Hoan hô anh Trần Sĩ Thanh, có loa phường mới tiến nhanh thiên đường

Chu Mộng Long
 
Nghe tin anh Trần Sĩ Thanh khôi phục loa phường cho trái tim đất nước, tôi mừng vui khôn xiết. Cả tuổi thơ của tôi đã ùa về, về với thiên đường xã hội chủ nghĩa.
 
Thú thực, tôi từng nghiện loa. Ở quê tôi không phải "loa phường" mà là "loa hợp tác xã". Loa hợp tác xã phủ đến thôn đến làng.
 
Làng tôi ở thưa thớt, cho nên, việc cắm cái loa cũng phải ở vị trí ưu tiên. Thường là cắm tại nhà cán bộ lãnh đạo. Nhà tôi cách cái loa đến cả cây số, nên tôi cứ ao ước giá như mình là con lãnh đạo để được gần loa, nghe loa suốt ngày. Nghe giọng thân thương, du dương trầm bỗng của chị phát thanh: "Đây là đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Nghe giọng hát tân cổ giao duyên ngọt nào đắm thắm, Cô gái tưới đậu: "Bên đất giồng mình trồng khoai lang. Bên đất giồng mình trồng dưa gang. Hỡi cô gánh nước đồng sâu, còn bao nhiêu gánh nữa để anh qua gánh giùm..." Nghe tin bọn Mỹ điên xuồng chống phá chủ nghĩa xã hội và giãy chết. Nghe thông báo của hợp tác xã về năng suất lúa, heo, bò, về sự ấm no, hạnh phúc của toàn dân... Nghe thuộc lòng những câu khẩu hiệu: "Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ", "Ông thần ông thánh thì gạt một bên/ Để cho ông đội lên làm trời..."


 
Loa thường phát buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều. Có khi phát cả ngày đêm vào lễ tết, chủ nhật. Mỗi khi loa phát ra là tôi, dù đang ăn cơm cũng bưng chén chạy đến ngồi dưới loa để nghe cho rõ. Ba tôi chửi, ba tôi cho ăn tát, tôi vẫn bất chấp, vừa bưng chén vừa chạy đến cột loa để được nghe cho hết bài tân cổ giao duyên.
 
Loa là thiên đường của tôi và người dân quê tôi. Ngày mắc loa, bà con kéo đến xem như hội, múa hát cùng với những bài hát trên loa. Sau đó hàng ngày, tiếng nói của đảng, của đất nước, của quê hương phát qua loa trở thành máu thịt của mỗi người. Đi làm đồng vừa làm vừa nghe loa. Ăn cơm vừa ăn vừa nghe loa. Kể cả ngủ cũng vừa ngủ vừa nghe loa...
 
Đói, rách thảm thương đến mức ăn bo bo, ỉa ra bo bo, rửa lại nấu ăn tiếp, nhưng vẫn lạc quan yêu đời nhờ loa. Chỉ một ngày cái loa bị hư là cả làng tưởng như là cái bãi tha ma. Im ắng, buồn tênh.
 
Những năm bọn bành trướng Bắc Kinh và Khmer đỏ gây chiến tranh phía Bắc và Tây Nam, loa trở thành niềm cổ vũ cho lòng yêu nước và căm thù giặc. Nhà nhà đào hầm, giao thông hào chuẩn bị cho chiến tranh. Lời kêu gọi của Tổng bí thư trên loa cứ như lời non nước, thiêng liêng thấm vào hồn vào máu thịt với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tôi từng nhảy xuống giao thông hào, hô vang khẩu hiệu: "Đả đảo bọn bành trướng Bắc Kinh", tưởng tượng mình hy sinh và gọi Bác ba lần: "Hồ Chí Minh muôn năm!" Sống theo loa, chết theo loa!
 
Tôi vẫn còn nhớ như in lời chị phát thanh, cảnh báo chiến tranh mà giọng vẫn ngọt ngào, du dương trầm bỗng: "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý. Quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh đã lăm le kéo quân sang biên giới đất nước ta, bắn giết đồng bào ta, phá hoại đất nước ta..." Cả làng chạy đến cột loa lắng tai nghe, sau tiếng thở dài là niềm phấn khích, tất cả hô vang: "Đánh, quyết đánh! Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh! Còn cái lai quần cũng đánh!
 
Khi sống ở thành phố, tôi được tận hưởng loa phường cho đến những năm 2000. Ngày còn ở chung cư của trường, loa ở sân phóng thẳng vào nhà, nghe đã cái lỗ tai. Nhiều người đóng sập cửa mỗi khi loa phát, nhưng nhà tôi thì vẫn mở cửa hứng loa. Nhiều trí thức đã tự diễn biến nhưng tôi thì không. Sau này về phường, chỗ tôi ở có cái loa chĩa bốn hướng, nhưng tiếc là nhà tôi hơi xa cái loa nên không nghe rõ. Đến khi ngài đại tá quân đội mượn thang nhà tôi leo lên quay cả bốn cái loa lên trời thì ... chỉ sau một mùa mưa, loa kêu ẹc ẹc mấy lần rồi tắt hẳn. Tôi mắng ông không yêu nước, ông chửi lại tôi và đe: tao sẽ đề nghị mang đến cắm ở nhà mày cho mày biết thế nào là yêu nước!
 
Đấy, chính các đảng viên đã thoái hóa, biến chất, phá chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ phá cái loa phường! May mà ông ta không đi tù như tướng Nguyễn Đức Chung.
 
Những ngày loa phường ở tổ dân phố của tôi hư, tôi buồn như sống ở địa ngục. Khi ấy, chỉ chờ lúc đi đón con, ngồi ở cổng trường, mới được nghe loa phường. Chiếc loa đặt cạnh góc sân trường, mới bốn giờ chiều đã vang lên những bài ca cách mạng: "Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...", "Nghĩa Bình ơi, nắng mới đã về rồi, trên công trường trỗi dậy..." Vui lắm! Năm giờ, khi con ra khỏi sân trường, tôi hỏi: "Loa phát to thế, làm sao các con học?" Bé bảo: "Cả trường được nghỉ để nghe loa". Ra thế, lượm ơi... Nghe loa có ích hơn nghe cô giáo giảng bài, vì loa đã là giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu Đảng, yêu Bác. Giá như trẻ em, thay vì học cả núi sách vở, hàng ngày cho chúng nghe loa thì vui hơn.
 
Rõ là từ khi những tên phản động, tự diễn biến đã phá loa, trẻ em nhảy lầu nhiều hơn! Nhiều đảng viên bức xúc cũng nhảy lầu, vì there is no loa chia sẻ!
 
Anh Trần Sỹ Thanh quyết định khôi phục lại loa phường là chính đáng. Không thể biện luận rằng, thời đại tivi, intenet, thời đại 4.0 thì không cần loa phường. Đó là luận điệu thù địch chủ nghĩa xã hội. Không có loa, không có chủ nghĩa xã hội. Đó là chân lý không ai chối cãi được!
Biện luận đời sống hiện đại không cần loa thực chất là để che giấu âm mưu diễn biến hòa bình. Bọn thù địch, phản động đã lợi dụng thông tin đa chiều để tuyên truyền những tư tưởng độc hại, chống phá cách mạng.
 
Nhớ ngày ở quân ngũ, có đêm khó ngủ, tôi mở radio, nhỏ đủ nghe, Thủ trưởng phê bình rát da. Không phải vì tôi nghe đài địch mà vì nghe cá nhân. Cái radio là để nghe chung, cả phòng cùng nghe. Thế mới biết sau 1975, quê tôi có mấy ông lính ngụy có radio bị thu hết. Tiếng loa cùng tiếng kẻng là biểu tượng của chủ nghĩa xã hội. Tất cả học tập đạo đức, tư tưởng theo loa, làm, ăn và ngủ theo kẻng. Tất cả đều là chung, tất cả đều là vui và ánh sáng.
 
Loa cùng với kẻng đã nối kết vòng tay lớn, thắt chặt tình đoàn kết toàn dân. Ai ăn cơm trước kẻng là tư sản, hủ hóa. Hồi đó phân biệt rõ ràng chứ không phải lẫn lộn trắng đen như bây giờ.
 
Loa không phải là tiếng ve sầu hay tiếng dế kêu một lần sau mỗi mùa hè đi qua, cũng không phải là thứ hoa nở chóng tàn hay đàn bà mãn kinh sau mỗi độ thu sang. Loa đã nâng từng nấc thang giá trị của đời sống tinh thần xã hội chủ nghĩa, trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam và trong dòng chảy lịch sử. Loa cũng không là thứ âm thanh đa chiều đến ô tạp làm che lấp đi tiếng nói ngọt ngào, trong trẻo của lòng lạc quan yêu đời, tinh thần đấu tranh cách mạng. Loa đã tạo ra thành trì chữ nghĩa, lời ca bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước. Dù gần đây, những kẻ âm mưu diễn biến hòa bình đã cố tình dẹp loa để chúng to mồm chống phá, xuyên tạc chủ nghĩa xã hội, nhưng loa vẫn là nốt trầm đặc biệt của cuộc sống. Loa phường sống mãi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta.
 
Chính để mất loa phường mà giai cấp tư sản mọc lên như nấm độc. Nhà riêng, đất riêng, tivi riêng, cái gì cũng riêng tư.
 
Tôi hưởng ứng khôi phục lại loa phường, trước tiên là tại thủ đô, trái tim của đất nước. Để tuyên truyền chủ nghĩa xã hội. Để trấn áp các thế lực thù địch, phản động. Để những người như tôi hồi xuân, về lại với thiên đường đã bị đánh mất.
 
Vả lại dân Hà Nội sau ngàn năm văn vật đã thành ôn vật, ngày nào cũng chửi nhau, chửi đểu, chửi cay nghiệt, rất cần loa với tiếng hát át tiếng chửi.
 
Nếu ngân sách hạn hẹp thì ưu tiên gắn loa vào từng nhà cán bộ lãnh đạo trước. Lắp luôn cái kẻng cho mỗi tổ dân phố. Và nếu cần, khôi phục luôn phong trào phân bắc phân xanh, nhà nhà đi "dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá... ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ". Cán bộ làm trước, làng nước theo sau!
 
Hà Nội là trái tim của đất nước. Trái tim thì phải thao thức ngày đêm để truyền máu cho cả cơ thể đất nước. Không thể để trái tim đất nước ngừng đập!
 
Chu Mộng Long