Cúm Tàu, đại hội đảng CSVN lần thứ 13, bãi Tư Chính và “thuyết âm mưu”

Tân Phong - Web Việt Tân|

Bài viết này đặt ra nhiều câu hỏi và những điều khác thường về diễn biến cúm Tàu, đại hội đảng CSVN các cấp lần thứ 13 sắp tới và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở bãi Tư Chính, Biển Đông. Nếu như đánh giá các dữ kiện và sự việc theo một cách riêng rẽ cũng đã có nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Trong khi đó, sự trùng hợp các sự kiện hiếm hoi trong cùng một thời gian, không gian địa lý, trong bối cảnh chính trị, quân sự chung của khu vực và thế giới diễn biến cực kỳ phức tạp… khiến cho người ta cần phải nhìn nhận một bức tranh toàn cảnh theo chiều kích rộng lớn hơn chứ không thể qui chụp những suy đoán đó là “thuyết âm mưu” như từ trước tới nay.

Sự trở lại bí ẩn của cúm Tàu ở Đà Nẵng

Cơn ác mộng mang tên cúm Tàu vẫn chưa có hồi kết. Số nạn nhân của cơn dịch bệnh khởi nguồn từ Trung Quốc này lớn đến nỗi mọi con số thống kê giờ đây dường như không còn nhiều ý nghĩa. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn người trên thế giới nhiễm loại virus này và con số tử vong đang tiến gần tới mốc dấu 1 triệu.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, con virus bé nhỏ khởi nguồn từ “quốc gia trung tâm” đã xây dựng một “đế chế” trải khắp toàn cầu. Có lẽ Tần Thủy Hoàng hay Mao Trạch Đông sống lại, hẳn phải rất ghen tị với nó.

Người viết không có ý nói rằng con quái vật COVID-19 hay SARS-CoV-2 (cũng đều là tên gọi khác của 2019-nCoV mà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli, một chuyên gia về virus corona của Viện Vi Trùng Học Vũ Hán) đã đặt tên cho nó trước khi đại dịch bùng phát) là một sản phẩm “made in China” mà chỉ so sánh khả năng bành trướng và reo rắc sự chết chóc của nó với các bạo chúa Trung Hoa mà thôi.

Tuy vậy, có vẻ “cuộc xâm lược lần thứ nhất” của virus Tàu vào Việt Nam đã bị đánh bại ngay ở “vòng gửi xe” trong giai đoạn đầu. Thực sự cho đến nay không thể hiểu lý do gì khiến nó (virus 2019-nCoV) trở nên “hiền lành” đến như thế sau khi tàn sát hàng vạn người trước đó. Điều kỳ lạ nữa là gần 1 triệu người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2020 mà không có một kiểm soát y tế nào. Tuy vậy, chỉ có 3 trường hợp bị ghi nhận dương tính là có “yếu tố Tàu” theo như truyền thông “lề đảng” cho biết. Tới ngày 23 tháng Bảy, 2020 gần như tất cả các trường hợp phát hiện nhiễm bệnh đều được chữa khỏi khá ngon lành. Thành tích này biến thành cuộc biểu trưng “lòng tự hào dân tộc” và thắng lợi chính trị to lớn để giới chức tha hồ…“ngạo nghễ Việt Nam.”

Tuy vậy, sau 99 ngày được cho không có ca nhiễm mới, ngày 24 tháng Bảy ca nhiễm COVID19 được ghi nhận tại Đà Nẵng đánh dấu sự trở lại của làn sóng thứ 2. Chỉ nửa tháng sau, Việt Nam đã có thêm hàng trăm ca dương tính và 13 ca tử vong. Nguồn lây nhiễm của đợt dịch thứ 2 không được xác định và diễn biến dịch bệnh rất giống với những gì đã xảy ra ở Vũ Hán giai đoạn đầu. Giới chức y tế Việt Nam cho biết chủng COVID-19 ở Đà Nẵng là một biến dị hoàn toàn mới, có khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Tuy vậy, thông tin này cần thêm bằng chứng khoa học hay sự xác nhận bởi giới khoa học quốc tế.

Nếu như mức độ lây nhiễm và phát triển của virus theo một hàm logarit như đã biết, thì nó sẽ đạt đỉnh ở thời điểm cùng lúc với các cuộc bầu bán của đại hội đảng các cấp lần thứ 13 của CSVN tiến hành và cũng là thời gian mà các cuộc tập trận hải không quân có qui mô chưa từng có của quân đội Trung Quốc PLA sẽ triển khai ở biển Đông. Đó quả là một sự trùng hợp “thú vị”?

Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 của CSVN

Là quốc gia cộng sản duy nhất ở vùng Đông Nam Á, chính sách phụ thuộc và thái độ qui phục của Hà Nội trong nhiều thập kỷ khiến cho thế giới nhìn nhận Việt Nam như một chư hầu hoặc một tỉnh lỵ của Trung Quốc. Các quan chức từ cấp bộ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh thành quan trọng được bầu lên đều có bóng dáng sắp đặt của Trung Cộng. Những lãnh đạo đảng qua các thời kỳ như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương… và bây giờ là Nguyễn Phú Trọng đều phải được sự chuẩn y của Bắc Kinh. Ông Trọng là một người bảo thủ, một tín đồ của chủ nghĩa Mác-Lê-Mao, được đào tạo ở Trung Quốc nhiều năm trước khi được đưa về Việt Nam và đặt vào bệ phóng. Trên cương vị tổng bí thư và chủ tịch nước, ông ta đã ủng hộ và trực tiếp ký kết những hiệp định hợp tác với Trung Cộng gây tổn hại nghiêm trọng tới kinh tế, an ninh quốc phòng Việt Nam.

Điều đáng chú ý, người “đốt lò vĩ đại” đang tổ chức những vở tuồng chống tham nhũng “hoành tráng” ngay trước thềm đại hội nhằm “nhắc nhở” tất cả các “đồng chí” quyền lực cũng như uy tín của ông ta. Đồng thời, “ông bí thư đảng ủy Bộ Công An” cho tiến hành một đợt tái cơ cấu hầu như toàn bộ vị trí giám đốc, phó giám đốc công an các tỉnh thành trọng yếu. Lực lượng này có vai trò “cầm chịch” các phe cánh địa phương trước khi tiến hành đại hội. Qui mô của động thái luân chuyển, bổ nhiệm mới này là chưa từng có. Có thể nhận thấy những gương mặt mới phần lớn được tuyển chọn từ đội ngũ sỹ quan trung và cao cấp đã được đào tạo và bồi dưỡng ở Trung Quốc nhiều năm trước, theo các hiệp định đào tạo cán bộ nguồn giữa hai đảng cộng sản. Điều này nói nên điều gì?

Mặc dù sức khỏe không cho phép và ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ không tiếp tục ứng cử. Nhưng những động thái trong trò chơi sắp xếp nhân sự và truyền thông lại cho thấy chiều hướng ngược lại. Tới tận phút 89, người ta không thể rõ ý định thực sự của ông Trọng trong việc tiến cử ai sẽ là người kế tiếp ngồi vào ghế tổng bí thư lần tới. Mặc dù trước đó, đã có những động tác thể hiện sự tín nhiệm đối với Thường Trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng. Nhưng gần đây, người ta nhận thấy sự lu mờ của nhân vật này trên các diễn đàn. Thay vào đó, một nhân vật đầy tai tiếng và đặc biệt thân Trung Cộng đang nổi lên. Đó là Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Trung Ương Đảng Phạm Minh Chính.

Đồng thời, có một sự ỡm ờ “muốn ăn gắp bỏ cho người” và những kịch bản khá lộ liễu từ phía Ban Tuyên Giáo TW cho thấy khả năng ông Trọng sẽ có thể tiếp tục “một đít hai ghế” trong nhiệm kỳ tới đây. “Ba mươi chưa phải là Tết” và việc ông Trọng ở lại sau đại hội 13 hay một nhân vật thân tín của Bắc Kinh sẽ trở thành ‘thái thú đất Giao Chỉ” nhiều khả năng diễn ra theo đúng ý đồ của Trung Nam Hải.

Diễn biến ở Tư Chính và biển Đông

Sau khi phải hủy bỏ dự án khai thác chung với liên doanh Repsol tại hai lô dầu khí là lô 135-136/3 vào tháng Bảy, 2017 và mỏ Cá Rồng Đỏ trong lô 07.3 vào tháng Ba, 2018, Hà Nội đã phải chấp nhận trả 1 tỷ USD cho tập đoàn Tây Ban Nha và Mubadala của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (The United Arab Emirates), theo các thoả thuận “chấm dứt” và “bồi thường” hợp đồng.

Đây có thể nói là hai nhượng bộ và thất bại thảm hại liên tiếp của Hà Nội trước Bắc Kinh. Không chỉ đơn giản là mất 1 tỷ Mỹ Kim tiền phạt mà việc rút lui khỏi hai lô khai thác dầu khí ở bãi Tư Chính, Hà Nội đã ngầm định chối bỏ chủ quyền quốc gia tại khu vực này và tạo ra một tiền đề cực kỳ nguy hại cho các dự án liên doanh khai thác dầu khí tiếp theo ở biển Đông.

Không chỉ dừng lại có vậy, sau rất nhiều nỗ lực “đàm phán” với Bắc Kinh, Hà Nội tiếp tục phải nhượng bộ lần thứ 3 với việc hủy bỏ dự án liên doanh với tập đoàn dầu khí Rosneft của Liên Bang Nga. Mức bồi thường dự đoán sẽ là “vài triệu Mỹ Kim” – như theo lời một viên chức chính phủ Việt Nam cho biết.

Đây là một điều khá bất ngờ. Vì nếu Hà Nội đề nghị chính quyền Putin can thiệp để bảo vệ lợi ích của Rosneft (tập đoàn có 50% cổ phần của gấu Nga), thì nhiều khả năng sẽ cứu vãn được tình thế. Tuy vậy, Hà Nội đã nhanh chóng qui hàng đầy nhục nhã trước Bắc Kinh. Theo như nhà nghiên cứu Hayton thì nếu như không có một sự quyết đoán thực sự của Mỹ tại Biển Đông thời gian tới (không loại trừ khả năng quân sự), thì sau 3 lần nhượng bộ của Hà Nội vừa qua, bàn cờ ở đây đã “game over” với chiến thắng thuộc về Trung Quốc.

Gần đây, CSVN dường như “lớn giọng” hơn với Trung Quốc và liên tiếp đưa công hàm phản đối. Ông Tổng Tịch sau hồi im hơi lặng tiếng suốt thời gian dài, đột nhiên tươi tỉnh và năng nổ gửi thư chúc mừng Tổng Thống Donald Trump. Trong những văn bản của đảng CSVN gần đây, vấn đề Biển Đông và Trung Quốc sau nhiều thập kỷ bị coi là “húy kỵ,” đã được nhắc tới. Nhìn thì có vẻ như ông Tổng Tịch đang đổi đồ uống từ trà Bắc Kinh sang café latte của Starbucks. Nhưng thực đơn chính của ông ta (cũng giống như ông Hồ) vẫn luôn là các món Tàu ưa thích từ khi ông ta học tập chính trị ở “Trung Hoa vĩ đại.”

Thay đổi “khẩu vị” của người già là điều rất khó khăn! Và nếu Dương Khiết Trì sang thăm Hà Nội với một bức tượng Mao chủ tịch bằng vàng ròng (phải to hơn bức tượng ông Hồ mà Formosa đã tặng cho ông Trọng) thì ông Tổng Tịch sẽ cảm kích nhắc lại câu “Trung Quốc người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu.” Ông Trọng không thích gái Tàu như ông Phiêu và vì lý do sức khỏe, nên chắc ông ta sẽ thích ngắm tượng vàng của cả hai lãnh tụ Mao, Hồ trong lúc thưởng trà ở tư gia.

Lúc đó, trà Bắc Kinh chắc chắn vẫn ngon hơn …café Starbucks, còn câu chuyện Tư Chính sẽ khép lại để bảo vệ tình hữu nghị Việt-Trung và cái “đại cục” của đảng.

Và “thuyết âm mưu”?

Giới chính khách và học giả thế giới nói nhiều hơn về một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai đã thực sự bắt đầu. Điều đó đã rõ ràng. Cuộc đối đầu, cạnh tranh khốc liệt trên tất cả các mặt trận giữa hai cường quốc Mỹ, Trung sẽ là một tiến trình dài hạn qua nhiều đời tổng thống Mỹ tiếp theo bất kể ai là chủ Nhà Trắng. Song cục diện Châu Á thì cần phải sớm định đoạt, vì người Mỹ vốn không có sở trường trong các xung đột kéo dài. Nền chính trị của họ không cho phép điều đó.

Nếu xảy ra xung đột quân sự, Trung Quốc thực sự không có cơ hội chiến thắng ở Biển Đông nơi mà Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác đều có lợi ích chung to lớn. Song điều đó có thể khác ở Việt Nam, nơi Bắc Kinh có thể thao túng nhân sự chóp bu đảng cầm quyền và điều hành tướng lĩnh quân đội, công an Việt Nam bằng những vali đầy ắp dollar và những lời phủ dụ ngọt ngào “16 chữ vàng, 4 tốt.” Và trong một cuộc chiến tranh phi truyền thống bẩn thỉu thì người Trung Quốc rất giỏi.

Không xét đến việc con virus 2019-nCoV là nhân tạo hay có nguồn gốc tự nhiên, nhƯng chắc chắn nó có “quốc tịch” Trung Quốc. Hãy nhìn tổn thất khủng khiếp mà phương Tây đang phải gánh chịu từ con virus nhỏ bé được Thạch Chính Lệ công bố phát hiện và đặt tên trên tạp chí Nature vào tháng Mười Hai, 2019.

Nếu so sánh về tổn thất kinh tế, chắc chắn Mỹ và Phương Tây chịu tổn thất lớn hơn rất nhiều lần so với tổn thất Trung Quốc phải chịu từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung do ông Donald Trump tiến hành. Những tổn thất khổng lồ không thể định lượng được này sẽ khiến nhiều nước phương Tây cần nhiều thập kỷ để phục hồi.

Còn nếu so sánh tổn thất về nhân mạng, thì con virus có “quốc tịch” Tàu này chắc chắn sẽ vượt xa con số thương vong của cả hai quả bom “fat man” và “little boy” mà người Mỹ đã ném xuống Nagasaki và Hiroshima vào tháng Tám, 1945 cộng lại. (Quả bom nguyên tử fat man ném xuống Nagasaki đã giết chết hơn 40.000 người và quả little boy ném xuống Hiroshima giết chết 140.000 người). Thật vô lý nếu không có ai đó phải chịu trách nhiệm về điều này?

Khi người Nhật tấn công bất ngờ Trân Châu Cảng, người khổng lồ đã thức giấc. Giờ đây, không phải là một cuộc tấn công quân sự vào hạm đội Hoa Kỳ, mà là một cuộc tấn công toàn diện vào những giá trị đạo đức cốt lõi của thế giới tự do, nhân phẩm của loài người. Không phải chỉ là nền kinh tế bị suy yếu, công nghệ bị đánh cắp mà những giá trị xã hội truyền thống của Thiên Chúa Giáo, Đức tin, những giá trị Tự Do hiến định ở xã hội Mỹ… chẳng phải đã bị xói mòn, chia rẽ, bị thoái hóa nhiều thập kỷ qua, bởi vì đâu?

Đây không đơn thuần là một cuộc chiến giữa hai quốc gia và nó chắc chắn không chấm dứt như một cuộc chiến truyền thống. Đây là cuộc chiến kéo dài và diễn ra khốc liệt ngay trong lòng các xã hội, các quốc gia, ở cả hai bên chiến tuyến. Không có đường biên giới nào dành cho tư tưởng con người cũng như virus cả. Nhưng cũng giống như bất cứ cuộc chiến nào khác, nó cũng cần một lý do chính đáng để bắt đầu và con virus 2019-nCoV là một lý do hoàn hảo.

Ngọn thủy triều thời đại đã đổi dòng và những người cộng sản Việt Nam đứng trước một lựa chọn khó khăn: Thay đổi để bảo vệ và phát triển quốc gia hay bảo thủ và tiếp tục qui phục Trung Cộng để bảo vệ quyền lợi của đảng phái như bấy lâu? Với một cơ thể chính trị mục ruỗng bởi tham nhũng, một lớp lãnh đạo tư duy đầy định kiến và ấu trĩ, cũng như một đội quân giỏi buôn lậu hơn chiến đấu bảo vệ tổ quốc, Việt Nam như đứa trẻ cầm trên tay cục vàng đi giữa chợ đông.

Không phải vô lý khi nhiều nhà bình luận chính trị nước ngoài cho rằng Việt Nam là mục tiêu lý tưởng cho PLA “tập dượt” năng lực tác chiến sau hơn 40 năm không có chiến tranh và không khó để hình dung kết cục của tấn thảm kịch này. Tuy vậy, Hà Nội chắc gì đã chịu nổi áp lực của cùng lúc dịch bệnh, sự sụp đổ kinh tế và đe dọa chính trị của Bắc Kinh, chưa nói đến vũ lực.

Đó cũng là thế cờ vây sở trường của Trung Quốc, dồn ép nạn nhân kiệt quệ về tinh thần và vật chất trước khi ra đòn dứt điểm. Khi “quả táo độc” được Bắc Kinh chìa ra, “nàng Bạch Tuyết” Việt Nam sẽ dễ dàng chấp thuận. Khi đó, chẳng có chàng hoàng tử Mỹ hay bảy chú lùn nào có thể cứu “nàng” được nữa. Đơn giản, đây không phải là câu chuyện cổ tích.

Tân Phong

XEM THÊM: