Cán bộ tiếp khách, nhà nước trả nợ

Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, không mấy ai không phải nhiều lần tiếp khách trong giao tiếp hàng ngày. Mục đích của việc tiếp đãi ấy chỉ nhằm làm cho mối liên hệ đôi bên trở nên khắng khít tốt đẹp hơn.

Nhưng ngày nay trong quan hệ mang màu sắc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tiếp khách đối với cán bộ hay cơ quan không thể coi như một thủ tục tiếp đón bình thường. Trong mọi cơ quan đảng cũng như tổ chức chính quyền từ trên xuống, việc tiếp khách được coi là quy luật bắt buộc không thể không có nếu muốn tiến thân. Đây có thể coi như một thứ nghệ thuật bôi trơn mà mọi cơ quan, mọi lãnh đạo đều phải đưa lên hàng đầu nếu muốn mọi sự trở nên dễ dàng đối với mình.

Vì thế trong một thời gian dài vừa qua, ở một số địa phương đã xảy ra lắm chuyện bi hài chung quanh chuyện tiếp khách dẫn đến vỡ nợ của nhiều cơ quan nhà nước.

Điển hình như ở tỉnh Hải Dương, qua nhiều nguồn tin cho biết Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy đã lâm vào cảnh nợ nần sau nhiều lần tiếp khách mà số tiền nợ hiện nay đã lên tới trên 300 triệu đồng. Lý do là Ủy ban phải tiếp quá nhiều đoàn khách đến viếng thăm, “trao đổi kinh nghiệm” khiến Ủy ban Kiểm tra tỉnh hết cả tiền chi trả, phải ghi nợ ở các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh. Rốt cuộc Ủy ban này phải làm tờ trình xin cấp trên hỗ trợ kinh phí để trả các khoản nợ do tiếp khách.

Chuyện nợ nần tiền tiếp khách không chỉ xảy ra ở Hải Dương mà ngày nay không còn là chuyện hiếm thấy ở nhiều địa phương. Người ta còn nhớ năm ngoái, báo chí trong nước rầm rộ đăng tin ở Cà Mau, một chủ quán nhậu đã đòi đốt trụ sở UBND xã, vì cán bộ xã còn nợ tiền tiếp khách đến gần 50 triệu đồng mà không biết đến khi nào mới trả nổi.

Trong điều kiện ngày càng eo hẹp, nhưng năm nào ngân sách nhà nước cũng phải để ra một khoản chi không nhỏ cho các cơ quan trung ương và địa phương gọi là chi tiếp khách. Nhưng với lối tiêu xài của cán bộ các cấp dựa vào tâm lý tiền chùa, ăn nhậu xả láng trong các đợt hội họp đưa đến nợ nần là chuyện không đáng quan tâm đối với họ.

Ngay như Trịnh Xuân Thanh khi còn là chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, ngoài số tiền được cấp chính thức cho cơ quan còn lập ra một quỹ đen lên tới 80 tỷ đồng để tiếp đón, ăn nhậu, quà cáp cho các phái đoàn thanh tra từ trung ương.

Xem như thế, vấn đề tiếp khách của các đơn vị kinh doanh nhà nước hệ trọng cỡ nào. Cũng chính nhờ nghệ thuật tiếp khách bằng tiền chùa như vậy nên ông Thanh mới có thể vung tay chi tiêu để thoát khỏi vụ kiểm tra làm ăn thất thoát 3.200 tỷ đồng vào năm 2009. Không những thế, ông Thanh còn được luân chuyển về làm phó bí thư tỉnh Hậu Giang để chuẩn bị con đường tiến thân, dự kiến sẽ bước vào Trung ương đảng trong Đại hội XIII vào năm 2022.

Do đó không thể nói gì khác hơn, tiếp khách trong chế độ CSVN là nhu cầu không thể thiếu nhằm xu nịnh cấp trên, mua chuộc cấp dưới trong mục đích mua quan bán tước thủ lợi cá nhân. Nhờ vậy không chỉ riêng một Trịnh Xuân Thanh mà biết bao cán bộ lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty luôn luôn trở thành những cán bộ xuất sắc, anh hùng lao động, huân chương đầy ngực áo, thăng quan tiến chức ào ào. Và nhất là qua đó che giấu được tội kinh doanh lời giả lỗ thật, làm hao mòn tiềm lực kinh tế đất nước.

Muốn tiếp khách được kết quả tốt đẹp như vậy thì phải có tiền và tiền đó chỉ có thể lấy từ ngân sách nhà nước. Đây cũng là quy luật bất thành văn mà lãnh đạo CSVN nào cũng biết rõ, vì ai muốn tiến thân trong chế độ đều phải đi qua con đường này.

Trong bối cảnh của một nền kinh tế đang tuột dốc trầm trọng, CSVN đã phải vay mượn khắp nơi để bù vào những khoản chi càng ngày càng phình ra khiến Quốc Hội khóa XIV phải bàn đến việc cắt ngân sách. Cụ thể như đại biểu Trần Du Lịch lên tiếng cần cắt hết những mục như tiếp khách, học hỏi kinh nghiệm, sơ kết, kỷ niệm ngành, đi nước ngoài…

Xem ra cắt ngân sách là một câu chuyện dài bàn luận cho vui vì ai cũng biết là rất khó vì trong thực tế, khi cắt khoản chi tiếp khách không có nghĩa là tiết kiệm tiền cho ngân sách mà là cắt đi con đường tiến thân của cán bộ. Không những thế, nó còn phá đổ mối dây liên hệ chằng chịt giữa các phe nhóm cùng quyền lợi từ đảng và chính phủ ra tới bên ngoài.

Nói khác đi là phá đổ quy ước Cộng Sinh giữa các phe nhóm, băng đảng trong nội bộ đảng. Khi không còn có thể cộng sinh, đảng tự động tan rã. Đó là mối nguy của chế độ độc tài mà giờ đây chỉ còn nối kết với nhau bằng quyền lợi thay vì những lý tưởng cao xa. Sự toan tính hay kêu gào trên diễn đàn quốc hội cho thấy rõ ràng là nền kinh tế suy thoái của Việt Nam hiện nay đang đe dọa không chỉ tiềm lực phát triển của đất nước mà còn trực tiếp đe dọa cả sự tồn vong của đảng. Nguy cơ ấy hiện rõ hơn bao giờ hết khi cái phao cứu sinh của đảng bị xẹp đi do Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP.

Nhìn ở mặt khác, tiếp khách cũng giống như tệ nạn tham nhũng bất trị, vì đó là THỦ TỤC mà mọi cán bộ phải dính tới nếu không thì bị loại khỏi hệ thống quyền lực. Nó cho phép cán bộ dùng tiền ngân sách ăn tiêu hoang phí để móc ngoặc, che chắn và đồng lõa nhau trong những phi vụ làm ăn bất chính, vun bồi cho núi tài sản cá nhân ngày càng cao.

Cuối cùng trung ương cũng không thể cắt tiền tiếp khách từ ngân sách hàng năm như mong muốn. Cho dù có cắt thì cũng chỉ là hình thức bên ngoài, cắt tượng trưng để đánh lừa dư luận. Lý do dễ hiểu là cán bộ có đủ tài nghệ đục khoét ở chỗ khác để có tiền đãi bia, đãi gái, quà cáp cho cán bộ cấp trên và mua chuộc cấp dưới.

Tóm lại, tiếp khách trong khuôn khổ của chế độc độc tài không đơn thuần là giao tế mà là thủ thuật mua chuộc nhau giữa các cấp cán bộ bằng tiền nhà nước để tìm cách thăng quan tiến chức trong bộ máy đảng hay nhà nước. Tiếp khách còn nhằm củng cố tính Cộng Sinh giữa các phe nhóm để thao túng quyền lực nên nó đã trở thành một quy luật bất thành văn ở mọi cơ chế mà CSVN không thể nào triệt tiêu. Tệ nạn này chỉ chấm dứt cùng lúc đảng CSVN tan rã bởi sự vùng dậy của người dân mà thôi.

www.viettan.org