Bầu cử Mỹ: Bài học từ những đám đông im lặng

Mình biết mình đã (và đang) nói khá nhiều về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi. Nhưng mình luôn có sự hứng khởi với nó vì tính dân chủ, minh bạch (và kịch tính?) nó đem lại. Sau mỗi cuộc bầu cử, mình luôn có một bài học quý giá.

Đây đã là lần thứ 3 mình theo dõi trực tiếp cuộc bầu cử với những người Mỹ. Và đây là lần đầu tiên mình thấy nhiều nước mắt như thế. Nhiều người bạn Mỹ của mình nức nở nói rằng bạn cảm thấy những tiến bộ mà đất nước họ đã đạt được đang bị đám đông thất học, bài ngoại, chậm tiến, bài đồng tính... phá hoại tất cả. Tất cả mọi người, kể cả các hãng thông tấn, đều đang khát khao đi tìm câu hỏi: Tại sao người ta có thể bầu cho Trump? Chẳng lẽ những giá trị tự do - bình đẳng không có ý nghĩa gì?

Mình nghĩ mãi về những điều này. Và mình chợt nghĩ, phải chăng Clinton thua vì tuy rằng bà đại diện cho nhiều giá trị tốt đẹp, nhưng bà lại thiếu đi sự khoan dung và trở nên giáo điều với chính những gì bà đại diện? Một bài báo của Fox (hãng thông tấn mình rất ghét) có nói rằng "đám đông im lặng" (silent majority) xuất hiện chính từ những người bị cho ra rìa khỏi các cuộc thảo luận xã hội bởi lẽ họ bị coi là ít học, nhà quê, và các giá trị họ đại diện bị cười là lỗi thời. Họ là những người sống ở vùng quê, tồn tại qua từng "mùa trả hoá đơn", có nền tảng tôn giáo mạnh và đạo đức từ kinh nghiệm giúp họ tồn tại.

Nhưng họ cũng là những người bị kì thị nhiều nhất, vì sự "ít học" của mình. Ngay cả tổng thống Obama cũng từng mô tả nhóm người này là "những người chỉ biết đến tôn giáo và súng đạn." Họ trở thành "một cái rổ những kẻ đáng thương hại, kì thị giới tính, phân biệt chủng tộc, bài ngoại, bài Hồi Giáo" trong mắt Hillary Clinton đơn giản vì họ lỡ ủng hộ Donald Trump. Họ là cái đám đông bị những kẻ đọc Le Bon xem thường và dắt mũi. Các phong trào lớn gần đây, chẳng hạn như Bình đẳng Hôn nhân ở Mỹ lại được chiến thắng ở toà án thay vì là một cuộc trưng cầu ý dân như ở Ireland. Họ thấy bản thân trơ trọi khỏi những tiến bộ xã hội. Và khi những người trong số họ, như Kim Davis, đứng lên phản đối viện dẫn lương tri của mình, thì họ lại bị tấn công không chỉ bằng pháp luật (lẽ ra như vậy đã đủ) mà còn bằng sự châm biếm, dè bỉu. "Nền chuyên chế tri thức" xuất hiện khi chúng ta tin rằng "chó cứ sủa và đoàn người cứ đi."

Có thể tốt hơn chăng nếu các giá trị của họ, cho dù lỗi thời với một ai đó, được bảo vệ và trân trọng? Những giá trị tốt đẹp thiết nghĩ luôn cần phải được đối thoại, trao đổi, tôn trọng lẫn nhau để nó thấm vào bản thân từng người thay vì áp đặt như một thứ chuẩn văn hoá. Silent majority nếu có có lẽ đã được hình thành chính từ "sự chuyên chế của tri thức" và "những cuộc đầu tố dè bỉu" đó. Và khi họ giúp Trump chiến thắng, "số ít có học" lại tin rằng nó xuất phát từ sự ngu xuẩn, không hiểu được tiến bộ xã hội mà ta đang bảo vệ.

Sau mỗi kì bầu cử tổng thống Mỹ, thật ngạc nhiên là nó lại mang đến nhiều điều khiến mình suy nghĩ. Một giá trị cho dù tốt đẹp bao nhiêu thì cũng không thể tồn tại nếu nó thiếu sự đồng thuận của mọi người, kể cả những người ta tin rằng "ngu dốt, khó đào tạo". Ngày hôm nay Trump chiến thăng có khi đơn giản bởi vì ông không coi những giá trị của đám đông im lặng là lỗi thời, lạc hậu (cho dù hành động của ông có thể không đúng mực) và tạo ra một mô thức đủ dễ để tất cả mọi người làm theo. Đối với một người luôn muốn đóng góp cho xã hội, mình tin rằng đây là một bài học không chỉ dành riêng cho nước Mỹ. Những giá trị chúng ta bảo vệ chỉ có thể được tiếp nhận bằng chính sự đồng cảm, chia sẻ của tất cả mọi người dựa trên lòng chân thành và khoan dung của chính chúng ta. Chúng ta đọc Le Bon là để hiểu về đám đông và tránh để nó bị thao túng chứ không phải để coi thường những người đứng trong đám đông đó.

Lê Nguyễn Duy Hậu