Chiến tranh Ukraina ảnh hưởng như thế nào đến các nước chuyên quyền

Chi Phương - RFI

Sau một năm Nga xâm lược Ukraina, tác động của cuộc chiến đối với các nước theo chế độ chuyên quyền, Trung Quốc Nga, Iran, Bắc Triều Tiên, như thế nào ?

RFI xin trích dịch, giới thiệu bài phân tích của Raymond Kuo, nhà nghiên cứu về chính trị tại viện tư vấn RAND Corporation, tác giả của cuốn “Following the Leader” (2021) and “Contests of Initiative” (2021).Bài đăng trên trang The Diplomat ngày 21/02/2023. 

Chiến tranh Ukraina có củng cố quyền lực cho các quốc gia chuyên quyền như Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên hay không ?  

Tôi không nghĩ rằng cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraina, củng cố quyền lực cho các nước chuyên quyền. Nếu có tác động nào, thì cuộc chiến này đã làm nổi bật mức độ nguy hiểm của các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại, độc tài. Các chế độ lãnh đạo bởi các cá nhân độc tài như chế độ của Putin, thường bị bao phủ bởi sự thiếu thông tin và lối tư duy tập thể (groupthink), dẫn đến việc chính sách đối ngoại dễ thay đổi và xung đột quốc tế. Hành động của Nga đã làm suy giảm sức hấp dẫn của hình thái chính phủ chuyên chế, cũng như là uy tín và vị thế toàn cầu của Matxcơva.    

Sự kháng cự của Ukraina đã đánh bại quân đội Nga, làm lộ rõ những điểm yếu nghiêm trọng về chỉ huy và tác chiến của một lực lượng quân sự, từng được coi là hàng đầu. Matxcơva là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu nhưng nay lại cần những vũ khí đó cho lực lượng của mình. Điều này đã hạn chế một trong những công cụ ngoại giao chính của Nga và hiệu quả yếu kém của các loại vũ khí đó trên chiến trường đã khiến Ấn Độ hủy bỏ việc mua máy bay trực thăng Ka-3.     

Những hành động của 4 quốc gia Trung Quốc Nga, Iran, Bắc Triều Tiên đã làm tổn hại an ninh toàn cầu như thế nào ?    

Chiến tranh đã cho thấy là trật tự an ninh toàn cầu mong manh đến mức nào, thôi thúc các nước châu Âu và châu Á tăng cường quốc phòng và siết chặt các liên minh. Đáng chú ý là những đối tác lớn của Hoa Kỳ : Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hàn Quốc, Úc, … đã gia tăng hợp tác chính sách để đối phó lại với Nga và Trung Quốc, gợi mở ra mối quan tâm lớn hơn đối với an ninh toàn cầu, bởi vì chế độ Nga và Trung Quốc - hai thách thức nổi bật nhất.  

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có một hạn chế về mức độ áp dụng và hữu íchkhi xem xét dưới góc độ chế độ dân chủ so với chế độ chuyên quyền để hiểu tác động toàn cầu của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina. Trong khi có ít nghi ngờ về cấu trúc chính trị trong chính sách của nước Nga, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các quyết định tiến hành cuộc chiến của Putin, việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ dường như đã kích động phản ứng toàn cầu, chứ không nhất thiết là phải do mô hình chế độ.   

Các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc hầu hết đều đã bỏ phiếu lên án hành động xâm lược của Nga và việc sáp nhập 4 tỉnh của Ukraina. Có thể thấy một sự đa dạng về chế độ của các nước đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết này : dân chủ, quân chủ chuyên chế, đảng cầm quyền chuyên chế,…Đúng là những nước đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu phản đối những nghị quyết đó hầu như là các nước độc tài.  

Nhưng các nước này cũng có xu hướng trở thành những nước bị tẩy chay, cô lập, do vậy chủ nghĩa xét lại, chứ không phải mô hình chế độ, là động cơ khiến họ có lập trường như vậy.  

Lãnh đạo của các nước này sử dụng chiến tranh Ukraina để thúc đẩy kế hoạch hành động của họ như thế nào ?   

Chiến tranh đã thắt chặt quan hệ giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên. Matxcơva đã mua vũ khí từ Iran và Bắc Triều Tiên và triển khai ở Ukraina. Bình Nhưỡng đã ủng hộ Nga về mặt ngoại giao, ví dụ như bỏ phiếu phản đối hai nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc như đã nêu ở trên. Bắc Kinh cũng hỗ trợ Matcơva về mặt ngoại giao và đặc biệt là đã làm suy yếu các trừng phạt Nga từ Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản.  

Hơn nữa cũng dễ hiểu là việc Washington dồn mối quan tâm vào châu Âu và Đông Á đã tạo ra một mối lo ngại ở các khu vực khác về mức độ ưu tiên của các vùng này trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Điều này đã mang lại cơ hội cho Trung Quốc, gia tăng quan hệ, ví dụ với Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GGC).  

Bốn quốc gia Iran, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đã thống nhất đổ lỗi chiến tranh xảy ra (ít nhất là một phần) là do sự bành trướng của Hoa Kỳ và NATO. Lập luận này có thể đã tạo chút tiếng vang ở châu Mỹ La Tinh và châu Phi. Tuy nhiên đại đa số các quốc gia trong số 28 nước ủng hộ Ukraina, mặc dù thậm chí có nhiều nước hơn, muốn đứng ngoài cuộc chiến.  

Điều này có thể chỉ ra một hạn chế quan trọng đối với khả năng của các nước chuyên chế. Có một mối lo ngại và chính đáng về các chiến dịch xuyên tạc thông tin của 4 nước này. Tuy nhiên lý do Nga xâm lược Ukraina thường không được chấp nhận. Các quốc gia này có thể đạt được hiệu quả, làm trầm trọng thêm các chia rẽ vốn có giữa các phe phái trong một nền dân chủ mà họ nhắm tới. Nhưng cả bốn nước này đều gặp khó khăn trong việc thúc đẩy và kiểm soát các thông tin “tích cực” của chính các nước này. Điều này phản ánh hạn chế trong quyền lực mềm của 4 nước.  

Hoạt động của các nước chuyên quyền này thách thức và ảnh hưởng ra sao đến vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ?  

Nếu như Nga giành chiến thắng quyết định và nhanh chóng tại Ukraina, thì chúng ta có thể chứng kiến một sự chuyển hướng lớn ở nhiều nước đối với Matxcơva và có thể là cả với Bắc Kinh. Chiến thắng đó có thể củng cố quyền lực của Nga ở châu Âu hoặc gần lục địa này, nâng cao uy tín của Nga và làm Hoa Kỳ bị bẽ mặt vì bất lực trong việc ngăn cản Nga xâm chiếm Ukraina. Điều này cũng có lẽ đã mở ra một cánh cửa rộng lớn đối với chủ nghĩa xét lại về lãnh thổ bởi vì các quốc gia đã nhận thấy rằng Hoa Kỳ ít có khả năng và/ hoặc ít sẵn sàng ngăn cản sự đã rồi (Nga xâm lược Ukraina). Một vài đối tác của Hoa Kỳ ở châu Âu và Đông Á có thể sẽ tăng cường các chuẩn bị về mặt an ninh, giống như những gì mà họ đang làm hiện nay. Tuy nhiên, một số khác thì sẽ cố gắng thích nghi với Matxcơva và Bắc Kinh, làm suy yếu sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.  

Dĩ nhiên là điều đó không phải là những gì đang xảy ra hiện nay. Nga, Trung Quốc, Iran, và Bắc Triều Tiên, nhìn chung, đang tuân theo chính sách đối ngoại đã có từ trước, nhưng các nước này phải đối mặt với một nhóm gồm các đối tác châu Âu và Đông Á có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Đặc biệt là Matxcơva đã phải đối mặt với mọi thứ mà nước này muốn tránh đó là : NATO hồi sinh, châu Âu giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga, kinh tế và quân sự bị tàn phá. Sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Matxcơva đã làm tổn hại đến mối quan hệ của Trung Quốc với châu Âu. Châu lục này gần đây đã bắt đầu đánh giá lại lập trường của mình đối với tình hình an ninh ở Đông Á.  

Thêm vào đó, 4 nước này đang phải đối mặt với những cơn gió thổi ngược khác. Một trong số đó là sự mất cân bằng trong nền kinh tế của Trung Quốc, đe doạ đến khả năng tiếp tục tài trợ cho các dự án hạ tầng lớn và mở rộng sức ảnh hưởng về kinh tế của nước này. Nhìn chung, chúng ta đang chứng kiến sự suy yếu trong các nỗ lực của các nước chuyên quyền để thách thức Hoa Kỳ, và sự ủng hộ mạnh mẽ ngoài mong đợi đối với các chuẩn mực làm nền tảng cho trật tự quốc tế, như là chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia.    

Làm sao có thể đánh giá tác động của các hành động chuyên quyền lôi kéo các nước Nam Bán Cầu chấp nhận giải pháp thay thế, đi theo chế độ quản trị phi tự do ?  

Tôi đã vẽ ra một bức tranh nhìn chung là tích cực về tác động toàn cầu của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina. Tuy nhiên có hai thứ có thể làm giảm các tác động tích cực đó. Đầu tiên, Ukraina vẫn chưa giành được một chiến thắng mang tính quyết định mặc dù có sự hỗ trợ không ngừng nghỉ từ bên ngoài, nhưng điều này có thể thay đổi.  

Thứ hai, chiến tranh và các xu hướng lớn hơn, như là tôi đã đề cập ở trên, đã làm giảm đi phần nào sức hấp dẫn của các mô hình chế độ độc tài. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các nước khác, không nhất thiết phải cung cấp một giải pháp thay thế tích cực. Việc người ta muốn thoát khỏi một thứ gì đó thì vẫn chưa đủ mà phải được đưa ra cái gì đó để hướng mục tiêu tới đó. Đó là lý do tại sao mà tôi thấy rằng sự thay đổi trong nước được chính quyền Biden nêu ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia là yếu tố quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất để đạt được. Nếu không có điều này, thì các quốc gia, đặc biệt là ở Nam Bán Cầu sẽ tiếp tục đứng ngoài cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lớn, vì có ít lợi ích tích cực khi chọn phe.