2014

Giáo Hoàng “dũa” giáo triều thê thảm nhân mùa Giáng Sinh

(VNC) Mùa Giáng Sinh năm nay, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô có hai việc được thế giới nhắc đến. Thứ nhất, về mặt đối ngoại, cả hai chính phủ Mỹ và Cuba đều xác nhận việc hai nước nối lại bang giao một phần là nhờ sự trung gian tiếp tay thu xếp của GH Phan-xi-cô. Thứ Hai, về mặt đối nội, GH Phan-xi-cô công khai phê phán giáo triều đang phục vụ mình. Hôm thứ Hai, trước mặt những người đứng đầu các cơ quan trong giáo triều đến chúc mừng Ngài nhân dịp Giáng Sinh, GH Phan-xi-cô đã kể ra 15 thứ bệnh mà giáo triều đang mắc phải, ngoài “7 mối tội đầu” của người Công Giáo. Giống như nhà vua có triều đình, các giáo hoàng có những cá nhân và tổ chức, gọi chung là giáo triều (Cura) giúp mình lãnh đạo 1.2 tỉ người trên trái đất, trong đó có phủ Quốc Vụ Khanh, các thánh bộ, các hội đồng, các ủy ban v.v… GH Phan-xi-côphê phán gay gắt các hồng y, giám mục, tu sĩ trong giáo triều đã thâu tóm quyền lực và của cải, có cuộc sống “giả hình” hai mặt, quên rằng họ có nhiệm vụ phải phục vụ lời Chúa, mang tin mừng của Chúa đến cho mọi người. GH Phan-xi-cô nhấn mạnh rằng kế hoạch cải tổ sâu rộng Giáo Hội phải đi kèm với việc cải tổ tận gốc rễ giáo triều. Bá quan văn võ – trong đó có khoảng 60 hồng y và 50 giám mục – có mặt tại sảnh đường lót đá cẩm thạch Sala Clementina hôm thứ Hai hầu như đều xanh mặt khi nghe GH Phan-xi-cô kể ra từng bệnh trong 15 thứ bệnh của giáo triều. Trước tiên là bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thiếu được. GH Phan-xi-cô ví những tin đồn, những lời nói ra nói vào trong giáo triều là một hình thức “khủng bố” và e ngại loại khủng bố này có thể “lạnh lùng giết hại thanh danh các bạn đồng nghiệp và những người anh em của mình.” GH Phan-xi-cô cảnh giác các bè phái trong giáo triều giống như “những u ung thư đe dọa đến sự hài hòa của cơ thể” và cuối cùng cơ thể này có thể chết dưới tay “hỏa lực của quân bạn.” GH Phan-xi-cô nhắc nhở một số người trong giáo triều mắc bệnh “Alzheimer’s tinh thần,” quên béng lời của Chúa đã kêu gọi mình lúc ban đầu, khi vâng lời gia nhập hàng ngũ tu sĩ. “Giáo triều được kêu gọi luôn luôn tự hoàn thiện mình và phát triển trong sự hiệp thông, sự thánh thiện và có kiến thức để hoàn thành sứ mệnh của mình,” Ngài nói. “Nhưng, giống như cơ thể con người, giáo triều có thể gặp khó chịu trong người, rối loạn chức năng, bệnh tật.” Sau đó, GH Phan-xi-cô khuyên họ nên dùng mùa Giáng Sinh năm nay đề sám hối, đền tội, và giúp Giáo Hội lành mạnh hơn, thánh thiện hơn trong năm 2015. Các nhà theo dõi tình hình Vatican nói rằng họ chưa từng thấy một bài nói chuyện mạnh mẽ, gay gắt của một giáo hoàng nào giống vậy. Họ nghĩ rằng đây là kết quả của cuộc điều tra bí mật mà người tiền nhiệm – Bê-nê-đíc-tô – đã ra lệnh thực hiện, sau khi có vụ rò rỉ văn thư của giáo hoàng năm 2012. Khi đó, Đức GH Bê-nê-đíc-tô16 đã chỉ định 3 vị hồng y tin cẩn để xem tại sao một người giúp việc cho giáo hoàng lại có trong phòng riêng của mình những thứ giấy tờ về tình hình tài chính của Giáo Hội mà chỉ có giáo hoàng mới được xem. Người giúp việc này, khi cung cấp các thông tin đó cho một nhà báo, đã hành động một mình hay có sự chỉ đạo của ai đó trong giáo triều, và nếu có thì nhằm mục đích gì, có phải mục đích hạ uy tín của giáo hoàng hay không? Báo cáo của 3 vị hồng y đã được trình cho hai vị giáo hoàng còn sống. Trong thông điệp Giáng Sinh năm ngoái, GH Phan-xi-cô đã nhắc sơ qua về những chuyện này, và năm nay đã không ngần ngại phàn nàn về những mưu đồ quyền lực quan liêu, thăng tiến sự nghiệp bất chấp lợi ích của người khác. GH Phan-xi-cô nhấn mạnh, trong vòng một năm qua, giáo triều đã có những thay đổi, nhưng các thay đổi bề mặt, hời hợt đó không phải là những gì mà Ngài mong đợi, Ông Alberto Melloni, nhà sử học về giáo hội Công Giáo đang cộng tác cho nhật báo Corriere della Sera, nói rằng đây là bài nói chuyện trước giờ chưa từng nghe nơi một giáo hoàng. Ông cho biết, “Nếu Ngài phải dùng giọng như vậy bởi vì biết đó là cần thiết.” Ông Melloni ghi nhận thêm, trước khi GH Phan-xi-cô lên ngôi, giáo triều Vatican có thể nói là một cơ chế đầy quan liêu, muốn làm gì thì làm, không chịu phục tùng một ai, “toàn bộ giáo triều hành động giống như họ là giáo hoàng vậy.” Cố GH Gioan Phao-lô, người vừa được phong thánh, quá bận rộn với những chuyến du hành, đến độ không để ý nhiều đến những chi tiết về thủ tục hành chính, về sau Ngài lại đau yếu liên miên. Qua đến GH Bê-nê-đíc-tô, công việc quản lý giáo triều được giao cho một người phụ tá, người này về sau cũng được xác định là có vấn đề. Một nhà sử học về giáo hội Công Giáo khác, Linh mục Robert Wister của trường đại học Seton Hall, nghĩ rằng bài nói chuyện của GH Phan-xi-cô chủ yếu muốn yêu cầu giáo triều tự vấn lương tâm, suy gẫm những tội lỗi của mình trước mặt Chúa, trước khi đi xưng tội. “Có lẽ Ngài tin rằng chỉ có một lời khiển trách nghiêm khắc mới có thể xoay chuyển tình hình giáo triều,” Linh mục Wister phát biểu. Trước khi chấm dứt bài nói chuyện, GH Phan-xi-cô kêu gọi các vị lãnh đạo trong giáo hội hãy cầu nguyện để “các vết thương tội lỗi mà mỗi người chúng ta mang trong tâm hồn được chữa lành.” Bài nói chuyện của GH Phan-xi-cô được soạn cẩn thận với những trích dẫn và tham chiếu. Chỉ có một số ít hồng y hiện diện mỉm cười trong lúc Ngài nói. Khi chấm dứt, chỉ có một đợt vỗ tay nhẹ nhàng. Sau đó, Ngài bắt tay chào từng hồng y một, nhưng không khí Giáng Sinh không tưng bừng như mọi năm. Nếu nói một cách công bằng, giáo triều đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Giống như hai người tiền nhiệm gốc Ba Lan và Đức, đương kim giáo hoàng gốc châu Mỹ Latinh phải làm việc với một giáo triều mà đa số là người Ý. GH Phan-xi-cô đang cùng với 9 hồng y đồng cảm đang lập các kế hoạch cải tổ toàn bộ cấu trúc quan liêu, sáp nhập nhiều cơ quan để có hiệu quả và đáp ứng với thời đại hơn. Ngài đã từng nói rằng dù kế hoạch cải tổ cơ cấu đang diễn tiến tốt, nhưng khó nhất và tốn thời gian nhất là “cải tổ tinh thần” của những người can dự. Lĩnh vực tài chính của Vatican cũng đang giữa chương trình đại tu bổ. Hồng y George Pell, người nắm tay hòm chìa khóa cho GH Phan-xi-cô đã ra những quy định về kế toán và ngân sách cho những tổ chức, cơ quan trước đây vốn độc lập, không quen với chuyện bị ai kiểm tra sổ sách. Tổng hợp theo Yahoo.news
......

Viện Khổng Tử, cơ quan tuyên truyền và tình báo Trung Cộng

(VNC) Các nước trên thế giới, dù nhỏ hay lớn đều muốn nhân loại biết đến những cái hay cái đẹp của nước mình. Viện Goethe (Goethe-Institut), đặt tên theo nhà văn và chính khách Đức Johann Wolfgang von Goethe, có 159 cơ sở hoạt động gần khắp thế giới để trao đổi văn hóa và ngôn ngữ. Viện Goethe tự trị về tài chánh và độc lập điều hành từ chính phủ Đức. Hội Liên Minh Pháp (Alliance Française) do một số trí thức Pháp trong đó có nhà khoa học Louis Paster, nhà văn JulesVerne, sáng lập từ 1883, có mặt trên 137 quốc gia với tổng số gồm 850 trung tâm cũng hoạt động độc lập với chính phủ Pháp. Các nước Phi Châu tuy nghèo nàn, lạc hậu về kỹ thuật, bị thực dân xâm lược rồi nội chiến triền miên nhưng không phải vì thế mà họ không kiêu hãnh với nền văn hóa và cũng luôn tìm mọi cách để giới thiệu cùng nhân loại những nét đặc thù của dân tộc họ. Hiến chương Phục Hưng Văn Hóa Phi Châu được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn y ngày 24 tháng Giêng 2006 đã tạo điều kiện phục hưng các giá trị và giới thiệu văn hóa Phi Châu đến các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Ngày nay nhiều viện văn hóa Phi Châu do tư nhân tài trợ có mặt nhiều nơi trên thế giới. Phát huy văn hóa là lẽ tự nhiên và đáng ca ngợi. Ngoài trừ những kẻ tự thu mình trong góc tối, sống trong ảo tưởng “quê hương mình là đẹp hơn cả” dù suốt đời không ra khỏi nhà để rồi trở nên ngày thêm u mê lạc hậu, phần lớn các lãnh đạo và con người trên thế giới đều biết trong cái riêng bao giờ cũng có cái chung, văn hóa của một dân tộc là một phần của văn minh nhân loại. Thế nhưng, những khái niệm văn hóa, độc lập, tự trị, phi chính phủ của các trung tâm, các viện văn hóa nêu trên không áp dụng trong trường hợp các Viện Khổng Tử của Trung Cộng, bởi vì thực chất của các viện này chỉ là cơ quan tuyên truyền, tình báo và được đặt dưới sự lãnh đạo của Cục Tuyên Truyền Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuyên truyền là xương sống của chế độ CS. Từ khi thành lập đảng CSTQ năm 1921 đến nay, tuyên truyền luôn đóng một vai trò quyết định trong việc thực thi các chính sách của đảng. Cục Tuyên Truyền Trung Ương do Lý Trường Xuân, Ủy viên Bộ chính trị đứng hàng thứ năm làm Cục Trưởng. Tại sao là Viện Khổng Tử mà không là Viện Mao Trạch Đông hay Viện Đặng Tiểu Bình? Bản chất của CS từ Âu sang Á là giấu mặt và vận dụng ảnh hưởng của các nhân vật lịch sử trong đó Khổng Tử là một trong những nạn nhân. Trong thời kỳ sau 1949 đến 1966, lãnh đạo Trung Cộng dựa vào Khổng Tử như biểu tượng của quyền hạn gia đình bởi vì trong giai đoạn đó Mao chủ trương phân tán quyền sở hữu đất đai xuống các đơn vị gia đình qua trung gian các chính sách cải cách ruộng đất và Bước Tiến Nhảy Vọt đầy thảm họa. Mao ca ngợi Khổng Tử “nhiệm vụ của chúng ta là nghiên cứu các thành tựu lịch sử và đánh giá chúng với quan điểm Mác Lê. Trung Hoa có một lịch sử dài nhiều ngàn năm với đặc tính riêng và là những kho tàng quý báu… Chúng ta phải tổng hợp từ Khổng Tử đến Tôn Dật Tiên và kế thừa các truyền thống giá trị này”. Lưu Thiếu Kỳ còn đi xa hơn khi cho rằng Khổng Tử có nhiều đặc điểm của một người CS tốt. Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, bao nhiêu thất bại, sai lầm của Mao đều được đổ lên đầu Khổng Tử khi chiến dịch Chống Bốn Cũ (nhận thức cũ, văn hóa cũ, truyền thống cũ, tập quán cũ) được phát động. Nội dung của Cách Mạng Văn Hóa được tóm tắt là “cái mới” chống “cái cũ” và trong đó Khổng Tử đại diện cho mọi “cái cũ” và biểu tượng của xã hội giai cấp. Không chỉ chống Khổng Tử về mặt tư tưởng mà cả đền thờ, di tích, sách vở đều bị đục bỏ hay đốt phá. Mao phát biểu “đọc sách nhiều quá sẽ làm tê liệt khả năng nhận thức”. Mục đích chống Khổng Tử của Mao là để đương đầu với sự thất bại kinh tế do chính y gây ra và chống lại những lãnh đạo thực tâm sùng bái Khổng Tử trong đó có Lưu Thiếu Kỳ. Kết quả, 60 phần trăm lãnh đạo CS các cấp bị thanh trừng qua nhiều hình thức. Khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ ba, thế giới thay đổi và sẽ thay đổi một cách nhanh chóng trong thời gian tới. Sự toàn cầu hóa không chỉ diễn ra trong lãnh vực kinh tế mà cả văn hóa, xã hội. Nhân vật lịch sử cần được đánh bóng không phải là hai hồn ma CS Mao hay Đặng mà chính là Khổng Tử. Lãnh đạo Trung Cộng Hồ Cẩm Đào khi giới thiệu Khổng Tử đã ca ngợi ông ta chủ trương một “xã hội hài hòa”. Bộ máy tuyên truyền Trung Cộng in Luận Ngữ và là tác phẩm phát hành nhiều nhất ở Trung Quốc, và các ấn bản ngoại ngữ cũng được giới thiệu nhiều nơi trên thế giới. Theo Giáo sư Gilbert Rozman thuộc khoa xã hội học, đại học Princeton, Trung Cộng “muốn thế giới nhìn vào lịch sử Trung Quốc và những vinh quang quá khứ để khuyến khích họ chấp nhận một Trung Quốc hiện nay nhiều hơn”. Phê bình quan điểm của Hồ Cẩm Đào, Giáo sư Perry Link, Ban Đông Á, đại học Princeton cho rằng có sự mâu thuẫn về căn bản là cái cách chính phủ Trung Cộng sử dụng Khổng Tử để đại diện cho văn hóa Trung Hoa hài hòa ở nước ngoài trong khi đó đảng áp dụng chính sách toàn trị hà khắc đối với người dân trong nước. Lịch sử hình thành Viện Khổng Tử Kế hoạch Viện Khổng Tử được chính thức ra đời vào tháng Sáu năm 2004. Sau vài lần thử nghiệm tại Uzbekistan, viện đầu tiên được khánh thành ngày 21 tháng 11 năm 2004 tại Seoul, Nam Hàn. Đến nay, 2014, đã có 480 Viện Khổng Tử rải rác khắp sáu lục địa. Lãnh đạo Trung Cộng tuyên bố vào năm 2020 con số Viện Khổng Tử sẽ lên đến một ngàn viện. So với Hội Liên Minh Pháp (Alliance Française) được thành lập 131 năm trước, con số một ngàn đầy tham vọng và cấp bách của Trung Cộng rõ ràng không phải chỉ thuần mục đích văn hóa. Tạp chí The Economist nhận xét Viện Khổng Tử chỉ là “cơ quan nhà nước” CS và do đó chấp hành một cách nghiêm chỉnh các chủ trương của đảng. Với điều kiện thông tin ngày ngay, nhận xét của tạp chí The Economist có thể kiểm chứng một cách dễ dàng. Các chức năng mặt nổi của Viện Khổng Tử Theo tài liệu chính thức, Viện Khổng Tử là bộ phận của Hán Ban (汉办) “một cơ quan của Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ, một tổ chức không lợi nhuận, phi chính phủ, liên kết với Bộ Giáo Dục Trung Quốc” Nhiệm vụ công khai của Viện Khổng Tử là “giảng dạy Hoa ngữ ” và “đóng góp vào sự thành hình một thế giới đa dạng và hài hòa”. Hán Ban, về cơ cấu trực thuộc Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ, trong thực tế chẳng phải phi lợi nhuận, tự trị gì mà do một lãnh đạo CS cấp trung ương điều hành. Chủ tịch Hội Đồng Quốc Tế Hoa Ngữ là bà Chen Zhili. Bà Chen sinh tháng 11 năm 1942, nguyên Cố Vấn Nhà Nước kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục Trung Cộng. Bà gia nhập đảng CSTQ năm 1961. Nguyên là Bí Thư đảng bộ Ban Khoa Học Kỹ Thuật Thượng Hải, sau đó được thăng cấp giữ chức Giám Đốc Ban Tuyên Truyền Thượng Hải kiêm Phó Bí Thư Ban Chấp Hành Đảng Bộ Thượng Hải. Từ năm 2008 bà Chen là Phó Chủ Tịch Quốc Hội Trung Cộng. Về cấp bậc đảng, bà Chen là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSTQ tại các đại hội 15, 16, 17 đảng CSTQ. Tổng giám đốc hiện nay của Hán Ban là bà Xu Lin, cấp thứ trưởng trong chính phủ, thành viên của Hội Đồng Nhà Nước và ủy viên Hội Đồng Tham Vấn Chính Trị. Điều đó cho thấy cả hai lãnh đạo Viện Khổng Tử đều là cán bộ tuyên truyền cao cấp chứ chẳng thuần túy văn hóa, ngôn ngữ gì. Về tài chánh, theo Chinadigitaltimes, Viện Khổng Tử được sử dụng một ngân sách rất cao lên đến nhiều tỉ yuan và website của Viện Khổng Tử cũng được xếp vào một trong những website tốn kém nhất tại Trung Cộng. Bà Chen Zhili ra ngoại quốc được quyền sử dụng tiền bạc một cách rộng rãi so với các ngân sách giáo dục khác. Mặc dù rất ngạc nhiên trước thái độ yểm trợ tài chánh dồi dào của Trung Cộng, nhiều đại học quốc tế, kể cả Mỹ, cần tiền bảo trợ cho các chương trình Hoa Ngữ nên cũng không khó khăn lắm trong việc chấp nhận sự thành lập Viện Khổng Tử. Các chức năng mặt chìm của Viện Khổng Tử - Thực hiện chủ trương tuyên truyền “sức mạnh mềm”: Theo Giáo sư Joseph Nye Jr., sức mạnh mềm được định nghĩa như là khả năng đạt được mục tiêu bằng ảnh hưởng, hợp tác với đối phương thay vì ép buộc đối phương phải tuân hành. Người viết đã phân tích chi tiết trong bài Từ Hồ Cẩm Đào đến Obama, bài học về chính sách Sức mạnh mềm (Soft power). Joseph Nye Jr. tóm tắt quan điểm này trong tác phẩm Sức mạnh Mềm: Phương tiện để Thành công trong Chính trị Thế giới (Soft Power: The Means to Success in World Politics): “Một quốc gia có thể đạt được kết quả mong muốn trong chính trị thế giới bởi vì các quốc gia khác – khâm phục giá trị của nó, tích cực noi gương các thành tựu nó đạt được, khát vọng để đạt đến mức độ thịnh vượng và mở rộng của nó, muốn theo chân nó. Trong ý nghĩa đó, quan trọng là đặt ra một nghị trình và thu hút các quốc gia khác trong chính trị thế giới, và không chỉ buộc họ thay đổi bằng các đe dọa quân sự hay trừng phạt kinh tế.” Cũng theo Joseph Nye Jr., sức mạnh mềm của một quốc gia đặt trên ba nguồn: văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại. Áp dụng chính sách sức mạnh mềm trong phạm vi thế giới đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chính sách tuyên truyền quốc tế của Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo Trung Cộng hiện nay. Trung Cộng có hai đường lối tuyền truyền tương đối độc lập gồm tuyên truyền đối nội nhằm kiểm soát nhận thức người dân và tuyên truyền đối ngoại tập trung vào việc ảnh hưởng dư luận quốc tế một cách phù hợp với chính sách đối ngoại của đảng CSTQ. Tạp chí Economist giải thích các Viện Khổng Tử được sử dụng nhằm giành được sự đồng thuận của dư luận thế giới. Mục đích cụ thể của đường lối tuyên truyền đối ngoại gồm (1) trấn an dư luận thế giới về một Trung Cộng đe dọa, (2) bảo đảm nguồn nguyên vật liệu cung ứng cho nền kinh tế tăng nhanh nhưng lãnh phí, (3) xây dựng các liên minh quốc tế và làm yếu vai trò của Đài Loan trong cộng đồng thế giới, và (4) phát huy một thế giới đa phương và giới hạn sức mạnh của Mỹ. Khi Hồ Cẩm Đào công bố chủ trương áp dụng “sức mạnh mềm” trên thế giới đầu năm 2009, Lý Trường Xuân không giấu diếm khi cho rằng các Viện Khổng Tử là “cửa ngõ quan trọng để làm sáng danh văn hóa Trung Quốc, giúp mở rộng văn hóa Trung Quốc, đó là phần của chiến lược tuyên truyền quốc tế”. Mặc dù luôn bào chữa là “khách quan”, “độc lập”, các vấn đề nhạy cảm như biến cố Thiên An Môn, Pháp Luân Công, Tây Tạng v.v. đều bị gạch bỏ khỏi các chương trình giảng dạy tại các Viện Khổng Tử và các học viên không được phép bàn đến các vấn đề này. Do đó, khác với nội dung do Joseph Nye phác họa, chính sách của CSTQ thực chất là một chính sách tuyên truyền và mua chuộc, tương tự như chính sách thực dân trước đây. - Hang ổ tình báo: Trung Cộng hiện có 60 triệu Hoa Kiều sinh sống gần như tại hầu hết quốc gia trên thế giới và việc sử dụng nguồn lực của đạo quân thứ năm này để phục vụ một cách hữu hiệu đường lối đảng là một quan tâm lớn của lãnh đạo Trung Cộng. Tờ báo có uy tín của Mỹ Forbes, trong tháng 10 2014, tố cáo một trong những trường đại học rất uy tín tại Mỹ, đại học Stanford, đã hợp tác với Trung Cộng qua trung gian Viện Khổng Tử. Ngân sách của viện do Trung Cộng tài trợ. Tác giả bài viết trên Forbes trích lời phát biểu của Arthur Waldron khi nói rằng “Viện Khổng Tử có thể đóng vai trò then chốt trong việc ảnh hưởng chính sách tình báo của Trung Cộng”. Cũng trên Forbes, tác giả Eamonn Fingleton, chỉ trích các trường đại học Mỹ bán rẻ lương tâm trí thức qua việc im lặng trước sự kiện Thiên An Môn. Lý do, tiền của Bộ Giáo Dục Trung Cộng đổ vào các đại học này một cách ồ ạt qua cửa Viện Khổng Tử. Hiện nay có khoảng 220 ngàn sinh viên Mỹ theo học các Viện Khổng Tử. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên và nguy hiểm là các hợp đồng giữa Bộ Giáo Dục Trung Cộng và các đại học Mỹ đều phải được giữ kín. Theo Abrice De Pierrebourg, một cựu chuyên viên ngành tình báo Pháp, nhiều “chuyên viên ngôn ngữ Trung Quốc” lại có lý lịch gốc an ninh tình báo. Chức năng của những người này không phải là giáo dục mà là kiểm soát sinh viên gốc Hoa sinh ra ở nước ngoài và đồng thời tuyển dụng tình báo để làm việc cho Trung Cộng. Phóng viên Omid Ghoreishi của báo The Epoch Times, trong điều tra Bắc Kinh Sử Dụng Viện Khổng Tử cho mục đích Gián Điệp (Beijing Uses Confucius Institutes for Espionage) đã trích dẫn lời của Michel Juneau-Katsuya, cựu Trưởng Cơ Quan An Ninh Tình Báo đặc trách Á Châu Thái Bình Dương của chính phủ Canada rằng với kinh nghiệm nhiều chục năm của ông hoạt động trong khu vực, cho thấy Trung Cộng không ngừng nỗ lực để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Cũng theo lời ông Michel Juneau-Katsuya, đương kim chủ tịch chấp hành công ty an ninh Northgate SSI và một trong những chuyên viên an ninh được trích dẫn nhiều nhất tại Canada, Viện Khổng Tử là một đe dọa đối với chính phủ và nhân dân Canada. Ông khẳng định “Có những thông tin cho thấy rõ ràng các cơ quan tình báo Tây phương đã xác định Viện Khổng Tử như hình thức của cơ quan tình báo do Trung Cộng sử dụng và cũng do Trung Cộng tuyển dụng”. Bài báo trên The Epoch Times cũng nhắc lại lời tuyên bố của Hồ Cẩm Đào như một bằng chứng cho thấy các Viện Khổng Tử thực chất là hang ổ gián điệp. Họ Hồ phát biểu “Sau nhiều năm nỗ lực, chúng ta đã tìm ra cách để trồng cấy và chuẩn bị những người ủng hộ đảng chúng ta”. Dĩ nhiên các lãnh đạo Trung Cộng luôn bác bỏ những lời tố cáo của các chuyên viên tình báo quốc tế và uy tín như Michel Juneau-Katsuya. Các lãnh đạo Trung Cộng hãnh diện khi nhắc đến Viện Khổng Tử như một phần của “mặt trận đoàn kết” chống kẻ thù. Nhưng kẻ thù của “mặt trận” này là ai? Không ai khác hơn là “năm nọc độc” gồm Đài Loan, Tây Tạng ly khai, thiểu số Uighurs, Falun Gong, các nhà tranh đấu dân chủ, và “thế lực thù địch Tây Phương” đứng đầu là Mỹ. Một chế độ dựa trên lừa dối và khủng bố sớm muộn cũng sẽ sụp đổ Mặc dù phát triển kinh tế nhanh trong hai chục năm qua, Trung Cộng đang đương đầu với những khó khăn khách quan về lâu dài không thể vượt qua bao gồm yếu tố dân số thặng dư và mất cân đối, y tế công cộng thiếu hụt trầm trọng, môi sinh độc hại nhưng quan trọng nhất vẫn là cơ chế chính trị độc tài toàn trị, bóp nghẹt hầu hết các quyền căn bản của con người và tham nhũng đã trở thành một đặc tính trong mọi ngành, mọi cấp từ trung ương đến địa phương. Lãnh đạo CSTQ đã và đang làm mọi cách để tồn tài bất chấp dư luận và thể diện của một đất nước có nhiều ngàn năm văn hóa. Sự lừa dối bỉ ổi thể hiện khi Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đến kiểm nghiệm điều kiện môi sinh tại Bắc Kinh vào năm 2001 trước khi chấp thuận cho Trung Cộng làm quốc gia tổ chức. Ngày trước đó, lãnh đạo Trung Cộng đã ra lịnh xịt nước xanh lên hai hàng cây dọc đường phố có đoàn xe của Ủy Ban Thế Vận chạy qua để đánh lừa họ rằng Bắc Kinh là thành phố cây xanh. Hành động này giống hệt chuyện xảy ra hơn nửa thế kỷ trước khi các lãnh đạo CS tỉnh Hồ Bắc cho dời các ruộng lúa ra sát đường nơi có xe lửa của Mao chạy qua để gây tượng cho Mao rằng mùa màng dư giả. Bản chất lừa dối của chế độ CS không thay đổi và một chế độ dựa trên lừa dối và khủng bố để tồn tại, chế độ đó sớm nay muộn rồi sẽ sụp đổ. Trần Trung Đạo
......

Cộng đoàn Công Giáo Mannheim và vpc cầu nguyện cho các Kitô-hữu trên thế giới đang bị bách hại

Mannheim-Neuhermsheim, Đức Quốc, chủ nhật, 28.12.2014 Trong bầu không khí hân hoan và vui tươi của mùa Giáng Sinh, rất đông đảo các tín hữu đã đến nhà thờ Maria Königin để tham dự lễ Thánh-Gia-Thất. Giáo xứ Maria Königin thuộc liên cộng đoàn (Seelsorgeeinheit), mang tên „Johannes XXIII“ (www.kath-ma-luisenpark.de), gồm có bốn giáo xứ: Hl. Geist, St. Peter, St. Pius và Maria Königin. Hôm nay ngoài Lm. Tuyên úy Dominik Trần Mạnh Nam còn có Lm. Phanxicô Trần Công Phán thuộc dòng Salesianer Don Bosco (làm việc truyền giáo tại Papua-Neuguinea) cùng đồng tế. Trong bài Phúc Âm theo Thánh Luca 2,22-40 tường thuật Đức Maria và Giuse dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ. Lúc bấy giờ, “ở Yêrusalem có một người tên là Symêôn, một người công chính và mộ đạo, những ngóng đợi niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần ở trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo là sẽ không phải chết, trước khi được thấy  Đức Kitô của Chúa. Được linh cảm, ông đến Đền thờ; và khi cha mẹ bồng Hài nhi Yêsu đến để làm theo điều lệ Luật dạy về Ngài, thì ông đã ẵm lấy Ngài trên tay, mà chúc tụng Thiên Chúa, và nói:“Giờ đây, lạy Chúa, xin thả tôi tớ Người về, chiếu theo lời Người, trong bình an. Bởi chưng mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ, Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân, ánh sáng mạc khải cho dân ngoại, và vinh quang của Israel dân Người”. Cha mẹ Ngài kinh ngạc về các điều nói về Ngài. Và Symêôn chúc lành cho ông bà, rồi nói cùng Maria mẹ Ngài: “Này ! Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel, và làm dấu gợi lên chống đối,  - và hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu – ngõ hầu ý nghĩa của nhiều tâm hồn phải bày ra”. Theo Lm. Trần Công Phán Đức Maria và Giuse đã nhìn ra và chấp nhận kế hoạch của Chúa trên Hài nhi Giêsu, cho dù là phải chịu đau đớn. Trong vai trò làm cha mẹ, chúng ta cũng có trách nhiệm nhìn ra thiên ý của Chúa nơi con mình và tạo điều kiện thuận lợi để con trẻ sống theo Ơn Gọi này. Ngài đơn cử ví dụ sau đây: Người vợ nói: “Gia đình em có nhiều người làm bác sĩ, nên em muốn con gái mình cũng trở thành bác sĩ”. Người chồng đáp: “Không được. Gia đình bên nội toàn là kỹ sư nên anh muốn con mình cũng phải trở thành kỹ sư”. Riêng cháu gái có những lần gặp gỡ những người bịnh tật trong nhà thương, thì lại có ước muốn trở thành y tá để chăm sóc và xoa dịu những nỗi đau này. Ngoài ra, Lm. Trần Công Phán nhấn mạnh, trong đời sống hôn nhân trước sau gì cũng sẽ có những vấn đề lớn hay nhỏ. Điều quan trọng là vợ chồng phải trao đổi, đối thoại với nhau để cùng tìm lối giải quyết. Người Á châu thường áp dụng “văn hóa kín” để cư xử với nhau, nhưng cũng nên học thêm lối  đối thoại của Tây Phương. Lm. TC Phán nói đùa là lúc chưa cưới thì người đàn ông “cầu hôn” để lấy được vợ. Bây giờ có vợ rồi, chồng đi làm về mà thấy mặt vợ “lạnh như đồng” thì cũng phải “cầu hôn”, có nghĩa là “liệu hồn” đó. Ngoài ra Lm. TC Phán giải thích, trong Cựu ước có đoạn nói, Chúa lấy xương sườn của Adam để tạo ra Eva. Chúa không lấy xương đầu của Adam vì không muốn Eva “đạp đầu Adam”. Chúa cũng không lấy xương bàn chân của Adam vì không muốn Adam “đạp đầu Eva”. Chúa lấy xương sườn vì nó nằm ở giữa cơ thể. Các vị tu sĩ Do Thái giải thích, như vậy là nam nữ bình đẳng. Xương sườn nằm dưới cánh tay, có nghĩa là người chồng sẽ luôn đùm bọc và bảo vệ vợ mình. Sau bài giảng là nghi thức Rửa tội cho bé Giuse. Như Đức Maria và Thánh Giuse mang con lên Đền thờ, hôm nay anh Trí, thuộc ban Đại Diện Cộng Đoàn, cũng đã cùng vợ mang con đến nhà thờ để xin gia nhập vào cộng đoàn Dân Chúa. Qua đến phần “lời nguyện giáo dân” Lm. Nam đã nhắc nhở mọi người về lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Đức cầu nguyện cho các Kitô  hữu trên thế  giới đang bị bách hại (http://www.dbk.de/verfolgte-bedraengte-christen/home/ ). Riêng tại Việt Nam, cộng đoàn Mannheim và vpc, trong thánh lễ, đã cầu xin Chúa cho anh Phanxicô Xaviê Đặng Xuân Diệu, thuộc giáo phận Vinh, miền Trung Việt Nam, bị chế độ Cộng Sản kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế vì những hy sinh và đóng góp của Anh cho người tàn tật, những nạn nhân bị lũ lụt và những sinh viên nghèo. Đặc biệt hôm nay Lm. Tuyên uý và toàn thể giáo dân đã hết lòng cảm ơn Ban Đại Diện cộng đoàn gồm có chị Hiền, anh Trí và anh kỹ sư Hồ Hoàng Tinô, chủ tịch cộng đoàn công giáo Mannheim và vpc, trong bốn năm qua đã cùng vợ là chị Thanh và các con cũng như nhiều anh chị khác hy sinh và đóng góp rất nhiều giúp cho sinh hoạt cộng đoàn phong phú và sống động. Sau thánh lễ Lm. Nam và Lm. TC Phán bất ngờ tuyên bố có quà cho các em thiếu nhi và thiếu niên, cho ca đoàn, cho các em giúp lễ và cho các gia trưởng, làm bầu không khí trở nên náo nhiệt và mọi người hồi hộp chờ đợi. Kế đến mọi người vào hội trường, nơi có bàn Buffet với nhiều món ăn Đức- Việt đầy hấp dẫn. Ngoài ra còn có quầy quảng bá CDs Lm. Xuân Đường, dòng Chúa Cứu Thế,( xuanduongdcct@gmail.com )  hát để gây quỹ giúp các học sinh và sinh viên nghèo ở Việt Nam. Số tiền bán CDs thu được là 100,- Euro; tiền ủng hộ là 30,- Euro. Minh Hoài
......

Đêm Giáng Sinh 24.12.2014, Giáo xứ St. Jakobus, Neustadt-Hambach cầu nguyện cho TNLT Đặng Xuân Diệu

Giáo xứ St. Jakobus, Neustadt-Hambach: Trong Đại lễ Giáng Sinh vào lúc 20 giờ, ngày 24.12.2014 tại Giáo xứ St. Jakobus, Neustadt-Hambach, Lm. Max Heinzt cùng toàn thể giáo dân thuộc giáo xứ St. Jakobus, thành phố Neustadt-Hambach đã dành thánh lễ này như là một món quà để tặng nước Việt Nam và các tù nhân lương tâm, đặc biệt là anh Franz-Xaver Đặng Xuân Diệu, phải chào đón Chúa Hài Nhi Giêsu trong chốn lao tù. Karmelitinnenkloster, Speyer, Đức-Quốc, 26.12.2014, 2. Weihnachtstag: Vào thánh lễ Giáng Sinh ngày thứ sáu, 26.12.2014 Lm. Tổng Đại Diện địa phận Speyer, Generalvikar Dr. Franz Jung đã cùng với các nữ tu dòng chiêm niệm Karmelitinnen và các tín hữu cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam, đặc biệt cho anh Franz-Xaver Đặng Xuân Diệu. Trong bài giảng Dr. Jung cho biết là hiện nay ở Syrien các ngôi nhà có người Kitô giáo sinh sống thường bị đánh dấu bằng chữ N. Đó là cách khinh miệt cho là các Kitô hữu tin vào một người (không phải là Thiên Chúa) ở Nazareth. Những nhà nào có dấu hiệu này phải hiểu là: một là phải trả tiền thuế cao gấp hai, gấp ba những người khác, hay là phải dọn đi xa nếu không thì sẽ bị giết chết. Hiện tượng này theo Dr. Jung giống như ở nước Đức vào năm 1938. Các ngôi nhà của người Do Thái thời đó bị đánh dấu bằng ngôi sao David (Davidstern). Đó chỉ là “bản nhạc dạo” để bắt đầu cho một cuộc tiêu diệt dã man sáu triệu người Do Thái sau đó trong các lò hơi ngạt. Sau thánh lễ Mẹ Bề Trên Sr. Maria Katharina vom Leiden Christi đã ân cần thăm hỏi tình hình hiện tại của anh Đặng Xuân Diệu. Mẹ chia xẻ là hôm nay, trong phần lời nguyện giáo dân khi Mẹ nghe tới đoạn cầu nguyện cho anh Diệu thì không những Mẹ nghĩ đến anh Diệu, song Mẹ còn nghĩ đến các anh chị em Việt Nam khác đang trong tình trạng như anh Diệu. Mẹ hứa sẽ cùng các nữ tu tiếp tục cầu nguyện cho Việt Nam và đặc biệt là cho anh Đặng Xuân Diệu.
......

Chưa bao giờ Phản Động đáng kính đến thế

Trong không khí nhìn lại 2014 trong những ngày cuối năm, kính mời quí độc giả cùng đọc lại bài viết "Chưa bao giờ Phản Động đáng kính đến thế" để chia sẻ niềm cảm phục và quí mến đối với các anh Ba Sàm, Người Lót Gạch, Bọ Lập, và những người đang chấp nhận tù ngục vì tương lai của cả dân tộc chúng ta.BBT-WebVT@S:   Trong thời gian qua, với từng bước xâm lấn ngày càng trắng trợn của Trung Cộng (TC), người ta càng thấy Ban Tuyên Giáo Trung Ương lúng túng không biết biện hộ thế nào cho chính sách cứ từ bại đến thua của lãnh đạo Đảng CSVN. Và như để bù vào khoảng trống đó, đạo quân dư luận viên (DLV) được lệnh túa ra chửi hết mọi người là "phản động". - Ai nhắc lại chuyện lỗ lã Bôxít Tây Nguyên và có địch trên Nóc nhà Đông Dương ... là phản động. - Ai đụng tới chỗ nhược 16 chữ vàng, 4 tốt và quan hệ hữu hảo ... là phản động. - Ai tự tưởng niệm các chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa, Biên giới 1979 ... là phản động. - Ai còn tiếc rẻ vụ sửa Hiến Pháp thua cả Miến lẫn Miên ... là phản động. - Ai đòi bất cứ cái gì "độc lập" ... đều là phản động. - Cả người biểu tình ôn hòa chống giàn khoan và kẻ bạo loạn được công an làm ngơ ... đều là phản động. - Và đặc biệt trên thế giới Internet, blogger, mạng xã hội ... chỉ toàn là đám phản động và phản động.   Nhưng có DLV nào hay những người ra lệnh cho họ dành ra chỉ vài phút để tự hỏi "phản động" là gì không? Hoặc nếu "phản động" là thế, thì "chính động" là gì? Chính động có đương nhiên tốt không?   Phản động từ đâu ra?   Theo nghĩa đen và bình thường trong tiếng Việt thì phản động là di chuyển theo hướng ngược lại với một hướng nào đó. Nhưng trong lịch sử Việt Nam, từ "phản động" chỉ xuất hiện ở thế kỷ 20 khi được rước từ Tàu về. Đây là chữ dịch của từ ngữ nguyên thủy mà Lenin đẻ ra — ít là thế giới tin như vậy vì Lenin dùng các chữ "phản động", "phản cách mạng" vô số lần khi còn sống. Nhãn "phản động" từ thời đó cho đến nay vẫn được dùng để lên án những ai không đồng ý với chế độ cộng sản, hay nói chính xác hơn là không đồng ý với các lãnh tụ cộng sản đang nắm quyền. Và kẻ phản động bị xem là đương nhiên xấu.   Điều cần nhấn mạnh là yếu tố "chỉ so với các lãnh tụ đang nắm quyền" khi qui kết ai là phản động. Vì đã có rất nhiều trường hợp như lãnh tụ Trotsky, một trong những cha đẻ ra chế độ Liên Bang Xô Viết. Khi Lenin còn sống, mỗi lời của Trotsky đều là chân lý và mọi kẻ bất đồng với chân lý đó đều là lũ phản động. Nhưng chỉ mấy tháng sau khi Lenin chết và Stalin thắng thế trong cuộc chạy đua lên ngôi, cũng cùng là con người và tư tưởng Trotsky đó, thì nay bị lên án là tên "cực kỳ phản động". Bà Giang Thanh là trường hợp tương tự tại Trung Quốc trước và sau ngày chết của Mao Trạch Đông. Và hiện nay là trường hợp Chu Vĩnh Khang, Giang Trạch Dân. Ông Khang từng là trùm công an - an ninh Trung Quốc, từng ném bao kẻ phản động vào chỗ chết, nhưng nay đang bị lãnh tụ đương quyền Tập Cận Bình đạp xuống cùng hàng những kẻ phản động đó. Sẽ không mấy ai kinh ngạc nếu vài tháng nữa thuyết Ba Đại Diện của ông Giang Trạch Dân bị liệt vào loại tư tưởng phản động. Và còn hàng ngàn hàng vạn thí dụ khác nữa tại từng chế độ cộng sản. "Phản động", do đó, chỉ là vũ khí chính trị của lãnh tụ nào đang ngồi ở cực đỉnh. Các định nghĩa về "thành phần phản động" có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Đặc biệt trong thời Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông, có khi chỉ qua một đêm định nghĩa đã đổi khác, và vô số cán bộ hôm trước còn đứng giảng huấn người khác về cách mạng, hôm sau đã bị đội mũ giấy ghi chữ phản động hữu khuynh, phản động tả khuynh. "Phản động" do đó hoàn toàn không có giá trị khoa học hay luân lý, và hầu như luôn đi ngược lại đạo lý truyền thống của các dân tộc.   Dân chúng dưới mọi chế độ cộng sản, từ thời Lenin, Stalin, đến Mao Trạch Đông dài đến Tập Cận Bình, đã từ lâu đồng nghĩa "phản động" với kinh hoàng. Phản động đồng nghĩa với "không biết bị bắt đi lúc nào, ngày hay đêm, và biệt tăm tích kể từ đó" dưới thời Lenin. Phản động đồng nghĩa với "không biết sẽ bị tra tấn đến cỡ nào và sẽ tự thú thêm cho mình bao nhiêu tội nữa trước khi bị bắn" dưới thời Stalin. Phản động đồng nghĩa với "chết đói cứng đờ giữa các trại tù tuyết trắng" dưới thời Kim Nhật Thành. Phản động đồng nghĩa với "té chết trong những hố phân lỏng tại các trại lao cải" dưới thời Mao Trạch Đông.   Phản động vào Việt Nam Từ ngày đưa chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam và đặc biệt từ khi lên nắm quyền cai trị đất nước, các đời lãnh đạo đảng CSVN đều áp dụng triệt để công thức từ các nước đàn anh vừa để tận diệt tất cả những ai không đồng ý với các lãnh tụ đang nắm quyền, vừa để giữ số đông quần chúng trong tình trạng sợ hãi thường xuyên. Trong số các hung thần chuyên cột bảng "phản động" vào cổ hàng ngàn nạn nhân trong thế kỷ 20 phải kể đến Bộ Trưởng Công An đầu tiên Trần Quốc Hoàn, Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tuyên Truyền Trung Ương Tố Hữu. Các đối tượng phản động cùng với cha mẹ, vợ con, cháu chắt và cả vòng bạn hữu của họ đều lập tức bị liệt vào loài đáng bị xa lánh, tù tội, đói khát, và vô học suốt đời. Ngày nay cũng vậy, cả công an và ban tuyên giáo đều đang liên tục dùng lại nhãn "phản động" với ước mong nó cũng lại gióng lên sự kinh hãi tột cùng trong lòng người nghe — cả các đối tượng lẫn những người chung quanh họ — như trong thế kỷ trước. Họ luôn nghĩ ra những cách mới để làm cuộc đời các "thành phần phản động" phải tăng thêm phần khốn đốn, đau đớn, bất kể những người này còn ở ngoài hay đã vào tù.   Nhưng trong suốt 60 năm ngột ngạt, căng thẳng ngày đêm đó vẫn có những con người đứng lên chấp nhận mình là "phản động". Họ là những nhà trí thức như trong vụ Nhân Văn - Giai Phẩm phản đối chính sách Cải Cách Ruộng Đất và đòi quyền tự do tư tưởng; kéo dài đến những đảng viên CS cao cấp như Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, ... đòi trả quyền làm chủ đất nước cho người dân; dài đến những người yêu nước nồng nàn như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Huỳnh Duy Thức, ... báo động toàn dân về tai họa Bắc Thuộc. Câu hỏi được đặt ra là tại sao những con người này lại nhất quyết chọn con đường "phản động" như thế?   Câu trả lời có lẽ khá đơn giản: Vì họ còn lương tâm.   Phản động thật đáng kính Chính vì còn lương tâm mà các vị này không thể đi tiếp theo hướng làm lụn bại đất nước và con người. Họ chọn hướng đi ngược lại. Chính vì còn lương tâm đối với công đức hy sinh của cha ông, đối với xương máu của đồng đội, và đối với tương lai các thế hệ cháu con mà họ nhất quyết phải đổi hướng, phải "phản động", bất chấp các tai họa trút xuống trên đầu họ và gia đình. Chỉ nội chừng đó thôi, những con người can đảm đó đã quá đáng kính phục rồi. Nhưng còn hơn thế nữa, những con người phản động này có tầm nhìn rất xa. Từ những năm 1950, 1960, trong lúc thế hệ lãnh đạo Đảng đầu tiên còn mê tít chủ nghĩa Cộng Sản, thì những Phan Khôi, Phùng Quán, Lê Đạt, Nguyền Mạnh Tường, ... đã báo trước hậu quả của nạn diệt trừ văn hóa dân tộc qua đủ loại chính sách, từ giết chết tự do tư tưởng trong lãnh vực văn hóa đến giết chết hệ thống nông nghiệp hài hòa truyền thống qua Cải Cách Ruộng Đất. Phải mất gần nửa thế kỷ sau, giới lãnh đạo Đảng mới nhận ra sai lầm, mới nhận ra những cảnh báo của nhóm Nhân Văn, Giai Phẩm là đúng. Không kính phục những con người phản động đó sao được? Và ngày nay, vẫn đang có những tiếng nói phản động đáng kính khác vạch ra hệ quả của bản Hiến pháp đổi mới như cũ; bản Hiến Pháp chắp nối đầu gà với đuôi vịt, đang tiếp tục ghìm đất nước vào vị trí đi sau các nước trong vùng. Và trong những tuần qua, tiếp theo sau vụ giàn khoan HD981, các kêu gọi "thoát Trung" lại vang lên, ngược chiều với các dạy bảo "đã lỡ lệ thuộc lắm rồi nên phải tiếp tục nương vào Bắc Kinh mà sống".   Không kính phục sao được khi các tính toán của các nhà khoa học phản động đã được thực tế chứng minh là quá chính xác. Với các dẫn chứng khoa học và dùng kinh nghiệm của nhiều nước, các chuyên gia Việt Nam đã đưa ra các tính toán cho thấy sự tai hại, phi lý và lỗ lã của ý định khai thác Bôxít Tây Nguyên bên cạnh các nguy hiểm của việc giao Nóc nhà Đông Dương cho người nước ngoài. Các lời can gián chân thành của họ lập tức bị xem là ngược với "chủ trương lớn của Đảng". Các kết quả nghiên cứu của họ bị thay thế bằng các con số tính toán từ các "chuyên gia Trung Quốc". Và các tiếng nói phản động bị bịt hẳn với nghị quyết Cấm Phản Biện Tập Thể. Phải mất hơn 5 năm sau, lãnh đạo Đảng mới thừa nhận sự tai hại và lỗ lã tận xương tủy của các khu khai thác Bôxít Tây Nguyên (trong cùng chuỗi thất bại của nhà máy lọc dầu Dung Quất và sự lụn bại của tất cả các tổng công ty và tập đoàn kinh tế). Tiếng nói của giới chuyên gia Việt Nam chân chính không chỉ đáng kính phục mà còn rất cần thiết cho hiện tại và tương lai của đất nước. Ai biết các đặc tính của Việt Nam và yêu đất nước Việt Nam hơn những người dám phản động này? Và ngày nay, vẫn đang có những tiếng nói phản động đáng kính khác cố gào lên khuyên can ý định xây các lò điện hạt nhân tại Việt Nam, nơi mà chỉ các đập thủy điện cũng chưa xây dựng, vận hành, hay bảo quản nổi cho ra hồn, và năm nào cũng gây ra thiệt hại nhân mạng và tài sản một cách rất vô trách nhiệm. Không kính phục sao được khi các tư tưởng phản động đến từ những khối óc sáng suốt nhất. Trong nhiều năm toàn ban lãnh đạo Đảng nhảy tung tăng son-đố-mì giữa vòng 16 chữ vàng, 4 tốt và quan hệ hữu hảo, thì những nhà yêu nước như Điếu Cày, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Huỳnh Duy Thức, ... chấp nhận tù ngục để cố báo động với toàn dân đó là cái bẫy lừa bịp. Trong lúc lãnh đạo đảng suốt từ Hội Nghị Thành Đô đến nay liên tục nhượng bộ Bắc Kinh nhân danh "bảo vệ hòa bình và để chúng không lấn thêm nữa", thì các tiếng nói phản động đã chỉ ra nguyên lý "nhân nhượng kẻ ác chỉ là hành động khuyến khích xâm lược và chiến tranh". Thực tế hiện nay, đặc biệt với vụ giàn khoan HD981, đã chứng minh sự sáng suốt của thành phần phản động. Và ngày nay, vẫn đang có những tiếng nói phản động đáng kính khác kêu gọi lãnh đạo Đảng phải tận dụng mùa biển động này để gấp rút kiện TC ra tòa án quốc tế. Dù thua, thắng, hay huề đều có lợi cho chủ quyền đất nước. Cùng lúc, cũng phải tận dụng khoảng thời gian quí báu này để gấp rút xây dựng các liên minh phòng thủ chung tại Biển Đông. Lãnh đạo Đảng không còn lý do gì để tiếp tục ôm chặt con đường đàm phán song phương cực kỳ tai hại hiện nay nữa. Và nhất là không được tiếp tục đẩy ngư dân tay không ra khơi làm "cột mốc sống" thay cho hải quân và cảnh sát biển nữa. Ngày 28.7.2014, lại thêm tiếng nói đồng thanh rất đáng kính phục của 61 đảng viên CSVN đi ngược với ước muốn của lãnh đạo. Các vị này yêu cầu lãnh đạo phải công bố các mật ước tại Hội Nghị Thành Đô 1990, một hội nghị được xem là biểu hiện của tâm thức "thà mất nước chứ không mất đảng". *** Càng hò hét dán nhãn người khác là phản động, lãnh đạo Đảng càng thừa nhận toàn bộ hệ thống tư tưởng và guồng máy cai trị của họ đang đi ngược lại với đạo lý dân tộc và truyền thống đặt tổ quốc trên hết của người Việt Nam. Chưa bao giờ PHẢN ĐỘNG lại đáng quí, đáng kính, và cần thiết cho vận mạng đất nước bằng lúc này ... trước khi tiến trình mất chủ quyền không còn lật ngược được nữa. Như một nhà yêu nước đang ngồi giữa tù ngục từng nói: "Trong tình hình đất nước hiện nay, nếu không phản động thì không phải là con người, nhất là không phải con người Việt Nam."   Nguồn: viettan.org
......

Bao nhiêu ông Trần Văn Truyền mới bằng một Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Làm một phép toán so sánh giữa ông Trần Văn Truyền và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thấy ngay nhiều điểm giống nhau đến bất ngờ, có khác chăng là ở mức độ tầm vóc và quy mô. Nhớ câu chuyện chuột và bình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây sẽ thấy ngay nếu ông Trần Văn Truyền là con “chuột nhắt” đã ra khỏi hang (về vườn) thì ông Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ắt hẳn phải là một con “chuột cống” vẫn còn nằm trong cái bình quý (đương chức và còn tham vọng quyền lực), vấn đề là làm sao đánh được con chuột cống này mà không làm “vỡ bình” như chính lời Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng mạnh miệng kêu gọi tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, ngày 12/6/2014 vừa qua: “Có bao nhiêu ông cán bộ của chúng ta có số tài sản lớn, câu hỏi này chỉ có thể qua thanh tra, qua sự việc thì mới phát hiện một cách đầy đủ. Tôi hy vọng rằng, nhân dân cùng với các cơ quan chức năng sẽ làm tốt công việc phát hiện này trong thời gian tới!”. Thử so sánh qua một số điểm giống nhau nhưng khác biệt về đẳng cấp giữa hai ông: Nguyễn Xuân Phúc photo 1. Phát ngôn và việc làm của 2 vị đầu ngành về chống tham nhũng Cả hai ông Trần Văn Truyền và Nguyễn Xuân Phúc đều là các lãnh đạo đầu ngành về công tác chống tham nhũng: Ông Truyền là nguyên Tổng Thanh tra chính phủ còn ông Phúc cũng là nguyên Phó Tổng Thanh tra chính phủ, đương kim Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng. Hãy xem so sánh những phát ngôn để đời của hai vị lãnh đạo “chống tham nhũng” này:     Xem ra phát ngôn của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Xuân Phúc còn đanh thép hơn nhiều so với ông Trần Văn Truyền   Đó là phát ngôn, còn thực tế thì sao? Hãy so sánh khối tài sản tính theo bất động sản của hai vị lãnh đạo “chống tham nhũng”: Ông Trần Văn Truyền sở hữu căn biệt thự cùng 4 căn nhà gỗ đặc biệt ở xứ tỉnh Bến Tre, rộng trên 16.000m2 ước tính 24 tỷ riêng tiền đất; 1 căn nhà 300m2 được cấp hồi làm bí thư tỉnh ủy; 1 nhà 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân; 3 cơ ngơi ở khu đô thị 5 sao Phú Mỹ Hưng, TP Hồ Chí Minh, do người thân quản lí.     Nhà đất có liên quan đến ông Trần Văn Truyền ước tính trị giá chưa tới 100 tỷ Còn khối bất động sản của Phó Thủ tướng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Xuân Phúc thì lại ở đẳng cấp quốc tế ước tính nhiều nghìn tỷ mà ông Truyền khó có thể so sánh:     Tài sản (tính theo bất động sản) của ông Trần Văn Truyền xem ra vẫn còn khiêm tốn lắm lắm so với khối bất động sản nhiều nghìn tỷ của Phó Thủ tướng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Xuân Phúc   Nếu ông Trần Văn Truyền có cái dại của người miền Nam là ruột để ngoài da, có bao nhiêu đem khoe hết nên bị trảm thì ngược lại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại có cái mưu mô xảo quyệt, khéo léo che đậy nằm trong bản chất nên khối tài sản nghìn tỷ của ông chẳng ai biết đến. Mãi cho đến thời điểm này mới được nhân dân phát hiện như lời ông hô hào và "hy vọng”: “…hy vọng nhân dân và các cơ quan chức năng phát hiện!” khi trả lời chất vấn đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (12/6/2014) vừa qua. 2. Bổ nhiệm cán bộ ồ ạt trước khi rời nhiệm sở Ông Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu đã chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ (do ông Ngô Văn Cao là Vụ trưởng) dồn dập tuyển dụng nhân sự một cách ồ ạt. Trong vòng 5 tháng (từ 3/2011 đến 8/2011), ông Truyền đã ký quyết định bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cấp vụ, trong đó nhiều người không có quy hoạch.   Nhưng so với ông Nguyễn Xuân Phúc thì hành động gấp gáp này của ông Truyền hãy còn “non”, ngay từ khi chạy được vào Bộ Chính trị (tháng 1/2011), ông Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu tính toán để lại mạng lưới chân rết của mình tại Văn phòng Chính phủ. Chỉ trong 10 ngày, ông đã ký hàng loạt các quyết định về bổ nhiệm cán bộ: -    Ngày 5/1/2011, ông đã ký các quyết định số 01, 02, 03 và 05/QĐ-VPCP bổ nhiệm: ·                     Ông Tô Văn Tuấn (Phó Tổng biên tập Báo Công Thương, Bộ Công Thương) giữ chức Phó Tổng Biên tập Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; ·                     Bà Hoàng Thị Thu Hiền và bà Cao Nhật Quang giữ chức Phó phòng Công báo; ·                     Bà Hoàng Thị Hà (nhân viên nhà khách 37 Hùng Vương) về làm chuyên viên Văn phòng Công đoàn. -    Ngay sau đó, ngày 10/1/2011, ông lại ký hàng loạt quyết định số 46, 48/QĐ-VPCP, từ số 51 đến 61 và 71/QĐ-VPCP bổ nhiệm: ·                     Ông Đặng Duy Hưng (nhân viên nhà khách 108 Nguyễn Du) giữ chức Phó Chủ Nhiệm Nhà khách 108 Nguyễn Du; ·                     Bà Nguyễn Thị Thúy (chuyên viên) giữ chức Phó Trưởng phòng Phòng Lưu trữ, Vụ Hành chính; ·                     Ông Nguyễn Trọng Dũng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp; ·                     Ông Lưu Văn Sáu giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp; ·                     Ông Phạm Vũ Hùng giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Hội nghị quốc tế; ·                     Bà Cao Thị Lệ giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ; ·                     Ông Nguyễn Văn Hòa giữ chức Vụ trưởng thuộc Vụ Quan hệ quốc tế; ·                     Ông Nguyễn Thanh Hải giữ chức Vụ phó Vụ Quan hệ quốc tế; ·                     Ông Tạ Công Hoan, ông Nguyễn Đình Hào và bà Vũ Thị Mai giữ Hàm Vụ phó Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ; ·                     Ông Đậu Xuân Cảnh và bà Nguyễn Thị Mỹ Dung giữ Hàm Vụ phó Vụ Khoa giáo - Văn xã;… -    Và ngay trước khi rời chức Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ngày 6/5/2011, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục ký thêm hàng loạt các quyết định bổ nhiệm: ·                     Ông Nguyễn Trọng Dũng (trước đó đã được ông Phúc bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp trong quyết định ngày 10/1/2011) tiếp tục được ông Phúc cho giữ chức Vụ trưởng, hất cẳng bà Nguyễn Kim Toàn (đang là Vụ trưởng vụ này) về làm giúp việc Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; ·                     Ông Trương Hồng Dương (chuyên viên) giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật; ·                     Bà Nguyễn Thanh Thủy (Phó phòng Thi đua Khen thưởng) giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; ·                     Ông Nguyễn Hữu Lâm (chuyên viên) giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương; ·                     Ông Lê Vũ Bình giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Nội chính; ·                     Ông Nguyễn Quốc Hùng và và ông Vũ Quang Lâm giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Hội nghị quốc gia; ·                     Và hàng loạt quyết định thăng Hàm Vụ trưởng cho: Bà Nguyễn Thị Xa (Vụ Tổ chức cán bộ); ông Đào Trọng Trường (Vụ Nội chính) và ông Nguyễn Văn Vy (Vụ Kinh tế ngành). Hàm Vụ phó cho: ông Lê Hồng Minh (Vụ Kinh tế ngành);  bà Nguyễn Lệ Thủy (Vụ Pháp luật); ông Nguyễn Văn Hiền, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh và ông Trịnh Anh Tuấn (Vụ Kinh tế ngành); Qua đó có thể thấy ông Truyền dại khi bổ nhiệm cán bộ trước khi nghỉ hưu còn ông Phúc "khôn" hơn vì có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng và quan trọng là ông chưa nghỉ hưu mà leo lên vị trí cao hơn nên chẳng ai dám ý kiến gì, dù hệ thống cán bộ ông để lại là quả đắng cho người kế nhiệm. Dù sao thì ông Trần Văn Truyền cũng đã nghỉ hưu, mối họa ông để lại cho nhân dân cũng không lớn lắm nhưng còn ông Phó Thủ tướng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Xuân Phúc thì vẫn còn đang đương chức và có khả năng tiến xa hơn nữa nhờ các nhóm lợi ích sân sau, nhất là đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành và cả yếu tố Trung Quốc như độc giả đã biết. Đây mới là thực sự là nhân tố hút cạn máu Nhân dân, thậm chí là mất nước, một lần nữa khẩn thiết đề nghị Ban Nội chính TW, Ủy ban Kiểm tra TW vào cuộc! Được biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang chạy bạc mặt khắp nơi, từ gặp các Ủy viên Trung ương, Đại biểu Quốc hội đến các vị lão thành cách mạng để giải trình, giải thích nhằm bảo vệ cái gọi là “tín nhiệm” mà ông tưởng rằng ông đang có. Theo ý của Nhân dân kính đề nghị Phó Thủ tướng đừng chạy nữa, chỉ tốn thời gian, sức khỏe, ngân sách nhà nước và cả chi phí riêng của gia đình mà ông đã cố gắng thu vén từ bấy lâu. Chỉ cần Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ủy ban Kiểm tra TW thành lập ngay 4 đoàn kiểm tra: 1 đoàn kiểm tra ở miền bắc, 1 đoàn miền trung, 1 đoàn miền nam và 1 đoàn qua Mỹ kiểm tra và sau đó công bố cho Nhân dân biết ngay trên Cổng thông tin Chính phủ là mọi chuyện sẽ rõ! Nguồn: Internet.    
......

Báo cáo vi phạm Nhân Quyền 2014

Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam Báo cáo tình trạng vi phạm Nhân Quyền 2014   Tháng 2: 1.                  An ninh TP. Hải Phòng phá đám tang của bà Nguyễn Thị Lợi – thân mẫu của Tù nhân lương tâm (TNLT) Phạm Thanh Nghiên: Ngày 26/02, trong đám tang của bà Lợi, chính quyền đã ngăn chặn những người bạn của cô Nghiên, công khai tháo dỡ những dải ruy băng trên vòng hoa của những tổ chức Xã hội Dân sự khi họ đến viếng và ngăn cấm không cho bà được chôn cất theo truyền thống. Gia đình đành phải đưa bà đi Hỏa táng. 2.                  Vụ việc 3 người gồm Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh cùng 18 bạn đồng hành: Ngày 11-02-2014, tại khu vực cầu Nông Trại, xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, 3 người gồm Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh và 18 bạn đồng hành đang trên đường viếng thăm một gia đình đồng đạo là vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển, nạn nhân của công an mấy ngày trước đó. Đa phần trong đoàn đã cùng làm chứng họ bị một lực lượng công an hàng trăm người cải trang thành côn đồ, mai phục trong rừng cây bên đường, bất ngờ xuất hiện chặn xe máy của họ, hạch sách giấy tờ, khiêu khích thóa mạ. Trước việc phản đối của đoàn người, công an đã dùng gậy gộc đánh đập dã man, bất kể nam phụ lão ấu, vừa quay phim chụp hình với máy móc chuẩn bị sẵn (Đơn tố cáo của tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm ngày 23-02-2014 và Thư gởi đồng bào của Đặng Thị Quỳnh Anh – con gái bà Hằng- ngày 05-03-2014). Sau khi nhiều người đã bị đổ máu, thương tích và bất tỉnh, các nhân viên công an này (trong đó có đại úy Huỳnh Văn Thuận, đội phó an ninh huyện Lấp Vò và thượng tá Lê Hoàng Dũng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an Lấp Vò, kẻ nặng tay nhất với bà Hằng và sau này là người ký lệnh khởi tố) mới mặc sắc phục công an rồi dẫn giải cả 21 người về giam giữ, đồng thời tước đoạt mọi tài sản họ mang theo (máy vi tính, máy chụp hình, điện thoại, băng-rôn…). Tất cả bị bỏ đói nửa ngày, bị ép tội “chống người thi hành công vụ”, bị giam trong nơi tối tăm bẩn thỉu và sau đó 18 người được thả ra. Ngày 26/08, tòa án Đồng Tháp kết thúc phiên xử phúc thẩm  lúc gần 19h với mức án: Bà Bùi Thị Minh Hằng 3 năm tù giam, Nguyễn Văn Minh 2 năm 06 tháng tù giam, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh 02 năm tù giam. Cả 03 người đều bị kết án vào điểm C khoản 2 điều 245 tức là “ gây rối trật tự công cộng”  cả 3 người đều khẳng định trước tòa là họ vô tội 3.                  Gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn  bị ném đá và chất thải bẩn vào nhà: Ngày 11/02: vào lúc 19h30, nhà ông Huỳnh Ngọc Tuấn – cựu tù nhân lương tâm và là một blogger bất đồng chính kiến – ở đội 1 thôn Phú Quý, Tam Kỳ, Quảng Nam bị ném đá làm vỡ mái nhà. Ngày 21/02, vào lúc 21h30, khi chị em cô Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, Huỳnh Khánh Vy – 3 người con của ông Huỳnh Ngọc Tuấn – về thăm nhà, đã bị công an giả dạng côn đồ tạt nước bẩn hôi thối vào nhà, trong nhà lúc này có cả người già và hai trẻ em dưới 1 tuổi. Xin nói thêm hành vi công an giả dạng côn đồ đổ chất bẩn vào nhà những người đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam thường xuyên xảy ra trên khắp cả nước,  khi người bị nạn báo công an chưa một trường hợp nào được công an điều tra xử lý. Tháng 3: 1.                  Hành vi vi phạm phát luật và nhân quyền của công an đối với cô giáo Huỳnh Xuân Mai.  địa chỉ: xã An Thới Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang: Khoảng 9h ngày 06/03 cô Huỳnh Xuân Mai bị lực lượng công an xã, huyện, tỉnh cùng cô hiệu trưởng  trường trung học cơ sở An Thới Đông, nơi cô công tác, đến nhà kiểm tra máy vi tính mà không có lệnh. Hai viên an ninh của tỉnh Tiền Giang mang máy vi tính của cô Mai về  ủy ban xã và cô phải đi theo. Đến 11h, cô được về nhà. Đầu giờ chiều, công an ép cô giáo Xuân Mai lên ủy ban xã tiếp tục làm việc. Đến 20h, công an lập biên bản trong máy tính của cô không có tài liệu nào ảnh hưởng đến An ninh Quốc gia. Họ đưa cô về nhà và tùy tiện cướp điện thoại của cô để kiểm tra. Đến 23h, cô đã phải đuổi họ ra khỏi nhà cô. 2.                  Bà Trần Thị Nga, một người đấu tranh cho nhân quyền bị hành hung: Ngày 23/03: Tại Hà Nội, bà Trần Thị Nga bị công an, an ninh mật vụ, côn đồ trấn áp và bắt đi khi bà cùng những người bạn đang đợi xe bus để ra Bờ Hồ Hoàn Kiếm ủng hộ con trai bà Bùi Thị Minh Hằng trong việc đấu tranh đòi công lý cho bà Hằng, bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh bị công an Lấp Vò, Đồng Tháp dựng cảnh bắt oan ngày 11/02. Bà Nga bị trấn áp và bị đưa lên xe ô tô về công an phường Quang Trung, quận Đống Đa. Tại đây bà bị đánh, bị sỉ nhục và xâm phạm thân thể khi họ kiểm tra bà có các thiết bị ghi âm chụp hình hay không. Họ quay phim lại. Viên công an Lê Mạnh Tuấn số hiệu 121-641 cùng hai người công an thường phục khác quấy rồi tình dục và bẻ tay cưỡng chế lăn dấu vân tay vào các tờ biên bản công an tự ghi với nội dung không đúng sự thật. Sau đó bà bị đưa về Phủ Lý, Hà Nam. Tại đây bà tiếp tục bị ông Vũ Hồng Phương phó an ninh thành phố Phủ Lý chỉ đạo tiếp tục đàn áp, cưỡng chế lăn dấu vân tay vào các thứ giấy tờ công an tự lập mà bà không được biết nội dung. 3.                  Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy bị đàn áp: Ngày 21/03: Tại An Giang, khi các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy xắp xếp chuẩn bị tổ chức buổi lễ thường niên kỷ niệm ngày đức Huỳnh Phú Sổ “Huỳnh Giáo chủ” thọ nạn. Ông Nguyễn Văn Mỹ – phó phòng an ninh huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang – chỉ huy phối hợp với an ninh tỉnh An Giang kéo một đoàn quân khoảng 300 người xông vào tư gia của ông Nguyễn Văn Vinh tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy đánh đập làm nhiều người bị thương, bất tỉnh. Công an cướp phá đồ đạc và bắt đi toàn bộ thành viên trong gia đình ông cùng các tín đồ khác, kể cả những người đã bị bất tỉnh. Công an hành hung làm cụ bà Võ Thị Rắm, 82 tuổi, phải nhập viện vì bị chấn thương nặng, chị Nguyễn Ngọc Hà bị bệnh tim nhưng vẫn bị công an đè xuống đất đấm đá túi bụi. Khị chị bất tỉnh, công an bắt chị lên xe ô tô chở về gần nhà rồi đẩy chị xuống đường.   Tháng 4: 1.                  Cô Anna Huyền Trang – phát thanh viên chương trình “cà phê tối” của Truyền Thông Chúa Cứu Thế bị hành hung và cấm xuất cảnh: 21h ngày 13/04: Tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi cô Trang làm thủ tục xuất cảnh sang Hoa Kỳ theo giấy mời của dân biểu liên bang Hoa Kỳ để tham gia buổi điều trần về tự do báo chí ở Việt Nam tại hạ viện Hoa Kỳ thì bị viên an ninh Vũ Xuân Ái chỉ huy trấn áp, bắt giữ, tịch thu hộ chiếu và cấm xuất cảnh mà không hề đưa ra một văn bản hay lệnh nào. Cô làm đơn tố cáo và đơn khởi kiện lên tòa án thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 9/10 tòa án trả lại đơn khởi kiện của cô đề ngày 30/09 với những điều khoản sai trái, mục đích chặn không cho cô cơ hội khởi kiện. 2.                  Chính quyền Hà Nội dùng công an, côn đồ đánh, bắt giam và xử tù những người dân Dương Nội đấu tranh giữ đất khi bị chính quyền cưỡng chiếm đất không đúng quy định với tội danh gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ: Ngày 22/4/2014: bà Nguyễn Thị Ngân và Nguyễn Thị Toàn – những dân oan Dương Nội – bị bắt. Trong phiên xử ngày 15/09, mỗi người  06 tháng tù giam, theo đúng lịch ngày 22/10, hai bà đã được trả tự do. Ngày 25/04: Chính quyền dùng công an, côn đồ và xe cẩu xịt thuốc mê để đánh bắt bà Cấn Thị Thêu – dân Oan – khi bà đang quay phim, chụp ảnh cảnh công an, côn đồ dùng hung khí đánh chồng bà và nhiều người khác đang giữ đất và phản đối chính quyền cướp đất sản xuất của dân. Cùng ngày, vợ chồng bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Khiêm và ông Lê Văn Thanh bị bắt, ngày 19/9 tòa xử bà Thêu 15 tháng tù, ông Khiêm 18 tháng tù, ông Thanh 12 tháng tù. 3.                  Các thành viên hội Phụ Nữ Nhân Quyền VN bị đánh và câu lưu. Ngày 22/4/2014: Sau khi tham dự phiên tòa xử phúc thẩm hai người dân oan Nguyễn Thị Tuyền và Nguyễn thị Ánh Nguyệt tại Cần Thơ, đại diện Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam là bà Trần Thị Hài và cô Nguyễn thị Ngọc Lụa bị công an cùng côn đồ trấn áp thô bạo, đánh đập và bị câu lưu nhiều giờ tại Cần Thơ. 4.                  Hai dân oan Nguyễn Thị Tuyền và Nguyễn thị Ánh Nguyệt bị xử án tù sau khi đấu tranh chống lại việc chính quyền lấy đất. Sáng  ngày 22 tháng 4 năm 2014  tòa án TP Cần Thơ xử phúc thẩm hai người dân oan nói trên, hai bà là nạn nhân bị chính quyền tỉnh Cần Thơ lấy đất ở Nông trường Cờ Đỏ, án 03 năm tù giam đối với bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, bà Nguyễn Thị Tuyền 02 năm (án sơ thẩm là hai năm rưỡi). Tháng 5: 1.                  Công an bắt giam  ông Nguyễn Hữu Vinh “Ba sàm” và bà Nguyễn Thị Minh Thúy.  Ngày 05/05: Công an Hà Nội đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp và sau đó thực hiện Lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Hữu Vinh. Cùng bị bắt với ông Vinh có bà Nguyễn Thị Minh Thúy, nguyên là nhân viên cũ của ông Vinh tại công ty TNHH Điều tra và Bảo vệ. Bà Thúy cũng được xem là người trực tiếp quản lý trang anhbasam từ năm 2012 Ngày 30/10 cơ quan an ninh thuộc bộ công an công bố bản kết luận điều tra số 14 /ANĐT vụ án “Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 bộ luật hình sự. 2.                  Chính quyền dùng công an bắt người dân chuẩn bị biểu tình ôn hòa phản đối dàn khoan HD 981 của Trung Quốc thăm dò dầu khí trái phép tại vùng biển của Việt Nam. Ngày 18/5:  tại Sài Gòn, Hà Nội và Nghệ An, Công an đã trấn áp thô bạo, bắt giữ và câu lưu nhiều giờ những người tham gia biểu tình ôn hòa phản đối giàn khoan HD981 của Trung Quốc. Một số người còn bị công an đánh trong đồn. Những người bị bắt gồm: Hà Nội: Trần Thị Nga, SV Lê Đức Hiền, Vũ Mạnh Hùng, Dương Thị Xuân, Đỗ Văn Ngọc, fb Dustin Bý , fb Lý Quang Sơn. Sài Gòn: Blogger Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Lụa, Huỳnh Trọng Hiếu, Vanda Lâm – sinh viên ĐH Y Dược, fb Auqust Anh, fb Thế Lữ. Nghệ An:  Lê Văn Nhàn, Hồ Huy Khang, Nguyễn Đức Quốc, Nguyễn Văn Huân, Nguyễn Hoài Thu, Nguyễn Năng Tĩnh, Lê Thị Hương, Chân Thành. 3.                  Hai thành viên của hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam bị an ninh thường phục bắt và câu lưu tại Tuyên Quang. Ngày 27/5: Cô Huỳnh Phương Ngọc và Nguyễn Ngọc Lụa đại diện hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đi tham dự phiên tòa công khai xử phúc thẩm các ông Lư Văn Dinh, Dương Văn Tu và Thào Quán Mua, cả ba ông là người sắc tộc H’Mong, họ cùng bị cáo buộc tội “Lợi dung các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, công dân”. Hai cô bị an ninh mật vụ bắt lúc 9h sáng khi đang vào tham dự phiên tòa, họ đưa hai cô về công an tp Tuyên Quang thẩm và vấn đến 02h sáng hôm sau. Sau đó hai cô được chở về Hà Nội và thả. 4.                  Bà Trần Thị Nga bị rải tờ rơi dọa giết và sau đó bị côn đồ truy sát gây thương tích nghiêm trọng. Ngày 22-24/05: nhà bà Nga bị rải truyền đơn đe dọa giết. Bà có báo công an nhưng họ chỉ đến làm qua loa. Ngày 25/05: Lúc 16h, khi bà cùng 2 con trai, 18 tháng tuổi và 4 tuổi, được một người đàn ông khác chở ra bến xe Giáp Bát, Hà Nội để về Hà Nam, thì 05 thanh niên, trong đó có kẻ đã rình rập đi theo mẹ con bà từ sáng khi mẹ con bà từ Hà Nam lên Hà  Nội, dùng hung khí là những túp sắt vụt vào người vào tay bà và đạp đổ chiếc xe máy làm 4 người trên xe đều ngã xuống đất. Khi này bà Nga chạy vào một cửa hàng bên đường kêu cứu thì họ tiếp tục đuổi theo để đánh, tới khi có người đàn ông trong cửa hàng ra ngăn lại thì kẻ truy sát bà mới bỏ chạy. Sau đó những người này lại tiếp tục quay lại dùng tuýp sắt đánh trọng thương làm bà bị vỡ xương bánh chè chân phải. Sau nhiều lần gửi đơn tố cáo, công an đều không giải quyết. Ông Nguyễn Duy Thuần cán bộ VKS tối cao sau khi xem xét đơn và bằng chứng của bà đã trả lời: Tôi không quan tâm đến bằng chứng của chị, tôi không nhận đơn của chị vì chị đi đấu tranh Nhân Quyền thì Công an và nhà nước người ta đánh cho là phải” .Sau rất nhiều nỗ lực, ngày 24/10 công an huyện Thanh Trì mới ra quyết định khởi tố vụ án mà vẫn chưa điều tra được ra những kẻ truy sát bà trong khi bà đã cung cấp đầy đủ hình ảnh và video quay mặt kẻ truy sát mẹ con bà. Tháng 7: 1.                  Thành viên hội Phụ nữ Nhân Quyền Việt Nam và Mạng lưới Blogger bị trấn áp ngăn cản tham dự cuộc hội thảo tại Đại Sứ Quán Úc. Ngày 30/07: Tại Hà Nội, Hai thành viên của hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam là Trần Thị Nga và Huỳnh Phương Ngọc bị một lực lượng an ninh đông đảo đến tận nhà nghĩ đế trấn áp nhằm ngăn chặn việc tham dự buổi hội thảo về “Tự Do Truyền Thông Phi Nhà Nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” tại Đại Sứ Quán Úc. Tại Nha Trang, một thành viên của Mạng lưới Blogger là cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng bị an ninh ngăn cản đến cuộc gặp này. Cô bị chặn tại sân bay và bị câu lưu nhiều giờ. Một thành viên khác là Cô Phạm Thanh Nghiên sau buổi hội thảo này, trên đường về cô đã bị lực lượng an ninh bao vây, khống chế đòi bắt, và chỉ được an toàn sau khi có sự can thiệp của nhân viên Đại sứ quán Úc. 2.                  Công an Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai “bảo kê” cho việc chiếm đoạt đất đai Ngày 1-2-3/07: Công an, dân phòng thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã “bảo kê” cho ông Lê Văn Liễn đánh đập và phá hoại hoa màu của bà Hoàng Thị Huệ nhằm chiếm đoạt đất canh tác mà cha mẹ bà đã khai phá và xử dụng từ năm 1975 tới nay. bà Huệ bị ông Liễn đánh bầm mặt phải nằm viện điều trị 1 tháng. Hai người con trai của bà Huệ là Đặng Ngọc Hiếu và Đặng Ngọc Tú trong lúc chống lại đã làm hai người đàn ông bị thương, một người 1% và một người 3% thương tật, tòa án tuyên phạt Hiếu và Tú mỗi người 5 tháng tù theo Điều 104 BLHS tội ” cố ý gây thương tích” và phải bồi thường 34,683,785đồng. Bà Huệ sau khi ra viện đã làm đơn trình báo vụ bà bị công an bảo kê cho ông Lê Văn Liễn đánh bà trọng thương, công an không thụ lý hồ sơ. 3.                  Công an phường 1 Gò Vấp “làm ngơ” cho việc đánh người chiếm đoạt đất đai. Ngày 06/07: ông Nguyễn Ngọc Minh đưa côn đồ chở vật liệu đến xây sửa nhà trên đất thổ mộ đang tranh chấp từ nhiều năm nay của gia đình họ Lư – chủ đất đã khiếu kiện nhưng không được giải quyết. Khi bị người nhà ngăn cản, họ đã đánh đập. Bà Lư Thị Thu Thủy và Bà Lư Thị Thu Vân gọi công an đến điều tra hiện trường họ chứng kiến sự việc nhưng không giải quyết. Tháng 8: 1.                  Công an tỉnh Đồng Tháp bắt giữ những người đến tham dự phiên tòa xử bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh. Ngày 25- 26/8: Công an Đồng Tháp đã bắt giữ và câu lưu nhiều giờ những người tham dự phiên tòa này. Trong đó có nhiều phụ nữ và cả trẻ em mới vài tháng tuổi. Họ bị giữ đến gần nữa đêm, sau đó đưa hết lên xe chở về Sài Gòn. Cô Nguyễn Thị Ngọc Lụa, thành viên Hội Phụ nữ Nhân Quyền Việt Nam đã bị công an đánh ngay tại đồn và phải đưa vào bệnh viện. Tháng 9: 1.                  Cô Đỗ Thị Minh Hạnh bị an ninh sân bay bắt cấm xuất cảnh. Ngày 03/09: khi cô Hạnh đang làm thủ tục hải quan để sang Áo thăm mẹ của cô đang bị bệnh, an ninh chặn lại và giữ cô làm việc trong 13 tiếng và không có biên bản nào. Sau đó đưa cô về trung tâm Hà Nội thả xuống giữa đường. Ngày 8/9: cô Hạnh cùng ông Trương Minh Đức, Trương Văn Dũng, Trần Thị Nga đến cơ quan an ninh Bộ Công An để cô yêu cầu họ làm rõ lý do vì sao cấm cô xuất cảnh. Trên đường đi đã bị một nhóm thanh niên chặn lại, phá cửa xe lôi ông Trương Minh Đức xuống đường hành hung tập thể. 2.                  Chính quyền huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đàn áp và bắt giam Dân oan. Ngày 04/09: Tòa xử 12 dân oan Trịnh Nguyễn và ghép tội gây rối trật tự công cộng. Những người dân này đấu tranh ôn hòa giữ đất và yêu cầu chính quyền di dời nhà máy xử lý nước thải đến khu vực khác cách xa khu dân cư để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống mưu sinh của người dân. Nhưng đã chịu sự đàn áp rất dã man. Họ bị công an, côn đồ, dân phòng đánh đập đổ máu gây thương tích. Nạn nhân đa số là phụ nữ, người già và trẻ em. Một số người bị bắt đi. Trong số này, bà Đỗ Thị Thiêm bị côn đồ tạt axit, những kẻ tạt axit vào bà Thiêm đã bị bắt nhưng hơn 1 năm rồi chưa bị xử lý. Ngày 30/08 cụ bà Ngô Thị Đức, gần 80 tuổi, bị công an huyện Từ Sơn ép ký vào văn bản gì đó mà cụ không rõ, cụ đã phản đối. Sau đó, vì quá phẫn uất, cụ đã chặt đứt một ngón tay để phản đối hành vi ép cung của công an. 12 người bị kết án oan sai gồm: – Đỗ Thị Thiêm, Đỗ Văn Quý, Đỗ Văn Hào bị kết án 28 tháng tù giam. - Ngô Thị Toan, Đặng Thị Mỳ và Ngô Thị Như (bà này bị điếc và mù chữ ) bị kết án 26 tháng tù giam – Ngô Thị Đức, và Đặng Văn Nhu chịu 28 tháng tù treo. – Đỗ Thị Thiêm (một bà Thiêm khác, với tên khác là Trinh), Nguyễn Thị Chiến, Vũ Thị Thảo, Ngô Thị Thoa chịu 36 tháng tù treo. 3.                  Công an quận Tân Bình, Sài Gòn đàn áp và khủng bố công dân. Ngày 05/09:  Để ngăn chặn không cho thành viên các tổ chức xã hội dân sự đến buổi họp Dân sự tại dòng Chúa Cứu Thế, lực lượng an ninh, công an và dân phòng phường 14, quận Tân Bình đã đến địa chỉ 305/16 trường Chinh trấn áp thô bạo và đưa tất cả những người đang trọ nơi này về đồn và câu lưu nhiều giờ. Sau đó đã ra biên bản xử phạt cụ thể như sau: 1.                  Huỳnh Trọng Hiếu: mức phạt 2.650.000 đồng. 2.                  Nguyễn Thị Ánh Ngân (vợ): mức phạt 2.650.000 đồng 3.                  Bùi Thị Nhung: mức phạt 2.650.000 đồng. 4.                  Huỳnh Phương Ngọc: mức phạt 2.850.000 đồng 5.                  Trần Thị Thu Nguyệt: mức phạt 2.850.000. Tất cả 05 người đều phản đối Quyết định xử lý vi phạm của ông chủ tịch Tuấn với cáo buộc chính ngành công an đã làm sai quy định của pháp luật trong việc xâm nhập cư gia bất hợp pháp và cưỡng chế tùy tiện. Sau đó những người này bị công an liên tiếp đến quẫy nhiễu viện cớ đưa Quyết định xử lý vi phạm. Tháng 10: 1.                  Công an  quấy nhiễu cô Huỳnh Thục Vy, một blogger bất đồng chính kiến và là thành viên của ban điều hành hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Ngày 07 /09: hai viên an ninh cùng công an phường Thống Nhất thị xã Buôn Hồ tỉnh Đak Lak đến nhà đưa giấy mời yêu cầu cô đến CA phường lấy lý do việc cô đang tạm trú tại nhà chồng của cô. Ngày 2/10:  hai an ninh tỉnh Dak Lak đến nhà yêu cầu làm việc với cô về việc cô tham gia các Hội nhóm xã hội dân sự, 2.                  Côn đồ tấn công khủng bố nơi cư trú của gia đình Huỳnh Trọng Hiếu - một blogger bất đồng chính kiến. Đêm 10/10: phòng trọ của gia đình anh Hiếu, vợ Nguyễn Thị Ánh Ngân, và bé Côn Bằng 9 tháng tuổi bị côn đồ 02 lần phá cửa vào nhà đập phá đồ đạc, theo lời đe dọa của công an trong những lần đến đưa Quyết định sai trái xử phạt hành chính họ. 3.                  Công an Hà Nội đàn áp, bắt giam và xử tù Dân oan, những người đi khiếu kiện đất đai. Tại Hà Nội: Dân oan khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam liên tục đi khiếu kiện việc họ bị chính quyền cướp đất, cướp nhà. Công an thường đàn áp, giam giữ họ trong thời gian dài mà không cho ăn uống. Nhiều người bị xử án với tội danh “chống người thi hành công vụ”: Ngày 22/10: Hai bà Nguyễn Thị Toàn và Nguyễn Thị Ngân, dân oan Dương Nội,  bị xử 6 tháng tù giam với tội danh gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Khi ra tù, hai bà đã tố cáo tội ác của công an TP Hà Nội ngược đãi, hành hạ và giam bà Dân oan Cấn Thị Thêu cùng phòng với 2 người mắc bệnh HIV giai đoạn cuối đã lở loét đầy người. Ngày 28/10: tòa án nhân dân huyện Thanh Oai đã phải hoãn phiên tòa lần thứ 4 do cô Nguyễn Thị Lan bị ngất nhiều lần trong tòa, cô bị bệnh tim mạch và bị công an đánh vào đầu nhiều lần  trong thời gian bị bắt và tạm giam. Trong vụ này, 4 người dân oan bị bắt là: cô Nguyễn Thị Lan 25 tuổi, Vũ Văn Huề  23 tuổi, Nguyễn Thị Hà 26 tuổi, Lê Văn Vượng 45 tuổi. 4.                  Gia đình Mục sư Nguyễn Công Chính bị sách nhiễu, khủng bố. Ngày 28- 30/10: Bà Trần Thị Hồng, vợ Mục sư Nguyễn Công Chính, người đã bị bắt ngày 28-4-2011, bị kết án 11 năm tù theo điều 87 của bộ luật Hình sự với tội danh “chống phá nhà nước Việt Nam và gây chia rẽ các tầng lớp nhân dân”, cùng 5 đứa con nhỏ sống tại Tổ 10, Đường CMT8, Phường Hoa Lư , TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đã bị an ninh mật vụ bao vây đe dọa tinh thần, ban đêm họ dùng dây thép buộc chặn cửa ra vào. Đêm ngày 29, họ trèo lên mái nhà để nhòm xuống theo dõi mọi hoạt động của mẹ con bà trong nhà. Ban ngày khi bà đưa con đi học lực lượng an ninh này bám theo với thái độ hung hãn, người con nuôi của ông bà học lớp 11 phải đi bộ đến trường, em đã bị lực lượng an ninh này chặn lại tùy tiện lục soát cặp sách. Kể từ ngày bị bắt giam đến nay, ông Nguyễn Công Chính vẫn thường xuyên bị công an bách hại trong tù. Vợ và 5 con nhỏ của ông ở nhà thường xuyên bị công an, an ninh bao vây, đàn áp. Lực lượng an ninh đã nhiều lần ngăn chặn không cho bà đi thăm chồng, có lần trên đường đến trại giam bà đã bị an ninh chặn lại đánh và cướp điện thoại . Tháng 11: 1.                  Công an ngăn chặn và tạm giữ trái phép những người tham gia buổi trao đổi về các quyền hợp pháp và quy trình thủ tục pháp lý trong bối cảnh kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) đối với Việt Nam ngày 04/11/2014 tại đại sứ quán Canada. 9h30 sáng ngày 4/11 Công an, mật vụ Hà Nội và Hà Nam đã bắt bà Trần Thị Nga tại cổng ĐSQ Canada khi bà chưa kịp xuống taxi, bà bị đưa về công an TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam giam lỏng đến 15h. Ngày 03/11: Công an, an ninh tỉnh Khánh Hòa đã chặn blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khi bà đang trên đường ra sân bay Cam Ranh để ra Hà Nội, bà bị đưa về trụ sở  công an tỉnh Khánh Hòa , họ thu giữ giấy tờ và thả ra đường lúc nửa đêm. Trước đó lúc 11h trưa, công an đưa giấy mời yêu cầu bà 14h có mặt để làm việc liên quan lá đơn “yêu cầu làm rõ việc tịch thu, tạm giữ trái phép tài sản công dân” của bà đề ngày 21/10/2014 với nội dung yêu cầu trả lại tài sản là giấy tời tùy thân, điện thoại và nhiều đồ vật khác mà công an tỉnh Khánh Hòa đã tùy tiện thu giữ của bà trong vụ bắt cóc bà ngày 29/07/2014 2.                  Công an đàn áp người thân của tử tù oan sai kêu oan Lúc 10h sáng ngày 26/11/2014 bà Nguyễn Thị Loan và Nguyễn thị Rưỡi là mẹ và dì của Hồ Duy Hải, người bị kết án tử hình trong vụ án có nhiều bằng chứng oan sai, đến tòa nhà Quốc Hội để đưa đơn kêu oan yêu cầu dừng thi hành án tử hình đối với Hải để điều tra làm rõ những điều khuất tất của vụ án. Tại đây 2 bà đã bị an ninh mật vụ và công an đàn áp, đánh đập bắt đi Tháng 12: 1.                  Công an sách nhiễu phái đoàn Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy tỉnh An Giang Sáng ngày 2/12/: Phái đoàn Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy tỉnh An Giang trên đường đến thăm thân mẫu Thánh tử Đạo PGHH Trần Văn Út tại xã Định Yên huyện Lấp Vò, Đồng Tháp và dự đám lễ tuần nhị thất cho cố đồng đạo lão thành Lê Văn Chính tại xã Tân Bình, Bình Tân, Vĩnh Long thì an ninh mật vụ bám theo quay phim chụp ảnh và đã có hành vi chèn ép và đánh những người đang đi trên xe máy. 2.                  Công an đàn áp và bắt giữ những người tham dự phiên tòa phúc thẩm bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh Ngày 12/12: Bên ngoài cổng tòa, lực lượng công an, dân phòng và an ninh mật vụ đánh đập bắt bớ tất cả những ai đến tham dự phiên tòa, đặc biệt nhiều nhân chứng bị công an ngăn chặn không cho vào tòa làm chứng. 3.                  Nhiều vụ án tử oan sai được nêu lên, dấy lên sự lo ngại của dư luận về việc ép cung  trong quy trình điều tra xét hỏi. Nổi cộm là các vụ án: vụ giết 2 người ở Long An với tử tù Hồ Duy Hải, vụ án giết người cướp của tối ngày 14/7/2007 tại Hải Phòng với tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Các vụ án này có nhiều dấu hiệu oan sai, ép cung trong quá trình điều tra. Thân nhân của các bị cáo này hiện vẫn đang kêu cứu nhằm giải oan cho các bị cáo. Người viết báo cáoTrần Thị Nga Ban Điều Hành Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam Theo boxitvn.net
......

Trần Thị Nga : Biểu tượng quyền con người

Những ai là Dân oan từng đến Hà nội khiếu kiện lâu ngày đều biết Trần Thị Nga. Những ai đang đấu tranh cho chính nghĩa được mệnh danh là chiến sỹ dân chủ, hay là tù nhân lương tâm hẳn không xa lạ với Trần Thị Nga. Rồi gần đây, những ai quan tâm đến 2 tử tù là Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Dương và Hồ Duy Hải ở Long An cũng đang gửi gắm hy vọng vào Trần Thị Nga. Và nhất là ngành Công an, những người đang thực thi công vụ từ Hà nội cho tới thành phố Hồ Chí Minh, ra Vũng tàu, xuống Đồng Tháp, Long An không bao giờ được sao nhãng nhiệm vụ khi mà Trần Thị Nga xuất hiện ... Trần Thị Nga là ai mà nổi tiếng vậy ? Chị Nga năm nay 38 tuổi quê ở huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam.   Như bao cô gái khác, chị từng là công nhân xuất khẩu lao động sang Đài Loan, mọi sự diễn ra đều như thường, duy có một điều khác thường và không may Nga bị tai nạn giao thông ở Đài Loan vào năm 2005 mang thương tích khá nặng, bị vỡ xương chậu, chân bên phải gãy 2 chỗ, xương đùi và xương cẳng nên phải vào điều trị tại bệnh viện nơi đất khách quê người không có ai để nhờ cậy, giúp đỡ. Trong lúc khốn quẫn thì cũng may sao, có linh mục Nguyễn Văn Hùng thấu hiểu hoàn cảnh đã làm việc thiện, cưu mang . Bởi vì người gây ra tai nạn cũng quá nghèo không có tiền bồi thường, đến khi sức khỏe đã phục hồi ra viện vẫn phải ký nợ với viện nhờ người bảo lãnh. Cũng từ đây thì chị Nga không còn bình thường nữa, chị đã nhìn ra vấn đề, nhìn ra sự bất công, nhìn rõ chính phủ Việt Nam vô trách nhiệm, không thực hiện cam kết với phía Đài Loan, trong khi phía Đài Loan đã gửi nhiều văn bản yêu cầu VN hơp tác để giải quyết bồi thường. mà trước khi xuất khẩu chị đã đóng đủ các loại phí, thuế, chị nhìn rõ cái tổ chức chịu trách nhiệm đưa chị xuất khẩu lao động đã lảng tránh, vô trách nhiệm và thế là chị viết đơn tố cáo, khiếu nại đòi quyền lợi, nhưng cũng như bao người khác, theo cảnh "con kiến mà kiện củ khoai" . Bản tính chị là người cương quyết, chị đã sử dụng quyền con người để bảo vệ mình .   Từ kinh nghiệm của bản thân, chị đã giúp đỡ nhiều người viết đơn khiếu nại tố cáo những tổ chức, cá nhân ăn chặn quyền lợi của người lao động vì thế mà tiếng lành đồn xa, chị được nhiều người biết đến và mang ơn, chuyện đơn giản! Công bằng mà nói, nếu không có mạng Internet thì chị không thể giúp đỡ được nhiều người, cũng như không làm được nhiều việc, mỗi lần chị giúp đỡ có hiệu quả là chị có thêm tín nhiệm và có tiếng vang, điều đó cũng đồng nghĩa nguy hiểm đang chờ đón chị bởi đang sống trong một xã hội độc quyền và bạo lực Thực tình, trình độ của chị cũng chỉ là lớp 7/10, được cái bản tính chị khá linh lợi đã nhanh chóng tiếp thu sử dụng điện thoại, máy ảnh, máy ghi âm, máy vi tính một cách thuần thục. Nhưng nổi trội nhất của chị là bản tính chân thật nên chị gan dạ và dũng cảm, càng nguy nan chị càng sáng dạ, gặp người khốn khó chị dễ động lòng, chính vì vậy mà dám đương đầu với khó khăn, với nguy hiểm, với bạo quyền không hề so đo, hơn thiệt... Giúp đỡ người yếu thế, đấu tranh với bạo quyền, mới nghe tưởng đơn giản với những ai chưa vào cuộc. Nhưng thực tế xã hội hiện nay, giả dối, bạo lực đang lên ngôi thì lại là công việc cực kỳ nguy hiểm, bao nhiêu người phải vào tù, bao nhiêu người bị đàn áp, bị đánh trộm chị đã nhìn thấy mà vẫn không làm chị chùn bước. Hiện tại cũng như tương lai Trần thị Nga là niềm tin của những người bị áp bức thì đồng thời chị là cái gai trước con mắt của những kẻ quen ăn chặn, quen hà hiếp, áp bức trong cơ chế bạo quyền. Vì lẽ đó mà đối với chị ít có thời gian bình yên. Trong khi như bao phụ nữ khác phải lo toan cho con lớn học cấp 2, cấp 3, vẫn chăm sóc con nhỏ mà vẫn phải chống đỡ với đủ thứ nguy hiểm đang rình rập. Nếu ai ngối xem internet mà vào trang "Mephu. blogspot.com" chắc không thể đếm xuể các hình ảnh, video, tiếng nói mà chị đã ghi lại. Những lần công an theo dõi, gác nhà và luôn đe dọa, những hành vi như cho keo vào khóa cửa, ban đêm thì khóa trái bên ngoài, rồi chặn cửa thoát hiểm, cho rắn vào nhà, đổ mắm tôm pha lẫn dầu nhớt ngoài cửa, viết tờ rơi nói xấu, rồi bày vẽ đủ kiểu về thủ tục hành chính khi thấy khách trong nhà ... không thể kể hết những trò bỉ ổi! Luôn bị theo dõi chặt chẽ là chuyện thường xuyên có khi là 24/24 giờ trong nhiều ngày ví dụ như là đi Hà Nội tham gia biểu tình chống Trung Quốc hoặc là những lần gặp gỡ Đại sứ nước ngoài, tổ chức Nhân quyền quốc tế v.v. chị không tài nào thoát khỏi sự bám đuôi và dùng bạo lực ngăn chặn. nhiều lần bị lỡ hẹn. Những lần như vậy thì lại có những hình ảnh công an vi phạm , cản trở quyền tự do đi lại của công dân phơi bày trên Internet. Cản trở chưa đủ họ còn thu giữ xe máy trái phép (nay vẫn chưa trả), hoăc ngăn cản, đe dọa tài xế xe khách, tài xế tắc xi nếu để chị trên xe của họ. Chị còn ngồi trên xe thì xe không được lăn bánh ? Như vậy liên tục chị bị cướp đoạt quyền , vì thế chị luôn phải đòi quyền con người, đơn giản nhất là quyền đi lại. Trong những quyền mà chị đấu tranh quyết liệt là quyền thông tin và quyền được sống. Quyền được thông tin là vũ khí sắc bén để chị tố cáo tất cá những gì mà chế độ này vi phạm Công ước quyền con người của Liên hợp quốc. Nhiều lần chị bị bắt mà nguyên nhân để bắt đa phần vì chị đã ghi được những hình ảnh công an hoặc cán bộ, hoặc dân phòng có hành vi phản cảm hay là vi phạm pháp luật. Đây là quyền thông tin chị đã sử dụng rất hiệu quả đến mức những kẻ vi phạm đứng trước chị đều phải lấy tay che mặt... Từ tháng 11/2014, do biết tiếng tăm, do đến lúc cùng đường, sự chết oan đang tiến lại gần đối với 2 tử tù Hồ Duy Hải quê Long An và Nguyễn Văn Chưởng quê Hải Dương. Bố mẹ , người thân của 2 Tử tù gặp chị và ngỏ lời cầu cứu. Với chị chỉ có mỗi cách để giải oan là thông tin. Trong 2 tháng vừa qua rất nhiều trang Blog cùng hưởng ứng, ngày nào cũng có thông tin nóng do 2 gia đình tử tù cung cấp. Nếu chỉ có thế thì sự việc chẳng đến đâu như bao việc khác, lần này là cứu mạng sống nên có sự thu hút lớn hơn. Từ việc đưa thông tin lên mạng để nhiều người biết, thì kết quả hiển nhiên, cử tri đã phản ảnh trực tiếp với Chủ tịch nước trong buổi tiếp xúc cử tri. Từ những thông tin trong tay chị đã gửi đại sứ quán nhiều nước để họ yêu cầu nguyên thủ nước họ can thiệp, chị gửi đến tổ chức Ân xá quốc tế nhờ trợ giúp. Mặt khác chị hướng dẫn cho gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng tọa kháng tại vườn hoa Lý Thái Tổ ở Hà nội dài ngày làm cho tiếng kêu oan lay động lòng người , thấu đến trời xanh... Chị là người từng trải trong các lần phản đối phiên tòa xét xử Luật sư Lê Quốc Quân, trong các lần phản đối tòa án Long An xét xử hành vi yêu nước của cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên .v.v nhiều lắm, chị đã tham gia , chị đã có mặt, chị bị bắt cũng nhiều cho nên blog của chị là cả một kho lưu trữ hình ảnh, âm thanh, clip video tất cả đều phản ánh ngành công an ngồi xổm lên pháp luật, coi thường đạo lý để mà tước bỏ rất nhiều quyền con người của dân Việt Nam. Nếu không có chị Nga tận dụng vũ khí thông tin, chắc hiện giờ 2 Tử tù đã nằm sâu dưới ba thước đất, rồi mọi sự oan khuất sẽ quên vào dĩ vãng , Hai tháng qua chị Nga đã vận dụng tất cả những gì gọi là lương tâm để thức tỉnh cà nhân loại. Quốc tế đã lên tiếng, Tử tù Hồ duy Hải có bút phê hoãn thi hành án và đã được bà phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của quốc hội đến trại giam thăm gặp, mẹ của tử tù cũng được mời làm việc, được trình bày nỗi oan khuất của vụ án. Tử tù Nguyễn Văn Chưởng cũng được UB pháp luật QH tiếp nhận đơn để xem xét hồ sơ. Như vậy kiếp sống của 2 Tử tù được kéo dài, còn việc minh oan lại phải tùy thuộc vào thời tiết chính trị Việt Nam, vào sự mạnh yếu của các phe nhóm lợi ích! Ai cũng biết vậy, nhưng vẫn hy vọng cứu được 2 mạng người ! Chắc là bố mẹ của 2 Tử tù đang có tâm trạng như tác giả bài viết này, nếu pháp luật nghiêm minh thì 2 Tử tù không bị tra tấn đến mức phải viết bản nhận tội giết người, măc dù bản thân không có gì liên quan, dính dáng đến vụ án mà là bị bắt theo cảm tính, theo sự phán đoán, theo cách suy diễn rât tùy tiện, không có mảy may thứ bằng chứng nào. Đến lúc này sự việc đã mười mươi rõ ràng mà vẫn phải đưa ra giả thiết "nếu". Nếu Công lý có mặt trong những buổi xem xét vụ án thì 2 tử tù sẽ thoát chết. Nếu Công lý thiếu vắng mà lương tâm nhân loại dậy sóng cũng có thể cứu sống 2 mang người . Nếu 2 vụ này được minh oan chắc chắn người dân Việt Nam sẽ bừng tỉnh mà nhận ra rằng, trước đây đã có những người chết oan vì Pháp luật Việt Nam đã dung túng kiểu tra tấn để ép cung mà thực tế nhiều vụ oan sai thời gian qua đã minh chứng ! Nếu điều đó xảy ra thì Trần Thị Nga thật là nguy hiểm vì đã dùng vũ khí là quyền Thông tin mà vạch mặt những tên đồ tể của chế độ. Tất nhiên ngành công an họ không thể để chị yên, họ đã tuyên truyền chị là phản động , nhưng khốn cho họ lại gặp ngay ý kiến của những người hàng xóm; Phản động thì căn cứ luật pháp mà bắt giữ, tại sao chính quyền toàn làm cái trò bỉ ổi như vậy? Chị Trần Thị Nga không hề vi phạm điều luật nào. Từ luật Hình sự đến luật Giao thông. luật Hành chính, vì nếu vi phạm thì họ không tha. Từ khi cách đây nửa năm là lúc họ sử dụng quá nhiều dân phòng kể cả côn đồ rồi có lúc cả công an mặc sắc phục để đàn áp chị , cùng với rất nhiều vụ khác, những trò này đã gây nên một dư luận xấu trong nhân dân, cứ kéo dài sẽ mang tiếng bất lợi cho chế độ, thế rồi một kế hoạch gọi là trò bẩn, trò đánh trộm, sử dụng côn đồ đánh trộm đã được thực hiện. Đó là vào dịp CCB Nguyễn Tường Thụy từ Mỹ trở về nhà an toàn nên có mời bạn bè gặp gỡ chia vui, đúng vào lúc kế hoạch đánh trộm được phê duyệt. Chị Trần thị Nga bị đón đường, bị một nhóm côn đồ dùng những thanh sắt xông vào đánh. Chị bị nhiều thương tích trên người, vỡ xương bánh chè gối phải, gãy xương tay nên phải nằm điều trị dài ngày, nay đi lại vẫn rất khó khăn, thế mà chị đã giúp đỡ bố mẹ của 2 tử tù mang lại kết quả ngoài sức tưởng . Nếu 2 tử tù được minh oan vô tội như tù nhân Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang thì không có lời nào xứng đáng dùng vào việc tôn vinh, ca ngợi tư cách một phụ nữ đã giúp cứu sống 2 mạng người, đã kiên trì đòi hỏi quyền con người cho mình cũng như cho Luật sư Lê Quốc Quân, Bùi Hằng, Phương Uyên, hàng trăm tù nhân Lương tâm và quan trọng hơn cả là đòi quyền con người cho toàn dân Việt Nam theo công ước Quyền con người của Liên hợp quốc. Trần Thị Nga xứng đáng là biểu tượng Quyền con người! Chị luôn mang theo khí phách của Bùi Thị Minh Hằng "Dù tôi có ngã xuống, để cho dân tộc đứng lên". Ngày 27/12/2014 H.Đ.D. Theo boxitvn.blogspot.de  
......

70 Năm Quân Đội - Mấy Mươi Năm Sợ Tàu ?

(VNC) Đảng Cộng sản Việt Nam đang lên cơn sốt  về chuyện phải kiên định Chủ nghĩa lỗi thời Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh để bảo vệ Đảng cầm quyền, nhưng lại coi nhẹ hành động đang ngày đêm chiếm biển đảo Việt Nam của Trung Cộng ở Biển Đông. Chuyện này được thể hiện rõ nét qua hành động phối hợp giữa hai Bộ Công an và Quốc phòng vào dịp tổ chức  các cuộc thảo luận về công tác bảo vệ chính trị nội bộ và chống lại ý kiến Quân đội đứng ngòai chính trị nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22/12/1944 – 22/12/2014). BẢO VỆ MÁC ĐỂ LÙI TIẾP ? “Bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối, Điều lệ, nguyên tắc tổ chức của đảng; bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên, nhằm làm cho Đảng CSVN thực sự là một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho đạo đức, trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc Việt Nam. Bảo vệ chính trị nội bộ là bộ phận của công tác xây dựng Đảng, là quy luật trong quá trình tồn tại và phát triển của Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ là nhiệm vụ quan trọng, quan hệ đến sự sống còn của Đảng và của chế độ.” (Trích Tạp chí Xây dựng đảng (XDĐ) năm 2010) Đó là mục tiêu của chiến dịch học tập để xây dựng đảng được thi hành ở Việt Nam từ năm 2007, sau khi có Quy định 57-QĐ/TW, ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị về  "Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng". Công tác này được lập lại vào tháng 12/2014 trên cả nước để chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng lần thứ XII diễn ra vào đầu năm 2016. Nhưng tại sao phải làm quyết liệt hơn vào thời điểm này ? Những việc xẩy ra đã chứng minh đảng đã mất định hướng khi thấy một số không nhỏ cán bộ, đảng viên tiếp tục suy thoái đạo đức, coi thường kỷ luật đảng và không còn mặn mà với Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh nữa. Từ  năm 2010, cán bộ tuyên truyền đã viết trên báo Xây dựng đảng rằng : “ Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ chính trị nội bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền phổ biến các quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn hạn chế, một số cấp ủy đảng chưa hiểu rõ yêu cầu, nhiệm vụ và trách nhiệm trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, một số cán bộ còn thiếu gương mẫu trong chấp hành các chủ trưởng, nghị quyết của đảng, pháp luật của nhà nước, vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Vẫn còn tình trạng đảng viên đi nước ngoài không báo cáo với tổ chức; phát hiện có vấn đề về chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên nhưng không báo cáo….” Sau đó, trong Diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương lần 9 ngày 14/05/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong vẫn phải nhắc nhở cấp lãnh đạo: “Cần phân tích, đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và phương thức lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng chống sự suy thoái, biến chất, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; công tác bảo vệ chính trị nội bộ…” Ba tháng sau, ngày 18/08/2014, Bộ Chính trị lại  bổ sung với Chỉ thị số 39-CT/TW để gọi là “ tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay.” Những biện pháp dồn dập này chỉ phản ảnh công tác cần phải làm tốt hơn việc qủan lý cán bộ, ngăn chặn quốc nạn tham nhũng và chận đứng tình trạng  đã chán Chủ nghĩa Cộng sản đến tận cổ trong  đảng viên đang nẩy sinh những biến chứng báo nguy  trước thềm Đại hội đảng XII, dự trù đầu năm 2016. Do đó mà chuyện “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” , hay lung lay tư tưởng trong đảng lại được thảo luận tại  kỳ Hội nghị cán bộ tòan quốc ngày 22/10/2014, tại Hà Nội, khi Ban Tổ chức Trung ương lại đem vấn đề “chính trị nội bộ” ra thảo luận. Theo lời khoe của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa thì : “ Công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Đảng, làm thất bại các âm mưu chia rẽ, chống phá nội bộ Đảng của các thế lực thù địch; giữ vững sự đoàn kết và vai trò lãnh đạo của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác.” Nhưng ngay sau đó ông ta lại : “Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tổ chức tốt việc phổ biến, quán triệt những nội dung, quan điểm, nhiệm vụ về công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay; từ đó xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong quản lý cán bộ, đảng viên; trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên trước những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm những cán bộ đảng viên viết, nói và làm trái Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết của Đảng, tham ô, tham nhũng, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết nội bộ...”  (Theo Việt Nam Thông tấn xã,VNTTX) Như vậy có nghĩa từ năm 2007, dưới thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh của Khoá đảng X, khi Quy định về "Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng" của Bộ Chính trị có hiệu lực thì mọi chuyện vẫn không nhúc nhích, mọi cấp đều ì ra để  cho tình trạng “cha chung không ai khóc” tồn tại, hay là không ai bảo được ai ? Do đó không có gì lạ khi ông Tô Huy Rưá lại nhắc nhở : “Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên..., quy định chặt chẽ hơn về quy trình xem xét, tuyển chọn, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, bảo đảm cán bộ được tuyển chọn đề bạt, bổ nhiệm nhất thiết phải được thẩm định kỹ về tiêu chuẩn chính trị.” “ Bên cạnh đó”, ông nói tiếp, “cần rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về bảo mật thông tin, tài liệu trong mọi hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; tăng cường các biện pháp quản lý cán bộ, đảng viên công tác ở nước ngoài, đi công tác nước ngoài, lưu học sinh ở nước ngoài hoặc cán bộ có quan hệ công tác với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với cấp dưới về việc chấp hành các quy định bảo vệ chính trị nội bộ.” Như vậy có phải là một cuộc thanh lọc hàng ngũ, điều tra tư tưởng, phân chia thành phần  tranh chấp giữa các nhóm lợi ích trong đảng đã bắt đầu một cuộc thư hùng để xem phe nào, địa phương nào chiếm đa số trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ? Bởi vì khi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa ra lệnh cho “Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần kịp thời triển khai hoàn tất các công việc trên trước khi tiến hành công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng” không phải là chuyện ngẫu nhiên hay tình cờ trên sân khấu chính trị ở Việt Nam vào thời kỳ tranh tối tranh sáng này. Ông Rứa còn phân công rành rọt : “Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiến hành đợt rà soát chính trị nội bộ từ nay đến Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng. Công tác phối hợp giữa cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ Đảng với các cơ quan chính quyền, tư pháp, các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về an ninh trật tự cần được tăng cường; kết hợp làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ với bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời ngăn chặn các âm mưu phá hoại nội bộ Đảng của các thế lực thù địch và làm trong sạch về chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; khôi phục niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” CÔNG AN VÀO CUỘC Song song với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an cũng tổ chức Hội nghị  tại Hà Nội ngày 2/12/2014 để thảo luận công tác “bảo vệ chính trị nội bộ”. Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng khoe: "Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, đa dạng và khó dự báo, tình hình trong nước tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định về an ninh, trật tự, lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách bảo vệ chính trị nội bộ; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ; chú trọng công tác quản lý cán bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao cảnh giác cách mạng, khả năng “tự đề kháng”, “tự bảo vệ” của cán bộ, đảng viên, chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa", tiêu cực, vi phạm pháp luật.” (báo Công an Nhân dân) Trước tình hình tổ chức Đại hội Đảng bộ để tiến tới Đại hội Đảng tòasn quốc lần thứ XII, ông  Trần Đại Quang lưu ý: “Trong công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, phải quán triệt phương châm “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính”, giữ vững bên trong sẽ tạo nên sức mạnh thống nhất của tổ chức, làm cho tổ chức ổn định, vững mạnh. Do vậy, cần nhận thức rõ “giữ vững bên trong” là một nội dung cốt lõi của công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, nâng cao khả năng “tự bảo vệ” của từng cơ quan, tổ chức, khả năng “tự đề kháng” của từng cán bộ, đảng viên trước tác động “diễn biến hòa bình” cũng như mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.” Trong hai diễn văn của ông Tô Huy Rứa và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, những cụm từ “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, “diễn biến hòa bình” hay cần cảnh giác trước “các âm mưu phá hoại nội bộ Đảng của các thế lực thù địch”  đã được nói đi nói lại nhiều lần. Hiện tượng này nói lên điều gì, nếu không chỉ để lộ ra những rối ren mất đòan kết trong đảng, tình trạng mất định hướng của cán bộ đảng viên nên phải  tự vẽ ra kẻ thù bằng ảo giác để hù họa nhau và dọa nạt dân trước Đại hội đảng XII. Do đó, ông Quang mới bảo “giữ vững bên trong”,“tự bảo vệ” và “tự đề kháng”  vừa là “mục tiêu, vừa là động lực của công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ trong tình hình mới.” Ông nói: “Mọi âm mưu, thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, phản động sẽ bị vô hiệu hóa, nếu nội bộ các cơ quan, tổ chức, đoàn thể đoàn kết thống nhất, thực sự trong sạch, vững mạnh.” Nhưng nội bộ đảng hiện nay có thống nhất, trong sạch và vững mạnh không ? Hãy nghe 61 Tướng lãnh, Trí thức và  cựu đàng viên cao cấp trong đảng viết trong Kiến nghị gửi Ban Chấp hành Trung ương và tòan thể đảng viên đề ngày 28 tháng 07 năm 2014: “Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh.” QUÂN ĐỘI CỦA AI ? Như thế đã đủ chưa mà nhiều Dư luận viên của đảng và Quân đội đã đua nhau thi thố tài năng chống ý kiến nói Quân đội phải tách ra khỏi đảng để bảo vệ dân chống quân xâm lược Trung Quốc đang lấn chiếm biển đảo Việt Nam ở Biển Đông. Những bài viết này tập trung vào  dịp  kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22/12/1944 – 22/12/2014). Hãy trích ra đây bài viết “Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội” của Tráng A Lâm đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 15/12/2014 để thấy những sai trái trong quan niệm Quân đội phải bảo vệ ai ? Tác gỉa viết : “Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là một thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội ta của các thế lực thù địch. Càng gần đến dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, thì thủ đoạn đó càng rộ lên, với những chiêu trò mới nguy hiểm hơn. Điều đó cần phải lên án, bác bỏ... Trong xã hội hiện đại, mỗi quốc gia đều có một hay đa đảng lãnh đạo và quân đội của quốc gia đó luôn gắn và phục tùng sự lãnh đạo của đảng chính trị cầm quyền. Vì thế, luận điệu đòi "phi chính trị hóa” quân đội là sự xuyên tạc, bịa đặt, hòng mưu đồ chính trị. Quan điểm quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc là phi lý và chưa bao giờ thực tiễn xác nhận. Những gì đã trải qua trên thế giới cho thấy, quân đội của bất kỳ nước nào, trong quá trình xuất hiện và trưởng thành, cũng luôn là một lực lượng chính trị quan trọng được nhà nước, giai cấp cầm quyền quan tâm lãnh đạo, xây dựng.” Lập luận này sai lầm vì Quân đội từ dân mà ra. Nhiệm vụ duy nhất và trên hết của Quân đội mỗi Quốc gia là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Dân không phải để bảo vệ đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền có thể thay đổi nhưng Quân đội của Quốc gia thì mãi mãi là của dân để giữ nước, không phải để tham vọng quyền bính. Ở các nước tự do và dân chủ, chính phủ xây dựng và nuôi dưỡng quân đội là để bảo vệ độc lập và sự vẹn tòan lãnh thổ và bảo vệ dân. Nếu những kẻ lãnh đạo đi ngược lại quyền lợi của dân hay không bảo vệ được lãnh thổ thì quân đội  ra tay đứng về phiá dân để áp lực đòi thay đổi để bảo vệ quyền lợi tối thượng của Tổ Quốc. Trường hợp Việt Nam Cộng sản thì khác. Đảng lập ra Quân đội nhưng lại sử dụng Quân đội để bảo vệ chế độ theo ý muốn của kẻ cầm quyền nên Quân đội đã để mình biến thành tay sai cho đảng. Sự biến thể vai trò quốc phòng của Quân đội thành kẻ thỏa hiệp bảo vệ chế độ cho đội ngũ lãnh đạo chưa bao giờ được dân bầu ra, hay được ủy thác lãnh đạo Quốc gia là Quân đội ấy đã đi ngược lại quyền lợi của dân. Càng ngụy biện hơn khi đề cao vai trò lãnh đạo của đảng đối với Quân đội khi Quân đội ấy phải phải theo lệnh đảng để bảo vệ cái chủ nghĩa Cộng sản ngọai lai không do dân chọn và đang làm cho dân nghèo nước mạt thì sự đồng lõa này chỉ hại dân và hại nước mà thôi. Tác gỉa Tráng A Lâm đã  đưa ra lập luận cho rằng “các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, hòng xóa bỏ những nước XHCN còn lại và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, trong đó có Việt Nam”. Vì vậy , theo lời người viết, các thế lực này đã: “Xác định Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là mục tiêu tập trung chống phá; trước mắt là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, “phi chính trị hóa” quân đội, làm rệu rã tinh thần, mất sức chiến đấu, tiến tới vô hiệu hóa lực lượng trung thành, chủ lực, nòng cốt bảo vệ Đảng Cộng sản, chế độ XHCN ở Việt Nam.” Dư luận viên Tráng A Lâm cũng chỉ trích ý kiến muốn “quân đội trung lập về chính trị, đứng ngoài những biến động chính trị-xã hội, không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái chính trị nào.” Ông Lâm viết : “Lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta là vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là lý tưởng cao đẹp không chỉ mang tính cách mạng, khoa học, mà còn thấm đượm tính nhân văn sâu sắc; không chỉ phản ánh sự vận động, phát triển đúng quy luật của xã hội Việt Nam đương đại, mà còn phản ánh khát vọng thiêng liêng tự giải phóng, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vươn lên làm chủ của các thế hệ người Việt Nam xuyên suốt hành trình lịch sử. Đồng thời, thể hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm chính trị, đạo đức cao cả của quân đội đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.” Nhưng nêu bảo “Chủ nghĩa Xã hội”, hay Cộng sản cũng vậy là lý tưởng chiến đấu của Quân đội thì chính cái Quân đội này đã đồng lõa với đảng để cướp đi quyền tự quyết của nhân dân. Lịch sử đã chứng minh nhân dân yêu chuộng hòa bình và nhân bản Việt Nam chưa bao giờ bỏ phiếu hay tán thành việc đảng CSVN đem chủ nghĩa ngọai lai Cộng sản làm nền tảng để xây dựng đất nước. Chính cái chủ nghĩa sắt máu này đã cướp đi mạng sống của hàng chục triệu người dân Việt Nam từ năm 1930 đến nay. Quyết định sai lầm theo chủ nghĩa Cộng sản là của riêng ông Hồ Chí Minh và của đảng CSVN. PHẢI NGHE VÀ LÀM THEO TRUNG HOA ? Nếu Quân đội còn tiếp tục mơ sảng lấy Chủ nghĩa Cộng sản được nói hoa mỹ là Chủ nghĩa Xã hội làm lý tưởng chiến đấu như  cuộc chiến Việt Nam đã chứng minh thì không chỉ là thảm kịch của lịch sử mà là thảm họa của dân tộc. Phải chăng đó là lý do tại sao trong chuyến thăm Trung Hoa trong 2 ngày 16 và 17/10/2014 của phái đòan 13 tướng lãnh Việt Nam do Bộ trưởng Quốn phòng Phùng Quang Thanh cầm đầu, phía Viêt Nam đã thoả thuận với Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Hoa Thường Vạn Tòan cùng  : “Tăng cường đoàn kết giữa hai quân đội, cung cấp sự bảo đảm vững chắc cho củng cố vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản ở hai nước, bảo vệ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội.” Tại sao Quân đội của nhà nước Việt Nam độc lập có chủ quyền, không phải là một Tỉnh hay Huyện của Trung Hoa mà  phải đồng ý với Tướng Thường Vạn Tòan  để bảo vệ “vị thế cầm quyền của đảng Cộng sản hai nước” ? Nói cách khác, nếu Quân đội Trung Hoa chưa thay đổi nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối Đảng phải cầm quyền, dù phải chống lại đòi dân chủ hóa chế độ của nhân dân,  thì Quân đội Việt Nam cũng không dám làm trái ý phương Bắc ? Hèn chi mà Bộ Quốc phòng Việt Nam  đã không dám tổ chức hàng năm để tưởng nhớ khỏang 45 ngàn đồng đội và đồng bào đã gục ngã trong chiến tranh chống quân Tầu xâm lược ở biên giới từ năm 1979 đến 1989. Bộ Quốc phòng và Chính phủ Việt Nam cũng ngăn chặn mọi hình thức tổ chức ở tầm mức Quốc gia để ghi công 64 chiến sỹ Hải quân đã hy sinh trong cuộc chiến quân Trung Cộng xâm lược Trường Sa tháng 3/1988. Họ cũng ngỏanh mặt làm ngơ công lao bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của 74 chiến sỹ của Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình khi chống quân Trung Cộng xâm lăng chiếm  Hòang Sa tháng 01 năm 1974. Và Quân đội này, đến cuối năm 2014 cũng không dám có phản ứng, dù chỉ tối thiểu, trước việc Trung Cộng  mở rộng, xây dựng và thiết lập các căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng trên 8 đảo và đá, đặc biệt tại hai đảo chiến lược Gạc Ma và Chữ Thập, mà Trung Cộng đã chiếm bất hợp pháp ở Trường Sa năm 1988. LÃNH ĐẠO SAI LẦM Vậy mà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhận xét có tư tưởng  thân Trung Hoa, vẫn có thể tiếp tục sai lầm trong bài viết “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định phát triển Quân đội”, do Thông tấn xã Việt Nam phổ biến ngày 18/12/2014 để kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22/12) Ông Trọng ca ngợi sai lầm rằng Quân đội Nhân dân : “Đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược quân sự quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đánh giá, dự báo, xử lý đúng đắn các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.” Nếu nhìn vào thực trạng ở Hòang Sa và Trường Sa thì Quân đội Nhân dân chưa có bất cứ hành động cụ thể  nào để chận đứng các hoạt động bành trướng lãnh thổ và chủ quyền biển của Bắc Kinh, nói chi đến giấc mơ chiếm lại Hoàng Sa và 8 đảo và bãi đá ở Trường Sa ? Ông Trọng còn bảo : “Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức duy nhất lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo quân đội không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị nào khác. Nhà nước quản lý quân đội thống nhất chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Vì vậy, tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với quân đội đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt đối với quân đội.” Nói như thế liệu ông Trọng có qúa tham lam không và quên rằng Quân đội là của dân, do dân mà có và vì dân mà chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc trên hết, không phải là đội quân riêng của đảng cầm quyền và chỉ biết phục vụ quyền lợi của Lãnh đạo, thay vì của dân ? Hơn nữa khi ông Trọng nói “Sự lãnh đạo quân đội không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị nào khác” là ông Trọng đã tiếm quyền của dân là người chủ của đất nước. Đảng CSVN, hay bất cứ phe nhóm nào không có quyền và không ai cho phép coi nước Việt Nam là của riêng mình bởi vì Đảng chỉ có trên 3 triệu đảng viên, trong tổng số hơn 90 triệu dân. Nguyên lý cơ bản là thiểu số phải phục tùng đa số, không có chuyện ngược lại. Ông Nguyễn Phú Trọng đã lợi dụng độc tài cầm quyền để dùng Quân đội bảo vệ quyền lợi của đảng mà ông  mạo nhận là quyền lợi của cả dân tộc. Càng sai lầm trong bài viết là khi Tổng Bí thư đã nhân danh đảng duy nhất cầm quyền để dùng Quân đội chống lại nhu cầu và đòi hỏi dân chủ tự do đang ngày một lên cao ở Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, ông còn lấy Quân đội để bảo vệ cái Chủ nghĩa ngọai lai đã bị nhân dân Nga và nhiều dân tộc Đông Âu nguyền rủa và ruồng bỏ (từ 1989 đến 1991) là Chủ nghĩa Mác-Lênin để ép buộc nhân dân Việt Nam phải tiếp tục chấp nhận cho đảng lãnh đạo. Hành động của ông  Trọng đã  tái khẳng cam kết của Đại tướng Phùng Quang Thanh ở Bắc Kinh hồi giữa tháng 10/2014 với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Hoa Thường Vạn Tòan rằng Quân đội phải bảo vệ “vị thế cầm quyền của đảng Cộng sản hai nước” ! Do đó không còn ngạc nhiên khi thấy ông Trọng bảo Quân đội là: “ Lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.” Tổng Bí thư đảng CSVN còn  không ngần ngại đe dọa : “Phải đẩy mạnh đấu tranh, làm thất bại âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" nói chung và "phi chính trị hóa" quân đội nói riêng của các thế lực thù địch. Thực chất, "phi chính trị hóa" quân đội là thủ đoạn cực kỳ nham hiểm của thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng nước ta, tách rời quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho quân đội không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước. Bài học từ Liên Xô và các nước Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta.” Lập luận chụp mũ và hù họa nhân dân như vậy thì ông Nguyễn Phú Trọng có còn bĩnh tĩnh để biết rằng Quân đội là con đẻ của dân, do dân và vì dân , không phải là “công cụ bạo lực sắc bén” để nuôi dưỡng những kẻ độc tài chỉ biết “bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin” để thỏa mãn tham vọng chính trị, thay vì giữ nước và dựng nước ?  -/- Phạm Trần (12/014) =END=
......

Dưới con mắt người Nhật: “Trung Quốc chiếm trọn Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian?”

Âm mưu của người Trung Quốc sử dụng trên Biển Đông được gọi là chiến thuật “cắt lát salami”, nghĩa là họ sẽ không cùng lúc chiếm toàn bộ mà là “ăn mòn” từng bộ phận, sau đó độc chiếm trọn vẹn. Bài viết dưới đây mượn lời của một người Nhật vốn sinh sống và làm việc tại Việt Nam khá lâu. Anh bạn này có góc nhìn rất khác đối với kế hoạch xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, đồng thời châm biếm, đả kích sự thờ ơ của một số vị lãnh đạo tỉnh thành trước mối đe dọa đặt ra cho đất nước. Tâm sự của anh như sau: Tôi đã sinh sống và làm việc khá lâu tại đất nước các bạn, dĩ nhiên trước khi sang đây, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều về văn hóa và lịch sử Việt Nam để có thể hòa nhập tốt.Cũng như các bạn, nước Nhật chúng tôi đang trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn khi liên tục phải cảnh giác và đối phó với những âm mưu thôn tính Quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông của Trung Quốc. Đối với tình hình đất nước bạn hiện nay, tôi có một số đánh giá như sau: Thói quen bành trướng của người Trung Quốc đã có từ xa xưa, quốc gia này luôn lăm le xâm chiếm nước Việt, điển hình là sự kiện An Dưng Vương mất nước đã bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc kéo dài 1000 năm trong lịch sử Việt Nam, đến khi Ngô Quyền đánh thắng giặc trên sông Bạch Đằng. Rồi thì hàng loạt cuộc chiến tranh biên giới khác kéo dài từ xưa cho đến nay, tham vọng bành trướng của người Trung Quốc vẫn cháy rực không ngừng. Quốc gia phía Nam luôn là mục tiêu mà người Trung Quốc nhắm đến, tuy nhiên các bạn không dễ dàng bị ức hiếp và xâm lược. Từ thời xưa, người Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực xâm phạm bờ cõi Việt Nam, điều này vẫn kéo dài cho đến ngày nay và họ sẽ tiếp bước thế hệ cha ông tiếp tục sự nghiệp bành trướng. Âm mưu của người Trung Quốc được gọi là chiến thuật “cắt lát salami”. Nghĩa là họ sẽ không cùng lúc chiếm toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam mà là “ăn mòn” từng bộ phận, sau đó độc chiếm trọn vẹn, toàn bộ. Chiến thuật này không chỉ áp dụng tại Biển Đông – từng bước độc chiếm các bãi cạn và đảo nhỏ, củng cố yêu sách chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông, mà còn được áp dụng trong âm mưu xâm lược trên đất liền Việt Nam. Kế hoạch “tích tiểu thành đại” của Trung Quốc gồm nhiều hành động nhỏ: từ việc thâu tóm và biến các công ty Việt Nam thành công ty Trung Quốc, tăng cường sự hiện diện của người Trung Quốc tại Việt Nam; cho tới việc đẩy mạnh đầu tư lớn trên khắp đất nước, đặc biệt là khu vực Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế – nơi hẹp nhất theo chiều Đông-Tây của dải đất hình chữ S (bề rộng chỉ khoảng 40km). Việc di dân âm thầm xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam là bước nhỏ tạo bàn đạp để người Trung Quốc đồng hóa cũng như gây nhiễu trật tự xã hội tại đất nước các bạn. Trên dải đất hẹp nhất của Việt Nam, họ muốn dần thay thế người Việt bằng người Trung Quốc nhằm phục vụ cho âm mưu chia cắt Việt Nam và mưu chiếm Biển Đông. Bởi vì từ căn cứ quân sự Du Lâm của Trung Quốc trên đảo Hải Nam đến Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) của đất nước các bạn chỉ khoảng 320 – 350km theo đường chim bay. Do đó, họ dễ dàng thực hiện âm mưu chia cắt hai miền Nam Bắc trên cả về đường bộ lẫn đường biển. “Mất đất là mất nước”, người Trung Quốc đã lợi dụng điểm này để thực hiện âm mưu xâm lược của họ. Cách đây không lâu, họ không tiếc tay chi mạnh tiền thuê đất đầu nguồn trồng rừng của Việt Nam nằm ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam với thời gian thuê dài hạn là 50 năm. Những vùng đất đầu nguồn đều có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng đối với Việt Nam, việc dễ dàng cho Trung Quốc thuê đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện mưu đồ“xâm chiếm”. Mới đây nhất là việc lên kế hoạch xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine (Huế) nằm ở khu vực đèo Hải Vân – nơi có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự của Việt Nam. Năm 2013, tỉnh Thừa Thiên – Huế đồng ý cấp phép gần 200ha đất ở khu vực đèo Hải Vân cho một công ty Trung Quốc để thực hiện Dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine với tổng mức đầu tư lên đến 250 triệu USD. Theo thông tin mà tôi biết, nơi này có liên quan đến quân khu V và quân khu IV của Việt Nam, nếu chiếm được đèo Hải Vân tức là chiếm được Đà Nẵng. Từ Đèo Hải Vân nếu “lấn chiếm”sang Đèo Ngang thì Vịnh Bắc Bộ chắc chắn sẽ bị chia cắt, Trung Quốc khi đó hoàn toàn đủ sức đe dọa an ninh quốc gia của Vịệt Nam. Đây là binh pháp có từ tời xa xưa, từ lợi dụng kinh tế nhắm đến mục tiêu quốc phòng, tung hỏa mù khiến cho địch mất phương hướng, đây là điều người Trung Quốc đang hướng tới. Nhưng lạ thay, các vị chủ tịch huyện tỉnh của Việt Nam có lẽ chưa được học binh pháp này. Trung Quốc chỉ cần vung tiền mua đất để đầu tư thì các bạn đã nhanh chóng cắt đất cho thuê mà không mảy may nghi ngờ. Dĩ nhiên mưu đồ này không thể qua mắt được các vị tướng lĩnh quân đội. Âm mưu bị vạch trần và kế hoạch của người Trung Quốc thất bại ngoài ý muốn. Nhưng các bạn nên nhớ, Trung Quốc sẽ không từ bỏ kế hoạch thâm độc của mình và tôi lo ngại rằng vẫn còn nhiều vị Chủ tịch tỉnh sẵn sàng cấp phép cho các dự án nhanh chóng để đạt được cái mà họ gọi là “lợi ích chung của cộng đồng, cũng như vì sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và quốc gia” (nhưng thực ra là lợi ích của riêng họ). Không mấy khó khăn khi thuyết phục những vị lãnh đạo này, họ có vẻ khá dễ dãi và nhìn nhận sự việc quá đơn giản, trong khi người Trung Quốc thì quá thâm độc! Mới đây, chính quyền thành phố Bằng Tường (Trung Quốc) đã đề nghị phía Việt Nam cấp phép cho 1.000 xe với khoảng 1.500 người Trung Quốc du lịch tại Việt Nam và quá cảnh sang các nước ASEAN, viện cớ là “nhân dịp hội chợ thương mại Việt Nam – Trung Quốc”trong tháng 12/2014. Yêu cầu của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng Việt Nam. Có lẽ, các bạn đã bắt đầu đề cao cảnh giác hơn trước âm mưu của Trung Quốc khi cố tình đề nghị được phép đi lại tự do từ 5 cửa ngõ của Việt Nam. Thông qua việc đưa một số lượng lớn người Trung Quốc đi khắp đất nước này, họ dễ dàng do thám tình hình, cài người Trung Quốc vào người Việt Nam, gây nguy hiểm cho chính người Trung Quốc để có cớ bắt bớ Việt Nam,… Những điều như vậy chẳng phải rất dễ dàng xảy ra nếu đề nghị trên được chấp thuận hay sao? Một điểm khiến tôi cảm thấy lạ nhất đó là khi âm mưu của Trung Quốc bị vạch trần, lãnh đạo của các tỉnh thành Việt Nam lại dễ dàng phủi bỏ trách nhiệm quanh co biện minh cho quyết định sai lầm. Dường như các vị ấy chưa từng được học về “nhận sai và sửa sai”, nếu như ở đất nước chúng tôi, thì ngay lập tức các lãnh đạo của chúng tôi sẽ tạ lỗi trước người dân và xin từ chức. Thiết nghĩ nếu Việt Nam vẫn còn nhiều vị quan chức dùng lý do “lo lắng cho lợi ích chung của cộng đồng” (thực chất là của riêng họ) và cố tình lờ đi “sự an nguy của đất nước” thì âm mưu xâm lược Việt Nam của người Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
......

Ông Nguyễn Bá Thanh đã bị đầu độc!

Tràn lan trên mạng hiện nay là các thông tin đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính TW, có tin cho rằng ông đã từ Mỹ trở về và hiện đang nằm điều trị ở bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, có tin ông đã chết, đã đưa về Việt Nam cho gia đình trong một quan tài kẽm, lại có tin đồn ông đã bị hạ độc bằng phóng xạ, ngay tại trung tâm y tế lớn nhất của Mỹ cũng vô phương chữa trị. Thực hư về nguyên nhân và tình trạng sức khỏe hiện nay của ông Nguyễn Bá Thanh ra sao?     Theo nguồn tin đã được chứng thực từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ TW, khoảng giữa tháng 05/2014, sau khi đóng sổ vụ án Dương Chí Dũng và hoàn tất hồ sơ vụ án Bầu Kiên, bàn giao cho Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Bá Thanh đột nhiên bị choáng phải đưa đi cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán ông có triệu chứng rối loạn sinh tủy, trước đó, khi rời Đà Nẵng ra Hà Nội nhậm chức Trưởng ban Nội chính TW, sức khỏe ông hoàn toàn bình thường và được đánh giá là sức khỏe tốt, đủ đảm đương công việc. Ông Thanh không tin vào kết quả chẩn đoán căn bệnh rối loạn sinh tủy từ Ban Bảo vệ Sức khỏe TW và tiếp tục làm việc bình thường, ai cũng thấy sắc mặt ông ngày một xám, nhìn gần thấy ẩn những mụn thâm đỏ dưới da. Sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh ngày một yếu và tiếp tục bị ngất xỉu trong chuyến công tác Thụy Điển đầu tháng 6/2014, khi đó ông mới đồng ý để Ban Bảo vệ Sức khỏe TW đưa đi Singapore chữa trị 02 lần vào trung tuần các tháng 6 và 7/2014. Tuy nhiên, dù Singapore có nền y tế hàng đầu khu vực vẫn không tìm ra nguyên nhân đích thực của căn bệnh, chỉ chẩn đoán là “Nhiễm độc xương, tủy” và đề xuất đưa ông Bá Thanh qua Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson, Mỹ (nơi có kinh nghiệm hàng đầu về điều trị bệnh ung thư). Được sự phê chuẩn của Ban Bí thư, ngày 16/8/2014, ông Nguyễn Bá Thanh đã được đưa sang Mỹ, ngay sau khi nhập viện, ông đã được chẩn đoán “Ngộ độc phóng xạ – ARS” và lập tức được chuyển đến Bệnh viện Johns Hopkins Medicine (Baltimore, Mỹ), đây là cơ quan chuyên nghiên cứu và điều trị mạnh nhất của Hoa Kỳ về các bệnh do nhiễm xạ gây ra. Sau ca phẫu thuật ghép tủy, ông có dấu hiệu phục hồi và được chuyển đến Trung tâm Y tế Đại học Washington (Washington University Medical Center) tiếp tục theo dõi và điều trị. Tính đến cuối tháng 10/2014, ông vẫn thường xuyên liên lạc về để báo cáo tình trạng sức khỏe với Ban Bí thư và chỉ đạo công việc của Ban Nội chính TW. Bệnh viện Johns Hopkins Medicine (Baltimore, United States) Tuy nhiên, từ đầu tháng 11/2014 đến nay ông không còn báo cáo về Trung ương cũng như chỉ đạo công việc của Ban Nội chính. Khi Ban Bảo vệ Sức khỏe TW liên lạc được với ông Phan Văn Tâm, thư ký phụ trách tháp tùng chăm sóc ông Thanh, ông Tâm cho biết bệnh tình ông Nguyễn Bá Thanh bắt đầu trở nặng do biến chứng của ca phẫu thuật ghép tủy, người bắt đầu khô quắt, xám xịt toàn thân, ngoài ra ông Tâm cũng không biết gì hơn, nhất là vấn đề chuyên môn. Đầu tháng 12/2014, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban bảo vệ Sức khỏe TW đã thành lập đoàn qua Mỹ gồm lãnh đạo Ban Tổ chức TW và Ban Bảo vệ Sức khỏe TW, đến thẳng Trung tâm Y tế Đại học Washington làm việc trực tiếp với các bác sĩ điều trị để tìm hiểu về bệnh tình ông Nguyễn Bá Thanh và tìm giải pháp. Trung tâm Y tế Đại học Washington (1959 Northeast Pacific Street, Seattle, WA 98195, United States, Phone: +1 206-598-3300), nơi ông Nguyễn Bá Thanh đang điều trị Sau khi thăm ông Nguyễn Bá Thanh tại bệnh viện, đoàn công tác đã làm việc với Trung tâm Y tế Đại học Washington, theo các bác sĩ tại đây, dù đã cố gắng điều trị nhưng bệnh tình ông Nguyễn Bá Thanh ngày một trở nặng, lý do bệnh nhân được chuyển đến quá trễ, độc tố nhiễm trong xương không thể giải trừ hết. Dù ca phẫu thuật ghép tủy trước đó thành công nhưng các tế bào nhiễm độc phóng xạ ARS đã chuyển thành ung thư và đang lây lan rất nhanh, hiện không có liệu pháp ngăn chặn. Bác sĩ F. Marc Stewart, người trực tiếp điều trị ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, ông Thanh vừa được hóa trị lần 3 nhưng chỉ có thể duy trì thêm một thời gian ngắn. Khoa Điều trị ung thư của thành phố Seattle (Seattle Cancer Care Alliance Clinic) do giáo sư, tiến sĩ Elihu Estey làm bác sĩ chính cũng đã vào cuộc, nhưng hi vọng rất mong manh, có thể nói, sự sống của ông Nguyễn Bá Thanh chỉ còn được tính bằng ngày… Bác sĩ F. Marc Stewart (điện thoại +1 206-351-4514), người trực tiếp điều trị cho ông Nguyễn Bá Thanh tại Trung tâm Y tế Đại học Washington Như vậy, việc ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc phóng xạ là sự thật minh xác, số phận ông dường như đã bị định đoạt bởi hành vi thấp hèn của đối thủ chính trị khi ông đang chuẩn bị ghi điểm quyết định nhằm tiến vào Bộ Chính trị khóa tới và khẳng định vai trò thủ lĩnh miền trung bằng cách âm thầm tiến hành điều tra tài sản tham nhũng của gia đình một Ủy viên Bộ Chính trị đương chức, cũng là người miền Trung theo chỉ thị trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì bỗng nhiên ngã quỵ… Ai là kẻ đứng trong bóng tối giật dây cho hành vi tội ác này?   Xuất hiện nhiều tin đồn đoán cho rằng nhóm lợi ích đứng sau ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện, nhưng thực tế hoàn toàn khác và khác rất xa, việc ông Nguyễn Bá Thanh rớt khỏi Bộ Chính trị tại Hội nghị TW 7 do thiếu sự ủng hộ của ông Dũng là đúng một phần nhưng thực tế lí do chính mà ai cũng biết là ông Dũng không đồng tình với quyết định sai qui trình và độc đoán của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hơn nữa bản thân ông Dũng ủng hộ ông Bá Thanh vì ông Thanh là người làm được việc và ông Thanh đã biết rõ và rất vui vì được sự ủng hộ của cả tứ trụ triều đình, mở rộng cửa vào Bộ Chính trị trong Hội nghị TW 10 sắp tới. Còn việc ông Thanh bị triệt hạ uy tín, chặn đường vào Bộ Chính trị qua vụ Thanh tra chính phủ công bố kết quả thanh tra đất đai Đà Nẵng thì mọi người cần tham khảo bài Sự thật về thanh tra đất đai ở Đà Nẵng để có thông tin cụ thể hơn. Vậy ai mới là thủ phạm đầu độc ông Nguyễn Bá Thanh? Có câu tiền nhân hậu quả, hãy xem ai là người bị đe dọa nhất trong việc nếu ông Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị? Chúng tôi sẽ vạch mặt tên thủ phạm bỉ ổi này trong bài phóng sự tới.   Cầu mong trời phật phù hộ cho ông Nguyễn Bá Thanh vượt qua được kiếp nạn lần này. Chân Dung Quyền Lực
......

Cầu nguyện liên lỉ cho TNLT Francis Xavier Đặng Xuân Diệu nhân mùa Vọng

- Dân làng Neustadt-Hambach cầu nguyện cho TNLT Đặng Xuân Diệu Neustadt-Hambach, Đức-Quốc. 23.12.2014. Hằng năm vào tháng 12 các giáo xứ Tin-Lành (Paulusgemeinde, http://www.pauluskirche-hambach.de/ và Christuskirche, http://christuskirche-neustadt.de/ ) và Công Giáo tại Neustadt-Weinstraße (St. Pius, http://www.pfarreiengemeinschaft-geinsheim.de/hambach/aktuelles.php và St. Jakobus) tổ chức chương trình  „Lịch Mùa Vọng Sống“ (Lebendiger Adventskalender): Bắt đầu Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng trở đi hầu như mỗi ngày vào lúc 18.00 giờ đều có phần cầu nguyện do các nhóm hoặc hội đoàn đảm nhiệm. Hôm nay dân làng cùng vị phó tế Tin-Lành Diakon Gerd Rieger chọn đề tài „Người tỵ nạn và Ki-tô-hữu bị bách hại“. Sau phần suy ngẫm về ý nghĩa của thời gian chờ đợi Đấng Cứu Độ đến giải thoát con người khỏi vòng tội lỗi là phần cầu nguyện cho những nạn nhân chiến tranh tại Irak và Syrien; đặc biệt cho TNLT Franz-Xaver Đặng Xuân Diệu. Sau buổi lễ cầu nguyện dân làng tiếp tục hàn huyên về tình hình nhân quyền tại Việt Nam cũng như tình trạng mùa Đông sắp đến tại Irak sẽ gây khó khăn lớn cho người tỵ nạn. Vì vậy, dân làng đã quyết định quyên góp tiền tại chỗ và thâu được 124,50 Âu-Kim; sẽ được chuyển đến Caritas-Speyer. Neustadt-Hambach là địa danh lịch sử nổi tiếng với tòa lâu đài „Hambacher Schloß“ còn mang tên „Cái Nôi của nền Dân Chủ Đức“ („Die Wiege der deutschen Demokratie“, www.hambacher-schloss.de/geschichte). Nơi đây vào ngày 27.5.1832 khoảng 30.000 người đã lên tòa lâu đài biểu tình, đòi hỏi nhân quyền và dân chủ (www.demokratiegeschichte.eu) . - Cộng Đoàn Taizé tại Neustadt-Weinstraße Vào ngày 20.12.2014, Cộng đoàn Taizé Neustadt-Weinstraße cùng với linh mục đặc trách linh hướng của tòa giáo phận (Spiritual der Diözese Speyer), August Hülsmann, dâng thánh lễ cầu xin Ơn Trên cho tù nhân lương tâm Francis Xavier Đặng Xuân Diệu và gia quyến của anh. Mở đầu buổi lễ Lm Hülsmann trình bầy sơ về tiểu sử và hoàn cảnh của anh Đặng Xuân Diệu. Trong bài giảng Ngài đã dùng Thánh Vịnh số 89 để khuyến khích giáo dân luôn tin tưởng và phó thác vào Đức Chúa Cha: „Thiên Chúa là Cha của tôi, là thành trì cứu độ tôi“ ( Mein Vater bist du, mein Gott, der Fels meines Heiles). Sau đó cộng đoàn Taizé đặc biệt dùng rất nhiều lời ca tiếng hát để hiệp thông cầu nguyện với người Việt khắp nơi trên toàn thế giới cho tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng lớn mạnh. - Các nữ tu dòng Đa Minh Speyer và cựu Thủ Tướng Tiểu Bang Dr. Bernhard Vogel đặc biệt cầu nguyện cho TNLT Francis Xavier Đặng Xuân Diệu Ngày hôm sau, Chủ nhật, 21.12.2014, tuần thứ tư Mùa Vọng, tại tu viện dòng Đa-Minh (Institut St. Dominikus, www.institut-st-dominikus.de ), đông đảo các nữ tu và giáo dân, đặc biệt có sự hiện diện của cựu Thủ Tướng tiểu bang Rheinland-Pfalz và Thüringen Dr. Bernhard Vogel, cùng với Lm. Erwin Wiesler (thuộc nhà dòng „Đức Chúa Thánh Thần“, www.spiritaner.de) và Mẹ Bề Trên Tỉnh Dòng Gertrud Dahl (http://cms.bistum-speyer.de/www2/index.php?myELEMENT=246625&mySID=9eda35...) đặc biệt cầu nguyện cho anh Francis Xavier Đặng Xuân Diệu. Tại tu viện dòng Đa-Minh, vào Mùa Vọng cách đây 35 năm, các nữ tu đã đón nhận 30 trẻ em thuyền nhân Việt Nam không có thân nhân. Lúc đó vị Thủ Tướng Dr. Bernhard Vogel đã cùng với Đức Giám Mục Dr. Friedrich Wetter đến thăm và tặng quà cho các thiếu nhi Việt Nam này. Các Sơ đã lo cho các em ăn học rất chu đáo và thành công. Hiện nay, để xoa dịu phần nào nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh, các nữ tu dòng Đa-Minh đang cưu mang hai gia đình tỵ nạn đến từ Ägypten và Syrien. Mẹ Bề Trên Gertrud Dahl (http://www.st-dominikus-stiftung.de/nachricht/datum/2011/10/24/schwester...) ân cần hứa sẽ cùng toàn thể các nữ tu tiếp tục cầu nguyện cho Việt Nam. Cựu Thủ Tướng Tiểu Bang Dr. Bernhard Vogel Ludwigshafen: - Nữ Mục Sư Quản Hạt Dr. Barbara Kohlstruck và Lm. Quản Hạt Alban Meißner dâng lễ cầu nguyện cho TNLT Francis Xavier Đặng Xuân Diệu Hôm nay, thứ Hai, 22.12.2014, tại thành phố Ludwigshafen, trong thánh lễ hiệp thông Công Giáo và Tin  Lành (Ökumenischer Gottesdienst) tại nhà nguyện St. Johannes nữ Mục Sư Quản Hạt Dr. Barbara Kohlstruck (http://www.ekilu.de/) và Lm. Quản Hạt Alban Meißner (http://dekanat-lu.kirche.org/1-AKTUELL/LebDek_dek_5.htm) cùng giáo dân chung lời cầu xin bình an cho tù nhân lương tâm Franz-Xaver Đặng Xuân Diệu. Trong bài giảng Lm. Quản Hạt Alban Meißner nhắc nhở mùa Giáng Sinh là mùa „tặng quà cho nhau“, nhưng quan trọng nhất không phải là những món quà vật chất, song là những món quà tinh thần như có giờ cho nhau, nhớ đến nhau trong lời cầu nguyện…. Trong những Thánh Lễ Giáng Sinh vào ngày 24, 25 và 26 tháng 12 này Lm. Quản Hạt Alban Meißner và nữ Mục Sư Quản Hạt Dr. Barbara Kohlstruck hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. - Liên Cộng Đoàn các giáo xứ Công Giáo tại Ludwigshafen hiệp nhất cầu nguyện cho TNLT Francis Xavier Đặng Xuân Diệu Để hiệp nhất với các tín hữu tại Việt Nam cầu xin cho tù nhân lương tâm Francis Xavier  Đặng Xuân Diệu và cũng để đáp ứng lời kêu gọi cầu nguyện của Hội Đồng Giám Mục Đức Quốc (http://www.dbk.de/verfolgte-bedraengte-christen/home/) cho những người Ki-tô-hữu đang bị bách hại, Liên Cộng Đoàn các giáo xứ Công Giáo tại Ludwigshafen, gồm có St. Ludwig, St. Sebastian, Heilig Geist và Herz-Jesu đã ghi trong lá thư mục vụ tháng 12 Mùa Vọng lời giới thiệu sau đây về anh Đặng Xuân Diệu cũng như lời nguyện xin bình an: Xin cầu nguyện cho Kitô hữu Việt Nam của chúng ta: Chúng tôi cầu nguyện cho các Kitô hữu bị đàn áp trên toàn thế giới. Đặc biệt là cho: Francis Xavier Đặng Xuân Diệu, 34 tuổi, là một kỹ sư xây dựng và giáo dân cộng đồng Công giáo huyện Xuân Hòa - Nhân Mỹ tại Giáo phận Vinh ở miền Trung Việt Nam. Ông là một trong những thành viên Nhóm Bảo Vệ Sự Sống John Paul II và đã từng tham gia diễu hành cho dự án "pro-life". Ông cũng đã tham gia vào các hoạt động cứu hộ trong các trận lũ ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông từng tham gia công tác tặng xe lăn cho người khuyết tật cũng như học bổng cho học sinh nghèo. Những hoạt động xã hội của ông ngày càng mở rộng trong tỉnh đã khiến nhà cần quyền có ác cảm với ông. Ông bị cáo buộc "âm mưu lật đổ chính quyền" và bị bắt ngày 30 Tháng Bảy 2011 tại Sài Gòn. Ngày 09.01.2013 Francis Xavier Đặng Xuân Diệu đã bị kết án 13 năm tù giam và 5 năm chế.
......

Tại Sao Người Việt Hải Ngoại Chia rẽ?

Chung mục đích mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam, nhưng 40 năm qua các cá nhân, các tổ chức chính trị ở hải ngọai vẫn sinh họat một cách rời rạc thiếu liên kết và người Việt nói chung không mấy quan tâm đến các sinh họat đấu tranh. Câu hỏi được liên tục đặt ra: Tại sao người Việt hải ngọai lại chia rẽ? Có nhiều lý do, nhưng chính yếu hải ngọai là một môi trường sinh họat tự do và đa nguyên với nhiều cá nhân, nhiều tổ chức hướng đến các giải pháp cho Việt Nam một cách khác biệt. Ts Nguyễn Quang Duy Khuynh hướng đấu tranh bất bạo động Sử dụng bất bạo động như một phương tiện để từng bước xói mòn khả năng kiểm soát của nhà cầm quyền Hà Nội. Bốn phương cách chính của đấu tranh bất bạo động bao gồm: ·       Thứ nhất, sử dụng các phương tiện truyền thông mang thông tin đến với người dân; ·       Vận động tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp, thực hiện quyền con người; ·       Tiến đến việc xây dựng các nhóm sinh họat dân chủ, xây dựng thế liên kết, phân công và phối hợp hành động; và ·       Cuối cùng là vận động người dân tạo sức ép lên chế độ buộc họ phải chấp nhận thay đổi hoặc sẽ bị đào thải để thay bằng một chính phủ dân chủ do chính người dân bầu lên. Bước chuyển biến quan trọng nhất là năm 1996, Khối 8406 đã chuyển Phong Trào Dân Chủ từ đấu tranh bí mật sang thế đấu tranh công khai. Cùng lúc một Phong Trào Yêu Nước bảo vệ biên giới biển đảo công khai họat động. Cao điểm là giữa năm 2011 đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình tại Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố khác. Từ đó hình thành một số các Tổ Chức Dân Sự như hiện nay. Mặc dù số người công khai đấu tranh đã và đang gia tăng nhưng để có thực lực nhằm chuyển đổi thể chế độ cộng sản sang dân chủ rõ ràng phải cần nhiều năm nữa. Cần thời gian nên nếu tính đến cái giá mà người dân và người đấu tranh trong nước đang tiếp tục phải gánh chịu, cái giá của đất nước đang càng ngày càng lụn bại và cái giá của ảnh hưởng của ngoại bang càng ngày càng gia tăng. Thì đấu tranh bất bạo động không chắc là giải pháp ít thiệt hại nhất cho đất nước. Lại nữa, bất bạo động không chắc đã khả thi tại Việt Nam vì nó cần một số điều kiện mà Việt Nam sau nhiều năm vẫn chưa có. Điều kiện đòi hỏi nhất là các tổ chức chính trị phải ra mặt công khai đấu tranh thay vì vẫn họat động trong vòng bí mật. Có họat động công khai các tổ chức chính trị mới có dân và dân là yếu tố quyết định sự chuyển đổi thể chế. Bài học từ cuộc đấu tranh của người dân Hong Kong cho thấy cộng sản không bao giờ nhượng bộ, ngay cả khi có hằng trăm ngàn người xuống đường biểu tình một cách ôn hòa bất bạo động.   Khuynh hướng cách mạng   Những người tin vào giải pháp này cũng sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến mang thông tin đến cho đại chúng, xây dựng cơ sở quốc nội, sách động người dân, nhất là thanh thiếu niên, đứng lên để lật đổ cộng sản. Vì chủ trương cách mạng các tổ chức theo khuynh hướng này vẫn tiếp tục họat động bí mật tại quốc nội, nên khó có thể đánh giá một cách khách quan. Khuynh hướng thay đổi từ bên trong và bên trên đảng Cộng sản. Nhiều người, bao gồm những người ngọai quốc quan tâm đến tình hình Việt Nam, tin vào những thay đổi từ bên trong đảng Cộng sản. Họ cổ vũ hay ngầm ngấm ủng hộ những thay đổi nhỏ, làm tiền đề căn bản cho những thay đổi xa hơn và lớn hơn. Nhưng đến nay vẫn chưa có được những chuyển đổi rõ rệt. Khuynh hướng dựa vào Hoa Kỳ Xuất phát từ thực tế chính trị Việt Nam và tin vào sự thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ nhiều người đứng ra vận động thành lập chính phủ lưu vong. Việc làm của họ hòan tòan phù hợp với luật pháp của Hoa Kỳ. Nhưng trên thực tế Hoa Kỳ luôn đặt quyền lợi của Hoa Kỳ với Cộng sản Việt Nam cao hơn, nên chính phủ Hoa Kỳ chưa bao giờ chính thức công nhận hay ủng hộ các nỗ lực nói trên. Khuynh hướng bảo vệ xây dựng hải ngọai và yểm trợ quốc nội Đây có lẽ là khuynh hướng được nhiều người hải ngọai ủng hộ nhất. Những người theo khuynh hướng này thường gắn bó với các sinh họat cộng đồng, vừa bảo vệ, vừa xây dựng cộng đồng, vừa dựa vào sức mạnh cộng đồng vận động yểm trợ quốc nội và quốc tế vận. Cộng Đồng   Ở hầu hết các địa phương Cộng đồng là tiếng nói chung hay tiếng nói của đa số người Việt. Tại Úc, Cộng đồng Liên Bang là một cơ cấu điều hợp các Cộng đồng Tiểu Bang mang tiếng nói chung đến chính giới Úc. Được biết hiện Luật sư Võ Trí Dũng chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do Úc châu đang ở Hoa Kỳ vận động liên kết giữa các Cộng Đồng Bắc Mỹ và Úc châu để có thể có một tiếng nói chung cho người Việt hải ngọai. Điều cần nêu ra là các Ban Chấp Hành Cộng Đồng thường thay đổi theo nhiệm kỳ và có nhiều công việc khác ưu tiên hơn. Vai trò của Cộng Đồng cũng khác với vai trò của các tổ chức đấu tranh. Bởi thế các việc vận động nhân quyền hay vận động yểm trợ quốc nội thường do các tổ chức đảm trách. Quốc Tế Vận Một trong những nỗ lực chính yếu của người Việt hải ngọai là cất tiếng nói cho chính họ hay mang tiếng nói của những người quốc nội đến chính giới và dân chúng địa phương. Từ những khuynh hướng khác nhau phát sinh nhiều sinh họat quốc tế vận khác nhau: ·       Để mọi người biết đến hay để vận động địa phương chính thức công nhận lá cờ, nhiều người sử dụng lá cờ vàng trong mọi sinh họat tại địa phương; ·       Vận động địa phương để cấm các sinh họat của nhà cầm quyền cộng sản tại địa phương; ·       Quảng bá những sự thật như nỗ lực “Hành trình đến Tự do” của Thượng Nghị Sỹ Ngô Thanh Hải tại Canada; ·       Các cuộc biểu tình tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam; ·       Sử dụng các phương tiện báo chí, truyền thông hay qua những trao đổi cá nhân, cũng đóng góp vận động người ngọai quốc hỗ trợ cho một Việt Nam tự do. Việc vận động nhân quyền cũng đã được liên tục thực hiện, nhưng cũng có nhiều phương cách và mục đích vận động khác nhau: ·       Chỉ tập trung vận động cho thành viên trong tổ chức hay một số Tù nhân Lương Tâm; ·       Tố cáo những hành động vi phạm nhân quyền để các tổ chức quốc tế hay chính giới ngọai quốc nắm được tình hình chung; ·       Ảnh hưởng đến chính sách các quốc gia sở tại. Như các cuộc điều trần, các nỗ lực gắn liền nhân quyền với viện trợ nhân đạo hay ra những đạo luật buộc cộng sản phải cải thiện nhân quyền mới được gia nhập TPP; ·       Cả ba mục đích trên được phối hợp một cách nhịp nhàng. Quốc tế vận càng ngày càng trở nên quan trọng và hải ngọai có thể dùng sức mạnh của lá phiếu để thực hiện một số công việc nhất định. Nhưng mang lại tự do dân chủ vẫn phải được quyết định từ những họat động quốc nội. Khách quan nhận xét khi thực hiện các công tác quốc tế vận các cá nhân hay các tổ chức hải ngọai thường tương nhượng hay liên kết làm việc. Gần đây một số các sinh họat quốc tế vận cũng đã được các anh chị quốc nội đứng ra đảm trách. Đây là một bước tiến quan trọng của Phong trào dân chủ Việt Nam. Nguyên nhân gây ra chia rẽ Tình hình Việt Nam và tình hình thế giới khó cho chúng ta thấy trước chuyện gì sẽ xảy ra và xảy ra ở lúc nào. Vì thế không thể mang lý thuyết ra để tranh luận đúng sai. Trong sinh họat các tổ chức có quy mô nhỏ thường sinh họat cần sự đồng thuận hơn, ngược lại các tổ chức có quy mô lớn thường có sự chỉ đạo từ trên xuống dưới. Đó là chưa kể đến những người không sinh họat với bất cứ tổ chức nào, nhưng cũng quan tâm đến tình hình Việt Nam và muốn đóng góp thay đổi thời cuộc theo suy nghĩ của cá nhân. Thực trạng nêu trên tạo các va chạm từ khuynh hướng đến phương cách thực hiện công việc. Điều đáng tiếc một số người thay vì hướng đến mục đích chung lại mở mặt trận “ai thắng ai” ngay tại hải ngọai, đấu tranh với những người theo khuynh hướng khác. Ở một mức độ sự cạnh tranh và việc tranh luận là điều cần thiết, nhưng khi đã vượt quá làn ranh và thiếu người hòa giải, lại tạo ra bất hòa không thể giải quyết. Nhưng im lặng, thiếu giải thích và thiếu thực tế chứng minh cũng không phải là một giải pháp khôn ngoan. Đương nhiên, nhà cầm quyền cộng sản cũng không thể để các cộng đồng hay tổ chức sinh họat một cách bất lợi cho họ. Về mặt chìm khó có thể biết được chính xác sự can thiệp, nhưng về mặt nổi như văn nghệ, dạy tiếng Việt, truyền thông sách báo tuyên truyền... thì Nghị quyết 36 là một bằng chứng đảng Cộng sản đã trực tiếp tài trợ (bao cấp) cho một số các sinh họat nói trên. Điều đáng tiếc có người đã lợi dụng lý do để gán cho người khác là Việt cộng hay Việt gian gây thêm nghi ngờ và chia rẽ trong các sinh họat hải ngọai. Nhiều người đâm ra chán nản và số người sinh họat chính trị hay sinh họat cộng đồng vốn đã ít nay lại ít hơn. Người dân hải ngọai xuất phát từ nhiều thành phần khác nhau và vốn đã e dè với các sinh họat. Nay không thấy kết quả cụ thể, chỉ thấy những mặt trái của sinh họat, nên càng trở nên e dè với các sinh họat đấu tranh.   Liên kết trong ngòai   Ở hải ngọai làm việc với nhau đã khó việc liên kết với trong nước lại càng khó hơn. Khách quan nhìn nhận, mặc dù mới phát triển các sinh họat quốc nội đã làm được một số điều mà chính các tổ chức hải ngọai cần học hỏi: ·       các nhóm đã liên kết làm việc chung; ·       một số nhóm đã sử dụng Facebook như một phương tiện công khai tài chánh; ·       Trong buổi họp cuối năm 2014 tại Dòng Chúa Cứu Thế đại diện các tổ chức Dân Sự đã trình bày các ưu khuyết điểm của họ trong năm 2014 và định hình hoạt động cho năm 2015. Những việc làm như vậy sẽ giúp các thành viên hiểu rõ được thực lực và định rõ được hướng đi, cũng như giúp các tổ chức xây dựng uy tín. Sự thực và minh bạch sẽ giúp xây dựng các giá trị lâu dài.   Kết Mặc dầu 40 năm nhà cầm quyền cộng sản đã đưa ra nhiều sách lược nhằm kiểm sóat, cộng đồng hải ngọai vẫn là một cộng đồng tự do. Nhưng nỗ lực yểm trợ người dân trong nước đấu tranh mang lại tự do cho Việt Nam thì vẫn còn bị giới hạn rất nhiều. Cuối năm cũng là lúc để mỗi người chúng ta, mỗi tổ chức tự xét xem làm thế nào để giảm bớt chia rẽ trong sinh họat chính trị hải ngọai, gầy dựng lại niềm tin của người dân và gắn bó hơn với cuộc đấu tranh chung. Nguyễn Quang Duy Melbourne, Úc Đại Lợi 22/12/2014 Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
......

Chuyện Hài Chỉ Có Ở VN: Yêu sách ‘Tước Danh Hiệu Tù Nhân Lương Tâm’!

Nguyễn Tường Thụy/VNTB:  Đây là tình tiết mới, làm cơ sở để xét việc giám đốc thẩm vụ án theo hướng xóa bỏ tội danh theo điều 79 (hoạt động lật đổ) cho thầy Phạm Minh Hoàng và tuyên vô tội. Việc này nhằm minh oan và bồi thường cho thầy trong 17 tháng ở tù vì theo quần chúng của đảng, thầy Phạm Minh Hoàng không xứng đáng “là tù nhân lương tâm”. Theo fb Phạm Minh Hoàng thì tối ngày 17/2, phường 8, quận 10, SG họp tổ dân phố để đánh giá quá trình chấp hành án tại địa phương. Thầy Hoàng có 2 điều “tâm tư”: Hình minh họa   Thứ nhất là trong luật không có điều khoản này, Thứ hai là việc của thầy chỉ liên quan đến 1 tổ nhưng lại có sự hiện diện của 2 tổ, thậm chí còn có cả những khuôn mặt ngoài phường 8 (chắc là những người đã có nghề đấu tố). Thầy cho biết đến cuộc họp đã thấy “mùi đấu tố” phảng phất đâu đây. Hai quần chúng tự phát (QCTP) giữ quyền “công tố”, “liên tục những phỉ báng, những chỉ trích việc thầy làm mà tòa đã xử cách đây 4 năm".   Mãi rồi thầy cũng được phép nói. Thầy đưa ra những thắc mắc: 1. Buổi họp này được triệu tập để “tổ dân phố kiểm điểm tôi”, thế nhưng trong Luật thi hành án hình sự hoàn toàn không có điều khoản nào quy định việc này. Vậy thì đây là một buổi làm việc phi pháp. 2. Ông chủ tịch phường giới thiệu thì bà con mới biết tôi là ai vậy dựa trên cơ sở nào để đánh giá về việc làm của tôi. Cả hai câu hỏi trên không ai trả lời được. Tuy vậy, việc đấu tố thầy Phạm Minh Hoàng lại rất hăng hái. Chẳng hạn nêu vụ việc ngày 5/11/2014 (hôm côn đồ mang hung khí đến đe dọa tính mạng gia đình thầy) đòi truy tố vì tội xâm phạm gia cư bất hợp pháp (mời xem lại bài Côn đồ hành hung Tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn). Nhưng có lẽ thú vị nhất là đoạn đối thoại giữa thầy Phạm Minh Hoàng với quần chúng tự phát. Xin dẫn ra đây để biết lý luận của quần chúng ngùn ngụt khí thế cách mạng so với một Thạc sĩ tốt nghiệp ở Pháp, giảng viên Đại học:   Xin ghi lại vài mẩu đối thoại tiêu biểu: QCTP : Từ ngày có đảng (CS) dân tộc ta đã tạo được bao nhiêu kỳ tích, đánh thắng không biết bao nhiêu cuộc chiến và bây giờ chỉ sau 39 năm hòa bình đã được những thành tựu khiến cả thế giới nể phục, vậy mà ông Hoàng còn tiếp tục chống đảng. PMH : Báo chí nhiều năm trở lại đây đã liên tục nêu lên các sai lầm, những yếu kém thì việc tôi chỉ trích là chuyện bình thường. Còn nói về thành tựu thì cũng nên nhắc lại những thất bại của đảng CS. Ai trong chúng ta cũng đã biết việc khai thác bô-xít đi về đâu, ai trong chúng ta cũng hổ thẹn khi sau 39 năm chúng ta chưa làm nổi con ốc vít và đang bị Kampuchia và Lào vượt mặt. QCTP: Anh ăn cơm VN, uống sữa VN vậy mà anh đi chống lại chính quyền tức là chống lại nhân dân VN. PMH : Cơm VN, sữa VN có từ thời Hùng Vương lập quốc chứ không phải có từ khi có đảng hoặc từ 1945 khi ông Hồ tuyên bố độc lập. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng đâu là chủ nghĩa, đâu là dân tộc. Tôi chống cái chế độ cộng sản với những sai trái của nó chứ không hề chống lại nhân dân và tôi sẽ tiếp tục làm việc này cho đến ngày nào vẫn còn oan sai, còn yếu kém, còn tụt hậu. QCTP: Anh có quốc tịch Pháp thế anh có biết rằng nước Pháp đã cai trị VN suốt 80 năm và “đỉnh điểm” của việc này là sự kiện hơn hai triệu người VN chết. Anh có biết thế không?   PMH: Tôi xin hỏi ông hai triệu người này chết đói vào năm nào? (không trả lời). Tôi được biết là họ chết vào năm 1945 và là do chính sách của người Nhật. QCTP: Không ai cấm anh thực thi quyền tự do ngôn luận nhưng phải viết cho những cơ quan, báo đài chính thức chứ không được phát tán lên mạng, rồi còn lai-liếc (like) lung tung là không được. PMH: Tôi đã từng viết bài cho Tuổi Trẻ nhưng họ không đăng, đúng là họ có quyền không đăng thì tôi cũng có quyền nói lên bằng hoàn cảnh và điều kiện của chúng tôi. Còn nếu anh nói “lai-liếc (like) lung tung” thì tôi đề nghị trước tiên nên đóng cửa các trang xã hội cụ thể là Facebook. QCTP: Nếu anh thấy không thích hợp thì anh cứ việc ra nước ngoài sống. PMH: (lúc này họ không cho tôi micro, bắt buộc tôi phải gào lên). Tôi là người VN. Tôi sinh ra và lớn lên ở đất nước này, không có gì và không ai có quyền bắt buộc tôi phải ra nước ngoài sống. QCTP: Tôi đề nghị tước “danh hiệu tù nhân lương tâm” của anh Hoàng.   Quả là một ý kiến thú vị. Đến cả quần chúng tự phát cũng biết "Tù nhân lương tâm" là một danh hiệu cao quí. Thầy Phạm Minh Hoàng - hội viên Hội Cựu tù nhân lương tâm VN - cho biết, dĩ nhiên tôi đã trả lời, nhưng xin để cho mọi người đóng góp ý kiến của mình vào một câu nói có một không hai này. Còn tôi cho đây là tình tiết mới, làm cơ sở để xét việc giám đốc thẩm vụ án theo hướng xóa bỏ tội danh theo điều 79 (hoạt động lật đổ) cho thầy Phạm Minh Hoàng và tuyên vô tội. Việc này nhằm minh oan và bồi thường cho thầy trong 17 tháng ở tù vì theo quần chúng của đảng, thầy Phạm Minh Hoàng không xứng đáng là “tù nhân lương tâm”. Nguồn: VNTB
......

Hãy nhớ đến các nhà Văn, nhà Báo bị bịt miệng

Đừng quên mà hãy nhớ đến các nhà Văn, nhà Báo đang bị bịt miệng, bị tước đoạt tiếng Nói   VRNs (21.12.2014) – Thụy Sỹ – Tất cả chúng ta đều ý thức và nhận thấy tình trạng không trừng phạt mà còn bao che, dung túng các tội ác chống lại các nhà văn, nhà báo đang tạo ra một mối nguy hiểm to lớn cho Tự do, Dân chủ và Hòa bình. Tại Mễ Tây Cơ, trong tháng Mười Một này, mỗi ngày là một ngày Chết Chóc. Thảm họa mới đây khi một nhóm sinh viên đồng loạt bị mất tích nhắc chúng ta rằng ở Mễ Tây Cơ và ở mọi nơi trên thế giới hôm nay, các nhà văn, nhà báo của chúng ta đều có nguy cơ bị bắt làm con tin.   Chúng ta hãy nhớ tới ngày 15 tháng Mười Một là Ngày Vinh Danh Nhà Văn Bị Cầm Tù, và ngày 23 tháng Mười Một là Ngày Vận Động Chống Nạn Bao Che, Dung Túng Tội Ác. Nhiều nhà văn và nhà báo của chúng ta – những người chuyên chở ước mơ và phiêu lưu – đã bị gây hấn,  tra tấn, cầm tù, bị bắt cóc, ám sát hoặc bị đày ải, bắt buộc lưu vong chỉ vì họ đã viết thành văn hoặc cất lên tiếng nói. Ủy Ban Các Nhà Văn Bị Cầm Tù thuộc Văn Bút Quốc Tế đã ghi nhận đến hang trăm trường hợp các nhà văn, nhà báo bị tấn công trong suốt 12 tháng qua.   Hàng trăm người đang là tù nhân trong các trại lao động cưỡng bức (như Việt Nam). Và loại kiểm duyệt tối hậu: giết chết tác giả nào đã gây tỉnh thức xã hội. Có khoảng ba mươi vụ ám sát đã bị phát hiện. Nạn nhân gồm có các nhà văn và nhà báo : Désiré OUÉE (Côte d’Ivoire), Adel Mohsen HUSSEIN, Kawa Ahmed GERMYANI et Samira Saleh AL-NAIMI (Irak), Miguel Ángel GUZMÁN GARDUÑO, Jorge TORRES PALACIOS, Octavio ROJAS HERNÁNDEZ, Abdul Rasool KHATTAK, Irshad MASTOI, Víctor PÉREZ PÉREZ, Jesús Antonio GAMBOA URÍAS et María del Rosario FUENTES RUBIO (Mễ Tây Cơ), Abrar TANOLI, Abdul Rasool KHATTAK, Irshad MASTOI et Nadeem HYDER (Hồi Quốc), Rubylita GARCIA (Phi Luật Tân), Sai REDDY (Ấn Độ), Suon CHAN (Cambodge), Kamol DUANGPHASUK (Thái Lan), Timur KUASHEV (Nga), Vyacheslav VEREMYI (Ukraine), Isaiah Diing Abraham Chan AWUOL (Nam Soudan), Hashem SHAABANI (Ba Tư), Mo’az AL-KHALED (Syrie), Sardar AHMAD et Palwasha Tokhi MERANZAI (Afghanistan), Mayada ASHRAF (Ai Cập), Pablo MEDINA VELÁZQUEZ (Paraguay), Aung Kyaw NAING (Miến Điện), Meftah BOUZID (Libye), Pedro PALM (Ba Tây).   Đánh dấu những biến cố của tháng Mười Một này, Văn Bút Quốc Tế lưu tâm đến 5 trường hợp tiêu biểu cho những sự đàn áp không biên giới : nhà báo và nhà giáo Gao Yu mất tích ngày 23 tháng Tư năm 2014 ở Trung Hoa CS, nhà báo Ouzbèk Azimjon ASKAROV, tù chung thân từ tháng Sáu năm 2010 ở Kirghizistan, nhà thơ và nhà giáo Mahvash SABET, 20 năm tù từ tháng Sáu năm 2010 ở Ba Tư, nhà thơ Dieudonné Enoh Meyomesse, 7 năm tù từ tháng Mười Hai năm 2012 ở Cameroun và nhà văn và nhà giáo Nelson Aguilera, 30 tháng tù giam từ tháng Mười Một năm 2014 ở Paraguay. Tháng Mười vừa qua, Đại Hội Văn Bút Quốc Tế họp tại Bichkek, thủ đô nước Kirghizistan, đã đồng thanh bày tỏ sự quan ngại sâu xa về tình trạng suy thoái của quyền Tự do Phát biểu và Thể hiện Quan điểm cùng quyền Tự do Ngôn luận ở Nga, Ukraine, Cuba, Mễ Tây Cơ, Trung Hoa, Tây Tạng và Tân Cương (bị thôn tính), Ethiopie, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Honduras, Syrie, Bắc Hàn, Kirghisistan, Nam Phi, Hoa Kỳ, Azerbaidjan, Erythrée và Việt Nam. Tại nước CS sau chót này, nhiều nhà văn, nhà báo, tác giả nhựt ký điện tử, luật sư và người hoạt động bảo vệ Nhân quyền đã bị kết án tù nặng nề bởi những phiên tòa xét xử không công minh. Đa số những tù nhân có sức khỏe rất kém. Trong những trường hợp khiến chúng ta quan tâm đặc biệt, có hai nữ tù nhân: - Bà Hồ Thị Bích Khương là tác giả nhựt ký điện tử và nhà bênh vực nhân quyền. Bà còn là tác giả một hồi ký viết trong tù, nhiều bài thơ châm biếm và bài báo trên mạng. Được đài phát thanh ngoại quốc phỏng vấn, bà chỉ trích những sự lạm dụng quyền lực để áp bức tửng lớp người nông dân nghèo. Bị bắt hồi tháng 12 năm 2010 nhưng mãi đến tháng 12 năm 2011 bà mới bị kết án 5 năm tù giam và 3 năm tù quản chế. Bà từng bị giam cầm hai lần trong năm 2005 và 2007. Bà bị hành hung gây thương tích nghiêm trọng và nhiều lần bị bắt giữ ngắn hạn. Bà bị tra tấn trong nhà giam và bị tù thường phạm hành hung tàn bạo. Trước đó, bà bị những tên gây hấn khác đánh đập, bà bị gãy tay trái trong thời gian giam cứu. Bà Hồ Thị Bích Khương bị biệt giam cho nên sức khỏe của bà rất suy yếu ; - Bà Tạ Phong Tần là tác giả nhựt ký điện tử có sáng tác phong phú, bà còn là một nhà luật học và hội viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do (bị cấm). Bị bắt hồi tháng 9 năm 2011 nhưng mãi đến tháng 9 năm 2012 bà mới bị kết án 10 năm tù giam và 3 năm tù quản chế. Bà là tác giả của hơn 700 bài viết về các vấn đề tham nhũng, lạm dụng quyền lực, tịch thu độc đoán đất của người dân cô thế và ngược đãi trẻ con. Những bài bà viết trên nhựt ký điện tử được đọc nhiều nhứt qua các cơ sở truyền thông quan trọng và trên các đài phát thanh ngoại quốc. Từ năm 2008, bà bị công an sách nhiễu hung bạo và nhiều lần bị bắt giữ ngắn hạn. Ngày 30 tháng 7 năm 2012, bà Mẹ tù nhân Tạ Phong Tần qua đời sau khi tự thiêu để phản đối việc giam cầm bất công con gái của mình. Bà Tạ Phong Tần bị hành hạ, ngược đãi trong trại tù. Sức khỏe của bà rất suy yếu .   Ngoài ra, chế độ Hà Nội đang không ngần ngại sử dụng một cách thức khác: biến các nhà văn, nhà báo bị cầm tù thành món hàng để trao đổi. CS muốn có chữ ký cho phép mua các loại vũ khí chiến tranh bị cấm bán cho họ. Nhà cầm quyền CS thả dần các tù nhân lương tâm bị bệnh tật, một cách nhỏ giọt và buộc các nạn nhân phải đi lưu vong ngay lập tức. Không những thế, các bản án tù giam và tù quản chế của họ không được xóa bỏ mà chỉ bị đình hoản thi hành. Chúng ta hãy phẫn nộ, hãy biểu tỏ sự đoàn kết với những nhà văn và nhà báo – những con người mang ánh sáng thông tin chống lại bóng tối của bạo lực đe dọa, của bọn đồng lõa và kẻ đớn hèn. Tất cả chúng ta hãy cùng cất cao tiếng nói, dù có thể nấc nghẹn, thắp lên một ngọn nến, dù mong manh, để xua đi màn đêm băng giá của tính thờ ơ vô cảm, nỗi im lặng sợ hãi và thói đời quên lãng !   Nguyên Hoàng Bảo Việt Phó chủ tịch Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại
......

Té ra những người mình cảm phục đều ... lục tục ra đi hoặc bị ... nhập kho!

Nhớ lại lời nói của một người bạn từng vác đàn đi hát các thứ swing, rumba ở gần khắp Liên Khu IV cũ, nhưng sau, anh này “tiến bộ” nên trở thành Trung Ương Ủy Viên Bộ Trưởng….Anh ta nói thầm vào tai mình một câu thế này: ”Ông mà khen ai thì thằng ấy bỏ mẹ đấy!”...Và quả là có phần chính xác: Trong giới văn nghệ kháng chiến, (chống Pháp), 99% những người mình phục tài, đồng khẩu khí, dần dần đều ….“vù” đi xa tắp hoặc sau này đều mắc vào cái tội “mất lập trường vô sản”, “ăn phải đạn bọc đường”, thậm chí ….tư tưởng chống đảng, chống nhà nước” cả!...Kẻ vào tù, người đi cải tạo, chẳng mấy ai để thành Bá Nha Tử Kỳ với mình nữa…suốt gần 30 năm nay…   Lắm lúc nằm một mình, kiểm điểm sự đời và bản thân, mình cũng thấy cái “tính nết bẩm sinh” của mình: ”coi giời bằng vung” coi mình là “không nhất thì nhì- không nhì thì ba” chứ chẳng chịu thua ai trong giới văn nghệ, (nhất là nhạc sỹ) nó đã ….”hại” mình, dù chế độ này đã “chiếu cố” mình đủ thứ, danh hiệu, huân chương mà cho đến nay khối anh có lẽ phấn đấu hết đời cũng không sao đuổi kịp! Không mấy hội nghị quan trọng về văn nghệ mà mình không được mời tham luận (đang còn văn bản in ấn đàng hoàng)….Dư luận đồng nghiệp đều hoan nghênh, thậm chí nhường thời gian cho mình được phép nói thật, nói hết, nói…hộ những gì nhiều người đều nghĩ như mình nhưng… “chưa tiện nói ra” thì nay đã có mình nói hộ… Và kết quả thường là: -Cái gì?, ai? ở đâu mà mình khen thì…đều mất tăm, dẹp tiệm! -Cái gì? Ai? Ở đâu? mình chỉ mặt, đặt tên, lên án… thì cái đó, người đó, cơ quan đó cứ thẳng đường tiến tới…đủ thứ “thảm họa”! Hai bản tham luận “Nếu tôi được làm thủ tướng lấy một tuần” và “Tất cả chỉ là do vô văn hóa âm nhạc” đọc tại Đại Hội Nhạc Sỹ Việt Nam lần thứ 5 và 6 tại Hà Nội (xem “Tự hào nửa thế kỷ Hội nhạc sỹ Việt Nam" -trang 681) cho đến nay đã chứng minh rõ như ban ngày những gì mình nói ở trên. Tóm lại, mình khen ai thì người ấy…”tiêu ma” còn chê ai thì người ấy thăng hoa vượt bậc! Gần đây nhất chẳng hiểu có phải là do mình đã quá lời khen sự dũng cảm của một tờ tập san bằng bài “Báo ta cũng có nhiều cái để đọc đấy chứ” không mà tờ báo bị đóng cửa cái….rụp! Thế là, rút kinh nghiệm lúc cuối đời: Mình, một kẻ “thoái hóa” cực kỳ, không còn một chút tí ti “vô sản tính”, “đảng tính”, do “nhiễm độc” bởi bị tư tưởng tư bản dẫy chết suốt 11 năm bị thằng thực dân Pháp nhồi sọ ở học đường và quanh năm vùi đầu vào sách, báo kẻ địch…nên đã trở thành ….phi vô sản đến “thâm căn cố đế”!…. Bởi dzậy, hễ mình dính vào đâu là kể đó “khốn lịn” tức thì! Và mình đã “biết thân, biết phận”chả dám học đòi dính líu vào bất cứ cá nhân nào, tổ chức dân sự nào bằng cách trở thành blogger độc lập ở tuổi 80 cho đến nay, chỉ còn thiếu mấy ngày sẽ được 8 năm! Bài vở tự viết, tự biên tập, tự duyệt, tự xuất bản…Chẳng bao giờ dám gửi cho bất cứ một tờ báo, một trang web nào, kể cả các trang nổi tiếng mà mình rất cảm phục như “anhbasam” hoặc “Quê choa”. Thế mà…cái năm nay, cái năm mà có ngươi lạc quan tếu dự đoán là “sẽ cởi mở hơn trước”, “sẽ trả tự do cho người này, người kia”… lại là cái năm mà…..những người mình cảm phục mà không dám nói ra bị….. “nhập kho” nhiều nhất! Chỉ riêng với cái vụ “ bắt quả tang” Nguyễn quang Lập thôi, trước rất sự phản ứng dữ dội, công khai và rộng rãi nhất chưa từng có, mình cũng định lên tiếng vài câu…..Nhưng thấy đã quá đông người phát biểu, “yêu cầu”, “làm đơn kính gửi”, “kiến nghị tập thể” đủ kiểu mình đành chờ cho hết thời hạn 9 ngày để xem họ đối xử với Lập như thế nào rồi từ đó mà bổ xung hoặc… “nói khác” tí chút với những người đã tỏ thái độ “bất phục tùng và phản kháng” tí chút trước hành vi truy tố Lập theo điều 2 còng số 8 sau 9 ngày tạm giữ! Sau đây là những điều cá nhân mình, xin lên tiếng có tính chất bổ xung hoặc nói có tí khác về Lâp: Lập là một nhà văn chân chính, đúng nghĩa của một nhà văn lớn của mọi thời đại. Nhìn qua lịch sử văn học thế giới không có một nhà văn nào lưu danh muôn thuở mà không gắn tác phẩm, những nhân vật, bối cảnh, tính cách nhân vật của mình với thực tế xã hội..Họ viết vì nỗi bức xúc trước những nghịch lý, bất công, dối trá, thậm chí….những tội ác của một thời đại, một giai cấp cầm quyền. Có thể nói ngắn gọn Họ viết về những vấn đề đang xảy ra hoặc đã xảy ra trong xã hội để làm tốt đẹp xã hội lên hay đào thải nó đi! Họ đã mặc nhiên làm chính trị bằng ngòi bút, bằng tư duy và cảm xúc gọi là nghệ thuật! Họ đã tự nguyện “dấn thân vào những thứ có khi.. chả dính líu gì đến họ”! Nhưng chính trị của họ là cực kỳ hiệu quả! Nó đi bằng đường từ con tim lên trí óc, cho nên nó thấm thía, nó sâu sắc nhưng ngọt ngào, thúc giục người hưởng thụ từ nhận thức đến hành động… Điều này thì những kẻ độc tài toàn trị hiểu rõ hơn ai hết! Bởi thế ngay từ lúc ra đời các đảng trưởng vô (học) sản của họ đã đề ra “TRÍ, PHÚ, ĐỊA, HÀO ĐÀO TẬN GỐC TRỐC TẬN RỄ. Bởi thế Mao mới ví TRÍ THỨC LÀ NHỮNG CỤC PHÂN và làm cách mạng văn hóa triệt tiêu mọi xu hướng văn học nghệ thuật không chịu làm công cụ của Đảng. Chẳng thế mà ở Việt Nam, mọi trí thức, văn nghệ do thực dân Pháp đào tạo gần như bị tiêu diệt sạch sành sanh để nhừờng chỗ cho một lô một lốc những giáo sư-tiến sỹ do đảng đào tạo và sắc phong để kịp thời thay thế! Tất cả những ai không chịu biến mình thành công cụ, thành vũ khí đấu tranh của đảng mà viết lách khác đi thì là đối tượng nguy hiểm cần “chuyên chính” kịp thời, bằng mọi biện pháp từ củ cà rốt đến cây gậy và cuối cùng là….hai còng số 8! Nguyễn quang Lập thuộc loại đối tượng nguy hiểm đó! Mình đã nhận định như sau với nhiều bạn bè: “Một Nguyễn Công Hoan thế hệ mới đã ra đời”! Nếu Nguyễn Công Hoan là một nhà văn đã đặt bút là đều nhằm tới việc đả kích một chính sách, một chủ trương, một tình trạng bất công, hư hỏng của xã hội, thậm chí đánh thẳng vào chế độ, chính sách của thực dân Pháp…(Các bạn trẻ hãy gõ vào google để đọc những “Kiếp hồng nhan”, “Oẳn tà roằn”, “Ngựa người, người ngựa”..”Tinh thần thể thao” chứ chưa nói đến tiểu thuyết dài như ”Bước đường cùng”, “Lá ngọc cành vàng”....) thì Nguyễn Quang Lập còn hiện thực phê phán cay độc, mạnh mẽ và thâm sâu hơn, độc đáo hơn ở văn phong chưa từng thấy trên văn đàn Việt. Anh là người đi đầu trong nghệ thuật “chuyển văn nói một địa phương trở thành văn viết” mà không hề làm người đọc ngỡ ngàng mà chỉ có thích thú về một tìm hiểu mới, nhờ sáng tạo mới về cái đẹp trong văn chương mới của tác giả! Chỉ cần đọc đoạn kết của “chuyện vớ vẩn” sẽ thấy: Tác giả muốn cái gì và đã sáng tạo thế nào để chuyển tải “cái muốn của mình” đến người đọc đề người đọc cùng....suy nghĩ..Không thể hạ thấp văn anh biểu tượng 2 mặt (equivoque) vì anh đã nói thẳng ruột ngựa, không ngại dùng cả những từ tục tĩu nhất để nói lên cái sự thật trần truồng vưa bi vừa hài của một điều thấp hèn nhất nhưng luôn được bọc kỹ trong những ngôn từ cao sang nhất….Và chỉ thế thôi! Đánh giá thế nào, nhìn nhận câu chuyện xẩy ra, nên đối xử thế nào với sự thật đó thì….anh nhường cho người đọc! (Xóm gái hoang) Và sau đây là những gì anh tóm tắt về cái nghề và cái nghiệp, nghiệp viết văn của anh trong đoạn kết của “Chuyện vớ vẩn”: “Mình quá ngạc nhiên, toàn là chuyện mình bịa ra cả sao ai cũng khăng là mình đang viết họ. Ba mình hỏi: con nói thật ba nghe: con có ám chỉ họ không. Mình nói không. Họ đâu phải thần tượng để con đánh đổ. Nếu ghét thì con nói thẳng ra, họ là cái gì mà con phải úp mở, ám chỉ. Hơn nữa 6, 7 năm sống ở cái xóm ấy, họ là người lớn, không hề nạt nộ đánh đập con, chưa kể thỉnh thoảng còn cho quà, ngu gì con đi ám chỉ họ. Ba mình nói rứa thì vì răng, mình nói con chịu. Mạ mình nói thôi thôi đi chữa đài, ti vi cũng kiếm được tiền, viết lách làm cái chi, ngu. Ba mình nói mạ mi nói hay, trời bắt viết thì phải viết chớ, ai muốn. Mạ mình nói rứa thì viết mèo chó lợn gà, đừng có viết người, cực lắm” Theo mình, chỉ một câu cuối này của “Chuyện vớ vẩn” thôi, Quang Lập đã vượt thầy tôi (Nguyễn công Hoan) vì Thầy Hoan tôi, đến cuối đời cũng không bị Tây hoặc Ta bắt (vì “Đống rác cũ” lúc cuối đời thầy bị bọn chỉ điềm văn nghệ cho là “biểu tượng 2 mặt” nên bị thu hồi tác phẩm và bị đem đi nghiền nát thành bột giấy. Còn Quang Lập thì...là một nhà văn ra văn thì bị nhập kho với những tội sẽ chắc chắn không phải văn học mà là.. “nói xấu, tuyên truyền chống phá đảng-nhà nước” do đã có sẵn cái bẫy 88 gọi là luật! Thôi thì đằng nào Lập mà tôi cảm phục, yêu quí hơn cả con mình (Lập bằng tuổi con thứ 2 của tôi) đã bị chính thức đối diện với… 3 đến 20 năm tù theo điều luật 88 rồi, tôi không còn sợ cái “dớp” tôi khen ai thì người ấy khốn lịn nữa mà viết vài dòng với mục đích -nói cho rõ cái ý của ai đó cho là văn chương Lập “hiền lành”, “ôn hòa” “ý tứ”, ”có ý định chống đảng, chính phủ gì đâu” (như nhà thơ X, nhà văn Y chống gì, chống ai đều nói toạc móng heo) mà nỡ bắt anh…là hơi đánh giá thấp một nhà văn thực tâm, thực tài, hiếm có trong cái xã hội hiện nay… -Bày tỏ ước vọng sao cho có nhiều nhà văn trẻ có được cái đầu và trái tim như Lập để… xin lỗi! không còn tình trạng chỉ có đơn độc một nhà văn Nguyễn Quang Lập nhâp kho nữa! Nói trắng ra là mình ước sao có 100 nhà văn được liệt vào danh sách “phải bắt” thì mới mong ….không nhà văn nào bị bắt nữa vì tội viết văn hay. Còn như hiện nay, mấy ngàn nhà văn chưa ai vào tù như Quang Lập cả mà đề ra “Chỗ của nhà văn không phải là nhà tù” thì “người ta” sẽ dễ cãi là: Cả mấy ngàn nhà văn có ai ở tù đâu, ngoài Quang Lập! Tất cả đều đang được tự do, thoải mái, thậm chí khối người còn giầu có, nhà cao cửa rộng, lên xe, xuống ngựa là đằng khác ấy chứ! Cho nên, xin phép bổ xung vào câu “Chỗ của nhà văn không phải là nhà tù” của Ô-sin HĐ 2 chữ “chân chính” hoặc sáu chữ: “dám đứng về phía nhân dân” …Cụ thể như sau: CHỖ CỦA NHÀ VĂN CHÂN CHÍNH KHÔNG PHẢI LÀ NHÀ TÙ” hoặc CHỖ CỦA NHÀ VĂN DÁM ĐỨNG VỀ PHÍA NHÂN DÂN KHÔNG PHẢI LÀ NHÀ TÙ! Hoặc cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa: KHÔNG ĐƯỢC BỎ TÙ NHỮNG NHÀ VĂN CHÂN CHÍNH! Mong rằng các nhà văn, nhất là các nhà ca-nhạc-sỹ chuyên “sống ngoài chính trị” hoặc chuyên ngợi ca chế độ, nên không lo gì đến chuyện nhập kho cùng Quang Lập, có đọc phải những dòng nay thì đừng động lòng mà chửi “cái lão già này lại giở trò kích động mình đi vào con đường phản động của lão Quê Choa đây”! Không đâu!còn lâu các vị mới được liệt vào loại tôi cảm phục! Và tôi không cảm phục thì các vị cứ việc tha hồ tung hoành tự do, thoải mái trên chợ trời văn nghệ xã nghĩa! Theo to-hai.blogspot.de
......

Vì ai mà nước Nga khốn đốn?

Sau khi cho sáp nhập Crimea, ông Vladimir Putin nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân Nga. Mới cách đây chỉ khoảng hai tháng, theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Levada ở Moscow, có đến 88% người Nga được hỏi tín nhiệm ông. Nhận về Crimea nay không còn là niềm vui cho dân Nga Nhưng nay mọi chuyện đã khác. Crimea không còn là điều để người dân Nga vui mừng. Mối bận tâm của họ lúc này là làm sao đối phó với những khốn đốn vì giá cả tăng vọt, đồng rúp mất giá. Đối diện với những khó khăn ấy – như Lev Gudkov, người đứng đầu Trung tâm Levada nhận định, được tạp chí Time trích dẫn hôm 16/12/2004 – họ không còn mặn mà với những hành động của ông tại Crimea và Ukraine và sẽ quay lưng lại với ông. Có thể chính ông Putin cũng nhận ra rằng ông đang phải trả giá cho những hành động kiêu căng, toan tính sai lầm của mình ở Crimea và Ukraine. Chiếm được Crimea, nhưng ông và nước Nga lại mất nhiều thứ khác. Kinh tế trượt dốc Là một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào việc xuất khẩu dầu khí (chiếm đến 68% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga năm 2013), giá dầu quốc tế sụt giảm kỷ lục trong những tháng qua đã tác động xấu lên nền kinh tế Nga. Nhưng có thể nói việc ông bất chấp luật pháp quốc tế sáp nhập Crimea và gây bất ổn tại miền Đông Ukraine là yếu tố quan trọng đưa đẩy nền kinh tế Nga đến tình trạng điêu đứng ngày hôm nay. Nghĩ rằng mình có nhiều dầu khí, các nước châu Âu lại cần đến nguồn năng lượng từ Nga và vì vậy không dám có các biện pháp cứng rắn với Moscow, ông Putin đã phớt lờ những kêu gọi, chỉ trích, đe dọa từ các nước châu Âu và Mỹ. Ông đã cho quân vào Crimea và thôn tính vùng tự trị này của Ukraine. Không chỉ truyền thông và người dân Nga mà một vài tờ báo ở Việt Nam như Tiền Phong cũng khen ngợi hành động đó của ông, cho rằng ông đã thắng các nước phương Tây ‘trong trận chiến Crimea, rộng hơn là Ukraine’.   Báo Việt Nam từng khen 'trận pháp' của ông Putin có thể làm Phương Tây 'mẻ trán' Bài viết có tựa đề ‘Trận pháp Putin’ của Tiền Phong còn cho rằng trừng phạt kinh tế nếu làm Nga “vỡ đầu” thì nó cũng làm phương Tây “mẻ trán”. Nhưng ông và những người ủng hộ ông đã toan tính sai. Các nước châu Âu – đặc biệt Đức, một nước thường được coi là đồng minh của Nga trong Liên hiệp châu Âu (EU) – đã quyết định tiến hành hàng loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Và đến giờ, chưa rõ các nước EU có ‘mẻ trán’ hay không, lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây tiến hành đối với những người thân cận của ông Putin và nhiều lĩnh vực kinh tế khác của Nga – như tài chính, ngân hàng, năng lượng – đã và đang làm họ và nền kinh tế Nga nói chung ‘vỡ đầu’. Hơn nữa, sự trừng phạt đó của các nước phương Tây cũng trói buộc ông Putin và giới lãnh đạo Nga, khiến họ khó tìm được một giải pháp, liều thuốc linh nghiệm nào để chữa lành vết thương càng ngày càng nghiêm trọng của kinh tế Nga. Chẳng hạn, dù đã tìm mọi cách – trong đó có việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng mạnh lãi suất – để nhằm bảo vệ đồng rúp, ngăn chặn lạm phát, đồng tiên Nga cứ tiếp tục mất giá, làm phát cứ leo thang. Như tựa đề của bài viết ‘Putin Can’t Bully or Bomb a Recession’ trên tờ Daily Beast hôm 16/12, ông Putin có thể dùng sức mạnh quân sự ngạo mạn thách thức phương Tây, đe dọa, lấn chiếm các nước láng giềng, ông không thể dùng ‘bom’ chấm dứt sự khốn đốn kinh tế – thậm chí nguy cơ suy thoái, khủng hoảng kinh tế – mà nước Nga đang phải đối diện. Không chỉ nền kinh tế Nga mà ngay cả bản thân ông Putin cũng đang phải đương đầu với không ít khó khăn. Minh họa cho bài viết có tựa đề ‘Russia: A wounded economy’ trên The Economist hôm 22/11/2014, là một con gấu nâu đang lủi thủi, nặng nề lê bước trên tuyết và càng đi, nó càng để lại sau đó nhiều dấu chân thấm máu. Hình ảnh đó mô tả khá rõ không chỉ sự khốn đốn của kinh tế Nga hiện tại mà còn cả sự đơn độc, thất bại và nhiều vết thương khác mà ông Putin đang phải chịu đựng. Mất nhiều thứ khác Trong những năm qua, ông Putin nhận được sự ủng hộ của người giới tài phiệt và người dân Nga chỉ vì kinh tế Nga phát triển, họ kiếm được nhiều tiền, đời sống của họ được cải thiện.   Nhưng với việc đồng rúp mất giá kỷ lục (thấp nhất kể từ năm 1998 – khi Nga khủng hoảng tài chính), giờ mọi chuyện trở nên khốn đốn với giới kinh doanh và người dân Nga.   Một bài viết của Ivana Kottasova đăng trên CNN Money hôm 16/12/2014 cho rằng trong năm 2014, giới thân hữu tài phiệt của ông Putin đã mất hơn 50 tỷ USD. Khi kinh doanh thua lỗ, cuộc sống bấp bênh, người Nga sẽ không còn tín nhiệm ông Putin và quay lưng lại với ông. Trong bài ‘Putin watches Russian economy collapse along with his stature’ trên tạp chí Time hôm 16/12/2014, Simon Shuster cho rằng không chỉ kinh tế Nga đang suy sụp mà hình tượng của ông Putin cũng đang dần dần sụp đổ. Tương tự một bài viết Timothy Heritage của Reuters hôm 17/12/2014 cũng cho rằng cuộc khủng hoảng đồng rúp hiện tại có thể làm lung lay quyền lực của ông Putin. Trên phương diện quốc tế, ông Putin bị cô lập, coi thường. Không lâu sau khi can thiệp vào Crimea, Nga đã bị loại khỏi nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu. Vào những cuộc gặp quan trọng – như tại Thượng đỉnh G20, Brisbane, Úc mới đây – ông Putin bị các lãnh đạo phương Tây né tránh hay công khai chỉ trích. Là một người độc đoán và tham quyền, nhưng luôn tỏ vẻ dân chủ và luôn tìm mọi cách để đánh bóng tên tuổi, củng cố vị thế, tính chính danh của mình, chắc chắn ông Putin cảm thấy khó chịu, mất mặt khi bị coi thường, khinh rẻ như vậy. Sự chao đảo về kinh tế hiện tại của Nga cũng có thể đe dọa sự tồn tại của Liên minh kinh tế Âu-Á (Eurasian Economic Union, EEU) non trẻ mà Nga mới ký kết với Belarus và Kazakhstan vào tháng Năm năm nay. Là người coi sự sụp đổ của Đế chế Nga và chuyện Liên Xô tan rã là hai thảm họa của thế kỷ 20, ông Putin luôn có tham vọng thiết lập một khối các quốc gia Á-Âu chịu sự kiểm soát của Moscow giống như Liên Xô trước đây. EEU – một dự án mà ông theo đuổi từ nhiều năm nay – được coi là bước đầu để ông thực hiện tham vọng ấy. Trước đây Ukraine được coi là nền tảng để Nga thiết lập EEU. Sau khi Nga thôn tính Crimea và gây bất ổn ở miền Đông Ukraine, việc Kiev quay trở lại quỹ đạo của Nga giờ càng xa vời. Thực ra ngay từ khi thành lập, giới nghiên cứu đều cho rằng EEU sẽ rất khó – nếu không muốn nói là không thể thành công – vì EEU được xây trên nền tảng không bền vững.   Ngoài việc tìm cách thiết lập, mở rộng EEU, từ năm 2013 Nga còn muốn xúc tiến các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh thuế quan (CU) và Ấn Độ, Mông Cổ, New Zealand, Israel và Việt Nam. Nhưng theo Stanislav Secrieru, các cuộc thương thảo FTA giữa CU và các nước này chẳng có tiến bộ gì nhiều. New Zealand đã ngừng đàm phán với CU sau khi Nga thôn tính Crimea. Được biết hôm 15/12/2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán FTA với Liên minh thuế quan (CU) và dự kiến sẽ tiến hành ký kết FTA với EEC (Eurasian Economic Commission) do Nga đứng đầu vào đầu năm tới. Nhưng trong bối cảnh CU and EEC còn non yếu, có nguy cơ thất bại và Nga phải đối diện với khủng hoảng kinh tế, không biết hiệp định này có được áp dụng và mang lợi gì cho Việt Nam hay không? Riêng đối với ông Putin, trước sự khốn đốn của kinh tế Nga và trong tình cảnh ông bị Mỹ và các nước phương Tây khác cô lập, trừng phạt, có thể nói từ khi lên nắm quyền vào năm 2000, chưa bao giờ ông phải đối diện nhiều nhiều khó khăn như ngày hôm nay.   Tại ông mọi đàng? Trong bài diễn văn trước Quốc hội Nga hôm 04/12/2014 và trong cuộc gặp báo chí quốc tế hôm nay (18/12/2014), ông Putin cho rằng Mỹ và các nước phương Tây luôn tìm cách kìm kẹp, muốn tiêu diệt Nga, và việc Nga can thiệp vào Ukraine chỉ là cái cớ để họ làm điều đó. Nhưng như bài ‘Putin’s people’ trên The Economist hôm 13/12/2014, cách nói đó của ông Putin không còn thuyết phục người dân Nga và họ cũng cảm thấy chán khi nghe mãi những điều đó.   Không biết hiệp định tự do với Liên minh thuế quan của Nga làm lợi gì cho Việt Nam hay không? Khi loan báo có thêm những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga hôm 16/12/2014, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh rằng sự rối loạn kinh tế hiện tại của Nga hoàn toàn do ông Putin gây nên. Và có thể, hơn ai hết, ông cũng hiểu rằng chính ông – hay chính những hành động của ông đã đẩy nước Nga vào tình cảnh cô lập, bế tắc và khốn đốn hôm nay. Bài ‘A Wounded Economy’ trên trang The Economist viết ông Putin cũng phải hiểu rằng ông phải trả giá cho những hành động của mình. Xâm chiếm một quốc gia khác, thế giới sẽ có hành động chống lại ông. Bài viết ấy cũng cho rằng nếu ông biết dành thời gian củng cố nền kinh tế Nga, thay vì chỉ đi lo làm giàu cho người thân, bạn bè của mình, ông Puttin không yếu thế như vậy ngày hôm nay. Đ.X.L.   Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese
......

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời ở Hải Phòng

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, cho Đài Á Châu Tự Do biết: “Nhà tôi bị bệnh khối u ở phổi bây giờ nó di căn sang xương, nó đau xương lắm. Nhà tôi mất vào lúc 6 giờ 15 sáng ngày hôm nay 18 tháng 12. Ông ấy đau đớn làm ạ, nằm không yên không ngồi được. 10 giờ sáng mai thì liệm rồi 10 giờ sáng ngày kia sẽ đưa chôn, không hỏa táng”.   Nạn nhân “Xét Lại Chống Đảng” Nhà văn Bùi Ngọc Tấn là một trong những nạn nhân của vụ án “Xét Lại Chống Đảng” và phải ngồi tù 5 năm trời. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn courtesy BuiNgocTan's blog Sau khi ra tù ông đã được “tẩy oan” và sau đó xuất bản tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000.   Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Quê ông ở làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954. Trước khi viết văn, ông là phóng viên báo Tiền Phong ở Hà Nội, viết với bút danh Tân Sắc. Chuyện Kể Năm 2000 “Chuyện Kể Năm 2000” là một quyển sách nổi tiếng của Bùi Ngọc Tấn đã được dịch ra các ngôn ngữ Anh, Đức và Pháp.   Trong 600 trang sách của tác phẩm này Bùi Ngọc Tấn đã mô tả một trí thức bị chính quyền trấn áp và bắt giam cho thấy bộ mặt thật của guồng máy cai trị. Chính vì vậy Hà Nội đã lập tức ngăn chặn, tịch thu toàn bộ cuốn sách ngay sau khi nó ra mắt vài ngày tại Việt Nam. Bùi Ngọc Tấn đã nhận được nhiều giải thưởng của các tờ báo trong nước. Bên cạnh sự nổi tiếng của “Chuyện Kể Năm 2000”, ông cũng nhận được Giải Henri Queffenlec của Pháp vào năm 2012 cho tác phẩm “Biển Và Chim Bói Cá”. Theo rfa.org
......

NGUYÊN THỦ BẠC NHƯỢC

Nguyễn Phú Trọng, TBT đảng csvn người được công dân trong nước đặt cho biệt hiệu vua Lú vì những phát ngôn không xứng tầm nguyên thủ của mình đã có phát ngôn mới khi làm việc với cử tri thủ đô Hà Nội.   Trích: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Biển Đông là vấn đề rất lớn, Bộ Chính trị, Trung ương chỉ đạo rất chặt chẽ. Riêng trong thời gian TQ hạ đặt giàn khoan, Bộ Chính trị liên tục họp cho ý kiến, phối hợp nhiều biện pháp tổng hợp từ chính trị, trên thực địa, báo chí, tuyên truyền, ngoại giao... để đấu tranh. Kết quả TQ rút giàn khoan sớm.   "Tôi đã nhiều lần nói ta với TQ là láng giềng, phải ăn đời ở kiếp với nhau, xúc đất đổ đi được không? Ta giữ được độc lập chủ quyền, nhưng cũng phải giữ cho được chế độ, bảo đảm cho được Đảng lãnh đạo, môi trường hòa bình ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, giữ cho được quan hệ hòa hiếu với các nước, trong đó có TQ", Tổng bí thư nói. "Hay nói cứng chỉ một vế thôi? Việc lợi dụng kích động biểu tình đập phá, hình ảnh VN còn tốt được không? May mà ta đã xử lý kiên quyết. Phải rất bình tĩnh, tỉnh táo, khôn khéo, có hiệu quả, nóng mắt lên là nguy hiểm. Thực tế vừa rồi các nước cũng đánh giá cao cách xử lý của ta, mềm dẻo, khôn khéo, vẫn giữ được quan hệ, và còn phải lâu dài chứ không phải chỉ một trận là xong", ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "yêu nước nhưng phải đúng mức".   Tổng bí thư cũng lưu ý rằng các đối tượng xấu rất muốn kích động tình hình trong nước ta, đặc biệt là tư tưởng bài nước này, chống nước kia. [*] Thật là hài hước cho bộ óc của một nguyên thủ thảo nào nước VN không xuống hố mới là lạ !   Sự kiện TC đem giàn khoan đến thềm lục địa VN mà cụ thể là giàn khoan HD981 người dân thấy rõ sự lúng túng và đớn hèn của tập đoàn csvn, từ tên TBT suốt ngày nhai đi nhai lại 16 chữ vàng 4 tốt cho đến tên đại tướng mặt lợn Phùng quang Thanh kiên định lập trường bạn,ta,thề quyết không hai lòng vớin đất mẹ mẫu quốc. Cả triều đình nhà sản chỉ biết la làng, hô hào quốc tế can thiệp, các chiếc tàu cảnh sán biển VN chỉ có một việc là ra khơi đấu khẩu với những văn phong đầu đường xó chợ với tàu TC,đáp lại là sự trả lời kiên định của bọn giặc với lý do tên thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Công Hàm 1958 công nhận, mặc nhiên với giấy trắng mực đen đây rõ ràng đã là vùng biển mà csvn đồng thuận cống nạp cho thiên triều hẵn hoi ! Sau nhiều cố gắng lobby với thế giới và cụ thể là Mỹ một quốc gia có uy lực quân sự đứng đầu hành tinh lên tiếng cảnh cáo thì TC mới chịu rút giàn khoan ra khỏi vùng biển VN, giới chóp bu cầm quyền vẫn không nhận thấy cái nhục nhã đớn hèn của mình và lại tiếp tục tự hào là do chúng ta đấu tranh trên mọi mặt trận mới được như vậy ! "Tôi đã nhiều lần nói ta với TQ là láng giềng, phải ăn đời ở kiếp với nhau, xúc đất đổ đi được không? Ta giữ được độc lập chủ quyền, nhưng cũng phải giữ cho được chế độ, bảo đảm cho được Đảng lãnh đạo, môi trường hòa bình ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, giữ cho được quan hệ hòa hiếu với các nước, trong đó có TQ" Chỉ một câu phát biểu ngắn ngủi như thế này chúng ta cũng có thể hiểu được cái tâm lý khiếp sợ nước lớn, thần phục thiên triều không điều kiện của một quốc gia nhược tiểu. Thời đại ngày nay là thế kỷ 21, không phải cứ láng giềng là nước lớn mà VN phải nhịn nhục, đó là do cái chế độ độc tài cs truyền đời đều do TC dựng lên và không một ai trong số chóp bu lãnh đạo quốc gia có thể thoát khỏi vòng cương tỏa của Trung Nam Hải, nếu suy nghĩ như Nguyễn Phú Trọng thì VN cần gì phải mua tàu ngầm Kilo, phi đội máy bay hiện đại, trang bị vũ khí làm gì khi tâm hồn bạc nhược hèn hạ và làm hao tiền tốn của người dân? Chỉ riêng VN mới có cách hành xử thiếu khôn ngoan như vậy, các quốc gia tranh chấp khác với TC như Phillipines, Đài Loan đều có câu trả lời cứng rắn nhằm răn đe bọn cướp biển, kết cục bọn chúng đều co vòi không dám héo lánh. Còn tại VN với lối cai trị hèn với giặc ác với dân, cõng rắn cắn gà nhà, tập đoàn csvn đã rước chúng vào khắp VN, từ tam giác Việt Miên Lào với Nguyễn Tấn Dũng, Hà Tĩnh với Hoàng Trung Hải, mỏ Bô xít, Nhân cơ Bảo Lộc, khu phố mới Bình Dương giặc đã hiện diện tại VN khắp hang cùng ngõ hẽm mà không hề tốn một viên đạn. Chúng đang thi hành kế hoạch đầu độc con người VN nhằm tận diệt một dân tộc và sát nhập vào nước mẹ Trung Cộng, tất nhiên kế hoạch của bọn chúng sẽ được sự giúp sức tận tình của triều đình csvn, một bọn Trần Ích Tắc, Lê chiêu Thống thời đại vì với tâm lý tham quyền cố vị chúng luôn muốn độc quyền điều hành quốc nhằm ăn trên ngồi trốc, nói một cách khác như Dương Khiết Trì đã phát biểu: "Cộng sản vn chỉ là một bọn con hoang, chúng sẵn sàng bán cả Tổ Quốc Việt Nam cho giặc nếu điều đó là có lợi." "Ta giữ được độc lập chủ quyền, nhưng cũng phải giữ cho được chế độ, bảo đảm cho được Đảng lãnh đạo, môi trường hòa bình ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, giữ cho được quan hệ hòa hiếu với các nước, trong đó có TQ"   Với phát ngôn trên Nguyễn Phú Trọng đã lộ rõ dã tâm độc tài với tâm lý chiếm hữu. Đảng là cái gì mà giành quyền lãnh đạo đất nước ? Họ chỉ là một nhúm nhỏ 3 triệu người trong lòng dân tộc 90 triệu, họ giành quyền lãnh đạo quốc gia không thông qua cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử nghiêm minh, dựa vào bạo lực để mà tồn tại. Kết quả là cả một tập đoàn csvn đã trở thành những tên kiêu binh thời vua Lê chúa Trịnh, chúng phá nát giang sơn tiền nhân để lại, chúng tham nhũng hầu hết mọi lĩnh vực trong xã hội mà không phải chịu bất cứ hình phạt nào. Và quan trọng hơn hết cái đảng khốn nạn mang danh csvn đã đem nước Việt Nam đến bảng đội sổ sắp hạng của thế giới trong đó không thể không kể đến nền tảng xã hội, giá trị đạo đức đã bị bọn chúng cào bằng và xóa sổ do đó tại Việt Nam hôm nay hầu như đại bộ phận con người đều sống theo bản năng mà xem nhẹ phần lý trí. Nước Việt Nam cần phải có một cuộc cách mạng để xóa sổ cái đảng csvn, xóa sạch những hậu quả nặng nề và tàn dư mà bọn chúng đem lại cho quê hương, từ đó mới có thể có những giá trị Tự Do, Dân Chủ và Nhân quyền mà người dân các quốc gia khác đang thừa hưởng.   Còn nếu không mãi mãi nước Việt Nam sẽ tiếp tục ngày càng tăm tối ! Nguyên Anh Theo Trí Nhân Media
......

Dr. Ernst Albrecht, der Freund der Bootsflüchtlinge, ist gestorben

Nachruf von Dr. Rupert Neudeck  (14.12.2014) Ernst Albrecht, der am 12. Dezember im Alter von 84 Jahren gestorben ist, war der einzige Politiker in der Nachkriegsgeschichte Deutschlands, der sich einer verfolgten Bevölkerung, den vietnamesischen Bootsflüchtlingen annahm. Wir haben ihn bei der gemeinsamen Rettungsarbeit schätzen gelernt. Weil er anders als sonstige zuständige Ministerpräsidenten und Ministeriale sich direkt leiten ließ von der Möglichkeit, als Chef eines deutschen Bundeslandes mehr zu tun, als die mühseligen politischen und publizistischen Debatten dann später zuließen. Eine Gruppe von Deutschen wird die Nachricht mit besonders großer Bestürzung und Trauer empfinden: die Deutschen vietnamesischer Abstammung. Er nahm schon einige Monate vor der Begründung der Idee eines deutschen Rettungsschiffes tausend Vietnamesen auf. Sie waren damals zusammengepfercht auf einem chinesischen Schiff, der Hai Hong, einem klassischen Schleuserschiff. Dieses Schiff lief jeden Hafen am Süd-Chinesischen Meer an, um diese Last von verzweifelten Flüchtlingen loszuwerden: Vergeblich. Da wurde Ernst Albrecht darüber informiert, dass er mit einer Entscheidung ohne den Bund zu fragen, tausend Menschen aufnehmen könne. 2008 sahen wir bei der Feier der dreißig jährigen Wiederkehr des Tages den schon gesundheitlich angeschlagenen Ernst Albrecht noch einmal in großer Freude. Er hat in den Jahren bis 1985 den Verantwortlichen von Cap Anamur immer bewiesen, dass Politik nicht nur genehmigen und zulassen, sondern sich auch aktiv an Rettung von Menschen beteiligen kann. Er nahm meist mehr auf, als Niedersachsen aufnehmen und akzeptieren musste. An einem Sonntag lud er uns 1981 nach Hannover Beinhorn in sein Haus ein, um sich ein Bild von den Rettungsaktionen an Bord der Cap Anamur zu machen. Anwesend war der langjährige Schiffsarzt Dr. Franz König, der große Freund und Mitkämpfer bei diesen Aktionen im Fernsehen, Franz Alt und ich selbst. Ich habe in 35 Jahren niemals einen Großpolitiker erlebt, der sich so für die Menschen und die Bedingungen ihrer Gefährdung durch Piraterie, Vergewaltigung und die sonstigen Gefahren des Meeres interessierte und sich kümmerte wie eben jener Dr. Ernst Abrecht. Dr. Albrecht đón tiếp người Việt tị nạn tại Hannover Ich habe ihn vor anderthalb Jahren noch einmal gesehen in dem Haus in Hannover Beinhorn, das jetzt von seiner Tochter geführt wurde, Ursula von der Leyen. Er freute sich über den Besuch, bei dem Wort Vietnamesen schien er etwas zu ahnen. Einige Vietnamesen haben ihren Retter noch besucht. Das Andenken an Ernst Albrecht ist nicht nur museal. Es wäre gut, wenn es jemanden gäbe, der in ähnlicher Menschen-rettender Beherztheit sich der Not und Tragik von – sagen wir tausend oder fünftausend Menschen für sein Bundesland annehmen würde. Wie das gehen soll? Es gibt eine Geschichte, die dazu aus dem Anlaß des Todes von Ernst Albrecht wert ist, noch einmal für unsere Tage bekannt zu werden. Er hatte der Cap Anamur wieder Plätze zugesagt, mehr als er und das Bundesland auf Grund des Verteilerschlüssels geben musste. Er gab das in der Kabinettsrunde bekannt. Daraufhin schrieb sein damaliger Innenminister Möcklinghoff auf einen Zettel: „Ich habe aber keine Plätze. Möcklinghoff“ und reichte den Zettel zu dem Ministerpräsidenten durch. Albrecht sah kurz auf den Zettel und schrieb mit gleicher Klarheit: „Dann machen Sie welche. Albrecht!“. Dr. Albrecht và con gái Ursula von der Leyen Das ist immer noch ein Vermächtnis, das auf einen Nachfolger wartet, liebe deutsche Ministerpräsidentinnen und Ministerpräsidenten! Hunc meminisse iuvabit. Es wird uns bei den Kämpfen für mehr Plätze für Syrer, Iraker, Jeziden, Eriträer, Christen, Kurden usw. helfen, uns an Ernst Albrecht zu erinnern. Rupert Neudeck ********************* Dr. Ernst Albrecht, người đã qua đời vào ngày 12 tháng 12 ở tuổi 84 năm, là chính trị gia duy nhất trong lịch sử sau chiến tranh của Đức, đã thâu nhận những nạn nhân bị truy nã : những thuyền nhân Việt Nam. Chúng tôi đã học được từ ông qua việc đánh giá cao các công tác cứu người. Bởi vì ông không giống như những vị Thống đốc và các bộ khác, nhưng với tư cách là người đứng đầu của một chính quyền tiểu bang Đức, ông đã trực tiếp điều hành, bắt nắm mọi cơ hội, thay vì phải tranh luận chính trị và báo chí một cách "nhọc nhằn", để rồi sau đó mới bắt tay vào việc. Một nhóm người Đức đã thật sửng sốt và rất đau buồn khi nhận được hung tin trên: đó là những người Đức gốc Việt. Tiến sĩ (Ts) Albrecht đã thâu nhận hàng ngàn người Việt một vài tháng trước khi các ý tưởng về một con tàu của Đức đi cứu vớt thuyền nhân được thành hình . Họ bị nhồi nhét trong một con tàu của người Hoa mang tên"Hải Hồng", một tàu buôn lậu cổ điển. Con tàu này đã ghé đến từng hải cảng trong vùng Biển Đông để mong sao những con người tỵ nạn đang trong cơn tuyệt vọng này có thể xuống được bến bờ: không một nơi nào muốn tiếp nhận họ. Ts Ernst Albrecht được thông báo về điều này và ông đã có một quyết định mà không thông qua chính quyền liên bang: đó là thâu nhận ngay một ngàn thuyền nhân Việt Nam. Năm 2008 chúng tôi đã gặp lại ông trong buổi lễ kỷ niệm ba mươi năm, gặp lại trong niềm vui lớn nhưng thấy lúc đó Ts Ernst Albrecht đã ốm yếu. Trong những năm cho đến 1985 ông ta là người luôn chứng minh cho những vị phụ trách Cap Anamur rằng, chính trị không phải chỉ phê duyệt và ủy quyền, nhưng cũng có thể tích cực tham gia cứu người . Ông thường thâu nhận nhiều hơn số lượng tiểu bang Niedersachsen ( Lower Saxony) được phép thâu nhận và phải chấp nhận. Một ngày Chúa Nhật vào năm 1981, ông mời chúng tôi đến nhà của ông tại Beinhorn Hannover để có được một cái nhìn tổng quát về các hoạt động cứu người trên tàu Cap Anamur. Hiện diện có bác sĩ phẫu thuật lâu năm Franz Koenig, một người bạn thân thiết và cũng là một đồng đội trên truyền hình là Franz Alt và bản thân tôi . Trong suốt 35 năm qua tôi (ghi chú thêm ý nói Ts Neudeck !) chưa từng thấy một chính trị gia lớn (tên tuổi) nào lại quá quan tâm đến tha nhân cũng như những hiểm nguy mà họ gặp phải như cướp biển, hãm hiếp và những nguy hiểm khác trên biển cả như là Tiến sĩ Ernst Abrecht. Cách đây một năm rưỡi tôi đã gặp ông tại tư gia của ông tại Beinhorn/Hanover, mà bây giờ đã được con gái của ông là bà Ursula von der Leyen dọn về. Ông tỏ vẻ hài lòng với chuyến viếng thăm này. Khi nhắc đến chữ „Người Việt Nam“ tôi thấy trong ông tỏ ra có cái gì xao xuyến. Một số thuyền nhân Việt Nam cũng đã đến thăm vị Ân Nhân từng cứu sống họ. Trí nhớ của TS Ernst Albrecht không chỉ là một bảo tàng. Nó sẽ thật là quý báu nếu có một người nào đó, một con người tương tự như thế có được lòng can đảm để cứu giúp những ai đang lâm vào hoàn cảnh hiểm nghèo và hoạn nạn - chúng ta phải nói là có thể thâu nhận một ngàn hay năm ngàn người cho tiểu bang của ông. Làm thế nào xảy ra điều đó?. Có một câu chuyện rất có giá trị nhân cái chết của Ts Ernst Albrecht, mà chúng ta một lần nữa cần phải biết đến. Ông Albrecht đã từng có những cam kết với Ủy Ban Cap Anamur là sẽ thâu nhận nhiều chỗ hơn, nhiều hơn những gì mà chính ông và chính quyền Liên bang đã cùng thảo luận trên cơ sở "chìa khóa phân phối !". Ông đã thông báo cho biết như thế trong những buổi họp nội các chính phủ tiểu bang của mình. Cựu Bộ trưởng Nội vụ của ông lúc bấy giờ là ông Moecklinghoff đã viết trên một mảnh giấy rằng: "nhưng tôi không có chỗ - Moecklinghoff " và trao mảnh giấy này đến vị Thống đốc tiểu bang. Ông Albrecht liếc nhanh vào mảnh giấy rồi viết trả lời một cách rõ ràng rằng: "Thì anh hãy tạo ra chỗ đi – Albrecht !“(ghi chú thêm : ý nói nâng thêm chỗ để thâu nhận thuyền nhân Việt vào nước Đức). Điều này vẫn luôn luôn còn là một di sản, mà người ta đang chờ đợi người nối tiếp, các quý vị Nữ Thống đốc và Thống đốc yêu quý! ***************** Lê-Ngọc Châu chuyển ngữ, bản tiếng Đức đính kèm do đại diện Cap Anamur riêng gởi_Nam Đức, chiều ngày 16.12.2014) Theo ông Nguyễn hữu Huấn (Ủy Ban Cap Anamur) cho biết: Lễ an táng sẽ được tổ chức ngày 19.12.2014 trong vòng gia đình. Nghi lễ truy điệu của chính phủ sẽ được tổ chức ngày 22.12.2014 vào lúc 14:00 giờ tại đại hý viện thành phố Hannover với sự tham dự của chính giới liên bang và tiểu bang Đức và các vị khách mời, trong đó có một số người Việt tỵ nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức.  
......

Trước hết là từ những cái đầu

(Tùy bút - giới thiệu sách: Đêm là những con thú hoang * của Juli Zeh) 1-Chuỗi hạt ý tưởng    Đã nói tới Juli Zeh trong năm Giáp Ngọ, không thể không kể ra cuốn Đêm là những con thú hoang. Có thể nói chị là nhà văn thành công nhất trong thế hệ của mình. Tuyển tập các tiểu luận và các bài nói của chị trong ngót 10 năm qua vừa được xuất bản. Mục lục tập sách được xếp đặt theo trình tự thời gian từ năm 2005 đến 2014: 2005: Trên phía khác của đường phố 2006: Chào buổi tối, những thân phận riêng            Thời gian đã là tiền            Con tầu chỉ huy của sự nhẫn nhục chính trị            Ai đã làm tan vỡ đồ chơi yêu quý của tôi ?            Đến với sự thật sẽ đẹp 2007: Một nửa khủng của độc tài            Kiểm tra giá trị hoặc tư cách con người 2008: Luật tra tấn            Sự tự vệ của hư ảo            Ông bố Nhà nước và Bà mẹ Dân chủ -(Bài nói trong khuôn khổ Đối thoại ở 16 Schönhauser)            Những thời gian vàng 2009: Người biện hộ cho những cái tại sao – (Bài nói nhân dịp nhận giải thưởng văn chương Carl –Amery)            Sự độ lượng ze rô            Những điều kiện bẩn thỉu của những ngày hội phía sau những tấm lưới sắt (mit Rainer Stadler) 2010: Nước Đức thoái lui            Sự có thể và những khả năng – (Bài nói với những người tốt nghiệp phổ thông) 2011: Hãy đừng động chạm tới tôi             Kẻ giết người hay là hình tượng hài ước             Trung tâm trống rỗng             Những vụ việc đàn ông chống đàn bà             Không có gì để mà mất 2012: Địa ngục trong lời mời đặc biệt            Tình yêu trẻ con            Một câu chuyện đầy hiểu lầm            Tự mình, tự mình, tự mình            Chính tả của khủng hoảng            Sự bất khả xâm phạm của một lò mổ yên tĩnh 2013: Nụ cười của Chó lớn tai cụp            Đất mới            Sẽ ổn thôi            Cặp song sinh kỹ thuật số            Đêm là những con thú hoang            Chúng tôi muốn gì – (Bài nói  tại Hội nghị văn hóa mạng của Berliner Festspiele) 2014:  Mã số dân sự ở lại chốn nào?            Lối thoát cuối cùng của Châu Âu            Thư ngỏ gửi Thủ tướng Angela Merkel            Khí hậu kích thích  Trong khi đưa ra mục lục của Đêm là những con thú hoang như là chuỗi hạt ý tưởng để khích lệ các bạn tìm đọc Juli Zeh, tôi xin phép chuyển tới bạn đọc Việt Thư ngỏ gửi Thủ tướng Angela Merkel của chị. Hy vọng, thư ngỏ này chứa đựng hồn cốt chính luận của cuốn sách. 2. Thư ngỏ gửi Thủ tướng Angela Merkel ( ngày 15.04.2014)** “ Kính gửi Bà Tiến sĩ Merkel ! Năm vừa rồi tôi đã một lần viết cho bà. Lá thư của tôi phản ứng về sự lật tẩy của Edward Snowden và đặt ra câu hỏi, bà có chiến lược như thế nào trong thời đại kỹ thuật số, trong thời đại mà quyền tự do của công dân và những nguyên lý cơ bản của dân chủ bị xâm phạm từ chân tới đầu. Lá thư này đã được xác nhận bởi gần một ngàn chữ ký của các nhà văn từ hơn 80 quốc gia nhằm yêu cầu một sự bảo vệ Tự do cá nhân trong thời đại giao tiếp. Từ đó đã nhiều tháng trôi qua và tôi không hề nhận được một hồi âm gì từ bà. Chúng ta đang trải qua một sự chao đảo thời thế, mà nguyên nhân là từ sự liên can tới đời sống kinh tế xã hội chính trị của nó có thể so sánh với cuộc cách mạng công nghiệp. Thưa bà Merkel, sự im lặng của bà, là sự im lặng của người đàn bà quyền lực nhất Châu Âu. Điều đó rung trong tai như tiếng động của móng tay lên vỏ một con tầu. Có thể như thế thật sao? Rằng bà không thể nắm bắt được gánh nặng của vấn đề này?  Điều đó không chỉ liên can tới máy điện thoại di động của bà.  Điều đó không chỉ một lần nói về hành động của NSA, cũng không chỉ động chạm tới liên hệ của nước Đức với nước Mỹ hoặc là động chạm tới chuyện đó nếu như Snowden sẽ nên nghe hoặc không nên. Chúng ta đã hành động với Công nghệ, nó đã làm thay đổi hiện thực đời sống chúng ta tới tận hạt nhân sâu thẳm của bức tranh con người nhân văn. Điều đó dẫn đến vấn đề, chúng ta muốn sống như thế nào ở Đức và ở Châu Âu trong tương lai. Tất cả những gì NSA và tổ hợp thông tin toàn cầu như Google hoặc Facebook thực hiện không là sự sưu tập các dữ liệu từ những trò đùa dẫn đến niềm vui. Điều đó cũng ít liên quan đến những gì thuộc về an ninh quốc gia mà bà và tôi hiểu. Mục tiêu của trò chơi là vươn tới sự tiên đoán và để điều khiển sự toàn bộ ứng xử của con người. Hôm nay sự vận hành này đã tốt đến mức khủng khiếp. Ai có đầy đủ thông tin về lối sống của một cá nhân kết nối với nhau và đánh giá, có thể tiên đoán với tỷ lệ trúng phóc ngạc nhiên những gì mà cá nhân đương sự như một người đồng loại sẽ xây một ngôi nhà, sẽ sinh một đứa trẻ, sẽ thay đổi nghề nghiệp, sẽ làm một chuyến du chơi. Mạng thông tin toàn cầu sẽ tự phát triển đầy hiệu quả. Sau đó nó sẽ thu hình cả tủ lạnh của bà, biết bà ăn gì, ô tô của bà đi về đâu. Dây đeo đồng hồ của bà sẽ đo được cả huyết áp, sự sử dụng Kalorien và đánh giá tình trạng ngủ nghê của bà. Các thiết bị báo động khi có khói và hệ thống báo động trong nhà của bà sẽ tự để ý khi nào bà sẽ xài bao nhiêu thời gian trong căn phòng nào. Bà mua cuốn sách nào hoặc bà thú vị với loại âm nhạc gì, với đề tài chính trị nào, kiểu gì thì đúng là đã quen thuộc từ lâu. Đây không phải khoa học viễn tưởng, thưa bà Merkel. Đây là một thực tế. Chúng ta sống trong một thời đại, mà kết quả sự đánh giá các dữ liệu cá nhân có thể quyết định về số phận của một cá thể rằng anh ta có thể được nhận một khoản tín dụng, anh ta có thể được mời dự một cuộc đối thoại giới thiệu, anh ta được phép lên máy bay, và cũng có thể vì những chuyện hàng ngày ấy mà anh ta cần phải ngồi trong trại giam. Toàn bộ sự khẳng định, kể từ khi sự phát giác của Snowden lỗi thời thì xử lý kỹ thuật số lượng dữ liệu khổng lồ là không thể hoặc sự thật là nó không mang lại cho cuộc sống đơn điệu của chúng ta một sự đoái tâm nào. Toàn bộ lộ trình là có thể, điều đó sẵn sàng được ứng dụng. Với mỗi một phát minh kỹ thuật mới từ thủy tinh Google về vòng tay sức khỏe cho đến Ô tô chạy tự động đều ở tình trạng tự xiết chặt chẽ. Công nghệ thông tin toàn cầu sưu tầm thông tin và qua đó đó làm đầy thêm quyền lực khổng lồ. Các cơ quan mật vụ kiểm tra các thông tin này theo nguyện vọng sử dụng chúng cho mục đích của họ. Bà biết khi con người được đào tạo, bí mật thư tín, bí mật bưu phẩm, bí mật thông tin viễn thông, sự bảo vệ giao tiếp và phạm vi cá nhân là những thành tựu quan trọng của nền dân chủ, họ đã cay đắng đấu tranh cho những quyền ưu tiên. Qua Snowden bà cũng biết rằng pháp luật trong khu vực kỹ thuật số sẽ không có được sự hợp pháp. Mặc dù chính trị đã bỏ lỡ việc bảo vệ các công dân. Đơn giản là không có gì trong đầu tôi, tại sao bà lại không phản ứng gì. Việc này không tình cờ, vì trong tờ báo Đức quan trọng nhất đã xuất hiện sự tham góp của nhiều người khác về việc theo dõi dân chúng. Radio và truyền hình đã không ngừng báo cáo về cơ man các diễn đàn tranh luận, các cuốn sách đã được viết, các bản kiến nghị đã được công bố, các hội đoàn sẽ đã được thành lập. Vì họ chờ đợi bà, bà Merkel ạ. Qua trưng cầu ý kiến, họ cam đoan là bà sẽ quyết định đề tài bảo vệ dữ liệu vào kỳ bầu cử sau? Có thể họ không tin vào sự nghiêm trọng, rằng bà là một nữ chính khách rất tốt khi biểu quyết cho sự quyến rũ của bà. Sự cầm quyền đầy trách nhiệm đòi hỏi một sự nỗ lực trí thức. Một tranh luận với những câu hỏi lớn của thời gian. Có thể giờ đây bà đang tự vấn, những gì mà người khác đang thường xuyên tự hỏi. Người ta nên làm gì bây giờ?  Hay người ta có thể làm một chút gì đó ? Câu trả lời đơn giản là: vâng, người ta có thể và không ai có giá trị  với việc đó như đối với bà. Như là một nữ Thủ tướng Đức, bà ra quyết định có ảnh hưởng độc nhất vô nhị ở Châu Âu. Bà cầm quyền một xứ xở mà ở đó đang đối diện với sự nhạy cảm bởi sự vi phạm cao độ những quyền cơ bản của công dân, những quyền đã  được tạo lập từ nền tảng lịch sử chưa hề có ở một nơi khác. Đây là những điều kiện tốt đẹp nhất để tháp tùng chính trị của thời đại kỹ thuật số vượt lên phía trước. Những cặp mắt của thế giới đang hướng về nước Đức. Điều đó có nghĩa là ở những xứ khác: nếu nước Đức không hành động gì có nghĩa là không ai có một chút thay đổi nào cả. Trước tiên, bà hãy nói với Bộ nội vụ nên chấm dứt điều đó, nên phong tỏa pháp lệnh cơ bản bảo vệ thông tin cá nhân. Bộ Luật này đã nằm trên bàn từ hai năm nay, và điều đó bao hàm sự tiếp diễn đáng ngạc nhiên của pháp luật dành cho các công dân Châu Âu, ví dụ một yêu sách xóa bỏ các dữ liệu thanh toán cá nhân. Những pháp lệnh này sẽ có giá trị hướng ngoại, có nghĩa là các công ty có trụ sở ở ngoài Châu Âu cần phải giữ lại ở nơi đó. Trái lại ai vi phạm cần phải tính đến một khoản tiền phạt lớn. Và bây giờ bà không nói là không thể thực hiện một chút như vậy. Bà biết rằng điều đó là không phù hợp. Trong những lĩnh vực kinh tế khác hiện hữu y chang những nguyên tắc nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp, đối với hàng hóa của nó hoặc các nghành dịch vụ mà nó muốn chào mời vào thị trường Châu Âu. Rốt cuộc khi người ta muốn chế ngự điều đó thì trong nền kinh tế kỹ thuật số sự thiết lập một chuẩn mực cũng là điều khả thi. Ngoài ra tất nhiên điều đó luôn luôn  hợp lý, trước cánh cửa của mình. Toàn bộ kế hoạch của chính phủ, tình trạng nào tiếp tục xấu đi, sự thảo luận nào còn đang trên bàn- ví dụ sự đầu tư vào sự đo lường sinh học của con người. hoặc nguyện vọng bày tỏ chính kiến nhân dịp thuận lợi, bổn phận phải đưa dấu vân tay vào chứng minh thư. Hợp đồng  liên kết dẫn dắt với tựa đề “nhật ký công tác kỹ thuật số” trước tất cả ý tưởng khuếch trương sảng khoái  từ các dữ liệu lớn đòi hỏi nên trở thành Smart Home, Smart Grid, Smart services, Cloud Computing, Telematik, Telearbeit, Telemedizin hoặc E-Health và những gì đẹp thuộc về trái đất mới mẻ. Trái lại điều đó còn thiếu những đề xuất, như sự xử sự một khế ước tự do với sự thảo luận cặn kẽ tại chỗ về việc nên cài đặt an toàn sự trộn lẫn dữ liệu. Sự chứng kiến tận mắt những thương tổn sát sườn hầu như đã gây ra sự mủi lòng khờ khạo. Những gì dính líu tới sự thám thính có mục đích bởi các cơ quan nhà nước, cũng mang lại một số lượng lớn các việc phải làm.Trước tiên lo lắng cho điều đó có nghĩa là, trong công việc của BND ( Bundesnachrichtendienst : http://www.bnd.bund.de/DE/Arbeitsfelder/arbeitsfelder_node.html)  cũng phải tuân thủ Hiến pháp khi mà nó trao đổi dữ liệu với Mỹ. Vì đối với Mỹ và Vương quốc Anh cần phải đặt vấn đề đối xử một cách rõ ràng, rằng chúng ta không cho phép những thủ đoạn vi hiến. Bà đã tìm thấy lại ngay những lời lẽ rõ ràng, bên cạnh vị khách Mỹ của mình bà đã để tuột mất khả năng một cú đấm thẳng. Bà sợ hãi trước cái gì vậy? Trước thời điểm đó Obama của bà đã xóa bỏ tình hữu nghị ? Ông ấy sẽ không làm như vậy, nước Mỹ rất cần Châu Âu hệt như Châu Âu cần nước Mỹ. Không có bất cứ lý do nào khiến ta phải rúm mình lại, và khi người ta kiên định với sự tuân thủ các nguyên lý dân chủ, điều đó cũng sẽ không dẫn tới tinh thần bài Mỹ. Bà sẽ giành được sự trợ giúp của các đối tác Châu Âu và họ sẽ cùng nhau công khai bày tỏ quan điểm của mình. Từ đó bà có thể không tính đến vấn đề làm vô hiệu hóa thế lực của các tổ chức tình báo, nơi mà kỹ nghệ kỹ thuật số không cho ai được tự do. NSA (http://de.wikipedia.org/wiki/National_Security_Agency) và GCHQ (http://de.wikipedia.org/wiki/Government_Communications_Headquarters) không tự mình nâng cấp việc xử lý một phần lớn các dữ liệu, ngược lại nó nhận được từ sự đổ bể của các công ty tư nhân. Những gì không tập trung được cũng sẽ không thể chuyển tiếp tới công vụ. Do đó điều quan trọng nhất lúc này là cuối cùng bà cần phải đưa ra một chương trình nghị sự từng bước, sự nhân danh này là xứng đáng. Đó là những sự điều chỉnh và những quy định mới cho thích hợp với tất cả các khu vực đời sống thiết yếu. Đó là một chương trình hàng năm, nếu như một thập niên không thể thực hiện. Bà sẽ không thể quyết định đưa ra nghị trình này trong một nửa nhiệm kỳ Quốc hội, nhưng bà có thể tiến hành một bước đi lịch sử, mà bà là người khởi sự. Điều đó không được đưa ra, người ta chỉ nghĩ đến cuộc bầu sử tiếp theo. Chúng tôi cần phải ngẫm nghĩ, hậu quả đạo đức nào sẽ đến từ quá trình số hóa. Có nên công khai tiểu sử sức khỏe của một con người cho bảo hiểm sức khỏe, cho các ông chủ và các công nghệ dược phẩm? Chúng tôi muốn từng phút quyết định sự định giá cuộc sống học đường những đứa con của mình, bởi vì học trình liên tục được sắp đặt cập nhật tại chỗ với một năng suất hợp thời ? Chúng tôi muốn đặt ô tô để tới một nhà hàng và nhà hàng có thể trả tiền cho nhu cầu này ? Và chúng tôi làm gì trước sự không ngừng phát triển quyền lực hùng mạnh với những mục đích tiêu biểu của Google? Danh sách những câu hỏi tự kéo dài vô tận. Cần phải triển khai những sự trả lời và chúng cần được hiển lộ vào sự lập pháp trong chính trị. Chúng ta cũng loại trừ sự ứng dụng trong công nghệ di truyền, thứ công nghệ nhiều khả thi nhưng cộng đồng thì không mong muốn. Cũng giống như chúng ta cũng cần phải suy ngẫm thật kỹ về những giới hạn được phép và những mong muốn trong lãnh vực kỹ thuật số. Có thể chúng ta cần một hạn sử dụng ( TÜV),  một thuật toán kiểm tra sự vững chắc của nền dân chủ. Những gì chúng ta biết chắc là không cần, thì những tuần, những tháng sau đó sẽ trở nên vô tích sự. Tôi xin bà, thưa bà Merkel, bà không nghe những vận động hành lang nghị viện, họ đã giải thích dài dòng cho bà và các tùy tùng của bà rằng sự điều chỉnh trong lãnh vực kỹ thuật số là không thể hoặc không thể thi hành hoặc đó là sự kết thúc vấn đề vị thế của nước Đức. Sự tương phản là trường hợp này. Mặc dù liên quan tới vấn đề đất nước chúng ta có một mức sống mỹ mãn đáng được ca ngợi khắp thế giới. Chúng ta mong muốn một nền kinh tế sạch sẽ, và một khả năng khai thác năng lượng sạch cũng giống như chúng ta cần một sự ứng dụng khôn ngoan các dữ liệu sinh thái.  Bà hãy sử dụng ảnh hưởng của mình và bà hãy khai thông cho một lộ trình chính trị đã muộn mằn tại Châu Âu ! Bà có thể bảo vệ cho Luật Cơ bản mà không phải phó thác nó một ngày dài nào cho Tòa án Tối cao của nước CHLB Đức và Pháp viện Tối cao Châu Âu. Người ta cho rằng, bà cũng rất bị thôi thúc bởi một số hứng thú, những gì mà sau đó người ta sẽ nói về bà đứng trong một cuốn sử. Có thể bà muốn trở thành một người phụ nữ ra tay cứu vớt đồng Euro. Nhưng khi mà nhiệm kỳ quốc hội này đã sắp kết thúc trong sự giả vờ không biết quá lâu trong thời đại kỹ thuật số, trước tất cả, bà sẽ ngủ quên trong biến động thời đại và trở thành nữ Thủ tướng. Điều đó không chỉ khiến bà khó xử mà còn là một thảm họa đối với tất cả chúng ta, là một bước suy thoái của nhà nước dân chủ. Bà Merkel, tôi xin nhắc lại câu hỏi của mình. Không trả lời tôi, thì bà hãy trả lời nhân dân của bà: Chiến lược của bà như thế nào ? Kính chào bà với nhiều niềm vui Juli  Zeh  3. Trước hết là từ những cái đầu. Nhà văn Anh ngữ Patrick Boyle (1905-1982) có một tập truyện ngắn được dịch sang  tiếng Đức mang tựa đề: Đêm là những con mèo xám. Hình như Juli Zeh cũng chịu ảnh hưởng đôi chút phong cách hài ước, châm biếm từ đồng nghiệp tiền bối có gốc gác luật gia này nên sách của chị cũng mang tên Đêm là những con thú hoang. Tại bìa bốn của cuốn sách, người ta trích dẫn chị :“ Chính trị sẽ không được thực hiện trên các bàn hội nghị quốc tế; ngược lại trước hết nó được thực hiện trong những cái đầu của con người”. Từ trích dẫn này tôi có được một mệnh đề giản dị: trước hết là từ những cái đầu. Chị đã từng đến Việt Nam, chắc chị đã biết hầu hết những cái đầu thủ lĩnh và những cái đầu công dân mang nguyên khí của nước Việt đương đại. Chị cũng đủ thông tin để nhận ra rằng ngày càng có nhiều trí thức, chính trị gia và các nghị sĩ quốc hội Đức, Mỹ và Canada bức xúc về tình trạng nhân quyền cùng với số phận các dân oan, các tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Vâng, trước hết là từ những cái đầu. Có thể nói, bất chấp mọi rủi ro ý thức pháp quyền và nhân quyền trong xã hội dân sự đương đại ở nước Việt cũng đã trở thành những hơi thở gắn bó với nhịp sống toàn cầu trong thời đại kỹ thuật số. Dăm năm vừa qua ở Việt Nam cũng có  người viết thư ngỏ gửi Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư. Cho nên việc Juli Zeh viết Thư ngỏ gửi Thủ tướng Angela Merkel không phải là việc độc nhất vô nhị. Mặc dù không phải ai cũng đủ tâm trí và can đảm để làm được như vậy. Cho nên chị được đánh giá là nhà văn thành công nhất trong thế hệ của mình. Là luật gia đồng thời là một nhà văn có những suy nghĩ khác thường chị đã luôn đặt ra những vấn đề cấp bách và đang được tranh luận trong thời đại của chúng ta. Chị là một nhà văn hay mất ngủ. Với chị những đêm trắng không nhiều chuyện thần kỳ mà là những cơn dằn vặt của sự lột xác, tìm kiếm sự thật. Kết thúc tiểu luận  Đêm là những con thú hoang ( 2013) chị viết: ” Trong khi thời gian trôi, tôi đứng và nhìn. Tôi không nhận được sự trả lời. Nhưng mà những câu hỏi im lặng.” Phát biểu và đặt ra những câu hỏi là quyền của công dân. Không (hoặc chưa) trả lời là quyền của nữ Thủ tướng. Hạnh phúc là ở chỗ Juli Zeh làm vậy mà không bị đi tù, không bị mất việc. Không những thế mọi phát biểu của chị còn được các nhà sách xuất bản công khai. Hạnh phúc của  Juli Zeh là ở chỗ  nước Đức của chị không có thủ lĩnh của Đảng phái nào cả gan tuyên bố Cương lĩnh của Đảng mình quan trọng hơn Luật cơ bản (tức Hiến pháp). Vâng, quả thật – thành công hay thất bại của một quốc gia trước hết là từ những cái đầu thủ lĩnh.Thật bất hạnh cho những quốc gia của những bộ óc thủ lĩnh hết đát. Không chỉ trong chính trị mà trong rất nhiều lĩnh vực khác, chúng ta đừng bao giờ quá hy vọng vào các Hội nghị quốc gia hay quốc tế. Bởi, trước hết là từ những cái đầu. Bởi, khi vấp phải bất cứ thách đố nào  trước hết chúng ta cần tự vấn:  liệu cái đầu của mình có chiến lược gì thích đáng không ? Và  chiến lược của những cái đầu lại là vấn đề của một tiểu luận mới và bài giới thiệu sách buộc phải ngưng lời.                                                                                     Thế Dũng – Berlin 15.12.2014 *Đêm là những con thú hoang ( Nachts sind das Tiere ) Juli Zeh – Schöffling & Co- 2014. Juli Zeh, sinh năm 1974. Nhưng  sách của chị đã được dịch ra 35 thứ tiếng. Văn chương của chị được tặng nhiều giải thưởng. Ví dụ Giải Thưởng Sách của CHLB Đức năm 2002, Giải Văn chương Rauriser (2002), Hölderlin (2003), Giải Per Olov Enquist (2005), giải Cevennes (2008, Giải Carl-Amery ( 2009), giải Solohurner( 2009) và mới đây là giải Thomas Mann năm 2013 và giải Hofmann-von-Fallersleben cho văn chương Phê bình năm 2014. ** Dịch theo bản được rút ra từ cuốn “ Đêm là những con thú hoang” –Schöffling & Co xuất bản tại CHLB Đức năm 2014 – Sách dầy 288 trang. Bạn có thể đọc nguyên bản tiếng Đức Thư ngỏ gửi Thủ tướng Angela Merkel theo Links sau: http://www.zeit.de/2014/21/juli-zeh-offener-brief-an-merkel-(chú thích của người dịch-TD)
......

Tàu không hợp tác - Ta chẳng đấu tranh

Nội trong ngày 26 tháng 11 vừa qua, hai tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá ngư cụ, ngư sản nhiều lần tại khu vực biển Hoàng Sa. Những ngư dân khốn khổ Việt Nam phải lạy lục bọn cướp biển mang danh nghĩa “cơ quan thi hành pháp luật Trung Quốc“, mới được chúng tha cho mạng sống để cùng những con tàu đánh cá đầy thương tích “may mắn“ về được đến bến nhà Quảng Ngãi trong nỗi hoảng loạn cùng cực. Nói “may mắn“ là vì đã bao nhiêu lần tàu đánh cá của ngư dân ta gặp tàu Trung Quốc, người thì bị bắn giết, tàu thì bị đâm chìm ngay trên biển nhà. Chuyện hai con tàu đánh cá của ông Đỗ Thành và Phạm Ý vừa kể chỉ là hai trường hợp mới nhất trong hàng ngàn vụ “tàu lạ đâm chìm tàu ta“ diễn ra suốt hơn 10 năm qua. Những chuyện thương tâm mà ngư dân Việt Nam phải chịu đựng trong bối cảnh như được ngư dân Đỗ Thành kể lại: Nhà nước kêu đi ra Hoàng Sa để bám biển giữ cho Nhà nước thì mình ra làm chứ có biết gì đâu! Chỗ nào Nhà nước bảo đi làm thì mình đến thôi. Đi đánh bắt thì chẳng có tàu hải quân nào bảo vệ“(1). Chắc chắn cảnh này sẽ còn tiếp diễn ngày nào đảng CSVN còn coi Bắc Kinh "vừa là thầy vừa là anh". Thái độ của lãnh đạo đảng CSVN trước việc Trung Quốc gặm nhấm dần chủ quyền biển đảo Việt Nam từ xưa đến nay đã chứng minh quá rõ điều này. Chính vì vậy mà dân chúng bật ra nhiều câu hỏi khi thấy tại kỳ họp quốc hội vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố đối sách trên biển Đông của Việt Nam là: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh“ với Trung Quốc. Hợp tác như thế nào? Đấu tranh ra làm sao? Về phía Trung Quốc thì những hành động thù nghịch, gây rối liên tục trên biển Đông của họ gần như đã được các cơ quan truyền thông nhiều nước đề cập đến thường xuyên, nên có lẽ không cần liệt kê chi tiết nữa. Nhưng có thể tóm gọn bằng lời nhận định của Đô Đốc Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Mỹ ở Thái Bình Dương, trong cuộc họp báo tại Trung tâm Đông-Tây, Hawaii hôm 28.8 rằng: những hành động của Trung Quốc ở biển Đông là những hành vi khiêu khích, gây rối và vô trách nhiệm (2). Về phía Việt Nam thì phải kể đến hai loại phản ứng: từ phía dân chúng và từ phía nhà cầm quyền. Đối với người dân, trước những vụ tàu ngư dân ta bị bọn giặc Tàu hiếp đáp trên vùng biển của ta đến nỗi ngư dân ta phải lạy chúng mới tha, người Việt khắp nơi không chỉ thấy đau lòng mà còn phẫn nộ. Nếu phẫn nộ về sự tàn ác và khiêu khích trắng trợn của Tàu một, thì phẫn nộ gấp mười những kẻ cầm quyền Việt Nam cực kỳ hung tợn với đồng bào mình, nhưng lại vô cùng hèn nhát với giặc. Bởi vậy câu ''hèn với giặc, ác với dân“ đã trở thành câu nói nằm lòng của dân chúng khi nói về chế độ. Đối với dân chúng thì chế độ tại Việt Nam chỉ có được một sản phẩm tốt, đó là đoạn băng phản đối Trung Quốc của người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam. Dù đã phát đi phát lại không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn “tốt“ như lúc đầu, không sai lấy một chữ. Ngư dân liều bám biển Quân đội quyết bám bờ Còn phản ứng của nhà cầm quyền là đùn cho ngư dân tay không ra bám biển để bảo vệ chủ quyền đất nước. Quân đội dù đã được chi biết bao ngân quĩ quốc gia để sắm mua vũ khí nhưng tất cả được lệnh “không làm phức tạp thêm tình hình” nên chỉ ngồi trên bờ để quan sát và gắn thêm hàm tướng cho nhau. Ở cấp lãnh đạo thượng tầng, họ chỉ biết thay nhau ca ngợi tầm quan trọng của “tình hữu nghị Việt – Trung“. Tướng Phùng Quang Thanh đã nói như vậy tại Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng các nước ASEAN. Không những thế, trong khi các quốc gia đều quan tâm đến tình hình Trung Quốc gây bất ổn ở biển Đông và thương cảm Việt Nam thì tướng Thanh coi những “va chạm“ với Trung Quốc là “chuyện gia đình“ (như hàm ý Việt Nam là một phần của Trung Quốc theo đúng tinh thần Hội nghị Thành Đô). Điệp khúc ca ngợi tầm quan trọng của “tình hữu nghị Việt – Trung“ cùng “16 chữ vàng“ cũng được các giới chức cao cấp cả Việt Nam lẫn Trung Quốc lập lại sau chuyến 13 tướng lãnh Việt Nam và tướng công an Trần Đại Quang sang chầu Bắc Kinh. Từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào mùa hè năm nay, Bắc Kinh đã chứng minh cho cả thế giới thấy họ muốn đưa giàn khoan vào lãnh hải của Việt Nam lúc nào thì đưa, muốn rút đi lúc nào thì rút, và nay đang công khai chuẩn bị đưa 9 giàn khoan mới vào biển Đông sau mùa biển động. Cùng lúc, Bắc Kinh tiếp tục ngang nhiên gia tăng việc bơm cát mở rộng, tôn tạo các đảo, các bãi ngầm mà Trung Quốc đã lấn chiếm thành những căn cứ quân sự; tiếp tục tông chìm tàu bè, hiếp đáp ngư dân Việt Nam. Trong khi đó, lãnh đạo Việt Nam chỉ biết tiếp tục cho toàn đảng học tập “Mỹ mới là kẻ thù chính và lâu dài“; và tiếp tục chính sách “ba không“ về quốc phòng (3). Rõ ràng thực tế suốt một thập niên qua cho thấy: BẮC KINH KHÔNG HỀ HỢP TÁC và HÀ NỘI CHẲNG HỀ ĐẤU TRANH. Qui luật trên đã được ông Nguyễn Phú Trọng gián tiếp xác nhận một lần nữa trong buổi tiếp xúc với “cử tri“ Hà Nội vào ngày 6/12/2014: “Xung quanh vấn đề biển Đông có ý kiến nói là chúng ta mềm quá phải kiên quyết hơn nữa. Vậy kiên quyết hơn thì phải làm thế nào? Đây là vấn đề rất lớn và trung ương chỉ đạo chặt chẽ. Trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan thì Bộ Chính trị họp liên tục. Chúng ta phối hợp rất nhiều biện pháp, huy động sức mạnh tổng hợp để đấu tranh...“(4). Đây là bài học thuộc lòng bất biến được dùng trong suốt một thập niên qua, nếu dịch ra tiếng Việt chỉ có nghĩa là không có việc làm cụ thể nào cả! Hay nói cách khác, lãnh đạo đảng đã họp vô số lần nhưng không biết phải làm gì cả! Ngay cả quốc hội Việt Nam cũng không dám ra một nghị quyết nào về biển Đông, mà phải chờ quốc hội Mỹ ra nghị quyết rồi “ăn theo“. Chính vì thế mà nhiều chuyên gia Việt Nam đã vô cùng chán nản khi góp hết tâm huyết cố thuyết phục việc kiện Trung Quốc ra trước quốc tế để bảo vệ chủ quyền, nhưng Hà Nội vẫn chỉ ngồi bất động. Hà Nội không dám kiện, nhưng lại “ăn theo“ Phillipine khi nước này kiện Trung Quốc. Hôm 5.12 vừa qua, Hà Nội chuyển đến Toà án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration – PCA) một tuyên bố chính thức về các "quyền lợi ích" của mình ở Biển Đông. Một việc mà Giáo sư Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, gọi là “kiện cửa sau“ (5) và chỉ là “hành động tối thiểu“ mà Hà nội dám làm. Lãnh đạo đảng không dám nhắc đến cả từ "chủ quyền Việt Nam" trong công văn nói trên. Tóm lại, “vừa hợp tác vừa đấu tranh“ của lãnh đạo đảng CSVN là như thế. Nghĩa là vẫn theo sát lời dạy của đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường trong cuộc họp báo tại Hà Nội đầu năm 2010: “Hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại“(6).Tôn Quốc Tường Trong bài “Tháng 12 ngoài Gạc Ma“ trên trang điện tử báo Thanh Niên ngày 07.12 (7), nhà báo Mai Thanh Hải đã thuật lại, khi những người lính trên tàu HQ-011 Đinh Tiên Hoàng đến gần đảo Gạc Ma trong một chuyến công tác, nhìn thấy Trung Quốc chỉ trong vài tháng đã biến đổi bãi đá san hô ngầm mà họ đã đánh chiếm trái phép từ tay những người lính hải quân nhân dân Việt Nam, thành căn cứ quân sự của họ. Các chiến sĩ hải quân tàu HQ-011 “Khuôn mặt ai cũng sắt lại, uất ức, từ vị đại tá già cho đến cậu chiến sĩ mới nhập ngũ. Đây Gạc Ma - bãi đá thiêng liêng của Tổ quốc đã bị Trung Quốc bất ngờ nổ súng tấn công, giết hại 64 cán bộ chiến sĩ công binh hải quân Lữ đoàn 83, Lữ đoàn 146 bảo vệ đảo Trường Sa, Học viện Hải quân, Đoàn đo đạc bản đồ Bộ Tham mưu hải quân, Lữ đoàn tàu 125, và bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải HQ-604, HQ-605, HQ-505 của chúng ta, trong buổi sáng 14.3.1988.“ Điều mà có lẽ nhà báo Mai Thanh Hải và các chiến sĩ trên tàu HQ-011 không biết là sự bi thương vừa kể cũng đến từ sự “hợp tác“ của Bộ Chính Trị đảng CSVN với Bắc Kinh qua lệnh “không được nổ súng“ để tự vệ và bảo vệ Gạc Ma. Trước đó nữa là “sự hợp tác“ bằng công hàm Phạm Văn Đồng; và sau đó là hội nghị Thành Đô, các hiệp định phân định biên giới trên bộ và trên biển,... Tất cả đã đặt nền tảng cho tình cảnh biển Đông ngày hôm nay. ======================================= Ghi chú 1. http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-fish-atk-by-cn-ship-1201201405... 2. http://www.washingtontimes.com/news/2014/aug/29/china-actively-agitating... 3. Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. 4. http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141207/khon-kheo-de-bao-ve-chu-... 5. http://vi.rfi.fr/20141212-bien-dong// 6. Tôn Quốc Tường, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam: “Hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại“ http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Cho-dieu-kien-chin-muoi-giai-qu... 7. Tháng 12 ngoài Gạc Ma, http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141206/thang-12-ngoai-gac-ma.aspx http://www.viettan.org/Tau-khong-hop-tac-Ta-chang-dau.html
......

Cuộc chiến dầu lửa: ĐÒN HẠ THỦ BẤT NGỜ CỦA MỸ

BIỂU ĐỒ GIÁ DẦU THÔ TỪ 2000 ĐẾN 2014 Oil Price today Thursday 04.12.2014 : $66.81 ▼-0.57   -0.85 Tin cập nhật hôm nay giá dầu thô chỉ còn $66.81 sự hạ giá gây "choáng" và con bài dầu của Mỹ đang "lật". TỪ KHI GIÁ DẦU LỬA từ đỉnh điểm 3 con số tức có lúc lên đến trên 140 đô la/ 1thùng là thời gian khối OPEC hốt bạc. Bao nhiêu sự chi tiêu các nước Trung Đông đều lệ thuộc vào dầu. Chuyện giàu sang của khối dầu Trung Đông bao lâu nay là chuyện ai cũng biết. Cú gây sốc này là những gì khối dầu Bắc Mỹ đã tính từ trước với sự vận hành của hệ Petrodollar , càng bán dầu càng xài đô la và Bắc Mỹ vừa cất dầu vừa in đô la cho những ông chủ dầu Trung Đông "cất làm của" cho sự giàu sang của họ. Người ta tính rằng nếu dầu hạ xuống 80 đô la một thùng thôi thì Trung Đông đã thiết hại hàng tỷ đô la mỗi ngày. Giờ dầu đang dưới 70 đô la cái hậu quả là OPEC lại càng gia tăng sản lượng dầu để giữ mức thu nhập và cung tăng thì cầu giảm đó là lẽ thuờng , sẽ đẩy giá dầu tuột dốc. Chúng ta lại bàn qua hai anh chàng ăn theo chuyện dầu và khí đốt là Putin đã và đang đánh canh bạc dầu và khí đốt đối với Mỹ và Tây Phương. Tưởng tượng mùa đông rét mướt không có khí đốt của Nga thì Đông và Tây Âu chắc chết. Ai chết trước? - Nga đây là câu trả lời vì Sư Trừng Phạt Kinh tế Nga sau vụ Ukraine đang làm Nga sống dỡ chết dỡ qua sự mất mát thua thiệt về thuơng mãi cũng như hệ thống ngân hàng Nga đang bị "cấm túc" chết theo. Putin đã không dùng khí đốt làm vũ khí "răn đe" được mà phải năn nỉ "ai mua khí đốt giùm em...? " để cứu vãn nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề do sự trừng phạt của Tây phương theo lệnh Mỹ. Putin khoan vội hung hăng Cú đòn không dừng ngang dây, lần đầu tiên kể từ năm 1949 Mỹ đã xuất cảng dầu và những thứ liên hệ với dầu cao hơn nhập cảng. Đại kỹ nghệ khí đốt sẽ xuất cảng sang Châu Âu vào năm tới cạnh tranh với Nga. Giấc mông Liên Bang Nga của Putin đang bị đứng khựng lại vì cái nạn "dầu rớt giá" mà sự kiện rớt giá này là ngón "Nhất Dương Chỉ" của Hoa kỳ đã khổ luyện từ lâu điểm vào yếu huyệt "dầu và khí " của Putin. Trong bài diễn văn trước viên DUMA theo BBC hôm nay 4/12/2014 Putin vẫn hô hào bất chấp mọi khó khăn trong lúc cử tọa thì không dấu vẻ bồn chồn lo lắng vì những cú trừng phạt quá nặng từ hệ thống tài chánh và nhất là vụ GIÁ DẦU GIẢM quá nhanh. Giờ đây sự huy hoàng của một đế chế mà Putin là "Nga Hoàng" cùng với sự trở về "nước mẹ" của Crimea và đông Ukraine có cứu Putin đươc không? câu trả lòi là KHÔNG ! Thưa bạn đọc,  những thông tin và chi tiết thì hi vọng chúng ta đã biết nhiều qua thông tin cập nhật. Người viết chỉ mong rút ra những phân tích trọng yếu cho các sự kiện kể trên. Trong đó sự rớt giá dầu và xuất cảng dầu của Mỹ là vấn đề cốt lõi. Mỹ đã tính trước: dùng dầu Trung Đông phát triển kỹ nghệ song hành với việc đưa đẩy thế giới dùng đồng đô la đó là một chiến lược kinh tế có chủ trương hay PETRO-DOLLAR . Thời điểm hôm nay Mỹ bắt đầu xử dụng khối dầu dự trữ của Bắc Mỹ và hệ khí đốt để trở thành cường quốc số 1 trong vấn đề sản xuất dầu + khí cùng tương đương. Theo Bloomberg thì Hoa kỳ năm nay đang qua mắt Arab Saudi , trở thành nước sản xuất dầu vói năng xuất 11 triệu thùng/1 ngày trong quý đầu. Hoa kỳ đã sản xuất khí đốt đứng đầu thế giới kẻ từ năm 2010. Tổng hợp lại theo Cơ Quan  Năng Lượng Quốc Tế -IEA, thì Hoa kỳ xem nhu chính thức là nước sản xuất đứng đầu thế giới về lượng dầu và khí thiên nhiên hóa lỏng.  Trong tương lai (theo IEA) gần Mỹ sẽ sản xuất lên con số 13.1 triệu thùng 1 ngày vào năm 2019. Sự kiện Ukraine đã làm gia tăng áp lực gay gắt giữa EU , Hoa kỳ đối với Putin. Theo lệnh NATO , Bulgaria hủy bỏ đường khí đốt Nga qua nước này và Putin đã chỉ thị cho ngoai trưởng Nga Alexander Novak chính thức cho biết hủy bỏ kế hoạch qua Bulgaria và  phải chuyển huớng ống qua huớng Thổ nhĩ Kỳ. Rõ ràng nước Mỹ đã đứng sau lưng EUhứa hẹn về nguồn khí hóa lỏng sẽ cung cấp cho EU thế Nga. Liên xô một lần sụp đổ vì chạy đua vũ trang với Mỹ ; đến nay Putin sẽ sụp đổ vì chạy đua vũ khí " dầu và khí " với Mỹ. Sự suy sụp kinh tế của Nga hiện nay là cái "máy chém" vô hình đang để vào cổ Putin cùng sự sụp đổ của cái ghế tổng thống độc tài của ông ta. Các cụm bơm dầu trên đất liền của Mỹ Giờ chúng ta điểm qua Trung Cộng và số phận Biển Đông Một Tập cận Bình và một nước Trung Hoa Cộng Sản đang đi theo vết xe đổ của Liên xô khi chạy đua võ trang với Mỹ. Cát - xi măng, gỗ , thép là những vũ khí hiện nay cũng như sự chọn lựa của Trung cộng trong việc nới đảo củng cố chủ quyền tranh giành quần đảo Trường Sa(theo BusinessWeek). Nhìn rõ thảm họa thất bại của chế độ CS Trung Hoa đang bành trướng sức mạnh qua nền kinh tế được mệnh danh là KHU VỰC SẢN XUẤT để gom góp bao tài lực nuôi lớn lực lượng quân sự , chạy đua vũ trang với những vũ khí hiện đại nhất và đắt tiền nhất cùng với cổ máy THAM NHỮNG KHỔNG LỒ với một điều kiện và mục tiêu hết sức quyến rũ là KHỐI DẦU BIỂN ĐÔNG. Nước Mỹ vừa làm F35 trị giá cao nhưng nhờ thị trường tiêu thụ nuôi dưỡng nó, hiện nay đã có tới 11 quốc gia đã đặt mua F35 của hãng Lockheed Mỹ . Riêng chính phủ Mỹ và đồng minh sẽ tiêu tốn 398.6 tỷ đô la cho F35. Hãng Lockheed đang chế tạo F35 Có bán mua có lớn mạnh sức sản xuất thêm trong lúc những chiếc hàng nhái cở J 20 và J31 cũng là "tàng hình" cũng ca ngợi "giống F35" của Mỹ nhưng có việc tiêu tốn không bán ra cho ai thì xem như "hết vốn". Đây cũng là một điểm chết trong những "cái chết" của thảm kịch chạy đua vũ trang của Bắc Kinh đối với Mỹ. Bao công lao của Bắc Kinh đã thành DÃ TRÀNG XE CÁT khi dầu càng ngày càng rẻ mạt không xứng sự đầu tư vào lực lượng quân sự quá khổng lồ để độc chiếm Biển Đông . Chiều huớng nay mai là Bắc Kinh sẽ mất "cả chì lẫn chài" vì các cường quốc nhất là Mỹ không bao giờ cho phép Bắc Kinh "cắt ngang xương" huyết lộ hàng hải quốc tế với giá trị thuơng mãi quốc tế hơn 5 ngàn tỷ mỹ kim hàng năm xuyên qua đây ?  Hoa Kỳ sẽ có dầu khí đốt , sẽ có thật nhiều F35 bán cho thế giới và ngay cho chính mình. Bắc kinh vừa đi mua dầu vừa tốn kém quân sự trong khi máy bay "vừa bán vừa cho"cũng không ai hỏi ! vì là "hàng nhái,hàng nhỗm" rõ ràng là "tử lộ" đó thôi. Những tài lực vừa có được đúng ra để cho Trung Cộng nâng cao mức sống của hơn 1 tỷ rưởi dân ,đầu tư vào xã hội và hạ tầng cơ sở cùng kiến tạo nền đại kỹ thuật bước ra nền KINH TẾ CHẾ BIẾN VÀ SẢN XUẤT. Tham vọng đưa ra và những chiến lược dĩ lỡ ở Biển Đông cùng sự đầu tư quá múc vào quân sự , Bắc kinh không "thu đòn" lại kịp nữa. NHỮNG VỚT VÁT CUỐI CÙNG CỦA TẬP CẬN BÌNH. Những trò "đả hổ diệt ruồi" của Tập cận Bình diệt trừ tham nhũng, chỉ lấy lại một phần nhỏ sức lực cùng uy tín của đảng CS Trung Hoa. Sự rạn nứt càng lúc càng tăng trong nội bộ đảng CS Bắc Kinh sẽ là một hiểm họa đấu đá nội bộ trong tương lai. Vấn đề Biển Đông sẽ là chuyện "đem con bỏ chợ" không còn sức lực bảo vệ khi cái huyết mạch thông thuơng của các cường quốc bị chặn đứng với cái mục tiêu đang mất giá là "kho dầu Biển Đông". Sự thối lui của Bắc kinh để giữ an NỘI TRỊ là chuyện không thể tránh được khi Mỹ sẽ sản xuất càng nhiều và khí đốt càng nhiều thêm. Cùng một lúc sự cạnh tranh lấy lại khu vực sản xuất(manufacturing sectors) của các cường quốc với kỹ thuật hiện đại nhất như: -Robot Hóa, -trí thông minh nhân tạo và - kỹ thuật 3 chiều sẽ giáng những đòn kinh tế "trí mạng" vào nền kinh tế "hàng rẻ , nhỗm " của Trung Cộng. AI Tính qua được THIÊN CƠ ? Lúc này con bạch tuộc Bắc Kinh mới co vòi tại Biển Đông và các hiểm họa bá quyền sẽ không còn. Hoan hô ngón đòn "HẠ THỦ BẤT HOÀN" xuất cảng dầu và khí của Mỹ. KẾT LUẬN NỀN KINH TẾ DẦU KHÍ LÀ CHUYỆN CỦA THẾ KỶ 20 Qua bài bình luận hôm nay chúng ta thấy gì? Đến khi nước Mỹ giở món bửu bối "Nhất Dương Chỉ" cuối cùng cất bao lâu nay là thời đại dầu hỏa làm chủ sẽ không còn nữa. Nguồn năng lượng này sẽ trở thành thừa mứa khi các kho tàng dầu+ khí tích trữ tại Bắc Mỹ và Alaska bắt đầu "tung độc chiêu" . Chuyện không phải ngang đây nó báo hiệu cho sự giàu mạnh của một nền kinh tế không còn dính líu nhiều vào chuyện dầu khí mà là vấn đề KHOA HỌC KỸ THUẬT: NƯỚC NÀO CÓ NỀN KỸ THUẬT CAO NHẤT SẼ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI một thời gian với tầm nhận thức cũ, có một số người vội vàng cho Trung Hoa với sự vươn lên nhanh chóng của nền kinh tế CHẾ XUẤT(manufacturing) sẽ "LÃNH ĐẠO" THẾ GIỚI thay Mỹ? -Không phải vậy ! Tất cả ý tưởng đều xoay chiều nhanh chóng khi "món đòn Dầu Khí "của Mỹ bắt đầu tung ra thị trường, kéo theo sự sụp đổ giá cả dầu thô một thời làm "mưa gió" trên thị trường năng lượng. Loại hình kinh tế thế giới mới đang ló dạng đó là nền kinh tế KỸ THUẬT CAO với thời đại thăng hoa của kỹ nghệ điện tóan, robot, và kỹ thuật 3 chiều đó là những nội dung mà nhân loại trong thế kỷ 21 bắt đầu chứng giám.  DHL - BA Social Science SJSU 4/12./2014
......

Berlin – Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2014

  Ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm nay ở Bá Linh được tổ chức 3 địa điểm khác nhau do Liên Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Cộng Hòa Liên Bang Đức (LH) đứng ra đảm nhiệm với sự hỗ trợ của nhiều đoàn thể, đảng phái ở Đức. Trước đại sứ quán CSVN Người về Bá Linh tham dự một ngày kỷ niệm ngày QTNQ năm nay đã gặp may mắn với thời tiết. Ngày thứ Sáu 12.12 trời mưa gió rét buốt, ngày 13 trời tuy còn nhiều mây xám nhưng +5°C  và khô ráo đã là quá lý tưởng cho sinh hoạt ngoài trời trong một ngày mùa đông Trung Âu. Như thường lệ chương trình được bắt đầu bằng nghi thức chào cờ Đức – Việt và mặc niệm. Đặc biệt năm nay cả nước Đức vừa làm lễ kỷ niệm 25 năm bức tường ô nhục Bá Linh sụp đổ, gần 100 người tham dự buổi biểu tình đã tưởng niệm thêm những nạn nhân của chế độ cộng sản Đông Đức.   Bà chủ tịch LH, bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm đã đọc lời khai mạc, chào mừng các phái đoàn từ xa về Berlin, tuyên bố lý do cuộc biểu tình, thông báo chương trình sinh hoạt trọn ngày. Anh MC Trịnh Đỗ Tôn Vinh bằng song ngữ Việt – Đức đã lượt sơ bối cảnh ra đời của văn kiện lịch sử loài người là bản Tuyên Ngôn QTNQ của Liên Hiệp Quốc vào ngày 10.12.1948. Ông Phạm Công Hoàng đại diện Tổ Chức Sinh Hoạt NVTN tại CHLB Đức sơ lượt về ý nghĩa của ngày QTNQ và lên tiếng tố cáo tội ác của ĐCSVN đối với dân khi đặt bút ký vào văn kiện này nhưng không bao giờ tỏ ra tôn trọng chữ ký của họ. Những đại điện của các hội đoàn người Việt từ các thành phố gần như Hamburg, xa hơn như Bremen, Köln, Kassel, Mannheim; xa nhất là München đã lên cầm mic nói về ngày trọng đại đối với con người nói chung này.   Cụ Nguyễn Đình Tâm vẫn không ngại trời đông với những cơn gió cắt da đối với 92 tuổi đời của cụ đã lên tiếng cám ơn những tham dự viên đến từ nơi xa; xa nhất mãi tận ... Hoa Kỳ như hai GS Nguyễn Đức Cung và Nguyễn Lý Tưởng và nhà văn nữ Việt Nữ. Cụ chia sẻ ước mơ của cụ về một ngày Việt Nam có được thể chế dân chủ và sống trong tự do. Xen kẽ trong chương trình là những bài hùng ca như “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”, “Trả lại tôi” cùng những khẩu hiệu “Nhân quyền cho Việt Nam", “Dân chủ cho Việt Nam”, “Tự do cho Việt Nam”, “Đả đảo CSVN bán nước", ... được mọi người hát chung và hô vang dội. Những lá cờ vàng nổi bật giữa mùa đông vốn mang sắc tối. Đoàn biểu tình đã thực hiện nhiều loại biểu ngữ đủ cỡ mang nội dung đòi hỏi nhân quyền, tố cáo sự chà đạp quyền làm người và đòi thả những tù nhân lương tâm mà mới nhất là ba vị Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh vừa bị y án sơ thẩm trong phiên tòa ô nhục Đồng Tháp một ngày trước đó. Đặc biệt, anh TĐTVinh đã đọc lá thư Bộ ngoại giao Đức trả lời thư bác sĩ HTMỹ Lâm, bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. BNG Đức cũng đã nhấn mạnh đến trường hợp luật sư Lê Quốc Quân đang được sự lên tiếng hỗ trợ của 232 trí thức trong nhiều lãnh vực chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội ... – một sự thành công vượt bậc về kết quả vận động do GS Johannes Kals khởi động. Chương trình kéo dài từ từ 13g30 đến 14g30. Đoàn biểu tình nhanh chóng thu dọn cờ, biểu ngữ và dàn âm thanh để ra Cổng Brandenburg cho kịp phần hai bắt đầu lúc 15g30.   Trước Cổng Brandenburg   Nhưng lần “đón” Nguyễn Tấn Dũng hai tháng trước đó, ban tổ chức đã xin phép biểu tình trên (công trường) Pariser Platz, nằm cạnh khách sạn siêu sao Adlon và (cổng) Brandenburger Tor. Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm, bà bác sĩ Mỹ Lâm đại diện LH và các đại diện của những phái đoàn tham dự đã liên tục đọc những diễn văn bằng tiếng Đức vì đó là khu trung tâm luôn đầy ắp du khách ngoài lẫn trong nước. Nội dung xoay quanh bản Tuyên ngôn QTNQ, ý nghĩa của nó và thực tế Việt Nam còn rất xa những giá trị nhân quyền phổ quát mà ĐCSVN đã tự nguyện đặt bút ký kết tôn trọng vào năm 1982. Tình hình thời sự liên quan đến vấn đề nhân quyền cũng được các diễn giả thay nhau đọc cho người đi đường và du khách nghe. Trung tuần tháng 12 ngày rất ngắn. Mới 16 giờ trời đã bắt đầu tối và cũng lạnh dần. Đoàn biểu tình tuy nhiên vẫn kiên trì giương biểu ngữ, hô khẩu hiệu và giải thích với người đi đường đứng lại lắng nghe và nhận những truyền đơn do ban tổ chức chuẩn bị sẵn bằng Đức Ngữ. 16g30, chấm dứt phần hai và mọi người cũng lại nhanh chóng thu dọn để đến hội trường nhà thờ St. Aloysius.   Đêm cầu nguyện, hội luận và văn nghệ Cả ngày đi đường xa và đứng ngoài trời lạnh buốt đã được vợ chồng anh Nguyễn Ngôn Toàn “đền bù” bằng bữa cơm nóng rất ngon miệng với đầy đủ đồ chua, trái cây, trà, cà phê, ... Bánh ngọt do ông Phạm Công Hoàng tặng.   Vào lúc 18g30 nghi thức chào cờ và mặc niệm một lần nữa được bắt đầu cho phần cuối ngày sinh hoạt QTNQ trong hội trường St. Aloysius do LM Antôn Đỗ Ngọc Hà quản nhiệm.   Cụ Nguyễn Đình Tâm cùng hai vị khác đã cầu nguyện theo nghi thức Phật Giáo với những bài kinh cầu. LM Anton Đỗ Ngọc Hà theo nghi thức Công Giáo với “Kinh hòa bình” và phần thắp nến quanh bản đồ Việt Nam trong tiếng hát của chị Thy Kim với bản “Đêm nguyện cầu” đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, sâu lắng. Ban tổ chức đã giới thiệu vợ chồng bà Kathrin Behr và luật sư Florian Kresse của Hiệp Hội Nạn Nhân Bạo Quyền Cộng Sản (Union der Opferverbände Kommunistischer Gewaltherrschaft, UOKG) có trụ sở đặt tại Berlin. Ông Kresse nói sơ về tiêu chí hoạt động của UOKG và đặc biệt đề cập đến dự án thực hiện một đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản trên bình diện Âu Châu đã làm nhiều người thích thú và quan tâm. Trong phần hội luận GS Nguyễn Lý Tưởng và GS Nguyễn Đức Cung, đại diện Đại Việt Cách Mạng Đảng, đã nói về sự cần thiết của một cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam. Buổi thảo luận hơi ngắn ngủi sau đó đã diễn ra khá sôi nổi.   Giữa lúc hội thảo hung tin TS Ernst Albrecht, ân nhân lớn nhất của người Việt tị nạn cộng sản tại nước Đức vừa qua đời, đã làm cả hội trường sửng sốt và xúc động. Lập tức cả hội trường đã đứng lên mặc niệm người cựu thống đốc tiểu bang Niedersachsen khả kính. Nhờ quyết tâm và lòng nhân ái của ông, nước Đức vào năm 1978 và những năm sau đó đã mở rộng cửa đón nhận tổng cộng khoảng 40.000 dân Việt Nam tị nạn cộng sản. Trong lúc hội thảo ban tổ chức đã kêu gọi quyên góp cho chiến dịch chống lại căn bệnh hiểm nghèo Ebola đang hoành hành tại Phi Châu và chương trình giúp đỡ thương phế binh VNCH do anh Nguyễn Ngôn Toàn đứng ra thực hiện tại Bá Linh.   Với những bài ca “Việt Nam quên hương ngạo nghễ”, “Anh là Ai”, “Việt Nam tôi đâu”, “Quê hương bỏ lại” ... và những bài thơ, chương trình văn nghệ live với nhiều giọng ca cây nhà lá vườn với tài dẫn chương trình sống động của chị Thy Kim kéo dài đến nửa đêm đã chấm dứt ngày QTNQ năm 2014.
......

Tuỳ Anh: Từ Tháng Tư Buồn Đến Nỗi Đau Biệt Xứ

Có thể nói, tôi đã đọc Tùy Anh khá nhiều, cũng như liên lạc quan hệ bài vở với ông trên tập san Viên Giác phải đến trên hai chục năm. Ấy vậy mà mãi đến kỳ hè vừa rồi (tháng 8-2014) tôi mới có dịp gặp Tùy Anh ở chùa Viên Giác Hannover, khi cùng đi đón nhà thơ Trần Trung Đạo từ Hoa Kỳ sang. (Từ trái sang nhà thơ Trần Trung Đạo, Nhà thơ Tùy Anh giữa và Đỗ Trường đeo kính) Đỗ Trường Buổi tối, Thượng Tọa Thích Như Điển sợ Trần Trung Đạo mệt, nên trước khi về phòng ngủ còn dặn ba chúng tôi nhớ phải ngủ sớm. Thế mà, mải chè cháo chuyện trò mãi đến gần sáng, tôi mới chợt nhớ mình phải về để kịp giờ làm việc. Mở cổng, tiễn tôi ra xe, Tùy Anh dặn đi dặn lại, lái xe phải cẩn thận, nếu như buồn ngủ quá thì phải dừng xe chợp mắt chút ít, ba trăm cây số chứ chẳng phải chơi đâu. Nghe nói, ông vừa phải mổ khối u phổi, nhưng ở cái tuổi (gần) bát tuần mà dáng ông còn nhanh nhẹn lắm. Đặc biệt, giọng nói của ông rất nhẹ, vang và ấm.   Tùy Anh tên thật là Nguyễn Hòa, sinh năm 1938 tại Huế. Ông là kỹ sư, nguyên Trưởng Ty Thủy Lâm Đà Nẵng và Trưởng Khu Thủy Lâm Vùng Một Chiến Thuật. Sau 30 tháng 4-1975, ông phải đi tù cải tạo. Năm 1980 ra tù, ông vượt biển và định cư tại CHLB Đức, hiện là chủ bút tập san Viên Giác Hannover. Tuy thơ đã làm nên chân dung thi sĩ Tùy Anh, nhưng mảng văn xuôi cũng đóng góp quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Lão Hũ Chìm viết dưới bút danh Phù Vân là tập truyện điển hình với bút pháp hiện thực của ông. Cũng như nhà thơ Thế Dũng, văn chỉ là hình hài thân xác, thơ mới chính là tư tưởng hồn cốt của Tùy Anh. Có lẽ, đây cũng là cái đặc trưng riêng của các nhà thơ lưu vong. Bởi những biến đổi xã hội, xáo trộn tâm lý cuộc sống quá lớn, riêng thơ khó chuyển tải hết nỗi lòng thi nhân. Do vậy, trang văn cũng là nơi người thi sĩ tìm đến. Và dường như càng lớn tuổi, thơ của họ đến gần với triết lý thiền đạo hơn.   Có thể nói, chính biến cố xã hội(30-4-1975) và sự chia ly ngăn cách đã đưa Tùy Anh đến với nghiệp viết lách. Những năm tháng tù đày, bão tố của biển khơi và cả nửa cuộc đời lưu vong ấy, như những nhát dao chém ngang hồn người thi sĩ. Với ông, chỉ có thơ văn mới là liều thuốc xoa dịu đi những cơn đau và nỗi nhớ đó. * Có những con thuyền chở Tháng Tư đi Đọc, nghiên cứu ta thấy, thơ Tùy Anh mang đậm tính tự sự. Thông qua thủ pháp nghệ thuật này, thi sĩ đã dựng lại một cách sống động những biến cố xã hội, biến cố cuộc đời cũng như cảm xúc tư tưởng, rồi tan chảy vào những tác phẩm của mình. Thật vậy! Nếu không phải trải qua những năm tháng tù đày, thì chắc chắn Tùy Anh không thể viết được những câu thơ làm cho người đọc cảm thấy bùi ngùi, xót xa đến như vậy. Với những nỗi đau, ôm theo mối hận tưởng như không thể dứt bỏ, ấy vậy lời thơ của ông vẫn thủ thỉ, nhẹ nhàng thương đời, trách mình, tuyệt nhiên không thấy bùng lên sự hận thù cay nghiệt ở trong đó: “Ôm mối hận nhưng lòng còn son sắt Thương quê hương đòi đoạn tháng ngày qua Thương đời mình lỡ một thuở ngu ngơ Nên lao nhục trong rừng sâu núi thẳm Cam đày đọa trong lao tù giam hãm…“ (Về Rừng?) Thoát khỏi nhà tù nhỏ, nhưng cánh cửa nhà tù lớn vẫn khóa chặt cuộc đời thi nhân. Vì vậy, với Tùy Anh ra khơi vượt biển là con đường duy nhất thoát khỏi địa ngục ấy. Muôn Trùng Thiên Lý là một bài thơ, hay là những câu hỏi tu từ xoáy quặn đau lòng người trước giờ chia ly? “…Ba mươi tháng tư, một phương trời bão nổi Nhân danh nào làm chồng vợ lìa xa? Chủ nghĩa nào làm tình nghĩa phôi pha? Ai nhớ ai quên, tiếng hờn vang động…“   Nhìn lại lịch sử mấy ngàn năm qua, lúc bình yên, hay khi chém giết tranh giành quyền lực, dẫn đến đổi thay chế độ, nhưng chưa khi nào người Việt lao ra biển để đi tìm sự sống trong cái mong manh và tăm tối như sau biến cố ba mươi tháng tư vừa qua. Bước chân ra đi là lời vĩnh biệt quê hương hay là lời vĩnh biệt chính cuộc đời mình của người thi sĩ? Nếu ai chưa một lần phải bước lên chiếc thuyền lá tre bồng bềnh, lọt thỏm giữa biển khơi bốn bề sóng gió, đọc thơ Tùy Anh chắc chắn sẽ cảm được phần nào đớn đau, tủi nhục trong nỗi tuyệt vọng của con người: “… vĩnh biệt người, vĩnh biệt quê hương có nỗi kinh hoàng nào ai hiểu thấu bởi lũ ma vương bởi phường thủy khấu những tiếng cười quái đản những nét mặt cuồng dâm mã tấu, dao găm trút xuống thân người tị nạn!…“ (Vẫy Tay Chào Quê Hương) Nếu thơ Tùy Anh là tiếng nấc chung đớn đau, xoáy vào thân phận người tị nạn, thì những trang văn của ông đã cụ thể hóa nỗi đắng cay tuyệt vọng hay những hành động phản kháng mãnh liệt của chính mình. Trên Cõi Hồng Hoang là một truyện ký như vậy. Tùy Anh đã đưa hình ảnh cụ thể, sống động nhất vào trang văn. Tuy ông cho rằng, đây là hành động như một phản ứng tự nhiên trước nghịch cảnh đồng loại bị hành hạ, hãm hiếp một cách dã man. Nhưng lãnh một nhát mã tấu chém ngang bụng, để lại vết thương không bao giờ thành sẹo ấy, với tôi, đó hành động can trường, một sự phản kháng có ý thức rõ ràng của Tùy Anh. Chúng ta đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ điều đó: “…hắn chợt nhớ lại sự kinh hoàng tột độ của mọi người trên ghe vượt biên khi hai tàu đánh cá của Thái Lan bao vây. Những ngày lênh đênh trên mặt biển, đói khát lả người, nên có muốn chống cự cũng chẳng còn ai đủ sức. Tụi cướp nhảy qua ghe như một bầy thú tranh mồi. Cô gái ngồi gần hắn bị tụi cướp lôi ra, xé gần hết quần áo. Cô gái thét lên kinh khiếp. Hắn cảm thấy bất nhẫn và bỗng nhiên một sức mạnh trào dâng, hắn nhảy xổ ra hất mạnh tên cướp và kéo cô gái trở lại. Đây chỉ là một hành động hào hiệp, một phản ứng tự nhiên trước nghịch cảnh man rợ. Hắn đâu có ý thức trước được một hiểm họa một báng súng, một nhát mã tấu…”(Trang 212) Có một nhà nghiên cứu (ở Paris) trong số báo xuân gần đây viết: ” Phần lớn đề tài trong thơ của Tùy Anh liên hệ xa gần tới thời cuộc, thành thử thơ của ông phần thi hứng bị trí tuệ lấn át…” Có lẽ, nhà nghiên cứu này muốn nhắc đến thi hứng trời mây sông nước, hay ở cõi trên xa rời với đời sống, xã hội con người chăng?   Vâng! Chính cái thi hứng cõi trên này, đã đẻ ra những bài thơ, trang văn đều chết non chết yểu cả. Tài năng thi hứng đến như đại thi hào Nguyễn Du, nếu ngòi bút của cụ không chọc thẳng vào cái xã hội thối nát và thân phận con người, thì có lẽ Truyện Kiều khó sống được đến ngày hôm nay. Thật vậy, thơ của Tùy Anh đã đi cùng với những thăng trầm của đất nước và nỗi đau của con người, những mảnh đời tha hương biệt xứ. Do vậy, thơ ông đầy ắp hơi thở cuộc sống, sinh động đi thẳng vào lòng người. *Những vết thương không bao giờ thành sẹo. Cũng như như nhà thơ lưu vong khác, thơ của Tùy Anh đau đáu một niềm nhớ thương, mong ngày trở về “ Mình ta tháng đợi năm chờ/ Vết nhăn thành sóng trên bờ trán cao” Và sự chờ đợi ấy, dường như chỉ là giấc chiêm bao. Dẫu biết vậy và anh cũng chẳng còn trẻ nữa, nhưng vẫn đưa em về tìm lại ký ức thuở ban đầu. Đủ Ấm Yêu Thương là một giấc mơ mang mang hoài niệm như vậy. Nó tuy không phải là bài thơ thật xuất sắc của Tùy Anh, nhưng có lời thơ rất nhẹ và đẹp: “…Em về biển- biển muôn đời vẫn mặn Sóng vỗ hoài phai dấu tích thương xưa Bên rừng vắng-rừng ngút ngàn tĩnh lặng Tiếng chim hoang hót gọi buổi giao mùa…” Ba mươi lăm năm trường, cũng không thể xóa nhòa nỗi đớn đau thân phận lạc loài, để rồi dường như có lúc họ phải trốn chạy ra khỏi thực tại, ra khỏi chính mình. Nếu nhà thơ Luân Hoán đã có lúc phải chìm mình vào trong những cơn say, thì thi sĩ Tùy Anh cố xóa đi cội nguồn gốc gác. Nhưng nhà thơ đã lầm, nỗi đắng cay, uất hận không chỉ quặn lên cứ mỗi độ tháng tư về, mà nó còn luôn thường trực trong lòng người và được nhân lên sau những cơn say ấy. Thật vậy! Chẳng có cơn say nào, quốc tịch nào làm làm vơi đi được nỗi day dứt khắc khoải đó: “Tưởng đã phai mờ cội nguồn chủng tộc Bằng vào tên họ nửa Á, nửa Âu Bằng vào quốc tịch vô căn mất gốc Quên hẳn da vàng, mũi tẹt, mắt nâu! — Tưởng rằng đã quên đi đắng cay uất hận Bằng nửa cuộc đời lưu lạc tha phương Bằng những đêm trường dày vò thân phận Dở khóc dở cười đòi đoạn tiếc thương! “ (Tháng Tư Gợi Nhắc Niềm Đau)   Tuy đến với thơ văn bởi hoàn cảnh sống, hoàn cảnh tranh đấu và khá muộn, nhưng Tùy Anh viết nhiều, được cho là một trong những cây bút có nội lực nhất ở Đức trong suốt mấy chục năm qua. Lời thơ Tùy Anh sáng, đẹp, giàu nhạc tính. Do vậy, có khá nhiều bài thơ của ông được các nhạc sĩ phổ nhạc. Thơ lục bát tuy không phải là sở trường của Tùy Anh, nhưng ông luôn gây bất ngờ cho người đọc. Buồn Xưa là một bài thơ lục bát như vậy. Để giữ đúng những nhát cắt của cuộc sống, sự vỡ vụn tâm trạng, nhà thơ đã dùng thủ pháp ngắt nhịp, xuống dòng trong câu thơ. Với hình thức này, gần đây cũng có một số nhà thơ đã sử dụng, nhưng để đi đến tận cùng của sự mất mát, đắng cay của những kiếp người, thì quả thật, không phải ai cũng làm được: “…Tháng tư rã ngũ tan hàng nổi trôi vận nước tan hoang phận người kẻ đi biền biệt ngàn khơi người trong tù tội một đời đắng cay buồn xưa len lén về đây xót xa nỗi nhớ phương này bơ vơ …” Có lẽ, không nhà văn nhà thơ nào không có một lần viết về mẹ. Tùy Anh cũng không nằm ngoài cái lẽ thông thường đó. Khi đọc và nghiên cứu Tùy Anh, ta thấy, không chỉ một vài lần mà dường như, hình tượng mẹ và quê hương là mạch chảy xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông. Nỗi nhớ thương ấy, luôn quằn quại trong lòng những người con nơi xứ lạ. Nhà thơ nhân cách hóa một cách rất cụ thể, tinh tế hình ảnh tần tảo của mẹ trong cái đắng cay, nhọc nhằn nơi quê nhà. Tôi nghĩ, đây là sự liên tưởng về mẹ với quê hương một cách rất độc đáo: “Mẹ mắc võng từ thượng nguồn Bàng Lãng Đến ngọn triều cuối cửa bể Thuận An Lưng mang nặng nhịp Trường Tiền, Bạch Hổ Mẹ gánh thêm núi Ngự, Hương Giang — Nước mắt mẹ đã bao lần nhỏ xuống Máu xương con tưởng đã chảy thành sông…” (Lời Mẹ Ru)Còn Chút Gì Để Nhớ là bài thơ khá hay, được viết trong những ngày đầu Tùy Anh đến mảnh đất tạm dung, cách nay đã trên ba chục năm. Ấy vậy mà đọc lại lời tự vấn của nhà thơ trước thảm trạng đất nước con người, vẫn gieo vào lòng ta nặng trữu những ưu tư: “… Thành phố cũ nay mang tên người chết Bạn bè xưa nay còn mãi lao tù Xin tự hỏi khi giương buồm vượt thoát Để đấu tranh hay để mãi ưu tư?”   Trong cái lặng câm của những tướng lĩnh ươn hèn trốn chạy, người thi sĩ uất hận và cố quên đi: “chữ nghĩa phản chiến của đám kiêu binh, buôn dân, nội tuyến” và cả “chữ nghĩa tuyên truyền lừa dối/ của bọn người mệnh danh thiên đàng xã hội”. Thật vậy, nếu bài thơ Quên Hết Chữ Nghĩa, Tùy Anh cố quên đi ươn hèn của những kẻ đã góp phần đưa đất nước vào địa ngục tối tăm, thì Thắp Giùm Tôi Ngọn Nến như một tiếng kêu thức tỉnh lương tri của con người trước sự dối trá lừa lọc của những kẻ “đỉnh cao trí tuệ”. Với ông, đấu tranh là con đường duy nhất để giải thoát cho cả dân tộc khổ đau này: “thắp giùm tôi ngọn nến giữa vùng hỏa ngục Việt Nam có muôn ngàn tiếng kêu trầm thống có muôn vàn áp bức bất công thế giới lương tâm vẫn ngồi trong phòng kín vẫn câm điếc vẫn đui chột mù lòa…” (Thắp Giùm Tôi Ngọn Nến) Ngoài tình yêu quê hương, đất nước, Tùy Anh còn viết khá nhiều thơ tình đôi lứa. Ai đã đọc nó, có lẽ khó dứt ra được. Bởi, một điều đặc biệt, thơ tình của ông không hề có sự bi lụy ở trong đó, mà chỉ thấy phảng phất đâu đó cái nét mang mang hoài cổ, nhẹ nhàng như đến ru người, ru tình vậy: “Hương trầm dìu dặt cung đàn/ Võng em rời khỏi trần gian lụy phiền” Có thể nói, thơ Tùy Anh là lời tự sự, trăn trở về đất nước, con người trong những năm tháng nơi biệt xứ của mình. Nỗi đau của thi sĩ, gắn liền với số phận của cả một dân tộc. Với ông, vết thương và nỗi đau ấy lành lại, chỉ khi nào con đường trở về được mở ra… *Thiền- triết đã đi vào trong thơ. Hình như càng lớn tuổi, con người gần gũi, tìm về với Đạo giáo nhiều hơn. Tuy nhiên, mỗi con người có con đường đi riêng của mình: “Người thích đi tìm phật/Trong tiếng kệ, lời kinh/Còn tôi đi tìm phật/Trong cuộc đời vô minh” Tùy Anh cũng vậy, cùng với thơ văn ông đi tìm triết lý nhà phật, triết lý cuộc sống trong chính cuộc đời u tối này. Do vậy, thơ ông nặng tính triết, tính thời sự xã hội. Trong bài Khuôn Mặt Dấu Xa Bay, thi sĩ đã mượn cái qui luật tuần hoàn của tự nhiên để khẳng định, cơn đại hồng thủy kia dù có dã man và tàn bạo, nhưng ngày trở về với đất mẹ của những đứa con bị lưu đày là điều tất yếu: “Dòng sông nào đưa đẩy Con nước về đại dương Cơn mưa nào hồng thủy Xua nước chảy xa nguồn…” Khi đi vào cõi mênh mông của thiền triết thi ca, hẳn ta không khỏi rung động trước những câu thơ tả cảnh gợi tình, giản đơn nhưng lại đẹp đến nao lòng của Phạm Công Thiện: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông”. Hay những câu thơ đầy hình ảnh triết lý với cái tứ mới lạ của Đỗ Hoàng: “ …và cũng bất ngờ/ nhặt từ bùn/những câu thơ/ thời gian không hóa thạch”. Đọc Tùy Anh, ta lại thấy được cái an nhiên tự tại trong nội tâm của thi sĩ, trước nghịch cảnh cuộc sống: “…Tâm an trú giữa hồng trần nghiệt ngã Mà hiển vinh là bào ảnh phù du Nên ngôn hạnh trong như dòng bát nhã Thẩm vào đời nghe vời vợi hương nhu.” (Những Vần Thơ Tự Tại) Là một phật tử và gần hai chục năm làm chủ bút tập san Viên Giác, nên Đạo giáo đã thấm đẫm linh hồn Tùy Anh. Rồi Một Ngày Tâm Tĩnh Lặng là một bài thơ hay, nặng tính triết lý Đạo Giáo. Nó như một lời lý giải cái khoảng cách hư vô giữa Đạo và Đời. Và với thi nhân, khoảng cách ấy tuy là hai thái cực, nhưng sẽ giao nhau ở tâm điểm trong cái vòng quay vũ trụ. Và đó chính là hoa và nụ cười trong cái tĩnh lặng của lòng ta: “Giữa tăng và tục Là khoảng trống không cùng Của giận hờn nhẫn nhục Của chấp ngã bao dung Giữa đạo và đời Là khoảng hư vô diệu vơi Giữa người và tôi Là trái tim biết nói Giữa không và có Rồi một ngày tâm tĩnh lặng Như hoa sen và nụ cười Là niềm vui vô tận Cho người và cho tôi” Ba mươi lăm năm sống trên xứ người, thời gian dài đằng đẵng ấy, tưởng như đã đốt cháy tư tưởng, ý trí của Tùy Anh. Nhưng đọc ông, ta thấy niềm tin vẫn hừng hực trong ông như thuở nào, dẫu biết rằng sức đã cạn, đường về nhà còn khó khăn và xa vời vợi… Và tôi tin, khi hoàng hôn về, Tùy Anh vẫn đi ra hướng biển, nơi Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, để vắt hết những gì còn lại trong trái tim mình, đặt lên trang viết, gửi về nơi đất mẹ.   Leipzig ngày 11-12-2014Đỗ Trường Theo DienDanCTM
......

Bùi Minh Hằng ghi lại lý lịch của mình

Chúng ta Tự tay ghi vào lý lịch Định mệnh của dân tộc mình “Chúng ta - Những kẻ bội thu, Đỗ Trung Quân” Trong bài thơ “Chúng ta - Những kẻ bội thu”, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết về một điều không mới, dường như ai cũng biết rồi, thế nhưng ông đã làm người đọc rúng động! Ông viết: chính sự thờ ơ của chúng ta tạo nên định mệnh khắc nghiệt cho mình và cho dân tộc mình. “Chúng ta gieo mầm dửng dưng nên gặt về lạnh nhạt, chúng ta thờ ơ với con người nên gặt về con vật.” Bài thơ mạnh. Mạnh về ý lẫn lời. Và điều làm người ta rúng động là Sự Thật, là những gì đang xảy ra hàng ngày trong xã hội chúng ta đang sống. Phải chăng mọi sự việc xảy ra đều có lý do, mọi hậu quả chúng ta nhận lãnh đều có nguyên nhân của nó!? * * *   Chúng ta thờ ơ với con người nên gặt về con vật. Câu thơ làm ta liên tưởng đến những chuyện xảy ra quanh mình, những hành động gần như thiếu hẳn tính người, như: chuyện cả làng hùa nhau đánh chết hai thanh niên trộm chó; chuyện người lái xe chở bia gặp nạn van xin những kẻ hôi của vô cảm; hay nụ cười đểu của viên quản giáo khi ngợi khen những hình ảnh nhục mạ kỹ sư Đặng Xuân Diệu do gã tù hình sự vẽ trên tường trại giam … Những giọt nước mắt uất nghẹn của tù nhân Trương Minh Tam cùng các hình ảnh bị vẽ nửa người nửa chó của người thanh niên mộ đạo, thành viên của nhóm Bảo Vệ Sự Sống, sẽ khắc ghi vào ký ức chúng ta một thời đại đen tối nhất của xã hội và của quyền con người trên đất nước Việt Nam. Trong khi những giá trị về nhân quyền đã được các quốc gia trên thế giới tôn trọng và ngay cả nhà cầm quyền VN cũng công khai thừa nhận, thì người VN vẫn tiếp tục phải sống trong khổ đau, đoạ đày và áp bức. Người dân vẫn tiếp tục bị cướp đất, bị ép cung, bị đánh chết trong các đồn công an, bị chà đạp nhân phẩm trong các trại tù, bị bắt giam vô cớ... Mới đây, để tránh né sự trơ trẽn trước thế giới, lãnh đạo đảng vừa cho dời phiên toà xử chị Bùi Thị Minh Hằng, chị Thúy Quỳnh, và anh Nguyễn Văn Minh qua ngày 12/12/14 tức là sau ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Họ biết rằng các lý cớ để giam giữ các anh chị trên chỉ làm trò cười trước mắt nhân loại. Chẳng có một chính phủ đúng nghĩa nào lại bày cái trò "cản trở lưu thông" như một cái cớ để mà bắt giam, để nhốt tù người dân trong nhiều tháng trời. Ngay cả các chế độ thực dân, đế quốc cũng còn đủ tự trọng để không làm những việc như vậy. Các trò hèn kém đó chỉ khiến cho công luận VN và quốc tế thấy rõ những kẻ nắm quyền đang bí lối và bối rối đến mức độ nào. Mọi loại biện hộ để chà đạp các quyền đương nhiên của con người đều không còn lừa bịp được ai. Người dân VN ngày nay thừa kiến thức và thừa khả năng để vạch ra sự thật về tiêu chuẩn nhân quyền của nhân loại mà nhà cầm quyền VN đã long trọng ký kết. Chị Bùi Minh Hằng là một trong những người đã miệt mài quảng bá để người dân Việt biết đến các quyền của họ là gì và ai đang cướp trắng các quyền đó của họ. Nhưng … có thực bên cạnh những con người đang bị hành hạ vì đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh chống Trung Quốc, chúng ta luôn nhìn thấy sự thờ ơ, dửng dưng, và ích kỷ của đại đa số quần chúng chung quanh không? Tôi cho rằng không hẳn thế.   Mặc dù không nói ra, hầu như ai ai, cả những người đang phục vụ trong bộ máy cầm quyền đều bức xúc trước các vấn đề của xã hội, các vấn nạn của đất nước. Có lẽ nên nói rằng xã hội của chúng ta bao gồm phần lớn những con người hoang mang, thụ động, sợ hãi, đánh mất chính mình thì đúng hơn. Nhưng càng hoang mang, càng sợ hãi thì chính chúng ta lại trở thành nạn nhân của chính mình. Trong hoàn cảnh sợ hãi tràn lan đó, đã có những người chọn cho mình một thái độ khác. Sau kết quả của phiên toà sơ thẩm, với những bản án khắc nghiệt được tuyên cho chị Bùi Hằng, chị Thuý Quỳnh và anh Minh, Ls Trần Thu Nam kể lại rằng: chị Bùi Hằng đã phản ứng rất bình tĩnh, chị điềm đạm nở một nụ cười trên môi, chị hát một bài hát gì đó về Đức Mẹ khi đi từ vành móng ngựa ra xe tù. Cô Thúy Quỳnh thì im lặng tỏ ra bình tĩnh, khi đón nhận kết quả. Còn anh Văn Minh quay lại nói với vợ rằng: không có vấn đề gì cả, 2 năm 6 tháng cũng nhanh thôi. Sự thật thì đó là một bản án với mục tiêu khủng bố tinh thần những người đấu tranh, nhưng các anh chị trên và hầu hết những người đấu tranh hiện nay đều chấp nhận vì họ tin vào những việc mình đang làm. Họ hiểu rằng cái giá của nhân quyền, dân chủ không hề nhỏ. Nhưng nếu chúng ta không dũng cảm, không chấp nhận hy sinh để giành được nó, thì cái giá mà chúng ta phải trả còn đắt hơn gấp trăm lần. Tất cả đang miệt mài gieo những hạt giống mới cho đất nước mình, cho thân phận mình. Bởi chính vì chúng ta sợ hãi và im lặng nên thiểu số lãnh đạo mới dám làm chuyện đem bán tài nguyên đất nước làm của riêng. Chúng ta có dửng dưng, thờ ơ thì họ mới dám bán từng phần chủ quyền quốc gia từ ngoài khơi xa xăm đến sâu trong đất liền và cùng khắp đất nước. Chúng ta vô cảm trước giá trị con người thì họ mới dám mạnh miệng tuyên bố rằng lý do phải trì hoãn nhân quyền là vì dân trí thấp… Chắc chắn sẽ không có một sự nhượng bộ nào từ những kẻ cai trị nếu chúng ta, những người bị cai trị, tiếp tục giữ thái độ cam chịu.   Nhưng rõ ràng bất cứ một sự phản kháng lớn hay nhỏ nào của người dân lúc này đều làm cho kẻ cầm quyền run sợ vì họ biết họ đang cản bánh xe tiến hóa của nhân loại. Hãy xem sự cuống cuồng của lãnh đạo đảng khi phải ra lịnh "bắt quả tang" một người đang ngồi viết văn; "bắt khẩn cấp" một nhà văn kiêm blogger hiền lành, điềm đạm, cao tuổi lại đang bị bệnh liệt nửa người. Đó là Nguyễn Quang Lập tức Bọ Lập, chủ trang blog nổi tiếng Quê Choa. Nhìn cảnh ông Lập bị công an kéo đi, lòng ta tự hỏi những kẻ cầm quyền này sẽ hành xử ra sao nếu bên cạnh nhà văn Nguyễn Quang Lập là sự góp mặt của hàng trăm, hàng ngàn người khác? Tôi tin rằng có rất nhiều người khác cũng có cùng câu hỏi đó trong lòng mỗi khi nhìn các blogger bị bắt. Bằng chứng là càng ngày càng có nhiều người dấn thân bước tới sau các vụ bắt bớ. Đúng như bài giảng của Linh Mục Giu-se Nguyễn Văn Toản tại Dòng Chúa Cứu Thế vào đầu tháng 12.2014. Dù là người ngoại đạo, tôi đã nhìn thấy hình ảnh vác thập giá của chúa Giêsu. Đây là lời tự hứa phải tuyên chiến với sự dối trá. Linh mục Toản đang theo chân chúa Giêsu vác thập giá giữa cuộc đời nhiễu loạn này cho chính mình và cho tha nhân. Còn ai nữa muốn đứng nhanh lên để cùng đi với Linh mục Toản? Nếu đất nước chúng ta may mắn, tôi tin rằng ngay trong thập niên trước mặt thôi, người ta sẽ quên dần những năm tháng đen tối này mà chỉ nhớ đến với lòng biết ơn sâu xa những con người can đảm, những con người chịu đau đớn, chịu bách hại, chịu trả giá để nhân quyền có mặt tại VN. Nhưng dù với sự hy sinh cao cả đó, chuyện đẩy lùi được bóng tối trên đất nước này vẫn không thể thực hiện được nếu chỉ do một nhóm người nỗ lực. Đẩy lùi bóng tối, tuyên chiến với sự giả dối, với cái ác chắc chắn cần sự góp mặt của tất cả chúng ta. Xin hãy giúp nhau vực lại niềm tin, vực lại bản sắc của chính mình trong mỗi con người Việt Nam. Chúng ta sẽ tự tay ghi một lý lịch mới cho chính mình và cho định mệnh cả dân tộc. Nguyệt Quỳnh
......

Malala muốn làm thủ tướng Pakistan

Nhà hoạt động trẻ tuổi của Pakistan Malala Yousafzai nói với BBC trước lễ trao giải thưởng Nobel Hòa bình hôm thứ Tư 10/12 rằng cô hy vọng sẽ đi theo nghiệp chính trị. Malala Yousafzai bị bắn vào đầu năm 2012 photo Malala nói cô có thể phấn đấu trở thành thủ tướng Pakistan sau khi học xong ở Anh quốc. Giải Nobel Hòa bình năm nay được chia sẻ giữa cô và Kailash Satyarthi, nhà vận động quyền trẻ em người Ấn Độ. Malala Yousafzai bị các tay súng Taliban bắn vào đầu hồi tháng 10/2012 trong khi vận động vì giáo dục cho trẻ em gái. Cô là người trẻ nhất được trao giải Nobel. Malala nói với BBC: "Tôi muốn phụng sự đất nước tôi và ước mơ của tôi là Pakistan trở thành một nước phát triển, tôi muốn tất cả trẻ em được học hành". Cô cũng nói cô muốn theo gương bà Benazir Bhutto - người hai lần làm thủ tướng Pakistan trước khi bị ám sát năm 2007. "Nếu như tôi có thể phụng sự đất nước tôi tốt nhất thông qua con đường chính trị và làm thủ tướng thì tôi sẽ lựa chọn điều đó."     Tôi cảm thấy tôi có trách nhiệm trước Thượng Đế, trước bản thân mình và tôi phải giúp cộng đồng tôi. Đó là bổn phận của tôi. Malala Yousafzai Malala nói cô rất vinh dự được nhận giải cùng Kailash Satyarthi. "Tôi luôn luôn mong muốn trẻ em được tới trường và tôi bắt đầu chiến dịch vận động." "Giải thưởng này rất quan trọng đối với tôi, nó mang lại cho tôi nhiều hy vọng, dũng cảm, và tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn trước vì tôi thấy mọi người ở quanh tôi." "Trách nhiệm thì nhiều hơn nhưng tôi cũng tự đặt trách nhiệm cho mình. Tôi cảm thấy tôi có trách nhiệm trước Thượng Đế, trước bản thân mình và tôi phải giúp cộng đồng tôi. Đó là bổn phận của tôi." 'Thất vọng' Tại cuộc họp báo chung với ông Satyarthi vào thứ Ba 9/12, nữ sinh 17 tuổi lặp lại thông điệp của cô rằng tất cả các em nữ cần có quyền học tập như nam. Hai người sẽ chia sẻ giải thưởng trị giá 1,4 triệu đôla được trao cho họ để vinh danh nỗ lực bảo vệ trẻ em trước nạn bóc lột và khủng bố cho dù nguy hiểm tới tình mạng. Malala Yousafzai nói cô thất vọng khi thủ tướng Ấn Độ và Pakistan không có mặt trong buổi lễ trao giải. Các phóng viên cho hay hiện diện của Malala và ông Satyarthi tại Oslo đã thu hút hàng trăm người xuống đường để trông thấy họ mặc trời giá rét. Ủy ban Giải thưởng Nobel trước đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc một người theo đạo Hồi và một người theo đạo Hindu, một người Pakistan và một người Ấn Độ, cùng được giải thưởng và vinh danh trong cuộc đấu tranh chung vì giáo dục và chống cực đoan. Theo bbc.co.uk/vietnamese  
......

Thanh niên Phật tử tham gia vận động tự do tôn giáo cho VN

Ngày 8/12 tại New York, một nhóm các thanh niên Phật tử người Mỹ gốc Việt, cùng với đại diện của Tăng đoàn Giáo hội Việt Nam Thống nhất, đã đến trụ sở của Liên Hợp Quốc để gặp gỡ một số quan chức LHQ và chính khách Mỹ để vận động cho nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là hai vấn đề: tự do tôn giáo và bảo vệ người hoạt động nhân quyền. Trưởng phái đoàn là hòa thượng Thích Viên Lý, Chủ tịch Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại. Ngoài ra, Tăng đoàn còn có hai thành viên khác cùng tham gia là hòa thượng Thích Chơn Trí và thượng tọa Thích Viên Thông.   Phát biểu tại Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, ba vị hòa thượng đã trình bày một bản báo cáo chi tiết về tình hình vi phạm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay và trong những năm gần đây, đồng thời đề nghị LHQ giúp đỡ thúc đẩy tự do tôn giáo nói riêng, nhân quyền nói chung cho tất cả người dân Việt Nam.   Anh Nguyễn Tuấn, một thanh niên Phật tử người Mỹ gốc Việt, nhấn mạnh việc chính quyền địa phương ở nhiều nơi trong nước đang sử dụng một số biện pháp mới để trấn áp tự do tôn giáo - tín ngưỡng: Nhận biết được rằng chùa chiền có xu hướng là nơi tăng ni Phật tử tổ chức các hoạt động từ thiện, cứu giúp trẻ em nghèo, người khuyết tật, người vô gia cư, thương phế binh…, chính quyền và lực lượng công an địa phương đang đẩy mạnh việc cưỡng chế thu hồi đất nhà chùa hoặc giải tỏa chùa, nhưng lại không bố trí tái định cư cho tăng ni. Điều này đẩy các tăng ni Phật tử vào tình cảnh “bơ vơ”, không có nơi thờ phượng, nhưng hễ họ phản đối thì lập tức bị chính quyền và công an chụp mũ là phản động, chống đối nhà nước. Gần đây nhất, có ít nhất ba ngôi chùa đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”, là chùa Liên Trì, chùa An Cư, và tịnh thất Minh Tâm. Các hòa thượng Thích Không Tánh, Thích Thiện Hạnh, Thích Viên Định bị ngăn cản, không cho thuyết giảng. Anh Tuấn cũng nói thêm về tình trạng công an giả làm “quần chúng bức xúc” đe dọa, hành hung những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Chẳng hạn như trường hợp Huỳnh Trọng Hiếu, một nhà hoạt động bảo vệ tự do tôn giáo. Gia đình anh Hiếu bị công an và côn đồ địa phương sách nhiễu thường xuyên; lần gần đây nhất (ngày 10/10/2014), họ còn xông vào đập phá nhà anh, bất chấp việc vợ chồng anh có con nhỏ mới 10 tháng tuổi. Một vị quan chức của Mỹ tại LHQ nhận định, thời gian gần đây, đã có nhiều nỗ lực vận động cho nhân quyền Việt Nam, từ phía cộng đồng quốc tế cũng như từ chính phủ Mỹ. “Xét tổng thể, tình hình nhân quyền ở Việt Nam có gì tiến bộ hơn không?” – ông nêu câu hỏi.   Chị Lý Trí Anh, một Phật tử, cho biết: “Theo nhận định của nhiều người, nhất là của những blogger nổi tiếng trên mạng xã hội, thì tình hình không có gì khá hơn. Một số tù nhân lương tâm được thả nhưng một số blogger lại bị bắt vào tù, đa số khác ở trong tình trạng có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Nói chung, mọi người đều lo lắng vì không biết lúc nào tới phiên mình hay phiên bạn bè mình vào tù”. Chị nhắc đến việc blogger Mẹ Nấm và các bạn bị công an “mời” về đồn làm việc, thẩm vấn, chỉ vì tham gia hưởng ứng một chiến dịch vận động nhân quyền được phát động trên Facebook nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10-12. “Nhưng, sợ thì vẫn sợ, song họ vẫn đấu tranh cho quyền con người, cũng là quyền của chính họ” – chị Lý Trí Anh nói. Một Phật tử trẻ khác, anh Cao Tuệ Anh, thông báo với các vị đại diện của Cao ủy Nhân quyền LHQ về việc công an bắt giữ ba blogger trong nửa năm qua – Ba Sàm, Người Lót Gạch, và Bọ Lập – chỉ vì họ đã viết blog để nói lên những sự thật ở Việt Nam, một cách ôn hòa. Anh Tuệ Anh cũng vạch rõ tình trạng chính quyền dựng lên các tổ chức tôn giáo quốc doanh để một mặt đưa các tôn giáo vào vòng khống chế, kiểm soát, mặt khác lại có cớ để nói với thế giới rằng “ở Việt Nam, quyền tự do tôn giáo được bảo đảm”. Ví dụ, họ thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản, để làm đại diện duy nhất cho Phật giáo toàn quốc. Trong khi đó, họ vẫn không ngừng phá rối chùa chiền, ngăn cản chư tăng hành đạo, và cưỡng chế thu hồi đất của những ngôi chùa thuộc diện “sổ đen”, với lý do tu sĩ của các chùa này không hoạt động trong giáo hội nhà nước. Chùa bị tịch thu, tăng ni Phật tử bị đánh đập, bị lăng mạ trên phương tiện truyền thông quốc doanh… Không chỉ Phật giáo, mà tất cả các tôn giáo khác ở Việt Nam cũng bị trấn áp với những biện pháp tương tự. Phía đại diện của Cao ủy Nhân quyền LHQ ghi nhận những ý kiến và báo cáo của các hòa thượng cũng như các thanh niên Phật tử. Một vị quan chức LHQ có vài lời chia sẻ kinh nghiệm. Ông khuyên các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, ngoài việc tiếp tục kiên trì đấu tranh, cũng nên tăng cường sử dụng các cơ chế bảo vệ nhân quyền của LHQ, như cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) và Báo cáo viên Đặc biệt (Special Rapporteur) để được trợ giúp thêm. Ảnh: Tại văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ ở New York ngày 8/12/2014.  
......

Bắt quả tang một kẻ muốn làm Người chân chính!

Nhà văn Quê Choa bị liệt nửa người nhưng vẫn động tâm động não, say sưa làm việc, viết Blog, viết văn; có lẽ vì thế nên vừa được mời đi “làm việc” chuyên trách luôn, ở một nơi rất chi là an ninh? Nhà văn Quê Choa bị liệt nửa người nhưng vẫn động tâm động não, say sưa làm việc, viết Blog, viết văn Với nhà chức trách thì việc ấy hẳn coi là thích đáng lắm, vừa “thích” lại vừa “đáng”? Thì các vị đã bảo ông Quang Lập bị bắt “quả tang” đấy còn gì? Quả tang đang viết văn! Tang vật phạm tội hữu hình thì đã sờ sờ trên bàn: này bàn phím, này màn hình, này sách vở… Tang vật cất giấu tuy còn nằm trong đầu nhưng đã hiện dần ra thành những con chữ, mà con chữ là con đẻ của con người, không thể chối cãi, mà sao ông lại chối cãi khát vọng làm một Người chân chính, một công dân chân chính kia chứ?.   Vâng, hãy đem tất cả những con chữ hiện hình trong các tiểu thuyết của Nguyễn Quang Lập mà nhiều bạn trẻ đã “gối đầu giường”, các kịch bản phim từng được giải cao, các trang Blog luôn có số truy cập rất đáng nể…của “đương sự Nguyễn Quang Lập” cho giới trí thức và toàn dân “giám định” xem sao! Xem con người ấy đáng ghét hay đáng yêu, đáng trọng hay đáng khinh, có công hay có tội, là địch hay là ta, có đáng bị bắt như thế hay không? Ông Lập nhận thức sai thì dùng báo chí truyền thông áp đảo vạch chỗ sai cho cả nước cùng biết, chứ nhốt nhận thức sai vào buồng kín để thì thầm “làm việc” riêng thì khác nào sợ nó nói đúng sẽ chinh phục công chúng? Trong thế giới tư duy thì bắt người là ở thế thua. Nhưng công bằng mà nói thì ông nhà văn này cũng hơi “cố tình” thật. Đang bị tai biến đột quỵ với di chứng liệt nửa người rồi, sao không nghỉ chơi cho khỏe mà cứ khắc khoải, cứ viết lách, cứ khát khao hoài một sự nghiệp làm …Người! (xin dùng chữ Người của nhà thơ Hữu Loan: chưa làm được nhà vì còn bận làm NGƯỜI. Viết văn chính là quá trình tự hoàn thiện tính Người của mình mà thôi), nên trước thế sự và quốc sự thăng trầm, một nhà văn chân chính, một trí thức chân chính cứ phải động tâm, động não, như một trách nhiệm, một nghiệp dĩ làm người đầy gian nan và đau khổ. Tay chân nhà văn càng liệt thì tâm can nhà văn càng càng lay động. Ngược lại, nhiều cá nhân hay tổ chức đang ở “tầm cao mới” bây giờ, cái đầu và con tim thì trơ lỳ, vô cảm trước nguy cơ dân tộc có thể bị “liệt toàn thân” đến nơi, nhưng cái đầu của họ cứ ra lệnh cho tay chân của họ múa may, quay cuồng hết cỡ, làm đau mọi người. Người dân chúng tôi gọi đấy là type người “tim óc trơ lỳ, tứ chi cựa quậy” (mà cựa quậy hết cả ngũ chi ấy chứ), lấy thế làm sướng! Có anh bạn nói nhỏ vào tai tôi: “coi chừng khủng bố trắng đấy”. Câu nói vô tình gợi lại một chuyện nhỏ của tôi (và cũng là của những trí thức phản biện) trước Đại hội Đảng lần thứ 11. Xin ghi lại câu chuyện đã đăng cách đây 4 năm, đã đăng trên trang talawas, để thấy như một quy luật, cứ trước mỗi đại hội của ĐCSVN khoảng một-hai năm là phải xảy ra một chiến dịch tảo thanh như vậy để chuẩn bị. Tình hình thật cũng “chẳng có gì mới” như tình hình ngoài Biển Đông vậy. *Bài cách đây 4 năm: Trắng cả rồi ư? Tưởng rằng nhỏ nhắn và khoan hoà như  hasiphu.com thì chẳng đáng để tin tặc phải ra tay, nhưng dạo này bạn bè trong nước đến thăm “Thư viện HSP” hơi nhiều nên cũng bị cấm cửa từ 21-2-2010 rồi. Hình như đã có “Trojan Horse” nằm trong đó để gây hại cho computer của ai cố tình truy cập. Tất cả bài của mấy anh em Đà Lạt bấy lâu ở trong đó, mong sao không bị xoá sạch. Hôm 28 Tết vừa rồi, cán bộ PA25 thương tôi nên đã nhờ một người quen đến nhà nói trắng cho  tôi biết rằng:  Từ nay đến hết Đại hội 11 Đảng sẽ thực hiện chính sách Khủng bố trắng! Dù có là Uỷ viên Bộ Chính trị mà có quan quan điểm khác chính thống thì cũng cho phăng teo luôn. Hà Sĩ Phu nên tránh đi lại, cẩn thận kẻo sẽ gặp nạn khiêu khích đấy! (Hết trích). Cứ tưởng doạ nhau chơi cho chừa cái tật làm Câu đối Tết thôi (vì Đảng Vô sản đỏ của dân do dân vì dân thì ai lại khủng bố trắng bao giờ), ai ngờ Thư viện đã bị tin tặc phối hợp cấm cửa rồi…, nếu bị xoá sạch thì đúng là “trắng”. Nhưng mấy hôm nay đầu óc tôi cứ bị ám ảnh bởi tình thế bao nhiêu đất đai của vùng biên giới, đầu nguồn, đã bị “kẻ thù truyền kiếp” chiếm đóng 50 năm thì số phận của những con số 80 triệu với “4000 năm” cũng treo trên sợi tóc, cũng “trắng“ nốt, chứ cái trang mạng “ranh con” của mấy anh còm Đà Lạt thì kể làm gì mà kể nhỉ? Chỉ thương dân “trắng tay” (như một câu ca dao gần đây về cái bàn tay)[1], chứ cư dân mạng dù bị “trắng internet” thì cũng là nỗi buồn thoáng qua, sẽ sống lại thôi.   22–2-2010 2010 Hà Sĩ Phuhttp://www.talawas.org/?p=16609http://hasiphu.com/baivietmoi_51.html ------------------------------------------------- [1] “Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Mặt trận vỗ tay, Chính phủ khoanh tay, Quốc doanh ngửa tay, Tội phạm ngoặc tay, Công an còng tay, Báo chí chùn tay, Trí thức phẩy tay, Quan chức đầy tay, Dân trắng tay…” * Đối với đại hội lần thứ 12 này, ba sự thật gai góc có thể “gây phiền” cho đại hội sẽ là:   - sự phủ định cái bình phong Cộng sản Mác-Lê-HCM, - sự o-ép và nô dịch ngày càng nguy hại của bành trướng Bắc kinh - và tình trạng mâu thuẫn phe phái trong nội bộ đảng. Các Blogger Basam, Người lót gạch, Quê choa đều động chạm đến các tử huyệt ấy. Công an xộc vào khám nhà ông Quang Lập viện cớ để kiểm tra “phòng cháy chữa cháy” là nói thật đấy, xã hội nóng bức thế này thì dễ cháy như chơi. Cuộc kiểm duyệt tâm tư quần chúng lúc này đích thực là việc phòng cháy chữa cháy. Cứu bệnh như cứu hỏa, mà cứu cái bệnh đã trầm kha khiến ông Lê Khả Phiếu phải chẩn đoán là “ung thư giai đoạn cuối” thì hơn cả chữa cháy chứ phòng gì nữa. Anh em An ninh chỉ được cái nói đúng. Về quan hệ Việt-Trung đã hòa nhập vào nhau như ruột thịt thì không gì tiêu biểu bằng hình ảnh bác Hồ Chí Minh bắt nhịp cho toàn dân hát bài ca Kết đoàn của Trung quốc và coi như như một ca khúc quần chúng chủ chốt của Việt Nam, cứ vang lên mỗi khi hội họp đông người là vừa vỗ tay vừa hát. Lứa tuổi chúng tôi biết rất rõ bài hát ấy, nhiều bạn của tôi còn hát bài ấy, bài “Thoàn chề, thoàn chề chiu shư lý liang 团 结,团 结就是力量  ” bằng lời Trung quốc nữa. Hồ Chí Minh còn yêu cầu Võ Nguyên Giáp phải tập bài ấy trên piano để tấu cho mình nghe. Việt với Trung còn khăng khít môi-răng như thế, mà sao nội bộ dân Việt bây giờ nỡ mất “đoàn kết” với nhau quá chừng, cứ quy nhau thành phản động, thành thù địch dễ như không, đẩy nhau ra khỏi nhân dân dễ như không?! Chắc đã đến lúc phải bắt nhịp một bài “Đoàn kết” mới khác mới kết lại được với nhau chăng?   Thời gian này, nếu các cá nhân và các trang Blog kia bị dọn giẹp vì mục đích dọn sạch môi trường cho đại hội thì tất nhiên vụ việc sẽ chỉ được giải quyết sau khi đại hội đã “thành công rực rỡ” !. Nhưng với sức khỏe mang di chứng đột quỵ như nhà văn Quang Lập của xứ Quê choa thì thời gian khá dài ấy đủ sinh nhiều chuyện. Tôi nghĩ, chuẩn bị cho đại hội với cung cách thế này chỉ ghi thêm tiếng xấu cho đại hội, làm cho xã hội xao xác, nghi kỵ mỗi lần đại hội tiến hành, cách ứng xử thất nhân tình và tự bộc lộ nỗi lo thế yếu này đâu phải thượng sách (là “Trung” sách thì có!). Nếu kịp sửa được thì hơn. Trả tự do cho các tù nhân lương tâm trước Đại hội, và đừng bắt thêm ai tương tự nữa, thì đất nước vừa đẹp, lại vừa vui, vừa mạnh! Các bậc minh quân xưa nay và các nhà lãnh đạo hiểu lòng dân chẳng vẫn thường làm như vậy đó sao? Câu trả lời tất nhiên phụ thuộc ở thực chất mỗi nhà đương cục. H.S.P 8-12-2014   Theo danquyenvn.blogspot.dk
......

Chỉ thu hồi, kiểm điểm là xong ư?

Phải hơn một năm trời vụ nhà cửa mờ ám của ông cựu Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền mới được kết luận một cách nửa vời và gượng gạo. Ban kiểm tra trung ương đảng lẽ ra phải là cơ quan năng động nhất chống tham nhũng, quan liêu, hối lộ, ăn cắp tài sản của nhân dân, nhưng trên thực tế nó lại là cơ quan an nhàn nhất, ù lỳ nhất, bất động nhất. Nó làm gương xấu cho cơ quan tổng thanh tra chính phủ.   Nó từng nhắm mắt làm ngơ khi ủy viên bộ chính trị Tô Huy Rứa , nhân danh Trưởng Ban Tổ chức TW đảng quyết định đưa cô con gái rượu của mình là Tô Linh Hương mới 24 tuổi tốt nghiệp ngành báo chí lên làm Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đòan xây dựng VINACONEX chuyên lo chuyện xây dựng cầu đường, nhà cửa, bị báo chí nêu lên và phản đối gay gắt. Sau 2 tháng, ông Rứa phải muối mặt cho cô con gái rút lui lặng lẽ, với sự đồng lõa của Ban kiểm tra TƯ đảng. Lẽ ra đây là vụ điển hình vi phạm nặng nề nhất 19 điều nghiêm cấm đảng viên, dùng quyền lực trong đảng để kiếm lợi riêng cho người thân trong gia đình. Vụ này phải xử lý tăng nặng gấp bội vì lẽ ra Trưởng ban Tổ chức phải là người gương mẫu nhất, chặt chẽ nhất trong việc chọn đúng nhân tài cho đất nước. Ở cương vị ấy ông Rứa sẽ phá nát đảng khi chọn người theo lợi ích riêng. Nay lại chính Tô Huy Rứa cùng 5 tay phó ban do chính ông ta tuyển lựa, sẽ tuyển chọn tòan thể ban chấp hành TƯ đảng khóa XII sắp đến, rồi đưa ra bộ chính trị thông qua. Thật ra ông ta đúng lẽ ra đã phải bị khai trừ khỏi bộ chính trị, mất chức trưởng Ban Tổ chức từ khi phạm kỷ luật trắng trợn trơ trẽn đến thế. Ở một nước dân chủ, ông ta có thể vào tù về tội lợi dụng quyền thế. Nay vụ 4 ngôi nhà của ông Trần Văn Truyền đã làm lộ rõ sự tham lam vô độ, vô vàn kẽ hở của chế độ độc đảng, các quan chức tha hồ rộng rãi với nhau, giúp nhau vơ vét nhà, đất, của cải bất chấp luật của nhà nước, kỷ luật của đảng. Trả lại, thu hồi là xong ư ? Sao lại giản dị như thế được. Đây là một vụ án, đương sự phải giải trình từ đâu mà ra lắm tiền của đến thế ? mua bán với ai ? những gì ? Tiền lương bao nhiêu ? Và nhà nước, đảng phải kết luận. Ông Truyền ký vội gần 60 quyết định phong chức lên lương cho cán bộ dưới quyền trước khi nghỉ hưu là chuyện gì ? hối mại quyền lực ư ? Phải giải trình đầy đủ. Không thể im lặng cho qua, xúy xóa được. Theo báo Người cao tuổi ông phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh cũng chiếm hữu 2 nhà 5 tầng, 1 nhà 114 mét vuông, 1 nhà 248 mét vuông, thêm 1800 mét vuông đất trị giá 18 tỷ, không giải trình rõ căn nguyên, nhưng vẫn được ông Tổng thanh tra chính phủ Hùynh Phong Tranh và ông phó tổng Trần Đức Lượng chằm chằm bênh vực là ‘đã kê khai đúng theo quy định của pháp luật’. Cả một bày sâu bự bênh che nhau. Báo Người cao tuổi cũng dẫn ra 2 quan chức Bến tre Trần Công Nghĩa (Bảy Hòang) cựu phó chủ tịch tỉnh có ngôi nhà lầu bán 7 tỷ và Hùynh Văn Be (Ba Hùng) nguyên ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh ủy cũng có khu nhà nghỉ mát cực rộng mà dân quanh vùng coi là tài sản bất minh, nhóm cầm quyền tư túi chia chác cho nhau, rất cần kiểm sát và thanh tra.  Tướng Nguyễn Quốc Thước còn yêu cầu Tỉnh ủy Bến Tre, Thành ủy Sài gòn, đảng ủy Quân khu IX phải kiểm điểm nghiêm khắc trách nhiệm lỏng lẻo trong vụ Trần Văn Truyền, rồi mở rộng sang các vụ khác. Luật sư Trần Quốc Thuận ở trong nước công khai yêu cầu 16 ủy viên bộ chính trị phải gương mẫu kê khai minh bạch và giải trình rõ ràng tài sản của mình. Đây là một yêu cầu chính đáng của tòan dân, vì chống tham nhũng là nghĩa vụ của mọi công dân, lãnh đạo phải đi trước và làm gương. Có như vậy mới làm cho người dân tin.   Đã có nhiều mạng của blogger tự do như mạng TTXVA – Thông tấn xã Vàng Anh nói đền cái sân sau của ông Nguyễn Sinh Hùng, cùng cô em ruột Nguyễn Hồng Phương, thành một cặp tỷ phú đỏ đôla lọai bự nhất nước, sao Ban kiểm tra TW lại bỏ qua ?  Chẵng lẽ có những nhân vật không ai dám động đến ? Cả xã hội thấy rất rõ từ khi nắm Vụ Trưởng Kho bạc (1988), rồi thứ trưởng Tài chính (1990), rồi Bộ trưởng tài chính, rồi phó thủ tướng đặc trách tài chính-tiền tệ-ngân hàng, ông Nguyễn Sinh Hùng ngày càng giàu có, hống hách, muốn gì được nấy, nay cầm đầu ngành lập pháp, tự coi là mạnh thế nhất, còn tự tin sẽ là Vua, trở thành chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư vào dịp Đại hội XII tới. Nếu ông Nguyễn Sinh Hùng ngay thẳng trong sạch, bị vu cáo,  hãy chứng minh cho tòan dân được rõ. Có thật do ông tiếp tay mà cô em quý đã gần thành tỷ phú đôla đất Việt ? Vụ Nguyễn Sinh Hùng lớn gấp trăm lần vụ Trần Văn Truyền, vì là kẻ nắm tiền, ngân sách, nắm chặt 2 vòi ngọai tệ ODA và FDI, suốt 25 năm trời ông Hùng đã tự tay cắt xén chia cho đảng CS không biết bao nhiêu tiền bạc, và đồng thời tư túi vun vén cho 2 anh em ruột nhà ông một ‘đế chế tài phiệt’, một gia tài vô kể, không khác gì những Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Tăng Khánh Hồng …  bên Trung Quốc. Một tay biển thủ chuyên nghiệp ở trên đỉnh chóp bu quyền lực. Có gì tai quái hơn ? Mà vẫn tại vị, còn hống hách.   Ở Trung quốc, theo mạng Weibo (21/11) họ ‘diệt hổ đập ruồi, săn sói tháo chạy’, thu về cho công quỹ hàng vài trăm tỷ đôla cùng vô vàn nhà cửa, biệt thự, vàng bạc châu báu. Trong ngôi nhà của thượng tướng Tư Tài Hậu, ủy viên quân ủy TW có những khối tiền mặt phải chở trong 12 chiếc xe tải mới hết, chưa kể 10 kilô vàng ròng ; Trong ngôi nhà của giám đốc sở máy nước Bắc Đới Hà, tỉnh Hà bắc Mã Tiêu Cầm tịch thu được 100 triệu Nhân dân tệ tiền mặt và 37 kilô vàng. Chỉ trong 2 năm, Ban kiểm tra và thanh tra đảng đã kỷ luật 74.000 đảng viên về tội tham nhũng, từ đảng viên đến cán bộ cao cấp. nhiều bộ trưởng, thứ trưởng, có cả ủy viên TW đảng, Ủy viên bộ chính trị, cả Ủy viên ban thường vụ bộ chính trị. Chu Vĩnh Khang đã bị khai trừ khỏi đảng, có thể bị tử hình. Bộ máy Kiểm tra, Giám sát, Thanh tra, Kiểm sát, Tòa án của đảng và nhà nước VN cần giật mình, tỉnh giấc ngủ quá lâu và quá sâu, lập lại trật tự và luật pháp đã bỏ lỏng hầu như tê liệt. Đây là đề tài bị bỏ qua trong cuộc họp quốc hội vừa qua, cần bàn kỹ trong cuộc họp TW đảng trong tháng cuối năm, mở đường cho việc chuẩn bị thiết thực cho Đại hội XII đang đến gần. Bùi Tín  
......

Thủ Tướng Angela Merkel tái đắc cử

Cologne, Đức. (Reuters) – Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tái đắc cử chức chủ tịch đảng Liên hiệp Dân Chủ Thiên Chúa Giáo thường gọi tắt là CDU tại đại hội đảng được tổ chức ở thành phố Cologne với 96.7% số phiếu. Đối với người Đức, việc tái đắc cử của Thủ tướng Merkel là điều chắc chắn, nhưng con số tỷ lệ phiếu quá lớn là điều làm họ ngạc nhiên. Thủ tướng Merkel đang phục vụ nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ 3 và trở thành chủ tịch đảng CDU nhiệm kỳ thứ 8. Theo kết quả các cuộc thăm dò mới nhất, mức chấp thuận đối với Thủ tướng Merkel hiện giờ là 67% và 56% dân chúng trong nước muốn bà ta làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4.  Đảng viên đảng CDU đã mạnh mẽ ủng hộ bà Merkel vì lập trường cứng rắn của bà ta trong vụ khủng hoảng tài chánh và khủng hoảng nợ các nước trong khu vực đồng euros cũng như cứng rắn đối với cuộc xung đột ở Ukraine.   Nền kinh tế Đức đã vững chắc trong thời gian bà Merkel cầm quyền, không tạo thêm nợ mới. Angela Dorothea Kasner sinh tại Hamburg, con gái Mục sư Horst Kasner, học vật lý tại đại học Leipzig, làm việc cho Viện hàn lâm khoa học Đông Đức từ năm 1978 đến năm 1990. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Angela gia nhập đảng Demokratischer Aufbruch hay Thức Tỉnh Dân chủ mới thành lập. Sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Đông Đức cô làm phát ngôn viên cho chính phủ Thủ tướng Lothar de Maizeiere. Trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc cô ta đã đắc cử dân biểu quốc hội nước Đức thống nhất, trở thành Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên trong nội các Thủ tướng  Helmt Kohl. Cô  kết hôn với ông Ulrich Merkel trong năm 1977, ly dị năm 1982. Năm 1988 đã thành hôn với ông Joachim Sauer. Khi chính phủ Thủ Tướng Kohl thất bại trong cuộc bầu cử năm 1998, bà Merkel đã được chỉ định làm tổng thư ký đảng CDU. Vào năm 2000 bà trở thành người phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch đảng ở Đức. (Huệ Võ)
......

Không được tước quyền của Nhân dân!

Bài viết này được phân công chuẩn bị để đọc trong buổi họp mặt nhân ngày Quốc tế Nhân quyền năm 2014 tại Hà Nội. Tuy nhiên, sáng sớm, một tốp công an bấm chuông đòi vào gặp tôi. Họ nói thẳng rằng tôi không nên đến chỗ họp. Tôi nói, các anh không thể ngăn trở tôi vì không có lệnh cấm. Họ năn nỉ: Thôi bác già rồi, trời lại mưa rét, vả chăng bác không đi được đâu, có người gác ở ngoài kia rồi. Tôi trần tình: các anh nên trao đổi với cấp trên rằng đừng nên ngăn trở chúng tôi làm gì để cứ mang tiếng xấu mãi với quốc tế, chúng tôi chỉ mượn dịp gặp gỡ nhau coi như một sinh hoạt tinh thần chứ chẳng tuyên bố đảng, hội gì đâu. Họ khẳng định nếu tôi đến cũng không thể vào chỗ họp vì nhà hàng ấy đã đóng cửa. Do đã muộn, đúng trưa nay nhà lại tổ chức mừng sinh nhật cho cháu nội của tôi nên tôi đành ở nhà. Tôi cứ ân hận rắng sao mình không dứt khóat mời họ ra khỏi nhà và noi gương tiến sỹ Nguyễn Quang A đạp phăng mọi ngăn trở dẫu phải cuốc bộ hơn chục kilomet đến với anh em. Đọc bài tường thuật của giáo sư Nguyễn Huệ Chi trên trang Bauxite Việt Nam tôi mới biết họ đã ngăn trở thành công cuộc gặp mặt này. Tôi xin gửi bài này đến các diễn đàn để được an ủi rằng coi như bài viết đã được đọc! ------ Cách đây 66 năm, ngày 10 tháng 12 năm 1948 Tuyên ngôn Toàn thế giới về Nhân quyền do Liên Hiệp Quốc công bố đã mở đầu rất thống thiết: “Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền dẫn đến các hành động dã man xúc phạm tới lương tâm của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người không còn phải chịu sự khủng bố và sự khốn cùng, được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng là khát vọng cao nhất của con người. Từ bấy, tiến bước dưới ngọn cờ Hoa Kỳ, làn sóng dân chủ nhân quyền không ngừng dâng lên, không chỉ lật nhào các chế độ độc tài của António de Oliveira Salazar ở Bồ Đào Nha năm 1968, của Francisco Franco ở Tây Ban Nha năm 1975 … mà còn làm sụp đổ tan tành bức tường Berlin ngay giữa quê hương Các Mác, phá tan hoang Liên bang Xô viết của Lê Nin. Đến nay, trên 120 nước đã có chế độ dân chủ và nhân dân ở các nước ấy đã được hưởng những quyền con người cơ bản. Riêng ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vẫn đầy đọa nhân dân Việt Nam trong chế độ độc tài chuyên chế và chà đạp lên Quyền Con Người. Đảng Cộng sản Việt Nam tước đoạt quyền của cả dân tộc thông qua các biện pháp, các thủ đoạn như: - Buộc Hiến pháp phải phục tùng tuyệt đối Cương lĩnh Đảng - Buộc Quân đội phải “trung với Đảng” chứ không “trung với Nước” (hàm nghĩa: có thể bỏ nước, tàn sát nhân dân để bảo vệ Đảng). - Buộc Công an trước hết phải là khiên vàng của Đảng, chứ không phải vì an ninh xã hội, an toàn của nhân dân. - Hớt tay trên Đất nước, giăng đầy khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước” mỗi độ xuân về. Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tước bỏ Quyền Con Người của nhân dân Việt Nam thông qua các thủ đoạn: - Áp đặt Điều 4 vào Hiến pháp, áp định quyền lãnh đạo độc tôn của ĐCSVN, ngăn trở việc thành lập các Đảng, các tổ chức dân sự theo nguyện vọng của nhân dân. - Lợi dụng Điều 258 Bộ luật Hình sự để tước bỏ các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác của nhân dân Việt Nam. - Lợi dụng tính chất mù mờ của Điều 88 Bộ luật hình sự để mặc sức ghép bất cứ ý kiến bất đồng lành mạnh, sáng suốt nào vào các tội “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, “làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước CHNXHCN Việt Nam”…. - Áp đặt chế độ “Đảng cử dân bầu” để loại bỏ quyền tự do ứng cử, bầu cử của nhân dân. Để bảo đảm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những quyền cơ bản đã ghi trong “Tuyên ngôn Toàn Thế giới về Nhân quyền”, chúng tôi yêu cầu: - 1) Bỏ Điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam - 2) Bỏ Điều 88 và Điều 258 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. - 3) Hoàn lại khẩu lệnh “Quân đội Nhân dân Việt Nam trung với nước, hiếu với dân” (chứ không phải “trung với Đảng”). - 4) Công an Việt Nam không có bổn phận làm khiên chắn cho Đảng mà phải toàn tâm toàn ý vì nhân dân, vì Tổ quốc. - 5) Thả ngay tất cả các tù nhân lương tâm. - 6) Truy xét và luận tội nghiêm khắc những ai có trách nhiệm chính trong việc xâm hại các quyền lợi quốc gia dân tộc thông qua các hành động: - Âm mưu sáp nhập Việt Nam thành một bộ phận của Trung Quốc. - Cắt nhượng một phần lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam cho Trung Quốc - Lấp liếm tội xâm lấn Biển Đông của Trung Quốc, ngăn trở đòi hỏi của Quốc hội được thông tin và bàn thảo về vấn đề Biển Đông. - Ký kết Tuyên bố chung với Hồ Cẩm Đào, mở cửa cho Trung Quốc tràn vào toàn bộ lãnh thổ, thiết lập các đặc khu, các căn cứ địa quân sự… từ ven biển tới Tây Nguyên. - Ký kết Tuyên bố chung với Hồ Cẩm Đào mở đường cho công an Trung Quốc đợi dịp ngang nhiên vào Việt Nam để “tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau”, cùng bọn cõng rắn cắn gà nhà đàn áp nhân dân để “giũ gìn ổn định”. - 7) Từ bỏ cái gọi là Chủ nghĩa Mác và Chủ nghĩa Xã hội mà ĐCSVN đã lợi dụng nó để cướp chính quyền đẩy nhân dân Việt Nam vào mấy cuộc chiến tranh ngập tràn xương máu rồi áp đặt ách thống trị bởi một chế độ chính tri tồi tệ hơn, đàn áp bóc lột nhân dân dã man hơn, bất công xã hội nhức nhối hơn. ĐCSVN phải thực sự sám hối, giải thể chế độ chính trị lạc hậu xấu xa đến mức phản động như chính ông tổ Cac Mác của họ đã dự báo: “Các chế độ chính trị lỗi thời đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng. Sở dĩ chế độ này mang bản chất bi thảm là vì nó tự buộc cho mình một nội dung hãnh tiến vô vọng. Hễ cái chế độ này vẫn ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, thì chính tự bản chất của nó là một lỗi lầm lịch sử... Chế độ này là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai. Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vở bi hài kịch khủng khiếp”. (“Góp phần phê phán triết học Heghen”). Tinh thần “Tuyên ngôn Toàn Thế giới về Nhân quyền” thôi thúc và dắt dẫn chúng ta!   Hà Nội, ngày Nhân quyền Quốc tế 2014 Nguyễn Thanh Giang Hotline: 0984 724 165 Theo danluan.org
......

Bảo vệ nhân quyền cần hiến pháp dân chủ

Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 năm nay lại đến, đó cũng là dịp để đánh giá lại tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian qua, và đồng thời cũng là dịp cùng suy ngẫm xem làm sao có thể bảo vệ và phát triển các giá trị nhân quyền tại Việt Nam. Còn nhiều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng Hiến pháp 2013 đã đặt “quyền con người” lên chương 2 và nhà cầm quyền Việt Nam cho rằng điều đó biểu hiện họ rất tôn trọng quyền con người, thậm chí hiện tại Việt Nam còn nằm trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng, đánh giá một cách khách quan có thể kể đến báo cáo của ông Heiner Bielefeldt, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, về tự do tôn giáo ở Việt Nam, là “còn nhiều vi phạm” sau chuyến đi thị sát từ ngày 21 đến 31 tháng 7 năm 2014. Cũng cần thấy rõ là nhân quyền, trong đó quyền cơ bản nhất là tự do ngôn luận, vẫn chưa có ở Việt Nam. Điển hình là mới đây, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Công Khế cũng không có điều kiện để trình bày quan điểm trên báo chí trong nước mà phải tìm đến một tờ báo Mỹ là New York Times. Các trí thức, văn nghệ sỹ như giáo sư Hồng Lê Thọ, nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng bị bắt vì viết blog. Mà “Tự do ngôn luận là linh hồn của mọi thứ tự do” (Voltaire), từ đó ta có thể thấy mọi quyền tự do và các quyền con người cơ bản khác đều chỉ là bánh vẽ hoặc được thực thi rất hạn chế tại Việt Nam. Vừa qua, một loạt những công dân lên tiếng ôn hòa yêu cầu các lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam cải cách dân chủ, bảo vệ nhân quyền lại bị những “công dân mặc thường phục” khác hành hung, thậm chí có trường hợp rất nặng phải nhập viện. Dù vậy, phía cơ quan công an vẫn không có động thái điều tra làm sáng tỏ những vụ việc trên. Đó cũng là một bằng chứng sống động cho thấy quyền con người hoàn toàn chưa được bảo đảm ở Việt Nam. Đến giờ này công dân vẫn không cảm thấy được nhà cầm quyền bảo vệ mà sống trong bất an, lo lắng.   Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ trang Quê Choa, vừa bị bắt hôm 6/12 Trong tâm trí tôi còn hiện lại phiên tòa xét xử các anh chị trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do năm 2012. Cơ quan an ninh điều tra đã dựng ra một trang blog giả nhằm buộc tội các anh chị ấy, lý do là Yahoo! đã ngừng cung cấp dịch vụ blog Yahoo! 360 từ tháng 7/2009. Tuy blog Yahoo! của Câu lạc bộ không còn tồn tại nữa, và anh Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) đã chỉ rõ điều này trước tòa, thế nhưng tòa án, viện kiểm sát đã phớt lờ tình tiết vi phạm nghiêm trọng này của cơ quan công an. Tại sao lại như vậy? Điều thấy rõ là tòa án, viện kiểm sát, công an đều trong cùng một đảng, gọi nhau là “đồng chí”. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đều làm việc cho đảng cầm quyền nên thực chất ở đây không thể có xét xử, tranh tụng công bằng mà tòa sẽ xét xử theo ý muốn của những người lãnh đạo đảng. Do đó, muốn bảo vệ nhân quyền hiệu quả, Việt Nam cần một nền tư pháp độc lập, và rộng lớn hơn là phải cải cách dân chủ thực sự. Không thể bảo vệ nhân quyền chừng nào luật pháp còn chưa chuẩn mực, hiến pháp chưa dân chủ, chưa có tam quyền phân lập, chưa có báo chí tự do. Những cái gọi là "tiến bộ" trong việc bảo vệ nhân quyền thực chất chỉ mang tính đối phó, không thực chất. Điều quan trọng trong tiến bộ nhân quyền không phải là bỏ những điều luật bất công, mơ hồ như điều 79, 88, 258 của Bộ luật Hình sự, hoặc điều 4 Hiến pháp.   Giáo sư Hồng Lê Thọ cũng bị bắt trước nhà văn Nguyễn Quang Lập một tuần Không xử theo những điều luật ấy thì nhà cầm quyền vẫn có cách để “lách luật” bằng cách dựng bằng chứng giả như trong vụ án xử Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, hoặc tạo hiện trường giả để khép người dân vào tội “gây rối trật tự công cộng” như trong vụ án Bùi Hằng, hoặc như khép luật sư Lê Quốc Quân vào tội trốn thuế… Ngay cả các nhân chứng quan trọng trong các vụ án trên tòa cũng không mời, hoặc mời nhưng lại có những “công dân mặc thường phục” ngăn cản một số nhân chứng đến tòa. Cộng đồng quốc tế cũng đã cực lực phản đối những phiên tòa bất công này, gọi đó là sự “nhạo báng công lý”. Nguy hại của việc dùng lý luận trị quốc Việt Nam từ trước đến nay thực chất vẫn là dùng lý luận ý thức hệ để trị quốc, dùng ngôn ngữ luật pháp trộn lý luận để trị dân. Khái niệm thượng tôn pháp luật, dùng luật để quản trị quốc gia, nghĩa là pháp quyền chỉ tồn tại trên giấy. Bao nhiêu năm nói đến “nhà nước pháp quyền”, là bấy nhiêu năm khái niệm này bị khinh rẻ. Công dân Việt Nam cần chấp hành “đường lối, chủ trương của đảng” trước khi chấp hành “pháp luật của nhà nước”. Rõ ràng nhà nước Việt Nam hiện tại là nhà nước đảng trị. Chừng nào quyền của người dân được làm chủ đất nước, được quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia như phúc quyết hiến pháp, được bầu lãnh đạo, được bảo đảm quyền sở hữu tài sản của mình như đất đai, được sống trong an bình, được xét xử công bằng… vẫn còn nhiều mâu thuẫn với quyền lợi của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thì khi đó chắc chắn quyền con người không thể được bảo đảm ở Việt Nam.       "Hiến Pháp là văn kiện chính trị, pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh của Đảng cộng sản.TBT Nguyễn Phú Trọng Dù có đem “quyền con người” lên chương 2 của Hiến pháp hay dùng lý luận ý thức hệ cũng không thể bác bỏ thực tế này. Ngoài ra, việc quy định độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội cho riêng một đảng chính trị như trong điều 4 Hiến pháp Việt Nam hiện tại cho thấy rõ ràng quyền làm chủ của người dân đã bị giới lãnh đạo Đảng Cộng sản tước đoạt ngay từ đầu. Thế nên dù Hiến pháp ở Việt Nam có rất nhiều điều về quyền con người thì việc bảo vệ nhân quyền trên thực tế cũng không mang lại ý nghĩa gì. Triết lý, quy trình xây dựng hiến pháp và pháp luật ở Việt Nam đã sai ngay từ đầu khi không có sự tham gia của người dân, và càng không có sự chuẩn thuận của người dân. Chỉ có những người lãnh đạo đảng cộng sản tự cho mình quyền lập “khế ước xã hội” để tự trao quyền lực cho riêng họ. Quyền làm chủ của người dân gắn liền với tính chính danh của chế độ, và nếu người dân không trao quyền thông qua một khế ước xã hội như bản hiến pháp thì đảng cầm quyền không thể chính danh. Đây chính là trọng tâm trong việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Lời giải   Luật sư và blogger Lê Quốc Quân bị xét xử vì tội trốn thuế Để xóa bỏ tình trạng vi phạm nhân quyền, bất công xã hội đang diễn ra rộng khắp, không gì khác hơn là phải có một bản Hiến pháp mới thật sự dân chủ để đảm bảo quyền làm chủ của người dân, giới hạn quyền lực nhà nước (tam quyền phân lập), và quyền tài phán Hiến pháp độc lập. Khi đó, những điều mà người dân đang khao khát và đấu tranh để có được như quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tham gia xã hội dân sự, tự do tham gia ứng cử, bầu cử, được xét xử công bằng, được làm chủ đất đai của mình… sẽ tự động được hóa giải. Lý do là các bộ luật đều phải dựa trên bản Hiến pháp chuẩn mực đó. Hiểu được điểm mấu chốt này, chúng ta cần đứng lại với nhau, lên tiếng cùng nhau để có sức mạnh thực hiện quyền làm chủ đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của mình. Hiến pháp dân chủ là bản thiết kế không gây ra mâu thuẫn giữa quyền làm chủ của người dân và quyền lực nhà nước, là nguyên tắc chính trị cơ bản để bảo đảm quyền con người và đưa Việt Nam thực sự tới “dân chủ, công bằng, văn minh”, tạo lập xã hội công bằng với pháp luật chuẩn mực, ổn định xã hội và hội nhập quốc tế. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, một nhà vận động dân chủ hiện sống tại TP. HCM. Theo bbc.co.uk/vietnamese
......

Thượng viện Canada biểu quyết thông qua nghị quyết ngày 30 tháng tư

Hôm Thứ Năm, 4 tháng 12 vừa qua, Thượng Viện Canada đã kết thúc phiên thảo luận về dự luật 219 mang tên “Ngày 30 Tháng Tư Đen” và sẽ được đưa ra để biểu quyết thông qua vào tuần này, nhân tuần lễ kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12. Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải Dự luật này do Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải bảo trợ, sẽ công nhận ngày 30 Tháng Tư hàng năm là ngày toàn quốc Canada tưởng niệm những thuyền nhân đã bỏ nước ra đi tìm tự do sau khi Miền Nam bị quân Cộng Sản cưỡng chiếm vào ngày 30/4/1975 và được chấp nhận định cư ở Canada. Trước sự phản đối dữ dội của nhà nước CSVN, tựa đề của dự luật được đổi lại là: “Đạo Luật Hành Trình Tìm Tự Do”  (Journey to Freedom Act), nhưng nội dung thì không thay đổi. Phát biểu trong phần mở đầu phiên thảo luận lần thứ nhì về bản dự thảo này vào mùa xuân vừa qua, Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đã nói rằng: “Đối với người Canada gốc Việt và hầu hết người Việt hải ngoại thì ngày 30/4 là ngày miền nam bị rơi vào vòng thống trị của chế độ độc tài cộng sản, một chế độ chà đạp quyền con người”. Ông cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi - người Việt tỵ nạn cộng sản - nhớ ngày 30/4 vì đó là ngày chúng tôi mất đất nước, mất gia đình, bạn bè, nhà cửa; nhất là mất tự do và các quyền dân chủ. Đó là ngày tưởng niệm những mất mát và đau buồn”. Vào tháng 10, khi dự luật được chuyển đến Uỷ Ban Nhân Quyền Thượng Viện để thảo luận kỳ này, ông Tô Anh Dũng, đại sứ CSVN tại Canada, đã gửi chủ tịch uỷ ban một lá thư bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” của chính phủ ông đối với bản dự luật và xin được (đến thượng viện) tham dự để làm “nhân chứng”. Nhưng Uỷ Ban Nhân Quyền đã không mời ông Tô Anh Dũng và yêu cầu ông viết một bản kiến nghị về việc này. Tuy nhiên, đến tuần vừa qua, thượng viện Canada đã kết thúc phần thảo luận trước khi kiến nghị của ông Tô Anh Dũng được đưa ra, vì còn phải chờ dịch sang tiếng Pháp. Bản kiến nghị của ông Tô Anh Dũng kết án thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải là khơi dậy quá khứ, bóp méo lịch sử Việt Nam và làm ngơ quan hệ tích cực giữa VN và Canada trong 40 năm qua. Ông Dũng cũng viết thêm rằng : “Nhiều đại diện các cấp của chính phủ Canada đã bày tỏ sự 'quan ngại sâu sắc'  - của Hà Nội- về ngôn ngữ và nội dung của bản dự thảo mà nếu được thông qua sẽ gây trở ngại cho quan hệ giữa hai nước.” Người ta không thấy một cơ quan truyền thông Canada nào loan tải những tin tức về việc “nhiều đại diện các cấp chính phủ Canada  bày tỏ sự quan ngại sâu sắc...”  như được ông Tô Anh Dũng nêu ra trong bản kiến nghị của ông. Trước đó, vào tháng 6, Phó Thủ Tướng Kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao CSVN Phạm Bình Minh cũng đã gửi một thư cho người đồng nhiệm của ông là ông John Baird, Bộ Trưởng Ngoại Giao Canada cho rằng, dù đó là một dự luật mang tính “tư nhân” việc thông qua dự luật 219 sẽ gửi một thông điệp sai lầm đến cộng đồng quốc tế và người dân VN. Phát ngôn viên ngoại giao Canada, Adam Hodge, đã trả lời rằng "đây không phải là một dự luật của chính phủ, và các Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu có quyền đệ trình các dự luật cá nhân”./.
......

Đối thụi nhân quyền

Ba Loóc Gơ (BL): Sắp tới ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 nữa rồi. Không biết Đảng và Nhà nước ta chừng nào mới bắt đầu tôn trọng nhân quyền đây. Dư Lộng Văn (DLV): Chú mày lại giở giọng phản động ra đấy phải không? Nước ta có đẫy nhân quyền ra đấy, có khác gì các nước khác trên thế giới đâu? BL: Nếu thế thì tại sao vẫn còn nhiều tù nhân chính trị (TNCT) vậy nhỉ? DLV: Láo nhá! Nhà nước ta có bao giờ có TNCT đâu, chỉ có tù nhân vi phạm pháp luật CHXHCNVN thôi, như tội trốn thuế, gây rối trật tự công cộng, lợi dụng dân chủ, tuyên truyền chống phá tổ quốc, âm mưu lật đổ chế độ.   BL: Ậy, bác còn quên nhiều đấy. Còn khối tội như quan hệ nam nữ ngoài luồng với hai bao cao su đã xử dụng này, tội dám phản đối Trung Quốc xâm lược này, cả tội dám tưởng nhớ các liệt sĩ nữa đấy... Ủa, mà sao không có TNCT mà Đảng và Nhà nước ta lại có cái để trao đổi với Mỹ nhỉ? Khi họ đòi thả TNCT thì ta lại có ngay một số tù nhân đúng tiêu chuẩn để thả, rồi lại buộc họ phải sang Mỹ như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cầy mới đây? DLV: Đảng ta thả những người này là vì lý do nhân đạo đấy. Mỹ và các đám phản động ở nước ngoài cứ gán cho họ là TNCT để áp lực ta, nên ta thả mấy người đó cho họ ôm lấy mà vui, rồi dễ dãi hơn với những điều kiện để cho ta gia nhập TPP và bán vũ khí sát thương.   BL: Ra thế, nghĩa là Đảng ta sẵn sàng dùng dân làm món hàng đổi chác. Hèn gì ta xuất kho thành công Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cầy xong là nhập kho ngay hàng chục anh Tin Lành Mennonite khác, nhập thêm 2 món lớn là blogger Người Lót Gạch, blogger Quê Choa để chuẩn bị ngay cho chuyến buôn lớn kế tiếp. Thế còn việc gia tăng bạo hành những người bất đồng chính kiến như Hội Cựu TNCT thì để làm gì hả bác? Họ là hàng nội hóa chứ có phải của thế lực ngoại quốc tạo dựng lên rồi đưa vào nước ta như các khu biệt lập của "công nhân" Trung Quốc đâu nào!? Hay tại Đảng ta chỉ muốn dằn mặt đám dân chủ để đừng thấy Đảng nhượng bộ Mỹ thả vài đứa mà lấn tới? DLV: Chú mày nói móc nói mỉa tớ đấy hả? Cái đám cựu tù có bị đánh là do quần chúng tự phát bức xúc đánh thôi, vì thấy chúng làm mất ổn định xã hội. Chứ làm gì có công an nào dính vào đấy. Có ai thấy công an mặc đồng phục nào đánh chúng nó không? BL: Cả đống công an đồng phục chống nạnh đứng nhìn NGAY BÊN CẠNH các vụ bạo hành mà mắt bác sao lạ thế? Nhiều nạn nhân còn nhận diện được trong số các người hành hung họ có cả mặt mũi các cậu công an từng hỏi cung họ tại đồn, từng đóng chốt trước nhà họ hết ngày này qua tháng khác nữa đấy. Hay bác bảo công an cứ cởi đồng phục ra là thành ngay quần chúng tự phát, là được miễn tuân theo pháp luật? DLV: Chú mày lại nghe tụi phản động đặt điều nữa rồi. Như chúng cứ bảo nhà nước ta vi phạm quyền tự do tôn giáo. Ngay cả khách du lịch nước ngoài cũng phải khách quan xác nhận tại Việt Nam có đầy đủ nhà thờ, chùa chiền, đền miếu và luôn tấp nập đông người. Bà con cứ đi lễ bái thoải mái, có bị cấm cản gì đâu!   BL: Trời đất, bác bảo khách nước ngoài quanh quẩn ở mấy khu du lịch thì làm sao họ biết các hội thánh Tin Lành ở Tây Nguyên bị đánh tơi tả chỉ vì dám tụ lại học Kinh Thánh ở nhà riêng; làm sao biết Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị xóa sổ; làm sao biết bà con Phật giáo Hoà Hảo bị trấn áp đến độ phải tự thiêu để phản đối; làm sao biết mọi tôn giáo đều bị lũng đoạn bằng hệ tôn giáo quốc doanh song song; làm sao biết các cơ sở thờ phượng, từ thiện của các tôn giáo đang bị cưỡng chế hàng loạt trong thời đất vàng đất bạc hiện nay? Nếu hỏi người ngoại quốc rằng ở Việt Nam có tự do tôn giáo không thì phải hỏi nhân viên các sứ quán ngoại quốc tại Việt Nam thì mới rõ được. Thủ trưởng của bác dám hỏi không? DLV: Hỏi làm quái gì vì các nhóm đó chỉ lợi dụng tôn giáo thôi. Họ hoạt động ngoài luồng, không xin phép nhà nước, và còn có tư tưởng chống lại Nhà nước nữa, thì bị đánh là đúng rồi. Các cơ sở tôn giáo bị tịch thu là vì nằm trong diện quy hoạch nên bị cưỡng chế như bao nhà dân khác thôi. Đất đai là sở hữu của toàn dân do Nhà nước quản lý, chứ đất đai gì của họ! BL: Tụi đầu gấu cũng hay lập luận kiểu ba gai như thế đấy bác ạ. Này nhé, bác đòi người ta xin phép mà bác ngâm tôm đơn xin hoạt động của người ta hàng mấy chục năm trời thì có khác gì cấm hoạt động tôn giáo đâu? Rồi nếu có thằng du đãng nào nó nhảy ra đánh bác vì nó bảo trông mặt bác khó coi, chỉ nhìn là nó biết bác đang có tư tưởng muốn "chống lại" nó, nên nó đánh bác trước với lý do "tự vệ", thì bác bảo sao? Và đàn áp trước chỉ vì đoán là những người dân đó có tư tưởng "chống lại" thì định nghĩa thế nào là Nhà nước Pháp Quyền? và như thế thì có hệ thống luật pháp, điều tra, xét xử để làm gì? Cứ "đoán" với nhau là được rồi. Còn cơ sở thờ phượng, thiện nguyện của nhiều tôn giáo đã có từ lâu, từ trước khi Đảng và Nhà nước xuất hiện nữa. Rồi tự nhiên Nhà nước bảo đó là đất công, tự đặt ra vùng quy hoạch, tự "mượn" một thời gian rồi bán lén, bán dần cho các nhóm kinh doanh biến thành nhà riêng, đất riêng. Bác bảo có khác gì trò cướp giật của du đãng không và chỉ lớn hơn gấp ngàn lần thôi? DLV: Sao lại ví như thế! Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, đại diện toàn dân quản lý đất nước về mọi mặt nên tất cả phải nằm dưới sự quản lý của Nhà nước. Tôn giáo cũng phải theo như mọi người thôi. Chú mày đã từng được học tư tưởng Mác Lê, thì phải nhớ rằng trong chế độ XHCN ta, mọi người có quyền tự do đi bộ hay đạp xe hay đi ô tô, nhưng phải đi trên con đường cùng một chiều mà Đảng đã định ra cho nhân dân, vì nhân dân. Không ai được phép đi ngoài lề hay đi trái chiều được. Vấn đề tự do ngôn luận cũng thế, ta có cả trên 800 báo đài chứ ít gì. Không đọc cái này thì xem cái khác. Các báo đài tự do đi tin trong khuôn khổ luật pháp, theo hướng đi của Ban Tuyên Giáo, chứ Nhà nước có độc quyền báo đài nào đâu mà đám phản động cứ la toáng lên. BL: Bác nói y như loa phường ấy! Sống mà không dược phép có suy nghĩ riêng, chỉ nhai lại cái gì Đảng đã nhai trước, nhai dùm thì sống làm con người để làm gì bác nhỉ. Chỉ cần óc cỡ gà, vịt, chó, mèo là đủ rồi, mà còn sướng hơn đấy vì đỡ thấy nhục. Còn cái con đường một chiều mà bác cứ bảo Đảng và Nhà nước định ra cho dân thì xin hỏi bác là đã có bao giờ nhân dân chính thức uỷ nhiệm cho Đảng và Nhà nước cái thẩm quyền đại diện toàn dân làm chuyện đó không? Qua cơ chế thủ tục bầu cử nào? Ủy nhiệm bao lâu? Hay Đảng "giành" lấy chính quyền cho riêng mình, rồi suốt từ đó đến nay luôn nhân danh nhân dân nhưng lại đánh bỏ mẹ đứa nhân dân nào dám đặt dấu hỏi về vai trò của Đảng?   Mà cái con đường Xuống Hố Cả Nước đó cả bác Tổng Trọng cũng không biết đến hết thế kỷ này nó dẫn tới đâu, thì tại sao lại cứ lấy tương lai cả nước ra làm thí nghiệm? Và miệng lãnh đạo thì nói đi theo con đường XHCN nhưng lại cứ tạo các nhóm quyền lợi, cho con cái đứng tên cạo vét tài sản quốc gia rồi đem giấu giếm ở nước ngoài như loại tư bản hoang dã mà Marx từng cực lực lên án. Cả lãnh đạo lẫn tập thể đảng viên lẫn dân chúng đều biết rõ sự thật đó. Cũng nói luôn với bác về cái thứ tự do báo chí hiện nay. Các báo đài bây giờ chỉ tha hồ tự do cạnh tranh khai thác các tin nóng thuộc loại các chân dài lộ hàng, đại gia chơi ngông khoe mẽ, các bướm đêm, v.v… thôi. Còn những tin tức gì hệ trọng đến vận mạng đất nước thì chỉ biết nhai lại từ Ban Tuyên giáo Trung ương. Dân chúng đã khẳng định từ lâu: Tới 800 báo đài mà chỉ có MỘT ban biên tập. Bảo đó là tự do ngôn luận, tự do báo chí thì có trơ trẽn quá không bác? DLV: Trơ trẽn mà sống được thì đã sao? Tính thực dụng của người cộng sản đấy nhé, đừng xem thường. Nhưng chú bảo văn hóa Tây Phương có khác văn hóa Á Đông không? Thế thì định nghĩa về nhân quyền của Tây Phương và Đông Phương cũng phải khác nhau chứ. Nước ta từ quá trình lịch sử đã chịu ảnh hưởng của văn minh Á Đông Khổng Mạnh, không quen với tinh thần tự do cá nhân, mà quen với tinh thần trọng gia đình, trọng gia trưởng, trọng tôn ti trật tự xã hội theo hàng dọc từ trên xuống dưới. Do đó áp dụng nhân quyền cho Việt Nam nó cũng phải khác nhân quyền kiểu Tây Phương. Không thể tự do cá nhân quá trớn được. BL: Thế thì xin hỏi bác. Bác có biết đạo lý Khổng Mạnh bị người cộng sản Tàu, cộng sản Việt lên án và nỗ lực tiêu diệt đến mức nào và suốt bao nhiêu thập niên không? Chúng được xem là nền tảng của phong kiến, của lạc hậu và phải bị chôn vùi để đón nhận chủ nghĩa cộng sản. Biết bao người đã chết trong Cách Mạng Văn Hóa bên Tàu chỉ vì bị dán nhãn có tư tưởng Khổng Mạnh. Sự trồi lên của Khổng Tử chỉ diễn ra sau khi Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu xụp đổ mà thôi và nay lại được xem là cốt lõi văn hóa không chỉ của Tàu mà còn của Việt Nam ta nữa!? Kế đến xin hỏi bác luôn là chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa Xã Hội xuất phát từ đâu thế bác? Có phải Phương Tây và phù hợp với xã hội Tây Phương không? Xã hội Việt Nam đâu có giai cấp công nhân và đâu có giai cấp địa chủ bóc lột khi Đảng đưa chủ nghĩa này vào Việt Nam. Chủ nghĩa đó lại càng không phù hợp với văn hóa nước ta chút nào cả. Thế mà cứ bắt buộc cả nước phải theo đến tận ngày nay. Rõ ràng kiểu phân biệt Đông Tây là luận điệu rất tùy tiện và lươn lẹo của Ban Tuyên Giáo. Nhưng dù gì đi nữa thì loại lý luận khác biệt Đông Tây đó vẫn là cãi chày cãi cối vì Đảng ta đã long trọng ký kết sẽ tôn trọng các điều khoản trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Tại sao không đồng ý về định nghĩa mà vẫn ký? Không lẽ chỉ ký cho có vẻ văn minh tiến bộ, để thế giới không xem mình lạc hậu, chứ không hề có ý định thực hiện điều mình hứa? DLV: Đúng là ta có ký vào cái bản đó thật nhưng phải cần thời gian mới tiến hành được. Vì nước ta vẫn là nước nhỏ, còn nghèo, còn đang lo phát triển, và dân trí bà con ta còn thấp chưa đủ trình độ nên chưa dùng được những quyền này. Quyền phải đi đôi với trình độ tương xứng. BL: Bác cứ khách quan so sánh đi, xem thử các cán bộ từ phường xã lên đến các các bộ trưởng với đủ loại tuyên bố tào lao gần đây và ngay cả các tư tưởng của bác Tổng Trọng, xem đa số cán bộ đảng thực sự đang ở trình độ nào? Trình độ đạo đức và tự trọng lại càng thấp hơn nữa.   Rồi cứ tạm cho là dân trí còn thấp đi thì đó là lỗi của ai? Sau gần 40 năm hoà bình thống nhất đất nước và Đảng nắm độc quyền về giáo dục và tuyên truyền mà dân trí cứ ngày càng thấp hơn thì tại sao lại cứ tiếp tục con đường đi xuống này?   Phải chăng vì đặt quá nặng nguyên tắc "Hồng hơn Chuyên" suốt bao nhiêu năm qua nên cả hệ thống cán bộ hiện nay đều chỉ giỏi các mánh lới cạnh tranh nội bộ, giả dối thành tích và bằng cấp, nhưng cực kém về khả năng, nên Đảng sợ nếu để dân trí dâng cao lên thì cán bộ sẽ không theo kịp và mất dần khả năng kiểm soát? Vì vậy, bất kể trình độ cán bộ đảng thấp tới cỡ nào, trình độ của dân còn phải bị đè xuống cho thấp hơn một bậc nữa vì mục tiêu an toàn chính trị. Chính vì thế mà trình độ dân trí cứ ngày càng thấp dần; và càng thấp thì lãnh đạo Đảng càng có thêm lý do để không cho nhân quyền.   DLV: Nè chú mày đừng có mà hỗn với Đảng và Nhà nước nhé! Chú phải biết là dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước mà đất nước ta mới có được những thành tựu to lớn hiện nay tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn trong mọi lãnh vực. Ta hiện rất mạnh nhưng vẫn còn bị các thế lực thù địch đánh phá. Kinh tế ta đang phát triển tốt nhưng vì kinh tế toàn cầu đi xuống. Vì vậy, lúc này ta phải ưu tiên tập trung vào việc phát triển đất nước, khắc phục khó khăn, còn chuyện nhân quyền phải từ từ để đó, chứ thả lỏng nhân quyền sớm không chừng lại loạn to như bên Thái Lan, Hồng Kông. BL: Nãy giờ bác cứ đuối lí là lại đổi sang chuyện khác. Rồi lại cứ tự bịt mắt mình, cứ đổ cho hết chuyện nọ chuyện kia để biện minh cho sự tụt hậu thê thảm của chế độ ta, đặc biệt trong lãnh vực nhân quyền. Bác chỉ cần nhìn một thực tế đơn giản là các nước ít vi phạm nhân quyền, các nước mà người dân được hưởng các quyền cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do hội họp, v.v… đều tiến hơn xa Việt Nam dù 3 thập niên trước họ thua ta. Ngay cả bên Thái Lan, nơi mà nhìn bề nổi có vẻ như bất ổn định chính trị, dân họ vẫn có các quyền tự do hơn xa chúng ta và nền kinh tế vẫn phát triển đều đặn mà Việt Nam phải mất khoảng 50 năm nữa mới bắt kịp NẾU họ đứng yên không tăng trưởng nữa. Cần nói thêm là chính dân Thái Lan biết hệ thống vua chúa hiện nay đang là lực cản vận tốc tiến lên của đất nước và hệ thống đó quá lạc hậu nên họ muốn tranh đấu để cải tiến vì tương lai đất nước. Việt Nam còn tệ hơn nữa vì có tới 16 vua lận. Và Hàn Quốc, Đài Loan đều đã đi qua giai đoạn như Thái Lan cách đây vài thập niên và hãy xem kết quả họ có được ngày nay dưới chế độ dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Sau hết chính khi người dân có các quyền tự do cơ bản thì họ mới có thể giúp đất nước vạch trần và loại trừ vô số tệ nạn, từ cường hào ác bá, tham nhũng, lãng phí của công, đến cướp nhà cướp đất, bán các khu vực chiến lược cho ngoại bang, v.v… Đó chính là những vấn nạn mà lãnh đạo Đảng cứ rêu rao là đang cố gắng giải quyết suốt bao nhiêu năm nay mà tình hình cứ ngày một tệ hại hơn. Thành ra dù bác có chạy đường nào thì vẫn không tránh được kết luận là lãnh đạo Đảng tiếp tục cướp đoạt nhân quyền của dân chỉ để giữ chắc cái ghế cai trị của Đảng, bất kể sự khinh bỉ của thế giới, sự thiệt thòi cho bao thế hệ, và vô số tác hại cho đất nước. DLV: Chú mày đúng là ăn nói theo đuôi bọn phản động rồi. Mai tao báo cáo công an xem chú mày còn dám mạnh miệng không.   BL: Tôi hết sợ rồi bác à. Nếu anh Nguyễn Quang Lập đang liệt nửa người mà còn dám viết lên sự thật bao nhiêu ngày tháng như thế thì thằng tôi cũng phải theo chân anh ấy được một chút chứ. Nhưng liệu công an có dám ngay thẳng đối chất với tôi không hay cứ hễ bí là lại cãi chày như bác? DLV: Ừ, thì doạ mày thế thôi. Không sợ thì thôi. Chứ báo công an thì tao được cái giải rút gì. Không khéo chúng nó đuổi vì tao có quan hệ với phản động thì mất toi tiền lương dư luận viên tháng này. Chả dại! Thôi thì chú đừng nói với ai là mình có nói chuyện hôm nay nhé.
......

„Ngày Cầu Nguyện Trọng Thể“ cho TNLT Franz-Xaver Đặng Xuân Diệu

Neustadt-Geinsheim, Đức quốc. Hôm nay Chúa Nhật 07.12.2014, thứ hai Mùa Vọng cũng là „Ngày Cầu Nguyện Trọng Thể“ (Tag des Großen Gebets) chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh. Tại giáo xứ thánh Phêrô và Phaolô (St. Peter und Paul) linh mục Franz Ramstetter cùng các tín hữu hiệp nhất với các cộng đoàn công giáo Việt Nam cầu nguyện cho tù nhân lương tâm Franz-Xaver Đặng Xuân Diệu…Đặc biệt tại Neustadt-Geinsheim là nơi sinh thành  và lớn lên của Đấng Chân Phước Tiến Sĩ Paul Josef Nardini (1821 – 1862) thuộc giáo phận Speyer. Ngài đã tranh đấu và nâng đỡ mọi thành phần kém may mắn, bị lạm dụng và đàn áp trong xã hội (http://www.nardini.de/).   Dựa vào bài đọc trích sách tiên tri Ysaya:”Hãy an ủi, hãy an ủi dân ta,… Có tiếng hô: Trong sa mạc hãy bạt lối Yavê! Trong chốn hoang giao hãy san bằng ngự lộ cho Thiên Chúa. Mọi thung lũng sẽ dâng lên, mọi núi đồi sẽ lún xuống; gồ ghề sẽ thành bình nguyên, lồi lõm sẽ hóa ra đồng bằng“, Lm. Franz Ramstetter kêu gọi lấp đầy các hố sâu bất công, đàn áp và độc tài… để dọn đường cho Chúa…  Sau thánh lễ lúc 10 giờ 30 là phần „Cầu Nguyện Trọng Thể“, gồm có những mục „Chầu Mình Thánh Chúa“ và „Ban Phép Lành“ đến 18.00 giờ. Các thành phần tham dự gồm có các hội đoàn bô lão, phụ nữ, thanh thiếu niên và nhóm Taizé (http://www.taize.fr/de).
......

Nghệ sĩ Kim Chi : Tôi khát khao cho người dân Việt Nam được hưởng quyền con người

http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2014/12/20141207-ctm-...   Trong những năm gần đây, khi thấy đảng không còn vì nước, vì dân một số đảng viên công khai lên tiếng từ bỏ đảng cộng sản như trường hợp ông Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đắc Diên… Bên cạnh đó cũng có những đảng viên gửi kiến nghị, thư ngỏ nêu lên những sai lầm về đường lối của đảng cộng sản Việt Nam trong suốt thời gian mấy mươi năm qua dẫn đến tình trạng đất nước bị cho là khủng hoảng toàn diện và ngày càng tụt hậu. Những đảng viên ký tên thừa nhận phần trách nhiệm của họ trước dân tộc về những sai lầm đó. Và trước tình thế mới khi mà Trung Quốc đã bộc lộ dã tâm muốn Việt Nam phụ thuộc nhằm phục vụ lợi ích của Bắc Kinh, những người từng gia nhập đảng cộng sản ngay những năm tháng đầu như cụ thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, hay những người gia nhập vào những thập niên 80, 90 đưa ra một số yêu cầu, nguyện vọng của họ là nhà cầm quyền cần phải dứt khoát với phía Trung Quốc để có thể bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.   Tuy nhiên những lời tâm huyết này đã không đánh thức được lãnh đạo Hà Nội, ngược lại còn có những phái đoàn từ các cấp ủy đảng viên đến chất vấn, quy chụp là vi phạm điều luật của Đảng … Vào ngày 25/11 vừa qua, một phái đoàn 5 người đã đến nhà nữ nghệ sĩ Kim Chi để chất vấn về lá thư ngỏ 61 gửi Ban Chấp hành Đảng Trung ương Đảng CSVN và toàn bộ các Đảng viên từ cuối tháng Bảy vừa qua. Mời quý thính giả theo dõi phần tường thuật của nữ nghệ sĩ Kim Chi với phóng viên Trần Quang Thành. http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2014/12/20141207-ctm-...
......

Khi ngòi bút mạnh hơn nòng súng

Những người cầm bút không phải là người cầm súng nhưng họ không hề run sợ trước họng súng... (Nhân một đồng nghiệp và cũng là một người anh đáng kính của MTA, nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt, xin đăng một bài viết của MTA (có đăng trong BoLap QueChoa), như một lời bày tỏ với anh Bọ rằng, dù anh đang ở trong ngục tù đen tối thì chúng tôi luôn ở bên anh, ở cùng anh...) Những người cầm bút, nhà văn, nhà thơ, nhà báo...cũng như mọi người dân Việt Nam bình thường khác. Họ yêu Tổ Quốc, yêu Dân Tộc, yêu Hòa Bình và ghét Chiến Tranh bạo tàn... Họ kính trọng Thần Thánh, Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, tôn Sư trọng Đạo... Họ tôn trọng các giá trị đạo đức, luân lý và các giá trị giường cột tạo nên một xã hội nhân bản và đáng kính như xã hội Việt Nam từ ngàn đời. Họ tôn trọng pháp luật, và dù không hẳn đồng ý với nhiều điều nhưng họ không chống lại pháp luật bằng lật đổ pháp luật. Và họ không dùng súng để kêu gọi bạo lực mà dùng ngòi bút để chống bạo lực, bất công, đem lại công bằng xã hội, chống kẻ thù bên trong và bên ngoài... Vì họ biết được đôi chữ Thánh Hiền thì thật có tội nếu không đem chữ ấy phụng sự cho Quốc Gia... Vì họ có cái Tâm cho Quê Hương, thì thật có tội khi không đem Tâm ấy phụng sự cho Quê Hương... Họ cũng như mọi công dân khác, họ có quyền yêu ai, ghét ai, có quyền yêu màu Trắng ghét màu Đen, yêu màu Xanh ghét màu Đỏ hay ngược lại...Họ có quyền thích người này ghét người kia, thích nhóm này ghét nhóm kia hay ngược lại...và có quyền phát lộ chính kiến một cách công khai, hòa bình... Chính quyền của dân, vì dân và do dân không thể là chính quyền bắt bớ, giam cầm hay đe dọa bắt bớ, giam cầm những con người không có tội nào ngoài tội có chữ và và dùng chữ ấy để đền đáp cho quê hương, cho dân tộc mình... Chính quyền sẽ phạm tội ác nếu dùng bạo lực, bạo quyền để bắt giam những con người chỉ dùng ngòi bút chính nghĩa để chống lại bất công, bất nghĩa, để giúp dân oan, dân khổ... Và cũng đừng đe dọa bạo lực, bạo quyền vì giờ đây ngoài cái Tâm, cái Tài thì những người cầm bút còn có cái Dũng của những người nguyện dấn thân để chống lại bạo lực bạo quyền... Ngạn ngữ nước ngoài có câu rằng :"Ngòi bút không giết được ai nhưng có thể lật đổ cả một vương triều". Chính quyền hãy coi mọi người cầm bút, không phân biệt lề trái phải là những đối thủ đối thoại văn minh, chứ không phải là kẻ thù hoặc tiềm tàng là kẻ thù... Chính quyền đừng làm ngược với lòng dân thêm nữa khi đã bắt giữ vô lý, đang bắt giữ vô lý và còn đe dọa bắt giữ vô lý những người cầm bút, những người trí thức mà giờ đây trước cơ đồ của dân tộc, họ quyết đứng thẳng người dưới ánh sáng mặt trời, đối diện với bạo quyền để không phải thẹn với tổ tiên, không phải hèn với dân tộc và không phải nhục với quốc gia... Và cuối cùng chính quyền đừng đem bạo quyền, ngục tù, chết chóc ra để dọa dẫm những con người cầm bút, vì họ đã chấp nhận tất cả những điều đó từ trước khi tự nguyện dấn thân rồi... Mai Tú Ân Theo FB MTÂ
......

AI TRẤN ÁP AI ?

Tiếp theo giáo sư Lê Hồng Thọ là đến nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt vì điều 258.Cả hai người đều có điểm tương đồng giống nhau, có địa vị, học thức, tuổi tác và tư cách đạo đức. Cả hai cùng lập blogger và cùng chung một hướng điểm tin. Nếu nói xa hơn chút về trước thì có nhà văn Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh đều có một số điểm giống nhau tương tự. Họ đều là những trí thức khát khao thông tin, tự do ngôn luận trong xã hội. Hoạt động gần như độc lập, không tham gia đảng phái hay nhóm xã hội nào. Chủ trương hoạt động của họ là cung cấp thông tin đa chiều đến bạn đọc, có chọn lọc chất lượng tin tức. Bởi thế họ đều có số lượng bạn đọc lớn. Thu hút được niềm tin của bạn đọc cũng như tạo được uy tín cho trang cá nhân của mình. Ngoài những bài viết, bài đăng có tính phản biện những vấn đề nội bộ xã hội Việt Nam. Họ đều giống nhau ở điếm thái độ phản kháng hành vi xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Những người bị bắt này đa số bằng cách này hay phương pháp khác đều thể hiện sự phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc. Vậy chúng ta liệt kê lại những mâũ số chung của những người này. - Chống TQ xâm lược - Có địa vị, tư cách, học thức - Có số lượng bạn đọc lớn - Có uy tín trong các bài đăng. - Cá nhân độc lập. - Trang cá nhân có sự hấp dẫn như một tờ báo. Nhìn những mẫu số chung này của họ, có thể khẳng định họ không phải là đối tượng của cơ quan an ninh như cục A67, A88. Hai cục chống tôị phạm có tổ chức. Thường thì các cơ quan an ninh phụ trách phần mình sẽ theo dõi, lập hồ sơ và chuyển cho cơ quan an ninh điều tra A92 tiến hành bắt giữ và khởi tố vụ án. Ví dụ bạn là người liên quan đến đảng phái bên ngoài, A67 sẽ theo dõi lập hồ sơ, thu thập chứng cứ để chuyển cho A92 khởi tố. Hoặc bạn là người trong nhóm dân oan , giáo dân, phật tử thì A88 sẽ lập hồ sơ, thu thập chứng cứ rồi chuyển cho A92 bắt giữ và tiếp tục khai thác để truy tố. Ngoài ra có A69 là cục trinh sát rải quân đi tìm kiếm các con mồi, sau đó phân loại đưa về cho các cục chuyên môn như A67, A88, A65, 63, 83, 87..... A83 là cục an ninh chính trị nội bộ, A87 là cục an ninh thông tin , truyền thông. Khả năng những . Những cục trực thuộc tổng cục an ninh nội địa, viết tắt là tổng cục 2 BCA do tướng Hoàng Kông Tư là tổng cục trưởng. Những người bị bắt trên chắc chắn xuất phát từ hai cục an ninh A83 và A87. Phân tích tiếp thì những mẫu số chung của những người này, nhất là yếu tố chống Trung Quốc đứng đầu, thuộc dạng tức quan điểm chính trị mâu thuẫn với đường lối chính trị của đảng cộng sản Việt Nam. Có thể kết luận tiếp họ là đối tượng của A83, cục an ninh chính trị nội bộ. Trong bộ Công An, các cục trưởng tuỳ thuộc vào chuyên môn của mình phối hợp với các bộ khác. Ví dụ về kinh tế thì phối hợp với bộ Tài Chính, Công Thương, Ngân Hàng Nhà Nước... về an ninh đối ngoại phối hợp với Bộ Ngoại Giao, về an ninh tôn giáo phối hợp với Ban tôn giáo chính phủ...nói chung thì trong Đảng có nhiều ban. Và những cục an ninh của BCA phải phối hợp với những ban hoặc bộ này. Thường thì là ban nào đó của Đảng nhiều hơn là bộ, ban cho ý kiến, bộ chỉ là phối hợp. Những ban của Đảng này có ý kiến chỉ đạo trong những vụ viêc. Đảng CSVN thông qua những ban này để điều hành quyền lực của mình, hầu hết mọi việc nhà nước, chính phủ làm đều chịu sự kiểm soát  và theo dõi, chỉ đạo của những ban này. Người đứng đầu những ban này quyền lực có khi còn hơn cả bộ trưởng. Đây mới chính là bộ máy phát minh ra những tư tưởng, chính sách trọng yếu cai trị đất nước trong từng lãnh vực. Những ban này thường giấu mặt, ít khi xuất hiện trên báo chí. Mục đích muốn tạo cho người dân thấy đất nước hoạt động theo một cơ cấu bình thường như các đất nước khác, các bộ trưởng thì hành nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của chính phủ. Tương tự như thế, ở cấp hành chính địa phương có bí thư tỉnh uỷ bên cạnh chủ tịch tỉnh. Mỗi một ban quan trọng thường do một uỷ viên Bộ Chính Trị phụ trách, hoặc ít nhất là uỷ viên trung ương có vị thế gần bằng uỷ viên BCT. Cục A83 của BCA ngoài sự chỉ đạo chung của bộ trưởng CA ra, việc thường xuyên là nhận chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo Trung Ương trong những vấn đề xử lý các tư tưởng như họ gọi là lệch lạc, đi trái với quan điểm của Đảng trong nội bộ nhân dân, nhằm bảo đảm xã hội đi đúng định hướng  lý luận Mác Lê Nin , tư tưởng HCM. Đặc biệt là ban này vừa kiểm soát về báo chí lẫn tư tưởng chính trị. Cho nên dù là A83 hay A87 tiến hành thì cũng quy về một mối chỉ đạo là ban Tuyên Giáo Trung Ương do Uỷ Viên BCT Đinh Thế Huynh là trưởng ban. Những người bị bắt nêu trên là những người độc lập, có tư tưởng chính kiến, có ảnh hưởng trong xã hội. Việc làm của họ đụng chạm đến đường lối của Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Có thể kết luận những cuộc bắt bớ vừa qua là chủ trương trấn áp về mặt tư tưởng bài Trung Quốc, dằn mặt những đảng viên cán bộ có tư tưởng phản đối Trung Quốc. Đây cũng là bước phối hợp để bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú  vào ngày 6 tháng 12 năm 2014 với cử tri có thêm trọng lượng. http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/210571/-giu-doc-lap-chu-quyen--giu-cho...   "Tôi đã nhiều lần nói ta với TQ là láng giềng, phải ăn đời ở kiếp với nhau, xúc đất đổ đi được không? Ta giữ được độc lập chủ quyền, nhưng cũng phải giữ cho được chế độ, bảo đảm cho được Đảng lãnh đạo, môi trường hòa bình ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, giữ cho được quan hệ hòa hiếu với các nước, trong đó có TQ", Tổng bí thư nói. "Hay nói cứng chỉ một vế thôi? Việc lợi dụng kích động biểu tình đập phá, hình ảnh VN còn tốt được không? May mà ta đã xử lý kiên quyết. Phải rất bình tĩnh, tỉnh táo, khôn khéo, có hiệu quả, nóng mắt lên là nguy hiểm. Thực tế vừa rồi các nước cũng đánh giá cao cách xử lý của ta, mềm dẻo, khôn khéo, vẫn giữ được quan hệ, và còn phải lâu dài chứ không phải chỉ một trận là xong", ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "yêu nước nhưng phải đúng mức". Tổng bí thư cũng lưu ý rằng các đối tượng xấu rất muốn kích động tình hình trong nước ta, đặc biệt là tư tưởng bài nước này, chống nước kia. ----------------------------------   Mục đích của đợt bắt giữ liên tiếp hai blogger như Lê Hồng Thọ và Nguyễn Quang Lập là nhằm trấn áp những tư tưởng chống đối TQ, đi ngược với đường lối của ĐCS. Bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng ngay sau đó đã cho thấy rõ sự việc đằng sau việc bắt hai blogger này là nhằm phục vụ một chiến lược chính trị. Người Buôn Gió
......

Ngày mừng vui, thôi thúc nhất

Ngày 10-12-1948 Liên Hiệp Quốc long trọng thông qua bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, đánh dấu một thắng lợi lịch sử của loài người văn minh, sau khi đánh bại phát xít Đức và quân phiệt Nhật. Điều mỉa mai của lịch sử là phong trào cộng sản thế giới từng tham gia tích cực vào sự nghiệp loại trừ phát xít và quân phiệt lại là lực lượng chà đạp nhân quyền còn tệ hại hơn cả phát xít và quân phiệt. Qua cuộc Chiến tranh lạnh gay go và khốc liệt, nguy cơ cộng sản phi nhân tính mang mặt nạ con người đã bị loại bỏ, với sự sụp đổ của Bức tường Berlin ô nhục, sự tan rã của đế quốc Xô Viết phản nhân loại. Hiện nay cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền của thế giới văn minh đã được thu lại với phạm vi rất hẹp so với trước, chỉ còn một số nước độc tài ở Châu Phi, Trung Đông và một vài nước cộng sản số gồm Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam. Qua kinh nghiệm bản thân, nhân dân ta ngày càng cảm nhận sâu sắc rằng chủ nghĩa cộng sản trên thực tiễn là kinh nghiệm chết người của dân tộc, là lầm lẫn khổng lồ của lịch sử Việt Nam, là chế độ chính trị tệ hại hơn cả chế độ thuộc địa và chế độ phong kiến, đặc biệt là về mặt chà đạp quyền sống của con người cũng như chà đạp hiến pháp và luật pháp của đất nước. Điều rất đáng mừng là những chân lý trên đây đã được một bộ phận trí thức, thanh niên, văn nghệ sỹ, nhà báo luật gia, nông dân, nhà kinh doanh vừa và nhỏ nhận ra ngày càng rộng và sâu sắc, để cho Ngày 10-12-2014 năm nay là một ngày thật sự vui mừng, phấn chấn, thôi thúc sự dấn thân cho nhân quyền, cũng là cho nền độc lập trọn vẹn, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, biển đảo của Tổ quốc, tự mình đứng ra cứu nước, cứu dân. Năm qua là năm trỗi dậy xuất sắc của các lực lượng nhân quyền và dân chủ rất đáng trân trọng tuy còn nhỏ yếu. Các bạn đã làm từ những việc nhỏ đến việc lớn. Hàng vạn bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được in ra rất đẹp và phân phát khắp nơi. Các cuộc Hội luận về nhân quyền được mở ra rộng khắp, trong phòng họp, trong gia đình, ngòai trời, nơi du ngọan, cắm trại. Các tổ chức xã hội dân sự xuất hiện ngày càng đông. Bản Thông điệp về Nhân quyền năm nay mang chữ ký của 24 thành viên là một cuộc biểu dương lực lượng đáng mừng. Hàng trăm blogger tự do với các mạng thông tin phong phú, kịp thời, với những phóng sự ảnh sinh động được công luận tìm đọc, vượt hẳn hàng trăm tờ báo tẻ nhạt, nhàm chán, bịp bợm của lề phải do ban tuyên huấn chăn dắt một cách luộm thuộm hớ hênh. Một số cây bút ngay thẳng bên lề phải được ngênh đón sang lề trái. Thời báo Việt Nam trên mạng của Hội nhà báo độc lập Việt Nam hằng ngày có vài vạn bạn đọc sớm trở nên món ăn tinh thần không thể thiếu, do tôn trọng sự thật và bạn đọc, kết hợp nghệ thuật báo chí cách tân và khoa học báo chí tinh nhậy, hướng dẫn công luận theo hướng tự tin dân tộc kết hợp với thế giới văn minh, đi từ những công việc bình thường thiết thực nhất. Năm nay các bạn đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ khi một mặt trận đối ngọai đã mở ra rộng lớn và có hiệu quả. Ngay trong nước các bạn đã tiếp xúc, gắn bó với nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhiều sứ quán, lãnh sự quán, bạn bè thân thiết, nhiều nhà báo quốc tế để cùng phối hợp đấu tranh. Cô Đoan Trang đang học ở Hoa Kỳ, luật sư Cù Huy Hà Vũ, nhà báo Điếu Cày sang Hoa Kỳ làm việc thuận lợi dù cho có bị chống phá kiểu ấu trĩ dại dột từ hai phía.   Không mừng sao được khi chính quyền trong nước tự dấn thân vào thế bị động khi họ cố tìm một thế đứng hão huyền trong Hội đồng Nhân quyền của LHQ, buộc phải hứa xét lại các điều luật trái với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, như các điều 79, 88, 258 trong Luật Hình sự, buộc luôn tự mình coi như học trò hư có hạnh kiểm xấu để bị phê phán, dạy dỗ, răn đe, bị ra điều kiện để hòng mong nhận vài củ cà rốt trong cơn thiếu thốn. Chúng ta cứ từ từ vững bước mà đi trên đôi chân chúng ta. Hãy vẫy gọi thêm thật nhiều bạn đồng hành. Hãy lập thêm nhiều tổ chức xã hội dân chủ. Những hội chính trị, hội nhà giáo dân chủ, luật gia dân chủ vì một nền tư pháp công minh, nghệ sỹ dân chủ, nhà kinh doanh dân chủ, hội thể thao dân chủ, nhà văn hóa dân chủ, lập quỹ hỗ trợ dân chủ… Ở ngoài nước anh chị em dân chủ khắp nơi cũng đã trưởng thành, dày dạn, tiếp cận các giới cầm quyền và dân sự, vận động nhắm vào hiệu quả thiết thực, hỗ trợ và kết hợp chặt với trong nước. Gặp nhau, người Việt ta hay hỏi nhau : bao giờ chính quyền độc đảng, độc đóan, độc hại, độc ác, cực kỳ phi lý, trái đạo lý, trong nước sụp đổ như ở Liên Xô, Đông Âu? Cộng sản ở ta sẽ biến trước hay sau Cộng sản Trung Quốc?   Thế cùng tất biến. Miễn là người Việt ta cùng giúp nhau thức tỉnh. Một năm 2015 nhiều hứa hẹn sắp mở ra. Chúng ta có cơ sở để vui mừng và hành động từ những việc nhỏ, thiết thực nhất. Nhân quyền và dân chủ là 2 vũ khí mầu nhiệm không gì sánh bằng. Bùi Tín
......

Bi Kịch Cộng sản - Bi kịch Hồng Lê Thọ

Bản án tử hình dành cho Hồ Duy Hải được hoãn lại. Dòng tin này được hàng triệu người Việt nam vui mừng đón nhận vào ngày 4/12/2014. Trước đó nhà báo Huy Đức viết trên trang FB của mình một bài mang tựa đề Cần phải cứu một nền tư pháp, sau gần một tuần lễ công luận đưa vụ án có nhiều nghi vấn này ra bàn luận. Một vụ án mà tang vật được công khai mua từ chợ về để minh họa, dấu vân tay cũng không phải của người bị kêu án. Học sinh tiểu học xếp hàng vào thăm Bảo tàng Quân đội tại Hà Nội vào ngày 07 tháng 11 năm 2014, dưới những tấm áp phích tuyên truyền. AFP photo Minh bạch và Tham nhũng Mọi tình tiết của vụ án đều mờ mờ ảo ảo trong sự không minh bạch, và hơn nữa của một nền tư pháp lệ thuộc vào đảng cầm quyền. Nhà báo Huy Đức viết rằng trong hoàn cảnh chưa thể có tư pháp độc lập trong chế độ một đảng cầm quyền, thì ít nhất các quan tòa cũng nên là những người ngồi nghe các bên biện luận, thay vì làm chuyện kết án cùng với bên công tố, và hơn nữa lại lo ngại vụ án bị xử lại, mất hết những thành tích của họ. Theo cách này, ngành tòa án sẽ có những con số đẹp (án ít bị cải, sửa hơn) nhưng mức oan sai thật - thì nếu không có áp lực kêu oan của gia đình (như trường hợp Hồ Duy Hải); thủ phạm thật không ra đầu thú (như trường hợp Nguyễn Thanh Chấn)... - chiếm tỉ lệ cỡ nào là không ai biết được. Đó là điều mà người ta hay gọi là bệnh thành tích, mà bệnh thành tích mà hoành hành cả trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến mạng sống của con người thì quả là tác hại sẽ không lường được. Nếu tin vụ án Hồ Duy Hải được hoãn thi hành được công luận chào đón với không ít hy vọng, thì tin về tình trạng tham nhũng toàn cầu lại làm người Việt nam thất vọng. Tổ chức Minh bạch quốc tế tiếp tục xếp Việt nam  vào hàng kém cỏi nhất thế giới dựa trên chỉ số nhận thức về tham nhũng. Nói nôm na là Việt nam là quốc gia có tham nhũng hàng đầu thế giới. Blogger Hiệu Minh nhìn sang lân bang Singapore, nơi được nhiều người Việt nam xem là cũng có một chế độ độc tài, để nói rằng bên xứ ấy có một nền chính trị trong sạch bậc nhất châu Á. Sự “độc tài” của Singapore thực ra bị nhiều người lầm tưởng vì tính nghiêm khắc của pháp luật ở đảo quốc này. Sinh hoạt chính trị ở đây vẫn có sự cạnh tranh, và ngành tư pháp là độc lập. Mà không phải chỉ có blogger Hiệu Minh mới nhìn sang Singapore, Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng cảm thán rằng tại sao đảo quốc ấy bé nhỏ như thế mà sạch sẽ như thế, sạch từ thiên nhiên tới con người! Báo chí chính thống và nhiều trang blog đều trích lại lời ông. Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy viết bài Vì sao tham nhũng? "Việc đồng nhất chính quyền và đảng với nhà nước (thực ra là với sở hữu) đã làm cho nhà nước cộng sản trở thành, có thể nói, nhà nước tự-tham-nhũng, nhất định kèm theo đặc quyền đặc lợi và những kẻ ăn bám." Trong bài viết này  tác giả lại đi tìm hiểu nguyên nhân của tham nhũng, tự hỏi phải chăng nó bắt nguồn từ những khiếm khuyết bất trị của dân tộc hay không! Và trên hành trình đó, bà tìm thấy Milovan Djilas, nhân vật từng đứng hàng thứ hai của đảng cộng sản Nam tư. Đây là đoạn trích nói về chính quyền cộng sản của Djilas: Thói bon chen, xa hoa, hám quyền là không tránh được.[...] Đây là loại tham nhũng đặc biệt: khi quyền lực nằm dưới quyền kiểm soát của một đảng, mà đảng ấy lại là nguồn gốc của tất cả đặc quyền đặc lợi, thì việc “quan tâm đến các chiến hữu”, việc bổ nhiệm họ vào những chức vụ có lợi, việc phân phối phúc lợi các kiểu giữa các đảng viên với nhau phải trở thành việc đương nhiên. Việc đồng nhất chính quyền và đảng với nhà nước (thực ra là với sở hữu) đã làm cho nhà nước cộng sản trở thành, có thể nói, nhà nước tự-tham-nhũng, nhất định kèm theo đặc quyền đặc lợi và những kẻ ăn bám. Và câu trích bên trên dường như đã trả lời câu hỏi mà Tiến sĩ Nguyễn Thị từ Huy đặt ra trong đầu đề Vì sao tham nhũng? Nguyên nhân đó là thể chế chứ không phải là từ tính cách của dân tộc. Những người cộng sản cầm quyền ở Việt nam vẫn liên tục nói đến chuyện chống tham nhũng, và trong mấy năm vừa qua dường như người đứng đầu đảng là ông Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cố gắng trong cuộc đấu trang giành sự trong sạch cho đảng của ông. Song blogger Hiệu Minh nhận xét rằng: Xem bảng xếp hạng tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế thì hiểu tại sao chương trình nhóm lò của TBT Trọng vẫn đang nghi ngút khói vì củi ẩm. Độc tài như Singapore nhưng tham nhũng thấp thì cũng chấp nhận, nhưng độc tài mà để tham nhũng cao chót vót thì không có gì để biện minh. Chủ tịch Trương Tấn Sang, như đã nói, cũng cảm thán về sự trong sạch của nước Singapore, nơi lý thuyết cộng sản bị cấm đoán một cách nghiêm ngặt nhất thế giới. Không rõ ông đã từng đọc Djilas, người đồng chí một thời ở Quốc tế cộng sản của ông hay chưa? Bi kịch và Quyền lực Cuộc đời Djilas là một bi kịch, từ một người cộng sản trẻ tuổi đầy lý tưởng, lên đến đỉnh cao quyền lực của đảng, ông lại từ bỏ tất cả vinh hoa phú quí đáng ra dành cho những người thuộc “Giai cấp mới” như ông, để trở thành người lên án và phê bình chủ nghĩa cộng sản. Giáo sư Hồng Lê Thọ bị bắt vì điều luật 258 Trong những ngày cuối tháng 11, người ta lại chứng kiến một bi kịch của một người từng ủng hộ hết mình chủ nghĩa cộng sản Việt nam, đó là giáo sư Hồng Lê Thọ, một trí thức Việt kiều hồi hương từ Nhật bản. Ông đã từng tham gia phản chiến chống sự can thiệp của người Mỹ tại miền Nam Việt nam. Hồi năm 2006, ông Thọ viết trên báo Sài gòn Giải phóng của đảng cộng sản về cuộc đấu tranh phản chiến của ông tại Nhật bản trong một chiến dịch 50 ngày đêm ngăn cản không cho xe tăng Mỹ được vận chuyển sang chiến trường Việt nam. Ông Hồng Lê Thọ bị bắt vào cuối tháng 11 với lời buộc tội rằng ông làm mất niềm tin của nhân dân vào nhà nước của đảng cộng sản, đảng phái chính trị mà ông hăng hái ủng hộ vào tuổi thanh niên sôi nổi của mình. Vụ bắt bớ này lại không được báo chí chính thống Việt nam đưa tin mà chỉ có cổng thông tin điện tử của Bộ công an mà thôi. Vì thế trong không khí minh bạch 31 điểm do tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá, nhiều lời đồn đoán được đưa ra: nào là ông Thọ bị bắt vì xưa kia ông chống Mỹ cứu đảng, nay ông chống đảng cứu nước, nào là các phe phái chống nhau ông Thọ đột nhiên thành nạn nhân,… Blogger Kami thì cho rằng:"Bởi hơn ba mươi năm sống trượt dài trên đà tiến bộ loài người, cái mà người Việt Nam đang gánh chịu bây giờ là một xã hội vô hướng, vô hồn, tin vào cái ác cũng như tin vào những giá trị huyễn hoặc." - Blogger Viết từ Sài gòn Việc bắt GS. Hồng Lê Thọ là một toan tính chiến thuật hoàn toàn mang ý nghĩa chính trị, nhằm chuyển đi một thông điệp khẳng định rằng, mọi ý nghĩ cho rằng sẽ có các cải cách mạnh mẽ của phái cấp tiến, kể cả cải cách thể chế như thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là điều "viển vông. Nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim Phúc, một người bạn thân thiết của Giáo sưu Thọ thì nghĩ rằng vụ bắt bớ là lời cảnh báo rằng sự phản biện xã hội và chính trị của các trí thức trong nước đã làm phật lòng những người cộng sản có quyền lực. Một tác giả người Anh là Bá tước John Dalberg-Acton nói rằng Quyền lực dẫn đến nhũng lạm, và quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến nhũng lạm tuyệt đối. Blogger Viết từ Sài gòn so sánh thứ quyền lực tuyệt đối của đảng cộng sản Việt nam hiện nay như là khái niệm Số Má của giới giang hồ. Trong lúc giới giang hồ sử dụng đẳng cấp sát máu gọi là Số Má của mình thì các đảng viên cộng sản lại dùng thẻ đảng của mình để trục lợi trong những thương vụ làm ăn. Có những vụ tham nhũng lớn mà các đảng viên dùng thẻ đảng để vay tiền trong ngân hàng rồi chiếm đoạt. Blogger Viết từ Sài gòn đặt ra vấn đề tại sao xã hội hiện nay lại đổ đốn ra như thế: Vì cơ chế đảng trị đã cho các đảng viên quá nhiều thứ, họ như một ông vua, bà chúa trên xứ sở của họ. Lòng tham và sự thoả hiệp của đa phần người dân đã đẩy bản thân đa số này đến chỗ mù quáng, toa rập với cái ác, xem cái ác là một cơ hội cho bản thân. Và cái giá phải trả đã hiện ra trước mắt. Nhưng câu chuyện không phải dừng ở đây, nó cho thấy đất nước đang thật sự lâm nguy bởi lòng người tan rã, niềm tin bị đánh tráo, giá trị phẩm hạnh bị băng hoại đến tận gốc. Bởi hơn ba mươi năm sống trượt dài trên đà tiến bộ loài người, cái mà người Việt Nam đang gánh chịu bây giờ là một xã hội vô hướng, vô hồn, tin vào cái ác cũng như tin vào những giá trị huyễn hoặc. Trở lại vụ bắt giam Giáo sư Thọ, Giáo sư này cũng là một blogger và trước khi bị bắt trang blog Người lót gạch của ông đã đăng một bài mang tên “Vừa hợp tác vừa đấu tranh và … Vương Thúy Kiều.” Bài này của tác giả Hạ Đình Nguyên, một lãnh tụ sinh viên tranh đấu trước 1975, và nay lại thường xuyên có những ý kiến đối kháng với đường lối cai trị của đảng cộng sản. Trong bài viết này tác giả so sánh nước Việt nam với nhân vật Vương Thúy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, một thân phận yếu ớt nhỏ bé phải tìm sinh lộ bên cạnh kẻ xấu tàn ác và hung tợn. Điều mà nhiều người bàn tán về bài viết này là hình như nó châm chọc câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đó về quan hệ Việt nam Trung quốc rằng vừa Hợp tác vừa đấu tranh. Nhưng ngay trong lời dẫn của bài viết, Hạ Đình Nguyên viết rằng ông không có ý đó. Nhiều người theo dõi bài viết này như nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cũng nhận xét rằng bài viết không chỉ trích gì cá nhân ông Thủ tướng cả, mà là tâm sự của một kẻ sĩ ưu thời mẫn thế, quan tâm đến an nguy của quốc gia, và sự tồn vong của dân tộc. Mối ưu tư ấy của Hạ Đình Nguyên dẫn đến một nỗi bi quan khi tác giả so sánh nhận xét của Thủ tướng Dũng về mối quan hệ Việt Trung với chủ trương “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “ném chuột sợ bị vỡ bình.” Tức là rồi cũng chẳng phá vỡ được bế tắc nào, nước Việt nam và Trung quốc vẫn là hai quốc gia cộng sản cùng ý thức hệ, các quan chức tham nhũng là chuột cần phải diệt, nhưng cũng lại là cái bình quý mà đảng không thể làm vỡ đi. Để kết thúc bài điểm blog này, xin mượn lời blogger Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy khi bà tìm thấy căn nguyên tên gọi là cộng sản của căn bệnh tham nhũng hôm nay, Và điều đó có nghĩa là chế độ này trường tồn thì dân tộc sẽ tiêu vong. Nguồn: rfa.org/vietnamese
......

Chống tham nhũng ở VN ‘là mị dân’

Anh Đức Gửi tới BBC từ Hà Nội Nhìn lại “Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 13” ngày 26/11/2014. Với nỗ lực cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng đã đem đến hiệu quả ít nhiều. Lãnh đạo Vinashin nhận án tù và Thủ tướng Dũng từng 'nhận trách nhiệm cá nhân'. Với kết quả chống tham nhũng năm 2014, thu hồi 46,9 tỷ đồng từ 54 vụ tham nhũng trên toàn quốc. Giá trị khiêm tốn trên cũng chỉ tương đương chi phí % đúng giá cho giao nhận và chi phí “ bôi trơn” khác của một dự án xây dựng cơ bản với tổng mức khoảng 500 tỷ đồng. Chống tham nhũng ở Việt Nam ngày càng đi vào bế tắc. Bởi một nghịch lý đó là người thực thi pháp luật chống tham nhũng cũng chính là người dung dưỡng tham nhũng, đã từng phụng sự tham nhũng, đã tham nhũng hoặc vẫn đang trong lợi ích nhóm, đang là hậu duệ, có ân huệ, có quan hệ… với tổ chức, cá nhân tham nhũng. Chống tham nhũng ở Việt Nam bản chất là cuộc chiến tương tàn giữa các tầng lớp đồng chí, dòng họ, ơn nghĩa thừa kế, có quan hệ chằng chịt về kinh tế, đã hoặc đang hoạt động chung lợi ích. Ngoài ra tham nhũng trong chính trị, từ những người làm chính sách trực tiếp hưởng lợi chớp nhoáng, cũng khó mà phát hiện và chống được. Do đó hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng cũng chỉ dừng lại ở số ít cá nhân đại diện cho một bộ máy tham nhũng có hệ thống khổng lồ “bị lộ” qua phản ánh từ nước ngoài, qua doanh nghiệp phá sản, qua đấu đá nội bộ mà thôi. Phụng sự tham nhũng   Tham nhũng hiện nay đã là thói quen, là văn hóa, tập quán của người Việt trưởng thành khi bước vào ngưỡng cửa công chức. Việc này làm cho xã hội bị đình trệ phát triển, một nguồn nhân lực lớn của đất nước chỉ mong xây dựng cuộc sống của mình gắn liền với quan niệm phải ổn định, được nhàn hạ, ít động não, làm ra thật nhiều tiền từ những trạng thái làm việc mơ hồ, hơn là tạo ra sản phẩm vật chất lẫn sản phẩm tinh thần có cạnh tranh, có ích cho xã hội. Một tập thể lớn tri thức tham gia vào việc hợp thức hóa rửa tiền từ tham nhũng là công việc bình thường hàng ngày của họ, và họ không có khái niệm phạm tội, họ coi là bình thường việc đang tiếp tay cho tham nhũng. Đã có nhiều quy định của chính phủ về quản lý giao dịch tiền mặt vốn là đặc trưng ở Việt Nam đến nay với mục đích chống rửa tiền, chống khủng bố. Nhưng vẫn tồn tại rất nhiều cửa để chung chi, bằng những con số tiền mặt rất lớn từ các doanh nghiệp phụng sự tham nhũng, và giá trị tham nhũng sẽ hoàn khép chứng từ để hoàn vốn một cách dễ dàng. Hình thức giao dịch tham nhũng bằng tài sản, bằng trao đổi bổ nhiệm chức vụ, mua bán chức quyền và bằng nhiều hình thức tinh vi khác ngoài tiền thì hầu như vẫn đang diễn biến tốt đẹp. Chắc chắn rằng không ai tự kết tội chính mình, dòng họ mình, phe cánh mình, đưa mình vào thế phản ơn, phản thầy một cách tự nguyện. Cho nên công cuộc chống tham nhũng hiện tại cũng chỉ là hình thức xoa dịu lòng dân, hình thành những tổ chức chống tham nhũng không ngoài mục đích đủ thành phần hành pháp, cân bằng quan hệ chính trị nhóm vì lợi ích.   Bầu Kiên yêu cầu giới chức nhà nước ra đối chất nhưng không được đáp ứng đầy đủ.   Tham nhũng ở Việt Nam muôn hình vạn trạng, đang phát triển bình thường: Hiện tại tham nhũng Việt Nam đang phát triển ngày càng tinh vi hơn, nguy hại hơn cho nền kinh tế đang bế tắc về phát triển với nhiều nợ công, nợ xấu. Dễ dàng nhìn thấy tham nhũng phát sinh hàng ngày khắp nơi, mọi chốn. Việc mua sắm tài sản công, vật tư, nguyên liệu, thiết bị, đấu thầu theo quy định cũng dễ dàng thao túng hành vi “tham nhũng nhưng đúng luật” với hình thức cung cấp hồ sơ đấu thầu, chào thầu, quân xanh quân đỏ, chính từ người trực tiếp trúng thầu thực hiện, được bật đèn xanh bởi cả hệ thống điều hành. Luật bất thành văn, thống nhất chia chác tỷ lệ tham nhũng từ trên xuống dưới vẫn đang tiếp diễn. Tham nhũng có giá trị lớn trong xây dựng cơ bản như trước đây thông qua giao nhận các dự án. Trực tiếp tham nhũng bằng cách thu theo tỷ lệ % dự án thì hiện tại biến hóa hơn, có tổ chức hơn. Các công ty mới, lợi ích nhóm mới hình thành có sự hỗ trợ mạnh từ ngân hàng. Mượn năng lực để hợp thức hóa giao nhận làm chủ dự án, chủ đầu tư và lách luật “cấm thầu phụ”, bằng hình thức biến hợp đồng các công ty có năng lực thật sự thành những đội trực thuộc, giao khoán và thu tỷ lệ % cao hơn nhiều. Vì cần việc làm để tồn tại, các doanh nghiệp chuyên nghiệp cũng trở thành nguyên nhân tiếp tay cho tham nhũng và làm giảm đi chất lượng công trình. Người dân hàng ngày nhận hàng hóa từ nước ngoài qua cửa hải quan sân bay cũng được thỏa thuận đóng thuế hai mức giá, tùy thuộc vào việc lấy hóa đơn nộp thuế hay không. Thậm chí tham nhũng của các cơ quan hành pháp, tư pháp phát sinh trên những cá nhân, tổ chức tham nhũng cũng là chuyện không hiếm.   Rất nhiều hình thức tham nhũng khác mà người dân ai cũng biết, liên quan đến cuộc sống của mình. Họ ngoan ngoãn tiếp tay tham nhũng có thể vì lợi ích trước mắt, và ít ai dám nói ra. Những “đồng chí chưa bị lộ” còn lại, không phải là chưa lộ, mà hầu hết đã lộ giữa ban ngày, thể hiện qua khối tài sản không thể biện minh, là thực tế trên cả nước. Bằng cách nào để chống tham nhũng một cách hữu hiệu thật sự? Nhìn lại việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính Phủ. Chưa kể tham nhũng hay không, thì việc phạm luật trốn thuế thu nhập là điều chắc chắn. Và hầu hết các quan chức ở Việt Nam đều vi phạm luật thuế này. Không riêng gì ông Truyền lúc tại vị, những phát biểu đình đám cho công tác phòng chống tham nhũng của những người đương nhiệm xét cũng chỉ thực hiện theo nhiệm vụ hơn là lương tâm và trách nhiệm. Việt Nam đã từng tồn tại thuế thu nhập bất thường từ thời bao cấp, chủ yếu là từ việc trúng số kiến thiết. Cụ thể hơn theo Nghị định 147/2004/NĐ-CP và Nghị định 100/2008/NĐ-CP quy định thuế suất thu nhập cá nhân (hoặc bất thường) từ 5% đến 40% với giá trị thu nhập tương ứng. Nếu nhìn vào tài sản bề nổi hiện tại, so sánh hồ sơ lưu trữ kê khai và nộp thuế tại các cơ quan thuế thì người dân ít nhiều là những đối tượng trốn thuế thu nhập. Hầu hết quan chức nhà nước lại là đối tượng trốn thuế thu nhập lớn hơn, chưa kể sau năm 2006 đảng viên mới được hợp thức làm kinh tế tư nhân. Hợp thức hóa tài sản VN không có hệ thống tư pháp độc lập và tòa bị xem là 'nghiêm nhưng không minh'   Để hợp thức hóa tài sản, giảm giao dịch tiền mặt cho mục đích thực thi phòng chống tham nhũng hiệu quả, phải chăng nên làm một cuộc cách mạng “công nhận, hợp thức hóa tài sản sở hữu hợp pháp” bằng cách “truy thu thuế” thu nhập cá nhân hiện tại, và nhất là tài sản lớn của quan chức nhà nước. Phải hợp thức một mặt bằng minh bạch tài sản, từ đó làm cơ sở quản lý chống rửa tiền từ tham nhũng và chống thất thu thuế là điều kiện cần bắt buộc. Đây là việc mà hầu hết các nước phát triển đã thực hiện từ lâu, nhằm quản lý thuế nhân sự, chống rửa tiền và phòng chống tham nhũng hiệu quả. Nếu vẫn tồn tại vòng luẩn quẩn, mập mờ về tài sản quá khứ, hiện tại và tương lai thì công cuộc hô hào chống tham nhũng ở Việt Nam phải chăng chỉ là mục đích mị dân. Đẩy mạnh thực chất chống tham nhũng đối với các đối tượng quan chức, khác nào tự tạo nên cuộc chiến huynh đệ tương tàn, thậm chí tự giết chính bản thân mình, một việc làm quá ư trừu tượng. Thực tế hóa việc phòng chống tham nhũng: Việc phòng chống tham nhũng chỉ hữu hiệu khi quán triệt từ tư tưởng, từ chấp pháp, chứ không phải chống tham nhũng mà vẫn cứ chấp nhận tham nhũng từ lách luật, từ những biến hóa chứng từ hợp lý và từ lạm dụng ảnh hưởng chức quyền. Đánh chuột hay giữ bình chỉ thiết thực khi hợp thức hóa, công nhận hình thành tài sản cá nhân hợp pháp của các quan chức thông qua kê khai và truy thu thế thu nhập, làm cơ sở pháp lý. Sau đó được kiểm soát hoạt động, thu nhập quan chức bằng công cụ thuế và dễ dàng giám sát từ toàn dân. Vẫn phải “dùng chuột để diệt chuột”, vẫn duy trì “lách luật đúng quy trình” thay cho các biện pháp “thuốc diệt chuột”, và chuột cũng chính là chủ nhà, thì công cuộc chống tham nhũng bằng tự kê khai tài sản các quan chức ở Việt Nam mãi chỉ là câu chuyện khôi hài. Có định hướng đi theo chủ nghĩa nào đi nữa, thì việc minh bạch tài sản và lành mạnh thu nhập, tuân thủ theo các qui định thuế là điều cần thiết tối thiểu cho một xã hội. Chủ động duy trì một mớ bòng bong tài sản nhập nhằng, thực hiện phòng chống tham nhũng bằng những lý thuyết suông mãi chỉ là mơ mộng viển vông. Anh Đức Theo bbc.co.uk/vietnamese
......

Bài học đầu tiên về luật pháp tôi học ở nước Mỹ

Tôi nhận học bổng Fulbright sang Mỹ học chương trình Master of Laws năm 1999 tại Đại học Tulane ở thành phố New Orleans, bang Louisiana. Trước khi vào Tulane, tôi đến Đại học Columbia ở thành phố New York, học chương trình Orientation (định hướng) về luật và tiếng Anh. Fulbright luôn tạo điều kiện để các sinh viên có cơ hội biết thêm văn hóa tại những vùng khác nhau của nước Mỹ, nên thường người học sẽ đến vài thành phố để dự các khóa giảng. Nhờ vậy tôi được dịp sống tại New York trong hơn hai tháng. Dù thời gian ngắn, nhưng phải nói thật, tôi yêu New York hơn tất cả những nơi khác, vì có lẽ tôi đã dành nhiều thời gian khám phá nó từ các góc cạnh khác nhau. Hồi sống trong khu học xá sinh viên của Đại học Columbia, tôi giữ thói quen đều đặn kiểm tra hộp thư để xem gia đình có gửi thư sang hay không, vì lúc ấy ba mẹ và anh em tôi chưa ai sử dụng email. Sau một lần nói chuyện với gia đình qua điện thoại, tôi ước chừng độ mươi ngày sau thư sẽ đến. Một buổi chiều, linh tính cho biết đã có thư, đi học về, tôi nhanh chân bước vào sảnh ký túc xá, thì thấy người giao thư đã giăng dây xung quanh nơi đặt các hộp thư. Bên trong hàng dây có một tấm biển ghi hai chữ “No entry”, cấm mọi người bước vào, để anh ta tiện sắp xếp bỏ thư. Thông thường công việc đó chỉ mất độ 15 phút, nên tôi lên phòng ngồi chờ. Khoảng hơn một giờ sau tôi bước xuống, vẫn thấy hàng dây còn giăng ngang. Cẩn thận, tôi bước đến hỏi người bảo vệ khu học xá xem người giao thư đã làm xong chưa. Anh này nhún vai bảo không biết. Không thấy người giao thư để hỏi, tôi lại lên phòng ngồi chờ thêm nửa giờ. Sau đó, thấy trời sắp tối, tôi lại đi xuống. Lần này vẫn thấy dây còn giăng xung quanh, tôi ngó trước sau không thấy cả người giao thư lẫn bảo vệ khu học xá, nên tần ngần không biết hỏi ai. Trong lòng nôn nóng nhận thư, tôi liều lĩnh bước qua hàng dây đi vào mở hộp thư của mình. Quả nhiên có thư. Tôi mừng quá, lấy xong bước qua hàng dây đi ra. Vừa lúc đó, anh chàng giao thư người da đen xuất hiện. Thấy tôi vừa cao chân bước qua, anh giận dữ hét lên, “tại sao anh làm như vậy?” Tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng, vội phân bua rằng vì đã chờ đợi quá lâu, lại đang cần đọc thư, mà tìm anh ấy không được, nên đành làm đại. Anh ấy tỏ ý thông cảm, không trách nữa, nhưng vẫn nói câu cuối trước khi mỉm cười với tôi: “But, law is law!” (Nhưng, luật là luật). Tôi choáng váng! Tất nhiên, đó không phải là luật pháp gì ghê gớm của nước Mỹ, mà chỉ là luật lệ ước định giữa những người sống trong một cộng đồng dân cư nào đó thôi. Song quả thật, luật là luật, dù cưỡng hành hay không, vẫn không có chuyện thông cảm hay viện cớ này nọ để vi phạm. Dù anh ấy không biết tôi là sinh viên luật, dù anh ấy chỉ là người giao thư bình thường như bao người Mỹ đang làm việc một cách lương thiện trong xã hội, nhưng chỉ một câu nói như thế của anh đã khiến tôi học được nhiều điều. Đó là bài học đầu tiên về luật pháp mà tôi học ở nước Mỹ. Tôi chợt hiểu ra vì sao nước Mỹ hùng mạnh, bởi mỗi công dân của họ đều được giáo dục đủ để biết tuân thủ luật pháp trong những điều nhỏ nhặt nhất. Đó chính là nền tảng của một xã hội văn minh và phát triển. Bài học đầu tiên ấy tôi vẫn còn nhớ đến hôm nay. Người da đen vô danh năm nào vô tình đã trở thành thầy dạy luật đầu tiên của tôi ở Mỹ. Thật ra, không cần vào đại học, không cần những bài giảng cao siêu và khó hiểu, người ta vẫn có thể học được những điều tốt đẹp trong cuộc sống này. Về sau, khi nằm trong tù, đôi lần tôi tự hỏi phải chăng mình đã không thuộc bài học ấy, đến nỗi đã vi phạm luật pháp để vào tù (?!). Song ngay lập tức, không xấu hổ, tôi nhận ra rằng vì lý tưởng xây dựng một xã hội trọng pháp thực sự, người ta cần dũng cảm vi phạm những đạo luật bất công tồn tại lâu trong một xã hội vô pháp. Nguyên tắc nào cũng có những ngoại lệ cao cả là vậy, như lời dạy của thầy tôi ngày xưa, tiến sĩ luật Đào Quang Huy, cựu giáo sư Học viện Quốc gia Hành chánh thời Việt Nam Cộng Hòa. Theo FB LSLeCongDinh
......

Pages