Dân trí nhìn từ vụ BOT Cai Lậy

Nhiều người cho rằng những gì diễn ra ở BOT Cai Lậy (trạm thu phí giao thông Cai Lậy) từ hôm mồng 1 tháng 8 cho đến nay là do mâu thuẫn “lợi ích kinh tế”. Nói cách khác, việc chủ đầu tư đặt trạm BOT trên Quốc Lộ 1A thuộc Thị Xã Cai Lậy để thu phí rất cao cho cả những xe di chuyển trên Quốc Lộ 1A lẫn đoạn đường tránh 12 cây số là quá đáng.

Đây có phải là mâu thuẫn về lợi ích kinh tế?

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ giao Thông vận tải nói rằng việc chủ đầu tư đặt trạm BOT trên Quốc Lộ 1A là đúng “quy trình”, vì chủ đầu tư đã không chỉ bỏ ra non 1,400 tỷ đồng để làm đoạn đường tránh 12 cây số mà còn chi hơn 300 tỷ đồng để tu sửa đoạn Quốc Lộ 1A dài 26 cây số. Nói cách khác, theo phía chính quyền CSVN thì việc các tài xế phải trả tiền cho chủ đầu tư tại BOT Cai Lậy khi đi trên Quốc Lộ 1A hoặc đoạn đường tránh là đúng luật.

Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế và phía các tài xế thì cho rằng “quy trình” nói trên là một sự áp đặt phi lý và sự phản đối đã bùng nổ từ hai lý do:

Thứ nhất, Quốc Lộ 1A nối liền Nam - Bắc là con đường huyết mạch, được xây dựng từ ngân sách nhà nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Không thể vì chủ đầu tư bỏ ra 300 tỷ đồng tu bổ, lại được Bộ cho phép đặt trạm thu phí với giá tương đương với những xe đi trên đoạn đường tránh. Bộ phải trả số tiền 300 tỷ đồng này bằng ngân sách nhà nước chứ không thể bắt người dân tại Cai Lậy nói riêng và Tiền Giang nói chung chi trả.

Thứ hai, sự kiện Bộ Giao thông vận tải cho phép chủ đầu tư đặt trạm thu phí ngay trên Quốc Lộ 1A để thu tiền của những người không đi đường tránh là vi phạm quyền tự do di chuyển của người dân, và trốn tránh trách nhiệm của nhà nước trong việc cung cấp và tu sửa Quốc Lộ - một việc mà nhà nước đã thu thuế của dân để thực hiện.

Qua những dữ kiện nói trên, rõ ràng đây không phải là xung đột “lợi ích kinh tế” mà chính là sự sai lầm của Bộ Giao thông vận tải và chính quyền Tỉnh Tiền Giang khi chọn phương án giải quyết vấn đề ùn tắc, tai nạn lưu thông của Quốc Lộ 1A đi qua Thị Xã Cai Lậy.

Để giải quyết tình trạng xuống cấp và tình trạng ùn tắc của Quốc Lộ 1A do sự phát triển của Thị Trấn Cai Lậy, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra hai phương án. Phương án 1 là kêu gọi thầu để xây dựng đoạn đường tránh dài 12 cây số. Phương án 2 là nâng cấp toàn bộ Quốc Lộ 1A đoạn đi qua Thị Xã Cai Lậy. Rốt cuộc, Bộ lại chọn phương án “nửa nạc nửa mỡ” bằng cách cho chủ đầu tư tu bổ Quốc Lộ 1A, xây đoạn đường tránh 12 cây số và đặt BOT ngay trên Quốc Lộ 1A thay vì trên đoạn đường tránh.

Bộ giải thích rằng nếu không cho phép chủ đầu tư đặt BOT trên Quốc Lộ 1A mà chỉ đặt trên đoạn đường tránh thì sẽ thất thu vì không có xe nào chạy qua đoạn đường tránh mà tất cả dồn về Quốc Lộ 1A, tiếp tục rơi vào tình trạng ùn tắc như quá khứ.

Trước tình hình phức tạp xảy ra ở BOT Cai Lậy, Bộ Giao thông vận tải thay vì triệt thoái trạm thu phí, lại ngụy biện cho rằng do thiếu chính sách tuyên truyền giải thích, đặc biệt là thiếu minh bạch thông tin về dự án và quá trình thực hiện đến thu phí, nên khiến cho người dân chống đối.

Lối giải thích của Bộ Giao thông vận tải nói trên cho thấy là những đối sách về các vấn đề xã hội của nhà cầm quyền Hà Nội vẫn theo lối mòn “chuyên chính”, dựa trên nhu cầu và tư duy độc đoán của chế độ hơn là quyền lợi thiết thực của người dân. Hành xử lỗi thời này của nhà nước chỉ vì đã không ý thức được một số điều:

1/ Đã hết rồi thời kỳ “đảng và nhà nước” nói sao, dân phải tin như vậy, khi mạng xã hội đã phá thủng bức màn bưng bít, giúp cho người dân thấy rõ các sai trái ở phía sau những cải cách, cải sửa. Người dân đã thấy rõ sự ngụy biện của Bộ Giao thông vận tải khi coi việc lập trạm thu phí trên Quốc Lộ 1A thay vì trên đoạn đường tránh là hợp lý, chỉ vì cho chủ đầu tư bỏ ra 300 tỷ đồng tu bổ 26 cây số của Quốc Lộ 1 A.

 

2/ Sự phản đối của các tài xế đã đẩy chủ đầu tư rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi dùng đồng bạc trị giá 100 đồng để trả tiền tại trạm thu. Đây là một sáng kiến độc đáo. Sáng kiến này đã dẫn đến một chiến thắng ngoạn mục là chủ đầu tư đã phải tự “xả trạm” nhiều lần và buộc chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc phải can thiệp bằng biện pháp ngưng thu phí trong một đến hai tháng… để tìm biện pháp khắc phục.

3/ Biện pháp của ông Phúc chỉ là câu giờ; nhưng ai cũng thấy rõ là Hà Nội rất lo sợ hiện tượng “tức nước vỡ bờ” có thể dẫn đến sự bùng phát khó lường, ở những trạm BOT khác hay những vấn đề xã hội khi mà tình hình kinh tế-xã hội đang có những biến thái khó lường. Điểm nóng BOT Cai Lậy đã làm cho Trung Ương hoảng hốt, và cho thấy tình hình không ổn định như ông Phúc đã nổ ở Hội Nghị APEC.

4/ Cách phản đối BOT Cai Lậy vừa qua, đã biểu hiện sự thăng tiến của dân trí khi người dân không còn thụ động biến thành con bò sữa trước sự toa rập giữa chính quyền với nhóm lợi ích, cũng như áp dụng nhiều chiêu “xa luân chiến” buộc chủ đầu tư phải tự xả trạm và nhất là bộ máy bạo lực không thể a tòng, can thiệp.

Tóm lại, giải pháp cho BOT Cai Lậy là mang nó về nằm trên đoạn đường tránh 12 cây số thay vì nằm trên Quốc Lộ 1A như hiện nay. Nhưng giải pháp này chẳng khác nào buộc chủ đầu tư phải “xả trạm” vĩnh viễn vì sẽ không có xe nào chịu trả tiền để lưu thông trên đoạn đường tránh.

Điều này cho thấy là đại dự án BOT của Bộ Giao thông vận tải nói chung và BOT Cai Lậy nói riêng, không những chưa phù hợp với tình hình phát triển ì ạch của xã hội đương thời, mà còn bộc lộ sự tham lam của giới lãnh đạo khi bắt người dân đóng tiền nuôi những nhóm lợi ích mà đáng lý ra đó là quyền lợi phải được thụ hưởng của mỗi người dân.

 

http://www.viettan.org/Dan-tri-nhin-tu-vu-BOT-Cai-Lay.html