EVFTA: Nghị viện EU gay go thông qua

Sau 8 năm đàm phán, hôm 12/02/2020 tại Strasbourg, các nghị sĩ Châu Âu bỏ phiếu thông qua Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư, với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng.

Phía chống đối phần lớn là đảng Xanh và đảng cánh tả cho rằng vì tình hình nhân quyền không được cải thiện và sự thiếu vắng một số tiêu chí xã hội, môi trường.

Bà Manon Aubry, thuộc nhóm Cánh tả châu Âu thống nhất (GUE) cho biết: Việt Nam chưa phê chuẩn các công ước chủ chốt của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), như công ước về lao động cưỡng bức. Nhà nước VN cũng bắt giam một số nhà đối lập chính trị, hiện nay có 128 người đang bị tù.

EVFTA gồm hai Hiệp định, một là Hiệp Định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư (EVIPA).

Đi kèm với EVFTA là Nghị quyết của Nghị viện EU cũng được thông qua với tỉ lệ 416 ủng hộ, 187 chống, 44 trắng.

Với Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư (EVIPA), Nghị viện châu Âu bỏ phiếu, 407 ủng hộ, 188 chống, 53 trắng và Nghị quyết đi kèm Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư (EVIPA) được thông qua với tỉ lệ 406 ủng hộ, 184 chống, 58 trắng.

Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư (EVIPA), bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Tuy nhiên trước khi Hiệp Định EVIPA có hiệu lực, quốc hội của từng quốc gia trong EU còn phải bỏ phiếu thông qua.

Nghị viện châu Âu tuyên bố rằng thỏa thuận thương mại với Việt Nam "có thể bị tạm ngừng nếu có vi phạm nhân quyền" trong tương lai.

Theo thông báo của phía EU, "Việt Nam cam kết sẽ phê chuẩn hai luật mà Nghị viện EU yêu cầu, một là luật xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020), và hai là về tự do lập hội (freedom of association, 2023)."

----------

Theo LS. Lê Công Định thì tin Nghị viện Âu châu phê chuẩn EVFTA và EVIPA thực sự là điểm sáng mang đến niềm hy vọng cho đất nước giữa nỗi lo lắng về nạn dịch virus Corona đang hoành hành ở Trung Quốc và trên thế giới. Hy vọng bởi những lẽ sau:

1) EVFTA buộc nhà nước Việt Nam phải thừa nhận quyền thành lập các công đoàn độc lập của người lao động, nhờ đó họ không còn là công cụ của đảng cầm quyền nhân danh "đội quân tiên phong của giai cấp vô sản". Giai cấp vô sản thực sự ở Việt Nam rồi đây sẽ có tổ chức đại diện đúng nghĩa cho quyền lợi của mình, chứ không phải là công đoàn giả hiệu của nhà nước.

2) Các cam kết quốc tế của nhà nước Việt Nam sẽ là cơ sở pháp lý để các nước Âu châu dựa vào yêu cầu Việt Nam tôn trọng quyền con người và quyền công dân nếu không muốn đánh mất các lợi ích kinh tế mà sự hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế mang lại.

3) EVIPA sẽ buộc nhà nước Việt Nam cải cách hệ thống pháp luật theo hướng hiện đại hóa và tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền quốc tế hơn, nếu không muốn bị các nhà đầu tư Âu châu khởi kiện tại các cơ quan phân xử tranh chấp đầu tư quốc tế.

4) EVFTA và EVIPA sẽ giúp Việt Nam bớt lệ thuộc vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhờ đó từng bước giải thoát vận mệnh dân tộc khỏi chiếc vòng kim cô mà Trung Cộng đang gắn trên đầu đảng cầm quyền hiện nay. Hy vọng thoát Trung vì vậy có tiền đề quan trọng để thực hiện.

5) Nhờ thương mại và đầu tư các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng cường nội lực, qua đó ngoài việc giúp gia tăng tiềm lực quốc gia trong bang giao với các lân quốc, còn tạo điều kiện để doanh nghiệp trở thành một đối trọng quyền lực đáng kể với đảng cầm quyền trong khuôn khổ thể chế toàn trị về chính trị và kinh tế hiện nay.

Năm niềm hy vọng nêu trên đủ để chúng ta dứt khoát ủng hộ việc phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Nhà nước Việt Nam hiện cũng không còn con đường nào khác ngoài việc phải nhanh chóng chuyển cho Quốc hội phê chuẩn, về thủ tục, hai bản hiệp định quan trọng này trong phiên họp gần nhất.

Cần phải thấy tương lai của quốc gia và nền dân chủ đang ở trong tay các doanh nghiệp Việt Nam. Đất nước có tiềm lực chống chọi các thách thức quốc tế trong tương lai hay không, câu trả lời sẽ thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ các bạn!