Nỗi sợ hãi là xích xiềng của tự do

 
Có nhiều người, bằng cách này hay cách khác, nói với tôi về một nỗi sợ mà họ thường trực đến mức tự đe doạ mình. Nỗi sợ hãi đến từ phía ngoài do sự mường tượng về các trấn áp bằng đủ cách thức khiến họ luôn do dự trước các vấn đề.
Tôi đã nói nhiều lần về điều này. Và để ngắn gọn để giải thoát khỏi nỗi sợ ấy là mỗi người phải tự mình trưởng thành. Nỗi sợ hãi khiến những người trưởng thành trở thành bé mọn và mất đi khả năng tự chủ.
 
Nỗi sợ hại đã khiến cho các nô lệ không chỉ không cải thiện được chế độ nô lệ, nó còn làm cho họ lún sâu hơn vào các bi kịch ngày càng trầm trọng hơn. Nếu nỗi sợ hãi có thể giải quyết được vấn đề thì những nô lệ đã đứng vững với thân phận nô lệ của mình cho đến ngày nay và thế giới chẳng có thay đổi gì về mặt tổ chức xã hội.
 
Nói thêm về việc xuất bản những cuốn sách. Có những người tiếp nhận và nói một cách vô thức: cuốn này “nặng” lắm khi ngay chỉ mới đọc đến tiêu đề một cuốn sách được gửi tới bản thảo. Ý muốn nói tới mức độ bàn luận của nó là quá lớn (về phạm vi và hàm lượng) so với sự cấm đoán của chính quyền. Những tri thức nâng cao trí tuệ và phẩm chất con người nếu bị nhấn mạnh bằng trạng từ “nặng”, nó sẽ là thứ đè nặng lên số phận một dân tộc và khiến cho dân tộc ấy bị dìm xuống sâu hơn.
 
Nỗi sợ hãi đến từ bên trong, mặc dù nó được gây tác động từ phía ngoài vào bởi thực thể/đối tượng khác. Nhưng vì thế chỉ khi bản thân họ muốn và dùng khả năng nội tại của mình thì mới có thể thoát ra khỏi nỗi sợ hãi. Không có ai có thể làm cho họ hết sợ hãi ngoài chính bản thân họ thấy cần phải giải phóng mình khỏi xiềng xích của cảm trạng ấy.
 
Tự do đầu tiên luôn là tự do về mặt tâm lý của chính bản thân mình về nỗi sợ hãi. Tri thức luôn tự nó tìm thấy sức mạnh để khiến họ có thể chiến đấu với bất cứ thứ áp bức hay bất công nào khác. Nội tâm của chính mỗi chúng ta mới là trung tâm của sức mạnh về tự do. Không có thứ tự do nao được ban hát từ phía ngoài, nên chỉ khi trong chính họ thấu thẩm được tự do, tự họ sẽ thấy tự do là một phẩm chất tự thân nó tồn tại.
 
Mỗi người sẽ luôn đi vào sự nhận thức rằng, mất mát về những thứ hữu hình mới là mất mát quan trọng và thực tế hơn cả. Nhưng mất tự do mới là mất mát lớn nhất của con người. Tự do chính là nền tảng giá trị để quyết định một con người là con người. Nó chính là thứ để phân biệt chúng ta với các loài sinh vật trong tự nhiên, tự do của tinh thần dựa vào chủ động ý thức mới là phẩm chất của loài người, nơi đó lương tri (đạo đức) được nhận diện để định dạng chúng ta trước toàn thể.
 
Tự do khỏi nỗi sợ hãi đến từ đức tin nội tâm ngay trong bản thân mỗi người, nó sẽ được khơi dậy từ tính tôn giáo về một Đáng bề trên của từng cá thể. Mặc dù một kẻ không có đức tin về tôn giáo thì thường không biết sợ hãi, mà kẻ không biết sợ hãi thì không thể có tương lai.
 
Nhưng thoát khỏi nỗi sợ hãi là để làm chủ trước các phẩm chất của chính mình một cách có phạm vi, hoàn toàn không đồng nghĩa với kẻ không biết tới sợ hãi. Kẻ không biết sợ hãi là kẻ coi mình là bậc đứng ở vị trí cao nhất và vì thế sẽ không có điểm dừng về mức độ tàn ác khi hành động. Thoát khỏi nỗi sợ hãi là thoát khỏi sự bức áp từ kẻ tạo ra bất công để giành lấy lẽ công bình cho tất cả mà không ai được xâm phạm vào.