Giấc mơ trong những tờ vé số..

Nguyễn Quốc Chính

Giữa trưa Sài Gòn, nắng rát mặt người.

Ở một góc phố không tên, bà cụ tóc bạc phơ, lưng còng như dấu hỏi của một đời sống chưa bao giờ có lời đáp. Tay bà run run chìa ra xấp vé số đã nhòe màu mực. Mỗi tờ giấy là một giấc mơ, một lần đánh cược với cuộc đời vốn đã quá nhiều lần thua thiệt.

“Mua giúp cô tờ đi con, chiều trúng lớn…”

Câu nói ấy, tôi đã nghe ở Cần Thơ, ở Biên Hòa, ở Bến Tre, ở cả vùng quê nghèo ven biển Bạc Liêu.

Giọng nói ấy, lúc thì khản đặc như vừa đi bộ mấy chục cây số, lúc thì nhẹ như gió thoảng – như thể chính người nói cũng chẳng tin vào điều mình vừa thốt ra.

Bên kia đường, một thằng bé trạc mười tuổi, áo rách vai, tay cũng cầm một xấp vé số. Nó không rao gì cả, chỉ đứng đó, lặng lẽ, như một cái bóng. Gió thổi bay vài tờ vé. Nó đuổi theo, nhặt lại, phủi phủi như thể chúng quý giá hơn tất cả sách vở mà nó chưa từng được cầm.

Tôi từng nghĩ, một đất nước lớn lên từ đau thương chiến tranh thì sẽ biết trân trọng từng kiếp người nhỏ bé.

Tôi từng tin, khi chúng ta nói về phát triển, thì phải là để cho ai đó như bà cụ kia được nghỉ ngơi, và thằng bé kia được đi học.

Nhưng rồi tôi nhận ra, cái được gọi là “phát triển” đôi khi lại đứng trên những đôi chân gầy guộc, sưng phù, của những người không có cả tên trong thống kê dân số.

Họ không làm trong khu công nghệ cao, không biết gì về đô thị thông minh, cũng chẳng có ai mời họ đến những buổi tọa đàm về đổi mới sáng tạo.

Họ chỉ biết cầm xấp vé số mỗi ngày, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, hy vọng có ai đó mua giúp – không phải để trúng số, mà chỉ để sống qua hôm nay.

Người ta bảo xổ số là “ích nước, lợi nhà”.

Nhưng tôi tự hỏi: cái lợi ấy có bao giờ trở lại với người bán vé số chưa?

Có ai từng hỏi bà cụ kia rằng mùa mưa bà ngủ ở đâu?

Có ai từng nhìn vào mắt thằng bé kia, để thấy ánh nhìn già nua hơn cả những người đàn ông bảnh bao bước ra từ quán cà phê máy lạnh?

Mỗi tờ vé số là một ước mơ – điều ấy đúng.

Nhưng đáng buồn là ở chỗ: nó không phải giấc mơ của một dân tộc đi lên bằng sáng tạo và lao động.

Mà là giấc mơ của những con người không còn gì ngoài hi vọng mỏng manh vào may rủi.

Họ đã quá kiệt sức để tự tin, và chỉ còn biết bám víu vào những con số ngẫu nhiên – như bám víu vào một cọng rơm trong dòng lũ ngược.

Tôi chỉ muốn kể lại một cảnh thường ngày – để chúng ta không quên.

Không quên rằng có những người chưa từng mơ gì ngoài một tấm vé trúng,

Và có những người phải đi bán vé số cả đời – dù chưa từng trúng lần nào.

Nếu một dân tộc không thể bảo vệ những người yếu thế nhất, thì tất cả những công trình, dự án, chỉ là phông nền cho một sân khấu thiếu linh hồn.

Và nếu một chính quyền vẫn dạy dân mình mơ bằng may rủi, thay vì bằng lao động, thì đó không phải là giấc mơ…

Mà là một cơn mộng du kéo dài không biết đến bao giờ mới tỉnh.

Gã Khờ
(Viết vào một buổi trưa như thiêu như đốt ở một góc nhỏ – Sài Gòn)