mà Bắc Kinh không thích. Linkedln năm nay đã bị chỉ trích dữ dội vì chặn tài khoản của nhiều nhà báo, giảng viên đại học, nhà đấu tranh nhân quyền. Trước đó từ 2009 Facebook, Twitter, Instagram, YouTube, Wikipédia đã bị « Vạn lý Hỏa thành » phong tỏa, còn Google sập cửa ra đi năm 2010. Tình báo Mỹ : Đại dịch Covid có thể xuất xứ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán Trên lãnh vực dịch tễ, Les Echos cho biết Washington nhận định khả năng con virus corona thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán là khả tín. Một báo cáo tổng hợp của năm cơ quan tình báo Mỹ được giải mật hôm thứ Sáu 29/10 kết luận con virus SARS-Cov-2 gây ra đại dịch Covid rất có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán. Đặc biệt FBI ưu tiên cho khả năng tai nạn phòng thí nghiệm. Cho dù con virus được nuôi cấy thậm chí chuyển đổi trong phòng thí nghiệm P4, các cơ quan tình báo Mỹ không cho là với mục đích tạo ra vũ khí sinh học, và nhận định bí ẩn này chỉ có thể giải mã với sự hợp tác hoàn toàn của Bắc Kinh. Dù giọng điệu báo cáo khá ôn hòa, Bắc Kinh vẫn giẫy nẫy tố cáo « trò đùa chính trị » khi nhắc đến Viện Virus học Vũ Hán (WIV), tuy các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tháng 12/2019 được phát hiện chỉ cách đó vài con đường. Ban đầu Bắc Kinh khẳng định con virus là từ những con dơi bán ở ngôi chợ gần đó, nhưng đến tháng 4/2020 người ta biết rằng chợ này chưa bao giờ bán dơi. Chế độ Trung Quốc lại càng rơi vào thế thủ sau khi Quốc Hội Mỹ thứ Tư tuần trước tiết lộ các thông tin gây bối rối về công việc của WIV. Viện Y tế Quốc gia (NIH) thông qua Eco Health Alliance (EHA) đã tài trợ mấy chục triệu đô la cho thí nghiệm « tăng cường chức năng » (GOF) con virus. Peter Daszak, chủ tịch EHA năm 2018 từng xin ngân sách của DARPA, cơ quan nghiên cứu của quân đội nhưng bị từ chối vì quá nguy hiểm. Trung Quốc kiên định zero Covid, cơn ác mộng cho người lao động nước ngoài Trong khi đó Trung Quốc vẫn tự cô lập với chiến lược zero Covid, gây khó khăn cho những người ngoại quốc làm việc tại Hoa lục. Hiện nay ít nhất 6 triệu người đang bị cách ly, chủ yếu ở Lan Châu. Tại Thượng Hải, Disneyland hôm thứ Hai phải đóng cửa sau khi phát hiện một khách bị dương tính, khiến gần 34.000 khách phải xét nghiệm mới được rời khỏi khu giải trí. Ba ngày trước đó, một chuyến tàu đang hướng về Bắc Kinh bị chận đột ngột vì hai ca tiếp xúc trên tàu. Tất cả 211 hành khách bị xét nghiệm, tất cả đều âm tính nhưng… đều bị đưa đi cách ly ! Tình trạng Hoa lục đóng cửa là cơn ác mộng cho những người ngoại quốc làm việc tại đây. Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc trong báo cáo mới nhất cho biết khó thể tuyển dụng người mới, thậm chí không giữ được những người cũ đang làm việc tại chỗ. Về phía chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải, Ker Gibbs lo ngại nhân viên ngoại quốc tại Hoa lục sẽ lũ lượt về nước. Qua điều tra 338 doanh nghiệp thành viên, trên 70% gặp khó khăn trong việc giữ chân người giỏi việc./.
......

Ga Hàng Cỏ sau lưng đồng chí

Phạm Xuân Cần    Những năm 1970, 1980 việc đi lại rất khó khăn. Mấy chàng công an trẻ thường mượn quần áo, mũ, quân hàm và một số trang bị của cảnh sát giao thông để ra đường chặn xe ô tô đi nhờ. Không phải lúc nào cũng trót lọt, nhưng cũng đỡ phải lo lắng chuyện mua vé tàu, vé xe.   Lần đầu tiên ra Hà Nội, Lực cũng phải đi theo cách này. Anh phải đón đến mấy chặng xe mới ra đến Hà Nội. Ra Hà Nội rồi, nhưng chẳng biết đâu là đâu. Nghe người ta nói ra Hà Nội cứ đến Ga Hàng Cỏ là đi đâu cũng dễ tìm, Lực quyết định chặn một chiếc xe tải. Chiếc xe ngoan ngoãn dừng theo hiệu lệnh của chàng cảnh sát giao thông “nghiệp dư”. Lực giơ tay chào rất đúng điều lệnh, sau đó bằng giọng Nghệ nguyên chất, anh dõng dạc: - Tôi có nhiệm vụ khẩn cấp. Đề nghị đồng chí cho về Ga Hàng Cỏ.   Lái xe trợn mắt nhìn anh cảnh sát từ đầu đến chân, sau đó cũng dõng dạc không kém: - Báo cáo đồng chí, Ga Hàng Cỏ sau lưng đồng chí!   Lực quay lại, quả thật Ga Hàng Cỏ sau lưng mà anh không biết. Quê quá, Lực đành khoát tay: - Thôi, đồng chí đi!   Lực đã mất hai mươi năm rồi. Bây giờ về dưới đó chắc anh chẳng còn sợ lạc đường nữa.   Nhưng mà anh Lực ạ, bây giờ trên đời này vẫn còn những kẻ lạc đường vĩ đại lắm. Có biết bao nhiêu nhà thông thái đã nói với họ: “Ga Hàng Cỏ sau lưng đồng chí!”. Vậy mà, họ có thèm quay đầu lại đâu anh...  
......

Nghe lại tiếng ca Cô Út, nhớ thương cải lương miền Nam

Nhớ về một giọng ca đi vào lịch sử cải lương miền Nam. Khi những ngôi sao lóe sáng trên bầu trời, mới biết chúng ta đang ở thăm thẳm đêm đen như thế nào của cải lương hôm nay. Kỷ niệm 5 năm ngày mất của bà, nghệ sĩ Út Bạch Lan (2016 – 2021). Nhạc sĩ Tuấn Khanh   Út Bạch Lan - giọng ca sầu nữ mang nặng nghiệp cầm ca  https://www.youtube.com/watch?v=nd2ZU_JUGOo Người trong xóm kể rằng đám tang của cô Út không quá rình rang, vì con cháu trọng ý của cô – một người quen cuộc sống nhẹ nhàng, sống bằng tấm lòng chứ không sống bằng hư danh. Từ lúc nằm bệnh, cô Út đã dặn con cháu rằng cô không cần mộ phần trọng vọng, thiêu và rải tro xuống sông. “Đất dành cho người còn sống”, cô nói. Rồi cô dặn cũng không cần phải làm đám giỗ chi cho phiền. Nhớ nhau để một chén cơm, vái đôi câu đã là có lòng vui hưởng. Cuộc đời một danh ca lừng lẫy Sài Gòn lục tỉnh, tên tuổi có lúc làm sốt ruột khách hâm mộ ở tận trời Tây, vậy mà cô Út mới thanh bạch và an nhiên làm sao. Giới cải lương hay nhắc chuyện cô được khuyên làm đơn để xin danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nhưng cô Út nói thôi. Không phải ai cũng hiểu được cô Út. Là một Phật tử, cô Út tin rằng mang một danh phận, cũng không khác gì mang thêm một nghiệp mới nơi trần gian mà cô Út thấy mình đã được rất nhiều. Trong một vài cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi về chuyện này, cô Út cười thiệt thà mà nói: “Chuyện Nhà nước muốn tặng danh hiệu cũng là một vinh dự, nhưng Út thì chỉ thấy thêm nữa cũng không làm gì. Lúc mình lên sân khấu, thấy người ta vỗ tay, hết bài, khán giả người ta lên ôm mình, khóc với mình, rồi hun mình… ôi vậy là đủ làm Út vui lắm rồi”. Ngày cô Út thôi hát trên trần gian, chắc cô sẽ còn thương sân khấu, thương khán giả nhiều hơn khi chứng kiến thế hệ nghệ sĩ sau cô rơi nước mắt như mưa. Trong những video tình cờ ghi lại, có một người tựa như khuyết tật và ăn xin trên đường phố, đã để tấm hình của cô tựa vào cột đèn, để mấy cái bánh men, thắp một cây nhang rồi chắp tay vái cô. Khán giả miền Nam, cải lương miền Nam thương cô Út đứt ruột. Nói đến cải lương, thì Sài Gòn – Gia Định giống như Hollywood của Huê Kỳ, nơi dân đờn ca tài tử, hát bội… đổ về. Rồi cải lương ra đời với sự kết hợp trình diễn điệu bộ theo kiểu Tây phương nhưng giữ nguyên nền nhạc cổ truyền, tạo nên một nét đặc sắc về nghệ thuật và giải trí của người dân miền Nam đầu thế kỷ XIX. Khởi nguyên, các nhà nghiên cứu đã ghi lại rằng nghệ thuật hát bội, vốn là một trong những món nghệ thuật độc đáo của dân ngũ Quảng miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) khi di dân mở cõi vào Nam đã mang theo và khiến không ít giới nhà giàu, quan lại triều đình say mê. Cụ thể như Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt nuôi hẳn một ban hát bội để giải trí. Con của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi cũng mê hát bội không kém. Nhưng sau năm 1832, khi Lê Văn Duyệt mất đi, vua Minh Mạng lòng giận vẫn không nguôi chuyện riêng nên cho san bằng mộ, xiềng lại và đúc chữ ghi rằng “Chỗ hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội chết”. Ba năm sau khi tận diệt Lê Văn Khôi tội làm phản, vua Minh Mạng cấm hẳn hát bội trong một thời gian. Tài tử xao xác trốn đi, tìm nghề khác sinh sống nên hát bội ở miền Nam yếu dần. Mãi đến năm 1874, khi người Pháp cai trị miền Nam, hát bội mới quay lại. Nhưng lúc đó, việc thưởng thức trở nên phổ biến hơn trong dân chúng, nên chuyện mỗi lần muốn thưởng thức phải mời cả một ban hát, lại quá cầu kỳ hoặc tốn kém dựng rạp, đãi người… vì vậy các gia chủ khi có đám tiệc hay muốn thưởng thức ngắn giờ thì chỉ cần mời ít người đến hát, gọi là “hát chặp”. Thầy đờn, đào kép ngồi hát tại chỗ, không cần tô vẽ mặt rườm rà. Thích đoạn nào hát đoạn đó, không cần lớp lang. Mà dàn nhạc thì thu gọn lại, chỉ còn kìm, cò, tranh, sáo. Ấy là buổi hình thành của nhạc tài tử. Giai thoại về đời cô Út, kể lại rằng từ lúc mới mười tuổi (khoảng 1945-1946), lang bạt lên Sài Gòn cô Út gặp anh thanh niên Văn Vĩ khiếm thị, nhưng có ngón đờn thần sầu quỷ khốc. Cả hai cùng nhau lang thang xa cảng, Chợ Lớn, Sài Gòn để hát kiếm tiền nuôi gia đình. Khách nghe mới đầu chỉ định giải trí tạm, riết rồi cứ nhích tới gần, nghe rồi đòi nghe nữa… ai cũng lạ lùng hai đứa nhỏ có tuyệt kỹ của ngành đờn hát, thương mà cho tiền, nhờ vậy cô Út và anh Văn Vĩ mới lây lất qua ngày, chờ đến lúc vụt sáng như những ngôi sao lớn trên sân khấu cải lương miền Nam. Vào thập niên 1950, tên của cô Út lừng danh cùng kép độc Thành Được. Lúc đó, khán giả coi tờ quảng cáo, cũng để ý có Út Bạch Lan hay không. Đặc biệt, ngành ghi âm thu đĩa nhựa Việt Nam thời đó, không thể nào thiếu cái tên Út Bạch Lan trong các tuồng định ra mắt. Một trong những dĩa hát gây chấn động thời đó là Thuyền ra cửa biển (hãng dĩa Hồng Hoa), tập hợp toàn danh ca tài tử như Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Minh Chí, Thanh Hương. Đặc biệt cô Út (vai Chiêu Trúc Lệ) và Thành Được (vai Diệp Băng Đình) cũng hớp hồn không biết bao nhiêu khán giả. Có một chi tiết khá độc đáo về chuyện này, là cô Út nổi tiếng trước Thành Được. Nhưng do lỡ thương anh nghệ sĩ này rồi nên khi bà bầu của gánh Kim Chưởng mời ký tái giao kèo, cô Út nài nếu vậy thì phải ký thêm giao kèo với Thành Được. Khi thấy hai người hát ăn ý, mà Thành Được cũng quá xuất sắc, bà bầu gánh Kim Chưởng làm liền. Và đó cũng là lý do mà cả hai xuất hiện đồng diễn trong tuồng Thuyền ra cửa biển. Lịch sử ghi âm Việt Nam có ghi nhận bản tân nhạc đầu tiên được ghi âm là bài Kiếp hoa (1938) của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên phổ thơ Nguyễn Văn Cổn, người ở Huế. Nhưng thật sự tạo ra một thị trường rộng lớn và thu về vô số tiền bạc, lại là dĩa cải lương miền Nam. Tuồng Thuyền ra cửa biển là một trong những ví dụ, thậm chí thời đó, khán giả đài phát thanh mê mệt, yêu cầu nhiều quá, đến mức đài phải mua bản quyền phát đi phát lại cả năm. Chỉ nhiêu đó, tiền đã không biết bao nhiêu mà kể. Khán giả miền Nam thời đó chịu móc tiền túi mua dĩa hát lắm. Nhưng đặc biệt là phải dòm coi có tên danh ca như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước… hay không mới mua. Thậm chí, có những tuồng không kịp thu âm, nhưng bài ca thì hay quá khiến dân chung phải đi mua các bản in lời bài ca (hồi xưa gọi là bài ca nhỏ). Lúc này thì người Hoa cũng nhảy vô kinh doanh bài ca nhỏ, vì bán chạy vô cùng mà lại dễ làm. Một bài ca có mấy cắc, ai cũng mua được, mà sẵn có đài phát thanh như quảng cáo giùm, giờ chỉ đem ra chợ khắp mọi miền mà bán thôi. Thập niên 1970, thời của truyền hình đưa những ngôi sao cải lương truyền hình xuất hiện như Thanh Nga, Mộng Tuyền, Kim Ngọc, Dũng Thanh Lâm… nhưng cũng là thời đánh dấu một giai đoạn sân khấu truyền thống của cải lương miền Nam suy yếu. Chuyện xưa ghi lại rằng vào Tết âm lịch Canh Tuất 1970, đoàn Dạ Lý Hương đang thu tiền ầm ầm, tự nhiên đến suất 8 giờ tối ở rạp Quốc Thanh, lại vắng teo, thu về được có gần 300 ngàn đồng. Hóa ra trước đó, đoàn nhận lời thu hình tuồng cho truyền hình, được tiền tưởng bở. Ngay giờ đó, truyền hình chiếu đúng tuồng của đoàn Dạ Lý Hương đang diễn. Được coi miễn phí mà lại qua tivi, nên dân chúng chọn ở nhà. Đó là một trong những bài học và cuộc xung đột đầu tiên của truyền hình và sân khấu cải lương miền Nam vậy. Cũng vì thâm hụt, nên sau đó ít lâu, có đến bảy đoàn hát ở Sài Gòn hợp lại, ra quyết nghị là cùng nhau không đụng vô truyền hình để còn sống sót. Nghe cô Út nỉ non, sầu muộn mà nhớ cải lương miền Nam. Ngành ca hát ra đời – với sự kết hợp lời thoại và điệu bộ diễn xuất của kịch nghệ phương Tây, âm nhạc thì truyền thống và tuồng tích là những drama thượng thừa không thua gì các kịch bản trên thế giới – lúc này dường như những drama lặng lẽ hơn bao giờ hết. Nhất là khi thiếu vắng những tượng đài lớn như cô Út Bạch Lan. ——————————-  * Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ nhà nghiên cứu Ngành Mai, nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh, tạp chí Nông Cổ Mín Đàm, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam của Trần Văn Khê. https://nhacsituankhanh.com/2021/11/02/nghe-tieng-hat-co-ut-nho-cai-luong-mien-nam/ *** Nghệ sĩ ưu tú Út Bạch Lan không có con ruột nhưng trong đám tang của bà, con cháu rất đông. Họ đều là con nuôi, cháu nuôi của bà… Hơn 20 người con nuôi đội tang nghệ sĩ Út Bạch Lan Cùng với nghệ sĩ Phương Hồng Thủy, tác giả Hoàng Song Việt là hai người con nuôi "đời đầu" của nghệ sĩ Út Bạch Lan. Sau này, bà còn nhận nhiều người con nuôi khác. Trong số đó, có cả những đứa con rơi của chồng cũ… Theo lời kể của tác giả Hoàng Song Việt, một trong hơn 20 người con nuôi về chịu tang "má" Út Bạch Lan thì tang lễ được thực hiện theo đúng di nguyện của bà lúc còn sống. Tác giả Hoàng Song Việt được ở cạnh nghệ sĩ Út Bạch Lan khi bà trút hơi thở cuối cùng. Ông chia sẻ: "Trước khi mất, má rất tỉnh. Không mê không lẫn. Buổi tối hôm má mất, má vẫn còn nói chuyện với con cháu bình thường. Chỉ đến lúc con cháu cho má ăn cháo, má bị ói rồi đi luôn. Má đi nhanh, không đau đớn. Trước ngày mất 2, 3 hôm, má dặn dò từng người từng việc, kể cả chuyện tang lễ của mình sẽ làm ra sao. Thi thể quàn ở đâu, nghi thức thế nào, hỏa thiêu hay chôn cất… má đều dặn hết. Hồi xưa má muốn lúc chết được hỏa táng và tro đem vãi ở khắp nơi. Nhưng trước khi mất, má bảo muốn tro cốt được đưa về để gần mẹ ruột của má ở chùa Huỳnh Kim quận Gò Vấp". Tác giả Hoàng Song Việt cũng cho biết thêm, ngay đêm nghệ sĩ Út Bạch Lan mất, mười mấy người con nuôi đều đã về với bà. Do công việc và cuộc sống, nghệ sĩ Phương Hồng Thủy định cư ở nước ngoài nhưng cô cũng đang trên máy bay về Việt Nam. Tác giả Hoàng Song Việt nói thêm: "Phương Hồng Thủy đã có lịch về Việt Nam biểu diễn từ lâu nhưng khi biết má yếu, Thủy chủ động đổi vé máy bay về sớm. Nếu giờ này Thủy đang trên máy bay thì có lẽ cũng chưa biết là má đã mất". Trong số hơn 20 người con nuôi chịu tang nghệ sĩ Út Bạch Lan, chỉ có 3 người cùng huyết thống là ông Hùng, cô Hạnh, cô Dung và cô Châu. Đó là 4 người con ruột của em trai ruột nghệ sĩ Út Bạch Lan. Họ được bà nuôi từ bé, sống chung một nhà. Sinh thời, nghệ sĩ Út Bạch Lan từng nuôi 4 người con rơi của chồng. Tình cảm mẹ con cũng rất tốt nhưng trong đám tang bà ngày 5/11 chưa thấy họ có mặt. https://giadinh.net.vn/khong-co-con-ruot-hon-20-nguoi-con-nuoi-ve-doi-tang-nghe-si-ut-bach-lan-trong-dau-xot-172161106145728714.htm  
......

Cựu đại sứ VNCH Bùi Diễm qua đời

Cựu Đại Sứ Bùi Diễm. (Hình: Jimmy TV) VOA Tiếng Việt   Ông Bùi Diễm, cựu đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ, qua đời sáng nay, 24/10/2021, tại tư gia ở thành phố Rockville, bang Maryland, Mỹ, hưởng thọ 98 tuổi, theo tin từ gia đình. Chân dung cựu Đại sứ Bùi Diễm. (Photo by Ngy Thanh) Ông Lã Quy Dũng, con rể của cựu đại sứ, nói với VOA: “Ông nằm ở nhà gần tháng nay. Ba ngày chót thì sức khỏe rất yếu. Trước đó thì cũng tạm tạm được, ăn uống rất ít. Ông đi trong giấc ngủ của ông sáng nay.” “Ông là một người rất nhẹ nhàng, không có đòi hỏi gì nhiều ở đời cả. Chúng tôi rất tiếc là bố đã đi,” ông Dũng, chồng của trưởng nữ Lưu Bùi của cựu đại sứ nói với VOA. Ông Bùi Diễm là đại sứ tại Hoa Kỳ đại diện cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ năm 1966 đến năm 1972, và sau đó ông tiếp tục giữ vai trò đại sứ lưu động cho đến khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975. Ông Bùi Diễm quê ở Hà Nam, sinh năm 1923, thân phụ là cụ Phó Bảng Bùi Kỷ. Cô ruột của ông Bùi Diễm là phu nhân của Thủ tướng Đế Quốc Việt Nam, Trần Trọng Kim. Nhiều người bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của cựu đại sứ Bùi Diễm. Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ bang California, nói với VOA: “Cuộc đời của ông ấy gắn bó với lịch sử cận đại của nước Việt Nam vì hoàn cảnh khá đặc biệt trong gia đình của ông, có liên hệ đến cụ Bùi Kỷ và ông Trần Trọng Kim, cũng như những biến động của Việt Nam sau năm 1954 cho đến năm 1975. “Ông ấy là một người tràn đầy tinh thần yêu nước và luôn tìm một giải pháp đỡ tệ hơn cho Việt Nam nhưng cuối cùng nó không thành. “Gia đình tôi và gia đình cụ Bùi Diễm rất thân với nhau. Tôi biết rằng cụ đã ý thức được sự tỉnh giấc của giới trẻ, từ kinh nghiệm của bản thân cho những năm 1942-1945. Và sau này cụ vẫn muốn giúp cho giới trẻ những ý thức, những hiểu biết đó. Và từ đó, cụ kể lại, viết lại một cách khá trung thực, ôn hòa và khách quan từ thời cụ Trần Trọng Kim đến thời cựu hoàng Bảo Đại, cho đến sau này là nền Đệ Nhất và Đệ nhị Cộng hòa.” Cũng từ California, ký giả Đinh Quang Anh Thái, chia sẻ: “Cụ Bùi Diễm là một người xuất thân từ đảng phái cách mạng là đảng Đại Việt. Sau đó cụ bắt đầu tham gia chính trường của Việt Nam với nhiều vai trò, từ vai trò Bộ Trưởng Phủ Thủ tướng cho đến vai trò Đại sứ. “Khi tiếp xúc với cụ Bùi Diễm chúng ta thấy rằng cụ có tấm lòng nhiệt thành của người làm cách mạng, có sự khéo léo cân nhắc, thận trọng của một người làm chính trị và một người làm ngoại giao. “Năm 1975 khi qua Mỹ, cụ tiếp tục là một tiếng nói đóng góp vào dòng chính để cho dòng chính của nước Mỹ hiểu ý nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa ra sao. Đồng thời, cụ đi đây đó để trao truyền bó đuốc cách mạng cho những thế hệ trẻ về sau.” Từ bang Virginia, nhà hoạt động nhân quyền, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt nêu nhận định: “Trong các vị của Việt Nam Cộng hòa trước 1975, cụ Bùi Diễm là người được rất nhiều người quý mến. Cụ đóng góp rất nhiều, không những cho công việc chung mà còn từ những kiến thức của cụ. Tôi có nhiều dịp nói chuyện với cụ và tôi rất kính trọng cụ. “Rất tiếc là chúng ta mất một người đã đóng góp rất nhiều trong thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. “Sau 1975, cụ cũng có những đóng góp rất lớn cho cộng đồng hải ngoại. Tiếng nói của cụ trong giai đoạn đầu giúp cho cộng đồng người Việt hải ngoại có những sinh khí và sự kích thích để hoạt động. Sau này, cụ Bùi Diễm vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến, và có những buổi nói chuyện và xuất bản sách – đó là đóng góp rất tốt cho sinh hoạt cộng đồng hải ngoại.” Ông Hoàng Đức Nhã, cựu Bí Thư và cựu Tham vụ Báo chí của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, nói với VOA: “Đối với tôi, cụ Bùi Diễm là một trong những là đàn anh, cụ lớn hơn tôi khoảng 20 tuổi, nhưng lúc nào cụ cũng coi tôi như một chiến hữu của chính sách Việt Nam Cộng Hòa. Suốt đời cụ đánh trận giặc ngoại giao trong những lúc khó khăn buộc phải thương thuyết, không những với cộng sản mà còn với đồng minh Hoa Kỳ. "Cụ dấn thân từ lúc còn làm Đại sứ tại Washington cho đến khi làm Đại sứ lưu động. Đó là công ơn mà người dân Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ quên cả. “Sau khi qua Mỹ cụ vẫn tiếp tục nêu cao chính nghĩa của mình và qua bao nhiêu bài viết, bao nhiêu hội thảo, cụ cũng đều nói lên cuộc tranh đấu của nhân dân miền Nam. “Chúng ta mất đi một chiến hữu chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa.” Cựu Đại Sứ Bùi Diễm từng viết nhiều tác phẩm bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt nói về Cuộc chiến Việt Nam, trong đó có hồi ký chính trị Việt Nam trong Gọng kìm lịch sử, xuất bản hồi năm 2000.      
......

Vĩnh biệt ông Lê Văn.

  Ông Lê Văn làm việc cho VOA từ thời chiến tranh năm 1964, ông nghỉ hưu vào năm 2002. Nhân kỷ niệm một năm Viễn Xứ 30/04/1976, ông Lê Văn là người đầu tiên đã đưa nhạc phẩm “Sai Gòn Ơi Vĩnh Biệt” của nhạc sĩ Nam Lộc đến với quần chúng qua chương trình phát thanh VOA. *** Lê Văn, biên tập viên kỳ cựu của VOA, qua đời ở tuổi 84 Hoàng Long - VOA Lê Văn, chủ biên kỳ cựu của ban Việt ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ với giọng nói thân thuộc với hàng triệu thính giả Việt Nam suốt nhiều thập niên, qua đời ngày thứ Bảy, 23 tháng 10, thọ 84 tuổi. Ông ra đi thanh thản trong giấc ngủ và sau hai năm mắc bệnh ung thư, vợ của ông cho biết. Bà không cho biết thêm chi tiết về bệnh tình của chồng. Làm việc cho VOA từ năm 1964 đến khi về hưu vào năm 2002, ông được các đồng nghiệp thuộc mọi thế hệ kính trọng về tác phong chuyên nghiệp và vốn hiểu biết sâu rộng, và được thính giả gần xa tin tưởng và quý mến về những thông tin mà ông đem tới cho họ. Ông được xem là một trong những tượng đài trong lĩnh vực phát thanh tin tức tiếng Việt ở Mỹ. Với kinh nghiệm gần 40 năm trước micro, ông là một trong những tiếng nói tiêu biểu nhất của ban Việt ngữ, mang đến cho thính giả những tin tức mới nhất và đáng tin cậy nhất từ những thời khắc nóng bỏng của Chiến tranh Việt Nam cũng như khơi lên hy vọng cho những người dưới đáy vực tuyệt vọng trong những năm hậu chiến. Trong những phát biểu cuối cùng của ông trước khi qua đời, ông trò chuyện với VOA về những kỷ niệm đáng nhớ của ông với thính giả khắp nơi, nêu bật sức lan tỏa và tác động to lớn từ những chương trình phát thanh của ông. “Sau năm 1975, mỗi một lần tôi có dịp lên sân khấu phát biểu về một điều gì đó thì đến khi tôi đi xuống rất nhiều người tới nói với tôi rằng là ông Lê Văn, tôi xin phép cho tôi ôm ông một cái,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9. “Tôi mới bảo ủa tại sao có người muốn tới đây ôm mình một cái, thì họ mới nói là bởi vì hồi xưa tôi ở Việt Nam tôi nghe ông nói về những chương trình ở bên Mỹ này giúp cho người Việt có cơ hội thoát khỏi chế độ cộng sản và đi ra nước ngoài, thì cái điều đó khiến chúng tôi nức lòng phấn khởi bởi vì đã có lúc nhiều người trong bọn chúng tôi, những người đi tù cải tạo thất vọng muốn tự tử. “Nhưng mà đến khi tôi nghe ông loan tin về những chương trình của chính phủ Mỹ thương thuyết với Việt Nam để đưa những người trước kia từng cộng tác với Mỹ, từng làm việc cho các cơ quan của Mỹ hay là những người muốn được sang thế giới tự do thì có thể ra đi theo những chương trình mới đó, lúc đó chúng tôi nhớ có những tin tức như vậy mà chúng tôi sống sót, chúng tôi bỏ ý định tự tử đi. “Đấy là cái tác động tâm lý lớn nhất và nó cũng là một niềm an ủi đối với tôi bởi mình đã đem đến cho đồng bào những tin tức mà họ rất mong muốn, họ rất cần được biết.” Lê Văn và vợ trong một bức ảnh chụp gần đây. ‘Tiếng nói’ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ Những người từng làm việc với Lê Văn nói họ mãi biết ơn ông về sự giúp đỡ mà họ từng nhận được từ ông. Ông được mô tả là một ký giả tài năng luôn hết lòng với công việc và tận tâm hướng dẫn những đồng nghiệp ít kinh nghiệm hơn. Cựu phát thanh viên Lan Phương, nhân viên của VOA Tiếng Việt từ năm 1986 đến năm 2012, nói đến giờ này bà vẫn xem Lê Văn như một người anh cả trong gia đình. Bà nói những chỉ dẫn của ông trong tư cách chủ biên là những bài học quý giá đầu tiên khi bà bắt đầu sự nghiệp của mình. “Trong vấn đề dịch thuật, khi mình dịch tin bác ấy chỉ dẫn cho mình sửa đổi làm sao cho thoát ý. Trong những bài phóng sự mình viết, bởi vì mình không có thì giờ nhiều cho bài viết để phát thanh, bác ấy luôn luôn hướng dẫn viết làm sao cho nó cô đọng, súc tích, đầy đủ và phải trong một thời lượng cho phép. Bác ấy chỉ dẫn từng chút từng chút một,” bà chia sẻ. Đó cũng là những nhận xét của nhà báo Nguyễn Văn Khanh, cựu giám đốc ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự do. Ông từng được Lê Văn tuyển mộ và làm việc tại ban Việt ngữ của VOA trong những năm 1990. Đến giờ ông vẫn nhận mình là học trò của ông. “Anh ấy bắt tôi phải ngồi xuống, đưa cái bài tôi biết và bảo rằng cái chỗ này thêm một dấu phẩy, chỗ kia phải thêm một dấu chấm. Những điều nhỏ nhoi như thế đã khiến tôi học hỏi được rất nhiều từ anh,” nhà báo kỳ cựu này nói. “Ông ấy rất bình tĩnh khi ông ấy ngồi trước micro. Điểm đó tôi tập mãi mà không được. Điểm thứ nhì là giọng nói của ông ấy rất đặc biệt, một giọng nói rất là dịu dàng. Kể cả những lúc ông phải đưa ra những lời lẽ đầy cương quyết thì ông cũng vẫn rất là dịu dàng, không chỉ với anh em chúng tôi mà với cả khán giả của đài VOA trong suốt bao nhiêu năm trời.” “Có thể nói ông thầy tôi là ‘tiếng nói’ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.” Lê Văn tên thật là Lê Lai. Ông sinh ngày 28 tháng 4 năm 1937 ở Nam Định. Ông lấy bằng cử nhân luật và văn chương sau khi di cư vào miền Nam năm 1954. Năm 1961, ông sang Mỹ học cao học lấy bằng thạc sĩ về Khoa học Chính trị tại Đại học Georgetown ở thủ đô Washington. Sau khi về hưu, ông dọn về sinh sống ở thành phố Houston bang Texas cho đến khi qua đời. Người thân và bạn bè cho biết ông là người có tính tình nồng hậu, ấm áp, biết tận hưởng cuộc sống. Ông đặc biệt am hiểu về rượu vang và đã viết một cuốn sách về nó. Gia đình dự định tổ chức tang lễ cho ông vào ngày 12 tháng 11 ở Houston và sau đó sẽ hỏa thiêu. Tro cốt của ông sẽ được an táng tại bang Virginia, nơi ông từng sống phần lớn cuộc đời khi ông làm việc tại VOA. “Chồng tôi có nhắn nói lại với VOA rằng ông ấy rất cảm ơn ân tình của tất cả thính giả mọi nơi,” bà Lê Văn nói trong niềm xúc động nghẹn ngào.    
......

Tiến Sĩ gốc Việt Võ Đình Tuấn: 'Một trong 100 thiên tài đương đại'

Võ Đình Tuấn sinh ngày 11 tháng 4 năm 1948, là một nhà khoa học, nhà sáng chế người Mỹ gốc Việt. Huỳnh Dũng TH| Võ Đình Tuấn trở thành tiến sỹ gốc Việt để lại hàng loạt công trình phát minh, bằng sáng chế quan trọng trong các lĩnh vực môi trường, sinh học, y học tại Mỹ. Tên tuổi của ông cũng được vinh danh trong danh sách thiên tài thế giới. Được biết, Võ Đình Tuấn sinh ngày 11 tháng 4 năm 1948, là một nhà khoa học, nhà sáng chế người Mỹ gốc Việt đã có 32 bằng phát minh sáng chế trong các lĩnh vực môi trường, sinh học và y học tại Mỹ. Vào năm 17 tuổi, từ Sài Gòn Võ Đình Tuấn đi Thụy Sĩ du học, ông tốt nghiệp cử nhân vật lý tại Trường Bách khoa liên bang Lausanne (1971), và bốn năm sau ông được trao bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa lý tại Viện Kỹ thuật liên bang Zurich, Thụy Sĩ. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông tiếp tục sang định cư tại Hoa Kỳ. Cơ quan Thương hiệu và Phát minh Hoa Kỳ (USPTO, trực thuộc Chính phủ Mỹ) cho biết, phát minh khoa học đầu tiên của Võ Đình Tuấn (năm 1987) là một loại băng rất nhỏ và dễ sản xuất hàng loạt, dùng để gắn vào áo của công nhân khi họ làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao, nhằm ghi lại các thông số của loại chất độc hại mà họ bị mắc phải trong quá trình lao động. Sau buổi lao động miếng băng dán này sẽ được quét qua kính quang học, nó chỉ cần 11 giây để báo cho biết ngay công nhân mang nó bị nhiễm độc ở mức độ nào và chữa chạy ngay mà không cần phải đưa vào bệnh viện để tốn thêm thời gian lấy máu, nước tiểu để xét nghiệm. Không chỉ dừng tại đó, trong lĩnh vực y tế, Võ Đình Tuấn còn phát minh các hệ thống dò tìm các DNA bị thương tổn liên quan đến chứng bệnh tiểu đường và ung thư qua công nghệ Tia Synchronous luminesence. Bởi theo ông, các dữ liệu về sức khỏe có thể được ghi lại và dễ dàng được đọc qua tia lazer song hành cùng với sợi quang học. Nhờ đó mà sức khỏe của bệnh nhân sẽ có thể được kiểm tra không cần các biện pháp y tế kinh điển như là lấy mẫu xét nghiệm, lấy mô theo kiểu truyền thống. Và phương pháp y học này được đánh giá là có thể làm thay đổi hoàn toàn quy trình chẩn đoán bệnh ung thư, khác biệt hơn so với trước đây. Tiến Sĩ gốc Việt Võ Đình Tuấn cũng là một trong những người đầu tiên kết hợp sức mạnh nhận biết của tự nhiên (ví dụ như kháng thể) với công nghệ cảm biến dựa trên ánh sáng để phát triển thiết bị mạnh mẽ được gọi là cảm biến sinh học. Ảnh: @Google. Những công trình nghiên cứu tiến bộ ở trên giúp Võ Đình Tuấn sở hữu mười bằng sáng chế liên quan và tất cả đã được mua lại bởi nhiều công ty y tế và môi trường. Thậm chí, nhiều bằng sáng chế trong số này được sử dụng bởi nhiều tổ chức nghiên cứu như là Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ và rất nhiều bệnh viện khác tại Mỹ. Đến năm 1992, tiến sĩ Võ Đình Tuấn tiếp tục phát minh một hệ thống lưu trữ quang học (SERODS) dùng trong các bộ nhớ máy tính, cơ sở dữ liệu y tế và cả NASA cũng dùng hệ thống này cho vệ tinh nhân tạo của mình. Trong năm 1994, ông đạt một thành công rất lớn trong việc chế tạo một hệ thống phát hiện ung thư bằng quang học. Đến nay, ông đã giữ 32 bằng sáng chế trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng với một loạt các nghiên cứu thú vị khác. Tiến sĩ Tuấn cho rằng, những nghiên cứu của ông phần lớn chỉ có mục đích đơn giản là góp phần làm giảm những nỗi đau của con người liên quan đến bệnh tật. Vào ngày 9/5/2002, nhân kỷ niệm tháng truyền thống của các dân tộc thiểu số châu Á tại Mỹ, bà J. C. Hayward - người phát ngôn của USTPO cho rằng, những phát minh của Tiến sĩ Võ Đình Tuấn cùng các nhà khoa học khác đã góp phần làm cho nước Mỹ trở thành nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Cũng trong năm 2002, các trường tiểu học và trung học của Mỹ đều chiếu cuốn video về những nhà khoa học, trong đó có Tiến sĩ Tuấn cho các học sinh xem như một chương trình ngoại khóa. Bà Hayward nói: "Chủ yếu để thế hệ trẻ của Mỹ nhớ đến những nhà bác học của các dân tộc và màu da khác nhau đã có những đóng góp to lớn không những cho xứ sở cờ hoa mà còn cho toàn thế giới". Tiến sĩ Võ Đình Tuấn còn làm việc tại Viện Hóa học Mỹ và là biên tập viên cũng như cố vấn của nhiều tạp chí quốc tế chuyên ngành. Ông đã đoạt 5 giải thưởng nghiên cứu & phát triển (R&D) vào các năm 1981, 1987, 1992, 1994 và 1996; tác giả của hơn 300 công trình được in ấn trên các tạp chí khoa học nổi tiếng. Ông cũng đoạt giải nhà khoa học của năm tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge vào năm 1992, nhận Giải thưởng Thương mại hóa Lockheed Martin năm 1998, và nhận Giải thưởng Sir George Stokes từ Hiệp hội Hóa học Hoàng gia năm 2019, cùng rất nhiều giải thưởng quốc tế khác. Hiện nay, nhà khoa học tài năng này đang nghiên cứu cải tiến những công nghệ mới để sản xuất những thiết bị y khoa hiện đại, có kích thước nhỏ và giá thành thấp nhằm góp phần nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như song hành tập trung vào việc phát triển các công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người. Các hoạt động nghiên cứu của ông còn liên quan đến chất liệu sinh học, vật liệu ghép nano, cảm biến nano, quang phổ laser, hình ảnh phân tử, chẩn đoán y tế, phát hiện và điều trị ung thư, thần kinh học, cảm biến hóa học, cảm biến sinh học và biochips. Những thành tựu để đời đã giúp Võ Đình Tuấn được công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu Creators Synectics vinh danh xếp hạng thứ 43/100 trong danh sách "100 thiên tài đương thời thế giới". Không chỉ dừng tại đó, ông còn được cơ quan Cơ quan Phát minh và Thương hiệu Hoa Kỳ công nhận là 1 trong 4 nhà khoa học gốc châu Á - Thái Bình Dương có phát minh lớn cho nước Mỹ. Huỳnh Dũng (TH)  
......

Tản mạn ngày sinh

Ảnh nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa - Nga Nguyễn Nghia HP Nguyen Hôm qua tôi nhận được nhiều lời chúc mừng Sinh Nhật (Một lần nữa trân trọng cảm ơn mọi người) khiến đêm-lại một lần nữa nghĩ về Sinh Nhật.   Khi bạn được chúc mừng sinh nhật vào tuổi từ 1 đến 50 ắt niềm vui chiếm trọn 100%, nhưng khi từ 60 tuổi trở lên bạn nhận được nhiều lời chúc mừng sinh nhật ắt về đêm sẽ xuất hiện trong bạn một nỗi buồn. Nỗi buồn vì bạn biết bạn đã già. Bạn đã ở bên kia dốc. Rồi một ngày nào đó thay vì những lời chúc mừng sinh nhật dành cho bạn là những lời dùng tưởng niệm ngày chết của bạn.   Tôi không nghĩ rằng cuộc đời tôi hiện hữu là Cõi tạm. Chết là hết không có cơ hội sửa chữa những sai lầm nên tự vấn thời gian nào cuộc đời mình có ý nghĩa, thời gian nào nào vô dụng.   Tôi tự thấy trong hành trình sống đã qua 72 năm, ngoài thời gian trẻ thơ, đến trường thì chỉ có khoảng 16 -17 năm trở lại đây tôi sống có ích.   Đây là thời gian tôi tham gia cùng lớp đàn anh đã khuất, cùng các bạn hiện hữu phản biện những sai lầm chính trị, điều hành xã hội của chính quyền độc tài, yêu sách đa nguyên, đa đảng, chống chính quyền Trung Quốc đã và đang âm mưu thôn tính tiếp biển đảo nước ta. Trong 16-17 năm này, 6 năm tù chính trị như một hạt vàng lấp lánh, chắc chắn là một niềm tự hào của con cháu khi thời thế thay đổi (mà chắc chắn sẽ thay đổi)   Số thời gian còn lại (nhiều hơn 4 lần có ích) tôi đã sống vô ích. Trong số thời gian vô ích kia có những năm đáng xấu hổ. Bao gồm 10 năm là đoàn viên đoàn thanh niên lao động Việt Nam (Bây giờ là đoàn thanh niên cộng sản hcm) và khoảng 2 năm “phấn đấu” để “được đứng trong hàng ngũ của đảng”. ( rất may tôi đã kịp dừng lại nhờ “tự diễn biến, tự chuyển hóa)   Phần thời gian tôi đã sống vô ích như thế nào? Trong một bài viết gần đây tôi có đề cập. Hôm nay xin phép đăng lại. ---------------------- TƯƠNG LAI LÀ VIỆT NAM (Bài viết dành cho các bạn trẻ)   Chúng tôi lớp người đã “thất thập cổ lai hi”. Nếu một bạn trẻ nào mạnh dạn hỏi: Ông/bác đã làm được gì cho tổ quốc?”. Chúng tôi cũng thành thật trả lời: “ Chúng tôi đã không làm được gì cho đất nước!”   Chúng tôi lớn lên trong chiến tranh Bắc-Nam, giai đoạn nhà cầm quyền đương thời đem tất cả nhân tài vật chất của đất nước đốt thành tro bụi để “giải phóng miền Nam” thay vì để xây dựng và phát triển quốc gia (miền Bắc). Tài năng và nhiệt huyết của lứa tuổi 70, 80, 90 chúng tôi lúc bấy giờ bị hủy hại bởi chiếc vòng kim cô là nền kinh tế tập trung, bao cấp, quan hệ xin cho, quan hệ “hồng hơn chuyên” do nhà nước độc tài áp đặt, cổ súy.   Nếu bạn trẻ nào hỏi bất kì một người nào có lương tâm ở tầm tuổi chúng tôi, đã từng hoạt động trong mọi lĩnh vực do chính quyền cộng sản điều hành và quản lý thời đó sẽ nhận được câu trả lời như tôi. Mà dù họ không dám trả lời các bạn, đã có hiện tại chứng minh. Chứng minh rằng trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân thời ấy không làm ra cái gì hết!. Nếu làm được, cả miền Bắc đã không phải ăn lúa mạch nguyên hạt của Liên Xô, bột mì mốc của Cu Ba... trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp, ruộng đồng thẳng cánh cò bay... Chứng minh rằng: Họ/ chúng tôi đã không làm được gì hết trong ngành công nghiệp ngoài phá hỏng nhiều hơn làm ra. Nếu các cơ sở kinh tế nhà nước hữu ích nó đã sống và phát triển mạnh mẽ, thay vì phải chết, phải cổ phần hóa, tư nhân hóa... Thay vì phải chấp nhận đầu tư của nước ngoài tư bản để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế, xã hội, đời sống và cả... thể chế chính trị.   Nếu lớp tuổi chúng tôi hữu ích cho quốc gia thì chúng tôi đã để lại cho con cháu những bệnh viện được xây mới trong đó có các thiết bị hiện đại, thay vì các bệnh viện xập xệ hiện nay; là các bệnh viện hai, ba bệnh nhân nằm chung một giường bệnh, thân nhân đến chăm sóc phải nằm dưới gầm giường, hoặc ngoài hành lang, trên những tấm chiếu, tấm nilon mang theo từ nhà.   Nếu lớp tuổi chúng tôi hữu ích thì chúng tôi đã để lại cho thế hệ ngày nay những trường đại học ra đại học, giáo sự ra giáo sư, tiến sĩ ra tiến sĩ... thay vì các cán bộ cộng sản và lớp nhà giàu phải đưa con em sang Mỹ, châu Âu du học và chính họ cũng đã được đào tạo đúng chuẩn để không phải học giả, mua bằng giả đặng đạt chuẩn giữ ghế cai trị.   Nếu lớp tuổi chúng tôi hữu ích cho quốc gia thì lớp trí thức chúng tôi đã để lại cho các bạn những phát minh, sáng chế, sản phẩm trí tuệ mà ngày nay xã hội và các bạn đang sử dụng.   “Lũ chúng tôi sinh nhầm thế kỷ” là câu trả lời phổ thông nếu các bạn hỏi sang lĩnh vực văn, thơ, nghệ thuật.   Đến đây các bạn trẻ sẽ hỏi: “ Vậy thì các ông/ bác thời đó làm gì để sống? Xin trả lời: Xã hội Việt Nam thời đó là một xã hội bên ngoài ta thấy không ai bị thất nghiệp, nhưng bên trong là lãn công. Chúng tôi chấp nhận sống "thắt lưng, buộc bụng", thỏa mãn với đồng lương bao cấp, dù chỉ đủ mua các nhu yếu phẩm trong sổ tem phiếu của nhà nước và nhà nước cộng sản sống bằng bao cấp của Liên Xô, Trung Quốc, các nước phe cộng sản Đông Âu cho đến lúc phe cộng sản sụp đổ, nhà cầm quyền phải phá dỡ kinh tế tập trung, bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường, chấp nhận cạnh tranh làm động lực phát triển, chấp nhận đầu tư tư bản.   Và rồi có bạn sẽ nói: “ Tại vì các ông/bác bất tài, lười biếng...” Vâng! Trong lớp chúng tôi không hiếm người tài, người chăm chỉ, nhưng chúng tôi sống trong một giai đoạn cả xã hội lười biếng vì chế độ bao cấp, bế quan tỏa cảng, quyền lợi kinh tế chia đều cho cả người bất tài và người lười biếng, đồng thời cá thể nào tự xoay xở cho bản thân và gia đình thoát nghèo ( dù chính đáng) sẽ bị loại khỏi cộng đồng.   Có bạn sẽ hỏi: “ Tại ai?”. Câu trả lời của tôi là: “ Tại Việt Nam xây dựng xã hội theo mô hình chủ nghĩa xã hội, lực lượng trực tiếp tạo ra một thế hệ lãng phí như chúng tôi là Đảng cộng sản.   Có bạn sẽ nói: “tại vì chúng tôi nhu nhược, không biết đấu tranh để thay đổi chế độ”. Tôi biết và thừa nhận rằng thế hệ chúng tôi có nhiều người ngu đến tận ngày nay khi họ đang vuốt ve ba đồng lương hưu còm, trong nhà họ treo nhiều bằng khen, huy chương do chính quyền thời ấy bố thí và ảnh các lãnh tụ của chủ nghĩa cộng sản.   Kéo dài hơn nửa thế kỷ, thế hệ chúng tôi là đối tượng vô ích, lãng phí đối với quốc gia, dân tộc bởi trên lưng chúng tôi là một nhóm quyền lực tự biến thành sản phẩm khuyết tật của lịch sử. Lớp trẻ các bạn đã có internet, mạng XH, nhiều người được đi ra nước ngoài du lịch, học tập, có lớp chúng tôi làm gương, rút kinh nghiệm để sống sao cho khỏi ân hận, xót xa với chính mình.   Có bạn hỏi tôi: “ Dân tộc nào trên thế giới mạnh mẽ? Tôi trả lời: “ Bây giờ là Israen, nhưng tương lai là Việt Nam khi VN có dân chủ!
......

Bà Christint Nguyễn Thị Mai Anh phu nhân của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ trần

  Bà Christine Nguyễn Thị Mai Anh là Phu nhân của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Bà là Đệ Nhứt Phu Nhân của chính thể Đệ Nhị Cộng hòa (1967-1975), đôi khi được gọi là Bà Nguyễn Văn Thiệu, đặc biệt là trong truyền thông Tây phương. Ông bà thành hôn năm 1951. Bà sinh năm 1931, là con gái thứ bảy (nên còn có biệt danh Cô Bảy Mỹ Tho) trong một gia đình có mười anh chị em. Xuất thân trong một gia đình Công giáo toàn tòng ở Mỹ Tho, nhưng do truyền thống Đông phương, bà chịu ảnh hưởng khá lớn nề nếp, gia phong phong kiến, nhất là trong cách đối nhân xử thế.   Tuổi hoa niên, bà cùng người em gái Tám Hảo thường xuyên lên Sài Gòn để học tập và thăm thân nhân. Do gia đình quen biết với Dược sĩ Huỳnh Văn Xuân, làm việc ở Viện bào chế Trang Hai, hai chị em bà được giới thiệu làm Trình dược viên tại Viện bào chế Roussell. Chính ông Huỳnh Văn Xuân làm mai mối cho Nguyễn Văn Thiệu (bấy giờ mang cấp bậc Trung úy Hiện Dịch) quen Mai Anh. Mặt khác, cậu của Mai Anh là Tướng Đặng Văn Quang cũng là bạn đồng khóa Trường Võ bị Đà Lạt với ông Thiệu, nên mối tình nhanh chóng được xúc tiến hôn nhân, dù có đôi chút trở ngại vì Mai Anh là tín đồ Công giáo. Ông bà chính thức làm Lễ cưới vào năm 1951. Sau này, vào năm 1958, ông Thiệu mới rửa tội theo Công giáo.   Trong những năm chồng mình đạt đến đỉnh cao quyền lực, không như Đệ Nhứt Phu Nhân Trần Lệ Xuân, bà hoàn toàn không can dự vào chính trường, mà đi nhiều vào các hoạt động xã hội hơn.   Với cương vị là Phu Nhân của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, sau nhiều năm hoạt động xã hội, cảm thông với sự thiếu thốn các Cơ sở điều trị của dân chúng khi đau ốm. Bà Nguyễn Thị Mai Anh là người lên ý tưởng, khởi xướng thành lập một bệnh viện phục vụ người dân ngay tại “thủ đô” của miền Nam lúc bấy giờ:   Bệnh viện Vì Dân, nơi ngã tư Bảy Hiền, theo lời của giới bình dân Sài Gòn lúc bấy giờ thường hay kêu đó là bệnh viện bà Thiệu, được xây dựng do bà vận động quyên tiền từ thiện của nhiều người bao gồm: Thân hào Nhân sĩ, Thương gia, Kỹ nghệ gia… Bệnh viện Vì Dân ngày xưa là bệnh viện tư nhân, nhưng được điều hành như bệnh viện công, nghĩa là: Không thu viện phí, không thu tiền khám chữa bịnh, không thu tiền các loại thuốc thông dụng có sẵn ở bệnh viện, người dân vào khám chữa được miễn phí hoàn toàn hết.   Lễ đặt viên đá đầu tiên đã cử hành ngày 17-8-1970. Nhờ sự tín nhiệm và giúp đỡ của các nhà Hảo tâm, các Cơ quan Từ thiện trong nước và ngoại quốc, các Cơ quan quốc tế, và các quốc gia bạn, nên việc xây cất và trang bị tiến triển nhanh chóng.   Ngày 4-9-1971, bệnh viện Vì Dân đã khánh thành, và điều hành ngay các khu Ngoại chẩn, Thí nghiệm, và Quang tuyến X…   Đích thân Bà Nguyễn Thị Mai Anh phát biểu trong buổi lễ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là người cắt băng khánh thành.   Ngày 21 tháng 4 năm 1975, do những áp lực từ chiến trường, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức trên truyền hình, rồi rời Việt Nam, với tư cách Đặc sứ Việt Nam Cộng hòa đến Đài Bắc phúng điếu Tưởng Giới Thạch - đêm 25 tháng 4. Lúc đầu cả gia đình sang sống tại Đài Loan, nơi trước đó ông Nguyễn Văn Kiểu, anh ông Thiệu làm Đại sứ.   Sau khi con trai thứ hai, Nguyễn Văn Lộc sang Anh Quốc học, thì cả nhà lại sang London định cư, và sống ở đó 15 năm, cho đến khi  người con sang Mỹ tiếp tục sự học, thì cả nhà cũng đến định cư tại Boston năm 1985, và bà Mai Anh nói rằng: Sẽ ở tại đó luôn cho gần con cái. Ông bà có 3 người con là: * Nguyễn Thị Tuấn Anh (Trưởng nữ) * Nguyễn Quang Lộc (Trưởng nam) * Nguyễn Thiệu Long (Thứ nam)   Ngày 29 tháng 9 năm 2001, ông Thiệu từ trần tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess Medical Center, tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, sau khi đột quỵ tại nhà. Hưởng thọ 78 tuổi, được an táng tại Boston. Hiện tại bà vẫn sống ở nơi này.   “Tôi mong có dịp về lại Việt Nam thăm mồ mả ông bà, và mang tro cốt của ổng [chồng, Nguyễn Văn Thiệu] về khi đất nước bình yên; Ông Già có trối rằng: 'Nếu được thì đem chôn tại quê ông ở Phan Rang, nếu không thì rải một nửa xuống biển và một nửa trên núi',". Bà nói như vậy về ước vọng của bà như một phụ nữ Việt bình thường không quên ơn Tổ tiên dòng họ.   Một người từng phục vụ trong Dinh Độc Lập dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhận xét: “Tôi luôn luôn giữ lòng quý mến đối với Tổng thống Phu Nhân. Bà lúc nào cũng giữ nếp sống bình dị của người đàn bà phúc hậu, bao dung của sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đối với tôi, bà Thiệu là hình ảnh một người mẹ, một người vợ hiền đảm đang, hơn là một vị Đệ Nhất Phu Nhân sống trong tột đỉnh của quyền thế, và nhung lụa giàu sang. Bà là điển hình của mẫu người phụ nữ lớn lên trong gia đình được hấp thụ trọn vẹn một nền giáo dục Khổng Mạnh (tuy bà là người Công giáo), mà chúng ta thường thấy trong xã hội miền Nam thời thập niên 40. Bà Thiệu luôn luôn tỏa ra sự trong sáng và vui tươi. Bà không bao giờ câu nệ về cách ứng xử của nhân viên thuộc cấp. Mỗi lần gặp mặt, bà luôn luôn lên tiếng hỏi thăm sức khỏe chúng tôi trước, không kịp để chúng tôi chào bà. Điều đặc biệt là bà không bao giờ đề cập đến bất cứ chuyện gì có liên hệ đến việc làm của ông Thiệu với chúng tôi. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, chỉ có một lần duy nhứt tôi nghe bà than phiền với ông Thiệu, bằng lời lẽ rất ôn tồn về một nhân vật có đầy quyền thế tại Phủ Tổng thống, trong lúc tôi đang đứng bên cạnh”.   Trước năm 75 người dân Sài Gòn còn đồn đãi nhau về những chuyện buôn lậu tham những bên cạnh chuyện ông Thiệu có liên hệ tình cảm với một vài Ca sĩ, và cả với một chủ nhà hàng ăn bên ngoài Sài Gòn. “Tất cả cũng chỉ là những tin đồn, không ai biết thực hư ra sao”, theo lời một nhân vật thân cận trong chính quyền trước đây không muốn nêu danh tính.   “Bà Thiệu là một người đứng cạnh chồng, một người chỉ biết lo cho gia đình, không phải người của quần chúng đâu!”.   Người này còn công nhận bà Thiệu là người đáng kính, không có cái kênh kiệu vênh váo của một người có quyền thế. Thỉnh thoảng và cũng rất ít, bà xuất hiện đi ủy lạo cho Thương bệnh binh, và chưa hề tuyên bố một điều gì.   Vào năm 1972, một người Hoa Kỳ làm việc tại Việt Nam đã xin phép lấy tên bà Nguyễn Thị Mai Anh đặt cho một giống Lan: Brassolaeliocattleya Mai Anh, cùng dịp này còn có bà Đinh Thúy Yến (Phu nhân Thủ tướng Trần Thiện Khiêm): Brassolaeliocattleya Dinh Thuy Yen.   Nguồn: Nhìn Ra Bốn Phương
......

Chuyện ăn phở

Nguyễn Thông   Một tờ báo, tờ Lao Động, hôm trước đăng bài nói chuyện ăn phở bị thiên hạ mắng té tát. Là người trong nghề, tôi đọc cái tít bài ấy là biết ngay tác giả mượn phở để nói điều khác. Tuy nhiên tít ẩn ý thường dễ bị hiểu lầm, nhất là ở thời điểm nhạy cảm, với đối tượng nhạy cảm. Giá thay “Sài Gòn” thành “TP.HCM” thì biết đâu lại được khen. Xì xụp hay không xì xụp, không thành vấn đề, nhưng tự dưng tạo ra hình ảnh người Sài Gòn đứng nhìn, thèm thuồng khi thấy người Hà Nội ăn. Giống như đứa trẻ con ăn mày ăn xin nuốt nước miếng ừng ực đứng chờ người khác ăn để được… ăn thừa. Rất tội nghiệp. Vẫn biết tác giả bài báo nhắm tới cái sự thèm khác, thậm chí ẩn ý rất sâu xa, thèm tự do, thèm không bị câu thúc gò bó, thèm được cởi hết mọi trói buộc, v.v.. nhưng người đọc cứ hiểu là thèm ăn thì cũng phải chịu. Đọc xong cái tít rồi người ta không thèm đọc bài nữa, đó là thất bại của người viết.   Đã viết thì viết cho nó đúng, phải nói là dân Hồ Chí Minh chết thèm nhá. Ngoc Vu Nhân chuyện phở, nhà cháu nhớ lại những gì liên quan tới nó, mà có những bác nghiện phở, say phở hơn vợ không ngần ngại tôn là quốc hồn quốc túy. Ở nước Nam ta, có nhẽ phở là món ăn nổi tiếng nhất. Nơi nào nước mình cũng thấy phở, hầu như ai cũng thích phở. So với thức dùng đặc sản, đặc trưng chỗ này chỗ khác, chẳng hạn thắng cố, bún chả, bánh đa cua, hủ tiếu, bánh canh, gỏi cuốn, bánh tôm… thì ta thấy những món ấy chỉ vang danh trong vùng địa giới nhất định, lôi cuốn được nhóm người nhất định. Chứ phở thì không biên giới, không phân biệt già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu, đảng phái giai cấp, quân dân chính đảng, đàn ông đàn bà, vùng gần vùng xa, miền xuôi miền ngược, thành thị nông thôn, trong nước ngoài nước... Phở bành trướng ra cả những quốc gia xa tít tận châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Dường như cứ nơi nào người Việt cư trú là xuất hiện phở. Không có đồ ăn thức uống, thức quê Việt nào oai như nó, danh tiếng lẫy lừng như nó.   Nghe nói dạo ông Barack Obama tổng thống thứ 44 của nước Mỹ thăm Việt Nam, khi làm thượng khách ngụ Hà Nội, cũng thèm phở lắm, tuy nhiên nhà báo kiêm đầu bếp trứ danh Anthony Bourdain bạn thân ông đã khuyên rằng đừng dẫm vào vết của người tiền nhiệm, cần phải khác đi, hoãn cái sự thèm phở lại. Hai ông đã lần mò đi ăn bún chả Hương Liên quán ở phố Lê Văn Hưu, khiến cái quán bún này tưng bừng nổi tiếng, anh em an ninh mật vụ cả tây lẫn ta một phen mệt phờ, còn dân đứng ngóng bên ngoài chờ coi mặt tổng thống ăn bún Việt đông như hội. Mà cái ông Obama này, tôi chỉ nhớ được mỗn vụ ăn bún chả trong sự nghiệp của ổng, còn lại rất nhạt, chả được trò gì, nhất là để Tàu nó dắt mũi.   Tiền nhiệm ư. Chả là ông Bourdain muốn nhắc tới chuyện ông Bill Clinton tổng thống thứ 42 hồi đột phá mở đường quan hệ Việt - Mỹ đã thưởng thức phở Việt, tấm tắc khen ngon. Tôi còn nhớ dạo đó năm 2000, rà lại gu gồ (Google) thì cụ thể ngày 19.11, ngài Clinton đã hít hà xì xụp tô phở nóng tại một nhà hàng phở có thương hiệu “Phở 2000” góc phố sát chợ Bến Thành, quận 1, Sài Gòn. Có nhẽ lần đầu ăn phở, lại là thứ phở “đãi” tổng thống, nên ông ấy khen ngon. Tôi cho là ổng khen thực tình bởi người Mỹ rất thực dụng, thẳng thắn, không có tính đãi bôi. Nhưng riêng tôi lấy làm tiếc bởi ngài tổng thống, chả biết do những quân sư hoặc mưu sĩ nào chọn giùm, đã nhầm địa chỉ phở. Hoặc họ chỉ nhắm tới cái tên thương hiệu phở có con số 2000 nhằm đánh dấu cột mốc lịch sử khai thông quan hệ. Cũng có thể, từ khách sạn 4 sao New World tới nhà phở 2000 kia chỉ vài bước chân, lội bộ cũng tiện, đảm bảo được tiêu chuẩn an ninh (luôn được đặt lên hàng đầu), nhưng đi ăn phở, thưởng thức phở quốc hồn quốc túy của xứ này, không cốt chọn ngon mà chọn sự an toàn, thì chưa đạt tới tầm của phở. Trên đất Sài Gòn, lẽ ra phải cho quân hầu tới xí chỗ trước ở phở Lệ, phở Hùng (Hùng trên đường Nguyễn Trãi, gần bùng binh chợ Thái Bình quận 1 chứ không phải những Hùng khác, na ná cái biển hiệu), chí ít cũng phở Tàu Bay, phở Hòa, phở Quyền, phở Dậu. Còn nếu đúng kiểu tay chơi cường quốc số 1 thế giới, thực sự sống chết với phở, thì phải cất cánh ngay cái tàu bay chuyên cơ Air Force One vọt ra Hà thành xếp hàng đợi bát phở Bát Đàn, hoặc phở Lò Đúc, phở Thìn, phở Lý Quốc Sư, mới là sành điệu phở.   Hồi tôi còn bé, ở miền Bắc, nhất là nông thôn, những năm 60, chỉ nghe nói đến phở chứ thực tình không biết nó thế nào. Không hình dung ra bởi đơn giản chưa được ăn. Thức quê bỏ vào mồm dạo ấy, ngoài hai bữa cơm chính trong ngày, thì chỉ là khoai, bắp (ngô), củ mình tinh, dong riềng, khoai sọ, cơm nguội, bột mì luộc, chứ tịnh không có phở. Nghe người nhớn dụ cứ chịu khó làm lụng, khi nào có tiền thày bu dắt ra Phòng (Hải Phòng) cho ăn phở để biết mùi quý phái. (còn tiếp)  
......

Văn chương và thuốc lá

Ảnh tác giả Phong Huy Doan   Hàng năm cứ đến tháng 10 giải thưởng Nobel sẽ công bố danh sách những người trúng giải .   Lúc nhỏ tôi chỉ quan tâm Nobel Văn Chương , cuốn cuối cùng đọc trước 30/4/1975 là Lạc Lối Về của Heinrich Böll , đoạt giải năm 1972, do Từ Tốc dịch (sau này mới biết đó là bút hiệu khác của ông Huỳnh Phan Anh)   Qua đến năm 1973 , do sự kiện Kissinger và Lê Đức Thọ được đề nghị nhận giải Nobel Hòa Bình , thế là tôi cụt hứng và từ đó không còn chú ý đến việc làm của ủy ban này .   Vượt biên , được cứu và tôi đến Đức năm 1980 , tức là đất nước của Heinrich Böll . Văn hào này là người vận động, bênh vực và hỗ trợ thuyền nhân , những điều vừa kể làm tôi yêu ông thêm .   Đang học Đức Ngữ nhưng cũng mua sách của ông về đọc với hy vọng học nhanh hơn !   Chuyện ông viết lúc nào cũng phảng phất đâu đó điếu thuốc lá , sân ga , con tầu ...   Tôi biết hút thuốc trước đó nhưng cầm trên tay cuốn sách , lên xe lửa , nhìn hành khách đến và rời bến , tiếng còi tàu, thì hút thuốc thấy thú vị hơn .   Thời đó tôi sống gần biên giới Hòa Lan , giá thuốc lá bên đó rẻ hơn Đức 1/3 , họ lại nổi tiếng về thuốc rê , vì là học sinh nên tôi chọn sản phẩm này , giá cả bằng một gói thuốc nhưng vấn được đến 100 điếu . Thỉnh thoảng tôi đạp xe sang mua , đường dài bằng Sài Gòn-Thủ Đức và vì Hòa Lan đất bằng nên đạp không mệt .   Khi Heinrich Böll xuất hiện trên truyền hình , lúc nào ngón tay cũng có điếu thuốc . Có lẽ ông hút rất nhiều và ông đã qua đời với căn bệnh có liên hệ xa gần với điều này .   Tôi cũng hút thuốc rất nhiều nhưng rốt cuộc quyết định bỏ . Bỏ cũng không dễ , không phải một giờ một ngày mà là một giai đoạn , nhưng tôi bỏ được thói quen này .   Sau này sang Hòa Lan thì không phải đi để mua thuốc lá nhưng tình cờ gặp một pho tượng mời một điếu, không còn nhớ ở đâu ? Chắc là Nijmegen !
......

Máu Việt chảy trên đường thiên lý

ThanhNghe Bui Hai vợ chồng, hai bạn trẻ, là đồng bào dân tộc thiểu số. Người chồng 26 tuổi người vợ 23, đã có với nhau một đứa con 4 tuổi đang gửi ở nhà ông bà nội ở Bắc Giang.   Hơn một năm rưỡi nay hai vợ chồng đi làm công nhân ở Bình Dương, do dịch bệnh nên đã thất nghiệp hơn 4 tháng. Phòng trọ 9 mét vuông mỗi tháng 5 trăm rưỡi, hai người đã nợ tiền phòng hơn ba tháng.   Người vợ mang thai tới tháng thứ tám thì sinh non ở trạm xá, do thiếu tiền nên nằm ổ chưa tới nửa ngày đã bị đuổi về. Lúc hai người về tới phòng trọ thì chủ nhà đã khóa cửa và ném mấy bộ quần áo của họ ra ngoài sân, tới tấm chiếu cũng bị ngâm trong vũng nước mưa.   Đó là 16 tiếng sau khi người vợ vừa sinh, hai vợ chồng quyết định chạy xe máy 2000 cây số về quê với hai bịch ni lông đồ đạc, một khô một ướt. Xe dream lùn không thắng trước, không chắn bùn, không đèn pha, chồng ngồi trước, vợ ngồi sau, đứa con ở giữa. Và 4 trăm rưỡi trong túi, là do hàng xóm xung quanh vét cạn túi để gom góp mà giúp đỡ cho họ.   Người chồng mặc áo mưa ni lông để người vợ luồn tay vào và giữ đứa con ở khoảng giữa sau lưng người chồng, là để tránh gió cho con.   Đi vừa tới chốt kiểm soát dịch của Bình Dương thì họ bị chính quyền tịch thu xe. Người chồng lạy lục trong trưa nắng suốt mấy tiếng đồng hồ thì mới chuộc được cái xe cùi ra với giá 3 trăm ngàn.   Chạy tới Bình Thuận thì hết tiền đổ xăng, may sao được người dân cho đồ ăn, nước uống và 500 ngàn. Họ chạy tới Cam Ranh thì ngủ lại một đêm ngoài mái hiên, sáng hôm sau đi tiếp.   Rồi họ cứ đi, dọc đường may mắn gặp được những người di tản cùng cảnh ngộ thương tình, người cho ổ bánh mì, người cho lít xăng, người cho hộp sữa. Họ ngủ thêm một đêm nữa ở chân đèo Hải Vân để chờ trời sáng thì vượt đèo. Tới chỗ dốc cao sợ đứt sên thì người vợ vừa bồng con vừa đẩy xe cho chồng. Xuống dốc thì chà dép để phụ thắng xe, chà mà hụt dép thì gót chân cạ xuống đường rồi tróc ra miếng da chỗ gót chân.   Tới Đà Nẵng thì xe hư nên họ ở lại thêm một đêm nữa, may mắn là lúc rạng sáng họ đã gặp người tốt giúp sửa xe miễn phí.   Lúc đi qua địa phận Nghệ An, người vợ lúc này đã là gần 5 ngày tính từ lúc sinh, thì bỗng chảy máu dữ dội ở thân dưới, rất đau đớn. Lúc đó khoảng 6 giờ sáng, họ dừng lại ở cổng của một trạm xá mà ngay bên cạnh là ủy ban nhân dân. Họ nằm ngủ ở ngay ngoài cổng, muốn chờ để khi trạm xá mở cửa thì sẽ vào xin bông gòn, định nhét vào chỗ thân dưới của người vợ để cầm máu. Họ đã hết quần áo khô để lót rồi, máu chảy ra đã tràn cả xe, trên yên xe là một lớp máu khô đen đỏ, tanh rình.   Đứa con năm ngày tuổi, là con gái, nó bú xong rồi ngủ, may là có đồ ăn dọc đường người ta cho nên người mẹ vẫn còn sữa.   8 giờ sáng trạm xá mở cửa, hai vợ chồng chưa kịp nói gì thì họ đã bắt hai vợ chồng phải test xét nghiệm. Test xong thì họ nói là phải trả 700 ngàn, thêm tiền bông gòn với nước muối rửa âm đạo nữa là 8 trăm rưỡi.   Hai vợ chồng móc ra, chỉ còn có hai trăm tám chục ngàn, họ lấy hai trăm rưỡi, để lại ba chục tiền lẻ. Rồi họ kêu dân quân giữ lại cái xe tàn để cấn 600 ngàn tiền nợ kia.   Người chồng nhìn năm sáu dân quân với gậy ba ton, không thể làm gì khác ngoài giao ra chìa khóa xe.   Test không sai, đó là luật của nhà nước. Giá tiền không sai, đó là giá của nhà nước. Thu đủ tiền cũng không sai, đó là quy định của nhà nước. Chỉ có hai vợ chồng và đứa con năm ngày tuổi là sai, họ không hiểu về nhà nước.   Hai vợ chồng bồng đứa con đi tiếp, bỏ sau lưng là ánh mắt xua đuổi của mấy chục người trong trạm xá và ủy ban nhân dân. Những ánh mắt tức giận dành cho hai kẻ đã làm thâm thủng 600 ngàn đồng của chính phủ. Cái xe tàn kia bán phế liệu hi vọng sẽ đủ để bù vào ngân khố quốc gia. Giận nhất là đám dân quân, họ phải xối nước để khử máu và mùi tanh trên xe, mùi bà đẻ.   Vì thiếu tiền nên không có nước muối, chỉ có bông gòn. Người vợ bóc từng lớp bông gòn để nhét vào chỗ thân dưới vẫn đang chảy máu, vì cộm giữa háng và vì tróc da gót chân nên bước đi của người vợ có hơi khó khăn.   Người chồng mặc áo mưa và rút tay vô bên trong để bồng con, mỗi bước đi là mỗi lần hít sâu rồi hà hơi vào bên trong để giữ ấm cho con.   Trời đang mưa và họ vẫn đang đi về nhà, đường về còn xa xôi lắm, họ chỉ muốn về tới nhà mà thôi...
......

Kỷ niệm về Phạm Đoan Trang với cây đàn tù

Phạm Thanh Nghiên   Đây là “Cây đàn tù”. Sở dĩ nó mang tên gọi ấy vì cây guitar này từng trải qua ngót nghét 40 năm bị giam cầm, có lẽ dài hơn bất cứ đời tù nào của người Việt Nam. Không biết ai là chủ nhân đích thực hoặc đầu tiên của nó. Nhưng cây đàn đã được chuyền tay qua nhiều thế hệ tù nhân chính trị từ sau năm 1975 đến cuối năm 2013. Người cuối cùng may mắn được sở hữu cây đàn này là chồng tôi, cựu tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú. Chồng tôi kể, năm 2008, người bạn tù là Trần Quốc Dũng mãn án sau 18 năm đã tặng lại cây guitar này cho anh với lời căn dặn: “Chừng nào em mãn án, hãy mang cây guitar này về luôn nhé, vì nó đã ở tù lâu quá rồi”.   Cuối năm 2013, chồng tôi mãn án, mang theo kỷ vật là cây đàn guitar, chấm dứt những năm tháng tù đày và thăng trầm của nó. Trong bài “Cây Đàn Tù” anh Tú viết tháng 8 năm 2018, có đoạn: “Cây Đàn Tù từng bị giam giữ cùng những tù nhân nổi tiếng và bất khuất như: giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo (án 20 năm), Thượng toạ Thích Trí Siêu (tức Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, tử hình sau được giảm xuống 20 năm), Họa thượng Thích Thiện Minh (26 năm), Hòa thượng Thích Không Tánh (16 năm), bác sĩ Nguyễn Đan Quế (20 năm), các Linh mục Trần Đình Thủ, Phạm Minh Trí, thầy Nguyễn Viết Huân (20 năm) và một số tu sĩ thuộc Dòng Đồng Công, sử gia Phạm Trần Anh (chung thân), Người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu (37 năm), nhạc sĩ Vũ Thành An (tác giả của “10 bản không tên” nổi tiếng), giáo sư Nguyễn Đình Huy (chủ tịch đảng Tân Đại Việt)…Sau này, Cây Đàn Tù còn làm bạn với nhiều thế hệ tù nhân lương tâm nổi tiếng khác như Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Vũ Anh Bình, Phạm Bá Hải, Phan Văn Thu (án chung thân), các mục sư Dương Kim Khải, Nguyễn Công Chính…Hầu hết các tù nhân Chính trị và Tôn giáo ở trại tù Xuân Phước- Phú Yên trong suốt thập niên 80 và tù nhân trại tù Xuân Lộc – Đồng Nai từ năm 1990 đến thời điểm 2008 cũng đều biết đến Cây Đàn Tù này”.   Mùa thu năm 2016, Phạm Đoan Trang từ Hà Nội vào Sài Gòn, có ghé thăm chúng tôi ở Vườn rau Lộc Hưng. Đấy là lần đầu tiên ba chúng tôi ngồi đàn hát với nhau, trong căn phòng trọ đơn sơ nhiều kỷ niệm. Tôi vẫn nhớ vẻ ngậm ngùi, có chút e dè của Trang khi chạm tay vào Cây Đàn Tù. Trang không chơi được bản nhạc nào bằng cây đàn ấy. Nó kén người thì phải. Tôi nói đùa: -Chắc Trang chưa đi tù ngày nào nên nó không chịu “hợp tác”. Nó thích người tù hơn. Anh Tú bảo: -Cây guitar này cũ quá rồi. Phải biết...lựa mới chơi được. Tôi không hiểu phải “lựa” thế nào mới chơi được. Nhưng rõ ràng, qua tay anh Tú, âm thanh của nó khác hẳn, réo rắt, và buồn. Anh Tú giải thích: -Cây đàn này mang nặng thân phận của những người tù. Vì thế nó chỉ có thể chơi được nhạc buồn thôi. Những bản vui nhộn không hợp với nó. Nghe không ra nhạc, âm thanh vô duyên lắm.   Buổi tối hôm ấy, tôi đã hát say xưa với tiếng đàn guitar của Trang và âm thanh réo rắt, thiết tha từ Cây Đàn Tù trong tay anh Tú. Và rồi, chúng tôi còn có thêm nhiều kỷ niệm, nhiều những buổi đàn hát cho nhau nghe.   Với những người bị chế độ coi là “kẻ thù” như vợ chồng tôi, chẳng thể biết chắc được điều gì đang đón chờ phía trước. Nói dại, lỡ một ngày nào đó vợ chồng tôi bị sách nhiễu, hay bị bắt, người ta sẽ khám nhà, sẽ “tịch thu” Cây Đàn Tù thì uổng lắm. Chúng tôi không muốn kỷ vật tinh thần vô giá ấy phải chìm nổi theo thân phận nổi trôi của mình thêm một lần nào nữa. Vì thế, năm 2018, chúng tôi quyết định tặng Cây Đàn Tù ấy cho vợ chồng nghệ sĩ Dương Hòa- Bình Cadillac ở Úc. Trước khi gửi đi, chúng tôi đã mời một số cựu tù nhân chính trị, những người từng “quen biết” với cây guitar này trong chốn lao tù cùng ký tên kỷ niệm. Đó là chữ ký của Hòa thượng Thích Thiện Minh, của Người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình. Tính cả vợ chồng tôi, thì năm người ký tên lên cây đàn ấy tổng cộng 87 năm tù. Người duy nhất thời điểm đó “chưa tù” là Phạm Đoan Trang. Khi được mời ký tên lên Cây Đàn Tù, Trang lưỡng lự: -Tôi đã đi tù ngày nào đâu mà nhận vinh dự này. Cả năm người đều đã tù rồi, toàn án nặng. Chú Cầu 37 năm, thầy Minh 26 năm, ông (*) nhẹ nhất cũng 4 năm. Tự nhiên tôi lạc loài ký tên vào đó, sợ không xứng. Tôi mắng: -Cái gì mà xứng với không xứng. Tôi chả mong đâu nhưng trước sau kiểu gì ông chả tù. Không là cựu tù thì cũng là “tù nhân dự khuyết” rồi. Cứ ký đi. -Ừ, ông nói đúng. Chuyện tôi bị bắt chỉ là thời gian thôi. Tôi cũng xác định rồi. Ký thì ký. Hôm nay mồng 6/10/2021, tròn 1 năm ngày Phạm Đoan Trang bị bắt. Tôi lẩn thẩn viết vài con chữ vụn vặt, rời rạc nhắc lại kỷ niệm của Trang với Cây Đàn Tù. Nhiều lần Trang tâm sự với tôi, nếu phải đi tù, điều khiến cô ấy lo lắng và khổ tâm nhất là không được chơi đàn. Trang dặn “Nếu một ngày nào đó tôi bị bắt, và nếu ông thương tôi thì ráng tìm cách gửi cho tôi cây đàn. Ông hãy làm mọi cách để tôi được chơi đàn trong tù”.   Tròn một năm rồi Trang chưa được đặt tay lên phím đàn. Tròn một năm rồi tôi chưa hoàn thành bổn phận của một người bạn được gửi gắm. Cây Đàn Tù bây giờ đã yên ấm ở một xứ tự do. Từ con số 87, không biết nó sẽ phải cộng thêm bao nhiêu năm tù cho một người đang chờ đợi, đang mòn mỏi trong lao ngục?   Chú thích: (*) ông: Tôi và Trang hay xưng hô “ông-tôi” kiểu tinh nghịch, tếu táo. #phamdoantrang   Phạm Thanh Nghiên Đây là phóng sự về Cây Đàn Tù do đài SBS (Úc Châu) thực hiện. Trong phóng sự, nhạc sĩ Bình Cadillac cầm Cây Đàn Tù và đệm bài “Lạy mẹ con đi” của nhạc sĩ Đình Đại viết tặng Phạm Thanh Nghiên “Lạy mẹ con đi về chốn tù lao. Lạy mẹ con đi vì không muốn sống cúi đầu”. https://www.sbs.com.au/language/vietnamese/audio/hat-giong-yeu-thuong-209-cay-dan-tu?fbclid=IwAR1Tynvj8HtdSd9GmL0UDVEnMOw3tj0-lRQj_iz8jFiHcrYamYe06q91n0M    
......

‘Bán giấc mơ’ trị giá 27 tỷ USD cho Facebook, Google, người đàn ông giàu nhất châu Á đang toan tính gì?

Ảnh: Ông Mukesh Ambani  chủ tập đoàn Reliance của Ấn Độ Tạ Trung Tín (Daniel)  Cùng lúc thu hút được hàng chục tỷ USD tiền đầu tư từ Google, Facebook, người đàn ông giàu nhất châu Á sẽ “chi tiêu” ra sao? Mukesh Ambani – ông chủ tập đoàn Reliance của Ấn Độ đã dành cả năm 2020 để thuyết phục Facebook, Google và hàng loạt những “tay to” ở phố Wall “mua” tầm nhìn của ông về một tham vọng cải tổ doanh nghiệp được cho là lớn bậc nhất thế giới. Hiện tại, với số vốn 27 tỷ USD có trong tay, người đàn ông giàu nhất châu Á đang chịu áp lực phải tiêu làm sao cho đúng cách.  Tờ Bloomberg cho hay, ông trùm 63 tuổi đang tập trung vào hàng loạt ưu tiên khi ông nỗ lực biến Reliance Industries từ một cỗ máy già nua thành một gã khổng lồ công nghệ và thương mại điện tử. Tham vọng này gồm cả việc phát triển các sản phẩm phục vụ cho mạng lưới 5G sắp được ra mắt vào năm tới; Hợp tác với dịch vụ thanh toán WhatsApp của Facebook để hình thành nên nền tảng kỹ thuật số của Reliance và hợp nhất những hoạt động thương mại điện tử của công ty với mạng lưới những cửa hàng vật lý trên khắp cả nước. Tỷ phú Ambani cũng đang thúc đẩy kế hoạch bán cổ phần ở mảng hóa dầu của Relicance – một thỏa thuận mà ông hy vọng sẽ giảm được nợ cho công ty và hỗ trợ tài chính cho kế hoạch cải tổ mà ông đưa ra vào đầu năm nay. Các nhà đầu tư hiện đang chăm chú quan sát từng bước đi của Ambani khi ông đại tu toàn bộ đế chế của mình với giá trị thị trường đạt 179 tỷ USD. Trong bối cảnh đại dịch, theo sự dẫn dắt của Ambani, đế chế Reliance đang bước vào những ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao và phải đối mặt với những đối thủ “máu mặt” gồm cả Amazon và Walmart. Cổ phiếu Reliance tăng 55% trong năm nay lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 9 nhưng kể từ đó đã giảm phần nào khi các cổ đông đều đang nóng lòng xem cách ông Ambani thực thi thế nào. “Lực lượng đã được thiết lập. Nhưng có rất nhiều việc phải làm”, một chuyên gia nhận định. Dù thời gian gần đây ông Ambani công khai mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác lớn. Tuy nhiên ít ai biết, ban đầu đây chỉ là “kế hoạch B” của ông. Mục tiêu ban đầu của ông là bán 20% cổ phần mảng hóa dầu của Reliance cho Saudi Arabian Oil Co. ở mức giá trị doanh nghiệp 75 tỷ USD, tức là số cổ phần định bán trị giá khoảng 15 tỷ USD. Thỏa thuận với Aramco đầu tiên được công bố vào tháng 8/2019 với kỳ vọng hỗ trợ Ambani trong cam kết kéo công ty ra khỏi khối nợ 22 tỷ USD trong 18 tháng. Tuy nhiên, khi quá trình thảo luận với Saudi đổ bể, các nhà đầu tư vào Reliance trở nên lo sợ. Cổ phiếu công ty đã giảm hơn 40% trong 3 tháng tính tới 23/3. Sau đó, tỷ phú Ambani đã quyết định đẩy nhanh các cuộc đàm phán bán cổ phần tại mảng dịch vụ kỹ thuật số và bán lẻ.  Phản ứng từ các nhà đầu tư vượt kỳ vọng của công ty. Một vài tên tuổi lớn gồm cả KKR & Co, Silver Lake và Mubadala Investment cam kết rót hơn 20 tỷ USD vào mảng kỹ thuật số và 6,4 tỷ USD vào mảng bán lẻ cho Ambani. Reliance tuyên bố họ không còn nợ trong tháng 6, hoàn thành trước 9 tháng so với kế hoạch. Cổ phiếu Reliance tăng mạnh. Tại cuộc họp cổ đông hàng năm của Reliance vào tháng 7, Ambani và 2 con của ông là Isha và Akash đã phác thảo ra những tham vọng công nghệ cao của họ. Trong những dịch vụ mới họ đề cập có mạng lưới không dây 5G sẽ đi vào hoạt động vào năm tới và một nền tảng stream video. Mảng kỹ thuật số của Reliacne là Jio Platform cũng sẽ phát triển một danh mục giải pháp công nghệ và ứng dụng cho hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ Ấn Độ. Tỷ phú Ambani còn nhấn mạnh rằng kế hoạch này có thể sẽ mở rộng ra cả nước ngoài nữa. Ưu tiên lớn nhất của công ty trong năm 2021 là 5G. Khi các nhà chức trách vẫn chưa quyết định xem ai sẽ là đơn vị trúng thầu thì Ambani nói vào tháng này rằng công ty của ông “sẽ ưu tiên giải pháp 5G ở Ấn Độ trong nửa đầu năm 2021”. Những chiếc điện thoại thông minh giá 54 USD Reliance cũng đang lên kế hoạch cho ra mắt dòng sản phẩm 5G trong cuộc họp cổ đông vào năm tới. Công ty cũng đang làm việc với Google về loại điện thoại chạy Android có giá 54 USD – một phần chiến lược giúp nhiều người Ấn Độ sử dụng dữ liệu di động hơn cho các dịch vụ gồm stream video, game trực tuyến và mua sắm. Reliance xem mối hợp tác với WhatsApp gần đây như một bước quan trọng trong việc phát triển dịch vụ mua sắm trực tuyến. Công ty đang nỗ lực làm việc cùng nhau khi các nền tảng thương mại điện tử của Reliance đã tiếp cận tới hàng trăm triệu người cùng Facebook, WhatsApp và Instagram. Thách thức lớn nhất của Ambani hiện là mang về lợi nhuận cho những khoản đầu tư này. Những ngành công nghiệp mà ông Ambani đang nhắm tới đều đang phát triển không ngừng, hơn rất nhiều so với mảng hóa dầu – thứ vẫn chiếm phần lớn doanh thu hiện tại của công ty. Những thách thức Cũng có những thách thức liên quan tới vấn đề bộ mặt của Reliance. Công ty hiện chưa tiết lộ kế hoạch chuyển giao quyền lực nhưng 1 tờ báo địa phương nói vào tháng 8 rằng ông Ambani với khối tài sản trị giá 77 tỷ USD đang thiết lập một “hội đồng gia đình” và nhắm tới hoàn tất kế hoạch kế nghiệp vào cuối năm sau. Ông Ambani nổi tiếng là người giúp thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp viễn thông Ấn Độ từ 4 năm trước khi cung cấp cuộc gọi miễn phí và dữ liệu rẻ, buộc một vài đối thủ nhỏ phải phá sản. Mạng lưới không dây Reliance Jio Infocomm của ông hiện có hơn 400 triệu người đăng ký. “Mukesh là một phần quan trọng trong làn sóng đổi mới này. Tầm nhìn và sự tập trung của ông vào tương lai nơi mọi người dân Ấn Độ có thể được hưởng lợi từ cơ hội công nghệ thực sự thu hút chúng tôi và chúng tôi vui khi được là đối tác trong quá trình đó”, Sundar Pichai – CEO Google – đơn vị đầu tư vào Reliance nói.  Dù vẫn còn quá sớm để tuyên bố sự chuyển đổi của Reliance có thành công hay không nhưng nhiều người lạc quan, tin tưởng vào Ambani. “Ambani rất nhạy bén trong thực thi mọi việc. Ông ấy nhìn vào bức tranh lớn trong khi cùng lúc vẫn chú ý tới những chi tiết nhỏ. Rất giống Jeff Bezos. Cả 2 đều rất đặc biệt. Không ai trong số họ biết đến sự từ bỏ cả”, một chuyên gia nhận định.  
......

Vì sao Telegram không bán gì cả mà vẫn sống khỏe với hàng trăm triệu người dùng?

  Tạ Trung Tín (Daniel)   Telegram là một ứng dụng đặc biệt nhấn mạnh về sự riêng tư, nhưng bên cạnh đó nó vẫn rất tốt để dùng với trải nghiệm ngon lành xuyên suốt các nền tảng. Telegram ra đời năm 2013 bởi hai anh em tên Pavel Durov và Nikolai. Năm 2006, Pavel Durov từng được xem như là Mark Zuckerberg của Nga khi sáng lập nên mạng xã hội VKontakte (VK). Mạng xã hội này khá phổ biến ở Nga, tuy nhiên sau khi chính phủ của Vladimir V. Putin siết chặt kiểm soát VK và đưa ra một số yêu cầu tiết lộ thông tin thì Pavel Durov đã không còn cảm thấy an toàn ở Nga, thế nên ông rời đi. “Bản thân tôi không tin tưởng vài khái niệm quốc gia”, Durov nói. Ông bán hết số cổ phần còn lại của mình ở VK cho hãng Mail.ru và rời khỏi Nga vào năm 2014 với số tiền khoảng 300 triệu USD trong túi. Khi đã ra nước ngoài, ông tiếp tục phát triển Telegram và đến giờ, ông cùng với một nhóm các kĩ sư phần mềm luôn di chuyển giữa các nước mà không có điểm đến cố định. Tuần này nhóm có thể ở Paris, vài tuần sau có thể đã sang Singapore làm việc, rồi tuần sau nữa có thể sang Dubia (hiện tại họ đang đóng ở Dubai nhưng sẵn sàng đổi vị trí nếu luật pháp thay đổi). Durov cũng có passport của St. Kitts and Nevis, một quốc gia ở vùng Caribbean. Pavel Durov​ Trên website của Telegram, họ nói rằng đa số các lập trình viên quan trọng của Telegram đến từ St. Petersburg, thàn phố nổi tiếng với các nhân sự IT giỏi. Nikolai Durov là người đã tạo nên giao thức MTProto, một giao thức mới hoàn toàn cho việc trao đổi tin nhắn, trong khi Pavel Durov cung cấp hỗ trợ tài chính và hạ tầng thông qua quỹ Digital Fortress (Pháo Đài Số). MTProto được cho là sẽ đảm bảo độ an toàn, chống hack tốt và có thể hoạt động nhanh trên nhiều hạ tầng máy chủ khác nhau trải dài ở nhiều quốc gia, trong nhiều data center. Telegram có đăng kí thành lập công ty ở Mỹ và Anh nhưng không tiết lộ địa chỉ văn phòng hay pháp nhân đứng ra thuê vì muốn “bảo vệ nhóm phát triển khỏi những ảnh hưởng không cần thiết” và để bảo vệ người dùng khỏi các yêu cầu về truy xuất dữ liệu từ chính phủ các nước. Telegram nói rằng họ không bao giờ bán quảng cáo hay bán dữ liệu của bạn. “Chúng tôi tin vào ứng dụng chat nhanh, bảo mật và 100% free”. Pavel Durov cung cấp cho Telegram một khoảng tiền “rộng rãi nên chúng tôi khá đủ tiền để hoạt động vào lúc này. Nếu số tiền tài trợ cho Telegram cạn đi, chúng tôi sẽ đưa ra một số tùy chọn nâng cao để bạn giúp chúng tôi vận hành hạ tầng và trả lương cho các lập trình viên. Nhưng kiếm lợi nhuận chưa bao giờ là mục đích cuối cùng của Telegram”. Với Telegram, có 2 thứ quan trọng nhất: Bảo vệ cuộc hội thoại của bạn những bên có thể xem lén, ví dụ như các hacker, công ty, nhà tuyển dụng và bất kì bên nào khác muốn xem được nội dung chat của bạn Bảo vệ dữ liệu riêng tư của bạn khỏi các bên thứ ba như nhà quảng cáo, marketer… Năm 2018, Telegram công bố kế hoạch gọi vốn thông qua việc bán các token ra thị trường (ICO) với tên gọi Gram – đây cũng là một loại tiền mã hóa (cryptocurrency). Tuy nhiên, năm 2019 Ủy ban chứng khoán Mỹ đã yêu cầu Telegram dừng việc này vì đã không đăng kí việc mở bán 1,7 tỉ USD đồng token. Hiện tại vụ việc vẫn đang được xử lý tiếp.  
......

Kết quả thử nghiệm lâm sàng thuốc viên Molnupiravir điều trị kháng virus Covid

Theo bản tin từ BBC cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng tạm thời cho thấy thuốc viên - molnupiravir kháng virus có khả năng giúp giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong của người nhiễm Covid-19 khoảng 50%. Thuốc viên - molnupiravir - được dùng hai lần một ngày cho những bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc bệnh. Nhà sản xuất thuốc Merck của Mỹ cho biết kết quả khả quan đến mức các giám sát viên bên ngoài đã yêu cầu dừng thử nghiệm sớm. Công ty này cho biết họ sẽ xin phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này ở Mỹ trong hai tuần tới. Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết kết quả này là "tin rất tốt", nhưng khuyến cáo thận trọng cho đến khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem xét các dữ liệu. Giáo sư Peter Horby, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Oxford, cho biết: "Một loại thuốc kháng virus đường uống an toàn, giá cả phải chăng và hiệu quả sẽ là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại Covid. "Molnupiravir trông có vẻ hứa hẹn trong phòng thí nghiệm, nhưng thách thức thực tế là liệu nó có hiệu quả cho bệnh nhân hay không. Nhiều loại thuốc đã thất bại vào thời điểm này, vì vậy những kết quả tạm thời này rất đáng khích lệ." Loại thuốc Molnupiravir ban đầu được phát triển để điều trị bệnh cúm, được thiết kế để đưa các lỗi vào mã di truyền của virus, ngăn không cho virus lây lan trong cơ thể. Không giống như hầu hết các vaccine Covid nhắm mục tiêu vào sự tăng đột biến protein bên ngoài virus, thuốc này nhắm mục tiêu vào một loại enzym mà virus sử dụng để tạo ra các bản sao của chính nó. Merck cho biết họ dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu gói molnupiravir vào cuối năm 2021. Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý mua với số tiền với trị giá 1,2 tỷ đôla nếu thuốc này được quan quản lý, FDA, chấp thuận./.  
......

Đâu là giọt nước mắt cho Dân...

Tối 30-9, tại thị trấn Tân Túc, Bình Chánh, đầu đường quốc lộ 1, hàng trăm người dân, đa phần là những gia đình trẻ, chở nhau trên xe máy trên đường về quê miền Tây, và kẹt lại tại chốt kiểm soát ở đây. Phạm Minh Vũ lần cố đào thoát nhưng đều bất thành. Mấy hôm nay, nhiều lao động tứ xứ lên Saigon, BD, ĐN đã không thể ở lại được nữa vì không đủ điều kiện, trong số họ còn nhiều người nợ tiền trọ không có để đóng. Họ đành cố gắng thêm một lần đào thoát nhưng lại bất thành. Không thể vượt qua các chốt chặn với lực lượng công an quân đội trấn giữ, dù cho các tỉnh này vào ngày mai sẽ có những biện pháp nới lỏng hơn, nhưng họ đã hết cách. nhiều Hơn 4 tháng cầm cự, đã Trước sự chỉ đạo cứng rắn của thường vụ đưa người vào Saigon để làm việc, và ngăn chặn người lao động về quê. Trong những người này đa số đều là công nhân, họ chẳng tin và hi vọng gì cái cách gọi là nới lỏng ấy, vì thêm một ngày ở lại thì chi phí với họ là quá sức. Trong khi muôn Dân đã sức cùng lực kiệt vì đã “hợp tác” cùng chính phủ chống dịch cả 4 tháng, thì đổi lại là sự đối xử lạnh lùng pha chút bạc bẽo. Trong 4 tháng qua, ở đây không có nhận được sự hỗ trợ nào từ chính phủ dù chỉ một đồng, trong 4 tháng qua, không có ai ở đây nhận được chia sẻ dù là lời hỏi thăm. Nhốt họ lại dúi vào một xó tách biệt, khác với những hình ảnh chiếu ở trên tivi là các lãnh đạo tỏ ra quan tâm hỗ trợ Dân dữ lắm. Họ bận tính toán xin ngân sách hỗ trợ cho công an, quân đội chống dịch. Họ bận phải tính toán từng kit test một, nếu bán hàng trăm triệu kit sẽ lãi bao nhiêu? Họ bận xem mua Vaccin tàu được lại quả bao nhiêu so với Vaccin Âu- Mỹ? Thường vụ  bận kiểu thường vụ, Thành phố  cũng bận kiểu thành phố Thành phố họ bận xem tìm cách phạt Dân kiểu nào vừa ăn được nhiều tiền vừa đỡ bị Dân chửi khi nới lỏng. Quận bận xem bán mấy hàng rào kẽm gai được bao tiền? Phường bận cách nào đó thu được nhiều sau khi mấy tháng nhà hàng, cà phê đóng cửa Và họ bận nhiều thứ khác mà họ chẳng đếm xỉa gì tới Nhân dân, Nhân dân kêu gào vì đói họ phớt lờ. Trẻ con khóc vì khát sữa họ bận quá sao mà nghe? Họ bận tới mức họ quên rằng họ đang ăn cơm bằng thuế Dân, áo mặc cũng từ Dân. Có khi, quan chức họ bận quá nên quên mất họ là con người. Mấy hôm nay trời Saigon mưa, mưa tầm tả, từng đoàn xe kéo nhau rời bỏ thành phố trong u tối, dẫu rằng ngày mai sẽ có chút “ánh sáng”, họ bị chặn lại, chờ đợi mấy tiếng dưới cơn mưa, lệnh phải quay lại, thất vọng, và bất lực. Trời càng mưa to, mưa như trút nước nhấn chìm nỗi đau và bao lo lắng cũng như sự thống khổ, tủi nhục của thân phận tha hương, nuốt nỗi đau vào lòng - trời vẫn cứ đổ mưa, đâu là nước mắt Dân tôi?
......

Biên bản 2 triệu và bài học làm người...

Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Hoa Phạm Minh Vũ Chị Hoa một người công giáo thiện lương, noi theo gương Mẹ Teresa Calcuta luôn quan tâm tới những mảnh đời nghèo khổ và bất hạnh, dịch xảy đến, với những lo âu cũng như bao người về cuộc sống, gánh nặng và áp lực vì dịch bệnh. Chị cùng bạn mình nghĩ nhiều hơn với những mảnh đời khó khăn hơn mình. Chị chia sẻ lương thực tới khu trọ công nhân, người yếu thế. Khi Lockdown gắt hơn, bao tiếng kêu cứu tới chị cứ dồn dập vì chính phủ đâu có đoái hoài? Nhiều trẻ em thiếu sữa - thương- nhóm chị đã nhập sữa về phát để xoa dịu đi những hoàn cảnh khốn khó trong đại dịch.   Chiều qua như bao lần, chị phát sữa cho một người đàn ông khó khăn có con nhỏ khát sữa, trao nhau qua một hàng rào ngăn cách. Không thuận lợi như những lần trước. Lần này, có “anh” công an đứng sau quay clip lại để làm bằng chứng. Sau khi người trao chưa mỉm cười, người nhận chưa kịp vui, thì tên công an lạnh lùng tàn nhẫn quay clip tuyên bố xử phạt người đàn ông nghèo khó kia, biên bản 2 triệu được biên ra. Nụ cười chưa kịp nở trên môi thì nước mắt đã tuôn trào.   Thái độ hóng hách, lạnh lùng và tàn nhẫn của tên công an làm chị Hoa thấy vô cùng bức xúc, chị có một trận khẩu chiến với tên công an kia, trong đó chị đã nói một câu “anh là thứ công cụ không có tình người”. Nghe chị Hoa dạy thêm nhiều lý lẽ, có lẽ chột dạ nên tay công an tuyên bố “tôi có tình người” và chứng minh cho tuyên bố có tình người đó công an đã tha không xử phạt mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng.   Nếu chị Hoa không dạy cho công an này bài học làm người thì họ có kịp nhận ra tình người ở đâu không? Biên bản 2 triệu phạt xong nếu thành công thì về báo cáo thành tích được cấp trên xoa đầu vuốt đuôi, nhưng sau đó, là bao mảnh đời khốn khó, là con nhỏ khát sữa là người vợ ốm nặng là mẹ già thiếu tô cháo hành... họ tới cơm không có ăn lấy đâu ra 2 triệu nộp phạt? Tôi đang tự hỏi? Công an Việt Nam đang làm vì điều gì vậy? Họ có bao giờ tự hỏi mình đang làm gì không? Tình người đôi khi chỉ là biết đau đáu với nỗi đau của đồng loại, biết sẻ chia khó khăn với người yếu thế hơn mình, là động viên an ủi với người cô độc. Nếu không giúp không sẻ chia với người khốn khó hơn thì tốt nhất đứng im, ngồi nhìn là người ta cảm ơn rồi, đừng đem biên bản tới thể hiện mình vô nhân tính như thế? Làm người khó với họ thế sao? Nghe câu chuyện này, tôi chợt nhớ vài câu trong bài “đời đá vàng” của Thầy Vũ Thành An mà tôi rất tâm đắc:   “…..Có một lần mất mát mới thương người đơn độc Có oằn mình đớn đαυ mới hiểu được tình yêu Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về Có một đời khóc than mới hiểu đời đá vàng” ———— (Chuyện xảy ra tại ngã tư Đình -Ql1A - Nguyễn Thị Đặng, Q12 chiều muộn 22/9).
......

Ngày thứ năm mươi tám xa TT

Bong Tuyet 01/09/2021 Mấy hôm nay nghe tin lão thày giáo dạy hoá, bán mật ong Thuận Văn Bùi bị ANTH bắt mà trong lòng tôi buồn vô cùng. Vừa đêm hôm trước nói đúng hơn là trước lúc lão bị bắt ba bốn tiếng thôi, hai anh em chúng tôi còn chát chít tám chuyện với nhau, lão nhắn cho tôi lúc đón khá muộn hỏi thăm TT rất nhiều và khuyên tôi nên ngủ sớm, đừng thức khuya quá còn có sức lo cho Trung, tôi cũng chỉ kịp dặn lão nhớ bảo trọng trong mọi tình huống, và hẹn nhau sáng mai ngủ dậy buôn tiếp câu chuyện đang buôn dở dang của hai anh em vì khi đó tôi nhắc lão đi ngủ thôi khuya quá rồi.   Một khoảnh khắc thực sự buồn vô cùng, một người bạn nữa của tôi và TT lại vướng vào chốn lao tù CS. Những người bạn của tôi và Trung cứ lần lượt bị bắt bớ, bị đàn áp vì dám nói ra những bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền. Rồi đây sẽ còn ai lên tiếng trước những bất công của xã hội nữa khi những người bạn của chúng tôi cứ lần lượt bị bắt bớ đàn áp và bị bỏ tù như vậy?   Hôm nay tôi nhận được một tin vui là một người bạn của tôi và Trung là Bùi Tiến được trở về nhà tù lớn. Tiến là một người rất tích cực hỗ trợ anh chị em và lên tiếng phản đối BOT bẩn BTL – Nội Bài đặt sai vị trí rất mạnh mẽ. Tiến cũng bị nhà cầm quyền bắt đi chỉ vì lên tiếng yêu cầu trạm thu phí phải dỡ bỏ và đặt về đúng vị trí của nó ở Vĩnh Yên cách chỗ trạm thu phí BTL – NB khoảng 40km. Nay mừng cho cậu ấy khi được về trước thời hạn mấy tháng.   Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, hàng ngày vẫn hơn chục ngàn ca dương tính với covid và vài trăm người chết theo thống kê vào các buổi tối của bộ y tế trên khắp cả nước trong thời gian gần đây. Giờ tôi chẳng còn ngạc nhiên với các con số mười hai, mười ba, mười bốn…ngàn ca mỗi ngày nữa, vì nó quá quen tai với tôi và người dân cả nước trong thời điểm này rồi.   Vẫn là những câu chuyện đau xót, bi ai nói về Sài Gòn chằng chịt những vết thương rỉ máu trên từng con hẻm và góc đường phố. Trải qua hơn ba tháng giãn cách Sài Gòn vẫn oằn mình trong tang thương với vài trăm người chết mỗi ngày mà lò thiêu hoạt động hết công suất vẫn không kịp thiêu.   Tôi thường xuyên nói chuyện với người bạn thân của tôi trong Sài Gòn, tôi cứ giả vờ mạnh mẽ, giả vờ cợt nhả, giả vờ vui đùa, giả vờ lạc quan, giả vờ la lối om sòm mỗi đêm, và giả vờ không khóc, và cả giả vờ cười rồi luyên thuyên ba la bô lô thì sau khi cúp máy thì tôi còn lại một mình tôi phải rơi nước mắt. Tôi cũng như người bạn của tôi thôi, bên ngoài tỏ ra mạnh mẽ khuyên bảo nhau, nhưng thực chất bên trong lúc này chúng tôi đều yếu đuối cả. Nơi đô thị phồn hoa, đầy rực ánh đèn mà giờ đây nó tang thương, hiu quạnh đến nhói cả tâm cam, ruột gan tôi. Tôi vẫn luôn hi vọng Sài Gòn và Hà Nội của tôi sẽ sớm trở lại như xưa và phải hồi sinh nhanh chóng chứ không thể kéo dài như này thêm lâu nữa đâu, khổ quá rồi mà.   Nhìn những mảnh đời đã mãi mãi rời xa nơi cõi tạm này mà tim tôi đau thắt lại. Tôi ở nhà có nhiều thời gian để đọc tin, nghe nhiều chuyện và đọc sách nhiều hơn, nhưng lòng tôi đau nhói khi vô tình lướt qua những đoạn clip những mảnh đời lang thang cơ nhỡ không có nhà để về, không có nơi để đi đến, không có chỗ để nương náu… trên khắp mọi ngõ ngách của đất nước tôi mà tôi thấy mình thật bất lực vì không thể làm gì để giúp họ. Cuộc sống của họ vốn đã khốn khó, nay còn khốn khó hơn gấp bội.   Thời gian qua đã lấy đi của chúng ta quá nhiều đau thương và mất mát. Chính vì dịch dã như này mà điều kiện đi thăm nom gửi đồ cho TT cũng bị hạn hẹp bó buộc tôi lại. Rồi có những thứ ngay cả dịch bệnh có qua đi cũng chẳng thể nào quay trở lại được nữa như khi mà dịch bệnh nó chưa càn quét đến VN yêu dấu của tôi.   Tôi xin lỗi tất cả các bạn vì thời gian gần đây tôi đã không chia sẻ nhiều về Trung cho mọi người cùng nghe vì tôi chẳng thể kìm nén lại lòng tôi khi chia sẻ nỗi đau mà đất nước tôi, bà con của chúng tôi đang phải trải qua những ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời. Nhưng xin hãy chia sẻ với tôi với bà con ở khắp mọi nơi trên đất nước này, nơi tôi và tất cả người dân đang sống và đã phải trải qua những ngày tháng thật tang thương, nó đã cướp đi hơn chục ngàn người, cho đến thời điểm này trong trận đại dịch covid này rồi, xót xa quá… Như này đã xứng cho cả nước tôi để quốc tang, để cờ rủ chưa ạ? Ngày mai là quốc khánh đất nước tôi đấy. Vui mừng sao được khi cả nước đang chìm trong đau thương tột cùng như này Gửi lòng biết ơn vô cùng sâu sắc đến tất cả những ai đang làm công tác tuyến đầu và các tình nguyện viên đang tích cực ngày đêm chống dịch. Mong mọi người bình an, mạnh khoẻ, với tất cả sự biết ơn, trân trọng, và cảm kích.   Mấy ngày qua tôi nhận được tin là TT của tôi vẫn mạnh khoẻ, tinh thần tốt, tuy có gầy và sụt đi 2-3 kí so với lúc mới bị bắt, cũng do điều kiện ăn uống không được thoải mái như ở ngoài. Nhưng không sao nhận được thông tin về TT như vậy tôi cũng yên tâm phần nào. Và tôi xin được nói lời cảm ơn tới các anh ANNĐ và cán bộ trại tạm giam, đã đối xử tử tế với TT nhà tôi. Tôi chỉ mong mau mau hết dịch để tôi còn gửi đồ ăn, thuốc uống, và quần áo vào cho Trung có cái để sinh hoạt, từ hôm bị bắt đến giờ do vướng vào dịch nên tất cả các cuộc thăm gặp hay gửi đồ đều bị phía trại tạm giam tạm dừng do quy định về công tác phòng dịch của trại. Nên tôi chỉ có thể duy trì thường xuyên gửi tiền lưu ký vào cho Trung, để trong đó có cái chi tiêu và mua thêm đồ dùng sinh hoạt cho bản thân và giúp đỡ thêm ai được thì giúp. Vì tôi biết tính của Trung, nếu thấy ai khó là Trung sẵn sàng giúp đỡ ngay lập tức trong khả năng của mình. Cái này tôi phải công nhận rằng TT của tôi rất nhiệt tình khi thấy ai khó hoặc có ai nhờ vả và cần sự giúp đỡ nào đó là xắn tay xắn áo vào giúp ngay ạ.   Gần hai tháng xa Trung, tôi và gia đình cũng đã quen dần với cảm giác không có Trung ở nhà, thương nhớ và chưa bao giờ nguôi ngoai với nỗi hờn khi họ bắt mất TT của tôi đi. Dẫu biết rằng cái gì đến thì đón mà sao tôi thấy hờn họ đến vậy? TT của tôi vốn dĩ hiền lành, ai quen biết và chơi cùng cũng có chung nhận xét lành như cục bột, vậy mà họ gán cho cái mác “chống phá”. Tay không tấc sắc, đến con kiến TT còn không muốn sát sinh thì chống phá được cái gì cơ chứ ?! Lúc nào tôi cũng nhớ TT của tôi, nhớ những lúc chúng tôi theo các anh chị đi làm thiện nguyện, cùng nhau giúp đỡ bao việc cho bà con từ vùng lũ đến tâm dịch. Nếu như h này còn bên ngoài, chắc chắn TT của tôi cũng xin đi làm TNV để lao vào tâm dịch giúp đỡ bà con ngay. Chưa có bao giờ tôi thấy TT của tôi nề hà bất cứ công việc gì cả, nhất là việc giúp đỡ người khác thì phải nói là nhiệt tình số một luôn.   Khi chưa quen TT tôi có khái niệm về tình yêu nó nhạt thếch ra, vì tôi chẳng tin vào sự chung thuỷ của đàn ông. Trong suy nghĩ non nớt ấy thì lúc đầu mới yêu nhau tôi cũng bị lầm tưởng bởi vẻ bên ngoài đó của TT là yêu chơi chơi xong chán thì giải tán, vì tôi không thích cái cách nói chuyện cứng ngắc, khô khan của TT khi nói chuyện về chính trị hồi đó khi bắt đầu chúng tôi quyết định yêu và tìm hiểu nhau.   Càng yêu tôi càng ngấm cái tư tưởng của TT, và không nghĩ rằng tình yêu tôi và TT nó lại cứ lớn dần, lớn dần trong cái tử tưởng đó. Sau này tôi ngẫm lại bản thân mình trong những ngày tháng ấy…. Tôi cũng chợt nhận ra rằng, hoá ra tôi cũng thật tầm thường chứ không vô tư như lúc đầu tôi nghĩ yêu đại một ai, rồi chán thì giải tán. Tình yêu của tôi tưởng vô điều kiện hoá ra lại cũng cần có điều kiện để yêu Tôi không thích những mẫu hình đàn ông con trai trẻ tuổi vì tôi cho rằng họ không đủ độ chín chắn. Tôi muốn theo đuổi một mẫu hình trưởng thành và quan tâm đến chính trị vì tôi rất ngưỡng mộ sự cứng rắn, bản lĩnh của họ trước giông bão của cuộc đời. Và cuộc đời này đã quá ưu ái với tôi khi đem Trung đến với tôi. Tôi không muốn đốt cháy giai đoạn để yêu rồi cưới, mà tôi thích nằm gai nếm mật để đi đến cuối cùng với tình yêu mà Trung đã dành cho tôi bao năm tháng qua. Về phần tôi, tôi sẽ cố gắng chờ Trung về cho dù là có bao lâu đi nữa thì tôi sẽ vẫn cố gắng chờ, để chúng tôi còn làm nốt những việc đang còn dang dở với bao dự định chưa thực hiện được.   Lâu lâu tôi lại viết vài dòng cho Trung để sau này ra ngoài tôi còn có cái để ôn lại các mốc thời gian mà khi chúng tôi xa nhau đã có những diễn biến gì xảy ra trong cuộc sống xung quanh tôi và xã hội. Thêm đây là những tấm hình tôi và Trung có dịp đi chơi xa Hà Nội chúng tôi chụp lại. Hi vọng sớm nhất chúng tôi có thể tiếp tục đưa nhau đi đây đó khắp nơi, để chụp ảnh cùng nhau nhiều hơn nữa! Mong anh trong đó sức khoẻ, tĩnh tâm và bình an. Thương và nhớ TT của em rất nhiều  
......

Cái nhìn sơ khởi về phụ nữ trong các xã hội độc đoán

Huỳnh Thục Vy Tôi vẫn nhớ một ngày tháng 6/2018, cùng chồng con và vài người bạn, biểu tình trước nhà thờ giáo xứ Vinh Đức, Buôn Hồ, Đăk Lăk sau giờ tan Thánh lễ. Nhiều bà con trong xứ chứng kiến việc này và bày tỏ sự ủng hộ chúng tôi theo nhiều cách khác nhau.   Việc không dự liệu trước hành động này của tôi khiến công an Đăk Lăk hơi sửng sốt và từ đó họ tin rằng việc tách tôi ra khỏi cộng đoàn giáo dân Công giáo ở đây là nhu cầu cấp thiết cho "an ninh" của tỉnh họ. Nhưng đó không phải là điều đáng nói trong bài viết này, tôi chỉ muốn giới thiệu cái hoàn cảnh cho những gì tôi sắp viết ra thôi.   Bạn biết, như hầu hết các giáo xứ Công giáo, một sự việc bất ngờ xảy ra và đặc biệt lạ lẫm này trở thành câu chuyện lớn trong làng. Và hình như hầu hết những người bày tỏ sự ủng hộ cho việc làm của tôi đều là phụ nữ. Hàng loạt tài khoản facebook kết bạn với tôi khi đó đều là phụ nữ. Những người góp mặt (không dự kiến trước) vào cuộc biểu tình của chúng tôi ngay hôm đó đều là phụ nữ. Những người mạnh dạn hô khẩu hiệu cùng tôi hôm đó, để rồi sau đó bị an ninh hành, cũng đều là phụ nữ.   Đa số những người bày tỏ sự yêu mến trực tiếp hoặc gián tiếp, dành cho tôi trong khoảng mười năm nay đều là phụ nữ trong làng. Còn những người cố gắng né tránh tôi ở mọi nơi tôi tình cờ có mặt, thường đều là nam giới. Tôi suy nghĩ rất nhiều về điều này, về sự thận trọng kỳ lạ của nam giới trong trường hợp này. Một cô bạn khá thân với tôi (trong làng) kể lại, cô không tham dự Thánh lễ hôm đó, nhưng vừa nghe tin Huỳnh Thục Vy biểu tình trước cổng Nhà thờ, cô liền muốn ra tham gia, nhưng bị chồng cô ngăn lại, đại loại: bà vì sự yên ổn của gia đình mà bớt hăng giùm tôi, bà mà ra đó là khổ cả nhà...   Nhiều phụ nữ trong làng Hà Lan A này, dùng facebook chỉ để đăng ảnh con cái nhưng họ vẫn vào facebook của tôi để đọc và biết tin tức về tình hình đất nước, những thứ xảy ra bên ngoài lũy tre làng. Họ cũng không ngại nói với tôi rằng: chúng tôi không làm được như chị nhưng luôn ủng hộ những người dám nói như chị, không có những người như chị thì xã hội làm sao tiến bộ... Những chia sẻ này của các chị, trong những lúc tôi cô đơn nhất, thực sự làm tôi ấm lòng nhiều hơn cả những tuyên bố bênh vực tôi từ Amnesty International hay Human Rights Watch.   Tôi cũng nhớ rõ, vụ việc các trường tiểu học trong làng định "cải cách" chương trình dạy Tiếng Việt cho các cháu lớp Một, theo một kiểu cách không giống ai, với những cách đánh vần như từ trên trời rơi xuống, với những bài đọc có nội dung phi giáo dục...Các bà mẹ trong làng một lần nữa khiến tôi ngạc nhiên khi họ công khai cho nhà trường thấy sự lo lắng hữu lý và kiên quyết đối với việc học hành của những đứa con sắp bước vào lớp Một phải thụ hưởng một chương trình đào tạo kỳ quái như thế. Dù có lo lắng và sợ hãi khi công khai bày tỏ sự chống đối lần đầu tiên với một định chế nhà nước (trường hợp),các bà mẹ này đã đấu tranh không khoan nhượng trong các cuộc họp phụ huynh có sự góp mặt của công an địa phương.   Tôi đã cố gắng kết nối những câu chuyện tai nghe mắt thấy của những phụ nữ trong giáo xứ mình sống với những trường hợp phụ nữ khác, trên khắp đất nước và trên thế giới. Thế giới có Malala Yousafzai, khôi nguyên giải Nobel Hoà Bình vì những nỗ lực không mệt mỏi cho quyền được đến trường của trẻ em gái và phụ nữ Pakistan. Lại có một Rangina Hamidi, Bộ trưởng giáo dục Afghanistan, người có quốc tịch Hoa Kỳ, chấp nhận tiếp tục ở lại quê hương bà - Afghanistan, ngồi họp với một đám Taliban mà không mặc burqa, sau sự sụp đổ của chính quyền dân sự thế tục, và cả sau sự bỏ chạy của Tổng thống nước này. Đó chắc chắn không phải là sự dũng cảm cảm tính nhất thời, mà là một cam kết với lý tưởng, với sự hiểu biết rõ các mối nguy mình phải đối mặt. Bạn biết đó, trong thế giới Hồi giáo, hay nói đúng hơn là trong thế giới mà chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngày càng lớn mạnh, việc đấu tranh cho nữ quyền là việc mạo hiểm cả tính mạng.   Nhìn về cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ tự do và nhân quyền cho Việt Nam. Chúng ta cũng có những phụ nữ đối mặt can trường với nhà cầm quyền độc tài. Những Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Đoan Trang, Trần Thị Nga, Nguyễn Thúy Hạnh... Tôi chắc rằng sự cam kết với lý tưởng và sự dũng cảm trước bạo quyền của họ không thua kém, nếu không muốn nói là vượt trội hơn những người đồng chí hướng nam giới, khi xét trong thế đứng trong một xã hội nam quyền, những thế yếu mang tính thiên bẩm của phụ nữ (thể chất, tâm lý và vai trò người mẹ) khiến những khó khăn họ gặp phải lớn hơn nam giới rất nhiều.   Vậy cái gì khiến cho nữ giới lại dũng cảm một cách kỳ lạ, khá bất thường và rất bền bỉ, kiên trì khi chiến đấu với quyền lực chính trị trong những xứ sở nằm dưới quyền lực chính trị độc đoán và nam quyền cũng độc đoán không kém?! Trong khi phần lớn nam giới ở những nơi đó, với mọi ưu thế thiên bẩm và thế thượng phong trong xã hội, vẫn tự trói mình trong những mục tiêu không vượt quá bản thân và gia đình mình? Tôi không phải đang cố ca ngợi phụ nữ vì mình là một trong số đó. Tôi chỉ đang cố hình dung và liên kết các sự kiện lại với nhau, với tư cách là một người ủng hộ nữ quyền, để tự giải đáp những khúc mắc trong nhận thức của chính mình.   Và câu trả lời đầu tiên cho việc này, chạy ngang qua đầu tôi, là rằng: khi bạn sống với quyền lực độc đoán (dù là loại quyền lực gì đi nữa, nam quyền là loại quyền lực có tuổi đời bằng tuổi của nền văn minh này) và được hưởng lợi nhờ quyền lực đó, bạn không đủ sức khoẻ tinh thần để mạo hiểm chống lại bất cứ dạng thức quyền lực nào, kể cả quyền lực chính trị. Và ngược lại, khi từ lúc bạn sinh ra đời đã phải chịu đựng sự kiềm kẹp của quyền lực, bị gạt ra bên lề mọi đặc quyền của xã hội, phải xoay xở một cách khó khăn để nới rộng vòng kiềm toả đó, để mình có thể có được đôi chút tiến bộ trong cái không gian nhỏ hẹp đó; tự nhiên điều đó tạo cho bạn sự cứng cỏi và bền bỉ, và khả năng chống chọi với bất cứ loại quyền lực nào, kể cả quyền lực chính trị.   Sinh ra là phụ nữ, tôi đã cảm nhận những điều vừa nói rất rõ ràng, vì bản thân tôi, một cách bản năng, đã kháng cự lại văn hoá nam quyền ngay từ lúc bắt đầu có nhận thức về xã hội, tôi chật vật ấp ủ những ý tưởng về bình đẳng giới, và đau đớn khi phải sống chung với những nghịch lý do văn hoá nam quyền áp đặt. Sinh ra ở một vùng nông thôn u tối, tôi, phải luôn tự khẳng định tư cách ngang bằng với nam giới trong mọi vấn đề từ gia đình đến xã hội, và phải vật lộn trong mớ bòng bong của văn hoá gia trưởng, đau khổ với sự mâu thuẫn giữa lý tưởng mà mình được biết về bình đẳng và sự thực trái ngược mà mình phải đối mặt (và có lẽ tôi còn tiếp tục đối mặt với những nghịch lý đó cho đến hôm nay).   Chiến đấu với những thứ quyền lực văn hoá cũng khó khăn không kém cuộc chiến với ý thức hệ độc tài, với quyền lực chính trị độc đoán, nếu không muốn nói, cuộc chiến với nam quyền trong gia đình còn gây nhiều đau đớn tâm lý hơn việc đối mặt với bộ máy bạo lực của chính quyền độc tài. Tóm lại, khi bạn đã quen với việc kháng cự với nam quyền, với quyền lực gia trưởng ngay từ lúc sinh ra, bạn nghiễm nhiên có sự đề kháng và bền bỉ hơn khi đối mặt với một loại quyền lực khác: quyền lực chính trị. Đó có thể là một trong nhiều lý do: ở đâu phụ nữ bị đàn áp sát đất trong một nền văn hoá nam quyền ngạt thở, ở đó họ trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi đối phó với quyền lực chính trị.   Và ở mặt kia của vấn đề, nam giới-những người sinh ra đã đầy quyền lực do các định chế văn hoá và tôn giáo trao truyền cho, lại nhút nhát, sợ sệt hơn khi đối mặt với chính quyền. Điều này bạn sẽ thấy rõ hơn khi bạn sống ở nông thôn. Thật vậy, khi bạn được đứng ở thế thượng phong ngay từ khi sinh ra, bạn sẽ luôn có thiện cảm với quyền lực, mức độ thân thiết với quyền lực (nam giới) khiến đàn ông không được trui rèn trong ngọn lửa khắc nghiệt của việc phải sống như công dân hạng hai, và từ đó họ cũng không đủ dũng khí chống lại một thứ quyền lực khác: quyền lực chính trị.   Lại nhìn vào bức tranh bất đồng chính kiến tại Việt Nam, chúng ta thấy, những người phải bị thương tổn nhiều nhất là phụ nữ: chị Đoan Trang, chị Thúy Nga là hai phụ nữ tôi biết, đã bị những thương tật vĩnh viễn trên cơ thể khi kháng cự với nhà cầm quyền, nhưng họ luôn là tấm gương không khoan nhượng, ngay cả khi họ đứng ở vị trí một người mẹ nuôi con hay một người con gái nuôi mẹ. Không một tù nhân lương tâm nữ giới nào khiến cộng đồng những người ủng hộ thất vọng đối với sự quả cảm kiên trì của họ, trong khi không thể phủ nhận là có một số hồ sơ phía nam giới cho thấy vài sự thoả hiệp nào đó để hưởng sự giảm nhẹ án giam.   Trên đây là vài thiển ý vụn vặt tôi góp nhặt lại từ những gì chạy qua chạy lại trong tâm trí mình, tất nhiên không tránh khỏi thiển cận, và thực tâm tôi muốn nhận được sự góp ý để có cái nhìn toàn cảnh trong những diễn ngôn nữ quyền, trong không gian tư duy tiếng Việt và trong bối cảnh một quốc gia độc tài vẫn âm ỉ một phong trào đối lập đang kháng cự hằng ngày với quyền lực chính trị.   Huỳnh Thục Vy Buôn Hồ ngày 31/8/2021 Bài viết này xin mến tặng những người nữ bất đồng chính kiến và các chị em yêu mến Thục Vy trong giáo xứ Vinh Đức, làng Hà Lan A, Buôn Hồ, Đăk Lăk.  
......

Vì sao Atra Zeneca chỉ 4 Đô la một liều?

Rất nhiều người ngạc nhiên hỏi vì sao Astra Zeneca chỉ có giá 4$/liều trong khi giá của Sinopharm lên đến 13,6$/liều hay Moderna 33$/liều. Và đây là câu trả lời...   SARAH GILBERT - NHÀ KHOA HỌC VỚI TRÁI TIM NHÂN HẬU!   Bất cứ ai đã được tiêm Vaccine Astra Zeneca - Chúng ta nên tìm hiểu, biết ơn nữ Giáo sư, Tiến sĩ Sarah Gilbert và Nhóm nghiên cứu của Bà thuộc Viện nghiên cứu Jenner hàng đầu thế giới của Đại học Oxford (Anh).   Chúng ta thật càng ngưỡng mộ Bà vì đã quảng đại, hiến tặng trọn vẹn thành quả nghiên cứu vaccine này cho cộng đồng, với thoả thuận với hãng dược nổi tiếng Astra Zeneca rằng, vaccine này sẽ phải được phân phối phi lợi nhuận đến công chúng với giá gốc chính thức thật rẻ, rẻ hơn rất nhiều so với giá cả thị trường y dược, chỉ khoảng 3USD mỗi liều.   Bà nói: "Ngay từ ban đầu, chúng tôi nhận thấy vaccines này sẽ tham gia vào một cuộc đua chống lại virus cúm tàu, chứ không tranh đua với các vaccines khác. Chúng tôi làm việc ở Đại học và không có ý định kiếm tiền từ đó”.   Trong giải đấu quần vợt Wimbledon mới đây, cả khán đài đã đứng dậy vỗ tay cảm ơn, khi khán giả vô tình phát hiện ra sự có mặt của Người mẹ vĩ đại có ba con này, vì những cống hiến to lớn cho khoa học và bởi tấm lòng nhân hậu với cộng đồng. Bà đã có thể trở thành triệu phú nếu bán kết quả nghiên cứu này cho các công ty dược phẩm.   Hãng sản xuất đồ chơi nổi tiếng Mattel Inc. cũng vừa ra mắt phiên bản mới búp bê Barbie được tạo từ hình mẫu giáo sư Sarah Gilbert, để vinh danh nhà khoa học này.   Chúng tôi những người được nhận thành quả nghiên cứu lớn lao của Bà Giáo sư, Tiến sĩ Sara Gilbert, xin nghiêng mình biết ơn Bà và các đồng nghiệp trong Nhóm nghiên cứu đã cứu chúng tôi khỏi thảm họa này./.
......

Tháo chạy khỏi Sài Gòn đợt hai, niềm tin của dân đã không còn

Hải An| Khi thông tin Sài Gòn giãn cách xã hội thêm một tháng nữa người dân nghèo đã quyết địch tháo chạy khỏi Sài Gòn để trở về quê nhà (cuộc tháo chạy đợt 2). Hiện tại người dân đang bị chặn tại chốt cầu vượt Linh Trung, Suối Tiên, bến xe Miền Đông... Theo anh Anh Trần Viết Bảo (làm nghề bốc vác) chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh bằng xe máy để về Huế. Anh cho biết 3 tháng nay anh thất nghiệp, không làm ra tiền hiện đang nợ tiền trọ 2 tháng. Chủ trọ không cho nợ nữa nên anh quyết định về. Những người dân tháo chạy trong đợt 2 này, trong các lần trước đây họ đã tin tưởng vào lời hứa của chính quyền “không để ai phải thiếu đói”, “chính quyền hỗ trợ thực phẩm đến tận tay người dân”, “tiền hỗ trợ sẽ trao tận tay người dân kịp thời”. Và vì tin nên họ cũng hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền “ai ở đâu, ở yên đó”, họ cũng tin rằng “đã có Đảng và Nhà Nước lo”. Đáp lại niềm tin của người dân là tiền hỗ trợ đợt 1, đợt 2 chưa được nhận, thực phẩm thì chính quyền cũng không hỗ trợ như đã hứa. Tiền điện, tiền nước, tiền nhà trọ thì vẫn phải đóng. Trả giá cho niềm tin là cái đói đã hiện rõ và có khi còn trở thành vô gia cư nếu không có tiền đóng tiền trọ, người dân có thể chết bệnh( không phải là COVID) vì các bệnh viện từ chối cấp cứu. Khi không còn niềm tin, cũng chẳng còn tiền để ở lại vì nếu tiếp tục “ ở yên đó” như chính quyền yêu cầu thì đồng nghĩa với chết nên họ bất chấp khó khăn chạy về quê nhà. Những người dân này, họ cũng từng kỳ vọng, trong kỳ họp quốc hội vừa qua, chính quyền sẽ đưa ra được giải pháp để hỗ trợ dân trong thời gian giãn cách. Nhưng kết thúc cuộc họp, người dân nhận được quyết định chính quyền đi vay thêm 133 tỷ đô la để chi tiêu cho chính phủ. Vậy là hi vọng được hỗ trợ tiền trong thời gian dịch bệnh, giảm tiền điện, nước, nhà, lãi ngân hàng là không còn. Khi mà người dân đang phải tạm ngưng kinh doanh các ngành nghề, thì các cán bộ lại đi đánh golf, tại sao bán đồ ăn mang đi thì bị cấm, nhưng sân golf lại vẫn được mở cửa. Dân chẳng còn tin tưởng cái quyết tâm chống dịch mà chính quyền luôn hô hào nữa. Khi người dân ra đường giao hàng liên quận bị bắt phạt, khi người dân đi lấy đồ thực phẩm gia đình gửi ngoài chành xe thì bị phạt, khi mà xe cứu thương còn không được thông chốt thì ông Hưng – bí thư Thành Ủy TP Tam Kỳ lại được thông chốt liên tỉnh từ Quảng Nam ra Nội Bài để đưa con đi du học Mỹ. Nó như một cú tát vào lòng tin của người dân, ai ở đâu thì ở yên đó nhưng trừ cán bộ. Dân thì bị “đói” nhưng cán bộ “no” tiền ( tiền phạt của dân và tiền hỗ trợ). Chính quyền thì thất hứa, dân thì bị ngăn chặn, làm khó, hành hạ đủ điều. Cán bộ có mọi đặc quyền, không phải chấp hành chỉ thị giãn cách. Dân đã nhận ra họ bị bỏ rơi, mọi lời hứa chỉ là lời tuyên truyền sáo rỗng. Họ đã không thể chờ đợi, họ phải tìm đường sống, họ phải chạy về quê hương. Dân đã mất niềm tin.  
......

Những đám tang không người đưa tiễn

Đám tang anh P. Cả đội ngũ khiêng quan tài và người thân đưa tiễn vỏn vẹn chục người. Phạm Thanh Nghiên  Con hẻm chật chội thường ngày kẻ ra người vào va quệt vào nhau, bữa nay rộng hẳn. Thế lại đỡ cực cho mấy người khiêng hòm. Hàng xóm đóng cửa cố thủ trong nhà. Chiếc quan tài lầm lũi đi, không thấy cánh tay nào giơ lên dù là qua khe cửa, vẫy chào tiễn biệt người quá cố. NHỮNG ĐÁM TANG KHÔNG NGƯỜI ĐƯA TIỄN Do không thể về nên em Tí chỉ có thể chứng kiến tang lễ anh trai qua cuộc gọi video với người thân. Hình do nhân vật cung cấp. Dì Ba, em kế của má chồng tôi qua đời hai tuần trước. Hôm nhận được hung tin, hai vợ chồng tôi thảng thốt, và buồn. Nói thừa, người thân qua đời, ai chả buồn. Nhưng nỗi buồn thời phong toả, khác lắm. Tê tái, đeo đẳng mãi. Không nghe thấy tiếng khóc, nhưng tôi vẫn cảm nhận được cơn rầu rĩ, nét bần thần của con trai dì Ba lúc nói chuyện qua điện thoại: -Má em bị mệt mấy hôm thì đi. May quá, không phải covid chị ạ. Chết mà vẫn... may. Sao lại có thứ nghịch lý trớ trêu như thế. Nhưng đúng là may thật. Cả xóm nhà dì Ba bị “giăng dây” suốt từ hôm 10/7 đến giờ là tròn 1 tháng, đã được thả đâu. Trước hôm dì Ba mất hai ngày, cả nhà đã làm xét nghiệm, không ai “dính” covid cả. Dì lớn tuổi, đến khi phải về cõi, thì đi. Vậy thôi. Nếu dì Ba chết vì covid, người ta đã đến khuân xác đi, chẳng được để ở nhà. Nhưng người chết thì quan tâm gì đến chuyện may rủi. Cốt nhẹ phận mình, giũ bỏ được cái cuộc đời trầm luân này, là vui rồi. Cái chính là cho kẻ sống. Cả nhà vẫn còn tám người gồm cha con cậu Tâm, dì Út, hai con trai, con dâu và cháu nội của dì Ba sống chung với nhau trong một căn nhà chật chội. Trước mắt cứ thoát cảnh phải dắt díu nhau đi đến các khu cách ly tập trung là tốt rồi. Ai cũng sợ phải đánh cược với tính mạng mình bằng sự may rủi. Rồi thì mọi chi phí, từ cỗ quan tài cho đến tiền hỏa táng, chuyến xe đò tiễn đưa dì lần cuối, đều do nhà Chùa chi trả. Gia đình không phải mất đồng nào. Với lại cũng chẳng có tiền mà lo. Lỡ nhà Chùa không giúp, chắc phải đi vay mượn. Thời buổi khó khăn thế này, vay mượn ở đâu. Dì Ba có hai người con trai đều hiếu thuận, thương yêu nhau hiếm thấy. Cậu con trai thứ hai đã lập gia đình và có hai con. Hơn mười năm trước, Trung làm chủ thầu xây dựng, thu nhập cũng khá. Không những lo được cho má, đủ nuôi vợ con, mà còn giúp đỡ người này người kia lúc khó khăn, hoạn nạn. Đùng một cái Trung mắc bệnh, hai mắt gần như mù hẳn. Thương em, thương cháu, Tân quyết định không lập gia đình nữa, ở vậy nuôi mẹ, đỡ đần cho em. Từ khi Trung mắc bệnh, mọi chi phí, sinh hoạt hàng ngày đều trông chờ vào đồng lương còm cõi của Tân và của vợ Trung. Cuộc sống khó khăn suốt từ đầu năm ngoái khi cơn đại dịch ập đến, nay trở nên kiệt quệ vì lệnh phong tỏa. Nhưng có lẽ Trời thương, nên dì Ba ra đi nhẹ nhàng, con cái cũng không phải chạy vạy tiền nong để lo hậu sự. Coi như một sự bù đắp cho cuộc đời khổ cực của dì. Và phần thưởng vì sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của các con dì. Buổi tối trước hôm đưa dì Ba đi hỏa táng, nhân viên Trại hòm gọi điện thoại hỏi: -Nhà cần mấy chiếc khăn tang để chúng tôi chuẩn bị? Tân trả lời: -Anh mang giúp ba cái thôi, hai cho con trai, một cho cháu nội. Sáng sớm hôm sau, dì Ba được đưa đi. Tính cả mấy chú khiêng quan tài, đám tang vỏn vẹn khoảng chục người. Thằng Sâm đầu đội khăn tang, bê bát nhang của bà nội đi trước. Bác Tân dắt ba nó đi theo sau, lần mò từng bước, chậm hơn cả tiếng thở dài. Người chết không có di ảnh. Thành phố bị phong tỏa, không còn cửa tiệm nào làm việc. Vả lại, khu nhà dì Ba bị giăng dây, chẳng thể ra ngoài mà trông cậy ai làm cho tấm hình thờ. Con hẻm chật chội thường ngày kẻ ra người vào va quệt vào nhau, bữa nay rộng hẳn. Thế lại đỡ cực cho mấy người khiêng hòm. Hàng xóm đóng cửa cố thủ trong nhà. Chiếc quan tài lầm lũi đi, không thấy cánh tay nào giơ lên dù là qua khe cửa, vẫy chào tiễn biệt người quá cố. Đến cổng lò thiêu, xe dừng lại. Anh em nhà Tân, Trung vái má lần cuối rồi ra về. Bây giờ dì Ba phải nằm một mình trong chiếc quan tài và chờ đợi. Đông người chết quá, không biết bao giờ mới đến lượt dì. Nhân viên dịch vụ mai táng chở các hũ cốt đựng trong chiếc sóng nhựa đang tìm địa chỉ người nhận. Sinh thời, dì Ba có tâm nguyện sau khi chết sẽ được hỏa thiêu, tro cốt đem rải xuống sông cho mát mẻ. Lẽ thường, nhận tro cốt xong cũng phải rước má về nhà thờ cúng ít hôm cho phải đạo. Nhưng do việc đi lại bị cấm đoán, xin xỏ khó khăn nên từ khu lò thiêu, Tân ôm hũ tro của mẹ rải ra sông rồi mới về nhà. Thế cũng xong một kiếp người. Đám tang anh P cũng vậy, buồn thắt ruột. Thì cũng như đám của dì Ba, tính cả đội ngũ khiêng quan tài, đâu khoảng chục người. Hơn được tấm di ảnh để thiên hạ biết người chết là ai. Gớm, lôi “thiên hạ” vào để tự vỗ về nhau, cho dịu bớt cái nghịch cảnh chia cắt, cái thân phận bị trói buộc của mình, của người trong thời đại dịch. Khu xóm đạo nhà anh P không bị phong toả, một vài người hàng xóm thò đầu ngó ra cửa, ngậm ngùi nhìn theo chiếc quan tài đi ngang qua, miệng thì thầm lời kinh cầu nguyện. Những ngày cuối cùng của anh P là một cuộc đợi chờ mòn mỏi, vô vọng. Căn bệnh ung thư bòn rút hết da thịt anh, đến nỗi hai hốc mắt như bị kéo rộng ra, sâu hoăm hoắm trên gương mặt chỉ còn ngổn ngang xương xảu. Chưa được gặp vợ chồng người em trai út, anh không nhắm mắt được. Cơn hấp hối cứ kéo dài mãi, làm đau cả người sống lẫn người sắp chết. Tiếng gọi “Tí ơi” đầy thân thương thuở nào hồi hai anh em còn nhỏ dại, giờ lịm dần, lịm dần rồi tắt hẳn trên khóe môi người đàn ông nay đã ngoài 50 tuổi. Vợ chồng “thằng Tí” không ở đâu xa, chỉ cách đó vài cây số mà không về được. Khi người ta nhân danh lệnh phong tỏa, giãn cách để kết luận “bánh mì không phải lương thực”, khi bác sĩ nhận lệnh điều động của nhà cầm quyền thành phố đi tiêm vaccine cho dân bị ách lại tại trạm kiểm soát với lý do “chỉ thị 16 không cần y tế” thì việc về thăm người thân đang hấp hối liệu có được chấp thuận? Dẫu sao, dì Ba, anh P cũng được chết ở nhà, có người thân đưa tiễn. Đỡ tủi. Nhiều cảnh còn thảm thương, bi đát gấp bội lần. Hôm nay, tôi “được” (chữ “được” phải bỏ vào ngoặc kép) xem một đoạn video ghi lại cảnh người ta đang chuẩn bị đưa thi thể của một người chết vì covid-19 vào quan tài. Không biết người chết là nam hay nữ, nhưng được bọc kín trong tấm vải liệm màu vàng. Khoảng giây thứ 18 đến 20, cánh tay phải của người nằm trong tấm vải liệm cử động. Trang web Sài Gòn Nhỏ đăng đoạn video kèm lời bình luận của Thanh Hieu Bui như sau “Những người ở ngoài bận rộn với việc đưa xác lên xe tải để chuyển đi tới lò thiêu nên không để ý, người quay video cũng không chú ý đến cử động này. Có thể người này chưa chết hẳn, nhưng đã bị liệm rồi mang đi cho kịp chuyến xe”. Chắc là thế thật, vì trên xe còn một chiếc quan tài nữa đang đợi. Đoạn video chỉ vài chục giây kèm lời mô tả, bình luận ngắn gọn hẳn đã khiến người xem rùng mình, kinh hãi và xót xa. Tại các khu cách ly tập trung, nhiều bệnh nhân covid-19 không bao giờ còn có cơ hội được trở về. Hoặc phải về nhà trong những bình tro không biết có phải là của mình không nữa. Trước khi chết, họ phải vật lộn với sự đau đớn, sợ hãi, tuyệt vọng và nỗi cô đơn tận cùng. Còn gì kinh khủng hơn khi cảm nhận được cái chết đang đến với mình, với người xung quanh mình. Mỗi ngày, người ta lại chứng kiến nhiều hơn hình ảnh các thi thể bị bó trong bao nilong, những chuyến xe ô-tô chở 4,5 quan tài nối thành hàng dài đến các lò thiêu khiến bao người bị ám ảnh. Những cái chết như thế, làm gì có đám tang. Mà có, chắc chẳng ai đưa tiễn. Ôi! Sài Gòn nhuốm màu đau thương. Sài Gòn vương mùi tử khí. Sài Gòn 10/8/2021. *** NGƯỜi ĐI QUANH PHỐ VỚI TRO CỐT Thanh Bình Thân Mến Trời ơi, một Sài Gòn chừ nát tan vô độ Đời mong manh khi tôi gặp người shipper áo trắng Giao hàng chi, tôi nào muốn nhận một hũ tro than Giao hàng chi, khi tôi không còn cả một que nhang Trời ơi, một Sài Gòn nghề cốt tro giao vội Nghe lạnh lùng như thế giới trùng trùng quỷ ma Như Sài Gòn tôi xin đừng bán phận đời lũ tàu phù Ai gieo chi đường về quê ruồng bỏ cả đồng bào Tôi cũng không còn nước mắt khóc cho Sài Gòn Chỉ còn đây lời trần tình ai mất ai còn Tôi nào biết địa chỉ mà cha tôi được đón Cha đi hôm qua, mẹ về hôm nay, đi về nơi nao Tôi cũng đâu hay đất nước sẽ đi vể đâu Sống không xong, thành phố không người,còi hụ, shipper… Người vận chuyển tro cốt chở oan linh người chết Đem giao linh thiêng, sao chẳng kèn ma, đưa tiễn kinh cầu Shipper ơi, Sài Gòn bây giờ có bao tro cốt vô thừa nhận Thân phận nhân dân cỏ hèn như Sài Gòn không ngày mai Đớn đau xe cứu thương hàng hàng trước trung tâm hỏa táng Còn lời nguyện cầu nào cho loài người biết xót xa nhau.  
......

Vaccine Tàu (Sinopharm và Sinovac) có hiệu quả ra sao?

Nguyễn Văn Tuấn Việt Nam đã nhập 5 triệu liều vaccine Tàu và chuẩn bị dư luận cho vaccine này, vậy thì chúng ta đánh giá vaccine Tàu ra sao, và đề nghị gì cho nhà chức trách? Đó là chủ đề của cái note hơi dài này … 1.  Sinopharm và Sinovac Tàu có 2 loại vaccine do hai công ti (Sinopharm và Sinovac Biotech) đang được sử dụng. Vaccine của công ti Sinopharm có tên là “BBIBP vaccine” (hay BBIBP-CorV). Vaccine của Sinovac là “CoronaVac”. Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn cho sử dụng vaccine của Sinopharm vào tháng 5/2021 và CoronaVac vào tháng 6/2021. Tính đến cuối tháng 6/2021, Tàu đã tiêm chủng hơn 1 tỉ liều của 2 vaccine trên trong nước, và đồng thời cung cấp hàng trăm triệu liều cho hơn 80 quốc gia trên thế giới. Giới quan sát quốc tế nghĩ rằng Tàu đang dùng vaccine như là một phương tiện ngoại giao: ‘Ngoại giao vaccine’ để gây ảnh hưởng. Cả hai BBIBP và CoronaVac là loại vaccine được bào chế theo kĩ thuật truyền thống. Theo kĩ thuật này, nhà khoa học lấy các phân tử (particle) của con virus, sau đó làm cho chúng bất kích hoạt (tức không thể gây bệnh Covid-19). BBIBP vaccine có nhiều protein bắt chước hệ thống miễn dịch con người kích thích sản sinh các kháng thể nhằm phát hiện và chống trả sự tấn công của SARS-Cov-2. Kĩ thuật này được áp dụng trong việc sản xuất các vaccine chống bệnh Polio, viêm gan A và cả cúm mùa. Đó là nguyên lí đằng sau BBIBP vaccine. 2.  Hiệu quả của vaccine Tàu Đây là vấn đề rất khó đánh giá bởi vì thiếu dữ liệu. Trong y văn không có báo cáo thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của cả hai vaccine. Tất cả dữ liệu chỉ là báo cáo cho WHO [1,2], nhưng chưa qua bình duyệt bởi một hội đồng khoa học. Tôi tóm tắt những dữ liệu đó trong bảng sau đây (xem hình). Trước khi diễn giải kết quả, tôi đề nghị các bạn chú ý 3 điểm: Chú ý rằng đa số các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III được thực hiện ở các nước ngoài Tàu. CoronaVac được thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kì, Nam Dương, Ba Tây. Còn BBIBP của Sinopharm thì được thử nghiệm ở Trung Đông và ở Tàu (chỉ 2100 người). Thử nghiệm trên nhiều quần thể rất khác nhau như thế dễ dẫn đến tình trạng mà giới khoa học gọi là ‘heterogeneity’ (bất đồng dạng) trong nghiên cứu, hay ví von là gộp trái táo với trái cam, và kết quả rất khó diễn giải. Điểm thứ hai cần lưu ý là những thử nghiệm này được thực hiện trên cỡ mẫu tương đối nhỏ (ngoại trừ BBIBP). Thử nghiệm lâm sàng về vaccine thường có cỡ mẫu trên 30,000 người để có độ nhạy tốt. Nhưng hầu hết các thử nghiệm hai vaccine Tàu chỉ dựa trên 1620 người đến 13,000 người. Mà, nếu chia ra cho từng quốc gia thì con số thậm chí còn thấp hơn, nhưng chúng ta không biết bao nhiêu. Điểm thứ ba là các báo cáo này rất rất … thô sơ. Thô sơ đến nổi không xứng đáng là một báo cáo khoa học dù chỉ là trong một seminar! Chẳng hạn như thông tin cơ bản nhứt là số cỡ mẫu cho mỗi nhóm (nhóm chứng và nhóm vaccine) cũng không có trong báo cáo. Một thông tin cơ bản rất quan trọng để tính hiệu quả vaccine là tỉ lệ nhiễm trong mỗi nhóm không hề được báo cáo. Họ ta chỉ đưa ra con số (ví dụ) như hiệu quả vaccine là 84%, mà không cho biết nó đến từ đâu!   Tóm tắt hiệu quả của vaccine Sinopharm và Sinovac Với những lưu ý trên, các dữ liệu từ 2 vaccine này có thể hiểu như thế nào? Đối với CoronaVac, hiệu quả vaccine rất khác nhau giữa các quần thể, và nó dao động từ 51% đến 84%. Thử nghiệm ở Ba Tây trên gần 13000 bệnh nhân cho thấy vaccine chỉ có hiệu quả 51%. Xin nhắc lại rằng WHO chỉ chấp nhận vaccine với hiệu quả trên 50%, và vaccine này có con số may mắn 51%! Tuy nhiên, khi thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kì (cũng gần 13000 bệnh nhân) thì hiệu quả lên đến 84%. Riêng ở Nam Dương, thử nghiệm trên 1620 người thì hiệu của CoronaVac chỉ 65%, và khoảng tin cậy 95% dao động trong khoảng 20 đến 85%. Tôi không hiểu sao có sự mất cân đối trong khoảng tin cậy 95%. Rất có thể tác giả đã phân tích sai? Đối với BBIBP của Sinopharm thì số liệu càng khó diễn giải vì tác giả gộp chung thử nghiệm từ 5 quốc gia thành một con số. Theo con số này thì hiệu quả của BBIBP là 78%, nhưng dao động từ 65 đến 86% (khoảng tin cậy này nhứt quán với dữ liệu). Cả hai vaccine có vẻ giảm nguy cơ nhập viện đến 100%! Chẳng hạn như kết quả thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kì cho thấy CoronaVac có thể giảm nguy cơ nhập viện 100%. Điều đáng chú ý (hay nghi ngờ) là họ báo cáo khoảng tin cậy 95% dao động từ 20% đến 100%). Điều này có nghĩa là dữ liệu thiếu tính nhứt quán, và con số đã bị sai lệch khá nhiều. Tóm lại, con số về hiệu quả ngừa nhập viện là chưa thể tin được, hay đúng hơn là chưa đánh giá được. 3.  An toàn của vaccine Sinopharm Dữ liệu về sự an toàn của vaccine Tàu cũng rất hiếm, và khó đánh giá. Theo một báo cáo đánh giá của nhóm SAGE (thuộc Tổ chức Y tế Thế giới), sau 1.1 triệu liều BBIBP cho người 60 tuổi trở lên, chỉ có 79 ca có biến chứng nặng. Trong số này, có 45 ca được xem là có liên quan đến vaccine. Những biến chứng phổ biến là chóng mặt (23 ca), nhức đầu (9), mệt mỏi (9), nôn mửa (7), sốt (6), dị ứng trên da (6). Tuy nhiên, theo một báo cáo trình bày trước một hội đồng vaccine của WHO [2], sau 35.8 triệu liều CoronaVac ở Tàu, chỉ có 49 ca báo cáo có biến chứng nặng. Những biến chứng này bao gồm sốc phản vệ, hội chứng Henoch-Schonlein, xuất huyết não, huỷ vỏ myelin, v.v. Vẫn theo báo cáo trên, trong số khoảng 17 triệu liều CoronaVac ở Ba Tây (Brazil), có 162 báo cáo biến chứng nặng, kể cả tử vong. Tuy nhiên, biến chứng nặng ở đây là sốt, khó thở, nhức đầu. Cũng có báo cáo một số ca tử vong, nhưng không thấy trình bày con số. Nhìn chung, con số về biến chứng sau tiêm chủng vaccine của Tàu rất thấp. Thấp đến độ ngạc nhiên. Chẳng hạn như ở Úc, cứ mỗi 10,000 liều thì có chừng 58 báo cáo phản ứng phụ. Nếu với 35,8 triệu liều, chúng ta kì vọng khoảng 129,000 ca phản ứng phụ. Thế nhưng số liệu của Tàu chỉ … 49 ca, và tất cả 49 ca đều có thể xem là ‘nhẹ’ (dù họ báo là ‘nặng’). Tóm lại, dữ liệu về hiệu quả của hai loại vaccine Tàu (Sinopharm và Sinovac) còn rất hạn chế, nên rất khó có thể đánh giá đúng. Tuy nhiên, những dữ liệu này cho thấy hiệu quả của hai vaccine dao động rất lớn, từ 51% đến 84%, tuỳ vào quần thể thử nghiệm. Về mức độ an toàn thì số liệu báo cáo cho thấy nguy cơ phản ứng phụ rất thấp, chỉ bằng 3-4 phần 10,000 so với các vaccine như AstraZeneca và Pfizer. Mức độ thấp một cách bất thường về phản ứng phụ đó cùng những bất cập trong dữ liệu về hiệu quả làm cho nhiều người không dám đặt niềm tin vào vaccine của Tàu. 4.  Kinh nghiệm ở Chile, Mông Cổ và Seychelles Cả hai vaccine do Tàu sản xuất đã được sử dụng nhiều nơi trên thế giới (hơn 90 quốc gia), chủ yếu là ở những nước có quan hệ ngoại giao và kinh tế với họ. Nhưng ngay tại những nước này, kinh nghiệm của họ về vaccine có lẽ không được khả quan. Những nước dùng vaccine của Tàu trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng bao gồm Mông Cổ, Bahrain, Chile, và quốc đảo Seychelles. Cho đến nay, khoảng 50-70% dân số ở các nước này đã được tiêm chủng 2 liều CoronaVac hay BBIBP. Khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine, cả ba nước này hứa rằng cuộc sống bình thường sẽ được phục hồi, thế nhưng trong thực tế thì họ đang phải đối đầu với làn sóng Covid-19 mới. Hiện nay, 4 nước này đang đứng đầu danh sách quốc gia với số ca nhiễm nhiều nhứt thế giới. Nam Dương cũng là nước dùng vaccine Tàu như là nguồn chánh. Cho đến nay, Nam Dương cũng đang trải qua một đợt bùng phát mạnh. Hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế đã bị nhiễm dù đã được tiêm đủ 2 liều vaccine; trong đó 61 người đã qua đời (kể cả 10 người dùng vaccine Tàu). Gần Việt Nam hơn là Thái Lan cũng là nước dùng lệ thuộc vào vaccine Tàu và cũng đang trải qua một đợt bùng phát mới. Hiện nay, số ca nhiễm mỗi ngày ở Thái Lan là 17,000 người. Cũng như Nam Dương, hàng trăm bác sĩ và nhân viên y tế Thái Lan bị nhiễm dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine Tàu. Thái Lan thay đổi qui định tiêm vaccine bằng cách cho phép trộn 2 liều vaccine khác nhau: một với AstraZeneca và một với CoronaVac.   Nếu vaccin Tàu thật sự tốt, thì sự bùng phát như thế không thể xảy ra. Chẳng hạn như ở Mĩ, nơi mà ~45% dân số đã được tiêm vaccine Pfizer và Moderna, số ca nhiễm đã giảm đến 94% trong vòng 6 tháng. Do Thái là nước có tỉ lệ tiêm chủng bằng Seychelles (nhưng dùng vaccine Pfizer) và số ca hiện nay là khoảng 4.9 trên 1 triệu dân số, so với 716 trên 1 triệu ở Seychelles. 5.  Việt Nam phải làm gì? Tin mới nhứt là một tập đoàn tư nhân đã được Bộ Y tế cho nhập về 5 triệu liều vaccine Sinopharm. Trong thực tế, có lẽ Việt Nam không có nhiều lựa chọn vì nguồn vaccine còn hạn chế. Bộ Y tế đã cho phép nhập vaccine Tàu gởi một tín hiệu rằng Bộ Y tế biết vaccine của Tàu là an toàn và có hiệu quả? Nhưng như tôi điểm qua dữ liệu ở trên, hiệu quả và an toàn của hai vaccine Tàu còn nhiều bất định. Ngoài ra, kinh nghiệm thực tế ở những nước dùng nhiều vaccine của Tàu đáng để chúng ta phải suy nghĩ một cách tiếp cận. Tôi đề nghị 5 điểm như sau: Thứ nhứt, tạm thời chưa công nhận những ai đã tiêm vaccine Tàu là đã được tiêm chủng.Người dân có thể có lựa chọn tiêm CoronaVac hay BBIBP, nhưng vì sự bất định về hiệu quả, nên khó có thể xem đó là đã được tiêm chủng. Trong thực tế, Âu châu và vài nơi không công nhận những người đã tiêm vaccine Tàu là có ‘giấy thông hành miễn dịch’, và họ không được vào Âu châu trong tương lai. Việt Nam cũng nên có một chánh sách như thế để bảo đảm cộng đồng về lâu dài. Thứ hai, không dùng vaccine Tàu cho những người có nguy cơ cao.Bởi vì các thử nghiệm lâm sàng của CoronaVac là trên người khoẻ mạnh, như nhân viên y tế, nên dữ liệu khoa học về hiệu quả của hai vaccine này ở những người có bệnh nền vẫn còn rất thiếu. Ngay cả vaccine CoronaVac, hiệu quả ở người trên 60 tuổi chỉ 51%, tức rất thấp. Do đó, tôi nghĩ không nên dùng vaccine này cho những người có nguy cơ cao. Thứ ba, chỉ tiêm vaccine Sinopharm và Sinovac 1 liều như là bổ trợ cho các vaccine khác như AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Điều này có nghĩa là đối với những người chưa tiêm vaccine, họ có thể dùng 1 liều CoronaVac hay BBIBP, nhưng sau đó là 1 liều của một trong ba vaccine phương Tây. Cách làm này bảo đảm nếu CoronaVac hay BBIBP không có hiệu quả thì vẫn có được sự bảo vệ của các vaccine đã ‘chứng minh’ là có hiệu quả. Thứ tư, yêu cầu Sinopharm và Sinovac cung cấp thêm dữ liệu khoa học về hiệu quả và an toàn vaccine. Tôi nghĩ Nhà nước phải có trách nhiệm với dân khi triển khai một loại vaccine mà có nhiều yếu tố khoa học bất định. Nhà nước phải nói cho người dân biết sự thật về hiệu quả và an toàn của vaccine Tàu. Nhưng Nhà nước không thể biết hiệu quả và an toàn của vaccine, nên họ có quyền yêu Sinopharm và Sinovac cung cấp thêm dữ liệu, và điều này rất bình thường trước khi chấp nhận một vaccine hay thuốc. Những dữ liệu cần thiết là thông tin về thử nghiệm lâm sàng (như thử nghiệm ai, ở đâu, bao lâu, chỉ tiêu lâm sàng là gì, phân tích ra sao, ai là người giám sát phân tích dữ liệu, v.v.) Và, quan trọng hơn hết, chúng ta cần chủ động tiếp cận những nguồn vaccine mới có triển vọng cao. Và, ngay từ bây giờ, tôi đề nghị Việt Nam nên thương lượng với Novavax (Mĩ) để thay thế nguồn vaccine từ Tàu. Theo số liệu công bố trên tập san y khoa New England Journal of Medicine, vaccine loại protein của Novavax có hiệu quả 90% chống Covid-19 [4]. Nếu được thì đây là nguồn vaccine mới rất có ích cho Việt Nam để đạt miễn dịch cộng đồng. Dĩ nhiên, những đề nghị trên đây chỉ là … đề nghị. Tuy nhiên, tôi vẫn hi vọng các giới chức y tế và lãnh đạo HCM cân nhắc cẩn thận khi dùng vaccine Sinopharm và Sinovac, và 5 đề nghị trên phản ảnh sự cân nhắc đó. Nguyễn Văn Tuấn Nguồn: https://nguyenvantuan.info/2021/08/01/vaccine-tau-sinopharm-va-sinovac-co-hieu-qua-ra-sao Chú thích: [1] https://cdn.who.int/media/docs/default-source/immunization/sage/2021/april/2_sage29apr202 [2] https://cdn.who.int/media/docs/default-source/immunization/sage/2021/april/5_sage29apr2021 [3] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2107715 [4] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2107659 Tái bút: về Vero Cell và BBIBP Cách họ (Sinopharm) định danh nhiều khi gây lẫn lộn. Theo trang này (1) thì họ ghi vaccine của Sinopharm là “Sinopharm (Wuhan): Inactivated (Vero Cells)”. Trong đó, có thông tin thử nghiệm trên 45000 người ở Bahrain, Egypt, Jordan, United Arab Emirates. Đó cũng là thông tin trong báo cáo cho WHO mà tôi trích dẫn (2), nhưng báo cáo đó dùng tên vaccine là “Sinopharm/BBIBP COVID-19 vaccine”. Thật ra, wikipedia (3) cũng nói rõ là “BBIBP-CorV, also known as the Sinopharm COVID-19 vaccine or BIBP vaccine … Its product name is SARS-CoV-2 Vaccine (Vero Cell), not to be confused with the similar product name of CoronaVac”. Nói tóm lại “Vero Cell” chính là “BBIBP” hay “BBIBP-CorV”. **** (1) https://covid19.trackvaccines.org/vaccines/16/ (2) https://cdn.who.int/media/docs/default-source/immunization/sage/2021/april/2_sage29apr2021 (3) https://en.m.wikipedia.org/wiki/BBIBP-CorV  
......

Pháp cảnh báo về ‘mật ong kích thích’ Black Horse Honey và Jaguar Power

Nhà chức trách Pháp kêu gọi những ai đã mua mật ong hoặc các sản phẩm từ mật ong được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ sinh lý nên tiêu hủy ngay lập tức – Minh họa: Cool Calm/Unsplash SGN Các cơ quan an ninh và y tế Pháp hôm Thứ Ba, 27 Tháng Bảy, đã ra cảnh báo và chống lại các sản phẩm mật ong và gel được bán trên thị trường như thuốc kích dục tự nhiên nhưng thực tế lại chứa các thành phần (không được ghi trên nhãn) có thể có tác dụng phụ nguy hiểm. Thông cáo chung kêu gọi những ai đã mua mật ong hoặc các sản phẩm từ mật ong được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ sinh lý nên “tiêu hủy ngay lập tức”. Theo các cơ quan này, có những thành phần hóa chất nhạy cảm có thể gây biến chứng được thêm vào các sản phẩm đó nhưng nhà sản xuất không ghi rõ trên bao bì. Các cơ quan chức năng này cho biết các sản phẩm được bán trên thị trường dưới những cái tên rất kêu như “Black Horse Honey” hoặc “Jaguar Power”, được cho là 100% tự nhiên nhưng thực tế lại chứa các chất hóa học như sildenafil hoặc tadalafil. Đây là những chất chính trong thuốc chống rối loạn cương dương Viagra và Cialis. Theo quy định của Pháp, những loại thuốc này chỉ được bán theo đơn của bác sĩ. Các chất này có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng đối với những người bị bệnh tim. Một số phòng khám ở Pháp trong những tháng trước đã báo cáo có người bị suy tim do sử dụng các sản phẩm này. Các cơ quan chức năng cũng cảnh báo, một số tác dụng phụ có thể gặp bao gồm “co giật lặp đi lặp lại, xuất huyết phổi, sưng não hoặc suy thận cấp tính nặng, đối với một số người dùng”, và bệnh nhân có thể phải nhập viện điều trị lâu dài.  
......

Kariko Katalin, người phụ nữ này sẽ được giải Nobel

 BS Trần Văn Phúc| Kariko Katalin, người phụ nữ đã từng bị chê cười, đã từng nhiều lần bị ngăn cản, thường xuyên bị sa thải, lý lịch của bà đầy rẫy những thất bại và đau khổ. Nhưng hôm nay, bà được coi là một trong những người phát minh ra công nghệ mRNA, từ đó tạo ra vaccine COVID-19 tiên tiến nhất thế giới. Cuộc đời Kariko Katalin không có từ dễ dàng, nhưng đó là một câu chuyện về niềm tin vô điều kiện vào một ý tưởng có thể làm thay đổi cả thế giới. Khi thế giới mong đợi vaccine COVID-19 Được chờ đợi nhất là vaccine công nghệ mRNA, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đứng ngoài cửa đón lõng đầu tiên, nhanh chóng cấp thẻ xanh. So với công nghệ vaccine truyền thống, mRNA hứa hẹn hiệu quả hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, ít tác dụng phụ hơn; có thể so sánh sự khác biệt giống như xe máy và chuyên cơ. Khái niệm mRNA được học từ lớp 9, bài giảng sinh học đã dạy mRNA có chức năng truyền đạt thông tin quy định cấu trúc của protein. Chữ m = messenger = thông tin. Để dễ hiểu, có thể hình dung quá trình tổng hợp mỗi protein trong cơ thể con người giống như giải một bài toán phức tạp, mRNA trở thành cuốn sổ tay những công thức toán học. Nếu con người tạo ra được vaccine dưới dạng mRNA nhân tạo, khi tiêm vào cơ thể, mRNA sẽ nguỵ trang giống như thằng kẻ trộm lẻn vào nhưng không đánh thức chủ nhà, nó âm thầm xây dựng một hệ thống phòng thủ là những protein kháng thể, để khi virus tấn công sẽ bị hệ thống ấy tiêu diệt. Lý thuyết đơn giản như vậy nhưng thực tế rất phức tạp. Kariko Katalin bị ám ảnh bởi mRNA, bà hiểu đây là loại RNA rất đặc biệt, nó nắm tất cả bí quyết tạo ra hàng tỉ tỉ protein trong cơ thể con người. Về mặt lý thuyết, khoa học hoàn toàn có thể điều khiển mRNA để tạo ra loại protein có chủ đích, làm được điều đó thì mRNA trở thành vũ khí mạnh nhất khống chế hàng loạt bệnh tật. Ý tưởng đó thật đẹp, nhưng chỉ là lý thuyết, sự hiểu biết về mRNA vào những năm 1980 vẫn còn rất hạn chế. Về mặt nguyên tắc, khi tiêm mRNA vào cơ thể con người, thì đó là dị nguyên, nên ngay lập tức hệ thống phòng thủ của cơ thể sẽ phá huỷ trước khi mRNA thực hiện các chức năng nhiệm vụ. Nghĩa là vaccine mRNA dù nguỵ trang tài tình đến mấy thì vẫn là thằng kẻ trộm, khi đột nhập nó sẽ đánh thức chủ nhà tổ chức vây bắt và tiêu diệt. Nhưng điều nghiêm trọng hơn, đó là cơ thể con người chống lại thằng kẻ trộm theo cách bản năng quá mạnh mẽ, tạo ra phản ứng miễn dịch nghiêm trọng, có nguy cơ tử vong. Sau rất nhiều thất bại, hầu hết các nhà khoa học đã bỏ cuộc, chẳng ai còn quan tâm đến mRNA, kiến thức đó chỉ nằm trên trang sách giáo khoa sinh học lớp 9 và lớp 10, để học sinh thi với những câu hỏi rất nhàm chán. Kariko Katalin không bị khuất phục. Bà lao đầu vào nghiên cứu, những công trình của bà đã gây được sự chú ý của hai công ty non trẻ Modena (Canada) và BioNTech (Đức), cùng với ông lớn Pfizer (Mỹ) quyết định đầu tư sản xuất vaccine COVID-19 theo công nghệ mRNA, đó là cú áp phe không khác gì một chuyến du hành lên sao hoả. Công nghệ mRNA sẽ không dừng lại ở sản xuất vaccine, mà trong tương lai không xa, hàng loạt “dịch bệnh” như ung thư, đột quỵ, hay các bệnh hiểm nghèo khác cũng hứa hẹn sẽ được thanh toán. 40 năm trên băng ghế lạnh lẽo Kariko Katalin sinh ngày 17 tháng 1 năm 1955 ở Szolnok (Hungari), trong một ngôi nhà tranh không có tiện nghi, nhưng đầy đủ tình thương của tổ ấm gia đình. Kariko Katalin thừa hưởng gen yêu thích sinh học của bố là người làm nghề bán thịt lợn, gen kiên trì nghiên cứu của mẹ là một kế toán viên, được hưởng sự giáo dục niềm say mê sinh học từ các giáo viên trường kisújszállási. Do hoàn cảnh nghèo khó, Kariko Katalin đã dốc hết tâm lực trong những năm đại học, cô giành được học bổng Cộng hoà Nhân dân Hungary, đó là học bổng danh giá nhất lúc bấy giờ. Tiếp tục học lên tiến sĩ, rồi làm việc tại trung tâm nghiên cứu sinh học của Học viện Khoa học Hungary ở Szeged. Cô theo đuổi công nghệ mRNA. Đó là lĩnh vực đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều tiền của, các nhà khoa học khác đã bỏ chạy, đất nước Hungary những năm 1980 là quốc gia tự do cởi mở nhất trong khối Liên Xô cũ, nhưng cũng chẳng có tiền để tài trợ cho những nghiên cứu lớn. Kariko Katalin bị mất việc ở tuổi 30. Ban đầu cô tìm việc làm ở khối châu Âu, nhưng không nơi nào chịu nhận, bởi cô chẳng có thành tích khoa học gì đáng kể. Vào một buổi chiều năm 1985, Kariko Katalin cùng chồng đưa cô con gái hai tuổi của họ rời đất nước Hungary, tìm đường đến Hoa Kỳ. Tài sản duy nhất có giá là chiếc ô tô cũ. Bán đi được 900 bảng Anh trên thị trường chợ đen. Để mang trót lọt số tiền ấy, Kariko Katalin phải rạch con gấu bông đồ chơi của con gái, nhét 900 bảng vào, rồi khâu lại. Thời gian đầu ở Mỹ, Kariko Katalin được nhận vào làm việc tại Đại học Temple, nhưng chẳng bao lâu sau nhóm của cô bị giải tán vì không kiếm được kinh phí tài trợ. Năm 1989, Kariko Katalin làm ở khoa dược Đaị học Pennsylvania, mặc dù là giáo sư chính thức, nhưng đây là thời gian khó khăn nhất, lương rất thấp và không ai tin cô. Năm 1995, Kariko bị giáng xuống mức thấp tận cùng, không nhận được tài trợ, không tìm nổi dự án; Đại học Pennsylvania quyết định sa thải. Đó là quãng thời gian kinh khủng. Căn phòng cô ở bị dột nát trong mỗi cơn mưa chiều tối, cô lại bị mắc căn bệnh ung thư mới được chẩn đoán, chồng cô đang ở Hungary không thể đến Mỹ vì vấn đề Visa, công việc dành bao nhiêu thời gian và tâm huyết dường như đang tuột khỏi tầm tay. Kariko Katalin nói: “Tôi bắt đầu nghi ngờ rằng có lẽ mình không đủ giỏi, không đủ thông minh. Và tôi cố gắng tự nhủ rằng mọi thứ đã ở đây, tôi chỉ cần thực hiện các thí nghiệm tốt hơn.” ĐỔI ĐỜI Vào năm 1998, Kariko Katalin cuối cùng đã nhận được khoản tiền tài trợ đầu tiên, đó là 100 ngàn đô la. Thật kỳ lạ, năm đó cô cũng gặp được một người đàn ông của cuộc đời. Đó là buổi chiều định mệnh, Kariko Katalin đi phô tô tài liệu, cô gặp Drew Weissmen, một người đồng nghiệp mới vừa chuyển đến từ Viện Y tế Quốc gia. Trong lúc chờ phô tô, Kariko Katalin kể với Weissmen về ý tưởng tạo ra mRNA, theo đúng mong muốn. Ngay lập tức Weissmen nhìn thấy trước mắt mình là một khối tài sản vô giá. Anh quyết định đầu tư, cộng tác cùng Kariko Katalin, quyết tâm phát triển công nghệ mRNA trong lĩnh vực y sinh học. Vào năm 2005: mRNA phiên bản mô đun suy yếu ra đời! Chuỗi mRNA được cấu tạo bởi mạch đơn, thẳng, bao gồm các nucleotid. Mỗi nucleotid gồm hai thành phần là nucleoside và gốc phốt phát. Nucleoside lại được hình thành bằng cách ngưng tụ D-ribose và các base. Các base đó là Adenin, Guanin, Cytosine và Uracil. Kariko và Weissman tổng hợp mRNA với khả năng “lẻn” qua một số lượng nhỏ các chất thay thế base, đống thời sử dụng các hạt nano lipid bao bọc xung quanh, làm cho mRNA được nguỵ trang giống như tên trộm lẻn vào tế bào cơ thể người mà không kích hoạt hệ thống miễn dịch bảo vệ nào. Sau khi đọc công trình nghiên cứu, Derrick Rossi, một chuyên gia tế bào gốc Canada đang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford đã vô cùng kinh ngạc. Thời cơ đã đến. Nhận thấy cơ hội kinh doanh siêu lợi nhuận, Rossi âm thầm lặng lẽ tìm vốn đầu tư, ông thành lập một công ty bé nhỏ, lấy tên là Moderna. Tại Đức, một nhóm nghiên cứu mới cũng phát hiện ra tiềm năng của Kariko Katalin, công ty mới BioNTech được thành lập, lấy trụ sở tại Hoa Kỳ. Năm 2013, BioNTech thuê Karko Katalin làm chuyên gia cao cấp mRNA. Moderna và BioNTech chưa làm được gì nhiều cho đến năm 2020. Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, Moderna thúc đẩy sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA, thêm công ty BioNTech được Pfizer đầu tư hàng tỷ đô la quyết tâm biến ý tưởng của Kariko Katalin thành hiện thực. Chắc chắn Kariko Katalin cùng với đồng nghiệp Derrick Rossi sẽ đoạt giải thưởng Nobel trong một ngày không xa.    BS Trần Văn Phúc
......

Không diệt được virus nhưng diệt được chổ sinh sản của nó

Phan Xuân Trung Như ta đã biết, virus SARC CoVi 2 là một loại virus lây qua đường hô hấp. Virus xâm nhập vào tế bào niêm mạc mũi, chiếm lấy hệ thống sao chép thông tin di truyền của nhân tế bào, biến tế bào thành công cụ nhân bản cho virus. Các nghiên cứu khoa học đang tìm cách diệt virus. Tuy nhiên chờ được thuốc diệt virus thì còn lâu. Một giải pháp đơn giản là phải phá hủy môi trường sinh sản của virus, tức là tế bào niêm mạc vùng mũi họng. Các tế bào niêm mạc này đã bị virus xâm nhập, làm ổ sinh sản, do đó không còn chức năng bảo vệ cho cơ thể mà đang "tiếp tay cho giặc". Vậy phải tìm cách để bất hoạt các tế bào nô lệ này lại. Nước muối sinh lý 0,9% là nước muối đẳng trương, dùng để làm sạch bề mặt niêm mạc và an toàn cho tế bào. Dùng nước muối đẳng trương để rửa vết thương, rửa sạch khoang mũi và nhiều ứng dụng khác. Tuy nhiên, nước muối này không làm hại tế bào, tức là không có khả năng diệt được "tế bào nô lệ". Nước muối ưu trương là nước muối được pha đậm hơn nước muối sinh lý. Khi tế bào được tưới nước muối ưu trương thì nước từ trong nội bào sẽ bị hút ra ngoài, làm tế bào teo đét lại và mất khả năng hoạt động bình thường. Đây chính là mục tiêu mà ta muốn hướng đến. Khi tế bào nô lệ bị bất hoạt thì virus không còn lợi dụng được nữa, nghĩa là không thể sinh sản ra hàng tỷ con khác để lây lan trong cộng đồng. Đối với người bình thường, dùng tất cả các loại dung dịch vệ sinh mũi họng để làm sạch, tẩy rửa bớt mầm bệnh đang tồn tại trong hốc mũi. Đối với người đã bị nhiễm, niêm mạc mũi họng đã bị mất chức năng (mất khứu giác), không còn khả năng bảo vệ cơ thể nữa thì cần phải phá hủy đi. Việc phá hủy này là một can thiệp mạnh hơn dùng nước muối sinh lý. Nước muối càng đậm thì khả năng phá hủy tế bào niêm mạc càng mạnh. Nước muối ưu trương không phải độc dược, chỉ ức chế và làm hư tế bào niêm mạc mũi tạm thời. Sau khi lớp tế bào hư bị bong tróc thì cơ thể sẽ tự sinh ra lớp niêm mạc mới, lành lặn hơn. Lưu ý: Đây là giải pháp dành cho người đã xác định dương tính với virus. Bài này dùng để giải đáp cho những người ưa bắt bẻ, hỏi về bằng chứng khoa học, lý thuyết nào, nghiên cứu nào... Bài này cũng dùng để trấn an những người còn nghi ngờ về kiến thức mà tôi muốn chuyển đến cho các bạn. Xưa kia Hỷ Lai Lạc bỏ thuốc vào giếng nước để chống dịch tả thì ngày nay bạn nhỏ nước muối ưu trương vào mũi để chống virus. BS PHAN XUÂN TRUNG
......

Chuyện cười: Bôi nhọ đít nồi

Thao Ngoc| Có chàng thanh niên nọ đi uống cà phê với bạn bè. Tại quán nước, anh này nghe ở bàn bên mấy người kháo nhau câu chuyện về một thanh niên quê Thanh Hóa vừa bị công an bắt về tội “bôi nhọ các vị lãnh đạo đảng và nhà nước”. Anh thắc mắc không hiểu vì sao mấy ông lãnh đạo này làm việc ở Hà Nội, mà chàng thanh niên này lại ở Thanh Hóa, cách thủ đô văn vật đến mấy trăm cây số. Hơn nữa nơi mấy ông này làm việc là được canh gác rất cẩn thận, phải qua nhiều vọng gác và có giấy mời hoặc giấy công tác thì mới được vào. Mà những ông này luôn luôn có ít nhất hai người bảo vệ túc trực 24/24. Vậy thì làm sao mà anh chàng người Thanh Hóa này có thể cầm một nắm nhọ nồi để bôi vào mặt mấy ông lãnh đạo Hà Nội được? Nghĩ vậy nhưng tại quán, anh ta không dám đưa những thắc mắc này với bạn bè vì sợ họ cười. Anh ta nghĩ rằng, có lúc nào báo chí đảng và nhà nước đã nói láo không? Vì anh ta vẫn thường nghe người ta hay nói “nhà văn nói láo, nhà báo nói mò” mà? Vậy là anh ta phải “ôm hận vào lòng” và chờ về nhà hỏi bố. Về đến nhà, anh ta liền đưa những tâm sự dấu kín nói với bố. Nghe con trai nói ra những thắc mắc như vậy, ông bố chậm rãi nói: - Việc nào chứ việc này báo chí nhà nước loan tin đúng đấy con ạ. - Nhưng anh này ở Thanh Hóa, làm sao qua mấy vọng gác và người bảo vệ để bôi nhọ mấy ông ấy được? - Con ơi! Tay anh ta dài lắm. - Dài hàng trăm cây số hả bố? - Đúng đấy con ạ. Nhưng anh ta có cách làm rất độc đáo. Nghe đến đây, anh chàng lại càng tò mò: - Bố nói sao? Con không hiểu. Ông bố giải thích: Anh này thấy hiện tình đất nước ngày càng mờ mịt. Nạn tham nhũng ngày càng hoành hoành. Đến nỗi ông Trương Tấn Sang thời còn làm Chủ tịch nước đã gọi họ là bầy sâu. Bà Phó Doan thì nói “bọn chúng ăn không từ một thứ gì của dân”. Nghĩa là cả đồ dơ bẩn họ cũng ăn. Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nói “chống tham nhũng khó là vì Ta đánh Ta”. Qua đó để biết, từ trung ương đến địa phương, không ai là không “ăn”. Làm lớn ăn lớn làm nhỏ ăn nhỏ. Những ông lớn ăn cả hàng ngàn tỷ đấy con ạ. Con xem ti vi nói đã xử mấy vụ rồi. Mà vụ nào cũng mấy ngàn tỷ chứ có ít đâu. Còn biết bao vụ khác đang được che chắn đó thôi. Và người ta đem những tiền tham ô được ra nước ngoài mua nhà cửa để sau này khi có biến là có đường chuồn. Có nguồn tin từ trang mạng WikiLeaks nói, tại Việt Nam có khoảng 65% cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp trung ương, có nhà đất hoặc có visa dài hạn và có tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài. Mà có điều lạ là những đất nước mà họ “lót ổ” ấy không phải là những nước Xã Hội Chủ Nghĩa mà họ cho là Thiên đường đâu con ạ. Đó toàn là những nước Tư bản giãy chết đấy. Chúng nó gần chết đang giẫy đành đạch. Vậy mà mấy bố cứ nhắm mắt mò đến? Con có nghe bà Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường không? Đang là người của một cơ quan quyền lực cao nhất nước nhà. Vây mà bà ta đã tìm cách lót “ổ” ở nước ngoài rồi đấy. Như vụ bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, lương bao nhiêu mà tài sản gia đình bà ta, theo báo chí nhà nước đưa tin là những hơn 700 tỷ, là hơn ba chục triệu đô la đó con ạ. Người con hỏi: Bố ơi! Tụi con đi học nghe thầy giảng bọn tư bản cái gì cũng xấu. Người dân khổ sở lầm than. Nhân dân cả thế giới đang đâu tranh để giải phóng loài người, đưa nhân loại tiến lên CNXH mà? Ông bố nói: Người ta nói một đàng làm một nẻo đấy con ạ. Người Nam có câu: Nói zậy mà không phải zậy là chỗ đó. Ông Trọng còn nói, phải hy sinh một vài người để cứu hàng triệu người. Có người nói rằng, ông Giáo sư Tiến sĩ ngành xây dựng đảng nói vậy là chưa chính xác. Mà làm Tiến sĩ ngành này thì nói như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà khoa học hàng đầu về ngành địa chất nước ta, rằng làm Tiến sĩ ngành xây dựng đảng thì chỉ cần đọc thông viết thạo là có thể làm được. Nói tóm lại cỡ Tiến sĩ của ông Trọng là... Tiến sĩ giấy. Vì vậy ông ấy nói không chuẩn là điều dễ hiểu. Lẽ ra ông Trọng phải nói: “Phải hy sinh vài người đã bị lộ để cứu hàng triệu người chưa bị lộ” thì mới đúng. Người con sốt ruột vì nghe bố nói loanh quanh mãi, mà cái thắc mắc của anh vẫn chưa nghe bố nói. Anh ta liền hỏi: - Vậy cái việc anh chàng này bôi nhọ mấy ông lãnh đạo kia là sao hả bố? Vẫn giọng đều đều chậm rãi, ông nói: - Anh ta bức xúc trước hiện tình đất nước như vậy, mà anh ta không có cách gì để xổ cơn căm giận bực tức của mình vào những người này. Anh ta liền nghĩ ra một cách... - Anh ta làm sao hả bố? - Anh ta liền lấy một cái nồi đất. Mà nồi đất là rất nhiều nhọ. Anh ta mới vẽ hình mấy ông lãnh đạo lên cái đít nồi này. Nhờ đít nồi đất rất nhiều nhọ, nên những đường nét anh ta vẽ nổi lên rất rõ. Vậy là anh ta đã thỏa mãn cơn giận dữ của mình. Người con hỏi: - Sao anh này không lấy cái khác mà vẽ. Thiếu gì vật liệu sạch để vẽ mà lại lấy đít nồi cho nó bẩn? Ông bố trả lời: Thì mấy ông này cũng đâu có sạch sẽ gì. Cũng là những con sâu chưa bị lộ mà thôi. Vẽ trên đít nồi là đúng. Không xứng đáng vẽ nơi sạch sẽ. Mà quyền cao chức trọng như mấy ông này thì sâu ấy càng bự. Nhưng như ông Trọng đã nói: “Đánh chuột phải giữ lấy bình”. Vì vậy những ông này đang sống trong cái bình an toàn, chẳng bao giờ bị lộ. Người con hỏi: - Vậy thì anh ta bị bắt vì tôi gì hả bố? Ông bố trả lời: - Anh này bị bắt vì tội “Đã bôi nhọ đít nồi” tn 5/7
......

Cách làm giảm thiểu các tác dụng phụ, tối đa hóa hiệu quả sau khi được chích ngừa Cúm Tàu.

Hình ảnh minh họa MyLinh Hughes Có một số điều bạn có thể làm trước và sau khi chủng ngừa có thể giúp giảm thiểu một số tác dụng phụ khó chịu. Và hãy yên tâm: Những lời khuyên sau đây sẽ không cản trở hoặc làm giảm phản ứng miễn dịch của bạn.   1/ Bạn có thể dùng thuốc Tylenol, acetaminophen hoặc ibuprofen. Nếu thích hợp về mặt y tế, có thể dùng thuốc hạ sốt hoặc giảm đau (Tylenol, acetaminophen và thuốc chống viêm không steroid) để điều trị các triệu chứng sau tiêm chủng.   2/ Nếu bạn bị sốt hơn 48 giờ sau khi tiêm chủng: đắp khăn ướt mát lạnh Hãy cân nhắc việc đi xét nghiệm Cúm Tàu, Đắp khăn ướt sạch và mát. Nếu bạn không muốn dùng thuốc, đắp một miếng vải mát hoặc miếng gạc lên vết tiêm có thể giúp giảm sưng và đau cánh tay. Và ăn mặc nhẹ nhàng nếu có thể. Mặc quần áo dày có thể làm trầm trọng thêm sự khó chịu của bạn.   3/ Tránh uống quá nhiều rượu. Rượu sẽ không làm giảm phản ứng miễn dịch của bạn, nhưng nó có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự như những triệu chứng liên quan đến vắc-xin. Vì vậy, như một lời cảnh báo, tốt nhất bạn nên tránh uống nhiều rượu trước và sau khi tiêm chủng.   4/ Giữ đủ nước. Đảm bảo uống nhiều nước trước và sau khi tiêm chủng. Mất nước có thể làm trầm trọng thêm bất kỳ tác dụng phụ nào mà bạn có thể gặp phải.   5/Tránh hoạt động gắng sức. Bạn nên sử dụng và vận động cánh tay đã được tiêm chủng thường xuyên. Nhưng nhìn chung, bạn có thể muốn thoải mái trong một hoặc hai ngày sau khi tiêm chủng. Lạm dụng nó có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn - và ngay bây giờ, mục tiêu là tăng cường nó.   Nguồn sưu tầm trên mạng - https://bestcare.org/news/20210602/minimizing-side-effects-maximizing-efficacy-covid-19-vaccine?fbclid=IwAR048zCJiBX2oO_94SLlaZPojF_Av0X5NjBAVC0N9v-l76Wvt5tlkz4g-dU Mylinh Hughes lược dịch      
......

Những tác dụng phụ của thuốc Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson và Astrazeneca

MyLinh Hughes 1/ Moderna: thuốc của Mỹ, dành cho độ tuổi từ 18 tuổi trở lên và người lớn - 2 liều chích, mỗi liều chích ngừa cách nhau 28 ngày - Các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất, thường kéo dài vài ngày là: + đau tại chỗ tiêm + mệt mỏi + nhức đầu + đau cơ + ớn lạnh + đau khớp + sưng hạch bạch huyết ở cánh tay khi tiêm + buồn nôn + nôn mửa + sốt. Lưu ý, nhiều người gặp phải những tác dụng phụ này sau liều thứ hai hơn là sau liều đầu tiên, vì vậy điều quan trọng là người nhận tiêm chủng phải biết rằng có thể có một số tác dụng phụ sau một trong hai liều, nhưng thậm chí nhiều hơn sau liều thứ hai. 2/ Pfizer : thuốc của Mỹ, dành cho độ tuổi từ 12 tuổi trở lên và người lớn 2 liều chích, mỗi liều chích cách nhau 21 ngày Các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất, thường kéo dài vài ngày là: + đau tại chỗ tiêm + mệt mỏi + nhức đầu + đau cơ + ớn lạnh + đau khớp + sốt. Lưu ý, nhiều người gặp phải những tác dụng phụ này sau liều thứ hai hơn là sau liều đầu tiên, vì vậy điều quan trọng là người nhận tiêm chủng phải biết rằng có thể có một số tác dụng phụ sau một trong hai liều, nhưng thậm chí nhiều hơn sau liều thứ hai 3/ Johnson and Johnson: hãng của Mỹ, dành cho trẻ em từ 18 tuổi trở lên và người lớn Chỉ duy nhất một liều chích ngừa. Các tác dụng phụ thường gặp như sau - Ở cánh tay nơi bạn bị chích + Bị đau nhức + Đỏ ửng hồng + Sưng tấy lên Khắp cơ thể bạn sẽ có cảm giác: + Mệt mỏi + Đau đầu + Đau cơ + Nhiễm trùng + Buồn nôn Những tác dụng phụ này thường bắt đầu trong vòng một hoặc hai ngày sau khi chích ngừa. Chúng có thể cảm thấy giống như các triệu chứng cúm và thậm chí có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của bạn, nhưng chúng sẽ biến mất sau một vài ngày. 4/ AstraZeneca:sản xuất ở nhiều nước- Nga, Nhật, Hàn Quốc, etc, dành cho độ tuổi từ 18 tuổi trở lên và người lớn 2 liều chích, mỗi liều chích ngừa cách nhau 2 tháng đến 3 tháng. - Tác dụng phụ hiếm thấy bao gồm: + Viêm xung quanh tủy sống + chứng Đông máu thất thường (cứ khoảng 250,000 người chích thì có 1 người bị đông máu blood clot) + lượng tiểu cầu thấp Các tác dụng phụ phổ biến hơn bao gồm: + nổi mề đay + sưng tấy + thở khò khè + suy hô hấp + tức ngực + khó thở + sưng chân + đau bụng + đau đầu + vết tiêm đau nhức nhẹ + mệt mỏi + Đau nhức cơ Theo dữ liệu thử nghiệm, hầu hết các phản ứng này đều nhẹ và hết trong vòng một ngày hoặc lâu hơn sau khi tiêm. Nguồn CDC Mỹ Mylinh Hughes lược dịch  P/s Mỹ Linh dịch bài này để mọi người ở Mỹ và Việt Nam tham khảo.. Thuốc AstraZeneca không phải thuốc của Mỹ nên không được chấp thuận chích ở Mỹ.. Nó chỉ được lưu hành ở Chấu Âu và Châu Á. Thuốc Moderna trên trang CDC họ có cho phép chích ngừa từ 12 trở lên nhưng FDA của Mỹ chưa duyệt . Mọi người lưu ý nha.
......

Tiền ơi đập chết tao đi hị hị hị

Hình: Kylian Mpappé, cầu thủ đắt giá nhất hành tinh năm 2020 với giá chuyển nhượng 200 triệu Euro. Phạm Thanh Nghiên Theo công bố từ LĐBĐ châu Âu (UEFA), tổng số tiền thưởng tại EURO 2020 sẽ là 371 triệu euro, tương đương 452,5 triệu USD.   Số tiền 371 triệu Euro này sẽ được chia ra làm nhiều phần, và trải đều tùy theo quá trình thi đấu của mỗi đội. Cụ thể, mỗi đội tuyển tham dự vòng bảng nhận được 9,25 triệu Euro, cộng thêm 1,5 triệu cho 1 trận thắng và 750.000 Euro cho 1 trận hòa.   Những đội lọt vào vòng 1/8 nhận thêm 2 triệu euro, sau đó là 3,25 triệu Euro cho vòng tứ kết và 5 triệu cho một suất vào bán kết.   Phần thưởng cho đội giành chức vô địch châu Âu sẽ là 10 triệu Euro. Nhưng nếu toàn thắng tất cả các trận đấu tại VCK Euro 2020, số tiền thưởng đội vô địch nhận được sẽ lên tới 34 triệu Euro. Đội á quân nhận số tiền thưởng cho danh hiệu này là 7 triệu Euro.   Tuy trong bối cảnh đại dịch covid-19 khiến giải đấu phải lùi lại 1 năm và hạn chế lượng cổ động viên vào sân, nhưng mức tiền thưởng tại kỳ Euro năm nay vẫn cao nhất lịch sử của giải đấu này, thậm chí cao hơn cả Worl Cup. Ba năm trước, Pháp giành chức vô địch thế giới ở Wc 2018 cũng chỉ đút túi tổng cộng 31,1 triệu Euro.   Song tiền thưởng dành cho đội vô địch, thậm chí là tiền mà UEFA chi cho giải đấu bóng đá danh giá này vẫn là “khiêm tốn” nếu đem so sánh với giá trị của các siêu sao trên thị trường chuyển nhượng năm 2020. Theo định giá của Transfermarkt, cầu thủ đắt giá nhất hành tinh là Kylian Mbappé (PSG) giá 200 triệu Euro. Đứng thứ 2 là Sterling (Man City) giá 160 triệu Euro. Trong khi đó, siêu sao L. Messi (Barca) giá 140 triệu Euro và đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng. Cầu thủ “rẻ” nhất trong top 10 của các thương vụ chuyển nhượng khủng này là Antoine Griezmann (Barca) cũng được mua với giá trên trời là 120 triệu Euro.   Sau khi giải Euro 2020 kết thúc (gọi là 2021 cũng được), thị trường chuyển nhượng sẽ vào mùa sôi động. Những gương mặt nổi lên trong giải đấu sẽ được các CLB hàng đầu thế giới săn đón. Kỷ lục mới sẽ được xác lập.   Đọc mấy tin liên quan đến tiền nong này tự nhiên lên cơn “rối loạn tiền nhà”, à quên, rối loạn tiền đình. Gớm, chỉ cần có một số tiền nhỏ xíu bằng móng tay của mấy bé cầu thủ kể trên, mua được khối cơm gạo cho dân nghèo ở Sài Gòn trong mùa giãn cách chứ chả chơi.    
......

Những điều khó hiểu trong giáo dục

ảnh minh họa Thái Hạo| Tôi bước vào nghề dạy học, đến năm thứ 2 là bắt đầu chán. Có một câu hỏi cứ lởn vởn mãi trong đầu rằng, “Chẳng lẽ mình cứ dạy đi dạy lại hoài mấy bài văn này cho đến lúc chết ư”. Tác phẩm văn học thì mênh mông, gần như vô tận, tại sao cứ quẩn quanh với vài bài thơ bài văn trong sách giáo khoa; món ngon đến mấy thì qua ngày thứ 2 cũng phải chán, huống gì ăn suốt đời! Thế mà người ta cứ duy trì một lối ấy cả gần thế kỷ. Thật không thể hiểu nổi.   Chẳng lẽ hàng vạn giáo viên và hàng ngàn các bậc thầy đào tạo ra những giáo viên ấy, từ chục năm này đến chục năm khác, họ không thấy cái điều ấy là phi lý và ngớ ngẩn sao? Thật kỳ lạ, tại sao họ không khởi lên cái ý nghĩ, rằng phải làm khác đi. Việc duy trì một thứ “pháp lệnh” như thế mà không gây nên bất cứ sự tù túng, giật mình, kinh sợ nào thì quả thật là một sự kiện không bao giờ giải thích được.   Người ta đưa một danh sách các bài văn bài thơ vào sách giáo khoa, và soạn sẵn những nội dung cần học thuộc về những bài văn bài thơ ấy; cứ thế, từ thế hệ này qua thế hệ khác cắm cúi, hô hào, lên gân, thúc ép, nhồi nhét vào nhau để đến khi đi thi thì chép những cái điều ấy ra, và gọi là “đánh giá học lực”; để từ đó mà phân loại: giỏi, trung bình, khá, yếu. Chẳng lẽ hàng vạn “trí thức” mà không có lấy một ai động não về cái sự ly kỳ này? Cái đó chỉ có thể kiểm tra năng lực học thuộc chứ làm sao mà phát triển phẩm chất văn chương hay rèn luyện lời ăn tiếng nói và bồi đắp tâm hồn cho được!   Hậu quả thì đã thấy rồi, nhãn tiền, tiếng Vệt đã bị sa sút nghiêm trọng, nếu không muốn nói là đang bị hủy hoại một cách tang thương. Ngôn ngữ văn hóa đang dần xa lạ với chính cái cộng đồng nói tiếng mẹ đẻ này. Ngày nay người ta đang dần không hiểu được nhau nữa khi nghe và đọc một thứ diễn ngôn chỉ nhỉnh hơn ngôn ngữ sinh hoạt thông tục một chút. Tình yêu đối với văn chương lại càng xa xỉ, học sinh chuyên văn chưa bao giờ sợ văn đến thế. Người học không nói được nữa, kêu chúng trình bày một vấn đề thì chỉ nghe thấy những tiếng ậm ừ và một mớ âm thanh hỗn độn, lộn xộn. Đừng nói tới hùng biện mà mệt; cũng đừng nói tới việc viết một bản văn cho ra hồn.   Tiếng việt đang đứng trước miệng vực của bóng tối. Có ai chịu trách nhiệm chăng? Thiết kế một chương trình như thế và một cung cách thi cử như vậy, hỏi làm sao tiếng mẹ đẻ không bị tàn phá cho được.   Học văn đâu phải học thuộc những cái gạch đầu dòng, những bài văn mẫu, hay học thuộc lời của các vị giáo sư! Từng tác phẩm (nếu) được đưa vào trong sách thì chỉ là những phương tiện/nguyên liệu để người học thông qua việc nghĩ về tác phẩm ấy, nói về tác phẩm ấy, bàn bạc về tác phẩm ấy, tranh cãi về tác phẩm ấy…, rồi từ đó mà rèn luyện tiếng nói, rèn luyện tư duy, xây đắp thẩm mỹ; và để rồi dùng những thành quả thu được ấy mà đi đọc những tác phẩm khác, thưởng thức những tác phẩm khác; thổn thức với cuộc đời và phân minh sai đúng với xã hội; chứ ai đời, lại lấy chính cái việc thuộc những bài văn ấy làm mục đích của giáo dục bao giờ!   Những cái sự phi lý như vậy mà có thể tồn tại một cách đầy tự hào trong thời gian tính bằng thế kỷ thì quả thật dường như tư duy của người làm giáo dục phải ở trong một tình trạng đông cứng hoặc tê liệt hoàn toàn. Anh dạy là dạy cái phương tiện (phương pháp), và học là học lấy cái phương tiện; chứ giáo dục mà theo kiểu nuôi báo cô, lo nấu sẵn một bàn ăn và bắt tất cả cùng ăn, đứa nào ăn được nhiều thì coi là giỏi thì nó không sinh ra bọn “gà công nghiệp” mới là chuyện lạ. Đây đích thị là một phương cách giáo dục để khiến những đứa trẻ vĩnh viễn không bao giờ lớn lên được; cha mẹ chúng bao cấp toàn phần, không cho chúng đụng tới việc gì cả. Nếu có đứa nào vì thèm khát quá mà mày mò chế tác thì lập tức bị rầy la roi vọt. Đó là cái giáo dục gì nếu không phải sự ngu dốt của cha mẹ, không hề có chút kiến thức nào về nuôi dạy con? Tình yêu mà cộng với dốt nát thì kết thành tội ác, quả không sai.   Chương trình Đổi mới (2018) đã có sự thay đổi, đó là bên cạnh những văn bản “bắt buộc” như từ xư tới nay thì có một danh sách dài các văn bản “gợi ý”. Tuy vậy, cả bắt buộc và gợi ý đều hầu như lặp lại tất cả những văn bản cũ vốn đang được sử dụng trong bộ sách cũ, cùng với thêm vài văn bản mới nữa. Ở đó cũng có lưu ý rằng, nếu không muốn dùng các văn bản “gợi ý” thì giáo viên có thể tự tìm các “văn bản tương tự” để giảng dạy. Đây là một điều tích cực, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử “cải cách” giáo dục VN. Tuy thế, để có thể phát huy được cái điểm “tích cực” này thì còn cả một núi việc phải làm; nếu không, tất cả lại rơi vào cái vòng tròn cũ. Năng lực giáo viên, cung cách quản lý với áp lực thành tích, phương pháp kiểm tra đánh giá v.v.., nếu không được thay đổi một cách triệt để thì tất cả sẽ lại “đầu voi đuôi chuột”, sẽ lại “đánh trống bỏ dùi”; loay hoay một hồi lại cứ “lối cũ ta về”. Mà khả năng này thì rất cao, bởi tôi nhìn thấy những điều kiện cho sự áp dụng “cái mới” gần như hoàn toàn chưa có, mọi thứ vẫn như trước.   Thế là người ta sẽ lại giữ nguyên cái danh sách văn bản cả bắt buộc và gợi ý kia; lại viết và in sách giáo viên, sách bài tập, sách bộ đề, sách văn mẫu; lại thi cử “loanh quanh chừng ấy dáng người”. Một vòng lặp vĩ đại.   Cái cần nhất bây giờ, là nói như Lincoln “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ đầu để mài rìu”. Không chuẩn bị tốt mọi khâu, đặc biệt là tâm thế và chất lượng giáo viên; và không dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ rác rưởi của loại quản lý chuyên chế ở trường học, của bệnh thành tích, của các loại thi đua v.v.., thì câu chuyện đổi mới lần này sẽ trở thành bà mẹ của một đổi mới tiếp theo không xa.   Thái Hạo  
......

Chuyện phiếm với con trai.

Dịch bệnh mới giảm, khán giả được tham dự trận bóng Bỉ và Đan Mạch đông kín sân Thanh Hieu Bui Đến mùa bóng đá Euro năm nay, Tí Hớn hay ngồi xem và bình luận, nhận định cùng với bố. Hai bố con nhận xét trận đấu một lúc thì sang chuyện hè này Tí Hớn xin đi làm. Ôi, mình nhìn lại mới thấy bên cạnh là một chàng trai, nó to lớn hơn mình.  Bao nhiêu năm xem bóng đá âm thầm, giờ đã có người xem cùng và bình luận cùng. Vừa xem cũng vừa là cơ hội để trò chuyện và tiêm nhiễm cho con. Khi đội Ý ra sân, có cầu thủ số 10 thấp tí. Bảo Tí Hớn con tra xem cầu thủ ấy lý lịch thế nào, chắc phải có gì đặc biệt mới được vào sân như thế. Đấy là cách mình muốn dạy con, nếu có gì bất thường, phải kiểm tra, xem xét nguyên nhân. Tí Hớn nói cầu thủ số 10 của Ý có những đường chuyền rất tốt, mình nói về tiền vệ trung tâm, tiền vệ thu hồi bóng, tiền vệ phân phối bóng, cầm bóng để đồng đội chạy chỗ triển khai...để Tí Hớn hình dung về một người quản lý, cầm chịch phải có những phẩm chất gì.... qua đó mình muốn cho Tí Hớn hình dung một người đàn ông trụ cột gia đình, phải có trách nhiệm và phải nỗ lực thế nào. Mình diễn giải và liên kết rất dễ hiểu cho con, nhưng hơi dài nên không viết hết được ra. Hè năm nay Tí Hớn 16 tuổi, ở Đức người ta khuyến khích 16 tuổi nên xin đi làm ngắn ngày ở đâu đó. Những cửa hàng, công ty , siêu thị ...sẵn sàng đón nhận những thanh thiếu nữ như vậy vào làm, đồng tiền có thể ít nhưng đó là cách giáo dục.  Tí Hớn nói con muốn đi làm chỗ nào có được tiền, như thế tốt hơn là làm chỉ để chứng nhận là mình có đi. Mình bảo con ra làm bồi bàn cho nhà bác Tuấn Su hay Thành Koch, ở đó khách Tây nhiều, họ cũng cần bồi biết tiếng. Tí Hớn nói con sẽ xin làm ở siêu thị, không còn chỗ thì làm chỗ ấy cũng được. Nhanh thật, thế là thằng Tí Hớn đi theo bố biểu tình năm nào, giờ đã nghĩ chuyện đi làm kiếm tiền để tiêu. Mặc dù nó biết bố nó có thể cho nó một ngày số tiền gấp vài chục lần số tiền nó đi làm. Nhưng nó không hề quan tâm bố có bao tiền, nó đi học chỉ xin 3 đến 5 euro mua bánh, đó là số tiền nhà nước Đức cho nó một tháng khoảng 200 euro. Có lần đưa tiền bảo nó mua cái áo sơ mi đẹp giá đắt chút cũng được vì thỉnh thoảng con đi lễ hội hay sự kiện gì cần phải mặc áo sơ mi, một hay hai trăm euro không thành vấn đề. Nó đi mua cái áo 20 euro, về bảo con tính rồi, con đang lớn, mua áo này thôi mặc một hai năm bỏ không phí tiền bố ạ. Hôm sau hai bố con xem trận Bỉ và Đan Mạch, khán giả ngồi kín sân mà chẳng khẩu trang gì hết, khác hẳn hôm trước Đức và Pháp đá với nhau trên khán đài người thưa thớt vì giãn cách. Hai bố con quay sang chuyện Vie Ruet hay còn gọi C.u.m T.Aou. Bố nói con cứ để ý, cứ bọn nào chủ trương toàn cầu hoá thì bọn nó tâng việc thành nghiêm trọng nhất. Bọn Faceb nó cũng vậy, nó kiểm duyệt thấy ai viết đến là nó tự động chèn link về vấn đề ấy, ai mà nghi hoặc là nó khoá  không cho người ta nói. Bọn chúng dường như lợi dụng chuyện VR để gò ép người ta phải theo chúng, một cách tập huấn cho mọi người phải nghe theo chúng. Cái VR này có thể là căn bệnh khiến người già hay ai có bệnh sẵn suy yếu khả năng chống cự, dẫn đến đến chết. Nhưng thực ra chúng ta chỉ nhìn những con số tử vong mà chúng thông báo thôi. Thực sự là chúng ta chưa tận mắt thấy ai mắc bệnh này mà chết cả, bác Hằng, bác Tuấn đi viện nằm thở ống rồi cũng về, con cũng bị rồi cũng chẳng sao. Có thể những tay trùm thế giới đang có âm mưu để lập trật tự thế giới theo hướng của chúng, và chúng lợi dụng VR để thực hiện âm mưu này. Khi mọi người đều tin và nghe theo chúng, hôm nay đi tiêm, hôm nay phải cách ly, phải đóng cửa cái này, phong toả cái nọ...tất cả cuộc sống của một thành phố, một nước ...nhất nhất phải theo chúng. Chúng tạo cho người ta thói quen thuần phục, để từ đó chúng thiết lập lại thế giới theo ý của chúng. Các cuộc chiến thế giới do các cường quốc tạo ra trước kia, đều mục đích khiến dân chúng phải thuần phục, cuộc chiến được khoác cái mác là giải phóng, là cách mạng... người ta chấp nhận kinh tế thiệt hại, nhân mạng thiệt hại để đạt được cái chủ nghĩa, cái tư tưởng của bọn cường quốc, bọn độc tài. Con đã nghe đến phe đồng minh, phe trục, phe cộng sản rồi đó. Nếu con chú ý thì con sẽ thấy chỉ một số nước lớn nghiêm trọng vấn đề này, đó là lý do mà sao trận Đức Pháp khán giả vắng còn Bỉ và Đan Mạch lại đông kín sân như vậy. Đó là Đức, Pháp cùng đồng chủ trương nhấn mạnh đến nghiêm trọng vấn đề. So với một cuộc thế chiến để thiết lập quyền lực thì cái trò gọi là đại d.i.ch này thiệt hại không là gì cả. Cho nên lý giải vì sao chúng chấp nhận để kinh tế thiệt hại như vậy. Nếu thực sự VR này là nguy hiểm và VX có hạn, thì với cương vị một người lãnh đạo quốc gia, người ta phải dành cho các lứa tuổi từ 15 đến 35, vì đó là những trụ cột cần giữ để sinh mang của dân tộc, của quốc gia chứ không phải ưu tiên cho người trên 65 tuổi. Điều này chứng minh VR nó chỉ có hại cho một số người lớn tuổi hoặc có bệnh nền, khiến họ bị suy giảm khả năng chiến đấu của cơ thể với bệnh tật mà thôi. Con cứ nhìn xem, những bọn hô hào VR nghiêm trọng nhất đều có bọn lãnh đạo có hơi hướng CS, từ Macron, Merkel và bọn Dân Chủ Hoa Kỳ và bọn tài phiệt lớn quốc tế. Bố không khuyên con phản đối, nhưng bất kỳ một điều gì diễn ra, mình phải nhìn mọi khía cạnh khác, nhìn những thực tế khác và đặt ra câu hỏi tại sao? Nếu con đặt ra những câu hỏi phản bác lại bố, ví dụ như tại sao con số người chết được công bố nhiều thế, hoặc tại sao người ta phải làm thế để kinh tế bị suy thoái, học hành, công việc bị đình trệ, đó cũng là những câu hỏi tốt. Về những con số người chết thì con xem lịch sử sẽ thấy, nhiều khi nó mang mục đích tuyên truyền, dối trá và bịp bợm. Chẳng hạn khi hai bên đánh nhau, bên này tuyên bố giết 200 tên địch, trong khi thực chất bên kia tham chiến chỉ có 50 quân. Hoặc khi họ công bố một ngôi làng bị tấn công, số người chết chỉ vài chục thì họ sẵn sàng đưa lên đến cả vài trăm. Đặc biệt là ở Viêt Nam còn có trò chưa bị thiên tai đã thống kê bao ngôi nhà bị mất, bao nhiêu súc vật bị chết....Còn việc đình trệ, thiệt hại kinh tế thì như bố đã nói lúc nãy, so với một cuộc thế chiến thì cái trò này vẫn đỡ tốn hơn nhiều. Tí Hớn nghe xong cũng gật gù, bảo đúng là con thấy cũng nhiều cái khó hiểu, chẳng hạn như đây này, trận này khán giả xem kín sân, chẳng thấy đề phòng gì cả. Người Buôn Gió
......

Gửi trứng cho ác!

Ngô Trường An Hàng chục chục năm qua, hầu hết các nhà hảo tâm gửi tiền cứu trợ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh qua các tổ chức tôn giáo, hoặc các doanh nhân, nhà báo, nghệ sĩ....   Sở dĩ, các mạnh thường quân không gởi tiền vào các tổ chức cứu trợ của nhà nước, như: Hội Chữ Thập Đỏ, Ủy Ban Mặt Trận Tổ quốc. V.v... là vì, họ không tin số tiền của mình đến được những nơi cần đến. Tại sao?   Nói đến các tổ chức của nhà nước thì tổ chức nào cũng ăn cắp, ăn chặn, ăn xén, ăn bớt, ăn tạp...như rươi. Đã có quá nhiều vụ tiền cứu trợ chạy vào túi các quan. Đã có rất nhiều nơi Trâu Bò hỗ trợ người nghèo chạy vào nhà quan Huyện, Heo, Gà chạy vào nhà quan Xã.... Họ ăn đến nỗi, xương cốt liệt sĩ họ cũng không tha. Năm 2012-2013 Ngân hàng chính sách xã hội bè phái với bọn lưu manh, lấy xương động vật bỏ vào 105 quan tài, và họ nói đây là hài cốt liệt sĩ. Mỗi bộ hài cốt như vậy họ thanh toán với nhà nước 75 triệu đồng. Chỉ riêng 105 bộ hài cốt trên, nhà nước phải chi 7,9 tỷ đồng. Đây là chưa kể hàng trăm vụ lẻ tẻ khác.   Họ ăn đến nỗi, bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan than thở: "họ ăn của dân không chừa một thứ gì". Bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì thốt lên: "bọn họ ăn quá dày". Còn ông tổng bí thư thì mỉa mai: "nhiều người chưa làm gì đã nghĩ đến chuyện chấm mút".   Đó! Đó là lý do các mạnh thường quân không tin tưởng vào các tổ chức nhà nước, nên họ gửi tiền qua các kênh tư nhân, tôn giáo để giúp đỡ tận tay người bị hoạn nạn.   Trong đợt lũ lụt ở miền trung năm ngoái, nghệ sĩ Hoài Linh là 1 trong những người đứng ra kêu gọi ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Đúng ra, được sự ủy quyền của các mạnh thường quân trong số tiền chuyển cho mình hơn 14 tỷ ấy. Hoài Linh phải đi tận nơi giúp đỡ đồng bào như Thủy Tiên, Mỹ Tâm, Phan Anh....mới đúng nghĩa cứu trợ kịp thời. Đằng này, cậu ta ôm số tiền ấy đến tận hôm nay, khi mà bị bà Phương Hằng tố giác, thì cậu ta mới vội vả chuyển cho các tổ chức nhà nước. Mà tổ chức nhà nước thì không ai muốn gởi vào đó, cho dù 1 tin nhắn ủng hộ 20.000 đồng. MIỀN TRUNG LŨ LỤT TỪ NĂM NGOÁI 2020, NAY GIỮA CÁI NẮNG 39 ĐỘ, MTTQ LẠI NHẬN TIỀN CỨU TRỢ LŨ LỤT KHẨN CẤP! ĐÚNG LÀ HỀ!   Hành động của Hoài Linh hôm nay vừa phản bội tấm lòng những người hảo tâm, vừa mang tội với người cùng khổ. Nếu gởi tiền ủng hộ đồng bào qua các tổ chức nhà nước, thì ai cũng gởi được. Cần gì họ phải nhờ Hoài Linh gởi tiền của mình vào mặt trận tổ quốc? Gởi vào đó, khác gì gởi trứng cho Ác. Hả, Hoài Linh!  
......

Ngu như DLV !

Ngô Trường An|   Trong quán hủ tíu vỉa hè, 2 thanh niên tâm sự:   - A: làm nghề này bị người đời chửi quá mà lương lại ít nữa, chắc tớ xin nghỉ để tìm công việc khác.   - B: Thời buổi bây giờ kỹ sư, thạc sĩ còn thất nghiệp nữa là. Mình làm đây tuy lương bèo, nhưng nhàn hah và sống cũng đủ!   - A: Đủ, đủ con khỉ! Lương tháng 3 chai, vị chi mỗi ngày có 1 xị. Nếu không chôm chỉa thêm 2 con Trâu già ở nhà thì có mà đói rả họng!   Bà chủ quán nghe vậy xen vào hỏi:   - Các cậu làm nghề chi mà lương ít rứa?   - Dạ, bọn cháu làm nghề tuyên truyền viên miệng, gọi tắt là DLV đấy ạ.   - Cụ thể nghề đó làm gì?   - Dạ, bọn cháu trực chiến trên mạng. Hễ đứa nào nói xấu lãnh đạo, đảng, chế độ... Là chúng cháu chửi ngay!   - Thế à! Mấy cậu khỏe mạnh vậy sao không đi bán vé số? Tôi nghe ông quan nào đó nói bán vé số mỗi tháng kiếm hơn trăm triệu đấy!   - Ôi, cụ hơi sức đâu mà nghe mấy ông đó nói. Nếu mỗi tháng kiếm hơn trăm triệu thì họ đã đưa bà con dòng tộc nó đi bán hết rồi. Khi đó mấy người tàn tật mà đi bán vé số, có thể bị đám quần chúng tự phát nào đó quánh cho không còn cái răng ấy chứ!   - Ơ! Nếu các cậu không tin bán vé số kiếm trăm triệu mỗi tháng, thì các cậu đi bán trà đá vậy. Tôi nghe ông quan nào đó tuyên bố: bán trà đá là một hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận đấy!   - Cụ ơi, là cụ! Họ nói láo đấy, cụ đừng có tin!   - Ồ! Vậy thì điều này có thật nè! Bằng chứng là họ xây được biệt phủ, sắm được siêu xe, của chìm của nổi vô số là nhờ họ chạy xe ôm, nấu rượu, buôn chổi đót, lá chít... Nếu các cậu còn nghi ngờ tôi nói láo thì cứ hỏi thẳng ông cán bộ đảng viên Phạm Sỹ Quý hoặc ông phó ban nội chính tỉnh uỷ Daklak Nguyễn Sĩ Kỹ sẽ rõ. .. - Toàn là bọn dối trá, lừa bịp hết! Cụ mà tin họ coi chừng cái quần của cụ cũng bị họ lột luôn đấy!   Bà bán hủ tíu nghe vậy nghiêm nét mặt:   - Tôi mà tin bọn họ à? Tôi đâu có ngu! Các cậu mới là người tin tưởng họ! Không tin, không kính trọng họ sao các cậu ra sức bảo vệ loại người dối trá đó? Chế độ này là do những người đó lập ra. Họ toàn là những kẻ bịp bợm, láo khoét thì chế độ họ lập ra lấy gì tốt đẹp? Các cậu thừa biết họ dối trá, vậy mà ai chỉ trích họ thì các cậu nhảy vào chửi bới? Nếu các cậu thấy họ nói đúng, chế độ tốt đẹp, sao không về dẫn dắt cả dòng họ đi buôn chổi đót, chạy xe ôm, bán trà đá... Để làm giàu mà đi chửi mướn để bảo vệ, che chở cho hạng người đó?   Thật là, trên đời này chẳng có ai ngu hơn loại dư luận viên các cậu!   Fb Ngô Trường An
......

Tìm thấy coronavirus trong tinh dịch: Covid-19 có lây qua đường tình dục không?

Lưu Thủy Hương Đây là bản tin về việc coronavirus tấn công vào tinh hoàn và sống trong đó rất lâu. Ngay cả khi bệnh nhân hết bệnh, mạnh khỏe thì trong tinh dịch của họ vẫn còn virus. Sanh con bình thường hay không thì chưa ai biết. Năng lực ra sao cũng chưa ai dám khai. NHƯNG làm ơn đừng xem thường con corona. Xin hãy kiên quyết chống dịch. https://www.facebook.com/100023772913711/posts/689392541863170/ Tìm thấy coronavirus trong tinh dịch Cái tin ghê rợn này tràn lên mạng truyền thông Đức từ một tuần nay. Lúc đầu tôi chỉ đọc lướt sơ qua, không định dịch vì sợ gây hoang mang dư luận, khi mà cả thế giới vẫn còn chưa có chứng minh khoa học cụ thể về con đường truyền nhiễm mới của Sars-CoV-2. Thật sự mà nói, cho đến bây giờ những hiểu biết của chúng ta về coronavirus chủng mới còn quá ít. Bởi vậy, tôi đưa bản tin này lên facebook không phải để chống dịch mà để chống... ngu. Cái bọn đi biểu tình chống lockdown, cái bọn sến súa nói: "con cồ rô nà vai rợt nó hổng có gì nguy hiểm hết, con đó là con cúm thường thôi" - họ biết gì về Sars-CoV-2? Vài bữa có nghiên cứu con cồ rô nà vai rợt làm teo tinh, thử coi họ có liệng khẩu hiệu chạy thục mạng về nhà giữ của không. Đây là bản tin tôi lựa trên mạng. Nó không khai thác những yếu tố ghê rợn và nhạy cảm. Nó không nói Sars-CoV-2 lây như Aids. Nó chỉ báo động một mối hiểm nguy mới. Hãy cẩn thận, Sars-CoV-2 vẫn còn là một dấu hỏi. *   Coronavirus in Sperma entdeckt: Ist Covid-19 sexuell übertragbar? https://www.rnd.de/.../coronavirus-in-sperma-entdeckt-ist... Tác giả Daniel Killy, VTP - LTH dịch 09.05.2020, 11:20 Tìm thấy coronavirus trong tinh dịch: Covid-19 có lây qua đường tình dục không? Coronavirus rõ ràng cũng có thể tồn tại trong tinh dịch bệnh nhân, khi họ đang trên đường hồi phục. Phát hiện này của các nhà nghiên cứu Trung Quốc có thể là một dấu hiệu cho thấy sự lan truyền qua đường tình dục của Sars-CoV-2, CNN báo cáo. 16 phần trăm bệnh nhân có virus trong tinh dịch Một nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện thành phố Shangqiu đã kiểm tra 38 bệnh nhân nam được điều trị tại đó trong giai đoạn cao điểm của Corona vào tháng 1 và tháng 2. Theo các nhà nghiên cứu, khoảng 16% người bệnh đã được tìm thấy coronavirus trong tinh dịch của họ. Một phần tư số bệnh nhân đang trong giai đoạn cấp tính của căn bệnh và khoảng 9% đang trong giai đoạn hồi phục. "Chúng tôi đã phát hiện ra rằng virus Sars-CoV-2 hiện diện trong tinh dịch của bệnh nhân Covid 19 - và cũng có thể phát hiện ở những bệnh nhân đã khỏe mạnh", Diangeng Li từ bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết. Nhiều loại virus có thể sống trong đường sinh sản của nam giới Ngay cả khi virus không thể sinh sản trong hệ thống truyền giống của nam giới, thì ít nhất nó vẫn nằm ở đó - có thể là do khả năng miễn dịch đặc quyền của tinh hoàn. Miễn dịch đặc quyền có nghĩa là hệ thống miễn dịch không thể bao vây hoàn toàn một khu vực để tấn công những tên virus xâm lược trong khu vực đó. Khái niệm được phát hiện này không phải là một bất ngờ lớn, theo CNN. Nhiều virus có thể sống trong đường sinh sản nam. Cả Ebola và Zika đã được chứng minh là nhân lên trong tinh dịch - đôi khi vài tháng sau khi bệnh nhân đã lành. Hiện vẫn chưa rõ liệu virus corona có thể lây truyền theo cách này hay không. Bằng chứng về sự hiện diện của virus không có nghĩa là nó sẽ lây. "Nếu các nghiên cứu trong tương lai cho thấy Sars-CoV-2 lây truyền qua đường tình dục, thì đường lây truyền này có thể trở thành một yếu tố quan trọng nằm trong biện pháp hạn chế sự lây lan của Covid-19", các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo của họ. "Kiêng cữ hoặc sử dụng bao cao su có thể là một biện pháp phòng ngừa hợp lý ở những bệnh nhân Covid-19." Như vậy, tránh tiếp xúc với nước bọt và máu của bệnh nhân có thể chưa đủ, vì sự tồn tại của coronavirus trong tinh dịch của bệnh nhân đang hồi phục có thể truyền bệnh.  
......

Luận điểm về nguồn gốc của corona đã quay trở lại

Lưu Thủy Hương Bản tin rất mới của đài truyền hình nt-v. Đài truyền hình chuyên về tin tức lớn nhất của Đức hợp tác với CNN. - Lần đầu tiên một hàng ngũ của những nhà nghiên cứu corona đặc biệt có kinh nghiệm và có uy tín, đã kêu gọi một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus Sars-CoV-2. - Lần đầu tiên, các nhà virus học danh tiếng cũng công khai nêu quan điểm rằng: một sự cố trong phòng thí nghiệm là nguồn gốc của đại dịch. VTP-LTHg dịch.   --------------   Cho đến hôm nay, nguồn gốc của coronavirus vẫn chưa được biết. Cho đến hôm nay, chuyện lây truyền từ động vật sang người được coi là có nhiều khả năng xảy ra nhất. Ngược lại, luận điểm về một vụ sự cố trong phòng thí nghiệm thường bị bác bỏ như một thuyết âm mưu. Nhưng bây giờ các nhà nghiên cứu đang dựng cho giả thuyết sống lại. Câu hỏi đã được đặt ra ngay sau khi những ca nhiễm coronavirus đầu tiên xảy ra bên ngoài Trung Quốc: Virus này có nguồn gốc từ đâu? Cho đến nay, bối cảnh chính xác của đợt bùng phát đầu tiên vẫn chưa được biết. Tại chợ động vật hoang dã nổi tiếng hiện nay ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, ban đầu người ta nghi ngờ rằng động vật đã chuyển tiếp virus sang người. Dơi bị nghi ngờ là vật chủ gốc, như trường hợp của virus Sars tiền nhiệm. Có thể mầm bệnh từ chúng hoặc từ một vật chủ trung gian khả dĩ đã lây sang người. Covid-19 được gọi là chứng bệnh lây nhiễm từ động vật. Nhưng một luận điểm đảo ngược đã được đưa ra từ rất sớm, đó là một sự cố trong phòng thí nghiệm - bởi vì Vũ Hán cũng là quê hương của Viện Virology Vũ Hán, nơi đang nghiên cứu về Sars và các loại virus corona khác. Và lý thuyết gần đây đã được thúc đẩy cho rằng, một mầm bệnh được lai giống nhân tạo tinh vi có thể vô tình thoát khỏi phòng thí nghiệm để gây ra một đại dịch hiện có hơn ba triệu người chết. Lần đầu tiên, các nhà virus học danh tiếng cũng công khai nêu quan điểm rằng một sự cố trong phòng thí nghiệm là nguồn gốc. Cái đề tài tưởng như là kết thúc rồi. Vào tháng 3 năm 2020, các nhà nghiên cứu trên tạp chí chuyên khoa "Nature" đã bác bỏ luận điểm về sự cố trong phòng thí nghiệm. Họ viết: "Chúng tôi không tin rằng, bất kỳ loại kịch bản nào dựa trên phòng thí nghiệm là xác đáng". Thế mà, luận điểm vẫn tồn tại. Hồi đầu năm, nhà vật lý học người Hamburg Roland Wiesendanger đã gây xôn xao dư luận, khi ông mô tả một sự cố trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là "nguyên nhân khả dĩ nhất gây ra đại dịch corona". Luận điểm về sự cố trong phòng thí nghiệm vẫn "bền vững" Nhưng luận điểm, mà đôi khi được dán nhãn là thuyết âm mưu, hiện đã được phục hồi phần nào: Một bức thư của 18 nhà khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học "Science", trong đó họ đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn gốc của Covid-19 - cũng là bao gồm việc cần xác minh các luận điểm sự cố phòng thí nghiệm. Luận điểm này cũng giống như lý thuyết về nguồn gốc từ động vật, vẫn "bền vững". Trong bức thư, các nhà nghiên cứu tránh lên tiếng ủng hộ một trong hai luận án. Ở điểm này, bức thư khác với sứ mệnh nghiên cứu quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới, WHO tìm kiếm nguồn gốc của Sars-CoV-2 ở Vũ Hán. Trong báo cáo cuối cùng của WHO, nguồn gốc động vật của mầm bệnh được mô tả là "rất có thể xảy ra" và một sự cố trong phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra". Điều này đã không tồn tại được bao lâu. Đích thân giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sau đó đã kêu gọi điều tra thêm về giả thuyết sự cố trong phòng thí nghiệm - những lời kêu gọi tương tự cũng phát xuất từ Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Những tác giả của bức thư trên "Science" cũng chỉ trích rằng các nhà điều tra của WHO đã không cho luận điểm về sự cố trong phòng thí nghiệm một tầm vóc thích hợp. Họ kêu gọi, một cuộc điều tra mới, minh bạch và khách quan phải do một cơ quan độc lập kiểm tra. Dường như gió đổi chiều Bức thư này có thể đóng vai trò một bước ngoặt quan trọng trong việc tìm kiếm nguồn gốc của virus. Giáo sư di truyền học Jena, Günter Theißen, nhận xét trên trang ntv.de. Bởi vì các tác giả của bức thư được in trên tạp chí chuyên ngành "Science", lần đầu tiên là một hàng ngũ của những nhà nghiên cứu corona đặc biệt có kinh nghiệm và có uy tín. Bản thân Theißen cùng với khoảng hai chục nhà nghiên cứu quốc tế khác, trong một bức thư ngỏ vào đầu tháng 3 cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus. Những người khởi xướng bức thư "Science" hiện nay là nhà sinh học tiến hóa người Mỹ Jesse Bloom và nhà vi sinh vật học David Relman từ Đại học Stanford. Đáng chú ý là Ralph Baric cũng đã ghi tên mình vào văn kiện - trước đây ông đã nghiên cứu virus Sars đầu tiên cùng với nhà nghiên cứu virus nổi tiếng người Trung Quốc Shi Zhengli (được biết đến với biệt danh "Batwoman"). Shi đứng đầu Trung tâm của căn bệnh mới tại Viện virus học Vũ Hán, nơi có khả năng xảy ra sự cố trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, Shi đã sớm khẳng định rằng Sars-CoV-2 không liên quan gì đến phòng thí nghiệm. Theißen lạc quan cho rằng các nhà khoa học nổi tiếng hiện đang công khai kêu gọi một cuộc điều tra về luận điểm sự cố trong phòng thí nghiệm, nhưng đồng thời ông cũng thấy bực tức. Bởi vì ông và những người khác cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra "theo mọi hướng" trong một thời gian dài - nhưng lời kêu gọi của họ đã bị phớt lờ lâu nay. Trình tự gen đáng ngờ trong bộ gen Ngay cả khi Theißen nhấn mạnh rằng tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của virus cần được theo dõi trong các cuộc điều tra sắp tới, ông vẫn nhận thấy dấu hiệu rõ ràng rằng nó thực sự có thể là một sự cố trong phòng thí nghiệm. Điều khiến Theißen nghi ngờ, là một đặc điểm di truyền của Sars-CoV-2, cho phép virus thâm nhập hiệu quả vào tế bào người bằng protein gai (Spike-Protein) của nó - các codon được sử dụng cho việc này thường hầu như không được loại coronavirus sử dụng. (Người dịch: xem thêm về Codon, https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C3%A3_di_truy%E1%BB%81n) Theißen nói với ntv.de: "Nó gần như một bằng chứng rõ ràng“. Cũng không loại trừ khả năng trình tự gen như vậy phát triển một cách tự nhiên. Tuy nhiên khả năng xảy ra không cao. Ngược lại, nhà nghiên cứu cho biết rất dễ tạo ra sự thay đổi gen như vậy trong phòng thí nghiệm. Các thí nghiệm được gọi là "tăng cường chức năng" diễn ra tại Viện Virology ở Vũ Hán thì rất nổi tiếng, trong đó chính xác là các chuỗi gen như vậy đã được kết hợp. Điều duy nhất còn thiếu là, bằng chứng cho thấy một trình tự tương đương cũng đã tiếp diễn với Sars-CoV-2, và một loại virus như vậy sau đó đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, cũng có những phản ứng chỉ trích đối với bức thư trên tạp chí "Science". Ví dụ phản ứng của nhà virus học Thụy Điển Kristian Andersen, một trong những tác giả của bài báo ở "Nature", hơn một năm trước đã bác bỏ nghi vấn trong phòng thí nghiệm. Andersen nói với New York Times, mặc dù điều này, cũng như lý thuyết về động vật là nguồn lây nhiễm, đều là giả thuyết có thể. Tuy nhiên, bức thư thiết lập một đẳng thức sai lệch về kịch bản thoát khỏi phòng thí nghiệm và nguồn gốc tự nhiên. Mà cho đến nay, không có bằng chứng đáng tin cậy nào về giả thuyết bộc phát trong phòng thí nghiệm đã được đưa ra, nhà virus học cho biết. Dữ liệu có sẵn rất "phù hợp với nguồn gốc tự nhiên" của virus, như đã được quan sát nhiều lần trong quá khứ. Tuy nhiên: Andersen cũng hỗ trợ các cuộc điều tra sâu hơn về nguồn gốc của virus. "Sự thật sẽ chiến thắng" Nhưng nếu Sars-CoV-2 thực sự xuất hiện một cách tự nhiên - thì bằng chứng về điều đó có thể như thế nào? Theißen nói: “Người ta sẽ phải tìm ra một loại virus trong quần thể động vật hoang dã rất giống với Sars-CoV-2. Đồng thời, dựa trên bộ gen của nó, cần phải chứng minh rõ ràng rằng loại virus này nằm trên gia phả được hình thành bởi các biến thể corona đang tràn lan trên toàn thế giới ngày nay." Theo Theißen, có một ưu điểm là, các nhà nghiên cứu đã biết chính xác bộ gen của loại virus ban đầu này như thế nào. Tuy nhiên, có điều không thể không nghĩ đến là: Về lý thuyết, một loại động vật được giả mạo làm ông tổ của Sars-CoV-2 cũng có thể được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Nhưng để xây dựng được nguồn gốc giả mạo theo cách này, cần rất nhiều nỗ lực và "rất nhiều năng lượng tội phạm", nhà khoa học nhấn mạnh. Liệu sự thật về nguồn gốc của Sars-CoV-2 có bao giờ được đưa ra ánh sáng? Theißen tin tưởng vào điều này. "Về lâu dài, sự thật sẽ chiến thắng." Cùng với nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế không chính thức được gọi là "Hội đoàn Paris", ông muốn tiếp tục tìm kiếm manh mối có thể làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc của đại dịch corona. "Và chúng tôi hy vọng rằng ngày càng có nhiều áp lực tăng lên cho đến khi lời thề im lặng Omertà bị phá vỡ." Bởi vì Theißen nghi ngờ rằng đã có những người biết chính xác cách thức virus xâm nhập ra thế giới. (Người dịch: Lời thề Omertà là lời thề giữ im lặng trong giới mafia và giới tội phạm. Một sự ám chỉ rất nặng nề.) * Tin từ những trang báo khác: https://www.rtl.de/.../corona-ursprung-ist-doch-ein... https://www.nach-welt.com/wissenschaftler-fordern-dass.../    
......

Bậc nữ lưu hào kiệt gốc Việt.

Chân dung nhà thiên văn học Việt khám phá ra vành đai Kuiper Larry De King Giáo sư Lưu Lệ Hằng, nhà thiên văn học lừng lẫy nhận cả 2 giải thưởng danh giá nhất của ngành thiên văn thế giới: 1. Giải thưởng Kavli được xem là Giải “Nobel Thiên văn thế giới” với số tiền thưởng 1 triệu USD và 2. Giải Shaw Prize, còn gọi là “Giải Nobel Thiên văn Phương Đông” kèm 1 triệu USD tiền thưởng.   Là nhà thiên văn học người Việt nổi tiếng trên đất Mỹ, tên bà được đặt cho một tiểu hành tinh. Quá trình nghiên cứu, bà cùng đồng nghiệp khám phá ra vành đai Kuiper giúp thế giới thay đổi cách nhìn về Hệ Mặt trời… Đấy là GS. Lưu Lệ Hằng. GS. Lưu Lệ Hằng sinh năm 1963, sang Mỹ định cư năm 1975. Đầu tiên, bà theo học ngành vật lý tại Đại học Stanford danh giá. Tuy nhiên, trong một lần đến thăm Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực, tận mắt nhìn thấy những hình ảnh do con tàu không gian Voyager truyền về từ Hỏa tinh, Thổ tinh, GS. Lưu Lệ Hằng quyết định theo đuổi ngành thiên văn học.   Với tài năng hơn người nên ngay từ lúc còn rất trẻ, nhà thiên văn Lưu Lệ Hằng đã gặt hái được nhiều thành công. Với sự hỗ trợ của các phương tiện nghiên cứu tiên tiến nhất, GS. Lưu Lệ Hằng cùng với các đồng nghiệp phát hiện ra 31 tiểu hành tinh.   Để ghi nhận công lao của bà trong những phát hiện mang ý nghĩa khoa học lớn lao, người ta lấy họ Lưu đặt cho một tiểu hành tinh, đó tiểu hành tinh Asteroid 5430 Luu.   Tuy nhiên, đây không phải là thành tựu rực rỡ duy nhất trong cuộc đời làm khoa học của GS. Lưu Lệ Hằng. Thành tựu khiến GS. Lưu Lệ Hằng trở nên nổi tiếng khắp thế giới là việc đồng phát hiện Vành đai Kuiper. Phát hiện của bà và người thầy, GS. David Jewitt làm thay đổi quan niệm của giới thiên văn về lịch sử của Hệ Mặt trời.   Đó là năm 1987, GS. David Jewitt và GS. Lưu Lệ Hằng can đảm bơi ngược dòng dư luận để khảo sát Vành đai Kuiper. Thời điểm đó, tìm hiểu về Kuiper được xem là điên rồ.   Lý do là nhiều năm trước, phỏng đoán về sự tồn tại Vành đai Kuiper của nhà thiên văn học Gerard Kuiper bị nhiều nhà khoa học cho rằng thiếu căn cứ xác đáng, hoang đường. Làm gì có một vành đai gồm vô số những thiên thể như vậy. Nhiều nhà thiên văn học thời đấy khẳng định, ngoài rìa Hệ Mặt Trời là… sạch, không có gì.   “Thời bấy giờ, hầu hết mọi người đều nghĩ những cuộc tìm kiếm của chúng tôi là không khả thi và không ai tin chúng tôi. Các hội đồng xét duyệt thời gian sử dụng kính thiên văn và các cơ quan tài trợ thường không đánh giá cao những cuộc tìm kiếm các đối tượng không được dự báo bởi lý thuyết”, GS. Lưu Lệ Hằng nhớ lại.   Nhưng hai thầy trò quyết tâm chứng minh vành đai Kuiper là có thực. Vậy nên từ năm 1987 đến 1992, GS. Lưu Lệ Hằng và thầy của mình đã đi nhiều nơi, đến những nơi có các thiết bị nghiên cứu tối tân nhất, làm việc xuyên ngày đêm, đánh vật với khối tài liệu khổng lồ để tìm ra chân lý.   Một ngày mùa thu năm 1992, khi phân tích những hình ảnh mà kính thiên văn chụp được, GS. Lưu Lệ Hằng vỡ òa trong hạnh phúc khi phát hiện ra thiên thể trong vành đai Kuiper. Ban đầu, hai thầy trò định đặt tên cho thiên thể này là Smiley, nhưng sau đó được đổi thành 1992 QB1.   Khám phá của GS. Jewit và GS. Lưu Lệ Hằng đã đặt dấu chấm hết cho những nghi ngờ về sự tồn tại của Vành đai Kuiper, mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái Dương hệ.   GS. Lưu Lệ Hằng cho biết, từ đó đến nay vành đai Kuiper đã hé lộ nhiều điều bất ngờ làm thay đổi đáng kể quan điểm của chúng ta về Hệ Mặt trời. Hiện, hơn 1.500 vật thể thuộc vành đai Kuiper đã được xác định…   Nhờ những đóng góp to lớn cho khoa học, GS. Lưu Lệ Hằng đã được vinh danh tại hai giải hưởng lớn: Giải thưởng Kavli được xem Giải “Nobel Thiên văn thế giới” với số tiền thưởng 1 triệu USD và Giải còn gọi là “Giải Nobel Thiên văn Phương Đông” kèm 1 triệu USD tiền thưởng.        
......

Pages