Đức giữ điều cấm kỵ với Đài Loan và quỳ gối trước Tập Cận Bình

 
Ngày càng có nhiều quốc gia ở châu Âu xem xét lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước này và thiên về Đài Loan. Tuy nhiên, chính phủ Đức vẫn gắn bó với Bắc Kinh. Mới đây không có chính trị gia hàng đầu nào trong chính phủ Đức xuất hiện trong buổi tiệc chiêu đãi của Đại sứ quán Đài Loan ở Berlin, điều này rõ ràng là có tính toán.
 
Đại sứ quán Đài Loan tại Đức mời quan khách dự tiệc chiêu đãi nhân dịp lễ quốc khánh, khoảng 200 khách, đại diện cho xã hội dân sự, giới kinh doanh, truyền thông và chính trị đã được mời. Bất chấp lời mời, không có đại diện nào của Chính phủ Đức xuất hiện. Khó có thể coi đây là một sự ngẫu nhiên.
 
Trong khi ngày càng nhiều quốc gia châu Âu suy nghĩ lại về chính sách Trung Quốc của họ sau khi Nga xâm lược Ukraine. Litva là nước đầu tiên thiết lập quan hệ với Đài Loan, Cộng hòa Séc và các quốc gia khác cũng đang cân nhắc, riêng chính phủ Đức cho đến nay vẫn kiên trì chính sách thân thiện với Trung Quốc thậm chí còn tăng cường sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.
 
Về mặt chính thức, Đức không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, để không làm mất lòng Trung Quốc. Do đó chính phủ Đức gián tiếp thừa nhận học thuyết nhà nước của Tập Cận Bình, kiên định với chính sách một Trung Quốc. Bắc Kinh không công nhận quốc đảo dân chủ là một quốc gia độc lập và coi Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Tuy nhiên, " trên trang web của Bộ Ngoại giao Đức thì Berlin coi Đài Loan là "đối tác giá trị" khi cả hai nước đều chia sẻ hình thức chính phủ dân chủ.
 
Sau khi nhận ra rằng chính sách đối với Nga đã phạm sai lầm quá lâu, có nhiều hy vọng về một bước ngoặt trong chính sách đối với Trung Quốc của Đức. Ban đầu chính phủ liên minh mới của Đức quả có làm sáng lên một tia hy vọng.
 
Hồi tháng 8 Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock (Greens) đã công khai lên án các hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với Đài Loan. Bà nói bên lề Đại hội đồng LHQ ở New York: “Chúng tôi không chấp nhận khi luật pháp quốc tế bị phá vỡ và một nước láng giềng lớn hơn tấn công nước láng giềng nhỏ hơn là vi phạm luật pháp quốc tế - và tất nhiên điều đó cũng áp dụng cho Trung Quốc.
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Liên bang Bettina Stark-Watzinger (FDP) cũng có cùng một giọng điệu khi bà kêu gọi cần đặt câu hỏi nghiêm túc đối với các mối quan hệ với Trung Quốc . Đài Bắc cảm ơn Bộ trưởng Y tế Liên bang Karl Lauterbach (SPD) vì cam kết của ông đối với nước này. Hồi tháng 5, ông đã làm việc để đảm bảo rằng Đài Loan được cấp tư cách quan sát viên trong cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới.
 
Theo nguồn tin của báo WELT, cả ba vị bộ trưởng này đều nhận được lời mời của đại sứ quán Đài Loan, đại diện chính thức của Đài Bắc. Các nhà ngoại giao thậm chí còn tạo một cây cầu cho họ và mời họ không phải với tư cách là bộ trưởng mà là đại biểu Quốc hội.
 
Ngoài một số thành viên ít tên tuổi hơn của Bundestag (Quốc Hội), chỉ có bà Quốc vụ khanh Bộ Giao thông Vận tải, Daniela Kluckert (FDP), chấp nhận lời mời của Đài Bắc, nhưng khẳng định bà chỉ tham gia với tư cách là thành viên của Hội Đức - Đài Loan.
 
EU muốn có một chính sách Trung Quốc thống nhất
 
Bắc Kinh ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga trong khi đó lại thiếu những lời chỉ trích từ các chính trị gia hàng đầu của Đức, điều này làm dấy lên sự băn khoăn, nghi ngại. Trong khi đó các nước láng giềng châu Âu bắt đầu suy nghĩ lại. Rõ ràng họ cảm thấy bị đe dọa không chỉ bởi Nga, mà cả đối tác của Nga, Trung Quốc. Năm 2021 Lithuania tuyên bố rút khỏi Hội nghị thượng đỉnh 17 + 1 giữa Trung Quốc-Trung-Đông Âu. Năm nay Latvia và Estonia cũng làm theo.
 
Lithuania thậm chí còn đi xa hơn và khiến Bắc Kinh khó chịu, đã mở rộng quan hệ với Đài Loan. Đài Loan đã mở văn phòng đại diện tại Vilnius và có ý định đầu tư vào quốc gia ở vùng Baltic này. Từ lâu Cộng hòa Séc cũng thể hiện tình đoàn kết với Đài Loan hơn các nước EU khác. Bất chấp những chỉ trích của Trung Quốc, các phái đoàn cấp cao của Đài Loan, bao gồm cả ngoại trưởng, vẫn thường xuyên viếng thăm Séc từ năm 2016.
Liên minh châu Âu muốn có một cách tiếp cận thống nhất đối với Trung Quốc. “Các nước EU mong đợi sự lãnh đạo của Đức hoặc chí ít là có những tín hiệu mạnh mẽ thể hiện chính sách lâu dài, nhất quán của châu Âu đối với Trung Quốc. Tiếc rằng cho đến nay Đức vẫn chưa đáp ứng được mong muốn này.
 
Trong thỏa thuận liên minh của mình, chính phủ Đức đã có kế hoạch rõ ràng về việc tăng cường châu âu hóa trong chính sách đối với Trung Quốc. Nếu Đức không thực hiện điều này, sẽ gây thiệt hại cho châu Âu và củng cố Trung Quốc, bởi vì Bắc Kinh rất giỏi trong việc kích động các nước châu Âu đối chọi với nhau.
 
Thay vào đó, thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đến Bắc Kinh vào đầu tháng 11 và gặp gỡ nhà độc tài họ Tập, người vừa được bầu lại để trở thành người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông. Qua đó, Scholz đã bắn tín hiệu “tiến hành quan hệ làm ăn buôn bán kinh doanh như bình thường” vì nền kinh tế Đức phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh. Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi bất cứ điều gì.
 
Điều này cũng được chứng minh bởi sự kiên quyết của Scholz đồng ý để Cosco, một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, tham gia liên doanh cảng container ở Cảng Hamburg. Bất chấp cảnh báo của các bộ, ban ngành chuyên môn và của cơ quan mật vụ Đức, Scholz kiên quyết giữ quyết định này và cuối cùng đã được nội các thông qua hôm thứ tư.
 
Người ta buộc phải nêu câu hỏi, với Trung Quốc, cũng giống như trước đây với Nga, liệu thủ tướng Đức Scholz có thực sự vì quyền con người hay chủ yếu là vì quyền lực chính trị của chính phủ của ông. Vì lập trường này của Scholz, Đức không còn được coi là người ủng hộ nền dân chủ tự do ở Trung Quốc và các nơi khác, mặc dù nhân quyền và dân chủ là một bộ phận không thể thiếu của nhà nước Đức.

Nguyễn Xuân Hoài  (Lược dịch)